PDA

View Full Version : Đại Việt Sử Ký Toàn Thư



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 [40] 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63

VietLang
05-14-2007, 04:45 PM
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục

Quyển XIII

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Duy nước Lão [20b] Qua kia, giáp giới cõi tây. Đương khi Thánh Tổ dẹp giặc Ngô cuồng bạo, đã nhòm sơ hở đánh úp quân ta, đến lúc Thần Vũ giết tên Nghiễm hung tàn, lại giúp kẻ gian dấy binh đánh chiếm1971 . Chỉ vì kẻ thù của vua cha chưa diệt, mà di địch kia ngạo ngược càng già. Kiêu ngạo muôn bề, lăng loàn trăm phách. Gọi Cao Hoàng là em1972 , coi Dụ miếu là cháu1973 lên mặt như ếch đáy giếng khác gì; sang cướp châu Lang Chánh, sang quấy phủ An Tây, nhả nọc còn độc hơn loài ông bọ. Vườn tược Sầm Thượng, Sầm Hạ, nó ăn lấn như tằm; nhân dân biên giới của ta, nó lấm lét cắn trộm. Thuận Bình, Sa Bôi do vậy rối ren; Lâm An, Quy Hợp bị chúng giày xéo. Thang Thượng, Thang Hạ là biên ấp của ta, nó cướp đoạt hoành hành; Đạo Luận, Đạo Xa, tên thổ tù phản ta, nó kêu gọi, chứa chấp. Sứ của nó sang thông, thì ta hậu đãi cho về, quan của ta giao thiệp, nó lại [21a] bắt giữ bỏ ngục.

Đến nước tên Cầm Công trong khi ẩn náu, nó đã giúp đỡ bao che và lúc tên Cầm Công trở mặt cắn càn, nó lại cho quân tiếp sức. Xâu xé bờ cõi ta, chiếm lấn đất đai ta. Khinh nhờn tự phụ, lừa dối làm càn. Đây đâu chỉ là mối lo một thời nơi cương giới, mà thực là mối thù muôn kiếp của nước nhà.

Trẫm nối phúc cả của tiên tổ, rộng mưu xa của Hoàng vương. Rửa sĩ nhục cho Triệu Tống phải cầu hoà rợ Nhung1974 , mở lòng hiếu sinh như trời đất; phục mối thù cho Tề Tượng đã chết vì nạn nước, đánh dẹp theo nghĩa sách Xuân Thu1975 .

Huống chi đám dân chốn man rợ này, từ lâu nhiễm hôi tanh của loài chó Lão Qua; muốn khôi phục cương thường cho tục mọi, ắt phải vung cung kiếm, dậy oai thanh lừng lẫy.

[21b] Người có sức vác đỉnh, dựng cờ đều tập hợp trong quân ngũ; kẻ có tài nhảy xa, vượt ải, đều xô đến dưới bóng cờ. Người bàn luận quân cơ, giúp thêm mưu kế; kẻ núi rừng ẩn dật đóng góp tài năng. Người người đều hăm hở vung gươm, ai ai cũng múa tay nhảy nhót. Hãy xem ý chí của ba quân, đủ biết lòng người đều muốn đánh.

Đã định ngày 28 tháng 7 này, đặc mệnh tướng thần, chia đường tiến đánh. Chinh Tây tướng quân1976 Lê Thọ Vực là tiên phong, đi đường chính chỉ huy các quân các doanh du kích, trước hãy giết tên cháu hiếu của giặc Bồn Man để chặt vây cánh nó, rồi chiếm ngay đất hiểm yếu là xứ Trấn Ninh mà đánh vào lòng giặt. Chinh Di tướng quân Trịnh Công Lộ chỉ huy các doanh quân thổ binh từ đường An Tây tiến vào để chiếm giữ mạn thượng lưu. Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy các doanh quân hoành dã từ đường Ngọc Ma đánh tới để cắt ngăn đường giặc chạy. Du kỵ phó tướng quân là bọn Lê Lộng đi đường châu Thuận Mỗi để bóp cổ chẹn lưng.Thảo tặc phó tướng quân là bọn [22a] Lê Nhân Hiếu theo lối phủ Thanh Đô để đánh chỗ sơ hở. Muốn một trận đập tan nước Tề, phải nhiều mưu mà lừa nước Sở. Nó như ong đàn kiến lũ, cố giữ thì được bên nọ, núng đàng kia; nó tựa hươu chạy, quạ kinh, đánh lại thì thế đã chia, lực lại yếu. Liệu mưu lược ta đã bày trước, biết quân giặc tất phải cầm tù.

Nay trẫm tự cầm cờ mao trắng điều khiển, tự cầm lưỡi búa vàng chỉ huy. Đánh dẹp đất man, trói bắt bọn giặc mà đời trước không trói bắt được; kế tục ông cha, làm xong công việc mà người xưa chưa thể làm xong. Để cơ đồ lâu dài đến muôn đời được mở mang; để sĩ nhục to lớn của trăm vua được rửa sạch. Trên trời cao, dưới đất rộng, sáng soi công liệt huy hoàng, tây giáp biển, nam gặp sông, rộng mở cơ đồ sáng lạn. Bá cáo trong nước, để mọi người hay".

Tháng 8, ngày 23, sai tướng thần đem 18 vạn quân, chia làm 5 đường [22b] đi đánh Ai Lao, Bồn Man và Lão Qua, đều phá tan cả.

Phò mã đô uý Đông quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Đoan Vũ hầu Trịng Công Lộ làm Chinh Di tướng quân, đeo ấn tướng quân. Đô đốc đồng tri Lê Vĩnh làm Chinh Di phó tướng quân và Tổng bình đồng tri là bọn Nguyễn Lộng dẫn quân kiên dũng các vệ Minh Nghị, Quảng Vũ, Ngọc Kiềm, Anh Đức, Phấn Uy thuộc Đông quân, gồm 2.000 người, theo đường An Tây tiến đánh Ai Lao. Du kỵ phó tướng quân Lê Lộng và Thổ binh tham tướng Đinh Thế Nghiêu đều dưới quyền chỉ huy.

Lại lệnh cho bọn Công Lộ rằng:

Nay sai bọn các ngươi đem quân hùm gấu, quét bọn chó dê, phải dùng quyền uy sai khiến các tướng. Ngươi mang ấn tướng quân nếu như để lỡ cơ hội, thì cho chạy trạm tâu báo ở hành tại; hàng tham tướng, phó tướng mà trái lệnh thì đóng cũi giải về ngự doanh; từ hàng vệ, tổng trở xuống thì cứ chém đầu, không phải [23a] ngần ngại.

Lại lệnh cho quan ký lục là bọn Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Căng: trên từ tướng súy, dưới đến binh lính, người nào chăm chỉ được việc, người nào lười biếng ngu đần, kẻ nào dám hèn nhát khiếp nhược... tất cả đều phải ghi chép cho rõ để tâu lên.

Lại ban cho Chinh Di tướng quân doanh ngân bài nhỏ thưởng công để sau ban thưởng tuỳ theo mức độ.

Sai Chinh Tây tướng quân Sùng quận công Lê Thọ Vực đem quân đi theo đường chính Trà Lân, chỉ huy các doanh du kích, đánh Ai Lao và Bồn Man. Sai Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy các doanh hoành dã từ đường Ngọc Ma tiến sang để đón chặn đường giặc chạy. Du kỵ phó tướng quân là bọn Lê Lộng tiến theo đường châu Thuận Mỗi để chẹn yết hầu giặc. Thảo tặc phó tướng quân là bọn Lê Nhân Hiếu thì theo đường Phủ Thanh Đô mà đánh vào chổ sơ hở của giặc. Năm đạo quân cùng hợp đồng đánh Ai Lao, phá tan bọn chúng, vào thành Lão Qua1977 , tịch thu của cải châu báu. [23b] Quốc vương nước ấy chạy trốn. Ta bắt sống dân chúng, chiếm lấy đất đai, đến tận sông Trường Sa1978 , giáp biên giới phía nam nước Miến Điện, nhận được thư của nước Miến Điện, thắng trận trở về.

Tháng 9, ngày mồng 1, ra sắc chỉ cho các đô đốc của năm phủ và thượng thư của sáu bộ rằng: Khi tan chầu lui ra, trưởng quan và liêu thuộc bên dưới nếu tự tiện về nhà thì xử tội giáng chức.

Ngày 13, ra sắc chỉ rằng: Khi làm chúc thư và văn khế, phải tìm người cùng thôn ấp, tuổi từ 30 trở lên, lập văn tự làm chứng, thì mới cho phép thi hành. Kẻ nào dám cố tình trái lệnh này, dỗ bảo người ít tuổi làm chứng, hòng cho trôi kế gian của mình, thì xử chúc thư, văn khế đó không hợp pháp.

Mùa đông, tháng 10, ngày 18, đại giá khởi hành đi đánh Ai Lao.

Ngày hôm ấy đóng đinh ở Phù Liệt. Giờ dậu có hỏa tai, lửa cháy lan đến kho thuốc súng của vệ Thiên Uy ở cửa Đoan Môn. Cháy [24a] sạch cả khu nhà túc trực của các vệ Thần tý, Tráng sĩ, Điện tiền ở phía tây.

Tháng 11, ngày mồng 6, ra săc chỉ sai Phó đoán sự vệ Cẩm y Trần Bảo và Đô chỉ huy thiêm sự Phạm Nhân Kính đến phủ Trấn Ninh để trù tính tại chỗ, lo liệu chứa lương.

Trần Bảo cùng Hữu tuần tiễu1979 phó tướng quân Nguyễn Cảnh Thanh lực chọn những người khỏe mạnh, tự nguyện trong kỳ quân và người làm thợ ở hai doanh tả hữu, mỗi doanh lấy 600 người cộng là 1.200 người, lấy khí giới, lương thực của các doanh để đi đến quân doanh của Chinh Tây tướng quân Lê Thọ Vực.

Xuống chiếu hỏi tin tức đánh nước Lão Qua và hỏi tin về các doanh của Chinh Di tướng quân Trịnh Công Lộ miền thượng lưu, của Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn miền hạ lưu xem đã tiến được gần hay xa, còn hành quân đã hay ngừng lại... phải tâu lên cho tường tận, hẹn [24b] ngày 21 tháng này, đến hành điện Chiềng Vang báo cáo. Lại dụ rằng:

Thư báo thắng trận của Chinh Tây quân doanh đánh phá nước Lão Qua bị giặc Bồn đón chặn mà mất thì bọn tướng quân Lê Thọ Vực làm bản tâu theo sự thực và kê khai họ tên những người cắt được tai giặc tại trận giao cho Trần Bảo mang theo về hành tại.

Ngày mồng 8, xa giá đi tới Châu Bồ, đóng doanh ở đây 4 ngày. Đến ngày 22 1980 đại giá trở về.

Ngày 29, quan Khâm sai phó đoán sự vệ Cẩm y Trần Bảo và Hữu tuần tiễu phó tướng quân Nguyễn Cảnh Thanh mang sắc chỉ tới Sa Quan, châu Niệm Tống Trung ở ngã ba sông miền thượng lưu thuộc đất Lão Qua.

Tháng 12, ngày 28, vua về tới kinh sư.

Lại đánh Bồn Man. Sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm đeo ấn tướng quân, mang [25a] 30 vạn quân đánh Bồn Man, vì có thư báo thắng trận của Chinh Tây quân doanh đánh nước Lão Qua bị giặc Bồn đón chặn làm mất.

Quân vào cửa ải, Cầm Công bỏ chạy rồi chết. Quân ta đốt thành, đánh phá các thành khác, đốt các kho tàng.

Trước đây dân chúng Bồn Man có đến 9 vạn hộ nhưng bị chết đói gần hết, chỉ còn hơn 2.000 người, mới sai người tới xưng thần xin hàng. Bèn phong cho người giống nòi đó là Cầm Đông làm Tuyên úy đại sứ, lại đặt quan lại trấn giữ các huyện để cai trị. Sau Cầm Đông lại làm phản.

Sửa định lại biệt lệnh 25 điều về việc đi đánh Chiêm Thành và quy định chính lệnh hành quân cùng các lệ thưởng công.

Canh Tý, [Hồng Đức] năm thứ 11 [1480], (Minh Thành Hóa năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, xa giá từ Bồn Man về đến [kinh sư].

Ngày mồng 10, Tri huyện Bằng Tường nhà Minh là Lý Quảng Ninh bắt giam người của ta sai đi là Hoàng Thế Cung.

[25b] Thải bớt người già yếu trong quân ngũ và miễn duyệt tuyển.

Tháng 3, ngày 15, ra lệnh rằng:

Các quan viên nhận chức ở vùng đất độc hại đã đủ hai lần khảo khóa trở lên mà xứng đáng với chức vụ, không có tội lỗi, thì Lại bộ xét thực, rồi điều về chổ đất lành.

Ra sắc chỉ rằng:

Phép khảo khóa đã có lệnh sẵn, cốt để phân biệt người hay dở, tỏ rõ việc khuyên răn. Nay Lại bộ và quan các nha môn trong ngoài, nên theo đúng lệ mà làm để khuyến khích mọi người. Nếu dám nhu nhơ bỏ phép như trước kia, thì khoa phụ trách kiểm xét nêu lên, theo luật mà trị tội.

Ngày 22, giờ dậu, mưa đá trong 2 khắc.

Thải bớt quân sắc.

Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 6, giờ dậu, có sao sa từ giữa trời rơi về phương đông.

Hộ bộ thượng thư Lê Đoan Chi dâng lời bàn:

Các quan phủ huyện tuy làm xong việc thuế khóa, nhưng nếu trông nom việc đắp đê làm đường không chăm, những lúc rỗi việc nông mà chưa hoàn thành, để trở ngại tới thu hoạch, thì đến [26a] kỳ khảo khóa sẽ không được thực chức và thăng cấp, để răn những kẻ coi thường việc dân.

Tháng 6, hạn.

Ngày 20, ra sắc chỉ rằng:

Hình quan và các quan thừa hiến phủ, huyện các xứ xét xử án kiện, lấy của đút thì nhiều, giữ lẽ công thì ít, có trường hợp để ứ đọng văn án đến 3, 4 năm; có trường hợp nha môn trên dưới đùn đẩy lẫn nhau, đổi trắng thay đen, cho trái làm phải, gian trá trăm cách, lý ngay không được tỏ bày, oan trái nhiều, sầu than lắm, đến nỗi hạn hán xảy ra luôn. Triều thần phải công bằng mà lựa chọn hoặc hoặc sa thải hình quan và quan thừa hiến phủ huyện các xứ để đều được người giỏi, xét xử đúng lẽ, phái tâu lên để thi hành.

Ngày 25, Tổng binh đồng tri Bắc Bình Trần Ao sai liệt hiệu Đào Phu Hóan đem 600 tên quân cờ đến địa phương Cảm Quả mở cửa ải Thông Quang1981 đến tận ruông xứ Ban [26b] Động dựng dóng rào chắn nganh. Đầu mục người nước ngoài1982 là bọn La Truyền đem thổ binh tới đánh bắn. Phu Hoán lui quân về cửa ải. La truyền lại đem quân nhổ rỡ dóng đem đốt đi. Trần Ao đem việc ấy tâu vua sai quan Tư lễ đưa tờ tâu cho triều thần xem. Lê Niệm tâu rằng:

Nay nếu dựng lại dóng rào, tất họ lại phá đi, không có ích gì. Nên sai quan đến khám, nếu qủa là đất của ta xen vào trong đất của họ và bị họ xâm chiếm thì vẽ điạ đồ cho rõ ràng, vều tâu đúng sự thực, rồi làm tờ tư sẵn đợi lệnh. Năm này sai sứ sẽ giao cho bồi thần mang đi trình với đô ty tỉnh Quảng Tây, biện bạch phải trái, rồi sau hãy dựng rào. Vua y theo.

Ra sắc chỉ rằng:Các quan vào chầu, khi đến ngoài cửa Đoan Môn, nếu gặp ngày mưa thì tạm tránh mưa ở hai bên hành lang phía đông và phiá tây.

[27a] Ra sắc chỉ rằng: Các lại viên thi đỗ thì được bổ làm chánh quan các châu, huyện và các chức kinh lịch, thủ lĩnh, phó sứ: Còn các lại viên không thi đỗ thì chỉ bổ làm quan thủ lĩnh hoặc các quan ở châu, huyện.

Muà thu, tháng 8, có sắc dụ rằng: Hình quan là chức quan trọng, phải chọn người có sở trường. Quan các ty ở Hình bộ, không kể là nho hay là lại, nếu tài năng kiến thức nông cạn, không am hiểu về hình danh, thì đường quan bộ ấy lựa thải ra, làm ban tâu lên, giao cho Lại bộ đổi bổ chức khác, rồi chọn các quan trong kinh ngoài trấn, người nào đã nhận chức đủ hai kỳ khảo khóa trở lên, đã thi đỗ và có tài năng, kiến thức, cùng những người do lại viên xuất thân mà đã từng trải việc hình danh để bổ vào thay.

Ngày 27, nhà Minh có sắc văn đưa sang nói rằng:

"Gần đây, được các quan trấn thủ và tổng binh Vân Nam, tâu rằng Quốc Vương An Nam vô cớ điều động binh mã đánh giết ở đất Lão Qua [27b] đến nay vẫn chưa lui quân, lại định đánh nước Bát Bách Tức Phụ1983 . Vậy tư cho Vương biết, nếu có phạm lỗi nói trên, nên gấp lui quân; nếu không, Vương phải sang báo ngay để triều đình truy xét kẻ báo cáo bậy trị tội theo pháp luật.

Ngay hôm ấy, vua sai Tư lễ giám đưa tờ sắc ấy cho triều thần xem. Bọn Lê Thọ Vực bàn nên trả lờilà:

Vì hiện nay có 13 người ở thành Đông Quan chạy trốn sang biên giới nước Lão Qua, nên sai bọn đầu mục Nguyễn Báo đến địa giới để đòi lại, chỉ bắt được xe buôn bán chở về, không liên quan gì đến việc đánh Lão Qua và việc muốn đánh Bát Bách Tức Phụ cả. Điều ấy là nói bịa. Bèn giao cho Nguyễn Văn Chất mang tờ tâu đi.

Bọn Binh bộ tả thị lang Trần Trung Lập, Hàn lâm kiểm thảo Lê Tuấn Ngạn, Phan Quý vâng mệnh đi sứ nhà Minh trở về, nhân tiện mang theo sắc văn của vua Minh về. Vua sai [28a] Ngô Văn Thông đưa sắc ấy cho triều thần xem. Tờ sắc nói:

"Mới rồi bọn bồi thần Trần Trung Lập tâu rằng lễ tiến cống tới Long Châu, huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Thì Tri huyện Lý Quảng Ninh, Tri châu Thiệu Nguyên không ứng phó nghênh tiếp ngay và chia cho hai châu Thượng Thạch, Hạ Thạch chở đi, đến nỗi bị ngăn trở lâu hàng tháng, nên từ nay, hễ có sứ thần sang kinh đô, thì gửi tờ tư trước cho các quan Tổng trấn, hẹn ngày tới Bằng Tường đón chuyển tới Long Châu, Tuyên phủ Quảng Tây theo lệ cắt người đưa đi, khi sứ thần về thì giao cho quan lại có trách nhiệm đưa ra ngoài cửa ải Huống Thôn để cho khỏi bị chậm trễ".

Ba ty Đô, Thừa, Hiến Lạng Sơn là bọn Lưu Doãn Trực, Nguyễn Đễ (có sách chép là Lưu Doãn Thông và Nguyễn Hữu Đễ) tâu rằng:

Người châu Tư Lăng nước ngoài tràn vào châu Lộc Bình, cướp lấy của cải và trâu bò súc vật của bọn Hoàng Lô, Mã Bát ở Lộc Bình mang đi. [28b] Quan thủ bị Lê Đình Hoán không biết ngăn giữ: xin giao cho vệ Cầm y bắt hỏi tội.

Bọn triều thần Lê Thọ Vực nói: Nó quen thói trước, hay tràn vào cướp bóc dân ta. Nay nên sai Đông các soạn tờ điệp văn cho vệ Lang Sơn gửi sang châu Tư Lăng trách họ về việc không biết cấm đoán nhân dân trong hạt, để chúng liều lĩnh gây hấn ở biên giới, vượt cõi cướp bóc trâu bò của cải,yêu cầu bắt phải trả lại.

Lại soạn thảo sắc chỉ, sai một viên giám sát và một viên quan nhàn rỗi cùng với ba ty xứ đó điều tra xem bọn Hoàng Lô với bọn kia trước đây có chuyện gì với nhau không, duyên do phải trái thế nào, xét cho rõ ràng tâu lên. Năm nay sai sứ Đông các lại đem đầu đuôi việc cướp bóc trước sau, soạn tờ tư của triều đình, giao cho sứ thần nhân tiện mang sang cho các quan Tổng trấn và Tổng đốc Lưỡng Quảng yêu cầu điều tra xem châu Tư Lăng trong hạt vì cớ gì đem dân chúng vượt qua biên giới sang cướp bóc, gây hấn sinh sự [29a]. Bọn Lê Đình Hoán không biết ngăn giữ để người nước ngoài vào cướp bóc, nếu đúng như lời tâu của bọn Lưu Doãn Trực thì cho bắt hỏi. Lại bộ kíp chọn quan khác đến thay.

Mùa đông, tháng 11, ngày 18, sai bọn bồi thần Nguyễn Văn Chất, Doãn Hoành Tuấn, Vũ Duy Giáo sang tuế cống nhà Minh và tâu việc Chiêm Thành.

Tháng 12, ngày đinh dậu, vua đưa tờ biểu về việc tiến cống hằng năm so Hàn lâm viện thị thư Lương Thế Vinh soạn thảo để triều thần bàn.

Bọn Lê Thọ Vực nói:

"Ba bài biểu, văn đều thuận lẽ cả, như bọn Thân Nhân Trung đã cùng tâu lên".

Về giấy tờ bang giao, vua trước hết sai quan Hàn lâm viện soạn thảo, rồi trao xuống cho Đông các xem, sau lại đưa cho triều thần xem. Nếu có ý gì khác, thì cho sửa lại. Vì thế, người Minh thường khen rằng nước ta có nhiều người giỏi.

Ba tờ biểu văn thì một tờ [29b] trình việc đầu mục nước ngoài là La Truyền1984 phá dóng rào ở cửa ải Thông Quang,một tờ trình về việc Tri huyện Bằng Tường Lý Quãng ninh bắt giữ người của ta sai đi là Hoàng Thế Cung.

Phát tiền nộp chủ ban cho đại thần và các quan mua tơ lụa dâng nộp, vì mùa đông năm ấy là kỳ sai sứ cống phương Bắc.

Tân Sửu, [Hồng Đức] năm thứ 2 [1481], (Minh Thành Hóa năm thứ 17). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 19, Đô cấp sự trung Vũ Mộng Khang dâng thư nói các việc, đại khái có 4 điều:

1- Kẻ nào xâm chiếm ruộng đất của người khác và chặt nêu, nhổ mốc, tự tiện lập giới hạn thì phải phạt trượng và biếm truất: nếu phá bỏ bờ ruộng thì chỉ phạt tiền thôi.

2- Kẻ nào chặt phá cây cối, tre pheo ở vườn mộ người khác thì phải phạt trượng và biếm truất, nếu cày phá mộ của người xưa thì đều xử tội lưu.

3- Lấy vợ phải lấy người ngoài, không được lấy [30a] kẻ giàu sang, thân thích phi loại, kẻ nào vi phạm, thì xử tội đồ.

4- Các quan ty sở tại khi khám xét án kiện trong ngoài và loại tạp phạm, phải theo đúng hạn định trong luật mà xử đoán phải trái, không được đùn đẩy cho nhau để kéo dài; kẻ nào làm trái thì phải phạt tiền như lệnh.

Mùa hạ, tháng 4, thi hội cho các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Đôn Lễ 40 người.

Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số.

Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đổ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

(Phạm Đôn Lễ, tên tự là Lư Khanh, người huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng ngụ ở làng Thanh Nhàn, huyện Kim Hoa1985 , khi đỗ 27 tuổi, thi hương, hội, đình đều đỗ đầu, người đời gọi là Tam nguyên Đôn Lễ).

Tháng 5, ngày 21, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua [30b] ngự điện Kính Thiên. Các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ấn mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, nổi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa trạng nguyên về nhà.

Xuống lệnh rằng:

Quan các vệ, ty, sở Tráng sĩ, Thần vũ, Hiệu lực, Điện tiền, Ngũ phủ, Mã nhàn, Thuần tượng trong kinh, các quan vệ sở, phủ, châu, huyện bên ngoài, nếu có người đẽo khoét quân lính, mọt hại nhân dân, chỉ chăm làm lợi cho mình, không nghĩ đến phép nước, ở trong thì đường quan là các Chỉ huy, đề đốc Kiểm điểm, Đô đốc và các quan Đoán sự, Kinh lịch; bên ngoài thì hay ty Thừa, Hiến, đều phải công bằng xét xử, tham khảo dư luận của mọi người, người nào trước kia có nhũng loạn, tuy không có chứng thực, nhưng mọi người đều biết; cùng là người nào liêm khiết, không mắc [31a] thói tham ô, kê ra từng loại tâu lên cả, trao cho Giám sát ngự sử ở đạo đó thẩm tra lại, làm bản tâu lên, sẽ khu xử để tỏ rõ khuyến khích và trừng phạt.

Lập sở Đồn điền. Xuống chiếu rằng:

Mở đồn điền là để dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn trích trữ cho nhà nước. Nay lệnh cho các xứ định đồn điền thành ba bậc thượng, trung, hạ.

Tháng 6, ngày 20, chọn thải bớt quan viên và bổng lộc.

Quan viên quá nhiều, tiêu phí lộc kho, lục khoa phải tra xét xem từ năm Quang Thuận thứ 2 đến nay, quan viên nào đã từng phạm các tội hối lộ, đã bị xử các tội biếm, giáng, cùng các tướng hiệu, quản áp, để thiếu ván thuyền, gỗ lạt, củi, gạch... vụng trộm bắt quân nộp tiền, đến nỗi thiếu nhiều thứ phải nộp, trị giá từ 10 quan trở lên mà người ấy hãy còn tại chức thì bắt phải thôi việc, để triệt những quan tham nhũng [31b] cho bớt lộc.

Ngày 21, xuống chiếu rằng:

Các quan trong ngoài đua nhau kiếm lợi là bởi quan có trách nhiệm ăn nói chưa được người giỏi. Kẻ thì nhu nhơ không có tài cán gì, người thì đả kích quá để rước gièm pha. Quan lại tham nhũng, dân chúng oán thán, đem khí dữ làm trái khí hòa, mối tệ này phải nên trừ bỏ. Từ nay trở đi, các chức khoa đài, hiến sát, triều thần phải công bằng mà bàn chọn, ai nên thả ra, ai nên bổ thay, làm bản tâu lên thi hành, để trừ bỏ tệ cũ.

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 4, Phó đô ngự sử kiêm Tả xuân phường tá trung doãn Quách Đình Bảo tâu về việc tự tiện đuổi dân trú ngụ như sau:

"Thần trộm nghĩ rằng: Kinh sư là gốc của bốn phương; tiền của trao đổi mua bán tất phải cho lưu thông đủ dùng, không nên để thiếu thốn. Trước đây, dân cư phủ Phụng Thiên, trừ những người quê quán ở phủ đó, gián hoặc có người tuy không phải quê ở đó, nhưng có [32a] cửa hiệu, thuế ngạch và nộp thuế, chịu sai dịch với bản phường. Nay quan phủ Phụng Thiên lại không hỏi xem dân tạp cư ở đó có cửa hiệu, thuế ngạch hay không, đuổi hết cả về nguyên quán, e rằng như thế thì nơi kinh sư sẽ buôn bán thưa thớt, không còn sầm uất phồn thịnh nữa, không những người làm nghề buôn bán sẽ thất nghiệp nhiều, mà chợ búa e sẽ trống rỗng, ngạch thuế sẽ có thể thiếu hụt, có phần không tiện. Vì thế tâu xin: Ngoài những kẻ vô loài tạp cư thì nên đuổi đi, còn những người chuyê có hàng chợ, cửa hiệu, trước đây đã biên vào thuế ngạch thì hãy cho được cư trú để buôn bán sinh nhai, cho vào bản phường nộp thuế theo lệ cũ".

Tháng 9, ngày 27, ra sắc chỉ rằng: Từ nay, các phi tần và quan viên thì làm sổ riêng.

Mùa đông, tháng 10, ra sắc chỉ rằng: Quan các vệ, sở, người nào dám hạch [32b] sách tiền của như trước, tính từ 5 tiền trở lên thì pháp ty sẽ trị tội theo luật pháp, ngoài ra, từ 4 tiền trở xuống thì nhất luật bãi chức sung quân, như lệ quan viên tham nhũng.

Xuống chỉ dụ gồm 56 điều:

Tuyển người bổ sung quân ngũ.

Khảo thi con cháu các quan viên, hỏi về làm văn, viết chữ, làm toán.

Đào hồ Hải Trì. Hồ này quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện binh tượng.

Lấy Nguyễn Bá Ký làm Lại bộ thượng thư. (Nguyễn Bá Ký người Chí Linh).

Nhâm Dần, [Hồng Đức] năm thứ 13 [1482], (Minh Thành Hóa năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự về Tây Kinh.

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 6, ra sắc chỉ rằng: Nho sinh tú lâm cục, số người thêm nhiều mà người giảng tập thì ít. Quan Lại bộ chọn lấy 3 viên quan Hàn lâm viện có thể kiêm chức Tư huấn Tú lâm cục [33a] rồi làm bản tâu lên, thuyên bổ để tiện giảng tập.

Định lệnh bảo cử quan Thừa ty. Ra sắc chỉ rằng: Quan Thừa ty các xứ, chức nhiệm rất nặng nề, trong khi chọn bổ, phải được mọi người đều bằng lòng. Kể từ nay, quan Thừa ty các xứ có khuyết thì Lại bổ tâu lên, đưa xuống cho triều thần theo như lệ của hai ty Đô, Hiến mà bảo cử quan viên trong ngoài, người nào làm nổi chức ấy, đưa cho Lại bộ thi hành.

Ngày 16, lấy Đào Cử làm Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư. Vì Cử hầu vua đi đánh miền tây, chăm chỉ được việc, không hề phạm lệnh cho nên được thăng chức.

Tháng 8, đại xá thiên hạ, có 63 điều.

Làm sổ hộ tịch. Nghiêm Lâm tâu rằng:

Khi làm sổ hộ tịch, Xã trưởng phải chua rõ các quan viên [33b] chức phẩm cao hay thấp, tư tước nhiều hay ít. Nếu không chua rõ ràng, Hộ khoa kiểm soát tâu lên, quan phủ huyện và Xã trưởng đều bị trị tội.

Tháng 9, ngày 15, giờ Tuất, nguyệt thực.

Mùa đông, tháng 10, khảo hạch quân và dân, hỏi về viết chữ, làm toán.

Ra sắc chỉ kiểm xét sổ hộ tịch và sổ ruộng đất. Từ Lục1986 khoa đến Lại bộ, nho sinh Tú lâm cục, cùng với lại viên Hộ bộ và lại viên Thừa ty đều tới chùa Báo Thiên, quán Hội đồng để cùng khảo xét với phủ, huyện.

Lấy Lê Ninh làm Hộ bộ tả thị lang: Phạm Hưng Hiếu làm Hộ khoa cấp sự trung.

Quý Mão, [Quang Đức] năm thứ 14 [1483], (Minh Thành Hóa năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 13, cấm yến tiệc công làm cỗ bàn tiếm lễ.

Ngày 15, cấm thả kỳ quân để thu tiền và thông đồng với con buôn.

[34a] Làm điện Đại Thành, đông vu, tây vu ở Văn miếu cùng điện Canh Phục, kho chức ván in, kho chứa đồ tế lễ, đông tây đường nhà Minh Luân.

Tháng 2, ngày 15, ra sắc chỉ rằng: Nhân dân và quân sắc, ai thi hương đỗ tam trường, thì sung sinh đồ, đỗ tứ trường thì sung sinh viên ở Tăng Quảng đường như lệ cũ. Nếu sinh đồ từng thi hương mà không trúng kỳ nào thì phải sung quân, trúng một kỳ thi về làm dân chịu phú dịch như lệ. Sinh viên Tăng Quảng đường mà thi hội không đỗ thì sung quân. Quan Thừa, Hiến và quan Quốc tử giám phân loại tâu lên để thi hành theo lệ đã định.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 14, ra sắc chỉ rằng: Các tư nhân tranh chấp đánh nhau thì pháp ty chia ra thủ phạm và tòng phạm mà trị tội.

Ngày 22, ra sắc chỉ rằng: Kể từ nay, sáu bộ có các bản tâu [34b] và hết thảy công văn các việc, đều phải ký tên ở cuối tờ giấy như các quan Kinh lịch năm phủ và thủ lĩnh Thừa ty các xứ.

Tháng 5, ngày 18, ra sắc chỉ cho chánh quan các sở Tuần tượng, Mã nhàn được đeo thẻ bài vào các buổi triều tham thường lệ, như quy định cho các chánh quan ở năm phủ.

Quy định thời hạn vào trường thi hương và lệ tiến cống sĩ nhân. Bọn Lễ bộ thượng thư Lâm Giang bá Lê Hoằng Dục tâu rằng:

Có sắc chỉ sai chiếu số học trò của Thừa tuyên sứ ty các xứ nhiều hay ít mà liệu định ngày vào thi. Vâng tra năm Hồng Đức thứ 5, tháng 8, ngày mồng 5, Hàn lâm thị độc kiêm Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung bàn tâu về lệ cống sĩ của các Thừa ty các xứ. Các xứ Hải Dương Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc mỗi xứ 130 người. [ 35a] Các xứ Thanh Hóa, Yên Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, mỗi xứ 30 người.

Còn như nhật kỳ vào trường thi hương, chưa biết định vào ngày nào cho phải, bọn thần xin đợi lời Thánh thượng dạy cho: Thi hương thì Thừa ty các xứ trong nước và phủ Phụng Thiên lấy ngày mồng 8 tháng 8 năm nay đều vào kỳ đệ nhất. Thừa ty các xứ Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc lấy ngày 18 tháng ấy vào kỳ đệ nhị, ngày 25 vào kỳ đệ tam, ngày mồng 1 tháng 9 vào kỳ đệ tứ, ngày mồng 7 treo bảng sĩ nhân đỗ. Các xứ Thanh Hóa, Nghệ An ngày 15 tháng 8 vào kỳ đệ nhị, ngày 22 kỳ đệ tam, ngày26 vào kỳ đệ tứ, ngày mồng 1 tháng 9 treo bảng sĩ nhân thi đỗ. Các xứ Thuận Hóa, An [35b] Bang1987 , Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và phủ Phụng Thiên đều lấy ngày 13 tháng 8 vào kỳ đệ nhị, ngày 18 vào kỳ đệ tam, ngày 26 vào kỳ đệ tứ, ngày mồng 1 tháng 9 treo bảng các sĩ nhân thi đỗ.

Tháng 6, ngày mồng 9, mưa gió to, nước lụt.

Ngày 24, định lệ giảm bớt Xã trưởng.

Mùa thu, tháng 9, ngày mồng 2, Ngự sử đài phó đô ngự sử kiêm tả xuân phường tả trung doãn Quách Đình Bảo tâu rằng:

Những kẻ phạm các tội như đại ác, đại nghịch, phản bội, trộm cướp, hối lộ, xui kiện, hống hách, gian dâm, tham ô, bày mưu hãm hại người, cố ý giết người là những tội gặp kỳ ân xá thường lệ không được dự vào. Còn những tạp phạm khác, tuy phát hiện ra sau khi có lệnh ân xá, nhưng đã phạm từ trước khi có lệnh ân xá, thì đều cho được hưởng lệnh ân xá để rộng ơn thánh. Vua nghe theo.

[36a] Mùa đông, tháng 11, ngày 11, sai Lê Đức Khánh, Nguyễn Trung, Đỗ Cận sang cống nhà Minh.

Ngày 12, ra sắc chỉ cho các vệ, ty, sở làm đồ khí giới thì phải tới Vũ khố của vệ, ty, sở mình mà làm, không được tự tiện làm ở nhà giải vũ và điếm quân ở ngoại thành, ai vi phạm bị xử tội lưu.

Sắc dụ cho Hàn lâm viện thừc chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Ngự sử đài phó đô ngự sử kiêm tả xuân phường tả trung doãn Quách Đình Bảo, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Hàn lâm thị thư Đàm Văn Lễ, biên soạn các sách Thiên Nam dư hạ tập1988 và Thân chinh ký sự1989 .

Vua đề vào bản thảo bài tựa Thiên nam dư hạ tập của Đại học sĩ Thân Nhân Trung rằng:

Hỏa thử thiên đoan bố, Băng [36b] tàm ngũ sắc ty, Cánh cầu vô địch thủ, Tài tác cổn long y. (Vải dệt lông chuột lửa, Lụa năm sắc tằm bằng, Lại tìm tay vô địch, Cắt may áo cổn rồng).

(Xét sách Thần dị kỳ kinh của Đông Phương Sóc có nói rằng: Ở ngoài cõi Nam hoang có lửa, trong lửa mọc loại cây không bao giờ chết. Lửa cháy đêm ngày dù mưa to gió lớn cũng không tắt. Trong lửa có con chuột nặng trăm cân, lông dài hơn 3 tấc, nhỏ như sợi tơ có thể dệt thành vải. Sách Thập dị ký của Vương Tử Niên có nói rằng: Núi Viên Kiệu ở biển Đông có giống tằm băng dài 7 tấc, có vẩy, có sừng, lấy sương tuyết phủ lên, có kén tơ năm sắc, dệt làm áo mặc lội nước không thấm ướt).

Lấy Nguyễn Xung Xác làm Hàn lâm thị độc chưởng viện sự.

Giáp Thìn, [Hồng Đức] năm thứ 15 [1484], (Minh Thành Hoá năm thứ 20). Mùa xuân, tháng giêng ngày 16, Thái uý Phú Quốc công Lê Thọ Vực chết.

Tháng 2, có dụ ân xá.

Thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Trí Khiêm 44 người.

Tháng 3, ngày mồng 1, ra sắc chỉ rằng: Kể từ nay, ai khai đào mỏ bạc thì phải nộp thuế theo quy định.

Thi đình, đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùngnho sĩ. Cho bọn Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Giác, Mai Duy Tinh [37a] ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Phòng 16 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Chu Đình Bảo 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Ngày mồng 10, nhắc rõ lệnh cấm mua bán ức hiếp. Sắc chỉ nêu rõ:

"Việc cấm mua bán ức hiếp đã có lệnh rất nghiêmmà các nhà quyền hào vẫn chưa đổi thói cũ, hại dân chúng, hỏng chính sự không gì tệ bằng. Kể từ nay, phủ Phụng Thiên và hai ty Thừa, Hiến các xứ phải nhắc lại lệnh cũ, cấm đoán, răn bảo. Các nhà sắm sửa lễ vật cưới xin, nếu mua bán ở hàng chợ dân gian, hàng hoá lớn nhỏ đều phải tuân theo thời giá, không được quen thói gian ngoan như trước, ỷ thế cậy oai, mua hiếp, cướp đoạt, kẻ nào vi phạm thì trị tội theo như lệnh trước".

Ngày 12, nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác.

Trước đây có lệnh cấm rằng: [37b] Loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mìmh có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp. Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nế có người đàn bà nào như hạng nói trên, mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp.

Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu cấm kẻ giàu ỷ phép quấy nhiễu xưởng khai mỏ vàng bạc.

Cấm trong nước; Nếu không phải là các dịp tế lễ, giỗ chạp, cưới xin, ân mệnh, ăn mừng, đám ma mà vô cớ họp nhau ăn uống [38a] thì trị tội theo luật pháp.

Ngày mồng 9, cấm người giữ cửa nhận tiền đút lót.

Ngày 21, định lệnh rằng khi nộp các ngạch thuế vào kho thì quan đạc chi của các Thừa ty không được gây khó dễ.

Ngày 29, định mệnh cấm mả chôn sau không được che lấp hướng mả chôn trước.

Trước đó, phó sứ Thanh hình hiến sát sứ ty xứ Yên Bang là Nghiêm Quang tâu rằng:

"Mộ của quan viên và dân chúng chưa có phân biệt, cho nên kẻ dân mọn ngu tối thấy người có quan tước thì cho là do mạch đất mà được thế, khi có người nhà chết thì đua nhau chôn ở đằng trước, sát phạm đến nấm mồ. Con cháu nhà có mồ bị vi phạm, thường đem việc đó kiện tại cửa quan thì lại chưa có quy định riêng, nên cũng khó lòng xét rõ phải trái. Vậy có nên chiếu theo chức phẩm cao thấp mà quy định đất để mồ mả rộng hẹp hay không?

Đến đây Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo bàn rằng:

"Đất để mồ mả của quan viên và dân [38b] chúng trong nước, có khi là ruộng đất công, có khi là ruộng đất tư. Nếu kẻ nào lấy ruộng tư làm đất để mồ mả thì kích thước rộng hẹp cũng phải theo hướng đất trước sau cho phải. Người để mồ sau không được cậy là ruộng đất tư của mình mà chôn sát, che lấp mồ chôn trước. Kẻ nào cố ý vi phạm thì con cháu họ hàng nhà chôn trước kiện tại quan tư sở tại, bắt mồ chôn sau phải dời đi chỗ khác và bắt phải nộp tiền tạ lễ theo như luật pháp". Vua y theo.

Ban xuống lệnh thưởng công.

Cấm nha môn các phủ, vệ, ty cậy quyền ỷ thế mà chửi mắng viên thủ lĩnh và ban ơn trả oán mà tiến cử hay sa thải người càn bậy.

Tháng ấy, định lệ lấy người các xã phục dịch lễ đảo vũ.

Các quan vâng mệnh đi đảo vũ ở đền chùa nơi nào, cho lấy người xã gần đó và người xã gần đó và người xã bản xứ để đốt hương, đóng oản, [39a] phục dịch các quan và nuôi dưỡng tăng sĩ, mỗi ngày 10 người, luân phiên thay đổi để tiện việc cầy cấy.

Ngày 13, định lệnh sách công ban xuống, Hiến ty phải kiểm soát.

Bấy giờ Lễ bộ thượng thư kiêm tả xuân phường tả trung doãn Quách Đình Bảo tâu rằng:

Trước đây, hằng năm sách công ban xuống cho các phủ ở ngoài như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo.Văn tuyển, Cương mục, cùng các loại sách thuốc. Nhưng có khi phủ quan tham ô, tư tiện giữ riệt lấy làm sách tư cuả mình, không hề giao cho học quan và y quan, rất là trái lệ. Vì thế xin tâu bày: Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho [39b] Hình bộ trị tội. Vua y theo, cho nên có lệnh này.

Tháng 5, ngày 26, ra sắc chỉ rằng: Các quan cai quản quân dân trong kinh ngoài trấn, trong đó có người liêm khiết, cũng có kẻ tham nhũng, nếu không phân biệt nêu lên thì khuyên răn thế nào được? Trong thi Đô đốc năm phủ, ngoài thì đường quan ba ty Đô, Thừa, Hiến, các quan hãy công bằng mà bảo cử các quan vệ, phủ, huyện, châu trong ngoài, người nào liêm khiết, người nào tham nhũng đều phải khai rõ sự thực, hẹn trong 3 tháng kể từ ngày sắc chỉ đưa tới, làm bản tâu lên, giao cho Ngự sử đài xét lại mà thi hành khu xử để ỏ rõ cách khuyên răn và để nới sức cho quân dân.

Ngày 27, Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Kỳ tâu rằng: Các quan viên có việc mà Hình bộ xét hỏi, có viên nào can phạm phải trị tội, thì lập tức phải vâng lệnh đòi lại sắc [40a] mệnh cũ và khám hợp rồi trao về Lại bộ tâu nộp.

Tháng 6, ngày 16, định lệnh bổ dụng sinh viên ba xá. Bọn Phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm tâu rằng: Bọn thần trộm thấy quy định về sinh viên ba xá của Quốc tử giám, cho phép người nào mỗi năm thi hội mà rúng một kỳ được các kỳ: hễ trúng được ba kỳ thì làm sung làm thượng xá sinh, trúng được hai kỳ thì làm trung xá sinh, trúng một kỳ thì sung làm hạ xá sinh, mỗi xá là 100 người đều được cấp tiền kho. Sinh viên ba xá mỗi người đều được 9 tiền. Đến khi bổ dùng, thì Lại bộ và quan Quốc tử giám bảo lĩnh tiến cử để chọn bổ, còn như số lượng chọn bổ thì ba xá đều nhất loạt giống nhau không có phân biệt. Nay về tiền lương của sinh viên ba xá thì hạ xá sinh nên giảm, thượng xá sinh nên tăng 1 tiền cho đủ 1 quan, trung xá sinh để nguyên 9 tiền như trước, hạ xá sinh giảm 1 tiền còn [40b] 8 tiền. Đến khi bổ dụng thì Lại bộ và quan Quốc tử giám chỗ khuyết mà bảo cử: thượng xá sinh 3 phần, trung xá sinh 2 phần, hạ xá sinh 1 phần. Như thế thì sinh viên ba xá thi trúng được mấy kỳ, học giỏi hay kém, thứ bậc trước sau được thích hợp mà nhân tài trong nước đều được khuyến khích. Vua y theo.

Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 4, định lệnh đắp bờ ruộng để giữ nước. Ra sắc chỉ cho hai ty Thừa, Hiến các xứ và các quan phủ, huyện, châu rằng: Kể từ nay, xứ nào trong hạt có đê điều bị vỡ, ngập mất lúa mất mùa mà thế có thể giữ nước để làm nhiệm vụ chiêm thì hai ty Thừa, Hiến ra lệnh cho các quan Hà đê, Khuyến nông các phủ, huyện, châu phải nhân dịp nước rút dần, nghĩ trước kế chống đói cho dân, xem xét địa thế, tùy theo tiện nghi, đốc thúc [41a] dân làng cơi đắp bờ ruộng, cần giữ lấy nước để làm nhiệm vụ chiêm, không được vứt bỏ chức trách của mình, coi thường đau khổ của dân, ngồi nhìn mà không có kế sách gì, để dân phải đói khát.

Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay.

Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ1990 , việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, [41b] khắc vào bia đá.

Quách Đình Bảo nhân xin đổi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa thành tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng tiến sĩ xuất thân để hợp với quy chế ngày nay. Vua y tờ tâu, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia.

Bọn từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm [42a] cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện.

Xét bài văn bia của Đỗ Nhuận:

"Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương, không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước, tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Là bởi trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào thánh nhân đời sau thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điểm chương đầy đủ?.

Kể từ Thái Tổ bắt đầu sửa sang việc học vào kỷ nguyên Thuận Thiên, Thái Tông mở khoa thi đầu vào năm Đại Bảo thứ 3, Nhân Tông chọn người hiền, dùng bậc giới, kính cẩn tôn theo phép cũ. Đến như việc dựng (có sách chép là "phụ") bia ở nhà Thái học thì vẫn để đó chưa làm; văn vật đầy đủ, như còn chờ bậc hậu thánh.

Nay Thánh thượng như trời mở trung hưng, tự mình gánh vác đạo lớn, việc tôn sùng Nho giáo càng thành khẩn chăm lo. Huống chi nhân tài đã được các tiên thánh nuôi dạy từ lâu, hơn nữa lại nhờ công sức mười [42b] năm nâng vực. Trước đây 6 năm một lần thi lớn, nay thi châm chước theo chế độ nhà Chu đã định là 3 năm. Trước kia lấy đỗ đều không quá hai ba chục người, nay thi rộng xét thực tài, không lo nhiều quá.

Cho nên tôn trọng biểu dương, đức ý rất hậu, ân vinh thứ bậc. tiết mục tận tường, vẹn toàn, rực rỡ, vượt cả xưa nay. Cho nên bia đá khắc tên, vẫn ghi việc thực, đặt ở cửa hiền, tưởng lệ kẻ sĩ, công việc làm của nhà vua tốt đẹp nhường nào.

Thế thì triều Lê ta văn minh đầy đủ, khoa mục mở mang, mở nguồn từ thời Thuận Thiên, bắt đầu từ năm Đại Bảo, thịnh hành từ đời Thái Hòa, mà thịnh nhất vào đời Hồng Đức vậy. Nếu như không phải do Thánh thượng làm tròn trách nhiệm bậc thầy, thân hành nắm giữ quyền hành chế tác, thì sao có thể thực hiện cái chí của người trước chưa thực hiện được, hoàn thành sự nghiệp mà người trước chưa hoàn thành".

[43a] Tháng 9, ngày mồng 5, ra sắc chỉ rằng: Các viên Huấn đạo, có khi nhiều người cùng khảo cứu một kinh mà học trò lại học kinh khác, không tiện việc truyền dạy. Sắc cho Lại bộ điều tra sự thực, tiến hành ngay việc điều động thay đổi, chọn người nghiên cứu kinh khác đổi bổ thay cho nhau.

Ra sắc chỉ, định lệnh các sắc quân, người nào cùng vô sở xuất thì sai làm việc nhẹ.

Ngày 29, ra sắc chỉ rằng: Khi làm chúc thư, văn khế, thì nhất loạt dùng thứ giấy lục lô hạng trung, còn hết thảy giấy tờ khác dùng giấy quan hạng trung. Đó là lời tâu của Tri huyện Tế Giang1991 Đặng Kiến Tố.

Mùa đông, tháng 10, ngày 11, ra sắc chỉ rằng: Con cháu các vị công thần khai quốc hễ là các công thần khoảng nămThuận Thiên đã nhận quan chức, hoặc [các công thần] tuy không được ban tên tự (có sách ghi là tên họ) nhưng đã được dự vào hàng công thần khai sáng, khoảng năm Thuận Thiên, cũng dự có công đã được quan chức đến nhất, nhị phẩm, nếu con cháu của họ [43b] còn ở trong quân ngũ thì cho chính người ấy đưa đơn kêu ở hai ty Thừa Hiến bản xứ, làm bản tâu lên, giao cho Binh bộ xét thực, nếu sức vóc có thể dùng được thì sung làm tuấn sĩ vệ Cẩm y, nếu sức yếu không làm nổi thì cho được miễn phú dịch. Đó là lời xin của Thái phó Tĩnh quốc công Lê Niệm.

Quy định việc xây dựng hành điện:

Hành điện gồm 5 gian, 2 chái, nhà bếp mỗi dãy 3 gian, một đài Quan canh1992 ở giữa, cao 5 thước, rộng 40 thước, làm một khu đàn Tiên nông cao 7 thước, rộng 36 thước, 4 mặt đắp tường đất, cùng đi cửa đi ngựa vào. Đều ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm1993 .

Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu, tây vu, điện Canh phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ, [44a] nhà Minh luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của sinh viên ba xá, và các cửa, xung quanh xây tường bao.

Tháng 12, ra sắc chỉ rằng:

Kể từ nay, quan các nha môn trong ngoài có bị khuyết, khi vâng mệnh bảo cử, người nào từng biết rõ người nào đó quả có tài năng, kiến thức, thanh liêm, có thể bổ làm chức gì, thì các quan khoa, đài, phải dùng biên chép, chua sổ rõ ràng. Sau này người được bảo cử, nếu có kẻ bỉ ổi, tham nhũng không làm việc, làm quan không công trạng gì, thì phải tra xét xem viên quan nào đã bảo cử bậy người ấy, tâu hặc lên để tra xét/

Lấy Lê Đình Ngạn làm Tây quân đô đốc phủ tả đô đốc Thanh Tương bá kiêm Tông nhân phủ tả tông nhân chính.

Lấy Lê Trạc làm Phò mã đô uý Vân Dương bá; Lê Quyền làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Kinh Dương Bá.

[44b] Ất Tỵ, [Hồng Đức] năm thứ 6 [1485], (Minh Thành Hóa năm thứ 21). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 11, định lệnh:

Các quan phủ, huyện, châu trong nước nộp thuế nhân đinh điền tô, đầu nguồn, nếu dám lười biếng không chăm thu nộp, đến nỗi dây dưa để thiếu thì đòi tiền bồi thường theo như lệnh đã định (lệnh chia làm 10 phần, đòi ở người thiếu thuế 7 phần, đòi ở quan trưởng phụ trách 3 phần). Nếu người nào đói rét khốn khổ thì thôn trưởng phải làm tờ cam đoan và cùng nhau bảo đảm, theo như lệnh trước mà thi hành.

Tháng 2, ngày 12, ra sắc chỉ rằng: Các bản tâu và đề của nha môn trong ngoài thí chính viên quan phụ trách phải ký tên, không được sai lại viên viết chữ ký thay.

Tháng 3, Thái phó Tĩnh quốc công Lê Niệm chết.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 10, định lệnh nộp thuế của xứ Quảng Nam.

Trước đó, xứ Quảng Nam không có thuyền, [45a] hằng năm quân dân khiêng gánh thường bị mất mát. Kể tứ nay, mỗi khi đến kỳ nộp thuế, cho Thừa ty Quảng Nam chuyển giao thuế hiện vật cho ba ty Đô, Thừa, Hiến Thuận Hóa để sai người chuyển đệ nộp lên.

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

1971 Xem BK 10 việc năm Tân Sửu (1421) và BK 11 việc năm Đại Bảo thứ 2 (1441) và Đại Bảo thứ 3 (1442).

1972 Chỉ Lê Lợi.

1973 Từ Lê Thái Tổ đến Lê Nhân Tông, không có vị vua nào miếu hiệu là Dụ Tông. Có lẽ chữ Dụ do chữ Hựu chép lầm. Thái Tông chôn ở Hựu Lăng, nên Hựu miếu dùng để chỉ Thái Tông.

1974 Nhà Tống đến thời Cao Tông phải xưng thần, nộp cống cho nước Kim. Các vua Tống họ Triệu nên gọi là Triệu Tống.

1975 Chỉ việc Tề Tượng công diệt nước Kỳ để báo mối thù của tổ 9 đời Tề Ai công được sách Xuân Thu khen.

1976 Nguyên văn là " Chinh at6y tướng sĩ, chữ " sĩ " in lầm, các bản in sau chữa là 'quân"

1977 Tức là thành Luông Pha Bang, tục gọi là Mường Luông.

1978 CMCB23 chép là sông Kim Sa, sông Kim Sa tức là sông Irauadi ở Miến Điện.

1979 Nguyên văn là "Tả hữu tuần tiễu phó tướng quân... "Sửa theo tờ 24b: "Hữu tuần tiễu phó tướng quân Nguyễn Cảnh Thanh...".

1980 Ngày mồng 8, xa giá tới Châu Bồ, đóng doanh 4 ngày, thì ngày trở về phải là ngày 12 chứ không phải là ngày 22.

1981 Cửa ải Thông Quan ở xã Quang Lang, châu Ôn, sau đổi là đồn Quang Lang (CMCB 13).

1982 La Truyền là một viên thổ tù tỉnh Quảng Tây, Nguyên vănlà "hóa ngoại đầu mục ", nghĩa là viên đầu mục ở ngoài vòng giáo hóa của triều đình (Đại Việt).

1983 - Bát Bách Tức Phụ: có nghĩa là "Tám trăm vợ. "Theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư thì đó là tên một bộ lạc người Man vùng biên giới Vân Nam - Miến Điện. Tương truyền tù trưởng bộ lạc này có 800 vợ, mỗi vợ quản lý một trại, vì thế mới gọi là nước Bát Bách Tức Phụ.

1984 Nguyên văn là "Hóa châu đầu mục La Truyền..." chữ "Hóa Châu" là do chữ "hóa ngoại" khắc lầm.BK 13, 236b đã chép rõ La Truyền là "hóa ngoại đầu mục".

1985 Sau là huyện Kim Anh, nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội.

1986 Nguyên văn là "tự Lục khoa". Bản dịch cũ, theo Lịch triều hiến chương loại chí chữa là "mệnh Lục khoa", nghĩa là "sai Lục khoa".

1987 Nguyên văn là "An Quảng". Nhưng trước đó (tờ 35a) đã ghi là An Bang, An Bang đổi thành An Quảng là việc về sau, vào đời Lê Anh Tông (húy là Bang) (1556-1573).

1988 Thiên Nam dư hạ tập: gồm 100 quyển, ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, điều lệ, cáo sắc của cả một thời. Sau đời Lê trung hưng, các bộ này bị tan tác, mươi phần chỉ còn được một.

1989 Thân chinh ký sự: nghĩa là ghi chép về việc thân chinh của nhà vua.

1990 Từ khoa NhâmTuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến khoa Giáp Thìn năm Hồng Đức thứ 15 (1484) gồm 10 khoa.

1991 Tế Giang: Sau là huyện Văn Giang, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.

1992 Đài Quan Canh: đài cao để vua xem cày cấy.

1993 Nay là xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.