PDA

View Full Version : Còn Chút Gì Để Nhớ - Nguyễn Nhật Ánh



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 [25] 26 27 28 29 30 31

nguoibanthan_ph
05-21-2007, 03:20 PM
Chương 25


Sáng hôm sau, tôi đạp xe vào trường.
Từ ngày giải phóng đến nay, đây là lần đầu tiên tôi trở lại trường nên lòng cứ hồi hộp đoán non đoán già đủ thứ.

Tôi gặp Kim Dung ngay tại cổng trường. Tôi mừng rỡ và xúc động nắm lấy tay nó :

- Tôi tưởng Kim Dung đi rồi chứ ?

- Đi đâu ?

- Vù ấy mà !

Nó cười :

- Chỉ có ông bà tôi vù thôi ! Tôi vù luôn thì bỏ ông lại cho ai !

Tôi tò mò :

- Lúc Kim Dung đòi ở lại, hai người có nói gì không ?

Nó nhún vai :

- Tôi đâu có đòi ! Tôi ở lại là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi ! Đúng lúc ra phi trường thì tôi lại đi lông bông ở đẩu ở đâu. Khi tôi về nhà mới hay ông bà già đợi không được, đã đi rồi.

Nói xong, nó liếc tôi :

- Còn ông làm gì mà mất tăm mất tích vậy ?

- Tôi về quê.

Trong khi tôi đang kể cho Kim Dung nghe về tình hình gia đình tôi thì thằng Bảo dẫn xác tới. Thấy tôi, nó cười toe :

- Tao tưởng mày sợ quá mày trốn rồi chứ !

- Sợ cái gì ?

- Sợ lao động.

Tôi ngơ ngác :

- Lao động gì ?

Nó nheo mắt, cười cười :

- Lao động gì thì lát nữa mày sẽ biết !

Đúng như nó nói, lát sau thì tôi biết liền. Chúng tôi vô lớp ngồi học hò học hát một hồi rồi đổ xô ra ngoài đi làm vệ sinh. Sinh viên các lớp chia nhau từng tốp dẫy cỏ, quét sân, đốt rác, khiêng bàn khiêng ghế chạy tới chạy lui nhộn nhịp.

Tôi vừa dẫy cỏ vừa hỏi thằng Bảo :

- Hổm rày, trường mình đã học hành gì chưa ?

- Chưa. Phải lao động đã ! Lao động là vinh quang mà !

Thực tế là suốt một thời gian dài sao đó, chúng tôi chưa đi vào học tập chuyên môn mà chủ yếu sinh hoạt chính trị, tham gia các công tác xã hội và đi lao động ở các nông trường.

Tôi ngạc nhiên khi thấy Kim Dung tham gia lao động rất vui vẻ và tích cực. Trước đây, tôi cứ tưởng con nhà giàu như nó chẳng bao giờ cầm nổi cây cuốc. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Tuy vậy, do cách ăn mặc của mình, Kim Dung vẫn bị các cán bộ của trường và của lớp liệt vào phần tử tiêu cực.

Trong các buổi sinh hoạt, đứa nào phê phán nó là nó cự lại liền :

- Bộ làm cách mạng là không cho người ta ăn mặc theo ý mình hả ?

- Nhưng cái áo gì mà dài quá...

- Áo tôi dài kệ tôi, mắc mớ gì mấy người !

Vì vậy mà tụi kia không ưa Kim Dung. Tôi với thằng Bảo chơi thân với Kim Dung cũng bị ghét lây.

Nhưng chuyện ở trường không làm tôi buồn bằng chuyện ở nhà. Quỳnh càng ngày càng có vẻ xa lánh tôi, hoặc ít ra tôi cũng có cảm giác như vậy. Trước đây hai đứa tôi thân mật, gắn bó với nhau bao nhiêu thì bây giờ lại xa xôi, hờ hững bấy nhiêu.

Mỗi lần tôi rủ Quỳnh đi chơi như trước đây, bao giờ Quỳnh cũng thoái thác với nhiều lý do. Sau vài lần bị từ chối như vậy, tôi đâm ra xấu hổ và ngại ngần. Và những lần sau đó tôi nhận ra mình bắt đầu rụt rè, lúng túng mỗi khi giáp mặt Quỳnh. Điều đó khiến tôi vô cùng đau khổ.

Đã bao nhiêu đêm tôi trằn trọc nằm phân tích, tìm hiểu nguyên nhân của sự thay đổi đột ngột kia nhưng không tài nào giải thích nổi. Tôi lờ mờ hiểu rằng có một điều gì đó xảy ra trong những ngày tôi về quê bởi vì ngay hôm tôi trở vaò Sài Gòn, thái độ của Quỳnh đã thấy khang khác.

Nhưng điều đó là điều gì thì tôi chưa khám phá ra. Tôi đã đặt ra nhiều giả thiết nhưng xem ra không có giả thiết nào hợp lý. Chẳng lẽ Quỳnh lại nghi ngờ một điều gì đó trong quan hệ giữa tôi và Kim Dung ? Hay là có một anh chàng nào xuất hiện trong những ngày vắng mặt ngắn ngủi của tôi ? Tôi lạc lối giữa một rừng câu hỏi và không biết làm sao mò mẫm được lối ra.

Tôi định gặp Quỳnh hỏi cho ra lẽ mặc dù tôi cảm thấy đó không phải là hành động khéo léo nhất.

Lúc này, Trâm đi công tác ở phường đoàn. Trong khi chờ thi vào đại học, Quỳnh cũng hay theo chị đi công tác, rất ít khi có mặt ở nhà.

Những lúc về nhà, Quỳnh chẳng con` chạy qua chơi bên tôi như trước kia. Thậm chí những khi tôi sang bên Quỳnh, cô bé cứ ngồi lì trên gác, dường như muốn tránh mặt tôi.

Một hôm, tôi đứng vơ vẩn ngoài đầu hẻm bỗng thấy Quỳnh đi đâu về. Sự gặp gỡ bất ngờ khiến tôi tái người đi như bị điện giật.

Nhưng tôi chưa kịp bắt chuyện thì Quỳnh mỉm cười chào tôi rồi rảo bước đi thẳng.

Tôi điếng người, vội vã đuổi theo :

- Quỳnh !

Cô bé dừng lại và nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên :

- Có chuyện gì vậy, anh Chương ?

Trong một thoáng, tôi cảm thấy hụt hẫng như đang rơi xuống một hố thẳm sâu hút với tốc độ chóng mặt, không sao cưỡng được. Anh đã từng yêu đôi mắt của em biết bao, cái đôi mắt hồn nhiên và ngây thơ kỳ lạ đó đã đánh thức trong anh những kỷ niệm long lanh và rực rỡ của tuổi thơ, đã lay động nơi anh những xúc cảm dịu dàng và bí mật, sao bây giờ lại có thể che giấu trong đó vẻ ngạc nhiên giả vờ và lãnh đạm ! Cả đôi môi của Quỳnh nữa, bây giờ phát ra những nụ cười không thật, và đôi môi ấy lại vừa hỏi tôi bằng một giọng điệu thờ ơ, xa lạ chẳng khác gì hỏi kẻ qua đường.

Tôi nói và cảm thấy cổ mình nghẹn lại :

- Anh... anh không hiểu...

Thấy tôi ấp a ấp úng, Quỳnh dậm chân tỏ vẻ sốt ruột :

- Anh nói gì thì nói lẹ lên, em còn phải đi công chuyện.

Câu nói của Quỳnh chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào ngực tôi. Tôi cố kìm cơn giận dữ cay đắng đang chực bùng lên và nói bằng giọng nhẹ nhàng :

- Em đang vội thì thôi ! Để hôm khác !

Thực ra cho đến lúc này, tôi không tin vào cái hôm khác đó lắm. Sau lần gặp Quỳnh ngoài đầu hẻm, vừa tự ái vừa chán nản tôi đã muốn buông xuôi. Nhưng rồi nỗi day dứt của tình yêu thôi thúc tôi phải gặp Quỳnh, phải nói cho cô bé biết nỗi khổ tâm của tôi và tìm hiểu lý do nào đã khiến Quỳnh đối xử với tôi như vậy.

Lần này, suốt một tuần tôi "phục kích" đối phương trên gác.

Đến một hôm, quan sát qua lỗ thủng của bức vách, tôi thấy Quỳnh đang ngồi đọc sách trên bàn. Tôi liền chạy qua. Nhưng tấm cửa lưới đã khoá bên trong. Tôi gọi cửa.

Mẹ Quỳnh bước ra :

- Đi đâu đây cháu ?

Trước nay, tôi qua chơi bên Quỳnh là chuyện tự nhiên, chẳng bao giờ mẹ Quỳnh lại hỏi tôi một câu khách khí như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn lễ phép đáp :

- Cháu đi tìm Quỳnh !

Mẹ Quỳnh mở cửa :

- Cháu vô chơi ! Nhưng Quỳnh không có nhà ! Nó đi đâu từ trưa tới giờ !

Không có Quỳnh thì tôi vô chơi với ai ? Nhưng rõ ràng Quỳnh mới ngồi đây kia mà ! Tôi bước vô nhà và đảo mắt nhìn quanh. Quả nhiên, Quỳnh "đi vắng". Tài thật !

Tôi đoán cô bé chắc lại trốn trên gác. Nhưng chẳng lẽ tôi lại nói toẹt ra điều đó ? Tôi đành tảng lờ ngồi nói chuyện với mẹ Quỳnh vài câu gượng gaọ rồi lủi thủi ra về.

Qua sự kiện đó, tôi chua xót nhận ra rằng ngay mẹ Quỳnh cũng đồng tình với thái độ lạnh nhạt mà Quỳnh dành cho tôi, thậm chí đồng tình một cách quá sốt sắng.

Tôi vốn là người hời hợt, vô tâm nhưng từ hôm đó tôi bắt đầu để ý đến cách đối xử của gia đình bác Tám đối với tôi. Chẳng bao lâu, tôi buồn bã hiểu rằng tình cảm mọi người quả nhiên đổi khác mặc dù điều đó rất khó nhận ra. Trừ thằng Tạo còn bé, còn mọi người dù vẫn cười nói, vẫn vui vẻ, thậm chí vẫn tốt bụng với tôi nhưng không khí thân mật, gần gũi kiểu... gia đin`h ngày xưa đã biến mất. Ba mẹ Quỳnh và Chị Kim bây giờ xem tôi như một người khách.

Chỉ có Trâm là không thay đổi. Mặc dù đi công tác suốt ngày, ít khi gặp tôi, nhưng mỗi khi gặp, nó thường rủ tôi đi uống nước sinh tố và ngồi kể lung tung về chuyện công tác của nó.

Những lúc ấy, ngồi mỉm cười nhìn Trâm ba hoa liến thoắng, tôi như chìm vào một cảm giác ấm áp dễ chịu và quen thuộc.

Nó nói một thôi một hồi, chợt thấy tôi ngồi im, liền quay sang cười hì hì :

- Quên nữa ! Nãy giờ tôi lo giành nói mà không để anh nói !

- Tôi có gì đâu mà nói !

- Chừng nào trường anh mới dạy văn hóa lại ?

- Sắp rồi ! Nghe nói ít bữa nữa !

Dù Trâm đối với tôi vẫn thân thiết như cũ nhưng trong những câu chuyện giữa chúng tôi gần dây, rõ ràng Trâm cố tình không nhắc đến Quỳnh. Thấy vậy ,tôi cũng làm thinh luôn. Điều đó khiến cho câu chuyện giữa tôi và nó đôi khi đâm ra không được tự nhiên.

Có lần, không nén được, tôi hỏi thẳng Trâm :

- Có chuyện gì xảy ra với Quỳnh vậy ?

Trâm im lặng một lúc rồi thở dài :

- Anh hãy quên nó đi !

Tôi nghe miệng mình đắng nghét :

- Tại sao vậy ?

Trâm nói, giọng buồn buồn :

- Nó không xứng đáng với tình cảm của anh.

Tôi nắm chặt tay :

- Nhưng mà tại sao ?

Trâm ngó lơ đi chỗ khác :

- Bây giờ tôi chưa trả lời anh được ! Nhưng rồi anh sẽ biết !

Suốt một thời gian dài sau câu chuyện đau lòng đó, tôi cảm thấy thế giới trở nên buồn tẻ.