PDA

View Full Version : Trí Huệ Của Một Bà Già Ăn Mày



Nhím Hoàng Kim
05-20-2007, 09:04 AM
Trí Huệ Của Một Bà Già Ăn Mày


Đa số người ta , kẽ biết thường thì không nói và người nói thường là không biết . Lẽ dĩ nhiên trường hợp của những vị minh sư như Đức Phật và Chúa Giê Su đi giảng Pháp lại là khác . Đó là chuyện họ phải làm như vậy , chứ họ không hề thích nói nhiều . Sứ mệnh của họ là như vậy , mặc dù họ đau khổ , họ cũng vẫn phải làm dù là họ không thích làm . Nhưng nói như vậy không có nghĩa là lúc nào họ cũng tìm cơ hội để tranh luận . Điểm khác nhau là như vậy . Gặp trường hợp như vậy họ cảm thấy rất chán và muốn tránh đi nơi khác . Họ bị bắt buộc phải làm việc đó để giảng dạy cho đệ tử và những người đã tìm đến họ . Nhưng họ không ra ngoài tranh cãi với người khác để phô trương sự hiểu biết của mình .

Còn trong trường hợp này , Tiloba (là một vị đại sư tổ của sư phụ của Milarepa) là một người hay đi khắp nơi trên Ấn Độ để khoe khoang kiến thức sách vở của mình . Đi đến đâu ông cũng thắng ; không ai có thể thắng nổi ông bởi vì sự hiểu biết của ông thật là mênh mông . Ở nhiều quốc gia khác cũng có người như vậy , không phải chỉ có một mình Tiloba mà thôi .

Một hôm , ông ta đang ở nhà đọc một cuốn sách rất nổi tiếng , rất có giá trị thời bấy giờ thì có một bà già ăn mày đến . Bà già ăn mày trông rất dơ bẩn và gầy ốm , thiếu ăn , đi ngang qua chỗ ông và nói với ông như vầy : "Ông đọc một cách say mê như vậy , nhưng thật ra ông có hiểu được chút nào không ?" (Mọi người cười)

Ồ ? Tiloba cảm thấy ngạc nhiên quá . Một người vừa già , vừa xấu như vậy mà dám nói như thế trước mặt một nhà học giả như ta sao ? Ông hơi giật mình , không biết phải phản ứng như thế nào . Rồi bà già ăn mày đó nhổ nước miếng vào cuốn sách của ông ta rồi bỏ đi .

Ông thấy bà dám nhổ vào cuốn sách thánh này thì rất là giận , cho nên ông ta đuổi theo . Khi ông vừa đuổi kịp thì bà ta lẩm bẩm điều gì đó trong miệng rồi bỗng nhiên ông cảm thấy nguôi đi , không còn giận nữa . Rồi ông ngừng lại , quay trở về nhà và bắt đầu suy nghĩ . Có lẽ ông cảm thấy bà nói không hợp với những thứ ông học được từ sách vở . Cho nên ông suy nghĩ , suy nghĩ rất nhiều . Và ông cũng nghĩ nhiều về chuyện một bà già ăn mày sao lại dám nhổ nước miếng vào cuốn sách thiêng liêng mà cả nước Ấn Độ tôn kính từ hàng ngàn năm nay .

Người ta còn quỳ lạy trước cuốn sách . Ngày nay tại một số quốc gia họ vẫn còn làm như vậy , kể cản Ấn Độ . Tôi biết , tôi đã nhìn thấy . Họ lạy cuốn sách , cúng dường tiền bạc , bông hoa cho cuốn sách , và tin rằng lạy quyển sách đó là có thể lãnh hội được tất cả sự hiểu biết và trí huệ trong đời . Nhưng sách là sách , quý vị là quý vị , quý vị làm sao có thể chỉ dạy cuốn sách mà thu hoạch gì được ! Nhưng cũng có nhiều người tin như vậy .

Rồi Tiloba suy nghĩ rất là lâu . Ông cũng ngạc nhiên là làm sao một bà già yếu đuối như vậy , mà chỉ cần lẩm bẩm một hai câu là sự giận dữ của ông liền bị dập tắt như lửa gặp nước vậy . Cho nên sau một thời gian suy nghĩ , ông bỏ việc làm và không tranh luận gì với ai nữa . Ông đi khắp mọi nơi để kiếm bà già ăn mày đó hầu tìm cho ra được điều bí ẩn mà ông mà ông không hiểu .

Một ngày kia , ông tìm thấy bà già trong rừng chỉ có một mình . Ông cố gắng tranh luận với bà , tận dụng tất cả khả năng hùng biện và kiến thức của mình để cố gắng cải cho thắng . Nhưng dù cố gắng cách mấy , bà ta vẫn thắng . Bà già ăn xin , xấu xí , nghèo nàn , thiếu ăn lúc nào cũng thắng (Sư Phụ cười). Cuối cùng bà nói với ông rằng : "Những cái mà tôi biết , trí huệ mà tôi có không nằm trong sách vở . Ông không thể nào tìm ra được , cho nên không bao giờ ông cãi thắng tôi".

Cuối cùng ông quỳ xuống lạy bà già , nhận bà làm sư phụ và xin được chỉ dạy . Bà ta bằng lòng . Ý bà nói với ông ta là những điều ông muốn biết không có trong sách vở và cũng không có trên thế giới này . Quý vị phải đi kiếm thánh nhân mà học .

Con đường đó là thọ tâm ấn . Chúng ta từ bên trong đi lên thì sẽ tìm thấy những vị thánh nhân này , ý nói là như vậy , rồi chúng ta học hỏi với họ .

Những gì tôi dạy quý vị , hay bất kỳ vị minh sư nào dạy quý vị , cũng chỉ là lời nói , cũng chỉ ở mức độ vật chất mà thôi . Nếu muốn học hỏi những gì tốt đẹp hơn , quý vị phải đí vào bên trong , đến những cảnh giới cao hơn và học với vị thầy bên trong , vị minh sư vô sở bất tại , chứ không phải với vị thầy có nhục thể . Người thầy nhục thể chỉ như là nấc thang đem quý vị lên những cảnh giới cao hơn . Tại đó quý vị sẽ học với những vị thầy cao hơn , có thể cũng cùng một vị thầy đó , hay với một vị thầy khác , nhưng ở một cảnh giới cao hơn , siêu việt hơn .

Sau đó Tiloba xả bỏ hết tất cả và hết sức cố gắng để đi vào cảnh giới thiên đàng , gặp thánh nhân và học hỏi với họ . Con đường đến đến với các thánh nhân này đầy cạm bẫy và khó khăn , nhưng ông vẫn vượt qua được .

Đó là câu chuyện của Tiloba . Dù là một nhà đại trí thức vĩ đại nhất cũng phải quỳ lạy trước một bà già ăn mày xấu xí , đói khát , để xin được học hỏi về trí huệ . Cho nên khi chúng ta tới lạy bất cứ người nào có trí huệ , người nào có thể thật sự chỉ dạy cho chúng ta con đường đến sự giải thoát , điều đó không có gì là quá khiêm tốn cả .

Đa số những minh sư ngày xưa rất nghèo . Chúa Giê Su là thợ mộc , không bao giờ giàu có . Đức Phật có rất nhiều tài sản nhưng Ngài bỏ lại hết sau lưng (Sư Phụ cười). Cho nên Ngài cũng không có gì cả . Ngài đi khất thực khắp cùng Ấn Độ thành ra Ngài cũng trở thành một người ăn mày . Đa số minh sư không có sở hữu gì cả nhưng nếu họ muốn có cũng không sao .

Một trong những vị thầy đạo Sikh , vị minh sư đạo Sikh thứ mười rất là nổi tiếng . Ngài giữ lại tài sản của Ngài . Ngài trong có vẻ rất sang trọng và đeo nhiều trang sức như là một vị hoàng tử vậy . Ngài chẳng ngại gì về chuyện này cả . Nhưng những minh sư khác trong đạo Sikh đều đi khắp nơi trong nước để khất thực . Cho nên không cần phải chỉ trích là minh sư như thế này , nên như thế nọ . Không hề gì đâu .

Quý vị có thấy Quán Thế Âm Bồ Tát không ? Ngài có rất nhiều trang sức , tóc của Ngài dài và đẹp , Ngài mặc quần áo rất đẹp . Ở thiên đàng , các thiên nhân rất là đẹp . Đồ trang sức của họ rất tự nhiên , tùy theo công đức mà kết lên thân của họ . Cho nên , không cần phải nói rằng minh sư luôn luôn phải nghèo , không nhất thiết phải như vậy . Đa số minh sư vì liễu ngộ bên trong cho nên họ thường chọn cuộc sống giản dị nhưng minh sư lúc nào cũng theo hoàn cảnh mà sống . Không phải lúc nào cũng nhất thiết phải như thế đó ; vì nếu một minh sư hãy còn chấp vào sự nghèo khó , đời sống đơn giản , hay quần áo giản dị không thôi , đó cũng kể như là một thứ câu nệ . Nếu cứ câu nệ vào một cực đoan này hay cực đoan kia cũng không tốt . Minh sư phải buông bỏ ở bên trong , còn ở bên ngoài thì sao cũng được . Phải tùy vào hoàn cảnh và xuất thân hay bất cứ những gì càn làm để đem lại lợi ích cho chúng sinh .