PDA

View Full Version : Dữ Hơn Rắn Độc - Hoàng Hải Thủy



Pages : 1 2 3 [4] 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

VietLang
05-18-2007, 01:13 PM
Chương 5


Ở Sàigòn, Minh Đảo có cô em làm nữ thư ký đả cơ khí tự, tức nữ thư ký đánh máy, trong một ngân hàng của Ba Tầu Chợ Lớn.

Tuy đã mất trinh từ lâu và dường như đời nàng chẳng có thời gian nào nàng có trinh cả, cô em ruột của Minh Đảo tên là Trinh. Tên cúng cơm, tên ghi trong thẻ kiểm tra của nàng chỉ là Thị Trinh, nàng thêm tiếng Mộng vào cho thành Mộng Trinh, nghe như tên nữ ca sĩ.

Mộng Trinh cư ngụ trong cái phòng bin-đinh nhỏ như cái hộp quẹt, dài ba thước, ngang 2 thước 50, có một ô nhỏ trong có bồn rửa mặt và bàn cầu tiêu nhưng tắm thì phải ra dẫy nhà tắm chung cuối hành lang. Phòng của Mộng Trinh ở tầng thứ tư của bin đinh, tầng cao nhất, cửa sổ tầng lầu này mở ra trăng thanh, gió mát, ít bụi, đỡ tiếng ồn của xe cộ dưới đường nhưng không có thang máy, phòng càng ở trên tầng cao càng rẻ tiền mướn. Mỗi lần lên xuống nàng phải xử dụng cặp giò mà nàng tự cho là đẹp, khêu gợi ngang cặp giò của cô đào xi-nê Hôlyút Angie Dickinson để đi trên 75 bậc thang lầu. Những cuộc leo thang, xuống thang này làm cho nàng khó chịu, mệt và than thở: " Hư mẹ nó chân cẳng của người ta. Mẹ bố thằng chủ nhà tư bổn lề. Tiền phòng thâu bằng thích, lời tổ mẹ mà kẹo rít, không chịu đặt thang máy cho người ta đi.." Nàng có thể đổi xuống những căn phòng tầng dưới nhưng giá tiền những phòng tầng dưới đắt hơn, lương nữ thư ký đánh máy của nàng không cho phép nàng chi tiền nhà quá nặng. Hai nữa vào thời gian này ngườii thiếu nữ chưa chồng mà sống một mình một phòng trong bin-đinh tiện nghi giữa thành phố Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi là văn minh quá rồi.

Ngân Hàng Đông Nam Á có Mộng Trinh là nhân viên là một ngân hàng Ba Tầu, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng là một anh Ba Tầu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn. Bắt chước giờ làm việc của những ngân hàng Hồng Kông thứ thiệt Ngân Hàng Đông Nam Á làm việc từ 9 giờ sáng, nghỉ một gì ăn trưa, rồi làm một lèo đến 5 giờ chiều.

Vào lúc 6 giờ chiều một ngày Thứ Bẩy, khi anh con trai mặt đầy mụn trứng cá của bà quản gia bin-đinh phấn khởi leo 75 bậc thang lầu đem bức thư của Minh Đảo lên phòng Mộng Trinh, chú thấy Mộng Trinh mở cửa phòng tiếp chú trong bộ y phục đặc biệt làm cho công lao leo thang lầu của chú được đền bù xứng đáng: nửa dưới nàng bận cái slip đỏ nhỏ síu, nửa trên là cái áo pull bằng voan mỏng như tơ nhền nhện.

Anh con trai biết rằng bất cứ lúc nào ở trong phòng Mộng Trinh cũng bận đồ hở hang nên anh rất chăm chỉ tự nguyện đem thư lên phòng cho nàng. Thư của những phòng khác anh mặc kệ, anh để bà mẹ anh đi đưa hoặc khi thấy người có thư đi qua anh gọi lại, đưa thư.

Đang tuổi dậy thì anh mắt tròn, mắt dẹt nhìn như mất hồn cặp vú ngồn ngộn của Mộng Trinh trong làn voan mỏng. Đưa thư rồi mặt anh cứ nghệt ra, chân anh rời đi không nổi. Mộng Trinh biết anh đang bị bấn loạn vì mình - cái tên đúng của sự bấn loạn trai tơ dậy thì này là bấn xúc sích - nếu là lúc khác nàng đã gọi anh vào phòng, đóng cửa lại, hỏi chuyện vớ vẩn trêu anh một hồi cho anh cuống quíu chân tay nhưng tối nay nàng không đùa rỡn với anh được, trong phòng nàng đang có người tình của nàng.

Trung sĩ Văn Tiến, xước hiệu giang hồ là Tiến Bê,chuyên viên cờ bạc bịp, Trung sĩ An Ninh Quân Đội, biệt phái làm việc ở Lữ Đoàn Bảo vệ Tổng Thống Phủ, nằm dài với điếu thuốc lá trên môi trên cái đi-văng trong phòng. Cảm giác khoái lạc của cuộc mây mưa hấp dẫn vừa qua còn đầy trong da thịt gã, gã nằm chờ tối thêm một chút nữa gã và Mộïng Trinh đi ăn phở gà Hiền Vương thay cơm tối, đi xem xi-nê và đến 12 giờ đêm về yêu nhau nữa.

Tiến Bê lơ đãng hỏi:

- Thư à? Thư ai thế?

- Thư của Minh.


Trung sĩ Văn Tiến bị giới giang hồ phang cho cái tên Tiến Bê không oan, gã chuyên chơi bịp sì phé, nhưng có tài chơi bịp gã vẫn đói dài, đói dẹt, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông gã rách hơn cái mền Sakymen, nghĩa là gã rách thường xuyên và thường trực, nhưng gã vẫn ăn và nói như con nhà giầu. Bà mẹ gã cho vay tiền trả góp ở Chợ Bàn Cờ, bà góa chồng từ trẻ, ở vậy nuôi con, bà chỉ có Tiến là con một nên bà cưng chiều gã như con cầu tự. Bà đã cưới vợ cho Tiến nhưng Tiến chê vợ, gã chỉ về nhà và hỏi đến vợ khi gã cần tiền. Chuyện phi lý là chị vợ của Tiến Bê lại rất hiền, có sức chịu đưng cao độ, lại rất đảm, buôn bán ra tiền. Chị kính trọng mẹ chồng và mỗi lần bị anh chồng ăn chơi đủ bốn mục tứ đổ tường gây sụ, đòi tiền chị chỉ biết khóc và ma róc-móc ra nộp tiền cho chồng đi ăn chơi.

Đọc thư Mộng Trinh la lên:

- Quá trời ta..Minh lấy vợ..Mà lại lấy vợ giầu nữa..

Tiến Bê hỏi bằng cái giọng khinh mạn:

- Minh là thằng nào? Nhân tình cũ hả?

- Minh là anh của em. Anh ruột. Em đã nói với anh về Minh nhiều lần rồi mà. Minh mới lấy vợ, vợ Minh trẻ, đẹp mà lại nhao bướu lắm lắm. Minh gọi em ra Đànẵng sống với Minh.

- Ký gì?

Tiến Bê ngồi lên. Người gã tầm thước, rắn chắc, gân guốc. Người như gã có thể tạm cho là bô trai nếu gã không có cặp mắt gian giảo, lấm lét cả những khi không cần phải lấm lét. Gã tự cho gã là người tàn nhẫn với đàn bà, gã quan niệm đã là đàn ông thì bắt buộc phải tàn nhẫn với đàn bà và thằng đàn ông nào không tàn nhẫn với đàn bà đều là đàn ông hèn.

Tiến Bê truyền cho Mộng Trinh một số tiếng lóng, như tiếng "nhao bướu" Mộng Trinh vừa nói; nhao bướu là nhiều tiền, đồng nghĩa với "đông địa".

- Em định bỏ nghề, bỏ Sàigòn để đi sống nhờ thằng đó à?

Mộng Trinh sịu mặt:

- Thằng đó là thằng nào? Hào huê phong thấp gì mà ăn nói thô tục..! Nghe hổng có dzô. Anh ruột người ta..

Rồi cũng bất kể phản ứng của người đàn ông vừa ôm ấp nàng, vừa làm nàng rên lên vì khoái lạc, Mộng Trinh phom phom nói đến chuyện bỏ Sàigòn ra đi:

- Sàigòn thì có cái gì mà cứ nhất định phải sống ở Sàigòn? Bộ những người sống ở Huế, Nha Trang, Kontum..người ta khổ, người ta chết hết cả sao? Mí lỵ cái nghề thư ký đánh máy thì có gì mà ham. Ngày ngồi tám tiếng...Bọn này tính dzồi..Mười ngày ngồi tám mươi tiếng. Một trăm ngày ngồi tám trăm tiếng..Một năm hai ngàn năm trăm tiếng..Ngồi như dzậy mười năm là hai trăm năm mươi ngàn tiếng. Còn gì là người nữa. Nữ thư ký em nào cũng đít đen sì như trôn chảo, hoặc là to như cái thúng, hoặc là teo lại như hai cái bát ăn cơm. Không khá được. Mình sẽ đi xa Sàigòn ít lâu..

- Đi làm cái gì? Đang yên lành đùng đùng bỏ đi. Sống với nó không được bò về dễ gì tìm được việc làm tốt như việc em đang làm.

Mộng Trinh nhún vai:

- Anh em người ta..

- Bộ cứ anh em là phải sống với nhau sao? Nó thương em thì nó gửi tiền cho em. Cần gì phải gọi em đến sống với nó cho rắc rối..

Nét thán phục lộ rõ trên mặt Mộng Trinh, nàng nói đến anh nàng như nói đến một vĩ nhân, một thần tượng:

- Minh là người khác lạ, Minh tuyệt lắm..

Tiến Bê trề môi:

- Tuyệt cái con...

Mộng Trinh sửng cồ lên:

- Ê..Nói ai cũng được, không đươc đụng đến anh người ta ạ.

Tuy làm Trung Sĩ An Ninh và có biệt tài đánh sì bịp Văn Tiến lại có mộng làm văn sĩ. Gã từng có hai ba bài thơ và vài truyện ngắn được đăng báo - thuộc loại thơ, truyện của độc giả, được nhà báo đăng cho là vinh hạnh rồi, không có tiền nhuận bút, nhuận mực chi cả - nhưng gã vẫn tin chắc như đinh thép mười phân đóng cột gỗ lim gã là một thiên tài văn chương. Lúc này gã chưa viết vì gã còn đang sống, sống để lấy chất liệu và lấy chất liệu để viết. Khi gã đã viết tên tuổii gã sẽ nổi như cồn, tác phẩm của những anh văn sĩ nổi tiếng đương thời sẽ bị độc giả chê bỏ. Thấy Mộng Trinh nặng lời với gã, gã làm mặt hờn rỗi:

- Em bỏ Sàigòn thì anh cũng bỏ Sàigòn anh đi..

- Đi đâu?

Tiến Bê buông nhẹ:

- Hồngkông..Ma-ni-la..Băng cốc..

- Đi Hồngkông làm gì?

- Đi để đi, chẳng để làm gì cả. Đi để sống, đi để viết.

Mộng Trinh cười mũi:

- Ở trong quân đội, sức mấy mà đi được Hồngkông.

- Để rồi xem.

Tuy không tin tưởng gì lắm ở thiên tài văn sĩ của người tình Mộng Trinh cũng thấy nàng cần phải bàn cãi đôi lời:

- Viết tiểu thuyết? Sao anh không ngồi mẹ nó vào bàn, cầm lấy cái bút, viết bố nó đi có được không? Nói hoài mà có thấy viết cái chó gì đâu. Viết truyện thì khó gì. Ai viết chẳng được. Việc gì cứ phải đi và sống mới viết được. Mấy thằng cha văn sĩ trong bin-đinh này có đi đâu đâu? Ở nhà quanh năm, mà mấy chả cũng viết được đấy...

Tiến Bê khinh mạn:

- Viết lẩm cẩm như mấy thằng đó thì anh viết lúc nào chẳng được. nhưng anh không muốn viết những tác phẩm tầm thường, ba xu như chúng nó.Tác phẩm của anh phải là tác phẩm lớn, quốc tế, giá trị nhân bản toàn cầu..Anh viết cho anh, viết cho nhân loại, không viết để kiếm tiền, không viết cho bọn độc giả bà ba đọc giải trí.

Đốt điếu Lucky, gã hít vào một hơi dài, ém khói rồi thở ra hai lỗ mũi:

- Ồ..Có nói em cũng cóc hiểu..Em cóc hiểu là em cóc hiểu..

Gã nhìn rồi sờ lên bắp đùi phơn phớt lông măng của người tình:

- Anh nói trước cho em biết em không bỏ Sàigòn được đâu. Đã sống ở Sàigòn rồi người ta không còn sống ở bất cứ nơi nào được nữa. Tất nhiên bị bắt buộc, chẳng đặng đừng, không thể sống ở Sàigòn được thì phải chịu thôi. Xa Sàigòn em sẽ thấy nhớ Sàigòn. Nhớ ra rít chứ không phải nhớ vừa. Với người Việt Nam nơi sống sung sướng nhất là Sàìgòn.

Mộng Trinh dẩu môi:

- Dễ thôi. Xa Sàigòn nhớ Sàigòn thì lại về với Saìgòn. Có gì đâu mà làm quan trọng.

Mộng Trinh trở lại vui vẻ, dễ tính. Tiến Bê kéo nàng xuống giường:

- Hự..Hự..Nữa ư? Không đi ăn gì sao?

Tiến Bê cúi xuống:

- Ăn chứ. Ăn ở nhà rồi đi ăn ngoài...

° ° °

Tối hôm đầu tiên Mộng Trinh đến Biệt Thự Mai Lan cả gia đình tụ họp quanh bàn ăn - gia đình gồm Minh Đảo, Mai Lan, Ái Xuân và Mộng Trinh. Ba người đàn bà, chỉ có một mình Minh Đảo là đàn ông. Chàng hiên ngang như con gà trống đẹp mã giữa bầy gà mái tơ đa tình. Minh lên tiếng nói về định mệnh:

- Theo tôi định mệnh không phải là cái ở ngoài con người. Tôi muốn nói định mệnh của một người là do chính người đó tạo nên. Nếu người đó có khả năng, nếu người đó khỏe mạnh hơn, thông minh hơn nhiều người, người đó có thể được hưởng tất cả những gì hắn muốn. Hắn tự tạo ra định mệnh của hắn. Nếu hắn thật mạnh, thật khôn, hắn có thể chiếm được tất cả. Không sức mạnh nào ngăn nổi hắn.

Ái Xuân nghiêm trọng nhưng vẫn hòa nhã:

- Tôi không nghĩ như Minh.

Nàng gọi Minh bằng tên, không gọi Minh bằng tiếng chú.

Mai Lan ngồi nghe nhưng vẫn tỉnh, Mộng Trinh ngời ngây ra nghe mà không hiểu thiên hạ nói chi cả. Cả hai cùng như say sưa và sung sướng uống từng lờùi của thần tượng, thán phục vô điều kiện như hai nữ tín đồ được nghe lời thuyết giáo của vị giáo chủ họ tôn thờ. Chỉ có Ái Xuân có ý kiến trong cuộc nói chuyện. Nàng chấm dứt màn độc thoại của Minh:

- Trong đời - Ái Xuân bình thản nói. Nàng tin nàng nói đúng - chỉ có may mắn hay không may mắn là đáng kể. Và cũng chỉ có may mắn hay không may mắn là quan trọng nhất. Người thành công, đa số là những người có tài, nhưng ta thấy có những kẻ ngu dốt mà vẫn thành công, người thành công là những người gập may mắn. Thiếu gì người có tài, thông minh, kiên nhẫn, cố gắng suốt đời, mà vẫn thất bại. Họ thất bại vì họ không gập may mắn.

Minh không tỏ ra bực dọc khi Ái Xuân không đồng ý với chàng. Ngược lại, chàng hào hứng khi thấy mình bị Ái Xuân chống đối. Chàng mỉm cười thích thú và để cho Ái Xuân nói.

- Đời người ta bị may rủi, hên sui chi phối nặng - Ái Xuân nói tiếp - May rủi và những sự việc ngẫu nhiên xẩy ra. Một trường họp ngẫu nhiên rất nhỏ cũng đủ làm thay đổi cả một dòng đời. Một người đàn ông có tài trí xuất chúng, người có thể làm chủ thế giới nhưng chỉ cần một sự việc không may nào đó xẩy ra người đó cũng có thể bị thất bại ê chề, nhục nhã.

Ái Xuân đánh đòn tối hậu, đây là độc thủ tàn nhẫn nhất của nàng trong cuộc nói chuyện gia đình sau bữa ăn tối nay:

- Như một cặp vợ chồng trẻ tuổi đang yêu nhau tha thiết. Với họ tình yêu là tối thượng. Và tình yêu với họ là hạnh phúc được sống bên nhau. Nhưng chỉ cần một tai nạn, sự có mặt của một người mất đi...

Người phản đối về đề tài cuộc nói chuyện tối nay là Mai Lan. Đang nói chuyện vui họ đi vào chuyện siêu hình và bắt đầu nói đến chia rẽ, đến cái chết. Mai Lan đứng sau ghế Minh, vòng tay cúi xuống ôm lấy chồng. Ái Xuân xúc động thấy em gái nàng lúc đó có cái vẻ lo âu không phải của người thường mà là của thiên thần:

- Không, em không tin.. - Mai Lan nói bằng giọng nói của những vị thánh tử đạo tuyên xưng đức tin trước khi chịu chết vì đức tin - Hạnh phúc của vợ chồng em là của riêng chúng em. Chúng em yêu nhau, không có gì chia rẽ chúng em được...


XXX


Trong khi ở thị xã Đà nẵng có bốn người nói chuyện định mệnh, chuyện ngẫu nhiên, chuyện may rủi thì cùng lúc ấy ở thị xã Đàlạt có một người đàn bà đang hục hặc với cô con gái.

Tuy chẳng có gì đáng để hục hặc cả Mụ Tá vẫn cứ hầm hầm gây sự:

- Tôi không muốn sống ở cái xó Đàlạt cà chớn này nữa. Không ai có quyền bắt tôi phải sống ở cái xứ khỉ ho, cò gáy này..

Tuy rất không muốn nói gì cả Xuân Tình cũng phải nói:

- Có ai bắt Má phải sống ở đây đâu. Đang ở Sàigòn Má đùng đùng đòi lên Đàlạt. Má nói Sàigòn nóng nực, Má cần khí hậu mát mẻ của Đàlạt. Lên đây chưa được nửa năm Má kêu Má không chịu nổi cái lạnh không ra lạnh, nóng không ra nóng. Má gọi khí hậu này là..nửa chừng xuân. Ở đâu Má cũng chán...

Nàng định nói :"...Má thì sống ở Thiên đàng Má cũng chán.." Nàng ngừng kịp. Nàng mà nói ra câu ấy thì Mụ Tá sẽ có dịp sửng cồ lên để gây sự với nàng. Chẳng hạn Mụ sẽ nói Mụ lên Niết bàn chứ Mụ không lên Thiên đàng, nói Mụ lên Thiên đàng là xúc phạm đến tôn giáo của Mụ. Nếu nàng nói Mụ lên Niết Bàn, Mụ sẽ cãi là Mụ lên Thiên Đàng chứ Mụ không lên Niết Bàn.

- Tôi dư biết cô ôm mộng thanh toán tôi, cô muốn tôi đi cho khuất mắt cô. Rõ ràng. Tôi nói tôi đi, cô đâu có thèm giữ tôi lại..

- Má ở đâu cũng thế thôi. Má không muốn ở đây con giữ Má lại làm gì?

Mụ sụt sịt:

- Tôi có phước quá. Được có mỗi một mụn con. Rứt ruột đẻ ra. Hy sinh cho con hết. Nào tôi có làm việc gì độc ác cho cam. Tôi đi lễ chùa, đi lễ nhà thờ. Phật có tôi, Chúa cũng có tôi..

Đang rền rĩ sáu câu tả oán bỗng Mụ Tá đổi giọng:

- Tôi muốn đi khỏi đây để xa những kỷ niệm đau lòng..

Tỉnh queo Mụ nói đến cái chết của Mạc Ta Hoa, Mụ cho đó là nguyên nhân làm Mụ phải đi xa Đàlạt. Xuân Tình cười thầm. Nàng muốn nói :" Má thề Má sẽ tìm ra kẻ giết Dì Mạc Ta kia mà? Chưa tìm ra tên sát nhân sao Má lại bỏ đi ?" Nàng không nói ra ý nghĩ đó vì sợ bà mẹ nàng sẽ vin vào đó để gây sự. Trong lòng nàng cũng muốn bà mẹ lắm chuyện của nàng đi khỏi Đàlạt, muốn bà quên đi vụ án mạng thảm khốc, muốn bà quên đi lời thề tìm ra hung thủ đã cắt cổ bà Mạc Ta Hoa.

Mụ Tá muốn rỏ vài giọt nước mắt khi nói đến Sê Ri Mạc Ta Hoa của Mụ. Nhưng cũng như trái tim của Mụ, đôi mắt Mụ khô queo. Mụ lại hục hặc:

- Sàigòn, Nha trang, Huế..Đi đâu cũng được, miễn là đi khỏi cái xứ Đàlạt phải gió này. Kontum, Pleiku, Năm Căn, Cà mâu.., nơi khỉ ho, cò gáy nào đi được tôi cũng đi...

Xuân Tình muốn cho bà mẹ nàng đi càng xa càng tốt, xa như sang tận bên Tầu, bên Tây Tạng chẳng hạn, nhưng ngoài mặt nàng vẫn lửng lơ con cá vàng, làm như nàng không quan tâm một ly ông cụ nào đến chuyện bà mẹ nàng đi hay ở.

Mùụ Tá muốn kéo Xuân Tình vào cuộc tìm nơi đến để Mụ có dịp cãi nhau với nàng:

- Cô bảo tôi nên về Sàigòn hay ra Huế ?

- Sàigòn hay Huế cũng vậy..

- Cũng vậy là thế nào? Khác nhau nhiều chứ. Sàigòn là Sàigòn, Huế là Huế..

Mụ Tá đã định trước: nếu Xuân Tình nói Mụ nên về Sàigòn, Mụ sẽ ra Huế, hoặc ngược lại. Nhưng Xuân Tình trả lời lừng khừng nên Mụ không gây sự được.

- Mẹ kiếp..! Nên đi đâu, về đâu ?? Chời mưa bin giới eng đi dzìa đâu ? Sao còn lóng ngóng nơi giang đầu ? Bây giờ eng ở đâu? Bếân Hải hay Cà mâu ?? Phải nhờ cái trò lẩm cẩm này quyết định dùm mí được.

Mụ đang ngồi phì phị trong cái ghế bành da lớn như cái ghế thợ cạo, trước mặt Mụ là chai uýtky Gion-ni Đi Bộ đã vơi quá nửa và cái ly mười lăm ngày không rửa vì lúc nào trong ly cũng có rượu. Mụ mở sắc tay lấy ra đồng bạc cắc:

- Ông Ngô đình Diệm là Sàigòn...Bụi trúc là Huế...

Thời Mạc Ta còn sống Mụ và Mạc Ta thường chơi cái trò tung tiền sấp ngửa để quyết định hơn thua. Mụ quên rằng nếu Mụ thực sự thương nhớ Mạc Ta thì trò tung tiền tối nay phải làm cho Mụ khóc tru lên, Mụ phom phom tung đồng bạc cắc lên cho nó rơi xuống mặt bàn.

Đồng cắc nhẩy tưng tưng bên cạnh chai rượu rồi bon ra mép bàn. Mụ Tá vội tung bàn tay có những ngón tay chuối mắn bị kìm kẹp trong mấy cái nhẫn ra chặn đồng tiền lại. Nhưng quá chậm, đồng cắc nhẩy bờ-lông-dzông xuống sàn phòng.

Mụ Tá muốn tìm lại đồng bạc cắc nhưng vì bụng quá bự, đít nặng hơn đầu nên Mụ không thể cúi xuống được, Mụ bò lổm ngổm trên sàn. Cảnh bà mẹ chổng mông trông thô bỉ quá làm cho Xuân Tình phải quay mặt nhìn đi chỗ khác.

Tìm mãi không thấy, mấy tiếng chửi thề ròn tan vang lên, rồi tiếng thở phì phò. Không thể làm ngơ lâu hơn, Xuân Tình nói:

- Thì Má lấy đồng cắc khác. Lúc khác tìm...

- Không được. Đồng cắc này của tôi có làm phép. Linh lắm. Chuyên dùng vào việc này. Không có nó không được...

Xuân Tình đành cúi xuống tìm dùm cho mẹ. Đồng bạc cắc như giận hờn vì bị Mụ Tá quăng quật quá nhiều lần nên chui tít vào tận gậm giường. Nhưng sau cùng Tình cũng tóm được nó. Mụ Tá hỏi:

- Mặt nào ?

Tình đưa đồng cắc lên coi:

- Mặt ông Ngô đình Diệm.

Tình nói thật nhưng đa nghi hơn cả Tào Tháo, Mụ Tá cho là nàng nói dối, Mụ hầm hầm:

- Đíu chơi...Đưa đây làm lại...

Nặng nề và vất vả Mụ trở lại ghế ngồi. Cuộc chổng mông vừa qua làm cho Mụ mệt bở hơi tai và hả hết hơi rượu, Mụ phải tợp môt ngụm lấy lại sức trước khi làm cuộc tung đồng bạc cắc lần thứ hai.

Cầm đồng bạc cắc trong tay Mụ lầm bầm:

- Bỏ Huế đi. Huế chán thấy mẹ. Không đi Huế thì đi đâu? Đànẵng ?? Hay là mình đến Đànẵng? Phải đấy. Đànẵng được lắm. Sao mình lại không đến Đànẵng nhẩy ?

Dơ đồng cắc lên Mụ trịnh trọng:

- Ngô đình Diệm Sàigòn...Bụi trúc Đànẵng.. Úm ba la...Oong..Đưa..Toa...

Lần này Mụ tung cẩn thận nên đồng cắc rơi xuống nằm ngoan trên mặt bàn. Cúi xuống nhìn Mụ Tá la lên:

- Bụi trúc...Đànẵng..Mình sẽ đi Đànẵng...

Mụ Tá hoàn toàn không biết gì về Minh Đảo, tất nhiên Mụ không biết kẻ giết Mạc Ta yêu quý của Mụ đã lấy được vợ giầu và đang cùng cô vợ giầu trẻ đẹp sống hạnh phúc ở thị xã Đànãng. Một sự ngẫu nhiên đã dun dủi cho Mụ cũng xách va-ly tới Đànẵng.

Sự ngẫu nhiên này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của những người xa lạ với Mụ Tá như Minh Đảo, Mai Lan. Mộng Trinh và Ái Xuân ?? Ái Xuân có ở trọ nhà Mụ mấy ngày nhưng Mụ không một lần nhìn thấy mặt nàng. Chuyện đó hồi sau phân giải. Ta chỉ biết trong lúc ở Đànẵng Minh Đảo đang ngồi trước mặt Ái Xuân, Mai Lan đứng sau ghế chàng, vòng tay ôm chàng thì ở Đàlạt một người đàn bà họ không quen biết tung đồng bạc cắc lên và sự tình cờ ngẫu nhiên làm cho người đàn bà ấy rời Đàlạt để đến Đànẵng.