PDA

View Full Version : Hội An - Lê Văn Hảo



VietLang
05-15-2007, 03:24 PM
Hội An


Cách thành phố Đà Nẳng (tỉnh lỵ của Quảng Nam - Đà Nẳng) khoảng 25km về hướng đông nam, nằm trên bờ sông Thu Bồn và chỉ cách biển Đông 5km, đô thị cổ Hội An gần đây đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều khách tham quan, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Thật ra Hội An, mà người phương Tây gọi là Faifo, Haipo, đã được nhắc đến nhiều ở các thế kỷ XVII - XVIII nó còn là một thương cảng quan trọng của Đàng Trong nước Đại Việt dưới quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn. Vốn là một cảng biển của vương quốc Chămpa, được gọi tên là Đại Chiêm hải khẩu trên tập bản đồ thời Hồng Đức (thế kỷ XV), nó đã trở thành một thị trấn ven biển của người Việt với tên gọi là Hải Phố có lẽ từ thời Trần. Trên tấm bản đồ Đại Việt công bố năm 1953 Alexandre de Rhodes đã vẽ cửa sông Thu Bồn cạnh đó ghi hai chữ HAIPHO mà sau này người nước ngoài sẽ đọc trệch thành Faifo, Haipo.

Vào đầu thế kỷ XVI (từ 1516) người Bồ Đào Nha đã đến khảo sát vùng biển Hội An, và thương nhân của họ là những người nước ngoài đầu tiên đến buôn bán với nhân dân Đàng Trong (từ 1540). Tiếp theo đó là những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp..., những nhà truyền giáo người YÙ, Bồ, Pháp, Tây Ban Nha... trong đó có giáo sĩ Pháp nổi tiếng De Rhodes.

Trên thực tế Hội An ở những thế kỷ trước đã từng là một thương cảng lớn của miền Đông Nam Á và một trung tâm quan trọng của công cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây.
Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, hoàn cảnh xã hội và điều kiện thiên nhiên biến động nhiều : chiến tranh giữa Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn đã tàn phá Hội An dữ dội, các con sông đổi dòng, cửa sông Thu Bồn bị phù sa bồi lấp, thuyền bè ra vào khó khăn, một cảng biển mới hình thành ở Đà Nẳng nơi cửa sông Hàn. Từ đó Hội An chỉ còn là một phố nhỏ hiền lành trầm mặc soi mình trên dòng sông biếc xanh.

Đầu những năm 80 của thế kỷ này Hội An được phát hiện lại như là một trong những đô thị cổ quý báu còn lại của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Khu phố cổ nằm ở phía nam thị xã Hội An ngày nay, sát con sông Thu Bồn. Phố Lê Lợi (xưa gọi là phố Hội An) được xây dựng đầu tiên cách nay khoảng 4 thế kỷ, rồi đến phố Trần Phú (xưa là phố cầu Nhật Bản) cách nay hơn 3 thế kỷ rưỡi là nơi tập trung đông đảo người Nhật, sau đó là phố Nguyễn Thái Học (tên cũ là phố Quảng Đông) được người Trung Hoa xây dựng cách đây hơn 300 năm, các phố khác như Phan Chu Trinh (phố Minh Hương xưa), Trần Quý Cáp (phố chợ Cũ), Nguyễn Thị Minh Khai (phố Khải Định cũ), một phần phố Trưng Nhị và đường Bạch Đằng ven sông Thu Bồn... đều là những phố cổ với nhiều chùa, đình, đền, miếu, hội quán, nhà thờ họ, nhà ở, chợ búa... được xây dựng từ rất lâu đời.

Bắc qua một con ngòi nhỏ, nối liền hai xã Cẩm Phô và Minh Hương xưa là chiếc cầu gỗ dài 18m có mái lợp ngói được gọi là cầu Nhật Bản, tương truyền do cộng đồng người Nhật ở Hội An góp tiền xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Nhân dân địa phương quen gọi di tích cổ nhất của Hội An này là chùa Cầu, còn sách vở xưa thì gọi là cầu Lai Viễn. Mặt cầu cong vồng lên ở giữa, mái cầu cũng uốn cong mềm mại, chùa thờ Bắc Đế và Trấn Võ, mặt bằng hình vuông nhỏ nhắn như một cái miếu nối liền với đoạn giữa của cầu theo dạng chuôi vồ.

Nổi bật lên giữa đô thị cổ là khoảng hai mươi ngôi chùa và hội quán cổ đáng chú ý là chùa Phúc Kiến (Mẫn Thương hội quán có từ năm 1687), chùa Ngũ Bang (Dương Thương hộiquán), chùa Quảng Triệu (Quảng Đông Hội Quán), chùa Hải Nam (Quỳnh Phủ hội quán) và chùa ông Bổn (hội quán Triều Châu) xây suốt 40 năm mới xong (1845 - 1885)... đều là những chùa to đẹp thờ Phật, thờ Thánh, dù được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được những bộ khung nhà chạm trổ, những cánh cưả gỗ chạm lộng, những mảng điêu khắc, những đồ cổ quý hiếm của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Âu...

Tiêu biểu nhất cho kiến trúc Hội An là những ngôi nhà cổ, ví dụ nhà số 1001 Nguyễn Thái Học, nhà số 4 Nguyễn thị Minh Khai, nhà số 37, 77 và 129 phố Trần Phú... là kiểu nhà gỗ hình ống dài 40m - 70m thông suốt hai mặt phố, mặt ngoài dành để buôn bán và chứa hàng, bên trong là khu ở với nhiều gian có sân sáng suả và nhà cầu nối các gian, tất cả các bộ phận của nội thất đều được chạm trổ, trang trí rất tinh xảo.

Điều làm ta thích thú ngạc nhiên là các ngôi nhà cổ ở Hội An đều được cấu trúc đa dạng, rất khác nhau về tổ chức không gian cũng như về nghệ thuậât điêu khắc, trang trí, nghệ thuật bài trí sân vườn trồng hoa và cây cảnh. Trên đất nước ta có lẽ Hội An là nơi chứa đựng cái hình mẫu đầu tiên của ngôi nhà rường với mái vỏ cua (còn gọi là mái thừa lưu), một biện pháp mở rộng diện tích nội thất rất thông minh, tưởng chỉ thấy ở Phú Xuân (Huế), nhưng chính trong những ngôi nhà cổ ở Hội An lại được sử dụng phổ biến. Ở đây đặt ra một vấn đề là tìm hiểu ảnh hưởng qua lại của văn hóa Hội An với văn hóa Phú Xuân xưa, cụ thể là giữa kiến trúc Hội An với kiến trúc cung đình Huế, và thông qua Hội An là ảnh hưởng của kiến trúc Á Đông (Trung Hoa, Nhật Bản) mà nghệ nhân Việt Nam đã tiếp nhận trong những thế kỷ giao lưu văn hóa trước đây.

Đến Hội An, du khách còn có thể đi thuyền trên sông Thu Bồn, vượt cửa Đại ra khơi thăm Cù Lao Chàm và những đảo yến. Vùng Cưả Đại - Cù Lao Chàm là nơi tắm biển và nghỉ mát tươi đẹp.

Nếu Huế với di sản kiến trúc cung điện, lăng tẩm là tiêu biểu cho tài nghệ sáng tạo của văn hóa bác học, cung đình, cổ điển thì Hội An chính là một trong những cái nôi của văn hóa dân dã, nền tảng của tính cách dân tộc và bản sắc nhân dân. Đô thị cổ Hội An xứng đáng được hồi sinh để tiếp đón tất cả những ai muốn tìm về cái hài hòa lắng đọng của tâm hồn Việt Nam.


Lê Văn Hảo