nguoibanthan_ph
06-13-2007, 10:06 PM
Chương 44
Thủy tiên U Cốc
Đạt-nhĩ-Ba vẫn không tin, nhảy xổ đến nắm lấy vạt áo Dương-Qua.
Võ công Đạt-nhĩ-Ba giỏi hơn Dương-Qua nhưng vì trong lúc sư-phụ hắn đang tại bệnh, nên hắn bối rối tinh thần thì Dương-Qua đã dùng một thế tầm thường gạt hắn sang một bên, té nhủi xuống đất.
Trước đây đã nhiều lần Đạt-nhĩ-Ba e ngại Dương-Qua, còn Dương-Qua thì đã rõ tài nghệ của đối phương nên vừa đánh xong một thế lại phải lui về một bước.
Chẳng biết lúc ấy do đâu hai đầu gối của Đạt-nhĩ-Ba run lên, hắn té sụm xuống đất, ngẩng mặt nhìn Dương-Qua nói với giọng nghẹn nghẹn:
- Xin đại sư-huynh hãy nghĩ đến ân nghĩa đối với sư phụ tôi. Nay sư-phụ tôi về đây dưỡng bệnh mà sư-phụ động thủ thì...
Chỉ nói đến, hai dòng lệ Đạt-nhĩ-Ba đã tuôn trào, rồi ngất nghẹn.
Dương-Qua tuy chưa hiểu Đạt-nhĩ-Ba muốn nói gì, nhưng nhìn qua vẻ mặt ảo não của hắn, và thấy sư-phụ hắn rũ rượi, đang ngồi tham thiền, thì biết ngay hoàn cảnh của hai người đang gặp lúc nguy biến, nên chàng vội cúi xuống, đưa tay đỡ Đạt-nhĩ-Ba dậy ôn tồn nói:
- Ta không làm hại sư-phụ ngươi đâu! Ngươi cứ an lòng.
Đạt-nhĩ-Ba nhìn thấy nét mặt ôn hòa của Dương-Qua lòng mừng khấp khởi. Mặc dù ngôn ngữ cách biệt, tâm hồn chưa được giao cảm cho mấy. Đạt-nhĩ-Ba cũng rõ Dương-Qua không có ác ý gì.
Giữa lúc đó Kim-luân Pháp-Vương hé mắt nhìn thấy Dương-Qua. Ông ta sợ hãi vô cùng. Vì nãy giờ, ông ta không hề hay biết gì việc Dương-Qua và Đạt-nhĩ-Ba. Giờ đây ông thấy kẻ thù tự nhiên xuất hiện trước mặt, làm sao ông khỏi bối rối.
Qua một tiếng thở dài não nuột, Kim-luân Pháp-Vương lẩm bẩm:
- Uổng công ta tập luyện bao năm, nay lại phải bỏ mình trên đất Trung-Nguyên nầy.
Thật vậy, Kim-luân Pháp-Vương vừa bị một hòn đá lớn đập vào mình, ngũ tạng đến thọ thương, phải ẩn trong chốn rừng sâu nầy để điều trị. Nếu Dương-Qua kẻ thù ông, tìm gặp, ông chỉ còn có cái chết mà thôi.
Lạ thay! Bây giờ ông ta lại thấy Dương-Qua với vẻ mặt hồn nhiên, đầy thiện cảm, bước đến trước mặt ông.
Trong lúc ông ta còn đang ngơ ngác, thì Dương-Qua đã cúi đầu nói:
- Kẻ hèn này đến đây không phải để trả thù, xin chớ "ngại".
Pháp-Vương bối rối, không hiểu gì cả nên lắc đầu lia lịa, mà trống ngực tim đập thình thịch.
Ông ta lập tức vận công lên năm đầu ngón tay để phòng gặp chuyện trắc trở.
Dương-Qua liền nắm lấy đầu ngón tay ông ta, bấm vào huyệt Dương! Đạt-nhĩ-Ba sợ quá, bước tới xô Dương-Qua lùi lại.
Dương-Qua quắc mắt, đưa tay trái gạt Đạt-nhĩ-Ba ra một bên, rồi nghiêm mặt bảo:
- Hãy đứng yên.
Đạt-nhĩ-Ba bị văng ra một bên, liền quay lại nhìn sư phụ, thấy nét mặt ông lại tươi hẳn lên, và trong miệng lại điểm một nụ cười, lòng chàng quá đỗi mừng, và cũng hết sức kinh ngạc như có phép mầu nhiệm huyền diệu gì!
Chàng Nhĩ-Ba đứng sững nhìn Dương-Qua vận nội công truyền khí lực của chàng vào Thông-linh-đài của thầy mình làm rung chuyển tám huyệt trong người của Kim-luân Pháp-Vương phục hồi chẳng mấy chốc, và vết thương trên ngực Kim-luân Pháp-Vương cũng khỏi hẳn, hai gò má của lão trở nên hồng hào khác thường.
Kim-Luân Pháp-Vương đôi mắt như van lơn, cảm tạ Dương-Qua, lão chắp tay nói:
- Cám ơn ngài đã đến đây giúp tôi.
Dương-Qua bình tĩnh đáp:
- Thưa ngài, đây là bổn phận của tôi phải đến tạ ngài. Vì trước kia tôi đã hiểu lầm Hoàng-Dung và Quách-Tỉnh là ân nhân của tôi, nên đã có nhiều lời oán trách ngài. Nhưng ngày nay tôi đã biết được Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung là kẻ đã giết cha tôi trước kia. Nên nay quyết đi tìm kẻ thù để báo cứu. Không ngờ lại gặp Đạt-nhĩ-Ba, tôi theo đến đây để giãi bày sự lầm lẫn trước đây.
Kim-luân Pháp-Vương chắp tay thưa:
- Tôi không ngờ tráng-sĩ lại mang oan nghiệt như vậy, nhưng tôi nhận thấy vợ chồng đại hiệp họ Quách võ nghệ rất cao siêu, nay Dương tráng sĩ muốn báo thù thì e cũng khó lắm.
Dương-Qua trầm ngâm một hồi lâu, rồi nói:
- Như thế thì hai đời họ nhà tôi, phải đành chịu chết dưới bàn tay họ Quách vậy.
Pháp-Vương buồn bã nói:
- Ban đầu tôi cứ ngờ mình là vô địch trong thiên hạ, nên muốn đem sức mình ra áp đảo quần hùng, tranh thủ địa vị trong đám võ hiệp. Chẳng ngờ sau trận ở Kinh-Sài-Quan tôi đã bị đám người võ nghệ ở đó kéo đến chừng bảy tám người, áp đảo quá mạnh, làm tôi phải chịu khuất phục.
Dương-Qua ân cần hỏi:
- Ngày nay có thể giúp tôi để báo thù cha được không?
Pháp-Vương nói:
- Hiện nay tôi vẫn còn muốn tranh hùng với bọn đại-hiệp võ nghệ Trung-Nguyên. Vậy tráng sĩ cứ chịu cùng tôi, tham dự cuộc tranh hùng sắp đến được không?
Dương-Qua định gật đầu nhận, nhưng liền nghĩ đến thảm cảnh quân Mông-cổ sẽ tàn sát dân tộc Trung-nguyên, nên đáp:
- Tôi không thể giúp quân Mông-cổ được.
Pháp-Vương lắc đầu nói:
- Như vậy là tráng sĩ định đương độc một mình để báo thù vợ chồng Quách-Tỉnh sao? Quả thật như thế là khó lắm.
Dương-Qua nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Tôi bằng lòng giúp ngài trong việc đoạt chức minh chủ, nhưng điều kiện là ngài phải giúp tôi báo thù cho cha tôi.
Kim-luân Pháp-Vương vui vẻ, ngửa bàn tay ra nói:
- Chúng ta là bậc trượng phu chỉ nói một lời, xin tráng sĩ cùng tôi đập bàn tay ăn thề.
Kim-luân Pháp-Vương và Dương-Qua đập bàn tay ba lần giao ước với nhau:
Dương-Qua nói tiếp:
- Tôi chỉ chịu giúp ngài trong ngôi minh chủ, nếu như sau này ngài giúp quân Mông-cổ tàn ác thì tôi bỏ lời giao ước nầy.
Kim-luân Pháp-Vương cười hô hô nói:
- Mỗi người đều có chí hướng riêng, không thể cưỡng ép nhau. Nhưng này Dương tráng sĩ ơi! ông bạn đã sống qua rất nhiều môn phái, mỗi môn phái đều có một nền võ tuyệt đỉnh. Thế mà ông bạn không chuyên một phái nào, võ công tạp nham như vậy, thử hỏi nếu muốn tranh hùng với vợ chồng Quách-Tỉnh, kẻ đã vang danh thiên hạ, ông bạn sẽ lấy đâu ra ngón sở trường để ứng đối.
Câu nói của Pháp-Vương làm cho Dương-Qua lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao. Chàng tuy có tính tham học, đã tập luyện được nhiều môn, trải qua nhiều phái võ, nào là Toàn-chân, Âu-dương-Phong, Ngọc-nữ Tâm-kinh, Cửu âm chân kinh, Hồng-thất-Công v.v... Nhưng xét cho kỹ thì môn phái nào chàng cũng chỉ mới nghiên cứu tạp nhạp, chưa luyện đến độ trác tuyệt. Vì vậy, nếu gặp phải đối thủ tầm thường, thì chàng có thể làm hoa mắt họ để thủ thắng; còn như gặp phải kẻ chân truyền, chàng rất lúng túng, không sao tránh nổi.
Dương-Qua thấy lời Kim-luân Pháp-Vương vừa nói chẳng khác nào như nhát búa đánh vào đầu, rung chuyển đến tim óc, khiến chàng tỉnh ngộ và tự nhủ:
- Võ công ta chẳng khác tâm hồn của ta, chỉ có bề rộng mà không có bề sâu, thay đổi tùy hoàn ảnh của thời gian. Ví như ta đã cùng ước hẹn với Trình Anh và Lục-vô-Song, yêu nhau suốt đời, thế mà đến lúc gặp Hoàng-nhan-Bình, cô gái mỹ miều kia, lòng ta cũng không khỏi xao xuyến.
Chàng buông một tiếng thở dài, đưa mắt nhìn phía trời xa, lẩm bẩm:
- Hoàng-dược-Sư, Âu-dương-Phong, Hồng-thất-Công sở dĩ họ nổi danh trên đời là vì họ chuyên chú rèn luyện theo một môn phái, nghiên cứu đến chỗ uyên thâm. Còn ta, chỉ vì quá ham muốn mà ta đã bao làm môn nầy chưa thông đã bước sang môn khác. Rốt cuộc, không món nào có căn bản! Ôi! Khổ thay! Ta đang học Ngọc-Nữ tâm kinh, thấy "Ngọc tiêu kiếm pháp" của Hoàng-dược-Sư và đả cẩu bổng của Hồng-thất-Công cho là tuyệt diệu, vội bỏ qua Ngọc-Nữ tâm-kinh không học nữa.
Càng nghĩ, gan ruột Dương-Qua càng nóng như lửa đốt.
Qua một lúc chàng tự nhủ:
- Ta phải tập hợp các sở trường của mọi môn phái để tạo ra một phái mới, riêng biệt của ta mới được.
Nghĩ như thế, Dương-Qua mừng khôn xiết. Đôi mắt sáng lên. Mới biết con người muốn sáng tạo sự nghiệp mới, lẽ tất nhiên không nên dựa vào nơi nầy, nơi khác để bắt chước được. Dù sao có giỏi cho lắm, suốt đời con người cũng chỉ ở vào hạng hai, hạng ba là cùng.
Hơn ba ngày trời, cứ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, Dương-Qua chỉ gặp những chuyện khó nhọc không ăn không ngủ được. Nên lúc nầy chàng đuối sức, và tâm thần bấn loạn lên. Vì các phái võ lâm lần lượt thay phiên nhau xâm chiếm vào đầu óc chàng. Chân tay chàng tự động quay cuồng qua nhiều thứ võ, cứ như thế múa mãi như người điên.
Quá mệt mỏi lại thêm uất ức, nên chàng ngã vật xuống đất bắt tỉnh.
Đạt-nhĩ-Ba từ nãy giờ đứng đàng xa trông lại, thấy cử chỉ Dương-Qua điên điên khùng khùng lấy làm ngạc nhiên. Bây giờ thấy Dương-Qua còn ngã xuống đất, Nhĩ-Ba lại càng kinh hãi hơn, định chạy lại đỡ chàng dậy. Nhưng Kim-luân Pháp-Vương đưa tay cản Đạt-nhĩ-Ba lại nói:
- Con chớ hấp tấp làm loạn tâm của Dương tráng sĩ, để cho tráng sĩ nằm nghỉ cho khỏe.
Dương-Qua nằm thiêm thiếp đến nửa đêm mới tỉnh lại. Nhưng chàng tỉnh lại là vung tay chân, múa võ đến mệt rồi lại ngất xỉu xuống đất nằm thiếp đi. Cứ như thế mà chàng say, tỉnh hơn bảy ngày trời không ăn uống gì cả.
Trong lúc say mê, quyền võ của chàng càng thêm ác hiểm, nên một quả đấm vung ra như muốn xẻ đôi thân, một cái đá bung lên có thể bay một hòn đá lớn Đạt-nhĩ-Ba sợ quá không dám mon men lại gần.
Sang ngày thứ tám, thì quyền cước Dương-Qua đã yếu dần, nên quả đấm hôm trước như trời giáng, nay đụng vào thân cây cũng chả làm cho chiếc lá lay động.
Dương-Qua cảm thấy như tất cả võ công của chàng đã thuần chính rồi, tâm trí của chàng lúc nầy phân định được rõ ràng. Từ từ chàng ngồi thu hình lại, dụng vận hết tâm não, gân mạnh khiến cho cơ thể được hồi phục lại.
Dương-Qua ngồi dậy, nghe bụng đói như cào. Chàng nhớ lại đã hơn mười ngày rồi, chưa có ăn uống gì cả, nên định đi tìm món ăn cho đỡ dạ. Chợt nhìn thấy giỏ trái táo trên nệm cỏ, chàng vội bước lại ăn hết giỏ táo, mà Đạt-nhĩ-Ba đã hái về cho Kim-luân pháp-Vương.
Kim-luân Pháp-Vương mừng rỡ kêu lên:
- Dương tráng sĩ ơi! Tôi xin chúc mừng vũ học của tráng sĩ đã thành công.
Pháp-Vương vừa nói, vừa uốn cong mình như con rắn, rồi thở mạnh một luồng khí lạnh. Dương-Qua vội né mình sang một bên, vung tay gạt mạnh luồng khí lạnh bay tạt ra xa. Pháp-Vương lại phóng thêm một chưởng phong nữa. Dương-Qua lại dùng năm đầu ngón tay chận lại. Chưởng phong của Kim-luân Pháp-Vương gặp năm đầu ngón tay liền quấn lại. Dương-Qua thấy rõ tài nghệ của chàng lúc nầy đã khá hẳn rồi, nên hiểu rõ được Kim-luân Pháp-Vương muốn tỏ cho mình biết vết thương của ông đã lành... Chàng liền nói lớn:
Tôi rất mừng cho vết thương của ngài đã khỏi. Vì những người trong lòng có văn thơ thì hơi thở cũng thơm tho.
Dương-Qua từ lúc phát hiện ra võ phái mới, tuy vóc dáng của chàng còn trẻ, mà đã có vẻ am hiểu rất thấu đáo. Kim-luân Pháp-Vương ngắm nghía Dương-Qua thầm nghĩ:
- Mình được người nầy giúp sức thì hay biết mấy!
Lão nghĩ một lúc rồi nói:
- Dương tráng sĩ ơi! Tôi định dẫn tráng sĩ đến gặp một người tài đại lược, tâm trí cao thượng.
Dương-Qua liền hỏi:
- Thưa ngài, người đấy là ai?
Pháp-vương đáp:
- Người ấy là Vương-tử Hốt-tất-Liệt, cháu trai của Thành-cát Tư-Hãn, con của Hoàng thái-tử Đà-Lôi xứ Mông-cổ.
Dương-Qua từ ngày biết những hành động, tàn ác của quân Mông-cổ, mỗi khi nghe đâu tiếng Mông-cổ là ghét cay ghét đắng, nên chau mày nói:
- Tôi đang nóng lòng muốn báo thù cho cha tôi, nên việc Mông-cổ tôi thấy chưa cần thiết gì mấy.
Pháp-Vương cười nói:
- Tôi đã hứa giúp cho Dương tráng sĩ, thì đâu có dám thất tín. Nhưng hiềm vì Vương-tử Mông-Cổ mời đến không thể nào từ thác được. Vả lại binh tướng của Hốt-tất-Liệt không cách xa đây là mấy, chúng ta có thể cùng đi.
Dương-Qua không biết nói thế nào, để từ thác được, nên thầm nghĩ:
Đơn độc một mình khó mà đánh lại vợ chồng Quách-Tỉnh, chi bằng ta chiều lòng Kim-luân Pháp-Vương, rồi sẽ định liệu sau.
Pháp-Vương thấy Dương-Qua làm thinh, liền nói:
- Thôi bây giờ chúng mình cùng đi.
Kim-luân Pháp-Vương và Dương-Qua cùng băng đèo, vượt suối hơn nửa ngày trời đến Mông-Cổ.
Lúc đến doanh trại Mông-Cổ, quân cảnh vào bẩm với chủ tướng, hai người được mời vào.
Doanh trại Mông-Cổ là những túp lều tuy làm đơn giản, nhưng rất đẹp. Vua quân Mông-Cổ không thích ở cung điện, bởi vì họ đã quen với đời sống chinh chiến.
Dương-Qua thấy nơi ở của Hốt-tất-Liệt rất trang nghiêm, tuy với lối bày biện giản dị không xa hoa. Một vị Vương-tử tuổi trạc hai mươi lăm đang ngồi đọc sách, vừa thoáng thấy hai người, Hốt-tất-Liệt vội chạy ra đón chào niềm nở, mời vào trại.
Kim-luân Pháp-Vương chỉ vào Dương-Qua nói:
- Hôm nay tôi xin giới thiệu với vương tử một vị thiếu niên đại anh hùng, là Dương tráng-sĩ, một người tuổi trẻ lỗi lạc nhất trên đời.
Dương-Qua quá ngạc nhiên, từ trước tới giờ chàng vẫn đinh ninh dòng họ Thành-cát Tư-Hãn rất hung dữ. Không ngờ Hốt-tất-Liệt đứng trước mặt chàng, lại là một thư sinh giống người Hán, mà lại đọc sách chữ Hán. Thật kỳ lạ vô cùng.
Dương-Qua đang mải mê nghĩ ngợi, bị Hốt-tất-Liệt vỗ vào vai làm cho chàng giật mình. Vương-tử vui vẻ mời Dương-Qua uống rượu "mã nhủ". Miệng mời tay cầm một hồ rượu rót vào chén lớn.
Ngày thường Dương-Qua vốn không phải là người thích rượu. Nhưng lần nầy vào chốn vương-gia không lẽ từ chối cách nào được. Chàng nhìn qua thấy Kim-luân Pháp-vương đã uống cạn chén. Không thể ngần ngại gì nữa, chàng cung kính đỡ chén rượu trên tay Hốt-tất-Liệt, rồi uống một hơi. Rượu vào miệng chàng nghe cay sè cả cuống họng. Chưa bao giờ Dương-Qua gặp rượu nặng đến thế, nhưng chàng vãn cố giữ cho vẻ mặt tự nhiên.
Hốt-tất-Liệt cười hỏi:
- Rượu có ngon không, thưa tráng sĩ?
Dương-Qua đáp:
- Thưa Vương-tử, rượu ngon lắm, uống vào như dao cứa cổ, cay đắng lạ thường. Nhưng thế mới thật là rượu của nam tử, người con trai Hán-tộc ai cũng ưa dùng thứ rượu nặng.
Hốt-tất-Liệt quá sung sướng, gọi quân lính bưng thêm rượu ra. Phút chốc mỗi người đã uống tới năm chén lớn, Hốt-tất-Liệt quay sang Kim-luân Pháp-Vương nói:
- Quốc sư tìm được vị đại nhân nầy ở đâu thế? Thật là may mắn cho nước Mông-cổ lắm.
Kim-luân Pháp-Vương liền đem tình đầu câu chuyện, thuật lại cho vương-tử Mông-cổ nghe, và hết lời xưng tụng Dương-Qua.
Nếu như gặp người khác, thì chắc khó tin ngay lời của Kim-luân Pháp-Vương xưng tụng quá mức một người trẻ tuổi như Dương-Qua. Nhưng Hốt-tất-Liệt cũng là một thần đồng, trẻ mà tài trí cao xa xuất chúng, khí độ rộng rãi, nên không chút nghi ngờ lời của Pháp-Vương.
Hốt-tất-Liệt ra lịnh cho quân lính làm tiệc thiết đãi, và nói với Kim-luân Pháp-Vương:
- Đợi hội đây cho đông đủ, tôi sẽ giới thiệu với quốc-sư mấy vị cao nhân khác.
Hiện thời Hốt-tất-Liệt trở thành một vị vương tử Mông-cổ. Tuy nhiên đó là một việc khó khăn, trắc trở vô cùng. Vì Thành-cát Tư-Hãn lúc mang quân đi thôn tính các nước phía Tây, gặp cuộc chinh chiến quá gay go dằng dai cho nên Thành-cát Tư-Hãn luôn luôn vắng mặt ở triều đình, khiến cho triều đình xục rục giữa con trưởng và con thứ tranh nhau chức vị, đến nỗi họ mưu hại nhau. Lúc đó con thứ ba là Oa-khoát-Đài với con thứ tư là Đà-Lôi thì liên kết nhau.
Thành-cát Tư-Hãn lại ghét tính hung bạo của người con trưởng và người con thứ hai, nên trước khi chết, ông lưu lại chiếu phong cho Oa-khoát-Đài kế vị. Sở dĩ Oa-khoát-Đài được lên ngai vàng cũng là nhờ Đà-Lôi một phần lớn.
Năm Tân-Mão, Oa-khoát-Đài thân chinh đánh nước Kim, bỗng nhiên bị cấm khẩu. Đà-Lôi vì quá thương anh nên nguyện với trời Phật chịu chết thô. Khi đó có một vị pháp-sư đến cứu Oa-khoát-Đài, nhưng buộc phải có người trong anh em thế mạng mới được. Thái-Tử Đà-Lôi nghe cứu được anh nên mừng quá, nhận uống ly rượu độc do Pháp sư ban phép. Lạ thay Đà-Lôi uống xong ngã vật xuống chết, thì bệnh của Oa-khoát-Đài cũng khỏi.
Vì vậy Oa-khoát-Đài suốt đời cảm kính ân sâu của Đà-Lôi, đã chịu chết thay cho mình, nên đối với vợ con Đà-Lôi rất ân hậu. Đến lúc Oa-khoát-Đài chết đã di chiếu lập con của Đà-Lôi là Mông-Ca lên kế vị.
Khốn thay lúc đó, quyền hành lại rơi vào tay Hoàng-hậu. Bà nầy không nghe theo di chiếu của chồng, đã dùng mưu lung lạc một vị đại thần trong triều, gạt bỏ di chiếu tiên vương, tự mình lên chấp chánh bốn năm. Sau bốn năm truyền ngôi cho con bà là Quý-Do. Quý-Do lên ngôi chưa đầy một năm bị mất quyền hành lại trở về tay Hoàng-hậu.
Trong triều thần không chịu cho Hoàng-hậu giữ việc triều đình, vị họ nhớ đến công đức của Đà-Lôi. Nhờ mưu kế của Hốt-tất-Liệt, Mông-Ca được tôn lên vương-vị. Để trả ơn cho Hốt-tất-Liệt, Mông-Ca phong cho Hốt-tất-Liệt làm hoàng-thất-đệ, sau nầy sẽ được nối ngôi mình.
Như vậy, sau Mông-Ca thì đến quyền hành của Hốt-tất-Liệt. Hốt-tất-Liệt đã từng ở Trung-Nguyên lâu ngày, rất khâm phục nền văn minh Trung-Nguyên, nên đã thường cùng với đám nho-sĩ học hỏi đàm đạo thi thơ, lại luôn luôn tìm tòi các vị võ nghệ cao cường làm vây cánh, để xâm chiếm nhà Tống.
Yến tiệc bày ra, Hốt-tất-Liệt mời các quan khách an tọa, Hốt-tất-Liệt ngồi bên Dương-Qua. Uống lưng chén rượu, bỗng Hốt-tất-Liệt gọi lớn:
- Nào, xin mời các tiên sinh ở Chiêu-hiền ra mắt.
Rồi quay sang Dương-Qua nói nhỏ:
- Tôi được gặp mấy vị cao nhân tại Chiêu-Hiền, mấy vị hợop ý tôi lắm, tuy nhiên cũng ngại không vừa lòng quốc-sư và tráng-sĩ.
Vừa lúc, quân hầu vào bẩm:
- Thưa Vương-tử khách đã vào.
Tấm màn kéo lên, xuất hiện bốn người. Dương-Qua ngạc nhiên, khi nhìn thấy bốn người vừa bước vào.
Người thứ nhất thân thể như một xác chết khô.
Người thứ hai vừa lùn, vừa đen.
Hai người này không ai xa lạ, chính là Tiêu-tương-Tử và Ni-ma-Tinh mà Dương-Qua đã thấy ở Sơn-cốc-Trung, trong một đêm tối trời bữa nọ.
Người thứ ba thân cao chừng tám thước, tay to, chân lớn, hai mắt trắng đục như khu tộ.
Người thứ tư mũi cao, mắt sâu hoáy, râu vàng khè, dáng điệu người Hô, nhưng ăn mặc theo kiểu người Hán, cổ đeo hai viên ngọc sáng, tay có vòng chuỗi đá quý, trông không ra nam, mà cũng không ra nữ.
Hốt-tất-Liệt đưa tay mời bốn vị an tọa, rồi giới thiệu với tân khách. Người cao, lớn thuộc giống Hối-cương, tên là Mã-quang-Tổ, từ nhỏ đã có sức khỏe lạ thường, tay không vật chết voi, cọp như chơi. Lớn lên lại được tập võ nghệ.
Mã-quang-Tồ người to lớn, nhưng tay, chân quá thô kệch, nên võ nghệ không đến mức siêu đẳng. Tuy vậy, mà nhờ sức khỏe hơn người, nên chỉ thua bậc anh hùng siêu thế, chớ người nào võ tầm thường gặp phải Mã-quang-Tổ khó mà thoát chết.
Hốt-tất-Liệt chỉ vào người đeo ngọc sáng ở cổ, nói:
- Người này là vợ Hồ tên là Doãn khắc Tây, chuyên nghề buôn ngọc. Doãn-khắc-Tây từng giang hồ đi khắp nơi, nên học khá nhiều võ nghệ đặc biệt, được phái võ chân truyền ở xứ Ba-Tư thu dụng làm đồ đệ. Doãn-y-khắc-Tây sắp tu luyện "thành tài", nhưng nghe tin Hốt-tất-Liệt thu dụng hiền tài, không quản đường xa tìm đến ra mắt.
Ni-ma-Tinh và Tiểu-tương-Tử đến đưa mắt nhìn Dương-Qua, thấy chàng còn non trẻ nên có vẻ coi thường. Hai người chỉ chăm chú nhìn Kim-luân Pháp-Vương, thấy lão tỏ vẻ khinh thường không coi hai người vào đâu cả.
Rượu chừng vài ba tuần, Ni-ma-Tinh có tính nóng nảy, ngồi yên không chịu được nữa, liền đứng dậy thưa với Hốt-tất-Liệt:
- Kính vương-gia, nhà Đại-Mông quơ lưới quét hiền tài anh liệt. Chắc hẳn anh hùng tứ xứ qui tụ nơi đây cũng khá đông đảo.
Rồi lão lùn đưa tay chỉ vào Kim-luân Pháp-vương nói:
- Vị hòa thượng được vương-gia phong cho làm đệ nhất quốc sư, có lẽ tài nghệ phải siêu thế lắm! Anh em chúng tôi muốn cho hòa thượng chỉ dạy vài điều hay.
Hốt-tất-Liệt nghe Ni-ma-Tinh nói thế, chỉ mỉm cười làm thinh Tiểu-tương-Tử đứng dậy tiếp lời:
- Ni-ma-Tinh từ ngày ở Tây-Trúc về đây, nhưng nghề võ Tây-Tạng do Tây-Trúc truyền tới. Lẽ nào màu xanh lại có thể đậm hơn màu tím được.
Tiểu-tương-Tử dụng ý khiêu khích, để được xem một trận đấu thử thách giữa Kim-luân Pháp-vương với Ni-ma-Tinh. Tiểu-tương-Tử sẽ thủ vai ngư ông đắc lợi.
Kim-luân Pháp-Vương chú ý nhìn Tiểu-tương-Tử, thấy hai gò má có ánh xanh, thì biết ngay, Tương-Tử có sức nội công tu luyện cũng đã đến mức phi thường, Pháp-vương trông thấy ở đây, chỉ có Tương-Tử có dáng lợi hại hơn hết.
Pháp-vương tuy nghe lời khiêu khích, nhưng nét mặt vẫn bình thản. Bỗng trong bàn tiệc có tiếng cười ré lên. Mọi người chăm chú nhìn về phía tiếng cười, thì đúng là tên buôn ngọc.
Doãn-khắc-Tây vừa cười đắc ý, vừa nói:
- Chà làm tới quốc sư, chẳng qua cũng nhờ ân-sư vương-gia thôi! Chắc gì đã xứng đáng thế.
Rồi hắn ngoảnh mặt nhìn Ni-ma Tinh với vẻ khiêu khích.
Kim-luân Pháp-Vương vẫn bình thản, đưa đũa ra gắp một miếng thịt lớn giơ lên nói:
- Miếng thịt này lớn nhất ngư-phủ tôi không dám ăn, chỉ vì sự ngẫu nhiên gặp phải nó, nhà Phật gọi sự ngẫu nhiên ấy là pháp duyên. Vậy tôi xin nhường chư vị gắp lấy.
Trong bàn tiệc có Mã-quang-Tổ tâm địa còn khờ dại, nên không hiểu được ý định của Kim-luân Pháp-Vương. Chỉ thấy Pháp-Vương gắp miếng thịt dơ lên, tưởng là quốc sư tự nhận lão không đủ tài với chức quốc sư, nên tự ví mình như miếng thịt kia, nhường cho khách.
Mã-quang-Tổ liền đưa đũa ra tiếp, nào ngờ đầu đũa của Mã-quang-Tổ vừa chạm đũa Kim-Luân Pháp-Vương thì tay Quang-Tổ như bị điện giật tê cứng. Vì nội công của Kim-Luân Pháp-Vương truyền ra đũa, nhập vào mạch máu của Quang-Tổ tê điếng người. Quang-Tồ nhào xuống đất, mắt méo xẹo. Quan khách trong bữa tiệc, ai nấy đều kinh ngạc, luôn miệng trầm trồ:
- Quốc sư làm gì hay thế?
Mã-quan-Tổ ngượng quá, nói lớn:
- Đó chẳng qua là một yêu thuật! Vậy có dám cùng ta đấu võ chăng?
Hốt-tất-Liệt cả cười, la lớn:
- Mã-tráng-Sĩ, đừng nóng thế! Chúng ta muốn tranh hùng đâu có muộn gì? Để ăn xong tiệc rồi sẽ trổ tài có hay hơn không?
Mã-quang-Tổ nín thinh ngồi dậy.
Ni-ma-Tinh lúc nầy vẫn khinh thường Kim-Luân Pháp-Vương, bây giờ thấy quang cảnh trước mắt hết lòng lo nghĩ. Nhưng chẳng lẽ trước mắt chư anh hùng lại ép mình chịu nhục nhã thế nầy sao?
Ni-ma-Tinh vốn gốc người ở Tây-Trúc, nên ăn bốc, không ăn bằng đũa, thấy Mã-Quang-Tồ không giật nổi miếng thịt trong đôi đũa của Kim-Luân Pháp-Vương. Ni-ma-Tinh mái ôn tồn nói với Mã-quang-Tổ:
- Mã-huynh, hãy nhìn đệ lấy miếng thịt đó?
Vừa nói, vừa dùng năm đầu ngón tay cứng như năm thanh sắt, vụt ra chụp lấy miếng thịt.
Kim-Luân Pháp-Vương lanh như cắt, dùng hai ngón tay tách đôi chiếc đũa, chặn vào năm đầu ngón tay của Ni-ma-Tinh. Năm ngón tay của Ni-ma-Tinh bị đũa gài vào, ngồi chết khựng không cử động được.
Kim-Luân Pháp-Vương dùng nửa chiếc đũa để chặn đòn Ni-ma-Tinh, nên vận dụng được hai đầu đũa để giữ chặt miếng thịt lại. Ni-ma-Tinh cũng chẳng vừa, lão liền vận dụng hết nội lực vào năm đường gân ngón tay, gân nổi lên cồm cộp búng mảnh đũa ra ngoài. Thế là lão lùn gỡ được đũa gài, bớt sự thẹn mặt, nhưng vẫn ngồi yên không dám dành miếng thịt nữa.
Ngồi xem các anh-hùng hiệp khách đấu thuật với nhau, Dương-Qua từ lúc đầu đến giờ chỉ mỉm cười. Đột nhiên nghe có tiếng vọng vào!
- Quách-Tỉnh, Quách-Tỉnh ở trong đó mau ra đây!
Tiếng hô nghe từ hướng Đông dội đến. Nhưng thoáng qua lại nghe từ hướng Tây vang lại. Lạ thật! Đông và Tây cách xa nhau, ai đâu mà nhanh đến thế, chắc là có hai ba người gì đó? Nhưng giọng nói vẫn một giọng!
Trong lúc nầy cuộc dành thịt, tiếp tục giữa Kim-Luân Pháp-Vương với Tiểu-tương-Tử bắt đầu. Kẻ nửa cân người tám lạng. Rốt cục miếng thịt phân làm ba mảnh tung lên, Dương-Qua lanh mắt liền vung đũa ra kẹp lấy một mảnh. Cả ba người cùng nhìn nhau cười ngất. Mỗi người định đưa mảnh thịt phần mình lên miệng, thì thoáng một cái, một bóng đen xuất hiện và một người bay vèo ra, giơ tay thu cả ba miếng thịt cho vào miệng, nhai tóp tép, đưa mắt trừng trừng nhìn chung quanh như chẳng thèm coi ai ra gì hết.
Tất cả đều thất kinh, ngơ ngác nhìn nhau. Kim-luân Pháp-Vương, Dương-Qua và Tiểu-tương-Tử đâu phải tài nghệ tầm thường, thế mà miếng thịt bị giật mất một cách trắng trợn, không ai chống đỡ nổi. Người nào cũng lo định thần, nhìn theo bóng người ngang ngược là ai! Chỉ thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ, hai má đỏ hồng, miệng tươi cười, đôi mắt sáng quắc, tuổi tác khó mà đoán được là bao nhiêu.
Bọn quân canh ồ ạt tứ phía chạy vào, vây quanh dùng gươm, giáo chĩa tua tủa vào ông lão, đồng thanh hô to:
- Tiến nhanh bắt người quái khách.
Cụ già ung dung khẽ đưa nhẹ hai ngón tay quét qua, hơn hai chục ngọn giáo văng vào một góc. Lũ quân canh nhào sắp lớp. Ngoảnh mặt nhìn về phía Dương-Qua cụ già gọi:
- Chú em! Hãy đưa thêm rượu thịt ra đây, bụng lão kiến đang bò nhiều quá.
Kim-luân Pháp-Vương, Ni-ma-Tinh, Tiểu-tương-Tử và Mã-Quang-Tổ liền liên kết nhau chống lại để trổ tài cho vui lòng Hốt-tất-Liệt.
Bốn vị Mông-cổ nhất tề xông lại áp đảo cụ già. Chống trả sự áp đảo của bốn vị dũng sĩ, cụ già đánh như dỡn cợt, mà bốn dũng sĩ mồ hôi đã ra nhễ nhại. Họ không thể tiến đến cụ già được nửa tấc.
Dương-Qua nghe lời cụ già đưa đĩa thịt lên mời. Lạ thay! Thịt trong đĩa cứ tự động bay tòn tọt vào miệng cụ già.
Kim-Luân Pháp-Vương thấy thế quá sức kinh ngạc, nên hết lòng thán phục sức nội công của khách lạ đã đến mức tuyệt diệu với lối vận công ra miệng tạo thành sức hút kỳ dị ấy.
Hốt-tất-Liệt đã từng dự nhiều cuộc chơi lạ thường, nhưng chưa bao giờ được thấy một quang cảnh lạ thường như thế! Vương-Tử cũng ngây người như gỗ, miệng luôn luôn tấm tắc khen ngợi:
- Thường thường người nào có nội công giỏi lắm, cũng phải thêm sức gió của bàn tay vụt qua mới thâu vật bày trên đĩa được. Đằng này lại không cần gì đến tay cả, mà tự nhiên các vật ở đĩa cứ lần lượt bay tuột vào miệng, thật chân nhán, kỳ tài trong thiên hạ chưa từng có.
Trong chúng anh hùng bắt đầu run sợ, cụ già vẫn khoan thai nuốt hết miếng này, đến miếng khác. Phút chốc trên bàn tiệc hết trơn thức ăn.
Ăn xong, cụ già nhảy vọt lên đứng sững trên bàn, đưa tay phải vẽ trên không trung một vòng cánh cung. Bàn tay vẽ nhanh và mạnh đến nỗi mọi người trông thấy cả vệt sáng. Thuật nầy gọi là "Thái cực hình". Bàn tay càng lúc, càng nhanh, càng mạnh, khiến cho chén đũa trên bàn bị sức hút nhổm lên, nối đuôi nhau bay vun vút. Trong nháy mắ trên bàn tiệc sạch trơn.
Tiêu-tương-Tử nhìn từ lúc đầu đến giờ mới hỏi:
- Dám hỏi tiền bối, như tiểu đệ không lầm ngài có phải là họ Châu không?
Cụ già cười khanh khách, nói:
- Đúng đó, ngươi cũng nhận ra ta ư?
Tiêu-tương-Tử chắp tay lạy chào:
- Thật không ngờ Lão Ngoan-Đồng Châu-bá-Thông tiền bối lại có mặt nơi đây!
Kim-Luân Pháp-Vương và Ni-ma-tinh biết rất ít về các cao thủ ở Trung-Nguyên, nhưng nghe lời Tiêu-Tương-Tử gọi lão Ngoan-Đồng so với tánh ương ngạnh ban nãy cũng hiểu rõ người rồi.
Thấy cụ già có quen biết với Tiêu-tương-Tử, nên ai nấy đều bỏ ý tưởng tỵ hiềm đổi bộ mặt ganh tỵ ra vẻ mừng vui thân ái.
Kim-luân Pháp-Vương đứng lên, khẩn khoản nói:
- Xin tiền bối lượng thứ lỗi vô lễ. Tiện đây, kính mời tiền-bối vui lòng dùng bữa cùng Vương-gia, mong hiền tài chấp thuận cho! Vương-tử trông thấy cao-nhân, chắc lòng hoan hỉ.
Hốt-tất-Liệt cũng đứng lên thi lễ.
- Thật may mắn trăm phần, xin tiền bối vui lòng dùng bữa cùng chúng tôi và nhờ tiền bối chỉ dạy cho tôi vài điều.
Châu-bá-Thông chỉ lắc đầu lia lịa, nói:
- Ta ăn đã đủ lắm rồi! Chẳng dám nài thêm. Nhưng Quách-Tỉnh người ấy có đây không?
Dương-Qua nghe nói đến Quách-Tỉnh, lòng rộn ràng không yên, liền hỏi:
- Hỏi Quách-Tỉnh có việc gì?
Châu-bá-Thông xưa nay rất quý mến đám thanh niên trẻ tuổi thấy Dương-Qua không cung kính gọi mình là lão tiền-bối, chỉ gọi trống không, thật lấy làm lạ. Ông ta đáp:
- Quách-Tỉnh là anh em kết nghĩa với ta. Chú em có biết hắn không? Tính hắn rất thích giao du với người Mông-cổ cho nên ta mới đến đây tìm.
Dương-Qua nhíu đôi mày, hỏi gạn:
- Nhưng hỏi Quách-Tỉnh để làm gì mới được chứ?
Châu-bá-Thông đâu biết được tâm sự của Dương-Qua, nên cứ bình tĩnh trả lời:
- Quách-Tỉnh gửi thư thăm ta mời đi dự anh hùng yến, nhưng cách xa hàng ngàn dặm. Đi dọc đường vì gặp nhiều chuyện cản trở, nên đến chậm trễ mất một ngày. Ta tới đó anh hùng yến đã giải tán, ta luôn tiện đến đây.
Dương-Qua nói:
- Vậy Quách-Tỉnh không để thư lại sao?
Nghe Dương-Qua tra vấn mãi, Châu-bá-Thông ngạc nhiên hỏi:
- Chú em! Tại sao chú cật vấn ta nhiều vậy? Chú em có biết Quách-Tỉnh không?
Dương-Qua hằn học trả lời:
- Sao tôi không biết? Có phải vợ Quách-Tỉnh là Hoàng-Dung không? Có phải con gái Quách-Tỉnh là Quách-Phù không?
Châu-bá-Thông đập hai tay vào nhau chan chát, cười khà khà nói:
- Sai rồi, lầm rồi! Hoàng-Dung là một con bé con, làm gì có con gái lớn.
Châu-bá-Thông nói làm cho Dương-Qua ngẩn người. Nhưng chàng cố bình tĩnh hỏi lại:
- Ông không gặp vợ chồng Quách-Tỉnh đã bao lâu rồi?
Châu-bá-Thông giơ tay ra tính lẩm nhẩm, rồi đáp:
- Ta cách vợ chồng hắn đến nay gần hai chục năm.
Dương-Qua cười khúc khích, nói:
- Không gặp đã hai chục năm, mà không tin Hoàng-Dung có thể có con gái. Thật đúng với cái tên Lão Ngoan-Đồng.
Châu-bá-Thông cười khà khà, nói:
- ừ, thì chú em đúng! Chú em đúng hơn ta! Nhưng lão muốn chú em kể thử đứa con gái đó như thế nào?
Dương-Qua nói:
- Đứa bé đó giống Hoàng-Dung nhiều hơn giống Quách-Tỉnh.
Châu-bá-Thông lại cười hô hố nói:
- Chú em định cho con gái hơi giống Quách-Tỉnh để nhát ai, với đôi lông mày đinh ngược, với hai gò má vừa đen vừa cao đó?
Dương-Qua thấy Châu-bá-Thông có ý tin nên nói tiếp:
- Tôi với cha ruột Hoàng-Dung, là Hoàng-dược-Sư chúa đảo Đào-Hoa là bạn thân với nhau.
Châu-bá-Thông nghe nói lạ lùng nghĩ thầm:
- Thằng nầy tuổi nó là bao nhiêu, mà nói là bạn Hoàng-dược-Sư.
Nghĩ thế ông liền hỏi:
- Như vậy sư phụ của chú là ai?
Dương-Qua đáp:
- Tên sư phụ tôi lớn lắm! Nói ra chỉ làm cho ông run sợ thôi!
Châu-bá-Thông quá giận, nói:
- Chú em đừng lo.
Dứt lời Châu-bá-Thông dừng tay trái quất mạnh vào cái bàn, cái bàn bay vút vào mặt Dương-Qua.
Dương-Qua không chút nao núng xòe năm ngón tay trái ra đỡ. Chỉ nghe tiếng răn rắc, cái bàn đã bể vụn ra từng mảnh rơi lã chã.
Châu-bá-Thông thấy người thiếu niên dùng võ công của phái Toàn-Chân, đỡ nổi đòn lợi hại, lòng rất thích thú.
Còn Kim-luân Pháp-Vương, Tiêu-tương-Tử, Mã-quang-Tồ người nào, người nấy ngồi nhìn sững sờ.
Thứ nhứt là Tiêu-tương-Tử và Ni-ma-tinh từ lúc đầu mới đến, thấy Dương-Qua, coi chàng không được nửa con mắt. Lúc nầy thấy cảnh ấy, lòng tự bảo:
- Cái bàn vụt mạnh như thế, chỉ có nước né, chứ ai nào dám đỡ, nếu như sơ ý một chút là bị gãy xương ngay; thế mà người trẻ tuổi này chỉ cần dùng năm ngón tay thôi! Chẳng hiểu ở nơi đâu lại sinh ra bậc kỳ nhân sơn như vậy?
Châu-bá-Thông lòng thầm khen ngợi, và đoán biết Dương-Qua đã tinh luyện được võ công của phái Toàn-Chân, bèn hỏi:
- Chú em quen với Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ chăng?
Dương-Qua nói:
- Hai tên hèn ấy quen làm gì?
Châu-bá-Thông lại càng thích! Sở dĩ Châu-bá-Thông thích ý là vì được gặp người tri kỷ, Bá-Thông đã từng làm đệ tử của phái Toàn-Chân, nhưng Bá-Thông là con người phóng đạt, không ưa giới luật câu nệ, nên không được trong môn phái mến chuộng.
Châu-bá-Thông bình tĩnh rất khâm phục Vương-trùng-Dương và Cửu-chỉ Thần-Cái Hồng-thất-Công, nên ghét lối câu nệ quá của Mã-Ngọc và Khưu-xứ-Cơ. Nay lại nghe Dương-Qua gọi Mã-ngọc và Xứ-Cơ là kẻ hèn thật là hiệp ý.
Châu-bá-Thông tiếp:
- Còn Xích-đại-Thông chú em nghĩ sao:
Dương-Qua nghe đến "Xích-đại-Thông" đôi mày dựng ngược tỏ vẻ giận dữ, nói:
- Thằng khốn ấy, có lần tôi đã cho nó bị khốn.
Châu-bá-Thông liền hỏi:
- Cho nó khốn khổ bằng cách nào?
Dương-Qua nói:
- Tôi đã trói chặt nó, rồi đạp vào cầu tiêu, nhốt mấy ngày đêm.
Châu-bá-Thông thở dài, nói:
- Ta là sư thúc của Xích-đại-Thông đó!
Trong cuộc nói chuyện với Châu-bá-Thông, Dương-Qua nẩy ra một ý nghĩ:
- Lão này võ nghệ cao kỳ lắm, dụ lão để cùng ta diệt vợ chồng Quách-Tỉnh, chắc không thể nào được: nhưng không dụ được thì lão sẽ giúp Quách-Tỉnh thêm một sự khó cho mình. Chi bằng ta lập mưu giết lão rảnh.
Dương-Qua bản tâm không phải con người gian ác, nhưng chàng quá nóng lòng báo thù cha, dù phải làm gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu cũng không sờn lòng. Bởi vậy chàng quên nghĩ việc làm có độc ác hay không?
Còn Châu-bá-Thông đâu có biết tâm sự đau khổ, hận thù của Dương-Qua, đã phát hiện một ác ý như vậy? Nên Châu-bá-Thông vẫn thực thà hỏi:
- Bây giờ chú em có đi bắt thằng Xích-đại-Thông nữa không?
Dương-Qua hỏi lại:
- Nếu tôi đi ông có cùng đi với tôi không?
Châu-bá-Thông ngẫm nghĩ hồi lâu, nói:
- Ta có nhận được bức thư của Quách-Tỉnh, lưu lại ở Lục-gia-Trang, có lời dặn là quân Mông-Cổ sắp tràn xuống phía Nam để hạ thành Tương-Dương. Phần Quách sẽ xuất lãnh hào kiệt Trung-Nguyên để bảo vệ Tương-Dương, nên có lời mời ta giúp hắn. Nay đến đây tìm hắn không có, chắc bây giờ đến Tương-Dương sẽ gặp.
Hốt-tất-Liệt, Kim-luân Pháp-Vương nghe câu chuyện Châu-bá-Thông nói với Dương-Qua, nét mặt không vui. Hốt-tất-Liệt khẽ bảo Pháp-Vương:
- Lúc này họ tụ tập nhiều tay anh kiệt ở Trung-Nguyên bảo vệ Tương-Dương, thì làm sao hạ được thành ấy theo dự định hả quốc sư?
Giữa lúc mọi người đang suy tư định lại võ công, chợt thấy tấm da trước doanh trại tung ra, một vị hòa thượng hiến đến, vội vàng đi vào.
Hòa thượng trạc hơn bốn mươi tuổi, dung mạo nho nhã, thần sắc như một thư sinh. Hòa thượng đi thẳng đến trước mặt Hốt-tất-Liệt khẽ cúi chào, rồi ghé miệng sát vào tai Vương-tử nói nhỏ một hồi lâu.
Sự thật, hòa thượng vừa vào vốn là người Hán, pháp danh Tử Thông, chính là mưu sĩ của Hốt-tất-Liệt.
Tử-Thông lúc cha mẹ sinh ra đặt tên là Lưu-Khâm, khi còn nhỏ làm viên đại sứ tại một huyện, về sau mới xuất gia đi tu. Theo nhiều người ca tụng thì Tử-Thông hiểu biết rộng, sách nào cũng đã đọc qua, lại rất thâm thúy kinh dịch, có tài thiên văn, giỏi tướng số. Nói chuyện thiên hạ dễ dàng như đọc trên bàn tay, được Hốt-tất-Liệt yêu quý lắm.
Châu-bá-Thông thấy vị Hòa-Thượng đứng cạnh Hốt-tất-Liệt, che khuất Dương-Qua làm Bá-Thông nói chuyện không được với Dương-Qua, nên nói:
- Xin hòa thượng xích sang một bên, để cho lão nói chuyện với chú em. à còn chú tên là gì?
Dương-Qua nói:
- Tôi họ Dương tên Qua.
Bá-Thông vồn vã hỏi tiếp:
- Sư phụ của chú em là ai?
Dương-Qua bình tĩnh nói:
- Sư phụ của tôi là một người đàn bà đẹp tuyệt trần, võ nghệ huyền diệu vô song. Nhưng tên của người tôi không được phép nói cho ai rõ.
Châu-bá-Thông nghe đến người đàn bà đẹp, mồ hôi toát ra như tắm, hồi tưởng lại một người tình cũ là nàng Anh-Cô, Châu-bá-Thông đứng nín lặng hồi lâu, rồi phất tay áo một cái bụi cát bay tung, miệng cười khà khà, nói:
- Ta đi đây...
Hòa-thượng Tử-Thông lễ phép nói:
- Kính xin lão trượng hãy khoan bước. Tài nghệ lão trượng khiến anh em chúng tôi thán phục vô cùng, vậy tiện đây bần tăng kính dâng lão trượng một ly rượu.
Vừa nói Tử-Thông vừa nâng ly rượu cao khỏi đầu.
Châu-bá-Thông cười, nói:
- Tốt lắm, tốt lắm!
Miệng nói tay đốp lấy ly rượu uống tọt vào miệng. Tử-Thông liền nâng ly rượu nữa, nói:
- Đây là ly rượu của vương-gia.
Châu-bá-Thông cũng uống luôn. Tử-Thông toan rót ly khác, thì nghe Châu-bá-Thông kêu lên:
- á, á ta đau bụng, buồn tiểu tiện quá!
Kêu xong ngồi sụp xuống cởi quần "bịch" luôn ra trước mặt quan khách, khiến mọi người ngơ ngác. Châu-bá-Thông nói tiếp:
- Đau bụng quá! Chịu không nổi, chịu không nổi!
Dương-Qua đưa mắt nhìn Tử-Thông, chàng thấy cử chỉ và nét mặt nham hiểm của Tử-Thông, đoán biết trong rượu Tử-Thông có pha chất độc. Nhưng chàng thấy Châu-bá-Thông là người chất phác và đối với chàng rất có cảm tình, nên ý hại Châu-bá-Thông lúc này chàng không còn nữa. Và khi thấy Châu-bá-Thông bị trúng độc, lòng thương hại không nỡ để cho Châu-bá-Thông chết thảm thương, vô lý như thế.
Dương-Qua liền ghé miệng nói nhỏ vào tai Châu-bá-Thông:
- Hãy tóm lấy Hốt-tất-Liệt, buộc hắn phải bắt Tử-Thông mang ngay thuốc giải độc.
Châu-bá-Thông lắc đầu cười hô hố, nói:
- Không phải, tự rượu độc uống có ít quá, nên làm ta sinh đau bụng. Hòa thượng hãy rót nhiều nữa đi cho ta uống.
Cả mọi người lấy làm lạ ngơ ngác nhìn nhau. Còn Tử-Thông lo sợ Châu-bá-Thông trước khi chết sẽ tác uy mạnh, nên nghe Châu-bá-Thông gọi, mà không dám mon men bước đến.
Trông thấy Tử-Thông không rót rượu nữa, Châu-bá-Thông đứng bật dậy. Kim-luân Pháp-Vương sợ Bá-Thông hãm hại Hốt-tất-Liệt, nên phóng mình lại đỡ cho Vương-tử.
Nhưng không! Châu-bá-Thông chỉ vươn tay chợp cả vò rượu, mà Tử-Thông đặt ở góc bàn uống ừng ực. Một lúc vò rượu cạn khô.
Ai nấy đều thất-phách hồn kinh, mặt mày xám ngắt.
Châu-bá-Thông cười khà khà, nói:
- Trong bụng ta đã chứa nhiều chất độc, nên phải lấy độc khử độc. Nói xong ông ta há miệng thật lớn rượu từ trong bụng phụt mạnh ra miệng, thành luồng sáng sắc như hai lưỡi kiếm.
Châu-bá-Thông đã vận khí toàn thân, để đưa rượu ra thành một chưởng khí. Bá-Thông hướng rượu vào phía Tử-Thông. Tử- thông trúng luồng chưởng khí rượu té nhào xuống đất bất tỉnh, Kim-luân Pháp-Vương lẹ tay đưa chiếc bàn sắat che cho Tử-Thông. Luồng rượu làm cho chiếc bàn sắt thủng một lỗ như cái bát.
Châu-bá-Thông lại quay sang phía khác, luồng rượu đập mạnh vào cột gỗ giữa doanh trại. "Rầm" một cái, cột gãy ngang làm đôi, tiếp theo tiếng ào ào, răn rắc, cả tấm bạt da căng doanh trại ngã ầm xuống, úp đè lên đầu Hốt-tất-Liệt, Kim-luân Pháp-Vương cùng bao nhiêu anh hùng hiệp khách trong doanh trại.
Mọi người lại thất thanh, lính quýnh tìm chỗ thoát.
Châu-bá-Thông thấy cả bọn bò lổm ngổm, khoái chí cười hô hố, rồi nhảy lên trên doanh trại chạy đạp lung tung. Không ngờ Kim-luân Pháp-Vương dùng một ngọn cưới phóng lên làm Châu-bá-Thông sơ ý ngã nhào. Kim-luân Pháp-Vương liền cất tiếng cười khanh khách, kêu lớn:
- Thú quá! Thú quá!
Kim-luân Pháp-Vương đưa Hốt-tất-Liệt ra khỏi doanh trại. Hốt-tất-Liệt vẫy tay gọi hơn trăm lính hầu, dựng doanh trại lại để tiếp tục bày tiệc.
Mọi người quay nhìn tứ phía tìm kiếm Châu-bá-Thông, nhưng chỉ thấy bốn bề vắng lặng. Châu-bá-Thông đã cao bay xa chạy mất.
Bọn Kim-luân Pháp-Vương, Tiêu-tương-Tử quá xấu hổ vì sự phòng vệ sơ sót của mình, nên đến trước mặt Hốt-tất-Liệt tạ tội.
Hốt-tất-Liệt vốn là người quảng đại, nên nét mặt chẳng lộ chút gì giận dữ, trái lại còn rất tán thưởng cái trò chơi quái gở của Châu-bá-Thông.
Vương-Tử vui vẻ, nói:
- Tôi rất tiếc là gặp được người hào kiệt tuyệt vời như Châu-bá-Thông, mà mình không đủ sức giữ người ấy ở bên cạnh, thật là uổng!
Sau đó tiệc rượu tiếp tục. Hốt-tất-Liệt đứng lên nghiêm nghị, nói:
- Đại quân Mông-Cổ đánh Tương-Dương nhiều lần, mà không thể hạ được thành chỉ vì đồn Tương-Dương là nơi tụ hội nhiều hào kiệt, anh tài, nay lại có thêm Châu-bá-Thông thì mong gì chiếm được. Chẳng biết chư vị ở đây có kế hoạch gì hay hơn không?
Ni-ma-Tinh quá nóng, không nghĩ ngợi hơn, kém gì cả, liền nói:
- Thưa Vương-tử. Châu-bá-Thông tuy võ nghệ giỏi nhưng bọn ở đây chưa chắc đã kém hắn. Vương-Tử cứ việc lo lệnh tấn công Tương-Dương, có gì là quân đổi quân, tướng đổi tướng, nếu Trung-Nguyên có lắm hiền tài thì Tây-vực ta thiếu chi hào kiệt?
Hốt-tất-Liệt khoan thai giảng giải:
- Lời Ni-ma-Tinh nói cũng đúng, nhưng từ xưa đến nay về chiến trận muốn thắng cần phải nhờ mưu lược. Mà muốn có mưu lược, trước nhất phải biết được địch tình. Nếu bên nào tính giỏi hơn là bên đó thắng.
Tử-Thông cung kính đứng dậy, nói:
- Vương-gia thật là một vị thánh minh.
Tử-Thông vừa dứt lời, thì bên ngoài có tiếng vọng vào:
- Ta đã bảo đừng đi, là đừng đi! Đồ vô dụng!
Mọi người nghe rõ tiếng Châu-bá-Thông, nhưng không hiểu được lý do gì, mà Châu-bá-Thông còn trở lại dùng lời ngạo nghễ.
Hốt-tất-Liệt hối hả, nói:
- Chư vị hãy mau đi tìm Châu-bá-Thông về đây cho ta.
Mọi người đều chạy ra ngoài tìm Châu-bá-Thông, nhìn khắp tứ phía chợt thấy Châu-bá-Thông từ nơi xa tít trên gò bằng phẳng hướng Đông, với bốn người lạ mặt.
Kim-luân Pháp-Vương gọi lớn:
- Chúng ta cùng đến đó.
Kim-luân Pháp-Vương, Ni-ma-Tinh, Tiêu-tương-Tử, Mã-quang-Tổ, và Y-khắc-Tây cùng chạy như bay về hướng bốn người lạ mặt và Châu-bá-Thông. Thấy bốn người kia đều mặc áo màu xanh rườm-rà, cổ lỗ. Trong đó có ba người nam, đội mũ cao lêu nghêu, một người giữa bụng thắt chiếc giải xanh bay phất phới trước gió. Cả bốn người trông rất hiền hậu, trông có vẻ thanh nhã. Một người trong bốn người nói:
- Chúng tôi không muốn làm khó dễ đâu chỉ vì tôn huynh đã đạp bể nồi linh đơn, bẻ gãy linh chi, xé nát đạo thư của thầy chúng tôi, nên chúng tôi muốn mời tôn huynh về cho thầy tôi rõ nếu không chúng tôi sẽ bị rầy la.
Châu-bá-Thông vỗ đùi, cười lớn:
- Mày là thằng quê mùa, xấc láo! Như vậy là mầy không may đã gặp phải tao.
Người kia bình tĩnh trả lời:
- Tôn huynh nhất định không theo chúng tôi sao?
Châu-bá-Thông lắc đầu lia lịa, la lớn:
- Lui ra kẻo toi mạng hết!
Người kia bỗng reo lên:
- A cho mau, chớ bọn họ đến kia rồi!
Chớp mắt, bốn người mặc áo xanh tung ra một cái lưới phủ trùm Châu-bá-Thông vào trong rồi gút lại. Châu-bá-Thông như cọp mắc bẫy, nằm cong queo trong lưới. Bốn người kia hai người khiêng Châu-bá-Thông, còn một nam một nữ theo sau. Họ chạy đi như bay.
Sự biến chuyển không thể nào lường được. Không ai ngờ tài nghệ như Châu-bá-Thông mà bị bắt một cách dễ dàng như thế.
Dương-Qua thấy Châu-bá-Thông vô cớ bị bắt, nên quá thương tâm liền vận lực để khí, tung mình lên cao đuổi theo bọn áo xanh, và gọi lớn:
- Các ngươi đem Châu-bá-Thông đi đâu?
Bọn Pháp-vương cũng nối theo Dương-Qua. Trong nháy mắt đã đuổi theo hơn hai chục dặm đến bờ một dòng suối lớn. Bốn người đưa Châu-bá-Thông xuống thuyền thả dây xuôi dòng. Tức khắc chiếc thuyền đã biết mất dạng.
Ni-ma-Tinh nhảy vọt lên ngọn cây để chạy theo bọn áo xanh. Còn năm người trong bọn, nhảy sang bờ suối về hướng Nam, đoạt một chiếc thuyền vô chủ xuôi theo lối của Ni-ma-Tinh chỉ.
Bốn người áo xanh cho thuyền vào một lạch nhỏ phía Tây. Con lạch nhỏ bị nhiều cây lớn sum sê che lấp mất, phải nhờ Ni-ma-Tinh đi trên đọt cây cao chỉ lối, bọn Dương-Qua mới khám phá được con rạch và gọi đồng bọn đuổi theo. Tất cả đều quay thuyền theo hướng Ni-ma-Tinh hướng dẫn. Chèo đi một khoảng xa thì đá hai bên lỏm chởm, khiến cho lối xuôi thuyền bị nghẹt lần lại. Bầu trời đối với họ chỉ còn là một vệt trắng như lưỡi kiếm.
Mã-quang-Tử kêu lên:
- Hỏng rồi, hỏng rồi! Hết lối chèo rồi!
Mọi người nhìn về hướng trước mũi thuyền, thấy chín mỏm đá trông tựa bức bình phong, đứng sừng sững chận hết lối qua lại.
Tiêu-Tương-Tử liền nói:
- Hoàn cảnh này phải nhờ Mã-quang-Tổ đem thuyền lên mới được.
Mã-quang-Tổ nói: - Tôi làm sao cho có đủ sức lực, mời đại-ca thử xem.
Kim-luân Pháp-Vương đang trầm tĩnh tìm kế đưa thuyền qua, miệng lẩm bẩm:
- Tấm bình phong cao, rộng như thế nầy, làm sao có thể đem thuyền qua được.
Dương-Qua thấy mọi người lo nghĩ, liền nói lớn:
- Quốc sư ơi! Chúng ta cùng họp sức nhấc thuyền qua.
Pháp-Vương mừng quá, nói lớn:
- Hay lắm! Tôi và Tráng-sĩ ở bên nầy, còn ở bên kia do bốn người mau cùng nâng lên!
Mọi người đồng tình đáp ứng lại lời của Pháp-Vương vang dội cả khu rừng. Mười hai cánh tay nâng bổng chiếc thuyền lên, lao qua chín tảng đá. Chỉ nghe tiếng véo thuyền bay lên không trung, cả sáu người đều dùng thuật khinh thân phi theo thuyền, rồi dịu dàng để thuyền xuống nước, như một chiếc lá rụng.
Sáu người ban đầu mới gặp nhau có nhiều điều khích bác tị hiềm nhau, nhưng bây giờ cùng chung sức làm một việc, tự nhiên họ có tình đoàn kết.
Tiêu-tương-Tử ngồi trước mũi thuyền, nói:
- Chuyện trước mặt chúng ta cần thiết nhất là tìm cứu cho được vị cao thủ Châu-bá-Thông mới là giỏi. Còn như hành động chúng ta trước đây không có gì đáng ngợi khen cả.
Ni-ma-Tinh tiếp lời:
- Lời Tiêu đại-ca nói đúng lắm, nếu đem so với bọn áo xanh ban nãy, chúng chỉ có bốn người lại còn đèo thêm một nhân mạng nữa, mà cũng làm nổi việc một cách dễ dàng. Còn chúng ta đến sáu người, nhưng theo không kịp chúng thì chưa đáng gọi là anh tài.
Nghe Ni-ma-Tinh nói mọi người đều lấy làm lạ, chỉ có bốn người mà có thể đem thuyền lại còn khiêng được Châu-bá-Thông nữa thì thật là một hành động kỳ lạ.
Ma-Tinh nói:
- Hay chúng nó ẩn núp đâu đây, chứ bọn nó có bốn người, trong đó lại có một cô gái mới mười bảy, mười tám tuổi, còn đèo thêm một mạng phải khiêng nữa thì tài nào đi mau như thế.
Pháp-Vương cười nói:
- Chớ nên nhìn bề ngoài mà đánh giá tài nghệ. Như Dương-Qua đây với số tuổi chừng ấy trên đầu, ai nhìn thấy bề ngoài có thể biết là kẻ siêu nhân. Nếu không có con mắt tinh đời như Kim-luân Pháp-Vương nầy, chắc khó lòng nhận thấy.
Dương-Qua khiêm tốn nói:
- Tiểu đệ chỉ là một kẻ hậu tiến không đáng kể. Xin chư vị hãy lưu ý đến bọn áo xanh đó, chúng đã bắt Châu-bá-Thông một cách rất dễ dàng, như thò tay lấy một vật trong túi!
Mọi người đã tán thưởng nghệ thuật của Dương-Qua, nhưng nghe chàng nói như vậy, lòng thắc mắc lo nghĩ lại càng tăng gấp bội.
Trong sáu người, chỉ có Dương-Qua là ít tuổi, nhưng tài nghệ được mọi người mến phục nhất.
Pháp-Vương, Mã-quang-Tổ, Ni-ma-Tinh đều là người ở Tây-vực Tiêu-tương-Tử thì chỉ lo luyện tập ở rừng sâu, nên chỉ có một mình Doãn-y-khắc-Tây là hiểu biết rõ các giang hồ, về tông tích lai lịch các võ phái Trung-nguyên. Thế mà Doãn-y-khắc-Tây chỉ vò đầu, không thể tìm ra người con gái trong bọn áo xanh là ai.
Cùng nhau chuyện trò chưa bao xa, thuyền đã đi được một quãng xa, lạch nước đã cùng đường, thuyền hết lối. Sáu người đi sâu tiến vào rừng, vượt qua những hố sâu, đèo cao, băng qua rừng lá rậm rạp. Bỗng trước mặt sáu người hiện ra một con đường hẹp chạy thẳng lên núi.
Cả bọn không chút ngần ngại, vận sức tiến nhanh. Càng đi lên càng thấy cao chót vót, cuối cùng ai nấy đều lạc lối, tựa hồ như ma đưa lối, quỉ dẫn đường cứ quanh co mãi.
Pháp-Vương vốn võ nghệ cao cường, nên cứ vững tâm, không tỏ vẻ sợ sệt. Chỉ có Mã-quang-Tổ võ công chưa đến mức chân truyền nên thở hồng hộc, loạng choạng, vấp ngã như người say rượu, nhờ có Ni-ma-Tinh dìu đi, mới khỏi lao đầu xuống vực thẳm.
Mã-quang-Tổ trong lòng quá thẹn. Gặp việc gian nan, nguy hiểm mới biết sức vóc mình chả thấm vào đâu.
Quanh quẩn một lúc, bóng chiều đã tắt. Màn đêm bắt đầu hiện xuống núi rừng, bọn áo xanh vẫn biệt tăm biệt dạng.
Mọi người đang lo ngại, thì chợt đàng xa có ánh lửa lập lòe làm cả bọn mừng rỡ, nghĩ thầm:
- Trong rừng sâu núi thảm thế này mà có người ở cũng lạ, nếu quả là bọn áo xanh thì chắc chúng là ma mị lắm đấy.
Kim-luân Pháp-Vương chăm chú nhìn về hướng ánh lửa, nói:
- Anh em, hãy vận khinh công tiến nhanh đến đó xem thế nào?
Trong chớp mắt họ đã bay đến bốn đống lửa. Mã-quang-Tổ vì đuối sức phải lểnh mểnh theo sau.
Lúc đến nơi, thấy một khoảng đất trồng. Trên đỉnh núi chỉ có bốn đống lửa đỏ rực, giữa mỗi đống lại có một ngôi nhà bằng đá.
Ni-ma-Tinh đã từng học đạo "Du già" ở Tây-Trúc nên thấy lửa không chút gì e sợ, liền vận sức phóng mạnh vào đống lửa, tông mạnh cánh cửa đá của tòa nhà phía Đông.
Cửa mở toang! bên trong vắng vẻ! Giữa nhà một thanh niên hai tay chắp lại, nét mặt đượm vẻ u buồn. Ni-ma-Tinh lấy làm lạ, không hiểu người nầy ngồi chịu cực hình gì đây, hay luyện nội công?
Ni-ma-Tinh bước lại nhìn kỹ, thấy những dây sắt quấn kín hai chân của người thanh niên chừng hai mươi lăm tuổi.
Ni-ma-Tinh lần lượt đi sang nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư: người nào cũng đều có chung một cảnh tượng như vậy.
Duy có nhà thứ tư, người ngồi chịu cực hình lại là một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi. Đúng là bọn bắt Châu-bá-Thông. Nhưng Châu-bá-Thông hiện ở đâu?
Năm người trong bọn cùng nối gót theo Ni-ma-Tinh, đi luôn vào các gian nhà đá, nhưng không thấy Châu-bá-Thông. Họ chỉ thấy những thanh niên ngồi trong đống lửa đỏ hừng hực cháy, ai nấy đều tỏ vẻ thương hại, sợ những người thanh niên ấy cháy thành than.
Dương-Qua tính từ xưa nay, làm một việc không cần biết đến hậu quả. Nay lòng lại chất chứa mối tình sầu nên không dè dặt trong mỗi hành động nữa. Chàng đi qua nhà đá nhìn mặt ba gã thanh niên không tỏ vẻ gì thương hại. Nhưng đến nhà đá thứ tư, chàng thấy một thiếu nữ yêu kiều lộng lẫy, bỗng thở một hơi dài não ruột. Chàng phóng mình nhảy lên một cây cao gần đó bẻ mấy cành lá đập đống lửa đang cháy xung quanh thiếu nữ áo xanh. Giữa lúc đập túi bụi thì Mã-quang-Tổ vừa đến nơi, cũng lăng xăng giựt các cành lá đập giúp. Tức khắc đống lửa tắt ngóm.
Đập xong đống lửa thứ nhứt, Dương-Qua toan bước sang đập đống lửa khác, chợt nghe thiếu nữ lảnh lót nói:
- Xin quý khách hãy dừng tay, để chúng tôi khỏi bị trách phạt.
Dương-Qua nghe nói, ngạc nhiên nhìn. Chàng định cất tiếng hỏi lại, thì có một người nói vọng ra giọng sang sảng:
Động chúa ra lệnh cho các đệ tử biết nếu có viễn khách đến thì hình phạt ngưng, bốn trò hãy tiếp đón viễn khách cho ân cần.
Thiếu nữ áo xanh dịu dàng nói:
- Xin đa tạ động chúa.
Người kia truyền lệnh xong, liền tung mình lộn tròn như quả bóng, nhào qua các đống lửa, dùng chìa khóa mở trói cho bốn người áo xanh.
Dương-Qua định thần, nhìn thấy người này mặc áo màu xám khác với ba chàng áo xanh và cô thiếu nữ đang bị hành hạ.
Hình phạt được hoãn lại, bốn người áo xanh chắp tay chào khách, nói:
Chúng tôi xin mừng viễn khách, và mời viễn khách tạm ngồi nơi nệm cỏ nghỉ, vì trong nhà bị đốt lửa nóng không được vào.
Xin cứ an lòng, anh em chúng tôi thấy lửa nóng càng thích.
Ni-ma-Tinh miệng nói chân đi thẳng vào trong ngôi nhà đá nóng bỏng ấy, ngồi chễm trệ trên chiếc ghế đá tròn, nhìn ra các bạn đồng hành cười sằng sặc, tỏ ý thích chí lắm:
Tiêu-tương-Tử không chịu được cũng hô vài tiếng rồi bước thẳng vào nhà, Doãn-y-khắc-Tây cười nói:
- Xin các anh chớ lo đến tôi, đối với lửa tôi đã từng tự thiêu nhiều lần rồi.
Kim-luân Pháp-Vương thấy vậy sợ mất uy quyền quốc sư, nên cũng bay tọt vào.
Còn Mã-quang-Tổ lểnh mểnh vừa đến nơi, hơi nóng tạt ra cháy tóc khét nghẹt, đành ôm đầu lui ra, nói vài câu đỡ gượng:
- Ôi Mã-quang-Tồ này xin chịu thua quí huynh.
Nói xong, chàng tập tễnh trèo lên cây bẻ cành đậy lửa.
Dương-Qua vừa bước vào chợt nghe tiếng trêu cợt:
- Nếu quí khách có sợ nóng xin mời lên cây.
Nàng vừa nói vừa cười trong trẻo khiến cho Dương-Qua lính quýnh.
Từ lúc Dương-Qua đập tắt lửa, lòng thiếu nữ áo xanh đã thấy cảm mến Dương-Qua. Vì chàng đã tỏ lòng lo sợ cho nàng. Bây giờ thâm tâm nàng cũng sợ Dương-Qua bị nóng. Chẳng ngờ Dương-Qua không tỏ vẻ gì sợ sệt, bình tĩnh bước vào nhà, khiến nàng quá cảm phục.
Một người thanh niên trong bọn áo xanh nói:
- Chính tôi không dám đường đột hỏi quí tinh cao danh!
Doãn-y-khắc-Tây chưa nghe hết câu đã hấp tấp nói:
- Tôi chính là người Hồ nước Ba-Tư, tên là Doãn-y-khắc-Tây. Ngoài việc ăn chơi hàng ngày, chỉ còn biết nghề buôn ngọc quí. Còn về phần võ nghệ tôi không dám sánh với anh em tôi.
Người áo xanh đáp:
- Chúng tôi ở nơi hang sâu núi thẳm, hầu như xa cách hẳn với nhân thế, nên không có lúc nào được tiếp đón với bạn hữu đông vui như thế này. Chẳng hay quí khách đến đây có điều chỉ dạy bảo.
Doãn-y-khắc-Tây cười nói:
- Anh em chúng tôi đến đây với mục đích tìm lão Ngoan-Đồng Châu-bá-Thông, chẳng ngờ gặp nhiều chuyện kỳ quái thế này.
Hai người chủ khách say sưa chuyện trò, thì khí nóng trong tòa nhà mỗi lúc một tăng. Tiêu-tương-Tử, Ni-ma-Tinh, vì phải vận hết sức nội công để chống lại áp độ của nhiệt khí, đến nổi phải quỳ gối xuống.
Doãn-y-khắc-Tây lúc nầy thở hổn hển, miệng khô như đốt, đôi mắt nhắm lại. Trong lúc đó bọn áo xanh vẫn tươi cười vui vẻ như ngồi trong gió mát, và tiếp tục hỏi Doãn-y-khắc-Tây:
- Thế thì quý vị là kẻ cùng môn phái với lão sao?
Doãn-y-khắc-Tây mệt quá cố sức đáp lời nhưng không đáp được hết câu:
- Chúng... tôi... với...!
Tuy Kim-luân Pháp-Vương cố giữ được vẻ đĩnh đạc, nhưng thật ra đã quá sức mệt. Ông ta thầm trách Ni-ma-Tinh tài nghệ tu luyện chưa được đến bao nhiêu, mà phách lối đưa cả bọn vào thế khó xử.
Pháp-Vương bực quá đưa mắt nhìn Ni-ma-Tinh, té ra Ni-ma-Tinh đôi mắt đã nhắm nghiền, miệng thở phì phào.
Riêng Dương-Qua vì trước đây, đã nằm liền mấy năm trên Hàn-ngọc-Sàn, nên đã có phép điều tiết nóng lạnh trong khi gặp nóng đến mức nào, chàng cũng chẳng cần phải vận nội công, cho nên cả bọn đều mệt nhừ mà Dương-Qua vẫn như thường.
Người áo xanh nói:
- Lão ta quá lắm, đã đến tận đây phá phách.
Dương-Qua nói:
- Có phá phách gì nhiều không? Tôi nghe hình như tôn chủ đây trách ông ta đốt sách, đập bể cái gì đó?
Ngay từ lúc đầu thấy sự bình thản của Dương-Qua trong nóng bức, ai nấy đều khen ngợi, giờ lại thấy chàng nói rất thản nhiên âm thanh không hề bị xao động tí nào, nên mọi người càng khâm phục hơn.
Người áo xanh nói tiếp:
- Mấy hôm trước, lão ta đến đây giả điên giả cuồng, trêu chọc đủ điều, rồi lại đá bể nổi thuốc linh đơn của thầy chúng tôi.
Thiếu nữ áo xanh cũng xen vào:
- Không phải như thế thôi đâu! Lão nghịch đó còn đạp rụi mất hai cây lan thảo thần nữa chứ!
Dương-Qua lắc đầu có vẻ than phiền nói:
- Cái lão Ngoan-Đồng đó quấy phá! Lan thảo thần phải trồng mất đến bốn trăm năm mà lão nỡ đưa chân ra đạp rụi như thế!
Đoạn Dương-Qua nói sang chuyện khác:
- à! Thật chúng tôi quá sơ suất. Vào nhà người mà quên hỏi danh tánh chủ nhân. Vậy tiện đây xin cho biết đại danh của quí nương.
Thiếu nữ đôi má ửng hồng, ngập ngượng muốn đáp, nhưng một người áo xanh rước lời:
- Điều ấy rất khó lòng, vì chúng tôi chưa được thầy cho phép xưng danh. Mong quí khách tha thứ cho!
Dương-Qua ngẫm nghĩ:
- Bọn nầy là ai mà cố ý ẩn dật, không muốn xưng tên cho ai biết. Nếu như thế cũng không có gì lạ lắm.
Chàng liền hỏi:
- Vậy bây giờ thân phận của Châu-bá-Thông ra sao rồi?
Câu chuyện đang hỏi han, lễ nghĩa thì Doãn-y-khắc-Tây lại hét lên, rồi hổn hển chạy ra ngoài, vì hắn không thể chịu nổi sức nóng quá cao trong nhà đá ấy nữa.
Người áo xanh thứ ba vẫn tự nhiên, như không lưu ý đến tiếng hét của Khắc-Tây, chỉ theo dõi lời nói của Dương-Qua, rồi đáp:
- Châu-bá-Thông còn phải chịu thêm một tội lớn nữa là đã đốt nhiều sách quý trong động, làm cho sư phụ và các huynh trưởng chúng tôi quá giận đuổi theo đánh, nhưng lão đã cao bay xa chạy, trốn mất rồi, nên sư-phụ chúng tôi tức giận lão lắm!
Người áo xanh nói chưa dứt lời, đã nghe tiếng hét của Tiêu-tương-Tử. Tiêu-tương-Tử không chịu nổi nên phải chạy ra ngoài.
Dương-Qua tiếp lời người áo xanh nói:
- Châu-bá-Thông võ nghệ siêu quần, hành động cổ quái, khó mà bắt lão lắm!
Bọn áo xanh rất thích nói chuyện với Dương-Qua, vì chàng với bọn áo xanh như cùng một lứa tuổi, và chàng cũng chịu nóng như họ.
Trong lúc Dương-Qua và bọn áo xanh đang nói chuyện về Châu-bá-Thông, dùng tài thuật kỳ quái chống lại với động-chúa, thì Kim-luân Pháp-Vương bỗng gọi lớn:
- Dương tráng-sĩ mau mau ra khỏi nơi nầy. Nhiệt độ nầy sẽ làm hại đến sức khỏe không ít. Chớ nên ở lại nữa.
Nói xong, Pháp-Vương thu mình lại như cánh cung, vọt ra ngoài như một vệt khói.
Thiếu nữ thấy đồng bọn Dương-Qua lần lần thoát ra ngoài hết, nàng hơi e thẹn nói:
- Thưa tôn khách, các bạn của tôn khách đã ra ngoài hết cả. Xin tôn khách chớ lưu lại nơi nầy, hãy ra bóng mát nghỉ ngơi cho đỡ mệt.
Dương-Qua quá bối rối, cúi đầu đáp:
- Đa tạ cô nương.
Dương-Qua quay sang phía Ni-ma-Tinh gọi:
- Ni-ma-Tinh! Thôi chúng mình đi ra.
Ni-ma-Tinh từ lâu vẫn nhắm nghiền đôi mắt, tham thiền nhập định không còn nghe ai nói chi nữa. Dương-Qua thấy vậy bước lại vỗ vào vai, thì lão lùi đã ngã ngửa ra như pho tượng gỗ. Chàng thất kinh vội ôm xốc Ni-ma-Tinh lên.
Người áo xanh nói:
- Sức nóng đã làm ông lão choáng váng, hôn mê rồi. Vậy tôn khách hãy mang ra nơi có không khí mát mẻ, hòa diệu là lão tỉnh lại.
Dương-Qua bồng Ni-ma-Tinh, vận sức nhảy vọt ra khỏi tòa nhà quái dị đó.
Cả bọn áo xanh trông thấy đều tỏ lời thán phục Dương-Qua không ngớt.
Một người áo xanh nói:
- Bốn anh em mình ở đây chưa gặp người nào võ công như người nầy.
Một người áo xanh nữa nói tiếp:
- Nội công của Dương-Qua chắc không kém gì nội công của sư-mẫu chúng ta.
Dương-Qua nghe nói sư mẫu, liền hỏi lại:
- Sư-mẫu của chư vị là ai thế?
Ba người áo xanh thấy bọn mình lỡ lời nhắc đến chuyện kín, trố mắt nhìn nhau sợ hãi.
Tiếp đó cả bọn cố tìm cách nói sang chuyện khác để cho Dương-Qua quên mất hai tiếng sư mẫu. Một người áo xanh cung kính nói:
- Chắc quý khách từ phương xa đến chưa dùng bữa, vậy tiện đây mới chư vị sang phòng bên này dùng cơm thường với anh em chúng tôi.
Mã-quang-Tổ đang đói, nghe nói đến ăn uống lòng mừng khấp khởi, đôi mắt sáng lên.
- Quý chủ có lòng tốt đối với chúng tôi quá!
Ni-ma-Tinh ra ngoài gió mát tỉnh lại, bụng cảm thấy nhột nhạt, xốn xang như kiến bò. Chợt nghe bọn áo xanh mời ăn, vội đứng dậy tay đấm vào lưng thụi thụi, chân bước theo hướng chỉ của chủ nhân.
Nơi ăn cũng là một tòa nhà bằng đá, bên trong bày biện rất sơ sài. Trên bàn ăn toàn là một màu xanh, gồm đủ các thứ rau không có món xào, món mặn nào lộn vào.
Thủy tiên U Cốc
Đạt-nhĩ-Ba vẫn không tin, nhảy xổ đến nắm lấy vạt áo Dương-Qua.
Võ công Đạt-nhĩ-Ba giỏi hơn Dương-Qua nhưng vì trong lúc sư-phụ hắn đang tại bệnh, nên hắn bối rối tinh thần thì Dương-Qua đã dùng một thế tầm thường gạt hắn sang một bên, té nhủi xuống đất.
Trước đây đã nhiều lần Đạt-nhĩ-Ba e ngại Dương-Qua, còn Dương-Qua thì đã rõ tài nghệ của đối phương nên vừa đánh xong một thế lại phải lui về một bước.
Chẳng biết lúc ấy do đâu hai đầu gối của Đạt-nhĩ-Ba run lên, hắn té sụm xuống đất, ngẩng mặt nhìn Dương-Qua nói với giọng nghẹn nghẹn:
- Xin đại sư-huynh hãy nghĩ đến ân nghĩa đối với sư phụ tôi. Nay sư-phụ tôi về đây dưỡng bệnh mà sư-phụ động thủ thì...
Chỉ nói đến, hai dòng lệ Đạt-nhĩ-Ba đã tuôn trào, rồi ngất nghẹn.
Dương-Qua tuy chưa hiểu Đạt-nhĩ-Ba muốn nói gì, nhưng nhìn qua vẻ mặt ảo não của hắn, và thấy sư-phụ hắn rũ rượi, đang ngồi tham thiền, thì biết ngay hoàn cảnh của hai người đang gặp lúc nguy biến, nên chàng vội cúi xuống, đưa tay đỡ Đạt-nhĩ-Ba dậy ôn tồn nói:
- Ta không làm hại sư-phụ ngươi đâu! Ngươi cứ an lòng.
Đạt-nhĩ-Ba nhìn thấy nét mặt ôn hòa của Dương-Qua lòng mừng khấp khởi. Mặc dù ngôn ngữ cách biệt, tâm hồn chưa được giao cảm cho mấy. Đạt-nhĩ-Ba cũng rõ Dương-Qua không có ác ý gì.
Giữa lúc đó Kim-luân Pháp-Vương hé mắt nhìn thấy Dương-Qua. Ông ta sợ hãi vô cùng. Vì nãy giờ, ông ta không hề hay biết gì việc Dương-Qua và Đạt-nhĩ-Ba. Giờ đây ông thấy kẻ thù tự nhiên xuất hiện trước mặt, làm sao ông khỏi bối rối.
Qua một tiếng thở dài não nuột, Kim-luân Pháp-Vương lẩm bẩm:
- Uổng công ta tập luyện bao năm, nay lại phải bỏ mình trên đất Trung-Nguyên nầy.
Thật vậy, Kim-luân Pháp-Vương vừa bị một hòn đá lớn đập vào mình, ngũ tạng đến thọ thương, phải ẩn trong chốn rừng sâu nầy để điều trị. Nếu Dương-Qua kẻ thù ông, tìm gặp, ông chỉ còn có cái chết mà thôi.
Lạ thay! Bây giờ ông ta lại thấy Dương-Qua với vẻ mặt hồn nhiên, đầy thiện cảm, bước đến trước mặt ông.
Trong lúc ông ta còn đang ngơ ngác, thì Dương-Qua đã cúi đầu nói:
- Kẻ hèn này đến đây không phải để trả thù, xin chớ "ngại".
Pháp-Vương bối rối, không hiểu gì cả nên lắc đầu lia lịa, mà trống ngực tim đập thình thịch.
Ông ta lập tức vận công lên năm đầu ngón tay để phòng gặp chuyện trắc trở.
Dương-Qua liền nắm lấy đầu ngón tay ông ta, bấm vào huyệt Dương! Đạt-nhĩ-Ba sợ quá, bước tới xô Dương-Qua lùi lại.
Dương-Qua quắc mắt, đưa tay trái gạt Đạt-nhĩ-Ba ra một bên, rồi nghiêm mặt bảo:
- Hãy đứng yên.
Đạt-nhĩ-Ba bị văng ra một bên, liền quay lại nhìn sư phụ, thấy nét mặt ông lại tươi hẳn lên, và trong miệng lại điểm một nụ cười, lòng chàng quá đỗi mừng, và cũng hết sức kinh ngạc như có phép mầu nhiệm huyền diệu gì!
Chàng Nhĩ-Ba đứng sững nhìn Dương-Qua vận nội công truyền khí lực của chàng vào Thông-linh-đài của thầy mình làm rung chuyển tám huyệt trong người của Kim-luân Pháp-Vương phục hồi chẳng mấy chốc, và vết thương trên ngực Kim-luân Pháp-Vương cũng khỏi hẳn, hai gò má của lão trở nên hồng hào khác thường.
Kim-Luân Pháp-Vương đôi mắt như van lơn, cảm tạ Dương-Qua, lão chắp tay nói:
- Cám ơn ngài đã đến đây giúp tôi.
Dương-Qua bình tĩnh đáp:
- Thưa ngài, đây là bổn phận của tôi phải đến tạ ngài. Vì trước kia tôi đã hiểu lầm Hoàng-Dung và Quách-Tỉnh là ân nhân của tôi, nên đã có nhiều lời oán trách ngài. Nhưng ngày nay tôi đã biết được Quách-Tỉnh và Hoàng-Dung là kẻ đã giết cha tôi trước kia. Nên nay quyết đi tìm kẻ thù để báo cứu. Không ngờ lại gặp Đạt-nhĩ-Ba, tôi theo đến đây để giãi bày sự lầm lẫn trước đây.
Kim-luân Pháp-Vương chắp tay thưa:
- Tôi không ngờ tráng-sĩ lại mang oan nghiệt như vậy, nhưng tôi nhận thấy vợ chồng đại hiệp họ Quách võ nghệ rất cao siêu, nay Dương tráng sĩ muốn báo thù thì e cũng khó lắm.
Dương-Qua trầm ngâm một hồi lâu, rồi nói:
- Như thế thì hai đời họ nhà tôi, phải đành chịu chết dưới bàn tay họ Quách vậy.
Pháp-Vương buồn bã nói:
- Ban đầu tôi cứ ngờ mình là vô địch trong thiên hạ, nên muốn đem sức mình ra áp đảo quần hùng, tranh thủ địa vị trong đám võ hiệp. Chẳng ngờ sau trận ở Kinh-Sài-Quan tôi đã bị đám người võ nghệ ở đó kéo đến chừng bảy tám người, áp đảo quá mạnh, làm tôi phải chịu khuất phục.
Dương-Qua ân cần hỏi:
- Ngày nay có thể giúp tôi để báo thù cha được không?
Pháp-Vương nói:
- Hiện nay tôi vẫn còn muốn tranh hùng với bọn đại-hiệp võ nghệ Trung-Nguyên. Vậy tráng sĩ cứ chịu cùng tôi, tham dự cuộc tranh hùng sắp đến được không?
Dương-Qua định gật đầu nhận, nhưng liền nghĩ đến thảm cảnh quân Mông-cổ sẽ tàn sát dân tộc Trung-nguyên, nên đáp:
- Tôi không thể giúp quân Mông-cổ được.
Pháp-Vương lắc đầu nói:
- Như vậy là tráng sĩ định đương độc một mình để báo thù vợ chồng Quách-Tỉnh sao? Quả thật như thế là khó lắm.
Dương-Qua nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Tôi bằng lòng giúp ngài trong việc đoạt chức minh chủ, nhưng điều kiện là ngài phải giúp tôi báo thù cho cha tôi.
Kim-luân Pháp-Vương vui vẻ, ngửa bàn tay ra nói:
- Chúng ta là bậc trượng phu chỉ nói một lời, xin tráng sĩ cùng tôi đập bàn tay ăn thề.
Kim-luân Pháp-Vương và Dương-Qua đập bàn tay ba lần giao ước với nhau:
Dương-Qua nói tiếp:
- Tôi chỉ chịu giúp ngài trong ngôi minh chủ, nếu như sau này ngài giúp quân Mông-cổ tàn ác thì tôi bỏ lời giao ước nầy.
Kim-luân Pháp-Vương cười hô hô nói:
- Mỗi người đều có chí hướng riêng, không thể cưỡng ép nhau. Nhưng này Dương tráng sĩ ơi! ông bạn đã sống qua rất nhiều môn phái, mỗi môn phái đều có một nền võ tuyệt đỉnh. Thế mà ông bạn không chuyên một phái nào, võ công tạp nham như vậy, thử hỏi nếu muốn tranh hùng với vợ chồng Quách-Tỉnh, kẻ đã vang danh thiên hạ, ông bạn sẽ lấy đâu ra ngón sở trường để ứng đối.
Câu nói của Pháp-Vương làm cho Dương-Qua lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao. Chàng tuy có tính tham học, đã tập luyện được nhiều môn, trải qua nhiều phái võ, nào là Toàn-chân, Âu-dương-Phong, Ngọc-nữ Tâm-kinh, Cửu âm chân kinh, Hồng-thất-Công v.v... Nhưng xét cho kỹ thì môn phái nào chàng cũng chỉ mới nghiên cứu tạp nhạp, chưa luyện đến độ trác tuyệt. Vì vậy, nếu gặp phải đối thủ tầm thường, thì chàng có thể làm hoa mắt họ để thủ thắng; còn như gặp phải kẻ chân truyền, chàng rất lúng túng, không sao tránh nổi.
Dương-Qua thấy lời Kim-luân Pháp-Vương vừa nói chẳng khác nào như nhát búa đánh vào đầu, rung chuyển đến tim óc, khiến chàng tỉnh ngộ và tự nhủ:
- Võ công ta chẳng khác tâm hồn của ta, chỉ có bề rộng mà không có bề sâu, thay đổi tùy hoàn ảnh của thời gian. Ví như ta đã cùng ước hẹn với Trình Anh và Lục-vô-Song, yêu nhau suốt đời, thế mà đến lúc gặp Hoàng-nhan-Bình, cô gái mỹ miều kia, lòng ta cũng không khỏi xao xuyến.
Chàng buông một tiếng thở dài, đưa mắt nhìn phía trời xa, lẩm bẩm:
- Hoàng-dược-Sư, Âu-dương-Phong, Hồng-thất-Công sở dĩ họ nổi danh trên đời là vì họ chuyên chú rèn luyện theo một môn phái, nghiên cứu đến chỗ uyên thâm. Còn ta, chỉ vì quá ham muốn mà ta đã bao làm môn nầy chưa thông đã bước sang môn khác. Rốt cuộc, không món nào có căn bản! Ôi! Khổ thay! Ta đang học Ngọc-Nữ tâm kinh, thấy "Ngọc tiêu kiếm pháp" của Hoàng-dược-Sư và đả cẩu bổng của Hồng-thất-Công cho là tuyệt diệu, vội bỏ qua Ngọc-Nữ tâm-kinh không học nữa.
Càng nghĩ, gan ruột Dương-Qua càng nóng như lửa đốt.
Qua một lúc chàng tự nhủ:
- Ta phải tập hợp các sở trường của mọi môn phái để tạo ra một phái mới, riêng biệt của ta mới được.
Nghĩ như thế, Dương-Qua mừng khôn xiết. Đôi mắt sáng lên. Mới biết con người muốn sáng tạo sự nghiệp mới, lẽ tất nhiên không nên dựa vào nơi nầy, nơi khác để bắt chước được. Dù sao có giỏi cho lắm, suốt đời con người cũng chỉ ở vào hạng hai, hạng ba là cùng.
Hơn ba ngày trời, cứ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, Dương-Qua chỉ gặp những chuyện khó nhọc không ăn không ngủ được. Nên lúc nầy chàng đuối sức, và tâm thần bấn loạn lên. Vì các phái võ lâm lần lượt thay phiên nhau xâm chiếm vào đầu óc chàng. Chân tay chàng tự động quay cuồng qua nhiều thứ võ, cứ như thế múa mãi như người điên.
Quá mệt mỏi lại thêm uất ức, nên chàng ngã vật xuống đất bắt tỉnh.
Đạt-nhĩ-Ba từ nãy giờ đứng đàng xa trông lại, thấy cử chỉ Dương-Qua điên điên khùng khùng lấy làm ngạc nhiên. Bây giờ thấy Dương-Qua còn ngã xuống đất, Nhĩ-Ba lại càng kinh hãi hơn, định chạy lại đỡ chàng dậy. Nhưng Kim-luân Pháp-Vương đưa tay cản Đạt-nhĩ-Ba lại nói:
- Con chớ hấp tấp làm loạn tâm của Dương tráng sĩ, để cho tráng sĩ nằm nghỉ cho khỏe.
Dương-Qua nằm thiêm thiếp đến nửa đêm mới tỉnh lại. Nhưng chàng tỉnh lại là vung tay chân, múa võ đến mệt rồi lại ngất xỉu xuống đất nằm thiếp đi. Cứ như thế mà chàng say, tỉnh hơn bảy ngày trời không ăn uống gì cả.
Trong lúc say mê, quyền võ của chàng càng thêm ác hiểm, nên một quả đấm vung ra như muốn xẻ đôi thân, một cái đá bung lên có thể bay một hòn đá lớn Đạt-nhĩ-Ba sợ quá không dám mon men lại gần.
Sang ngày thứ tám, thì quyền cước Dương-Qua đã yếu dần, nên quả đấm hôm trước như trời giáng, nay đụng vào thân cây cũng chả làm cho chiếc lá lay động.
Dương-Qua cảm thấy như tất cả võ công của chàng đã thuần chính rồi, tâm trí của chàng lúc nầy phân định được rõ ràng. Từ từ chàng ngồi thu hình lại, dụng vận hết tâm não, gân mạnh khiến cho cơ thể được hồi phục lại.
Dương-Qua ngồi dậy, nghe bụng đói như cào. Chàng nhớ lại đã hơn mười ngày rồi, chưa có ăn uống gì cả, nên định đi tìm món ăn cho đỡ dạ. Chợt nhìn thấy giỏ trái táo trên nệm cỏ, chàng vội bước lại ăn hết giỏ táo, mà Đạt-nhĩ-Ba đã hái về cho Kim-luân pháp-Vương.
Kim-luân Pháp-Vương mừng rỡ kêu lên:
- Dương tráng sĩ ơi! Tôi xin chúc mừng vũ học của tráng sĩ đã thành công.
Pháp-Vương vừa nói, vừa uốn cong mình như con rắn, rồi thở mạnh một luồng khí lạnh. Dương-Qua vội né mình sang một bên, vung tay gạt mạnh luồng khí lạnh bay tạt ra xa. Pháp-Vương lại phóng thêm một chưởng phong nữa. Dương-Qua lại dùng năm đầu ngón tay chận lại. Chưởng phong của Kim-luân Pháp-Vương gặp năm đầu ngón tay liền quấn lại. Dương-Qua thấy rõ tài nghệ của chàng lúc nầy đã khá hẳn rồi, nên hiểu rõ được Kim-luân Pháp-Vương muốn tỏ cho mình biết vết thương của ông đã lành... Chàng liền nói lớn:
Tôi rất mừng cho vết thương của ngài đã khỏi. Vì những người trong lòng có văn thơ thì hơi thở cũng thơm tho.
Dương-Qua từ lúc phát hiện ra võ phái mới, tuy vóc dáng của chàng còn trẻ, mà đã có vẻ am hiểu rất thấu đáo. Kim-luân Pháp-Vương ngắm nghía Dương-Qua thầm nghĩ:
- Mình được người nầy giúp sức thì hay biết mấy!
Lão nghĩ một lúc rồi nói:
- Dương tráng sĩ ơi! Tôi định dẫn tráng sĩ đến gặp một người tài đại lược, tâm trí cao thượng.
Dương-Qua liền hỏi:
- Thưa ngài, người đấy là ai?
Pháp-vương đáp:
- Người ấy là Vương-tử Hốt-tất-Liệt, cháu trai của Thành-cát Tư-Hãn, con của Hoàng thái-tử Đà-Lôi xứ Mông-cổ.
Dương-Qua từ ngày biết những hành động, tàn ác của quân Mông-cổ, mỗi khi nghe đâu tiếng Mông-cổ là ghét cay ghét đắng, nên chau mày nói:
- Tôi đang nóng lòng muốn báo thù cho cha tôi, nên việc Mông-cổ tôi thấy chưa cần thiết gì mấy.
Pháp-Vương cười nói:
- Tôi đã hứa giúp cho Dương tráng sĩ, thì đâu có dám thất tín. Nhưng hiềm vì Vương-tử Mông-Cổ mời đến không thể nào từ thác được. Vả lại binh tướng của Hốt-tất-Liệt không cách xa đây là mấy, chúng ta có thể cùng đi.
Dương-Qua không biết nói thế nào, để từ thác được, nên thầm nghĩ:
Đơn độc một mình khó mà đánh lại vợ chồng Quách-Tỉnh, chi bằng ta chiều lòng Kim-luân Pháp-Vương, rồi sẽ định liệu sau.
Pháp-Vương thấy Dương-Qua làm thinh, liền nói:
- Thôi bây giờ chúng mình cùng đi.
Kim-luân Pháp-Vương và Dương-Qua cùng băng đèo, vượt suối hơn nửa ngày trời đến Mông-Cổ.
Lúc đến doanh trại Mông-Cổ, quân cảnh vào bẩm với chủ tướng, hai người được mời vào.
Doanh trại Mông-Cổ là những túp lều tuy làm đơn giản, nhưng rất đẹp. Vua quân Mông-Cổ không thích ở cung điện, bởi vì họ đã quen với đời sống chinh chiến.
Dương-Qua thấy nơi ở của Hốt-tất-Liệt rất trang nghiêm, tuy với lối bày biện giản dị không xa hoa. Một vị Vương-tử tuổi trạc hai mươi lăm đang ngồi đọc sách, vừa thoáng thấy hai người, Hốt-tất-Liệt vội chạy ra đón chào niềm nở, mời vào trại.
Kim-luân Pháp-Vương chỉ vào Dương-Qua nói:
- Hôm nay tôi xin giới thiệu với vương tử một vị thiếu niên đại anh hùng, là Dương tráng-sĩ, một người tuổi trẻ lỗi lạc nhất trên đời.
Dương-Qua quá ngạc nhiên, từ trước tới giờ chàng vẫn đinh ninh dòng họ Thành-cát Tư-Hãn rất hung dữ. Không ngờ Hốt-tất-Liệt đứng trước mặt chàng, lại là một thư sinh giống người Hán, mà lại đọc sách chữ Hán. Thật kỳ lạ vô cùng.
Dương-Qua đang mải mê nghĩ ngợi, bị Hốt-tất-Liệt vỗ vào vai làm cho chàng giật mình. Vương-tử vui vẻ mời Dương-Qua uống rượu "mã nhủ". Miệng mời tay cầm một hồ rượu rót vào chén lớn.
Ngày thường Dương-Qua vốn không phải là người thích rượu. Nhưng lần nầy vào chốn vương-gia không lẽ từ chối cách nào được. Chàng nhìn qua thấy Kim-luân Pháp-vương đã uống cạn chén. Không thể ngần ngại gì nữa, chàng cung kính đỡ chén rượu trên tay Hốt-tất-Liệt, rồi uống một hơi. Rượu vào miệng chàng nghe cay sè cả cuống họng. Chưa bao giờ Dương-Qua gặp rượu nặng đến thế, nhưng chàng vãn cố giữ cho vẻ mặt tự nhiên.
Hốt-tất-Liệt cười hỏi:
- Rượu có ngon không, thưa tráng sĩ?
Dương-Qua đáp:
- Thưa Vương-tử, rượu ngon lắm, uống vào như dao cứa cổ, cay đắng lạ thường. Nhưng thế mới thật là rượu của nam tử, người con trai Hán-tộc ai cũng ưa dùng thứ rượu nặng.
Hốt-tất-Liệt quá sung sướng, gọi quân lính bưng thêm rượu ra. Phút chốc mỗi người đã uống tới năm chén lớn, Hốt-tất-Liệt quay sang Kim-luân Pháp-Vương nói:
- Quốc sư tìm được vị đại nhân nầy ở đâu thế? Thật là may mắn cho nước Mông-cổ lắm.
Kim-luân Pháp-Vương liền đem tình đầu câu chuyện, thuật lại cho vương-tử Mông-cổ nghe, và hết lời xưng tụng Dương-Qua.
Nếu như gặp người khác, thì chắc khó tin ngay lời của Kim-luân Pháp-Vương xưng tụng quá mức một người trẻ tuổi như Dương-Qua. Nhưng Hốt-tất-Liệt cũng là một thần đồng, trẻ mà tài trí cao xa xuất chúng, khí độ rộng rãi, nên không chút nghi ngờ lời của Pháp-Vương.
Hốt-tất-Liệt ra lịnh cho quân lính làm tiệc thiết đãi, và nói với Kim-luân Pháp-Vương:
- Đợi hội đây cho đông đủ, tôi sẽ giới thiệu với quốc-sư mấy vị cao nhân khác.
Hiện thời Hốt-tất-Liệt trở thành một vị vương tử Mông-cổ. Tuy nhiên đó là một việc khó khăn, trắc trở vô cùng. Vì Thành-cát Tư-Hãn lúc mang quân đi thôn tính các nước phía Tây, gặp cuộc chinh chiến quá gay go dằng dai cho nên Thành-cát Tư-Hãn luôn luôn vắng mặt ở triều đình, khiến cho triều đình xục rục giữa con trưởng và con thứ tranh nhau chức vị, đến nỗi họ mưu hại nhau. Lúc đó con thứ ba là Oa-khoát-Đài với con thứ tư là Đà-Lôi thì liên kết nhau.
Thành-cát Tư-Hãn lại ghét tính hung bạo của người con trưởng và người con thứ hai, nên trước khi chết, ông lưu lại chiếu phong cho Oa-khoát-Đài kế vị. Sở dĩ Oa-khoát-Đài được lên ngai vàng cũng là nhờ Đà-Lôi một phần lớn.
Năm Tân-Mão, Oa-khoát-Đài thân chinh đánh nước Kim, bỗng nhiên bị cấm khẩu. Đà-Lôi vì quá thương anh nên nguyện với trời Phật chịu chết thô. Khi đó có một vị pháp-sư đến cứu Oa-khoát-Đài, nhưng buộc phải có người trong anh em thế mạng mới được. Thái-Tử Đà-Lôi nghe cứu được anh nên mừng quá, nhận uống ly rượu độc do Pháp sư ban phép. Lạ thay Đà-Lôi uống xong ngã vật xuống chết, thì bệnh của Oa-khoát-Đài cũng khỏi.
Vì vậy Oa-khoát-Đài suốt đời cảm kính ân sâu của Đà-Lôi, đã chịu chết thay cho mình, nên đối với vợ con Đà-Lôi rất ân hậu. Đến lúc Oa-khoát-Đài chết đã di chiếu lập con của Đà-Lôi là Mông-Ca lên kế vị.
Khốn thay lúc đó, quyền hành lại rơi vào tay Hoàng-hậu. Bà nầy không nghe theo di chiếu của chồng, đã dùng mưu lung lạc một vị đại thần trong triều, gạt bỏ di chiếu tiên vương, tự mình lên chấp chánh bốn năm. Sau bốn năm truyền ngôi cho con bà là Quý-Do. Quý-Do lên ngôi chưa đầy một năm bị mất quyền hành lại trở về tay Hoàng-hậu.
Trong triều thần không chịu cho Hoàng-hậu giữ việc triều đình, vị họ nhớ đến công đức của Đà-Lôi. Nhờ mưu kế của Hốt-tất-Liệt, Mông-Ca được tôn lên vương-vị. Để trả ơn cho Hốt-tất-Liệt, Mông-Ca phong cho Hốt-tất-Liệt làm hoàng-thất-đệ, sau nầy sẽ được nối ngôi mình.
Như vậy, sau Mông-Ca thì đến quyền hành của Hốt-tất-Liệt. Hốt-tất-Liệt đã từng ở Trung-Nguyên lâu ngày, rất khâm phục nền văn minh Trung-Nguyên, nên đã thường cùng với đám nho-sĩ học hỏi đàm đạo thi thơ, lại luôn luôn tìm tòi các vị võ nghệ cao cường làm vây cánh, để xâm chiếm nhà Tống.
Yến tiệc bày ra, Hốt-tất-Liệt mời các quan khách an tọa, Hốt-tất-Liệt ngồi bên Dương-Qua. Uống lưng chén rượu, bỗng Hốt-tất-Liệt gọi lớn:
- Nào, xin mời các tiên sinh ở Chiêu-hiền ra mắt.
Rồi quay sang Dương-Qua nói nhỏ:
- Tôi được gặp mấy vị cao nhân tại Chiêu-Hiền, mấy vị hợop ý tôi lắm, tuy nhiên cũng ngại không vừa lòng quốc-sư và tráng-sĩ.
Vừa lúc, quân hầu vào bẩm:
- Thưa Vương-tử khách đã vào.
Tấm màn kéo lên, xuất hiện bốn người. Dương-Qua ngạc nhiên, khi nhìn thấy bốn người vừa bước vào.
Người thứ nhất thân thể như một xác chết khô.
Người thứ hai vừa lùn, vừa đen.
Hai người này không ai xa lạ, chính là Tiêu-tương-Tử và Ni-ma-Tinh mà Dương-Qua đã thấy ở Sơn-cốc-Trung, trong một đêm tối trời bữa nọ.
Người thứ ba thân cao chừng tám thước, tay to, chân lớn, hai mắt trắng đục như khu tộ.
Người thứ tư mũi cao, mắt sâu hoáy, râu vàng khè, dáng điệu người Hô, nhưng ăn mặc theo kiểu người Hán, cổ đeo hai viên ngọc sáng, tay có vòng chuỗi đá quý, trông không ra nam, mà cũng không ra nữ.
Hốt-tất-Liệt đưa tay mời bốn vị an tọa, rồi giới thiệu với tân khách. Người cao, lớn thuộc giống Hối-cương, tên là Mã-quang-Tổ, từ nhỏ đã có sức khỏe lạ thường, tay không vật chết voi, cọp như chơi. Lớn lên lại được tập võ nghệ.
Mã-quang-Tồ người to lớn, nhưng tay, chân quá thô kệch, nên võ nghệ không đến mức siêu đẳng. Tuy vậy, mà nhờ sức khỏe hơn người, nên chỉ thua bậc anh hùng siêu thế, chớ người nào võ tầm thường gặp phải Mã-quang-Tổ khó mà thoát chết.
Hốt-tất-Liệt chỉ vào người đeo ngọc sáng ở cổ, nói:
- Người này là vợ Hồ tên là Doãn khắc Tây, chuyên nghề buôn ngọc. Doãn-khắc-Tây từng giang hồ đi khắp nơi, nên học khá nhiều võ nghệ đặc biệt, được phái võ chân truyền ở xứ Ba-Tư thu dụng làm đồ đệ. Doãn-y-khắc-Tây sắp tu luyện "thành tài", nhưng nghe tin Hốt-tất-Liệt thu dụng hiền tài, không quản đường xa tìm đến ra mắt.
Ni-ma-Tinh và Tiểu-tương-Tử đến đưa mắt nhìn Dương-Qua, thấy chàng còn non trẻ nên có vẻ coi thường. Hai người chỉ chăm chú nhìn Kim-luân Pháp-Vương, thấy lão tỏ vẻ khinh thường không coi hai người vào đâu cả.
Rượu chừng vài ba tuần, Ni-ma-Tinh có tính nóng nảy, ngồi yên không chịu được nữa, liền đứng dậy thưa với Hốt-tất-Liệt:
- Kính vương-gia, nhà Đại-Mông quơ lưới quét hiền tài anh liệt. Chắc hẳn anh hùng tứ xứ qui tụ nơi đây cũng khá đông đảo.
Rồi lão lùn đưa tay chỉ vào Kim-luân Pháp-vương nói:
- Vị hòa thượng được vương-gia phong cho làm đệ nhất quốc sư, có lẽ tài nghệ phải siêu thế lắm! Anh em chúng tôi muốn cho hòa thượng chỉ dạy vài điều hay.
Hốt-tất-Liệt nghe Ni-ma-Tinh nói thế, chỉ mỉm cười làm thinh Tiểu-tương-Tử đứng dậy tiếp lời:
- Ni-ma-Tinh từ ngày ở Tây-Trúc về đây, nhưng nghề võ Tây-Tạng do Tây-Trúc truyền tới. Lẽ nào màu xanh lại có thể đậm hơn màu tím được.
Tiểu-tương-Tử dụng ý khiêu khích, để được xem một trận đấu thử thách giữa Kim-luân Pháp-vương với Ni-ma-Tinh. Tiểu-tương-Tử sẽ thủ vai ngư ông đắc lợi.
Kim-luân Pháp-Vương chú ý nhìn Tiểu-tương-Tử, thấy hai gò má có ánh xanh, thì biết ngay, Tương-Tử có sức nội công tu luyện cũng đã đến mức phi thường, Pháp-vương trông thấy ở đây, chỉ có Tương-Tử có dáng lợi hại hơn hết.
Pháp-vương tuy nghe lời khiêu khích, nhưng nét mặt vẫn bình thản. Bỗng trong bàn tiệc có tiếng cười ré lên. Mọi người chăm chú nhìn về phía tiếng cười, thì đúng là tên buôn ngọc.
Doãn-khắc-Tây vừa cười đắc ý, vừa nói:
- Chà làm tới quốc sư, chẳng qua cũng nhờ ân-sư vương-gia thôi! Chắc gì đã xứng đáng thế.
Rồi hắn ngoảnh mặt nhìn Ni-ma Tinh với vẻ khiêu khích.
Kim-luân Pháp-Vương vẫn bình thản, đưa đũa ra gắp một miếng thịt lớn giơ lên nói:
- Miếng thịt này lớn nhất ngư-phủ tôi không dám ăn, chỉ vì sự ngẫu nhiên gặp phải nó, nhà Phật gọi sự ngẫu nhiên ấy là pháp duyên. Vậy tôi xin nhường chư vị gắp lấy.
Trong bàn tiệc có Mã-quang-Tổ tâm địa còn khờ dại, nên không hiểu được ý định của Kim-luân Pháp-Vương. Chỉ thấy Pháp-Vương gắp miếng thịt dơ lên, tưởng là quốc sư tự nhận lão không đủ tài với chức quốc sư, nên tự ví mình như miếng thịt kia, nhường cho khách.
Mã-quang-Tổ liền đưa đũa ra tiếp, nào ngờ đầu đũa của Mã-quang-Tổ vừa chạm đũa Kim-Luân Pháp-Vương thì tay Quang-Tổ như bị điện giật tê cứng. Vì nội công của Kim-Luân Pháp-Vương truyền ra đũa, nhập vào mạch máu của Quang-Tổ tê điếng người. Quang-Tồ nhào xuống đất, mắt méo xẹo. Quan khách trong bữa tiệc, ai nấy đều kinh ngạc, luôn miệng trầm trồ:
- Quốc sư làm gì hay thế?
Mã-quan-Tổ ngượng quá, nói lớn:
- Đó chẳng qua là một yêu thuật! Vậy có dám cùng ta đấu võ chăng?
Hốt-tất-Liệt cả cười, la lớn:
- Mã-tráng-Sĩ, đừng nóng thế! Chúng ta muốn tranh hùng đâu có muộn gì? Để ăn xong tiệc rồi sẽ trổ tài có hay hơn không?
Mã-quang-Tổ nín thinh ngồi dậy.
Ni-ma-Tinh lúc nầy vẫn khinh thường Kim-Luân Pháp-Vương, bây giờ thấy quang cảnh trước mắt hết lòng lo nghĩ. Nhưng chẳng lẽ trước mắt chư anh hùng lại ép mình chịu nhục nhã thế nầy sao?
Ni-ma-Tinh vốn gốc người ở Tây-Trúc, nên ăn bốc, không ăn bằng đũa, thấy Mã-Quang-Tồ không giật nổi miếng thịt trong đôi đũa của Kim-Luân Pháp-Vương. Ni-ma-Tinh mái ôn tồn nói với Mã-quang-Tổ:
- Mã-huynh, hãy nhìn đệ lấy miếng thịt đó?
Vừa nói, vừa dùng năm đầu ngón tay cứng như năm thanh sắt, vụt ra chụp lấy miếng thịt.
Kim-Luân Pháp-Vương lanh như cắt, dùng hai ngón tay tách đôi chiếc đũa, chặn vào năm đầu ngón tay của Ni-ma-Tinh. Năm ngón tay của Ni-ma-Tinh bị đũa gài vào, ngồi chết khựng không cử động được.
Kim-Luân Pháp-Vương dùng nửa chiếc đũa để chặn đòn Ni-ma-Tinh, nên vận dụng được hai đầu đũa để giữ chặt miếng thịt lại. Ni-ma-Tinh cũng chẳng vừa, lão liền vận dụng hết nội lực vào năm đường gân ngón tay, gân nổi lên cồm cộp búng mảnh đũa ra ngoài. Thế là lão lùn gỡ được đũa gài, bớt sự thẹn mặt, nhưng vẫn ngồi yên không dám dành miếng thịt nữa.
Ngồi xem các anh-hùng hiệp khách đấu thuật với nhau, Dương-Qua từ lúc đầu đến giờ chỉ mỉm cười. Đột nhiên nghe có tiếng vọng vào!
- Quách-Tỉnh, Quách-Tỉnh ở trong đó mau ra đây!
Tiếng hô nghe từ hướng Đông dội đến. Nhưng thoáng qua lại nghe từ hướng Tây vang lại. Lạ thật! Đông và Tây cách xa nhau, ai đâu mà nhanh đến thế, chắc là có hai ba người gì đó? Nhưng giọng nói vẫn một giọng!
Trong lúc nầy cuộc dành thịt, tiếp tục giữa Kim-Luân Pháp-Vương với Tiểu-tương-Tử bắt đầu. Kẻ nửa cân người tám lạng. Rốt cục miếng thịt phân làm ba mảnh tung lên, Dương-Qua lanh mắt liền vung đũa ra kẹp lấy một mảnh. Cả ba người cùng nhìn nhau cười ngất. Mỗi người định đưa mảnh thịt phần mình lên miệng, thì thoáng một cái, một bóng đen xuất hiện và một người bay vèo ra, giơ tay thu cả ba miếng thịt cho vào miệng, nhai tóp tép, đưa mắt trừng trừng nhìn chung quanh như chẳng thèm coi ai ra gì hết.
Tất cả đều thất kinh, ngơ ngác nhìn nhau. Kim-luân Pháp-Vương, Dương-Qua và Tiểu-tương-Tử đâu phải tài nghệ tầm thường, thế mà miếng thịt bị giật mất một cách trắng trợn, không ai chống đỡ nổi. Người nào cũng lo định thần, nhìn theo bóng người ngang ngược là ai! Chỉ thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ, hai má đỏ hồng, miệng tươi cười, đôi mắt sáng quắc, tuổi tác khó mà đoán được là bao nhiêu.
Bọn quân canh ồ ạt tứ phía chạy vào, vây quanh dùng gươm, giáo chĩa tua tủa vào ông lão, đồng thanh hô to:
- Tiến nhanh bắt người quái khách.
Cụ già ung dung khẽ đưa nhẹ hai ngón tay quét qua, hơn hai chục ngọn giáo văng vào một góc. Lũ quân canh nhào sắp lớp. Ngoảnh mặt nhìn về phía Dương-Qua cụ già gọi:
- Chú em! Hãy đưa thêm rượu thịt ra đây, bụng lão kiến đang bò nhiều quá.
Kim-luân Pháp-Vương, Ni-ma-Tinh, Tiểu-tương-Tử và Mã-Quang-Tổ liền liên kết nhau chống lại để trổ tài cho vui lòng Hốt-tất-Liệt.
Bốn vị Mông-cổ nhất tề xông lại áp đảo cụ già. Chống trả sự áp đảo của bốn vị dũng sĩ, cụ già đánh như dỡn cợt, mà bốn dũng sĩ mồ hôi đã ra nhễ nhại. Họ không thể tiến đến cụ già được nửa tấc.
Dương-Qua nghe lời cụ già đưa đĩa thịt lên mời. Lạ thay! Thịt trong đĩa cứ tự động bay tòn tọt vào miệng cụ già.
Kim-Luân Pháp-Vương thấy thế quá sức kinh ngạc, nên hết lòng thán phục sức nội công của khách lạ đã đến mức tuyệt diệu với lối vận công ra miệng tạo thành sức hút kỳ dị ấy.
Hốt-tất-Liệt đã từng dự nhiều cuộc chơi lạ thường, nhưng chưa bao giờ được thấy một quang cảnh lạ thường như thế! Vương-Tử cũng ngây người như gỗ, miệng luôn luôn tấm tắc khen ngợi:
- Thường thường người nào có nội công giỏi lắm, cũng phải thêm sức gió của bàn tay vụt qua mới thâu vật bày trên đĩa được. Đằng này lại không cần gì đến tay cả, mà tự nhiên các vật ở đĩa cứ lần lượt bay tuột vào miệng, thật chân nhán, kỳ tài trong thiên hạ chưa từng có.
Trong chúng anh hùng bắt đầu run sợ, cụ già vẫn khoan thai nuốt hết miếng này, đến miếng khác. Phút chốc trên bàn tiệc hết trơn thức ăn.
Ăn xong, cụ già nhảy vọt lên đứng sững trên bàn, đưa tay phải vẽ trên không trung một vòng cánh cung. Bàn tay vẽ nhanh và mạnh đến nỗi mọi người trông thấy cả vệt sáng. Thuật nầy gọi là "Thái cực hình". Bàn tay càng lúc, càng nhanh, càng mạnh, khiến cho chén đũa trên bàn bị sức hút nhổm lên, nối đuôi nhau bay vun vút. Trong nháy mắ trên bàn tiệc sạch trơn.
Tiêu-tương-Tử nhìn từ lúc đầu đến giờ mới hỏi:
- Dám hỏi tiền bối, như tiểu đệ không lầm ngài có phải là họ Châu không?
Cụ già cười khanh khách, nói:
- Đúng đó, ngươi cũng nhận ra ta ư?
Tiêu-tương-Tử chắp tay lạy chào:
- Thật không ngờ Lão Ngoan-Đồng Châu-bá-Thông tiền bối lại có mặt nơi đây!
Kim-Luân Pháp-Vương và Ni-ma-tinh biết rất ít về các cao thủ ở Trung-Nguyên, nhưng nghe lời Tiêu-Tương-Tử gọi lão Ngoan-Đồng so với tánh ương ngạnh ban nãy cũng hiểu rõ người rồi.
Thấy cụ già có quen biết với Tiêu-tương-Tử, nên ai nấy đều bỏ ý tưởng tỵ hiềm đổi bộ mặt ganh tỵ ra vẻ mừng vui thân ái.
Kim-luân Pháp-Vương đứng lên, khẩn khoản nói:
- Xin tiền bối lượng thứ lỗi vô lễ. Tiện đây, kính mời tiền-bối vui lòng dùng bữa cùng Vương-gia, mong hiền tài chấp thuận cho! Vương-tử trông thấy cao-nhân, chắc lòng hoan hỉ.
Hốt-tất-Liệt cũng đứng lên thi lễ.
- Thật may mắn trăm phần, xin tiền bối vui lòng dùng bữa cùng chúng tôi và nhờ tiền bối chỉ dạy cho tôi vài điều.
Châu-bá-Thông chỉ lắc đầu lia lịa, nói:
- Ta ăn đã đủ lắm rồi! Chẳng dám nài thêm. Nhưng Quách-Tỉnh người ấy có đây không?
Dương-Qua nghe nói đến Quách-Tỉnh, lòng rộn ràng không yên, liền hỏi:
- Hỏi Quách-Tỉnh có việc gì?
Châu-bá-Thông xưa nay rất quý mến đám thanh niên trẻ tuổi thấy Dương-Qua không cung kính gọi mình là lão tiền-bối, chỉ gọi trống không, thật lấy làm lạ. Ông ta đáp:
- Quách-Tỉnh là anh em kết nghĩa với ta. Chú em có biết hắn không? Tính hắn rất thích giao du với người Mông-cổ cho nên ta mới đến đây tìm.
Dương-Qua nhíu đôi mày, hỏi gạn:
- Nhưng hỏi Quách-Tỉnh để làm gì mới được chứ?
Châu-bá-Thông đâu biết được tâm sự của Dương-Qua, nên cứ bình tĩnh trả lời:
- Quách-Tỉnh gửi thư thăm ta mời đi dự anh hùng yến, nhưng cách xa hàng ngàn dặm. Đi dọc đường vì gặp nhiều chuyện cản trở, nên đến chậm trễ mất một ngày. Ta tới đó anh hùng yến đã giải tán, ta luôn tiện đến đây.
Dương-Qua nói:
- Vậy Quách-Tỉnh không để thư lại sao?
Nghe Dương-Qua tra vấn mãi, Châu-bá-Thông ngạc nhiên hỏi:
- Chú em! Tại sao chú cật vấn ta nhiều vậy? Chú em có biết Quách-Tỉnh không?
Dương-Qua hằn học trả lời:
- Sao tôi không biết? Có phải vợ Quách-Tỉnh là Hoàng-Dung không? Có phải con gái Quách-Tỉnh là Quách-Phù không?
Châu-bá-Thông đập hai tay vào nhau chan chát, cười khà khà nói:
- Sai rồi, lầm rồi! Hoàng-Dung là một con bé con, làm gì có con gái lớn.
Châu-bá-Thông nói làm cho Dương-Qua ngẩn người. Nhưng chàng cố bình tĩnh hỏi lại:
- Ông không gặp vợ chồng Quách-Tỉnh đã bao lâu rồi?
Châu-bá-Thông giơ tay ra tính lẩm nhẩm, rồi đáp:
- Ta cách vợ chồng hắn đến nay gần hai chục năm.
Dương-Qua cười khúc khích, nói:
- Không gặp đã hai chục năm, mà không tin Hoàng-Dung có thể có con gái. Thật đúng với cái tên Lão Ngoan-Đồng.
Châu-bá-Thông cười khà khà, nói:
- ừ, thì chú em đúng! Chú em đúng hơn ta! Nhưng lão muốn chú em kể thử đứa con gái đó như thế nào?
Dương-Qua nói:
- Đứa bé đó giống Hoàng-Dung nhiều hơn giống Quách-Tỉnh.
Châu-bá-Thông lại cười hô hố nói:
- Chú em định cho con gái hơi giống Quách-Tỉnh để nhát ai, với đôi lông mày đinh ngược, với hai gò má vừa đen vừa cao đó?
Dương-Qua thấy Châu-bá-Thông có ý tin nên nói tiếp:
- Tôi với cha ruột Hoàng-Dung, là Hoàng-dược-Sư chúa đảo Đào-Hoa là bạn thân với nhau.
Châu-bá-Thông nghe nói lạ lùng nghĩ thầm:
- Thằng nầy tuổi nó là bao nhiêu, mà nói là bạn Hoàng-dược-Sư.
Nghĩ thế ông liền hỏi:
- Như vậy sư phụ của chú là ai?
Dương-Qua đáp:
- Tên sư phụ tôi lớn lắm! Nói ra chỉ làm cho ông run sợ thôi!
Châu-bá-Thông quá giận, nói:
- Chú em đừng lo.
Dứt lời Châu-bá-Thông dừng tay trái quất mạnh vào cái bàn, cái bàn bay vút vào mặt Dương-Qua.
Dương-Qua không chút nao núng xòe năm ngón tay trái ra đỡ. Chỉ nghe tiếng răn rắc, cái bàn đã bể vụn ra từng mảnh rơi lã chã.
Châu-bá-Thông thấy người thiếu niên dùng võ công của phái Toàn-Chân, đỡ nổi đòn lợi hại, lòng rất thích thú.
Còn Kim-luân Pháp-Vương, Tiêu-tương-Tử, Mã-quang-Tồ người nào, người nấy ngồi nhìn sững sờ.
Thứ nhứt là Tiêu-tương-Tử và Ni-ma-tinh từ lúc đầu mới đến, thấy Dương-Qua, coi chàng không được nửa con mắt. Lúc nầy thấy cảnh ấy, lòng tự bảo:
- Cái bàn vụt mạnh như thế, chỉ có nước né, chứ ai nào dám đỡ, nếu như sơ ý một chút là bị gãy xương ngay; thế mà người trẻ tuổi này chỉ cần dùng năm ngón tay thôi! Chẳng hiểu ở nơi đâu lại sinh ra bậc kỳ nhân sơn như vậy?
Châu-bá-Thông lòng thầm khen ngợi, và đoán biết Dương-Qua đã tinh luyện được võ công của phái Toàn-Chân, bèn hỏi:
- Chú em quen với Mã-Ngọc, Khưu-xứ-Cơ chăng?
Dương-Qua nói:
- Hai tên hèn ấy quen làm gì?
Châu-bá-Thông lại càng thích! Sở dĩ Châu-bá-Thông thích ý là vì được gặp người tri kỷ, Bá-Thông đã từng làm đệ tử của phái Toàn-Chân, nhưng Bá-Thông là con người phóng đạt, không ưa giới luật câu nệ, nên không được trong môn phái mến chuộng.
Châu-bá-Thông bình tĩnh rất khâm phục Vương-trùng-Dương và Cửu-chỉ Thần-Cái Hồng-thất-Công, nên ghét lối câu nệ quá của Mã-Ngọc và Khưu-xứ-Cơ. Nay lại nghe Dương-Qua gọi Mã-ngọc và Xứ-Cơ là kẻ hèn thật là hiệp ý.
Châu-bá-Thông tiếp:
- Còn Xích-đại-Thông chú em nghĩ sao:
Dương-Qua nghe đến "Xích-đại-Thông" đôi mày dựng ngược tỏ vẻ giận dữ, nói:
- Thằng khốn ấy, có lần tôi đã cho nó bị khốn.
Châu-bá-Thông liền hỏi:
- Cho nó khốn khổ bằng cách nào?
Dương-Qua nói:
- Tôi đã trói chặt nó, rồi đạp vào cầu tiêu, nhốt mấy ngày đêm.
Châu-bá-Thông thở dài, nói:
- Ta là sư thúc của Xích-đại-Thông đó!
Trong cuộc nói chuyện với Châu-bá-Thông, Dương-Qua nẩy ra một ý nghĩ:
- Lão này võ nghệ cao kỳ lắm, dụ lão để cùng ta diệt vợ chồng Quách-Tỉnh, chắc không thể nào được: nhưng không dụ được thì lão sẽ giúp Quách-Tỉnh thêm một sự khó cho mình. Chi bằng ta lập mưu giết lão rảnh.
Dương-Qua bản tâm không phải con người gian ác, nhưng chàng quá nóng lòng báo thù cha, dù phải làm gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu cũng không sờn lòng. Bởi vậy chàng quên nghĩ việc làm có độc ác hay không?
Còn Châu-bá-Thông đâu có biết tâm sự đau khổ, hận thù của Dương-Qua, đã phát hiện một ác ý như vậy? Nên Châu-bá-Thông vẫn thực thà hỏi:
- Bây giờ chú em có đi bắt thằng Xích-đại-Thông nữa không?
Dương-Qua hỏi lại:
- Nếu tôi đi ông có cùng đi với tôi không?
Châu-bá-Thông ngẫm nghĩ hồi lâu, nói:
- Ta có nhận được bức thư của Quách-Tỉnh, lưu lại ở Lục-gia-Trang, có lời dặn là quân Mông-Cổ sắp tràn xuống phía Nam để hạ thành Tương-Dương. Phần Quách sẽ xuất lãnh hào kiệt Trung-Nguyên để bảo vệ Tương-Dương, nên có lời mời ta giúp hắn. Nay đến đây tìm hắn không có, chắc bây giờ đến Tương-Dương sẽ gặp.
Hốt-tất-Liệt, Kim-luân Pháp-Vương nghe câu chuyện Châu-bá-Thông nói với Dương-Qua, nét mặt không vui. Hốt-tất-Liệt khẽ bảo Pháp-Vương:
- Lúc này họ tụ tập nhiều tay anh kiệt ở Trung-Nguyên bảo vệ Tương-Dương, thì làm sao hạ được thành ấy theo dự định hả quốc sư?
Giữa lúc mọi người đang suy tư định lại võ công, chợt thấy tấm da trước doanh trại tung ra, một vị hòa thượng hiến đến, vội vàng đi vào.
Hòa thượng trạc hơn bốn mươi tuổi, dung mạo nho nhã, thần sắc như một thư sinh. Hòa thượng đi thẳng đến trước mặt Hốt-tất-Liệt khẽ cúi chào, rồi ghé miệng sát vào tai Vương-tử nói nhỏ một hồi lâu.
Sự thật, hòa thượng vừa vào vốn là người Hán, pháp danh Tử Thông, chính là mưu sĩ của Hốt-tất-Liệt.
Tử-Thông lúc cha mẹ sinh ra đặt tên là Lưu-Khâm, khi còn nhỏ làm viên đại sứ tại một huyện, về sau mới xuất gia đi tu. Theo nhiều người ca tụng thì Tử-Thông hiểu biết rộng, sách nào cũng đã đọc qua, lại rất thâm thúy kinh dịch, có tài thiên văn, giỏi tướng số. Nói chuyện thiên hạ dễ dàng như đọc trên bàn tay, được Hốt-tất-Liệt yêu quý lắm.
Châu-bá-Thông thấy vị Hòa-Thượng đứng cạnh Hốt-tất-Liệt, che khuất Dương-Qua làm Bá-Thông nói chuyện không được với Dương-Qua, nên nói:
- Xin hòa thượng xích sang một bên, để cho lão nói chuyện với chú em. à còn chú tên là gì?
Dương-Qua nói:
- Tôi họ Dương tên Qua.
Bá-Thông vồn vã hỏi tiếp:
- Sư phụ của chú em là ai?
Dương-Qua bình tĩnh nói:
- Sư phụ của tôi là một người đàn bà đẹp tuyệt trần, võ nghệ huyền diệu vô song. Nhưng tên của người tôi không được phép nói cho ai rõ.
Châu-bá-Thông nghe đến người đàn bà đẹp, mồ hôi toát ra như tắm, hồi tưởng lại một người tình cũ là nàng Anh-Cô, Châu-bá-Thông đứng nín lặng hồi lâu, rồi phất tay áo một cái bụi cát bay tung, miệng cười khà khà, nói:
- Ta đi đây...
Hòa-thượng Tử-Thông lễ phép nói:
- Kính xin lão trượng hãy khoan bước. Tài nghệ lão trượng khiến anh em chúng tôi thán phục vô cùng, vậy tiện đây bần tăng kính dâng lão trượng một ly rượu.
Vừa nói Tử-Thông vừa nâng ly rượu cao khỏi đầu.
Châu-bá-Thông cười, nói:
- Tốt lắm, tốt lắm!
Miệng nói tay đốp lấy ly rượu uống tọt vào miệng. Tử-Thông liền nâng ly rượu nữa, nói:
- Đây là ly rượu của vương-gia.
Châu-bá-Thông cũng uống luôn. Tử-Thông toan rót ly khác, thì nghe Châu-bá-Thông kêu lên:
- á, á ta đau bụng, buồn tiểu tiện quá!
Kêu xong ngồi sụp xuống cởi quần "bịch" luôn ra trước mặt quan khách, khiến mọi người ngơ ngác. Châu-bá-Thông nói tiếp:
- Đau bụng quá! Chịu không nổi, chịu không nổi!
Dương-Qua đưa mắt nhìn Tử-Thông, chàng thấy cử chỉ và nét mặt nham hiểm của Tử-Thông, đoán biết trong rượu Tử-Thông có pha chất độc. Nhưng chàng thấy Châu-bá-Thông là người chất phác và đối với chàng rất có cảm tình, nên ý hại Châu-bá-Thông lúc này chàng không còn nữa. Và khi thấy Châu-bá-Thông bị trúng độc, lòng thương hại không nỡ để cho Châu-bá-Thông chết thảm thương, vô lý như thế.
Dương-Qua liền ghé miệng nói nhỏ vào tai Châu-bá-Thông:
- Hãy tóm lấy Hốt-tất-Liệt, buộc hắn phải bắt Tử-Thông mang ngay thuốc giải độc.
Châu-bá-Thông lắc đầu cười hô hố, nói:
- Không phải, tự rượu độc uống có ít quá, nên làm ta sinh đau bụng. Hòa thượng hãy rót nhiều nữa đi cho ta uống.
Cả mọi người lấy làm lạ ngơ ngác nhìn nhau. Còn Tử-Thông lo sợ Châu-bá-Thông trước khi chết sẽ tác uy mạnh, nên nghe Châu-bá-Thông gọi, mà không dám mon men bước đến.
Trông thấy Tử-Thông không rót rượu nữa, Châu-bá-Thông đứng bật dậy. Kim-luân Pháp-Vương sợ Bá-Thông hãm hại Hốt-tất-Liệt, nên phóng mình lại đỡ cho Vương-tử.
Nhưng không! Châu-bá-Thông chỉ vươn tay chợp cả vò rượu, mà Tử-Thông đặt ở góc bàn uống ừng ực. Một lúc vò rượu cạn khô.
Ai nấy đều thất-phách hồn kinh, mặt mày xám ngắt.
Châu-bá-Thông cười khà khà, nói:
- Trong bụng ta đã chứa nhiều chất độc, nên phải lấy độc khử độc. Nói xong ông ta há miệng thật lớn rượu từ trong bụng phụt mạnh ra miệng, thành luồng sáng sắc như hai lưỡi kiếm.
Châu-bá-Thông đã vận khí toàn thân, để đưa rượu ra thành một chưởng khí. Bá-Thông hướng rượu vào phía Tử-Thông. Tử- thông trúng luồng chưởng khí rượu té nhào xuống đất bất tỉnh, Kim-luân Pháp-Vương lẹ tay đưa chiếc bàn sắat che cho Tử-Thông. Luồng rượu làm cho chiếc bàn sắt thủng một lỗ như cái bát.
Châu-bá-Thông lại quay sang phía khác, luồng rượu đập mạnh vào cột gỗ giữa doanh trại. "Rầm" một cái, cột gãy ngang làm đôi, tiếp theo tiếng ào ào, răn rắc, cả tấm bạt da căng doanh trại ngã ầm xuống, úp đè lên đầu Hốt-tất-Liệt, Kim-luân Pháp-Vương cùng bao nhiêu anh hùng hiệp khách trong doanh trại.
Mọi người lại thất thanh, lính quýnh tìm chỗ thoát.
Châu-bá-Thông thấy cả bọn bò lổm ngổm, khoái chí cười hô hố, rồi nhảy lên trên doanh trại chạy đạp lung tung. Không ngờ Kim-luân Pháp-Vương dùng một ngọn cưới phóng lên làm Châu-bá-Thông sơ ý ngã nhào. Kim-luân Pháp-Vương liền cất tiếng cười khanh khách, kêu lớn:
- Thú quá! Thú quá!
Kim-luân Pháp-Vương đưa Hốt-tất-Liệt ra khỏi doanh trại. Hốt-tất-Liệt vẫy tay gọi hơn trăm lính hầu, dựng doanh trại lại để tiếp tục bày tiệc.
Mọi người quay nhìn tứ phía tìm kiếm Châu-bá-Thông, nhưng chỉ thấy bốn bề vắng lặng. Châu-bá-Thông đã cao bay xa chạy mất.
Bọn Kim-luân Pháp-Vương, Tiêu-tương-Tử quá xấu hổ vì sự phòng vệ sơ sót của mình, nên đến trước mặt Hốt-tất-Liệt tạ tội.
Hốt-tất-Liệt vốn là người quảng đại, nên nét mặt chẳng lộ chút gì giận dữ, trái lại còn rất tán thưởng cái trò chơi quái gở của Châu-bá-Thông.
Vương-Tử vui vẻ, nói:
- Tôi rất tiếc là gặp được người hào kiệt tuyệt vời như Châu-bá-Thông, mà mình không đủ sức giữ người ấy ở bên cạnh, thật là uổng!
Sau đó tiệc rượu tiếp tục. Hốt-tất-Liệt đứng lên nghiêm nghị, nói:
- Đại quân Mông-Cổ đánh Tương-Dương nhiều lần, mà không thể hạ được thành chỉ vì đồn Tương-Dương là nơi tụ hội nhiều hào kiệt, anh tài, nay lại có thêm Châu-bá-Thông thì mong gì chiếm được. Chẳng biết chư vị ở đây có kế hoạch gì hay hơn không?
Ni-ma-Tinh quá nóng, không nghĩ ngợi hơn, kém gì cả, liền nói:
- Thưa Vương-tử. Châu-bá-Thông tuy võ nghệ giỏi nhưng bọn ở đây chưa chắc đã kém hắn. Vương-Tử cứ việc lo lệnh tấn công Tương-Dương, có gì là quân đổi quân, tướng đổi tướng, nếu Trung-Nguyên có lắm hiền tài thì Tây-vực ta thiếu chi hào kiệt?
Hốt-tất-Liệt khoan thai giảng giải:
- Lời Ni-ma-Tinh nói cũng đúng, nhưng từ xưa đến nay về chiến trận muốn thắng cần phải nhờ mưu lược. Mà muốn có mưu lược, trước nhất phải biết được địch tình. Nếu bên nào tính giỏi hơn là bên đó thắng.
Tử-Thông cung kính đứng dậy, nói:
- Vương-gia thật là một vị thánh minh.
Tử-Thông vừa dứt lời, thì bên ngoài có tiếng vọng vào:
- Ta đã bảo đừng đi, là đừng đi! Đồ vô dụng!
Mọi người nghe rõ tiếng Châu-bá-Thông, nhưng không hiểu được lý do gì, mà Châu-bá-Thông còn trở lại dùng lời ngạo nghễ.
Hốt-tất-Liệt hối hả, nói:
- Chư vị hãy mau đi tìm Châu-bá-Thông về đây cho ta.
Mọi người đều chạy ra ngoài tìm Châu-bá-Thông, nhìn khắp tứ phía chợt thấy Châu-bá-Thông từ nơi xa tít trên gò bằng phẳng hướng Đông, với bốn người lạ mặt.
Kim-luân Pháp-Vương gọi lớn:
- Chúng ta cùng đến đó.
Kim-luân Pháp-Vương, Ni-ma-Tinh, Tiêu-tương-Tử, Mã-quang-Tổ, và Y-khắc-Tây cùng chạy như bay về hướng bốn người lạ mặt và Châu-bá-Thông. Thấy bốn người kia đều mặc áo màu xanh rườm-rà, cổ lỗ. Trong đó có ba người nam, đội mũ cao lêu nghêu, một người giữa bụng thắt chiếc giải xanh bay phất phới trước gió. Cả bốn người trông rất hiền hậu, trông có vẻ thanh nhã. Một người trong bốn người nói:
- Chúng tôi không muốn làm khó dễ đâu chỉ vì tôn huynh đã đạp bể nồi linh đơn, bẻ gãy linh chi, xé nát đạo thư của thầy chúng tôi, nên chúng tôi muốn mời tôn huynh về cho thầy tôi rõ nếu không chúng tôi sẽ bị rầy la.
Châu-bá-Thông vỗ đùi, cười lớn:
- Mày là thằng quê mùa, xấc láo! Như vậy là mầy không may đã gặp phải tao.
Người kia bình tĩnh trả lời:
- Tôn huynh nhất định không theo chúng tôi sao?
Châu-bá-Thông lắc đầu lia lịa, la lớn:
- Lui ra kẻo toi mạng hết!
Người kia bỗng reo lên:
- A cho mau, chớ bọn họ đến kia rồi!
Chớp mắt, bốn người mặc áo xanh tung ra một cái lưới phủ trùm Châu-bá-Thông vào trong rồi gút lại. Châu-bá-Thông như cọp mắc bẫy, nằm cong queo trong lưới. Bốn người kia hai người khiêng Châu-bá-Thông, còn một nam một nữ theo sau. Họ chạy đi như bay.
Sự biến chuyển không thể nào lường được. Không ai ngờ tài nghệ như Châu-bá-Thông mà bị bắt một cách dễ dàng như thế.
Dương-Qua thấy Châu-bá-Thông vô cớ bị bắt, nên quá thương tâm liền vận lực để khí, tung mình lên cao đuổi theo bọn áo xanh, và gọi lớn:
- Các ngươi đem Châu-bá-Thông đi đâu?
Bọn Pháp-vương cũng nối theo Dương-Qua. Trong nháy mắt đã đuổi theo hơn hai chục dặm đến bờ một dòng suối lớn. Bốn người đưa Châu-bá-Thông xuống thuyền thả dây xuôi dòng. Tức khắc chiếc thuyền đã biết mất dạng.
Ni-ma-Tinh nhảy vọt lên ngọn cây để chạy theo bọn áo xanh. Còn năm người trong bọn, nhảy sang bờ suối về hướng Nam, đoạt một chiếc thuyền vô chủ xuôi theo lối của Ni-ma-Tinh chỉ.
Bốn người áo xanh cho thuyền vào một lạch nhỏ phía Tây. Con lạch nhỏ bị nhiều cây lớn sum sê che lấp mất, phải nhờ Ni-ma-Tinh đi trên đọt cây cao chỉ lối, bọn Dương-Qua mới khám phá được con rạch và gọi đồng bọn đuổi theo. Tất cả đều quay thuyền theo hướng Ni-ma-Tinh hướng dẫn. Chèo đi một khoảng xa thì đá hai bên lỏm chởm, khiến cho lối xuôi thuyền bị nghẹt lần lại. Bầu trời đối với họ chỉ còn là một vệt trắng như lưỡi kiếm.
Mã-quang-Tử kêu lên:
- Hỏng rồi, hỏng rồi! Hết lối chèo rồi!
Mọi người nhìn về hướng trước mũi thuyền, thấy chín mỏm đá trông tựa bức bình phong, đứng sừng sững chận hết lối qua lại.
Tiêu-Tương-Tử liền nói:
- Hoàn cảnh này phải nhờ Mã-quang-Tổ đem thuyền lên mới được.
Mã-quang-Tổ nói: - Tôi làm sao cho có đủ sức lực, mời đại-ca thử xem.
Kim-luân Pháp-Vương đang trầm tĩnh tìm kế đưa thuyền qua, miệng lẩm bẩm:
- Tấm bình phong cao, rộng như thế nầy, làm sao có thể đem thuyền qua được.
Dương-Qua thấy mọi người lo nghĩ, liền nói lớn:
- Quốc sư ơi! Chúng ta cùng họp sức nhấc thuyền qua.
Pháp-Vương mừng quá, nói lớn:
- Hay lắm! Tôi và Tráng-sĩ ở bên nầy, còn ở bên kia do bốn người mau cùng nâng lên!
Mọi người đồng tình đáp ứng lại lời của Pháp-Vương vang dội cả khu rừng. Mười hai cánh tay nâng bổng chiếc thuyền lên, lao qua chín tảng đá. Chỉ nghe tiếng véo thuyền bay lên không trung, cả sáu người đều dùng thuật khinh thân phi theo thuyền, rồi dịu dàng để thuyền xuống nước, như một chiếc lá rụng.
Sáu người ban đầu mới gặp nhau có nhiều điều khích bác tị hiềm nhau, nhưng bây giờ cùng chung sức làm một việc, tự nhiên họ có tình đoàn kết.
Tiêu-tương-Tử ngồi trước mũi thuyền, nói:
- Chuyện trước mặt chúng ta cần thiết nhất là tìm cứu cho được vị cao thủ Châu-bá-Thông mới là giỏi. Còn như hành động chúng ta trước đây không có gì đáng ngợi khen cả.
Ni-ma-Tinh tiếp lời:
- Lời Tiêu đại-ca nói đúng lắm, nếu đem so với bọn áo xanh ban nãy, chúng chỉ có bốn người lại còn đèo thêm một nhân mạng nữa, mà cũng làm nổi việc một cách dễ dàng. Còn chúng ta đến sáu người, nhưng theo không kịp chúng thì chưa đáng gọi là anh tài.
Nghe Ni-ma-Tinh nói mọi người đều lấy làm lạ, chỉ có bốn người mà có thể đem thuyền lại còn khiêng được Châu-bá-Thông nữa thì thật là một hành động kỳ lạ.
Ma-Tinh nói:
- Hay chúng nó ẩn núp đâu đây, chứ bọn nó có bốn người, trong đó lại có một cô gái mới mười bảy, mười tám tuổi, còn đèo thêm một mạng phải khiêng nữa thì tài nào đi mau như thế.
Pháp-Vương cười nói:
- Chớ nên nhìn bề ngoài mà đánh giá tài nghệ. Như Dương-Qua đây với số tuổi chừng ấy trên đầu, ai nhìn thấy bề ngoài có thể biết là kẻ siêu nhân. Nếu không có con mắt tinh đời như Kim-luân Pháp-Vương nầy, chắc khó lòng nhận thấy.
Dương-Qua khiêm tốn nói:
- Tiểu đệ chỉ là một kẻ hậu tiến không đáng kể. Xin chư vị hãy lưu ý đến bọn áo xanh đó, chúng đã bắt Châu-bá-Thông một cách rất dễ dàng, như thò tay lấy một vật trong túi!
Mọi người đã tán thưởng nghệ thuật của Dương-Qua, nhưng nghe chàng nói như vậy, lòng thắc mắc lo nghĩ lại càng tăng gấp bội.
Trong sáu người, chỉ có Dương-Qua là ít tuổi, nhưng tài nghệ được mọi người mến phục nhất.
Pháp-Vương, Mã-quang-Tổ, Ni-ma-Tinh đều là người ở Tây-vực Tiêu-tương-Tử thì chỉ lo luyện tập ở rừng sâu, nên chỉ có một mình Doãn-y-khắc-Tây là hiểu biết rõ các giang hồ, về tông tích lai lịch các võ phái Trung-nguyên. Thế mà Doãn-y-khắc-Tây chỉ vò đầu, không thể tìm ra người con gái trong bọn áo xanh là ai.
Cùng nhau chuyện trò chưa bao xa, thuyền đã đi được một quãng xa, lạch nước đã cùng đường, thuyền hết lối. Sáu người đi sâu tiến vào rừng, vượt qua những hố sâu, đèo cao, băng qua rừng lá rậm rạp. Bỗng trước mặt sáu người hiện ra một con đường hẹp chạy thẳng lên núi.
Cả bọn không chút ngần ngại, vận sức tiến nhanh. Càng đi lên càng thấy cao chót vót, cuối cùng ai nấy đều lạc lối, tựa hồ như ma đưa lối, quỉ dẫn đường cứ quanh co mãi.
Pháp-Vương vốn võ nghệ cao cường, nên cứ vững tâm, không tỏ vẻ sợ sệt. Chỉ có Mã-quang-Tổ võ công chưa đến mức chân truyền nên thở hồng hộc, loạng choạng, vấp ngã như người say rượu, nhờ có Ni-ma-Tinh dìu đi, mới khỏi lao đầu xuống vực thẳm.
Mã-quang-Tổ trong lòng quá thẹn. Gặp việc gian nan, nguy hiểm mới biết sức vóc mình chả thấm vào đâu.
Quanh quẩn một lúc, bóng chiều đã tắt. Màn đêm bắt đầu hiện xuống núi rừng, bọn áo xanh vẫn biệt tăm biệt dạng.
Mọi người đang lo ngại, thì chợt đàng xa có ánh lửa lập lòe làm cả bọn mừng rỡ, nghĩ thầm:
- Trong rừng sâu núi thảm thế này mà có người ở cũng lạ, nếu quả là bọn áo xanh thì chắc chúng là ma mị lắm đấy.
Kim-luân Pháp-Vương chăm chú nhìn về hướng ánh lửa, nói:
- Anh em, hãy vận khinh công tiến nhanh đến đó xem thế nào?
Trong chớp mắt họ đã bay đến bốn đống lửa. Mã-quang-Tổ vì đuối sức phải lểnh mểnh theo sau.
Lúc đến nơi, thấy một khoảng đất trồng. Trên đỉnh núi chỉ có bốn đống lửa đỏ rực, giữa mỗi đống lại có một ngôi nhà bằng đá.
Ni-ma-Tinh đã từng học đạo "Du già" ở Tây-Trúc nên thấy lửa không chút gì e sợ, liền vận sức phóng mạnh vào đống lửa, tông mạnh cánh cửa đá của tòa nhà phía Đông.
Cửa mở toang! bên trong vắng vẻ! Giữa nhà một thanh niên hai tay chắp lại, nét mặt đượm vẻ u buồn. Ni-ma-Tinh lấy làm lạ, không hiểu người nầy ngồi chịu cực hình gì đây, hay luyện nội công?
Ni-ma-Tinh bước lại nhìn kỹ, thấy những dây sắt quấn kín hai chân của người thanh niên chừng hai mươi lăm tuổi.
Ni-ma-Tinh lần lượt đi sang nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư: người nào cũng đều có chung một cảnh tượng như vậy.
Duy có nhà thứ tư, người ngồi chịu cực hình lại là một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi. Đúng là bọn bắt Châu-bá-Thông. Nhưng Châu-bá-Thông hiện ở đâu?
Năm người trong bọn cùng nối gót theo Ni-ma-Tinh, đi luôn vào các gian nhà đá, nhưng không thấy Châu-bá-Thông. Họ chỉ thấy những thanh niên ngồi trong đống lửa đỏ hừng hực cháy, ai nấy đều tỏ vẻ thương hại, sợ những người thanh niên ấy cháy thành than.
Dương-Qua tính từ xưa nay, làm một việc không cần biết đến hậu quả. Nay lòng lại chất chứa mối tình sầu nên không dè dặt trong mỗi hành động nữa. Chàng đi qua nhà đá nhìn mặt ba gã thanh niên không tỏ vẻ gì thương hại. Nhưng đến nhà đá thứ tư, chàng thấy một thiếu nữ yêu kiều lộng lẫy, bỗng thở một hơi dài não ruột. Chàng phóng mình nhảy lên một cây cao gần đó bẻ mấy cành lá đập đống lửa đang cháy xung quanh thiếu nữ áo xanh. Giữa lúc đập túi bụi thì Mã-quang-Tổ vừa đến nơi, cũng lăng xăng giựt các cành lá đập giúp. Tức khắc đống lửa tắt ngóm.
Đập xong đống lửa thứ nhứt, Dương-Qua toan bước sang đập đống lửa khác, chợt nghe thiếu nữ lảnh lót nói:
- Xin quý khách hãy dừng tay, để chúng tôi khỏi bị trách phạt.
Dương-Qua nghe nói, ngạc nhiên nhìn. Chàng định cất tiếng hỏi lại, thì có một người nói vọng ra giọng sang sảng:
Động chúa ra lệnh cho các đệ tử biết nếu có viễn khách đến thì hình phạt ngưng, bốn trò hãy tiếp đón viễn khách cho ân cần.
Thiếu nữ áo xanh dịu dàng nói:
- Xin đa tạ động chúa.
Người kia truyền lệnh xong, liền tung mình lộn tròn như quả bóng, nhào qua các đống lửa, dùng chìa khóa mở trói cho bốn người áo xanh.
Dương-Qua định thần, nhìn thấy người này mặc áo màu xám khác với ba chàng áo xanh và cô thiếu nữ đang bị hành hạ.
Hình phạt được hoãn lại, bốn người áo xanh chắp tay chào khách, nói:
Chúng tôi xin mừng viễn khách, và mời viễn khách tạm ngồi nơi nệm cỏ nghỉ, vì trong nhà bị đốt lửa nóng không được vào.
Xin cứ an lòng, anh em chúng tôi thấy lửa nóng càng thích.
Ni-ma-Tinh miệng nói chân đi thẳng vào trong ngôi nhà đá nóng bỏng ấy, ngồi chễm trệ trên chiếc ghế đá tròn, nhìn ra các bạn đồng hành cười sằng sặc, tỏ ý thích chí lắm:
Tiêu-tương-Tử không chịu được cũng hô vài tiếng rồi bước thẳng vào nhà, Doãn-y-khắc-Tây cười nói:
- Xin các anh chớ lo đến tôi, đối với lửa tôi đã từng tự thiêu nhiều lần rồi.
Kim-luân Pháp-Vương thấy vậy sợ mất uy quyền quốc sư, nên cũng bay tọt vào.
Còn Mã-quang-Tổ lểnh mểnh vừa đến nơi, hơi nóng tạt ra cháy tóc khét nghẹt, đành ôm đầu lui ra, nói vài câu đỡ gượng:
- Ôi Mã-quang-Tồ này xin chịu thua quí huynh.
Nói xong, chàng tập tễnh trèo lên cây bẻ cành đậy lửa.
Dương-Qua vừa bước vào chợt nghe tiếng trêu cợt:
- Nếu quí khách có sợ nóng xin mời lên cây.
Nàng vừa nói vừa cười trong trẻo khiến cho Dương-Qua lính quýnh.
Từ lúc Dương-Qua đập tắt lửa, lòng thiếu nữ áo xanh đã thấy cảm mến Dương-Qua. Vì chàng đã tỏ lòng lo sợ cho nàng. Bây giờ thâm tâm nàng cũng sợ Dương-Qua bị nóng. Chẳng ngờ Dương-Qua không tỏ vẻ gì sợ sệt, bình tĩnh bước vào nhà, khiến nàng quá cảm phục.
Một người thanh niên trong bọn áo xanh nói:
- Chính tôi không dám đường đột hỏi quí tinh cao danh!
Doãn-y-khắc-Tây chưa nghe hết câu đã hấp tấp nói:
- Tôi chính là người Hồ nước Ba-Tư, tên là Doãn-y-khắc-Tây. Ngoài việc ăn chơi hàng ngày, chỉ còn biết nghề buôn ngọc quí. Còn về phần võ nghệ tôi không dám sánh với anh em tôi.
Người áo xanh đáp:
- Chúng tôi ở nơi hang sâu núi thẳm, hầu như xa cách hẳn với nhân thế, nên không có lúc nào được tiếp đón với bạn hữu đông vui như thế này. Chẳng hay quí khách đến đây có điều chỉ dạy bảo.
Doãn-y-khắc-Tây cười nói:
- Anh em chúng tôi đến đây với mục đích tìm lão Ngoan-Đồng Châu-bá-Thông, chẳng ngờ gặp nhiều chuyện kỳ quái thế này.
Hai người chủ khách say sưa chuyện trò, thì khí nóng trong tòa nhà mỗi lúc một tăng. Tiêu-tương-Tử, Ni-ma-Tinh, vì phải vận hết sức nội công để chống lại áp độ của nhiệt khí, đến nổi phải quỳ gối xuống.
Doãn-y-khắc-Tây lúc nầy thở hổn hển, miệng khô như đốt, đôi mắt nhắm lại. Trong lúc đó bọn áo xanh vẫn tươi cười vui vẻ như ngồi trong gió mát, và tiếp tục hỏi Doãn-y-khắc-Tây:
- Thế thì quý vị là kẻ cùng môn phái với lão sao?
Doãn-y-khắc-Tây mệt quá cố sức đáp lời nhưng không đáp được hết câu:
- Chúng... tôi... với...!
Tuy Kim-luân Pháp-Vương cố giữ được vẻ đĩnh đạc, nhưng thật ra đã quá sức mệt. Ông ta thầm trách Ni-ma-Tinh tài nghệ tu luyện chưa được đến bao nhiêu, mà phách lối đưa cả bọn vào thế khó xử.
Pháp-Vương bực quá đưa mắt nhìn Ni-ma-Tinh, té ra Ni-ma-Tinh đôi mắt đã nhắm nghiền, miệng thở phì phào.
Riêng Dương-Qua vì trước đây, đã nằm liền mấy năm trên Hàn-ngọc-Sàn, nên đã có phép điều tiết nóng lạnh trong khi gặp nóng đến mức nào, chàng cũng chẳng cần phải vận nội công, cho nên cả bọn đều mệt nhừ mà Dương-Qua vẫn như thường.
Người áo xanh nói:
- Lão ta quá lắm, đã đến tận đây phá phách.
Dương-Qua nói:
- Có phá phách gì nhiều không? Tôi nghe hình như tôn chủ đây trách ông ta đốt sách, đập bể cái gì đó?
Ngay từ lúc đầu thấy sự bình thản của Dương-Qua trong nóng bức, ai nấy đều khen ngợi, giờ lại thấy chàng nói rất thản nhiên âm thanh không hề bị xao động tí nào, nên mọi người càng khâm phục hơn.
Người áo xanh nói tiếp:
- Mấy hôm trước, lão ta đến đây giả điên giả cuồng, trêu chọc đủ điều, rồi lại đá bể nổi thuốc linh đơn của thầy chúng tôi.
Thiếu nữ áo xanh cũng xen vào:
- Không phải như thế thôi đâu! Lão nghịch đó còn đạp rụi mất hai cây lan thảo thần nữa chứ!
Dương-Qua lắc đầu có vẻ than phiền nói:
- Cái lão Ngoan-Đồng đó quấy phá! Lan thảo thần phải trồng mất đến bốn trăm năm mà lão nỡ đưa chân ra đạp rụi như thế!
Đoạn Dương-Qua nói sang chuyện khác:
- à! Thật chúng tôi quá sơ suất. Vào nhà người mà quên hỏi danh tánh chủ nhân. Vậy tiện đây xin cho biết đại danh của quí nương.
Thiếu nữ đôi má ửng hồng, ngập ngượng muốn đáp, nhưng một người áo xanh rước lời:
- Điều ấy rất khó lòng, vì chúng tôi chưa được thầy cho phép xưng danh. Mong quí khách tha thứ cho!
Dương-Qua ngẫm nghĩ:
- Bọn nầy là ai mà cố ý ẩn dật, không muốn xưng tên cho ai biết. Nếu như thế cũng không có gì lạ lắm.
Chàng liền hỏi:
- Vậy bây giờ thân phận của Châu-bá-Thông ra sao rồi?
Câu chuyện đang hỏi han, lễ nghĩa thì Doãn-y-khắc-Tây lại hét lên, rồi hổn hển chạy ra ngoài, vì hắn không thể chịu nổi sức nóng quá cao trong nhà đá ấy nữa.
Người áo xanh thứ ba vẫn tự nhiên, như không lưu ý đến tiếng hét của Khắc-Tây, chỉ theo dõi lời nói của Dương-Qua, rồi đáp:
- Châu-bá-Thông còn phải chịu thêm một tội lớn nữa là đã đốt nhiều sách quý trong động, làm cho sư phụ và các huynh trưởng chúng tôi quá giận đuổi theo đánh, nhưng lão đã cao bay xa chạy, trốn mất rồi, nên sư-phụ chúng tôi tức giận lão lắm!
Người áo xanh nói chưa dứt lời, đã nghe tiếng hét của Tiêu-tương-Tử. Tiêu-tương-Tử không chịu nổi nên phải chạy ra ngoài.
Dương-Qua tiếp lời người áo xanh nói:
- Châu-bá-Thông võ nghệ siêu quần, hành động cổ quái, khó mà bắt lão lắm!
Bọn áo xanh rất thích nói chuyện với Dương-Qua, vì chàng với bọn áo xanh như cùng một lứa tuổi, và chàng cũng chịu nóng như họ.
Trong lúc Dương-Qua và bọn áo xanh đang nói chuyện về Châu-bá-Thông, dùng tài thuật kỳ quái chống lại với động-chúa, thì Kim-luân Pháp-Vương bỗng gọi lớn:
- Dương tráng-sĩ mau mau ra khỏi nơi nầy. Nhiệt độ nầy sẽ làm hại đến sức khỏe không ít. Chớ nên ở lại nữa.
Nói xong, Pháp-Vương thu mình lại như cánh cung, vọt ra ngoài như một vệt khói.
Thiếu nữ thấy đồng bọn Dương-Qua lần lần thoát ra ngoài hết, nàng hơi e thẹn nói:
- Thưa tôn khách, các bạn của tôn khách đã ra ngoài hết cả. Xin tôn khách chớ lưu lại nơi nầy, hãy ra bóng mát nghỉ ngơi cho đỡ mệt.
Dương-Qua quá bối rối, cúi đầu đáp:
- Đa tạ cô nương.
Dương-Qua quay sang phía Ni-ma-Tinh gọi:
- Ni-ma-Tinh! Thôi chúng mình đi ra.
Ni-ma-Tinh từ lâu vẫn nhắm nghiền đôi mắt, tham thiền nhập định không còn nghe ai nói chi nữa. Dương-Qua thấy vậy bước lại vỗ vào vai, thì lão lùi đã ngã ngửa ra như pho tượng gỗ. Chàng thất kinh vội ôm xốc Ni-ma-Tinh lên.
Người áo xanh nói:
- Sức nóng đã làm ông lão choáng váng, hôn mê rồi. Vậy tôn khách hãy mang ra nơi có không khí mát mẻ, hòa diệu là lão tỉnh lại.
Dương-Qua bồng Ni-ma-Tinh, vận sức nhảy vọt ra khỏi tòa nhà quái dị đó.
Cả bọn áo xanh trông thấy đều tỏ lời thán phục Dương-Qua không ngớt.
Một người áo xanh nói:
- Bốn anh em mình ở đây chưa gặp người nào võ công như người nầy.
Một người áo xanh nữa nói tiếp:
- Nội công của Dương-Qua chắc không kém gì nội công của sư-mẫu chúng ta.
Dương-Qua nghe nói sư mẫu, liền hỏi lại:
- Sư-mẫu của chư vị là ai thế?
Ba người áo xanh thấy bọn mình lỡ lời nhắc đến chuyện kín, trố mắt nhìn nhau sợ hãi.
Tiếp đó cả bọn cố tìm cách nói sang chuyện khác để cho Dương-Qua quên mất hai tiếng sư mẫu. Một người áo xanh cung kính nói:
- Chắc quý khách từ phương xa đến chưa dùng bữa, vậy tiện đây mới chư vị sang phòng bên này dùng cơm thường với anh em chúng tôi.
Mã-quang-Tổ đang đói, nghe nói đến ăn uống lòng mừng khấp khởi, đôi mắt sáng lên.
- Quý chủ có lòng tốt đối với chúng tôi quá!
Ni-ma-Tinh ra ngoài gió mát tỉnh lại, bụng cảm thấy nhột nhạt, xốn xang như kiến bò. Chợt nghe bọn áo xanh mời ăn, vội đứng dậy tay đấm vào lưng thụi thụi, chân bước theo hướng chỉ của chủ nhân.
Nơi ăn cũng là một tòa nhà bằng đá, bên trong bày biện rất sơ sài. Trên bàn ăn toàn là một màu xanh, gồm đủ các thứ rau không có món xào, món mặn nào lộn vào.