Dan Lee
05-18-2007, 08:48 PM
MẢNH VƯỜN BÉ NHỎ
Tháng Năm là tháng dâng hoa. Các cộng đoàn công giáo Việt Nam có thói quen thực hiện lễ nghi dâng hoa kính Đức Mẹ. Lễ nghi bình dân này gây nên bầu khí đạo đức tươi vui. Đoàn con xung quanh Mẹ. Mẹ âu yếm phủ tình mẹ trên đoàn con.
Nhìn cảnh đầm ấm này, tôi nghĩ về tôi. Tôi không có hoa. Tôi không là hoa. Nhưng tôi muốn dâng Mẹ cái gì thành thực nhất của tôi.
Một thoáng tìm tòi, tôi tự thấy mình là một mảnh vườn bé nhỏ. Có thể là vườn sắp có hoa. Có thể là vườn đợi có trái. Cũng có thể là vườn chỉ rau với cỏ.
Nhưng để là vườn có hoa, có trái, có rau, hầu dâng kính Mẹ và phục vụ cộng đoàn, tôi phải chăm sóc mảnh vườn là bản thân mình.
Chăm sóc thế nào, đó là chuyện thiết tưởng ai cũng biết. Nhưng tôi xin phép chia sẻ đôi chút. Biết đâu chia sẻ cũng là một cách cùng nhau quây quần bên Mẹ.
Chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cũng giống như chăm sóc mảnh vườn trồng cây.
1/ Phải dọn đất và chọn giống
Về việc dọn đất, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã có lần đề cập tới. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu phân ra mấy loại đất sau đây: Đất vệ đường, đất pha đá sỏi, đất bụi gai, đất tốt (x. Mt 13,4-9).
Kinh nghiệm cho thấy: Tâm hồn người ta xét về khả năng đón nhận cũng có thể phân loại như thế. Nhưng chẳng may, người ta ít quan tâm đến điều đó. Chúng ta đoán thế này thế nọ về tâm hồn người khác. Nhưng chính chúng ta lại không để ý về tâm hồn mình. Hoặc có để ý, nhưng lại nhận xét sai. Tâm hồn rất gai góc, sỏi đá, mà vẫn cứ tự hào là đất tốt.
Muốn tâm hồn mình là mảnh vườn tốt, chúng ta phải khiêm tốn nhận mình chưa tốt. Với khiêm tốn cầu nguyện, khiêm tốn hồi tâm, khiêm tốn để Chúa đào xới cho sâu, chúng ta mới có khả năng đón nhận các hạt giống gieo vào.
Hạt giống cũng cần được chọn lựa. Chỉ nhận những hạt giống chắc chắn là tốt mà thôi.
Sở dĩ tôi nói như vậy, là vì hiện nay có quá nhiều hạt giống gieo vào lòng người, mà không phân biệt tốt xấu. Ngay về nhân bản cũng đáng bi quan. Những hạt giống tốt như lễ độ, trách nhiệm, lương tâm, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, xem ra dần dần trở nên hiếm. Đang khi đó, những hạt giống xấu như vô lễ, bất hiếu, gian dối, ích kỷ, ghen tương thù ghét sao mà nhiều thế! Sao chúng được gieo vào tâm hồn người ta dễ dàng và được đón nhận dễ dàng đến thế!
Việc dọn đất và chọn giống tốt là điều phải thực hiện đầu tiên cho mảnh vườn tâm hồn. Tiếp theo là việc chăm sóc.
2/ Phải để ý chăm sóc và kiên trì
Bầu khí thiên nhiên ô nhiễm hại cho vườn rau hoa trái thế nào, thì bầu khí tâm lý ô nhiễm cũng hại cho mảnh vườn tâm hồn như vậy.
Bầu khí tâm lý là những gì mắt ưa nhìn, tai thích nghe, miệng hay nói. Nếu những thứ đó tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí tâm lý tốt. Nếu những thứ đó không tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí tâm lý xấu. Bầu khí tâm lý tốt hay không tốt sẽ ảnh hưởng đến những hạt giống mọc lên trong mảnh vườn tâm hồn.
Nhiều thứ cỏ xấu cũng sẽ mọc lên trong trí vẽ, trí nhớ, trí khôn, lòng muốn.
Nếu chúng ta quen hướng ngoại, thì sẽ rất ngại hướng nội, để xem xét bầu khí tâm lý và nhổ cỏ dại trong mảnh vườn tâm hồn mình. Việc tưới mát cho cây cũng chẳng còn để ý.
Trong tình trạng như thế, mảnh vườn tâm hồn sẽ xuống cấp về mọi mặt. Sau cùng, vườn hoa mà không có hoa, vườn trái mà không có trái, vườn rau mà không có rau.
Một số người chúng ta biết trước điều đó, nên muốn mảnh vườn tâm hồn mình phải phát triển theo ý mình, không đợi thời gian. Đó là chủ thuyết duy ý chí. Chủ thuyết này không thể áp dụng trong lãnh vực trồng trọt, dù là trồng trọt hoa trái, rau cỏ, dù là trồng trọt các nhân đức.
Sau cùng, người chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cần tỉnh thức khôn ngoan.
3/ Phải tỉnh thức khôn ngoan
Người làm vườn trồng hoa trái rau thường biết khôn ngoan và tỉnh thức.
Họ biết là ánh sáng dù pha bóng tối cũng cần cho vườn. Họ cũng biết đối phó với gió bão để bảo vệ vườn. Họ cũng biết không phải cỏ nào cũng hại cho vườn.
Sự tỉnh thức và khôn ngoan của người làm vườn trồng hoa trái rau cũng là những bài học cho những ai làm vườn tâm hồn.
Cả hai loại người cũng phải trải qua những thử thách, có khi cả những thất bại. Nhưng chính nhờ vậy mà vườn của họ lại là những bài học, và chính họ là những người được dạy dỗ.
Với những suy nghĩ như trên, loại người tuổi tác như tôi thấy mình được an ủi, khi dâng cho Mẹ mảnh vườn tâm hồn mình.
Tâm hồn tôi chỉ là một mảnh vườn rất bé nhỏ. Chính Chúa đã gieo trồng trước. Rồi đến lượt cha mẹ và các bậc thầy. Sau cùng Chúa trao trách nhiệm cho tôi.
Cuối đời, tôi thấy mình chẳng có công gì. Lại còn nhiều thiếu sót. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là suốt đời chỉ cố gắng tìm hiểu ý Chúa và thực thi ý Chúa. Mẹ đã bên cạnh tôi.
Xin Mẹ thương làm cho vườn này được mãi mãi thuộc về Chúa.
Xin Mẹ cho nó luôn trong nguồn tưới mát của tình yêu thương xót Chúa.
Xin Mẹ cho nó nên giống mảnh vườn cây Dầu xưa, nơi dâng lên lời cầu phó thác: "Cha ơi! Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mọi đàng" (Mc 14,36).
Xin Mẹ giúp con tạ ơn Chúa đến muôn đời.
+ GM JB Bùi Tuần
Tháng Năm là tháng dâng hoa. Các cộng đoàn công giáo Việt Nam có thói quen thực hiện lễ nghi dâng hoa kính Đức Mẹ. Lễ nghi bình dân này gây nên bầu khí đạo đức tươi vui. Đoàn con xung quanh Mẹ. Mẹ âu yếm phủ tình mẹ trên đoàn con.
Nhìn cảnh đầm ấm này, tôi nghĩ về tôi. Tôi không có hoa. Tôi không là hoa. Nhưng tôi muốn dâng Mẹ cái gì thành thực nhất của tôi.
Một thoáng tìm tòi, tôi tự thấy mình là một mảnh vườn bé nhỏ. Có thể là vườn sắp có hoa. Có thể là vườn đợi có trái. Cũng có thể là vườn chỉ rau với cỏ.
Nhưng để là vườn có hoa, có trái, có rau, hầu dâng kính Mẹ và phục vụ cộng đoàn, tôi phải chăm sóc mảnh vườn là bản thân mình.
Chăm sóc thế nào, đó là chuyện thiết tưởng ai cũng biết. Nhưng tôi xin phép chia sẻ đôi chút. Biết đâu chia sẻ cũng là một cách cùng nhau quây quần bên Mẹ.
Chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cũng giống như chăm sóc mảnh vườn trồng cây.
1/ Phải dọn đất và chọn giống
Về việc dọn đất, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã có lần đề cập tới. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu phân ra mấy loại đất sau đây: Đất vệ đường, đất pha đá sỏi, đất bụi gai, đất tốt (x. Mt 13,4-9).
Kinh nghiệm cho thấy: Tâm hồn người ta xét về khả năng đón nhận cũng có thể phân loại như thế. Nhưng chẳng may, người ta ít quan tâm đến điều đó. Chúng ta đoán thế này thế nọ về tâm hồn người khác. Nhưng chính chúng ta lại không để ý về tâm hồn mình. Hoặc có để ý, nhưng lại nhận xét sai. Tâm hồn rất gai góc, sỏi đá, mà vẫn cứ tự hào là đất tốt.
Muốn tâm hồn mình là mảnh vườn tốt, chúng ta phải khiêm tốn nhận mình chưa tốt. Với khiêm tốn cầu nguyện, khiêm tốn hồi tâm, khiêm tốn để Chúa đào xới cho sâu, chúng ta mới có khả năng đón nhận các hạt giống gieo vào.
Hạt giống cũng cần được chọn lựa. Chỉ nhận những hạt giống chắc chắn là tốt mà thôi.
Sở dĩ tôi nói như vậy, là vì hiện nay có quá nhiều hạt giống gieo vào lòng người, mà không phân biệt tốt xấu. Ngay về nhân bản cũng đáng bi quan. Những hạt giống tốt như lễ độ, trách nhiệm, lương tâm, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, xem ra dần dần trở nên hiếm. Đang khi đó, những hạt giống xấu như vô lễ, bất hiếu, gian dối, ích kỷ, ghen tương thù ghét sao mà nhiều thế! Sao chúng được gieo vào tâm hồn người ta dễ dàng và được đón nhận dễ dàng đến thế!
Việc dọn đất và chọn giống tốt là điều phải thực hiện đầu tiên cho mảnh vườn tâm hồn. Tiếp theo là việc chăm sóc.
2/ Phải để ý chăm sóc và kiên trì
Bầu khí thiên nhiên ô nhiễm hại cho vườn rau hoa trái thế nào, thì bầu khí tâm lý ô nhiễm cũng hại cho mảnh vườn tâm hồn như vậy.
Bầu khí tâm lý là những gì mắt ưa nhìn, tai thích nghe, miệng hay nói. Nếu những thứ đó tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí tâm lý tốt. Nếu những thứ đó không tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí tâm lý xấu. Bầu khí tâm lý tốt hay không tốt sẽ ảnh hưởng đến những hạt giống mọc lên trong mảnh vườn tâm hồn.
Nhiều thứ cỏ xấu cũng sẽ mọc lên trong trí vẽ, trí nhớ, trí khôn, lòng muốn.
Nếu chúng ta quen hướng ngoại, thì sẽ rất ngại hướng nội, để xem xét bầu khí tâm lý và nhổ cỏ dại trong mảnh vườn tâm hồn mình. Việc tưới mát cho cây cũng chẳng còn để ý.
Trong tình trạng như thế, mảnh vườn tâm hồn sẽ xuống cấp về mọi mặt. Sau cùng, vườn hoa mà không có hoa, vườn trái mà không có trái, vườn rau mà không có rau.
Một số người chúng ta biết trước điều đó, nên muốn mảnh vườn tâm hồn mình phải phát triển theo ý mình, không đợi thời gian. Đó là chủ thuyết duy ý chí. Chủ thuyết này không thể áp dụng trong lãnh vực trồng trọt, dù là trồng trọt hoa trái, rau cỏ, dù là trồng trọt các nhân đức.
Sau cùng, người chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cần tỉnh thức khôn ngoan.
3/ Phải tỉnh thức khôn ngoan
Người làm vườn trồng hoa trái rau thường biết khôn ngoan và tỉnh thức.
Họ biết là ánh sáng dù pha bóng tối cũng cần cho vườn. Họ cũng biết đối phó với gió bão để bảo vệ vườn. Họ cũng biết không phải cỏ nào cũng hại cho vườn.
Sự tỉnh thức và khôn ngoan của người làm vườn trồng hoa trái rau cũng là những bài học cho những ai làm vườn tâm hồn.
Cả hai loại người cũng phải trải qua những thử thách, có khi cả những thất bại. Nhưng chính nhờ vậy mà vườn của họ lại là những bài học, và chính họ là những người được dạy dỗ.
Với những suy nghĩ như trên, loại người tuổi tác như tôi thấy mình được an ủi, khi dâng cho Mẹ mảnh vườn tâm hồn mình.
Tâm hồn tôi chỉ là một mảnh vườn rất bé nhỏ. Chính Chúa đã gieo trồng trước. Rồi đến lượt cha mẹ và các bậc thầy. Sau cùng Chúa trao trách nhiệm cho tôi.
Cuối đời, tôi thấy mình chẳng có công gì. Lại còn nhiều thiếu sót. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là suốt đời chỉ cố gắng tìm hiểu ý Chúa và thực thi ý Chúa. Mẹ đã bên cạnh tôi.
Xin Mẹ thương làm cho vườn này được mãi mãi thuộc về Chúa.
Xin Mẹ cho nó luôn trong nguồn tưới mát của tình yêu thương xót Chúa.
Xin Mẹ cho nó nên giống mảnh vườn cây Dầu xưa, nơi dâng lên lời cầu phó thác: "Cha ơi! Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mọi đàng" (Mc 14,36).
Xin Mẹ giúp con tạ ơn Chúa đến muôn đời.
+ GM JB Bùi Tuần