PDA

View Full Version : Quả Đất - Quê Hương - Nguyễn Hồi Thủ



Pages : 1 2 3 4 5 [6] 7 8 9 10

VietLang
05-15-2007, 12:31 PM
CÁI CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC KHÔNG THỂ CÓ


Cái hiện thực không chắc chắn

Chủ nghĩa hiện thực có thể có hai nghĩa trong chính trị. Nghĩa thứ nhất đòi hỏi con người đừng đấu tranh với thực tế nhưng thích ứng với nó, nghĩa thứ hai đòi hỏi con người coi trọng thực tế để mong thay đổi nó.

Nhưng trên cái thực tế được gọi là hiện thực lại có nhiều thứ không có gì chắc chắn.

Hiện thực trước tiên dĩ nhiên là thực tế trực tiếp. Nhưng cái thực tế trực tiếp lại đưa đến hai nghĩa khác nhau. Một đằng mang tính thời gian và một đằng mang tính sự thực.

Nghĩa thứ nhất ám chỉ thực tế ngày hôm nay, cái này rất mạnh mẽ, nó đã xoá nhoà một phần cái thực tế hôm qua, nhưng nó cũng rất yếu, bởi vì nó cũng sẽ bị đào thải một phần bởi cái thực tế ngày mai. Lịch sử không ngừng cho chúng ta thấy sự mong manh của những thực tế đã từng quá hiển nhiên và thắng thế trong tất cả những ngày hôm nay. Chính thế, từ tháng 6-1940 đến tháng 10-1941, sự thống trị của nước Đức Hítle trên toàn Âu châu đã là một thực tế lịch sử đầy sức áp đảo. Quân đội Đức trong mùa hè 1941 đã tiến đến dẫy núi Cô-ca-dơ, trước cửa thủ đô Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát mà sự thất thủ gần như là chắc chắn. Nước Pháp thua trận đã trở thành chư hầu. Nước Anh bị đẩy ra rìa, co cụm dưới bom đạn. Châu Mỹ nằm ngoài cuộc chiến, chủ nghĩa hiện thực dường như phải là sự thích ứng với thực tế bất khả kháng: phục tùng kẻ chiến thắng.

Mùa hè 1940, Đờ-gôn lại nhìn thấy một thực tế khác: Trong khi đối với đa số mọi người chiến tranh đã chấm dứt, đối với ông ta cuộc chiến chỉ vừa mới bắt đầu: ông ta cho rằng những cường quốc to lớn nằm ngoài cuộc chiến, Liên xô, Hợp chủng quốc Mỹ sẽ không thể không tham chiến, ông ta thấy rằng trận chiến tranh này sẽ là một cuộc chiến tranh thế giới và những lực lượng lớn mạnh hơn kia một khi tham chiến sẽ đè bẹp cái Đệ tam Đế quốc. Dĩ nhiên, cái thực tế ấy, tuy trở thành sự thật vào những năm 1942 - 1945, lại chưa có vẻ gì là tiền định lúc bấy giờ.

Cái gì sẽ xẩy ra nếu cuộc tấn công của nước Đức không bị đình lại đến ngày 21-06-1941 vì cuộc đảo chính một tháng trước đó ở Ben-grát đã làm cho Hít-le mất đi mấy tuần vào việc tiêu diệt quân đội Nam tư và nếu mùa đông Nga đã không đến sớm và rất lạnh đến nỗi chặn đứng sự vận chuyển của quân đội Đức để cho phép Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát có thể cố thủ được? Và nếu người Nhật không kéo nước Mỹ vào cuộc chiến bằng cách tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12-1941? Sự sụp đổ của nước Đức Quốc-xã lúc ấy chưa chắc sẽ là việc không tránh khỏi. Nước này cũng có thể thiết lập một cách lâu dài cái bá quyền của nó ở Âu châu chứ! Cho nên trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh, thực tế lại rất hỗn loạn với những bước ngoặt và những thăng trầm không đoán trước được.

Nhưng chủ nghiã hiện thực lại không ở đúng vào chỗ mà xem ra nó phải ở, nghĩa là ở phía đang chiến thắng ngay trước mắt bằng sức mạnh, cho nên không có gì là phi hiện thực khi tin vào sự sụp đổ của sức mạnh này. Có những trường hợp cần phải dám đánh cuộc ở bên ngoài tất cả chủ nghĩa hiện thực và phi hiện thực.

ý nghiã sự thực của từ hiện thực lại đưa ta về những tình thế, sự kiện và biến cố có thể thấy được trong hiện tại. Nhưng thường thường các sự kiện, biến cố có thể nhận thấy được lại che đậy những sự kiện, biến cố không nhìn thấy được hoặc một thực tế còn chưa thấy được. Dưới lớp vỏ ngoài của cái thực tế thấy được, một thực tế ngầm, bị che lấp sẽ hiện ra sau này mà người theo chủ nghĩa hiện thực lại hoàn toàn không thấy được nó. Có những biến cố - thần bí mà thông điệp của chúng chỉ có thể thật sự hiểu được một khi chúng được thực hiện. Sự bổ nhiệm Goóc-ba-chốp vào chức Tổng bí thư Đảng công sản Liên-xô là một biến cố thần bí nho nhỏ mà năm năm sau nó mới trở thành to lớn. Vào năm 1988, dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của cái đế quốc to lớn đó sẽ là một việc hoàn toàn phi hiện thực, nhưng ngược lại, lại rất hiện thực khi nghĩ rằng chế độ cực quyền bị mắc vào những vấn đề đang làm nó suy sụp, tuy rằng cho đến thời kỳ đó nó vẫn còn đứng vững (1), nhưng dù sao cũng không có tính hiện thực khi dự kiến sự tự huỷ của Liên xô vào năm 1992.

Một lần nữa, chúng ta lại đi vào những vùng đầy nghi vấn của thực tế làm cho những chủ nghĩa hiện thực trở thành những thứ không có gì chắc chắn và còn cho thấy đôi khi những chủ nghĩa tuy bề ngoài phi hiện thực, nhưng lại là những thứ có tính hiện thực cao.

Chúng ta cần nói thêm rằng có rất nhiều thực tế rất khó nắm bắt, ngay cả đối với - và nhất là - những chuyên gia, ví dụ như trường hợp tình trạng kinh tế thế giới: Khó có thể nói được nó sẽ là một sự trùng hợp nhất thời của những suy thoái kinh tế ở mức độ địa phương, hay đó là những triệu chứng của một khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng trong tương lai?

Điều này chứng minh với chúng ta rằng cần phải biết giải mã thực tế trước khi nhận diện được đâu là chủ nghĩa hiện thực.

Điều này cho chúng ta thấy cùng một lúc rằng ý nghĩa của những tình huống, sự kiện và biến cố còn hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách giải thích.

Tất cả những hiểu biết, ngay cả nhận thức, là phiên dịch và tái tạo(2) nghĩa là giải thích. Một hiện thực toàn bộ chỉ có thể xuất hiện qua lý luận, giải thích, qua những hệ thống tư tưởng. Tất cả hiểu biết về một hiện thực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tuỳ thuộc vào hệ thống giải thích của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, những hệ thống này lại tuỳ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống giải thích lịch sử.

Chính những hệ thống này có thể làm cho những quan niệm trừu tượng, những nhận thức tưởng tượng, những ảo ảnh hay những ý tưởng què quặt xuất hiện như chính thực tế theo kiểu gần như một ảo giác nơi những người quá tin vào nó.

Những người Bôn-sê-vích đã tin rằng mình nắm được hiện thực lịch sử và xã hội: chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, đấu tranh giai cấp, sứ mạng lịch sử của từng lớp vô sản, sự ra đời tất yếu của xã hội không giai cấp là những thứ hiển nhiên mà cái hệ thống giải mã các tình huống, sự kiện, biến cố của họ từng phô trương và khẳng định. Cuộc phiêu lưu cộng sản đã tưởng mình đi đúng hướng của hiện thực lịch sử. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự nổi loạn chống hiện thực lịch sử.

Sự giải thích lịch sử theo chủ nghĩa kinh tế đã quên cái tác động của các cấu trúc và những hiện tượng phi kinh tế, lại không cần biết đến những tai nạn xẩy ra ngoài ý muốn, những cá nhân, những đam mê, sự điên rồ của con người. Nó tưởng có thể nắm bắt được bản chất sâu thẳm của thực tế, nhưng quan niệm mà nó dựa lên lại làm cho nó không thấy được bản chất phức tạp của thực tế này.

Sự thừa nhận thực tế phức tạp, cái thực tế con người, xã hội, lịch sử của chúng ta quả thật là khó. Những phạm thức(3) của chia cắt / giản đơn hoá kiểm soát hầu hết các cách suy nghĩ của chúng ta. Nó tách rời những khía cạnh khác nhau của thực tế, nó cách ly những mục tiêu và hiện tượng ra khỏi môi trường của chúng, nó không có khả năng tiếp thu một kiến thức trong bối cảnh và trong cái hệ thống toàn bộ đã làm cho kiến thức này trở nên có ý nghĩa. Nó không thể tiếp thu cái sức mạnh cải tổ của thời gian và nó không thể giải phóng các khả năng.

Vì thế tất cả những hiểu biết về hiện thực mà không được thúc đẩy và quản lý bởi cái phạm thức phức tạp sẽ tất yếu trở thành què quặt và theo nghĩa này tức là thiếu chủ nghĩa hiện thực.

Nhưng cái phạm thức phức tạp giúp chúng ta nhận diện tính phức tạp của những hiện thực lại không đem đến cái gì chắc chắn cả. Ngược lại nó giúp chúng ta đưa ra ánh sáng không chỉ những bất trắc gắn liền vào chính cấu trúc của nhận thức chúng ta, mà cả những lỗ đen bất trắc trong thực tế hiện tại.

Vì thế :
- Thực tại không chỉ là cái trước mắt.
- Thực tại không được biểu hiện ra một cách hoàn toàn hiển nhiên trong những sự kiện.
- Tư tưởng và lý luận không phản ánh nhưng thể hiện hiện thực, bằng một cách có thể lầm lạc.
- Thực tại của chúng ta chỉ là nhận thức của chúng ta về thực tại.
- Thực tại, chính nó cũng là một sự đánh đố

Thế là khi bối rối trong việc nhận thức thực tại, người ta có thể đặt câu hỏi: làm một người theo chủ nghĩa hiện thực thì có hiện thực không?

Cái chủ nghĩa hiện thực nhỏ bé tưởng rằng thực tại thì rõ ràng, nhưng rồi chỉ nhìn thấy được cái trước mắt, thật ra là mù loà. Như Bernard Gooethuysen (Béc-na Gooc-uýt-sen) nói: "Làm một kẻ theo chủ nghĩa hiện thực, ôi, một sự không tưởng lớn!".

Giữa tư tưởng và hiện thực: cuộc nói chuyện của những người điếc

ở đây lại nẩy sinh ra một vấn đề khác: tư tưởng có một quyền lực gì trên hiện thực không, điều này giả định có một hiện thực và sức mạnh của tư tưởng?

Như chúng tôi đã dẫn chứng ở một chỗ khác(4), những tư tưởng và huyền thoại đã trở thành hiện thực, chúng ngự trị trong tinh thần và có thể khống chế ngay cả hiện thực lịch sử, dầy xéo và xuyên tạc nó.

Cuộc Cách mạng Tháng mười 1917 mà Lê-nin, thúc đẩy bởi tư tưởng rằng cần phải để cho lịch sử sinh ra đứa con xã hội chủ nghĩa mà từ lâu nó thai nghén, thực ra lại cho ra đời một chủ nghĩa cực quyền.

Như những tình huống sau này đã cho thấy, hiện thực không tự động và lập tức phủ định cái ý tưởng mâu thuẫn với nó. Có những tư tưởng mang một năng lực đáng sợ: tất cả những tư tưởng lớn và những đức tin lớn đều như vậy. Trong cuộc đấu tranh giữa tư tưởng và hiện thực, hiện thực không phải bao giờ cũng là thứ mạnh nhất(5). Tư tưởng có thể bằng cách uống máu của hiện thực để đạt được một sức mạnh khủng khiếp.

ở Liên xô, tư tưởng đã chế ngự hiện thực. Nó đã tiêu diệt tất cả những gì trong hiện thực chống lại nó bằng cách tiêu diệt giai cấp nông dân của quốc gia nông dân này, nó đã bắt hiện thực phải câm lặng và ngụy trang, nó đã xây dựng một hiện thực cực quyền ghê gớm, nó đã sản sinh ra một sức mạnh quân sự lớn lao chưa từng có. Nhưng tư tưởng thắng thế này lại suy thoái ngay trong lúc thắng lợi. Một hiện thực khác, sản phẩm của sự giao hợp giữa tư tưởng với hiện thực cũ đã thành hình và tạo thành chủ nghĩa cực quyền hiện đại - Chủ nghĩa này đã trở thành một hiện thực trọng yếu của lịch sử thế giới trong hơn nửa thế kỷ. Chủ nghĩa cực quyền này càng ngày càng lớn mạnh đã không có khả năng thích ứng với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, mà cũng không có khả năng thu lượm được cái hiệu suất kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Thế là đã manh nha ý tưởng cải cách nó. Cái ý tưởng này dựa trên lòng hoài nghi, những nghi vấn và tỉnh ngộ của vài vị lãnh đạo ở trên đỉnh cao của quyền lực để hình thành một tư tưởng chính trị mới. Nhưng tư tưởng này lại không biết quản lý tốt cái hiện thực đã bị những công cụ cực quyền khống chế và vì thế mùa tan băng của hiện thực đã trở thành một cuộc đổ vỡ tán loạn.

Có một sự liên hệ vẫn chưa được xác định rõ giữa tư tưởng và hiện thực. Tư tưởng có thể mạnh hơn hiện thực, nhưng đã chắc gì hiện thực sẽ vì thế mà phù hợp với tư tưởng. Những đứa con sinh ra từ sự giao phối giữa hiện thực và tư tưởng đều không giống gì với cha mẹ chúng cả.

Cần phải dự kiến một chính trị với liên hệ biện chứng giữa chính trị lý tưởng (Idealpolitic)(6) và chính trị hiện thực (Realpolitic). Nhưng chúng ta sẽ lại gặp nơi chính trị hiện thực sự bấp bênh của hiện thực, nghĩa là của chủ nghĩa hiện thực với nguy cơ hoặc không vượt ra khỏi những điều mong ước hão huyền của chính trị lý tưởng và những mù quáng của chính trị ý tưởng (politique idéelle), hoặc bắt buộc phải chấp nhận cả cái trật tự đã được thiết lập và tất cả sự đã rồi.

Cái gì là cái có khả năng thực hiện được ? Đến một lúc nào đó không phải tất cả đều có thể thực hiện được, nhưng chúng ta lại không biết nơi nào là biên giới giữa cái có thể và cái không thể.

Cái gì là cái không thể? Nếu không có đủ những trói buộc cản trở sự diễn biến lịch sử, thì ít nhất cũng có những cấm cản có thể ức chế vài khả năng. Điều chúng ta cần biết là những nguyên tố cản trở nào có tác dụng kìm hãm.

Có những yếu tố có vẻ có tác dụng kìm hãm một cách tuyệt đối, nhưng lại có cái kẽ hở của chúng: ví dụ những bó buộc của cấu tạo lý-hoá đã làm cho sự sống không có khả năng hiện hữu được, cho đến một lúc sự sống lại xuất hiện một cách lệch hướng với sự phát sinh của những nguyên tắc cấu tạo mới.

Cũng thế, sự xuất hiện của ngôn ngữ con người đã không thể có được trước khi cuộc cách mạng nhiều mặt của nhân loại xẩy ra, liên quan đến cấu tạo hình thể, di truyền, xã hội, văn hoá. Cuộc cách mạng này đã cho phép hộp sọ đứng thẳng hơn và hình thành một khoang trên thanh quản, nơi đó sau khi những dây thanh mềm xuống và vòm miệng tiến hoá, tiếng nói mới có thể được cấu âm. Trước khi có các thành phố và nông nghiệp, con người còn sống trong những xã hội nhỏ bé, phân tán, không có quốc gia, bằng cách săn bắt, hái lượm, lúc ấy những câu thúc rất mạnh mẽ cũng đã làm cho nông nghiệp và thành thị khó có thể được tổ chức.

Có những thứ kìm hãm nào không thể vượt qua được? Cái kìm hãm duy nhất có tính phổ biến không thể vượt qua được là định luật thứ nhì của nhiệt động học. Căn cứ trên định luật này, cái chuyển động vĩnh cửu, đời đời bất diệt, thiên đàng hạ giới là chuyện không thể nào có được.

Nhưng những kìm hãm có tính chất xã hội và kinh tế không thể vượt qua trong một hệ thống nào đó tuỳ tình thế lại có thể vượt qua được bởi/và trong những siêu hệ thống, như trường hợp hệ thống sinh vật so với hệ thống lý-hoá, như trường hợp của ngôn ngữ con người so với một hệ thống phát âm hay như là xã hội lịch sử so với xã hội cổ xưa. Dĩ nhiên siêu hệ thống cũng có những gò bó riêng của nó. Mà có hệ thống nào lại thoát được những câu thúc. Vì không thể loại trừ tất cả những trói buộc nên chúng ta biết rằng không thể nào tồn tại trên thế giới một thiên đường. Nhưng việc này không hề cấm cản khả năng đạt đến một thế giới tốt đẹp hơn.

Và như thế chúng ta lại quay trở về với sự bấp bênh, không phải chỉ là sự bấp bênh mà chúng ta gặp phải khi điều bất ngờ, tai nạn, sự kiện mới (Goóc-ba-chốp, Nam tư...) luôn luôn xẩy đến một cách đột ngột và thường xuyên, mà còn là một sự bấp bênh sâu rộng hơn về phương diện tiềm lực xã hội và con người.

Sự đánh cuộc

Nguyên tắc của sinh thái học hành động(7), kéo dài ra thành nguyên tắc sinh thái học chính trị, có nghĩa là một hành động sẽ bắt đầu thoát khỏi ý định (ý tưởng) của những kẻ đã phát động nó một khi rơi vào quỹ đạo của những phản tương tác (tác động hỗ tương phản hồi (inter-rétro-actions) - ND) trong môi trường mà nó can thiệp vào. Cho nên "sự phản động của giới quý tộc" vốn là đầu mối của cuộc triệu tập Hội nghị tam cấp năm 1789, lúc đó đẳng cấp quý tộc vẫn tưởng sẽ nhờ vào chế độ bỏ phiếu theo đẳng cấp để lấy lại được những đặc quyền bị nền quân chủ chuyên chế tước đoạt, lại bất ngờ đã đưa đến một kết cục hoàn toàn trái ngược là sự xoá bỏ toàn bộ những đặc quyền của đẳng cấp này. Trái lại, các trào lưu cách mạng năm 1936 ở Tây ban nha, cuối cùng, như một phản ứng, lại dẫn đến cuộc đảo chính của phe (độc tài-ND) Franco (Phrăng-cô).

Trong khoa khí tượng học cũng vậy, một sự phân hoá rất nhỏ trong một vùng then chốt có thể sinh ra những phản ứng dây chuyền rất lớn, từ đó nẩy sinh ý niệm "hiệu ứng bươm bướm" (8). Cũng thế, chỉ cần vài sự thay đổi nho nhỏ về tư tưởng trong đầu của thủ lãnh một đế quốc cực quyền lớn sẽ dấy lên một phong trào cải cách, ban đầu còn thận trọng và mang tính cục bộ, nhưng dần dần lan ra, bùng lên và theo tiến trình sẽ ở vào trạng thái bùng nổ, rồi với hiệu ứng của tác động / phản động, sự thất bại của phe phản động bảo thủ sẽ châm mồi lửa cuối cùng. Tiến trình này đã kết thúc với sự sụp đổ của chính đế quốc ấy trong vòng hai năm. Như thế là cũng có cả "hiệu ứng bươm bướm" trên phương diện lịch sử.

Chung quy, những hậu quả về lâu về dài của một hành động chính trị thì hoàn toàn không thể tiên đoán được ở khởi điểm. Cũng vì thế những hậu quả dây chuyền từ năm 1789 đã hoàn toàn bất ngờ. Chính sách khủng bố cũng đã là việc không thể thấy trước được, cũng như chính biến của Tháng nóng, chế độ Tổng tài, Đế quốc, sự phục hồi vương triều Buốc-bông v.v.. Nhìn ở một góc độ lớn hơn thì những hậu quả ở Âu châu và trong thế giới của cuộc cách mạng Pháp đã không thể lường trước được cho đến kể cả năm 1917, cũng như sau đó không thể lường trước được những hậu quả của tháng 10 năm 1917, nghĩa là từ khi "chủ nghĩa xã hội được thiết lập tại một nước" cho đến lúc hình thành và sụp đổ của một đế quốc cực quyền.

Như thế để nói rằng chính trị bị chi phối không phải chỉ bởi nguyên tắc không xác định được của hiện thực mà chúng ta đã đề cập ở trên, nhưng còn bởi cả những tác dụng của nguyên tắc không xác định được của sinh thái học hành động.

Ngay cái vấn đề cổ điển về cứu cánh và phương tiện cũng phải được đặt vào trong một quan hệ không chắc chắn. Những thủ đoạn đê tiện dùng cho một mục đích cao cả có thể không những làm ô uế mục đích này mà chúng còn có thể đi đến chỗ tự biến mình thành cứu cánh. Vì thế khi Tchêka với sứ mạng là thanh trừng những phần tử phản cách mạng, đã không chỉ làm ô uế kế hoạch của chủ nghĩa xã hội mà còn tự mục đích hoá bản thân bằng cách trở thành một quyền lực cảnh sát tối cao dưới nhiều tên liên tiếp Guepeou, NKVD, KGB, với mục đích tự duy trì.

Sinh thái học hành động cho chúng ta biết rằng cùng một lúc những ý đồ tốt đẹp có thể đưa đến những hậu quả đáng phỉ nhổ và những ý đồ xấu có thể sản sinh những kết quả tốt đẹp, ít nhất là như vậy trong thời gian đầu. Ví dụ năm 1991 khi cuộc đảo chính quân sự ở Mátxcơva nhằm phục hồi chế độ cũ thất bại lại cho phép xoá bỏ chế độ độc tài của Đảng cộng sản. Cho nên phải nhìn một cách biện chứng vấn đề của mục đích và phương tiện, nghĩa là không thể để cho một trong hai cái chiếm được địa vị chủ đạo(9).

Sinh thái học hành động tựa hồ khuyên chúng ta đừng làm gì cả với ba lý do sau đây:

a/ Hiệu ứng tệ hại (hiệu ứng bất ngờ xấu nhiều hơn hiệu ứng tốt mà chúng ta hy vọng)
b/ Đổi mới chỉ là một sự hoài công (càng thay đổi càng quay về chỗ cũ)
c/ Những thành quả bị uy hiếp (chúng ta muốn cải thiện xã hội nhưng lại chỉ thành công trong việc thủ tiêu những tự do và an toàn).

Dĩ nhiên chúng ta không được coi thường ba vấn đề trên, bởi qua kiểm chứng chúng đã đúng một cách ghê gớm trong cuộc cách mạng Bôn-sê-vích và những gì xẩy ra sau nó. Nhưng chúng không có giá trị tuyệt đối của một quyết định luận và ngoài ra nếu thiếu đổi mới thì cũng chẳng khác nào cứ để mặc cho các tiến trình tàn lụi, thối rữa, suy thoái và vì vậy sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Sinh thái học hành động không khuyên chúng ta đừng làm gì cả, nhưng mời chúng ta vào sự đánh cuộc đầy nguy hiểm, vào cái sách lược hành động cho phép chúng ta cải tiến, thậm chí thủ tiêu những hành động đang xẩy ra. Sinh thái học hành động thúc đẩy chúng ta đến một quan hệ biện chứng giữa tư tưởng và hiện thực.

Cái có thể / cái không có thể

Hôm nay về mặt kỹ thuật và vật chất chúng ta có thể làm giảm bớt những bất bình đẳng, nuôi cho những người đói được ăn no, phân phát tài nguyên, làm giảm sự tăng trưởng dân số, làm bớt những suy thoái môi trường, cải cách lao động của con người, tạo lập nhiều cơ cấu cao cấp có tính toàn cầu với nhiệm vụ điều chỉnh và bảo hộ, phát triển Liên hiệp quốc thật sự thành một xã hội các quốc gia, làm cho quả đất được trở thành văn minh. Có thể xây dựng ngôi nhà chung một cách hợp lý, sửa sang khoảnh vườn chung. Truyền thông, tin tức và kỹ thuật có thể làm cho quả địa cầu gồm 3 tỷ người thời vua Louis (Lui) XIV sẽ dễ lèo lái hơn cả nước Pháp gần 20 triệu dân.

Khả năng hình thành dư luận toàn cầu đang ở trong tầm tay chúng ta nhờ phương tiện truyền thông, nhờ các hình ảnh chớp nhoáng thể hiện sự liên đới toàn cầu đối với những cô nhi Rumani, những người tỵ nạn Campuchia, những người Bosnia bi thảm ; ý thức về bản sắc con người cũng như về thân phận công dân quả đất đang loé sáng qua những ánh đèn chớp này.

Khả năng ý thức được cái vận mệnh chung tăng dần với hiểm nguy, chúng được nuôi dưỡng bởi những hiểm họa của vũ khí nguyên tử, của sự thoái hoá nơi bầu sinh quyển, của sự suy thoái nơi bầu nhân quyển cũng ở mức độ toàn cầu bởi bạch phiến và bệnh Siđa.

Chúng ta đã nói qua rằng sự đoàn kết toàn cầu là một đòi hỏi hợp lý tối thiểu đối với nột thế giới đã trở thành nhỏ bé trong đó tất cả tuỳ thuộc lẫn nhau, nhưng sự đoàn kết tưởng dễ dàng này lại không thể thực hiện được vì nó đòi hỏi những chuyển biến trong các cấu trúc tâm lý, xã hội, kinh tế, dân tộc...

Vì thế, cái có thể lại thành cái không thể và trong thế giới kỳ quặc đó chúng ta sống mà không có khả năng đạt đến được những giải pháp khả thi.

Tuy nhiên, cái có thể mà không thể này lại rất hiện thực khi chữ "chủ nghĩa hiện thực" có nghĩa là nó phải phù hợp với những khả năng hiện thực của kinh tế, canh nông, kỹ thuật, khoa học v.v.., nói chung là của thực tế.
Nhưng chính cái chủ nghĩa hiện thực toàn cầu này là cái hôm nay vẫn còn không tưởng!

Lực lượng đối kháng to lớn

Làm cho địa cầu được văn minh! Nhưng việc đầu tiên cần phải làm là ý thức được bản thân vấn đề văn minh. Văn minh chỉ là một lớp vỏ mỏng bên ngoài xã hội và con người chúng ta. Cần phải làm cho cái lớp này dầy thêm, điều này đòi hỏi phải sửa đổi một cách sâu sắc những quan hệ con người và chính đấy là một vấn đề.

Sự man rợ nằm ngay trong văn minh, không chỉ theo nghĩa của Walter Benjamin (Ouantơ Bengiamin) là tất cả văn minh đều sinh ra từ man rợ mà còn theo nghĩa phức tạp của Freud (Phroy) (man rợ bị văn minh ức chế, nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt) và cũng trong nghĩa tổ chức hiện đại (những sự phát triển kết hợp khoa học, kỹ thuật, quan liêu tạo nên một sự man rợ đặc thù của văn minh).

Ôi! Đâu chỉ cứ hy vọng, ước nguyện, lập kế hoạch là đủ, nếu chỉ có thế thì rồi tất cả đều vĩnh viễn chẳng đi đến đâu. Còn cần phải đồng thời tập trung biết bao nhiêu cải tổ, mà chính việc này hầu như không thực hiện nổi vì có muôn vàn sức mạnh to lớn đang chống đối nó.

Có thể thực hiện được điều không thể?

Có phải chúng ta đang lập lại một ước vọng mà cho đến hôm nay nó vẫn luôn luôn không thực hiện được dưới những hình thức Phật giáo, Kitô giáo, xã hội chủ nghĩa? Tư duy phức tạp dù sao cũng đã ý thức được sự khó khăn to lớn vì biết rằng: không có sự vật nào mà không mang tính nhị trùng, trong cái tốt có cái xấu, trong cái xấu có cái tốt, rằng tột đỉnh của thiện mỹ và hoàn hảo là nơi không thể nào đạt đến được, rằng trong sinh thái học hành động của con người thì những tác dụng phản hồi lẫn nhau luôn luôn chồng chéo không lường trước được và không có cách nào loại bỏ "mặt tiêu cực".

Cần phải có một tiến bộ ghê gớm của con người mới có thể giải quyết được những vấn đề sơ đẳng của chúng ta.

Chúng ta có thể nói thẳng ra rằng tình cảnh này theo lý luận thì tuyệt vọng: sự đổi mới càng trở thành cấp bách thì nó càng trở nên đa chiều và triệt để, và hệ thống tinh thần, xã hội, kinh tế của chúng ta càng làm cho nó không thể thực hiện được.

Nhưng về mặt lý luận nếu tình thế đã tuyệt vọng thì điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã đến một biên giới lôgíc, nơi nhu cầu thay đổi cũng như sự thôi thúc phức tạp hoá có thể dẫn đến các biến chuyển và làm xuất hiện những siêu hệ thống. Chính khi một tình thế về mặt lý luận ở vào trạng thái bế tắc là lúc mà cái mới sẽ xuất hiện và một sự sáng tạo sẽ xẩy ra, những thứ này luôn luôn vượt hẳn lên trên lôgíc. Cũng thế khi tổ chức hoá học của toàn bộ hàng triệu phân tử trên cơ sở lôgíc không thể thực hiện được thì đó sẽ là lúc một tổ chức sống tự-sinh thái lại ra đời.

Như chúng ta đã đề cập, sự tiến bộ dĩ nhiên cần thiết về mặt đạo đức và chính trị sẽ không phải là một sự cần thiết về phương diện lịch sử ; bản thân của sự tiến bộ bị chi phối bởi nguyên tắc của bất trắc. Cái mà chúng ta muốn nó phải đi tiên phong trong cuộc vận động lịch sử toàn cầu chỉ là và có lẽ sẽ chỉ là một hậu vệ nhỏ bé để chống lại sự man rợ. Một lần nữa, chúng ta gặp lại ở đây cái đòi hỏi đề kháng cấp bách mà chúng ta đã nói ở trên (xem chương IV).

Nhưng không phải vì thế mà vận mệnh chúng ta tất yếu sẽ bị tiêu vong. Ngược lại, những lực lượng man rợ, chia rẽ, mù quáng, phá hoại làm cho một chính sách toàn cầu trở thành không tưởng hiện đang đe doạ nhân loại ghê gớm càng làm chúng ta thấy rằng chính sách tiến hoá nhân loại và cuộc cách mạng toàn cầu là lời giải đáp cho một nhu cầu sinh tồn.

Tư tưởng không bắt chúng ta đề xuất một thứ "phải như thế nào". Mác đã từng nói: "chỉ cố sức đem thể hiện tư tưởng thành hiện thực vẫn chưa đủ, bản thân hiện thực còn cần phải hướng về tư tưởng nữa". Ngày nay đã có cái chuyển động song hành đó: những lực lượng thế giới hoá thật sự đang hướng về tư tưởng và tư tưởng có thể đi về hiện thực bằng cách cho những lực lượng đang ảnh hưởng thế kỷ này một ý nghĩa toàn cầu về lòng bác ái và thông cảm. Nhưng tiếc thay lại cũng có một chuyển động thực đang đi về hướng trái ngược. Và ở đây chúng ta lại gặp lại sự không chắc chắn.

Nhưng nếu sự không chắc chắn của hiện thực là cơ bản thì chủ nghĩa hiện thực chân chính, trong khi vẫn coi trọng những chắc chắn cục bộ, những khả năng và bất khả năng, lại đặt cơ sở của nó trên sự không chắc chắn của hiện thực.

Sự không chắc chắn của tinh thần và của hiện thực đồng thời có thể đưa đến cơ may cũng như hiểm hoạ. Thiếu chủ nghĩa hiện thực trực tiếp sẽ đưa đến chỗ vượt ra ngoài cái trực tiếp. Vấn đề là đừng đi theo chủ nghĩa hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (thích ứng với cái ngay trước mắt) mà cũng đừng theo chủ nghĩa phi hiện thực với nghĩa tầm thường của nó (vượt ra khỏi những giới hạn của hiện thực), nhưng theo một chủ nghĩa hiện thực với nghĩa phức tạp (hiểu được cái bất trắc của hiện thực, biết rằng còn có khả năng chưa nhìn thấy được trong hiện thực), điều này vẫn thường mang tính phi hiện thực.

Một lần nữa ở đây, hiện thực lại thoát khỏi tầm tay của những người theo chủ nghĩa hiện thực và của cả những người theo chủ nghĩa không tưởng.

Hiện thực thế giới đúng là không thể nắm bắt được, nó bao hàm những bất trắc to lớn vì tính phức tạp, vì những thăng trầm, những động lực đối kháng, pha trộn, những lối rẽ bất ngờ, với những khả năng tưởng chừng không thể có và những cái không thể lại tưởng chừng như có thể. Tính không thể nắm bắt được của cái hiện thực tổng thể lại tác động ngược trên những bộ phận đặc thù, bởi vì sự biến hoá của các bộ phận vốn tuỳ thuộc vào sự biến hóa của tổng thể.

Ở đây chúng ta đứng trước một nghịch lý phi thường, trong đó chủ nghĩa hiện thực lại trở thành không tưởng và cái có thể lại thành không thể. Nhưng nghịch lý này cũng nói với chúng ta rằng vẫn có một cái không tưởng có tính hiện thực và vẫn có một cái không có thể có mà lại có. Nguyên tắc bấp bênh của hiện thực là một khe hở vừa ở trong chủ nghĩa hiện thực lại vừa ở trong cái không thể. Chính trong kẽ hở này mà chính trị nhân loại phải được đặt vào.

Chúng ta lập lại ở đây điều đã từng đề cập: phải biết đánh cuộc ở phía bên kia của chủ nghĩa hiện thực và của chủ nghĩa phi hiện thực.

Chú thích:

(1) Xem những chẩn đoán và dự đoán của tôi trong "Để ra khỏi thế kỷ XX", Pour sortir du XXe siècle (1re édition - 1981) Paris, Ed. du Seuil, "Points Essais". "Về bản chất của Liên-xô", (De la nature de l'URSS). Paris, Fayard, 1983, tr. 215 - 224 và 250 - 251. "Tư duy về Âu châu", (Penser l'Europe). Paris, Gallimard, "Folio", 1990.

(2) Xem E. Morin "Phương pháp luận", t. 3, "Sự hiểu biết của Tri thức", sđd, tr. 209 - 210.

(3) Về khái niệm phạm thức (Paradigme) mà có nơi dịch là hệ ý niệm, xem E. Morin "Phương pháp luận" tập 4, "Tư tưởng", sđd, tr. 211 - 238.

(4) Xem E. Morin "Phương pháp luận" sđd, tr. 113 - 128

(5) Sách đã dẫn, tr.147.

(6) S. Korber, "Chính sách đối ngoại" (Foreign Policy), No 79, 1990, Washington DC tr. 3- 24.

(7) Xem E. Morin, "Dẫn nhập vào tư tưởng phức tạp", sđd.

(8) Sự đập cánh của một con bướm ở châu úc có thể gây nên một cái vòi rồng lục địa ở New York.

(9) Xem Edgar Morin : "Để ra khỏi thế kỷ XX", sách đã dẫn tr. 300 - 302.