quachtinhdaica
05-17-2007, 02:28 AM
Đại Lộ Kỳ Diệu
Lâm Hân
Làm thêm cật lực tại văn phòng tư vấn xây dựng nửa năm, tôi thu gom món tiền kha khá, theo đuổi chương trình làm việc sáu tháng cùng nhóm kiến trúc sư đàn anh. Đây cũng là đồ án tốt nghiệp Kiến trúc của tôi. Một vài đồng môn ngỡ tôi phát điên khi quyết định bay ra tận phương Bắc chỉ để vẽ và viết luận văn, điều mà những kẻ khôn ngoan có thể thực hiện dễ dàng ở nhà. Tuy nhiên, tôi đã chán ngấy phác thảo các dự án chỉ nằm trên bản vẽ và ra sức tán hươu tán vượn về nó thêm 50 trang giấy nữa.
Ngoài ra, còn lý do bí ẩn khiến tôi lao đầu vào kế hoạch phiêu lưu này. Minh, bạn gái của tôi suốt 3 năm đại học đột ngột đề nghị chia tay. Chẳng có lý do nào ra hồn. Lòng can đảm để hỏi thẳng những điều không thể cứu vãn thì tôi lại chẳng có. Các gặp gỡ về sau trở nên khó chịu kinh khủng. Mọi thứ từng dính líu đến tôi và Minh - trạm xe bus dán poster quả táo khổng lồ trước cổng trường đại học, băng ghế gỗ ngồi chung quán cà-phê cóc, những giá vẽ lênh khênh trong studio và vô số điều bé nhỏ khác ngỡ như cố ý phả vào không khí nỗi buồn thảm bất tận màu xanh ve. Không chôn mình trong rạp chiếu bóng mải miết xem phim kinh dị, cũng chẳng nốc say bí tỉ như các chàng si ngốc kỳ quái trên phim ảnh, nhưng tôi vẫn muốn làm gì đó hầu xé rách các hình ảnh tầm thường bủa vây. Trong lần tình cờ, tôi mua được từ cửa hàng hip-hop cái mũ màu vàng đắp miếng da che sau gáy. Miếng da lộn màu vỏ cây trông mới man rợ làm sao. Nó khiến các đồng môn lớp tôi cười khành khạch như một cánh rừng đầy khỉ. Trong cái mũ quái gở, tôi lạnh lùng sải bước trên các bậc thang giữa giảng đường. Minh chỉ liếc qua thờ ơ. Thờ ơ đến độ khi kiếm được chỗ, tôi gục mặt xuống bàn, hơi thở lạnh cóng xâm chiềm lồng ngực.
Trong tích tắc, tôi quyết định điện thoại cho nhóm kiến trúc sư đàn anh, xin theo họ bay ra Hà Nội. “Nghĩ cho kỹ, anh bạn. Đây không phải chuyến du lịch chôn vùi xúc cảm - trưởng dự án châm biếm – áp lực công việc chỉ là một nửa sự khủng khiếp. Nửa còn lại là gì, biết không?” Tôi phớt lờ. Miễn sao đi xa, có việc quan trọng tập trung đầu óc, thoát ra chuỗi suy nghĩ bi quan muộn phiền. Tuy nhiên, khoảng sau ba tuần đặt chân đến Hà Nội, một việc rắc rối xảy ra đột ngột đã cho tôi biết thế nào là nửa còn lại của sự khủng khiếp.
2.
Buổi sáng mát lạnh. Các đàn anh đã ra khu đảo du lịch làm thực địa. Còn một mình ở căn hộ chung cư tầng năm cả nhóm thuê chung, trong khi lục tìm tập tài liệu kết cấu dưới đáy valise, tôi bị mảnh vỡ chai thuỷ tinh cắt đứt mé cổ tay. Thật là tai họa. Máu chảy nhiều đến chóng mặt. Rửa dưới vòi nước lớn, vùi tay vào đá lạnh đều không ăn thua. Tủ thuốc của người chủ cho thuê nhà hoàn toàn trống rỗng. Nhớ lơ mơ cách ngừa nhiễm trùng hình như lang băm, tôi nốc bừa một chai rượu mạnh đã mở. Hơi cay nóng sộc thẳng lên đầu khiến tôi như phát khùng. Sau khi buộc tạm qua quýt bằng cái khăn tay, tôi nhảy bổ vào thang máy, chạy xuống đường đi lùng nhà thuốc tây.
Con phố dài. Những tiệm thực phẩm, hàng quần áo, hiệu sách liên tiếp. Nhưng chẳng có một hiệu thuốc nào. Đứng cạnh gốc cây dâu da xoan, mỗi lúc tôi thêm lo lắng. Vài người tình cờ trên đường sang sớm ngoảnh nhìn tôi, mắt nghi ngại. Chà, trông tôi hẳn như tội phạm với mớ tóc rồi bù thò ra ngoài mũ lưỡi trai kì dị, dép Gravis trắng xỏ ngón đi ngược, cái quần túi hộp nhăn nhúm và bàn tay trái máu đang bắt đầu chảy dọc xuống, thấm ướt chéo khăn thắt nút vội vàng. “Trước khi chết mất với cái chứng máu không đông này, mình sẽ chết vì bị dò xét nghi ngại!” – Tôi lẩm bẩm, tự nguyền rủa bản thân ba trăm lần.
Tôi dừng tại ở trạm xe bus. Tuyến đường nơi đây sẽ vào trung tâm thành phố. Từ đó, chắc chắn tôi có thể lao thẳng đến bệnh viện bất kỳ. Tôi tính toán trong chớp mắt và kiên nhẫn chờ đợi. Sau lưng tôi, bức poster trạm chờ xe bus cũng vẽ quả táo khổng lồ. Thật khó chịu. Giá như tôi có thể hét tướng lên, đá tung mấy cái hộp nước rỗng dưới chân. Đầu băng ghế kia, có người cũng chờ xe bus. Một cô gái đeo kính phi công, cái túi màu da bò rộng khác thường đeo trên vai, áo khoác jean xanh. Trông cô ta nghiêm trang như bức tượng mới tinh. Ô, dù tôi chẳng thuộc loại đi soi mói các cô gái rồi bình phẩm lăng nhăng, nhưng tôi dám nói cái người cùng ngồi chờ xe bus hết sức mảnh khảnh. Bởi dù cố ý mặc trang phục vài dày cộp, khuỷu tay, đầu gối và cổ cô ta vẫn gầy giơ xương. Chỉ có mái tóc và đôi bàn tay là khá. Tôi nói thật đấy. Máy tóc thẳng mềm mượt như tóc dân da đỏ loà xoà xuống lưng áo thật tự nhiên. Còn móng tay thì không chê vào đâu được, sạch tinh, cắt sát, đầu ngón hồng hồng. Cô gái chẳng buồn để ý tôi mảy may. Tự dưng tôi thấy chán, cung mạnh tay vào băng ghế. Vết thương nhói đau. “Chết tiệt!” – Ôm chầm lấy cánh tay trước ngực, tôi thét lên hoang dã. Người cùng chờ xe bus giật nảy người. Bay về phía tôi câu hỏi khẽ khàng, thảng thốt: “Anh làm sao thế?” “Chẳng sao cả!” – Tôi vẫn rống lên như bò tót. Thoắt, tựa cơn lốc nhẹ, cô gái đã đứng trước mặt tôi, trầm trọng đề nghị: “Anh đưa tay đây. Tôi xem hộ vết thương cho!”. Toan phun ra vài câu thô lỗ phòng vệ, tuy nhiên, một khoảnh khắc, nhìn xuyên lớp kính nâu, tôi tê dại. Đó là một ánh mắt tràn đầy xót thương mà rất hiếm hoi người ta có thể bắt gặp trong đời. Vết cắt sâu chưa khép miệng. Một gã trai cứng cỏi nhìn thấy cũng phát hoảng. Nhưng vẻ bình thảnh trên gương mặt cô gái khi đối diện khiến tôi im sững.
- Anh bị nặng đấy. Rất dễ nhiễm trùng. Tại sao không băng bó tử tế? – Cô ta giữ tay tôi, khẽ hỏi.
- Không có nhà thuốc hay phòng mạch tư nào trong khu vực này. Tôi chạy lồng lên khắp nơi như thằng ngốc. Một thành phố kỳ dị! – Cơn cáu giận vô cớ ập vào tôi.
- Anh không tự chăm sóc được ư? - Nụ cười lan toả gương mặt trắng xanh, như dợn sóng dao động mặt nước hồ yên tĩnh - Một cuộn băng. Lọ thuốc đỏ. Vài viên thuốc trong trường hợp khẩn cấp. Nhất là khi phải đi xa như anh...
- Sao cô biết tôi là kẻ đi xa? Sao cô lại muốn giúp tôi chứ? – Gân cổ hét tướng lên, rôi cố rụt cánh tay bị thương ra khỏi bàn tay mát dịu như phiến lá ban mai. Nhưng không thể. Cách cô ta nắm giữ tay tôi mới lạ thường làm sao.
- Giọng nói anh đấy thôi! Và anh đừng quên, người dân ở cái thành phố kỳ dị này có thói quen giúp đỡ người không may. Cho dù anh ta không thanh lịch lắm! – Sau khi buộc lại vết thương bằng chiếc khăn tay màu xanh vẽ những chiếc ô, cô gái chợt ngước lên nhìn sâu mắt tôi qua lớp kính nâu nhạt, thoáng mỉm cười – Anh này, tôi đang trên đường đến bệnh viện. Nếu muốn, anh có thể đi cùng, okay?
Tôi thở nhè nhẹ. Đứt tay, lảo đảo chạy ngoài phố, cho đến khi tuyệt vọng thì gặp một y tá kỳ dị. Có thể coi tất cả những điều ấy là may mắn được không? Xe bus đã đến. Ở bệnh viện, người ta tiêm cho tôi hai mũi thuốc, băng bó vế thương bằng dải băng sạch tinh. Khi tôi hỏi hoá đơn, người ta cho bíêt phiếu khám đã có người thanh toán. “Cô ta tên gì? Tôi có thể lấy địa chỉ cô ta để gửi lại tiền được không?” – Tôi hỏi bằng giọng điệu cố gắng nhẹ nhàng. Có lẽ thông cảm vẻ xuẩn ngốc của tôi, bà thu ngân chìa ra mẩu giấy nhỏ. Ngạn Nhiên. 19,5 tuổi. Bệnh nhân khoa K. Mặt sau tờ giấy ghi địa chỉ nhà. Tên một con phố bong ra từ trang sách cổ. Đọc lên, như nghe âm vang từ ngàn xưa. Tôi lẩm bẩm cảm ơn. “Nhất định tìm ra cô gái kia, trả tiền cho xong!” – Tôi tự nhủ. Tuy nhiên, kế hoạch dễ dàng ấy không thể thực hiện trong suốt hai tháng.
3.
Cả núi công việc chôn vùi tôi. Đó là cảm giác mệt mỏi tuyệt diệu. Một nửa thời gian, tôi thực hiện phần việc của nhóm. Vừa làm vừa học. Có khối kinh nghiệm đáng giá tôi tự vỡ vạc. Nửa thời gian còn lại tôi vẽ đồ án, bắt tay vào viết luận văn. Tuy nhiên, giữa những khối công việc dày đặc vẫn là các khoảng nứt vỡ mà các ý nghĩ u ám, buồn bã luồn vào. Thi thoảng, chỉ có một mình, mở PC kết nối vào net, tim tôi đập mạnh khi có email mới. Và tôi ngồi thừ rất lâu khi chẳng có tin tức gì từ Minh. Những lúc như thế, thế giới quanh tôi như nhúng vào nước quả dầm cũ kỹ. Và tôi là một con tàu chếnh choáng bơi trên mặt nước đỏ thẫm ấy, vô cùng đơn độc… Tôi buông thõng tay, tự hỏi sẽ là ai, sẽ làm gì trong thời gian sắp tới. Có khủng khiếp không nếu trở thành một kẻ tầm thường, với các bận tâm vặt vãnh? Liệu có đủ sức để làm nên những điều đáng kể như ngày xưa từng ước ao. Nhưng bằng cách nào? Một vệt nóng ấm chảy dọc gò má tôi, lẫn vào đám ria mép lởm chởm mấy hôm quên cạo. Cơn cáu kỉnh hoang dã lại trỗi dậy. Tôi xé toạc bản vẽ dở dang. Tiếng giấy rách loé lên, giật mình. Lảo đảo tôi bước về cửa sổ, bật khoá chốt. Khối khí mát lạnh ập vào. Tôi chùi nước mắt. Thế đấy, tự dưng lại khóc như một thằng oắt chẳng ra gì.
Từ tầng năm, có thể phóng tầm mắt nhìn ra thành phố lạ lùng. Mùa đông. Mặt trời trắng lạnh bất động. Dải sông xa chìm trong làn sương tím nhạt, bảng lảng bất tận. Vô số vòm cây như các khinh khí cầu xanh thẫm, trôi bồng bềnh vào thành phố. Các con đường bé nhỏ hồ như ngủ im. Thảng hoặc, có tiếng còi xe vẳng đến, tiếng một đám trẻ tranh cãi, tiếng tập nhạc vấp váp trên cây piano lặp đi lặp lại… Dấu hiệu cuộc sống xuyên qua sự tĩnh mịch. Ừ, có gì chăng nữa cũng phải cố gắng. Phía sau lớp vỏ buồn bã, vẫn có bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu hứa hẹn cho ngày nào tươi vui sáng sủa sắp đến. Chẳng nên vì một tình cảm chết đi mà đánh mất hy vọng, oán trách, ngờ vực cuộc sống này. Tôi xoa nhẹ đôi mắt mỏi mệt. Cái sẹo nâu nhạt cổ tay đập vào mắt tôi. Ồ, cái cô gái lạ lùng tôi còn mắc nợ! Tôi đã đánh mất mẩu giấy địa chỉ nơi dâu?
4.
Trực giác mách bảo tôi ra trạm chờ xe bus. Xác suất một trên một triệu. Nhưng tôi muốn nhìn thấy mái tóc kiểu người da đỏ ấy khủng khiếp. Muốn thật sự. Tôi chụp cái mũ vàng kỳ dị lên đầu. Áo khoác dày cộm cổ lỗ cọ vào sườn theo nhịp chân đi hối hả. Poster quả táo to tướng đỏ rực phía trước. “Sẽ là một băng ghế trống rỗng” – Tôi nhắm mắt, bước, lẩm bẩm. Mở mắt ra. Ngạt thở. Cô gái ngồi đó, như vẫn luôn ngồi đó. Và khi tôi bước đến gần hơn, cô ngẩng lên, mỉm cười, giọng trầm dịu dàng: “Chào! Tay anh hết đau chưa?”
Kể từ đó, hàng tuần tôi cùng Ngạn Nhiên đón xe bus đến bệnh viện. Ngồi cạnh một người có mái tóc tuyệt diệu, ngón tay sáng bóng và hơi thở thơm mát thật thú vị. Thú vị hơn khi nghe cô nói chuyện. Trả lời chính xác những gì bạn muốn biết. Khôi hài. Không khoe khoang. Cô đang học năm thứ hai khoa Đông Phương học. Biết hai ngoại ngữ. Đọc báo từ trang cuối trước. không xem phim nhưng biết tất cả các bản nhạc phim… Ở cổng bệnh viện, cô cười, đôi mắt rộng vẫn giấu sau đôi kính phi công: “Chờ tôi nửa tiếng, nhé!” Tôi ngồi im, sưởi nắng trên bãi cỏ yên tĩnh giữa các khối nhà liên kế quét vôi vàng. Đúng nửa giờ sau, cô gái hiện ra, vẻ mặt tươi tỉnh. Một hôm tôi quyết định đổi cách xưng hô:
- Em bị bệnh gì mà phải đi khám định kỳ?
- Xoàng thôi! - Lời đáp nhẹ tênh – Hôm nay bác sĩ bảo tiến triển tốt. Anh có muốn loanh quanh đâu đó? Ở các phố trung tâm Hà Nội, rất tuyệt nếu mê thích đi bộ.
Mỗi phố nhỏ một màu sắc, một mùi vị riêng biệt. Các tên đường giản dị huyền hoặc. Nếu quay trở lại đây lần nữa, nhắm mắt, tôi vẫn có thể gọi đúng từng tên. Nghe tôi nói, Ngạn Nhiên lặng đi. Tôi đánh bạo đề nghị cô choàng tay tôi. Thế mà cô đồng ý, như đây là hành động giản dị nhất đời. Tin tôi đi, sẽ không bao giờ bạn tìm thấy một cô gái thông minh như thế nữa đâu. Cả hai chúng tôi lạc sang dãy phố màu đỏ. Phố đồ chơi. Tôi sững sờ. Các vì sao ba ngôi. Mũ đỏ đốm trắng. Rừng thông xanh tươi hay lấp lánh trang kim. Những quả châu lôi kép mắt nhìn. Đường phố mùa đông ấm bừng lên. Noel đã về bao giờ, sao tôi không nhớ? Một ý nghĩ lạ lùng loé sáng trong đầu, rồi nắm nhẹ bàn tay Ngạn Nhiên: “Chúng ta đi mua quà Giáng sinh, nhé!”. “Để làm gì?” - Giọng nói rất trầm. Tôi siết chặt tay cô: “Để tặng nhau! Hai ngày nữa Noel rồi…”.
Rời khu phố cổ, chúng tôi lại lên xe bus. Đại lộ thênh thang. Những cửa hàng lắp kính sang trọng. Hàng hoá nhiều vô kể. Bỗng dưng, tôi muốn mua cho cô gái món quà thật tuyệt. Cái gì cũng được. Đắt mấy cũng được. Miễn cô cười vui. Khi tôi xăm xăm đẩy một cửa kính, Nhạn Nhiên níu tôi lại: “Chẳng cần phí phạm thế đâu. Có cách mua sắm này hay hơn. Giống hai nhân vật nghèo em từng đọc trong sách!” Chúng tôi đi học các cửa hàng. Tôi chỉ một áo khoác dày dặn, khăn choàng ca-rô thanh nhã, đôi bottes da mềm: “Của em hết đấy!” Cô gái gật cổ cười mắt long lanh: “Cảm ơn anh. Em thích làm sao!” và cô chọn cho tôi đôi giày thể thao đẹp lạ lùng, cái áo jean nhiều túi có đắp vải vàng. Tôi nhíu mày: “Anh chẳng ưa màu vàng!” “Nhưng em thích chiếc mũ vàng anh đội vô cùng!” - Lời nói vang lên giản dị, với tất cả sức mạnh chân thật của ý nghĩ. Tôi choáng váng. Chưa bao giờ tôi choáng váng đến thế. Mùa của yêu thương, của an ủi tốt lành đã đến. Đến theo một câu nói tình cờ ứa ra từ tim, thế thôi.
Tôi quay về thành phố với đồ án và luận văn hoàn tất. Giảng viên hướng dẫn hài lòng nỗ lực của tôi. Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng sáu. Tức là hai tháng sau khi Ngạn Nhiên mất, vì ung thư. Tôi đã trải qua giai đoạn thật sự khó khăn. Mỗi khi nhớ đến mái tóc tuyệt vời ấy thưa đi dưới cái mũ vàng tôi tặng cô, mỗi khi nhớ đến đôi mắt lấp lánh yêu đời cuối cùng cô đã cho tôi soi vào sau đôi kính phi công, tim tôi thắt đau. Nhưng đàn ông chỉ được khóc khi hy vọng và hạnh phúc, Ngạn Nhiên từng nói thế. Ừ, thế nên trong cuộc sống này, anh sẽ luôn mỉm cười, như khi chúng ta siết tay nhau trong mùa giáng sinh, bước bên nhau trên đại lộ diệu kỳ.
Lâm Hân.
Lâm Hân
Làm thêm cật lực tại văn phòng tư vấn xây dựng nửa năm, tôi thu gom món tiền kha khá, theo đuổi chương trình làm việc sáu tháng cùng nhóm kiến trúc sư đàn anh. Đây cũng là đồ án tốt nghiệp Kiến trúc của tôi. Một vài đồng môn ngỡ tôi phát điên khi quyết định bay ra tận phương Bắc chỉ để vẽ và viết luận văn, điều mà những kẻ khôn ngoan có thể thực hiện dễ dàng ở nhà. Tuy nhiên, tôi đã chán ngấy phác thảo các dự án chỉ nằm trên bản vẽ và ra sức tán hươu tán vượn về nó thêm 50 trang giấy nữa.
Ngoài ra, còn lý do bí ẩn khiến tôi lao đầu vào kế hoạch phiêu lưu này. Minh, bạn gái của tôi suốt 3 năm đại học đột ngột đề nghị chia tay. Chẳng có lý do nào ra hồn. Lòng can đảm để hỏi thẳng những điều không thể cứu vãn thì tôi lại chẳng có. Các gặp gỡ về sau trở nên khó chịu kinh khủng. Mọi thứ từng dính líu đến tôi và Minh - trạm xe bus dán poster quả táo khổng lồ trước cổng trường đại học, băng ghế gỗ ngồi chung quán cà-phê cóc, những giá vẽ lênh khênh trong studio và vô số điều bé nhỏ khác ngỡ như cố ý phả vào không khí nỗi buồn thảm bất tận màu xanh ve. Không chôn mình trong rạp chiếu bóng mải miết xem phim kinh dị, cũng chẳng nốc say bí tỉ như các chàng si ngốc kỳ quái trên phim ảnh, nhưng tôi vẫn muốn làm gì đó hầu xé rách các hình ảnh tầm thường bủa vây. Trong lần tình cờ, tôi mua được từ cửa hàng hip-hop cái mũ màu vàng đắp miếng da che sau gáy. Miếng da lộn màu vỏ cây trông mới man rợ làm sao. Nó khiến các đồng môn lớp tôi cười khành khạch như một cánh rừng đầy khỉ. Trong cái mũ quái gở, tôi lạnh lùng sải bước trên các bậc thang giữa giảng đường. Minh chỉ liếc qua thờ ơ. Thờ ơ đến độ khi kiếm được chỗ, tôi gục mặt xuống bàn, hơi thở lạnh cóng xâm chiềm lồng ngực.
Trong tích tắc, tôi quyết định điện thoại cho nhóm kiến trúc sư đàn anh, xin theo họ bay ra Hà Nội. “Nghĩ cho kỹ, anh bạn. Đây không phải chuyến du lịch chôn vùi xúc cảm - trưởng dự án châm biếm – áp lực công việc chỉ là một nửa sự khủng khiếp. Nửa còn lại là gì, biết không?” Tôi phớt lờ. Miễn sao đi xa, có việc quan trọng tập trung đầu óc, thoát ra chuỗi suy nghĩ bi quan muộn phiền. Tuy nhiên, khoảng sau ba tuần đặt chân đến Hà Nội, một việc rắc rối xảy ra đột ngột đã cho tôi biết thế nào là nửa còn lại của sự khủng khiếp.
2.
Buổi sáng mát lạnh. Các đàn anh đã ra khu đảo du lịch làm thực địa. Còn một mình ở căn hộ chung cư tầng năm cả nhóm thuê chung, trong khi lục tìm tập tài liệu kết cấu dưới đáy valise, tôi bị mảnh vỡ chai thuỷ tinh cắt đứt mé cổ tay. Thật là tai họa. Máu chảy nhiều đến chóng mặt. Rửa dưới vòi nước lớn, vùi tay vào đá lạnh đều không ăn thua. Tủ thuốc của người chủ cho thuê nhà hoàn toàn trống rỗng. Nhớ lơ mơ cách ngừa nhiễm trùng hình như lang băm, tôi nốc bừa một chai rượu mạnh đã mở. Hơi cay nóng sộc thẳng lên đầu khiến tôi như phát khùng. Sau khi buộc tạm qua quýt bằng cái khăn tay, tôi nhảy bổ vào thang máy, chạy xuống đường đi lùng nhà thuốc tây.
Con phố dài. Những tiệm thực phẩm, hàng quần áo, hiệu sách liên tiếp. Nhưng chẳng có một hiệu thuốc nào. Đứng cạnh gốc cây dâu da xoan, mỗi lúc tôi thêm lo lắng. Vài người tình cờ trên đường sang sớm ngoảnh nhìn tôi, mắt nghi ngại. Chà, trông tôi hẳn như tội phạm với mớ tóc rồi bù thò ra ngoài mũ lưỡi trai kì dị, dép Gravis trắng xỏ ngón đi ngược, cái quần túi hộp nhăn nhúm và bàn tay trái máu đang bắt đầu chảy dọc xuống, thấm ướt chéo khăn thắt nút vội vàng. “Trước khi chết mất với cái chứng máu không đông này, mình sẽ chết vì bị dò xét nghi ngại!” – Tôi lẩm bẩm, tự nguyền rủa bản thân ba trăm lần.
Tôi dừng tại ở trạm xe bus. Tuyến đường nơi đây sẽ vào trung tâm thành phố. Từ đó, chắc chắn tôi có thể lao thẳng đến bệnh viện bất kỳ. Tôi tính toán trong chớp mắt và kiên nhẫn chờ đợi. Sau lưng tôi, bức poster trạm chờ xe bus cũng vẽ quả táo khổng lồ. Thật khó chịu. Giá như tôi có thể hét tướng lên, đá tung mấy cái hộp nước rỗng dưới chân. Đầu băng ghế kia, có người cũng chờ xe bus. Một cô gái đeo kính phi công, cái túi màu da bò rộng khác thường đeo trên vai, áo khoác jean xanh. Trông cô ta nghiêm trang như bức tượng mới tinh. Ô, dù tôi chẳng thuộc loại đi soi mói các cô gái rồi bình phẩm lăng nhăng, nhưng tôi dám nói cái người cùng ngồi chờ xe bus hết sức mảnh khảnh. Bởi dù cố ý mặc trang phục vài dày cộp, khuỷu tay, đầu gối và cổ cô ta vẫn gầy giơ xương. Chỉ có mái tóc và đôi bàn tay là khá. Tôi nói thật đấy. Máy tóc thẳng mềm mượt như tóc dân da đỏ loà xoà xuống lưng áo thật tự nhiên. Còn móng tay thì không chê vào đâu được, sạch tinh, cắt sát, đầu ngón hồng hồng. Cô gái chẳng buồn để ý tôi mảy may. Tự dưng tôi thấy chán, cung mạnh tay vào băng ghế. Vết thương nhói đau. “Chết tiệt!” – Ôm chầm lấy cánh tay trước ngực, tôi thét lên hoang dã. Người cùng chờ xe bus giật nảy người. Bay về phía tôi câu hỏi khẽ khàng, thảng thốt: “Anh làm sao thế?” “Chẳng sao cả!” – Tôi vẫn rống lên như bò tót. Thoắt, tựa cơn lốc nhẹ, cô gái đã đứng trước mặt tôi, trầm trọng đề nghị: “Anh đưa tay đây. Tôi xem hộ vết thương cho!”. Toan phun ra vài câu thô lỗ phòng vệ, tuy nhiên, một khoảnh khắc, nhìn xuyên lớp kính nâu, tôi tê dại. Đó là một ánh mắt tràn đầy xót thương mà rất hiếm hoi người ta có thể bắt gặp trong đời. Vết cắt sâu chưa khép miệng. Một gã trai cứng cỏi nhìn thấy cũng phát hoảng. Nhưng vẻ bình thảnh trên gương mặt cô gái khi đối diện khiến tôi im sững.
- Anh bị nặng đấy. Rất dễ nhiễm trùng. Tại sao không băng bó tử tế? – Cô ta giữ tay tôi, khẽ hỏi.
- Không có nhà thuốc hay phòng mạch tư nào trong khu vực này. Tôi chạy lồng lên khắp nơi như thằng ngốc. Một thành phố kỳ dị! – Cơn cáu giận vô cớ ập vào tôi.
- Anh không tự chăm sóc được ư? - Nụ cười lan toả gương mặt trắng xanh, như dợn sóng dao động mặt nước hồ yên tĩnh - Một cuộn băng. Lọ thuốc đỏ. Vài viên thuốc trong trường hợp khẩn cấp. Nhất là khi phải đi xa như anh...
- Sao cô biết tôi là kẻ đi xa? Sao cô lại muốn giúp tôi chứ? – Gân cổ hét tướng lên, rôi cố rụt cánh tay bị thương ra khỏi bàn tay mát dịu như phiến lá ban mai. Nhưng không thể. Cách cô ta nắm giữ tay tôi mới lạ thường làm sao.
- Giọng nói anh đấy thôi! Và anh đừng quên, người dân ở cái thành phố kỳ dị này có thói quen giúp đỡ người không may. Cho dù anh ta không thanh lịch lắm! – Sau khi buộc lại vết thương bằng chiếc khăn tay màu xanh vẽ những chiếc ô, cô gái chợt ngước lên nhìn sâu mắt tôi qua lớp kính nâu nhạt, thoáng mỉm cười – Anh này, tôi đang trên đường đến bệnh viện. Nếu muốn, anh có thể đi cùng, okay?
Tôi thở nhè nhẹ. Đứt tay, lảo đảo chạy ngoài phố, cho đến khi tuyệt vọng thì gặp một y tá kỳ dị. Có thể coi tất cả những điều ấy là may mắn được không? Xe bus đã đến. Ở bệnh viện, người ta tiêm cho tôi hai mũi thuốc, băng bó vế thương bằng dải băng sạch tinh. Khi tôi hỏi hoá đơn, người ta cho bíêt phiếu khám đã có người thanh toán. “Cô ta tên gì? Tôi có thể lấy địa chỉ cô ta để gửi lại tiền được không?” – Tôi hỏi bằng giọng điệu cố gắng nhẹ nhàng. Có lẽ thông cảm vẻ xuẩn ngốc của tôi, bà thu ngân chìa ra mẩu giấy nhỏ. Ngạn Nhiên. 19,5 tuổi. Bệnh nhân khoa K. Mặt sau tờ giấy ghi địa chỉ nhà. Tên một con phố bong ra từ trang sách cổ. Đọc lên, như nghe âm vang từ ngàn xưa. Tôi lẩm bẩm cảm ơn. “Nhất định tìm ra cô gái kia, trả tiền cho xong!” – Tôi tự nhủ. Tuy nhiên, kế hoạch dễ dàng ấy không thể thực hiện trong suốt hai tháng.
3.
Cả núi công việc chôn vùi tôi. Đó là cảm giác mệt mỏi tuyệt diệu. Một nửa thời gian, tôi thực hiện phần việc của nhóm. Vừa làm vừa học. Có khối kinh nghiệm đáng giá tôi tự vỡ vạc. Nửa thời gian còn lại tôi vẽ đồ án, bắt tay vào viết luận văn. Tuy nhiên, giữa những khối công việc dày đặc vẫn là các khoảng nứt vỡ mà các ý nghĩ u ám, buồn bã luồn vào. Thi thoảng, chỉ có một mình, mở PC kết nối vào net, tim tôi đập mạnh khi có email mới. Và tôi ngồi thừ rất lâu khi chẳng có tin tức gì từ Minh. Những lúc như thế, thế giới quanh tôi như nhúng vào nước quả dầm cũ kỹ. Và tôi là một con tàu chếnh choáng bơi trên mặt nước đỏ thẫm ấy, vô cùng đơn độc… Tôi buông thõng tay, tự hỏi sẽ là ai, sẽ làm gì trong thời gian sắp tới. Có khủng khiếp không nếu trở thành một kẻ tầm thường, với các bận tâm vặt vãnh? Liệu có đủ sức để làm nên những điều đáng kể như ngày xưa từng ước ao. Nhưng bằng cách nào? Một vệt nóng ấm chảy dọc gò má tôi, lẫn vào đám ria mép lởm chởm mấy hôm quên cạo. Cơn cáu kỉnh hoang dã lại trỗi dậy. Tôi xé toạc bản vẽ dở dang. Tiếng giấy rách loé lên, giật mình. Lảo đảo tôi bước về cửa sổ, bật khoá chốt. Khối khí mát lạnh ập vào. Tôi chùi nước mắt. Thế đấy, tự dưng lại khóc như một thằng oắt chẳng ra gì.
Từ tầng năm, có thể phóng tầm mắt nhìn ra thành phố lạ lùng. Mùa đông. Mặt trời trắng lạnh bất động. Dải sông xa chìm trong làn sương tím nhạt, bảng lảng bất tận. Vô số vòm cây như các khinh khí cầu xanh thẫm, trôi bồng bềnh vào thành phố. Các con đường bé nhỏ hồ như ngủ im. Thảng hoặc, có tiếng còi xe vẳng đến, tiếng một đám trẻ tranh cãi, tiếng tập nhạc vấp váp trên cây piano lặp đi lặp lại… Dấu hiệu cuộc sống xuyên qua sự tĩnh mịch. Ừ, có gì chăng nữa cũng phải cố gắng. Phía sau lớp vỏ buồn bã, vẫn có bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu hứa hẹn cho ngày nào tươi vui sáng sủa sắp đến. Chẳng nên vì một tình cảm chết đi mà đánh mất hy vọng, oán trách, ngờ vực cuộc sống này. Tôi xoa nhẹ đôi mắt mỏi mệt. Cái sẹo nâu nhạt cổ tay đập vào mắt tôi. Ồ, cái cô gái lạ lùng tôi còn mắc nợ! Tôi đã đánh mất mẩu giấy địa chỉ nơi dâu?
4.
Trực giác mách bảo tôi ra trạm chờ xe bus. Xác suất một trên một triệu. Nhưng tôi muốn nhìn thấy mái tóc kiểu người da đỏ ấy khủng khiếp. Muốn thật sự. Tôi chụp cái mũ vàng kỳ dị lên đầu. Áo khoác dày cộm cổ lỗ cọ vào sườn theo nhịp chân đi hối hả. Poster quả táo to tướng đỏ rực phía trước. “Sẽ là một băng ghế trống rỗng” – Tôi nhắm mắt, bước, lẩm bẩm. Mở mắt ra. Ngạt thở. Cô gái ngồi đó, như vẫn luôn ngồi đó. Và khi tôi bước đến gần hơn, cô ngẩng lên, mỉm cười, giọng trầm dịu dàng: “Chào! Tay anh hết đau chưa?”
Kể từ đó, hàng tuần tôi cùng Ngạn Nhiên đón xe bus đến bệnh viện. Ngồi cạnh một người có mái tóc tuyệt diệu, ngón tay sáng bóng và hơi thở thơm mát thật thú vị. Thú vị hơn khi nghe cô nói chuyện. Trả lời chính xác những gì bạn muốn biết. Khôi hài. Không khoe khoang. Cô đang học năm thứ hai khoa Đông Phương học. Biết hai ngoại ngữ. Đọc báo từ trang cuối trước. không xem phim nhưng biết tất cả các bản nhạc phim… Ở cổng bệnh viện, cô cười, đôi mắt rộng vẫn giấu sau đôi kính phi công: “Chờ tôi nửa tiếng, nhé!” Tôi ngồi im, sưởi nắng trên bãi cỏ yên tĩnh giữa các khối nhà liên kế quét vôi vàng. Đúng nửa giờ sau, cô gái hiện ra, vẻ mặt tươi tỉnh. Một hôm tôi quyết định đổi cách xưng hô:
- Em bị bệnh gì mà phải đi khám định kỳ?
- Xoàng thôi! - Lời đáp nhẹ tênh – Hôm nay bác sĩ bảo tiến triển tốt. Anh có muốn loanh quanh đâu đó? Ở các phố trung tâm Hà Nội, rất tuyệt nếu mê thích đi bộ.
Mỗi phố nhỏ một màu sắc, một mùi vị riêng biệt. Các tên đường giản dị huyền hoặc. Nếu quay trở lại đây lần nữa, nhắm mắt, tôi vẫn có thể gọi đúng từng tên. Nghe tôi nói, Ngạn Nhiên lặng đi. Tôi đánh bạo đề nghị cô choàng tay tôi. Thế mà cô đồng ý, như đây là hành động giản dị nhất đời. Tin tôi đi, sẽ không bao giờ bạn tìm thấy một cô gái thông minh như thế nữa đâu. Cả hai chúng tôi lạc sang dãy phố màu đỏ. Phố đồ chơi. Tôi sững sờ. Các vì sao ba ngôi. Mũ đỏ đốm trắng. Rừng thông xanh tươi hay lấp lánh trang kim. Những quả châu lôi kép mắt nhìn. Đường phố mùa đông ấm bừng lên. Noel đã về bao giờ, sao tôi không nhớ? Một ý nghĩ lạ lùng loé sáng trong đầu, rồi nắm nhẹ bàn tay Ngạn Nhiên: “Chúng ta đi mua quà Giáng sinh, nhé!”. “Để làm gì?” - Giọng nói rất trầm. Tôi siết chặt tay cô: “Để tặng nhau! Hai ngày nữa Noel rồi…”.
Rời khu phố cổ, chúng tôi lại lên xe bus. Đại lộ thênh thang. Những cửa hàng lắp kính sang trọng. Hàng hoá nhiều vô kể. Bỗng dưng, tôi muốn mua cho cô gái món quà thật tuyệt. Cái gì cũng được. Đắt mấy cũng được. Miễn cô cười vui. Khi tôi xăm xăm đẩy một cửa kính, Nhạn Nhiên níu tôi lại: “Chẳng cần phí phạm thế đâu. Có cách mua sắm này hay hơn. Giống hai nhân vật nghèo em từng đọc trong sách!” Chúng tôi đi học các cửa hàng. Tôi chỉ một áo khoác dày dặn, khăn choàng ca-rô thanh nhã, đôi bottes da mềm: “Của em hết đấy!” Cô gái gật cổ cười mắt long lanh: “Cảm ơn anh. Em thích làm sao!” và cô chọn cho tôi đôi giày thể thao đẹp lạ lùng, cái áo jean nhiều túi có đắp vải vàng. Tôi nhíu mày: “Anh chẳng ưa màu vàng!” “Nhưng em thích chiếc mũ vàng anh đội vô cùng!” - Lời nói vang lên giản dị, với tất cả sức mạnh chân thật của ý nghĩ. Tôi choáng váng. Chưa bao giờ tôi choáng váng đến thế. Mùa của yêu thương, của an ủi tốt lành đã đến. Đến theo một câu nói tình cờ ứa ra từ tim, thế thôi.
Tôi quay về thành phố với đồ án và luận văn hoàn tất. Giảng viên hướng dẫn hài lòng nỗ lực của tôi. Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp diễn ra vào cuối tháng sáu. Tức là hai tháng sau khi Ngạn Nhiên mất, vì ung thư. Tôi đã trải qua giai đoạn thật sự khó khăn. Mỗi khi nhớ đến mái tóc tuyệt vời ấy thưa đi dưới cái mũ vàng tôi tặng cô, mỗi khi nhớ đến đôi mắt lấp lánh yêu đời cuối cùng cô đã cho tôi soi vào sau đôi kính phi công, tim tôi thắt đau. Nhưng đàn ông chỉ được khóc khi hy vọng và hạnh phúc, Ngạn Nhiên từng nói thế. Ừ, thế nên trong cuộc sống này, anh sẽ luôn mỉm cười, như khi chúng ta siết tay nhau trong mùa giáng sinh, bước bên nhau trên đại lộ diệu kỳ.
Lâm Hân.