PDA

View Full Version : Chim Bay Còn Để Vết Tìm - Nguyễn Thị Lộc Quy



nguoibanthan_ph
05-16-2007, 05:05 PM
Chim Bay Còn Để Vết Tìm
Tác Giả: Nguyễn Thị Lộc Quy


Chẳng biết từ lúc nào giàn bông giấy nhà tôi trở nên dễ thương như Yên vậy. Lả tả cánh hồng lắt lay trong gió, chùm cao chùm thấp bay quấn quít trên giàn. Như hình ảnh của Yên, kỷ niệm với Yên tụm năm tụm bảy trong ký ức tôi.
Sáng chủ nhật mỗi tuần, Yên theo mẹ tới giao thuốc ở phòng mạch anh tôi. Cô hay tinh nghịch đưa tay với cành dâm bụt, rung mạnh để làm kinh động đám chim trên giàn bông giấy. Chim bay ào lên, hoa sà xuống, Yên xoè tay ra hứng. Trông tướng cô cũng chằn ăn nhưng ngộ nghĩnh, vui vui. Chợt ngước lên bắt gặp tôi ở góc lầu, tiểu thư hĩnh mũi thách thức rồi đi thẳng vào trong. Mười lần như một, tôi tự nhủ mình đã "trao tim lầm nữ tướng... cướp". Vậy mà đám chim sẻ kia, đối với tôi, chỉ dễ thương và giàn bông giấy chỉ dễ mến khi Yên xuất hiện.
Biết Yên học chung trường, tuy cùng năm nhưng khác buổi nên chẳng mấy khi tôi được gặp Yên. Mà cho dù có gặp, Yên cũng vác cái mặt kênh kiệu đó ra mà biểu diễn với tôi. Thằng Thạnh bạn tôi bảo, gia đình Yên bị đánh tư sản chạy về thị xã. Yên giỏi Văn, được tuyển vào lớp chuyên. Nó nói con gái chuyên Văn kiểu cách khó chịu lắm, ghét dân chuyên Toán chúng tôi lắm, chê là một lũ khô-khan.
Rồi nó gào lên chọc tôi:
"Em chuyên Văn lớp sáng
Tôi chuyên Toán lớp chiều
Chưa bao lâu làm bạn
Đã sập bẫy tình yêu!"
Nói "làm bạn" cho oai, chứ mỗi lần tôi dợm bước định chạy xuống bắt chuyện thì Yên đã khoát tay vô cùng "Lục Vân Tiên: khoan khoan dừng đó chớ ra, ta là phận gái, chàng là phận trai!"
- Ông đứng đó nói chuyện tui cũng nghe được mờ!
Cứ thế mà mỗi sáng chủ nhật tôi lại buồn, lại tức anh ách. Chỉ chờ cái xe đạp mi-ni đỏ của Yên lăn bánh ngang qua giàn bông giấy hồng thì tôi lẩm nhẩm đọc thơ con cóc năn nỉ thầm:
"Người ta đồn sai bét
Dân học Toán khô khan
Xin em đừng có ghét
Tội nghiệp người khác ban".
Giàn hoa giấy nở rồi tàn. Chim bay đi rồi về họp bầy. Như Yên, đến rồi đi, không thân thiện với tôi thêm chút nào. Nhưng tôi vẫn tự an ủi mình, ít ra vẫn còn nhìn thấy Yên mỗi tuần một lần, có chim, có hoa, bình an trong nắng. Hạnh phúc sao chừng như giản dị. Giản dị như chuyện dưng không tôi yêu Yên.
Thị trấn dứt nạn cúp điện đêm. Đèn đường sáng trở lại chiếu rộn rã trên giàn hoa giấy sum-sêu, lan vào trong sân những bóng hoa li ti. Nếu có ai hỏi tôi yêu gì nhất (dĩ nhiên là sau Yên), tôi sẽ nói tôi yêu những ngọn đèn đường. Nhẩn nha chờ hoàng hôn xuống để được xem những trụ đèn trước nhà vụt sáng, tôi gặp Yên thay mẹ tới giao thuốc. Chiều nay, chim đã bay về tổ mà tôi nghe lòng mình ríu rít, hoa chiều đã tàn mà tưởng vườn đang xuân. Chỉ vì Yên thân thiện, khác hẳn với mọi lần.
- Ông đi chơi đâu, sao về trể vậy ?
- Không, tui ra đây để ngó đèn đường.
Yên tròn mắt phượng, nói như reo:
- Trời ơi! Sao ông cũng thích đèn đường, giống...tui vậy ?
- Tui sợ... bóng đêm lắm!
- Tui khác! Tui nhớ nhà tui ở Sài Gòn. Hồi mới tới đây tui khóc hoài. Thị trấn gì mà tối mù mù, buồn căm căm. Chỉ khi đèn đường sáng lên mới làm tui đỡ cô đơn, đỡ nhớ Sài Gòn.
Có lẽ tôi quê mùa lắm, ngớ ngẩn lắm trước tâm hồn đa sầu đa cảm rất thành thị của Yên. Thoáng nhìn tôi, không hiểu sao Yên lại thở dài:
- Ông không biết đâu! Không ở đâu có đèn đường đẹp như Sài Gòn, tình như Sài Gòn. Phải chi tui là chim, là sáo tui sẽ lập tức bay khỏi cái huyện lỵ đìu hiu nầy liền.
Vô duyên có thừa, tôi hỏi một câu không ăn nhập gì tới đề tài:
- Sao lâu nay Yên...ghét tui dữ vậy ?
- Tui đâu có ghét ông. Tui chỉ không thích ông thôi! Ai biểu ông nhà cao cửa rộng làm gì?
Tôi nghe tôi rít trong cổ họng: "Đặng Hà Yên, cô ngang như cua! Mấy đời ông nội tui, ba tui rồi anh tui hành nghề Đông y ở đây. Yên "đánh tư sản" kiểu đó thì chết tui rồi. Tui yêu Yên mà Yên!"
Yên chào tôi, quay lưng, "em đi áo mỏng buông hờn tủi". Tôi nhìn theo câm nín, hờn hờn, tủi tủi mênh mông...
Đang năm thi đại học mà thằng Thạnh nó xúi tôi:
- Trường đang tuyển gấp thêm học sinh vào chuyên Văn lớp 12 vì có đứa mới đi ODP, mầy đi không? biết đâu...chó ngáp phải ruồi, được học chung với Yên của mầy.
Thế mà tôi vác đơn đi thi thật. Tụi bạn sỉ vả tôi thậm tệ nào là "tên Việt gian", nào là "quân bán lớp", nào là vì tình bỏ bạn. Người xưa anh hùng còn khó qua ải mỹ nhân, huống gì kẻ hậu sinh tôi đây. Tôi chẳng dám có mộng văn chương thi thố với người ta. Chỉ muốn được gặp Yên mỗi ngày.
Có lẽ vì bận lo học thi mà lâu rồi không thấy Yên chở mẹ tới giao thuốc. Yên không tới, đám chim sẻ và giàn bông giấy trở lại vô duyên như cũ, đèn đường vàng ngọn buồn bã.
Tội nghiệp văn chương như con ruồi, bị tôi ngáp phải. Tôi đậu!
Mà buồn thay, tình trường tôi rớt. Yên học chung với tôi một mạch hết lớp 12. Học một lèo tới khi thi đại học, rồi chưa tới hai phút Yên tóm tắt chuyện riêng của Yên cho tôi nghe:
- Ông nè, tui... có bồ rồi! Gia đình anh Định là bạn cũ của nhà tui ở Sài Gòn. Anh Định là sinh viên khóa 13, Đại học Kinh Tế, lo cho tui lắm. Thỉnh thoảng tui kể với ảnh về ông, khoe là ông bị tui ăn hiếp hoài nhưng rất tốt với tui. Tui muốn nói cám ơn ông lâu rồi. Ông cho tui cám ơn nghe. À, quên nói cho ông biết, tui sẽ thi vô Đại học Kinh Tế....
Trời đất quỉ thần ơi! Cái thị trấn đất đỏ miền đông nầy sao bỗng dưng mưa giông ầm ầm đổ xuống đời tôi, mưa dai dẳng, mưa triền miên. Tôi đâm ra thù ghét cái Đại học Kinh Tế chết tiệt nào đó ở Sài Gòn. Thù ghét cái khoá 13 có anh sinh viên tên Định học cao hơn, cướp đi Yên của tôi. Con chim, con sáo nào đó bỏ giàn bay đi, chút xíu bay về, còn Yên chưa bay mà đã mất!..
Tôi ngó xuống giàn bông giấy, nhìn mưa tạt mù mù qua sân mà rưng rức trong lòng:
"Tìm người ảo ảnh đầy tay
Mắt môi từng nét chảy lai láng buồn."
Thị trấn nhiều năm không có Yên bình thản trong cái buồn đất đỏ ảm đạm. Như tôi bình thản sống tiếp đời mình có vết thương tình cảm mưng mủ nhức nhối. Cái ông nhà thơ nào đó chỉ thất tình có hai tháng trong năm:
"Kỷ niệm cũ còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau"
chứ tôi thì mỗi một năm có tới sáu cái tháng giêng, sáu cái tháng bảy như nhau buồn trước nối buồn sau.
Tôi không thi Đại học, không xuống Sài Gòn phồn hoa mà an phận cha truyền con nối trong cái cơ ngơi nồng mùi thuốc bắc của gia đình. Tôi sợ phải thấy Sài Gòn của Yên tình như Paris của Nguyên Sa "có bao nhiêu ngọn đèn xanh đèn đỏ" để anh Định hỏi "em có nhớ mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em".
Tội nghiệp những ngọn đèn đường thị xã. Leo lét mãi cũng mối tình tỉnh lỵ bọt bèo. Em về vui bên ấy, mốt mai sẽ nhớ gì? Hỏi tức là trả lời. Làm sao Yên nhớ nỗi. Cái thị trấn mưa nhiều hơn nắng nầy và tôi ở trong Yên nhỏ xíu, bé tí như cây kim châm.
Chúng tôi rớt xuống lỗ hỗng ký ức Yên, như cây kim rớt xuống lạch nước. Mất dấu. Nên chẳng bao giờ Yên phải chạnh lòng vì nhớ tới tôi. Còn tôi, chao ôi, còn sáng sáng ngó giàn bông giấy, ngó bóng chim bay, còn đêm đêm thức cùng ngọn đèn đường làm thơ, viết văn rao bán chuyện mình. Gặp Yên đau buốt. Tôi cam lòng thấy em như con chim sẻ, con sáo sậu xổ lồng bay xa. Nhưng sao bay đi còn để vết tìm!...


Nguyễn Thị Lộc Quy