PDA

View Full Version : Đại Việt Sử Ký Toàn Thư



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 [37] 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63

VietLang
05-14-2007, 04:42 PM
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục

Quyển XII

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Tham nghị thừa tuyên sứ ty châu Hóa là Đặng Thiếp dâng sớ trình bày 5 điều gây lợi:

1. Dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung1833 .

2. Lấp cửa Eo1834 .

3. Đào kênh sen1835 .

4. Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn.

5. Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính.

Tháng 8, Khâm sai quyền Lại khoa cấp sự trung Nghiên Nhân Thọ hặc tội tổng binh trấn An Bang Lê Hối không biết trù liệu đánh giặc, Đốc tướng Khuất Đả đuổi đánh giặc thất lợi đến nỗi bị thua. Lệnh cho Nhân Thọ tiến hành điều tra và bắt hai người về kinh.

Xuống chiếu giảm tô ruộng và thuế nhân đinh có mức độ khác nhau, vì Hộ bộ tâu là lúa má sút kém và mất mùa.

Hạ lệnh cho quan thừa tuyên Nghệ An lấy tiền công đong thóc chở về kinh. Bấy giờ giá gạo ở kinh đô rất đắt, ở Nghệ An có rẻ hơn, nên sai mua vào.

Lấy Thân vệ tổng tri Nguyễn Động làm An Bang trấn thủ [40a] phó tổng binh kiêm thừa tuyên sứ ty thừa tuyên sứ. Lấy Hàn lâm viện thị độc học sĩ quyền Ngự sử đài phó đô ngự sử Đào Tuấn làm Thái học tự khanh quyền An Bang đẳng xứ tán trị thừa tuyên sứ ty tham chính trị bản vệ quân sự.

Đông quân phủ quyền đô đốc Trịnh Công Lộ từ trấn An Bang trở về, dâng sớ trình bày 4 điều nên làm:

1- Lập đồn lũy Vạn Ninh1836 , Tân Yên1837 để chống giặc ngoài.

2- Chọn đặt hương trưởng làm giáp thủ để trông coi lẫn nhau.

3- Chọn người có tài năng văn, võ làm quan trấn thủ.

4- Lấy các đường quan ải, không cho đến chặt cây cối hay mở đường đi lại làm mất thế hiểm trở.

Sắc cho Hộ bộ khai mương, đắp đập, không được để đồng ruộng úng ngập hay khô cạn.

Sai Hộ bộ gửi công văn cho rthừa tuyên các xứ xét xem có ty Khuyến nông và hà đê xứ nào để lúa má úng ngập và còn ruộng [40b] bỏ hoang thì tâu lên.

Ngày 15, dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ.

Ngày 16, đem việc khắc ấn "Hoàng Đế thụ mệnh chi bảo"1838 tâu cáo ở Thái miếu. Ngày hôm ấy mưa gió to.

Dụ cho Đô đốc đồng tri Nguyễn Đức Trung tạm làm Trấn thủ An Bang. Sai bọn Tổng binh Nguyễn văn Đàm đi An Bang đánh giặc, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Đức Trung.

Định biên chế quân ngũ1839 . Mỗi vệ 5 sở, 20 đội; mỗi đội 20 người theo lệ mới.

Ra sắc chỉ rằng: Khi có lệhn ban ơn thì: Quan (văn)1840 nhất phẩm được dùng chế; quan võ nhất phẩm, quan văn tam phẩm được dùng cóa; quan võ tam; tứ phẩm, quan văn tứ, ngũ phẩm dùng sắc, còn thì đều cấp giấy khám hợp cả.

Lễ bộ thị lang Lương Như Hộc và Nguyễn Đình Mỹ cho là thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, dân chúng yên vui, muôn vật dồi dào, dâng biểu xin vua tiến tôn phong hiệu.

Tháng 9, lúa chín sớm.

Có sâu cắn lúa.

Khâm sai quyền Lại khoa đô cấp [41a] sự trung Nghiên Thân Thọ bắt giải bọn Khuất Đả, Nguyễn Báo, Lê Hối về kinh sư vì đánh giặc bị thua.

Thuyền đi biển của nước Xiêm La đến trang Vân Đồn dâng biểu văn khắc trên là vàng và dâng sản vật địa phương, vua khước từ không nhận.

Sắc dụ quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng:

"Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương1841 khống chế cả cõi biên thùy, phải phòng bị điều bất trắc, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường".

Phạt đánh trượng Điện tiền kinh lịch Cao Bá Tường và đày ra châu ngoài, vì bọn quan kiểm điểm Lê Thọ Vực, Lê Bô, Phạm Văn Hiến coi giữ quân lính, bắt làm việc riêng và thả về để lấy tiền mà Bá tường không biết nêu ra để hặc tội.

Sai đạo sĩ cúng trừ sâu lúa.

Sai các Thượng thư Lại bộ và Lễ bộ [41b] là bọn Nguyễn Như Đổ đi tế các thần để trừ sâu lúa.

Ngày 20, bão. Các phủ ven biển là Nam Sách, Giáp Sơn, Thái Bình, Kiến Xương1842 nước biển lên to, đê ngăn bị vỡ, lúa má bị ngập, dân ven biển chết đói nhiều. Các huyện ở đầu nguồn và ven biển, thuộc Nghệ An cũng bị thủy tai.

Có sắc rằng: "Các trấn phủ, Phó tổng binh kiêm Thừa tuyên sứ chỉ xuất thân từ con đường võ nghệ, không hiểu văn học mà kiêm giữ hai chức, sợ ảnh hưởng tới việc quân. Nay Phó tổng binh nên thôi kiêm chức Thừa tuyên sứ. Còn chức Thừa tuyên thì chọn quan văn học. Các chức Tham chính, Tham

nghị nên bớt đi một viên. Khi biên cương có việc thì tổng binh và thừa tuyên đều được tham gia bàn bạc".

Đó là theo lời tâu của Trấn điện tướng quân Lê Văn.

Mùa đông, tháng 10, Hô Lung nước Ai Lao xin quy phục nước ta, vua khước từ.

Diễn tập võ nghệ, định lệ thưởng phạt theo thứ bậc khác nhau.

Dời quân doanh của trấn thủ An Bang [42a] đến Bài Lẫm.

Thừa tuyên sứ Thanh Hóa dâng một giỏ kén dại đã thành tơ. Vua khước từ.

Ra sắc chỉ cho các nha môn chọn các lại viên xuất thân nho học để bổ các chức, đều cho quan phụ trách công bằng xem xét mà tiến cử. Các huyện có khuyết chức chính quan nếu không có người khoa mục thì cho lấy người thi đỗ tam quan mà tuyên bổ.

Thổ quan châu An Bình nhà Minh là Lý Lân đem hơn 8 nghìn quân và 300 con ngựa xâm lấn châu Hạ Lang1843 . Lân đánh thua rút về bản châu, chia quân giữ địa giới. Quan trấn thủ1844 là bọn Đào Viện, Lê Bá Đạt xin gửi thư cho Lân hỏi lý do gây việc binh đao. Vua y cho.

Ngày 16, đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu. Vua phê rằng:

"Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, [42b] nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem".

Ngày 19, đại thần và các quan văn võ lại dâng, biểu xin thêm tôn hiệu. Tờ biểu viết: Bệ hạ đã lên ngôi chí tôn, nên xưng là Hoàng đế. Vua không nghe.

Sứ thần nước Trảo Oa là bọn Na Bôi sang ra mắt.

Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 5, lúc tan chầu, vua hỏi đại thần và trăm quan rằng:

"Đô đốc Khuất Đả trước đây tuy trái quân luật Hình bộ đương xét hỏi, trẫm muốn gọi cho làm Tổng binh để trấn thủ Bắc Bình có được không?".

Thái bảo Nguyễn Lỗi nói:

"Cho sống hay bắt chết, ban chức hay bãi miễn là quyền của đức vua, bọn bề tôi không dám bàn đến. Song Khuất Đả phụng mệnh đánh giặc không nên công, Lục khoa hặc tâu lên, Hình bộ đương xét hỏi. Hãy đợi xong án, nếu ông ta không có tội thì dùng được".

Chỉ riêng Hình bộ thượng thư Lê Bá Trù [43a] tâu rằng:

"Khuất Đả tuy có tội, nhưng nay quyền nghi mà dùng thì có hại gì?".

Vua theo lời của Lỗi, lệnh ấy bèn thôi

Ra sắc chỉ rằng: Ngày tể thần xử án, phải có quan Đại lý tự cho người tù kêu oan để tiện việc bẻ bác.

Lấy lại khoa cấp sự trung Ninh Thao kiêm chức rèn dạy cho em công thần và cận thị học sĩ.

Sai bọn giám quan Trần Xác hỏi Chưởng chiếu ngục đô chỉ huy sứ Nguyễn Phục về tội không xét xử nhanh chóng để án bị ứ đọng nhiều. Phục dâng lời trình bày rằng:

"Nếu có để ứ đọng thì chỉ có hai án kiện của Lê Văn Thao và Văn Phong mà thôim còn đều thì mới đưa tới, chưa quá hạn xét xử". Vua bỏ không hỏi.

Ngày 13, triệu quan các nha môn đã đỗ tiến sĩ là bọn Lê Bình Tuấn và đồng bí thư giám Lương Thế Vinh 30 người và Phục Nghi đường, vua ra đầu bài cho thi.

Triệu Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ cho phực chức.

Trước đó, [43b] Như Đổ vì việc biên chép người được thuyên bổ không rõ ràng, vệ Cẩm Y bắt hỏi,bị mất chức, đến đây lại cho phục chức.

Hình bộ thượng thư Trần Phong xét hỏi việc của Tổng binh Bắc Bình Lê Hối. Án xong, định xét xử theo quân lệnh, vì thấy Hối có công, xin cho theo luật bát nghị1845 .

Đỗ ngự sử Trần Xác nói:

"Hối đã giao cho pháp ty xét hỏi, nên theo luật bát nghị. Chỉ có tội đại ác, phản nghịch mới không được nghị xét thôi, chưa bao giờ thấy phạm pháp mà không nghị xét cả".

Vua dụ Xác rằng: "Quân pháp chỉ có một chứ không có hai, lời Xác nói thế là đã tách làm hai đấy, hoàn toàn không phải là bàn về quân pháp, chỉ là lời du thuyết1846 mà thôi, nên trị hắn về tội du thuyết".

Không bao lâu, vua lại dụ Xác rằng:

"Ta vu oan nhà ngươi là kẻ du thuyết, đó là ta lỡ lời. Ngươi có mưu kế gì hay, cứ vào nói với ta, để như cơn mưa ngọt khi đại hạn, như con thuyền lúc cần qua sông1847 . Hãy kính nhớ lấy".

Dụ Trần Phong rằng:

"Trẫm nghe, nước mà không có thưởng [44a] phạt thì dẫu Đường Ngu1848 cũng không thể trị được thiên hạ. Nay ta ký thác trách nhiệm nặng nề cho nhà ngươi, ngươi cốt giữ lấy 4 chữ "cần, thành, đôn, ý"1849 mà thôi, chả lẽ ngươi lại không gắng gỏi đọc sách để sáng tỏ đạo giữ mình hay sao?".

Sai kiểm xét hộ khẩu của người Chiêm đã quy thuận và ước thúc ngăn cấm các hạng nô tỳ công và tư.

Sai bọn Đông quân quyền hữu đô đốc Trịnh Công Lộ đốc thúc quân Ngũ phủ xây Hoàng thành, vì Hoàng thành thất hẹp.

Giáng chức bọn Thừa tuyên sứ các xứ Bắc đạo Lê Công Khác, mỗi người một bậc vì trong sứ có nhiều sâu cắn lúa mà không biết tâu lên trước, chỉ ngồi nhìn tai họa của dân.

Nhắc lại lệnh cho con cháu các công thần trở lại họ của ông cha.

Đãi chế Dương Như Châu vì học nghiệp không tiến bộ phải ra làm Hồng lô tự thừa.

Tháng 12, ngày Giáp Ngọ, làm lễ tế mùa đông, vua xưng là "hiếu tôn đức hoàng". Danh hiệu"Quốc hoàng" có từ đây.

[ 44b ] Lấy hành Bắc quân đô đốc thiêm sự Lê Giải làm Điện tiền ty đô kiểm điểm; Binh bộ thượng thư Lê Bá Trù làm Tả kiểm điểm.

Trả lại chức cho Tây quan tả đô đốc Lê Thiệt.

Trước đây, Thiệt phạm tang trái luật phải bãi chức. Đến đây, vua cho là Thiệt có tài, có thể dùng được, sai trả lại chế mệnh đã bị tịch thu khi trước. Ban lại chiếu thư chế sắc bắt đầu từ Thiệt.

Lệnh cho Bí thư sảnh làm ngọc tịch1850 .

Ban lệnh cấp chế cáo cho bọn Đô kiểm điểm Lê Giải, trong lệnh đều ghi là" Hoàng thượng chế cáo chi mệnh".

Vua xưng là" Hoàng thượng bắt đầu từ đây".

Sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người một cử viên.

Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ đưa 8 người thế gia thân quen là bọn Nguyễn Thế Mỹ ra để vua chọn. Vua cho rằng họ là bọn mới lên, tài năng bình thường. Hôm sau lại sai cử 10 người đang giữ các chức trách trong kinh. Thái bảo Lê Niệm cử [ 45a ] Lương Thế Vinh, Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hộ khoa cấp sự trung Đặng Thục Giáo, thượng thư Trần Phòng cử Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải, đều là những người mình biết. Vua xem tờ tâu, phần nhiều là những người có chức, bèn loại bỏ họ tên của bọn Lương Thế Vinh, chỉ để lại Giáo thụ Nguyễn Nhân Tuỳ, Huyện quan Đinh Bô Cương trong diện xét chọn và phê rằng:

" Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Néu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng".

Sai nội quan đưa cho đình thần xem, không ai không kinh hãi vì vua xét người rất sáng suốt.

Dời Hình bộ và Đại Lý tự ra ngoài thành.

Tổng binh Lạng Sơn là Lê Luyện tâu rằng: Được tin Tổng binh Quảng Tây nhà Minh điều động 13 vạn binh mã, đóng tại châu Ngô, châu Tầm, nói phao là sửa sang cầu đường bắc qua khe suối dọc ven biển để tiến đánh giặc Man ở Liêm Châu và Tri huyện Bằng Tường tỉnh Quảng Tây [ 45b ] Lý Quảng Ninh nói dối là còn bận phòng bị ở cửa Nam Giao, chưa rồi để điều binh đi đánh giặc Man.

Vua sai triều thần họp bàn. Bọn Thái bảo Nguyễn Lỗi đều nói:

" Nên giữ kỹ của cải, mặc họ muốn làm gì thì làm, có sao đâu!"

Thi khoa Hành từ. Điểm gọi các quan vào thi, tất cả là 30 người.

Bấy giờ, Khâm hình viện lang trung Vũ Hữu, Viên ngoại lang Nguyễn Đình Khoa 5 người đều cáo ốm không vào thi. Vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết họ chỉ thích hối lộ. Nhân thế, vua dụ các quan trong triều rằng:

" Việc hình án phức tạp khó khăn, có ba điều vất vả: Một là suốt ngày cặm cụi vất vả, khổ sở. Hai là xử án không đúng, chịu tội làm sai. Ba là án tụng chất đống, khó lòng xét xử tường tận. Có ba điều vất vả ấy dẫu người không bệnh cũng đến phát ốm, huống chi là có bệnh".

Đó là nói giễu Vũ Hữu.

Cho Lang trung Nguyễn Tường, Lê Đình Tuấn, Tri [ 46a ] huyện Nguyễn Nhân Thiếp, Đào Thuấn Cử, Viên ngoại lang Phạm Như Lan, Tấu sứ Trần Qúy Huyên đều được vào đọc sách tại Bí thư giám, vì thi đỗ khoa Hoành từ.

Triệu các quan dự thi là bọn Phạm Nại 20 người vào Phụng Nghi đường. Vua tự ra đầu bài cho họ thi.

Ngày mồng 9, vua sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đỗ chọn lấy những người nhân hậu, khoan thứ, sáng suốt, công bằng ở các nha môn trong ngoài, để thay bọn Hình bộ lang trung, Viên ngoại Phạm

Nại, Đàm Văn Thông. Bấy giờ, hình án có nhiều vụ xử oan, thuờng có đơn kêu lên triều đình. Vua chán ghét bọn đó, cho nên có lệnh này.

Ra lệnh ngừng việc xây cung thành, vì có nhiều tờ tâu gửi lên, nói là mất mùa, giá gạo cao vọt, cho nên hoãn lại.

Miễn cho quân lính vùng ven biển không phải dự kỳ tập luyện lớn sang năm, vì hồi tháng 8, tháng 9 có bão lớn, nước dâng cao, nhà cửa của dân chúng ven biển bị nước cuốn đi nhiều.

Thưởng 10 quan tiền cho quan Bí thư giám [46b] và quở trách bọn Lương Thế Vinh, Đỗ Hân học hành không tiến bộ.

Lấy bọn Quốc tử giám thụ Nguyễn Nhân Tùy, Huyện thừa Đinh Bô Cương, Giám bạ Đào Nhân Tùy, Tri huyện Lê Bá Tu, Minh hình tri viên ngoại lang Đào Lang Chủng làm giám sát ngự sử các xứ Hải Tây, Hải Đông, Hải Bắc, Hải Nam.

Sai Giám sát Đinh Nhân Phủ và Thiều Duy Tinh chia nhau đi ba đạo Hải Đông, Hải Tây, Hải Nam khám xét bờ đê ven biển, bắt thừa ty các xứ ấy phải bồi đắp lại.

Ngày 20, lấy Đào Thuấn Cử làm Hàn lâm viện đãi chế cho vào đọc sách tại Bí thư giám.

Ấn báu đúc xong, sai Thái sư Đinh Liệt tấu cáo Thái miếu.

Nam đạo giám sát ngự sử Trình Bá Tu dâng sớ nói rất kỹ về sai lầm thiếu sót của chính sự đương thời, trái với ý vua, phải ra làm Tri châu châu Lộng Nguyên, phủ Bắc Bình.

Vua cho là Lương Như Hộc tiến cử Trần Quý Huyên không phải là người giỏi, [47a] xuống chiếu giam Như Hộc vào ngục và thu lại văn bằng của Quý Huyên.

Mở rộng kênh Sen ở Thuận Hóa và các kênh ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Năm này xử tù tử tội trong nước gồm 323 người.

Mậu Tý, [Quang Thuận] năm thứ 9 [1468], (Minh Thành Hóa năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ra sắc chỉ rằng:

Những quan viên nhậm chức nơi nước độc chốn biên cương xa xôi, người nào biết cách nuôi vỗ dân, đốc thúc không phiền nhiễu dân mà vẫn thu đủ thuế, đủ hạn 6 năm thì cho chuyển về nơi đất lành. Nếu ai kiếm cớ đau ốm né tránh, nộp thuế thiếu nhiều thì phải bổ đi miền biên cương xa, đủ 6 năm nữa mới được quyết định lại.

Tháng 3, ra sắc chỉ cho các nha môn rằng: Nếu là bản tâu về việc công thì được dùng con dấu của nha môn mình, nếu bản tâu của quan viên quân sắc nào không có con dấu thì đều cho Thông chính sứ ty xét đóng dấu kiềm vào chổ hai tờ giấy đóng liền nhau.

Dụ Đô chỉ huy Nguyễn Phục rằng:

"Ngươi khi trước còn làm gia thần, giám nói phao là ta đáng làm Thiên tử. Ngươi là Thiên đế hay sao? Là quỷ thần hay sao? [47b] Sao ngươi biết trước được việc đó? Hơn nữa, ngươi làm quan phụ đạo, lại toàn làm những việc mạo hiểm cầu may. Thế là ngươi không giết ta mà ta cũng chẳng việc gì phải đáp ngươi. Nhưng ta có 6 điều không phụ ngươi, mà ngươi phụ ta có đến 11 điều. Ngươi là gian thần, ta là tặc thần đó!".

Mùa hạ, tháng 4, hạn hán.

Có sắc dụ các công, hầu, bá, quan viên và trăm họ gồm 9 điều.

Lấy Bùi Bạch Lương và Phan Phổ làm Hoàng thái tử thị giảng.

Tháng 6, ra sắc chỉ cho Lễ bộ bàn định quy cách giấy tờ trong dân gian để ban hành trong cả nước.

Định nghi chú lễ cầu mưa, cầu nắng.

Mùa thu, tháng 7, dụ Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ rằng:

Khoảng năm Thái Hòa, cả một Hình bộ chỉ có hai viên đại phu, xét án kiện trong nước, nhiều vụ để ứ đọng. Năm trước, ta đặt một hình [ty]1851 3 hoặc 4 viên, tại sao nay lại chỉ đặt mỗi hình [ty] 2 viên thôi? Lại bộ các ngươi rỗi trong hay ngoài triều, ai là người vừa cứng cỏi, vừa mềm dẻo, có tài xử án xét kiện thì đặt mỗi hình ty lấy 3 viên ngoại.

Tháng 3, các quan theo hầu vua về Lam Kinh.

Vua cùng Hoàng thái tử và Kỳ quận công Lê Niệm, cùng các quan theo hầu là bọn Lê Hoằng Dục, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, vua tôi cùng nhau xướng họa, sáng tác Ánh hoa hiếu trị thi tập, có nhiều câu sang sảng như vàng gieo.

Ngày 13, dụ bọn Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đỗ rằng:

"Bọn ngươi cố xin lấy giáo thụ làm quan huyện, thế là kế gian đã nảy sinh đó. Giáo thụ phải giữ chức lâu năm để đào tạo nhân tài cho có hiệu quả, thế mà dám xin đổi làm chức khác, tội ấy không nhỏ".

Tháng 9, ra sắc chỉ rằng: từ nay về sau, kẻ nào có đơn kêu ca oan uổng mà nha môn ấy xét ra không có oan uổng gì thì phải đánh 80 trượng, phạt 5 quan tiền.

Dụ bọn Nguyễn Như Đổ rằng:

"Ta xem Trần Phong ngoài mặt thì kêu căng, trong bụng thì xu nịnh, nói năng khinh suất. Đến như xiểm nịnh [48b] kẻ quyền quý thì lật đật như con lanh già giẫm yếm xéo đuôi; liếm trôn trĩ của Đức Trung, hút mủ nhọt cho Nguyễn Yên, đó là kế sở trường để nên quan to của Phong đấy".

Trước đó, Trần Phong ban sớm thì theo đuôi mọi người hặc tội Nguyễn Đức Trung, đến đêm lại tới nhà Đức Trung để tạ lỗi của mình. Đức Trung là cha của Trường Lạc Hoàng hậu, còn Yên là cậu của Hoàng hậu. Phong xin làm thông gia với Yên, lạy ở ngoài sân suốt ngày, Yên mới gả cho.

Dụ hộ Bộ thượng thư Nguyễn Cư Đạo rằng:

"Ta khi còn ít tuổi làm bạn với ngươi, khi lên ngôi báu thì ngươi làm quan Kinh diên. Về mặt thần hạ, ngươi với ta là người tri kỷ, là bạn học thức. Về mặt vua tôi, ngươi với ta là duyên cá nước, là hội gió mây.Ngươi hãy hết lòng hợp sức, gắng gỏi lo báo đền ơn nước, chí công [49a] vô tư, để cho dứt hẳn tệ hối lộ. Được như thế, thì ta được tiếng là bậc vua hiểu người, ngươi được tiếng là bề tôi tận trung, cha mẹ vinh hiển, danh tiếng vẻ vang, sáng ngời trong sử sách, như thế chẳng đáng vui sao? Nếu không được như vậy, thì ta là ông vua không biết người, mà ngươi là bề tôi để làm gì, trong hai điều ấy, ngươi chọn đằng nào thì chọn".

Mùa đông, tháng 10, ngày 28, vua dụ các quan trong triều rằng:

"Ta xem Trần Phong xin cho Lê Bô phạm pháp bị tội kình1852 được chuộc tội, như thế là người giàu có nhiều của hối lộ thì được miễn tội, còn người nghèo thì vô cớ mà bị trị tội, là cả gan vi phạm phép tắc của tổ tông lập ra để trừng trị kẻ ngoan cố không biết răn chừa. Vả lại, cho chuộc tội kình là ơn riêng của triều đình thương người có tài, thế mà [Phong] dám làm uy làm phúc để hại nước. Đại lý tự phải chiếu luật để trị tội".

Lấy Phạm Phổ làm Chỉ huy. Phổ đổ tiến sĩ khoa Quý Mùi, ba lần dâng sớ nguyện sung làm chức quan võ. Vua khen là Phổ có chí, có thể làm nên việc, cho nên bổ ngay không phải qua chức nhỏ.

[49b] Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Dương Văn Đán, Phạm Giám, Hoàng Nhân đi nộp cống hằng năm.

Tạ Chủng tâu việc các châu Vĩnh An1853 Vạn Ninh bị cướp bóc.

Sắc dụ bọn Ngự sử Trần Xác, Nguyễn Văn Chất rằng:

"Tờ tâu của các ngươi nói rằng bọn nội thần Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át, Phan Tông Trình đều là kẻ hầu cận, quen thói ăn hối lộ, pháp ty giữ công bằng, tội đáng phải xử tử. Sao lại tha tội cho Nguyễn Thư mà không tha cho Phan Tông Trinh? Làm thế là bất tín với thiên hạ. Ta biết Nguyễn Thư1854 ăn hối lộ, chết là đáng rồi, nhưng nay ta không giết là có ý còn nhờ hắn ngày sau sửa lỗi để còn sai khiến thôi. Còn như Phan Tông Trinh làm con nuôi của viên nội quan Hiền. Hiền chết, xác còn hôi hổi đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; năm trước nó lại thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai, cả hai tội đều nặng, giết là đáng rồi".

[50a] Kỷ Sửu, [Quang Thuận] năm thứ 10 [1469], (Minh thành Hóa năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2 nhuận, cấm thiên hạ chứa đồ binh khí trong nhà. Vua dụ các quan văn võ rằng:

"Trẫm giữ cơ nghiệp lớn tới nay đã được nhiều năm, trong nước yên lặng, binh khí không phải dùng đến, nên xuống chiếu cho trong nước không được chứa chất đồ binh khí trong nhà, dụ rõ để cấm".

Ra sắc chỉ rằng ai bắt được giặc biển thì được thăng thưởng.

Ra sắc chỉ rằng quan viên có tội, nếu đã già thì bắt về làm dân, theo lời tâu của Hình bộ thượng thư Trần Phong.

Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước, lấy đỗ 20 người.

Ngày 26, vua ngự ở cửa Kính Thiên, thân hành ra đề văn sách, hỏi vềđạo trị nước để lấy hiền sĩ.

Sai Thái bảo bình chương quân quốc trọng sự kiêm Đề điệu Quốc tử giám Lê Niệm và nguyên Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ làm đề điệu; Đại lý tự khanh quyền Hình bộ hữu thị lang Dương Chấp Trung làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện đại học sĩ thự viện sự kiêm Quang [50b] lộc tự khanh đồng tri kinh diên sự Vũ Vĩnh Ninh; Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Đức Trinh, Quách Đình Bảo làm độc quyền.

Cho bọn Phạm Bá đỗ tiến sĩ xuất thân theo thứ bậc khác nhau.

Ra sắc chỉ rằng các quan tước công, hầu, bá thì cấp chế mệnh; các quan văn, võ nhị phẩm cấp báo mệnh; tam phẩm đến ngũ phẩm cấp sắc mệnh bằng giấy long tiên; lục, thất phẩm cấp sắc mệnh bằng giấy hắc lạn; bát, cửu phẩm cấp khám hợp1855 .

Tháng 3, vua ngự ra Bình Than, rồi đi đánh Bồn Man.

Người Chiêm Thành đi thuyền vượt biển tới cướp phá, quấy nhiễu châu Hóa.

Cấm ngục quan không được bắt quân lính góp tiền. Trước đó ngục quan thường bắt quân lính góp tiền mua thịt rượu, mượn cớ là để tế ngục chủ, nhân thế mà chè chén làm hao tốn tiền của quân lính. Đến đây ra lệnh cấm.

Mùa hạ, tháng 4, ra sắc chỉ rằng các vệ, ty Thần vũ, Du nô, Thần tý, Vũ lâm, Thiên uy mỗi khi đến phiên túc trực thì thay nhau mà chuyên tập võ nghệ, [51a] còn như các vệ Ngũ uy1856 và các sở súng nỏ ở vệ ngoài thì đều phải ngừng các việc tạp sai, giành ra số người canh giữ các nơi, còn thì đều chuyên tập luyện võ nghệ. Đến khi hết ban thì tiến hành khảo duyệt, theo lệ mà thưởng phạt.

Quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên:

Thanh Hóa 4 phủ, 16 huyện, 4 châu. Nghệ An 9 phủ, 27 huyện, 2 châu. Thuận Hóa 2 phủ, 7 huyện, 4 châu. Hải Dương1857 4 phủ, 18 huyện. Sơn Nam1858 11 phủ, 42 huyện. Sơn Tây1859 6 phủ, 24 huyện. Kinh Bắc1860 4 phủ, 16 huyện. An Bang 1 phủ, 3 huyện, 3 châu. Tuyên Quang 1 phủ, 2 huyện, 5 châu. Hưng Hóa 3 phủ, 4 huyện, 17 châu. Lạng Sơn 1 huyện, 7 châu. Ninh Sóc1861 1 phủ, 7 huyện. Phủ Phụng Thiên1862 2 huyện.

Ngày 9, trị tội viên Chỉ huy sứ Phan Sư Kinh, vì tờ tâu của Sư Kinh rối rắm, lằng nhằng, [51b] có ý ngạo mạn, lừa dối.

Cấm làm bán thứ nón sắc trắng như phấn.

Tháng 5, Phổ cùng vợ đến nhà Huy nhân1863 là Đồng Đào, vừa lúc Đồng Đào đã vào cung rồi. Phổ cùng vợ cúi rạp xuống đất lạy người chồng của Đồng Đào là Vũ Lân, nhờ Đồng Đào đưa con gái mình vào trong cung để lo củng cố quyền vị. Vua dụ các quan trong triều rằng:

"Phạm Phổ là đứa tặc thần của nhà nước thôi"

Vì thế Phổ bị bãi chức.

Ngày 12, xướng danh các tiến sĩ là bọn Phạm Bá. Vua ban ân mệnh, cho mũ, đai, y phục và ban yến ở Lễ bộ.

Mùa thu, tháng7, ngày 14, vua dụ Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ rằng:

"Ngươi nhiều lần xin bảo lĩnh cho Lê Bốc làm Tổng tri, nhưng Bốc lại có bệnh trúng phong, chậm chạp, yếu đuối, không kham nổi việc, ngươi thực là tên gian lại".

Tháng9, cấm dùng tiền giả để đổi làm tiền thế.

Mùa đông, tháng 11, ngày 16, đại xá. Đổi [52a] niên hiệu, lấy năm sau làm Hồng Đức năm thứ 1.

Ngày 18, sắc dụ quan viên văn võ và dân chúng cả nước rằng:

"Trẫm nghĩ, người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ làm khuôn phép giữ gìn. Nếu không có lễ thì tình dục bừa bãi, phóng đãng xằng bậy, không gì không làm. Từ nay về sau, các sắc quan lại, ai được thăng chức hay bổ dụng, thì Lại bộ phải sức giấy cho phủ, huyện, xã, bắt xã trưởng phải làm tờ đoan khai là tên ấy đã đủ tuổi quy định, giá thú làm theo hôn lễ thì mới tâu cho lên để thăng bổ như lệ, Nếu để cho kẻ xấu lạm dự vào hàng quan chức, thì viên đó bị thích chữ đi đày".

Tháng 12, ra sắc chỉ cho quan phủ huyện phải thân hành xem xét ruộng nương trong hạt mình.

Cấm cợ búa trong dân gian bán nón thuỷ ma và nón sơn đỏ. Vua dụ quan viên và trăm họ cả nước rằng:

"Những thứ áo giáp, mũ trụ là để cho khí thế quân đội trang ngghiêm, như [52b] thứ nón tuỷ ma và nón sơn đỏ là của thân quân vẫn đội để túc vệ. Nay chợ búa dân gian có nhiều người bán, nên cấm hẳn đi".

Lấy Lê Cảnh Diệu làm Hộ bộ thượng thư; Lê Quốc Trunh làm Phó tổng binh trấn thủ Nghệ An; Thân Nhân Trung làm Hàn lâm viện thị độc; Đàm Tông Lễ làm Hàn lâm viện hiệu lý; Đinh Thức Thông làm Hàn lâm viện trực học sĩ.

Canh Dần, Hồng Đức năm thứ 1 [1470] ( Minh Thành Hoá năm thú 6), Mùa xuân, tháng giêng cấm làm giả nón da.

Chọn các vủ sĩ vệ Kim ngô đi bắt giặc biển.

Ra sắc chỉ rằng: Con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng phải theo quy chế chung là 3 năm, không được theo ý riêng tự tiện làm trái lễ, phạm pháp. Con để tang cha mẹ và vợ cả, vợ lẽ có chửa thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi, hoặc chưa hết tang đã bỏ áo trở, mặc áo thường, hoặc nhận lễ hỏi của nguời khác, hay đi lấy chồng khác [53a] đều phải tội chết cả. Nếu đương có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh, thì xử tội đi đày. Nếu kẻ nào tham của, hiếu sắc mà lấy vợ cả vợ lẽ của kẻ đại ác phản nghịch, cùng là người Man thông dâm với vợ cả vợ lẽ của anh em đã chết rồi, cùng những kẻ làm quan lại mà nhận hối lộ thì tùy tộ nặng nhẹ mà xử tội.

Tháng 2, tuyển đinh tráng bổ sung quân ngũ.

Ra sắc chỉ rằng: Người lậu sổ hộ tịch 10 tuổi trở lên mà khoẻ mạnh thì bắt xung quân. Trong một hộ có 3 đinh là cha con anh em với nhau thì không ở trong sổ xung quân.

Định lệnh tuyển chọn người khoẻ mạnh bổ sung thay thế( quân lính già yếu) đó là theo lời tâu của Phó tổng binh Trấn thủ Thanh Hoá kiêm thừa Tuyên xứ ty các xứ Thanh Hoa Nguyễn Đức Trung.

Có sắc dụ kể tội gian thần Nguyễn Phục gồm 12 điều. Lúc ấy Nguyễn Phục là Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ.

Vua ngự về Tây Kinh. Vua nói:

" Năm trước ta đến Phúc Quang đường1864 thì ruộng nương Động Bàng ít nước không thể cấy luá được. Năm nay nước nhiều, luá chiêm [53b] mênh mông bát ngát".

Rồi vịnh luôn bài thơ tứ tuyệt rằng:

Vạn khoảnh thanh thanh nhị hạ điền, Tề dân đương vĩ thực vi tiên. Thôn đầu tam lưỡng nông phu đáo, Giai vị kim niên thắng tích niên. ( Đồng chiêm muôn khoảnh luá xanh tươi, Dân chính coi ăn chính ấy trời. Đầu xóm nông phu dặm kẻ đến, Nói năm nay vượt mọi năm rồi). Bấy giờ là lúc vua đến bái yết Phúc Quang đường ở xã Động Bàng.

Tháng 3, định lệnh về việc cấp thiếp cho người nhà bếp [trong cung] và các nhà thế gia cùng lệnh về việ công đồng mua vật phẩm, đó là theo lời tâu của Quyền Tri phủ Phụng Thiên Nguyễn Tông Tây.

Cấm người không phải là sư sãi không được caọ đầu.

Mùa hạ, tháng 4, vua thân hành soạn bài Đạo Am thiên tự, đại ý là:

Đạo trời mạnh chí cương, đạo đất thuận vô lường, làm vua đủ trí dũng, cho nước được phồn xương; chọn lấy người đôi lứa, tốt ngang họ Nhâm Khương1865 .

Tha tộ cho Thủy quân vệ chỉ huy sứ Đào Bảo. Vua bảo triều thần rằng: Đào Bảo nguyên trước là người Ngô, sau khi thành bị hạ, làm gia nô cho Lê Sát, đến khi nhà Lê Sát bị tịch thu, cho làm nô ở phủ Bình Nguyên1866 . Nay hắn làm trái sắc chỉ, cố ý vi phạm quân [54a] lệnh, tội đáng phải chết. Song Đào Bảo đã từng làm tôi tớ cho ta ở phiên để, nên đặc cách tha cho tội chết, đồ làm binh cày ruộng.

Tháng 5, vua dụ các quan trong triều rằng:

"Có hai việc của kẻ tiểu nhân thì Nguyễn Đình Mỹ đã làm cả rồi. Để củng cố quyền vị thì hắn tâu rằng các tướng sĩ thích làm việc thổ mộc. Để bán chác lời nói thẳng thì hắn tâu rằng đình thần mang lòng đố kỵ, và xin mỗi tháng ba lần tâu việc. Trước kia Đình Mỹ đã từng bị trẫm thử, thế mà nay vẫn làm quan to đến tam phẩm và triều đình vẫn còn sùng tín hắn. Nên để cho kẻ tiểu nhân Đình Mỹ xuống chức tứ phẩm, để tỏ ý của triều đình ngăn chặn lời nói gièm, ghét bỏ kẻ gian nịnh, ngõ hầu ngày sau có kẻ nào như Đình Mỹ còn nghĩ đến việc làm sửa lòng thay dạ mà tiến tới chỗ không còn lỗi lầm nữa chăng?".

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 3, hoàng tử nhà Minh là Hữu Đường sinh (tức là vua Hiếu Tông nhà Minh).

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

1833 Cửa Tư Dung: sau là cửa Tư Hiền ở huyện Phú Lộc, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

1834 Cửa Eo: Sau là cửa Thuận An, huyện Phú Vang, ngày nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

1835 Kênh Sen: tức là Liên Cừ hay Liên Cảng ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.

1836 Vạn Ninh: tên châu thời Lê, nay là đất huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh.

1837 Tân Yên: tên châu thời Lê, nay là đất huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

1838 Nghĩa là "ấn hoàng để nhận mệnh".

1839 Nguyên văn: "Tạo quân quán".

1840 Nguyên văn thiếu chữ "văn" (quan văn), chúng tôi theo mạ ch văn thêm vào.

1841 Nguyên văn là "chức vị tây phương", chưa rõ nghĩa, tạm dịch như trên.

1842 Nam Sách: tên phủ, thuộc trấn Hải Dương, nay là vùng đất gồm các huyện Nam Thanh, Chí Linh thuộc Hải Hưng và tiên Lăng thuộc Hải Phòng.

1843 Hạ Lang: sau là huyện Hạ Lang, thuộc tỉnh Cao Bằng ngày nay.

1844 Nguyên văn là "thổ thử trấn thủ". Bản dịch cũ theo CMCB 21, 3a sửa là "Thái Nguyên trấn thủ".

1845 Bát Nghị: nghị xét tội trạng của 8 người đáng được miễn giảm, gồm: thân thích, cố cựu, hiền thần, người tài cán, bậc sang trọng, kẻ siêng năng, tân khách. Xét theo luật bát nghị tức là đưa vào diện "chiếu cố" mà xét..

1846 Du thuyết: dùng tài ăn nói để biện bác, mê hoặc người nghe.

1847 Nguyên văn: "Cam lâm tuế hạn, chu tiếp, tế xuyên", lấy điển trong Kinh thư, vua Thương bảo Phó Duyệt: "Ta sai ngươi làm mưa ngọt khi nắng hạn, làm mái chèo lúc qua sông".

1848 Tức là vua Nghiêu, nhân ban đầu được phong ở đất Đường nên gọi là Đường Ngu.

1849 "Cần": là siêng năng, "thành" là chắc chắn, "đôn" là thành thực, "ý" là tốt đẹp.

1850 Ngọc tịch: là sổ hộ khẩu của họ nhà vua

1851 Nguyên văn không có chữ "ty", căn cứ vào mạch văn và tham khảo cương mục thêm vào.

1852 Kình: là tội phải thích chữ vào trán.

1853 Vĩnh An: tên châu, là vùng đất sát biên giới của tỉnh Quảng Ninh.

1854Nguyên văn là "Nguyễn Vũ": nhưng căn cứ vào đoạn trên thì phải là Nguyễn Thư CMCB 21, 14a cũng chữa là Nguyễn Thư.

1855 Long tiên: giấy vàng vẨy ngân nhũ và vẽ rồng. Hắc lạn: giấy vàng quanh rìa vẽ mực đen. Khám hợp: giấy trắng viết chữ mực (chú của CMCB, 21, 15B)

1856 Các vệ Ngũ uy là 5 vệ: Phấn uy, Chấn uy, Hùng uy, Lôi uy, Tuyên uy.

1857 Trước là Nam Sách.

1858 Trước là Thiên Trường.

1859 Trước là Quốc Oai..

1860 Trước là Bắc Giang.

1861 Trước là Thái Nguyên.

1862 Trước là phủ Trung Đô.

1863 Huy nhân: là tên quan hàm của mệnh phụ trong cung, trật tòng tam phẩm.

1864 Phúc Quang đường: Tại xã Động Bàng huyện Yên Định, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá, do Lê Thánh Tông dựng vào năm Quang Thuận, tức là điện để Hoàng thái hậu thay áo( CMCB 21, 27b)

1865 Nhâm: tức là Thái Nhâm là mẹ của Chu Văn Vương, Khương: tức Khương Hậu là vợ của Chu Tuyên Vương được các nhà nho coi là phụ nữ mẫu mực, hiền và có đức. Ở đây theo bản dịch cũ.

1866 Phủ Bình Nguyên: là phủ đệ của Bình Nguyên Vương. Bình Nguyên Vương tức là Lê Thánh Tông khi còn là phiên vương..