VietLang
05-15-2007, 12:22 PM
"Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta.
Nhưng chính ta là ngọn lửa."
Jorge-Luis Borges
Từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề thời gian.
Nhưng gần đây, khi bắt đầu "trông tuổi già bóng xế", tôi bỗng cảm thấy vấn đề trở thành gay go và cấp bách. Mình không còn lại bao nhiêu thời gian nữa, tôi tự bảo, cho nên phải cố gắng tận dụng tất cả thời gian còn lại. Để làm gì? Để suy nghĩ về một số vấn đề hệ trọng, bắt đầu bằng vấn đề thời gian.
Bởi vì nếu hiểu được thời gian, thì biết đâu...
Biết đâu đó chẳng phải là một chìa khóa mở rộng ra bao nhiêu cánh cửa, bao nhiêu con đường, bao nhiêu chân trời mới? Và nếu giải đáp được bài toán trong những bài toán, vén được màn bí mật trong những bí mật của cuộc đời, thì biết đâu chẳng có hy vọng tự đưa mình... thoát khỏi thời gian?
Tôi biết đó là một điều không tưởng, một hành trình mạo hiểm mà trên đó đã bao nhiêu người vấp ngã và đắm chìm.
Một người bạn đã nhìn tôi ái ngại: "Mày mà suy nghĩ về thời gian thì có ngày phát điên mất. Tao bắt đầu lo cho mày..."
Tôi cảm ơn anh bạn, nhưng cũng thầm nghĩ: Cần gì phải lo? Cùng lắm thì phát điên, nhưng điên vì một lý do vô cùng chính đáng, một vấn đề đã từng ám ảnh bao nhiêu thế hệ thi sĩ, triết gia và khoa học, một vấn đề mấu chốt nằm giữa lòng cuộc sống. Còn nếu hiểu được rõ hơn thời gian, thì biết đâu mình sẽ làm chủ được phần nào thời gian, hay ít ra làm bạn được với thời gian, trong mình?...
Thời Gian là gì ?
Vậy thời gian là gì nhỉ? Làm thế nào hiểu được thời gian? Có thể nào hiểu được thời gian?
Bởi vì còn gì dễ cảm thấy hơn thời gian, nhưng cũng còn gì khó hiểu hơn thời gian!
Thời gian có mặt ở khắp nơi, nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào. Trong mỗi tia nắng, trong mỗi tiếng chim, trong từng ngọn cỏ, đều có thời gian. Trong mọi niềm vui, trong từng nỗi nhớ, trong mỗi ước mơ, đều có thời gian. Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ở trong lòng ý thức.
Có thể nói rằng đâu đâu cũng có mặt thời gian, cũng như đâu đâu cũng có mặt không gian. Nhưng thời gian mới thực là vô cùng bí hiểm. Bởi vì không gian nằm sờ sờ ra đấy, chỉ cần mở mắt ra là nhìn thấy, giơ tay ra là nắm bắt được, tha hồ tác động vào. Nhưng còn thời gian? Tìm thời gian ở đâu, dù đập tan bình cát đo thời gian hay tháo hết những đinh ốc đồng hồ, cũng không thể nào tìm thấy thời gian trong đó. Thời gian bàng bạc khắp nơi, nhưng cũng không trú ngụ nơi nào.
Mỗi giây phút trôi qua là thời gian. Trong khi tôi viết hay đọc những giòng này, thời gian đã đi qua. Có thời gian thì mới có di chuyển, động tác, nhưng ngay cả im lìm, bất động cũng cần có thời gian. Phải có thời gian mới có hiện hữu.
Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt, nhưng không mấy ai nghĩ rằng chính nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nẩy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ có sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, hơn mười tỷ năm sau tiếng "Big Bang", không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú, không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi, sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian.
Và chỉ cần có một sự đổi thay vô cùng nhỏ bé trong định luật thời gian, cũng đủ đưa tới muôn ngàn đảo lộn trong cuộc sống hàng ngày: xe cộ đâm nhau, tiếng nói lắp bắp, tim đập loạn xạ, hình ảnh nháo nhào, tư tưởng lộn xộn, v.v.... Không thể nào tưởng tượng nổi không có một định luật bất di bất dịch của thời gian. Phải chăng đặc điểm của thời gian chính là điều đó, vừa biến động, vừa bất biến, biến động trong hiện tượng, nhưng bất biến trong nguyên lai?
Nếu có một đấng Thần linh Tối thượng, thì tôi nghĩ không phải là thần Sấm, thần Chớp, thần Mưa, thần Sinh nở, v.v... mà là thần Thời gian, bởi vì chỉ có thời gian mới bao trùm và chế ngự tất cả. Thay vì chúng ta than vãn, ca cẩm thời gian mỗi ngày đục phá, gậm nhấm cuộc đời, thì có lẽ chúng ta nên ca tụng Thời gian chính là đấng Tạo hóa, là tác giả tối hậu của mọi hiện hữu trong thế giới này. Có thời gian là có tất cả. Nếu có thời gian, tôi có thể làm được mọi thứ, kể cả trở thành bất tử !
Thật ra, thời gian không phải là một, mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua.
Nhưng cái khổ của con người cũng nằm trong ý thức về thời gian đó, hay đúng hơn trong ý thức về khoảng cách giữa hai loại thời gian. Thời gian vật lý thì vô tình, giá lạnh, đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy (tuyệt hảo bởi vì không bao giờ hư!), tạo tác và phá hủy mọi sinh vật, mọi hiện hữu. Trong khi đó thời gian tâm lý lại hữu tình, nóng bỏng, quay theo một hình tròn, lúc nhanh lúc chậm, với bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương về dĩ vãng, cũng như bao nhiêu dự trù lo lắng cho tương lai. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng vang của thời gian trong tâm hồn người thi sĩ.
Thời gian đối với nhà thi sĩ
Chúng ta thử tự hỏi: nếu không có thời gian, thì liệu còn có bao nhiêu vần thơ và bao nhiêu nhà thi sĩ? Nói một cách khác: giả sử các nhà thi sĩ quên đi mọi kỷ niệm, thì liệu còn có lý do gì để làm thơ?
Tôi chắc rằng lúc bấy giờ chỉ còn lại một loại thơ: đó là thơ Thiền. Bởi vì chỉ có nhà thơ Thiền mới làm thơ về hiện tại, còn đa số các nhà thơ đều sống về dĩ vãng, về kỷ niệm, về tuổi thơ, với bao nhiêu nhớ nhung, tiếc nuối.
Là thi sĩ, theo tôi, không phải là "Say với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", như lời của Xuân Diệu. Là thi sĩ, chính là mang trong tiềm thức một bồ kỷ niệm, và một bầu cảm xúc đi đôi với những kỷ niệm đó. Và lời thơ, chính là nguồn cảm xúc dâng trào, quyện vào với kỷ niệm, dội lên thành thơ.
Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy đa số những từ ngữ, khái niệm, hình ảnh trong các bài thơ đều liên quan tới dĩ vãng như: "nhớ nhà... quên lãng... kỷ niệm... xa xưa... cố hương... dấu chân... lần cuối... dở dang... lỗi hẹn... bến cũ... biệt ly... vấn vương... bụi thời gian... thuở nào... xa vắng... nhớ nhung... nắng cũ... mòn mỏi... phai màu... ước hẹn... hao mòn... ngừng trôi... chia phôi... hoài cảm... ấu thơ, v.v..."
Chẳng hạn như bài văn đầy âm điệu sau đây của Đinh Hùng, cũng mang bao nhiêu hình ảnh của quá khứ, của thời gian: "Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ đời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn còn tre û. Nắng ở đây vẫnlà nắng ngày xưa, và linh hồn tôi vẫnlà linh hồn năm trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớcũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay đó chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ ?"
Cũng như trong những vần thơ của Apollinaire, vẫn còn phảng phất hương vị của thời gian, của một mùa thu thương nhớ:
"J'ai cueilli ce brin de bruyère,
L'automne est morte souviens-t'en.
Nous ne nous verrons plus sur terre,
Odeur du temps brin de bruyère,
Et souviens-toi que je t'attends."
(Anh đã hái một cành hoa thạch thảo,
Mùa thu đã chết em nhớ chăng.
Thế giới này đôi ta vĩnh biệt,
Hương thời gian hoa thạch thảo,
Em ơi hãy nhớ, anh chờ em.)
Nếu không phải là nhớ thương, thì nhà thơ cũng mang nặng trong mình một mối sầu vạn cổ, cũng như TrầnTử Ngang đã không ngăn được xúc động khi ngẫm tới thời gian, tới không gian vô tận, bên cạnh kiếp người ngắn ngủi, nhỏ bé vô cùng:
"Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất tri lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ."
(Ai người trước đã qua?
Ai người sau sắp tới?
Ngẫm trời đất không cùng.
Một mình rơi giọt lệ.)
Và thời gian đối với nhà thi hàoLý Bạch cũng như giòng nước lạnh lùng trôi qua, không làm sao ngăn chận được, cũng như nỗi buồn của số phận làm người không thể nào làm tan đi trong men rượu:
"Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu.
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu."
(Rút gươm chém nước, nước trôi,
Tiêu sầu nhấc chén, lại dôi nỗi sầu.)
"Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Hựu bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti mộ thành tuyết..."
(Bác chẳng thấy, con sông Hoàng lưng trời tuôn nước,
Xuống biển rồi có ngược lên đâu? Lại chẳng thấy
Đài cao soi gương buồn tóc bạc,
Sáng xanh tơ mà tối đã như sương...)
Sinh ra, già đi, chết đi... Con người như một chiếc thuyền mỏng manh, lênh đênh trên biển cả, không biết trôi dạt nơi đâu, mà cũng không thả neo được giờ phút nào, cũng như lời năn nỉ của Lamartinekhi muốn níu kéo lại những khoảnh khắc êm đẹp nhất của cuộc đời:
"Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,
Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l'océan des âges,
Jeter l'ancre un seul jour?
(...) Ô temps! suspends ton vol, et vous, heures propices!
Suspendez votre cours.
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours !
(Thuyền vô định lênh đênh trôi mãi
Trên biển đời trong suốt đêm thâu
Biết chăng trong kiếp sống này
Bao giờ mới được có ngày thả neo?
(...) Thời gian hỡi, ngừng ngay cánh lại!
Giờ phút êm, xin hãy ngừng trôi.
Hãy cho ta hưởng một thôi,
Những ngày tươi đẹp nhất đời của ta!)
Ôi, nhà thi sĩ mới ngây thơ làm sao, bởi vì chỉ cần hỏi lại câu: "Muốn thời gian ngừng lại trong bao nhiêu lâu?" là đã thấy mình vô lý đến sượng sùng! Nếu thời gian ngừng lại, thì không có thời gian. Mà nếu không có thời gian, thì làm gì có ai mà tận hưởng, có cái gì mà tận hưởng? Chỉ còn cách xin thời gian trôi qua, nhưng riêng ta thì vẫn như vậy, không chút đổi thay. Ôi vẫn cái ta, vẫn cái thường là nguồn gốc của mọi khổ đau...
Và liệu có gì là thường còn? Trong bầu không khí hừng hực đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã kêu lên:
"Rồi đây... rồi mai sau còn...chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dầu mục nát.
Với thời gian lê vết máu qua đi,
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ Tát.
Dội hào quang xuống tận chốn A Tỳ,(...)"
Tất cả rồi cũng sẽ trở thành tro tàn, cát bụi. Tác phẩm nào tuyệt tác đến đâu chăng nữa cũng sẽ bị thời gian phá hủy, ngoại trừ... Ngoại trừ tấm gương hy sinh cao cả của các đấng Bồ Tát, bởi vì được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên đã vượt khỏi thời gian.
Nói tóm lại, thời gian đối với nhà thi sĩ là một điều chủ quan tới tột độ, vừa là một mối sầu vạn cổ, một nỗi nhớ thương man mác, và một niềm đau ray rứt đê mê (une douleur exquise). Đó không phải là một cái gì trừu tượng mà là một sự thực sống động, không ngừng vang dội trong chiều sâu tâm thức. Nhà thơ biết mình không tránh khỏi thời gian, chịu đau cái nỗi đau thời gian, nhưng không thể nào từ bỏ được nó. Bởi vì nỗi đau thời gian đó chính là mình, nó đã trở thành mình...
Thời gian đối với nhà triết học
Thời gian không phải chỉ là một nỗi đau, mà còn là một câu hỏi không ngừng dằn vặt con người, qua bao nhiêu thế hệ.
Câu hỏi đó không chỉ nằm trong phạm vi những lý luận siêu hình của nhà triết học, cũng như lời của Bachelard : "Suy nghĩ về thời gian là công việc đầu tiên của mọi siêu hình học". Nó bắt nguồn từ chiều sâu tâm thức của mỗi người, như một ngọn lửa âm ỉ nhưng cũng có thể bùng cháy lên bất cứ lúc nào, thúc đẩy bởi một sự bức thiết nội tâm. Cũng như trước "cái chết", và "sự sống", con người không thể nào thoát ra khỏi sự ám ảnh của "thời gian"...
Từ cổ xưa, người ta đã ý thức về thời gian qua những quan sát về sự đổi thay trên thế giới. Đối với người Trung Hoa, mọi sự vật đều biến chuyển theo những định luật tự nhiên, tức là luật biến hóa của vũ trụ, được Khổng Tử chép lại trong Kinh Dịch : từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, sinh ra Tứ tượng, Bát Quái, cho tới 64 Quái, với Ngũ Hành tương sinh tương khắc, sinh ra vạn vật. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, cũng vạch rõ những biến chuyển tự nhiên của vũ trụ, nhưng khuyến cáo con người không nên cưỡng lại mà nên thuận với những biến đổi tự nhiên đó.
Ảnh hưởng của đạo Lão và Phật đã mang lại cho nền văn minh Trung Hoa một lối nhìn siêu thoát về thời gian, cũng như trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức : "...Bác có biết nước và trăng không ? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa từng thêm
bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra, thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt ; mà nếu ở tự nơi không biến đổi mà xem, thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả..."
Tại Tây phương, triết lý ngay từ ban đầu đã luôn luôn dao động giữa hai khuynh hướng của tư tưởng cổ xưa Hy Lạp : giữa "tất cả đổi thay" theo Héraclite, và "tất cả bất biến" theo Parménide.
Đối với Héraclite, đặc tính của cuộc sống là sự lưu chuyển không ngừng của sự vật ( panta rhei ) : "Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một giòng sông". Điều đó nằm trong định luật chung của vũ trụ gọi là logos, bao trùm và tác động trên tất cả mọi hiện tượng trên thế gian. Tất cả luôn luôn biến
đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa chống đối nhau vừa nẩy sinh ra nhau, như "sáng / tối", "nóng / lạnh", "ngày / đêm".
Ngược lại, Parménide cho rằng sự có mặt (être) là vĩnh cửu, và tất cả đổi thay chỉ là những vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, Platon chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi thay, còn có thế giới của Tư Tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu bất biến, vượt khỏi thời gian. Thời gian đương nhiên trở thành "hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động" (image mobile de l'éternité immobile).
Đối với Aristote, thời gian cũng như sự chuyển động mang một tính chất vĩnh cửu, vô thủy vô chung. "Thời gian là thước đo của sự chuyển động (mesure du mouvement), giữa trước và sau ; thời gian liên tục, bởi vì thuộc vào sự liên tục". Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự.
Theo trường phái Khắc Kỷ (Stoiciens), thời gian không có thực chất, nhưng "mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian". Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hóa, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hóa. Do đó, nhà hiền triết khắc kỷ tuân theo và chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian, để hòa đồng với Tạo Hóa. Trong một lá thư cho học trò mình, Sénèque viết : "Không có gì thuộc về ta cả, Lucilius ạ. Chỉ có thời gian là của ta. Cái tài sản thoáng qua và trơn tuột đó là điều duy nhất mà Tạo Hóa đã tạm trao cho chúng ta"...
Ngược lại với quan điểm này, Epicure định nghĩa thời gian như "tai nạn của những tai nạn" (accident des accidents). Khác với không gian, thời gian tự nó không là gì, nó không thuộc vào cấu trúc của thế giới, mà là do những nguyên tử và không gian tạo thành. Thời gian không phải là một thực thể, và
sở dĩ con người cảm thấy thời gian là nhờ ở những biến đổi của sự vật. Do đó, người ta có thể tránh né thời gian được, bởi vì luôn luôn có khả năng thoát khỏi bằng cách nhớ tới một khoảng thời gian khác. Ngay trong khi bị tra tấn hành hạ, người ta cũng có thể cảm thấy hạnh phúc bằng cách nhớ tới những giây phút hạnh phúc trong quá khứ. Thời gian không xâm phạm được vào nhà hiền triết, bởi vì chỉ là một cái gì lướt qua và không tồn tại được.
Vào thời kỳ Trung cổ, Thánh Augustin đã đưa ra những nhận định sâu sắc về thời gian :
"Thời gian là gì ? Nếu không ai hỏi tôi về thời gian, thì tôi biết rõ ; nhưng khi cần phải giải thích thì tôi không còn biết thời gian là gì.
Tuy vậy, tôi dám mạnh bạo quả quyết rằng, nếu không có gì xảy ra, sẽ không có thời gian đi qua ; nếu không có gì xẩy đến, sẽ không có thời gian sắp tới ; nếu không có gì hiện hữu, sẽ không có thời gian hiện tại.
Nhưng hai thời gian này, quá khứ và tương lai, làm sao chúng có mặt được, nếu quá khứ không còn nữa và tương lai chưa tới ? Ngay cả hiện tại, nếu luôn luôn còn đó, không mất đi trong quá khứ, nó sẽ không phải là thời gian ; nó sẽ là vĩnh cửu. Vậy, nếu hiện tại muốn là thời gian, phải mất đi trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng nó cũng có mặt, khi mà lý do duy nhất của sự có mặt này chính là sự không còn nữa ? Thành thử thực ra nếu chúng ta có thể nói rằng thời gian có mặt, thì chính là bởi vì nó đi vào không-có mặt".
Đó chính là nghịch lý của thời gian : quá khứ không có bởi vì đã qua rồi, tương lai không có bởi vì chưa tới, chỉ có hiện tại là có thật, nhưng hiện tại phải biến mất ngay mới là hiện tại, bởi vì chỉ cần kéo dài một chút đã trở thành quá khứ...
Như vậy, theo Augustin, không hề có 3 loại thời gian (quá khứ, hiện tại vàtương lai), mà chỉ có 3 thể của thời gian, đồng thời có mặt trong ý thức con người. "Cả 3 thể của thời gian đó đều có mặt trong ý thức, và tôi không thấy chúng ở nơi nào khác". Ông cũng nêu lên một câu hỏi mấu chốt : "Làm sao tôi có thể vừa có mặt trong hiện tại, vừa có đủ tầm nhìn để thấy rằng thời gian trôi qua ?".
Đối với Pascal, thời gian thuộc vào những gì không thể định nghĩa được, vàdù thế nào định nghĩa cũng vô ích. Leibniz cho rằng thời gian cũng như không gian, là những gì hoàn toàn tương đối, không có thực thể : không gian là "trình tự của những gì có khả năng cùng có mặt" (ordre des coexistences possibles), trong khi đó thời gian là " trình tự của những gì có khả năng kế tiếp nhau" (ordre des successions possibles), nhưng có liên hệ với nhau. Đó chính là một vấn đề nan giải của thời gian, bởi vì làm thế nào giải thích được tính chất đôi của thời gian, vừa là kế tiếp vừa là liên tục, vừa phân biệt vừa bao gồm những giây lát hình thành nó? Nếu tôi bị thời gian cuốn đi theo dòng hiện tượng, thì làm sao tôi nghĩ được về thời gian ? Nhưng nếu tôi chỉ là người đứng nhìn bàng quan, thì tôi đã bị tách ra khỏi thời gian mất rồi.
Kant, triết gia của thế kỷ Ánh Sáng, cho thời gian đóng một vai trò quan trọng hơn, vì là một hình thái phổ biến cho phép con người nhận biết được các hiện tượng. Kant quan niệm rằng thời gian không phải là một khái niệm xuất phát từ kinh nghiệm, nhưng đã có trước kinh nghiệm, cũng như không gian. Cả hai là những hình thái tiên nghiệm ( a priori ) của cảm giác, thuộc về trực giác và phát xuất từ chủ thể. Chỉ với giả thuyết đó người ta mới có thể cảm thấy được sự đồng thời hoặc kế tiếp của mọi hiện hữu. Thời gian không phải là một ý niệm, mà là một trực giác thuần túy, bởi vì chỉ có một không gian và một thời gian, vô biên và bao gồm tất cả các không gian vàthời gian đặc biệt. Kant coi không gian và thời gian là những "thực thể theo kinh nghiệm", bởi vì vừa có hậu quả khách quan, vừa là chủ quan, bởi
vì chúng là những hình thái của trực giác. Sự chủ quan này chính là một "tính lý tưởng siêu nghiệm" (idéalité transcendantale), điều khiển tất cả các tri thức nói chung và là điều kiện của sự hiểu biết.
Đối với Hegel, thời gian có ba kích thước : 1. quá khứ, là sự hiện hữu như bị xóa bỏ, như không có mặt ; 2. tương lai, là sự không-có-mặt, nhưng tất định có ; 3. hiện tại, là sự trở thành lập tức, và sự kết hợp của hai cái trên. "Chỉ có thời gian khi có lịch sử , tức là có sự hiện hữu của con người... Con người ở trong thời gian, và thời gian không có ngoài con người ; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người".
Nhưng bám sát chiều hướng lịch sử một cách quá đáng cũng có hại cho cuộc sống, theo Nietzsche : "Con vật sống một cuộc đời không có lịch sử... Ngược lại con người vì tựa mình vào gánh nặng mỗi ngày một gia tăng của quá khứ, nên bị nó đè lên mình và đẩy xiêu hướng đi, làm chậm bước như một gánh nặng vô hình của bóng tối".
Thời gian cũng có thể bao gồm tất cả. Đó là quan điểm của Bergson, người đã xây dựng nên một triết lý hoàn toàn dựa lên thời gian. Đó không phải là thời gian của khoa học, của vật lý, của máy móc, của đồng hồ, không phải thời gian được đo tính, phân tích, mổ xẻ, chuyển đổi thành không gian. Mà là thời gian được con người sống và cảm nhận. Thời gian thực sự là thời gian của chiều sâu tâm hồn, một khoảng thời gian có bề dầy, co giãn linh động, mang tới những cảm giác mạnh mẽ, có chất lượng và không thể thay bằng số lượng. Đó là một dữ kiện trực tiếp của ý thức (donnée immédiate de la
conscience), vượt khỏi ngôn từ, lý luận, và chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Đối với Bergson, "Thời gian là sáng tạo, hoặc không là gì hết".
Thời gian tính (temporalité) giữ một vị trí trung tâm trong triết lý của Heidegger. Bởi vì con người trước hết là "có mặt ở thế gian" ( être-au-monde ) cho nên tự định nghĩa là sự lo lắng, và sự lo lắng chỉ có
thể có trong thời gian, tức là điều kiện tối hậu. Thời gian tính là bản chất sủa sự hiện hữu chân thực. Thời gian đối với con người không phải ở bên ngoài, nó không phải là một cái gì bên ngoài đâm bổ vào chúng ta, để bắt chúng ta phải tuân theo luật của nó, và hủy hoại chúng ta nếu cần. Và sự có mặt, bởi vì chính nó là thời gian tính, cho nên cũng là lịch sử tính (historicité).
Jules Lagneau cho rằng không gian và thời gian không thể tách rời nhau được, trừ khi bằng cách trừu tượng hóa. "Không gian và thời gian là sự chuyển động được trừu tượng hóa". Nhưng nếu không gian và thời gian đều là bằng chứng của sự tùy thuộc của ta vào sự vật, thì cũng có những sự khác biệt giữa hai khái niệm này : "Không gian là dấu hiệu của quyền lực của ta. Thời gian là dấu hiệu của sự bất lực của ta". Bởi vì, theo Alain, học trò của ông, "Cảm nhận thấy không gian, tức là biết mình đang ở đâu, và sẽ tới đâu lát nữa, nếu muốn. Trong khi đó, nếu mình muốn tới ngày hôm sau, thì chỉ có một cách là chờ đợi. Vì vậy cho nên không có sự cảm nhận về thời gian".
Như vậy, quan niệm của triết học về thời gian mỗi ngày một thêm phức tạp, và có lẽ đã đi tới một ngõ cụt không thể nào tiến xa hơn được. Triết học ngày nay quanh đi quẩn lại, nghĩ tới nghĩ lui, rồi rốt cuộc cũng như thể "con rắn tự cắn đuôi mình", hay "con kiến mà leo cành đào"... trong câu ca dao nọ.
Không tìm thấy giải đáp nơi triết học, con người hiện đại thường quay về phía khoa học, với hy vọng vén được màn bí mật về thời gian, nhờ những khám phá mới nhất của vật lý và sinh học.
Thời gian dưới mắt nhà khoa học.
* Đo tính thời gian.
Từ lâu, người ta đã tìm cánh đo tính thời gian, là một yếu tố quan trọng trong sự giao tiếp giữa những con người.
Ví dụ như nếu muốn có một đứa bé một ngày kia chào đời, thì ít ra cũng phải có một cuộc hẹn hò giữa một cặp tình nhân, ở một thời điểm nào đó. Nếu không đo tính được thời gian, thì làm gì có hẹn hò, có gặp gỡ, có nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Làm gì có những sinh hoạt xã hội, như mua bán, hội hè, thi cử, thể thao, ca nhạc và ngay cả luộc một quả trứng gà cũng không xong !
Ngay từ cổ xưa, con người đã biết dùng những phương tiện giản dị, gần thiên nhiên để đo tính thời gian : bằng bóng mặt trời xoay quanh nhật bàn (cadran solaire), những giọt nước chảy tí tách trong lậu hồ (clepsydre), hay những hạt cát trôi dần trong bình cát (sablier). Thuở ấy, thời gian được đo tính một cách mơ hồ, nhưng đầy thơ mộng.
Đến khi đồng hồ xuất hiện tại Âu châu vào thời kỳ Phục Hưng, thì thời gian bắt đầu trở nên máy móc và khô khan. Lúc đầu còn nghe tiếng "tích tắc" của đồng hồ quả lắc, tiếng chuông đánh "boong", tiếng chim kêu "cú cu". Nhưng chẳng bao lâu đồng hồ đã im tiếng, đã mất cả những chiếc kim lân tinh, những chiếc rubis quí giá, và chỉ còn là một bản số điện tử trống rỗng, không hồn.
Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đo tính thời gian đã trở thành mỗi ngày một thêm chính xác. Với đồng hồ cơ khí và đồng hồ tự động, người ta có thể nhanh chậm một vài giây trên một ngày, trong khi đó đồng hồ quartz chỉ còn sai một vài giây trên một tháng, và đồng hồ nguyên tử một giây trên một
triệu năm ! Thời kế tự động, rồi thời kế quartz đã cho phép đo được những khoảng cách vô cùng ngắn ngủi, cho tới một phần triệu giây (nanoseconde). Và bắt đầu từ năm 1967, một giây được định nghĩa như "thời hạn của 9192631770 chu kỳ sóng từ điện được phát hoặc hấp thụ bởi một nguyên tử césium 133 khi chuyển từ một mức độ năng lượng này tới một mức độ khác " ! Và từ năm 1983, một mét được định nghĩa như "chiều dài của con đường mà ánh sáng đi qua khoảng trống trong thời gian 1/299792458 giây" !
Còn gì chính xác hơn là định nghĩa khoa học, nhưng đo được thời gian, dù chính xác tới đâu chăng nữa, vẫn chưa phải là hiểu được thời gian...
* Liên hệ giữa không gian và thời gian.
Thực ra, phải đợi đến Galilei con người mới bắt đầu đi vào khoa học, nhờ sự khám phá những định luật nối liền sự chuyển động với thời gian. Với lòng tin sắt đá rằng "thiên nhiên viết bằng ngôn ngữ toán học", Galilei đã khai phá cho con người con đường tìm hiểu thiên nhiên, qua những áp dụng toán
học vào vật lý học.
Với định luật "vạn vật hấp dẫn" (gravitation universelle), Newton mở ra cho khoa học một kỷ nguyên mới, một hệ thống cơ khí mà trong đó mỗi chuyển động trong không gian đều phải tuân theo định luật một cách chính xác, từ một trái táo tới một ngôi sao. Cơ khí của Newton dựa lên giả thuyết có một
không gian độc nhất, cùng tính chất khắp nơi, và một thời gian tuyệt đối, độc nhất. Thế giới của Newton như vậy có bốn chiều : ba chiều để tả không gian, và một chiều là thời gian. Đặc điểm của chiều thời gian là người ta không thể nào di chuyển được trong đó, và cũng như không gian, không thể
nào suy tư được trên đó, bởi vì cả hai là những định nghĩa tiên nghiệm (définitions a priori ) làm nền tảng cho vật lý học.
Einstein không đặt vấn đề thời gian như một điều tiên nghiệm, nhưng lưu ý tới khoảng thời gian đo giữa hai sự kiện, bởi những quan sát viên ở những hệ quy chiếu (référentiels) khác nhau. Ông cho thấy rằng những khoảng thời gian đó khác nhau. Thời gian như vậy tùy thuộc vào hệ quy chiếu được chọn,
và không còn được coi là tuyệt đối.
Người ta thường lấy câu chuyện hai anh em sinh đôi của Langevin để minh họa tính chất tương đối của thời gian : một trong hai người phiêu du trong không gian trong một không thuyền với một tốc độ gần tốc độ ánh sáng, trong khi người kia ở lại trái đất. Thời gian đối với người đi nhanh sẽ chậm hơn người ở lại tại chỗ, và sau một thời gian, người đi xa trở về sẽ trẻ hơn người ở lại. (Như vậy, biết đâu chẳng giải thích được một cách khoa học câu chuyện Từ Thức gặp Giáng Hương, hay Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên, khi trở về hạ giới, chỉ còn gặp những cháu chắt của mình !).
Trong thuyết tương đối hẹp (relativité restreinte) của Einstein, thời gian gắn liền với hệ quy chiếu, nhưng còn thuộc vào hệ thống bốn chiều, cùng với không gian, để miêu tả sự chuyển động. Trong một hệ quy chiếu nào đó, thời gian và không gian cùng đóng một vai trò, đó là thời gian và không gian tuyệt đối của Newton.
Trong thuyết tương đối tổng quát (relativité générale), thì lại khác hẳn. Không gian-thời gian trở thành bản chất của vũ trụ, một hình học (géométrie) bị méo mó bởi luật hấp dẫn. Vũ trụ không phải chỉ ở trong không gian và thời gian, mà cũng chính là không gian và thời gian. Thời gian là một phần tử của vũ trụ, nó thuộc vào cấu trúc của vũ trụ.
* Thời gian, một ảo tưởng ?
Đối với một nhà khoa học như Einstein, quan niệm thời gian như một sự nối tiếp (continuité), một sự một chiều (irréversibilité), chỉ là một ảo tưởng. Vũ trụ có mặt, nhưng không trở thành. Theo Einstein, "mũi tên thời gian" chỉ là một ảo tưởng cần phải gạt bỏ, phải vượt qua. Trong những trao đổi thư từ với Michele Besso, một người bạn thân thường gạn hỏi ông : "Vậy sự nối tiếp, sự một chiều của thời gian, mày để ở đâu ?", ông trả lời một cách kiên nhẫn : "Làm gì có sự một chiều ? Mũi tên thời gian không hề có trong thiên nhiên. Đó chỉ là một quan niệm hoàn toàn xuất phát từ con người, hoàn toàn tương đối". Và khi Besso chết, Einstein viết thư cho chị của ông : "Michele đã đi trước tôi để lìa bỏ thế giới lạ lùng này. Nhưng điều đó không quan trọng lắm. Đối với chúng tôi, những nhà vật lý học vững lòng
tin, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng , dù nó rất dai dẳng".
Sau này, nhà vật lý thiên văn Stephan Hawking cũng quan niệm như vậy trong tác phẩm "Một câu chuyện ngắn về thời gian". Ông đề nghị thay thế thời gian bằng thời gian tưởng tượng , và nhờ đó có thể không gian hóa (spatialiser) thời gian, bằng cách đổi dấu (+) bằng dấu (-). Theo thuyết tương đối hẹp
của Einstein, không gian và thời gian liên hệ với nhau, nhưng vật chất vẫn còn độc lập. Khoảng cơ bản không còn là một khoảng không gian như trong hình học Euclide, mà là một khoảng không gian-thời gian. Song, thời gian đóng một vai trò khác trong khoảng này, nó không có cùng một dấu. Như người
ta thường viết trong khoảng (ds2), thời gian mang dấu (+) và không gian mang dấu (-).
So với thuyết tương đối hẹp, thì thuyết tương đối tổng quát của Einstein đưa tới một sự tổng hợp vĩ đại hơn nhiều. Không gian vừa có liên hệ với thời gian và vật chất. Và sự liên hệ đó có là nhờ độ cong của không gian-thời gian, và cái độ cong này tùy thuộc những gì chứa đựng trong vật chất. Nhưng thuyết tương đối tổng quát vẫn còn là một thuyết theo Newton, bởi vì vẫn còn mang những điều xác thực, và vẫn không có mũi tên thời gian.
* Mũi tên thời gian và luật nhiệt động.
Vào thế kỷ thứ XIX, Sadi Carnot, trong khi nghiên cứu về các máy chạy hơi nước, nhận thấy rằng sự biến đổi sức nóng thành cơ năng bị hạn chế bởi tính chất một chiều của những dời chuyển sức nóng (chỉ có thể đi từ nóng sang lạnh), dường như sức nóng mang trong mình một tính chất đặc biệt liên quan
tới một chiều.
Những suy nghĩ đó sẽ làm khởi điểm cho nguyên tắc thứ hai của nhiệt động (deuxième principe de la thermodynamique), do Clausius trình bày dưới hình thức hoàn chỉnh : trong mỗi hệ thống vật lý đều có một đại lượng gọi là entropie, biểu thị mức độ hỗn độn hoặc ngẫu nhiên có mặt trong hệ thống đó.
Số lượng entropie trong một hệ thống cô lập chỉ có thể tăng lên mỗi khi có một hiện tượng vật lý nào đó. Lấy ví dụ, entropie của một tách cà phê và của một viên đường họp lại, thấp hơn entropie của một tách cà phê ngọt, cho nên viên đường chỉ có thể tan trong tách cà phê, chứ không bao giờ có thể
lấy ra được từ một tách cà phê ngọt. Một cách đơn giản hơn, nếu chúng ta ném một cái chén xuống đất, chén đó (trên nguyên tắc) sẽ vỡ. Entropie của chén lành thấp hơn chén vỡ, nên không bao giờ chén vỡ sẽ lành trở lại. Mọi sinh vật chết đi không thể nào sống trở lại, cũng như chiếc lá vàng đã lìa cành, không bay lại được lên trên cành và xanh tươi trở lại.
Trong kinh nghiệm sống hàng ngày, chúng ta thấy những đổi thay thường đi từ thứ tự (ordre) tới hỗn độn (désordre), từ sự khó xảy ra (improbable) tới sự dễ xảy ra (probable). Đó chính là "mũi tên nhiệt động" áp dụng vào thời gian.
Ý thức về những nghịch lý của thời gian bắt nguồn từ những công trình của Boltzman. Boltzman bị ảnh hưởng mạnh của Darwin, và là nhà vật lý học đầu tiên quan niệm sự tiến hóa của vũ trụ như là một sự suy rộng của thuyết Darwin. Nhưng trước những lời chỉ trích trách ông đi ngược lại với định luật hai chiều của Newton, ông đã đắn đo và chùn lại. Ông vừa muốn một đằng tin vào quan niệm tiến hóa của vũ trụ, vào mũi tên thời gian, một đằng giữ trung thành với định luật của Newton. Đó là một nghịch lý mà ông đã không giải quyết nổi, và có thể là một lý do đã khiến ông tự tử.
* Sự sống, một cuộc tranh đấu chống lại entropie.
Theo nguyên tắc thứ hai của nhiệt động, mọi sự vật không thể nào tránh được bị tiêu hủy dần mòn, nhưng tất cả không chống đối lại sự tiêu hủy đó một cách giống nhau. Đối với vật chất không sinh động, thời gian chỉ là tiêu mòn và tàn phá.
Ngược lại, sự sống là một ngoại lệ duy nhất và tạm thời trước luật entropie, điều đó đã được các nhà sinh học vạch rõ. Các sinh vật có khả năng dùng một khoảng thời gian nào đó, để phát triển theo định luật của chính mình và dùng những dự trữ năng lượng của mình. "Sự sống, theo Lévy-Valensi, là một cuộc đấu tranh thường trực chống lại entropie. Nó phải, trong mỗi giây phút, theo cách nói của Bergson, "nâng cái gánh nặng đang rơi xuống", và làm chậm đi những đổi thay không thể nào ngăn cản được.
Dường như, trong một thế giới không thể nào tránh được quay về sự chết, sự sống cố gắng tận dụng tất cả năng lượng đang tiêu dần của mình, để làm được một cái gì, trong một khoảng thời gian nào đó."
Ngoài ra, sự sống còn dùng một phương pháp hữu hiệu để chống lại sự phá hủy của thời gian, đó là sự sinh sản. Nhờ sự sinh sản, cuộc sống được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua sự trao truyền thông tin mang bởi những gien, cũng như một ngọn lửa truyền từ ngọn đuốc này qua ngọn đuốc khác, để không bao giờ ngừng cháy.
* Chronos và tempus : thời gian vật lý và thời gian tâm lý.
Có thể nói rằng cho tới thế kỷ thứ XVIII, không có sự cách biệt giữa triết học và khoa học, vì một lý do giản dị : các nhà triết học đồng thời là những nhà khoa học. Từ Platon, Aristote cho tới Descartes, Leibniz, Kant, tất cả đều là những nhà bác học "văn võ song toàn", nghĩa là vừa là triết gia, vừa là toán học, vật lý học, thiên văn học, sinh học...
Nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ XIX, những kiến thức của nhân loại trở thành mênh mông và phức tạp đến nỗi các nhà học giả bắt buộc phải lựa chọn một ngành chuyên môn, để mỗi ngày tiến sâu vào ngành đó. Chẳng hạn như Bergson, khi còn là một học sinh xuất sắc thi tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm, đã phải chọn lựa giữa văn chương và khoa học, và ông đã chọn lựa văn chương. Như vậy, dần dần triết học và khoa học đã rời xa nhau, cho tới khi không còn nói với nhau cùng một thứ tiếng, không còn dùng những khái niệm giống nhau.
Ví dụ khái niệm "thời gian" chẳng hạn. Liệu "thời gian" của nhà khoa học có phải là "thời gian" của nhà triết học ? Đó là câu hỏi đặt lên trong cuộc đối thoại tại Paris năm 1922 giữa Bergson và Einstein, về "Thời gian và thuyết tương đối".
Để trả lời câu hỏi của Bergson : "Ông có chắc rằng thời gian của ông là thời gian của con người tầm thường không ?", Einstein khẳng định : "Thời gian của nhà triết học và thời gian của nhà vật lý học là một. Không có thời gian của triết học. Chỉ có thời gian tâm lý khác với thời gian của vật lý học. Chỉ có khoa học mới nói được sự thật". Câu trả lời độc đoán này làm Bergson vô cùng thất vọng, có lẽ vì ông đã quá mong đợi ở khoa học một sự xác nhận về trực giác của ông về thời gian.
Nhưng thật ra, nếu cuộc đối thoại này, giữa hai nhà trí thức nổi tiếng thời bấy giờ, đã thất bại hay chỉ là hai cuộc độc thoại, có lẽ là vì "ông nói gà, bà nói vịt". Einstein và Bergson mỗi người chỉ nói về thời gian của mình.
Thời gian của Einstein là thời gian vật lý , thời gian khoa học, không màu sắc hương vị, thời gian của cả vũ trụ, không phải của riêng con người. Thời gian đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì không có thực chất, không có bề dày, không chia ra làm quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian đó chính là không gian, nó có mặt trong mỗi sự vật, nó là sự vật. Con người không làm gì được trên nó, bởi vì nó chính là con người, là một sự vật.
Thời gian của Bergson là thời gian tâm ly ù. Đối với ông, nó bao trùm tất cả, nó chính là sự sống, sự tiến hóa trong sáng tạo. Là thời gian được sống và cảm nhận trực tiếp bởi con người, với những cảm xúc của quá khứ, với bề dày của hiện tại và khả năng sáng tạo của tương lai. Thời gian đó có thể co giãn, ngưng lại, rút ngắn hay kéo dài, quay vòng trở lại. Con người có khả năng ảnh hưởng được vào nó, nhưng nó cũng có thể chế ngự con người.
Để phân biệt hai loại thời gian này, người ta đã đề nghị gọi thời gian vật lý là chronos (tiếng Hy lạp), và thời gian tâm lý là tempus (tiếng La tinh). Mỗi người sẽ gọi thời gian là chronos hay tempus tùy theo quan niệm của mình về thời gian.
* Prigogine, giữa thời gian Poincaré và thời gian Lyapounov.
Trong cuốn sách "Giữa thời gian và vĩnh cửu", Ilya Prigogine đưa ra một câu trả lời dứt khoát : thời gian hiện hữu trong vũ trụ, nó có mặt trong vật chất, và mang tính chất một chiều.
Lý luận của Prigogine dựa lên sự so sánh giữa hai loại thời gian : thời gian Poincaré và thời gian Lyapounov. Nhà toán học Henri Poincaré chứng minh rằng, trong một hệ thống cô lập với những tiểu thể (corpuscules) tác động lẫn nhau, sau một thời gian hệ thống đó sẽ đi qua trở lại trạng thái ban đầu. Thời gian giữa hai lượt đi qua cùng một trạng thái gọi là thời gian Poincaré, và thời gian đó dĩ nhiên rất dài. Lấy một ví dụ, một quả bóng bị xẹp, nếu không có tác động bên ngoài, thì một ngày kia sẽ căng trở lại. Không cần bơm, chỉ cần đợi, nhưng phải đợi rất lâu ! Lyapounov ngược lại chứng minh rằng trong sự tiến triển của một hệ thống, độ nhạy (sensibilité) của nó đối với những điều kiện ban đầu tăng lên không ngừng. Đó là "hiệu ứng bướm" (effet papillon) : một cái vỗ cánh của một con bướm có thể gây nên một cơn bão tố cách đó cả ngàn cây số trong vài tháng nữa. Sau một khoảng thời gian, một hệ thống sẽ trở thành hỗn độn (chaotique), không thể nào tiên đoán được một cách khoa học, và thời gian đó gọi là thời gian Lyapounov. Prigogine, trong khi so sánh thời gian Poincaré với thời gian Lyapounov, nhận thấy rằng thời gian Lyapounov ngắn hơn thời gian Poincaré nhiều, và như vậy có nghĩa rằng một hệ thống sẽ trở thành hỗn độn trước khi trở lại trạng thái ban đầu. Trên thực tế, định lý Poincaré không
áp dụng được, bởi vì hệ thống sẽ trở thành hỗn độn trước, và sẽ biến hóa theo muôn vàn phương thức khác nhau. Điều đó giải thích rõ rệt những nhận xét thường xuyên của chúng ta về cuộc đời : quả bóng sẽ không bao giờ tự căng trở lại, tương lai không thể nào tiên đoán được, và thời gian bắt buộc phải một chiều.
* Thời gian sâu thẳm (thời gian địa chất) ; thời gian thẳng dọc, thời gian chu kỳ.
Theo nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould, còn có một loại thời gian gọi là thời gian sâu thẳm (temps profond), tức là thời gian địa chất (temps géologique), thời gian đó kéo dài trên hàng tỷ năm từ lúc hình thành trái đất, và mới được con người ý thức được từ chưa đầy hai thế kỷ nay. Nếu lấy chiều cao của tháp Eiffel để tả thời gian sâu thẳm, thì tất cả lịch sử loài người chỉ bằng bề dày của lớp sơn trên chóp tháp mà thôi !
Và cũng có hai quan niệm về thời gian đã in sâu vào truyền thống Tây phương, đó là thời gian thẳng dọc (temps linéaire ou sagittal) và thời gian chu kỳ (temps cyclique), được biểu tượng bằng mũi tên và vòng tròn.
Theo quan niệm thời gian thẳng dọc, lịch sử được coi như là sự nối tiếp một chiều của những sự kiện chỉ có mặt một lần. Mỗi khoảnh khắc đứng một địa vị riêng trong chuỗi thời gian, và toàn thể những khoảnh khắc thời gian chuyển vận theo một chiều hướng nhất định.
Ngược lại, theo quan niệm thời gian chu ky ø, những sự kiện không còn tính chất riêng rẽ, nhưng thể hiện những điều căn bản luôn luôn có mặt và bất biến. Mọi biến chuyển nằm trong những chu kỳ được lập lại, và những khác biệt trong quá khứ sẽ trở thành những thực hiện trong tương lai. Thời gian như vậy không có chiều hướng.
Cả hai quan niệm đó về thời gian đều có mặt trong Thánh Kinh :
Một ngày kia, Thượng Đế tạo ra trái đất và con người, Ngài chỉ cho Noé phương pháp thoát khỏi một trận lụt lớn bằng một chiếc tàu đặc biệt, sau đó ngài trao cho Moĩse những điều giới luật vào một thời điểm nào đó, rồi ngài phái đứa Con của Ngài xuống trần, chịu đóng đinh tại một nơi và vào một lúc
nào đó, để rồi sống lại vào ngày thứ ba. Đó là quan niệm thời gian thẳng dọc.
Ngược lại, trong phần Ecclésiaste (Qohéleth), thời gian mang tính chất chu kỳ : "Mặt trời mọc, mặt trời lặn, và mặt trời mọc trở lại. Gió thổi quanh, quay đi và trở lại. Tất cả các giòng sông chẩy về biển cả, và biển vẫn không đầy. Cái gì đã có sẽ có, cái gì đã thực hiện sẽ thực hiện trở lại, và không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời".
Chỉ cần quan sát thiên nhiên, người ta cũng thấy rõ tính chất chu kỳ của những biến đổi trong cuộc sống. Từ hơi thở, nhịp tim, sự co giãn bắp thịt, kinh nguyệt, cho tới sự bài tiết nội tuyến, những làn sóng điện trong não, dường như tất cả mọi sinh vật đều sống theo nhịp một chiếc đồng hồ sinh lý, theo luật thời gian chu kỳ. Nhìn rộng hơn, ngay cả trong thế giới khoáng chất, trái đất với bốn mùa, nước thủy triều, nắng mưa, gió bão, các vì sao và các hành tinh, đều vận chuyển theo thời gian chu kỳ.
Nếu không có thời gian chu kỳ thì sẽ không có gì trở lại, không tiên đoán được việc gì xảy ra (mặt trời liệu còn có mọc ngày mai ?), không có khoa học với các định luật, phương trình. Không có xe đạp, xe hơi, bởi vì không có bánh xe quay vòng, không có máy bay cánh quạt. Cũng không có âm nhạc,
bởi vì sẽ không có nốt nhạc trở lại, không có điệp khúc. Không có thi văn, bởi vì sẽ không có vần thơ, không có lời văn...
Nhưng thật ra chính quan niệm thời gian thẳng dọc mới là động cơ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tại Tây phương từ thế kỷ thứ XVII. Bởi vì quan niệm thời gian thẳng dọc bao hàm khái niệm tiến hóa và tiến bộ. Có thời gian thẳng dọc mới có khám phá, đả phá, xây dựng, phát triển. Nếu "không có
gì mới mẻ dưới ánh mặt trời", thì việc gì phải mệt sức đặt lại vấn đề và cố gắng gia tăng sự hiểu biết của con người ? Theo Mircea Eliade, sự chú trọng tới tính chất "mới lạ" và "một chiều" của lịch sử là một khám phá tương đối mới trong đời sống nhân loại. Ngược lại, nhân loại cổ xưa cố hết sức tự bảo
vệ chống lại tất cả những gì mới lạ và một chiều của lịch sử.
Nếu quan niệm thời gian thẳng dọc phát triển mạnh mẽ trong văn minh Tây phương, thì quan niệm thời gian chu kỳ lại chế ngự văn minh Đông phương một cách rõ rệt. Chúng ta có thể tự hỏi rằng phải chăng một trong những lý do chậm trễ về khoa học kỹ thuật của Đông phương nằm chính trong quan niệm
thời gian chu kỳ trội hẳn đó ?
Thật ra, hai quan niệm thời gian thẳng dọc và thời gian chu kỳ , dưới hai ẩn dụ mũi tên và vòng tròn, đều đúng và sai như nhau. Đó chỉ là một cách nhìn nhị đối (dichotomie) quen thuộc của người Tây phương. Cũng như nhiều sự phân đôi khác ("linh hồn/thể xác" ; "sáng tạo/tiến hóa" ; "nhất nguyên/đa
nguyên" v.v.) cách nhìn đối chiếu này đều sai lầm hoặc thiếu sót, bởi vì chỉ thể hiện được một phần nào của thực tế vô cùng phức tạp. Đó chỉ là những phương tiện do con người chế tạo ra để làm sáng tỏ những suy nghĩ của mình.
Hình ảnh thích hợp nhất về thời gian, theo tôi nghĩ, có lẽ là vòng xoắn (spirale), bởi vì vừa mang tính chất thẳng dọc vừa mang tính chất chu kỳ. Những gì xẩy ra cũng trở lại, nhưng không hoàn toàn như trước. Mặt trời mọc và lặn trở lại, bốn mùa quay trở lại và các thế hệ nối tiếp nhau, nhưng không có ngày nào giống ngày nào, và không có người nào giống người nào. Cũng như câu trả lời của nhà sư Nagâsena (Na Tiên) khi vua Milinda hỏi cái "ta" là gì. "Cũng như một ngọn lửa, đổi thay trong từng giây phút, không phải cùng là một ngọn lửa, nhưng không phải là một ngọn lửa khác" ( na ca so na ca anno).
Và biết đâu trong đạo Phật đều có cả hai ẩn dụ mũi tên và vòng tròn. Vòng luân hồi chẳng là vòng tròn, và con đường giải thoát chẳng là mũi tên đó hay sao ?
Thời gian trong đạo Phật.
* Vô thường, tính chất căn bản của hiện tượng.
Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên nhấn mạnh vào vô thường, tức là tính chất không thường còn của sự vật, là sự biến đổi không ngừng của thế giới hiện tượng. Đối với đạo Phật, không có hiện hữu, chỉ có trở thành (bhava). Vô thường (anicca), cùng với vô ngã (anatta), và khổ (dukkha), là ba đặc tính của đời sống (tilakkhana). Ba đặc tính làm cho con người trầm luân trong vòng luân hồi (samsàra), do cái nghiệp (karma) của mình gây nên. Nhưng chính nhờ cái nghiệp đó, cùng cái Phật tâm (bodhichitta) sẵn có trong mình, mà con người có thể, bằng cách kiên trì tu tập, giữ giới (sỵla), định tâm (samâdhi), để đạt tới trí tuệ siêu việt (prajnâ), và tự giải thoát (moksha) ra khỏi vòng sinh tử, khổ đau.
Vô thường có thể xuất hiện dưới ba hình thức :
- Sát na vô thường, là sự chuyển biến liên tục của sự vật trong từng sát na (theo danh từ Phật, mỗi sát na là một khoảnh khắc rất nhỏ của thời gian). Sự vô thường này rất cần thiết cho sự sống, và có thể nói là gắn liền với sự sống, chính nó là sự sống.
- Nhất kỳ vô thường là sự chuyển biến nhanh chóng của sự vật theo một chu kỳ nào đó, đưa tới một sự thay đổi trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như khi nước sôi biến thành hơi, khi nước lạnh đông thành băng, khi hoa biến thành quả, khi lá vàng rụng, hay khi người bệnh nặng qua đời.
- Tai nạn là những điều xảy ra một cách đột ngột, không hề báo trước, biến đổi cuộc đời, theo chiều hướng xấu nhiều hơn là tốt.
* Thái độ của người Phật tử trước vô thường.
Thay vì lấy một thái độ thụ động trước vô thường, đạo Phật chủ trương lấy một thái độ sáng suốt và tích cực. Đầu tiên, con người phải ý thức rằng vô thường (sát na vô thường) là điều cần thiết cho sự sống, cho sự hiện hữu, và chính nhờ vô thường mới có sự chuyển đổi theo chiều hướng tốt, mới có hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn, cho những người đang khổ đau. Sau đó phải quán chiếu sự vô thường trong mọi sự vật, để không còn lo ngại, sợ hãi những biến chuyển do nhất kỳ vô thường một ngày kia có thể xảy đến, chẳng hạn như khi mất một người thân trong gia đình, khi lâm bệnh nặng, khi mất tài của, hay khi bị tai nạn. Tất cả những điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và người Phật tử phải cố gắng tu tập để xem vô thường là một chuyện tất nhiên và thường tình.
Cũng vì hiểu rõ rằng mọi sự vật đổi thay trong từng giây phút, cho nên người Phật tử biết quí trọng và sống trọn vẹn mỗi giây phút hiện tại, mỗi vẻ đẹp của cuộc đời, mỗi tình cảm của những người thân thương, để không bao giờ lo sợ và tiếc nuối. Và cũng nhờ ý thức rằng tất cả là vô ngã, là điều gắn liền với vô thường, cho nên người Phật tử không màng tới sự chấp chặt, trì kéo lại cho mình những của cải, những giây phút vui tươi, cũng như mọi ảo tưởng trong cuộc đời.
* Những quan điểm khác biệt về thời gian trong các tông phái Phật giáo.
Trong lịch sử tư tưởng đạo Phật, quan niệm về thời gian không phải là luôn luôn đồng nhất, không có tranh luận. Hơn hai trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch, đoàn thể tăng già chia rẽ ra làm nhiều tông phái, trong đó có phái Sarvâstivâda ( Nhất Thế Hữu ) và phái Sautrântika ( Kinh Lượng ),
chống đối nhau trên nhiều điểm, đặc biệt về thời gian :
- Theo phái Sarvâstivâda (sarva=tất cả, asti=hiện hữu), tất cả đều có mặt : quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Mọi pháp (dharma) hữu vi đều không sinh, không diệt, chúng có mặt từ vô thủy, và chỉ chuyển đổi từ một trạng thái tàng ẩn tới một trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như một người đàn bà đồng
thời là một đứa bé gái và là một bà mẹ, một cây cam vừa là một hạt cam và một trái cam. Nước vừa là băng tuyết vừa là hơi nước, tùy theo nhiệt độ, nhưng trong bản thể vẫn là nước.
- Phái Sautrântika (sùtra=kinh điển) lại cho rằng chỉ có hiện tại mới thực sự có mặt, và thời gian chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi những giây lát liên tục kế tiếp nhau. Căn bản của cuộc sống con người ngụ tại một tâm thức cao siêu, được trường tồn từ kiếp này sang kiếp khác.
Những phái này sẽ có ảnh hưởng trên sự xuất hiện của hai tông phái quan trọng của Đại thừa, là phái Trung quán (Mâdhyamika) và phái Duy thức (Vijnnânavâda hay Yogâchâra).
- Phái Trung quán, dưới sự hướng dẫn của ngài Long Thọ(Nâgârjuna), quan niệm rằng tất cả trong thực chất đều là Không (shunyâta). Nhưng Không không có nghĩa là trống không, là hư vô, là không có gì, Không có nghĩa là Sự Thực tuyệt đối (paramârtha-satya), là Chân Như, là Bản Thể của sự vật
(tathata). Do đó, thời gian không phải là một vấn đề, bởi vì chỉ có mặt trong thế giới hiện tượng, tức là cái Sắc, cái Tướng, chứ không có trong cái Không, nếu đi sâu vào bản thể.
- Phái Duy thức, dưới sự hướng dẫn của ngài Vô Trước (Asanga) và ngài Thế Thân (Vasubandhu), quan niệm rằng mọi hiện tượng là sản phẩm của ý thức, rằng tất cả là ý thức. Ngoài 6 thức thông thường ra, còn một ý thức sâu thẳm gọi là A-lại-da thức (alaya-vijnnâna), là nơi chứa đựng tất cả những
nhân của nghiệp trước, và nguồn gốc của mọi hành động. Trong chiều sâu của A-lại-da, cũng có những cái nhân tinh khiết, có thể được xem như chân như, như bản thể của vũ trụ. Như vậy, theo Duy thức học, thời gian cũng thuộc vào hiện tượng, vào ý thức, và tự nó cũng không có thực thể.
* Vũ trụ quan trong đạo Phật.
Thời gian trong đạo Phật được đo bằng sát na tức là một khoảng thời gian rất ngắn (một phần nhỏ của giây), cho tới kalpa tức là một khoảng thời gian rất dài (hàng triệu năm).
Đạo Phật quan niệm rằng vũ trụ không có giới hạn, trong không gian (có tới "tam thiên vạn thiên thế giới") cũng như trong thời gian (tất cả đều "vô thủy vô chung"). Thế giới không có điểm khởi đầu, mà cũng không có điểm kết thúc, cũng như quan niệm chung "không sinh, không diệt" của Bát Nhã Ba La
Mật Đa (Prajnâparamitâ). Nếu dùng danh từ khoa học ngày nay, thì chúng ta sẽ nói rằng đạo Phật quan niệm không có "Big bang" mà cũng không có "Big crunch". Hình ảnh phù hợp nhất với đạo Phật có lẽ là vũ trụ co giãn, đi từ tăng tới giảm, rồi từ giảm tới tăng, không bao giờ bắt đầu và không bao giờ
hết. Thật ra điều này cũng không đi ngược lại với vật lý hiện đại, bởi vì nếu đa số các nhà khoa học chấp nhận quan niệm "Big bang" như một biến cố hình thành vũ trụ từ 20 tỷ năm trước, thì họ cũng quan niệm không có giây phút "ban đầu", bởi vì 20 tỷ năm, cũng như 300000 km/giây cho tốc độ ánh
sáng và -273ồC cho nhiệt độ của một vật thể, chỉ là một điểm số giới hạn không thể nào vượt qua được.
Thời gian trong cuộc sống hàng ngày.
* Thời gian qua nhanh thật !
Còn nhận định nào thông thường hơn là những câu :
"- Chóng thật ! Mới dạo nào...
- Nhìn con cháu mình lớn lên, mới thấy thời gian qua quá nhanh...
- Mới ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy mình già nua đi nhiều...
Những câu chuyện về thời gian, cũng như về thời tiết (tiếng Pháp gọi cả hai là "le temps"), là những câu chuyện thường tình người ta vẫn nói với nhau hàng ngày, trong nhà cũng như ngoài chợ. Nhưng khi nói về thời tiết, nắng mưa, người ta thường nói chuyện bâng quơ, tầm phào, trong khi nói về thời
gian, người ta bỗng thấy dâng lên một nỗi buồn man mác, kèm theo tiếng thở dài.
Quả thật, thời gian băng qua nhanh như mũi tên, và con người chỉ có thể nhìn theo bất lực !
Có lẽ chỉ có những nhà khoa học lẩm cẩm mới đặt ra vấn đề có "mũi tên thời gian" hay không, thời gian đi một chiều hay hai chiều. Đối với người thường, chỉ cần mở mắt ra đã thấy rõ rằng thời gian không bao giờ đi ngược trở lại. Cũng như hạt cát lùa qua kẽ tay không làm sao ngăn bắt được, như
đóa hoa tàn úa không bao giờ tươi lại được, như mái tóc đốm bạc không bao giờ đen lại được. Người ta không bao giờ đi ngược lại được thời gian, dù rằng có thể gây nên những ảo tưởng đó, bằng cách chiếu ngược lại những phim ảnh, với những tài tử đi giật lùi trông đến buồn cười ! Cuộc đời như một cuốn phim đặc biệt chỉ chiếu có một lần, hay như một cuốn sách đặc biệt mỗi trang chỉ lật qua một lần. Đó là cái giá (quá đắt chăng?) phải trả cho sự hiện hữu...
* Ảo tưởng níu kéo lại thời gian.
Nhưng ít người dám thẳng nhìn sự thật như vậy. Người ta tìm đủ mọi cách để nuôi dưỡng ảo tưởng níu kéo lại được thời gian.
Biết bao người đã rời bỏ cuộc sống tầm thường, để đi tìm một con đường đưa tới Vĩnh cửu, tới Tuyệt đối. Faust đã không ngần ngại bán linh hồn mình, là cái gì quí giá nhất, cho Quỷ, để mong trở thành bất tử. Từ trái đào tiên trong vườn Thánh mẫu cho tới viên hoàn đơn của Thái thượng Lão quân, từ con
nhân sâm cho tới bình Thánh Graal, đã có bao nhiêu huyền thoại về những phương pháp màu nhiệm để con người cải lão hoàn đồng. Đã có bao nhiêu vị hoàng đế, bao nhiêu nhà lãnh tụ ra đi để lại một chiếc xác ướp, với ảo vọng được tiếp tục sống vĩnh viễn bên thế giới bên kia ! Và cũng đã có bao nhiêu
chuyện tưởng tượng như của H.G. Wells với "cái máy đi ngược lại thời gian", chỉ cần ngồi vào trong đó, bấm một vài nút là đã thấy mình quay trở lại vài thế kỷ về trước.
Hỡi ôi, tất cả chỉ là ảo tưởng, hoang đường ! Ngoài khoa học ra, với những tiến bộ gần đây của y học đã tương đối kéo dài cuộc sống của con người, không có gì ảnh hưởng được vào thời gian. Tất cả những liều thuốc "mang lại trẻ trung", như nhân sâm, sừng tê giác, hải mã, cao hổ, mật gấu, mật rắn, sinh tố, mélatonine, v.v. đều là những món hàng tung ra bởi những kẻ lợi dụng những ảo tưởng của con người. Và mới đây, các nhà sinh học vừa mới thành công trong việc cấy dòng vô tính (clonage) trên các con vật, khơi dậy lên bao nhiêu ảo mộng bất tử của con người. Rốt cục tất cả chỉ là "hão huyền trong những hão huyền" (vanitas vanitatum), cũng như lời Ecclésiaste...
* Thời gian ngắn, dài.
Người ta thường chú trọng tới thời gian khi đã bắt đầu "có tuổi", tức làkhi bắt đầu đếm ngược thời gian còn lại. Hồi bé, người ta thường ao ước thời gian qua mau để chóng thành "người lớn", nhưng về già người ta chỉ cầu mong thời gian đi chậm hơn một chút. Một năm đối với người trẻ không là bao nhiêu, nhưng đối với người già là một khoảng thời gian vô cùng quí báu.
Trong cuộc sống hàng ngày, thời gian còn có một khả năng co giãn lạ lùng. Đối với mỗi người, thời gian không đi qua đều đặn như chiếc kim đồng hồ, trái lại lúc thì lướt nhanh vùn vụt, lúc thì chậm chạp đến phát điên. Trong khi chờ đợi, trong lúc chán chường, chúng ta thấy sao thời gian đi quá chậm ! Trong lúc vui tươi, trong khi hồ hởi, chúng ta tiếc thời gian qua quá nhanh ! Và trí nhớ của con người để làm chi, nếu không phải là để kéo dài thời gian trong khi tưởng nhớ ? Khả năng quên đi của con người để làm chi, nếu không phải là để xóa bỏ một phần nào thời gian ?
Tôi thường so sánh tốc độ của đời người với tốc độ của một vật rơi vào khoảng trống, tức là mỗi ngày một nhanh. Càng về sau, chúng ta càng cảm thấy cuộc đời trôi qua nhanh. Cũng như trong một chuyến du lịch, những ngày đầu qua chậm, nhưng những ngày cuối lướt qua nhanh vô cùng. Bởi vì tất cả đều mới lạ lúc ban đầu, trong khi đó, vào cuối chuyến du lịch cũng như cuối cuộc đời, tất cả dường như đã quá quen thuộc, và chúng ta chỉ còn nhai đi nhai lại một số kỷ niệm xa xưa.
Thời gian trong khi đang học hỏi bao giờ cũng dài hơn thời gian khi đã quen biết rõ. Sự học hỏi, cũng như sự sáng tạo, làm cho thời gian đầy đặn hơn, phong phú hơn. Nói như Malraux, tác phẩm nghệ thuật có tính chất "vượt qua thời gian" (intemporalité), bởi vì giá trị của nó vượt qua các thời đại, nó không bị lệ thuộc vào lịch sử, nó đã trở thành gia tài của nhân loại. Do đó, "nghệ thuật là một sự chống đối định mệnh" (l'art est un anti-destin), và trong một chừng mực nào đó, một sự chống thời gian.
* Chạy đua với thời gian. Nghịch lý của thời gian.
Vào thế kỷ trước tại các nước Tây phương, người ta còn có thời giờ lâu lâu dừng chân lại, rút trong túi ra chiếc đồng hồ quả lắc, chậm rãi nhìn giờ, rồi bỏ lại vào túi, thong dong bước đi. Ngày nay, người ta vội vã đến nỗi chỉ còn kịp liếc mắt vào chiếc đồng hồ trên bảng xe hơi, rồi nhấn ga, vọt lẹ.
Cách đây chưa đầy chục năm, khách du lịch sang thăm nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thường để ý thấy mọi người ung dung đạp xe đạp, chậm rãi dạo chơi trong đường phố, hay suốt ngày ngồi chơi sơi nước trong các cơ quan. Ngày nay, với "kinh tế thị trường" và cuộc sống "đổi mới", mọi người đã bắt đầu vội vã, tăng tả, vọt lẹ trên những chiếc Honda, bất kể những người qua đường. Ngày xưa, người ta còn nghèo nhưng thừa thời giờ, ngày nay đã có tiền nhưng lại ít thời gian. Ai bảo "thời giờ là vàng bạc" ? Liệu có đổi chác được thời giờ thành tiền bạc, hay dùng tiền bạc mua lại được thời gian?
Người ta thường chạy theo thời gian, vừa muốn níu kéo lại, vừa muốn vượt nhanh hơn, thật mới buồn cười làm sao. Chỉ chờ đợi vài phút trước đèn đỏ, đã lên tiếng càu nhàu, và đèn vừa xanh thì đã vụt lên, phóng nhanh chạy ẩu. Nhanh để làm gì ? Để được thêm thời gian ư ? Làm gì có thời gian mà thêm... Chờ đợi lâu mất thời giờ ư ? Làm gì có thời giờ mà mất...
Trong cuộc chạy đua với thời gian, con người chắc chắn chỉ có thể thua chứ không bao giờ thắng. Thời gian luôn luôn đuổi kịp mình, cũng như bóng với hình, không làm sao chạy thoát, và mọi sinh vật bị thời gian bủa vây như một cái lưới, dù vùng vẫy tới đâu cũng vô ích. Trong thần thoại Hy lạp, thời gian được biểu tượng bằng người khổng lồ Cronos, không ngừng ăn thịt những đứa con mình do người vợ Rhéa, Trái đất, sinh ra. Dưới nhật bàn, người ta thường thấy viết câu : "Những mũi đầu gây tổn thương, mũi cuối cùng kết liễu", để so sánh thời gian với những mũi tên không ngừng bắn vào mạng sống con người.
Điều nghịch lý với thời gian, là càng nắm chặt thời gian thì lại càng bị thời gian vuột mất, càng buông thả thì lại càng kéo lại được thời gian. Càng vội vàng hấp tấp thì lại càng bị thời gian đuổi riết, càng thư thả khoan thai, không màng tới thời gian, thì lại càng được thời gian quên đi, lại càng thừa thãi thời gian.
Và không có gì làm con người lệ thuộc thời gian hơn là chờ đợi. Người ta không khỏi nôn nóng, sốt ruột trong khi chờ đợi, nhất là khi chời đợi người yêu ! Ngược lại, khi chú tâm vào một việc gì, dù vô ích (như chơi ô chữ, chơi cờ phá trận), người ta thường quên đi thời gian, nên gọi là "giết" thời gian (nhưng ai giết ai ?). Nói tóm lại, chạy theo thời gian thì lại bị thời gian đuổi, quên đi thời gian thì lại được thời gian quên...
Cố tổng thống Pháp Mitterrand đã có một câu nổi tiếng : "Il faut laisser le temps au temps" (Phải để thời gian cho thời gian). Hồi bị bắt giam bên Đức, ông đã phải vượt tù ba lần mới thành công, rồi đến khi ứng cử tổng thống, cũng phải đợi lần thứ ba ông mới đắc cử, và sau đó cầm đầu nước Pháp trong 14 năm trời ! Biết kiên nhẫn chờ đợi tức là tự cho mình thời gian, là điều kiện của thành công. Và biết chờ đợi mới là chiến thắng thực sự, trên thời gian và trên chính mình...
* Thời gian có thể nào ngừng lại ?
Thời gian không thể nào ngừng lại được, vì một lý do giản dị là thời gian không bao giờ đi, không bao giờ chẩy. Miêu tả thời gian bằng hình ảnh con người ngồi trong xe lửa nhìn phong cảnh lướt qua, hay đứng bên bờ sông nhìn giòng nước trôi qua đều là sai lầm. Con người thuộc vào phong cảnh, thuộc vào giòng sông, và đối với thời gian con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể.
Trong một cuốn sách mới ra, tựa đề "Ngày mà thời gian ngừng lại", giáo sư Jean Bernard đưa ra một giả thuyết hoàn toàn tưởng tượng : vào một giờ phút nào đó, thời gian bỗng nhiên ngừng lại, gây nên muôn vàn xáo trộn trong xã hội, và đặt ra những câu hỏi triết học và khoa học vô cùng nan giải. Nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, đó chỉ có thể là kim đồng hồ ngừng lại, hoặc là thời gian ngừng lại cho một số sinh hoạt thôi, chứ không thể nào tất cả thời gian trong vũ trụ ngừng lại được. Bởi vì nếu thời gian ngừng lại sẽ không còn gì hết, sẽ là tận thế. Hơn nữa, sẽ không còn ai để mà nhận định được đó là tận thế !
* Làm gì với thời gian ? Làm thế nào quản lý được thời gian ?
Nhà văn Saint-Exupéry kể lại một hôm ông đáp máy bay xuống sa mạc, và trước khuôn mặt ngơ ngác của một người Maure bản xứ, ông giải thích : "Ông biết không, với chiếc máy bay này, tôi chỉ mất hai tiếng đồng hồ trong khi các ông với đoàn lạc đà phải đi suốt hai tháng".
"- Nhưng như vậy, người Maure trả lời, ông làm gì với thời gian còn lại ?"
Vấn đề có lẽ là như vậy : làm gì với thời gian còn lại ? Hay nói một cách thời thượng, làm thế nào quản lý được thời gian ?
Phần lớn những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại cho con người ngày hôm nay nhiều thời gian hơn. Người ta đi lại nhanh hơn, thông tin nhanh hơn, làm việc nhanh hơn, ăn uống nhanh hơn, nội trợ nhanh hơn. Nhờ những tiện nghi cơ giới và điện tử mỗi ngày một thêm hữu hiệu, những công tác hàng ngày trở nên mỗi ngày một thêm nhẹ nhàng, nhanh chóng. Từ tuần làm việc hơn 40 giờ vào đầu thế kỷ, nay sắp giảm đi còn 35 giờ, và sẽ có triển vọng xuống dưới 30 giờ trong thế kỷ sắp tới. Người ta sẽ có nhiều thời giờ hơn để thể thao, để học hỏi, để giải trí, để dậy dỗ con cái.
Đó là trên lý thuyết, nhưng trên thực tế, tại sao con người mỗi ngày một sống vội vàng hơn, phù phiếm hơn, tại sao tinh thần càng ngày càng căng thẳng hơn, giáo dục gia đình càng lỏng lẻo hơn ? Tại sao càng thừa thời gian, người ta lại càng cảm thấy thiếu, cũng như càng kiếm nhiều tiền, người ta lại càng cảm thấy thiếu tiền ?
Hiện nay tất cả thế giới đang hướng về xã hội công nghiệp và kinh tế tư bản (hay "kinh tế thị trường"), với hiệu quả kinh tế tối đa làm chủ đích. Đa số mọi hoạt động trong xã hội đều nhắm vào tăng gia sản xuất, mỗi ngày một nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Vì "thời giờ là tiền bạc", cho nên người ta không có quyền mất những giây phút quí báu. "Fast foot, Quick service, Speedy, Express..." đã trở thành những nhãn hiệu thời thượng. Và đương nhiên, stress trở thành căn bệnh của thời đại, với trăm ngàn chứng bệnh, như nhức đầu, đau lưng, táo bón, mất ngủ... Đó là chưa kể tới những tai nạn xe hơi, những trường hợp tự tử, đặc biệt trong giới trẻ, những trạng thái suy sút tinh thần, những đổ vỡ gia đình, nạn ma túy... tất cả những vấn đề ít nhiều liên quan tới stress, do áp lực gây nên bởi thời gian.
Nhưng may thay, đã bắt đầu có những phản ứng xuất hiện, chống lại sự "chuyên chế" của thời gian. Thay vì hối nhau : "Magne-toi !" (Lẹ lên), người ta đã bắt đầu khuyên nhủ lẫn nhau : "Relax and enjoy !" (hãy buông xả và hưởng đời), "Cool !" (bình tĩnh), "Don't worry, be happy !" (đừng lo nghĩ, hãy sung sướng), "Soyez Zen !" (hãy Thiền). Người ta đã bắt đầu chấp nhận làm việc ít hơn, với tiền lương ít hơn, hay nghỉ hưu sớm hơn, với viễn tượng hưởng được nhiều hơn thời gian còn lại.
Nghĩ cho cùng, không bị áp lực của thời gian, tức là sự thảnh thơi thần trí, rốt cục quí hơn vàng bạc. Nhiều người đã chối bỏ cuộc sống xô bồ của thành thị để trở về sống giữa thôn quê, theo nhịp sống của thiên nhiên. Người thì quay về với những phương pháp cổ truyền như Dưỡng Sinh, Thiền hay Thái Cực Quyền, ngưới thì dùng thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để tìm lại sự thăng bằng thần trí. Không ai bảo ai, con người của cuối thế kỷ 20 đang tìm một lối thoát ra khỏi áp lực của thời gian, bằng cách dùng thời gian một cách khôn khéo hơn, cho một hạnh phúc bền bỉ hơn.
Kết luận
Thời gian quả thật là một đề tài vô tận. Tôi ý thức được điều đó trong khi đi sâu vào trận địa..., hay rừng rậm..., hay sa mạc... của thời gian.
Có lẽ cống hiến cả cuộc đời cho đề tài này cũng không hết, huống chi chỉ quan tâm đến nó trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nhưng, như một bức tranh cũng có ngày phải vẽ xong vì màu đã khô, một bức tượng phải nặn xong vì đất đã nứt, một bài thi phải trả vì chuông đã reo (cũng lại vấn đề thời gian !), bài phiếm luận này rồi cũng phải chấm dứt.
Vậy làm thế nào kết luận, và liệu có cần kết luận ?
Nếu quả đề tài này thật là vô tận, thì không cần gì đến kết luận. Còn nếu muốn kết luận tạm thời, thì chỉ xin đưa ra một nhận xét : thời gian rất đa dạng và mang đầynghịch lý.
Thời gian có muôn hình vạn trạng : thời gian của nhà thi sĩ, thời gian của nhà triết học, thời gian của nhà khoa học, thời gian của người Phật tử, thời gian vật lý, thời gian tâm lý, thời gian sâu thẳm, thời gian địa chất, thời gian thẳng dọc, thời gian chu kỳ, thời gian ngày xưa và ngày nay, thời gian xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường, thời gian đô thị và thôn dã, thời gian cá nhân và tập thể... và còn bao nhiêu thời gian khác nữa. Chúng ta sống nhiều loại thời gian đan díu với nhau, cũng như một sợi giây thừng gồm nhiều sợi giây khác, mỗi sợi giây lại gồm nhiều sợi khác nữa, dài ngắn, to nhỏ, màu sắc khác nhau.
Vậy câu hỏi : "Thời gian là gì ? Ý nghĩa của thời gian là gì ?" không thể nào trả lời một cách đơn thuần, giản lược.
Thời gian có thể vừa không là gì (theo đạo Phật, Epicure và Einstein), vừa là tất cả(theo Bergson và các nhà thi sĩ). Thời gian nằm ở trong mỗi vật thể của vũ trụ và trong sự sâu thẳm của tâm hồn. Thời gian có mặt trong mỗi phân tử, mỗi tế bào, mỗi giây thần kinh, mỗi suy tư, mỗi cảm xúc.
Cũng như lời của Marcel Proust : "Một giờ không phải một giờ, đó là một chiếc bình đầy hương vị, âm thanh, dự kiến và hoàn cảnh". Hay lời của Jorge-Luis Borges : "Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta. Nhưng chính ta là ngọn lửa".
Ngọn lửa thiêu đốt, nhưng cũng vừa chiếu sáng và sưởi ấm cuộc đời. Nếu chúng ta sợ hãi thời gian, thù ghét thời gian, thì cũng phải trân trọng nó, yêu thương nó. Bởi vì nó là sự sống, là tất cả. Tại sao không nhìn nó một cách bình thản, không xúc động, như thể là chính nó, như Chân Như...
"- Này, ông bạn tôi bỗng lên tiếng, suy nghĩ bàn luận lâu dài về thời gian làm gì, chỉ mất thời giờ vô ích. Triết lý mà không đưa tới hành động thì cũng chỉ là "hão huyền trong những hão huyền", chẳng đáng một đồng xu !"
Tôi giật mình bừng tỉnh : ông bạn tôi có lý !
Điều quan trọng không phải là hiểu được thời gian là gì, mà là làm gì được trên thời gian, hay đúng hơn với thời gian. Nghệ thuật sống có lẽ là nghệ thuật dùng thời gian, làm thế nào điều khiển được thời gian, mà không bị thời gian điều khiển. Và nếu không làm chủ được thời gian (vật lý), thì ít ra cũng không bị nô lệ bởi thời gian (tâm lý), cũng làm bạn được với thời gian trong mình...
Điều quan trọng có lẽ là ý thức được giá trị của thời gian, tận dụng từng giây phút, không lãng phí thời giờ, luôn luôn quí trọng nó, nhưng cũng đồng thời không chấp chặt vào nó.
Làm thế nào cho mỗi giây phút cuộc đời thêm ý nghĩa, cho bản thân cũng như gia đình và xã hội. Ý nghĩa của thời gian có lẽ là : làm thế nào cho thời gian thêm ý nghĩa, tuy rằng trong tuyệt đối tự nó không có ý nghĩa. Đối với Albert Camus, chính vì cuộc đời phi lý, cho nên mới phải đem lại cho nó một ý nghĩa.
Xin nhường lại câu cuối cho con chồn nói với "Hoàng tử Bé" của Saint-Exupéry : "Chính thời gian ta chăm sóc hoa hồng làm cho hoa hồng trở thành quan trọng".
Viết xong tại Olivet, mùa thu 1997, với ước mong đã không làm mất quá nhiều thời giờ của độc giả.
Nguyên Phước.
Nhưng chính ta là ngọn lửa."
Jorge-Luis Borges
Từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề thời gian.
Nhưng gần đây, khi bắt đầu "trông tuổi già bóng xế", tôi bỗng cảm thấy vấn đề trở thành gay go và cấp bách. Mình không còn lại bao nhiêu thời gian nữa, tôi tự bảo, cho nên phải cố gắng tận dụng tất cả thời gian còn lại. Để làm gì? Để suy nghĩ về một số vấn đề hệ trọng, bắt đầu bằng vấn đề thời gian.
Bởi vì nếu hiểu được thời gian, thì biết đâu...
Biết đâu đó chẳng phải là một chìa khóa mở rộng ra bao nhiêu cánh cửa, bao nhiêu con đường, bao nhiêu chân trời mới? Và nếu giải đáp được bài toán trong những bài toán, vén được màn bí mật trong những bí mật của cuộc đời, thì biết đâu chẳng có hy vọng tự đưa mình... thoát khỏi thời gian?
Tôi biết đó là một điều không tưởng, một hành trình mạo hiểm mà trên đó đã bao nhiêu người vấp ngã và đắm chìm.
Một người bạn đã nhìn tôi ái ngại: "Mày mà suy nghĩ về thời gian thì có ngày phát điên mất. Tao bắt đầu lo cho mày..."
Tôi cảm ơn anh bạn, nhưng cũng thầm nghĩ: Cần gì phải lo? Cùng lắm thì phát điên, nhưng điên vì một lý do vô cùng chính đáng, một vấn đề đã từng ám ảnh bao nhiêu thế hệ thi sĩ, triết gia và khoa học, một vấn đề mấu chốt nằm giữa lòng cuộc sống. Còn nếu hiểu được rõ hơn thời gian, thì biết đâu mình sẽ làm chủ được phần nào thời gian, hay ít ra làm bạn được với thời gian, trong mình?...
Thời Gian là gì ?
Vậy thời gian là gì nhỉ? Làm thế nào hiểu được thời gian? Có thể nào hiểu được thời gian?
Bởi vì còn gì dễ cảm thấy hơn thời gian, nhưng cũng còn gì khó hiểu hơn thời gian!
Thời gian có mặt ở khắp nơi, nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào. Trong mỗi tia nắng, trong mỗi tiếng chim, trong từng ngọn cỏ, đều có thời gian. Trong mọi niềm vui, trong từng nỗi nhớ, trong mỗi ước mơ, đều có thời gian. Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ở trong lòng ý thức.
Có thể nói rằng đâu đâu cũng có mặt thời gian, cũng như đâu đâu cũng có mặt không gian. Nhưng thời gian mới thực là vô cùng bí hiểm. Bởi vì không gian nằm sờ sờ ra đấy, chỉ cần mở mắt ra là nhìn thấy, giơ tay ra là nắm bắt được, tha hồ tác động vào. Nhưng còn thời gian? Tìm thời gian ở đâu, dù đập tan bình cát đo thời gian hay tháo hết những đinh ốc đồng hồ, cũng không thể nào tìm thấy thời gian trong đó. Thời gian bàng bạc khắp nơi, nhưng cũng không trú ngụ nơi nào.
Mỗi giây phút trôi qua là thời gian. Trong khi tôi viết hay đọc những giòng này, thời gian đã đi qua. Có thời gian thì mới có di chuyển, động tác, nhưng ngay cả im lìm, bất động cũng cần có thời gian. Phải có thời gian mới có hiện hữu.
Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt, nhưng không mấy ai nghĩ rằng chính nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nẩy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ có sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, hơn mười tỷ năm sau tiếng "Big Bang", không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú, không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi, sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian.
Và chỉ cần có một sự đổi thay vô cùng nhỏ bé trong định luật thời gian, cũng đủ đưa tới muôn ngàn đảo lộn trong cuộc sống hàng ngày: xe cộ đâm nhau, tiếng nói lắp bắp, tim đập loạn xạ, hình ảnh nháo nhào, tư tưởng lộn xộn, v.v.... Không thể nào tưởng tượng nổi không có một định luật bất di bất dịch của thời gian. Phải chăng đặc điểm của thời gian chính là điều đó, vừa biến động, vừa bất biến, biến động trong hiện tượng, nhưng bất biến trong nguyên lai?
Nếu có một đấng Thần linh Tối thượng, thì tôi nghĩ không phải là thần Sấm, thần Chớp, thần Mưa, thần Sinh nở, v.v... mà là thần Thời gian, bởi vì chỉ có thời gian mới bao trùm và chế ngự tất cả. Thay vì chúng ta than vãn, ca cẩm thời gian mỗi ngày đục phá, gậm nhấm cuộc đời, thì có lẽ chúng ta nên ca tụng Thời gian chính là đấng Tạo hóa, là tác giả tối hậu của mọi hiện hữu trong thế giới này. Có thời gian là có tất cả. Nếu có thời gian, tôi có thể làm được mọi thứ, kể cả trở thành bất tử !
Thật ra, thời gian không phải là một, mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua.
Nhưng cái khổ của con người cũng nằm trong ý thức về thời gian đó, hay đúng hơn trong ý thức về khoảng cách giữa hai loại thời gian. Thời gian vật lý thì vô tình, giá lạnh, đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy (tuyệt hảo bởi vì không bao giờ hư!), tạo tác và phá hủy mọi sinh vật, mọi hiện hữu. Trong khi đó thời gian tâm lý lại hữu tình, nóng bỏng, quay theo một hình tròn, lúc nhanh lúc chậm, với bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương về dĩ vãng, cũng như bao nhiêu dự trù lo lắng cho tương lai. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng vang của thời gian trong tâm hồn người thi sĩ.
Thời gian đối với nhà thi sĩ
Chúng ta thử tự hỏi: nếu không có thời gian, thì liệu còn có bao nhiêu vần thơ và bao nhiêu nhà thi sĩ? Nói một cách khác: giả sử các nhà thi sĩ quên đi mọi kỷ niệm, thì liệu còn có lý do gì để làm thơ?
Tôi chắc rằng lúc bấy giờ chỉ còn lại một loại thơ: đó là thơ Thiền. Bởi vì chỉ có nhà thơ Thiền mới làm thơ về hiện tại, còn đa số các nhà thơ đều sống về dĩ vãng, về kỷ niệm, về tuổi thơ, với bao nhiêu nhớ nhung, tiếc nuối.
Là thi sĩ, theo tôi, không phải là "Say với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", như lời của Xuân Diệu. Là thi sĩ, chính là mang trong tiềm thức một bồ kỷ niệm, và một bầu cảm xúc đi đôi với những kỷ niệm đó. Và lời thơ, chính là nguồn cảm xúc dâng trào, quyện vào với kỷ niệm, dội lên thành thơ.
Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy đa số những từ ngữ, khái niệm, hình ảnh trong các bài thơ đều liên quan tới dĩ vãng như: "nhớ nhà... quên lãng... kỷ niệm... xa xưa... cố hương... dấu chân... lần cuối... dở dang... lỗi hẹn... bến cũ... biệt ly... vấn vương... bụi thời gian... thuở nào... xa vắng... nhớ nhung... nắng cũ... mòn mỏi... phai màu... ước hẹn... hao mòn... ngừng trôi... chia phôi... hoài cảm... ấu thơ, v.v..."
Chẳng hạn như bài văn đầy âm điệu sau đây của Đinh Hùng, cũng mang bao nhiêu hình ảnh của quá khứ, của thời gian: "Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ đời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn còn tre û. Nắng ở đây vẫnlà nắng ngày xưa, và linh hồn tôi vẫnlà linh hồn năm trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớcũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay đó chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ ?"
Cũng như trong những vần thơ của Apollinaire, vẫn còn phảng phất hương vị của thời gian, của một mùa thu thương nhớ:
"J'ai cueilli ce brin de bruyère,
L'automne est morte souviens-t'en.
Nous ne nous verrons plus sur terre,
Odeur du temps brin de bruyère,
Et souviens-toi que je t'attends."
(Anh đã hái một cành hoa thạch thảo,
Mùa thu đã chết em nhớ chăng.
Thế giới này đôi ta vĩnh biệt,
Hương thời gian hoa thạch thảo,
Em ơi hãy nhớ, anh chờ em.)
Nếu không phải là nhớ thương, thì nhà thơ cũng mang nặng trong mình một mối sầu vạn cổ, cũng như TrầnTử Ngang đã không ngăn được xúc động khi ngẫm tới thời gian, tới không gian vô tận, bên cạnh kiếp người ngắn ngủi, nhỏ bé vô cùng:
"Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất tri lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ."
(Ai người trước đã qua?
Ai người sau sắp tới?
Ngẫm trời đất không cùng.
Một mình rơi giọt lệ.)
Và thời gian đối với nhà thi hàoLý Bạch cũng như giòng nước lạnh lùng trôi qua, không làm sao ngăn chận được, cũng như nỗi buồn của số phận làm người không thể nào làm tan đi trong men rượu:
"Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu.
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu."
(Rút gươm chém nước, nước trôi,
Tiêu sầu nhấc chén, lại dôi nỗi sầu.)
"Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Hựu bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti mộ thành tuyết..."
(Bác chẳng thấy, con sông Hoàng lưng trời tuôn nước,
Xuống biển rồi có ngược lên đâu? Lại chẳng thấy
Đài cao soi gương buồn tóc bạc,
Sáng xanh tơ mà tối đã như sương...)
Sinh ra, già đi, chết đi... Con người như một chiếc thuyền mỏng manh, lênh đênh trên biển cả, không biết trôi dạt nơi đâu, mà cũng không thả neo được giờ phút nào, cũng như lời năn nỉ của Lamartinekhi muốn níu kéo lại những khoảnh khắc êm đẹp nhất của cuộc đời:
"Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,
Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l'océan des âges,
Jeter l'ancre un seul jour?
(...) Ô temps! suspends ton vol, et vous, heures propices!
Suspendez votre cours.
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours !
(Thuyền vô định lênh đênh trôi mãi
Trên biển đời trong suốt đêm thâu
Biết chăng trong kiếp sống này
Bao giờ mới được có ngày thả neo?
(...) Thời gian hỡi, ngừng ngay cánh lại!
Giờ phút êm, xin hãy ngừng trôi.
Hãy cho ta hưởng một thôi,
Những ngày tươi đẹp nhất đời của ta!)
Ôi, nhà thi sĩ mới ngây thơ làm sao, bởi vì chỉ cần hỏi lại câu: "Muốn thời gian ngừng lại trong bao nhiêu lâu?" là đã thấy mình vô lý đến sượng sùng! Nếu thời gian ngừng lại, thì không có thời gian. Mà nếu không có thời gian, thì làm gì có ai mà tận hưởng, có cái gì mà tận hưởng? Chỉ còn cách xin thời gian trôi qua, nhưng riêng ta thì vẫn như vậy, không chút đổi thay. Ôi vẫn cái ta, vẫn cái thường là nguồn gốc của mọi khổ đau...
Và liệu có gì là thường còn? Trong bầu không khí hừng hực đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã kêu lên:
"Rồi đây... rồi mai sau còn...chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dầu mục nát.
Với thời gian lê vết máu qua đi,
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ Tát.
Dội hào quang xuống tận chốn A Tỳ,(...)"
Tất cả rồi cũng sẽ trở thành tro tàn, cát bụi. Tác phẩm nào tuyệt tác đến đâu chăng nữa cũng sẽ bị thời gian phá hủy, ngoại trừ... Ngoại trừ tấm gương hy sinh cao cả của các đấng Bồ Tát, bởi vì được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên đã vượt khỏi thời gian.
Nói tóm lại, thời gian đối với nhà thi sĩ là một điều chủ quan tới tột độ, vừa là một mối sầu vạn cổ, một nỗi nhớ thương man mác, và một niềm đau ray rứt đê mê (une douleur exquise). Đó không phải là một cái gì trừu tượng mà là một sự thực sống động, không ngừng vang dội trong chiều sâu tâm thức. Nhà thơ biết mình không tránh khỏi thời gian, chịu đau cái nỗi đau thời gian, nhưng không thể nào từ bỏ được nó. Bởi vì nỗi đau thời gian đó chính là mình, nó đã trở thành mình...
Thời gian đối với nhà triết học
Thời gian không phải chỉ là một nỗi đau, mà còn là một câu hỏi không ngừng dằn vặt con người, qua bao nhiêu thế hệ.
Câu hỏi đó không chỉ nằm trong phạm vi những lý luận siêu hình của nhà triết học, cũng như lời của Bachelard : "Suy nghĩ về thời gian là công việc đầu tiên của mọi siêu hình học". Nó bắt nguồn từ chiều sâu tâm thức của mỗi người, như một ngọn lửa âm ỉ nhưng cũng có thể bùng cháy lên bất cứ lúc nào, thúc đẩy bởi một sự bức thiết nội tâm. Cũng như trước "cái chết", và "sự sống", con người không thể nào thoát ra khỏi sự ám ảnh của "thời gian"...
Từ cổ xưa, người ta đã ý thức về thời gian qua những quan sát về sự đổi thay trên thế giới. Đối với người Trung Hoa, mọi sự vật đều biến chuyển theo những định luật tự nhiên, tức là luật biến hóa của vũ trụ, được Khổng Tử chép lại trong Kinh Dịch : từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, sinh ra Tứ tượng, Bát Quái, cho tới 64 Quái, với Ngũ Hành tương sinh tương khắc, sinh ra vạn vật. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, cũng vạch rõ những biến chuyển tự nhiên của vũ trụ, nhưng khuyến cáo con người không nên cưỡng lại mà nên thuận với những biến đổi tự nhiên đó.
Ảnh hưởng của đạo Lão và Phật đã mang lại cho nền văn minh Trung Hoa một lối nhìn siêu thoát về thời gian, cũng như trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức : "...Bác có biết nước và trăng không ? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa từng thêm
bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra, thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt ; mà nếu ở tự nơi không biến đổi mà xem, thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả..."
Tại Tây phương, triết lý ngay từ ban đầu đã luôn luôn dao động giữa hai khuynh hướng của tư tưởng cổ xưa Hy Lạp : giữa "tất cả đổi thay" theo Héraclite, và "tất cả bất biến" theo Parménide.
Đối với Héraclite, đặc tính của cuộc sống là sự lưu chuyển không ngừng của sự vật ( panta rhei ) : "Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một giòng sông". Điều đó nằm trong định luật chung của vũ trụ gọi là logos, bao trùm và tác động trên tất cả mọi hiện tượng trên thế gian. Tất cả luôn luôn biến
đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa chống đối nhau vừa nẩy sinh ra nhau, như "sáng / tối", "nóng / lạnh", "ngày / đêm".
Ngược lại, Parménide cho rằng sự có mặt (être) là vĩnh cửu, và tất cả đổi thay chỉ là những vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, Platon chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi thay, còn có thế giới của Tư Tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu bất biến, vượt khỏi thời gian. Thời gian đương nhiên trở thành "hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động" (image mobile de l'éternité immobile).
Đối với Aristote, thời gian cũng như sự chuyển động mang một tính chất vĩnh cửu, vô thủy vô chung. "Thời gian là thước đo của sự chuyển động (mesure du mouvement), giữa trước và sau ; thời gian liên tục, bởi vì thuộc vào sự liên tục". Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự.
Theo trường phái Khắc Kỷ (Stoiciens), thời gian không có thực chất, nhưng "mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian". Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hóa, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hóa. Do đó, nhà hiền triết khắc kỷ tuân theo và chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian, để hòa đồng với Tạo Hóa. Trong một lá thư cho học trò mình, Sénèque viết : "Không có gì thuộc về ta cả, Lucilius ạ. Chỉ có thời gian là của ta. Cái tài sản thoáng qua và trơn tuột đó là điều duy nhất mà Tạo Hóa đã tạm trao cho chúng ta"...
Ngược lại với quan điểm này, Epicure định nghĩa thời gian như "tai nạn của những tai nạn" (accident des accidents). Khác với không gian, thời gian tự nó không là gì, nó không thuộc vào cấu trúc của thế giới, mà là do những nguyên tử và không gian tạo thành. Thời gian không phải là một thực thể, và
sở dĩ con người cảm thấy thời gian là nhờ ở những biến đổi của sự vật. Do đó, người ta có thể tránh né thời gian được, bởi vì luôn luôn có khả năng thoát khỏi bằng cách nhớ tới một khoảng thời gian khác. Ngay trong khi bị tra tấn hành hạ, người ta cũng có thể cảm thấy hạnh phúc bằng cách nhớ tới những giây phút hạnh phúc trong quá khứ. Thời gian không xâm phạm được vào nhà hiền triết, bởi vì chỉ là một cái gì lướt qua và không tồn tại được.
Vào thời kỳ Trung cổ, Thánh Augustin đã đưa ra những nhận định sâu sắc về thời gian :
"Thời gian là gì ? Nếu không ai hỏi tôi về thời gian, thì tôi biết rõ ; nhưng khi cần phải giải thích thì tôi không còn biết thời gian là gì.
Tuy vậy, tôi dám mạnh bạo quả quyết rằng, nếu không có gì xảy ra, sẽ không có thời gian đi qua ; nếu không có gì xẩy đến, sẽ không có thời gian sắp tới ; nếu không có gì hiện hữu, sẽ không có thời gian hiện tại.
Nhưng hai thời gian này, quá khứ và tương lai, làm sao chúng có mặt được, nếu quá khứ không còn nữa và tương lai chưa tới ? Ngay cả hiện tại, nếu luôn luôn còn đó, không mất đi trong quá khứ, nó sẽ không phải là thời gian ; nó sẽ là vĩnh cửu. Vậy, nếu hiện tại muốn là thời gian, phải mất đi trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng nó cũng có mặt, khi mà lý do duy nhất của sự có mặt này chính là sự không còn nữa ? Thành thử thực ra nếu chúng ta có thể nói rằng thời gian có mặt, thì chính là bởi vì nó đi vào không-có mặt".
Đó chính là nghịch lý của thời gian : quá khứ không có bởi vì đã qua rồi, tương lai không có bởi vì chưa tới, chỉ có hiện tại là có thật, nhưng hiện tại phải biến mất ngay mới là hiện tại, bởi vì chỉ cần kéo dài một chút đã trở thành quá khứ...
Như vậy, theo Augustin, không hề có 3 loại thời gian (quá khứ, hiện tại vàtương lai), mà chỉ có 3 thể của thời gian, đồng thời có mặt trong ý thức con người. "Cả 3 thể của thời gian đó đều có mặt trong ý thức, và tôi không thấy chúng ở nơi nào khác". Ông cũng nêu lên một câu hỏi mấu chốt : "Làm sao tôi có thể vừa có mặt trong hiện tại, vừa có đủ tầm nhìn để thấy rằng thời gian trôi qua ?".
Đối với Pascal, thời gian thuộc vào những gì không thể định nghĩa được, vàdù thế nào định nghĩa cũng vô ích. Leibniz cho rằng thời gian cũng như không gian, là những gì hoàn toàn tương đối, không có thực thể : không gian là "trình tự của những gì có khả năng cùng có mặt" (ordre des coexistences possibles), trong khi đó thời gian là " trình tự của những gì có khả năng kế tiếp nhau" (ordre des successions possibles), nhưng có liên hệ với nhau. Đó chính là một vấn đề nan giải của thời gian, bởi vì làm thế nào giải thích được tính chất đôi của thời gian, vừa là kế tiếp vừa là liên tục, vừa phân biệt vừa bao gồm những giây lát hình thành nó? Nếu tôi bị thời gian cuốn đi theo dòng hiện tượng, thì làm sao tôi nghĩ được về thời gian ? Nhưng nếu tôi chỉ là người đứng nhìn bàng quan, thì tôi đã bị tách ra khỏi thời gian mất rồi.
Kant, triết gia của thế kỷ Ánh Sáng, cho thời gian đóng một vai trò quan trọng hơn, vì là một hình thái phổ biến cho phép con người nhận biết được các hiện tượng. Kant quan niệm rằng thời gian không phải là một khái niệm xuất phát từ kinh nghiệm, nhưng đã có trước kinh nghiệm, cũng như không gian. Cả hai là những hình thái tiên nghiệm ( a priori ) của cảm giác, thuộc về trực giác và phát xuất từ chủ thể. Chỉ với giả thuyết đó người ta mới có thể cảm thấy được sự đồng thời hoặc kế tiếp của mọi hiện hữu. Thời gian không phải là một ý niệm, mà là một trực giác thuần túy, bởi vì chỉ có một không gian và một thời gian, vô biên và bao gồm tất cả các không gian vàthời gian đặc biệt. Kant coi không gian và thời gian là những "thực thể theo kinh nghiệm", bởi vì vừa có hậu quả khách quan, vừa là chủ quan, bởi
vì chúng là những hình thái của trực giác. Sự chủ quan này chính là một "tính lý tưởng siêu nghiệm" (idéalité transcendantale), điều khiển tất cả các tri thức nói chung và là điều kiện của sự hiểu biết.
Đối với Hegel, thời gian có ba kích thước : 1. quá khứ, là sự hiện hữu như bị xóa bỏ, như không có mặt ; 2. tương lai, là sự không-có-mặt, nhưng tất định có ; 3. hiện tại, là sự trở thành lập tức, và sự kết hợp của hai cái trên. "Chỉ có thời gian khi có lịch sử , tức là có sự hiện hữu của con người... Con người ở trong thời gian, và thời gian không có ngoài con người ; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người".
Nhưng bám sát chiều hướng lịch sử một cách quá đáng cũng có hại cho cuộc sống, theo Nietzsche : "Con vật sống một cuộc đời không có lịch sử... Ngược lại con người vì tựa mình vào gánh nặng mỗi ngày một gia tăng của quá khứ, nên bị nó đè lên mình và đẩy xiêu hướng đi, làm chậm bước như một gánh nặng vô hình của bóng tối".
Thời gian cũng có thể bao gồm tất cả. Đó là quan điểm của Bergson, người đã xây dựng nên một triết lý hoàn toàn dựa lên thời gian. Đó không phải là thời gian của khoa học, của vật lý, của máy móc, của đồng hồ, không phải thời gian được đo tính, phân tích, mổ xẻ, chuyển đổi thành không gian. Mà là thời gian được con người sống và cảm nhận. Thời gian thực sự là thời gian của chiều sâu tâm hồn, một khoảng thời gian có bề dầy, co giãn linh động, mang tới những cảm giác mạnh mẽ, có chất lượng và không thể thay bằng số lượng. Đó là một dữ kiện trực tiếp của ý thức (donnée immédiate de la
conscience), vượt khỏi ngôn từ, lý luận, và chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Đối với Bergson, "Thời gian là sáng tạo, hoặc không là gì hết".
Thời gian tính (temporalité) giữ một vị trí trung tâm trong triết lý của Heidegger. Bởi vì con người trước hết là "có mặt ở thế gian" ( être-au-monde ) cho nên tự định nghĩa là sự lo lắng, và sự lo lắng chỉ có
thể có trong thời gian, tức là điều kiện tối hậu. Thời gian tính là bản chất sủa sự hiện hữu chân thực. Thời gian đối với con người không phải ở bên ngoài, nó không phải là một cái gì bên ngoài đâm bổ vào chúng ta, để bắt chúng ta phải tuân theo luật của nó, và hủy hoại chúng ta nếu cần. Và sự có mặt, bởi vì chính nó là thời gian tính, cho nên cũng là lịch sử tính (historicité).
Jules Lagneau cho rằng không gian và thời gian không thể tách rời nhau được, trừ khi bằng cách trừu tượng hóa. "Không gian và thời gian là sự chuyển động được trừu tượng hóa". Nhưng nếu không gian và thời gian đều là bằng chứng của sự tùy thuộc của ta vào sự vật, thì cũng có những sự khác biệt giữa hai khái niệm này : "Không gian là dấu hiệu của quyền lực của ta. Thời gian là dấu hiệu của sự bất lực của ta". Bởi vì, theo Alain, học trò của ông, "Cảm nhận thấy không gian, tức là biết mình đang ở đâu, và sẽ tới đâu lát nữa, nếu muốn. Trong khi đó, nếu mình muốn tới ngày hôm sau, thì chỉ có một cách là chờ đợi. Vì vậy cho nên không có sự cảm nhận về thời gian".
Như vậy, quan niệm của triết học về thời gian mỗi ngày một thêm phức tạp, và có lẽ đã đi tới một ngõ cụt không thể nào tiến xa hơn được. Triết học ngày nay quanh đi quẩn lại, nghĩ tới nghĩ lui, rồi rốt cuộc cũng như thể "con rắn tự cắn đuôi mình", hay "con kiến mà leo cành đào"... trong câu ca dao nọ.
Không tìm thấy giải đáp nơi triết học, con người hiện đại thường quay về phía khoa học, với hy vọng vén được màn bí mật về thời gian, nhờ những khám phá mới nhất của vật lý và sinh học.
Thời gian dưới mắt nhà khoa học.
* Đo tính thời gian.
Từ lâu, người ta đã tìm cánh đo tính thời gian, là một yếu tố quan trọng trong sự giao tiếp giữa những con người.
Ví dụ như nếu muốn có một đứa bé một ngày kia chào đời, thì ít ra cũng phải có một cuộc hẹn hò giữa một cặp tình nhân, ở một thời điểm nào đó. Nếu không đo tính được thời gian, thì làm gì có hẹn hò, có gặp gỡ, có nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Làm gì có những sinh hoạt xã hội, như mua bán, hội hè, thi cử, thể thao, ca nhạc và ngay cả luộc một quả trứng gà cũng không xong !
Ngay từ cổ xưa, con người đã biết dùng những phương tiện giản dị, gần thiên nhiên để đo tính thời gian : bằng bóng mặt trời xoay quanh nhật bàn (cadran solaire), những giọt nước chảy tí tách trong lậu hồ (clepsydre), hay những hạt cát trôi dần trong bình cát (sablier). Thuở ấy, thời gian được đo tính một cách mơ hồ, nhưng đầy thơ mộng.
Đến khi đồng hồ xuất hiện tại Âu châu vào thời kỳ Phục Hưng, thì thời gian bắt đầu trở nên máy móc và khô khan. Lúc đầu còn nghe tiếng "tích tắc" của đồng hồ quả lắc, tiếng chuông đánh "boong", tiếng chim kêu "cú cu". Nhưng chẳng bao lâu đồng hồ đã im tiếng, đã mất cả những chiếc kim lân tinh, những chiếc rubis quí giá, và chỉ còn là một bản số điện tử trống rỗng, không hồn.
Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đo tính thời gian đã trở thành mỗi ngày một thêm chính xác. Với đồng hồ cơ khí và đồng hồ tự động, người ta có thể nhanh chậm một vài giây trên một ngày, trong khi đó đồng hồ quartz chỉ còn sai một vài giây trên một tháng, và đồng hồ nguyên tử một giây trên một
triệu năm ! Thời kế tự động, rồi thời kế quartz đã cho phép đo được những khoảng cách vô cùng ngắn ngủi, cho tới một phần triệu giây (nanoseconde). Và bắt đầu từ năm 1967, một giây được định nghĩa như "thời hạn của 9192631770 chu kỳ sóng từ điện được phát hoặc hấp thụ bởi một nguyên tử césium 133 khi chuyển từ một mức độ năng lượng này tới một mức độ khác " ! Và từ năm 1983, một mét được định nghĩa như "chiều dài của con đường mà ánh sáng đi qua khoảng trống trong thời gian 1/299792458 giây" !
Còn gì chính xác hơn là định nghĩa khoa học, nhưng đo được thời gian, dù chính xác tới đâu chăng nữa, vẫn chưa phải là hiểu được thời gian...
* Liên hệ giữa không gian và thời gian.
Thực ra, phải đợi đến Galilei con người mới bắt đầu đi vào khoa học, nhờ sự khám phá những định luật nối liền sự chuyển động với thời gian. Với lòng tin sắt đá rằng "thiên nhiên viết bằng ngôn ngữ toán học", Galilei đã khai phá cho con người con đường tìm hiểu thiên nhiên, qua những áp dụng toán
học vào vật lý học.
Với định luật "vạn vật hấp dẫn" (gravitation universelle), Newton mở ra cho khoa học một kỷ nguyên mới, một hệ thống cơ khí mà trong đó mỗi chuyển động trong không gian đều phải tuân theo định luật một cách chính xác, từ một trái táo tới một ngôi sao. Cơ khí của Newton dựa lên giả thuyết có một
không gian độc nhất, cùng tính chất khắp nơi, và một thời gian tuyệt đối, độc nhất. Thế giới của Newton như vậy có bốn chiều : ba chiều để tả không gian, và một chiều là thời gian. Đặc điểm của chiều thời gian là người ta không thể nào di chuyển được trong đó, và cũng như không gian, không thể
nào suy tư được trên đó, bởi vì cả hai là những định nghĩa tiên nghiệm (définitions a priori ) làm nền tảng cho vật lý học.
Einstein không đặt vấn đề thời gian như một điều tiên nghiệm, nhưng lưu ý tới khoảng thời gian đo giữa hai sự kiện, bởi những quan sát viên ở những hệ quy chiếu (référentiels) khác nhau. Ông cho thấy rằng những khoảng thời gian đó khác nhau. Thời gian như vậy tùy thuộc vào hệ quy chiếu được chọn,
và không còn được coi là tuyệt đối.
Người ta thường lấy câu chuyện hai anh em sinh đôi của Langevin để minh họa tính chất tương đối của thời gian : một trong hai người phiêu du trong không gian trong một không thuyền với một tốc độ gần tốc độ ánh sáng, trong khi người kia ở lại trái đất. Thời gian đối với người đi nhanh sẽ chậm hơn người ở lại tại chỗ, và sau một thời gian, người đi xa trở về sẽ trẻ hơn người ở lại. (Như vậy, biết đâu chẳng giải thích được một cách khoa học câu chuyện Từ Thức gặp Giáng Hương, hay Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên, khi trở về hạ giới, chỉ còn gặp những cháu chắt của mình !).
Trong thuyết tương đối hẹp (relativité restreinte) của Einstein, thời gian gắn liền với hệ quy chiếu, nhưng còn thuộc vào hệ thống bốn chiều, cùng với không gian, để miêu tả sự chuyển động. Trong một hệ quy chiếu nào đó, thời gian và không gian cùng đóng một vai trò, đó là thời gian và không gian tuyệt đối của Newton.
Trong thuyết tương đối tổng quát (relativité générale), thì lại khác hẳn. Không gian-thời gian trở thành bản chất của vũ trụ, một hình học (géométrie) bị méo mó bởi luật hấp dẫn. Vũ trụ không phải chỉ ở trong không gian và thời gian, mà cũng chính là không gian và thời gian. Thời gian là một phần tử của vũ trụ, nó thuộc vào cấu trúc của vũ trụ.
* Thời gian, một ảo tưởng ?
Đối với một nhà khoa học như Einstein, quan niệm thời gian như một sự nối tiếp (continuité), một sự một chiều (irréversibilité), chỉ là một ảo tưởng. Vũ trụ có mặt, nhưng không trở thành. Theo Einstein, "mũi tên thời gian" chỉ là một ảo tưởng cần phải gạt bỏ, phải vượt qua. Trong những trao đổi thư từ với Michele Besso, một người bạn thân thường gạn hỏi ông : "Vậy sự nối tiếp, sự một chiều của thời gian, mày để ở đâu ?", ông trả lời một cách kiên nhẫn : "Làm gì có sự một chiều ? Mũi tên thời gian không hề có trong thiên nhiên. Đó chỉ là một quan niệm hoàn toàn xuất phát từ con người, hoàn toàn tương đối". Và khi Besso chết, Einstein viết thư cho chị của ông : "Michele đã đi trước tôi để lìa bỏ thế giới lạ lùng này. Nhưng điều đó không quan trọng lắm. Đối với chúng tôi, những nhà vật lý học vững lòng
tin, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng , dù nó rất dai dẳng".
Sau này, nhà vật lý thiên văn Stephan Hawking cũng quan niệm như vậy trong tác phẩm "Một câu chuyện ngắn về thời gian". Ông đề nghị thay thế thời gian bằng thời gian tưởng tượng , và nhờ đó có thể không gian hóa (spatialiser) thời gian, bằng cách đổi dấu (+) bằng dấu (-). Theo thuyết tương đối hẹp
của Einstein, không gian và thời gian liên hệ với nhau, nhưng vật chất vẫn còn độc lập. Khoảng cơ bản không còn là một khoảng không gian như trong hình học Euclide, mà là một khoảng không gian-thời gian. Song, thời gian đóng một vai trò khác trong khoảng này, nó không có cùng một dấu. Như người
ta thường viết trong khoảng (ds2), thời gian mang dấu (+) và không gian mang dấu (-).
So với thuyết tương đối hẹp, thì thuyết tương đối tổng quát của Einstein đưa tới một sự tổng hợp vĩ đại hơn nhiều. Không gian vừa có liên hệ với thời gian và vật chất. Và sự liên hệ đó có là nhờ độ cong của không gian-thời gian, và cái độ cong này tùy thuộc những gì chứa đựng trong vật chất. Nhưng thuyết tương đối tổng quát vẫn còn là một thuyết theo Newton, bởi vì vẫn còn mang những điều xác thực, và vẫn không có mũi tên thời gian.
* Mũi tên thời gian và luật nhiệt động.
Vào thế kỷ thứ XIX, Sadi Carnot, trong khi nghiên cứu về các máy chạy hơi nước, nhận thấy rằng sự biến đổi sức nóng thành cơ năng bị hạn chế bởi tính chất một chiều của những dời chuyển sức nóng (chỉ có thể đi từ nóng sang lạnh), dường như sức nóng mang trong mình một tính chất đặc biệt liên quan
tới một chiều.
Những suy nghĩ đó sẽ làm khởi điểm cho nguyên tắc thứ hai của nhiệt động (deuxième principe de la thermodynamique), do Clausius trình bày dưới hình thức hoàn chỉnh : trong mỗi hệ thống vật lý đều có một đại lượng gọi là entropie, biểu thị mức độ hỗn độn hoặc ngẫu nhiên có mặt trong hệ thống đó.
Số lượng entropie trong một hệ thống cô lập chỉ có thể tăng lên mỗi khi có một hiện tượng vật lý nào đó. Lấy ví dụ, entropie của một tách cà phê và của một viên đường họp lại, thấp hơn entropie của một tách cà phê ngọt, cho nên viên đường chỉ có thể tan trong tách cà phê, chứ không bao giờ có thể
lấy ra được từ một tách cà phê ngọt. Một cách đơn giản hơn, nếu chúng ta ném một cái chén xuống đất, chén đó (trên nguyên tắc) sẽ vỡ. Entropie của chén lành thấp hơn chén vỡ, nên không bao giờ chén vỡ sẽ lành trở lại. Mọi sinh vật chết đi không thể nào sống trở lại, cũng như chiếc lá vàng đã lìa cành, không bay lại được lên trên cành và xanh tươi trở lại.
Trong kinh nghiệm sống hàng ngày, chúng ta thấy những đổi thay thường đi từ thứ tự (ordre) tới hỗn độn (désordre), từ sự khó xảy ra (improbable) tới sự dễ xảy ra (probable). Đó chính là "mũi tên nhiệt động" áp dụng vào thời gian.
Ý thức về những nghịch lý của thời gian bắt nguồn từ những công trình của Boltzman. Boltzman bị ảnh hưởng mạnh của Darwin, và là nhà vật lý học đầu tiên quan niệm sự tiến hóa của vũ trụ như là một sự suy rộng của thuyết Darwin. Nhưng trước những lời chỉ trích trách ông đi ngược lại với định luật hai chiều của Newton, ông đã đắn đo và chùn lại. Ông vừa muốn một đằng tin vào quan niệm tiến hóa của vũ trụ, vào mũi tên thời gian, một đằng giữ trung thành với định luật của Newton. Đó là một nghịch lý mà ông đã không giải quyết nổi, và có thể là một lý do đã khiến ông tự tử.
* Sự sống, một cuộc tranh đấu chống lại entropie.
Theo nguyên tắc thứ hai của nhiệt động, mọi sự vật không thể nào tránh được bị tiêu hủy dần mòn, nhưng tất cả không chống đối lại sự tiêu hủy đó một cách giống nhau. Đối với vật chất không sinh động, thời gian chỉ là tiêu mòn và tàn phá.
Ngược lại, sự sống là một ngoại lệ duy nhất và tạm thời trước luật entropie, điều đó đã được các nhà sinh học vạch rõ. Các sinh vật có khả năng dùng một khoảng thời gian nào đó, để phát triển theo định luật của chính mình và dùng những dự trữ năng lượng của mình. "Sự sống, theo Lévy-Valensi, là một cuộc đấu tranh thường trực chống lại entropie. Nó phải, trong mỗi giây phút, theo cách nói của Bergson, "nâng cái gánh nặng đang rơi xuống", và làm chậm đi những đổi thay không thể nào ngăn cản được.
Dường như, trong một thế giới không thể nào tránh được quay về sự chết, sự sống cố gắng tận dụng tất cả năng lượng đang tiêu dần của mình, để làm được một cái gì, trong một khoảng thời gian nào đó."
Ngoài ra, sự sống còn dùng một phương pháp hữu hiệu để chống lại sự phá hủy của thời gian, đó là sự sinh sản. Nhờ sự sinh sản, cuộc sống được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua sự trao truyền thông tin mang bởi những gien, cũng như một ngọn lửa truyền từ ngọn đuốc này qua ngọn đuốc khác, để không bao giờ ngừng cháy.
* Chronos và tempus : thời gian vật lý và thời gian tâm lý.
Có thể nói rằng cho tới thế kỷ thứ XVIII, không có sự cách biệt giữa triết học và khoa học, vì một lý do giản dị : các nhà triết học đồng thời là những nhà khoa học. Từ Platon, Aristote cho tới Descartes, Leibniz, Kant, tất cả đều là những nhà bác học "văn võ song toàn", nghĩa là vừa là triết gia, vừa là toán học, vật lý học, thiên văn học, sinh học...
Nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ XIX, những kiến thức của nhân loại trở thành mênh mông và phức tạp đến nỗi các nhà học giả bắt buộc phải lựa chọn một ngành chuyên môn, để mỗi ngày tiến sâu vào ngành đó. Chẳng hạn như Bergson, khi còn là một học sinh xuất sắc thi tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm, đã phải chọn lựa giữa văn chương và khoa học, và ông đã chọn lựa văn chương. Như vậy, dần dần triết học và khoa học đã rời xa nhau, cho tới khi không còn nói với nhau cùng một thứ tiếng, không còn dùng những khái niệm giống nhau.
Ví dụ khái niệm "thời gian" chẳng hạn. Liệu "thời gian" của nhà khoa học có phải là "thời gian" của nhà triết học ? Đó là câu hỏi đặt lên trong cuộc đối thoại tại Paris năm 1922 giữa Bergson và Einstein, về "Thời gian và thuyết tương đối".
Để trả lời câu hỏi của Bergson : "Ông có chắc rằng thời gian của ông là thời gian của con người tầm thường không ?", Einstein khẳng định : "Thời gian của nhà triết học và thời gian của nhà vật lý học là một. Không có thời gian của triết học. Chỉ có thời gian tâm lý khác với thời gian của vật lý học. Chỉ có khoa học mới nói được sự thật". Câu trả lời độc đoán này làm Bergson vô cùng thất vọng, có lẽ vì ông đã quá mong đợi ở khoa học một sự xác nhận về trực giác của ông về thời gian.
Nhưng thật ra, nếu cuộc đối thoại này, giữa hai nhà trí thức nổi tiếng thời bấy giờ, đã thất bại hay chỉ là hai cuộc độc thoại, có lẽ là vì "ông nói gà, bà nói vịt". Einstein và Bergson mỗi người chỉ nói về thời gian của mình.
Thời gian của Einstein là thời gian vật lý , thời gian khoa học, không màu sắc hương vị, thời gian của cả vũ trụ, không phải của riêng con người. Thời gian đó chỉ là ảo tưởng, bởi vì không có thực chất, không có bề dày, không chia ra làm quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian đó chính là không gian, nó có mặt trong mỗi sự vật, nó là sự vật. Con người không làm gì được trên nó, bởi vì nó chính là con người, là một sự vật.
Thời gian của Bergson là thời gian tâm ly ù. Đối với ông, nó bao trùm tất cả, nó chính là sự sống, sự tiến hóa trong sáng tạo. Là thời gian được sống và cảm nhận trực tiếp bởi con người, với những cảm xúc của quá khứ, với bề dày của hiện tại và khả năng sáng tạo của tương lai. Thời gian đó có thể co giãn, ngưng lại, rút ngắn hay kéo dài, quay vòng trở lại. Con người có khả năng ảnh hưởng được vào nó, nhưng nó cũng có thể chế ngự con người.
Để phân biệt hai loại thời gian này, người ta đã đề nghị gọi thời gian vật lý là chronos (tiếng Hy lạp), và thời gian tâm lý là tempus (tiếng La tinh). Mỗi người sẽ gọi thời gian là chronos hay tempus tùy theo quan niệm của mình về thời gian.
* Prigogine, giữa thời gian Poincaré và thời gian Lyapounov.
Trong cuốn sách "Giữa thời gian và vĩnh cửu", Ilya Prigogine đưa ra một câu trả lời dứt khoát : thời gian hiện hữu trong vũ trụ, nó có mặt trong vật chất, và mang tính chất một chiều.
Lý luận của Prigogine dựa lên sự so sánh giữa hai loại thời gian : thời gian Poincaré và thời gian Lyapounov. Nhà toán học Henri Poincaré chứng minh rằng, trong một hệ thống cô lập với những tiểu thể (corpuscules) tác động lẫn nhau, sau một thời gian hệ thống đó sẽ đi qua trở lại trạng thái ban đầu. Thời gian giữa hai lượt đi qua cùng một trạng thái gọi là thời gian Poincaré, và thời gian đó dĩ nhiên rất dài. Lấy một ví dụ, một quả bóng bị xẹp, nếu không có tác động bên ngoài, thì một ngày kia sẽ căng trở lại. Không cần bơm, chỉ cần đợi, nhưng phải đợi rất lâu ! Lyapounov ngược lại chứng minh rằng trong sự tiến triển của một hệ thống, độ nhạy (sensibilité) của nó đối với những điều kiện ban đầu tăng lên không ngừng. Đó là "hiệu ứng bướm" (effet papillon) : một cái vỗ cánh của một con bướm có thể gây nên một cơn bão tố cách đó cả ngàn cây số trong vài tháng nữa. Sau một khoảng thời gian, một hệ thống sẽ trở thành hỗn độn (chaotique), không thể nào tiên đoán được một cách khoa học, và thời gian đó gọi là thời gian Lyapounov. Prigogine, trong khi so sánh thời gian Poincaré với thời gian Lyapounov, nhận thấy rằng thời gian Lyapounov ngắn hơn thời gian Poincaré nhiều, và như vậy có nghĩa rằng một hệ thống sẽ trở thành hỗn độn trước khi trở lại trạng thái ban đầu. Trên thực tế, định lý Poincaré không
áp dụng được, bởi vì hệ thống sẽ trở thành hỗn độn trước, và sẽ biến hóa theo muôn vàn phương thức khác nhau. Điều đó giải thích rõ rệt những nhận xét thường xuyên của chúng ta về cuộc đời : quả bóng sẽ không bao giờ tự căng trở lại, tương lai không thể nào tiên đoán được, và thời gian bắt buộc phải một chiều.
* Thời gian sâu thẳm (thời gian địa chất) ; thời gian thẳng dọc, thời gian chu kỳ.
Theo nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould, còn có một loại thời gian gọi là thời gian sâu thẳm (temps profond), tức là thời gian địa chất (temps géologique), thời gian đó kéo dài trên hàng tỷ năm từ lúc hình thành trái đất, và mới được con người ý thức được từ chưa đầy hai thế kỷ nay. Nếu lấy chiều cao của tháp Eiffel để tả thời gian sâu thẳm, thì tất cả lịch sử loài người chỉ bằng bề dày của lớp sơn trên chóp tháp mà thôi !
Và cũng có hai quan niệm về thời gian đã in sâu vào truyền thống Tây phương, đó là thời gian thẳng dọc (temps linéaire ou sagittal) và thời gian chu kỳ (temps cyclique), được biểu tượng bằng mũi tên và vòng tròn.
Theo quan niệm thời gian thẳng dọc, lịch sử được coi như là sự nối tiếp một chiều của những sự kiện chỉ có mặt một lần. Mỗi khoảnh khắc đứng một địa vị riêng trong chuỗi thời gian, và toàn thể những khoảnh khắc thời gian chuyển vận theo một chiều hướng nhất định.
Ngược lại, theo quan niệm thời gian chu ky ø, những sự kiện không còn tính chất riêng rẽ, nhưng thể hiện những điều căn bản luôn luôn có mặt và bất biến. Mọi biến chuyển nằm trong những chu kỳ được lập lại, và những khác biệt trong quá khứ sẽ trở thành những thực hiện trong tương lai. Thời gian như vậy không có chiều hướng.
Cả hai quan niệm đó về thời gian đều có mặt trong Thánh Kinh :
Một ngày kia, Thượng Đế tạo ra trái đất và con người, Ngài chỉ cho Noé phương pháp thoát khỏi một trận lụt lớn bằng một chiếc tàu đặc biệt, sau đó ngài trao cho Moĩse những điều giới luật vào một thời điểm nào đó, rồi ngài phái đứa Con của Ngài xuống trần, chịu đóng đinh tại một nơi và vào một lúc
nào đó, để rồi sống lại vào ngày thứ ba. Đó là quan niệm thời gian thẳng dọc.
Ngược lại, trong phần Ecclésiaste (Qohéleth), thời gian mang tính chất chu kỳ : "Mặt trời mọc, mặt trời lặn, và mặt trời mọc trở lại. Gió thổi quanh, quay đi và trở lại. Tất cả các giòng sông chẩy về biển cả, và biển vẫn không đầy. Cái gì đã có sẽ có, cái gì đã thực hiện sẽ thực hiện trở lại, và không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời".
Chỉ cần quan sát thiên nhiên, người ta cũng thấy rõ tính chất chu kỳ của những biến đổi trong cuộc sống. Từ hơi thở, nhịp tim, sự co giãn bắp thịt, kinh nguyệt, cho tới sự bài tiết nội tuyến, những làn sóng điện trong não, dường như tất cả mọi sinh vật đều sống theo nhịp một chiếc đồng hồ sinh lý, theo luật thời gian chu kỳ. Nhìn rộng hơn, ngay cả trong thế giới khoáng chất, trái đất với bốn mùa, nước thủy triều, nắng mưa, gió bão, các vì sao và các hành tinh, đều vận chuyển theo thời gian chu kỳ.
Nếu không có thời gian chu kỳ thì sẽ không có gì trở lại, không tiên đoán được việc gì xảy ra (mặt trời liệu còn có mọc ngày mai ?), không có khoa học với các định luật, phương trình. Không có xe đạp, xe hơi, bởi vì không có bánh xe quay vòng, không có máy bay cánh quạt. Cũng không có âm nhạc,
bởi vì sẽ không có nốt nhạc trở lại, không có điệp khúc. Không có thi văn, bởi vì sẽ không có vần thơ, không có lời văn...
Nhưng thật ra chính quan niệm thời gian thẳng dọc mới là động cơ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tại Tây phương từ thế kỷ thứ XVII. Bởi vì quan niệm thời gian thẳng dọc bao hàm khái niệm tiến hóa và tiến bộ. Có thời gian thẳng dọc mới có khám phá, đả phá, xây dựng, phát triển. Nếu "không có
gì mới mẻ dưới ánh mặt trời", thì việc gì phải mệt sức đặt lại vấn đề và cố gắng gia tăng sự hiểu biết của con người ? Theo Mircea Eliade, sự chú trọng tới tính chất "mới lạ" và "một chiều" của lịch sử là một khám phá tương đối mới trong đời sống nhân loại. Ngược lại, nhân loại cổ xưa cố hết sức tự bảo
vệ chống lại tất cả những gì mới lạ và một chiều của lịch sử.
Nếu quan niệm thời gian thẳng dọc phát triển mạnh mẽ trong văn minh Tây phương, thì quan niệm thời gian chu kỳ lại chế ngự văn minh Đông phương một cách rõ rệt. Chúng ta có thể tự hỏi rằng phải chăng một trong những lý do chậm trễ về khoa học kỹ thuật của Đông phương nằm chính trong quan niệm
thời gian chu kỳ trội hẳn đó ?
Thật ra, hai quan niệm thời gian thẳng dọc và thời gian chu kỳ , dưới hai ẩn dụ mũi tên và vòng tròn, đều đúng và sai như nhau. Đó chỉ là một cách nhìn nhị đối (dichotomie) quen thuộc của người Tây phương. Cũng như nhiều sự phân đôi khác ("linh hồn/thể xác" ; "sáng tạo/tiến hóa" ; "nhất nguyên/đa
nguyên" v.v.) cách nhìn đối chiếu này đều sai lầm hoặc thiếu sót, bởi vì chỉ thể hiện được một phần nào của thực tế vô cùng phức tạp. Đó chỉ là những phương tiện do con người chế tạo ra để làm sáng tỏ những suy nghĩ của mình.
Hình ảnh thích hợp nhất về thời gian, theo tôi nghĩ, có lẽ là vòng xoắn (spirale), bởi vì vừa mang tính chất thẳng dọc vừa mang tính chất chu kỳ. Những gì xẩy ra cũng trở lại, nhưng không hoàn toàn như trước. Mặt trời mọc và lặn trở lại, bốn mùa quay trở lại và các thế hệ nối tiếp nhau, nhưng không có ngày nào giống ngày nào, và không có người nào giống người nào. Cũng như câu trả lời của nhà sư Nagâsena (Na Tiên) khi vua Milinda hỏi cái "ta" là gì. "Cũng như một ngọn lửa, đổi thay trong từng giây phút, không phải cùng là một ngọn lửa, nhưng không phải là một ngọn lửa khác" ( na ca so na ca anno).
Và biết đâu trong đạo Phật đều có cả hai ẩn dụ mũi tên và vòng tròn. Vòng luân hồi chẳng là vòng tròn, và con đường giải thoát chẳng là mũi tên đó hay sao ?
Thời gian trong đạo Phật.
* Vô thường, tính chất căn bản của hiện tượng.
Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên nhấn mạnh vào vô thường, tức là tính chất không thường còn của sự vật, là sự biến đổi không ngừng của thế giới hiện tượng. Đối với đạo Phật, không có hiện hữu, chỉ có trở thành (bhava). Vô thường (anicca), cùng với vô ngã (anatta), và khổ (dukkha), là ba đặc tính của đời sống (tilakkhana). Ba đặc tính làm cho con người trầm luân trong vòng luân hồi (samsàra), do cái nghiệp (karma) của mình gây nên. Nhưng chính nhờ cái nghiệp đó, cùng cái Phật tâm (bodhichitta) sẵn có trong mình, mà con người có thể, bằng cách kiên trì tu tập, giữ giới (sỵla), định tâm (samâdhi), để đạt tới trí tuệ siêu việt (prajnâ), và tự giải thoát (moksha) ra khỏi vòng sinh tử, khổ đau.
Vô thường có thể xuất hiện dưới ba hình thức :
- Sát na vô thường, là sự chuyển biến liên tục của sự vật trong từng sát na (theo danh từ Phật, mỗi sát na là một khoảnh khắc rất nhỏ của thời gian). Sự vô thường này rất cần thiết cho sự sống, và có thể nói là gắn liền với sự sống, chính nó là sự sống.
- Nhất kỳ vô thường là sự chuyển biến nhanh chóng của sự vật theo một chu kỳ nào đó, đưa tới một sự thay đổi trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như khi nước sôi biến thành hơi, khi nước lạnh đông thành băng, khi hoa biến thành quả, khi lá vàng rụng, hay khi người bệnh nặng qua đời.
- Tai nạn là những điều xảy ra một cách đột ngột, không hề báo trước, biến đổi cuộc đời, theo chiều hướng xấu nhiều hơn là tốt.
* Thái độ của người Phật tử trước vô thường.
Thay vì lấy một thái độ thụ động trước vô thường, đạo Phật chủ trương lấy một thái độ sáng suốt và tích cực. Đầu tiên, con người phải ý thức rằng vô thường (sát na vô thường) là điều cần thiết cho sự sống, cho sự hiện hữu, và chính nhờ vô thường mới có sự chuyển đổi theo chiều hướng tốt, mới có hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn, cho những người đang khổ đau. Sau đó phải quán chiếu sự vô thường trong mọi sự vật, để không còn lo ngại, sợ hãi những biến chuyển do nhất kỳ vô thường một ngày kia có thể xảy đến, chẳng hạn như khi mất một người thân trong gia đình, khi lâm bệnh nặng, khi mất tài của, hay khi bị tai nạn. Tất cả những điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và người Phật tử phải cố gắng tu tập để xem vô thường là một chuyện tất nhiên và thường tình.
Cũng vì hiểu rõ rằng mọi sự vật đổi thay trong từng giây phút, cho nên người Phật tử biết quí trọng và sống trọn vẹn mỗi giây phút hiện tại, mỗi vẻ đẹp của cuộc đời, mỗi tình cảm của những người thân thương, để không bao giờ lo sợ và tiếc nuối. Và cũng nhờ ý thức rằng tất cả là vô ngã, là điều gắn liền với vô thường, cho nên người Phật tử không màng tới sự chấp chặt, trì kéo lại cho mình những của cải, những giây phút vui tươi, cũng như mọi ảo tưởng trong cuộc đời.
* Những quan điểm khác biệt về thời gian trong các tông phái Phật giáo.
Trong lịch sử tư tưởng đạo Phật, quan niệm về thời gian không phải là luôn luôn đồng nhất, không có tranh luận. Hơn hai trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch, đoàn thể tăng già chia rẽ ra làm nhiều tông phái, trong đó có phái Sarvâstivâda ( Nhất Thế Hữu ) và phái Sautrântika ( Kinh Lượng ),
chống đối nhau trên nhiều điểm, đặc biệt về thời gian :
- Theo phái Sarvâstivâda (sarva=tất cả, asti=hiện hữu), tất cả đều có mặt : quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Mọi pháp (dharma) hữu vi đều không sinh, không diệt, chúng có mặt từ vô thủy, và chỉ chuyển đổi từ một trạng thái tàng ẩn tới một trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như một người đàn bà đồng
thời là một đứa bé gái và là một bà mẹ, một cây cam vừa là một hạt cam và một trái cam. Nước vừa là băng tuyết vừa là hơi nước, tùy theo nhiệt độ, nhưng trong bản thể vẫn là nước.
- Phái Sautrântika (sùtra=kinh điển) lại cho rằng chỉ có hiện tại mới thực sự có mặt, và thời gian chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi những giây lát liên tục kế tiếp nhau. Căn bản của cuộc sống con người ngụ tại một tâm thức cao siêu, được trường tồn từ kiếp này sang kiếp khác.
Những phái này sẽ có ảnh hưởng trên sự xuất hiện của hai tông phái quan trọng của Đại thừa, là phái Trung quán (Mâdhyamika) và phái Duy thức (Vijnnânavâda hay Yogâchâra).
- Phái Trung quán, dưới sự hướng dẫn của ngài Long Thọ(Nâgârjuna), quan niệm rằng tất cả trong thực chất đều là Không (shunyâta). Nhưng Không không có nghĩa là trống không, là hư vô, là không có gì, Không có nghĩa là Sự Thực tuyệt đối (paramârtha-satya), là Chân Như, là Bản Thể của sự vật
(tathata). Do đó, thời gian không phải là một vấn đề, bởi vì chỉ có mặt trong thế giới hiện tượng, tức là cái Sắc, cái Tướng, chứ không có trong cái Không, nếu đi sâu vào bản thể.
- Phái Duy thức, dưới sự hướng dẫn của ngài Vô Trước (Asanga) và ngài Thế Thân (Vasubandhu), quan niệm rằng mọi hiện tượng là sản phẩm của ý thức, rằng tất cả là ý thức. Ngoài 6 thức thông thường ra, còn một ý thức sâu thẳm gọi là A-lại-da thức (alaya-vijnnâna), là nơi chứa đựng tất cả những
nhân của nghiệp trước, và nguồn gốc của mọi hành động. Trong chiều sâu của A-lại-da, cũng có những cái nhân tinh khiết, có thể được xem như chân như, như bản thể của vũ trụ. Như vậy, theo Duy thức học, thời gian cũng thuộc vào hiện tượng, vào ý thức, và tự nó cũng không có thực thể.
* Vũ trụ quan trong đạo Phật.
Thời gian trong đạo Phật được đo bằng sát na tức là một khoảng thời gian rất ngắn (một phần nhỏ của giây), cho tới kalpa tức là một khoảng thời gian rất dài (hàng triệu năm).
Đạo Phật quan niệm rằng vũ trụ không có giới hạn, trong không gian (có tới "tam thiên vạn thiên thế giới") cũng như trong thời gian (tất cả đều "vô thủy vô chung"). Thế giới không có điểm khởi đầu, mà cũng không có điểm kết thúc, cũng như quan niệm chung "không sinh, không diệt" của Bát Nhã Ba La
Mật Đa (Prajnâparamitâ). Nếu dùng danh từ khoa học ngày nay, thì chúng ta sẽ nói rằng đạo Phật quan niệm không có "Big bang" mà cũng không có "Big crunch". Hình ảnh phù hợp nhất với đạo Phật có lẽ là vũ trụ co giãn, đi từ tăng tới giảm, rồi từ giảm tới tăng, không bao giờ bắt đầu và không bao giờ
hết. Thật ra điều này cũng không đi ngược lại với vật lý hiện đại, bởi vì nếu đa số các nhà khoa học chấp nhận quan niệm "Big bang" như một biến cố hình thành vũ trụ từ 20 tỷ năm trước, thì họ cũng quan niệm không có giây phút "ban đầu", bởi vì 20 tỷ năm, cũng như 300000 km/giây cho tốc độ ánh
sáng và -273ồC cho nhiệt độ của một vật thể, chỉ là một điểm số giới hạn không thể nào vượt qua được.
Thời gian trong cuộc sống hàng ngày.
* Thời gian qua nhanh thật !
Còn nhận định nào thông thường hơn là những câu :
"- Chóng thật ! Mới dạo nào...
- Nhìn con cháu mình lớn lên, mới thấy thời gian qua quá nhanh...
- Mới ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy mình già nua đi nhiều...
Những câu chuyện về thời gian, cũng như về thời tiết (tiếng Pháp gọi cả hai là "le temps"), là những câu chuyện thường tình người ta vẫn nói với nhau hàng ngày, trong nhà cũng như ngoài chợ. Nhưng khi nói về thời tiết, nắng mưa, người ta thường nói chuyện bâng quơ, tầm phào, trong khi nói về thời
gian, người ta bỗng thấy dâng lên một nỗi buồn man mác, kèm theo tiếng thở dài.
Quả thật, thời gian băng qua nhanh như mũi tên, và con người chỉ có thể nhìn theo bất lực !
Có lẽ chỉ có những nhà khoa học lẩm cẩm mới đặt ra vấn đề có "mũi tên thời gian" hay không, thời gian đi một chiều hay hai chiều. Đối với người thường, chỉ cần mở mắt ra đã thấy rõ rằng thời gian không bao giờ đi ngược trở lại. Cũng như hạt cát lùa qua kẽ tay không làm sao ngăn bắt được, như
đóa hoa tàn úa không bao giờ tươi lại được, như mái tóc đốm bạc không bao giờ đen lại được. Người ta không bao giờ đi ngược lại được thời gian, dù rằng có thể gây nên những ảo tưởng đó, bằng cách chiếu ngược lại những phim ảnh, với những tài tử đi giật lùi trông đến buồn cười ! Cuộc đời như một cuốn phim đặc biệt chỉ chiếu có một lần, hay như một cuốn sách đặc biệt mỗi trang chỉ lật qua một lần. Đó là cái giá (quá đắt chăng?) phải trả cho sự hiện hữu...
* Ảo tưởng níu kéo lại thời gian.
Nhưng ít người dám thẳng nhìn sự thật như vậy. Người ta tìm đủ mọi cách để nuôi dưỡng ảo tưởng níu kéo lại được thời gian.
Biết bao người đã rời bỏ cuộc sống tầm thường, để đi tìm một con đường đưa tới Vĩnh cửu, tới Tuyệt đối. Faust đã không ngần ngại bán linh hồn mình, là cái gì quí giá nhất, cho Quỷ, để mong trở thành bất tử. Từ trái đào tiên trong vườn Thánh mẫu cho tới viên hoàn đơn của Thái thượng Lão quân, từ con
nhân sâm cho tới bình Thánh Graal, đã có bao nhiêu huyền thoại về những phương pháp màu nhiệm để con người cải lão hoàn đồng. Đã có bao nhiêu vị hoàng đế, bao nhiêu nhà lãnh tụ ra đi để lại một chiếc xác ướp, với ảo vọng được tiếp tục sống vĩnh viễn bên thế giới bên kia ! Và cũng đã có bao nhiêu
chuyện tưởng tượng như của H.G. Wells với "cái máy đi ngược lại thời gian", chỉ cần ngồi vào trong đó, bấm một vài nút là đã thấy mình quay trở lại vài thế kỷ về trước.
Hỡi ôi, tất cả chỉ là ảo tưởng, hoang đường ! Ngoài khoa học ra, với những tiến bộ gần đây của y học đã tương đối kéo dài cuộc sống của con người, không có gì ảnh hưởng được vào thời gian. Tất cả những liều thuốc "mang lại trẻ trung", như nhân sâm, sừng tê giác, hải mã, cao hổ, mật gấu, mật rắn, sinh tố, mélatonine, v.v. đều là những món hàng tung ra bởi những kẻ lợi dụng những ảo tưởng của con người. Và mới đây, các nhà sinh học vừa mới thành công trong việc cấy dòng vô tính (clonage) trên các con vật, khơi dậy lên bao nhiêu ảo mộng bất tử của con người. Rốt cục tất cả chỉ là "hão huyền trong những hão huyền" (vanitas vanitatum), cũng như lời Ecclésiaste...
* Thời gian ngắn, dài.
Người ta thường chú trọng tới thời gian khi đã bắt đầu "có tuổi", tức làkhi bắt đầu đếm ngược thời gian còn lại. Hồi bé, người ta thường ao ước thời gian qua mau để chóng thành "người lớn", nhưng về già người ta chỉ cầu mong thời gian đi chậm hơn một chút. Một năm đối với người trẻ không là bao nhiêu, nhưng đối với người già là một khoảng thời gian vô cùng quí báu.
Trong cuộc sống hàng ngày, thời gian còn có một khả năng co giãn lạ lùng. Đối với mỗi người, thời gian không đi qua đều đặn như chiếc kim đồng hồ, trái lại lúc thì lướt nhanh vùn vụt, lúc thì chậm chạp đến phát điên. Trong khi chờ đợi, trong lúc chán chường, chúng ta thấy sao thời gian đi quá chậm ! Trong lúc vui tươi, trong khi hồ hởi, chúng ta tiếc thời gian qua quá nhanh ! Và trí nhớ của con người để làm chi, nếu không phải là để kéo dài thời gian trong khi tưởng nhớ ? Khả năng quên đi của con người để làm chi, nếu không phải là để xóa bỏ một phần nào thời gian ?
Tôi thường so sánh tốc độ của đời người với tốc độ của một vật rơi vào khoảng trống, tức là mỗi ngày một nhanh. Càng về sau, chúng ta càng cảm thấy cuộc đời trôi qua nhanh. Cũng như trong một chuyến du lịch, những ngày đầu qua chậm, nhưng những ngày cuối lướt qua nhanh vô cùng. Bởi vì tất cả đều mới lạ lúc ban đầu, trong khi đó, vào cuối chuyến du lịch cũng như cuối cuộc đời, tất cả dường như đã quá quen thuộc, và chúng ta chỉ còn nhai đi nhai lại một số kỷ niệm xa xưa.
Thời gian trong khi đang học hỏi bao giờ cũng dài hơn thời gian khi đã quen biết rõ. Sự học hỏi, cũng như sự sáng tạo, làm cho thời gian đầy đặn hơn, phong phú hơn. Nói như Malraux, tác phẩm nghệ thuật có tính chất "vượt qua thời gian" (intemporalité), bởi vì giá trị của nó vượt qua các thời đại, nó không bị lệ thuộc vào lịch sử, nó đã trở thành gia tài của nhân loại. Do đó, "nghệ thuật là một sự chống đối định mệnh" (l'art est un anti-destin), và trong một chừng mực nào đó, một sự chống thời gian.
* Chạy đua với thời gian. Nghịch lý của thời gian.
Vào thế kỷ trước tại các nước Tây phương, người ta còn có thời giờ lâu lâu dừng chân lại, rút trong túi ra chiếc đồng hồ quả lắc, chậm rãi nhìn giờ, rồi bỏ lại vào túi, thong dong bước đi. Ngày nay, người ta vội vã đến nỗi chỉ còn kịp liếc mắt vào chiếc đồng hồ trên bảng xe hơi, rồi nhấn ga, vọt lẹ.
Cách đây chưa đầy chục năm, khách du lịch sang thăm nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thường để ý thấy mọi người ung dung đạp xe đạp, chậm rãi dạo chơi trong đường phố, hay suốt ngày ngồi chơi sơi nước trong các cơ quan. Ngày nay, với "kinh tế thị trường" và cuộc sống "đổi mới", mọi người đã bắt đầu vội vã, tăng tả, vọt lẹ trên những chiếc Honda, bất kể những người qua đường. Ngày xưa, người ta còn nghèo nhưng thừa thời giờ, ngày nay đã có tiền nhưng lại ít thời gian. Ai bảo "thời giờ là vàng bạc" ? Liệu có đổi chác được thời giờ thành tiền bạc, hay dùng tiền bạc mua lại được thời gian?
Người ta thường chạy theo thời gian, vừa muốn níu kéo lại, vừa muốn vượt nhanh hơn, thật mới buồn cười làm sao. Chỉ chờ đợi vài phút trước đèn đỏ, đã lên tiếng càu nhàu, và đèn vừa xanh thì đã vụt lên, phóng nhanh chạy ẩu. Nhanh để làm gì ? Để được thêm thời gian ư ? Làm gì có thời gian mà thêm... Chờ đợi lâu mất thời giờ ư ? Làm gì có thời giờ mà mất...
Trong cuộc chạy đua với thời gian, con người chắc chắn chỉ có thể thua chứ không bao giờ thắng. Thời gian luôn luôn đuổi kịp mình, cũng như bóng với hình, không làm sao chạy thoát, và mọi sinh vật bị thời gian bủa vây như một cái lưới, dù vùng vẫy tới đâu cũng vô ích. Trong thần thoại Hy lạp, thời gian được biểu tượng bằng người khổng lồ Cronos, không ngừng ăn thịt những đứa con mình do người vợ Rhéa, Trái đất, sinh ra. Dưới nhật bàn, người ta thường thấy viết câu : "Những mũi đầu gây tổn thương, mũi cuối cùng kết liễu", để so sánh thời gian với những mũi tên không ngừng bắn vào mạng sống con người.
Điều nghịch lý với thời gian, là càng nắm chặt thời gian thì lại càng bị thời gian vuột mất, càng buông thả thì lại càng kéo lại được thời gian. Càng vội vàng hấp tấp thì lại càng bị thời gian đuổi riết, càng thư thả khoan thai, không màng tới thời gian, thì lại càng được thời gian quên đi, lại càng thừa thãi thời gian.
Và không có gì làm con người lệ thuộc thời gian hơn là chờ đợi. Người ta không khỏi nôn nóng, sốt ruột trong khi chờ đợi, nhất là khi chời đợi người yêu ! Ngược lại, khi chú tâm vào một việc gì, dù vô ích (như chơi ô chữ, chơi cờ phá trận), người ta thường quên đi thời gian, nên gọi là "giết" thời gian (nhưng ai giết ai ?). Nói tóm lại, chạy theo thời gian thì lại bị thời gian đuổi, quên đi thời gian thì lại được thời gian quên...
Cố tổng thống Pháp Mitterrand đã có một câu nổi tiếng : "Il faut laisser le temps au temps" (Phải để thời gian cho thời gian). Hồi bị bắt giam bên Đức, ông đã phải vượt tù ba lần mới thành công, rồi đến khi ứng cử tổng thống, cũng phải đợi lần thứ ba ông mới đắc cử, và sau đó cầm đầu nước Pháp trong 14 năm trời ! Biết kiên nhẫn chờ đợi tức là tự cho mình thời gian, là điều kiện của thành công. Và biết chờ đợi mới là chiến thắng thực sự, trên thời gian và trên chính mình...
* Thời gian có thể nào ngừng lại ?
Thời gian không thể nào ngừng lại được, vì một lý do giản dị là thời gian không bao giờ đi, không bao giờ chẩy. Miêu tả thời gian bằng hình ảnh con người ngồi trong xe lửa nhìn phong cảnh lướt qua, hay đứng bên bờ sông nhìn giòng nước trôi qua đều là sai lầm. Con người thuộc vào phong cảnh, thuộc vào giòng sông, và đối với thời gian con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể.
Trong một cuốn sách mới ra, tựa đề "Ngày mà thời gian ngừng lại", giáo sư Jean Bernard đưa ra một giả thuyết hoàn toàn tưởng tượng : vào một giờ phút nào đó, thời gian bỗng nhiên ngừng lại, gây nên muôn vàn xáo trộn trong xã hội, và đặt ra những câu hỏi triết học và khoa học vô cùng nan giải. Nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, đó chỉ có thể là kim đồng hồ ngừng lại, hoặc là thời gian ngừng lại cho một số sinh hoạt thôi, chứ không thể nào tất cả thời gian trong vũ trụ ngừng lại được. Bởi vì nếu thời gian ngừng lại sẽ không còn gì hết, sẽ là tận thế. Hơn nữa, sẽ không còn ai để mà nhận định được đó là tận thế !
* Làm gì với thời gian ? Làm thế nào quản lý được thời gian ?
Nhà văn Saint-Exupéry kể lại một hôm ông đáp máy bay xuống sa mạc, và trước khuôn mặt ngơ ngác của một người Maure bản xứ, ông giải thích : "Ông biết không, với chiếc máy bay này, tôi chỉ mất hai tiếng đồng hồ trong khi các ông với đoàn lạc đà phải đi suốt hai tháng".
"- Nhưng như vậy, người Maure trả lời, ông làm gì với thời gian còn lại ?"
Vấn đề có lẽ là như vậy : làm gì với thời gian còn lại ? Hay nói một cách thời thượng, làm thế nào quản lý được thời gian ?
Phần lớn những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại cho con người ngày hôm nay nhiều thời gian hơn. Người ta đi lại nhanh hơn, thông tin nhanh hơn, làm việc nhanh hơn, ăn uống nhanh hơn, nội trợ nhanh hơn. Nhờ những tiện nghi cơ giới và điện tử mỗi ngày một thêm hữu hiệu, những công tác hàng ngày trở nên mỗi ngày một thêm nhẹ nhàng, nhanh chóng. Từ tuần làm việc hơn 40 giờ vào đầu thế kỷ, nay sắp giảm đi còn 35 giờ, và sẽ có triển vọng xuống dưới 30 giờ trong thế kỷ sắp tới. Người ta sẽ có nhiều thời giờ hơn để thể thao, để học hỏi, để giải trí, để dậy dỗ con cái.
Đó là trên lý thuyết, nhưng trên thực tế, tại sao con người mỗi ngày một sống vội vàng hơn, phù phiếm hơn, tại sao tinh thần càng ngày càng căng thẳng hơn, giáo dục gia đình càng lỏng lẻo hơn ? Tại sao càng thừa thời gian, người ta lại càng cảm thấy thiếu, cũng như càng kiếm nhiều tiền, người ta lại càng cảm thấy thiếu tiền ?
Hiện nay tất cả thế giới đang hướng về xã hội công nghiệp và kinh tế tư bản (hay "kinh tế thị trường"), với hiệu quả kinh tế tối đa làm chủ đích. Đa số mọi hoạt động trong xã hội đều nhắm vào tăng gia sản xuất, mỗi ngày một nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Vì "thời giờ là tiền bạc", cho nên người ta không có quyền mất những giây phút quí báu. "Fast foot, Quick service, Speedy, Express..." đã trở thành những nhãn hiệu thời thượng. Và đương nhiên, stress trở thành căn bệnh của thời đại, với trăm ngàn chứng bệnh, như nhức đầu, đau lưng, táo bón, mất ngủ... Đó là chưa kể tới những tai nạn xe hơi, những trường hợp tự tử, đặc biệt trong giới trẻ, những trạng thái suy sút tinh thần, những đổ vỡ gia đình, nạn ma túy... tất cả những vấn đề ít nhiều liên quan tới stress, do áp lực gây nên bởi thời gian.
Nhưng may thay, đã bắt đầu có những phản ứng xuất hiện, chống lại sự "chuyên chế" của thời gian. Thay vì hối nhau : "Magne-toi !" (Lẹ lên), người ta đã bắt đầu khuyên nhủ lẫn nhau : "Relax and enjoy !" (hãy buông xả và hưởng đời), "Cool !" (bình tĩnh), "Don't worry, be happy !" (đừng lo nghĩ, hãy sung sướng), "Soyez Zen !" (hãy Thiền). Người ta đã bắt đầu chấp nhận làm việc ít hơn, với tiền lương ít hơn, hay nghỉ hưu sớm hơn, với viễn tượng hưởng được nhiều hơn thời gian còn lại.
Nghĩ cho cùng, không bị áp lực của thời gian, tức là sự thảnh thơi thần trí, rốt cục quí hơn vàng bạc. Nhiều người đã chối bỏ cuộc sống xô bồ của thành thị để trở về sống giữa thôn quê, theo nhịp sống của thiên nhiên. Người thì quay về với những phương pháp cổ truyền như Dưỡng Sinh, Thiền hay Thái Cực Quyền, ngưới thì dùng thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để tìm lại sự thăng bằng thần trí. Không ai bảo ai, con người của cuối thế kỷ 20 đang tìm một lối thoát ra khỏi áp lực của thời gian, bằng cách dùng thời gian một cách khôn khéo hơn, cho một hạnh phúc bền bỉ hơn.
Kết luận
Thời gian quả thật là một đề tài vô tận. Tôi ý thức được điều đó trong khi đi sâu vào trận địa..., hay rừng rậm..., hay sa mạc... của thời gian.
Có lẽ cống hiến cả cuộc đời cho đề tài này cũng không hết, huống chi chỉ quan tâm đến nó trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nhưng, như một bức tranh cũng có ngày phải vẽ xong vì màu đã khô, một bức tượng phải nặn xong vì đất đã nứt, một bài thi phải trả vì chuông đã reo (cũng lại vấn đề thời gian !), bài phiếm luận này rồi cũng phải chấm dứt.
Vậy làm thế nào kết luận, và liệu có cần kết luận ?
Nếu quả đề tài này thật là vô tận, thì không cần gì đến kết luận. Còn nếu muốn kết luận tạm thời, thì chỉ xin đưa ra một nhận xét : thời gian rất đa dạng và mang đầynghịch lý.
Thời gian có muôn hình vạn trạng : thời gian của nhà thi sĩ, thời gian của nhà triết học, thời gian của nhà khoa học, thời gian của người Phật tử, thời gian vật lý, thời gian tâm lý, thời gian sâu thẳm, thời gian địa chất, thời gian thẳng dọc, thời gian chu kỳ, thời gian ngày xưa và ngày nay, thời gian xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường, thời gian đô thị và thôn dã, thời gian cá nhân và tập thể... và còn bao nhiêu thời gian khác nữa. Chúng ta sống nhiều loại thời gian đan díu với nhau, cũng như một sợi giây thừng gồm nhiều sợi giây khác, mỗi sợi giây lại gồm nhiều sợi khác nữa, dài ngắn, to nhỏ, màu sắc khác nhau.
Vậy câu hỏi : "Thời gian là gì ? Ý nghĩa của thời gian là gì ?" không thể nào trả lời một cách đơn thuần, giản lược.
Thời gian có thể vừa không là gì (theo đạo Phật, Epicure và Einstein), vừa là tất cả(theo Bergson và các nhà thi sĩ). Thời gian nằm ở trong mỗi vật thể của vũ trụ và trong sự sâu thẳm của tâm hồn. Thời gian có mặt trong mỗi phân tử, mỗi tế bào, mỗi giây thần kinh, mỗi suy tư, mỗi cảm xúc.
Cũng như lời của Marcel Proust : "Một giờ không phải một giờ, đó là một chiếc bình đầy hương vị, âm thanh, dự kiến và hoàn cảnh". Hay lời của Jorge-Luis Borges : "Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta. Nhưng chính ta là ngọn lửa".
Ngọn lửa thiêu đốt, nhưng cũng vừa chiếu sáng và sưởi ấm cuộc đời. Nếu chúng ta sợ hãi thời gian, thù ghét thời gian, thì cũng phải trân trọng nó, yêu thương nó. Bởi vì nó là sự sống, là tất cả. Tại sao không nhìn nó một cách bình thản, không xúc động, như thể là chính nó, như Chân Như...
"- Này, ông bạn tôi bỗng lên tiếng, suy nghĩ bàn luận lâu dài về thời gian làm gì, chỉ mất thời giờ vô ích. Triết lý mà không đưa tới hành động thì cũng chỉ là "hão huyền trong những hão huyền", chẳng đáng một đồng xu !"
Tôi giật mình bừng tỉnh : ông bạn tôi có lý !
Điều quan trọng không phải là hiểu được thời gian là gì, mà là làm gì được trên thời gian, hay đúng hơn với thời gian. Nghệ thuật sống có lẽ là nghệ thuật dùng thời gian, làm thế nào điều khiển được thời gian, mà không bị thời gian điều khiển. Và nếu không làm chủ được thời gian (vật lý), thì ít ra cũng không bị nô lệ bởi thời gian (tâm lý), cũng làm bạn được với thời gian trong mình...
Điều quan trọng có lẽ là ý thức được giá trị của thời gian, tận dụng từng giây phút, không lãng phí thời giờ, luôn luôn quí trọng nó, nhưng cũng đồng thời không chấp chặt vào nó.
Làm thế nào cho mỗi giây phút cuộc đời thêm ý nghĩa, cho bản thân cũng như gia đình và xã hội. Ý nghĩa của thời gian có lẽ là : làm thế nào cho thời gian thêm ý nghĩa, tuy rằng trong tuyệt đối tự nó không có ý nghĩa. Đối với Albert Camus, chính vì cuộc đời phi lý, cho nên mới phải đem lại cho nó một ý nghĩa.
Xin nhường lại câu cuối cho con chồn nói với "Hoàng tử Bé" của Saint-Exupéry : "Chính thời gian ta chăm sóc hoa hồng làm cho hoa hồng trở thành quan trọng".
Viết xong tại Olivet, mùa thu 1997, với ước mong đã không làm mất quá nhiều thời giờ của độc giả.
Nguyên Phước.