PDA

View Full Version : Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 [15] 16 17

VietLang
05-15-2007, 01:46 PM
Dẹp yên cõi Bắc, Nguyễn Huệ được phong
Đánh phá Cao Bằng, Duy Chỉ bị hại


Lại nói, khi Tôn Sĩ Nghị chạy trốn về nước, trong lúc vội vàng, không kịp thu nhặt đồ đạc. Đến khi tới huyện Phượng Nhãn lại nghe nói tướng Tây Sơn là Đắc lộc hầu đem quân từ mặt đông kéo lên chặn đường, đã gần tới nơi, Nghị lại bị một phen khủng khiếp, các vật cần thiết mang theo, đều phải vứt bừa ra giữa đường để mong chạy thoát lấy thân mình. Cho nên những vật của vua Thanh ban cho như sắc thư, kỳ bài, quân ấn đều bị quân Tây Sơn bắt được đem về.

Nguyên mùa đông năm ngoái, theo lời xin của Nghị, vua Thanh đã truyền lệnh cho Nghị đem quân ra ngoài cửa ải Nam Quan. Sau đó, vua Thanh lại có chỉ dụ bảo Nghị đi từ từ, chớ có vội; hãy làm tờ hịch đưa sang trước làm thanh viện cho nhà Lê, rồi thả bọn bề tôi nhà Lê về nước, tập hợp nghĩa binh, tìm tự tôn họ Lê, để cho ra mặt đối địch với Nguyễn Quang Trung, thử xem sự thế ra sao? Nếu như lòng người An Nam còn mến nhà Lê, lại được thiên binh kéo sang, thì ai chẳng hăng hái nổi lên, và như vậy, Quang Trung ắt phải lui tránh. Bấy giờ sẽ bảo tự tôn họ Lê đi tiên phong đuổi đánh còn Nghị thì đem đại binh tiếp theo, chắc là không khó nhọc gì mà sẽ thành công. Đó là chước hay thứ nhất. Nếu như người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Quang Trung nhất định sẽ không chịu lui. Khi ấy, cần phải viết thư nói rõ hoạ phúc, xem hắn đối phó ra sao? Rồi chờ cho thuỷ quân các tỉnh Mân, Quảng (Phúc Kiến và Quảng Đông, Quảng Tây) của ta vượt biển đánh trước vào Thuận Quảng (Thuận Hoá và Quảng Nam), bấy giờ sẽ thúc quân tiến lên. Quang Trung mặt trước mặt sau đều bị đánh, tất phải hàng phục. Ta nhân đó mà bảo tồn cho cả hai. Thuận, Quảng về nam cho Quang Trung ở; Hoan, ái (Nghệ An, Thanh Hoá) về bắc, phong cho tự tôn họ Lê. Rồi đó, đóng đại binh ở nước ấy, xa xa kiềm chế họ, sau này sẽ có cách xử trí khác.

Đến khi đại quân của Nghị ra khỏi cửa ải Nam Quan nghe tin quân Tây Sơn đã lui chạy, tức thì Nghị sai chỉnh đốn đội ngũ, kéo thẳng đến đóng ở thành Thăng Long, không còn lo lắng gì cả, vì thế mới thua một trận tan tành.

Bấy giờ dân Thanh thái bình đã lâu, không biết gì đến việc binh, thấy Nghị tất tả chạy về, nhân tình đều nhốn nháo sợ hãi. Tiếp đó lại nghe tin quân Tây Sơn đuổi đến Lạng Sơn, nói phao lên rằng: "Sẽ giết hết rợ Hung Nô". Do đó, ở đất Trung Quốc, dân chúng lại càng nhốn nháo. Từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người.

Vua Thanh được tin, giận lắm, lập tức hạ chỉ, sai viên quan ở nội các là Phúc Khang An làm tổng đốc lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh sang kinh lý việc An Nam và đòi Sĩ Nghị về kinh chịu tội.

Lại nói, Nghị ở Thăng Long chạy đi, nhằm đêm mồng 5 tháng giêng. Đến trưa hôm ấy, vua Quang Trung tiến quân vào thành.

Sau khi đã hoàn toàn quét sạch quân Thanh, vua Quang Trung bèn đóng quân tại thành Thăng Long, rồi hạ lệnh chiêu an. Phàm những người Thanh trốn ở các nơi, đều bảo phải tới đầu thú, dân gian không được chứa chấp. Trong khoảng mươi ngày, quân Thanh ra thú có đến hơn vài vạn, đều được cấp phát lương ăn áo mặc.

Nhân bắt được chiếu thư và quân ấn do Sĩ Nghị bỏ rơi, vua Quang Trung bèn đưa cho Ngô Thì Nhậm xem và bảo:

- Ta xem tờ chiếu của vua Thanh, thì chẳng qua họ cũng chỉ cốt xem tình hình ta mạnh yếu ra sao để mà định bề tiến lui, chớ còn việc nghĩa cử để dựng lại nhà Lê, không phải là bản tâm của họ. Họ chỉ mượn tiếng để mưu đồ lợi riêng mà thôi. Nay họ đã bị ta đánh thua, nhịn đi thì thẹn, báo thù thì khó. Vậy những tàn quân ta bắt được, đều nên cấp lương và đưa hết lên cửa ải. Ngươi vốn giỏi về nghề văn từ đối đáp, nên thảo ngay bức thư đưa sang cho họ, đại khái nói:

"Ta là nước nhỏ, một lòng kính thuận, sợ mệnh trời, thờ nước lớn, sao dám có ý gì khác. Trước đã có biển văn đệ sang, bị ngài tổng đốc họ Tôn dìm đi, không thấu đến bề trên được. Gần đây, ta từ miền Nam tới, vốn là muốn biện bạch lòng thật thà với ngài tổng đốc họ Tôn. Không ngờ đường sá đồn nhảm, làm to thanh thế của ta, khiến cho mọi người nghi ngờ sợ hãi, bỏ đội ngũ mà chạy trước, để đến nỗi cầu phao bị đứt, quân lính thiên triều phải chết đuối, những kẻ tranh đường chạy trốn lại giày xéo lẫn nhau nhiều người bị thương bị chết. Đó thật là do ngài tổng đốc họ Tôn gây nên, không phải là tội của nước nhỏ dám giao chiến. Hiện nay đã thu góp được số tàn quân hơn một vạn người, lại đã tra rõ họ tên, quê quán, cấp lương đầy đủ và đưa lên cửa ải; vậy xin kê sổ dâng nộp...".

Thì Nhậm vâng lệnh, lập tức theo ý đó thảo một bức thư, rồi sai người phi ngựa giao cho viên đầu mục ở Lạng Sơn đưa tới ải Nam Quan, nhờ chuyển đệ sang Trung Quốc.

Lại nói, viên tổng đốc lưỡng Quảng mới là Phúc Khang An vốn là người Mãn, thuộc đội Cờ viền vàng (hộ khẩu của dân Mãn chia theo binh chế, gồm có tám đội Cờ (bát kỳ): Cờ vàng, Cờ trắng, Cờ đỏ, Cờ xanh, Cờ viền vàng, Cờ viền trắng, Cờ viền đỏ, Cờ viền xanh. Các đội Cờ này lúc thường thì làm dân, lúc động thì làm lính. Về sau, khi người Mông, người Hán qui phục nhà Thanh, vua Thanh Thái tông cũng tổ chức ra bát kỳ người Mông và bát kỳ người Hán như vậy, để làm lực lượng nòng cốt trong việc thống nhất Trung Quốc) do chân ấm sinh làm đến chức quan trong Nội các, vua Thanh vốn rất tin dùng, nên mới giao cho kinh lý việc nước Nam.

Vừa mới thay Nghị làm chức tổng đốc, Khang An đi trạm đến mạc phủ Quảng Tây, đã chính mắt thấy Nghị trơ trọi một thân chạy về, rồi đó, tai lại được nghe thanh thế của vua Quang Trung, nên trong bụng không khỏi rụt rè lo sợ. Đến khi tiếp được bức thư từ biên cương đưa tới, Khang An quyết liền tự mình gánh vác lấy việc phương Nam, bèn nói kín với viên phân phủ họ Vương ở phủ Thái Bình rằng:

- Nam Bắc thôi việc binh đao, đó là phúc của sinh dân, mà thực là điều may lớn cho các quan ở ngoài bờ cõi. Ta nghe nói có viên quan coi việc giấy tờ của nước Nam tên là Ngô Thì Nhậm, bao nhiêu thư từ từ trước đến giờ đều do tay y mà ra. Vậy ông nên viết thư trả lời, bảo y chuyên tâm chủ trương việc giảng hoà, gấp rút viết tờ biểu tạ tội đưa sang, ta sẽ ở trong giúp đỡ cho, việc ấy thế nào cũng xong.

Phân phủ họ Vương lui ra, tức thì viết thư cho Ngô Thì Nhậm. Nhậm đem việc ấy tâu với vua Quang Trung.

Bấy giờ, vua Quang Trung tuy đã dẹp yên Bắc Hà, nhưng ở miền Nam, vẫn có cái lo bên trong, nên muốn gấp rút về Nam, bèn họp các tướng sĩ lại mà bảo:

- Việc binh ở Bắc Hà, ta giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Việc giao thiệp với Trung Quốc ta giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy ích. Mọi việc đều cho phép các ngươi tuỳ tiện xử trí. Ta hãy về Nam, nếu việc gì không quan hệ lắm thì bất tất phải qua lại bẩm báo cho thêm phiền phức.

Rồi đó, vua Quang Trung dẫn quân về Nam, để Văn Sở ở lại, coi giữ hết thảy việc quân, việc nước. Còn Ngô Thì Nhậm thì làm chủ về việc giao thiệp với Trung Quốc, cùng với viên quan giữ biên ải của nhà Thanh là phân phủ họ Vương hai bên liên lạc với nhau; ngoài thì có Phúc Khang An đề đạt ý kiến, trong thì có Các thần Hoà Khôn chủ trương mọi việc.

Hoà Khôn người Mãn Châu, thuộc đội Cờ vàng, cũng do chân ấm sinh vào làm ở Nội các, cùng với Khang An quản lý việc hộ.

Khang An gửi thư cho Thì Nhậm, bảo Nhậm đưa vàng bạc đút lót Khôn. Khôn kiền tâu với vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung, và không nên gây hấn với nước ngoài, làm hao phí cho Trung Quốc. Khôn lại nói: "Từ xưa đến nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành".

Vua Thanh cho là phải, bèn quyết ý giảng hoà. Bọn Hoà Khôn đón ý vua Thanh làm cho mọi việc đều ăn khớp, nên không việc gì là không vừa lòng nhà vua. Bởi vậy, vua Thanh rất thích, thường viết thư khen ngợi họ.

Khi ấy, Khang An liền báo tin cho Thì Nhậm biết, giục Nhậm viết tờ biểu tạ ơn. Nhậm thảo một tờ biểu, trong đó nói kèm thêm rằng: "Nước chúng tôi đã đến kỳ tiến cống, theo lệ phải kính sai bồi thần đệ dâng lễ vật. Nhưng tiểu phiên (nước phiên thuộc nhỏ mọn, ở đây là một cách nói nhún để chỉ vua Quang Trung) còn là tạm quyền việc nước, không dám tự ý làm việc ấy, vì sợ chưa hợp lệ. Mà nếu điềm nhiên bỏ đi lòng cũng không yên. Nay các vật phẩm tiến cống và các người bồi thần đều đã kính cẩn đợi sẵn trên cửa ải. Vậy xin cúi mong bề trên quyết định, chúng tôi khôn xiết run sợ chờ lệnh... ".

Khang An tiếp được tờ biểu tạ ơn ấy, lập tức sai ngựa trạm đệ về Yên Kinh. Hoà Khôn liền đem biểu dâng lên. Vua Thanh xem xong, thích lắm, bèn truyền cho các bồi thần nước Nam là bọn Võ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đình Cử được phép qua cửa ải, vào chờ ở thành Quế Lâm; lại sai sứ thần sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam quốc vương và ban thưởng cho rất hậu. Còn các phẩm vật tiến cống đều chiếu lệ cũ mà thu nhận. Liền đó, vua Thanh lại giáng chỉ vời vua An Nam sang chầu.

Ngô Thì Nhậm bèn kén viên quan võ người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường ở trấn Nghệ An, tên là Nguyễn Quang Thực (Đại nam chính biên liệt truyện sơ tập lại chép là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu), dung mạo đoan trang, giả làm quốc vương; lấy Văn Sở làm trọng thần hàng võ, Huy ích làm trọng thần hàng văn, đô đốc Nguyễn Duật làm hộ vệ, Võ Huy Tấn làm bề tôi coi giấy tờ, cùng hầu "quốc vương" sang yết kiến vua Thanh. Ngoài lễ dâng thường của địa phương lại dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói.

Khi "quốc vương" tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết đó là vua Quang Trung giả. Lúc "quốc vương" vào yết kiến, vua Thanh cho cùng ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối hệt như tình cha con trong nhà. Lúc "quốc vương" lạy tạ về nước, vua Thanh sai thợ vẽ truyền thần bức chân dung mà ban cho, ân lễ rất trọng hậu, thực là một cách đối đãi khác thường từ ngàn xưa hiếm có.

Lại nói, vua Lê khi ở cửa ải Nam Quan theo Sĩ Nghị vào đất Trung Quốc, trú ngụ ở thành Nam Ninh, thì vừa gặp lúc Phúc Khang An đến thay Sĩ Nghị, và mưu đồ giảng hoà với Tây Sơn. Khang An bèn đón vua Lê vào nghỉ ở thành phủ Quế Lâm. Hồi ấy những người nước Nam lần lượt sang Trung Quốc theo vua Lê gồm có: Chú vua là Trung quận công Duy án, đi đường Du Quan (ở hồi 9 đã chép Duy án đi cùng với phái bộ Trần Công Xán vào Tây Sơn đòi đất Nghệ An, sau phái bộ bị dìm chết ở ngoài biển. Đây lại thấy Duy án xuất hiện, không hiểu là chép lầm hay án còn sống sót mà người viết không ghi rõ chăng?); Đinh Nhạ Hành và Đinh Lệnh Dận quê ở Hàm Giang, đi đường Long Môn; nội hàn Trần Duy Lâm, quê ở Nam Chân; xuất nạp Lê Doãn, quản cơ Hậu Kính Lê Dĩnh người ở Đồng Trạch và bọn Phan Khải Đức người Nghệ An đều đi đường ải Nam Quan; bọn Bế Nguyễn Cung, Bế Nguyễn Doãn là phụ đạo ở Cao Bằng đi đường Cao Bằng. Lúc họ vào ra mắt, Khang An tuỳ tiện sắp đặt chỗ ở và cấp cho lương ăn áo mặc, rồi dùng Phan Khải Đức làm chức đô ty ở Liễu Châu, Đinh Nhạ Hành làm chức thủ bị ở Toàn Châu, Bế Nguyễn Doãn làm chức bả tổng. Còn Trung quận công cùng các người khác thì đều đưa vào ở chỗ vua Lê trong phủ Quế Lâm.

Sau hơn một tháng, Khang An cũng từ Nam Ninh về Quế Lâm, liền hạ lệnh bãi hết binh mã các tỉnh, rồi bày ra yến tiệc và âm nhạc linh đình, rộn rã. Vua Lê lấy làm lạ hỏi, thì Khang An nói:

- Mùa hè nắng nực, không lợi cho việc sang đánh miền Nam, cần chờ đến mùa thu mát mẻ, sẽ điều động một thể.

Tiếp đó, Khang An lại mời vua Lê yến tiệc say sưa, rồi ung dung nói:

- Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc (kiểu đầu của người Mãn Thanh: gọt tròn xung quanh như cái nồi đất, rồi tết đuôi xam ở đằng sau), thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá" Vương nên nghĩ tới chỗ đó.

Vua Lê cho là phải và đáp:

- Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc, cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?

Rồi vua Lê cùng các bề tôi đều gióc tóc, thay đổi đồ mặc. Khang An thấy vậy, mừng lắm, liền cho một số tiền bạc và tiếp đãi tử tế. Vua tôi nhà Lê đều không biết sự lừa dối của Khang An. Nhân đó, Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, trong đó đại ý nói: "Vua An Nam là Lê Duy Kỳ, không còn có ý xin cứu viện, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam". Còn Hoà Khôn cũng luôn dịp tâu xin phong vương cho vua Quang Trung. Thế là các lời xin ấy đều được vua Thanh chuẩn y.

Một hôm, Khang An lại mời vua Lê vào dinh. Giáo mác trang hoàng la liệt, quân hầu đứng khắp chung quanh, cung mã, nghi trượng rất là nghiêm chỉnh, chính giữa dựng cây cờ lớn, có thêu sáu chữ: "Đề đốc cửu tỉnh binh mã" (đề đốc binh mã chín tỉnh).

Sau khi uống trà và ăn hoa quả xong, An im lặng không nói câu gì, vua Lê cũng không hiểu ý của An ra sao. Lúc từ giã đi ra, thì thấy sứ giả Tây Sơn đã ở ngoài cửa. Vua Lê tức tối hồi lâu, rồi đành phải về quán trọ yên nghỉ.

Trước kia Trường phái hầu là Lê Quýnh vâng mệnh ở lại trong nước, chiêu dụ hào kiệt các địa phương để lo việc khôi phục. Lúc này, Quýnh và bọn Trịnh Hiến, Lý Tạo, Lê Hợp (có bản chép là Lý Nhu Đạo, Lê Doãn Thực) tất cả gồm vài chục người đều kéo sang đất Trung Quốc. Khang An cho trát đòi bọn Quýnh đến bàn việc nước. Lúc họ tới nơi, An chẳng hỏi han gì, chỉ bàn về việc gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc mà thôi.

Quýnh biết An dối trá, giận lắm, nói:

- Đòi ta đến ngỡ là để giáp mặt mà bàn bạc, nay té ra lại chẳng bàn bạc gì, mà chỉ toàn bảo gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc. Chúng ta đây, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi!

Khang An biết là không thể ép buộc được, bèn sai đem bọn họ an tri ở tỉnh Quảng Tây.

Hồi cuối mùa đông năm ấy là năm Kỷ Dậu (1789), vua Thanh sau khi đã sai sứ phong cho vua Quang Trung làm An Nam quốc vương và nhận các vật phẩm tiến cống, liền giáng chỉ đòi vua cũ của nước An Nam phải đến Yên Kinh.

Nguyên lúc kinh thành Thăng Long tan vỡ, vua Lê chạy sang bắc, em thứ ba của vua Lê là Lan quận công Duy Chi đưa hoàng phi chạy ra, đến bến sông Nhĩ Hà thì gặp lúc cầu phao đã gãy, liền theo bờ sông chạy về phía tây. Đến Tuyên Quang, Duy Chi bèn lén lút ở đấy, rồi nhân dịp chiêu dụ các tay hào mục địa phương, để cùng nhau gắng sức lo việc khôi phục. Về sau, Duy Chi dấy quân ở đất Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng), đắp đồn luỹ, trưng thu lương thực, chống nhau với quân Tây Sơn. Được vài tháng, quân và lương không đủ, bị quân Tây Sơn đánh thua, Duy Chi và các tướng tá đều bị bắt, đóng cũi đưa về Nam, rồi đều bị hại (theo Đại nam chính biên liệt truyện và Bang giao lục thì Duy Chi đánh phá cả các vùng Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên; sau lại liên kết với Lào để định đánh úp Nghệ An. Vì thế, quân Tây Sơn phải đánh dẹp rất gay go, kéo dài hàng năm (1789-1790) mới bắt được Chi). Quân dân cả nước, ai cũng thương xót. Có người viếng bài thơ, trong có câu rằng:

Phú Xuân có đất chôn hờn mới.

Bảo Lạc không trời báo oán xưa.

Duy Chi đã chết, hoàng phi bèn trốn về vùng Kinh Bắc, lẻn lút trong dân gian, quân Tây Sơn tìm bắt nhưng không được.

Lúc bấy giờ, vua Lê ở Yên Kinh, tin tức không thông, các hoàng thân đều bị quân Tây Sơn giết hại. Các bề tôi trung nghĩa ngày xưa như bình chương Nguyễn Huy Túc, tham tri Phạm Đình Dữ, thượng thư bộ Binh Nguyễn Đình Giản, thiêm thư xu mật viện sự Lê Ban, phó đô ngự sử Trần Danh án, trấn thủ Kinh Bắc Trần Quang Châu đều phải trốn nấp ở các nơi thôn ổ, quân Tây Sơn lùng bắt không được. Còn con cháu dòng dõi của các nhà quyền quý phần nhiều cũng vẫn có cảm tình với chủ cũ. Nên chi, trong chốn làng quê, tiếng trống thường nổi lên luôn luôn.

Nguyễn Đình Giản, từ khi vua Lê chạy sang Trung Quốc, không kịp chạy theo, bèn ẩn ở huyện Lập Thạch thuộc trấn Sơn Tây (nay thuộc Vĩnh Phú).

Vua Quang Trung cho người đến trấn Thanh Hoa, bắt con gái yêu của Giản đưa vào hậu cung muốn để vời Giản ra làm quan. Nhưng Giản nói:

- Con bé ấy không chết, làm nhục nhà ta, ta không vì tình nhi nữ mà bỏ nghĩa vua tôi.

Quân Tây Sơn biết không thể đoạt nổi chí hướng của Giản, bèn lập mưu bắt sống Giản về. Giản không chịu khuất, rồi chết. Giản có làm bài thơ tự thuật như sau:

Vị thân hay vị nước nhà,

Thân còn nước mất biết là làm sao?

Đội non khôn hoá thân ngao (sách Liệt sử chép: ở biển Đông có năm hòn núi nổi lênh đênh trên mặt nước, trời sai 15 con ngao đỡ cho núi đứng vững. Đây mượn ý để nói việc chống đỡ quốc gia),

Dễ đem mình cuốc khóc gào núi sông (xưa vua Thục là Đỗ Vũ mất nước, sau khi chết hoá thành con cuốc, tiếng kêu ai oán).

Giận không Vương Xúc gươm trung (Vương Xúc làm quan nước Tề đời Chiến Quốc, sau Tề vị nước Yên chiếm, Vương Xúc dùng gươm tự tử),

Đọc ca chính khí dãi lòng sắt đanh (Chính khí ca của Văn Thiên Tường, một trung thần đời Tống, làm khi bị giam ở yên kinh).

Ngoảnh nhìn cung khuyết Long thành,

Thân này với nước nhục vinh nỡ rời!

Lê Ban khôi ngô, hùng dũng, sức khoẻ hơn người; mỗi bữa ăn gấp mấy chục người. Sau khi vua Lê bị nạn, Ban thường quanh quẩn bên cạnh, không từ hiểm nghèo. Đến khi vua Lê chạy sang Trung Quốc. Ban theo không kịp, bèn đi đường tắt về quê ở Nghệ An, cùng các hào mục địa phương họp quân đánh nhau với Tây Sơn, bị thua mấy trận rồi bị bắt. Ban giữ vững chí cũ, không chịu khuất phục. Quân Tây Sơn bèn thả cho về. Sau Ban chết ở Thăng Long.

Trần Danh án lưu lạc ở miền rừng núi, thôn quê trong xứ Bắc Giang. Vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm viết thư vời án. án cố từ, thề chết không chịu ra, lời lẽ phần nhiều gay gắt. Nhân dịp, án lại làm bài thơ trả lời Nhậm như sau:

Gặp bác đời nay dễ mấy lần,

Dung nhan phảng phất mộng luôn gần.

Về ai nước ấy thôi đành kệ,

Nương trọ, đời nay chỉ biết thân.

Song bắc giấu mình còn nhớ Tấn (điển Song bắc trỏ Đào Tiềm người đời Tấn, vì khi Đào Tiềm cáo quan về nhà, trong một lá thư gửi cho bạn, ông có viết câu "Bắc song cao ngoạ..." (Nằm hóng mát dưới cửa sổ phía bắc) để nói về cái thú ở ẩn. Đào Tiềm là tôi cũ của nhà Tấn, khi Tống cướp nước Tấn, Đào Tiềm viết lách gì cũng vẫn đề niên hiệu của nhà Tấn để tỏ lòng trung nghĩa)

Biển Đông thà chết chẳng theo Tần (điển Biển Đông trỏ Lỗ Trọng Liên người nước Tề đời Chiến-quốc. Khi Lỗ Trọng Liên sang chơi nước Triệu, gặp lúc nước Tần vây Triệu rất gấp; bấy giờ có sứ nước Nguỵ sang Triệu bàn nên tôn Tần làm hoàng đế thì sẽ khỏi bị vây; Trọng Liên nghe nói, không bằng lòng, gặp sứ Nguỵ bàn lẽ phải trái và nói; nếu Tần xưng đế thì Liên này thà nhảy xuống biển Đông mà chết chứ không chịu làm tôi tớ cho Tần... Lời nói khảng khái ấy của Trọng Liên, quả nhiên đã làm cho quân Tần phải rút lui, không vây Triệu nữa).

Người sau bên mộ giơ tay trỏ:

Tiến sĩ đời Lê cũ, họ Trần.

Nhậm biết không thể khuất phục được án, bèn ngầm sai người đem quân đến hăm doạ. Nhưng án vẫn ngồi làm thơ, thần sắc như thường, trong có câu rằng:

Kiếp này dẫu béo mồm hùm sói,

Thà chết không làm bụng chó heo!

Quân Tây Sơn lại dỗ cho làm quan to, cuối cùng án vẫn không theo, họ bèn thôi.

Trần Quang Châu cùng bọn bộ tướng, nhóm quân đánh lại Tây Sơn, ngang dọc trong hai trấn Đông Bắc (Hải Dương và Kinh Bắc). Khoảng trong bốn năm năm liền, luôn luôn phá vỡ đồn luỹ và giết được rất nhiều tướng tá của Tây Sơn, khiến cho quân Tây Sơn cũng phải khiếp sợ Châu. Sau mắc mưu gian, Châu bị quân Tây Sơn bắt sống. Châu cũng không chịu khuất phục, rồi chết (theo các tài liệu lịch sử, thì những cuộc chống đối của đám cựu thần nhà Lê bấy giờ còn có: Dương Đình Tuấn (Bắc Giang). Nguyễn Phủ (Bắc Ninh), Phạm Đình Đạt (Bắc Ninh)... Nhưng cuối cùng cũng đều bị Tây Sơn dẹp tan).

Từ đó trở đi, các trấn yên lặng, không phải lo sợ về nạn binh hoả nữa.

Sau khi nhận sắc phong của vua Thanh, vua Quang Trung bèn tự coi mình như hoàng đế, lập con cả là Quang Toản làm thái tử, con thứ hai là Quang Thuỳ là Khang công, lĩnh chức tiết chế các quân thuỷ bộ miền Bắc, con thứ ba là Quang Bàn làm Tuyên công lĩnh chức đốc trấn Thanh Hoa, Tổng lý mọi việc quân, dân. Các trấn đều đặt một viên trấn thủ, một viên hiệp trấn. Mỗi huyện đặt một viên phân tri và hai viên tả hữu quản lý để trưng thu binh lương và xử lý việc kiện cáo. Lại lập ra binh chế, chia ra các cấp quan võ; lấy đạo thống lĩnh làm cơ, lấy cơ thống lĩnh các đội, để quản thúc và luyện tập cho quân lính.

Các trấn từ sông Gianh ra Bắc đều phải kê khai sổ đinh, chiếu theo lệ cũ kén lính và thu các thứ thuế dung (tức thuế thân, do Trịnh Cương đặt ra), thuế cước. Lập sổ ruộng, định lệ thóc thuế. Chia ruộng công, ruộng tư ra làm ba bậc để thu thuế. Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói, để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái-hoà hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ (các quan vào chầu và chúc mừng nhà vua). Thành này được gọi là Phượng Hoàng trung đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành (thành này Quang Trung định lập làm nơi đóng đô nên mới gọi là "trung đô" hoặc "trung kinh"; còn tên "Phượng Hoàng" là gọi theo tên ngọn núi ở chỗ xây dựng thành, "tức rú Quyết cạnh đường Bến Thuỷ bây giờ". Khi xây dựng "Phượng Hoàng trung đô", Quang Trung có viết chiếu mời Nguyễn Thiếp ra xem đất. Trong tờ chiếu, có đoạn viết như sau: "Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng, chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về" - Xem thêm chi tiết trong La Sơn phu tử của Hoàng Xuân Hãn).

Năm Canh tuất (1790), nước Ai-lao chưa chịu tiến cống. Vua Quang Trung bèn sai viên đốc trấn Nghệ An là Nguyễn Quang Diệu (có sách chép Trần Quang Diệu. Việc Quang Trung đánh Lào, thực ra không phải nhằm mục đích chiếm đất, mà chỉ cốt phá tan âm mưu cấu kết giữa Duy Chi và vua Lào) làm chức đại tổng quản, viên đô đốc lĩnh tượng chính là Lê Văn Trung làm chức đại tư lệ xuất quân tiến đánh.

Quân Tây Sơn tiến đến đô thành nước Ai Lao, vua Ai Lao chống cự không nổi, đem quân chạy trốn. Bọn Diệu vào thành, thu hết vàng bạc, châu báu, voi ngựa đem về.

Sau khi được vua Thanh phong vương, vua Quang Trung càng thêm kiêu căng, có ý xem khinh Trung Quốc. Vừa lúc ấy, có giặc Tàu ô (tên gọi chung bọn giặc biển người Trung Hoa bấy giờ, thường đi tàu thuyền ở ven biển Việt Nam để ăn cướp) ở lưỡng Quảng cướp bóc miền ven biển, quân Thanh đuổi đánh, bọn giặc liền chạy xuống vùng Nam Hải và xin quy phục nước Nam. Vua Quang Trung bèn cho bọn đầu mục của chúng đều làm chức thống binh, đồng thời lại sai chúng trở lại cướp bóc quấy nhiễu miền duyên hải của Trung Quốc. Từ đấy các thuyền buôn bán không thể qua lại giá cả hàng hoá cao vòn vọt. Vua Quang Trung lại dung nạp cả bọn giặc Tàu ô ở Tứ Xuyên gọi là "Thiên địa hội" ("Thiên địa hội" không phải là giặc Tàu ô, mà là một tổ chức bí mật của nhân dân Trung Quốc, nhằm lật đổ triều đình Mãn Thanh, thành lập năm 1674, lúc đầu trung tâm ở vùng Phúc Kiến, sau phát triển khắp nơi trong nước, thâm nhập cả vào các tầng lớp Hoa kiều ở ngoài nước). Tổng đốc nhà Thanh bấy giờ sợ sức mạnh của nước Nam, nên cũng không dám hỏi chi đến.

Qua những việc đó, vua Quang Trung càng cho người Thanh là dễ đánh, bèn tính việc kén chọn quân lính, dành dụm lương thực, đóng tàu biển thật lớn, có thể chở nổi voi, rồi cùng các quan văn võ ngấm ngầm để ý dòm ngó Trung Quốc.


Thật là:

Cõi Bắc vừa xong trường chiến đấu,
Ải Nam lại nẩy dạ anh hùng.