PDA

View Full Version : Âm Thanh Trần Gian Và Âm Thanh Siêu Thế Giới



Nhím Hoàng Kim
05-16-2007, 07:34 PM
Âm Thanh Trần Gian Và Âm Thanh Siêu Thế Giới

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
Đài Bắc, Formosa(Nguyên văn tiếng Trung Hoa)Ngày 6 tháng 3, 1986


Trước hết, chúng ta hãy nói về âm thanh thường của thế giới này, và sau đó sẽ nói đến âm thanh siêu thế giới - âm thanh của Thượng Đế. Từ xưa đến nay, âm thanh giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống của chúng ta. Khó mà tưởng tượng nổi, nếu thế giới này không có âm nhạc thì đời sống của chúng ta sẽ khó chịu như thế nào. Nhạc cổ điển tương đối êm dịu và nhẹ nhàng, khiến người nghe vui vẻ hơn, bình an và hiền hòa. Vì thế thời xưa có nhiều người cao quý và và hiền từ. Nhạc tân thời kích động hơn. Những người mà từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng loại nhạc này, khi lớn lên sẽ rất khó dạy, vì loại nhạc đó tiêu biểu cho phong độ và cá tính của một con người. Trong dưỡng trí viện, bác sĩ thường cho bệnh nhân nghe nhạc êm dịu, để tâm họ lắng xuống. Khi làm việc mệt mỏi hoặc cảm thấy bực bội, buồn rầu, chúng ta nghe âm nhạc một lúc cũng khiến lòng bình thản lại.

Vạn Vật Trong Vũ Trụ Đều Có Chấn Động Lực

Trong vũ trụ, bất cứ cái gì cũng đều có chấn động lực. Lực chấn động này sẽ biến thành những âm thanh, giống như những làn sóng của các đài phát thanh phát, mà khi qua máy thu thanh tiếp nhận được chuyển thành âm thanh. Vạn vật trong vũ trụ, dù là đá, là cây, hoặc con người, đều có tầng số chấn động riêng của nó. Chính vì sự khác biệt về tầng số chấn động nên khó có sự câu thông giữa động vật và loài người, giữa người và người hoặc giữa vợ chồng.

Có người có chấn động lực thô kệch, khiến ta vừa tiếp xúc đã thấy khó chịu. Ngược lại, có một số người có chấn động lực hoặc lời nói, điển quang hiền hòa hơn, khiến ta vừa thấy đã cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Có những nơi mà chấn động lực gần giống chúng ta, vừa bước vào đã cảm thấy dễ chịu, nhưng có những người điển quang không tốt vừa bước vào một nơi nào đó đã khiến người khác cảm thấy sợ sệt, lo âu, vì chấn động lực của họ thấp kém và nặng nề, hoặc có thể nói nghiệp chướng của người đó rất nặng, nhiều ác tâm, nhiều ma chướng. Họ có nhiều âm khí trong khi chúng ta có nhiều dương khí hơn, nên hai bên không thể phối hợp được. Kết quả, chúng ta có cảm giác bất an.

Trên quả địa cầu, không phải nơi nào cũng có chấn động lực như nhau, vì trên trái đất có đủ loại quặng kim loại phân phối không đồng đều. Do đó, có nhiều nơi những người không tu hành thường cảm thấy ở đó bất an. Tuy nhiên đối với người có tu hành đâu đâu cũng là Tịnh thổ, là Thánh địa. Nhưng nói dễ hơn làm. Mấy ai đã đạt đến trình độ này? Bầu không khí không hòa hợp này, những người tầm thường, không tu hành, cũng nhận rõ, ngoại trừ những người vô minh và vô giác như cỏ cây. Càng tu đến cảnh giới cao thì càng nhậy cảm, nhưng khi đạt được cảnh giới cao nhất thì nơi nào cũng vậy, không có sự khác biệt nữa.

Dù chúng ta gần gũi ai, đều chịu ảnh hưởng bởi chấn động lực của người đó. Nếu điển quang của người đó nhu hòa thì chúng ta cũng sẽ trở nên nhu hòa hơn. Nếu người đó kích động, chúng ta cũng sẽ trở nên kích động. Chúng ta thường nghe nói Phật Bồ Tát thường gánh nghiệp chướng cho chúng sanh, vì Phật có thể bằng cách thu lực chấn động xấu, ảnh hưởng xấu, hoặc gọi là nghiệp chướng từ trên thân thể người đó lên trên người Phật, và đổi cho chấn động lực tốt, và bằng vào lực lượng tu hành, các Ngài có thể tiêu trừ nghiệp chướng này. Vấn đề cần bao nhiêu thời gian để tiêu hóa thì tùy các Ngài thu thập nghiệp chướng nhiều hay ít. Và trước khi có thể rửa sạch nghiệp chướng thì các Ngài sẽ bị ảnh hưởng như bị bệnh, bị phỉ báng, hay thậm chí bị giết hại.

Giống như Chúa Giê-Su Kitô, vì gánh nghiệp cho nhân loại mà bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúng ta hình như không hề nghe nói Phật Thích Ca Mâu Ni gánh nghiệp chướng cho ai, nhưng trong kinh điển có ghi như sau: "Có một người đã từng giết 99 người, sau đó lại muốn giết cả Phật, nhưng không thành mà còn được Phật độ cho, sau tu đắc quả A La Hán." Nếu Phật không gánh nghiệp chướng cho, thì nghiệp giết 99 người đi đâu rồi? Giết bao nhiêu mà còn đắc quả A La Hán, không phải là đi ngược lại với luật nhân quả hay sao? Không phải thế, bởi vì công đức của Phật Thích Ca rất dày, vô lượng vô biên, dư thừa để trả nghiệp chướng nên không thành vấn đề, chứ không phải người này không bị quả báo, mà vì nghiệp quả đã được Phật gánh giùm.

Cho nên từ xưa tới nay, những ai muốn được giải thoát, trước tiên đều phải tìm Minh Sư. Vì chúng ta mới bắt đầu tu hành, lực lượng còn yếu không đủ để thanh toán quá nhiều nghiệp chướng. Những vị Minh Sư này tu hành lâu đời, phước báu sâu dày, họ có thể vừa chỉ dẫn đường đi nước bước, vừa gánh hành lý giùm cho ta vì họ có lực lượng. Người thường có lực lượng của người thường, người tu hành có lực lượng của người tu hành. Lực lượng này có thể ta không thấy được, nhưng rất vô lượng vô biên, mà lực lượng của thân xác không thể so sánh được. Quý vị có nghe nói rằng theo tôi tu hành thì năm đời sẽ được siêu sanh. Đó là nhờ vào lực lượng tu hành này mà kéo tất cả những người đó đi lên. Cho nên lực lượng tu hành rất quý, bao nhiêu tiền cũng không mua được, quyền thế tới đâu cũng không lấy được.

Đôi khi tôi đi giảng kinh ở một nơi nào đó cảm thấy rất thoải mái, ăn nói trôi chảy. Nhưng cũng có khi thấy nặng nề, mệt mỏi và không nói được. Lúc Tâm Ấn cũng vậy, có khi thì trôi chảy, không hề gì, có khi cảm thấy mình như sắp chết tới nơi. Đó là do bởi những chấn động lực khác nhau của những người tới nghe giảng kinh, hay tới Tâm Ấn. Những chấn động lực cá nhân này được gọi là nghiệp chướng. Những chấn động lực đó do đâu mà thành? Nó được tạo ra bởi luật nhân quả, liên quan đến nghiệp chướng mà chúng ta đã gây ra trong tiền kiếp.

Chúng ta vốn là những Thánh nhân khai ngộ. Chúa Giê Su Kitô cũng nói rằng chúng ta đều là con của Thượng Đế. Thế thì tại sao có người giàu người nghèo? Có người rất thông minh, nhưng có người lại ngu đần? Có người lương thiện, nhưng cũng có người lại hết sức xấu xa. Điều thứ nhất, dù rằng chúng ta đều là Phật, nhưng khi đến thế giới Ta Bà, chúng ta đang hạ đẳng cấp và quên đi phần lớn trí huệ của mình. Điều thứ nhì là chúng ta chịu ảnh hưởng của những hoàn cảnh bên ngoài.

Thế Giới Hữu Hình Và Vô Hình

Thế giới này khác với thế giới trên kia. Thế giới trên kia giúp chúng ta tu hành tiến bộ, giúp chúng ta càng ngày càng thoải mái và càng trở nên cao quý. Nhưng hoàn cảnh ở thế giới này rất dễ khiến chúng ta thoái bộ, trở nên ngu đần và xấu xa. Ở thế giới Cực Lạc, muốn gì có nấy, không phải khổ sở, vất vả. Nhưng ở thế giới này, chúng ta phải phấn đấu với thiên nhiên mới có thể sinh tồn. Dù là Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải đi khất thực, hoặc dùng những vật dụng của thế giới này để sinh tồn, vì đây là thế giới hữu hình, hữu sắc, có sự phân chia. Có nóng, có lạnh, có đẹp, có xấu, có nam, có nữ, không giống như trên kia, không hình, không sắc, không có sự phân biệt gì hết.

Cho nên khi đến đây chúng ta trở thành một chúng sanh hướng về bên ngoài, nhìn thấy thức ăn là có ý niệm muốn ăn, nhìn thấy vật gì là lòng nẩy sinh ý niệm thích hay không thích. Vì đầu óc chúng ta đầy dẫy những điều ta ưa thích, nên chúng ta đã quên mất đại trí huệ của mình. Dần dần chúng ta trở nên xa cách với lực lượng tối thượng của vũ trụ, và trở thành những chúng sanh cô đơn.

Lẽ ra tất cả mọi thứ đều là của chúng ta, nhưng vì chúng ta đặt tâm mình vào một hay hai sự vật mà mình thích, vô tình chúng ta đóng khung mình vào một phạm vi nhỏ hẹp, khiến chúng ta từ một trạng thái không phân biệt trở thành có phân biệt (nơi Cực Lạc ai ai cũng thân màu hoàng kim, không có nam cũng không có nữ). Vì chúng ta dốc toàn lực lượng yêu một hay hai người, hoặc sự vật, khiến ta càng lúc càng cô đơn và bị tách rời khỏi lực lượng vũ trụ, trở thành lực lượng nhỏ bé chỉ mới dùng có một chút là đã hết ngay. Cũng giống như một người ở giữa sông Hằng, xung quanh toàn là nước và xài không hết. Giả thử người này bị lôi cuốn bởi một vật nào đó trên bờ, rời giòng sông theo đuổi vật kia. Khi quá ham thích, anh ta sẽ quên đường trở về chốn cũ? Rồi khi khát nước, anh có thể tìm nước ở gần bên, và dĩ nhiên là sẽ không đủ.

Rốt cuộc, chúng ta càng lúc càng yếu đuối, càng ngày càng thiếu trí huệ. Trí huệ không đủ thì sẽ sinh ra tham lam. Sự bất an khiến chúng ta muốn nắm giữ thêm nhiều thứ, và từ đó tham, sân, si nổi dậy. Những ý niệm này sẽ tạo thành một từ trường bao quanh chúng ta. Vì hoàn cảnh của mỗi người khác nhau nên từ trường cũng khác. Vì đồng thanh tương ứng, đồng khi tương cầu, những người tham và nóng nảy tự nhiên sẽ thu hút những gì kích động đến với từ trường của mình. Tương tự, người nhu hòa sẽ thu hút những gì nhu hòa. Đây là nguyên nhân của cái gọi là nghiệp chướng.

Chúng ta thấy có những người, bất luận làm điều gì cũng lung tung lộn xộn, vì từ trường của họ chuyên thu hút những lực lượng xấu, hoặc lực lượng của chướng ngại, lực lượng của ma, nên không thu hút được lực lượng của đại trí huệ. Có những người thiên về tính động vật rất mạnh, cũng là bởi từ trường của họ. Hay chúng ta có thể nói thói quen tích lũy đời đời kiếp kiếp của họ chưa sửa đổi được. Khi từ trường của chúng ta cải thiện thì có nghĩa là chúng ta bắt đầu đi lên. Bao lâu mới có thể sửa đổi tốt hơn còn tùy vào tâm đơn thuần của chúng ta. Trong kinh điển và kinh Đạo Đức có nói rằng: Phải tâm đơn thuần như trẻ thơ thì mới trở về Thiên Quốc được.

Muốn sửa đổi từ trường hay tập quán của chúng ta không phải dễ, tuyệt đối không phải nhờ vào đếm hơi thở hay tập Yoga mà sửa đổi được. Vì sự phát triển những thói quen của chúng ta là do đầu óc, nên chúng ta phải thay đổi đầu óc, ngõ hầu cải sửa thói quen của mình. Những phương pháp quán đơn điền, quán xương, quán thủy hay quán hơi thở, đều không đủ, mà phải tu pháp môn Quán Âm mới là cứu cánh.

Phật Âm

Âm thanh này là "Phật Âm", âm thanh bản tánh. Vũ trụ vạn vật trước khi hình thành đã có âm thanh này. Âm thanh này tức là "thắng bỉ thế gian âm", không thể dùng tai phàm phu mà nghe được. Nhưng tất cả chúng sanh đều có thể nghe được, chỉ vì đẳng cấp khác nhau nên nghe âm thanh khác nhau mà thôi. Vạn vật trong vũ trụ đều có chấn động nên đều có âm thanh, cả cục đá cũng có âm thanh, nhưng rất là nhỏ nên tai phàm không nghe được, phải dùng trí huệ mới nghe được. Vì vậy nói "quán âm" mà không nói "nghe âm". Nếu chúng sanh nào cũng có âm thanh, có trí huệ, tại sao không thể quán được âm thanh này? Bởi vì không có chìa khóa, không biết âm thanh ở đâu, nên phải tìm một vị thầy mở cửa giùm.

Tại sao âm thanh này quan trọng như vậy? Vì vạn vật trong vũ trụ đều nương vào âm thanh này mà hợp thành. Từ cảnh giới cao cho đến cảnh giới thấp đều nhờ vào âm thanh này mà kết hợp lại với nhau. Vừa rồi chúng ta vừa nói đến có người có chấn động lực không hợp với người khác. Cũng vậy, chấn động lực của chúng ta và động vật khác nhau, nên không thể sống chung với nhau, hoặc ở cùng chỗ với nhau. Nếu có người có thể ở chung được, không có nghĩa là họ hay hơn ta, mà có thể vì lực chấn động của họ quá thấp, hoặc chấn động của họ gần giống của động vật nên họ mới cảm thấy không có gì khác biệt.

Chẳng hạn như heo, ếch, nhái, ở nơi rất dơ, nhưng chúng lại rất thích, điều này cho thấy rõ ràng tại sao có vài người có thể sống một cách sung sướng ở những chỗ không thể chịu được như vậy mà không cảm thấy gì cả. Điển quang của họ thích hợp với những nơi đó, và chấn động lực của chúng ta cao hơn, nhẹ nhàng hơn, không hợp với chấn động lực thấp nên không ở chung được. Không ở chung nổi không có nghĩa là họ giỏi hơn chúng ta. Cho nên người hiền không ở chung được với kẻ ác.

Nếu có người muốn sửa đổi số mệnh, phải dùng âm thanh tối cao này. Hiện nay chúng ta chỉ có một phần rất ít và cũng không phải là chấn động cao. Và vì không cao nên chúng ta mới ở chung với động vật tại thế giới này. Đó gọi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Nhưng có một loại âm thanh vượt lên trên mọi chúng sanh, đó là âm thanh của Thượng Đế, của bản tánh nguyên thủy. Nếu chúng ta tu, âm thanh này sẽ nâng cao chấn động lực và đẳng cấp của chúng ta. Nhìn bề ngoài thì thấy không có gì khác xưa, nhưng thân thể có ánh sáng. Khi giảng kinh mọi người đều thích nghe, độ người cũng dễ, vì chấn động lực của chúng ta đã trở nên nhẹ nhàng hơn, khiến người khác cảm thấy dễ chịu, an lòng, và dẫn dắt họ giải thoát. Chấn động lực của chúng ta sẽ bao trùm chấn động lực của họ. Chúng ta cho họ sức chấn động tốt và tiêu trừ chấn động xấu của họ. Cũng giống như khi máu của người nào đó không tốt, bác sĩ dùng máu tốt thay cho họ. Nước trong thùng dơ, chúng ta cũng phải đổ nước dơ đi mới thay vào nước sạch được. Nhưng nếu chấn động lực của chúng ta không tốt, thì không thể thay chấn động lực xấu của người khác được, hậu quả càng tệ hại hơn. Cho nên muốn độ chúng sanh, trước tiên ta phải tu hành.

Vừa rồi chúng ta nói đến vạn vật trong vũ trụ đều có âm thanh và đều do âm thanh này mà sanh ra. Trong Đạo Đức kinh gọi là "Danh" hay "Đạo". Lão Tử nói: "Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu." "Danh" hay "Đạo" đều ám chỉ cái âm thanh, cái chấn động lực này. Có thể cách dùng tiếng Trung Hoa ngày xưa khác nhau, nhưng thực ra đều nói cùng một điều, điều này có lẽ quý vị hiểu.

Hòa Nhập Vào Âm Thanh Siêu Đẳng Hơn

Vạn vật trong vũ trụ đều từ cái "danh" hay cái "âm thanh" này sinh ra; chúng ta cũng là một phần của nó. Nhưng chúng ta là người, nên chúng ta có thành phần cao nhất của âm thanh, chúng ta có khả năng sở hữu toàn bộ. Động vật không thể có trọn vẹn âm thanh được vì đẳng cấp thấp hơn. Nếu tu âm thanh này, chúng ta có thể tự thăng hoa chính mình, khiến âm thanh của mình càng lúc càng nhiều, càng lúc càng được nâng cao cho đến khi chúng ta hoàn toàn sở hữu cái âm thanh này. Rồi chúng ta có thể hòa hợp với mọi chúng sanh trong vũ trụ. Vì tất cả chúng sanh là một phần của âm thanh mà chúng ta đã có toàn bộ âm thanh này rồi thì đối với chúng ta nơi nào cũng đều là Tịnh Thổ cả, mọi người đều là thánh nhân, tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Chỉ khi đó chúng ta mới thực liễu ngộ, nếu không, chỉ "nghe nói" hoặc "nghe" mà không biết hư thực ra sao.

Cho nên đích thân thể nghiệm khác với việc đọc kinh điển hay đọc thể nghiệm của người khác. Chúng ta đọc thể nghiệm của người khác khi đọc các kinh điển. Tu pháp môn Quán Âm, chúng ta sẽ có thể nghiệm bản thân. Chúng ta có thể so sánh với những điều ghi chép trong kinh điển, xem mình có cùng thể nghiệm với người xưa hay không. Đôi khi thể nghiệm của chúng ta còn cao hơn họ, nhưng không có nghĩa là đẳng cấp của chúng ta cao hơn họ, mà thể nghiệm của họ có thể không cao lắm khi họ viết. Cho nên, lúc đó chúng ta có thể cao hơn họ một chút.

Giờ chúng ta cũng nên biết rằng âm thanh đó lợi hại như thế nào. Bất cứ chúng sanh nào cũng đều có cái âm thanh hoặc lực chấn động này, và ảnh hưởng lẫn nhau. Thế giới này khác với thế giới Tây Phương Cực Lạc ở điểm này, chúng ta có động vật, có người tốt, người xấu, có người nóng nảy, có người điềm đạm, có sướng, có khổ, đủ mọi thứ không khí lẫn lộn khiến cho việc tu hành của chúng ta khó mà được sự bình an trong lòng. Lúc nào cũng có những trở ngại, hoặc không khí không tốt đẹp quấy nhiễu chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có thể chuyên tâm tu hành thì sẽ tiến bộ rất nhanh.

Cho nên rất nhiều thiên nhân thích đầu thai làm người, vì chỉ có thân người mới có thể tu hành. Chúng ta thường nghĩ rằng cái thân thể này vô dụng, nhưng không có nó thì không tu hành được. Cho nên thân người rất quý. Hãy chăm nom săn sóc nó. Hãy cho nó ăn uống đầy đủ, nhưng đừng tham ăn. Hãy bảo vệ nó khỏi bị lạnh quá, nóng quá, mệt quá hoặc cực quá. Tu khổ hạnh không tốt, đó là tự trừng phạt mình. Trừng phạt mình là một tội lớn. Mình là Phật quá khứ, Phật hiện tại và cũng là Phật vị lai. Chúng ta phải tự kính trọng mình. Tại sao lại tu khổ hạnh để trừng phạt mình? Dĩ nhiên khi tình trạng không thể tránh được thì lại là một chuyện khác.

Ví dụ quý vị nghe nói khi tôi tu hành tại Hy Mã Lạp Sơn, mỗi ngày chỉ ăn một chút rau cải để sống. Vì nơi đó địa thế cao, không khí rất loãng, khí hậu lạnh, áp suất không khí rất thấp, khó nấu cơm hay luộc rau, nên mới ăn sống cho tiện. Chỉ cần mang ra sông Hằng rửa sơ, rắc chút muối là ăn được, chứ không phải tôi cố ý tu khổ hạnh. Khi tôi bế quan tại một ngôi chùa trên núi Formosa, trong ba tháng hè an cư kiết hạ cũng vậy, mỗi ngày chỉ ăn chút gạo lức muối mè, uống chút nước mà thôi. Vì lúc đó không có ai lo cho, không lẽ ngày nào cũng ra chợ mua rau, thì bế quan làm gì? Trở thành "bế rau" (mọi người cười). Đây là vì hoàn cảnh, có gì ăn nấy, tuyệt nhiên không phải là tu khổ hạnh. Tu khổ hạnh không thể thành Phật, tu khổ hạnh sẽ thành người rất khổ. Đời mình đã đủ khổ, còn tu khổ hạnh làm chi nữa?

"Âm Thanh" Là Lực Lượng Cao Nhất Và Trí Huệ Tối Thượng Của Vũ Trụ

Muốn thành Phật hãy tu pháp môn Quán Âm, hãy dùng trí huệ quán âm thanh nguyên bản này. Vì âm thanh này tạo ra vạn vật muôn loài, là lực lượng cao nhất trong vũ trụ, và cũng là trí huệ tối thượng trong vũ trụ. Nếu ta không nương vào đại lực lượng, đại trí huệ mà tu hành thì nương vào cái gì? Tại sao phải nhờ vào cái điểm nhỏ tối tăm ở bụng (ý chỉ đơn điền), hay hơi thở vô thường mà tu? Và nếu khi tọa thiền thân thể phải động đậy thì đã sao? Nếu chúng ta chết rồi, ngừng thở thì làm sao tu được?

Nhưng nếu nhờ vào đại lực lượng tu hành, cho dù thân thể phải lay động chút ít, hay dù bị thương tích cũng không sao. Vì chủ nhân của bản thân ta đã câu thông với âm thanh này, đã được giải thoát rồi, không còn liên hệ với thân thể này nữa, nên dĩ nhiên là chúng ta vẫn có thể tiếp tục tu hành để chăm sóc cho đời sống mình và giúp mình tiến bộ. Cho nên chúng ta không nên nương nhờ vào bất cứ điều gì khác, ngoại trừ cái âm thanh cao nhất, lớn nhất và nguyên sơ nhất. Cái âm thanh mà khi chúng ta chưa sinh ra, vạn vật chưa sáng tạo nó đã hiện hữu rồi. Và cho dù cả tam giới bị tiêu diệt, nó vẫn tồn tại. Chỉ nhờ vào lực lượng vĩnh hằng này mà tu hành thì mới đạt được trình độ vĩnh hằng. Nếu nhờ vào cái hô hấp vô thường thì chỉ đạt được trình độ vô thường mà thôi.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật Thích Ca có nói rằng tất cả các pháp môn tu hành khác cũng chỉ là pháp tạm thời mà thôi. Chỉ có pháp Quán Âm mới là pháp môn cứu cánh, chính xác nhất, bền vững nhất. Khi tu pháp này rồi chúng ta cũng đồng ý với những gì Ngài nói.

Trong Kinh Thánh đã từng nói: Vũ trụ ban sơ là cái âm thanh này. Âm thanh này ở cùng với Thượng Đế. Âm thanh này tức là Thượng Đế. Vạn vật đều từ âm thanh này mà ra, không có vật nào là không từ âm thanh này mà ra (In the beginning was the Word (sound), and the Word was with God and the Word was God, everything was made by this, and nothing was not made by this). Trong Kinh Đạo Đức cũng nói cùng một đạo lý. Lão Tử nói: "Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu." Khi bắt đầu có cái "danh bất khả danh", vạn vật trong vũ trụ mới sinh ra.

Trong kinh Upanishad - đây là bộ kinh nổi tiếng nhất của Ấn Độ, cũng nói cùng một điều như nhau: "In the beginning was the Word". Âm thanh này có từ khi bắt đầu có Tạo hóa. Khi âm thanh này xuất hiện, vạn vật trong vũ trụ cũng xuất hiện. Âm thanh là Thượng Đế, là Tạo hóa. Các ngài đều nói cùng một sự việc, vì Phật Thích Ca, Lão Tử, Kinh Thánh, Hồi giáo, Ấn giáo đều nói cùng một học thuyết. Sau khi tu pháp môn Quán Âm, rồi đi nghiên cứu kinh điển ta sẽ hiểu. Đại khai ngộ rồi sẽ biết, bất cứ kinh điển nào cũng đều nói như nhau.