PDA

View Full Version : Thần Điêu Đại Hiệp - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 [22] 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103

nguoibanthan_ph
05-17-2007, 11:14 PM
Chương 22
Cô gàn gặp tay thằng ngốc


Nhưng bỗng có tiếng kêu réo nheo nhéo đằng sau. Nàng quay lại xem thấy hắn đã tóm chặt đuôi trâu, chân bỏng đất tòn teng lơ lửng như chiếc diều, cát bụi đóng đầy mình, mặt mày lem luốc, nước mắt ràn rụa, vừa thút thít vừa kêu nàng.

Nữ lang tức không chịu được rút dao toan chặt vào cặp tay hắn cho rồi, nhưng khi ấy gặp chỗ chợ đông, thiên hạn ngồi đầy đường trâu đi không được nữa và buộc lòng nàng phải thu dao lại.

Dương-Qua cố tình trêu ngươi để chọc nàng một mẻ nên kêu rối rít:

- Cô đánh chết tôi sao được? Miệng tôi còn kêu được tôi cầu cứu bà con. Bà con ơi, cứu tôi với, cứu tôi với!

Bà con thiên hạ trong chợ thấy lạ ùn ùn kéo nhau lại xem, bao vây xung quanh lớp trong vòng ngoài, có kẻ hỏi nguyên nhân sự việc.

Nàng mắc cỡ cố lẩn vào đám đông chạy trốn nhưng Dương-Qua đã níu được chân la lớn:

- Trốn đi đâu, trốn sao được với tôi phen này!

Một người đứng tuổi hỏi:

- Hai người tại sao dằng co như vậy?

Dương-Qua đáp:

- Người này là chị dâu tôi đấy. Chị ấy ghét tôi nên cứ đánh đập tôi hoài.

Nàng tức quá, mắt phượng tròn xoe, mày liễu dựng ngược, đưa chân đạp mạnh một nhát vào mông Dương-Qua lăn cù trên mặt đất.

Ngay lúc ấy có một đại hán vừa đến, trông thấy nổi giận hét:

- Con bé này, sao nhẫn tâm khốn nạn như vậy hử?

Vừa nói, đại hán vung quyền ra đỡ hộ cho hắn.

Nàng lại vung dao ra chém luôn.

Người ấy tung người lên cao để tránh rồi la lối om sòm. Tức thì sáu bảy người to lớn cùng chạy lại xông vào can thiệp.

Nhìn thấy tình hình có vẻ gay cấn bất lợi cho mình, nàng suy nghĩ:

- Ta muốn dứt bỏ hắn mà không được. Bây giờ đông người quá, nếu cứ thẳng tay e có hại vì làm sao đối phó với số người tại chốn chợ đông. Chi bằng nên dỗ ngọt hắn cho xong, rồi sau sẽ hay.

Nghĩ vậy, nàng dịu lời bảo:

- Thôi đừng khóc nữa, lại đây cùng chị đi về.

Dương-Qua đáp:

- Nhưng chị đừng đánh tôi nữa nghe chưa?

Nàng cười giả lả:

- Thôi, chị chả đánh em nữa đâu.

Thấy hai nàng đã thuận thảo, chị em hết xung đột nên thiên hạ trong chợ cũng dần dần giải tán và nhường đường cho Dương-Qua dắt trâu đi.

Cả hai bước đi đã khá xa, nhưng phía sau còn vọng lại những lời bàn tán ồn ào về câu chuyện mình khi nãy.

Khi ấy Dương-Qua lại khơi mào nói chuyện:

- Tại sao cô có ác ý xô tôi xuống đất chiếm đoạt trâu của tôi?

Nàng ta đỏ mặt tía tai, nạt lại:

- Thằng ranh con, ai là chị dâu của mày mà đi nhìn càng như vậy?

Nói rồi tuốt gươm chém luôn.

Dương-Qua thụt lùi ra sau né tranh, miệng năn nỉ:

- Thôi, xin cô đừng giận nữa, về sau tôi thề không dám nói ẩu nữa đâu.

Nàng hét lớn:

- Xem mặt mày như ma lem mà lại gọi ta là chị dâu. Chỉ có quỷ dạ xoa mới xứng là chị của mày.

Dương-Qua chẳng cãi lại, cứ cười hì hì cho qua chuyện.

Đêm tối xuống dần, nhưng hai người vẫn còn ở giữa cánh đồng không hiu quạnh. Đưa mắt nhìn vào phía xa xa, trong xóm có le lói ánh đèn. Người con gái nói:

- Bây giờ đã đói bụng lắm rồi, mi đi vào xóm ấy xem có thứ gì ăn được mua ăn đỡ dạ chứ.

Dương-Qua nhìn nàng lắc đầu nói:

- Đâu được! Tôi chẳng đi đâu hết.

Nàng hỏi:

- Vì sao mi không chịu đi?

Dương-Qua đáp:

- Tôi đi rồi cô bỏ đi nơi khác tôi biết đâu mà tìm nữa. Cô đừng lừa tôi vô ích.

Nàng nghiêm mặt nói:

- Ta đã quả quyết không đi đâu cả, mi cứ tin ta. Ai đi lừa mi làm gì.

Nhưng Dương-Qua vẫn lắc đầu tỏ vẻ không tin lời nàng nói.

Nàng nổi nóng vung quyền thoi đại. Dương-Qua lật đật nhảy ra sau né tránh. Nàng tuy võ nghệ cao cường, khinh công cũng có hạng, nhưng vì chân có tật một bên đi khập khễnh nên đuổi theo không kịp hắn.

Thấy sai khiến không xong, đánh cũng không trúng, nữ lang buồn lòng suy nghĩ:

- Mình mang danh biết võ nghệ mà không điều khiển được, biết làm sao bây giờ. Thật chán quá!

Suy nghĩ xong nàng làm thinh lững thững bỏ đi. Dương-Qua dắt trâu bước theo. Cả hai cứ theo đại lộ đó mãi. Nàng vừa đi vừa nghĩ bụng:

- Ta cứ giả vờ tự nhiên cho hắn im rồi xuất kỳ bất ý cho hắn một dao là xong việc chứ gì!

Đi mãi vừa khoảng chín một nồi cơm, bóng tối đen dần, không trông thấy xa được nữa. Bỗng hai người gặp bên đường có một miễu đá, cửa đóng then gài, có vẻ rêu phong cổ kính và đã bị hoang phế lâu ngày rồi.

Nàng suy nghĩ:

- Hay là mình rủ hắn vào ngủ trong miễu này. Thừa dịp hắn ngủ mê sẽ cho một nhát gươm là rảnh nợ.

Dự định xong, nàng đẩy cửa nhìn vào. Miễu bị bỏ phế lâu ngày bụi bám nhện giăng, mùi mốc bay lên nồng nặc. Chạy quanh đó tìm ít nhánh cây khô, nàng dùng làm chổi quét dọn trên bàn đất, ghé ngồi nghỉ chân.

Không thấy Dương-Qua vào, nàng cất tiếng gọi:

- Mày còn đứng ngoài ấy làm chi sao chưa chịu bước vào cho rồi, hở ôn con?

Nhưng tư bề vắng lặng không có tiếng đáp lại. Nàng sực nghĩ:

- Hay là nó đoán được ý ta, không dám vào, sợ mình giết đi chăng. Nếu hắn tự ý bỏ đi càng tốt.

Nàng ngồi dựa lưng vào vách trầm ngâm suy nghĩ. Thình lình một trận gió thoảng qua, đưa vào mũi nàng một mùi thịt nướng thơm ngào ngạt. Nàng ngạc nhiên bỏ chạy ra nhìn. Dưới ánh sao mờ mờ, bên cạnh đống lửa hồng cháy hực hỡ, Dương-Qua đang ngồi chồm hỗm, gặm một khút thịt nướng còn lên hơi nghi ngút. Trên đống lửa có mấy gắp thịt nữa đang cháy xèo xèo, mùi khói cuồn cuộn bay lên thơm phứt.

Đang gậm thịt ngon lành, thấy nàng bước ra, Dương-Qua cười hề hề, dồn dã hỏi:

- Cô nương xơi thịt không? Ăn một miếng cho đỡ dạ nhé?

Miệng nói tay đưa cho nàng một gắp thịt.

Nàng tiếp lời, đưa lên ăn thử. Có lẽ thịt nai? Tuy chẳng được ướp muối mắm, gia vị gì, nhưng thịt tươi, bụng đói ăn ngon miệng quá. Nàng thấy hay hay, cũng ngồi luôn bên cạnh, hơ lại gắp thịt rồi ăn không chút e dè.

Nàng ăn hết gắp ấy. Dương-Qua đưa thêm gắp khác.

Được ăn ngon, ngồi bên đống lửa ấm cúng, nàng thấy vui vui bèn gợi chuyện hỏi Dương-Qua:

- à quên, cậu em tên là gì nhỉ?

Dương-Qua vừa gặm thịt vừa nhìn nàng đáp ấm ớ:

- Suốt ngày nay cô đã gọi tôi là thằng ranh, thằng ngốc quả đúng tên tôi rồi, chứ hỏi làm chi nữa. Cô giả vờ hay thật đấy?

Nàng tức cười hỏi tiếp:

- Vậy cậu em tên Ngốc thật sao? Cha mẹ em còn đầy đủ cả chứ?

Dương-Qua thở dài đáp:

- Cha mẹ tôi đều mất sớm cả rồi. Còn cô, tên họ là gì nhỉ?

Nàng đáp:

- Ta quên đi mất rồi. Mà em hỏi có ích chi đâu?

Dương-Qua thấy nàng muốn giấu nên nghĩ bụng:

- à, mi cố tình giấu ta, thì ta cũng chọc tức một hồi xem mi có nói ra không cho biết.

Nghĩ rồi cười lớn nói:

- Dầu cô không muốn nói, tôi cũng biết từ lâu, nhưng chưa muốn gọi mà thôi. Nói ra cũng chả ích gì.

Cô gái ngạc nhiên hỏi:

- Mi biết ta tên gì, nói thử xem nào.

Dương-Qua nhìn nàng, ranh mãnh đáp:

- Tên cô là "Trứng Ngốc", có lẽ vì tên đẹp quá, cô không muốn phô bày ra chứ gì?

Nàng ta tái mặt vì quá giận, vùng đứng lên cốc vào đầu hắn một cái và quát lớn:

- Mày cả gan khinh miệt ta là "Trứng Ngốc"? Chỉ có mày là Ngốc rồi cũng tưởng ai nấy đều giống họ nhà Ngốc cả sao!

Dương-Qua ôm đầu bệu bạo nói:

- Cô gán cho tôi tên "Thằng Ngốc. Tôi hỏi tên cô là gì cô chẳng nói. Tôi tạm gọi như vậy để dễ kêu, vì Ngốc và Trứng Ngốc cũng họ hàng với nhau cả. Sao cô cứ ỷ thế hà hiếp đánh đập tôi mãi thế. Vô lý quá!

Nàng nói:

- Ta ghét mi nên chẳng thèm nói tên: Muốn lắm thì ta cho biết một phần nào. Ta vốn họ "Lục", còn tên ta là gì, để mi đoán ra cho được.

Nguyên cô gái này là Lục-vô-Song hái sen bên hồ, đã thuật hồi đầu chuyện. Nàng cùng chị dâu là Trình-Anh và anh em họ Võ đi hái hoa, rủi té gãy xương chân. Tuy được Võ Tam Nương buộc thuốc ghép lại hộ nhưng sau đó vì có sự nghi ngờ và xô xát giữa Võ Tam Nương và cha nàng là Lục Lập Đỉnh cho nên việc ghép xương chưa được hoàn toàn, Võ Tam Nương bỏ nhà ra đi. Vì vậy nên Lục-vô-Song mang tật phải đi tập tễnh.

Nàng có màu da bánh mật, tuy không trắng lắm nhưng có duyên, mặt mũi cũng xinh đẹp, nhưng hiềm vì mang tật nơi chân, bước đi không tự nhiên nên bị một phần lớn ảnh hưởng cho nhan sắc nàng, cũng đáng thương hại.

Khi Xích-Luyện Tiên-Tử Lý-mạc-Thu đến hạ sát toàn gia họ Lục định giết nàng thì nhìn thấy trên lưng có mảnh khăn hồng, khiến cho nàng nghĩ đến cựu nghĩa cùng ông nàng là Lục-tiểu-Nguyên, động lòng không nỡ hạ thủ và bắt đem đi.

Lục-vô-Song tuy ít tuổi nhưng rất lanh lẹ thông minh. Thừa hiểu số phận mình đang ở trong nanh vuốt quân thù, không biết lúc nào mất mạng, cho nên cố sức tìm cách ăn ở thật mềm mỏng khéo léo để mua lòng. Nhờ đó mà ý định giết nàng, ngày càng phai nhạt, Lý-mạc-Thu thỉnh thoảng có nhớ lại cựu thù thì đưa nàng ra mắng nhiếc cho hả dạ chứ không hại đến tánh mạng.

Muốn cho Lý-mạc-Thu không quan tâm đến mình nữa, nàng cố để cho đầu bù tóc rối, mặt mũi lem luốc, chân đi khập khễnh càng cố làm khập khễnh nhiều hơn, và thỉnh thoảng ra bộ điệu vớ vẩn ngẩn ngơ như người mất trí.

Lý-mạc-Thu thấy con người tàn phế chẳng có gì đáng kể hay lo ngại nữa nên để ở trong nhà sai vặt như một đứa ở.

Lục-vô-Song ấp ủ mãi trong lòng mối cựu thù của song thân, không bao giờ lộ cho ai biết.

Thỉnh thoảng Lý-mạc-Thu thử ý hỏi đến tên cha hay tên mẹ thì nàng cũng giả vờ ngu ngu dại dại, nói bậy bạ chẳng trúng vào đâu hết. Nhờ vậy nên Lý-mạc-Thu không quan tâm đề phòng nữa.

Hàng ngày Lý-mạc-Thu rèn luyện võ nghệ cho Hồng-lăng-Ba thì Lục-vô-Song đứng hầu để sai vặt, hoặc múc nước, đưa khăn, thu dẹp bàn ghế hoặc xếp vũ khí.

Trước kia cũng đã có chút ít căn bản võ nghệ, nên nàng chú ý học lỏm nhiều ngón rồi thừa lúc vắng vẻ tìm nơi kín đáo để tập luyện lại.

Đối với Hồng-lăng-Ba thì nàng hết lòng chiều chuộng, bợ đỡ, luôn luôn tán tỉnh, khiêm nhường cho nên được Hồng-lăng-Ba thương mến, thỉnh thoảng gặp lúc Lý-mạc-Thu vui tính, Hồng-lăng-Ba tìm lời nói giúp cho nên Lý-mạc-Thu cũng bằng lòng chỉ bảo cho nàng.

Cứ như vậy tập luyện suốt mấy năm trời về cái môn quyền thuật, Lục-vô-Song lại tỏ ra có nhiều tiến bộ khiến cho Lý-mạc-Thu lại đem lòng nghi ngờ nên không tiếp tục truyền dạy võ nghệ cho nữa.

Trái lại, Hồng-lăng-Ba đã sẵn mến nàng cho nên đem lòng thương hại, thỉnh thoảng dấu sư phụ, đem cái môn bí truyền về đao kiếm, khinh công hay quyền cước đã học được truyền thụ lại cho nàng.

Nhờ vậy mà chẳng bao lâu Lục-vô-Song cũng có một bản lãnh khá cao có thể sánh với nhiều tay cự phách trong võ lâm thời bây giờ.

Trong dịp Lý-mạc-Thu cùng Hồng-lăng-Ba tái nhập Cổ-Mộ đài để tìm cách lấy trộm "Ngọc nữ tâm kinh" ở quá lâu, Lục-vô-Song chờ mãi không thấy về nên có ý muốn tìm cách trở về đất Giang-Nam để thăm quê hương và dò la tin tức của cha mẹ.

Ngày còn thơ ấu, khi Lý-mạc-Thu đến Lục gia trang, nàng chỉ được nghe cha mẹ bị Lý-mạc-Thu đánh trọng thương chứ không biết sống hay đã chết rồi. Vì vậy nên nàng cố nuôi hy vọng kiếm tìm, may ra còn có ngày được sum họp lại.

Trên đường về Giang-Nam nàng có gặp hai đạo sĩ lạ mặt. Hai người này thấy nàng đi tập tễnh đem lời chọc ghẹo. Tuy cố sức làm ngơ nhưng hai đạo sĩ càng tỏ vẻ thô bạo quá đáng nên nàng nổi nóng đem cắt tai một người cho hả giận.

Vì vậy nên người kia mới thách nàng và hẹn trưa hôm sau ra Sài Lang Cốc để thí võ, nên mới gặp lại Dương-Qua.

Ngày còn nhỏ, nàng và Dương-Qua đã có dịp gặp nhau, khi nàng vừa bị Lý-mạc-Thu bắt cóc đem đi. Nhưng thời gian qua, cả hai lớn lên, thân hình dáng điệu mỗi người cùng thay đổi quá nhiều cho nên tuy gặp lại vẫn không nhìn ra được.

Lục-vô-Song ăn hết ba gắp thịt của Dương-Qua đưa, thấy đã no lắm rồi. Trong người cảm thấy khoai khoái dễ chịu lắm.

Riêng Dương-Qua cứ ngồi nhìn đám lửa hồng thả hồn mơ mộng đâu đâu.

Chàng nghĩ đến Tiểu-long-Nữ và chép miệng than thầm:

- Chẳng biết giờ này cô nương ta phiêu dạt nơi đâu. Có nhớ đến mình chăng? Giá thử nàng này là cô nương ta, cùng ngồi hơ lửa ăn thịt, thì thú vị biết bao nhỉ?

Càng nghĩ càng mơ màng, mắt đăm đăm nhìn nàng không chớp.

Lục-vô-Song chợt thấy Dương-Qua nhìn mình như ngây dại nên phát ngượng, muốn đứng lên bỏ đi nơi khác bỗng nghe tiếng ho nho nhỏ từ đàng xa và một người lê đôi giép đến gần.

Người ấy vừa đưa mũi hít lia, vừa cất tiếng trầm trầm, tiến lại gần nói:

- ồ, thơm quá, thịt nướng ngon lành quá!

Lục-vô-Song để ý thấy người này ăn mặt rách rưới, quần áo chằn vá khắp nơi, dáng điệu quả là một chàng ăn mày chính cống.

Hắn bước thảng lại đống lửa ngồi kề bên cạnh Dương-Qua chẳng thèm hỏi han một lời, lấy que củi khều than ra gắp một miếng thịt đưa lên miệng nhai nhồm nhoàm, khen ngon rối rít.

Dương-Qua cứ điềm nhiên ngồi ngó không nói một lời.

Lục-vô-Song người thấy mùi hôi hám từ người này xông ra khó chịu quá. Hơn nữa thái độ của y lại vô lễ thô tục khiến nàng bực mình, phủi áo đứng dậy, ngoay ngoảy đi vào trong.

Người ấy nhìn theo tủm tỉm cười rồi như có vẻ vừa khiêu khích nữa. Cười xong, hắn cúi đầu ăn nữa.

Lục-vô-Song bực mình quá nhịn không nổi nữa, quay phắt lại trỏ mặt người ấy quát:

- Tên kia, mi cười cái gì?

Người ăn mày nghếch mặt một cách tư thị đáp:

- Ta cười mặc ta, có can hệ chi đến cô mà hỏi?

Lục-vô-Song muốn nhảy đến chém cho một dao bay đầu, nhưng sợ làm cho chú chăn trâu hoảng sợ chạy mất nên cố nén bụng làm ngơ rồi lẳng lặng đi vô.

Nàng vừa đến hiên miếu, bỗng nghe người ăn mày hỏi Dương-Qua:

- Chị của chú đấy à? Trông cũng khá đẹp đấy chứ! Nhưng nóng nổi là chân đi cà thọt khó coi quá nên chẳng còn đáng bao nhiêu.

Mấy lời ấy như muối xát vào lòng Lục-vô-Song. Nàng vừa nghe và thấy nóng bừng cả má, nóng cả tai. Bao nhiêu năm sống chung quả phụ Lý-mạc-Thu, nàng phải nhẫn nhục chịu đựng tất cả sự đè nén khinh khi, áp bức. Ngày nay đã ra đời tự do thế mà một tên ăn mày dám đương nhiên chế diễu khinh miệt mình ra mặt thì làm sao dằn lòng cho nổi nữa.

Lập tức nàng rút gươm nhảy lại chém mạnh vào đầu tên ăn cướp.

Người này cũng là một tay có hạng trong bang hành khất, cho nên võ nghệ cũng vào bậc khá.

Bang này do Hồng-thất-Công lãnh đạo gồm đủ ăn mày tứ phương, khắp cầu đường xóa chợ, từ thành thị đến thôn quê, chỗ nào cũng có mặt.

Hôm nay giữa đồng hoang vắng, tình cờ gặp Dương-Qua ăn mặc cùng bẩn thỉu rách rưới, hắn lầm tưởng là bạn đồng nghiệp cho nên thấy thịt cứ sa vào ăn, chẳng cần hỏi han khách sáo gì hết.

Thấy Lục-vô-Song tỏ ý không thích bỏ đi vào, hơn nữa nhìn nàng đi tập tễnh, hắn hiến kỳ hỏi thăm cho biết và sẵn dịp cũng buông đưa vài câu cho đậm chuyện, đâu ngờ lại xảy ra cớ sự như thế này.

Khi thấy nàng đưa dao chém mình, người ấy vội vàng "ủa" một tiếng rồi phi thân nhảy ra một bên tránh né, miệng la lớn:

- ồ, sao nóng nảy vậy cô! Tôi mới ăn góp với em chồng cô vài miếng thịt đã là bao mà cô lại đối xử như vậy. Nếu cô không bằng lòng, tôi sẽ trả đủ cho mà.

Lục-vô-Song đâu phải tiếc thịt. Nàng chỉ căm thù kẻ vào đây nhạo báng sự tàn tật của mình cho nên nàng chẳng nói gì thêm, vung dao chém tiếp thêm nhát nữa.

Người ăn xin lanh chân lánh mình tránh né được hết, rồi nhìn nàng như muốn khiêu khích để chém thêm vài nhát nữa.

Lục-vô-Song càng giận thêm, tiến sát gần bên, chém vun vút vào làm đứt tung một mảnh áo, người ăn mày hãi kinh nghĩ bụng:

- ồ, con bé này cũng là tay hữu hạng, đâu phải tầm thường.

Hắn rút ra một cây roi sắt để tiếp đánh.

Độ mười hiệp, người ăn mày thấy cô gái càng đánh càng hăng nên chột dạ suy nghĩ:

- Ta với nàng có thù oán gì mà đánh nhau nữa. Chi bằng bỏ chạy cho rồi. Nàng bị thọt chân chắc đuổi theo mình không kịp.

Hắn vung roi quất mạnh vào chân đau của nàng, cười một tiếng rồi xoay mình bỏ chạy.

Lục-vô-Song vội vàng đưa dao đỡ ngọn roi ấy, nhưng lúc thấy người ăn mày vụt chay đi thì nổi tức lên thét lớn:

- Thằng chó chết, mày tưởng ta không đuổi kịp hay sao?

Thế rồi nàng múa lộng lưỡi dao lên mấy vòng, lộng gió vi vu rồi phóng theo người ấy đang chạy về hướng Bắc.


Dương-Qua cứ mải miết nướng thịt vừa ăn vừa xem hai người đánh nhau. Thấy người ăn mày cự không nổi cô gái, chàng thích chí cười hoài.

Thình lình có tiếng đao rít vi vu nghe ớn xương sống, chàng đưa mắt nhìn lại thấy Lục-vô-Song đang vũ lộng một thanh đao cong như vành cung, lưỡi mỏng như lá lúa phóng theo người ăn mày.

Lưỡi đao vòng cung đã phóng trúng lưng, người ăn mày la lên một tiếng té nhào xuống đất.

Lục-vô-Song bay tới rút đao toan hạ sát, nhưng người ấy đã lanh chân chờ dậy và kiếm đàng chuồn mất.

Lục-vô-Song chạy theo ít trượng đã thấy người ăn mày hiện đâu mất tìm chẳng được.

Nàng quay lại bảo Dương-Qua:

- Mi đi lại chỗ ấy lấy lưỡi phi đao mang lại đây cho ta.

Dương-Qua trố mắt hỏi:

- Phi đao nào, biết đâu mà lấy.

Lục-vô-Song nói:

- Lưỡi phi đao của ta vừa phóng ghim trúng giữa lưng hắn đấy, ngươi chẳng thấy sao?

Dương-Qua ngớ ngẩn đáp:

- Nó chạy mua như vậy, làm sao theo kịp mà lấy.

Nói rồi chàng khoát tay, lắc đầu quầy quậy.

Lục-vô-Song chán quá nghĩ rằng:

- Hơi nào đi cãi nhau với thằng khùng, vừa lười, vừa vô dụng, cho mất công.

Nàng đứng dậy vào trong leo lên bực nằm xuống nghỉ lưng, gối đầu trên lưỡi đao mà ngủ, bụng nghĩ thầm:

- Thôi, mất lưỡi phi đao, còn con đao này cũng đủ hạ sát hàng trăm kẻ địch.

Đến nửa đêm Lục-vô-Song thức dậy, rón rén bước ra ngoài.

Bên đống lửa đã tàn, nhưng Dương-Qua nằm chèo queo ngủ mê như chết. Nhìn lên trời, trăng đã xế non Tây, le lói, chiếu ánh sáng bạc màu xuống đồng mênh mông hiu quạnh. Mấy hàng cây đứng rọi bóng trên thảm cỏ xanh ướt đẫm sương đêm. Thỉnh thoảng vài tiếng chim đêm kêu văng vẳng nghe rờn rợn.

Nàng nắm chặt thanh đao, xăm xăm về phía Dương-Qua đang nằm, vung lên chém xuống một nhát thật mạnh.

Một tiếng "choeng" nổi lên, nháng lửa sáng lòe như chém phải sắt đá, bàn tay nàng tê rần, thanh đao muốn rơi xuống đất.

Nàng thất kinh muốn bỏ chạy đi vì sợ hãi và tự nghĩ:

- Không biết thằng này tập luyện cách nào mà đã trở thành mình đồng da sắt! Hắn thức dậy, biết rõ âm mưu mình, chắc không yên thân với hắn.

Chạy được mấy trượng vẫn không có tiếng đuổi theo, và nhìn lại thấy Dương-Qua vẫn nằm im ngủ kỹ dường như không hề hay biết.

Lục-vô-Song ngập ngừng một chút rồi lên tiếng gọi lớn:

- Ngốc ơi ngốc! Thức dậy bớ ngốc.

Gọi mãi mấy lần mà không thấy hắn dậy, nàng bước lại gần, định thần nhìn lại thì thấy không phải Dương-Qua, kinh như chỉ một thứ gì bên trong có phủ manh áo của hắn bên ngoài.

Nàng lấy can đảm đến gần đưa tay hất manh áo lên thì đó chỉ là một tảng đá xanh dài dài.

Nàng ngạc nhiên đứng nhìn sững sờ một chập và băn khoăn nghĩ mãi chẳng biết thằng ranh con này nghi trang hòn đá để đi đâu rồi.

Chờ một chập chẳng thấy tăm dạng, nàng gọi lớn:

- Ngốc ơi, đâu rồi! Ngốc ơi!

Nhưng mặc dầu nàng đã gọi đều lạc giọng vẫn chẳng có tiếng đáp lại.

Tứ bề vắng lặng đến rợn người. Thỉnh thoảng một vài giọt sương rơi lộp bộp trên cành lá điểm nhịp cùng tiếng côn-trùng rỉ rỉ suốt canh thâu, và tiếng gió lộng phần phật vào mấy lá chuối phía sau tòa cổ miếu.

Lục-vô-Song mỏi miệng quá, ngồi trên phiến đá nghỉ xả hơi. Bỗng bên trong có tiếng ngáy của ai vọng ra.

Nàng ngạc nhiên rón rén đi vào thì rõ ràng Dương-Qua đang nằm trên bực đất của nàng ban nãy xây mặt ra ngoài, ngủ say như chết.

Đang bực tức vì mấy lần bị gạt, Lục-vô-Song không do dự nữa, nhảy luôn lên bục, nắm đầu hắn, vung dao chém phập vào ngay lưng một nhát.

Tiếng "phập" vừa dứt, nàng định thần nhìn lại, thấy rõ ràng đã chém trúng ngay giữa lưng, nhưng Dương-Qua vẫn nằm ngủ mê mệt và không có một tý máu me gì hết.

Nàng bặm môi, chém thêm một nhát nữa, và cũng không thấy máu.

Tức quá Lục-vô-Song cứ chém mãi liên hồi vào chỗ ấy, nhưng Dương-Qua vẫn cứ ngủ mê hơi ngáy đều đều không đứt quãng.
Đang bàng hoàng ngơ ngác chưa hiểu vì sao, bỗng Dương-Qua cựa mình ú ớ mê sảng nói lảm nhảm:

- Ai đi trên lưng đó... nhột quá. Hãy bỏ ra đi.

Lục-vô-Song sợ đến tái mặt không còn tý máu, răng đập vào nhau cồm cộp, miệng lẩm bẩm:

- Trời, quỷ hay người mà dễ sợ quá như thế này?

Muốn quay mình trốn đi nơi khác nhưng cặp giò như rã rời không nhích nổi nữa, đứng sững sờ như pho tượng.

Dương-Qua lại mê sảng nói nữa:

- Ai cứ sờ vào lưng mãi thế! ồ con chuột thật bự, tha đùi thịt nai mất rồi!...

Hết nói mơ, lại nghiêng qua một bên vén áo gài sồn sột, làm một đùi thịt nai để bên mình rơi luôn xuống đất.

Lục-vô-Song mới hiểu, nguyên nhân vì đùi nai cài sẵn bên lưng cho nên đao chém mấy lần không phạm được vào người hắn được. Thế mà nàng hoảng sợ gần điến hồn.

Vì nhiều lần cố chém không kết quả, phen này nàng quyết tâm hạ cho kỳ được để hắn khỏi trêu ngươi nữa.

Sau một phút đắn đo, nàng vung đao đâm mạnh vào bụng. Nhưng vừa lúc ấy, Dương-Qua bỗng nằm nghiêng qua một bên, mồm lảm nhảm mê sảng nữa. Lưỡi dao đâm hụt ghim xuống bực sâu hơn ba tấc.

Lục-vô-Song bặm môi rút mạnh lưỡi dao rồi trợn mắt đâm nữa.

Dương-Qua ú ớ la hoảng:

- Chuột ớ kìa, chuột tha đùi nai rồi!

Ngay lúc đó, Dương-Qua duỗi chân trái điểm ngay huyệt "Khúc tử" và chân phải điểm huyệt "Khiêm tĩnh", hai trọng huyệt nơi đùi và vai của Lục-vô-Song, khiến cho nàng bủn rủn cả thân hình đứng không vững, té nhào vào đùi chàng bị kẹp chặt lại.

Tuy toàn thân đã mềm rã, cử động không được nữa, nhưng thần trí vẫn tỉnh táo như thường. Nàng vội kêu lớn:

- Mau nới đùi ra không, quỷ sứ. Đồ gì mà hôi như heo. Chịu không nổi nữa.

Mặc nàng la lối, mắng chưởi, Dương-Qua vẫn khép đùi kẹp chặt và nằm yên ngủ mãi.

Lục-vô-Song tức quá rán ngóc đầu lên phun nước bọt vào mặt Dương-Qua. Hắn nghiêng mình, chìa ngón chân vào huyệt "tý nho" khiến nàng á khẩu luôn, hết nói hay há miệng ra được.

Nàng nằm yên toàn thân bất lực, trong khi ấy xú uế trong quần của Dương-Qua bốc ra muốn ngạt mũi, không thể nào thở nổi.

Nằm mãi như thế gần nửa giờ, dần dần đã thấy quen, hết thấy hôi hám, Lục-vô-Song tức mình nghĩ bụng:

- Mai đây, huyệt đạo thông suốt trở lại, ta thề sẽ bằm mi ra làm trăm mảnh cho hả giận.

Trêu đùa đã nư, bấy giờ Dương-Qua mới duỗi chân, uốn mình từ từ thả nàng ra, rồi quay mặt ngó xuống.

Tuy ánh trăng tàn chỉ le lói nhưng Dương-Qua cũng đủ nhìn thấy đôi mắt nàng quắt lên sáng rực và mặt nàng hầm hầm đầy sát khí.

Thấy nàng càng tức giận, sắc mặt càng giống Tiểu-long-Nữ quá chừng. Dương-Qua đắm đuối nhìn hoài không nháy mắt.

Lúc ấy đêm đã hầu tàn, trăng gần gác núi, chênh chếch, xiên qua cửa sổ dọi thẳng vào bục chỗ hai người nằm, thấy rõ như ban ngày.

Lục-vô-Song thấy Dương-Qua cứ nhìn mình đắm say, đôi mắt lờ đờ như si như dại, trên môi điểm một nụ cười thích thú, khiến nàng giật mình nghĩ bụng:

- Hay là hắn điểm huyệt mình để làm điều tồi bại và hiếp đáp mình chăng? Nguy quá.

Vì quá sợ, mồ hôi toát ra đầm mình.

Vừa khi ấy Dương-Qua lại đưa mắt nhìn thẳng ra phía cửa. Nàng vội ngó theo thì thấy có ba cái bóng đen đang chầm chậm bước vào, mỗi bóng đều có sẵn khí giới cầm tay.

Lục-vô-Song tái mặt nghĩ thầm:

- Phen này thêm nguy biến nữa đây. Thằng chăn trâu xem vậy mà tài cao quá cỡ. Nó cứ giả ngây ngơ, ngốc ngác, không ngờ bản lĩnh quá kinh người.

Hắn đã điểm huyệt ta rồi, bây giờ làm thế nào để đối phó với ba tên này cho được.

Bước vào đến cửa, người đi đầu đã hét lớn:

- Con tiện tỳ đâu rồi, mau ra đây nộp mạng cho rồi để khỏi nhọc công các lão gia ra sức.

Người thứ hai nói tiếp theo:

- Các ông chẳng thèm giết mi làm gì, chỉ cần lấy một tai xẻo mũi và hớt một cánh tay cũng đủ đền tội rồi.

Dương-Qua lẩm bẩm:

- Tưởng ai té ra bọn đạo sĩ khi ban ngày. Chẳng biết làm sao bọn hắn tìm ra chỗ này được.

Kế đó người thứ ba nói.

- Các lão gia đang chờ đợi để tiếp mi đây, cứ ra đi, mau hiến dâng ba vật đó là xong.

Thế rồi ba người lùi ra sau chia nhau đứng ba phía thành hình rẽ quạt, cầm vũ khí lăm lăm chờ đón nữ lang.

Lục-vô-Song kinh hãi quá, không cử động được mà muốn nói cũng chẳng nên lời.

Dương-Qua rỉ tai nàng nói nhỏ:

- Mấy lão đạo sĩ này, chuyện gì mà la lối om ròm lúc ban đêm chẳng để cho người ta yên nghỉ. Cô nương chịu khó bước ra cho chúng một bài học để chừa thói khinh người, hỗn láo.

Nói xong, chàng se sẽ gạt áo nàng lên, điểm nhẹ qua các huyệt đạo, trả lại công lực cho nàng.

Lục-vô-Song cảm thấy tinh thần sảng khoái, chân tay đã mạnh các huyệt đạo hết đau nhức nữa, lồm cồm chổi dậy nắm đao nhìn ra.

Dưới ánh trăng vằng vặc, ba tên đạo sĩ vẫn đứng bao trước cửa, múa may thách thức.

Lục-vô-Song phi thân nhảy ra, cử đao chém mạnh vào người đứng bên tả.

Người ấy vội đưa roi lên đỡ. Roi vừa chạm làn đao chém quá mạnh kêu chát một tiếng, đội ngược lại và sút tay rơi luôn xuống đất.

Dương-Qua thấy vậy khen thầm:

- Kỳ này khá lắm, lối ra tay quả đúng theo võ thuật chân truyền của phái Cổ-Mộ.

Vừa lúc ấy, Lục-vô-Song tiếp bồi cho một nhát nữa, lão đạo sĩ la hoảng một tiếng, nhảy lùi ra sau trốn tránh.

Lục-vô-Song thấy phấn khởi tinh thần, vung đao chém luôn vào người đạo sĩ cầm dáo.

Người đạo sĩ lùn lùn bảnh lãnh rất cao, cùng người cao xúm lại tấn công vào ráo riết, đánh toàn những ngón đòn hiểm ác khốc liệt.

Càng lâu, Lục-vô-Song càng bết dần và trở nên lúng túng. Có nhiều lần thất thế suýt bị thương. Trong khi đó người đạo sĩ bị văng roi cũng đã hết ê tay, nhảy lên, chỉ mặt nàng thét lớn:

- Nhãi con, phen này đừng hòng thoát khỏi tay ta.

Nói xong, hắn lao đầu vào đúng ngay lưng nàng. Lục-vô-Song có cảm giác như đụng phải chàng đá, toàn thân đau dần, tâm thần rối loạn, đứng lảo đảo muốn ngã quỵ.

Thấy một mình nàng không cự nổi ba mạng và đã lãnh một đòn nơi lưng, Dương-Qua vội thét:

- Nguy tai!

Vừa lúc đó lưỡi dao của lão đạo sĩ lùn đã loang loáng chém xuống lưng nàng, đồng thời ngọn roi của người đạo sĩ nọ cũng đang bay vút vào trước bụng.

Dương-Qua lập tức lượm hai viên đá, khẽ vung tay, tức thì một viên trúng tay lão lùn đau quá rơi đao, còn viên kia chạm ngay ngọn roi của đạo sĩ rớt xuống đất.

Tuy vậy nhưng lão đạo sĩ vẫn không chút e dè. Mất vũ khí hắn bỗng vung quyền dùng thế "Liên-hoàn song kích" lăn sản vào dùng tay tả đấm trúng ngay bụng nàng dội ngược ra sau nằm không động đậy. Dương-Qua hoảng quá la lớn:

- Nàng nguy rồi. Phải cứu ngay mới được.

Lập tức chàng cầm "tiểu chu thiên" ném mạnh vào, lanh như gió.

Với sức mạnh gần ba trăm cân, Tiểu-chu-thiên ồ ạt bay tới đánh mạnh người đạo sĩ văng ra sau xa hơn ba trượng.

Thấy đối phương vô cùng dũng mãnh, người lùn và tên đạo sĩ kia vội vàng khiêng bạn bị thương chạy mất.

Dương-Qua bước lại nhìn, thấy Lục-vô-Song nằm bất tỉnh trên cỏ, mặt vàng như thoa nghệ, hơi thở rất yếu, thương tích có vẻ trầm trọng.

Chàng đỡ nàng ngồi dậy, thấy toàn thân mềm nhũn, xương cốt kêu lắt rắt thỉnh thoảng nấc lên mấy lần và nhăn mặt rên nho nhỏ hình như quá đau đớn vì ngọn đòn vừa rồi.

Dương-Qua hỏi:

- Sao, có đau lắm không cô?

Lục-vô-Song đau quá, hạn xuất đầm mình. Nghe chàng hỏi, nàng sẽ mở mắt lườm một cái và khẽ gắt: - Thế mà cũng hỏi. Không đau mà thân hình như vầy sao. Hãy bồng ta vào trong đi.

Dương-Qua luồng tay dưới lưng bồng lên. Nhưng thân nàng quằn xuống, xương chuyển động nghe sào sạo, đau quá, nàng lại trách.

- Ngốc ơi, sao lại thế? Ba thằng kia đã đánh ta bị thương rồi, mi còn hành hạ thân xác ta đau thêm nữa sao?

Dương-Qua mỉm cười đáp:

- Bọn chúng ngỡ cô chết rồi không quan tâm nữa bỏ đi cả rồi.

Lục-vô-Song mừng rỡ thấy nhẹ cả người, đưa mắt háy một cái và nói:

- Sướng lắm sao mà cười. Mi muốn ta đau cho nhiều để thích thú phải không Ngốc.

Dương-Qua thấy mỗi lúc nàng giận, mắng thì vẻ mặt giống y như Tiểu-long-Nữ, cho nên chẳng hề giận mà còn vui nữa. Ngày xưa chung sống trong "hoạt tử mộ đài" thỉnh thoảng Tiểu-long-Nữ cau có, mắng nhiếc nhưng Dương-Qua lại sung sướng cho rằng, sở dĩ cô nương có yêu mới mắng, có lo cho mình mới rầy la.

Ngày nay Tiểu-long-Nữ lưu lạc phương nào chưa tìm được may gặp Lục-vô-Song, tuy có tánh ương gàn nhưng nhiều nét giống cô nương. Chi bằng lưu nàng cùng ở một bên để thỉnh thoảng nhìn nàng khi giận hờn trách móc đỡ nhớ Tiểu-long-Nữ. Trên đường phiêu bạt, tìm sư phụ cũng được một bạn đồng hành cho đỡ bớt nỗi cô đơn.

Dưới áng trăng soi, Lục-vô-Song nhìn thấy rõ mặt Dương-Qua vẫn vui vẻ không có gì bực tức hay phiền hà về cái lời nói trách móc, lúc nào cũng giữ nụ cười trên môi thì cảm thấy chột dạ và nghĩ thầm:

- Hắn chỉ là một đứa mục đồng bẩn thỉu nhưng tâm hồn cao thượng, thân thể cường tráng, còn ta mang thân một thiếu nữ có nhan sắc, sao trời nỡ khiến mang tật nguyền để người đời chế riễu, thật là bất công.

Thằng này lúc nào cũng tự cao tự đại, ương gàn, ngốc nghếch dễ ghét quá. Sao ta không tìm cách giết hắn đi cho đỡ gai mắt.

Trí vẩn vơ suy nghĩ, quên bớt đau đớn, mỗi khi trở mình thấy như bị ai dần khắp đầu xương nên không ngớt kêu la và rên rỉ như bị thương quá nặng.

Dương-Qua thương hại hỏi:

- Nếu có đau lắm, hãy bằng lòng để tôi dùng thuật "tiếp cốt" chữa cho nhé!

Nàng gay gắt mắng:

- Khéo kiếm chuyện đặt bày theo lối chăn trâu càn dở? Làm gì có chuyện "tiếp cốt" mà bày đặt đến để chọc ta nữa.

Dương-Qua cười hề hà đáp:

- Hồi nhỏ tôi đã học được phép này. Hễ ai bị chó cắn, heo ủi dầu bị thương nặng nhưng cứ tiếp cốt cho một chập là mạnh liền.

Nàng cãi lại:

Chó heo khác, võ thuật quyền cước đả thương là một chuyện khác. Làm sao dùng cách này chữa bệnh nọ.

Dương-Qua đáp:

- Thì cô cứ để làm thử, hiệu nghiệm hay không sẽ rõ, cãi cọ làm gì.

Lục-vô-Song suy nghĩ:

- Thằng này có nhiều chuyện lạ đời lắm. Biết đâu nó chữa được bệnh mình cũng nên. Nếu cứ để mãi như thế này, đau đớn quá chịu không nổi e chết mất. Nơi đây làm gì có thầy lang hay thuốc men gì để cứu chữa. Nhưng nếu hắn buộc mình phải bỏ hết áo quần để xoa bóp nắn chữa thì ngượng quá chịu sao nổi.

May ra khỏi được, sau này mặt mũi nào ngó hắn nữa. Nhưng nếu câu chấp để kéo dài, bỏ mạng chẳng ai thương. Hay là ta cứ bằng lòng cho hắn tự do cứu chữa. Nếu lành rồi, sẽ tìm cách giết đi là xong chuyện, còn đâu nữa mà thẹn với thuồng!

Thật ra Lục-vô-Song vốn bản chất hiền lành nhưng từ nhỏ có tật ương gàn nghịch ngợm. Suốt thời gian sống chung với Lý-mạc-Thu lại nhiều tánh ác độc nên hành động cũng trở nên ác độc, háo sát như vậy.

Nàng dịu giọng bảo:

- Cậu em hãy cẩn thận chữa thử xem sao. Nhớ nhẹ tay kẻo đau lắm.

Thấy cô gàn đã thuận cho chữa, Dương-Qua bỗng có ý nghĩ:

- Bây giờ ta nên thừa dịp làm khó, ghẹo nàng một mẻ, kẻo còn cơ hội nào nữa.

Chàng mỉm cười bảo:

- Xưa kia có một ái nữ của một phú ông trong vùng rủi bị heo cắn rất nặng. Gia đình nàng có mời tôi đến chữa, tôi không đòi hỏi tiền bạc, lễ lộc gì hết mà chỉ buộc nàng một điều kiện duy nhất để chứng tỏ người ta có lòng thành cố tâm muốn được cứu chữa hay không.

Lục-vô-Song hỏi:

- Điều kiện gì, có khó không?

Dương-Qua cười đáp:

- Dễ lắm! Tôi buộc nàng gọi luôn một trăm lần câu này:

"Người anh yêu quý của em ơi!". Gọi xong tôi mới chịu nữa. Bây giờ có muốn lành bịnh cũng phải kêu như vậy mới được.

Lục-vô-Song điên tiết hét lớn:

- Khỉ khô, khỉ khô! Mặt mày dơ dáy bẩn thỉu như trâu, ai mà thương cho vô mà đèo bòng kia nọ.

Dương-Qua cười khà khà nói:

- Cô không bằng lòng cũng tốt. Tôi khỏi bận trí nữa. Thôi cô nằm đây nghỉ, tôi đi về nhà nhé. Sau này có dịp sẽ gặp nhau lại.

Nói rồi đứng dậy đi luôn ra cửa.

Lục-vô-Song suy nghĩ:

- Nếu hắn bỏ đi thiệt, thế ai săn sóc chạy chữa. Chẳng lẽ ta đành nằm chết khô nơi đây sao.

Nghĩ rồi cố nén giận gọi theo:

- Đi đâu mà nôn nóng vậy. Hãy nán lại một chút, ta có chuyện muốn nhờ mi.

Dương-Qua dừng bước quay lại nói:

- Không cần đến thì tôi đi chứ ở đây làm gì. Phàm người khác, gọi một trăm câu sẽ được tôi cứu chữa. Cô nương chẳng gọi mà còn chưởi mắng tôi nữa. Bây giờ muốn chuộc lại thì ít nhất cũng phải gọi một ngàn câu tôi mới nhận chữa cho.

Lục-vô-Song túng quá không biết làm sao hơn nên suy nghĩ:

- Ta nên làm theo ý muốn hắn cho rồi.

Chừng nào khỏi bệnh sẽ có cách đối phó sau .

Sắp đặt xong nàng gọi lớn :

- Anh yêu quý , anh yêu quý của em ơi ! Anh yêu quý ơi , cứu dùm cho em đi anh yêu quý ...

Nghe gọi , Dương Qua thích chí và cũng buồn cười nên vui vẻ nói :

- Thôi được rồi . Biết nghe lời thì tôi cũng chữa cho để khỏi đau đớn tội nghiệp . Còn lại chín trăm mấy chục lần nữa thì tạm cất một bên để dành . Sau này lúc cần sẽ đem ra gọi nhé .

Nói rồi cúi xuống mở cúc áo định cởi hết xiêm áo của nàng .

Lục vô Song mắc cỡ quá nạt lớn :

- Thôi đi , làm gì lạ thế ?

Dươn Qua dừng tay , nhìn mặt nàng đáp :

- Có khám kỹ mới tìm ra chứng bệnh . Nhìn bên ngoài làm sao biết được mà hòng chữa với chuyên . nếu không chịu cho cởi thì tôi cũng không thể nào chữa nổi .

Lục vô Song gượng cười nói :

- Thôi tuỳ ý , muốn cởi thì cởi đi .

Loay hoay một lúc lâu vẫn chưa xong , nàng mắc cỡ quá hỏi nhỏ :

- Sao , chữa được không mà rị mò hoài , lâu thế ?

Dương Qua lắc đầu bảo :

- Sao nôn nóng vậy . Đã chữa phải chu đáo chứ đâu hấp tấp sao được .

Nga lúc đó bên ngoài có tiếng xì xào . Một người nói lớn :

- Thế nào con ấy cũng ẩn nấp trong khu vực này . Hãy chịu khó tìm thêm latý nữa ắt sẽ gặp .

Nhận thấy qua giọng nối của Xích luyện Tiên tử Lý mạc Thu nên Lục vô Song sợ quá , mặt mày xanh lét , mát ngó láo liên , mồ hôi xuất đầy mình . Nàng quên đau nắm tay Dương Qua hỏi nhỏ :

- Làm sao bây giờ . Sư phụ đã đến tìm ta đó . Nguy quá !

Dương Qua cũng ngại lắng tai nghe nữa .

Kế đó có tiếng người đàn bà khác nói tiếp :

- Cứ nhìn con dao cong vòng ghim trên lưng hắn thì đích thị là con dao của sư phụ rồi , không còn nghi ngờ gì nữa .

Đó là tiếng của Hồng lăng Ba .

Nhắc lại thầy trò Lý mạc Thu khi tìm cách thoát được khỏi Cổ Mộ đài thì về ngay Xích hà trang . Đến nới thấy Lục vô Song đã trốn mất thì Lý mạc Thu cũng chẳng them quan tâm mấy

nhưng sau khi xem xét lại đồ đạc thấy mất tập " Ngũ độc bí truyền " thì Lý mạc Thu rụng rời lo lắng . Sở dĩ tren võ lâm , anh hùng thiên hạ nể sợ nàng là do môn " Ngũ độc thần chưởng " và môn " Băng hồn ngân châm " chứ đâu phải vì võ công cao siêu hay vì bản lĩnh của nàng . Trong sách này có ghi chép tất cả bí thuật của hai môn độc đáo kia . nếu chẳng may để lọt vào tay kẻ khác họ sẽ đem ra truyền cho dạy các phái , rồi thiên hạ mọi người đều biết ngay cả những môn giải độc cũng không còn bí mật nữa . Chừng ấy danh tiếng của Xích luyện Tiên tử có ra gì nữa đâu .

Lý mạc Thu đã luyện sách này tinh thục rồi đem cất giấu nới Xích hà trang , chẳng may Lục vô Song biết được , ăn cắp mang đi mất thì quả là một mối tai hoạ vô cùng to lớn đối với nàng .

Lý mạc Thu giận quá lập tức cùng đệ tử Hồng lăng Ba đuổi theo truy nã .

Nhưng ngại vì Lục vô Song đã trốn đi từ lâu , biết đâu mà tìm . Vì vậy nên hai thầy trò phải chịu khó lạn lội khắp chỗ để dò la thăm hỏi , tốn không biết bao nhiêu công phu tiền bạc mướn thuê , từ đô thị đến thôn quê nhưng vẫn chưa gặp .

Một chiều ảm đạm , sương trắng phủ đầu non ,ánh tà dương vừa khuất núi . chim rừng cũng ríu rít kêu nhau vè tổ thì thầy trò Lý mạc Thu vừa đến một vùng gần ải Đông Quan .

Cả hai thầy trò cũng nhau đi tìm một quán trọ nghỉ tạm một đêm , ngày mai đi tìm nữa .

Cơm nước xong xuôi , hai thầy trò ngồi nơi quán trọ nhìn ra đường . Thấy ở phía góc chợ có một nhóm ăn xin đang tập trung về , tranh nhau chỗ ngủ .

Lý-mạc-Thu nghĩ bụng:

- Bọn ăn xin ở rải rác khắp nơi, chỗ nào cũng đến, tất nhiên biết được nhiều người, nghe được nhiều chuyện, ta thử đến hỏi thăm, may hỏi ra tung tích của hắn cũng chưa biết chừng.

Hai thầy trò rảo bước lại gần bọn ăn xin nghe ngóng.

Vừa đến nơi bỗng thấy đàng xa có một người ăn xin cõng trên lưng một đồng nghiệp khác đang bị thương, xăm xăm về hướng này, xung quanh có trên mười tên khác đi theo hộ vệ, người nào cũng mang bị và chống gậy.

Lý-mạc-Thu đưa mắt nhìn thấy trên lưng người ấy có ghim một lưỡi dao mỏng, lưỡi cong vòng như vành cung, chính là con dao của nàng do Lục-vô-Song lén cắp mang đi.

Lý-mạc-Thu chạy lại gần thì người ăn mày ấy phân bua cùng các bạn đồng nghiệp:

- Tôi vừa bị một con bé thọt chân phóng đao này vào lưng đấy.

Nghe được manh mối, Lý-mạc-Thu mừng quá, bảo đệ tử:

- Nếu vậy thì hắn vẫn còn lẩn quẩn gần đây chưa đi đâu xa. Mau mau đi tìm, nhất định phải gặp.

Thế rồi không kể đêm tối, hai thầy trò cùng nhau đi kiếm ngay.

Khi đến tòa cổ miếu, nhìn trước sân có một đống lửa đã tàn chỉ còn leo lét một vài đom đóm, thoáng đâu đấy có mùi máu tanh tanh.

Dưới bóng dáng lờ mờ, Lý-mạc-Thu thấy trên mặt đất có một vài vũng máu khô rơi rớt, do cuộc đánh nhau vừa lưu lại.

Thế là hai thầy trò cùng nhau đi thẳng vào tòa miếu cổ, gươm cầm tay, để ý nhìn quanh khắp nơi quyết tìm cho ra phen này.