PDA

View Full Version : Thần Điêu Đại Hiệp - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 [16] 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103

nguoibanthan_ph
05-17-2007, 07:45 PM
Ngọc-Nữ Tâm-kinh


Nhưng bỗng thình lình Triệu-chí-Kính phản công xông đến đánh luôn ba ngón liên tiếp mạnh như vũ bão, buộc Doãn-chí-Bình phải thối lui trở về võ điện.

Nhờ vậy mà hai người xa dần chỗ ngồi của Tiểu-long-Nữ. Dương-Qua đang mừng rỡ thì kế đó Doãn-chí-Bình thay đổi chiến thuật, chuyển kiếm sang tay trái, vận dụng chưởng lực ra tay phải, tung ra một luồng nhân điện hết sức mãnh liệt.

Triệu-chí-Kính vừa đánh vừa cười:

- Dẫu anh xử dụng ba tay cũng chẳng làm gì tôi được đâu.

Nói xong y cũng vận dụng chưởng lực ra tay trái nghênh chiến tức thì.

Cả hai vừa sử dụng kiếm pháp, vừa sử dụng nhân điện phổ thành nhân điện tấn công dồn dập, miếng đánh, miếng đỡ càng lúc càng thêm gay cấn.

Trong lúc ấy Tiểu-long-Nữ vẫn tập trung tư tưởng vào việc luyện công, chẳng hề để ý hay biết gì về ngoại cảnh.

Dương-Qua thì thấp thỏm theo dõi, lòng hồi hộp sợ hãi khi thấy hai người đến gần sư phụ, và vui mừng khi họ ra xa.

Sau một chập Doãn-chí-Bình quát to lên một tiếng vận dụng đủ mười hai thành công lực, tung ra một ngọn độc hiểm để kìm chế đối phương. Vì sự tấn công đột ngột và dũng mãnh, Triệu-chí-Kính cảm thấy lâm vào thế hạ phong, tay chân luống cuống không phối hợp được chưởng lực, bắt đầu e ngại và cảm thấy đối thủ quyết tâm hạ sát mình, vì lẽ mình hiểu thấu mối tình thầm lặng bất chính của y đối với người đẹp.

Trước kia hai người đã không ưa gì nhau. Nay do việc này đã gây thêm xa cách thù hận đến nỗi nảy sanh ý nghĩ sát hại lẫn nhau không nương tay.

Đấu thêm mấy hiệp nữa, Doãn-chí-Bình mím môi, tay trái phóng thẳng thanh kiếm, tay phải tung ra một chưởng đồng thời đá liên tiếp ba ngọn cước theo "Liên hoàn thế" một ngón tuyệt diệu bí truyền của phái Toàn-Chân vào hạ bộ đối thủ.

Triệu-chí-Kính vung kiếm một vòng che đỡ đồng thời nghiêng mình một bên để tránh chưởng lực và cước ác nghiệt. Nhưng vì ánh kiếm của Doãn-chí-Bình phóng quá mạnh toàn thân tung lên cao gần một trượng. Nếu người khác thì ngọn quyền này phối hợp với chưởng lực của hai tay Doãn-chí-Bình tận lực phóng ra, có thể gãy xương dập ngực ngay. Nhưng Triệu-chí-Kính nhờ khổ công đào luyện, nên mặc dầu bị đánh tung lên bất ngờ vẫn giữ được bình tĩnh và uốn mình nương theo đà bay lên, lộn luôn một vòng, hạ chân xuống đất một cách nhẹ nhàng.

Dương-Qua hồi hộp nhìn theo thấy chỗ hắn rơi đúng là nơi Tiểu-long-Nữ đang luyện công, nếu không trúng ngay đầu nàng thì cũng rơi ngay vào bụi hoa hồng bên cạnh. Lúc bấy giờ Tiểu-long-Nữ đang lõa thể, vì ánh trăng không chiếu vào chỗ ấy, nên người vô ý không nhìn thấy nàng.

Dương-Qua thất kinh vội vàng vận dụng chưởng lực vào hai tay theo thế "Sư-tử hí cầu" đẩy mạnh vào lưng Triệu-chí-Kính. Tiếp đến y phi thân nhảy đến, dùng sức xô người hắn bay bổng về phía trước vài trượng.

Tuy vậy, một nửa thân hình trắng như tuyết của Tiểu-long-Nữ đã hiện ra lồ lộ dưới ánh trăng.

Thân hình Triệu-chí-Kính rơi xuống rất mạnh, làm gẫy mấy nhánh cây răng rắc, khiến Tiểu-long-Nữ giật mình, toàn thân rung động mồ hôi toát như tắm. Tất cả khí lực đang vận dụng nửa chừng bỗng thối lui dồn hết xuống dưới bụng, khiến nàng tức thở chịu không nổi té xỉu ngất đi.

Doãn-chí-Bình vừa thấy Dương-Qua đột nhiên xuất hiện chưa hết ngỡ ngàng, bỗng nhìn rõ ràng thân hình người ngọc mà mình hằng mơ tưởng, lồ lộ dưới trăng trong đám hoa hồng, thật hết sức kinh ngạc, ngỡ là chiêm bao. Hắn chỉ biết trợn mắt, há miệng đứng nhìn, không nói năng gì hết.

Triệu-chí-Kính đã lăn mình một vòng đứng dậy được. Là người có bản lĩnh, sự té ngã như thế đâu có nghĩa lý gì và mặc dầu bị té hắn vẫn giữ đủ sức bình tĩnh nhận định tình hình xung quanh và nhìn thấy rõ ràng Tiểu-long-Nữ.

Hắn reo to lên:

- ồ, bọn này đã rủ nhau lén lút tới nơi này làm điều bất chính đây mà.

Dương-Qua nghe nói nộ khí xung thiên trợn mắt quát lớn:

- Hai tên đạo sĩ khốn kiếp này, khôn hồn nên mau mau rút lui khỏi nơi đây, trở về chỗ võ điện của bây.

Vừa thét, y vừa cởi áo đưa cho Tiểu-long-Nữ bảo nàng mặc vào. Nhưng chờ một chập không thấy sư phụ đáp lời hay cử động gì, y chột dạ quay đầu lại nhìn, nhận thấy nàng đã ngất xỉu nằm im trên mặt đất.

Dương-Qua bỗng nhớ đến lời Tiểu-long-Nữ dặn:

"Trong khi luyện nội công phải đề phòng xung quanh, dẫu một bóng thỏ chạy qua cũng có thể gây thành đại họa". Triệu-chí-Kính đã rơi mạnh bên cạnh nàng, thế nào cũng khiến nàng giựt mình và tai hại này quả thật không thể nhỏ.

Vừa nghĩ đến đó, hắn vội vã chạy đến bên Tiểu-long-Nữ, cởi luôn chiếc áo lót của mình quàng cho nàng và đưa tay lên rờ trên trán thấy mồ hôi đầm đìa, lạnh ngắt. Hắn lật đật quơ luôn cái áo đắp kín người nàng, nắm vai nàng lay mạnh và hỏi:

- Cô nương ơi sao thế cô nương?

Tiểu-long-Nữ chỉ ú ớ nho nhỏ không nói nên lời.

Dương-Qua nói thêm:

- Bây giờ tôi cần đưa cô nương về tịnh dưỡng cho bình phục rồi trở lại đây đánh chết hai tên đạo sĩ khốn kiếp này mới được.

Tiểu-long-Nữ không trả lời, toàn thân mềm lả trong tay Dương-Qua. Dương-Qua vội ôm sư phụ vào lòng chạy vụt qua trước mặt hai đạo sĩ. Doãn-chí-Bình ngẩn ngơ đứng ngó không thốt nên lời, còn Triệu-chí-Kính cười ha hả nói lớn:

- Này sư đệ, ý trung nhân của sư đệ đã lõa thể ra chốn này cùng chàng thanh niên đẹp trai này, sao sư đệ không giết ngay tình địch có hơn là cố tâm đi giết hại ta.

Doãn-chí-Bình vẫn ngẩn ngơ không nói nên lời. Nhưng Dương-Qua nghe nói tức giận vô cùng, vội đặt Tiểu-long-Nữ dựa vào một gốc cây, lấy quần áo của nàng lót sau lưng cho êm, đưa tay bẻ một cành cây làm khí giới, rồi tung mình nhảy đến trước mặt Triệu-chí-Kính quát lớn:

- Tên đạo sĩ khốn nạn hãy câm mồm đừng nói hồ đồ bậy bạ.

Sau hai năm trời xa cách, Dương-Qua đã lớn nhiều, từ một đứa con nít, ngày nay nó đã trở thành một thanh niên tuấn tú, lúc đầu Triệu-chí-Kính nhìn không ra, nhưng sau khi nghe tiếng nói quen quen, y định thần xem lại, biết là Dương-Qua, học trò cũ của mình lúc trước. Bị xô té nhào lại bị chửi mắng, Triệu-chí-Kính quá tức quát lớn:

- Tên đạo sĩ khốn nạn hãy câm mồm đừng nói hồ đồ bậy bạ.

Sau hai năm trời xa cách, Dương-Qua đã lớn nhiều, từ một đứa con nít, ngày nay nó đã trở thành một thanh niên tuấn tú, lúc đầu Triệu-chí-Kính nhìn không ra, nhưng sau khi nghe tiếng nói quen quen, y định thần xem lại, biết là Dương-Qua, học trò cũ của mình lúc trước. Bị xô té nhào lại bị chửi mắng, Triệu-chí-Kính quá tức quát lớn:

- Dương-Qua, mày là đứa súc sinh!

Dương-Qua nạt lại:

- Chính mi mới là đồ súc sinh chứ ai. Mi mắng ta bao nhiêu cũng được, sao cả gan dám nói xấu cô nương ta?

Triệu-chí-Kính cười gằn nói:

- Ta nghe truyền rằng phái Cổ Mộ đài chỉ kết nạp đồ đệ phụ nữ, đâu ngờ ngày nay lại xảy ra sự tình tệ như thế này. Một nàng mệnh danh là Ngọc-tuyết Bàng-thanh, trưởng môn phái lại đi phá lệ, kết nạp và truyền nghề cho một thanh niên tuấn tú, rồi những đêm trăng tỏ lại đưa nhau vào chốn thâm u vắng vẻ, chiếu đất màn trời, để làm điều tồi bại, thật đáng kính thầy. Các ngươi tưởng đấu nhẹm được mãi sao?

Dương-Qua nghe nói đang suy nghĩ định đối đáp, vì thật ra hắn chưa hiểu hết ý nghĩa lời nói của Triệu-chí-Kính. Khi ấy Tiểu-long-Nữ vừa chợt tỉnh nghe câu nói ấy tức giận tràn hông. Khí uất cuồn cuộn dâng lên nàng cố tâm đè nén xuống, giằn co một chập, không thể nào chịu đựng nổi nữa, vì đã bị nội thương nặng, không còn đủ hơi sức kìm hãm, nàng chỉ thốt lên được một câu:

- Mi ăn nói quá hồ đồ, chúng ta đâu có...

Rồi máu tươi hộc ra cuồn cuộn, nàng tắt lời không nói được nữa.

Doãn-chí-Bình thất sắc chẳng biết nói gì, bước dần đến và hỏi Dương-Qua.

- Vậy ngươi đến chốn nầy làm gì?

Đã có định kiến sẵn là Doãn-chí-Bình muốn đến gần để ám hại sư phụ, nên Dương-Qua không thèm trả lời, vung tay đánh ra một quyền ngay mặt Doãn-chí-Bình thật mạnh. Doãn-chí-Bình khom người tránh được và đáp ngay bằng một đường móc trái bằng tay phải. Dương-Qua đã học thuộc lại các thế võ của phái Toàn-Chân, thêm am thạo hết những phương pháp để khắc chế cho nên tránh đỡ quá dễ dàng. Vì vậy hắn vung hai tay lanh như chày máy, vừa đỡ vừa thoi liền mấy thế, tấn công tới tấp, khiến Doãn-chí-Bình phải né tránh và thối lui xa dần chỗ Tiểu-long-Nữ.

Kể về mức luyện tập và võ thuật thì Dương-Qua còn kém thua Doãn-chí-Bình. Nhưng nhờ các môn khắc chế do Lâm triều Anh đã tìm trước để đối phó với các môn võ Toàn-Chân phái, cho nên việc chống đỡ dễ dàng, và ngoài ra, Dương-Qua cũng nhờ đó, có đủ sức để ứng phó với bất cứ một đệ tử nào của bên Trùng-Dương cung.

Vốn trước kia Lâm triều Anh nghiên cứu, sáng chế ra những thế võ này, bà chỉ âm thầm truyền lại cho đệ tử, luôn mấy đời các đệ tử cũng chỉ luyện tập, trau dồi thêm chứ chưa hề ra thi thố hay tranh đấu cùng ai, cho nên tác dụng chưa rõ ra sao, và cũng chưa kẻ nào biết tới.

Ngày nay bất ngờ Dương-Qua đem ra áp dụng, khắc chế được tất cả các thế tấn công của Doãn-chí-Bình một cách rất lợi hại. Tuy chưa đến nỗi ngã gục hay thua chạy dài, nhưng Doãn-chí-Bình rất kinh ngạc thấy tài nghệ của Dương-Qua hết sức tính điệu và dần dần y lâm vào thế hạ phong, phải đi thụt lui đến cạnh chỗ Triệu-chí-Kính đang đứng.

Dương-Qua để ý đứng thở một chập, day qua Tiểu-long-Nữ nói:

- Thưa cô nương an tâm, cô nương cho phép tôi mang cô nương về lo chạy chữa xong sẽ trở lại đánh bọn này một trận để trả thù cho cô nương.

Nàng cố gắng nói qua hơi thở:

- Không, không cần, mi cứ đánh chúng nó một trận ngay bây giờ. Ta không chịu nổi để chúng nó... hỗn láo... nói xấu như thế được.

Dương-Qua đáp:

- Xin tuân lệnh cô nương.

Nói rồi, hắn đưa tay bẻ một cành cây gần đó rồi phóng thẳng một đường vào ngay ngực Triệu-chí-Kính. Triệu-chí-Kính vung kiếm ra gạt mạnh. Lưỡi kiếm chẻ trúng đầu nhánh cây làm tróc mấy miếng dăm văng mạnh vào bàn tay hắn, làm toạc hai ba đường rườm máu, khiến hẳn phải thối lui ôm tay xuýt xoa một chập.

Tức thời Dương-Qua vận dụng chưởng lực vào bàn tay, đánh mạnh vào phía má bên trái của Triệu-chí-Kính.

Nhờ sự luyện tập bền chí trên giường hàn thạch, mức nội công của Dương-Qua đã hết sức thâm hậu, nên chưởng lực tung ra quá mạnh, kìm chế đối phương không nhúc nhích nổi. Biết không thể nào tránh kịp, Triệu-chí-Kính đành nghiến răng, vận sức vào đầu chịu trận. Nếu cần phải đối phó với chưởng lực này, Triệu-chí-Kính không đủ gân sức để giữ lấy thanh trường kiếm nữa.

Nhờ già công tập luyện có đủ nghị lực để nhận định tình hình, nên Triệu-chí-Kính đành vứt bỏ thanh kiếm, cúi đầu xuống sát đất để tránh lằn chưởng của Dương-Qua, một tay đưa ra để dò xét chiều hướng của chưởng lực đối phương, rồi lăn vòng qua một cái lẹ như chớp chụp lại thanh kiếm và tung mình đứng dậy chuẩn bị tấn công lại.

Trong khi nghiên cứu võ học của phái Toàn-Chân, Lâm-triều-Anh đã gia tâm phân tách từng thế võ, tiên đoán được mọi sự biến chuyển để định cách ứng phó, chế phục hết sức xảo điệu, cho nên bất kỳ thế võ nào của Toàn-Chân phải có cao siêu đến đâu cũng có sẵn một thế khác để đối phó.

Triệu-chí-Kính đâu có ngờ như vậy, cho nên trong bụng đinh ninh rằng thế độc đáo vừa rồi có thể chuyển bại thành thắng như chơi. Nhưng Dương-Qua đã nắm lòng từng thế đi nước bước của đối phương rồi, nên chỉ nhìn qua mỗi một động tác nhỏ đã đoán trước được thế võ đó và tấn công được ngay.

Sau khi dò biết chiều hướng xuất phát chưởng lực của Dương-Qua, Triệu-chí-Kính đột nhiên nắm lấy tay đối phương rút mạnh để chận đứng luồng nhân diệt xuất phát.

Nhưng Dương-Qua đã tiên đoán được, xông đến lẹ như chớp tay trái chặn lấy tay cầm kiếm của Triệu-chí-Kính, hắn hoảng sợ vội rút tay về, nhưng đã muộn. Dương-Qua đoạt lấy thanh kiếm, dí vào ngực và hét lớn:

- Mi đã tận số rồi!

Triệu-chí-Kính hoảng hốt nhảy lùi lại một bước, nhưng Dương-Qua đã lẹ làng tung chân trái đá quẹt ngang một ngọn. Bị ngọn cước ấy, Triệu-chí-Kính mất đà bật ngửa trên cỏ. Dương-Qua vung kiếm chỉ thẳng vào bụng hắn muốn đâm sâu một nhát cho rồi đời bỗng nhiên có một luồng gió mát thổi lộng tới, đồng thời có tiếng thét lớn:

- Mi cả gan hạ sát sư phụ à?

Dương-Qua vội thu kiếm, hoành thân chém một vòng ra phía sau, vừa kịp chận đứng ngọn kiếm giải vây của Doãn-chí-Bình. Trong bụng Dương-Qua thầm khen phục Doãn-chí-Bình đã tiếp cứu kịp thời.

Nhưng khi hai luồng kiếm vừa chạm nhau, Dương-Qua cảm thấy hổ khẩu tê rần như chạm phải một luồng nhân điện và toàn thân cũng bị rung động, không thể điều khiển cánh tay theo ý muốn nữa, vội vàng định thần vận nội công lấy lại thế quân bình. Tuy nhiên nội công của Doãn-chí-Bình có phần thâm hậu hơn một bực, cho nên sau mấy đường kiếm, Dương-Qua có vẻ lúng túng lối đánh rời rạc dần.

Doãn-chí-Bình càng phấn khởi tấn công tới tấp để hạ sát ngay đối thủ. Chẳng ngờ đấy chỉ là đụng ý nghi binh của Dương-Qua để gây tinh thần tự kiêu tự đại của Doãn-chí-Bình.

Sau vài hiệp thình lình Dương-Qua vứt kiếm, tung cả song chưởng đập mạnh vào ngực rồi lẹ như chớp chụp lại thanh kiếm, phổ hết điện lực vào tấn công luôn. Bất ngờ bị tấn công cả hai thế Doãn-chí-Bình thất kinh, mồ hôi xuất đầm mình, vội vàng tập trung hết công lực để đối phó với thế võ cực kỳ hiểm hóc này. Nhưng vì hai luồng chưởng lực quá mạnh, Doãn-chí-Bình phải lật đật buông kiếm chốp hai chưởng trước mặt để đón đỡ chưởng lực đối phương.

Nhưng khi vừa chạm vào tay Dương-Qua, y cảm thấy một luồng điện nóng rần rật chuyển vào thân hình, khiến cánh tay tê tái và toàn thân rung động. Cũng may là sức đào luyện của Dương-Qua chưa đến mức thâm hậu, khiến y cũng phải bại người ngã quay ra liền lúc đó. Doãn-chí-Bình run lẩy bẩy và cảm thấy hình như có một mũi dùi xuyên vào ngực, chạy khắp nội tạng đau nhức chịu không nổi, muốn tắt thở, y vội vàng rút tay lại ấp lên ngực, hít mạnh vào một hơi vận dụng nội lực để chống lại cơn đau nhức.

Dương-Qua đưa tay chụp lấy luôn thanh kiếm của Doãn-chí-Bình rồi hai tay múa tít lên xông vào tấn công cả hai người. Hai đại đệ tử của phái Toàn-Chân bị một thiếu niên bất ngờ xung xích mãnh liệt không kịp xoay trở, tay chân cuống cuồng suýt nữa bỏ mạng. Mỉa mai hơn nữa thiếu niên nầy trước kia đây một thời gian ngắn, là đệ tử của họ! Cả hai mệt thở hổn hển, tay run, mồ hôi nhễ nhại, cử động hết muốn nổi. Bấy giờ mỗi người đều cuống cuồng không còn dám tự phụ khinh thường như lúc đầu nữa.

Hai người cùng hiệp sức bồi dưỡng cho nhau, phối hợp quyền lực thủ thế, không dám nghĩ đến tấn công nữa.

Dương-Qua tuy có binh khí trong tay, đang thẳng thế, nhưng hai người biết chéo phối hợp lối liên hoàn để ứng phó, nên hắn cũng chưa dễ gì hạ sát được.

Kiếm pháp của Cổ-Mộ đài tuy khắc chế được kiếm pháp của Toàn-Chân phái, nhưng nhờ hai người có công phu võ thuật già dặn, tập luyện nhiều năm hơn, sự phối hợp giao đấu được chặt chẽ cho nên tuy Dương-Qua thắng thế mà vẫn không thể nào hạ thủ được.

Nhờ sức nội công thâm hậu, Triệu-chí-Kính vươn lên dần dần chống cự hữu hiệu những đường kiếm của Dương-Qua. Riêng Doãn-Chí-Bình sau một hồi định tâm giữ được bình tĩnh chỉ chú ý đối phó.

Hai cao thủ đem hết tài nghệ được bí truyền để đánh một thiếu niên miệng còn hơi sữa, dầu may ra thắng được cũng chẳng được có giá trị gì, huống chi hiện tại phần thua đã nghiêng về mình quá rõ rệt. Phần nữa, Doãn-chí-Bình luôn luôn lo âu băn khoăn chẳng rõ Tiểu-long-Nữ ra sao nên gọi lớn:

- Bớ Dương-Qua, sao ngươi không lo săn sóc đến sức khỏe của cô nương lại cứ cố tình tranh đấu mãi với chúng ta hay sao?

Dương-Qua vẫn không ngừng tấn công và đáp lớn:

- Ta đã nhận lệnh cô nương phải hạ sát hết hai đứa bay, rồi sẽ hay.

Doãn-chí-Bình cười lớn:

- Mi tưởng dễ hạ thủ anh em ta đấy à! Mi lầm rồi. Thôi hãy thu xếp đưa cô nương về mà điều trị cho mạnh đã. Mi nên thưa với cô nương nên bỏ qua đi cho, vì bất ngờ để xảy ra câu chuyện hôm nay, ta hết sức ân hận và cũng không ngờ đến. Nếu cô nương cố chấp ta nguyện xin lấy sanh mạng mà tạ lỗi cùng nàng. Miễn cô nương, ban cho một lời nói, nếu cần, ta có thể tự vẫn không chút ngần ngại để nàng được vui lòng.

Mi không tin lòng ta ư. Đây nầy, một việc làm đầu tiên của ta sẽ giúp cho mi và nhất là cô nương hiểu rõ.

Nói xong, Doãn-chí-Bình tập trung ý chí, mắt sáng ngời, hai tay chắp lại, vận dụng nhân điện, như chớp xông vào cướp thanh kiếm rồi múa lên một vòng chặt đứt một lòng ngón tay trỏ và ngón tay vô danh của mình rơi xuống đất.

Hành động ấy diễn ra quá đột ngột ngoài sự dự đoán và óc tưởng tượng của Dương-Qua. Nó bàng hoàng suy nghĩ và nhận thấy những lời nói trước kia của Doãn-chí-Bình quá thành thật không có một ẩn ý gì khác.

Nhưng nó nghĩ thêm:

- Ta chưa đủ sức hạ thủ một lần cả hai đứa thì ngay bây giờ cứ tập trung mũi dùi vào tên đạo sĩ đáng ghét kia trước đã. Còn đầu óc của Doãn-chí-Bình có thật tình hay không, rồi hạ hồi phân giải.

Bỗng Doãn-chí-Bình nói tiếp với một giọng ân cần chí thiết:

- Ngay cả mạng sống của ta, nếu cô nương thấy cần, chỉ ban một lời, ta cũng không hề luyến tiếc.

Dương-Qua đáp lại nho nhỏ:

- Ta hiểu, thôi rồi hãy hay!

Nói xong, hắn múa tít thanh kiếm tiến về phía Triệu-chí-Kính.

Thình lình bị tấn công mãnh liệt, Triệu-chí-Kính đang ở tư thế phù trợ chiến đấu qua thế phải chịu đựng một mình tất cả sự tấn công của đối thủ, nên bất thần không phản ứng kịp. Hắn giật mình thì vừa lúc ấy mũi kiếm đã đâm thẳng vào bụng dưới. Thật không hổ thẹn đại đệ tử một danh môn chánh phái đã trên hai mươi năm khổ luyện. Khi mũi kiếm Dương-Qua chọc qua lằn áo rạch một đường dài, tự nhiên Triệu-chí-Kính nhanh như điẹn chớp, thóp bụng, cong mình lại như con tôm, bước lùi ra sau một tí, tung một ngọn cước đá mạnh vào cổ tay của Dương-Qua làm văng thanh kiếm lên cao như sao xẹt, chuyển bại thành thắng.

Bị rơi kiếm bất ngờ, Dương-Qua chuyển lực xòe bàn tay chặt mạnh vào đầu gối của địch, trúng nhằm huyệt đạo, Triệu-chí-Kính cảm thấy tê rần cả người, đầu gối run lẩy bẩy, rồi không gượng nổi té nhào xuống cỏ không cử động.

Dương-Qua nhặt thanh kiếm dí vào cổ Triệu-chí-Kính hét lớn:

- Trước kia ngươi xưng sư phụ ta để dày vò đầy đọa ta. Ngày nay ngươi không phải sư phụ ta nữa. Ta sẽ cho lưỡi kiếm này xuyên qua cổ để kết liễu đời người cho rồi.

Nói rồi Dương-Qua ấn mạnh một tý, làn thép cửa rách một lớp da cổ, máu đỏ chảy một đường dài.


Triệu-chí-Kính vừa đau đớn, vừa uất ức, nét mặt tái mét lại càng tái thêm. Mặc dầu đã kề bên cái chết, nhưng sự phẫn nộ làm y không biết sợ hãi, trừng mắt nhìn Dương-Qua nói lớn:

- Súc sinh, ngươi cứ giết ta đi! Đồ hèn hạ, đồ phản thầy!

Dương-Qua nổi nóng, mím môi định nhấn mạnh một cái để kết liễu tánh mạng hắn, nhưng Tiểu-long-Nữ đã gọi giật lại:

- Dương-Qua, không nên giết sư phụ. Ngươi buộc hắn thề giữ kín việc nầy thì tha mạng hắn cũng được.

Lời nói của Tiểu-long-Nữ làm Dương-Qua chợt tỉnh nghĩ lại và tuyệt đối tuân theo. Hắn nhìn Triệu-chí-Kính nói:

- Cô nương ta đã dạy, mi nghe chưa. Nếu muốn sống phải thề đi.

Tuy bản chất khẳng khái, tiết tháo, lúc nóng giận càng ươn gàn hơn. Hơn nữa, trước một sự mất còn của sanh mạng mình, Triệu-chí-Kính không biết làm sao hơn, đành nói nhỏ:

- ừ ta thề như vậy đó!

Dương-Qua quát lớn:

- Đâu có nói suông như vậy được. Người cần có sự cam kết nghiêm chỉnh để giữ lấy lời thề mới được.

Triệu-chí-Kính ngoan ngoãn long trọng thề:

- Câu chuyện hôm nay đã xảy ra giữa bốn người được chứng kiến, tôi lấy danh dự thề không bao giờ thổ lộ cho người thứ năm nữa, nếu tôi không giữ được lời hứa thề danh dự tiêu tan không xứng đáng người của môn phái, người đời sẽ khinh miệt tôi, trong võ lâm sẽ xem tôi như cỏ rác, sau này sẽ chết đường chết chợ, chết một cách khổ sở không toàn thây.

Dương-Qua và Tiểu-long-Nữ vốn người chất phác, nghe hắn thề độc như vậy là tin ngay. Dương-Qua thu kiếm, quay qua phía Tiểu-long-Nữ chăm sóc cho sư phụ. Đối với Doãn-chí-Bình thì những lời thề ấy có nhiều ẩn ý khác, huống chi bản chất của Triệu-chí-Kính như thế nào y cũng hiểu quá rồi. Doãn-chí-Bình đang bâng khuâng chưa biết nói những gì, kế thấy Dương-Qua bồng Tiểu-long-Nữ phi thân phóng trước mặt, thẳng hướng về phía Cổ-Mộ đài, y càng thêm bàng hoàng, tâm thần bấn loạn như trải qua một cơn bão lòng mãnh liệt. Y âm thầm nhìn lại hai ngón tay bị chặt đứt, máu tươi còn rỉ rả chảy, sự đau đớn của thể chất và nỗi xót xa của tâm hồn chưa biết bên nào nặng hơn.

Dương-Qua bồng Tiểu-long-Nữ chạy về đến Cổ-Mộ đài, đặt nàng trên giường hàn thạch.

Tiểu-long-Nữ ngó lên nhìn hắn và nói nho nhỏ:

- Ta yếu quá đâu đủ sức chống lại sức lạnh của giường này, Dương-Qua chợt nhớ lại, vội bồng nàng lên chạy qua đặt trên giường của Tôn bà.

Tiểu-long-Nữ nằm im, thở nhè nhẹ, thân hình mềm nhũn như không còn hơi sức, da mặt trắng bạch, mồ hôi rịn ướt trán, đôi mắt nhắm nghiền. Dương-Qua lau mồ hôi cho nàng. Bỗng Tiểu-long-Nữ mở mắt, kêu lên một tiếng và hộc luôn mấy búng máu tươi. Dương-Qua chưa kịp mặc áo và vì đang cúi xuống nhìn nàng, nên bị máu phun đầy cả ngực.

Nàng nhắm mắt, mím môi cố vận khí lực đè nén cơn tức, nhưng càng vận dụng bao nhiêu, máu càng trào thêm bấy nhiêu.

Dương-Qua cuống cuồng lấy tay bịt mồm nàng cho máu bớt chảy và cuối cùng không biết làm gì hơn nữa, chỉ ôm mặt khóc lớn.

Nghe tiếng khóc, Tiểu-long-Nữ nhìn hắn và cười nhạt:

- Ta chỉ muốn máu trào cho hết mà không được.

Dương-Qua bệu bạo nói:

- Không nên đâu, cô nương đừng nghĩ và đừng làm như thế. Cô chưa thể chết được đâu.

Tiểu-long-Nữ hỏi:

- Mi sợ chết không?

Dương-Qua hết biết đáp ra sao, chỉ ấp úng:

- Thưa... tôi... tôi đấy à... Thưa cô nương, tôi...

Nhưng Tiểu-long-Nữ đã cất lời:

- Trước khi ta chết, ta phải giết ngươi đã.

Trước đây hai năm, Tiểu-long-Nữ đã nói câu này một lần. Không ngờ bây giờ nàng nhắc lại. Dương-Qua không biết đáp thế nào chỉ nhìn nàng ngơ ngác.

Thấy dáng điệu của nó như vậy, Tiểu-long-Nữ nói thêm:

- Ta phải giết mi, nếu không ta về âm phủ gặp Tôn bà ta biết nói năng làm sao? Ta đã hứa cùng Tôn bà dạy dỗ, chăm nom, săn sóc mi, nếu ta chết đi, bỏ ngươi một mình bơ vơ, lấy ai là người giúp đỡ. Ta không nỡ để ngươi một thân một bóng quạnh hiu không người thương yêu chăm sóc. Chừng ấy cuộc đời mi sẽ ra sao? Ta chết cũng không yên tâm được.

Dương-Qua bối rối, chưa biết đối đáp làm sao, chỉ đứng lặng thinh sụt sùi.

Nói xong, nàng lại mửa thêm mấy búng máu tươi, lịm dần và nằm yên bất tỉnh.

Bỗng linh tính nhắc hắn một điều. Dương-Qua chạy đi lấy bình mật ong trắng, dùng thìa múc đổ vào miệng Tiểu-long-Nữ. Mật ong trắng có đủ sức bồi dưỡng sinh khí, chữa các chứng nội thương nhiễm độc rất hiệu quả. Sau một chập, nàng thở đều, có vẻ khỏe hơn trước và nằm yên như ngủ say. Máu cũng ngừng chảy.

Dương-Qua cảm thấy yên chí. Nhưng bây giờ hắn đã thấm mệt tay chân mỏi rã rời, đầu hoa mắt quáng, bèn ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào giường, ôm chân nàng ngủ thiếp lúc nào không biết.

Một chập sau, Dương-Qua cảm thấy một cái gì lành lạnh nơi cổ, vội mở mắt nhìn.

Tuy sống nhiều năm nơi Cô-Mộ đài, luyện tập công phu khá dày, nhưng Dương-Qua chưa đoạt được mức nhìn xuyên qua màn tối như sư phụ, cho nên mỗi đêm phải thắp nến các phòng.

Hôm nay vì có việc bận rộn bất ngờ, hắn quên thắp nến, tuy nhiên trong ánh đêm mờ mờ, hắn vẫn trông thấy Tiểu-long-Nữ điềm nhiên ngồi bên cạnh giường, tay cầm trường kiếm ví vào cổ mình.

Hắn hết sức ngạc nhiên và sợ hãi vội hỏi:

- Cô nương, cô nương làm gì vậy?

Tiểu-long-Nữ lạnh lùng nói:

- Ta tự thấy bịnh tình không thuyên giảm nổi. Thôi chúng ta cùng nhau đi gặp Tôn bà vậy nhé.

Hoảng quá, hắn chẳng biết nói sao, chỉ lẳng lặng trố mắt nhìn nàng.

Tiểu-long-Nữ hỏi:

- Sao mi sợ lắm phải không? Có gì mà sợ! Chỉ một nhát kiếm là xong, có gì đau đớn đâu mà ngại chứ.

Dương-Qua thoáng nhìn thấy ánh mắt nàng bỗng nhiên sáng ngời, và tay vẫn lăm lăm cầm thanh kiếm nên đoán chắc nàng đã quyết định hạ sát mình rồi.

Tâm linh tự vệ và bản chất ham sống tự nhiên đến, hắn bỗng nghĩ đến cách đối phó thoát khỏi luồng kiếm thép. Thình lình hắn tung mình phóng lùi ra sau một bước, rồi tung cước đá vào tay kiếm Tiểu-long-Nữ. Thanh trường kiếm rơi xuống đất.

Tuy bị thương khá nặng, nhưng nhờ bản lãnh cao siêu, Tiểu-long-Nữ vẫn giữ được bình tĩnh
chuyển thể kịp thời, phản ứng lẹ như chớp, vừa bị đá rơi kiếm, nàng tung mình vươn tay phải thu hồi lại được ngay và loang một vòng kề sát cổ Dương-Qua.
Dương-Qua vận dụng hết tâm trí chống đỡ. Nó xoay đủ thế để tránh né, nhưng hình như nàng đã tiên liệu tất cả các thế võ ấy nên thanh trường kiếm loang loáng bao quanh thân hình hắn.

Tránh né không được, Dương-Qua vận dụng những thế tấn công hạ bộ, nhưng ngón nào cũng bị Tiểu-long-Nữ đón trước, hóa giải quá dễ dàng. Thanh trường kiếm lấp loáng xoay chiều đổi hướng bao quanh mình Dương-Qua như hình với bóng, không khi nào cách xa quá ba tấc.

Dương-Qua tháo mồ hôi hột, vừa kinh hãi vừa lo âu thầm:

- Lần nầy chắc không thoát khỏi tử thần, thôi đành để cho sư phụ định đoạt tánh mạng, về âm ty gặp Tôn bà chứ sao. Nhưng phúc chí tâm linh làm nó chợt nhớ:

- Sư phụ đang bị nội thương nặng, chắc không đủ sức vận dụng thế lực, chi bằng ta dùng nhân điện để ứng phó có lẽ hơn.

Tiểu-long-Nữ cũng nhận thấy nhược điểm của mình trong lúc nầy, nên vừa nghiêng mình lách sang một bên để luồng chưởng lực của hắn phớt mạnh qua, nàng gọi nhỏ:

- Dương-Qua, đừng vận khí nữa.

Nói xong, nàng tung trường kiếm lên trời, lưỡi kiếm lộn mấy vòng rơi xuống, nàng đổi tay hứng lấy rồi theo một thế "phân hoa phất liễu", thoáng đấy đã kề vào cổ hắn ngay.

Tiểu-long-Nữ nghiêng mình thêm phía trước vài tấc, định xiên mũi kiếm qua cổ họng Dương-Qua, nhưng bỗng nhiên nàng cảm thấy mất cả sinh lực, toàn thân bủn rủn, tứ chi mệt rũ rượi, buông thanh kiếm rơi xuống đất nghe "xẻng" rất lớn.

Dương-Qua tưởng mình đã đến giờ về cõi chết, nhắm mắt đợi, bất ngờ hắn thấy Tiểu-long-Nữ ngưng lại, lảo đảo buông kiếm ngã xỉu ra đất. Như cái máy, hắn cúi xuống lượm tham trường kiếm, cắm đầu chạy thẳng ra cửa, tìm lối thoát thân.


Thoát khỏi nơi đen tối của tử thần, Dương-Qua tung mình phóng đại ra cửa, mắt bị chói lòa bởi ánh sáng của vừng thái dương tỏa qua cành cây khe lá. Gió thổi lộng mát dịu cả lòng, như được thấm nhuần một nguồn sanh khí mới. Ngàn cây đầy tiếng chim kêu ríu rít vọng đến bên tai, Dương-Qua có cảm giác như được nghe một điệu nhạc hồi sinh và bồi hồi xua đuổi ám ảnh của khung cảnh ảm đạm chết chóc trong Cổ-Mộ đài mà nó vừa thoát khỏi.

Một chập sau nó hoàn hồn định thần dừng chân lại nghỉ. Nhưng chợt nghĩ sợ Tiểu-long-Nữ dùng khinh công đuổi theo nữa, nên nó lại cuống cuồng băng mình cắm đầu chạy nữa. Tuy thời gian tập luyện chưa bao lâu nhưng sức phi hành của Dương-Qua cũng đủ lướt nhanh như gió và trên giang hồ chưa mấy tay đã theo kịp.

Băng không biết bao nhiêu dặm trường đường núi, lúc tạm dừng chân thì mặt trời đã đúng ngọ. ánh nắng gay gắt làm cho Dương-Qua cảm thấy cổ nóng như bỏng vì khát nước. Nhìn lại sau lưng không thấy bóng Tiểu-long-Nữ đuổi theo, lúc bấy giờ hắn mới yên tâm ngồi lại trên tảng đá để nghỉ.

Từ đêm đến giờ trong bụng không có một thức ăn nào, nên Dương-Qua thấy đói và xót xa như bị cào xé. Muốn đi tìm quá trong làng gần đấy mua thức gì ăn đỡ dạ, nhưng sực nhớ lại trong túi không có một đồng, nên Dương-Qua thở dài suy nghĩ. Tấm thân lưu lạc từ thuở bé, không mẹ không cha, bao lần trôi nổi cam go, chịu cực nhiều nỗi đắng cay ê chề, nên đã quen rồi, dù có phải nhịn đói vài hôm hay nằm rừng ngủ bụi, đối với Dương-Qua cũng là việc quá thông thường. Vốn bản chất lanh lẹ tháo vát, nên sau khi nghỉ xả hơi vài khắc, hắn tìm suối vốc nước uống, rồi phi thân lên một cây ý-dĩ gần nhất, cành sum sê cả trái. Bứt một mớ trái vừa sồn sồn chưa được chín mang xuống đem lại gành đá, bẻ củi khô, nhúm lửa nấu chín để ăn đỡ dạ.

Bỗng có tiếng động và từ đàng xa có bóng người lướt đến gần Dương-Qua chỉ liếc mắt nhìn lại, rồi giả bộ không trông thấy, y lẳng lặng vừa đun lửa vừa theo dõi, người này là một đạo cô, mặc áo vàng, nét mặt sáng rỡ, dáng đi nhẹ nhàng thanh thoát thật mau và uyển chuyển, sau lưng gài một trường kiếm bao sơn màu máu trên nền áo vàng bay phât phới. Nàng lướt đi mau, tiếng gió lộng vào bao kiếm, bật thành tiếng vi vu như sáo diều. Dáng điệu nàng di chuyển quả là con người sành võ nghệ.

Dương-Qua nghĩ có lẽ người này thuộc phải Trùng-Dương, cũng đang đi giang hồ, nên chẳng muốn làm quen hay hỏi han làm gì cho bận trí. Vì vậy nên hắn vẫn lui cui chụm lửa như không trông thấy nàg.

Đạo cô tiên đến trước mặt Dương-Qua dừng lại hỏi:

- Ông bạn ơi, xin vui lòng, chỉ hộ đường lên núi phải theo ngõ nào cho đúng?

Dương-Qua ngạc nhiên tự hỏi:

- ủa, nếu nàng này là đệ tử của phái Toàn-Chân sao lại không biết đường vậy à? Chắc có gì bí ẩn đây chăng.

Tuy nghĩ thế, nhưng hắn cũng chẳng muốn hỏi lại, chỉ điềm nhiên đưa tay chỉ ra phía trước nói bâng quơ:

- Theo ngõ đó thì đúng.

Nhìn thấy thiếu niên này ăn mặc lam lũ, lui cui nấu ăn, Đạo cô đoán có lẽ là một nông dân hay tiều phu của vùng này. Nàng tự thấy mình ăn mặc sang trọng, mặt mày đẹp đẽ mỹ miều, từ trước đến nay hỏi đến ai cũng được người ta vui vẻ đón mời cực kỳ vồn vã, thế mà người này lại có vẻ thờ ơ lạnh nhạt, hay là hắn chưa nhìn thấy mình chăng?

Đứng lặng một chập, nàng thấy Dương-Qua vẫn giữ thái độ bình thản, khinh khỉnh hình như không hề đoái hoài tới mình, nên bực tức bước lại gần nói gắt:

- Này anh bạn kia ơi, hãy đứng dậy, ta có chuyện muốn hỏi đây.

Đã có thành kiến với các đạo sĩ phái Toàn-Chân, nên Dương-Qua cũng bực mình, giả ngờ làm thinh không đáp lại.

Nàng nổi nóng nói lớn:

- Ê, thằng oắt kia, không nghe cô nương nói đấy à?

Dương-Qua đáp:

- Có chứ, nhưng chẳng qua không muốn đứng dậy đó thôi.

Nàng nghe nói vậy, bụng nghĩ có lẽ nó chưa nhìn thấy mình, nên kiên nhẫn nói ngọt:

- Ông bạn hãy nhìn tôi một tí xem nào.

Giọng nói lần này êm dịu làm sao, nghe như rót vào tai, vừa ấm vừa thanh tao. Dương-Qua cảm thấy lòng xao xuyến vì suy nghĩ:

- Lạ thật, người con gái này là ai, mà giọng nói vừa ngọt vừa êm như vậy nhỉ?

Rồi hắn ngẩng đầu nhìn lên:

- Thấy nàng đạo cô quả đẹp đáo để. Nước da trắng và hồng hồng, cặp mắt đen láy sáng như sao, mũi dọc dừa, làn môi cắn chỉ đỏ mọng dễ thương làm sao!

Một thiếu nữ xinh tươi mỹ miều khả ái như thế này, chắc không có ác ý gì. Tuy nghĩ thế, Dương-Qua vẫn làm thinh, rồi cúi xuống nhóm lửa như cũ.

Đạo cô thấy người này đã nhìn mình rồi, mà lòng không mảy may xúc động, có lẽ y là con người nông dân sơn dã mộc mạc, suốt đời chỉ lam lũ, chưa biết mùi đời, chưa có cảm giác rạo rực trước gái đẹp chăng. Nếu quả vậy thì hắn thực thà, mình cũng nên tìm cách lôi kéo thu phục được hắn có lẽ hơn. Đoán như thế nàng bỗng thấy đắc ý rồi mỉm cười hỏi thêm:

- Ông bạn làm gì thế, có thích món này không, tôi xin tặng cho đây.

Vừa nói, nàng vừa thò tay vào túi lấy ra hai thoi bạc sáng loáng, ném ngay trước mặt Dương-Qua.

Dương-Qua vốn ranh mãnh lanh lẹ lạ thường. Tuy không cố tâm chọc giận nàng này làm gì, nhưng vì thấy trong lối ăn nói đối xử của nàng có vẻ kẻ cả hách dịch, cho nên nó càng giả bộ ngây ngô, nhìn sững hai thoi bạc e dè hỏi:

- Vật này là thứ gì mà sáng trắng lóng lánh, trông cũng khá đẹp đây nhỉ?

Đạo cô bỗng bật cười rồi nói:

- Bạc đấy! Dùng thứ này để mua gạo, mua thức ăn ngon, sắm được quần áo đẹp.

Dương-Qua giả bộ ngớ ngẩn hỏi thêm:

- Thế ra cô cho tôi đấy ư?

- Chứ sao nưa? Nếu không cho thì ta ném ra đây làm gì? à, mà ông bạn tên là gì nhỉ?

- Tôi họ Sồ, tên Ngốc-Tử. Cô không biết sao? Còn cô tên gì nhỉ?

Nàng mỉm cười đáp:

- Hỏi tên ta làm gì? Cứ gọi à tiên cô cũng được à, má của cậu làm gì nhỉ?

Dương-Qua nói:

- Má tôi đang kiếm củi ở trên núi kia kìa.

Nàng hỏi tiếp:

- Ta muốn lên núi này lắm, nhưng ăn mặc như thế này bất tiện. Vậy cậu làm ơn dẫn tôi đến gặp má, nhớ đổi hộ bộ quần áo khác có được không?

Dương-Qua giả bộ sửng sốt đáp:

- ý! Không được đâu. Cô ăn cắp áo quần mà tôi đánh chết. Nàng cười khì khì nói:

- Ta mua trả tiền chứ ăn cắp đâu mà ngại!

Nói xong, nàng lấy thêm một thoi bạc nữa vung đến cho Dương-Qua.

Hắn đưa tay ra bắt, nhưng giả bộ hụt để cho thoi bạc chạm vào vai rơi xuống đất, rồi dùng chân đạp lên, loay hoay trượt té, nhủi về phía trước, rồi rảo bước chạy về phía đạo cô vừa chạy vừa la:

- Tại sao cô lại đánh tôi? Xô tôi. Tôi sẽ mách má tôi đánh lại cho mà xem.

Nói rồi nó ù té chạy.

Thấy bộ điên điên khùng khùng của nó, đạo cô cũng phát tức cười, vội tung một mảnh lụa trắng đến phía trước, quấn vào chân nó kéo lại.

Thấy lối tung lụa này, Dương-Qua rất ngạc nhiên, nghĩ bụng:

- ủa, đây là thế võ Cổ-Mộ đài, chứ đâu phải là người của Toàn-Chân phái. Vậy nàng này là ai? Mấy lúc nay chưa hề nghe cô nương nói đến.

Nghĩ thế nó giả bộ loạng choạng vấp ngã nhoài ra, rồi lồm cồm đứng dậy. Như một người hoàn toàn không biết gì là võ nghệ. Nó cố dẫy dụa. Nhưng chân vẫn lúng túng mắc vào giải lụa, để nàng khỏi dùng thế võ khác, lòng nó phân vân suy nghĩ mãi không hiểu nàng là ai, lên núi để làm gì? Hay để tìm cách ám hại cô nương mình chăng?

Nghĩ đến đây, Dương-Qua liên tường đến Tiểu-long-Nữ trong giờ phút này chẳng hiểu sức khỏe ra sao, hay là... đã?... bề gì rồi.

Rồi một mối lo ngại sâu sắc bỗng xâm chiếm tâm hồn nó. Quên tất cả mọi sự hiểm nghèo, Dương-Qua chỉ còn e ngại sợ Tiểu-long-Nữ đã bị nội thương mà chết rồi chăng?

Lo lắng quá, nó chỉ muốn trở lại gặp nàng, săn sóc cho nàng, mặc dầu nàng có bắt nó để giết đi, nó cũng cứ an tâm. Đang mãi hoang mang suy nghĩ, bỗng đạo cô bước đến gần, nhìn kỹ vào mặt nó. Tuy thấy mặt mày lem luốc, quần áo bẩn thỉu, nhưng vẫn có những nét rất khôi ngô tuấn tú, nàng nghĩ thầm:

- ồ, chú bé này đẹp quá, rất tiếc vì lam lũ đói khổ, nên thân hình tiều tụy thôi. Nếu được ăn no mặc đẹp, thanh niên thế gian chưa mấy ai qua khỏi hắn nổi.

Thấy Dương-Qua nhảy múa lung tung, la réo ầm ĩ, mặt mày mếu máo, nàng bỗng tức cười, đưa tay tuốt gươm đánh soẹt một cái chỉ vào mặt hắn hỏi lớn:

- Gã kia, nhà ngươi muốn chết hay sống?

Nhìn thấy nàng xuất thủ theo thế "Cầm bút điểm tự" đúng là một tử thế của phái võ Cổ-Mộ. Dương-Qua không còn nghi ngờ gì nữa, lòng đinh ninh nhất định nàng này phải là môn đồ của Lý-mạc-Thu sư bá, nhưng chưa rõ tên họ là gì, và không biết nàng lên núi làm gì, hay muốn tìm cô nương mình để sinh sự chi đây.

Thấy nàng xuất thủ gọn gàng lanh lẹ quá, Dương-Qua đoán bản lĩnh vượt cao hơn mình nhiều, nên tự nghĩ:

- Đối với hạng nầy, ta nên dùng mưu để đối phó, hơn là dùng lực.

Nghĩ thế, hắn bỗng thối lui mấy bước làm ra vẻ kinh sợ lắm, rối rít nói:

- Tôi sợ lắm, xin cô nương đừng giết, rồi khiến gì tôi cũng nghe.

Đạo cô cười gằn rồi nói:

- Nếu ngươi trái ý ta, thì một nhát kiếm cũng đủ đưa hồn mi chầu diêm chúa đấy nhé!

Dương-Qua càng làm ra vẻ ngớ ngẩn sợ sệt, lật đật đáp:

- Dạ! dạ, xin nghe, xin nghe. Đạo cô loang kiếm thành một đường tròn, quả là oai nghi uyển chuyển; rồi tra kiếm vào vỏ. Dương-Qua trố mắt nhìn, há hốc mồm một chập, rồi dạ, dạ luôn quả là một thằng khùng chính cống.

Đạo cô nghĩ thầm:

- Thằng này điên điên khùng khùng, nhưng có vẻ dễ thương. Mình muốn dạy nó học võ, chẳng biết nó có học được không? Bộ tịch nó thật điên hay giả ngộ, chờ một chập sẽ rõ ngay. Trông nó có vẻ cục mịch nặng nề như chàng nhà quê chúa!

Nàng chỉ vào mặt nó bảo:

- Hãy đi vào xóm tìm cho ta một cái rìu để cần dùng, mau lên.

Dương-Qua vội vàng vâng dạ, rồi hấp tấp chạy, tập tễnh như người chưa biết tí võ nghệ nào, thỉnh thoảng quay đầu ngó lại xem chừng.

Nàng quát thêm:

- Mau đi, phải cẩn thận đấy.

- Dạ! dạ, dạ.

Dương-Qua làm ra bộ ngờ nghệch chăm chú bước vào nhà một tiều phu ở bên đường. Qua khỏi cổng nó nhìn thấy tứ bề hiu quạnh không có bóng người, nên đoán chắc chủ nhà đã đi vào rừng đốn củi.

Lẻn ra sau bếp, Dương-Qua nhìn lên vách thấy có treo một cái rìu nhỏ, vội lấy xuống, vác lên vai rồi khập khễnh trở lại trao cho đạo cô.


Tuy giả bộ đóng kịch đánh lừa đạo cô, nhưng trong lòng Dương-Qua luôn luôn suy nghĩ, băn khoăn lo lắng đến bệnh tình Tiểu-long-Nữ, không biết hiện nay ra sao.

Quá lo đến sư phụ, nét mặt nó không che đậy được nỗi buồn man mác.

Đạo cô nhìn thấy nên ôn tồn hỏi:

- Ngươi có điều gì lo nghĩ mà có vẻ đăm chiêu buồn bực như người đưa đám ma vậy? Hãy cười lên một tí xem nào?

Dương-Qua bỗng cười lên khành khạch một tràng dài, không trả lời.

Đạo cô cau đôi mày liếc nhìn nó bảo:

- Bây giờ ngươi theo ta cùng lên núi nghe chưa.

Dương-Qua lắc đầu đây đẩy đáp:

- Không đâu, tôi phải về với má tôi để ăn cơm chứ, không về má tôi đánh đòn đau lắm cô ơi!

Đạo cô xách tai nó quát lớn:

- Mày trái lệnh, tao giết chết ngay tức khắc.

Nói xong, nàng tuốt kiếm hoa lên trước mặt nó mấy vòng.

Dương-Qua cuống cuồng thụt lùi ra sau kêu la ầm ĩ như heo ròng:

- Tha tôi đi, bỏ tôi ra, ối trời ơi!

Thấy thiếu niên quả ngu ngốc ngờ nghệch nhưng nếu dùng được thì hay lắm, nên đạo cô nắm vạt áo nó kéo đi và dịu dàng bảo:

- Hãy theo ta.

Nói xong, nàng phăng phăng bước đi lên núi.

Với một người võ nghệ cao siêu, dẫu bước đi thường cũng mau lẹ thoăn thoắt. Vì đã giả bộ như người thường không biết tí võ nghệ, cho nên Dương-Qua cố ý tập tễnh bước theo, vừa đi vừa chạy thỉnh thoảng ngã quay ra đất hoặc đứng lùi lại sau một quãng sau suýt soa.

Cứ đi một chập Dương-Qua lại ngồi xệt xuống nắn bóp ống chân, thở hổn hển, khiến đạo cô phải đứng lại chờ, hoặc lớn tiếng thúc giục.

Quạu quá nàng nắm lấy tay Dương-Qua kéo xển đi tới. Dương-Qua vội vã bước theo, chân nam đá chân siêu, thỉnh thoảng giả bộ vấp nhào tới ôm choàn lấy chân của đạo cô, làm cô ta giật mình trợn mắt mắng lớn:

- Thằng ranh, mi làm gì thế? Bộ muốn chết sao?

Dương-Qua chỉ thở hổn hển, mắt ngó láo liên hình như quá mỏi mệt:

Nhìn bóng tà đã xế qua, nếu trì hoãn sẽ tối mất, nên đạo cô không e dè đưa tay quàng ngang hông Dương-Qua dùng thuật phi hành vùn vụt đi lên núi. Nàng khinh thân quá mau, không mấy chốc đã vượt qua trên mười dặm đường.

Lần đầu tiên được người đàn bà ôm choàng ngang người, Dương-Qua cảm thấy lòng rung động một cảm giác là lạ, thích thú, dễ chịu làm sao. Da thịt của nàng vừa mềm, vừa êm, vừa ấm, nó mong cứ như thế này mãi, nên vui lòng nằm yên không cưỡng lại!

Phi thân đi được một đoạn đường dài. Đạo cô liếc mắt nhìn thấy vẻ mặt Dương-Qua ngơ ngác, đôi mắt mở rộng nhìn mình có vẻ khâm phục lắm, nên nàng thấy hài lòng lắm.

Chạy thêm một chặp nàng đặt nó trên cỏ và hỏi:

- Mi thấy ra sao! Có sướng không?

Dương-Qua bỗng sa sầm nhăn nhó rồi dưa tay nắm cổ chân kêu lớn:

- ối chao, đau quá! Cô nương ném tôi mạnh quá làm tôi suýt gãy xương chân đây rồi.

Nàng không giận mà trái lại thấy sung sướng nên lườm nó một cái và bảo:

- Mày lại lên cơn rồi, hèn chi gọi là thằng khũng cũng phải.

Dương-Qua liến thoắng hỏi ngay:

- ủa, người ta gọi tôi là thằng khùng ư? Còn tiên cô họ là gì nhỉ?

- Thì cứ gọi là tiên cô được rồi, cần gì hỏi đến họ nữa, có ích chi đâu.

Thật ra nàng họ Hồng, tên Lăng-Ba, vốn là đại đệ tử của Xích-Luyện Tiên tử Lý-mạc-Thu. Xưa kia, Hồng-lăng-Ba có thừa lệnh thày đến hạ sát toàn gia Lục-lập-Đỉnh, sau bị đuổi bắt phải tìm đường trồn tránh.

Dương-Qua thấy nàng tìm cách nói lảng, biết chưa thể tìm hiểu tông tích được, nên chờ cơ hội khác không dám hỏi nữa.

Đạo cô đến ngồi trên một phiến đá, lấy gương ra rồi dùng lược chải lại làn tóc mây cho thêm óng ả. Dương-Qua lén nhìn thấy nét mặt nàng khá đẹp, da trắng, tóc đen, đôi mày thanh, miệng tươi thắm. Tuy nhiên nếu so sánh với bác Hoàng-Dung, ở Đào-Hoa đảo vẫn có hơn. Nhưng so với Tiểu-long-Nữ, sư phụ mình thì còn thua xa.

Thật ra giữa Hoàng-Dung và Tiểu-long-Nữ, chưa chắc ai hơn ai, nhưng vì Tiểu-long-Nữ còn trẻ hơn, huống chi đối với Dương-Qua, nàng là người mà hắn cảm phục nhất cho nên đối với hắn, Tiểu-long-Nữ là đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ.

Hồng-lăng-Ba liếc nó một cái và hỏi:

- Mi làm gì mà nhìn ta kỹ thế?

Dương-Qua làm bộ ngớ ngẩn đáp:

- Tôi muốn nhìn là cứ nhìn, có phải tại sao đâu? Nếu cô nương không thích thì tôi khỏi nhìn nữa chứ sao!

Nàng nghe đáp ngồ ngộ, cười xòa và hỏi thêm:

- Mi thấy ta có đẹp không?

Vừa hỏi nàng lấy lược vuốt thêm làn tóc rủ trên trán.

Dương-Qua gật đầu lẩm bẩm:

- Đẹp, đẹp lắm.

Nàng thích chí hỏi thêm:

- Đẹp như thế nào mới được chứ.

Hắn bỗng lắc đầu, chiếp lưỡi nói:

- Tiếc không được trắng lắm.

Mấy lúc này Hồng-lăng-Ba tự hào mình có làn da mịn trắng nhất đời, nay bỗng bị chê, lòng vừa ngạc nhiên vừa bực tức, hỏi gắt hơi lớn tiếng:

- Mi muốn chết sao mà nói bậy. Mi dám bảo ta không được trắng à?

Dương-Qua lắc đầu, phùng má nói:

- Không được trắng lắm.

Nàng tức mình đứng dậy hỏi:

- Thế mày chỉ kẻ nào trắng hơn tao nào?

Dương-Qua điềm nhiên đáp:

- Tôi cũng không còn nhớ ai trắng hơn cô nữa.

Nàng không chịu được hỏi lớn:

- Ai nào? Cố nhớ lại xem thử? Có phải chị của mày không? Hay là bố của mày, hở thằng khùng.

Làm bộ suy nghĩ một chập rồi Dương-Qua ấm ớ nói:

- Không phải, không đúng. Cô không trắng bằng con dê bạch của tôi. Lông nó trắng như tuyết cơ.

Nghe nói, Hồng-lăng-Ba bỗng cười rũ rượi hết bực mình.

- Quả là đồ khùng, ai đời đem ví da người với lông dê. Nói xong nàng có vẻ hài lòng đến ôm choàng hắn băng lên núi lần nữa. Gần đến quãng đường rộng lên Trùng-Dương Cung, Hồng-lăng-Ba quẹo sang tay phải qua phía tây đi về phía Cổ-Mộ đài.

Dương-Qua theo dõi hành trình của nàng bỗng giật mình tự nghĩ:

- Cô này đến đây với dụng ý gì? Có muốn gây sự hay tìm cách hãm hại sư phụ ta chăng?

Đi thêm một khúc đường dài nữa, tới mấy chỗ rẽ, Hồng-lăng-Ba thò tay vào bọc rút ra một bản đồ, ngừng chana một chập để xem và quan sát lối đi.

Dương-Qua muốn tìm cách cản trở, và chỉ về phía rừng trước mặt vừa nói nho nhỏ ra vẻ sợ sệt:

- Thôi cô ơi, đừng vào khu rừng đó nữa, ma nhiều lắm, tôi chả dám theo đâu.

Nàng trợn mắt hỏi:

- Tại sao mi biết?

- Trong rừng này có một ngôi mộ bí mật to lớn, có đầy cả hồ ly ma quỉ. Tôi nghe người ta nói như thế và không ai dám đến chỗ này bao giờ.

Hồng-lăng-Ba nghe nói lòng mừng khấp khởi. Nếu như thế thì đúng là Hoạt-tử Mộ-đài đây rồi.

Nàng vốn là học trò số một của Lý-mạc-Thu, được sư phụ chân truyền võ nghệ đã vào bậc khá. Mấy lúc sau này theo Lý-mạc-Thu đi đánh bại được nhiều anh hùng trên giang hồ, nên nàng đã tự cao cho mình là người nhiều bản lãnh.

Thỉnh thoảng nàng được sư phụ kể cho biết nơi xuất phát nền võ thuật của môn phái và chính nơi Cổ-Mộ-đài là trung tâm đào luyện nên những bí quyết cao siêu của một môn võ kỳ diệu bậc nhất trên thiên hạ là "Ngọc-nữ tâm-kinh". Môn nầy chưa mấy ai học được và nếu học được, đủ sức đối phó tất cả cao thủ trên võ lâm.

Lý-mạc-Thu chưa được chân truyền môn võ thuật này, lòng vẫn ấm ức, nên sau khi được biết sư phụ tạ thế, cố đột nhập về Mộ đài một lần quyết đoạt cho kỳ được pho "Ngọc nữ tâm kinh" nhưng không thi hành được thủ đoạn phải bỏ chạy. Vì tự cao tự đại nàng nói thật cho học trò nghe mà chỉ cho biết lý do là hiện nay Mộ ấy đã giao lại cho một sư muội là Tiểu-long-Nữ. Nàng và Tiểu-long-Nữ có nhiều điểm không hợp ý nhau nên nàng không muốn quay về nơi ấy nữa.

Thấy sư phụ nói thế, nhiều khi Hồng-lăng-Ba khuyên Lý-mạc-Thu dùng võ lực chiếm Cổ-Mộ đài để đoạt pho sách quý. Lý-mạc-Thu đâu phải không có ý nghĩ đó, nhưng ngặt vì đường đi trong Cổ-Mộ đài muôn phần bí hiểm, thêm lắm cơ quan máy móc kỳ diệu chết người nên không đủ sức thực hiện được. Tuy nhiên nàng chỉ mỉm cười không nói ra sự thật.

Hồng-lăng-Ba thấy sư phụ hình như không còn nghĩ đến việc ấy nữa, nên nàng định thâm tìm dịp nhập Cổ-Mộ đài một chuyến.

Nhiều lúc nàng dò hỏi sư phụ lối ra vào nơi Cổ-Mộ đài, lấy bút ghi thành bản đồ để sau này sử dụng. Thừa dịp được sư phụ phái đi Trường-Tống diệt gia đình một địch thủ, sau khi làm xong công việc, nàng tự ý đi luôn đến núi Chung-Nam, tình cờ lại gặp Dương-Qua.

Chỉ được nghe Lý-mạc-Thu nói là ngôi mộ ở giữa khu rừng rậm âm u, cỏ cây bao phủ tứ bề, chứ nàng cũng chưa hình dung được thế nào cho rõ rệt. Ngoài ra Lý-mạc-Thu cho biết trong mộ khác hẳn bên ngoài và có những đường lối giao thông liên lạc hết sức bí hiểm.

Hồng-lăng-Ba sai Dương-Qua dùng sứ chặt cây phát bụi hai bên để nhìn thấy đường vào Cổ-Mộ đài.