PDA

View Full Version : Pháp Môn Tu Hành Tình Thương Đại Lượng



Nhím Hoàng Kim
05-17-2007, 03:25 PM
Pháp Môn Tu Hành Tình Thương Đại Lượng

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại Formosa Ngày 5 Tháng 7, 1987
(Nguyên văn tiếng Trung Hoa)


Sau khi thọ Tâm Ấn, chúng ta cảm thấy sống trong cuộc đời này tựa như một giấc mơ vậy. Cảm thấy cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè dường như là người xa lạ. Dẫu rằng như thế, chúng ta vẫn phải đối xử tử tế với mọi người, cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, bởi vì chúng ta vẫn còn mối liên hệ nhân quả với họ. Mỗi người chúng ta có quan hệ mật thiết với tất cả chúng sinh, dù họ có Tâm Ấn hay không, họ là người tốt hay người xấu, nội đạo hay ngoại đạo, có tín ngưỡng hay không có, họ đều có quan hệ với chúng ta. Tất cả mọi sự buồn vui tốt xấu trên cõi đời này đều có quan hệ với chúng ta.

Những diễn biến đang xảy ra trên thế giới ít nhiều chúng ta đều có trách nhiệm, nguyên nhân vì trong quá khứ chúng ta có rất nhiều ý niệm, những ý niệm xấu và những ý niệm tốt, chúng ta họp cùng với các chúng sinh khác dựng lên thế giới này, dựng lên hoàn cảnh hiện tại, cho nên chúng ta không thể nói rằng: "Người đó xấu lắm, tôi không có quan hệ với họ." Thật sự có quan hệ! Rất có thể trong quá khứ, chúng ta thường trưởng dưỡng những tư tưởng thấp hèn, những quan niệm xấu xa và phạm phải nhiều lỗi lầm. Những quan niệm xấu xa và những lỗi lầm sai trái ấy, trải qua muôn đời muôn kiếp tích lũy trở lại, để trở thành hoàn cảnh hiện tại. Cho nên chúng ta có nghe nói rằng: "Nhất thiết vi tâm tạo." Chỉ vì tâm của chúng ta mà thế giới này tồn tại và sinh ra sự tốt xấu, cho nên chúng ta cần phải tu hành, sửa đổi những lỗi lầm đã phạm trong quá khứ và những chuyện không hay mà chúng ta đã gây ra.

Chúng ta có trách nhiệm đối với thế giới, bởi vì chúng ta đã tạo ra nhiều nhân xấu trong quá khứ, cho nên những tình trạng xấu hiện nay mới xảy ra, vì thế chúng ta cần sửa đổi những chỗ xấu này. Chúng ta tu hành không phải chỉ vì mình mà thôi, mà còn vì những người thân yêu, vì đất nước, thế giới và vũ trụ của chúng ta nữa, bởi vì tất cả những điều vừa kể đều có quan hệ với chúng ta, dù chúng tốt hay xấu, cũng vì sự hiện hữu của chúng ta mà chúng trở nên như thế. Cho nên tu hành vừa là chuyện bên trong cũng vừa là chuyện bên ngoài, do đó không thể nói: "Bây giờ tôi đã tu hành, tôi muốn bỏ cha, mẹ, chồng, vợ của tôi." Tu hành không phải như thế, hãy đối xử họ như trước vậy. Nếu trong lòng chúng ta tha thiết muốn xuất gia thì là một vấn đề khác. Chúng ta muốn cắt đứt quan hệ với thế gian để giúp cho sự tu hành được dễ dàng, tiến bộ nhanh chóng. Đây là sự lựa chọn của chúng ta, chỉ vì muốn cúng dường bản thân cho Thập Phương Tam Thế Phật và Thập Phương Tam Thế chúng sinh, cho nên mới xuất gia, trường hợp này ngoại lệ.

Nếu chúng ta chưa muốn xuất gia, chúng ta hãy giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, dù cho cha mẹ của chúng ta tốt hay xấu, chúng ta vẫn phải giữ gìn đạo hiếu với họ. Nếu như cha mẹ chúng ta có lỗi lầm, chúng ta hãy dùng điều đạo đức khuyên họ, dùng lời hiếu thảo, dịu dàng, tôn kính nói đạo lý cho họ nghe. Trong trường hợp họ không muốn nghe, hoặc trách cứ chúng ta, hoặc đã trải qua một thời gian lâu, mà họ vẫn không hiểu tư tưởng và đạo lý của chúng ta, chúng ta vẫn không thể trở nên một người con bất hiếu. Đối với chồng vợ chị em cũng vậy, cần phải dùng lời ngọt ngào, dịu dàng và đạo đức để nói chuyện, khuyên bảo và giải thích cho họ nghe, để họ hiểu, không nên ngồi một xó nào đó khóc lóc, rồi trách cứ chồng hoặc vợ chúng ta. Chúng ta không cố gắng tìm cách làm cho họ hiểu, sao có thể trách cứ họ? Rất có thể những việc chúng ta làm họ không thích, rồi sự hiểu lầm mỗi ngày một sâu, nên họ mới làm phiền chúng ta.

Dùng Tình Thương Cảm Hóa Người Nhà

Thật ra, đây cũng là trách nhiệm của mình, bởi vì chúng ta làm không đúng, nên họ mới hoài nghi, mới cảm thấy bất an, mới trách cứ tôi của chúng ta. Do đó chúng ta không nên trách cứ họ, chỉ tự trách mình không đủ trí huệ, không đủ biện tài vô ngại, không đủ lực lượng để chuyển hóa tâm hồn của người thân chúng ta. Chúng ta hãy hết lòng sám hối, càng tôn kính họ, càng yêu thương họ, càng săn sóc họ, để họ cảm thấy rằng, dù họ có tốt hay xấu, chúng ta vẫn không xa lánh họ, như thế họ mới cảm động, mới tin tưởng chúng ta, nhờ đó chúng ta mới được thanh thản tu hành, mới có thể dần dần độ họ, giúp họ trở về con đường chính đạo. Những việc này đều là trách nhiệm của chúng ta, có như thế mới thật là độ chúng sinh.

Làm người tu hành không nên càng tu càng kỳ cục, như chồng không tu thì mắng chồng, chồng không đồng ý thì cải vã với chồng, hoặc không nói chuyện với họ, không mua đồ cho họ, không quan hệ với họ, càng ngày càng xa lánh họ, như thế đối với ai cũng không có ích lợi gì. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng: "Bất kỳ chúng sinh nào cũng là người thân của chúng ta, bất kỳ chúng sinh nào chúng ta cũng phải yêu kính." Chúa Giê-Su cũng nói: "Hãy thương người láng giềng, và cũng hãy thương kẻ thù của ngươi." Tuy Ngài không có nói: "Hãy thương yêu bạn bè của ngươi," nhưng thương yêu bạn bè của mình là một chuyện đương nhiên. Thương một người đối xử tốt với chúng ta là một chuyện rất tự nhiên, ai cũng làm được. Những người đối xử tốt với chúng ta, dĩ nhiên chúng ta rất thích, chúng ta cũng muốn đối xử tốt với họ; nhưng đối với những người không tốt với chúng ta, chúng ta vẫn một mực yêu kính họ, tha thứ cho họ, đối xử tốt với họ, như vậy chúng ta mới cảm hóa được họ.

Chúng ta không phải vì muốn cảm hóa họ nên mới làm như thế, chúng ta hãy nghĩ rằng: "Người ấy thật đáng thương. Chúng ta thật có phước báu dày, chúng ta có tôi, chúng ta có đạo lý hay, có pháp môn tốt, có phước báo, có trí huệ để tu hành. Họ thật đáng thương, thời gian của họ dường như chưa đến, tâm trí họ nghĩ dường như chưa thông, họ chưa có trí huệ để cùng với chúng ta tu hành, họ thật đáng thương." Chúng ta hãy dùng tình thương, yêu kính họ hơn, bảo vệ họ hơn. Chỉ vì họ không hiểu hay không thể hiểu, đừng giận họ. Làm như thế không phải! Như thế không đúng với thái độ của người tu hành, không đủ lòng từ bi bác ái.

Chúng ta dù ở nơi nào, đối xử với bất cứ ai, hãy luôn luôn nhẫn nại và khoan dung. Nhưng có những khi tôi không dùng phương cách này để đối đãi với học trò, rất có thể tôi đuổi một người đi, điều này không phải tôi không thương họ. Nếu tôi la rầy một người hoặc là đối xử nghiêm khắc với họ, mục đích chỉ vì muốn họ mau mau sửa đổi khuyết điểm, nhanh chóng tiêu trừ nghiệp chướng, để ngã chấp của họ sớm bị phá vỡ, và lỗi lầm của họ sớm được tẩy sạch, bởi vì tôi biết họ đang làm gì, bản thân họ cũng biết họ đang làm gì, nhưng nếu chúng ta không biết, thì hãy dùng tình thương đối đãi với mọi người là điều an toàn nhất.

Vị Thánh Nhân Đáng Yêu

Trước khi tôi xuất gia, vào khoảng mười mấy tuổi, có người gọi tôi là Phật Sống. Lúc đó tôi không biết Phật sống là gì? Nhưng trong số bạn bè và những người thân quen, nhiều người đã gọi tôi như thế. Có người gọi tôi là "Thánh Đáng Yêu", hoặc có người gọi "Thánh Tếu", ý của họ muốn nói là một vị thánh nhân ngộ nghĩnh, thật đáng yêu. Còn có người gọi tôi là "Phật Sống", không phải họ thật sự nghĩ rằng tôi là Phật, ý của họ muốn nói cá tính, cử chỉ, thái độ của tôi cư xử với người tốt như một vị Phật sống vậy. Họ nghĩ rằng tôi là người thật dễ mến, thái độ đối đãi và xử thế thật nhẹ nhàng, không quá khô khan, lại rất vui vẻ. Cho nên có người mới gọi tôi là "Thánh Tếu", "Thánh Đáng Yêu", hoặc là "Thánh Vui Vẻ", và cũng có người gọi tôi là "Phật Sống" (một cách nghiêm trang hơn).

Bên Anh người ta cũng gọi tôi là "Phật Sống", ở Đức người ta gọi tôi là vị Thánh hay Bồ Tát đáng yêu, vui vẻ, còn bạn bè Âu Lạc gọi tôi là "Phật Sống". Vì sao lúc đó tôi chưa tu hành pháp môn nào, chưa đọc kinh niệm Phật, mà thái độ tu hành của tôi không cứng rắn khô khan, vẫn bình thường như quý vị vậy. Lúc đó tôi cũng chưa xuất gia, chỉ mới mười mấy tuổi đời, tuổi còn thật trẻ. Từ lúc tiểu học lên đến trung học, thậm chí khi lên đến hai mươi mấy tuổi, tôi đến quốc gia nào, họ cũng đều gọi tôi như thế cả, bởi vì họ xem hành động của tôi, không khác gì một vị Thánh nhân hay Bồ Tát.

Tôi không biết vì sao họ gọi tôi như thế, nhưng họ rất thật tình, họ thật sự nghĩ như thế, không phải chỉ cố tình đùa chơi. Đương nhiên cũng là chuyện vui thôi! Nhưng là chuyện vui đứng đắn, vì họ thật sự có cảm giác như thế, họ có hàm ý ngợi khen. Một người bình thường đối xử với một người bình thường đã như thế, chúng ta là người tu hành nên đối xử với người tốt hơn thế mới phải, bởi vì bây giờ đã hiểu biết đạo lý nhiều hơn! Lúc đó tôi không biết đạo lý, cũng không có Minh Sư hướng dẫn, dẫu rằng lúc còn bé có đọc kinh điển, đọc Đạo Đức Kinh, đọc kinh Phật, đọc Thánh Kinh v.v..., nhưng không có Minh Sư chỉ đạo, nên không biết đạo lý gì nhiều. Lúc đó tôi đối xử với mọi người một cách tự nhiên, bây giờ đương nhiên tôi đối xử với mọi người còn tốt hơn thế nữa.

Thương Cho Roi Cho Vọt

Nhưng có những lúc xem hành động tôi dường như tương phản, trước đây tôi không hay la rầy người, bây giờ lại có, tại sao vậy? Bởi vì đối với những học trò thân cận, tôi cần phải mau mau dạy họ, khiến họ tiến bộ nhanh hơn. Cho nên quý vị đừng thấy tôi la rầy một người nào, là nghĩ rằng tôi không thích người ấy, quý vị lầm rồi! Bởi vì thương nên mới la rầy họ, nếu tôi không thương thì tôi để mặc họ rồi. Quý vị những người tại gia, có phải hay la rầy con cái của mình không? Quý vị có đi sang nhà láng giềng la con cái của họ không? Nếu như con cái của người láng giềng đi ăn cắp, giết người, quý vị cũng đâu có quan tâm tới! Bởi vì họ không có quan hệ với quý vị, cho nên quý vị không hề có ý lo lắng, rất có thể quý vị không thích họ làm như thế, nhưng quý vị cũng không để tâm đến, trong lòng cũng không muốn đến nhà người ta để trông nom, quan tâm, lo lắng, hoặc đến nhà người ta nói chuyện đạo đức cho họ nghe, hoặc la rầy, xử phạt, bắt họ quỳ, hoặc đánh họ, quý vị có làm như thế không? (Đại chúng đáp: Không!)

Phần đông cha mẹ đều hy vọng con cái của họ giỏi hơn họ, nếu như quý vị là một nông phu, thì quý vị cũng mơ rằng con cái của mình tương lai sẽ trở thành hạ nghị sĩ hoặc là thượng nghị sĩ, làm tổng thống hoặc có địa vị cao, ví dụ bác sĩ, luật sư, v.v.... Rất nhiều cha mẹ, tuy không có học vấn, không có tiền tài, không có địa vị cao sang, nhưng họ cố gắng làm việc, ngậm đắng nuốt cay chịu muôn vàn gian khổ, sẳn sàng hy sinh tiền bạc, hy sinh thời gian của mình, để cho con cái của họ có được đời sống sung túc, hưởng địa vị cao, tiếp nhận một nền giáo dục tốt.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái của mình có cuộc sống sung túc hơn, cao sang hơn, giàu có hơn và hữu ích hơn. Tôi cũng vậy, nếu tôi la rầy một người nào, hoặc la rầy một người học trò nào, hoặc đối với người ấy nghiêm khắc như thế nào, đều là vì mong người đó trở thành một người tốt hơn tôi. Ví dụ tôi không đủ lòng khiêm tốn, nhưng tôi kỳ vọng đệ tử của tôi khiêm tốn hơn tôi, không cao ngạo như tôi. Ví dụ tôi không đủ trí huệ, nhưng tôi kỳ vọng đệ tử của tôi càng có trí huệ hơn tôi. Ví dụ đẳng cấp của tôi không đủ cao, tôi vẫn kỳ vọng đẳng cấp của quý vị cao hơn, tốt hơn tôi. Lực lượng của tôi trông không có bao nhiêu, nhưng tôi vẫn kỳ vọng lực lượng của đệ tử tôi nhiều hơn tôi.

Nếu như đẳng cấp của tôi chỉ mới vừa phát khởi tâm bồ đề mà thôi, chỉ mới vừa phát tâm thôi, chưa được gọi là Thánh Nhân, ý nghĩa của "phát tâm" là bây giờ bắt đầu học hỏi để trở thành Thánh Nhân; tuy như vậy tôi vẫn kỳ vọng đệ tử của tôi nhanh chóng trở thành Thập Địa Bồ Tát, đẳng cấp cao nhất của Thánh Nhân. Chỉ vì tôi kỳ vọng học trò của tôi tài giỏi hơn tôi, có lực lượng hơn tôi, tu hành nhanh hơn tôi, dù ở trong lãnh vực nào, phương diện nào cũng giỏi hơn tôi, cho nên tôi mới nghiêm khắc với học trò. Và cũng vì phần lớn quý vị đều hiểu cá tính của tôi, hiểu cách dạy của tôi, hiểu tình thương siêu thế giới mà tôi ban cho quý vị, không giống như thứ tình cảm ủy mỵ của nhân loại, cho nên tôi mới có thể nghiêm khắc đối với quý vị. Bởi vì tôi biết công việc của tôi là gì, cho nên tôi làm công việc của tôi.

Khiêm Tốn Dịu Dàng Là Phương Pháp Tốt Nhất Để Giao Thiệp Với Người Khác

Nếu như người thân của chúng ta vẫn chưa hiểu rõ đạo đức, chưa thông cảm được tư tưởng của chúng ta, đẳng cấp của chúng ta, hoặc là phương pháp tu hành của chúng ta, chúng ta hãy tỏ lòng khoan dung hơn đối với họ, không nên trách mắng họ, không nên đánh họ, không nên ép buộc họ tin tưởng chúng ta. Chúng ta cần phải thông minh hơn một chút, cho dù trong lúc truyền đạo hoặc truyền pháp, cũng không nên để cho họ cảm thấy dường như chúng ta đang giáo dục họ. Hãy dịu dàng, nói chuyện như lúc bình thường vậy, giống như ngồi uống cà phê, tâm sự với nhau, đừng để cho họ ngửi thấy mùi, làm cho họ cảm thấy như chúng ta muốn biến họ thành đệ tử của tôi, như thế sẽ làm hư chuyện, làm họ sợ hãi. Quý vị không thể nói: "Quý vị phải nghe theo lời của tôi, quý vị có biết lực lượng của Sư Phụ tôi như thế nào không? Quý vị phải biết, còn không quý vị sẽ xuống địa ngục. Nếu quý vị không tin Sư Phụ chúng tôi, thì quý vị là người tệ nhất. Quý vị thật là ngu, quý vị không biết Sư Phụ chúng tôi là vị Minh Sư cao nhất sao? Quý vị không biết vị Thánh sống đang ở đây sao? Quý vị không biết pháp môn của chúng tôi là cao nhất sao? Quý vị thật là đáng thương, đáng tội nghiệp, quý vị không có trí huệ gì cả." Không được nói như vậy, không ai thích nghe những lời như thế. Vì phần đông những người không có tu hành, lòng tự tôn của họ rất cao, ngã chấp rất lớn, chấp trước rất nặng. Họ nghĩ rằng tư tưởng của họ hay nhất, sự hiểu biết của họ cao nhất, tôn giáo của họ đúng nhất, sự suy nghĩ của họ hợp lý nhất, nếu như chúng ta làm thương hại đến lòng tự tôn của họ, thì chúng ta tự rước phiền toái đến cho mình.

Cho nên đừng để cho họ ngửi thấy mùi, cho rằng chúng ta muốn dạy bảo họ, muốn họ trở thành đồng tu của chúng ta, muốn họ trở thành tín đồ Phật giáo. Cũng không nên nói chuyện tôn giáo với họ, họ tin điều gì thì hãy để họ giữ niềm tin của họ. Họ tin vào Lão giáo (Đạo giáo), hãy giúp họ trở thành một tín đồ Lão giáo tốt, nói chuyện Lão giáo cho họ nghe. Bởi vì những chuyện này tôi đã giảng qua rồi! Đạo Đức Kinh tôi cũng có giảng qua một số, quý vị nói với họ: "Đạo Đức Kinh rất hay! Nhưng có một vài chỗ dường như không hiểu." Đừng có nói: "'Ngươi' không hiểu," mà hãy nói rằng: "'Chúng ta' không hiểu, biết đâu 'chúng ta' có thể giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi câu chuyện và tham khảo với nhau." Lúc đó quý vị mới nói ra những điều hiểu biết trong đẳng cấp của mình, những tư tưởng và ý kiến hiểu biết của mình. Trăm ngàn vạn lần cũng không nên bài bác ý kiến của họ.

Quý vị có thể nói: "Sự suy nghĩ của quý vị rất hữu lý, nhưng tôi cũng có chút ý nghĩ riêng, xin quý vị nán lòng nghe tôi nói, xem thử có lý không." Đừng vội vàng nói: "Lối suy nghĩ của quý vị không đúng! Quý vị lầm rồi! Quý vị thật là ngu! Không nên nói như vậy!" Hãy tiếp nhận ý kiến của họ trước, bởi vì họ cũng có ý kiến của họ, cũng có quyền tự do tư tưởng riêng của họ, họ muốn nghĩ gì thì họ nghĩ, họ muốn hiểu ra sao thì hiểu, đó là quyền của họ. Chúng ta không có quyền bài bác họ, như vậy mới có thể câu thông với họ được. Chúng ta cũng nên đứng trên lập trường của họ mà suy nghĩ thử, như vậy mới có thể hiểu biết lẫn nhau, câu thông với nhau, và như thế mới cứu được người.

Khoan Dung Như Đấng Tạo Hóa

Tu hành càng nhiều, càng dễ dàng thấu hiểu và rộng lượng khoan dung người khác, vì thế nên dễ dàng tiếp nhận ý kiến và đẳng cấp hiểu biết của họ, tôn trọng quyền tự do tư tưởng của họ, bởi vì vũ trụ này rất tự do! Tạo Hóa tạo muôn vật: Có cây cổ thụ, có ngọn cỏ con, còn có voi, có dán, có ếch nhái v.v..., Ngài bao dung tất cả, tại sao chúng ta không thể bao dung người thân của chúng ta, bè bạn của chúng ta, và tư tưởng của những người chúng ta quen biết? Chúng ta hãy bao dung như Đấng Tạo Hóa vậy. Tạo Hóa có thể bao dung vạn vật vũ trụ, chúng ta cũng có thể bao dung vạn vật vũ trụ, như thế mới có thể trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mới có thể trở thành cảnh giới cao nhất, đẳng cấp cao nhất. Rất có thể bây giờ chúng ta vẫn chưa hiểu biết, chưa đạt đến đẳng cấp này, nhưng chúng ta cần phải học, cần phải từ từ giả tưởng rằng: Chúng ta hay nhất, cao nhất. Rồi một ngày nào đó, chúng ta nhất định trở thành một người cao nhất, khoan dung nhất, có ái lực nhất, có lòng nhẫn nại nhất, như thế mới là người tu hành chân chánh.

Người tu hành không nên càng tu càng kỳ cục, càng tu càng không có quan hệ với người khác; khi nói đến không quan hệ là nói đến sự việc bên trong, còn bên ngoài vẫn như xưa; không thể nói: "Tôi với họ không có quan hệ." Bởi vì "chúng sinh vô biên thề nguyện độ", nếu như chỉ mới hai ba người mà không độ được, thì chúng sinh vô biên bao giờ mới được độ? Cho nên hãy có thêm tình thương, có thêm lòng nhẫn nại, có thêm lòng bao dung, đó là mục đích tu hành của chúng ta, cũng chính là pháp môn tu hành của chúng ta, không phải chỉ có ngồi xếp bằng hoặc tu Pháp Môn Quán Âm mới là tu hành. Đương nhiên đó cũng là tu hành! Nhưng bên ngoài vẫn còn nhiều pháp môn tu hành khác.

"Tình Thương" cũng là pháp môn tu hành, "Lòng Bao Dung" cũng là pháp môn tu hành, để cho người ta được tự do cũng là pháp môn tu hành của chúng ta, nếu không chúng ta tự ràng buộc mình vào trong Tam Giới, không được tự tại, bởi vì chúng ta xen vào hệ thống sống còn tự nhiên của vũ trụ, chúng ta muốn biến con dán thành con voi, chúng ta muốn cưỡng ép côn trùng thành bươm bướm, đều là những chuyện đáng buồn cười cả, không được làm như thế! Lão tử nói: "Thiên hạ vốn vô sự." Chúng ta vốn không cần gì cả, cũng không có gì để làm. Nếu như có người cùng với chúng ta tu hành, có cùng lý tưởng như chúng ta, chúng ta mới giúp đỡ họ, đừng vội vàng (chuyển hóa họ) làm chi.

Làm Một Vị Thánh Sống

Nếu như có thể ép chúng sinh tu hành, thì thế giới này đã trải qua mấy trăm ngàn tỷ năm rồi, mà sao tất cả chúng sinh vẫn không thành Phật? Nhất định có lý do riêng! Cho nên nếu người ta không tin chúng ta, chúng ta cũng không nên hối hả gì, cũng không nên ghét bỏ người ta. Họ có thể thù hận chúng ta, chúng ta cho phép họ thù hận, nhưng chúng ta không cho phép mình thù hận họ. Lòng từ bi, bác ái là pháp môn tu hành của chúng ta, từ trong nội tâm chiếu sáng ra bên ngoài, để người ta nhận thấy, để người ta cảm thấy chúng ta là một vị Phật Sống, để người ta cảm thấy chúng ta là một vị "Thánh Đáng Yêu", để người ta cảm thấy chúng ta dường như đúng là một vị Bồ Tát sống tại thế thật sự vậy.

Tôi hy vọng quý vị sẽ thực hiện được, và tôi cũng tin tưởng quý vị sẽ rất nhanh chóng thực hiện được, mỗi ngày đều có thể làm được. Nhưng quý vị cũng cần phải phối hợp với tôi, nếu quý vị đem đầu óc đóng lại, không cho tôi vào, tôi cũng không thể dạy quý vị, không câu thông được quý vị, tôi chỉ còn đợi khi quý vị ngủ mới có thể dạy quý vị, bởi vì lúc đó đầu óc quý vị thảnh thơi hơn, nó quá mệt rồi! Cho nên nó không còn gắng chống cự, thân thể cũng quá mệt mỏi rồi, không còn cố gắng đề kháng, cho nên tôi mới dạy quý vị dễ hơn. Có nhiều học trò tuy tọa thiền rất ít, vẫn thường mơ thấy vị Sư Phụ đến dạy bảo họ một số việc, hoặc trả lời những câu hỏi của họ, hoặc giúp đỡ họ, bởi vì lúc đó đầu óc của họ uyển chuyển hơn. Quý vị đã thọ Tâm Ấn, giấc ngủ cũng khác với người bình thường, cho nên giấc mơ cũng là thể nghiệm, đừng có nói cho người khác nghe. Nếu như nhất định muốn nói, có thể nói cho tôi nghe, hoặc là viết nhật ký, đợi đến khi hoàn cảnh thực tế xảy ra, lúc đó sẽ biết giấc mộng chính là điềm thật. Lúc đó sẽ biết được giấc mộng này chính là thể nghiệm tu hành, là do vị Sư Phụ đến báo tin trước, hoặc là đưa quý vị đến "trường học buổi tối" để tu hành và học hỏi.