PDA

View Full Version : Đại Việt Sử Ký Toàn Thư



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 [60] 61 62 63

VietLang
05-14-2007, 05:10 PM
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên

Quyển XX

[1a]

Kỷ Hoàng Triều Nhà Lê

Kính Tông Huệ Hoàng Đế

Tháng 10, Lê Bật [11a] Tứ dâng khải trình bày hai điều: Một là lập thế tử, giao trước binh quyền để cốt lòng người; hai là xử trí bọn phiên trấn mạnh để thống nhất chế độ: "Kể ra, bậc vương giả lấy thiên hạ làm một nhà, bên cạnh giường nằm không thể để người khác nằm mà ngáy được. Nay các xứ Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Nam, Thuận Hoá vốn là bờ cõi của tiên vương, thế mà bao năm tích tệ để mặc cho họ dông càn. Nếu không xử trí, sợ thành mối lo về sau. Nay thánh thượng có chí anh hùng, trăm trận đánh trăm trận thắng nên có thiên hạ, tướng tá đông đúc, quân khoẻ nghề tinh, ngựa uống thì nước sông cạn; gươm mài thì đá núi mòn. Chiến thuyền hàng ngàn, voi mạnh hàng trăm. Tinh binh trong thiên hạ, tập hợp ở kinh sư. Thế mà nuông giặc không đánh, tức là nuôi hổ để xảy mối lo về sau vậy. Ngày xưa Đường Hiến Tông theo lời bàn của Hoàng Thường, lấp pháp độ mà [11b] kiềm chế các phiên trấn, cuối cùng làm nên công nghiệp trung hưng.

Từ đời Đường đến nay, há không có tệ phiên trấn chuyên cát cứ đất đai, nhưng pháp độ của triều đình đã dựng lên, thì kẻ kia không dám kiêu lộng nữa. Nay các bọn phiên trấn mạnh được dịp hoành hành, thế chúng đã thành, nên phải sớm lo ức chế. Đó chẳng phải lời nói trung thành để trình lên sao? Kính xin quyết đoán thi hành, thì cơ nghiệp của nhà nước ức muôn năm không cùng đều do ở đấy".

Bấy giờ Mạc Kính Cung, Kính Khoan trối lủi trong núi rừng, không ra cướp phá. Nguyễn Hoàng tuy kêu già yếu không vào chầu nhưng vẫn cống nạp đầy đủ.

Các con của ông đều làm quan tại triều. Chúa coi việc dùng binh làm nặng nhọc, cho nên chưa rỗi mà lo tới2840 .

Tháng 12, nhắc Nguyễn Thực lên tước Phương Lan hầu2841 .

Tân Hợi, [Hoằng Định] năm thứ 12 [1611] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 39).

Tháng 8, ghi nhận cha con Hà Nhân Chính, Hà Thọ Lộc là người [12a] trung nghĩa có công lao, tiến phong cháu nội ông là Nhân Dương hầu Hà Mỹ Hiền làm Hào quận công2842 .

Tháng 10, ngày mồng 6, núi Tản Viên bị sạt lở 12 trượng.

Ngày 18, ở huyện Yên Việt, trời mưa máu một ngày một đêm.

Nhâm Tý, [Hoằng Định] năm thứ 13 [1612] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 40).

Mùa xuân, tiến phong vương tử là Bình quận công2843 , Trịnh Tráng làm Thanh quận công, gia chức Thái phó.

Mùa thu, tháng 8, nước lên to2844 .

Thiêm đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì và Giám sát ngự sử 13 đạo là bọn Phạm Trân dâng khải nói:

"Dân là gốc của nước, đạo trị nước là yêu quý dân mà thôi. Trời và dân theo một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý của trời. Vì thế, người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy dân khổ sở thì xót. Cấm [12b] sự hà khắc bạo ngược, ngăn sự đánh thuế bừa bãi, để cho dân được dễ sống, mà không có tiếng oán than. Thế mới là biết đạo trị nước. Nay thánh thượng để ý đến dân, một chính sự thì hành ra cũng cốt nuôi dân, một mệnh lệnh ban bố ra cũng ngăn sự nhiễu dân. Lòng yêu quý dân ấy thực là độ lượng của trời đất, cha mẹ vậy. Chỉ vì kẻ thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, trăm làm sự hà khắc bạo ngược, đua đòi xa xỉ. Coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã. Phàm những việc nhiễu lạm, không việc gì là không làm, khiến cho dân trong nước, đàn ông không còn áo mặc, đàn bà không còn váy đeo. Tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ. Nuôi người sống, đưa người chết, chẳng đâu cho. Ăn uống chỉ dùng hàng ngày, chẳng đâu cấp. Dân mọn nghèo nàn cho đến côn trùng thảo mộc đều không được thoả [13a]. Vì thế, cảm động đến trời đất, đến nỗi lòng trời ở trên chưa thuận, tai hoạ lũ lụt quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi tu tỉnh, nghĩ đến cái lỗi làm nên thế sao? Tất phải làm chính sách giữ dân, thì dưới thuận lòng dân, trên hợp ý trời, mà chuyển tai biến làm điềm lành; thóc lúa được mùa, người người no đủ; trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà cũng nhờ đó mà bền vững lâu dài vậy?". Chúa nghe lời.

Tháng 10, Thái phó Thanh quận công sai thuộc tướng là bọn Nguyễn Văn Huyên bắt được nguỵ Tiêu quốc [công] ở núi Thiên Kiện, đem giết (nguỵ Tiêu là người xã Bất Đoạt, huyện Kim Bảng).

Quý Sửu, [Hoằng Định] năm thứ 14 [1613] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 42).

Mùa xuân, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Bùi Tất Thắng 7 người. Thi đình cho bọn Nguyễn Tuấn 7 người đều đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4 [13b] sai sứ sang nước Minh. Bọn Lưu Đình Chất, Nguyễn Đăng, Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính, Nguyễn Sư Khanh làm hai sứ bộ sang cống hàng năm.

Tháng 5, ngày rằm có nhật thực2845 .

Tháng 6, Nguyễn Hoàng kiêm trấn phủ 2 xứ Thuận Quảng, Hữu tướng thái uý, Chưởng phủ sự, tước Đoan quốc công mất. Hoàng là người đa trí, có uy vọng, cai trị khoan mà nghiêm, được lòng quân dân.

Trước sau vỗ trị hai xứ 56 năm. Khi mất 89 tuổi. Được sách tặng là Đạt Lý Gia Dụ Cẩn Nghĩa công, ban thuỵ là Cung Ý, ban cho được đưa vào thờ ở phủ từ bên ngoại. Sai con ông là Thuỵ quận công Phúc Nguyên nối nghiệp làm trấn phủ, gia cho hàm Thái bảo. Phúc Nguyên lúc đó 51 tuổi.

Mùa thu tháng 7, ngày rằm có nguyệt thực.

Tháng 8, sai Thanh quận công đem quân đi kinh lược vùng An Quảng, vỗ về nhân dân, để thuộc tướng ở lại trấn thủ rồi về.

Tháng 9, Thượng thư bộ Hộ là Mai quận công [14a] Phùng Khắc Khoan mất. Khắc Khoan tính người cương nghị, tinh anh, hầu trong màn trướng lâu dài, có tài tổng hợp chọn lựa, từ chương sâu rộng thanh cao. Có thi tập lưu hành ở đời. Mất năm 86 tuổi, tặng hàm Thái phó2846 .

Tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi sự ốm đau cực khổ của dân. Người phiêu dạt thì tha tạp dịch 3 năm để họ được sống yên nghiệp.

Giáp Dần, [Hoằng Định] năm thứ 15 [1614] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 42).

Mùa xuân tháng giêng, Thượng thư bộ Binh trí sĩ lại gọi ra làm việc tước Văn Phong hầu Bùi Bỉnh Uyên mất, thọ 95 tuổi, tặng Thiếu bảo, ban thuỵ là Cung Ý.

Bỉnh Uyên là con của Tả thị lang Bùi Vịnh, con rể Lê Bá Ly, đem cả tông tộc theo về chính nghĩa, làm quan đến chức Thượng thư. Con gái hầu trong vương phủ, phong đến chiêu dung, sinh được 14 vương tử, đều phong tước công. Con trai ông có 7 người thì người tước hầu, 3 người tước quận công. Cả nhà quý hiển, đứng đầu các vọng tộc ở Sơn Nam2847 .

[14b] Mùa hạ, tháng 6, phong tước cho 8 người cháu nội của chúa: Trịnh Tạc làm Vinh quận công; Trịnh Trượng làm Liêm quận công; Trịnh Bảng làm Hội quận công; Trịnh Trăn làm Phổ quận công; Trịnh Thức làm Luân quận công; Trịnh Lệ làm Hoà quận công.

Tháng 9, phong vương tử là Trịnh Đệ làm Quỳnh quận công.

Ất Mão, [Hoằng Định] năm thứ 16 [1615] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 43).

Tháng 2, các quan triều đường là bọn Thượng thư bộ Hình Mỹ Khê hầu Nguyễn Lễ dâng khải trình bày các việc tệ hại đương thời gồm 8 điều. Chúa khen ngợi và chấp nhận, đặc biệt ban thưởng rất hậu.

Tháng 3, ngày mồng một nhật thực.

Ngày 28, giờ Thân, nước đầm ở xã Thịnh Liệt, Hoằng Liệt tự nhiên cạn đi, nửa giờ sau lại đầy như cũ.

Tháng 9, nhà Minh sai viên Quang Lộc tự thừa mang sắc thư bao phong mỹ tự, và ban cho lễ vật. Họ đưa sứ thần tới Nam Quan. Sai bọn Thiếu uý [15a] Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thượng thư Nguyễn Lễ tiếp lĩnh về nước. Lấy đó làm lệ mãi2848 .

Bính Thìn, [Hoằng Định] năm thứ 17 [1616] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 44).

Mùa xuân, tháng giêng, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Vũ Miễn 4 người, thi đình, cho bọn Lê Trí Dụng 4 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 2, cho Nguyễn Danh Thế làm Tả thị lang bộ Hộ, Nguyễn Khắc Khoan làm Tả thị lang bộ Hình, Nguyễn Duy Thì làm Phó đô ngự sử.

Bàn công đi sứ, thăng Tự khanh Nhân Lĩnh bá Lưu Đình Chất làm Hữu thị lang bộ Lại, Phúc Nham bá Nguyễn Đăng làm Hữu thị lang bộ Hộ, đều cho tước hầu, Tham chính Đường Xuyên tử Nguyễn Chính làm Thái bộc tự khanh, tước bá.

Tháng 3, thăng Thự vệ sự Đông Dương hầu Nguyễn Văn Tộ làm Miện quận công; Hoa Dương hầu Vương Miên làm Phó quận công (Châu người xã Bình Ngô huyện Gia Định) [15b].

Trấn quận công Trịnh Lâm trấn giữ Thanh Hoa 17 năm cai trị khoan hoà giản dị, vỗ về thương xót quan dân, rất được lòng người. Đến đây gọi về, gia chức Thái bảo, cho hầu trong vương phủ, ngồi ở phủ đường bàn việc2849 .

Tháng 9, tuyển bổ quân ngũ. Lê Bật Tứ, Lưu Đình Chất dâng khải nói:

"Lòng trời nhân ái, tất hiển hiện ra ở lời khiển trách cảnh cáo. Năm nay, khoảng tháng 5, tháng 6, đương mùa làm ruộng, trời làm hạn hán, dân cầy thất vọng. Nay ngày tháng 8, lúa má sắp được, trời lại đại hạn nắng nổ khắp nơi. Một năm hai lần đại hạn, tai dị thấy luôn. Dân thôn quê nhiều người ta oán; chẳng phải có liên quan đến chính sự hiện thời sinh ra như thế sao? Nay nghe có lệnh bắt các huyện, xã xứ Thanh Hoa, theo hạn tuyển thêm binh lính, e rằng lúc này chưa phải lúc tuyển duyệt. Nếu lệnh này thi hành, thì những kẻ quyền thế cai quản cũng theo thế mà bắt chước lại [16a] tuyển bổ thêm, dân chịu sao nổi. Kính xin lấy đức kính trời thương dân làm lòng, châm chước đình chỉ việc thêm binh, thi hành chính sách nhân ái. Như thế thì được lòng dân, hợp ý trời; khí hoà đem đến điềm lành,

mưa móc thuận thì lúa má tươi tốt, nhân dân no đủ, thế nước vững, mà con cháu hưởng phúc mãi vô cùng".

Tháng 11, Tả đô đốc Cẩm quận công Nguyễn Phúc Hải mất, Tặng Thái phó2850 .

Đinh Tỵ, [Hoằng Định] năm thứ 18 [1617] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 45).

Mùa xuân, ghi công các văn thần trước sau giữ tròn tiết nghĩa: cho con Bùi Bỉnh Uyên là Lang trung Bùi Bỉnh Di làm Giám sát ngự sử đạo An Quảng, con Đỗ Cảnh là Lang trung Đỗ Thế Long làm Giám sát ngự sử đảo Quảng Nam.

Mùa thu, tháng 7, ngày rằm, có gió bão lớn, lũ lụt to, thóc lúa mất hết.

Gia phong Thượng thư bộ Lại, chưởng lục bộ sự [16b] kiêm Đô ngự sử, Lễ quận công Nguyễn Văn Giai làm làm Thiếu phó.

Truy tặng Thái phó Văn quận công Trịnh Vĩnh Thiệu làm Văn quốc công2851 .

Tháng 9 có bão, nước biển dâng lên.

Xứ Sơn Tây có nhiều sâu lúa.

Mậu Ngọ, [Hoằng Định] năm thứ 19 [1618] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 46).

Mùa xuân, tháng 2, đánh nguỵ Khánh Vương Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng. Chia binh làm hai đạo. Sai Thái phó Thanh quận công đem các thuộc tướng là Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Văn Giai, Phạm Doãn Sinh, Tạ Thế Phúc, Nguyễn Khải, Nguyễn Hắc và Đốc thị Nguyễn Thực, theo đường Lạng Sơn tiến sang. Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân đem thuộc tớng là Hoàng Đình Phùng, Trịnh Thức, Trịnh Căn, Trịnh Liêm và Đốc thị là Nguyễn Duy Thì theo đường Thái Nguyên tiến vào. Đảng giặc đều chạy trốn. Thanh quận công sai Phú Lộc hầu bắt được nguỵ Lập quận đem chém. Rồi rút [17a] quân.

Tháng 3, sai Thái bảo Trấn quận công Trịnh Lâm đem thuộc tướng là bọn Trịnh Bảng cùng Đốc thị là Nguyễn Khắc Khoan, đánh nguỵ đảng ở Võ Nhai. Sai thêm tướng sĩ mỗi doanh tả quân doanh, tiền quân doanh, đều có 1000 người, cùng tiến. Giặc đều tan chạy. Đánh tới sào huyệt, rồi về.

Tháng 4, được mùa lớn. Chia sai người bồi đắp đê đường các xứ.

Núi Đồng Cổ bị sạt. Sai quan đến tế.

Ngày 24, buổi sớm, sao chổi hiện ở phía tây nay, dài như tấm lụa trắng.

Tháng 4 nhuận, sai Thanh quận công và Vạn quận công Trịnh Xuân đánh nguỵ Hào quận công ở Yên Dũng. Sĩ mã ốm đau hao tổn, bèn trở về.

Mùa thu, tháng 8, mưa ra vàng như hạt gạo vàng. Lại mưa ra gạo như nếp đen; lại mưa rượu như rượu ngọt.

Tháng 9 hạ tuần, có khí trắng như hình cái búa đứng thẳng, mỗi đêm canh năm thường hiện ra ở phương đông nam dài hơn một trượng [17b], đến thượng tuần tháng 10 mới mất.

Mùa đông tháng 10, bọn Ngô Trí Hoà, Lê Bật Tứ, Phạm Trân dâng khải trình bày 6 việc. Một là xin sửa đức chính để cầu mệnh trời; hai là xin nén bọn quyền hào để nuôi sức dân; ba là xin cấm phiền hà để đời sống dân khá lên; bốn là xin cấm xa xỉ để của cải dân giầu thêm; năm là xin dẹp trộm cướp để dân an cư; sáu là xin sửa quân chính để bảo hộ dân sinh. Chúa khen ngợi và chấp nhận.

Lưu Đình Chất dâng khải nói rằng:

"Trộm nghe trời giáng tai dị hay điềm lành là do sự có đức hay không. Làm thiện thì trời hiện ra điềm lành, làm ác thì trời răn bằng tai dị. Song nhận thấy tai dị mà sửa đức thì không có hại, cho nên

người xưa lấy trời để mà tự xử và rất cẩn thận đối với mệnh trời. Hán Văn Đế khéo thuận lòng trời mà tai biến tiêu đi hết. Tống Cảnh công có một câu nói thiện mà sao xấu lùi đi [18a]. Nhà nước ta từ khi khôi phục đến nay, trời đất chưa ứng, điềm lành chưa đến, mà tai dị chồng chất. Mùa thu năm nay, trời mưa xuống than đen, thế mà lúc ấy kiêng nói tai dị, lại gọi là mưa gạo. Có phải là mang đến khí hoà như thời Hoàng Đế mà trời mưa ra thóc đâu. Trời mưa ra cát vàng, mà thuật sĩ thích nói điềm lành, bảo là mưa vàng. Có phải vận được hanh thông như đời Hạ Vũ mà trời mưa ra vàng đâu! Hoặc là trời đã tỏ sự răn bảo mà chưa biết tỉnh ngộ, cho nên hạ tuần tháng 9, qua [thượng] tuần tháng này, sao lại hiện ở phương đông nam, ai trông thấy cũng phải sợ hãi. Đó không phải điềm lạ nhỏ bé, có lẽ là bởi đức chưa sửa lại, chính sự còn thiếu sót mà đưa đến như vậy chăng? Nay chính sự thi hành không bằng năm trước. Mệnh lệnh ban bố mà các tướng đều không theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm lo điều tàn ngược [18b], vét hết tài sản của dân. Những tiếng than sầu khổ cũng đủ để cảm động đến trời, mà trời răn bảo bằng điềm lạ, người làm chúa trông thấy thế phải nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời, thương nuôi dân mọn, phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một chút gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính cho dân. Dân phố phường kinh thành là đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng cấm cướp đoạt. Dân Thanh Hoa và tứ chính là đáng thương xót, nên nhắc bảo các tướng không được quấy nhiễu. Như thế thì người ở gần được đội ơn trạch, người ở xa nghe tiếng mà đến. Thế là được lòng dân. Lòng người vui ở dưới, thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển thành sao sáng lành; mưa tai dị chuyển thành mưa ngọt lành. Các thứ phúc đều đến hết, thế là vương đạo lại thành vậy".

Triều [19a] thần dâng sớ tâu, đại lược rằng:

"Quan hệ giữa trời vời người là đáng sợ lắm. Việc của người không sửa, thì trời lấy tai dị để răn. Hạ tuần tháng 9 năm nay cho đến thượng tuần tháng này, mỗi đêm vào trống canh năm, sao tai dị hiện ra ở phương Đông Nam, hình như mây trắng, hình như dải lụa, như cái thoi nhọn, như cái mũi dáo đầu đuôi nhỏ và nhọn, trông thấy dễ sợ. Lại có mưa vàng, mưa gạo, mưa rượu, tiếng sấm động trái thì, tai dị hiện ra luôn. Biến cố ấy không phải vô cớ mà sinh ra. Hoặc giả bên trong có lỗi đức, bên ngoài có lỗi chính, kỷ cương buông lỏng, pháp lệnh trễ nải, quan lại hà khắc, dân chúng lao động, việc người có nhiều sự mất hoà mà đến thế chăng? Kính xét trong sách Chu thư có nói: "Vua thì xét ở sao Tuế, các khanh sĩ thì xem ở mặt trăng, thứ dân thì xem ở các sao" là nói việc người có đúng có sai, điềm tốt xấu theo loại mà ứng hiện. Năm nay [19b] ban đêm hiển hiện sao tai dị, tai biến xảy ra luôn; đó là trời tỏ răn bảo, chính là lúc phải sự hãi chăm lo. Thấy lòng trời nhân ái, luôn ngụ ở sự trách bảo, xin sửa đức để trừ đi là được. Xưa Tống Cảnh công nói ra một lời thiện mà sao tai dị phải lùi chỗ; Tống Thái Tông mở đàn trai nhưng mà sao chổi tự nhiên mất đi. Xem các việc đời trước đã làm, có thể chứng nghiệm. Bọn thần cúi xin đức lớn cao sáng thấy có tai biến mà lo sợ, trách mình sửa nết, đặt đàn cầu trời, trai giới mật đảo, may ra lòng thành cảm cách, hiện tượng huyền vi cũng ứng theo, sao dữ lùi chỗ, khí hoà sinh điềm lành; âm dương điều hoà mà mưa gió phải thì; quần sinh hoà hợp mà muôn vật nảy nở, nhân dân được vui chiếu chăn yên ấm, nhà nước bền vững như bàn thạch Thái Sơn. Cơ nghiệp truyền nối, từ nay được dài lâu, để cho phúc của [20a] tôn miếu xã tắc được dài mãi đến ức muôn năm...".

Nhà vua xem lời tâu, lưu lại ở trong cung.

Tháng 11, canh 5, sao chổi mọc ở phương Đông hơn một tháng mới tắt. Triều thần dâng khải nói:

Năm nay, hạ tuần tháng 9, có sao tai dị hiện ra ở phương đông nam, tháng này đêm hôm 11, lại có sao tai dị hiện rõ. Ý giả người trên đức chưa tu sửa, chính sự có nhiều chỗ sai lầm, mưu người hoặc có bụng khác mà đến thế chăng? Trộm nghe: nhà vua rủ áo khoanh tay ở trên, người thân đều là chính nhân, việc làm đều theo chính đạo, gián hoặc có kẻ gian nịnh ra vào nội điện, xui giục bậy bạ, như việc tu bổ đã có bộ Lại mà lại cho chức danh trái lệ, việc thuế khoá đã có bộ Hộ mà lại sai người ra dân thu tranh, việc kiện tụng đã có nha môn xét hỏi, lại gián hoặc nghe người vu cáo, bắt người lấy của; viện quân đã có [20b] phủ ty vệ sở, lại gián hoặc sai người lấy bắt quân dịch nặng nề, xin phép đủ ra để sửa bỏ tệ trước. Kỷ cương pháp độ đã có phép cũ để lại, như tướng chỉ cho coi quân, không được coi dân, mà nay bọn cai quản lại chuyên coi dân, chuyên lấy của dân, chuyên giết người, lại tuyển riêng lấy thêm người phục dịch, một nhà đến 5, 6 người, thu nặng thuế công, một mảnh ruộng đến hai, ba lớp tô; bọn cai tổng cai xã thì bắt xét các vụ kiện về hộ, hôn, điền thổ; đường thuỷ đường bộ thì đặt riêng nha môn

tuần ty tuần sát. Kính xin hạ lệnh cho các tướng đình bãi hết thảy. Còn như kẻ nào ngầm có bụng khác, đó là người mưu làm bậy, kính xin tự xét định. Các việc tệ ấy, tức sao trên trời cũng tỏ ra răn bảo. Nay chính là lúc phải sợ hãi sửa mình. Nên cho gọi các đại thần cùng các vương tử, bảo cho biết vương nghiệp gian nan, khiến đổi bỏ tệ chính, cốt phải được lòng dân [21a]. May ra lòng dân vui, ý trời thuận, thì sao tai dị sẽ chuyển thành sao lành, đời bình trị thành ra đời chí trị, thái bình đủ mười phần, con cháu truyền ức năm, cơ nghiệp nước nhà từ nay lâu dài mãi".

Tháng 12, cho Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Danh Thế là Đô ngự sử, Tả thị lang bộ Lễ Nguyễn Thực làm Thượng thư bộ Hình2852 .

Kỷ Mùi, [Hoằng Định] năm thứ 20 [1619] , (Từ tháng 6 trở về sau là niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất đời vua Thần Tông, Minh Vạn Lịch năm thứ 47).

Mùa xuân, tháng giêng, ngày 16, kinh thành cháy to, bắt đầu từ cửa sau sang vương phủ, lan ra phố phường, đến lầu cửa Đoan Môn của triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu.

Tháng 2, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Trần Hữu Lễ 7 người. Thi đình cho Nguyễn Lại đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Bùi Cầu 6 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 3, con trai thứ của chúa là Vạn quận công Trịnh Xuân nổi loạn [21b]. Vì con trưởng của chúa là Tín Lễ công Trịnh Túc đã mất, theo thứ tự thì phải đến Thanh quận công [nối ngôi], còn Xuân thì không được nối; y bèn ngầm khuyên vua làm hại chúa, mà lập Xuân. Tháng 4, Xuân nghe tin chúa sẽ ra bến Đông Hà xem [đua thuyền]. [Xuân] sai thuộc hạ là Văn Đốc đặt địa lôi và phục súng ở cạnh ngã ba đường. Quả nhiên chúa có đến lầu ở bờ sông. Khi về, thường chúa cưỡi voi. Hôm ấy, chúa thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và nghi vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba, có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Vội sai truy bắt, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng, đem về phủ tra hỏi, y khai là Nội điện [nhà vua] và Vạn quận công sai làm. Chúa sai Trấn quận công Trịnh Lâm và Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào điện xét hỏi tả hữu, thì biết hết sự trạng. Ngày 12 tháng 5, chúa ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan. Chúa thân bưng mâm vàng trầu cau [22a] bước ra, khóc mà nói rằng: "Thời kỳ họ Mạc, nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về, sáng lập triều đình. Tôi tôn phò ba triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã bảy mươi. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này"...

Các thần liêu văn võ ai cũng phẫn uất. Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì đều kiên quyết nói: "Con bất hiếu thì phải giết, vua vô đạo thì phải phế" và xin cho Xuân được tự tử. Lại theo việc trước đây Y Doãn Hoắc Quang đã làm [bắt giam vua]. Các triều thần đều theo lời bàn đó. Chúa nói: "Đây là việc lớn, các ông chớ nên khinh suất". Nguyễn Danh Thế xin bắt Trịnh Xuân, bãi hết quan tước, binh quyền, giam vào nội phủ. Chúa nghe theo. Giết nghịch đảng là bọn Văn Đốc. Nhà vua thì xấu hổ, nói với hoàng hậu rằng: "Ta còn mặt mũi nào mà gặp vương phụ nữa", bèn [22b] tự thắt cổ, rồi băng.

Chúa nghe tin rất sửng sốt, thương xót. Sớm hôm sau gọi các bề tôi vào nói: "Tai biến của trời không phải vô cớ mà sinh ra, không ngờ nay lại thấy việc này. Nên làm sao bây giờ?". Các quan đều nói: "Thánh thượng chí đức. Nhà vua làm điều vô đạo, tự dứt với mệnh trời, thì lễ tang tế nên tước giảm bớt đi". Chúa bảo: "Lòng ta không nỡ". Bèn sai vẫn dùng lễ đối với thiên tử. Triều đình bàn không nên đưa vào thờ ở thái miếu mà lập một điện riêng để thờ cúng, dâng thuỵ là "Giản Huy Đế" táng ở lăng Bố Vệ2853 .

Tháng 6, hoàng tử Trương lên ngôi. Bấy giờ Giản Huy Đế đã mất, vua có người anh con nhà bác là Cường Quận công Lê Trụ, tư cách là con của Bản quốc công Lê Bách, là cháu đích tôn của vua Anh Tông, lại lấy con gái của vương tử Thanh quận công, nên cũng có ý ngấp nghé. Lại cũng có người khuyên nên lập ông ta lên ngôi. Chúa chưa nghe. Hoàng hậu thì ngày đêm khóc lóc nói: "Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác [23a]. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy". Bấy giờ ý chúa mới quyết. Nhân

đấy sai đại thần và bách quan rước hoàng trưởng tử tới điện Cần Chánh lên ngôi. Bấy giờ vua mới 13 tuổi. Đại xá thiên hạ, đổi năm ấy là năm Vĩnh Tộ thứ nhất2854 .

Tôn hoàng hậu làm hoàng thái hậu; lấy ngày sinh làm Thọ dương thánh tiết2855 .

Tháng 11, Thái bảo Trân quận công Trịnh Lâm mất, tặng là Trấn quốc công, ban thuỵ là Nghị Triết2856 .

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

2840 Bản Lê Hy bỏ đoạn này.

2841 Bản Lê Hy không chép việc này.

2842 Bản Lê Hy chép việc này.

2843 Bản Lê Hy không chép việc này.

2844 Bản Lê Hy chép việc này.

2845 Bản Lê Hy chép là nguyệt thực.

2846 Bản Lê Hy bỏ việc này.

2847 Bản Lê Hy bỏ việc này.

2848 Bản Lê Hy thiếu đoạn đầu và đoạn cuối.

2849 Bản Lê Hy bỏ.

2850 Bản Lê Hy bỏ.

2851 Bản Lê Hy bỏ.

2852 Bản Lê Hy lược bỏ.

2853 Bản Lê Hy chép việc này rất đơn giản.

2854 Việc lập vua mới, ở bản Lê Hy chép gọn có một dòng.

2855 Bản Lê Hy không chép.

2856 Bản Lê Hy không chép.