PDA

View Full Version : Đại Việt Sử Ký Toàn Thư



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 [27] 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63

VietLang
05-14-2007, 04:35 PM
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư

Quyển X

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Thái Tổ Cao Hoàng Đế

Vua họ Lê, tên húy là Lợi, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa1382 . Ở ngôi 6 năm, thọ 51 tuổi1383 , táng ở Vĩnh Lăng.

Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém.

Trước kia, tổ ba đời của vua tên húy là Hối, một hôm, đi chơi Lam Sơn, thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: "Đây chắc hẳn là chổ đất tốt", rồi dời nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, đời đời làm quân trưởng một phương. Hối sinh ra Đinh, nối được nghiệp nhà, có tới hơn 1 nghì tôi tớ, lấy vợ là Nguyễn Thị [1b] (tên húy là Quách), sinh được hai người con trai, con cả là Tòng, con thứ là Khoáng. Khoáng lấy vợ người Chủ Sơn (Chủ Sơn nay là Thủy Chú)1384 là Trịnh Thị (tên húy là Thương), đến năm Ất Sửu, tháng 8, ngày mồng 61385 sainh ra vua tại hương Chủ Sơn, huyện Lôi Dương1386 . Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hồ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường.

Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt nhân dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề,. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.

Trước đó, bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở Châu Hóa [2a] cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.

Vua từng bảo mọi người:

"Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn na8m về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược".

Phép dùng binh của vua là biết lấy mềm đánh cứng, lấy yếu thắng mạnh, cho nên phần nhiều đều dẫn tới thắng lợi. Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng, chưa từng giết lạm một người nào. Bắt được hơn 10 vạn viện binh của quân Minh, cũng đều tha cả. Vua kinh dinh thiên [2b] hạ tronh khoảnh 10 năm, dẹp yên loạn lớn và dựng nên nghiệp đế.

Mậu Tuất, [1418], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Thân, vua khởi binh ở Lam Sơn.

Trước đó, ngưòi Minh đã có lần trao quan chức để dụ dỗ, nhưng vua không chịu khuất phục, khảng khái, có chí lớn dẹp loạn. Vua từng nói:

"Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn naăm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?".

Thế rồi, dẫn đầu hào kiệt, dựng cờ nghĩa, thề diệt giặc Minh.

Ngày mồng 9 tháng ấy, bọn nội quan nhaà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn. Vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy1387 , đặt quân mai phục để chờ giặc.

Ngày 13, bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua (có sách chép là con vua, Minh sử chép là em vua) là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn [3a] 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh1388 .

Ngày 16, tên phản bội Ái (không rõ họ) đẫn đường cho giặc đi lối tắt, đánh úp đằng sau vua, bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Quân sĩ dần dần chán nản bỏ đi. Vua cùng bọn Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp bí mật nương náu ở trên núi1389 .

Tháng 2, vua hết lương, không còn gì nổi lửa. Gặp khi giặc lui quân, bèn về đắp thành đất ở Lam Sơn.

Tháng 3, đánh ra Mường Yên1390 , thu được hơn trăm người.

Mùa hạ, tháng 4, trước nhà Minh ra lệnh cho các phủ, huyện, châu nước ta trồng hồ tiêu, nay đã lên tốt, sai nội quan Lý Lượng sang thu về dùng. Từ đấy, quan lại đốc thúc bắt trồng, mỗi cây giống giá tới 5 quan tiền. Mùa thu, tháng 7, nhà Minh sai hành nhân Hạ Thanh, tiến sĩ Hạ [3b] thì sang thu lấy lại các loại sách ghi chép về sự tích xưa nay của nước ta.

Nhà Minh mở công trường mò ngọc trai, kiếm hương liệu, săn bắt chồn trắng, hươu trắng, voi trắng, tìm lùng rùa chín đuôi, chim đậu ngược, vượn bạc má, trăn, rắn... để dâng nộp.

Tháng 9, viên Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đem quân tới sùng lục. Và đặt quân mai phục ở Mường Một1391 , dùng tên thuốc độc bắn giặc chết và bị thương quá nửa. Bân thua rút quân về.

Nội quan nhà Minh là Thái giám Sơn Thọ đốc suất quân dân, vây núi Tam Trĩ, châu Tĩnh Yên1392 , săn được một con voi trắng, trên lưnmg có vằn đốm, dùng yên bạc thắng lên rồi sai Đô đốc Giang Hạo đưa về Yên Kinh, cho là điềm lành. Các ty trong ngoài dâng biểu chúc mừng.

Kỷ Hợi, [1419], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, nhà Minh sai giám sinh Đường Nghĩa sang ban các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Vi thiện âm chất, Hiếu thuận sự thực, cho [4a] nho học các phủ, châu, huyện. Sai tăng học truyền giảng kinh Phật tại Tăng đạo ty.

Lý Bân nhà Minh tâu xin Hộ bộ ban cấp hộ thiếp1393 cho Giao Chỉ, bắt châu huyện làm sổ thuế khóa phu dịch1394 và lên danh sách lý trưởng và giáp thủ1395 từng năm1396 . Đại để, cứ 110 hộ là một lý, mỗi năm cử 1 lý trưởng, 10 giáp thủ, để nhận các việc lao dịch, hết lược lại cử từ đầu. Người làm lý trưởng, giáp thủ bị roi vọt đánh đập khổ sở khôn xiết.

Mùa hạ, tháng 4, vua đánh đồn Nga Lạc1397 , bắt được viên thổ quan chỉ huy Nguyễn Sao, chém được 300 thủ cấp.

Tháng 5, vua đóng ở sách Đà Sơn1398 , quân Minh tiến đánh. Vua phục kích ở Mường Chánh1399 , cả phá quân giặc, rồi dời đến đóng quân ở sách Lư Sơn1400 , ít lâu sau, dời sang Mường Thôi1401 , rồi lại về đóng bản doanh ở Vu Sơn1402 .

Mùa thu, tháng 7, viên thổ quan Tri phủ Nghệ An là Phan Liêu vì bị bọn nội quan nhà Minh [4b] bức bách lấy vàng bạc, bèn dẫn quân bắt giết các quan do nhà Minh phái đến, rồi đem quân vây thành Nghệ An, sắp hạ được thành thì Lý Bân chợt đem quân đến. Liêu trốn sang Ai Lao. Bân đuổi tới châu Ngọc Ma1403 không kịp, lại quay về Nghệ An1404 , sửa sang thành trì, vỗ yên dân chúng.

Khi Bân đi đánh Liêu, có sai viên chỉ huy Lộ Văn Luật làm tiên phong1405 . Văn Luật đã đi, lại bị giữ lại bàn tính mưu kế, trong lòng hoài nghi, lo sợ, nên bỏ trốn đi. Bân bắt mẹ già, gia thuộc và anh em của Luật như Đồng tri châu châu Tam Đái là Văn Phỉ. Đồng tri châu phủ Trấn Man Phan Kiệt là anh họ của Liêu, nghe tin Liêu trốn đi, cũng đem cả nhà đi theo, nhưng chưa ra khõi cõi đã bị thắt cổ chết cùng với vợ.

Mùa đông, tháng 11, Trịnh Công Chứng và Lê Hanh ở Hạ Hồng1406 Phạm Thiện ở Tân Minh1407 , Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang thấy thành Đông Quan chỉ còn những quân lính ốm yếu, liền dấy [5a] quân tiến đánh. Quân đến Lô Giang, đánh phá được cầu phao, nhưng ít lâu sau, bị Lý Bân đánh bại, tan tác chạy dài.

Bấy giờ, chỗ nào cũng rối loạn, chỉ còn các xứ Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa là yên tĩnh như cũ1408 .

Canh Tý, [1420], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 18). Mùa xuân, tháng 2, Lý Bân từ Nghệ An trở về Đông Quan.

Mùa, hạ, tháng 4, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được.

Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm1409 . Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ.

Mùa hạ, tháng 6, nhà Minh sai Vinh Xương bá Trần Trí sang trấn giữ phủ Phụng Hóa.

Trần Thái Xung ở Đạo Hồi, Phạm Ngọc ở Đồ Sơn đều tụ quân nổi dậy, Bân đánh bại cả.

Nhà Minh lấy Hùng Tông Lỗ làm Giao Chỉ hữu tham nghị.

Tông Lỗ (người Tứ Xuyên) [5b] trước làm Tri phủ Tam Giang, bị Hoàng Phúc nhận xét là: "Hỏi đến vốn học thì chẳng biết gì, xét đến việc làm thì không có gì đáng kể, cả phủ chỉ một mình là nhất, nhưng suốt ba năm công việc chỉ nhờ người", sai đưa về Yên Kinh. Lại bộ dẫn lời nhận xét ấy, tâu xin giáng làm thương quan1410 . Vua Minh hỏi lý do, Lại bộ trả lời là trước đã từng Giang Tây tham nghị, Vua Minh nói: "Trưởng quan khó làm thì hãy cho trở về chức phó nhị". Vì thế mới đổi làm tham nghị. Khi tới nơi nhận chức, Tông Lỗ nói: "Trước đây đạn nhân xét tôi vào bậc dưới, nay tôi cũng được cùng ngồi một công đường với ngài". Đến năm Ất Tỵ, đời Hồng Hy (niên hiệu của Minh Nhân Tông), Tông Lỗ lại bị xét là hèn kém, mất chức, làm dân.

Người làng Tràng Kênh, huyện Thủy Đường1411 là Lê Ngã đổi họ tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đăt niên hiệu là Vĩnh Thiên.

Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, đã từng đi khắp bốn phương, đến đâu cũng được mọi người cung dưỡng. Ngã lại trá [6a] xưng là lính hầu của Mã Kỳ, đi doạ nạt các châu huyện làm kế nuôi thân. Thấy Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện đua nhau nổi dậy, Ngã bảo những người quan biết:

"Các anh có muốn giàu sang không? Ai muốn thì hãy theo ta!".

Đến huyện Đan Ba1412 , Lạng Sơn, Ngã trá xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông, từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đan Bá là Bế Thuấn đem con gái gả cho và lập làm vua. Trong khoảng mấy tuần một tháng, đã có vài vạn quân, hắn ra An Bang1413 chiếm trại Hồng Doanh. Sau khi Công Chứng, Phạm Ngọc bị thất bại, thì dư đảng của họ theo về với Ngã, số quân được đến mấy vạn người. Ngã tiếm xưng

tôn hiệu, dựng niên hiệu, đặt quan chức, đúc tiền, đốt thành Xương Giang1414 , cướp trại Bình Than. Có người biết hắn là Ngã cũng không dám nói. Thiên Lại đi gặp hắn, trở ra nói rằng:

"Nó là gia nô của ta, việc gì phải lạy nó".

Rồi dời thuyền trốn đi. Ngã đuổi theo nhưng không kịp. Thiên Lại gởi hịch cho các huyện gần đó, tự xưng là Hưng Vận quốc [6b] thượng hầu, đem quân đánh nhau với Ngã, bị Ngã giết chết, Lý Bân đem đại quân thủy bộ dến đánh. Ngã và Thuấn đang đêm bỏ trốn cả, không biết là đi đâu.

Tả tham chính Hầu Bảo giữ đồn Hoàng Giang1415 , bị Nguyễn Thuật, người Kiến Xương1416 đánh giết.

Mùa đông, tháng 10, vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng1417 chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh1418 , rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi.

Tên Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi. Vua phục kích chúng ở Thi Lang1419 . Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình.

Tháng 12, vua tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm1420 thuộc huyện Lỗi Giang, khiêu khích cho giặc ra đánh. Tướng giặc là bọn Đô ty Tạ Phương, Hoành Thành bỏ đồn Nga Lạc, về giữ trại Quan Du1421 để phòng [7a] bị cho thành Tây Đô, cố giữ không ra đánh. Vua ngày đêm dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để giặc mỏi mệt, rối loạn. Lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, cả phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Vua bèn chiêu tập nhân dân các xứ. Các huyện bên cạnh đều sôi nổi hưởng ứng, cùnh nhau tiến đánh và uy hiếp các đồn giặc.

Tam ty nhà Minhkhiến nghị rằng: Bọn quan lại, quân dân Giao Chỉ mắc tội từ tử hình trở xuống, xin đều cho chúng nộp thóc tùy theo mức độ để chuộc tội, lấy số thóc đó làm lương thực dự trữ nơi biên giới. Vua Minh nghe theo.

Năm ấy, Hoàng Phúc xin miễn việc bắt quan lại về chầu hầu, vì địa phương này chưa yên.

Tân Sửu, [1421], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh xây dựng xong điện Phụng Thiên ở Yên Kinh. Vua Minh ngự chính điện để các quan vào chầu, xuống chiếu cho các quan phủ, huyện, châu vào mừng.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, [7b] điện bị cháy, mới thôi.

Bắt đầu lấy những người thiến hoạn sung vào nội phủ.

Tháng 6, lộ Tam Giang lụt to. Có người bảo là (thủy thần) lấy gỗ chò đề dùng nên có tai họa đó.

Mùa thu, tháng 9, nước sông Đáy1422 , dâng tràn.

Tổng binh Lý Bân và nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên huyện Giáp Sơn, buộc Luận mạo nhận là Dương Cung để cho qua chiếu lệnh lùng bắt1423 , bắt đến cả gia thuộc Luận là bọn Phạm Xã giải về Yên Kinh.

Tri huyện Dặc Khiêm nhận thực không phải là tên Cung. Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng:

"Mọi người đều cho là đúng, chỉ riêng ngươi bảo không phải là làm sao?". Khiêm nói:

"Ai ra ngoài mà chẳng phải ra cửa ngõ?"1424 .

Bân cho giải cả Khiêm và Luận về Yên Kinh, giao xuống cho pháp ty xét hỏi. Khiêm suýt nữa bị tội, vì có người anh đánh trống đăng văn1425 khiếu oan nên được miễn tội. Sau thăng dần đến chức Hữu bố chính sứ nước ta. Gia thuộc của Luận cuối cùng bị chết [8a] trong ngục.

Mùa đông, tháng 11, ngày 20, tham tướng nhà Minh là Trần Trí đem quân các vệ Giao Châu cùng ngụy binh, gồm hơn 10 vạn tên đánh sát đến ải Kính (có sách chép là Kình) Lộng1426 , sách Ba Lẫm. Vua họp các tướng bàn rằng:

"Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng".

Đến đêm, vua chia quân đánh úp doanh trại giặc. Quân ta đánh trống reo hò xông tới, phá được bốn doanh trại giặc, chém được hơn ngàn thủ cấp. Sau Trí khinh vua ít quân, lại phá núi mở đường để tiến đánh. Vua ngầm phục kích ở đèo Ống1427 để đợi giặc. Đến trưa, Trí quả nhiên đem quân đi theo đường núi đến. Quân phục hai bên xông ra, đánh bại giặc. Quân Trí phải rút.

Nhưng đúng lúc ấy. Ai Lao đem 3 vạn quân và 100 thớt voi1428 thình lình tới doanh trại của vua phao tin là cùng hợp sức với vua để đánh [8b] giặc. Vua tin lời họ, không phòng bị. Đến nửa đêm, bị họ đánh úp. Vua phải đích thân đốc chiến, suốt từ giờ Tý đến giờ Mão, đánh tan bọn Ai Lao, chém hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được 14 con voi, thừ thắng truy kích liền 4 ngày đêm, đuổi đến tận sào huyệt của bọn chúng rồi về.

Tháng 12, vua tiến ra đóng quân ở Sách Thủy1429 .

Tù trưởng Ai Lao Là Mãn Sát đã cùng quẫn, muốn vua hoãn đánh để đợi viện binh, mới giả vờ xin hòa. Vua biềt đó là mưu kế xảo quyệt, không cho. Các tường cố xin cho hoà, nói là quân lính khó nhọc đã lâu, nên cho nghỉ ngơi môt chút. Chỉ có Bình chươngLê Thạch cho là không thể cho giặc giải hòa, liền tự cho mình hăng hái xông lên trước, chẳng may trúng phải chông ngầm mà chết.

Thạch là con người anh của vua. Vua thuở ấu thơ, được vua nuôi nấng nên ngài yêu Thạch hơn cả con mình. Thạch tính người nhân ái, ham đọc sách, khoẻ mạnh, dũng cảm, yêu mến quân sĩ, vua từng sai chỉ huy quân tiên phong, đánh đâu thắng đấy. Đáng tiếc Thạch dũng cảm nhưng kém [9a] mưu. Đến đây chết, vua rất thương xót.

Trước đây, vua vốn hòa hiếu với Ai Lao, chưa từng có hấn khích gì. Khi vua cầm cự với giặc tại sách Lư Sơn, Ai Lao từng cho quân sang cứu viện. Đến khi tên ngụy quan Lộ Văn Luật trốn giặc sang Ai Lao, sợ uy danh vua, thêu dệt gây nên hiềm khích, nên mới đến nỗi thế.

Phương Chính và Hoàng Phúc nhà Minh cùng với bọn Tổng binh, Tam ty và Trấn thủ Trần Hiệp bàn định rằng: những viên văn võ thổ quan nào có kêu xin việc gì thì mượn cớ đã đủ hạn khảo khóa, sai về Yên Kinh làm việc công để an trí tại đó.

Nhâm Dần, [1422], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 20). Mùa xuân, ngày mồng 1, nhật thực.

Tháng 2, viên Tổng binhnhà Minh là Phong Thành hầu Lý Bân bị bệnh nhọt chết.

Mùa đông, tháng 12, vua tiến quân đóng ở Quan Da. Ai Lao lạin với quân Minh đánh vào trước mặt và sau lưng quân ta, nhiều người chết và bị thương. Vua bèn bí mật lui về [9b] sách Khôi1430 . Mới được 7 ngày, giặc Minh lại đem đại binh đến vây. Vua bảo các tướng sĩ:

"Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là "tử địa"1431 mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết".

Vua nói xong chảy nước mắt. Các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến.

Bọn Lê Lĩnh, Lê Vấn, Lê Hào, Lê Triện xông lên trước phá trận, chém được tham tướng Minh là Phùng Quý và hơn nghìn thủ cấp giặc, bắt được trăm con ngựa. Mã Kỳ và Trần Trí chỉ thoát được thân mình chạy về Đông Quan, quân Ai Lao cũng bỏ trốn.

Vua đem quân về đóng ở núi Chi Linh. Quân lính hết lương, hơn hai tháng, chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Vua giết 4 con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ. Song thỉnh thoảng vẫn có kẻ bỏ trốn. Vua bèn cấm giữ nghiêm ngặt, bắt được kẻ nào bỏ trốn thì chém, để rao cho mọi người biết. Quân lính lại nghiêm [10a] túc như trước.

Bấy giờ, do trải nhiều phen hoạn nạn, quân lính đã mỏi mệt, muốn được nghỉ ngơi, đều khuyên vua giảng hòa với giặc. Vua bắt đắc dĩ phải vờ hòa hiếu với bọn tướng giặc Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, để yên lòng quân. Sai bề tôi thân thích là bọn Lê Vận, Lê Trăn đi giảng hòa.

Nhà Minh sai nội quan cùng Hộ bộ chủ sự Mã Minh kiễm kê tiền bạc và lương thực chứa trong kho các phủ, châu, huyện. Đồng thời, sai An Bình bá Lý An và Trần Trí, đều giữ chức tham quan để trấn trị đất này.

Quý Mão, [1423], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 21). Mùa hạ, tháng 4, ngày 14, vua lại đem quân về Lam Sơn.

Bọn tham tướng Trần Trí, nội quan Sơn Thọ nhà Minh đưa biếu vua nhiều trâu ngựa, cá muối cùng thóc giống và nông cụ để dụ dỗ. Vua cũng sai bọn Trăn đưa tặng vàng bạc để đáp lễ, nhưng vẫn bí mật [10b] phòng bị. Bọn Trí biết ý định của vua bề ngoài giả cách thân thiện, nhưng bên trong thì ngầm mưu đánh úp, liền bắt giữ bọn Trăn không cho về. Vua nổi giận, cắt đứt giảng hòa. Các tướng sĩ cũng sôi sục căm thù, đều thề xin liều chết quyết chiến.

Bọn quan lại ở nước ta lại phải [sang Yên Kinh] làm lễ chầu hầu và dâng sổ tu tri1432 . Nơi nào chỉ có một viên lưu quan1433 và có thổ quan thì sai viên lưu quan đi, lấy viên quan khác đến thay. Những viên lưu quan đều bị xét hỏi, xong việc thì được trở về chức cũ, chỉ có bọn thổ quan, thổ lại thì thả về ngay.

Mùa đông, tháng 11, ngày 21, hoàng tử Nguyên Long sinh.

Giáp Thìn, [1424], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 22). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Minh ra lệnh khai thác mỏ bạc. Trước đó, chỉ khai thác mỏ vàng. Đến đây, ra lệnh khai thác mỏ bạc, nhưng chưa làm lại thôi.

Mùa thu, tháng 7, vua Minh thân hành đi đánh giặc Hồ1434 , đem quân về đến sông Du Mộc1435 thì ốm nặng, để di mệnh truyền ngôi cho hoàng thái tử. Ngày Tân Mão 18, vua Minh băng, nhưng giữ kín, đưa về đến Yên Kinh mới phát tang, thọ 65 tuổi, táng ở Trường Lăng, miếu hiệu [11a] Thành Tổ, tên thuỵ là Văn Hoàng Đế.

Mùa thu, tháng 8, ngày 15, thái tử nhà Minh Cao Xí lên ngôi, đổi niên hiệu là Hồng Hy, đại xá. Tờ chiếu viết:

"Trẫm nghĩ, trời sinh ra dân, liền lập ra vua chúa để yêu nuôi muôn triệu người cho đến cõi thái hòa, để thống trị Hoa Di, để cùng đạt tới phồn vinh thịnh vượng. Tiên hoàng ta vâng mệnh trời vỗ yên đất nước, trị hóa cao hơn cả trăm vua, văn đức vũ công, thanh giáo ban ra khắp bốn biển. Mới đây, vì biên cương báo động, cần phải xa giá thân chinh; đến khi quân về, đỗng đâu Đỉnh Hồ1436 xa khuất.

Ngài để lại di mệnh đem ngôi báu trao cho kẻ ít đức này. Đương lúc đau thương khôn xiết, đâu dám vội nguôi mà tuân theo lệnh. Nhưng các tôn thân, công hầu bá, phò mã, các quan văn võ, nhân dân, kỳ lão và các sứ thần triều cống của tứ di1437 đều cúi đầu dưới cửa khuyết, dâng biểu khuyên lên ngôi, cho là ngôi trời không thể bỏ trống lâu ngày, sinh dân không thể [11b] không có người đứng chủ, mà con trưởng đích nối giữ đại thống là đạo vĩnh hằng của nhà nước. Lời tâu bày đền hai ba lần, lòng thành khẩn xiết bao giải tỏa.

Cho nên, ta trên tuân lệnh theo di mệnh, dưới thể lòng mọi người, ngày 15 tháng 8 đã kính cáo trời đất, tông miếu, xã tắc, lên ngôi hoàng đế, để đón phúc lớn của tông miếu, để nhờ mưu xa của thánh thần. Nay nhân buổi mới lên ngôi, ban mệnh đổi mới, lấy sang năm làm năm Hồng Hy thứ nhất, còn các việc nên làm, nêu rõ như sau:

"Những việc như lấy vàng bạc, tìm hương liệu ở Giao Chỉ đều đình chỉ hết. Các quan viên trong ngoài sai đi trông coi, hạn trong 10 ngày phải lên đường về kinh, không được kiếm cớ ở chậm lại mà ngược hại nhân dân. Ôi! vua tôi cùng một dạ, thương dân cốt ở khoan hồng, thưởng phạt có phép thường, trị nước trước phải minh tín. Những mong các hiền tài [12a] giúp việc văn võ, các quan chức giỏi giang trong ngoài hết lòng trung trinh, giúp chỗ thiếu sót để nối nghiệp lớn. Cho nền quốc gia hưng thịnh mãi mãi, để ban ân huệ tới khắp dân đen, để mở rộng phúc trị bình cho mọi nơi trong cõi".

Các nha môn lớn nhỏ ở nước ta sai quan đem lễ vật sang tế lễ vá chúc mừng.

Mùa thu, tháng 9, ngày 20, vua chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng1438 , phá được đồn này. Tham chính nhà Minh là Lương Nhữ Hốt chỉ chạy thoát được thân mình, ta thu hết khí giới, đốt phá đồn giặc.

Đô chỉ huy sứ nhà Minh Nguyễn Suất Anh1439 đem quân đến cứu viện, nhưng đồn đã mất. Anh chưng hửng, không chổ bấu víu, vua lại đánh bại chúng. Anh chạy vào thành Tây Đô. Vợ con của Anh bị ta bắt được, vua đều tha cho về cả.

Nhà Minh cho gọi Công bộ thượng thư nắm việc hai ty Bố chính và Án sát ở Giao Chỉ là Hoàng Phúc về nước. Tờ sắc viết:

"Khanh là bậc lão thành của nước, khó nhọc lâu ở ngoài, trẫm mong nhớ khôn khuây, muốn được trông thấy [12b] mặt ngay. Thấy sắc tới thì khanh đi trạm mau về kinh để thỏa lòng trẫm mong đợi. Còn vợ con thì sai phu trạm đưa về sau".

Nhà Minh lấy Binh bộ thượng thư Trần Hiệp sang trấn giữ, kiêm coi việc hai ty Bố chính, Án sát và giúp đỡ việc quân chính cho tổng nhung.

Hiệp người phủ Thường Châu, tỉnh Trực Lệ, trước kia làm Đại lý thiếu khanh. Năm Bính Tuất, Khai Đại năm thứ 4 đời Hồ(1406), vận chuyển lương thực đi theo quân Minh, đến năm Kỷ Sửu, Hưng Khánh năm thứ 3 (1409), Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn bại trận bị chết ở bến Bô Cô, điều Hiệp làm Thị lang quản sự, khi bình được châu Hóa, được thăng làm Binh bộ thượng thư.

Hoàng Phúc được gọi về, có tâu xin bảo cử các thổ hào làm quan như phụ đạo Bình Nguyên là Hoàng Ngân Phong, con Tri phủ Đỗ Hy Vọng là Đỗ Cử, con Diêm vận đồng tri Thân Bí Quyết là Bá Tuân. Lại tâu rằng:

"Các thổ lại vẫn quyến luyến quê hương, nếu khoan dung cho chúng thì trái với [13a] phép tắc đã quy định, nếu gò bó chúng thì phần nhiều đều bỏ trốn, đến khi lùng bắt thì chúng quay lại giúp đỡ giặc cướp. Xin xuống chiếu cho Vân Nam để những tên suốt đời làm lại thì chuyển cho làm việc ở các nha môn".

Vua Minh nghe theo.

Vua chọn đinh tráng, sửa khí giới, rèn bộ ngũ, chứa sẳn lương khô, tiến thẳng vào Nghệ An.

Khi qua núi Bồ Lạp (có sách chép là xứ Bồ Cứ) thuộc châu Quỳ1440 , thì gặp tên Chỉ huy đồng tri nhà Minh là Sư Hựu cùng viên thổ quan là Tri phủ châu Trà Lân Cầm Bành đem 5.000 quân đón ở phía trước, lại có các tướng Minh Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc đem quân tiếp đến uy hiếp mặt sau.

Trời sắp tối, vua bèn phục sẵn binh tướng trong rừng. Bọn Phương Chính đến, vua tung quân ra đánh. Quân Minh tan vỡ lớn. Ta chém được Đô ty Trần Trung và hơn hai nghìn thủ cấp quân giặc, bắt được hơn một trăm cổ ngựa. Quân Minh tháo chạy.

Hôm sau, quân ta tiến đến trang Trịnh Sơn1441 , châuTrà Lân1442 , [13b] gặp Sư Hựu ở đó, lại cả phá chúng, chém được thiên hộ Trương Bản và hơn nghìn quân giặc. Hựu chỉ chạy thoát thân mình. Vua dẫn quân đến sách Mộc. Bọn Trần Trí đuổi theo đến núi Trạm Hoàng, nhưng vì đã nhiều phen bị thua đau, không dám tiến sâu, lui về giữ thành Nghệ An.

Mùa đông, tháng 11, vua sai người chiêu dụ Cầm Bành. Bành cự tuyệt không theo, mình hắn cùng với hơn ngàn quân lên dựng rào lũy trên đỉnh núi để đón quân cứu viện. Vua đem quân tới bao vây.

Tháng 12, Sơn Thọ nhà Minh sai Nguyễn Sĩ đưa trả Lê Trăn để cầu hòa.

Bọn Phương Chính, Sơn Thọ đến Nghệ An, muốn cứu Cầm Bành nhưng không dám tiến quân, bèn sai người đem thư xin vua giải vây cho Bành.

Bấy giờ, Cầm Bành cố thủ, vây đã hơn một tháng chưa lấy được, lại nghe tin quân cứu viện tới. Vua gọi các tướng lên bảo rằng:

"Cầm Bành đang nguy khốn, bọn Chính đáng lẽ phải cấp tốc cứu viện, nay lại dùng dằng, hẳn là có ý lo sợ. Chi bằng ta [14a] giả cách cho hòa để xem tình thế ra sao, tin đi tin lại mất hàng tuần hàng tháng, thì Cầm Bành lúc ấy chắc đã bị bắt rồi".

Vua bèn viết thư để trên bè cho thuận dòng trôi xuống. Trong thư vua nói thác là vẫn muốn theo lời thỉnh cầu của họ, trở về Thanh Hóa. Nhưng lại bị Cầm Bành chặn đường, nếu có lòng thương thì xin cho một người tạm đến hòa giải để thông đường về.

Bọn Chính nhận được thư, sai Trần Đức Nhị chạy đến bảo Cầm Bành hòa giải, Cầm Bành biết là viện binh không đến, mở cửa thành ra hàng, Châu Trà Lân đã dẹp yên. Vua ra lệnh cho quân rằng:

"Cầm Bành đã đầu hàng, chớ có mảy may xâm phạm, tha tội cho tất cả, không được giết một người nào". (Sau Cầm Bành mưu phản, vua giết chết).

Vua vỗ về an ủi các bộ lạc, khao thưởng các tù trưởng. Tuyển chọn đinh tráng bổ sung quân ngũ được 5 nghìn người, thế quân càng mạnh. Quân tin nghe tin Cầm Bành đã hàng, liền quay lại đánh trại Trà Lân. Vua lại đánh phá được.

Vua muốm đánh thành Nghệ An, [14b] nhưng chưa biết tình thế ra sao. Gặp khi vua Minh mới lên ngôi, sai nội quan Sơn Thọ dùng lời lẽ quỷ quyệt để dụ dỗ vua. Vua biết dụng ý của chúng liền nói:

"Giặc sai ngươi đến lừa ta, ta nhân chỗ sơ hở của chúng mà lừa lại, chính là dịp này đây".

Rồi lại trao đổi đi lại với giặc, trinh sát tình hình của chúng để mưu đánh úp thành Nghệ An. Bọn Thọ biết là mưu kế của chúng không đánh lừa nổi, mới lại đoạn tuyệt không cho sứ đi lại nữa.

Bấy giờ vua chấn chỉnh binh tượng, tiến quân bao vây thành Nghệ An. Quân sắp đi, vừa lúc có tin báo quân Minh đã sắp đặt voi ngựa, thuyền bè, tiến quân cả hai đường thủy và bộ, định ngày mai sẽ tới. Vua chia hơn 1.000 quân, cho bọn Lê Liệt đi đường tắt đóng giữ huyện Đỗ Gia1443 . Vua đích thân chỉ huy đại quân giữ chổ hiểm yếu để chúng.

Được ba bốn hôm, quân Minh quả nhiên đến quán Lậu và cửa Khả Lưu1444 , bày doanh trại ở hạ lưu. Vua ở thượng lưu, ban ngày dựng cờ đánh trống, ban đêm thì đốt lửa sáng trưng. Nhưng ngầm sai binh tượng [15a] vượt sông, phục sẵn ở chổ hiểm yếu. Trời gần sáng, giặc liền đem quân đến đánh dinh vua. Vua giả vờ rút lui, dẫn giặc tới chổ có quân mai phục. Giặc không để ý, đem quân tiến vào sâu, quân mai phục bốn mặt nổi dậy, xông ra đánh phá. Quân giặc bị chém đầu và chết đuối tới hàng vạn tên.

Hôm sau, giặc liền dựa vào thế núi, đắp hào lũy để ở, không ra đánh nữa.

Bấy giờ lương thực của giặc có rất nhiều mà quân của vua thì không đủ lương ăn cho 10 ngày. Vua nói với tướng sĩ:

"Giặc cậy có nhiều lương, cố thủ để làm kế lâu dài, ta lương ít không thể cầm cự dài ngày với giặc".

Rồi đốt cháy doanh trại, ngược dòng sông giả cách trốn đi, nhưng lại ngầm đi đường tắt trở về, đợi giặc đến thì đánh. QUân Minh cho là vua đã chạy, mừng lắm, bèn tiến quân vào đóng ở doanh trại cũ của vua, lên núi đắp lũy.

Ngày hôm sau, vua cho quân tinh nhuệ ra khiêu chiến. Giặc đem quân ra ngoài lũy để đánh. Vua phục sẵn ở Bồ Ải1445 , giữa nơi hiểm yếu. Giặc lại không ngờ tới, đem hết [15b] quân ra đánh. Vua bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông

Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An tranh nhau nên trước phá quân giặc, chém đầu giặc không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi. Ta bắt sống Đô ty Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Đô ty Hoành Thành, bắt sống hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Vua thừa thắng đuồi dài suốt 3 ngày, đến tận dưới chân thành. Bọn Trí vào thành cố thủ.

Nhà Minh sai Cẩm y vệ xá nhân sang bắt bọn Phương Chính và Sư Hựu về kinh, vì bị thua trận ở châu Trà Lân. Hựu đi đến giữa đường uống thuốc độc chết, Phương Chính vẫn được làm Đô đốc đồng tri, gia chức tham tướng.

Nhà Minh ra lệnh cho bọn Mã Kỳ lại [16a] sang lấy vàng bạc, châu báu và hương liệu.

Ất Tỵ, [1425], (Minh Nhân Tông Cao Xí Hồng Hy năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, vua đem quân đến hương Đa Lôi1446 , huyện Thổ Du, trấn Nghệ An. Già trẻ tranh nhau đem trầu rượu đến đón và khao quân. Mọi người đều nói: "Không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ".

Tri phủ châu Ngọc Ma là Cầm Quý đem hơn 8.000 quân và hơn 10 con voi đến theo giúp. Vua ra lệnh cho các tướng rằng:

"Dân chúng khổ về chính sách bạo ngược của giặc đã lâu rồi. Những châu huyện nào chúng ta đi tới, không được mảy may xâm phạm của dân. Nếu không phải là trâu bò, thóc lúa của bọn nguỵ quan, thì dẫu đói khát khốn khó đến đâu cũng không được lấy bậy".

Mọi người đều tuân lệnh.

Bấy giờ, quân lính đã ba ngày chưa được ăn mà vẫn không có ai vi phạm lệnh đó. Dân thấy pháp lệnh đã được ban ra và thi hành nghiêm ngặt như vậy, liền đem hết trâu bò, thóc lúa của giặc Minh cấp cho quân lính. Bấy giờ, vua chia quân đi lấy lại đất đai các nơi. Dến châu huyện nào, người ta đều nghe tiếng mà quy phục, cùng [16b] nhau hợp sức vây đánh thành Nghệ An. Giặc cố thủ không dám ra nữa. Thế là đất Nghệ An đều về ta cả.

Vua huấn luyện tướng sĩ, sửa chữa chữa vũ khí, chưa đầy 10 ngày, chiến cụ đã đầy đủ cả. Bèn duyệt võ nghệ, dạy cho binh sĩ phép ngồi, đứng, đánh, đâm, chỉ bảo các thế kỳ, chính, phân, hợp, cho họ biết hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu cờ. Kỷ luật quân đội đã nghiêm chỉnh, tinh thần binh sĩ càng tăng thêm. Thưởng phạt thi hành, nên quân lính gan dạ quyết chiến. Nhân dân trong vùng đều dắt díu nhau tới, đông vui như đi chợ. Vua vỗ về phủ dụ, mọi người đều hân hoan vui vẻ.

Mùa hạ, tháng 4, Tham tướng nhà Minh là An Bình bá Lý An đem thủy quân từ thành Đông Quan đến cứu. Vua đoán là Trần Trí bị cùng quẫn lâu ngày, thấy quân cứu viện đến, tất mở cửa thành ra đánh, bèn dời quân tới đóng ở huyện Đỗ Gia, đào cửa sông, phục quân trên bờ sông đợi quân giặc đến [17a] để đánh.

Ngày 17, bọn Trí đem hết quân ra đánh trại Lê Thiệt. Đợi quân của Trí sang một nửa, quân mai phục liền nổi dậy đánh tan, chém hơn ngàn thủ cấp giặc, bọn chết đuối cũng rất nhiều. Từ đó, giặc càng sợ hãi, đắp thên hào lũy gắng sức cố thủ.

Tháng 5, vua sai Tư không Lê Lễ (Lễ là cháu gọi vua bằng cậu, vốn họ Đinh, được ban họ Lê) đi tuần ở Diễn Châu1447 . Lễ đặt phục binh trước. Quân Minh không biết. Gặp khi Đô ty Trương Hùng của nhà Minh đem hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ Đông Quan đến. Trong thành mừng lắm, tranh nhau mở cửa thành ra đón. Quân phục thình lình nổi dậy, chém viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân giặc. Hùng tháo chạy, Lễ cướp lấy thuyền lương rồi đuổi theo, vừa đi vừa đánh, đến tận thành Tây Đô.

Bấy giờ, giặc đều đến cứu thành Nghệ An, vua đoán lá các thành Tây Đô đều đã suy yếu, liền chọn 200 quân tinh nhuệ, [17b] 2 thớt voi, sai bọn Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bị đi gấp

theo đường đất đánh úp thành Tây Đô1448 , chém được hơn 500 thủ cấp giặc, bắt sống được rất nhiều. Quân Minh đóng cửa thành cố thủ. Dân cư ngoài thành, bọn Lê Triện đều phủ dụ được cả. Bấy giờ người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc. Bèn bao vây thành đó.

Vua Minh băng, thọ 48 tuổi, miếu hiệu là Nhân Tông. Thái tử Minh là Chiêm Cơ lên ngôi, đổi niên hiệu là Tuyên Đức, tức là Tuyên Tông. Các quan phương diện và phủ, huyện, châu về chầu mừng.

Mùa thu, tháng 7, vua dự đoán thành giặc ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô, bảo các tướng:

"Người làm tướng giỏi ngày xưa bỏ chỗ rắn đánh chỗ mền, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, như thế chỉ dùng một nữa sức mà nên công gấp đôi".

Bèn sai Tư đồ Trần Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ [18a] báo cho bọn Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và 1 thới voi ra đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ nhân dân.

Đến sông Bố Chính1449 thì gặp giặc Minh, bọn Hãn đưa quân vào chỗ hiểm yếu, bí mật mai phục ở Hà Khương để nhử giặc. Tướng Minh là Nhậm Năng đem hết quân tiến vào. Bọn Hãn hợp binh tượng còn lại để đánh rồi giả cách thua chạy. Năng đuổi theo, quân mai phục đánh kẹp hai bên, giặc Minh tan vỡ, bị chém đầu và chết đuối rất nhiều.

Bấy giờ, quân của Hãn và Nỗ có ít mà quân giặc còn rất đông, đã sai người báo gấp và xin thêm quân từ trước. Vua sai tiếp bọn Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền chiến vượt biển đến thẳng chổ đó. Đến khi được tin thắng trân của Nỗ, liền thừa thắng đánh vào các xứ ở Tân Bình1450 , Thuận Hóa1451 . Quân và dân các nơi bị giặc chiếm đều quy thuận. Quân Minh vào thành cố thủ. Thế là Thuận Hóa, Tân Bình đều thuộc về ta cả. Các tướng say tôn [18b] vua là "Đại thiên hành hóa"1452 . Từ đó, các mệnh lệnh, dụ văn, phần nhiều lấy bốn chữ ấy để xưng.

Bính Ngọ, [1426], (Minh Tuyên Tông Chiên Cơ, Tuyên Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, Lễ bộ nhà Minh hạ lệnh mở khoa thi hương để chọn học trò. Tổng binh và hai ty Bố chính và Án sát xin tạm ngừng. Lại xin miễn lễ chầu hầu sang năm vì địa phương chưa yên.

Mùa hạ, tháng 5, vua Minh xuống chiếu rằng:

"Đạo lý thống trị cốt ở yên dân, lòng nhân xót thương, cũng nên tha tội. Giao Chỉ từ khi sáp nhập vào bản đồ dến nay đã hai mươi năm, nhiều lần gây chuyện phản nghịch, phải huy động tới quân của nhà vua. Nhưng ghét chết, thích sống, lòng người không ai khác ai, lội nước vào lửa, bản tâm có ai muốn thế. Xét kỹ duyên do, đều bởi người có chức trách đã không biết cách vỗ về, lại còn cướp bóc không hề biết chán. Tình cảnh kẻ dưới không thấu lên trên, ơn trạch người trên không thấm xuống dưới. Đến nỗi dân chúng khốn khổ, nảy lòng nghi ngờ, trốn vào núi rừng, họp nhau làm loạn. Xét thực tình đều là do bất đắc [19a] dĩ, nên xử tội cũng đáng được xót thương. Vậy ban ơn mưa móc, cho đều được thấm nhuần. Những quan lại và quân dân Giao Chỉ mắc tội phản nghịch và các tội khác, đã bị phát giác hay chưa bị phát giác, đã được xét xử hay chưa được xét xử, kể từ ngày chiếu thư này ban ra, không kể là tội lớn hay tội nhỏ, đều tha cho cả. Quân và dân đất Giao Chỉ, nhoài việc nộp tiền thuế và lương thực ra, các khoản trưng thu khác, cùng những việc đổi lấy vàng bạc, tiền đồng, muối, sắt, hương liệu, thuế cá... đều lập tức đình chỉ cả, cho phép được trao đổi ở trong hạt với nhau, quan phủ kkông được cấm, làm như vậy để tỏ lòng thương dân của trẫm".

Mùa hạ, tháng 6, có người đàn bà nghèo hèn ở trang Phao, huyện Đáy Giang mắc bệnh hủi, bị chồng ruồng bỏ. Bỗng một hôm mụ gặp một cụ già trên đường trao cho một hòn đá nhỏ như quả trứng gà, bão mài nước bôi vào chổ loét thì khỏi ngay. Mụ làm theo như vậy, quả nhiên hỏi bệnh. Xa gần nghe tin, nhiều người đem tiền lụa đến xin chữa cho [19b]. Mụ ứng tiếp không xuể, chỉ lấy hòn đá mài nước mà cho, gọi là nước bồ tát. Người ta nối nhau trên đường, hỏi xin đã xin được nước đó chưa. Việc bị phát giác, cả người và đá đều bị bắt đưa về giữ lại ở Tam ty. Không bao lâu, quan quân tới, người đàn bà ấy mới được đưa về. Kẻ thức giả cho rằng đó là điềm Lê Thái Tổ lấy được nước.

Mùa thu, tháng 8, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở Nghệ An cả, các xứ Đông Đô của chúng nhất định suy yếu,bèn tăng thêm binh tượng, sai bọn Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện, Thái gám Lê Khả, Á hầu Lê Như Huân, Lê Bí đem hơn 3.000 quân 1 thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan1453 , Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng1454 , Quy Hóa1455 , Đà Giang, Tam Đới1456 , Tuyên Quang để cắt đứt đường viện binh của giặc từ Vân Nam sang; bọn thái úy Lê Bị, Thái giám Lê Khuyển [20a] đem 2.000 quân và1 thớt voi đánh ra các xứ Khoái Châu1457 , Bắc Giang, LẠng Giang để chặn viện binh từ Lưỡng Quảng tới; bọn Tư không Lê Lễ và Lê Xí thì đem tinh binh tiến sau đaể phô trương thanh thế. Quân ta đi đến đâu, không mảy may xâm phạm của dân, chợ búa không thay đổi hàng quán. Vì thế, các lộ ở Đông Đô và các xứ phiên trấn, chỗ nào cũng vui mừng, tranh nhau mang trâu dê cơm rượu đến khao quân lính và đều hưởng ứng vây đánh các thành giặc. Quân Minh chỉ còn ngồi giữ để đợi viện binh mà thôi.

Ngày 12, bọn Triện đem 3.000 quân tiến sát đến thành Đông Quan.

Quân MInh thấy Triện mang quân trơ trọi từ xa tới, dốc hết quân ra đánh. Đến các xứ Ninh Kiều1458 thuộc Ứng Thiên (nay là Chương Đức) thì bọn Lê Triện, Lê Khà, Lê Bí dốc sức quyết chiến, phá tan quân giặc, chém được hơn 2.000 thủ cấp, rồi tiến quân đóng ở phía tây sông Ninh Giang1459 .

Tham tướng nhà Minh là Trần Trí cho là thành Đông Quan trơ trọi nguy hiểm [20b] mới đắp thêm lũy, đào thêm hào, làm kế cố thủ, lại gởi thư cho bọn Lý An, Phương Chính bảo bỏ thành Nghệ An về cứu đất căn bản1460 .

Tháng 9, ngày 17, bọn Lý An, Phương Chính bỏ thành Nghệ An, vượt biể chạy về ĐôngQuan, chỉ để Thái Phúc ở lại giữ thành Nghệ An. Vua tiến đánh phía ngoài thành, phá được.

Vua liệu tính thế giặc ngày một suy, quân ta ngày một mạnh, thời cơ đã đến mà không hành động ngay sợ lỡ mất cơ hội, liền để bọn Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng ở lại đóng dinh vây thành Nghệ An. Vua đích thân chỉ huy đại quân, ngày đêm đi theo đường thủy, đường bộ tiến gấp đuổi theo bọn An, Chính.

Khi đến thanh Tây Đô, vua đóng dinh ở Lỗi Giang, úy lạo tướng sĩ, ban thưởng bô lão trong làng và họ hàng cùng những người quen biết cũ theo thứ bậc khác nhau. Bấy giờ nhân dân các huyện nghe tin vua [21a] đến Thanh Hóa, đều hăng hái đến trước cửa quân, tình nguyện rong ruổi theo hầu để lập chút công lao.

Ngày 20, viên Đô ty Vương An Lão ở Vân NAm của nhà Minh đem hơn1vạn việnbinh đến cầu Xa Lộc1461 , lộ Tam Giang. Bọn Phạm Văn Xảo, Lê Khả đón đánh phá tan giặc, chém hơn 1.000 thủ cấp, giặc chết đuối rất nhiều. Quân giăc còn sót lại chạy vào thành Tam Giang.

Hôm ấy, Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở cầu Nhân Mục1462 , chém hơn một nghìn thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng1463 .

Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai bọn Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông và Tham tướng Mã Anh đem 5 vạn quân, 5 nghìn ngựa chia đường sang cứu viện các thành Đồng Đô. Một vạn quân Vân Nam tiến trước, thẳng đến Tam Giang1464 , thuận dòng mà xuống. Bọn Lê Khả nghe tin giặc [21b] đến, từ Ninh Kiều hành quân cấp tốc, gặp giặc ở cầu Xa Lộc, đón đánh bại quân giặc.

Ngày mồng 6, bọn Vương Thông nhà Minh đem các quân mới cũ gồm hơn 10 vạn tên, chia làm ba đường đánh vào quân ta.

Vương Thông từ Khâu Ôn tới, qua cầu Tây Dương1465 , đóng quân ở bến Cổ Sở1466 , làm cầu phao cho quân qua sông. Phương Chính tiến từ cầu Yên Quyết1467 , đóng quân ở cầu Sa Đôi1468 . Sơn Thọ và Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục, đóng quân ở cầu Thanh Oai1469 . Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận là bắt hết được quân ta.

Bọn Lê Triện, Lê Bí mai phục binh tượng ở đồng Cổ Lãm1470 , cho du binh nhử đánh vào doanh quân Thọ, Kỳ rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, khi qua bờ cầu Tam La1471 , chổ ấy ruộng nước, bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc bị sa lầy. Ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi tận đến cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài [22a] mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên. Bọn Triện định đánh chặn hậu doanh của Phương Chính, nhưng Chính đã rút đi rồi. Trời tối, bèn thu quân về.

Ngày mồng 7, bọn Lê Triện đánh Vương Thông ở các trại ngoài Cổ Sở.

Bấy giờ, giặc đã phục binh sẵn, đan tra làm lá chắn, bên trong gài chông sắt, giả cách vứt lá chắn bỏ chạy. Voi của ta giẫm lên, trúng phải chông sắt, quân ta thất lợi, phải tạm lui. Bọn Triện tự liệu không thể chặn được mới phá hủy doanh trại cũ, thu quân giữ nơi hiểm yếu, cáo cấp trước với bọn Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Xí.

Lúc ấy, bọn Lễ đã bí mật mai phục tinh binh ở Thanh Đàm1472 để đợi giặc, được tin báo của Triện, bèn đang đêm đem hơn 3 nghìn quân tinh nhuệ và 2 thớt voi đến dứu, hội quân ở Cao Bộ1473 , chia quân phục sẵn ở các chổ hiểm yếu. Nhân bắt được gián điệp của giặc, tra hỏi biết được giặc định đặt súng phía sau quân ta.

[22bb] Lễ và triện dùng luôn kế của giặc để đánh giặc, hạ lệnh cho các quân nghe tiếng súng nổ vẫn nằm im không được nhúc nhích. Giặc cho là không có quân, đi theo đường tắt tới, nổ súng rối đem toàn bộ quân tiến sâu vào.

Đến cách sông Yên Duyệt1474 vài dặm thì phụd binh ta ba mặt đều xông lên, hăng hái đánh vào các xứ Tốt Động1475 , Chúc Động1476 , phá tan quân giặc1477 , chém được thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và 5 vạn quân giặc. Giặc chết đuối rất nhiều, nước sông ở Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn. Bắt sống hơn 1 vạn tên giặc, thu được ngựa, quân tư, khí giới, xe cộ nhiều không kể xiết. Phương Chính theo đường bến Cổ Sở trốn về. BọnVương Thông, Mã Kỳ chỉ thoát được thân, chạy về thành Đông Quan.

Tin thắng trận báo về hành dinh ở Lỗi Giang. Bấy giờ, vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, hội các quân ở Hải Tây, nhận được thư báo thắng trận của bọn Lê Lễ, bèn đích thân dẫn đại quan [23a] và 20 thớt voi chia hai đường thủy, lục ngày đêm đi gấp.

Ngày 11, tới sông Lũng Giang1478 đóng dinh, các tướng tới đón mừng.

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

1382 Lam Sơn nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

1383 Theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn thì Lê Lợi thọ 49 tuổi. Lê Lợi sinh năm Ất Sửu (1385), mất năm Quý Sửu (1483) thì thọ 49 tuổi, như Đại Việt Thông Sử ghi là đúng.

1384 Chủ Sơn: tên hương, sau đổi là thôn Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

1385 Tức là ngày 19 tháng 9 năm 1385.

1386 Xem chú thích 3.

1387 Lạc Thủy: theo CMCB 13 thì Lạc Thủy thuộc huyện Cẩm Thủy sau này. Huyện Cẩm Thủy bấy giờ là huyện Lỗi Giang, ở phía hữu ngạn sông Mã, thuộc lưu vực sông Âm của huyện Lang Chánh ngày nay. Nhưng căn cứ vào địa bàn hoạt động của nghĩa quân năm này (1418), thì có lẽ Lạc Thủy ở đây là một địa điểm vùng thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn.

1388 Núi Chí Linh: tức là núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

1389 Tức núi Chí Linh.

1390 Mường Yên: tức là xã Yên Nhân, phía tây núi Pù Rinh (Chí Linh).

1391 Mường Một: hay Mường Mọt, sau là xã Bất Một, thuộc huyện Thường Xuân ngày nay.

1392 Châu Tĩnh Yên: thời thuộc Minh là đất tỉnh Quảnh Ninh ngày nay. Núi Tam Tri: tức núi Ba Chẽ.

1393 Hộ thiếp: như sổ hộ tịch, mỗi tấm hộ thiếp có ghi rõ họ tên, quê quán và số đinh trong mỗi hộ, có đánh số chữ ký hiệu và đóng một nửa phần dấu kiềm đề phòng khi khám nghiệm. Sổ hộ khẩu thì để ở Hộ bộ, còn hộ thiếp thì phát cho các hộ (theo Đại Minh hội điển).

1394 Nguyên văn: Phú dịch hoành sách, tức là quyển sách bìa vàng kê khai thuế khóa phu dịch. Theo Thông giám tập lãm, thì năm Hồng Vũ thứ 14 (1381) nhà Minh hạ chiếu bắt cả nước làm sổ "hoàng sách".

1395 Giáp thủ: là người đứng đầu một giáp (gồm 10 hộ), lý trưởng: người đứng đầu 1 lý (gồm 110 hộ).

1396 Nguyên văn: Lý trưởng, giáp thủ chu niên đồ dạng.

1397 Đồn Nga Lạc: ở gầnLam Sơn, thuộc vùng Bái Thượng ngày nay.

1398 Đà Sơn: tên sách, có lẽ cũng gần Lam Sơn.

1399 Mường Chánh (nguyên văn không có chữ "Mường"): huyện Lang Chánh sau này.

1400 Lư Sơn hay Lô Sơn: theo Thanh Hóa tỉnh chí thì Lư Sơn ở vùng giáp giới hai xã Trịnh Điện và Hựu Thủy thuộc châu Quan Hóa. Theo Đồng Khánh dư địa chí thì hai xã Trịnh Điện và Hựu Thủy thuộc tổng Hựu Thủy và động Lư Sơn là một danh thắng của châu Quan Hóa.

1401 Mường Thôi (nguyên văn không có chữ "Mường "): có lẽ là Man Xôi, ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp Lào.

1402 Vu Sơn: có lẽ là Lư Sơn.

1403 Châu Ngọc Ma: thời thuộc Minh là phủ Ngọc Ma, thời Lê thuộc Nghệ An, thời Nguyễn đổi làm phủ Trấn Định, gồm các huyện Cam Môn, Cam Cát, Cam Linh.

1404 Thành Nghệ An: tại núi Thành, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay.

1405 Lộ văn Luật: người huyện Thạch Thất, Hà Tây. Luật đầu hàng giặc, được giặc cho làm chỉ huy quân ở Nghệ An.

1406 Vùng phía nam tỉnh Hải Hưng ngày nay.

1407 Huyện Tân Minh sau đổi là Tiên Minh, nay là huyện Tiên Lăng, Hải Phòng.

1408 Thực ra các xứ đó vẫn còn những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, đặc biệt cuộc đấu tranh của "

1409 Phật Tích và An Sầm: là hai hang núi thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Núi Phật Tích: còn gọi là núi Sài Sơn hay núi Thầy.

1410 Thương quan: là chức quan trông coi kho tàng.

1411 Huyện Thủy Đường: nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

1412 Huyện Đan Ba: nay là huyện Đinh Lập, tỉnh Lạng Sơn.

1413 An Bang: là đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

1414 Thành Xương Giang: ở đất xã Thọ Vương, nay thuộc thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc.

1415 Đồn này ở ngã ba Tuần Vường tỉnh Nam Hà ngày nay.

1416 Kiến Xương: là vùng đất các huyện Vũ Thư, Kiến Xương tỉnh Thái Bình ngày nay.

1417 Bến Bổng: có lẽ nằm trên thượng lưu sông Chu.

1418 Mường Nanh: nay còn địa danh Mường Nang, tức là xã Thịnh Nang, huyện Lang Chánh. Mường Nanh có lẽ là đất ấy.

1419 Thi Lang: hay Bồ Thi Lang, là một địa điểm gần căn cứ của nghĩa quân lúc ấy.

1420 Ba Lẫm: tên sách, có lẽ là vùng Chiềng Lâm ở xã Điền Lư, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

1421 Quan Du: sau đổi là châu Quan Hóa, nay là huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

1422 Sông Đáy: tức sông Tiểu Đáy ở tỉnh Tuyên Quang, nay thuộc tỉnh Hà Tuyên.

1423 Dương Cung: tức là Lê Ngã, Lê Ngã nổi lên đánh phá giặc Minh, tin truyền về triều đình nhà Minh, vua Minh ra lệnh lùng bắt rất nghiêm ngặt, bọn Lý Bân phải bày ra mưu này cho qua chuyện.

1424 Ý nói mọi người đều cùng một duộc với Hoàng Phúc.

1425 Trống đăng văn: trống để ở điện đình, ai có việc oan khuất thì đánh lên, trình bày nỗi oan để được xét lại.

1426 Ải Kình Lộng: tức là Ải Cỗ Lũng sau này, thuộc huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa.

1427 Nguyên là núi Ứng ải, tức đèo Ống ở xã Thiết Ông, trên tả ngạn sông Mã.

1428 Đại Việt thông sử chép là 5 vạn quân và 100 thớt voi.

1429 Sách Thủy: bản dịch cũ cho là đất Hữu Thủy ở gần Lư Sơn.

1430 Sách Khôi: tức là Khôi huyện, thuộc trấn Thiên Quan, ở giữa hai huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

1431 "Tử Địa": tức là "đất chết", chỉ hoàn cảnh hiểm nghèo.

1432 Sổ tu tri: tức là sổ hộ tịch, ruộng đất, lương bổng của các nơi ở Giao Chỉ.

1433 Lưu quan: chỉ quan lại Trung Quốc do nhà Minh cử sang.

1434 Giặc Hồ: chỉ người Thát Đát A Lỗ Thái.

1435 Sông Du Mộc: ở huyện Đa Luận, tỉnh Sát Cáp Nhĩ.

1436 Đỉnh Hồ: theo truyền thuyết Trung Quốc: Hoàng đế đúc vạc ở chân núi Kinh Sơn, vạc đúc xong, liền cưỡi rồng bay đi. Chỗ ấy gọi là Đỉnh Hồ. Sau dùng chữ Đỉnh Hồ để chỉ vua chết.

1437 Tứ di: chỉ các nước xung quanh Trung Quốc hồi ấy.

1438 Đồn Đa Căng: có lẽ là Bất Căng, thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đồn này nằm trên hữu ngạn sông Chu.

1439 Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử chép là Nguyễn Hoa Anh.

1440 Bồ Lạp: là tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ, Bồ Đắng, là một ngọn núi ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương thường gọi là Bù Đờn và phía đông bắc có một bản nhỏ gọi là Bản Liệp. Vùng này nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

1441 Trang Trịnh Sơn: là Kẻ Trịnh, nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách thành Trà Lân (hay Trà Long) hơn 10 km.

1442 Châu Trà Lân: hay Trà Long, là đất huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay, đời Trần là đất Mật Châu, đời Nguyễn gọi là phủ Tương Dương.

1443 Đỗ Gia: nay là đất huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Gần xã Linh Cảm của huyện này có làng Đỗ Xá, có lẽ là nơi đóng quân của Lê Liệt.

1444 Khả Lưu: là tên một cửa ải xưa, ở phía bắc sông Lam, thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

1445 Bồ Ải: Là một địa điểm ở về phía trên ải Khả Lưu, cách Khả Lưu không xa. Hiện nay, ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn,tỉnh Nghệ An có khe Ải đổ ra sông Lam và ngọn núi thấp ở đây cũng có người gọi là Bù Ải...Có lẽ đó là Bồ Ải xưa kia.

1446 Hương Đa Lôi: nay là Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

1447 Thành Diễn Châu: còn có tên là thành Trài, nay còn dấu vết ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách quốc lộ số 1 gần 400 mét về phía đông và cách Cửa Vạn 2 km.

1448 Thành Tây Đô: nay ở vào khoảng giữa hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

1449 Sông Bố Chánh: tức là sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.

1450 Tân Bình: tên phủ thời thuộc Minh, gồm dất các huyện Quảnh Trạch, Bố Trạch, Lệ Ninh, Tuyên Hóa, Bến Hải, tỉnh Quảng Bình ngày nay.

1451 Thuận Hóa: tên phủ thời thuộc Minh gồm đất các huyện Triệu Hải, Hương Điền, Hương Phú, Hương Hóa, Phú Lộc, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay.

1452 Đại thiên hành hóa: nghĩa là thay trời tiến hành việc giao hóa.

1453 Thiên Quan: vùng đất huyện Nho Quan cũ, nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.

1454 Gia Hưng: gồm các huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Phù Yên tỉnh Sơn La, các huyện Thanh Sơn, Tam Thanh tỉnh Phú Thọ và huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình ngày nay.

1455 Quy Hóa: thuộc Yên Bái, Lào Cai ngày nay.

1456 Tam Đới: thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.

1457 Nguyên văn là Khoái Giang, sửa lại theo Đại Việt thông sử và Cương mục.

1458 Ninh Kiều: là vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay. Đây là một vị trí trọng yếu và hiểm trở nằm trên đường thượng đạo từ Đông Quan vào Thiên Quan và Thanh Hóa.

1459 Ninh Giang: là đoạn sông Đáy chảy qua vùng Hà Tây, Nam Hà rồi theo sông Mỹ Đô chảy vào sông Hồng (đoạn Hoàng Giang).

1460 Chỉ Đông Đô.

1461 Cầu Xa Lộc: tục gọi là cầu Ròng Rọc ở gần làng Tứ Xã, huyện Lâm Thao, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

1462 Cầu Nhân Mục: tức là Cống Mọc ở xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm Hà Nội, cầu bắc qua sông Tô Lịch, trên đường từ Đông Quan đến Ninh Kiều.

1463 Minh sử chép là Viên Lượng.

1464 Thành Tam Giang: là trị sở của phủ Tam Giang, nằm ở phía bắc ngã ba Hạc, có thể là thành cổ Dục Mỹ, ở gần cầu Xa Lộc.

1465 Cầu Tây Dương: tức cầu Giấy, bắc qua sông Tô Lịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

1466 Bến Cổ Sở: tức bến Giá ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Tây ngày nay.

1467 Cầu Yên Quyết: tức là cống Cót ở Hạ Yên Quyết, gần Láng, Hà Nội ngày nay.

1468 Cầu Sa Đôi: cầu bắc ngang sông Nhuệ còn gọi là cầu Đôi ở phía tây xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm , Hà Nội.

1469 Cầu Thanh Oai: bắc qua sông Đỗ Động ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay.

1470 Cổ Lãm: tức tổng Thắng Lãm, tên nôm là Sốm, nay gồm các xã Phú Lâm, Phú Cường, Văn Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

1471 Cầu Tam La:tức Ba La, còn gọi là Ba La Bông Đỏ, sát thị xã Hà Đông, trên đường đi Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

1472 Thanh Đàm: tức là Thanh Trì, trị sở huyện này xưa ở phía đông nam Văn Điển, Hà Nội ngày nay.

1473 Cao Bộ: tên nôm là làng Bụa, thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay.

1474 Sông Yên Duyệt: ở làng Yên Duyệt, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay.

1475 Tốt Động: tên nôm gọi là làng Rér. Đây là vùng đất thấp, lầy lội. Cánh đồng Tốt Động là đồng chiêm trũng, rất lầy lội.

1476 Chúc Động: cách Tốt Động 6km về phía đông bắc và ở ngay phía tây Ninh Kiều. Cả hai con đường từ Ninh Kiều đến Cao Bộ đều phải đi qua vùng Cbúc Động. Chúc Động nay là Chúc Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

1477 Đoạn này Toàn thư viết rất khó hiểu. Xin ghi lại đoạn nói về trận đánh này của Cương mụd để tiện tham khảo: "Bắt được gián điệp của địch, ta biết Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh tiền nhanh đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông sẽ vượt sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau hễ nghe tiếng súng pháo nổ, thì các mũi quân địch cùng lúc đánh khép lại. Hồi canh năm đêm ấy, bọn Lễ sai quân bắn súng pháo ở nơi yếu hại để đánh lừa giặc. Giặc nghe súng nổ, đều đỗ xô đi chiếm lấy chỗ thuận lợi. Chúng lùa quân đi tắt vào. Bấy giờ trời mưa, đường lầy lội, chúng kéo đến Tốt Động, bị phục binh ta bốn bề nổi dậy. Quân ta hợp sức lại, hăng hái chiến đấu, cả phá dược quân giặc ". (CMCB 13, 28-29).

1478 Lũng Giang: tức là sông Đáy, còn gọi là sông Đại Lũng.