VietLang
05-14-2007, 04:18 PM
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư
Quyển I
[1a]
Kỷ Nhà Đinh
Tiên Hoàng Đế
Họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng 247 con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm [968-979], bị nội nhân là Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi [924-979], tán ở sơn lăng Trường Yên.
Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ [Đế], song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!
Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, [1b] cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan248 , cầu gãy, vua rơi xuống bùn, [2a] người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.
Bấy giờ Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm, Kiểu Tam Chế chiếm Phong Châu, Nguyễn Thái Bình chiếm Nguyễn Gia Loan, Đỗ Cảnh Thạc chiếm miền sông Đỗ Động, Nguyễn Lệnh Công249 chiếm Tây Phù Liệt, Tế Giang thì có Lữ Tá Đường, Tiên Du có Nguyễn Thủ Tiệp, Siêu Loại có Lý Lãng Công, Hồi Hồ có Kiểu Lệnh Công, Đằng Châu có Phạm Phòng Át, Bố Hải có Trần Minh Công250 . Vua một phen cất quân là dẹp yên,
bèn tự lập làm đế. Chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm thôn, vua muốn dựng [2b] đô ở đó, nhưng vì thế đất chật hẹp lại không có lợi về việc đặt hiểm, nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư251 (nay là phủ Trường Yên).
Mậu Thìn, năm thứ 1 [968], ( Tống Khai Bảo năm thứ 1 ). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.
Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu [3a] quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?
Kỷ Tỵ, năm thứ 2 [969], (Tống Khai Bảo năm thứ 2) . Tháng 5 nhuận, phong con trưởng là Liễn làm Nam Việt Vương.
Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ 1 [970] , (Tống Khai Bảo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, đặt niên hiệu. (Sử cũ nói rằng nước Việt ta có niên hiệu bắt đầu từ đây. Nhưng Lý Nam Đế [trước đó] đã đặt niên hiệu là Thiên Đức [544-548]. Sai sứ sang nhà Tống giao hảo. Bấy giờ nhà Tống sai Đại tướng Phan Mỹ dẹp yên Lĩnh Nam (chỉ Lưu Xưởng252 ), cho nên mới có mệnh ấy.
Lập 5 hoàng hậu (một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông).
Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể [3b] đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập [hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậụ Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.
Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971] , (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bật văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư253 , Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân254 , Tăng thống255 , Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục256 , Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi257 .
[4a] Nhâm Thân, [Thái Bình] năm thứ 3 [972] , (Tống Khai Bảo năm thứ 5). Sai Nam Liệt Vương Liễn sang sứ thăm nhà Tống.
Quý Dậu, [Thái Bình] năm thứ 4 [973] , (Tống Khai Bảo năm thứ 6). Nam Việt Vương Liễn đi sứ về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. (Lời chế đại lược nói: "[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang258 , bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức "tỉnh phú"259 . Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu?".
Giáp Tuất, [Thái Bình] năm thứ 5 [974] , (Tống Khai Bảo năm thứ 7). Muà xuân, tháng hai, quy định về quân mười đạo: mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người, đầu đội mũ bình đính260 vuông bốn góc (loại mũ này làm bằng da, chóp phẳng, bố bên khâu liền, trên hẹp dưới rộng, quy chế này đến đời bản triều khởi nghĩa vẫn còn dùng, đời sau vẫn theo thế).
Hoàn thứ tử là Toàn sinh.
[4b] Ất Hợi, [Thái Bình] năm thứ 6 [975] , (Tống Khai Bảo năm thứ 8). Mùa xuân, quy định áo mũ cho các quan văn võ. Sai Trịnh Tú 261 đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang nhà Tống.
Mùa thu, nhà Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều lấy Liễn làm chủ.
Bính Tý, [Thái Bình] năm thứ 7 [976] , (Tống Khai Bảo năm thứ 9. Từ tháng 10 trở về sau thuộc về Tống Thái Tông [Triệu] Khuông Nghĩa, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc năm thứ nhất). Muà xuân, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ. Sai Trần Nguyên Thái sang đáp lễ nhà Tống.
Mùa đông, tháng 10, Tống Thái Tổ băng.
Đinh Sửu, [Thái Bình] năm thứ 8 [977] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2). Sai sứ sang nhà Tống mừng Thái Tông lên ngôi.
Mậu Dần, [Thái Bình] năm thứ 9 [978] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, động đất. Lập con nhỏ là Hạng Lang [5a] làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương. Tháng hai, mưa đá.
Mùa hạ, tháng sáu, nắng hạn.
Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liệt giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thuở hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công, [5b] hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con.
Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm Được?
Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích262 giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, [6a] Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khác lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngũ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngũ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: "Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài".
Lại vào năm Thái Bình thứ 5 [974], có lời sấm ngữ: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi263 , đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện [6b], thập bát tử đăng tiên, kế đô264 nhị thập thiên" (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nỗi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày)265 . Người ta cho là số trời đã định như thế. Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên266 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lể nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì [7a] lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước. Đó là nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở đó. Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc ngừơi, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ266 đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó.
PHẾ ĐẾ
Tên húy là Toàn, con thứ của Tiên Hoàng, ở ngôi 8 tháng. Họ Lê cướp ngôi, giáng phong là Vệ Vương, thọ 18 tuổi [974-991]. Vua còn thơ ấu phải nối nghiệp lớn gian nan, cường thần nhiếp chính, người trong nước lìa lòng, nhà Đinh bèn mất.
Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công267 , tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết [7b] Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: "Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà ta. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nỗi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau". Hoàn nói: "Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm". Rồi đó chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Hoàn người Ái Châu, [sau lên ngôi] đóng đô ở Hoa Lư, cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô). Điền, Bặc thua chạy, lại đem quân thủy ra đánh. Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng củi đưa về kinh sư, kể tội rằng: "Tiên đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn. Ngươi là tôi con lại nhân lúc tan tóc bối Krối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?". Bèn chém đầu đem bêu.
Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp đem về [8a] Kinh sư.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.
Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa [8b] Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới268 rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: "Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta". Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.
[9a] Canh Thìn, [Thái Bình] năm thứ 11 [980] , (Phế Đế vẫn dùng niên hiệu Thái Bình, từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thiên Phúc năm đầu của Lê Đại Hành; Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 5).
Mùa hạ, tháng 6,Tri Ung Châu269 của nhà Tống là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng thư tâu với vuaTống rằng:
" An Nam Quận Vương cùng với con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy.nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lở mất cơ hôị. Xin cho đến cửa khuyết để tâu Bày trực tiếp tình trạng có thể đánh lấy được ". Vua Tống sai chạy trạm đến gọi Nhân Bảo. Lư Đa Tốn nói: " An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất, triều đình nên bất ngờ đem quân sang đáng úp, như người ta nói: " sét đánh không kịp bịt tai". Nếu trước gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia nhờ đó biết được, sẽ dựa núi ngăn mà phòng bị, cái thế thắng thua chưa biết thế nào.
Chi bằng giao cho Nhân Bảo trách nhiệm ngầm đem quân sang, theo lệnh mà lo liệu việc ấy, chọn tướng đem 3 vạn quân Kinh Hồ270 ruổi dài mà [9b] tràn sang, tạo ra cái thế vạn toàn như xô bẻ cành khô gỗ mục, không phải lo tốn một mũi tên".Vua Tống cho là phải.
Mùa thu,tháng 7, ngày Đinh Mùi, nhà Tống lấy Hầu Nhân Bảo làm Giao châulục lộ thủy lộ chuyển vận sứ, Lan Lãng đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng,Bất tác sứ Hác Thủ Tuấn, Yên bi khổ sứ Tràn Khâm Tộ, Tả giám môn tướng quân Thôi Lượng làm Ung Châu Lộ binh mã bộ thư, Ninh Châu thứ sử Lưu Trừng, Quân khi khố phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hậu Vương Soạn làm Quảng Châu Lộ binh mã đô bộ thư., họp quân cả bốn hướng, hẹn ngày cùng sang xâm lược.
Bấy giờ,Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng271 làm đại tướng quân. Khi [ triều đình ] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, [10a] nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẻ xuất quân thì hơn".Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế ".
Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn272 khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [ 980 ], giáng phòng vua làm Vệ Vương.
Truy phong cha của vua [ Hoàn ] làm Trường Hưng Vương, mẹ họ Đặng làm Hoàng thái hậu.
Tháng 8, vua Tống xuống chiếu đem quân sang xâm lược, sai Lư Đa Tốn đem thư sang nói rằng: " Trung Hoa đối với Man Di, cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một [10b] tay một chân mà mạch máu ngừng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang để chữa. Chữa mà không công hiệu thì lại phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng, mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà lợi ích nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng? cho nên Thái Tổ Hoàng Đế ta nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn Man Di mắc bệnh. Cho nên năm thứ 1 thứ 2 thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương, Đàm, năm thứ 3 thứ 4 thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở273 , gân cốt huyết mạch ra dáng trẻ non, có phần khoẻ mạnh. Không do cơ trí thần diệu sáng suốt của bậc vương giả mà trù liệu được đến thế ư ? Đến khi ta nối giữ cơ nghiệp lớn, đích thân coi chính sự, cho rằng đất Phần, đất Tinh274
là bệnh ở lòng bụng, nếu lòng bụng chưa chữa khỏi thì làm sao chữa nổi tứ chi ? Vì thế mới luyện thuốc thang bằng nhân nghĩa, [11a] sửa đồ châm cứu bằng đạo đức, hết sức chữa cho các đất Phần, Tinh chỉ một lần là khỏi bệnh, chín châu bốn biển đã mạnh lại yên. Chỉ có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực là ngoài năm cõi275 .
Nhưng phần thừa của tứ chi, ví như ngón chân ngón tay của thân người, tuy chỉ một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao ? Cho nên phải mở lòng ngu tối của ngươi, để thanh giáo của ta trùm tỏa, ngươi có theo chăng ? Huống chi từ thời Thành Chu, [ nước ngươi ] đã đem chi trĩ trắng sang dâng, đến thời Viêm Hán276 , dựng cột đồng làm mốc, cho đến thời Lý Đường, vẫn thuộc về nội địa. Cuối thời Đường nhiều họa nạn, chưa kịp xử trí. Nay thánh triều lòng nhân trùm khắp muôn nước, cơ nghiệp thái bình kể cũng đã thịnh. Lễ phân phòng đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khoẻ của ta. Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà, khiến cho ta buồn phiền, phải chém cờ bổ so277 làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp. Dù cho sông nước ngươi có ngọc, [11b] ta vứt xuống suối; núi nước ngươi sản vàng, ta ném vào bụi, [ để thấy ] chẳng phải ta tham của báu nước ngươi. Dân của ngươi bay nhảy ( ý nói người hoàng dã ) còn ta thì có ngựa xe; dân ngươi uống mũi ( nay người man ở miền rừng núi Giao Quảng278 vẫn còn tục ấy ) còn ta thì có cơm rượu để thay đổi phong tục của nước ngươi; dân ngươi bắt tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim, còn ta thì có Thi, Thư, để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta tỏa mây Nghiêu, tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mày chảy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm tử vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạc lớn [để yểm trừ], khiến chúng không làm hại. Ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà Minh đường, Bích ung279 chăng? Trút áo quần cỏ lá của ngươi mà mặc áo cổn hoa thêu hình rồng núi chăng? Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta [12a] sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy". (Sử cũ chép thư này ở Đinh Kỷ, dưới năm Thái Bình thứ 2 [971], nay xét nên để ở đây. Thư này do Vương Vũ Xứng nhà Tống soạn. Lại xét ở trên đoạn đó, Lê Văn Hưu có nêu bốn chữ "cải nguyên xưng đế", thì rõ ràng là từ mùa thu năm này, thuộc niên hiệu Thiên Phúc năm đầu. Lại trong bức thư này nói: "Thái Tổ ta nhận ngôi nhà Chu nhường lại..., ta nối giữ cơ nghiệp lớn...", thì rõ là thư của Tống Thái Tông, Văn Hưu không thể quá lầm mà ghi vào đời Đinh Tiên Hoàng, có lẽ do người sau sao chép ở những chỗ còn lại trong sách rách giấy nát, tự ý chép bậy vào chỗ ấy, đến nỗi Văn Hưu phải chiụ oan là đã lầm. Năm sau, là năm Tân Tỵ [981] mới đổi gọi là Thiên Phúc năm đầu, biết đâu chẳng phải do mất tờ sách ấy mà đổi lầm chăng? Còn như Lý Thái Tổ lên ngôi vào cuối năm, cho nên năm sau đổi niên hiệu, không giống như đây).
Mùa đông, tháng 10, vua sắp phát binh, trước sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống giả làm thư của [Vệ Vương] Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống ( thư nói: cha thần là mỗ, anh thần là mỗ, điều được đội ơn nước, cho giữ phận trông coi biên khổn, kính giữ bờ cõi, không dám trái lệnh. Chưa khó nhọc ngựa đổ mồ hôi, đả đau buồn sương tan buổi sớm280 . Nhà thần sắp sụp đổ, chưa bỏ aó tan thì quân dân tướng lại trong hạt, người giá lão ở núi rừng cùng đến chỗ nằm rơm gối đất281 của thần, bảo thần tạm giữ việc quân lữ. Thần cố từ ba bốn lần, nhưng bọn họ thỉnh cầu nài ép càng khẩn thiết. Thần muốn [12b] đợi tâu bày, nhưng lại lo chậm trễ; người núi rừng hung ác, dân khe động tráo trở, nếu không chiều ý họ, sợ có khi tai biến xảy ra. Cho nên thần đã kính giữ quyền Tiết độ hành quân tư mã, tạm giữ việc quân trong
châu. Cúi mong được chính thức lĩnh mệnh, đủ được dự hàng phiên bang, để yên ủi tấm lòng tận trung của kẻ toi mọn, nêu cao thịnh điển ban khen của thánh triều ).
Khi ấy nhà Tống đang muốn trách hỏi vua về việc xưng đế đổi niên hiệu, lại có ý chiếm lấy nước Việt ta, mới sai Trương Tông Quyền đưa thư trả lời rằng: " họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái, khanh282 làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẻ có điễn lễ ưu đải và sẻ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một".Vua đều không nghe.
Trở nên là triều Đinh, hai vua, bắt đầu từ năm Mậu Thìn, chấm dứt vào năm Canh Thìn [ 968- 980 ] tất cả 13 năm.
[13a]
K ỷ N H À L Ê
ĐạI HÀNH HOÀNG ĐẾ
Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu283 , làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 - 1006], băng ở điện Trường Xuân.
Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn
Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: " Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được". Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, [tỏ ra] phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ. Đến đây thay họ Đinh làm vua, đóng đô ở Hoa Lư.
[14a] Tân Tỵ, Thiên Phúc ] năm thứ 2 [981] , ( Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6, xét các bản chép niên kỷ các triều đều ghi năm này là năm Thiên Phúc thứ 1, nay sửa lại ). Mùa xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch
Đằng284 . Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng285 . Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tô. nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng danh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế.
Lê Văn Hưu nói: Lê Dại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện [14b], Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họLý.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày [15a] rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lái đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.
Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trùng ốm chết, Soạn bị giết ở [15b] Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ.
Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982] , ( Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 7 ). Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ cuả Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu ( về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ ).
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau ?
Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém bê Mi Thuế286 tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể,
cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.
Năm ấy đói to.
Quý Mùi, /Thiên Phúc/ năm thứ 4[ 983 ] , (Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 8). Mùa xuân, sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống.
Trước kia vua đi đánh Chiêm Thành, Quảng Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước ấy. Đến đây, vua sai người con nuôi( không rỏ tên) [16b] đi bắt được kế Tông, đem chém.
Kênh mới trên đường biển làm xong( chưa rỏ ở chổ nào ). Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ287 đến sông Bà Hòa288 , đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện.
Giáp Thân, /Thiên Phúc năm thứ 5 [984] , (Tống Ưng Hy năm thứ 1). Muà xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc.
Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân289 , cổt giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc.
[17a] Ất Dậu, /Thiên Phúc/ năm thứ 6 [985] , (Tống Ung Hy năm thứ 2). Mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ.
Nhà Tống sai sứ sang thăm. Vua sai sứ sang nhà Tống xin giữ chức Tiết Trấn290 .
Bính Tuất, /Thiên Phúc/ năm thứ 7 [986] , (Tống Ung Hy năm thứ 3). Mùa thu, tháng 8, điểm dân để lấy lính.
Mùa đông, tháng 10, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sử kinh triệu quận hầu (Lời chế nói: Đấng vương giả cả dựng ngôi cao, vỗ yên chư hầu. Dựng phủ đệ tại kinh sư, cho lễ hội đồng được long trọng; chia đất phong ở các nơi, để quyền tiết chế được nêu cao. Huống nay từ cõi đất diều rơi291 đến dâng đồ cống lông chim trả. Lúc đang đổi tướng, lợi dịp phong hầu, lòng cũng không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền tri tam ty lưu hậu là Lê mỗ, tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, [17b] được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Vừa rồi Đinh Toàn đương tuổi trẻ thơ, không biết yên vỗ. Người là tâm phúc chỗ thân, giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, uy ái đều gồm. Họ Đinh bỏ quyền ba đời tiết sứ, chiều theo ý muốn mọi người. Người xa tỏ lòng thành, xin ban tiết việt. [Phải như] Sĩ Nhiếp cứng mạnh, sáng suốt, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính, thuận tòng, vâng chiếu Hán chẳng trái. Nên xứng chức đứng đầu cõi xa, cùng dự hàng chư hầu tôn quý. Vỗ yên Man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều).
Vua nhận chế rất kính, lễ thết đãi rất hậu, hàng ngày đem những thứ quý lạ bày chật cả sân, để tỏ sự giàu có. Đem bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân trả cho về. Lại Bảo Nhược Chuyết và Giác
rằng: "Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?". Giác đáp: "Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, cũng có chỗ hiểm trở, một phương này lấy gì làm xa". Lấy Từ Mục làm Tổng quản trị quân dân sự, ban cho tước hầu, Phạm Cư Lạng làm Thái uý.
Sai Ngô Quốc [18a] Ân sang đáp lễ nhà Tống và nói về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người họ xin nội phụ
Đinh Hợi, /Thiên Phúc/ năm thứ 8 [987] , Tống Ung Hy năm thứ 4). Múa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi292 được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân.
Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang293 , vua sai pháp sư tên là Thuận294 giả làm người coi sông295 ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha. (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngữa mặt nhìn chân trời). Pháp sư dương cầm chèo296 , theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba. (Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi). Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du, Nhất thân nhị độ sứ [18b] Giao Châu. Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến, Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu. Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch, Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu. Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu. Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu. (May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lược sứ Giao Châu. Đông Đô mấy độ còn lưu luyến, Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu. Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm, Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu. Ngoài trời lại có trời soi nữa. Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)292
Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt298 đến xem. Khuông Việt nói: "Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống". Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu299 . Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát300 để tiễn, lời rằng:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, Dao vọng thần tiên phục đế hương. Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang, Cửu thiên quy lộ trường. Tình thảm thiết, Đối ly trường, Phan luyến sử tinh lang. Nguyện tương thâm ý vị biên cương, Phân minh tấu ngã hoàng301 . (Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên lại đế hương. Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương, Về trời xa đường trường. Tình thắm thiết, Chén lên đường, Vin xe sứ vấn vương. Xin đem thâm ý vì Nam cương, Tâu vua tôi tỏ tường)302
Giác lạy ra về.Năm ấy được mùa to.
Mậu Tý /Thên Phúc / năm thứ 9/ 988/, ( Tống Đoan củng năm thứ 1 b).
Vua nước Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật thành303 tự đặt hiệu [ 19a] là Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La304 .
Thái sư Hồng Hiến chết. Hiến là người Bắc [ tức Trung Quốc ], thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc, đến đây chết.
Năm ấy, vua Tống đổi niên hiệu, sai Hộ bộ viên ngoại lang là Ngụy Tường và Trực Sử Quán là Lý Độ mang chế sách sang gia phong vua làm Kiểm hiệu thái úy.
Ký Sửu, / Hưng Thống / năm thứ 1/ 989/, (Tống Đoan Củng năm thứ 2 ). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu đại xá.
Phong thái tử Thau làm Kình Thiên Đại Vương, hoàng tử thứ hai là Ngân Tích305 làm Dông Thành Vương, hoàng tử thứ ba là Việt làm Nam Phong Vương.
Dương Tiến Lộc lấy hai châu Hoan, Ái306 làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai viên Quảng giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân [19b] đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hải châu ấy không biết bao nhiêu mà kể.
Canh Dần, /Hưng Thống/ năm thứ 2 [ 990] (Tống Thuần Hoá năm thứ 1). Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ là "Đặc tiến". Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa, Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình307 đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao308 để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, [20a] vua Tống bằng lòng.
Tân Mão, /Hưng Thống/ năm thứ 3 /991/ , (Tốn Thuần Hóa năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Cần sang nhà Tống thăm đáp lễ.
Phong hoàng tử thứ tư là Đinh làm Ngự Man Vương, đóng ở Phong Châu, hoàng tử thứ sáu là Cân làm Ngự Bắc Vương, đóng ở trại Phù Lan309 .
Nhâm Thìn, /Hưng Thống/ năm thứ 4 /992/ , (Tống Thuần Hóa năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn.
Phong hoàng tử thứ năm là Đĩnh làm Khai Minh Vưong, đóng ở Đằng Châu310 .
Trần tiên sinh ở núi Tuyên Hoa đến cửa khuyết. (Xét nước ta không có núi Tuyên Hoa, có lẽ là việc nhà Tống triệu Chủng Phóng ở núi Chung Nam, hoặc có triệu cả Trần Đoàn ở Hoa Sơn mà sử chép lầm là việc nước ta? Nếu không phải thế, thì sao tiếng tăm của Trần tiên sinh không truyền lại đời sau? Dười chữ "tuyên" ngờ có sót chữ "triệu"311 . Vân Đài quán ở Hoa Sơn là nơi ở của Trần Đoàn).
Mùa hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Điạ Lý312 đem về châu Ô Lý (Điạ Lý [20b] nay là Tân Bình313 , Ô Lý nay là Thuận Hóa)314 .
Muà thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Điạ Lý.
Quý Tỵ, /Hưng Thống/ năm thứ 5 /995/ (Tống Thuần Hoá năm thứ 4). Muá xuân, tháng 2, ngày Kỷ Mùi, mồng 1, nhật thực.
Phong hoàng tử thứ bảy là Tung làm Định Phiên Vương, đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang315 ; hoàng tử thứ tám là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang, hoàng tử thứ chín là Kính làm Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên316 .
Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.
Giáp Ngọ, /Ứng Thiên/ năm thứ 1 /994/ , (Tống Thuần Hoá năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.
Phong hoàng tử thừ mười là Mang làm Nam Quốc Vương, đóng ở châu Vũ Lung317 .
Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống [21a] sang thăm đáp lễ.
Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu.
Ất Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 2 /995/ , (Tống Chí Đạo năm thứ 1). Phong hoàng tử thứ mười một là Đề (tức Minh Đề) làm Hành Quân Vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm318 ; con nuôi làm Phù Đái Vương, đóng ở hương Phù Đái319 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua một nước, thờ tông miếu, giữ xã tắc, chẳng may không có con nối thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình, để mong truyền mãi không cùng, thế thì cũng có, chứ chưa thấy vua nào có con nuôi. Vả lại, nhánh họ của vua đã đông người rồi, cái gọi là con nuôi, chẳng qua là muốn thỏa lòng dấu yêu riêng với người ấy mà thôi, sao không nghĩ như thế là gây mầm cướp ngôi hay sao?
[21b] Sai Đỗ Hanh sang nhà Tống thăm đáp lễ. Bấy giờ nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu320 nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về. Vua Tống muốn vỗ yên, không muốn dụng binh, bỏ không hỏi đến. [Trương] Quan lại nói dối là vua bị họ Đinh đánh đuổi, đem dư chúng ra ở miền hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết; bọn Quan dân biểu mừng. Vua Tống sai Thái thường thừa Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực, biết là vua không có chuyện gì.
--------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:
247 Đại Hoàng: tên châu, nay là đất huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
248 Nguyên văn: "Đàm Gia Nương Loan". Loan là chỗ sông uốn vòng. Các bản in khác đều bỏ chữ "Nương", chỉ chép Đàm Gia Loan. Nay ở Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
249 Ở đoạn trước, NK5 chép là Nguyễn Hữu Công.
250 Tên địa phương cát cứ của các sứ quân, xem chú thích (7), tr. 209.
251 Động Hoa Lư: Cương mục: ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế tỉnh Ninh Bình cũ; nơi đây bốn mặt đều có núi đá dựng đứng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người địa phương gọi là động Hoa Lư (CMTB5, 24b). Nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh.
252 Lưu Xưởng: vua cuối cùng của Nam Hán (958-970), đầu hàng tướng nhà Tống là Phan Mỹ.
253 Đô hộ phủ sĩ sư: chức quan coi việc hình án ở phủ đô hộ, tức là trong cả nước (nhà Đinh dùng tên phủ đô hộ thời thuộc Đường).
254 Tướng chỉ huy 10 đạo quân, tức quân đội cả nước.
255 Tăng thống: chức quan phong cho vị sư được triều đình coi là người đứng đầu Phật giáo.
256 Tăng lục: chức quan trông coi Phật giáo dưới chức Tăng thống.
257 Sùng chân uy nghi: chức quan trông coi về đạo giáo.
258 Chỉ việc nhà Tống đã diệt Hán, lấy được miền Nam Trung Quốc.
259 Nguyên văn: "Trù chi tỉnh phú". Theo Tống sử, Thực Hoá chí thì "tỉnh phú" ( chữ tỉnh trong từ tỉnh điên) là chế độ quy định các điạ phương đóng góp 1/5 binh mã cho chính quyền trung ương.
260 Bình đính: phẳng đầu.
261 Theo Cương mục: Trịnh Tú người châu Đại Hoàng (CMTB1,6b).
262 Cương mục chú: Đỗ Thích người xã Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh (CMTB1,8b).
263 Ở đây Toàn thư chép là hoành nhi mm mm, tức một loại nô tỳ, còn Đại Việt sử lược (q.1, 17b) lại chép là hoành tử mm mm nghĩa là chết phi lý, chết oan uổng.
264 Kế đô: là tên Trung Quốc phiên âm tên ngôi sao Kethu trong lịch cổ Ấn Độ. Thiên văn cổ Ấn Độ cho rằng hệ mặt trời có 9 sao (Trung Quốc dịch là Cửu diệu), ngoài mặt trời, mặt trăng và 5 sao Thủy (Bhuda), Kim (Sukra), Hỏa (Angaraka), Mộc (Brhaspati), Thổ (Sanaiscara hay Sani), còn có 2 sao nửa là Kethu và Rahu (Trung Quốc phiên âm là La hầu), hai sao này thường che mặt trời, mặt trăng, làm thành nhật thực và nguyệt thực. Ngày nay ta biết không phải như vậy và không có hai ngôi sao đó. Lịch pháp cổ Ấn Độ (người Trung Quốc gọi là Phạn lịch đã truyền vào Trung Quốc cùng với Phật Giáo). Trong kinh Phật (chẳng hạn Đại Nhật kinh), thường gặp tên sao Kế đô này. Một số học giả thời Tống cũng đã bàn về sao này (xem Mộng khe bút đàm của Thâm Quát, chương tượng số). Người làm bài sấm trên - nhiều khả năng là nhà sư - đưa thêm tên ngôi sao này vào cho thêm phần bí hiểm, đồng thời chữ đô, có thể ám chỉ việc đóng đô, hay làm vua, của nhà Lý.
265 Bài thơ sấm này hẳn là do người đời sau làm ra, vì trong đó không những đã biết việc Đỗ Thích giết hai cha con vua Đinh, Lê Hoàn lên ngôi, mà còn nói trước việc nhà Lý làm vua (gộp 3 chữ thập, bát, tự thành chữ Lý).
266 Trường Yên: Ở đây là tên xã, chứ không phải tên phủ. Xã Trường Yên, gồm Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, là vùng thành Hoa Lư. Lăng vua Đinh ở trên núi Mã Yên (núi Yên Ngựa) thuộc xã Trường Yên tỉnh Ninh Bình.
267 Chu Công: tức Cơ Đán, em Vũ Vương, nhà Chu (Trung Quốc), có tiếng là người hiền. Thành Vương nối ngôi còn nhỏ tuổi, Chu Công làm nhiếp chính, từng bị lời dèm pha nói rằng Chu Công sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ...
268 Nam Giới: tên cửa biển ở phiá Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
269 Ung Châu: nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
270 Kinh Hồ: tên lộ thời Tống, gồm đất tỉnh Hồ Nam và tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay.
271 Phạm Cự Lạng: người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng, ông nội là Chiêm giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền, cha là Man, Tham chính đô đốc, anh là Phạm Hạp, vệ uý đời Đinh Tiên Hoàng, người đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc chống lại Lê Hoàn (theo Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên).
272 Áo long cổn: áo của vua thêu hình rồng cuộn.
273 Chỉ các cuộc hành quân tiêu diệt các thế lực cát cứ đầu thời Tống ở tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Lưỡng Quảng,v.v...Trung Quốc.
274 Chỉ miền Phần Dương và Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ở đây Tống Thái Tông muốn nhắc đến cuộc tiến quân tiêu diệt nước Bắc Hán ở tỉnh Sơn Tây năm 979.
275 Nguyên văn: "Ngũ phục", chữ dùng trong Kinh Thư, chỉ 5 vùng theo thứ tự xa cách kinh kỳ (hầu, diện, tuy, yêu, hoang).
276 Viêm Hán: tức nhà Hán, tự coi là dòng dõi vua Nghiêu, ứng vào ngôi hỏa (trong ngũ hành), cho nên gọi là Viêm Hán (Viêm đồng nghĩa với hỏa).
277 Nguyên văn: "tiệt phan đoạn tiết". Tiết là con so để làm tin, khi tướng ra trận thì bổ đôi giao cho một nửa.
278 Chỉ vùng biên giới giữa nước ta (Giao Châu) với đất Lưỡng Quảng, Trung Quốc.
279 Minh Đường: chổ vua các nước chư hầu triều kiế vua nhà Chu. Bích Ung: nhà học của vua nhà Chu.
280 Ý nói cha và anh ở ngôi chưa được bao lâu đã bị nạn.
281 Nguyên văn: "Chiêm khối", chỉ nơi ở trong thời gian chịu tang cha mẹ (nằm chiếu rơm (chiêm), gối đầu trên hòn đất (khối).
282 Chỉ Lê Hoàn.
283 Ái Châu: tức Thanh Hóa ngày nay. Đại Việt sử lược (q.1,18b) chép Lê Hoàn người Trường Châu, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đại Việt sử ký tiền biên (q1) phần chính văn bản chép Lê Hoàn người Ái Châu, nhưng phần cước chú lại ghi Lê Hoàn người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nay thuộc tỉnh Nam Hà.
284 Sông Bạch Đằng: còn gọi là sông Rừng, chảy qua giữa hai huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh và Thủy Nguyên, Hải Phòng.
285 Sông Chi Lăng: Cương mục (CB1, 18) chú là con sông ở xã Chi Lăng, tức khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
286 Bê Mi Thuế: Đại Việt sử lược (q.1, 19b) nói là vua Chiêm, Cương mục (CB1, 19a) nói là tướng Chiêm. G.Maspéro khôi phục tên Phạn ngữ của người này là Parames'varavarman I (Le Royaume de Champa); nhưng vẫn coi là giả thuyết vì chưa có cứ liệu xác nhận.
287 Núi Đồng Cổ: ở xã Đan Nê, huyện Thuyệu Yên, tỉnh Thanh Hóa.
288 Sông Bà Hòa: sông chảy qua xã Bà Hòa, sau đổi là xã Đồng Hòa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
289 Núi Đại Vân: ở thành Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh.
290 Tiết Trấn: tức Tiết độ sứ ở phiên trấn.
291 Chỗ này toàn thư chép là "Diên Chỉ chi ngung", bản dịch cũ dịch là "Diên Chỉ cõi xa" và chú thích Diên Chỉ là Chu Diên và Giao Chỉ (bản dịch cũ, tập 1, tr.332). Nhưng xem lại Tống sử (Giao Chỉ truyện) ta thấy đoạn văn này được chép là "Diên Diếp chi ngung". Diên Diếp hay Điếp Diên là từ lấy trong Hậu Hán thư, Mã Viện truyện. Theo Mã Viện truyện, khi Mã Viện vào Giao Chỉ, đến Tây Lý, đất nhiều khí độc bốc lên, "ngửng mặt nhìn thấy diều bay, lả tả rơi xuống trong nước" (ngưỡng thị phi diên điếp điếp đọa thủy trung). Như vậy, "diên điếp chi ngung" có thể dịch là "cõi đất diều rơi", chỉ miền đất Giao Chỉ mà người Trung Quốc coi là nhiều khí độc. Chữ Diên Điếp gần với chữ Diên Chỉ nên có sự lầm lẫn như trên.
292 Núi Đọi: tên chữ Hán là Đội Sơn hoặc Long Đội Sơn, ở xã Đại Sơn, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Nam Hà.
293 Sách Giang tự: tên chùa, gọi theo tên sông. Sông Sách Giang, theo Phan Huy Chú, là con sông chảy qua Nam Sách. (Lịch triều hiến chương loại chí, bang Giao Chỉ). Có lẽ bây giờ, cũng như về thời Trần sau này, sông Sách là một đoạn sông Thương.
294 Pháp sư Thuận: tức thiền sư Pháp Thuận (1-990) họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, hương Thư ở ái Quận; thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chí (dòng thiền Nam Phương).
295 Nguyên văn là "giang lệnh".
296 Nguyên bản in là: "Bả điệu"; nhầm chữ trạo thành chữ điệu; dùng ở đây không có nghĩa; ba trạo có nghĩa là cái mái chèo.
297 Theo bản dịch cũ.
298 Ngô Khuông Việt (933-1011): tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly; huyện Trường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông.
299 Nguyên bản in "hậu khiển chi", chữ khiển (sai khiến) do chữ di (tặng, biếu) khắc lầm.
300 Nguyên văn: chế khúc. Khúc là bài hát có lời, là bài từ đặt theo một ca điệu có sẳn.
301 Bài từ này có một truyền bản khác ở Thiền uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), di biệt một số chữ so với văn bản Toàn thư phiên âm trên đây. Trong bài Về bài từ ở thế kỷ X, Hoàng Văn Lâu đã khỏa dị nhận xét, hai bản để phục nguyên bài từ (xem: Một số vấn đề văn hóa học Hán Nôm, NXB Khoa Học Xã Hội, H. 1983, tr. 191-211).
302 Bản dịch của Hà Văn Tấn, Lịch sử Phật giáo Việt Nam NXB. Khoa Học Xã Hội, H. 1988, tr. 127.
303 Phật thành tức là thành Phật Thệ (Vijaya), Cũng gọi là thành Chà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành; ở về phía Bắc thành phố Quy Nhơn, ngày nay khoảng 27 Km.
304 Tức vua Chiêm Sri Harivarman II (ở ngôi 988-999).
305 Ở đọan sau (BK1,24a) ghi hoàng tử này là Long Tích.
306 Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ngày nay.
307 Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống.
308 Giao: ngoại vi đô thành gọi là giao.
309 Phù Lan: Cương mục chú là tên trại, sau là xã Phù Vệ, huyện Đường Hào (CMCB1, 27a) nay thuộc tỉnh Hải Hưng.
310 Đằng Châu: tên xã thuộc huyện Kim Động, nay thuộc huện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng; tên đất tương đương với Khoái Châu thời Lý, Khoái Lộ thời Trần, Khoái Châu thời Lê, gồm gần cả tỉnh Hưng Yên cũ.
311 Tuyên Triệu: cho gọi đến.
312 Điạ Lý: tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.
313 Tân Bình: tên phủ thời Lê, nay gồm toàn bộ đất Quảng Bình cùng với đất huyện Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
314 Ô Lý: tên hai châu của nước Chiên Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hoá Châu - nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên.
315 Ngũ Huyện Giang: Cương mục (CMCB1, 27a) chú là con sông chảy qua 5 huyện Kim Anh, Đông Ngàn, vòng quanh đến huyện Yên Phong và Tiên Du, rồi đổ vào sông Nguyệt Đức (sông Cầu).
316 Mạt Liên: Cương mục chú là huyện Tiên Lữ (CMCB1, 27b). Nay thuộc đất huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.
317 Vũ Lung: tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa biết rõ vị trí (CMCB1, 27a).
318 Cổ Lãm: tức là châu Cổ Pháp thời Lý, nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
319 Phù Đái: Cương mục chú là xã Phù Đái, huyện Vĩnh Lại (CMCB1, 27a), nay thuộc đất huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
320 Tô Mậu: là vùng Nà Dương, Đình Lập, An Châu, tỉnh Lạng Sơn.
Quyển I
[1a]
Kỷ Nhà Đinh
Tiên Hoàng Đế
Họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng 247 con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm [968-979], bị nội nhân là Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi [924-979], tán ở sơn lăng Trường Yên.
Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ [Đế], song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!
Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, [1b] cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan248 , cầu gãy, vua rơi xuống bùn, [2a] người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.
Bấy giờ Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm, Kiểu Tam Chế chiếm Phong Châu, Nguyễn Thái Bình chiếm Nguyễn Gia Loan, Đỗ Cảnh Thạc chiếm miền sông Đỗ Động, Nguyễn Lệnh Công249 chiếm Tây Phù Liệt, Tế Giang thì có Lữ Tá Đường, Tiên Du có Nguyễn Thủ Tiệp, Siêu Loại có Lý Lãng Công, Hồi Hồ có Kiểu Lệnh Công, Đằng Châu có Phạm Phòng Át, Bố Hải có Trần Minh Công250 . Vua một phen cất quân là dẹp yên,
bèn tự lập làm đế. Chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm thôn, vua muốn dựng [2b] đô ở đó, nhưng vì thế đất chật hẹp lại không có lợi về việc đặt hiểm, nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư251 (nay là phủ Trường Yên).
Mậu Thìn, năm thứ 1 [968], ( Tống Khai Bảo năm thứ 1 ). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.
Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu [3a] quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?
Kỷ Tỵ, năm thứ 2 [969], (Tống Khai Bảo năm thứ 2) . Tháng 5 nhuận, phong con trưởng là Liễn làm Nam Việt Vương.
Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ 1 [970] , (Tống Khai Bảo năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, đặt niên hiệu. (Sử cũ nói rằng nước Việt ta có niên hiệu bắt đầu từ đây. Nhưng Lý Nam Đế [trước đó] đã đặt niên hiệu là Thiên Đức [544-548]. Sai sứ sang nhà Tống giao hảo. Bấy giờ nhà Tống sai Đại tướng Phan Mỹ dẹp yên Lĩnh Nam (chỉ Lưu Xưởng252 ), cho nên mới có mệnh ấy.
Lập 5 hoàng hậu (một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông).
Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể [3b] đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập [hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậụ Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.
Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971] , (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bật văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư253 , Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân254 , Tăng thống255 , Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục256 , Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi257 .
[4a] Nhâm Thân, [Thái Bình] năm thứ 3 [972] , (Tống Khai Bảo năm thứ 5). Sai Nam Liệt Vương Liễn sang sứ thăm nhà Tống.
Quý Dậu, [Thái Bình] năm thứ 4 [973] , (Tống Khai Bảo năm thứ 6). Nam Việt Vương Liễn đi sứ về. Nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. (Lời chế đại lược nói: "[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang258 , bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức "tỉnh phú"259 . Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu?".
Giáp Tuất, [Thái Bình] năm thứ 5 [974] , (Tống Khai Bảo năm thứ 7). Muà xuân, tháng hai, quy định về quân mười đạo: mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người, đầu đội mũ bình đính260 vuông bốn góc (loại mũ này làm bằng da, chóp phẳng, bố bên khâu liền, trên hẹp dưới rộng, quy chế này đến đời bản triều khởi nghĩa vẫn còn dùng, đời sau vẫn theo thế).
Hoàn thứ tử là Toàn sinh.
[4b] Ất Hợi, [Thái Bình] năm thứ 6 [975] , (Tống Khai Bảo năm thứ 8). Mùa xuân, quy định áo mũ cho các quan văn võ. Sai Trịnh Tú 261 đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang nhà Tống.
Mùa thu, nhà Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều lấy Liễn làm chủ.
Bính Tý, [Thái Bình] năm thứ 7 [976] , (Tống Khai Bảo năm thứ 9. Từ tháng 10 trở về sau thuộc về Tống Thái Tông [Triệu] Khuông Nghĩa, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc năm thứ nhất). Muà xuân, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ. Sai Trần Nguyên Thái sang đáp lễ nhà Tống.
Mùa đông, tháng 10, Tống Thái Tổ băng.
Đinh Sửu, [Thái Bình] năm thứ 8 [977] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2). Sai sứ sang nhà Tống mừng Thái Tông lên ngôi.
Mậu Dần, [Thái Bình] năm thứ 9 [978] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, động đất. Lập con nhỏ là Hạng Lang [5a] làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ Vương. Tháng hai, mưa đá.
Mùa hạ, tháng sáu, nắng hạn.
Kỷ Mão, [Thái Bình] năm thứ 10 [979] , (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4). Mùa xuân, Nam Việt Vương Liệt giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua, thuở hàn vi cùng chịu gian khổ, đến khi định yên thiên hạ, ý vua muốn truyền ngôi cho, mới phong làm Nam Việt Vương, lại từng xin mệnh và nhận tước phong của nhà Tống. Sau vua sinh con nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, lập làm thái tử. Liễn vì vậy bất bình, sai người ngầm giết đi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công, [5b] hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con.
Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm Được?
Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích262 giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, [6a] Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khác lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngũ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngũ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: "Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài".
Lại vào năm Thái Bình thứ 5 [974], có lời sấm ngữ: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi263 , đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện [6b], thập bát tử đăng tiên, kế đô264 nhị thập thiên" (Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nỗi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương, toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên, sao kế đô hai chục ngày)265 . Người ta cho là số trời đã định như thế. Khi ấy Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn gọi vua là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên266 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lể nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì [7a] lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước. Đó là nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở đó. Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc ngừơi, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ266 đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó.
PHẾ ĐẾ
Tên húy là Toàn, con thứ của Tiên Hoàng, ở ngôi 8 tháng. Họ Lê cướp ngôi, giáng phong là Vệ Vương, thọ 18 tuổi [974-991]. Vua còn thơ ấu phải nối nghiệp lớn gian nan, cường thần nhiếp chính, người trong nước lìa lòng, nhà Đinh bèn mất.
Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công267 , tự xưng là Phó Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết [7b] Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng: "Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà ta. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nỗi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau". Hoàn nói: "Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm". Rồi đó chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Hoàn người Ái Châu, [sau lên ngôi] đóng đô ở Hoa Lư, cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô). Điền, Bặc thua chạy, lại đem quân thủy ra đánh. Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng củi đưa về kinh sư, kể tội rằng: "Tiên đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn. Ngươi là tôi con lại nhân lúc tan tóc bối Krối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?". Bèn chém đầu đem bêu.
Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp đem về [8a] Kinh sư.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.
Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa [8b] Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới268 rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng: "Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta". Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.
[9a] Canh Thìn, [Thái Bình] năm thứ 11 [980] , (Phế Đế vẫn dùng niên hiệu Thái Bình, từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thiên Phúc năm đầu của Lê Đại Hành; Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 5).
Mùa hạ, tháng 6,Tri Ung Châu269 của nhà Tống là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng thư tâu với vuaTống rằng:
" An Nam Quận Vương cùng với con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy.nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lở mất cơ hôị. Xin cho đến cửa khuyết để tâu Bày trực tiếp tình trạng có thể đánh lấy được ". Vua Tống sai chạy trạm đến gọi Nhân Bảo. Lư Đa Tốn nói: " An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất, triều đình nên bất ngờ đem quân sang đáng úp, như người ta nói: " sét đánh không kịp bịt tai". Nếu trước gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia nhờ đó biết được, sẽ dựa núi ngăn mà phòng bị, cái thế thắng thua chưa biết thế nào.
Chi bằng giao cho Nhân Bảo trách nhiệm ngầm đem quân sang, theo lệnh mà lo liệu việc ấy, chọn tướng đem 3 vạn quân Kinh Hồ270 ruổi dài mà [9b] tràn sang, tạo ra cái thế vạn toàn như xô bẻ cành khô gỗ mục, không phải lo tốn một mũi tên".Vua Tống cho là phải.
Mùa thu,tháng 7, ngày Đinh Mùi, nhà Tống lấy Hầu Nhân Bảo làm Giao châulục lộ thủy lộ chuyển vận sứ, Lan Lãng đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng,Bất tác sứ Hác Thủ Tuấn, Yên bi khổ sứ Tràn Khâm Tộ, Tả giám môn tướng quân Thôi Lượng làm Ung Châu Lộ binh mã bộ thư, Ninh Châu thứ sử Lưu Trừng, Quân khi khố phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hậu Vương Soạn làm Quảng Châu Lộ binh mã đô bộ thư., họp quân cả bốn hướng, hẹn ngày cùng sang xâm lược.
Bấy giờ,Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng271 làm đại tướng quân. Khi [ triều đình ] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, [10a] nói với mọi người rằng: " Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẻ xuất quân thì hơn".Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế ".
Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn272 khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [ 980 ], giáng phòng vua làm Vệ Vương.
Truy phong cha của vua [ Hoàn ] làm Trường Hưng Vương, mẹ họ Đặng làm Hoàng thái hậu.
Tháng 8, vua Tống xuống chiếu đem quân sang xâm lược, sai Lư Đa Tốn đem thư sang nói rằng: " Trung Hoa đối với Man Di, cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một [10b] tay một chân mà mạch máu ngừng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang để chữa. Chữa mà không công hiệu thì lại phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng, mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà lợi ích nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng? cho nên Thái Tổ Hoàng Đế ta nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn Man Di mắc bệnh. Cho nên năm thứ 1 thứ 2 thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương, Đàm, năm thứ 3 thứ 4 thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở273 , gân cốt huyết mạch ra dáng trẻ non, có phần khoẻ mạnh. Không do cơ trí thần diệu sáng suốt của bậc vương giả mà trù liệu được đến thế ư ? Đến khi ta nối giữ cơ nghiệp lớn, đích thân coi chính sự, cho rằng đất Phần, đất Tinh274
là bệnh ở lòng bụng, nếu lòng bụng chưa chữa khỏi thì làm sao chữa nổi tứ chi ? Vì thế mới luyện thuốc thang bằng nhân nghĩa, [11a] sửa đồ châm cứu bằng đạo đức, hết sức chữa cho các đất Phần, Tinh chỉ một lần là khỏi bệnh, chín châu bốn biển đã mạnh lại yên. Chỉ có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực là ngoài năm cõi275 .
Nhưng phần thừa của tứ chi, ví như ngón chân ngón tay của thân người, tuy chỉ một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao ? Cho nên phải mở lòng ngu tối của ngươi, để thanh giáo của ta trùm tỏa, ngươi có theo chăng ? Huống chi từ thời Thành Chu, [ nước ngươi ] đã đem chi trĩ trắng sang dâng, đến thời Viêm Hán276 , dựng cột đồng làm mốc, cho đến thời Lý Đường, vẫn thuộc về nội địa. Cuối thời Đường nhiều họa nạn, chưa kịp xử trí. Nay thánh triều lòng nhân trùm khắp muôn nước, cơ nghiệp thái bình kể cũng đã thịnh. Lễ phân phòng đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khoẻ của ta. Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà, khiến cho ta buồn phiền, phải chém cờ bổ so277 làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp. Dù cho sông nước ngươi có ngọc, [11b] ta vứt xuống suối; núi nước ngươi sản vàng, ta ném vào bụi, [ để thấy ] chẳng phải ta tham của báu nước ngươi. Dân của ngươi bay nhảy ( ý nói người hoàng dã ) còn ta thì có ngựa xe; dân ngươi uống mũi ( nay người man ở miền rừng núi Giao Quảng278 vẫn còn tục ấy ) còn ta thì có cơm rượu để thay đổi phong tục của nước ngươi; dân ngươi bắt tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim, còn ta thì có Thi, Thư, để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta tỏa mây Nghiêu, tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mày chảy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm tử vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạc lớn [để yểm trừ], khiến chúng không làm hại. Ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà Minh đường, Bích ung279 chăng? Trút áo quần cỏ lá của ngươi mà mặc áo cổn hoa thêu hình rồng núi chăng? Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta [12a] sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy". (Sử cũ chép thư này ở Đinh Kỷ, dưới năm Thái Bình thứ 2 [971], nay xét nên để ở đây. Thư này do Vương Vũ Xứng nhà Tống soạn. Lại xét ở trên đoạn đó, Lê Văn Hưu có nêu bốn chữ "cải nguyên xưng đế", thì rõ ràng là từ mùa thu năm này, thuộc niên hiệu Thiên Phúc năm đầu. Lại trong bức thư này nói: "Thái Tổ ta nhận ngôi nhà Chu nhường lại..., ta nối giữ cơ nghiệp lớn...", thì rõ là thư của Tống Thái Tông, Văn Hưu không thể quá lầm mà ghi vào đời Đinh Tiên Hoàng, có lẽ do người sau sao chép ở những chỗ còn lại trong sách rách giấy nát, tự ý chép bậy vào chỗ ấy, đến nỗi Văn Hưu phải chiụ oan là đã lầm. Năm sau, là năm Tân Tỵ [981] mới đổi gọi là Thiên Phúc năm đầu, biết đâu chẳng phải do mất tờ sách ấy mà đổi lầm chăng? Còn như Lý Thái Tổ lên ngôi vào cuối năm, cho nên năm sau đổi niên hiệu, không giống như đây).
Mùa đông, tháng 10, vua sắp phát binh, trước sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống giả làm thư của [Vệ Vương] Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống ( thư nói: cha thần là mỗ, anh thần là mỗ, điều được đội ơn nước, cho giữ phận trông coi biên khổn, kính giữ bờ cõi, không dám trái lệnh. Chưa khó nhọc ngựa đổ mồ hôi, đả đau buồn sương tan buổi sớm280 . Nhà thần sắp sụp đổ, chưa bỏ aó tan thì quân dân tướng lại trong hạt, người giá lão ở núi rừng cùng đến chỗ nằm rơm gối đất281 của thần, bảo thần tạm giữ việc quân lữ. Thần cố từ ba bốn lần, nhưng bọn họ thỉnh cầu nài ép càng khẩn thiết. Thần muốn [12b] đợi tâu bày, nhưng lại lo chậm trễ; người núi rừng hung ác, dân khe động tráo trở, nếu không chiều ý họ, sợ có khi tai biến xảy ra. Cho nên thần đã kính giữ quyền Tiết độ hành quân tư mã, tạm giữ việc quân trong
châu. Cúi mong được chính thức lĩnh mệnh, đủ được dự hàng phiên bang, để yên ủi tấm lòng tận trung của kẻ toi mọn, nêu cao thịnh điển ban khen của thánh triều ).
Khi ấy nhà Tống đang muốn trách hỏi vua về việc xưng đế đổi niên hiệu, lại có ý chiếm lấy nước Việt ta, mới sai Trương Tông Quyền đưa thư trả lời rằng: " họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái, khanh282 làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẻ có điễn lễ ưu đải và sẻ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một".Vua đều không nghe.
Trở nên là triều Đinh, hai vua, bắt đầu từ năm Mậu Thìn, chấm dứt vào năm Canh Thìn [ 968- 980 ] tất cả 13 năm.
[13a]
K ỷ N H À L Ê
ĐạI HÀNH HOÀNG ĐẾ
Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu283 , làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 - 1006], băng ở điện Trường Xuân.
Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn
Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: " Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được". Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, [tỏ ra] phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ. Đến đây thay họ Đinh làm vua, đóng đô ở Hoa Lư.
[14a] Tân Tỵ, Thiên Phúc ] năm thứ 2 [981] , ( Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6, xét các bản chép niên kỷ các triều đều ghi năm này là năm Thiên Phúc thứ 1, nay sửa lại ). Mùa xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch
Đằng284 . Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng285 . Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tô. nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng danh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế.
Lê Văn Hưu nói: Lê Dại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện [14b], Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họLý.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày [15a] rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lái đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.
Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trùng ốm chết, Soạn bị giết ở [15b] Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ.
Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982] , ( Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 7 ). Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ cuả Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu ( về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ ).
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau ?
Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém bê Mi Thuế286 tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể,
cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.
Năm ấy đói to.
Quý Mùi, /Thiên Phúc/ năm thứ 4[ 983 ] , (Tống Thái Bình Hưng Quấc năm thứ 8). Mùa xuân, sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống.
Trước kia vua đi đánh Chiêm Thành, Quảng Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước ấy. Đến đây, vua sai người con nuôi( không rỏ tên) [16b] đi bắt được kế Tông, đem chém.
Kênh mới trên đường biển làm xong( chưa rỏ ở chổ nào ). Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ287 đến sông Bà Hòa288 , đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện.
Giáp Thân, /Thiên Phúc năm thứ 5 [984] , (Tống Ưng Hy năm thứ 1). Muà xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc.
Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân289 , cổt giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc.
[17a] Ất Dậu, /Thiên Phúc/ năm thứ 6 [985] , (Tống Ung Hy năm thứ 2). Mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ.
Nhà Tống sai sứ sang thăm. Vua sai sứ sang nhà Tống xin giữ chức Tiết Trấn290 .
Bính Tuất, /Thiên Phúc/ năm thứ 7 [986] , (Tống Ung Hy năm thứ 3). Mùa thu, tháng 8, điểm dân để lấy lính.
Mùa đông, tháng 10, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sử kinh triệu quận hầu (Lời chế nói: Đấng vương giả cả dựng ngôi cao, vỗ yên chư hầu. Dựng phủ đệ tại kinh sư, cho lễ hội đồng được long trọng; chia đất phong ở các nơi, để quyền tiết chế được nêu cao. Huống nay từ cõi đất diều rơi291 đến dâng đồ cống lông chim trả. Lúc đang đổi tướng, lợi dịp phong hầu, lòng cũng không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền tri tam ty lưu hậu là Lê mỗ, tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, [17b] được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Vừa rồi Đinh Toàn đương tuổi trẻ thơ, không biết yên vỗ. Người là tâm phúc chỗ thân, giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, uy ái đều gồm. Họ Đinh bỏ quyền ba đời tiết sứ, chiều theo ý muốn mọi người. Người xa tỏ lòng thành, xin ban tiết việt. [Phải như] Sĩ Nhiếp cứng mạnh, sáng suốt, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính, thuận tòng, vâng chiếu Hán chẳng trái. Nên xứng chức đứng đầu cõi xa, cùng dự hàng chư hầu tôn quý. Vỗ yên Man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều).
Vua nhận chế rất kính, lễ thết đãi rất hậu, hàng ngày đem những thứ quý lạ bày chật cả sân, để tỏ sự giàu có. Đem bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân trả cho về. Lại Bảo Nhược Chuyết và Giác
rằng: "Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?". Giác đáp: "Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, cũng có chỗ hiểm trở, một phương này lấy gì làm xa". Lấy Từ Mục làm Tổng quản trị quân dân sự, ban cho tước hầu, Phạm Cư Lạng làm Thái uý.
Sai Ngô Quốc [18a] Ân sang đáp lễ nhà Tống và nói về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người họ xin nội phụ
Đinh Hợi, /Thiên Phúc/ năm thứ 8 [987] , Tống Ung Hy năm thứ 4). Múa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi292 được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân.
Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang293 , vua sai pháp sư tên là Thuận294 giả làm người coi sông295 ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha. (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngữa mặt nhìn chân trời). Pháp sư dương cầm chèo296 , theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba. (Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi). Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du, Nhất thân nhị độ sứ [18b] Giao Châu. Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến, Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu. Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch, Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu. Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu. Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu. (May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lược sứ Giao Châu. Đông Đô mấy độ còn lưu luyến, Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu. Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm, Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu. Ngoài trời lại có trời soi nữa. Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)292
Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt298 đến xem. Khuông Việt nói: "Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống". Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu299 . Khi Giác từ biệt ra về, vua sai Khuông Việt làm bài hát300 để tiễn, lời rằng:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, Dao vọng thần tiên phục đế hương. Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang, Cửu thiên quy lộ trường. Tình thảm thiết, Đối ly trường, Phan luyến sử tinh lang. Nguyện tương thâm ý vị biên cương, Phân minh tấu ngã hoàng301 . (Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên lại đế hương. Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương, Về trời xa đường trường. Tình thắm thiết, Chén lên đường, Vin xe sứ vấn vương. Xin đem thâm ý vì Nam cương, Tâu vua tôi tỏ tường)302
Giác lạy ra về.Năm ấy được mùa to.
Mậu Tý /Thên Phúc / năm thứ 9/ 988/, ( Tống Đoan củng năm thứ 1 b).
Vua nước Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật thành303 tự đặt hiệu [ 19a] là Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La304 .
Thái sư Hồng Hiến chết. Hiến là người Bắc [ tức Trung Quốc ], thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc, đến đây chết.
Năm ấy, vua Tống đổi niên hiệu, sai Hộ bộ viên ngoại lang là Ngụy Tường và Trực Sử Quán là Lý Độ mang chế sách sang gia phong vua làm Kiểm hiệu thái úy.
Ký Sửu, / Hưng Thống / năm thứ 1/ 989/, (Tống Đoan Củng năm thứ 2 ). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu đại xá.
Phong thái tử Thau làm Kình Thiên Đại Vương, hoàng tử thứ hai là Ngân Tích305 làm Dông Thành Vương, hoàng tử thứ ba là Việt làm Nam Phong Vương.
Dương Tiến Lộc lấy hai châu Hoan, Ái306 làm phản. Vua thân đi đánh, Tiến Lộc bị giết. Bấy giờ vua sai viên Quảng giáp là Tiến Lộc đi thu thuế hai châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin, đem các quân [19b] đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hải châu ấy không biết bao nhiêu mà kể.
Canh Dần, /Hưng Thống/ năm thứ 2 [ 990] (Tống Thuần Hoá năm thứ 1). Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ là "Đặc tiến". Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa, Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình307 đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao308 để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, [20a] vua Tống bằng lòng.
Tân Mão, /Hưng Thống/ năm thứ 3 /991/ , (Tốn Thuần Hóa năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Cần sang nhà Tống thăm đáp lễ.
Phong hoàng tử thứ tư là Đinh làm Ngự Man Vương, đóng ở Phong Châu, hoàng tử thứ sáu là Cân làm Ngự Bắc Vương, đóng ở trại Phù Lan309 .
Nhâm Thìn, /Hưng Thống/ năm thứ 4 /992/ , (Tống Thuần Hóa năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn.
Phong hoàng tử thứ năm là Đĩnh làm Khai Minh Vưong, đóng ở Đằng Châu310 .
Trần tiên sinh ở núi Tuyên Hoa đến cửa khuyết. (Xét nước ta không có núi Tuyên Hoa, có lẽ là việc nhà Tống triệu Chủng Phóng ở núi Chung Nam, hoặc có triệu cả Trần Đoàn ở Hoa Sơn mà sử chép lầm là việc nước ta? Nếu không phải thế, thì sao tiếng tăm của Trần tiên sinh không truyền lại đời sau? Dười chữ "tuyên" ngờ có sót chữ "triệu"311 . Vân Đài quán ở Hoa Sơn là nơi ở của Trần Đoàn).
Mùa hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Điạ Lý312 đem về châu Ô Lý (Điạ Lý [20b] nay là Tân Bình313 , Ô Lý nay là Thuận Hóa)314 .
Muà thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Điạ Lý.
Quý Tỵ, /Hưng Thống/ năm thứ 5 /995/ (Tống Thuần Hoá năm thứ 4). Muá xuân, tháng 2, ngày Kỷ Mùi, mồng 1, nhật thực.
Phong hoàng tử thứ bảy là Tung làm Định Phiên Vương, đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang315 ; hoàng tử thứ tám là Tương làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang, hoàng tử thứ chín là Kính làm Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà huyện Mạt Liên316 .
Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.
Giáp Ngọ, /Ứng Thiên/ năm thứ 1 /994/ , (Tống Thuần Hoá năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.
Phong hoàng tử thừ mười là Mang làm Nam Quốc Vương, đóng ở châu Vũ Lung317 .
Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống [21a] sang thăm đáp lễ.
Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu.
Ất Mùi, /Ứng Thiên/ năm thứ 2 /995/ , (Tống Chí Đạo năm thứ 1). Phong hoàng tử thứ mười một là Đề (tức Minh Đề) làm Hành Quân Vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm318 ; con nuôi làm Phù Đái Vương, đóng ở hương Phù Đái319 .
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua một nước, thờ tông miếu, giữ xã tắc, chẳng may không có con nối thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình, để mong truyền mãi không cùng, thế thì cũng có, chứ chưa thấy vua nào có con nuôi. Vả lại, nhánh họ của vua đã đông người rồi, cái gọi là con nuôi, chẳng qua là muốn thỏa lòng dấu yêu riêng với người ấy mà thôi, sao không nghĩ như thế là gây mầm cướp ngôi hay sao?
[21b] Sai Đỗ Hanh sang nhà Tống thăm đáp lễ. Bấy giờ nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu320 nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về. Vua Tống muốn vỗ yên, không muốn dụng binh, bỏ không hỏi đến. [Trương] Quan lại nói dối là vua bị họ Đinh đánh đuổi, đem dư chúng ra ở miền hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết; bọn Quan dân biểu mừng. Vua Tống sai Thái thường thừa Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực, biết là vua không có chuyện gì.
--------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:
247 Đại Hoàng: tên châu, nay là đất huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
248 Nguyên văn: "Đàm Gia Nương Loan". Loan là chỗ sông uốn vòng. Các bản in khác đều bỏ chữ "Nương", chỉ chép Đàm Gia Loan. Nay ở Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
249 Ở đoạn trước, NK5 chép là Nguyễn Hữu Công.
250 Tên địa phương cát cứ của các sứ quân, xem chú thích (7), tr. 209.
251 Động Hoa Lư: Cương mục: ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế tỉnh Ninh Bình cũ; nơi đây bốn mặt đều có núi đá dựng đứng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người địa phương gọi là động Hoa Lư (CMTB5, 24b). Nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh.
252 Lưu Xưởng: vua cuối cùng của Nam Hán (958-970), đầu hàng tướng nhà Tống là Phan Mỹ.
253 Đô hộ phủ sĩ sư: chức quan coi việc hình án ở phủ đô hộ, tức là trong cả nước (nhà Đinh dùng tên phủ đô hộ thời thuộc Đường).
254 Tướng chỉ huy 10 đạo quân, tức quân đội cả nước.
255 Tăng thống: chức quan phong cho vị sư được triều đình coi là người đứng đầu Phật giáo.
256 Tăng lục: chức quan trông coi Phật giáo dưới chức Tăng thống.
257 Sùng chân uy nghi: chức quan trông coi về đạo giáo.
258 Chỉ việc nhà Tống đã diệt Hán, lấy được miền Nam Trung Quốc.
259 Nguyên văn: "Trù chi tỉnh phú". Theo Tống sử, Thực Hoá chí thì "tỉnh phú" ( chữ tỉnh trong từ tỉnh điên) là chế độ quy định các điạ phương đóng góp 1/5 binh mã cho chính quyền trung ương.
260 Bình đính: phẳng đầu.
261 Theo Cương mục: Trịnh Tú người châu Đại Hoàng (CMTB1,6b).
262 Cương mục chú: Đỗ Thích người xã Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh (CMTB1,8b).
263 Ở đây Toàn thư chép là hoành nhi mm mm, tức một loại nô tỳ, còn Đại Việt sử lược (q.1, 17b) lại chép là hoành tử mm mm nghĩa là chết phi lý, chết oan uổng.
264 Kế đô: là tên Trung Quốc phiên âm tên ngôi sao Kethu trong lịch cổ Ấn Độ. Thiên văn cổ Ấn Độ cho rằng hệ mặt trời có 9 sao (Trung Quốc dịch là Cửu diệu), ngoài mặt trời, mặt trăng và 5 sao Thủy (Bhuda), Kim (Sukra), Hỏa (Angaraka), Mộc (Brhaspati), Thổ (Sanaiscara hay Sani), còn có 2 sao nửa là Kethu và Rahu (Trung Quốc phiên âm là La hầu), hai sao này thường che mặt trời, mặt trăng, làm thành nhật thực và nguyệt thực. Ngày nay ta biết không phải như vậy và không có hai ngôi sao đó. Lịch pháp cổ Ấn Độ (người Trung Quốc gọi là Phạn lịch đã truyền vào Trung Quốc cùng với Phật Giáo). Trong kinh Phật (chẳng hạn Đại Nhật kinh), thường gặp tên sao Kế đô này. Một số học giả thời Tống cũng đã bàn về sao này (xem Mộng khe bút đàm của Thâm Quát, chương tượng số). Người làm bài sấm trên - nhiều khả năng là nhà sư - đưa thêm tên ngôi sao này vào cho thêm phần bí hiểm, đồng thời chữ đô, có thể ám chỉ việc đóng đô, hay làm vua, của nhà Lý.
265 Bài thơ sấm này hẳn là do người đời sau làm ra, vì trong đó không những đã biết việc Đỗ Thích giết hai cha con vua Đinh, Lê Hoàn lên ngôi, mà còn nói trước việc nhà Lý làm vua (gộp 3 chữ thập, bát, tự thành chữ Lý).
266 Trường Yên: Ở đây là tên xã, chứ không phải tên phủ. Xã Trường Yên, gồm Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, là vùng thành Hoa Lư. Lăng vua Đinh ở trên núi Mã Yên (núi Yên Ngựa) thuộc xã Trường Yên tỉnh Ninh Bình.
267 Chu Công: tức Cơ Đán, em Vũ Vương, nhà Chu (Trung Quốc), có tiếng là người hiền. Thành Vương nối ngôi còn nhỏ tuổi, Chu Công làm nhiếp chính, từng bị lời dèm pha nói rằng Chu Công sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ...
268 Nam Giới: tên cửa biển ở phiá Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
269 Ung Châu: nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
270 Kinh Hồ: tên lộ thời Tống, gồm đất tỉnh Hồ Nam và tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay.
271 Phạm Cự Lạng: người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng, ông nội là Chiêm giữ chức Đông giáp tướng quân đời Ngô Quyền, cha là Man, Tham chính đô đốc, anh là Phạm Hạp, vệ uý đời Đinh Tiên Hoàng, người đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc chống lại Lê Hoàn (theo Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên).
272 Áo long cổn: áo của vua thêu hình rồng cuộn.
273 Chỉ các cuộc hành quân tiêu diệt các thế lực cát cứ đầu thời Tống ở tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Lưỡng Quảng,v.v...Trung Quốc.
274 Chỉ miền Phần Dương và Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ở đây Tống Thái Tông muốn nhắc đến cuộc tiến quân tiêu diệt nước Bắc Hán ở tỉnh Sơn Tây năm 979.
275 Nguyên văn: "Ngũ phục", chữ dùng trong Kinh Thư, chỉ 5 vùng theo thứ tự xa cách kinh kỳ (hầu, diện, tuy, yêu, hoang).
276 Viêm Hán: tức nhà Hán, tự coi là dòng dõi vua Nghiêu, ứng vào ngôi hỏa (trong ngũ hành), cho nên gọi là Viêm Hán (Viêm đồng nghĩa với hỏa).
277 Nguyên văn: "tiệt phan đoạn tiết". Tiết là con so để làm tin, khi tướng ra trận thì bổ đôi giao cho một nửa.
278 Chỉ vùng biên giới giữa nước ta (Giao Châu) với đất Lưỡng Quảng, Trung Quốc.
279 Minh Đường: chổ vua các nước chư hầu triều kiế vua nhà Chu. Bích Ung: nhà học của vua nhà Chu.
280 Ý nói cha và anh ở ngôi chưa được bao lâu đã bị nạn.
281 Nguyên văn: "Chiêm khối", chỉ nơi ở trong thời gian chịu tang cha mẹ (nằm chiếu rơm (chiêm), gối đầu trên hòn đất (khối).
282 Chỉ Lê Hoàn.
283 Ái Châu: tức Thanh Hóa ngày nay. Đại Việt sử lược (q.1,18b) chép Lê Hoàn người Trường Châu, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đại Việt sử ký tiền biên (q1) phần chính văn bản chép Lê Hoàn người Ái Châu, nhưng phần cước chú lại ghi Lê Hoàn người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nay thuộc tỉnh Nam Hà.
284 Sông Bạch Đằng: còn gọi là sông Rừng, chảy qua giữa hai huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh và Thủy Nguyên, Hải Phòng.
285 Sông Chi Lăng: Cương mục (CB1, 18) chú là con sông ở xã Chi Lăng, tức khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
286 Bê Mi Thuế: Đại Việt sử lược (q.1, 19b) nói là vua Chiêm, Cương mục (CB1, 19a) nói là tướng Chiêm. G.Maspéro khôi phục tên Phạn ngữ của người này là Parames'varavarman I (Le Royaume de Champa); nhưng vẫn coi là giả thuyết vì chưa có cứ liệu xác nhận.
287 Núi Đồng Cổ: ở xã Đan Nê, huyện Thuyệu Yên, tỉnh Thanh Hóa.
288 Sông Bà Hòa: sông chảy qua xã Bà Hòa, sau đổi là xã Đồng Hòa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
289 Núi Đại Vân: ở thành Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh.
290 Tiết Trấn: tức Tiết độ sứ ở phiên trấn.
291 Chỗ này toàn thư chép là "Diên Chỉ chi ngung", bản dịch cũ dịch là "Diên Chỉ cõi xa" và chú thích Diên Chỉ là Chu Diên và Giao Chỉ (bản dịch cũ, tập 1, tr.332). Nhưng xem lại Tống sử (Giao Chỉ truyện) ta thấy đoạn văn này được chép là "Diên Diếp chi ngung". Diên Diếp hay Điếp Diên là từ lấy trong Hậu Hán thư, Mã Viện truyện. Theo Mã Viện truyện, khi Mã Viện vào Giao Chỉ, đến Tây Lý, đất nhiều khí độc bốc lên, "ngửng mặt nhìn thấy diều bay, lả tả rơi xuống trong nước" (ngưỡng thị phi diên điếp điếp đọa thủy trung). Như vậy, "diên điếp chi ngung" có thể dịch là "cõi đất diều rơi", chỉ miền đất Giao Chỉ mà người Trung Quốc coi là nhiều khí độc. Chữ Diên Điếp gần với chữ Diên Chỉ nên có sự lầm lẫn như trên.
292 Núi Đọi: tên chữ Hán là Đội Sơn hoặc Long Đội Sơn, ở xã Đại Sơn, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Nam Hà.
293 Sách Giang tự: tên chùa, gọi theo tên sông. Sông Sách Giang, theo Phan Huy Chú, là con sông chảy qua Nam Sách. (Lịch triều hiến chương loại chí, bang Giao Chỉ). Có lẽ bây giờ, cũng như về thời Trần sau này, sông Sách là một đoạn sông Thương.
294 Pháp sư Thuận: tức thiền sư Pháp Thuận (1-990) họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, hương Thư ở ái Quận; thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chí (dòng thiền Nam Phương).
295 Nguyên văn là "giang lệnh".
296 Nguyên bản in là: "Bả điệu"; nhầm chữ trạo thành chữ điệu; dùng ở đây không có nghĩa; ba trạo có nghĩa là cái mái chèo.
297 Theo bản dịch cũ.
298 Ngô Khuông Việt (933-1011): tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly; huyện Trường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông.
299 Nguyên bản in "hậu khiển chi", chữ khiển (sai khiến) do chữ di (tặng, biếu) khắc lầm.
300 Nguyên văn: chế khúc. Khúc là bài hát có lời, là bài từ đặt theo một ca điệu có sẳn.
301 Bài từ này có một truyền bản khác ở Thiền uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), di biệt một số chữ so với văn bản Toàn thư phiên âm trên đây. Trong bài Về bài từ ở thế kỷ X, Hoàng Văn Lâu đã khỏa dị nhận xét, hai bản để phục nguyên bài từ (xem: Một số vấn đề văn hóa học Hán Nôm, NXB Khoa Học Xã Hội, H. 1983, tr. 191-211).
302 Bản dịch của Hà Văn Tấn, Lịch sử Phật giáo Việt Nam NXB. Khoa Học Xã Hội, H. 1988, tr. 127.
303 Phật thành tức là thành Phật Thệ (Vijaya), Cũng gọi là thành Chà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành; ở về phía Bắc thành phố Quy Nhơn, ngày nay khoảng 27 Km.
304 Tức vua Chiêm Sri Harivarman II (ở ngôi 988-999).
305 Ở đọan sau (BK1,24a) ghi hoàng tử này là Long Tích.
306 Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ngày nay.
307 Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống.
308 Giao: ngoại vi đô thành gọi là giao.
309 Phù Lan: Cương mục chú là tên trại, sau là xã Phù Vệ, huyện Đường Hào (CMCB1, 27a) nay thuộc tỉnh Hải Hưng.
310 Đằng Châu: tên xã thuộc huyện Kim Động, nay thuộc huện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng; tên đất tương đương với Khoái Châu thời Lý, Khoái Lộ thời Trần, Khoái Châu thời Lê, gồm gần cả tỉnh Hưng Yên cũ.
311 Tuyên Triệu: cho gọi đến.
312 Điạ Lý: tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.
313 Tân Bình: tên phủ thời Lê, nay gồm toàn bộ đất Quảng Bình cùng với đất huyện Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
314 Ô Lý: tên hai châu của nước Chiên Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hoá Châu - nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên.
315 Ngũ Huyện Giang: Cương mục (CMCB1, 27a) chú là con sông chảy qua 5 huyện Kim Anh, Đông Ngàn, vòng quanh đến huyện Yên Phong và Tiên Du, rồi đổ vào sông Nguyệt Đức (sông Cầu).
316 Mạt Liên: Cương mục chú là huyện Tiên Lữ (CMCB1, 27b). Nay thuộc đất huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.
317 Vũ Lung: tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa biết rõ vị trí (CMCB1, 27a).
318 Cổ Lãm: tức là châu Cổ Pháp thời Lý, nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
319 Phù Đái: Cương mục chú là xã Phù Đái, huyện Vĩnh Lại (CMCB1, 27a), nay thuộc đất huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
320 Tô Mậu: là vùng Nà Dương, Đình Lập, An Châu, tỉnh Lạng Sơn.