nguoibanthan_ph
05-21-2007, 03:39 PM
Chương 3
Con Hiền choàng dậy đưa tay dụi mắt khi những tia nắng đầu tiên lọt qua khe vách vào nhà. Con bé thòng chân xuống đất bước cà nhắc ra phía sau múc nước rửa mặt. Nước mát làm nó tỉnh táo, nó đưa mắt nhìn quanh. Không thấy ngoại đâu, nó lại lê bước tới chỗ ngạch cửa, ngồi ngó mông ra đường. Hôm nay là thứ tư, có chính tả, thủ công... Giờ này có lẽ cô giáo đang ngồi đọc bài cho cả lớp cùng nghe, rồi cô ghi lên bảng những chữ khó và đọc lại từng lời chậm rãi. Hai ngày rồi, lớp học vắng Hiền, không biết cô giáo sẽ nghĩ gì...? Bạn bè có đứa nào nhắc đến Hiền không? Hôm đó Hiền giận con Tím lắm. Tuy con Tím không hùa theo mấy đứa kia để chế nhạo Hiền, nhưng thái độ thờ ơ bạc bẽo của nó khiến cho Hiền rất tủi thân. Tại sao các bạn không thích chơi với nó? Ðâu phải nó chây lười học dốt, trái lại con Hiền rất siêng năng chăm chỉ. Cuối năm lớp Một, lớp Hai Hiền đều nhận được phần thưởng. Còn năm nay, ngay từ tháng đầu tiên, tên Hiền đuợc cô giáo nắn nót ghi vào bảng danh dự, treo lên giữa lớp. Vậy thì vì cái gì? Vì hoàn cảnh của nó chẳng giống như các bạn chăng? Nó không có dép để mang, không có tiền ăn quà sáng, và điều đơn giản nó cũng không có được cái áo trắng giống như các bạn!
Cô giáo mới từ nơi khác chuyển về. Cô có cái tên nghe rất ngộ: Huỳnh Thiếu Trân! Cả lớp đều sợ cây thước kẻ của cô Trân. Bạn nào phá phách lì lợm, làm ồn ào trong lớp, lần đầu cô Trân rầy từ tốn nhẹ nhàng, lần thứ hai cô dùng thước kẻ và dọa đuổi ra khỏi lớp. Tuy cô Trân chưa đuổi bạn nào nhưng đôi mắt của cô như có ma lực, giọng cô giảng bài rất hay. Không riêng gì Hiền, cả lớp đều yêu mến và sợ cô. Vậy mà Hiền lại là đứa đầu tiên rời khỏi lớp học...!
- Ê Hiền, chơi nhảy cò cò được chưa?
Thằng Tứ ở đâu le te chạy tới, trên tay nó cầm trái lựu chín vàng. Hiền ngước đôi mắt tròn xoe nhìn thằng Tứ, đôi mắt long lanh ngấn nước hồi nào nó cũng chẳng hay.
- Không thấy người ta ngồi một chỗ hay sao mà rủ chơi cò cò?
Thằng Tứ ngồi sà xuống bên cạnh, ngó lom lom vào mặt con Hiền.
- Bộ mày khóc hả?
Con Hiền bối rối đưa tay chùi lia chùi lịa lên mắt.
- Tại... tại bụi vô...
Thằng Tứ so vai:
- Tao biết rồi, mày sợ nghỉ lâu bị cô giáo đuổi học chứ gì? Thôi để lát nữa tao lấy chai dầu cù là của má tao cho mày mà xức, chừng ít hôm là mày đi được.
Con Hiền bậm môi lắc đầu:
- Tui không đi học nữa đâu.
Thằng Tứ chìa trái lựu cho nó, an ủi:
- Ðừng lo, mày học giỏi cô giáo không khi nào đuổi, tin tao đi. Cho mày nè, trái lựu này hột đỏ lắm.
Con Hiền ái ngại cầm lấy:
-... Ở đâu mà có vậy?
- Hái trên cây!
- Nhưng nhà Tứ đâu có trồng lựu?
- Thì xin hổng được sao? Tao không ăn cắp đâu mà sợ.
- Ừa, ăn cắp xấu lắm, cô giáo tui dạy vậy đó. Tứ hổng nói cho tui biết trái lựu này xin của ai thì tui trả nè.
Thằng Tứ nhăn mặt lầu bầu:
- Con nhỏ này lộn xộn thiệt à. Hồi nãy tao bắt được con chim chìa vôi, tao đổi cho thằng cháu nội ông Tư Hổ. Mày hổng tin thì tới hỏi nó coi.
Con Hiền trợn mắt:
- Nói dóc! Ông Tư Hổ đâu có cháu nội.
- Mày hổng biết gì hết trơn. Con trai ổng đi làm ăn xa lắm bây giờ mới đưa con cái về thăm ổng. Thằng đó cỡ tao vậy nè, dòm nó mắc cười lắm.
- Sao lại mắc cười? - Con Hiền tỏ ra quan tâm.
- Ai đời lớn tồng ngồng rồi mà đi tắm sông cũng có người theo canh. Cây ổi thấp chủn cũng hổng dám trèo, thấy tao đi câu cá, nó lẽo đẽo đi theo. À... nó còn hỏi tao thích đọc truyện không nó cho mượn. Nghe tao nói tao hổng biết một chữ i tờ, nó thò lò hai con mắt dòm tao.
Con Hiền liếc xéo bạn:
- Tứ hay quá há, hổng biết chữ còn khoe tùm lum.
Thằng Tứ nhún vai:
- Tao hổng biết chữ nhưng bù lại tao biết nhiều thứ khác, nó phục tao lăn lóc.
Con Hiền tò mò hỏi:
- Chắc là nó sống ở thành phố?
- Ờ... tối ngày nó bận đồ bộ, đi dép cao sư lạch bạch.
Con Hiền trầm ngâm giây lát rồi ngập ngừng:
- Hỏi nó... mượn dùm tui mấy quyển truyện được không?
Thằng Tứ vỗ đánh đét lên đùi:
- Dễ ợt! Vậy mà tao quên lửng mày. Thôi một hồi tao rủ nó tới đây chơi. Nghe nó nói chuyện mày sẽ thấy nó ngố cỡ nào.
Con Hiền mân mê trái lựu trên tay:
- Trái lựu này đổi của thằng đó hả?
- Ừa, hổng tin sao hỏi hoài. Mày ngồi ở nhà buồn lắm phải không?
Con Hiền chớp mắt giọng buồn hiu:
- Tui nhớ lớp học, nhớ cô giáo...
- Thì ráng vài hôm nữa chớ mấy.
- Không đâu, từ nay sắp tới tui sẽ ở nhà luôn, tui nói thiệt mà.
Thằng Tứ nghệch mặt ra:
- Sao kỳ vậy? Bà Hai bắt mày nghỉ học hả?
Con Hiền lắc đầu:
- Ngoại cũng chưa biết.
- Hay là đứa nào ăn hiếp mày, nói đi tao đục cho nó một trận.
Con Hiền lắc đầu im lặng. Nó không muốn thố lộ với thằng Tứ câu chuyện buồn xảy ra với nó. Thằng Tứ thì có thể thông cảm phần nào, nhưng biết đâu nó chẳng xì ra với đứa khác, rồi tụi nó sẽ xúm vào cười nhạo chê bai. Con Hiền buồn bã khi tưởng tượng ra điều ấy. Bởi vì nó vẫn nghe loáng thoáng bên tai những lời mĩa mai chế giễu của xóm giềng. Ðâu phải ai ai cũng nhìn nó với đôi mắt đầy thiện cảm.
Thằng Tứ đứng dậy nhe răng cười:
- Nói thiệt... mày ở nhà, tao còn khoái, để coi, tao sẽ dẫn mày đi bắn chim, đào hang chuột, đã đã nghen!
Con Hiền đâu còn tâm trí để nghĩ tới những trò chơi ngoạn mục do thằng Tứ bày ra. Mà thật lòng thằng Tứ nói vậy là cốt để an ủi nó.
Câu chuyện xảy ra hôm thứ hai ở lớp như một sĩ nhục đối với con Hiền. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nó vẫn hiểu thế nào là lòng tự trọng. Nó không thể để cho ai muốn chế giễu mình thế nào cũng được. Thằng Tứ nói đúng. Chỗ của nó là ở đây, là ngày tháng lam lũ bần hàn, là những giọt mồ hôi nhọc nhằn đổi lấy miếng ăn.
Bước chân thằng Tứ xa dần. Con Hiền đưa tay xoa nhẹ chỗ đau. Ðã hai ngày rồi ngoại lấy thuốc xỉa và rễ rau má đáp lên nhưng vết thương vẫn chưa lành miệng. Sáng nay nó dậy trễ nên không biết ngoại đi đâu. Hồi hôm ngoại ngủ không được cứ trở mình luôn, vậy mà trời mới tờ mờ đã nghe tiếng chổi quét sân soàn soạt.
- Hiền à... dậy rồi hả con?
Bà Hai ôm một bó mo cau tất tả đi vào. Thấy bà, con Hiền phụng phịu:
- Sao ngoại hổng kêu con dậy?
Bà Hai thảy bó mo cau xuống đất, rút cái khăn đội đầu lau mồ hôi rồi cầm phe phẩy quạt.
- Cái chân còn cà nhắc mà dậy sớm làm gì. Sợ mày đói bụng nên ngoại mua cái trứng vịt rồi đi riết về. Chà, mới đó mà đã trưa trờ trưa trật.
- Con nấu cơm nghen ngoại.
- Thôni, để đó cho ngoại. Ngồi canh chừng mấy đứa nhỏ kéo hết tàu mo của ngoại.
- Bện chổi hả ngoại?
- Ừa, hổm rày tới mấy người dặn mà có cái nào rụng xuống là sắp nhỏ lôi đi hết. Bữa nay ngoại đi sớm mới quơ được chừng này.
Bà Hai nhúm lửa bắc nồi cơm lên bếp và cho trứng vịt vào luộc. Xong xuôi bà đủng đỉnh lấy giỏ trầu ra têm một miếng bỏ vô miệng ngồi nhai bỏm bẻm.
Bảy mươi tuổi, lưng còng, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, song bà Hai chưa lúc nào có được những phút an nhàn thảnh thơi. Hồi nhỏ bà đi ở đợ ròng rã hết năm này qua năm khác, trôi dạt khắp nơi. Ðến lúc không ai còn nhớ đến thì bà đột ngột trở về, trên tay bồng đứa bé còn đỏ hỏn. Bà Hai nhận lại đứa bé cất tiếng bi bô thì tóc bà cũng thêm nhiều sợi bạc. Nếu ai thắc mắc hỏi, bà kể rằng nó là cháu ngoại của bà. Chẳng may lúc sinh ra nó, mẹ nó bị băng huyết qua đời. Phần đau buồn vì đứa con bạc mệnh, phần thương đứa cháu cút côi, bà đã quyết định bồng nó trở về nơi chôn nhau cắt rốn sống những ngày bình yên cuối đời.
Giờ đây, con Hiền lớn lên xinh sắn như búp non, còn bà sắp sửa lụi tàn như cây khô cằn cỗi... Bà Hai sợ sức mình không gượng nổi đến ngày con Hiền đủ lông đủ cánh. Bà nằm xuống thì đã yên phận, chỉ tội con Hiền một lần nữa chịu cảnh bơ vơ. Không người dìu dắt, bước chân côi cút lạc loài sẽ đưa nó về đâu giữa cuộc đời muôn ngàn cạm bẫy, bà Hai không khỏi bùi ngùi.
- Ngoại ơi, con ở nhà với ngoại không đi học nữa đâu.
Ðang lúi húi cời bới lửa than trong bếp, bà Hai ngẩng nhìn ra khi nghe tiếng con Hiền thỏ thẻ.
- Mày nói cái gì vậy?
Con Hiền nhắc lại:
- Con nói... từ nay con không đi học nữa.
Bà Hai hấp háy đôi mắt đã kéo mây. Tưởng nó bị đau chân rồi kiếm chuyện mè nheo, bà khẽ rầy:
- Ðừng biếng nhác vậy con. Phải học hành cho hiểu biết với người ta. Dốt nát như ngoại cả đời cực khổ con không thấy sao?
Con Hiền ngập ngừng hồi lâu mới thốt thành lời:
- Nhưng mà... con chẳng còn cái áo nào để bận đi học...
Trán bà Hai nhăn lại:
- Vậy chớ cái áo con bận thường ngày đâu?
- Cái áo đó rách rồi. Cô giáo con nói là... không có áo trắng cô hổng cho vô lớp.
Bà Hai chép miệng than thở:
- Cơ khổ! Cô giáo mày bày đặt làm chi vậy cà. Áo nào chẳng là áo!
Con Hiền phụng phịu giải thích:
- Trong lớp con bạn nào cũng mặc áo trắng hết, còn áo của con cô nói hổng phải màu trắng. Cô... cô chê con ở dơ nữa. Tụi bạn chế nhạo con hoài, con mắc cỡ quá ngoại ơi.
Bà Hai xúc động đưa bàn tay khẳng khiu vuốt nhẹ lên mái tóc vừa chẩm gáy của con Hiền, dỗ dành:
- Ðứa nào nói gì thây kệ chúng, mình bận đồ xấu mà mình học giỏi là điều quý. Cái áo rách chỗ nào đem ra ngoại vá lại cho.
Con Hiền bậm môi rơm rớm nước mắt:
- Con đã nói không đi học nữa mà. Tại con hổng có má thì lấy ai may áo cho con.
Bà Hai thở dài:
- Thủng thẳng có tiền ngoại sẽ may cho con cái áo khác. Còn cái này để ngoại vá lại con bận đỡ.
Con Hiền vẫn bướng bỉnh lắc đầu:
- Ngoại cho con ở nhà, con sẽ tưới rau tỉa đậu đem ra chợ bán. Con chẳng ham đi học chút nào.
Bà Hai không biết nói sao hơn. Bà thừa biết con Hiền đòi nghỉ học là vì mặc cảm, vì ai đó đã vô tình khuấy động nỗi ưu tư trong lòng nó. Bà biết phải làm sao khi cái nghèo cái khó bám theo bà đằng đẵng, kiếm được miếng ăn đã cực lắm rồi nói chi đến cái mặc. Thương nó, bà chắc bóp từng đồng nhưng cả năm nay có lúc nào dư ra để may cho nó nổi cái áo. Ấy là chưa kể nhiều hôm, hũ gạo trong nhà trống trơn, bà phải vay đầu này đập đầu kia đáp đổi qua ngày. Ngay như lúc này, trong túi bà chưa có tới hai ngàn đồng, thử hỏi lấy đâu ra để mua cho con Hiền tấm áo? Mà để cho cháu nghỉ học bà cũng không đành lòng. Con Hiền vốn đã bất hạnh từ thuở mới lọt lòng, là đứa trẻ thơ bị ném vào đời bởi lỗi lầm của người lớn gây nên. Nó chẳng khác nào loài cỏ dại mọc ven đưòng, nhưng bà không muốn nó bị vùi dập, bị bỏ quên. Bà muốn nó phải vươn lên kiêu hãnh nhưng bà đã già rồi, bà không thể làm gì hơn để thay đổi số phận...
Thấy bà Hai ngồi lặng thinh, con Hiền níu tay bà lo lắng:
- Ngoại đừng giận con nghen ngoại.
- Ngoại thương con không hết lấy đâu mà giận.
- Mai mốt chân con hết đau, ngoại cho con ra chợ bán rau với con Chi nha ngoại. Con sẽ kiếm tiền về nuôi ngoại.
- Ừ, để thủng thẳng ngoại nhắm thử coi. Ngoại già rồi ở với con được ngày nào hay ngày ấy, rủi ro ngoại có bề nào, con cũng biết đường mà kiếm miếng cơm.
Con Hiền giãy nãy lên:
- Con hổng chịu đâu! Ngoại phải sống hoài với con. Ngoại không được bỏ con một mình.
- Thì ngoại giả tỉ vậy thôi. Ngoại làm sao bỏ con đành lòng.
Bà Hai xoay lưng lại lấy cây chổi rơm quét sơ bộ ván rồi bưng nồi cơm đặt xuống. Bữa cơm cuả hai bà cháu chỉ có trứng vịt luộc dầm nước tương được coi là sang lắm. Con Hiền ngồi ăn một cách ngon lành. Nó buông đũa thì nghe tiếng thằng Tứ í ới ngoài sân:
- Hiền ơi, tao dẫn thằng đó tới nè.
Bà Hai nhìn nó căn dặn:
- Ra coi đứa nào đó con. Coi chừng nó kéo hết mấy tàu mo cau của ngoại.
- Dạ.
Con Hiền đứng dậy lần theo vách bước ra ngoài. Nó chợt lúng túng khi bắt gặp một ánh mắt lạ lẫm đăm đăm nhìn nó.
Miệng thằng Tứ bô bô:
- Mày dòm coi nó có ngộ không. Ði cầu khỉ dễ ợt mà nó bắt tao phải cầm tay dẫn, chút xíu nữa là té nhào xuống sông.
Thằng “nhóc” cười giả lả:
- Tại Sơn chưa quen mà. Sơn tập vài lần sẽ vững, giống như đi xe đạp vậy thôi.
À, thì ra nó tên là Sơn, mặt mũi khôi ngô bạo dạn, tóc đen mượt, quần áo sạch sẽ phẳng phiu, chả bù cho thằng Tứ. Thằng Tứ đầu húi cua trụi lủi, da đen xỉn đen xì, quần xà lỏn và áo ngắn cũn cỡn...
- Nghe nói bạn học giỏi lắm phải không?
Mặt con Hiền đỏ lên khi nghe thằng Sơn hỏi. Nó bối rối trả lời:
- Tui... chả giỏi gì đâu.
Thằng Tứ láu táu xen vô:
- Hổng giỏi mà năm nào cũng lãnh thưởng đầy nhóc, mày thấy mày cũng lé mắt luôn!
Thằng Sơn gật gù, điệu bộ nó y như người lớn. Nó mới lên mười nhưng được đi học sớm hơn con Hiền nên hết năm nay là nó xong cấp Một. Trong lớp 5B nó là một học sinh ngoan ngoãn thông minh, nó không tham gia các trò phá phách, không chọc ghẹo các bạn gái khóc nhè... Trông nó chững chạc hơn so với những đứa cùng tuổi.
Trên đường về quê nội, Sơn rất nôn nao hồi hộp. Giờ đây nó càng vui hơn khi đặt chân lên vùng đất mà đêm đêm nó vẫn hằng tưởng tượng ra biết bao điều kỳ diệu.
Nhìn con Hiền trong dáng điệu rụt rè, nó đưa ra nhận xét:
- Con gái ở đây hay mắc cỡ quá há.
Thằng Tứ gật đầu lia lịa:
- Ừa, nó tên Hiền mà, hiền như cục bột!
Nghe thằng Tứ ba hoa tán tụng, con Hiền xấu hổ cười lỏn lẻn:
- Hổng ai mượn mà cũng quảng cáo. Cho Tứ chuyểng sang nghề bán thuốc nhức răng xỗ lãi được à.
Thằng Tứ hỉnh mũi cười:
- Tao chỉ có dầu cù là thôi. Nè, giở chân lên quẹt vô vài cái là chạy te te. Dầu cù là Sao Vàng chính hiệu!
Vừa nói thằng Tứ vừa lần tay vào lưng quần, lôi ra hộp dầu cù là đưa cho con Hiền. Thấy vậy, thằng Sơn ngạc nhiên hỏi:
- Ủa định làm cái gì vậy?
Thằng Tứ chỉ vào chân con Hiền:
- “Xi cà que” vì đã lập nên thành tích bắt được năm con cá bống kèo.
Mặt con Hiền cau lại:
- Tui hổng giỡn à nha, dầu cù là này đem về đi, hổng ai thèm xức.
Thằng Tứ xuống nước:
- Tao nói chơi chút mà cũng giận. Thôi ngồi lên mo cau tao kéo mày đi mười vòng.
Con Hiền rất thích trò chơi này, song bây giờ nghe thằng Tứ “chuộc lỗi” bằng cách ấy nó đâm ra quạu quọ:
- Tàu mo cau của người ta, kéo cho hư hết hả?
- Hay là tao cõng mày, chịu không?
Con Hiền lườm nó:
- Lãng nhách, hổng ai mượn.
Thấy con Hiền cự nự, thằng Sơn bước tới một bước cúi xuống nhìn bàn chân cột vải của con Hiền, đôi mày nó khẽ cau lại.
- Ðể Sơn về lấy bông băng thuốc đỏ, bôi dầu cù là hổng hết đâu coi chừng bị nhiễm trùng nữa đó.
Thằng Tứ le lưỡi:
- Ghê vậy hả, tao đạp gai hoài mà có sao đâu?
- Sơn nói thiệt đó. Hôm trước Sơn té trầy đầu gối có chút xíu, mẹ cũng lấy cồn rửa rồi chấm thuốc đỏ lên. Tứ đi với Sơn nghen, Hiền chờ á.
Nói rồi nó kéo tay thằng Tứ dợm bước đi, con Hiền ấp úng gọi với theo:
- Tứ ơi... nói Sơn cho tui mượn...
Thằng Tứ nãy giờ quên bẵng chuyện con Hiền nhờ, nghe con nhỏ nhắc nó cười chữa thẹn:
- Ờ ờ, tao nhớ rồi.
Nó quay sang thằng Sơn bảo:
- Con Hiền gnhe tao nói mày có nhiều sách, nó muốn mượn đó.
Thằng Sơn cười thật tươi:
- Ðược rồi, để Sơn đem cho mượn.
Hai đứa dắt nhau đi. Thằng Sơn lớn lên ở thành phố, lần đầu tiên được về thăm quê nội nên cái gì đối với nó cũng lạ. Thú vị nhất là nó được làm quen với những đứa bạn thật thà mộc mạc nhưng rất dễ thương. Thằng Tứ biết đan lồng chim, biết làm lờ bắt cá, làm ống trúm bắt lươn... biết cắm câu, soi ếch... Nhìn thằng Tứ leo trèo thoăn thoắt trên cây, Sơn phục nó sát đất... Ngoài ra thằng Tứ còn biết nặn đất sét thành con chó, con mèo, biết lấy là dừa thắt con rít, con tôm... thằng Tứ thật cừ khôi!
- Ê Sơn, đố mày trái lựu hồi sáng tao cho ai?
Dọc đường, thằng Tứ khe khẽ nói. Thằng Sơn đang tính nhẩm trong đầu nên chọn cuốn truyện nào hay nhất để cho con Hiền mượn, nghe thằng Tứ hỏi nó lơ đãng trả lời:
- Cho ai, Sơn làm sao biết.
- Thì mày đoán thử coi.
- Thôi, Sơn chịu thua.
Thằng Tứ bắt bí liền:
- Thua... một trái lựu nữa nghen?
Thằng Sơn bật cười:
- Ðồ láu cá! Nãy giờ đâu có giao kèo vậy.
Thằng Tứ không dằn lòng được nói luôn:
- Tao cho nhỏ Hiền đó. Mày biết hôn, nó bị mồ côi hồi nhỏ xíu, sống với bà ngoại tội nghiệp lắm. Bà ngoại nó già khụ lại còn nghèo xác xơ, hổng sắm nổi cho nó cái gì hết. Lần nào nó được lên bảng danh dự, tao cũng kiếm một trái lựu thưởng cho nó, nó cầm chơi hoài lâu lắc mới ăn.
Thằng Sơn lắng nghe với vẻ quan tâm. Nó ngầm so sánh “phần thưởng” khiêm tốn của con Hiền và những món đồ chơi đắt giá mà ba mẹ nó không tiếc tiền mua cho. Lòng nó bỗng chùng xuống vì một nỗi buồn vu vơ. Nó cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của con Hiền... Không có ba mẹ quả là một điều bất hạnh lớn lao.
Nó ngập ngừng nói với thằng Tứ:
- Vậy thì... mỗi ngày Sơn sẽ xin ông nội hái một trái lựu cho Hiền. Tiếc là Sơn chỉ ở đây đến hết tuần này.
Mắt thằng Tứ sáng lên. Nó khoái chí vỗ vai Sơn đôm đốp.
- Mày ngon... tao rất khoái mày. Tao nói mày nghe điều này, cấm bép xép lại với con Hiền và ông nội mày à nha.
- Ờ Tứ cứ bật mí đi.
Thằng Tứ ngó dáo dác rồi kề tai Sơn nói nhỏ:
- Mấy lần tao hái trộm lựu của ông nội mày, có lần suýt bị ổng tóm đầu, ổng canh tao dữ lắm.
Thằng Sơn ngớ người ra:
- Sao Tứ hổng hỏi xin đàng hoàng?
- Xin... có nước ổng cho cái búa! Ổng là ông già hắc xì dầu số một.
- Sơn thấy ổng dễ ợt à, Sơn muốn gì ổng cũng cho.
- Bởi vì ông ấy là ông nội của mày. Thôi, tao đứng đây, mày chạy về đi, đừng có tố cáo tao à nghen.
Thằng Sơn nheo mắt:
- Khỏi lo, Sơn hổng bao giờ phản bội lời đã hứa.
Mặt trời đã đứng bóng. Thằng Tứ đứng lo ra vì sực nhớ tới công việc chờ nó ở nhà. Một hồi, thằng Sơn lấp xấp bước ra, tay ôm lỉnh kỉnh nào là sách, nào túi vải đựng bông băng. Thằng Tứ giục:
- Lẹ lên, chốc nữa tao còn phải đi xách nước, tưới rau, chạy nhong nhong với mày thế này thế nào má tao cũng giũa te tua.
- Cầm phụ đi, hối quá Sơn làm rớt hết trơn bây giờ.
- Nào đưa đây.
Hai đứa tới nơi, thấy con Hiền vẫn còn ngồi ngó bâng quơ ra đường. Thằng Sơn lôi từng thứ trong túi vải ra, bảo con Hiền kê chân lên một khúc cây rồi bắt đầu lấy cồn lau rửa. Con Hiền xuýt xoa nhăn mặt nhưng trong lòng rất cảm động vì sự chăm sóc tận tình của đứa bạn mới quen.
Xong xuôi thằng Sơn ngước lên hỏi:
- Có đỡ đau không?
Con Hiền mím môi gật đầu:
- Hồi nãy rát thấu trời, còn bây giờ hết trơn rồi.
- Hiền cứ làm như Sơn vậy, vài lần sẽ khỏi.
- Sơn hổng đem mấy thứ này về sao?
- Thôi, mẹ Sơn chỉ đem phòng hờ theo, Sơn chẳng hề gì thì đem về làm chi, Hiền cứ cất mà dùng.
Thằng Tứ nãy giờ cứ đứng xớ rớ bên cạnh, nói xen vào:
- Coi bộ mày cũng có nghề à, mai mốt làm bác sĩ được đó.
Thằng Sơn cười bẽn lẽn:
- Tại Sơn thấy má làm rồi bắt chước, dễ ợt hà.
- Mày ngồi đây chơi nghen, tao phải dông về nhà một lát.
Không đợi Sơn đồng ý, thằng Tứ ba chân bốn cẳng phóng ra đường. Nó đụng đầu con Chi vừa ở trong nhà đi ra:
- Mày chạy đi đâu như đi ăn cướp cạn vậy?
Thằng Tứ đứng lại phồng má thở phì phì:
- Tránh chỗ cho người ta đi, lộn xộn.
Con Chi cũng không vừa, lên giọng xỉa xói:
- Xí! Mày tưởng mày ngon lắm hả? Hổng cho mày đi ngang nhà tao đó.
- Ðường tao đi mắc mớ gì mày?
- Tại thấy ghét quá hổng cho đi. Ngang nhà tao mà cái mặt cứ bét bét, nhà tao hổng đáng cho mày dòm hả?
Thằng Tứ trợn mắt sửng cồ:
- Nhà mày có gì mà bắt tao dòm? Dòm vô để cho thằng Ðê đi bêu riếu tùm lum hả? Cái bữa tao chổng mông nhốt gà dùm mày, nó chọc quê tao đó.
Con Chi đứng chống nạnh trề môi:
- Sao mày tới nhà con Hiền hoài mà nó hổng giỏi chọc đi?
- Thì mày đi mà hỏi nó á, làm sao tao biết được.
Con Chi chợt xuống giọng hỏi nhỏ:
- Mày đi đâu về vậy?
- Tới thăm con Hiền, tao sợ nước cạn phải dông về tưới cải. Gặp mày cù... nhây quá.
Con Chi hờn mát:
- Phải rồi, tao cù nhây, còn mày là... đồ cù là.
Thằng Tứ cười tủm tỉm:
- Hổng sao! Cù là để mày bôi vô lỗ mũi... hửi.
Con Chi ễnh bụng đốp lại liền:
- Còn lâu á! Tao bôi vô cái... rún của tao nè.
Thằng Tứ le lưỡi, con Chi này dữ thiệt, nói chuyện giỡn với nó một hồi là y như gây lộn. Thằng Tứ giả vờ chắp tay lại xá một cái rồi quay lưng đi te te một nước, bỏ mặt con Chi đứng đó, mặt đầy ấm ức.
Con Hiền choàng dậy đưa tay dụi mắt khi những tia nắng đầu tiên lọt qua khe vách vào nhà. Con bé thòng chân xuống đất bước cà nhắc ra phía sau múc nước rửa mặt. Nước mát làm nó tỉnh táo, nó đưa mắt nhìn quanh. Không thấy ngoại đâu, nó lại lê bước tới chỗ ngạch cửa, ngồi ngó mông ra đường. Hôm nay là thứ tư, có chính tả, thủ công... Giờ này có lẽ cô giáo đang ngồi đọc bài cho cả lớp cùng nghe, rồi cô ghi lên bảng những chữ khó và đọc lại từng lời chậm rãi. Hai ngày rồi, lớp học vắng Hiền, không biết cô giáo sẽ nghĩ gì...? Bạn bè có đứa nào nhắc đến Hiền không? Hôm đó Hiền giận con Tím lắm. Tuy con Tím không hùa theo mấy đứa kia để chế nhạo Hiền, nhưng thái độ thờ ơ bạc bẽo của nó khiến cho Hiền rất tủi thân. Tại sao các bạn không thích chơi với nó? Ðâu phải nó chây lười học dốt, trái lại con Hiền rất siêng năng chăm chỉ. Cuối năm lớp Một, lớp Hai Hiền đều nhận được phần thưởng. Còn năm nay, ngay từ tháng đầu tiên, tên Hiền đuợc cô giáo nắn nót ghi vào bảng danh dự, treo lên giữa lớp. Vậy thì vì cái gì? Vì hoàn cảnh của nó chẳng giống như các bạn chăng? Nó không có dép để mang, không có tiền ăn quà sáng, và điều đơn giản nó cũng không có được cái áo trắng giống như các bạn!
Cô giáo mới từ nơi khác chuyển về. Cô có cái tên nghe rất ngộ: Huỳnh Thiếu Trân! Cả lớp đều sợ cây thước kẻ của cô Trân. Bạn nào phá phách lì lợm, làm ồn ào trong lớp, lần đầu cô Trân rầy từ tốn nhẹ nhàng, lần thứ hai cô dùng thước kẻ và dọa đuổi ra khỏi lớp. Tuy cô Trân chưa đuổi bạn nào nhưng đôi mắt của cô như có ma lực, giọng cô giảng bài rất hay. Không riêng gì Hiền, cả lớp đều yêu mến và sợ cô. Vậy mà Hiền lại là đứa đầu tiên rời khỏi lớp học...!
- Ê Hiền, chơi nhảy cò cò được chưa?
Thằng Tứ ở đâu le te chạy tới, trên tay nó cầm trái lựu chín vàng. Hiền ngước đôi mắt tròn xoe nhìn thằng Tứ, đôi mắt long lanh ngấn nước hồi nào nó cũng chẳng hay.
- Không thấy người ta ngồi một chỗ hay sao mà rủ chơi cò cò?
Thằng Tứ ngồi sà xuống bên cạnh, ngó lom lom vào mặt con Hiền.
- Bộ mày khóc hả?
Con Hiền bối rối đưa tay chùi lia chùi lịa lên mắt.
- Tại... tại bụi vô...
Thằng Tứ so vai:
- Tao biết rồi, mày sợ nghỉ lâu bị cô giáo đuổi học chứ gì? Thôi để lát nữa tao lấy chai dầu cù là của má tao cho mày mà xức, chừng ít hôm là mày đi được.
Con Hiền bậm môi lắc đầu:
- Tui không đi học nữa đâu.
Thằng Tứ chìa trái lựu cho nó, an ủi:
- Ðừng lo, mày học giỏi cô giáo không khi nào đuổi, tin tao đi. Cho mày nè, trái lựu này hột đỏ lắm.
Con Hiền ái ngại cầm lấy:
-... Ở đâu mà có vậy?
- Hái trên cây!
- Nhưng nhà Tứ đâu có trồng lựu?
- Thì xin hổng được sao? Tao không ăn cắp đâu mà sợ.
- Ừa, ăn cắp xấu lắm, cô giáo tui dạy vậy đó. Tứ hổng nói cho tui biết trái lựu này xin của ai thì tui trả nè.
Thằng Tứ nhăn mặt lầu bầu:
- Con nhỏ này lộn xộn thiệt à. Hồi nãy tao bắt được con chim chìa vôi, tao đổi cho thằng cháu nội ông Tư Hổ. Mày hổng tin thì tới hỏi nó coi.
Con Hiền trợn mắt:
- Nói dóc! Ông Tư Hổ đâu có cháu nội.
- Mày hổng biết gì hết trơn. Con trai ổng đi làm ăn xa lắm bây giờ mới đưa con cái về thăm ổng. Thằng đó cỡ tao vậy nè, dòm nó mắc cười lắm.
- Sao lại mắc cười? - Con Hiền tỏ ra quan tâm.
- Ai đời lớn tồng ngồng rồi mà đi tắm sông cũng có người theo canh. Cây ổi thấp chủn cũng hổng dám trèo, thấy tao đi câu cá, nó lẽo đẽo đi theo. À... nó còn hỏi tao thích đọc truyện không nó cho mượn. Nghe tao nói tao hổng biết một chữ i tờ, nó thò lò hai con mắt dòm tao.
Con Hiền liếc xéo bạn:
- Tứ hay quá há, hổng biết chữ còn khoe tùm lum.
Thằng Tứ nhún vai:
- Tao hổng biết chữ nhưng bù lại tao biết nhiều thứ khác, nó phục tao lăn lóc.
Con Hiền tò mò hỏi:
- Chắc là nó sống ở thành phố?
- Ờ... tối ngày nó bận đồ bộ, đi dép cao sư lạch bạch.
Con Hiền trầm ngâm giây lát rồi ngập ngừng:
- Hỏi nó... mượn dùm tui mấy quyển truyện được không?
Thằng Tứ vỗ đánh đét lên đùi:
- Dễ ợt! Vậy mà tao quên lửng mày. Thôi một hồi tao rủ nó tới đây chơi. Nghe nó nói chuyện mày sẽ thấy nó ngố cỡ nào.
Con Hiền mân mê trái lựu trên tay:
- Trái lựu này đổi của thằng đó hả?
- Ừa, hổng tin sao hỏi hoài. Mày ngồi ở nhà buồn lắm phải không?
Con Hiền chớp mắt giọng buồn hiu:
- Tui nhớ lớp học, nhớ cô giáo...
- Thì ráng vài hôm nữa chớ mấy.
- Không đâu, từ nay sắp tới tui sẽ ở nhà luôn, tui nói thiệt mà.
Thằng Tứ nghệch mặt ra:
- Sao kỳ vậy? Bà Hai bắt mày nghỉ học hả?
Con Hiền lắc đầu:
- Ngoại cũng chưa biết.
- Hay là đứa nào ăn hiếp mày, nói đi tao đục cho nó một trận.
Con Hiền lắc đầu im lặng. Nó không muốn thố lộ với thằng Tứ câu chuyện buồn xảy ra với nó. Thằng Tứ thì có thể thông cảm phần nào, nhưng biết đâu nó chẳng xì ra với đứa khác, rồi tụi nó sẽ xúm vào cười nhạo chê bai. Con Hiền buồn bã khi tưởng tượng ra điều ấy. Bởi vì nó vẫn nghe loáng thoáng bên tai những lời mĩa mai chế giễu của xóm giềng. Ðâu phải ai ai cũng nhìn nó với đôi mắt đầy thiện cảm.
Thằng Tứ đứng dậy nhe răng cười:
- Nói thiệt... mày ở nhà, tao còn khoái, để coi, tao sẽ dẫn mày đi bắn chim, đào hang chuột, đã đã nghen!
Con Hiền đâu còn tâm trí để nghĩ tới những trò chơi ngoạn mục do thằng Tứ bày ra. Mà thật lòng thằng Tứ nói vậy là cốt để an ủi nó.
Câu chuyện xảy ra hôm thứ hai ở lớp như một sĩ nhục đối với con Hiền. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nó vẫn hiểu thế nào là lòng tự trọng. Nó không thể để cho ai muốn chế giễu mình thế nào cũng được. Thằng Tứ nói đúng. Chỗ của nó là ở đây, là ngày tháng lam lũ bần hàn, là những giọt mồ hôi nhọc nhằn đổi lấy miếng ăn.
Bước chân thằng Tứ xa dần. Con Hiền đưa tay xoa nhẹ chỗ đau. Ðã hai ngày rồi ngoại lấy thuốc xỉa và rễ rau má đáp lên nhưng vết thương vẫn chưa lành miệng. Sáng nay nó dậy trễ nên không biết ngoại đi đâu. Hồi hôm ngoại ngủ không được cứ trở mình luôn, vậy mà trời mới tờ mờ đã nghe tiếng chổi quét sân soàn soạt.
- Hiền à... dậy rồi hả con?
Bà Hai ôm một bó mo cau tất tả đi vào. Thấy bà, con Hiền phụng phịu:
- Sao ngoại hổng kêu con dậy?
Bà Hai thảy bó mo cau xuống đất, rút cái khăn đội đầu lau mồ hôi rồi cầm phe phẩy quạt.
- Cái chân còn cà nhắc mà dậy sớm làm gì. Sợ mày đói bụng nên ngoại mua cái trứng vịt rồi đi riết về. Chà, mới đó mà đã trưa trờ trưa trật.
- Con nấu cơm nghen ngoại.
- Thôni, để đó cho ngoại. Ngồi canh chừng mấy đứa nhỏ kéo hết tàu mo của ngoại.
- Bện chổi hả ngoại?
- Ừa, hổm rày tới mấy người dặn mà có cái nào rụng xuống là sắp nhỏ lôi đi hết. Bữa nay ngoại đi sớm mới quơ được chừng này.
Bà Hai nhúm lửa bắc nồi cơm lên bếp và cho trứng vịt vào luộc. Xong xuôi bà đủng đỉnh lấy giỏ trầu ra têm một miếng bỏ vô miệng ngồi nhai bỏm bẻm.
Bảy mươi tuổi, lưng còng, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, song bà Hai chưa lúc nào có được những phút an nhàn thảnh thơi. Hồi nhỏ bà đi ở đợ ròng rã hết năm này qua năm khác, trôi dạt khắp nơi. Ðến lúc không ai còn nhớ đến thì bà đột ngột trở về, trên tay bồng đứa bé còn đỏ hỏn. Bà Hai nhận lại đứa bé cất tiếng bi bô thì tóc bà cũng thêm nhiều sợi bạc. Nếu ai thắc mắc hỏi, bà kể rằng nó là cháu ngoại của bà. Chẳng may lúc sinh ra nó, mẹ nó bị băng huyết qua đời. Phần đau buồn vì đứa con bạc mệnh, phần thương đứa cháu cút côi, bà đã quyết định bồng nó trở về nơi chôn nhau cắt rốn sống những ngày bình yên cuối đời.
Giờ đây, con Hiền lớn lên xinh sắn như búp non, còn bà sắp sửa lụi tàn như cây khô cằn cỗi... Bà Hai sợ sức mình không gượng nổi đến ngày con Hiền đủ lông đủ cánh. Bà nằm xuống thì đã yên phận, chỉ tội con Hiền một lần nữa chịu cảnh bơ vơ. Không người dìu dắt, bước chân côi cút lạc loài sẽ đưa nó về đâu giữa cuộc đời muôn ngàn cạm bẫy, bà Hai không khỏi bùi ngùi.
- Ngoại ơi, con ở nhà với ngoại không đi học nữa đâu.
Ðang lúi húi cời bới lửa than trong bếp, bà Hai ngẩng nhìn ra khi nghe tiếng con Hiền thỏ thẻ.
- Mày nói cái gì vậy?
Con Hiền nhắc lại:
- Con nói... từ nay con không đi học nữa.
Bà Hai hấp háy đôi mắt đã kéo mây. Tưởng nó bị đau chân rồi kiếm chuyện mè nheo, bà khẽ rầy:
- Ðừng biếng nhác vậy con. Phải học hành cho hiểu biết với người ta. Dốt nát như ngoại cả đời cực khổ con không thấy sao?
Con Hiền ngập ngừng hồi lâu mới thốt thành lời:
- Nhưng mà... con chẳng còn cái áo nào để bận đi học...
Trán bà Hai nhăn lại:
- Vậy chớ cái áo con bận thường ngày đâu?
- Cái áo đó rách rồi. Cô giáo con nói là... không có áo trắng cô hổng cho vô lớp.
Bà Hai chép miệng than thở:
- Cơ khổ! Cô giáo mày bày đặt làm chi vậy cà. Áo nào chẳng là áo!
Con Hiền phụng phịu giải thích:
- Trong lớp con bạn nào cũng mặc áo trắng hết, còn áo của con cô nói hổng phải màu trắng. Cô... cô chê con ở dơ nữa. Tụi bạn chế nhạo con hoài, con mắc cỡ quá ngoại ơi.
Bà Hai xúc động đưa bàn tay khẳng khiu vuốt nhẹ lên mái tóc vừa chẩm gáy của con Hiền, dỗ dành:
- Ðứa nào nói gì thây kệ chúng, mình bận đồ xấu mà mình học giỏi là điều quý. Cái áo rách chỗ nào đem ra ngoại vá lại cho.
Con Hiền bậm môi rơm rớm nước mắt:
- Con đã nói không đi học nữa mà. Tại con hổng có má thì lấy ai may áo cho con.
Bà Hai thở dài:
- Thủng thẳng có tiền ngoại sẽ may cho con cái áo khác. Còn cái này để ngoại vá lại con bận đỡ.
Con Hiền vẫn bướng bỉnh lắc đầu:
- Ngoại cho con ở nhà, con sẽ tưới rau tỉa đậu đem ra chợ bán. Con chẳng ham đi học chút nào.
Bà Hai không biết nói sao hơn. Bà thừa biết con Hiền đòi nghỉ học là vì mặc cảm, vì ai đó đã vô tình khuấy động nỗi ưu tư trong lòng nó. Bà biết phải làm sao khi cái nghèo cái khó bám theo bà đằng đẵng, kiếm được miếng ăn đã cực lắm rồi nói chi đến cái mặc. Thương nó, bà chắc bóp từng đồng nhưng cả năm nay có lúc nào dư ra để may cho nó nổi cái áo. Ấy là chưa kể nhiều hôm, hũ gạo trong nhà trống trơn, bà phải vay đầu này đập đầu kia đáp đổi qua ngày. Ngay như lúc này, trong túi bà chưa có tới hai ngàn đồng, thử hỏi lấy đâu ra để mua cho con Hiền tấm áo? Mà để cho cháu nghỉ học bà cũng không đành lòng. Con Hiền vốn đã bất hạnh từ thuở mới lọt lòng, là đứa trẻ thơ bị ném vào đời bởi lỗi lầm của người lớn gây nên. Nó chẳng khác nào loài cỏ dại mọc ven đưòng, nhưng bà không muốn nó bị vùi dập, bị bỏ quên. Bà muốn nó phải vươn lên kiêu hãnh nhưng bà đã già rồi, bà không thể làm gì hơn để thay đổi số phận...
Thấy bà Hai ngồi lặng thinh, con Hiền níu tay bà lo lắng:
- Ngoại đừng giận con nghen ngoại.
- Ngoại thương con không hết lấy đâu mà giận.
- Mai mốt chân con hết đau, ngoại cho con ra chợ bán rau với con Chi nha ngoại. Con sẽ kiếm tiền về nuôi ngoại.
- Ừ, để thủng thẳng ngoại nhắm thử coi. Ngoại già rồi ở với con được ngày nào hay ngày ấy, rủi ro ngoại có bề nào, con cũng biết đường mà kiếm miếng cơm.
Con Hiền giãy nãy lên:
- Con hổng chịu đâu! Ngoại phải sống hoài với con. Ngoại không được bỏ con một mình.
- Thì ngoại giả tỉ vậy thôi. Ngoại làm sao bỏ con đành lòng.
Bà Hai xoay lưng lại lấy cây chổi rơm quét sơ bộ ván rồi bưng nồi cơm đặt xuống. Bữa cơm cuả hai bà cháu chỉ có trứng vịt luộc dầm nước tương được coi là sang lắm. Con Hiền ngồi ăn một cách ngon lành. Nó buông đũa thì nghe tiếng thằng Tứ í ới ngoài sân:
- Hiền ơi, tao dẫn thằng đó tới nè.
Bà Hai nhìn nó căn dặn:
- Ra coi đứa nào đó con. Coi chừng nó kéo hết mấy tàu mo cau của ngoại.
- Dạ.
Con Hiền đứng dậy lần theo vách bước ra ngoài. Nó chợt lúng túng khi bắt gặp một ánh mắt lạ lẫm đăm đăm nhìn nó.
Miệng thằng Tứ bô bô:
- Mày dòm coi nó có ngộ không. Ði cầu khỉ dễ ợt mà nó bắt tao phải cầm tay dẫn, chút xíu nữa là té nhào xuống sông.
Thằng “nhóc” cười giả lả:
- Tại Sơn chưa quen mà. Sơn tập vài lần sẽ vững, giống như đi xe đạp vậy thôi.
À, thì ra nó tên là Sơn, mặt mũi khôi ngô bạo dạn, tóc đen mượt, quần áo sạch sẽ phẳng phiu, chả bù cho thằng Tứ. Thằng Tứ đầu húi cua trụi lủi, da đen xỉn đen xì, quần xà lỏn và áo ngắn cũn cỡn...
- Nghe nói bạn học giỏi lắm phải không?
Mặt con Hiền đỏ lên khi nghe thằng Sơn hỏi. Nó bối rối trả lời:
- Tui... chả giỏi gì đâu.
Thằng Tứ láu táu xen vô:
- Hổng giỏi mà năm nào cũng lãnh thưởng đầy nhóc, mày thấy mày cũng lé mắt luôn!
Thằng Sơn gật gù, điệu bộ nó y như người lớn. Nó mới lên mười nhưng được đi học sớm hơn con Hiền nên hết năm nay là nó xong cấp Một. Trong lớp 5B nó là một học sinh ngoan ngoãn thông minh, nó không tham gia các trò phá phách, không chọc ghẹo các bạn gái khóc nhè... Trông nó chững chạc hơn so với những đứa cùng tuổi.
Trên đường về quê nội, Sơn rất nôn nao hồi hộp. Giờ đây nó càng vui hơn khi đặt chân lên vùng đất mà đêm đêm nó vẫn hằng tưởng tượng ra biết bao điều kỳ diệu.
Nhìn con Hiền trong dáng điệu rụt rè, nó đưa ra nhận xét:
- Con gái ở đây hay mắc cỡ quá há.
Thằng Tứ gật đầu lia lịa:
- Ừa, nó tên Hiền mà, hiền như cục bột!
Nghe thằng Tứ ba hoa tán tụng, con Hiền xấu hổ cười lỏn lẻn:
- Hổng ai mượn mà cũng quảng cáo. Cho Tứ chuyểng sang nghề bán thuốc nhức răng xỗ lãi được à.
Thằng Tứ hỉnh mũi cười:
- Tao chỉ có dầu cù là thôi. Nè, giở chân lên quẹt vô vài cái là chạy te te. Dầu cù là Sao Vàng chính hiệu!
Vừa nói thằng Tứ vừa lần tay vào lưng quần, lôi ra hộp dầu cù là đưa cho con Hiền. Thấy vậy, thằng Sơn ngạc nhiên hỏi:
- Ủa định làm cái gì vậy?
Thằng Tứ chỉ vào chân con Hiền:
- “Xi cà que” vì đã lập nên thành tích bắt được năm con cá bống kèo.
Mặt con Hiền cau lại:
- Tui hổng giỡn à nha, dầu cù là này đem về đi, hổng ai thèm xức.
Thằng Tứ xuống nước:
- Tao nói chơi chút mà cũng giận. Thôi ngồi lên mo cau tao kéo mày đi mười vòng.
Con Hiền rất thích trò chơi này, song bây giờ nghe thằng Tứ “chuộc lỗi” bằng cách ấy nó đâm ra quạu quọ:
- Tàu mo cau của người ta, kéo cho hư hết hả?
- Hay là tao cõng mày, chịu không?
Con Hiền lườm nó:
- Lãng nhách, hổng ai mượn.
Thấy con Hiền cự nự, thằng Sơn bước tới một bước cúi xuống nhìn bàn chân cột vải của con Hiền, đôi mày nó khẽ cau lại.
- Ðể Sơn về lấy bông băng thuốc đỏ, bôi dầu cù là hổng hết đâu coi chừng bị nhiễm trùng nữa đó.
Thằng Tứ le lưỡi:
- Ghê vậy hả, tao đạp gai hoài mà có sao đâu?
- Sơn nói thiệt đó. Hôm trước Sơn té trầy đầu gối có chút xíu, mẹ cũng lấy cồn rửa rồi chấm thuốc đỏ lên. Tứ đi với Sơn nghen, Hiền chờ á.
Nói rồi nó kéo tay thằng Tứ dợm bước đi, con Hiền ấp úng gọi với theo:
- Tứ ơi... nói Sơn cho tui mượn...
Thằng Tứ nãy giờ quên bẵng chuyện con Hiền nhờ, nghe con nhỏ nhắc nó cười chữa thẹn:
- Ờ ờ, tao nhớ rồi.
Nó quay sang thằng Sơn bảo:
- Con Hiền gnhe tao nói mày có nhiều sách, nó muốn mượn đó.
Thằng Sơn cười thật tươi:
- Ðược rồi, để Sơn đem cho mượn.
Hai đứa dắt nhau đi. Thằng Sơn lớn lên ở thành phố, lần đầu tiên được về thăm quê nội nên cái gì đối với nó cũng lạ. Thú vị nhất là nó được làm quen với những đứa bạn thật thà mộc mạc nhưng rất dễ thương. Thằng Tứ biết đan lồng chim, biết làm lờ bắt cá, làm ống trúm bắt lươn... biết cắm câu, soi ếch... Nhìn thằng Tứ leo trèo thoăn thoắt trên cây, Sơn phục nó sát đất... Ngoài ra thằng Tứ còn biết nặn đất sét thành con chó, con mèo, biết lấy là dừa thắt con rít, con tôm... thằng Tứ thật cừ khôi!
- Ê Sơn, đố mày trái lựu hồi sáng tao cho ai?
Dọc đường, thằng Tứ khe khẽ nói. Thằng Sơn đang tính nhẩm trong đầu nên chọn cuốn truyện nào hay nhất để cho con Hiền mượn, nghe thằng Tứ hỏi nó lơ đãng trả lời:
- Cho ai, Sơn làm sao biết.
- Thì mày đoán thử coi.
- Thôi, Sơn chịu thua.
Thằng Tứ bắt bí liền:
- Thua... một trái lựu nữa nghen?
Thằng Sơn bật cười:
- Ðồ láu cá! Nãy giờ đâu có giao kèo vậy.
Thằng Tứ không dằn lòng được nói luôn:
- Tao cho nhỏ Hiền đó. Mày biết hôn, nó bị mồ côi hồi nhỏ xíu, sống với bà ngoại tội nghiệp lắm. Bà ngoại nó già khụ lại còn nghèo xác xơ, hổng sắm nổi cho nó cái gì hết. Lần nào nó được lên bảng danh dự, tao cũng kiếm một trái lựu thưởng cho nó, nó cầm chơi hoài lâu lắc mới ăn.
Thằng Sơn lắng nghe với vẻ quan tâm. Nó ngầm so sánh “phần thưởng” khiêm tốn của con Hiền và những món đồ chơi đắt giá mà ba mẹ nó không tiếc tiền mua cho. Lòng nó bỗng chùng xuống vì một nỗi buồn vu vơ. Nó cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh của con Hiền... Không có ba mẹ quả là một điều bất hạnh lớn lao.
Nó ngập ngừng nói với thằng Tứ:
- Vậy thì... mỗi ngày Sơn sẽ xin ông nội hái một trái lựu cho Hiền. Tiếc là Sơn chỉ ở đây đến hết tuần này.
Mắt thằng Tứ sáng lên. Nó khoái chí vỗ vai Sơn đôm đốp.
- Mày ngon... tao rất khoái mày. Tao nói mày nghe điều này, cấm bép xép lại với con Hiền và ông nội mày à nha.
- Ờ Tứ cứ bật mí đi.
Thằng Tứ ngó dáo dác rồi kề tai Sơn nói nhỏ:
- Mấy lần tao hái trộm lựu của ông nội mày, có lần suýt bị ổng tóm đầu, ổng canh tao dữ lắm.
Thằng Sơn ngớ người ra:
- Sao Tứ hổng hỏi xin đàng hoàng?
- Xin... có nước ổng cho cái búa! Ổng là ông già hắc xì dầu số một.
- Sơn thấy ổng dễ ợt à, Sơn muốn gì ổng cũng cho.
- Bởi vì ông ấy là ông nội của mày. Thôi, tao đứng đây, mày chạy về đi, đừng có tố cáo tao à nghen.
Thằng Sơn nheo mắt:
- Khỏi lo, Sơn hổng bao giờ phản bội lời đã hứa.
Mặt trời đã đứng bóng. Thằng Tứ đứng lo ra vì sực nhớ tới công việc chờ nó ở nhà. Một hồi, thằng Sơn lấp xấp bước ra, tay ôm lỉnh kỉnh nào là sách, nào túi vải đựng bông băng. Thằng Tứ giục:
- Lẹ lên, chốc nữa tao còn phải đi xách nước, tưới rau, chạy nhong nhong với mày thế này thế nào má tao cũng giũa te tua.
- Cầm phụ đi, hối quá Sơn làm rớt hết trơn bây giờ.
- Nào đưa đây.
Hai đứa tới nơi, thấy con Hiền vẫn còn ngồi ngó bâng quơ ra đường. Thằng Sơn lôi từng thứ trong túi vải ra, bảo con Hiền kê chân lên một khúc cây rồi bắt đầu lấy cồn lau rửa. Con Hiền xuýt xoa nhăn mặt nhưng trong lòng rất cảm động vì sự chăm sóc tận tình của đứa bạn mới quen.
Xong xuôi thằng Sơn ngước lên hỏi:
- Có đỡ đau không?
Con Hiền mím môi gật đầu:
- Hồi nãy rát thấu trời, còn bây giờ hết trơn rồi.
- Hiền cứ làm như Sơn vậy, vài lần sẽ khỏi.
- Sơn hổng đem mấy thứ này về sao?
- Thôi, mẹ Sơn chỉ đem phòng hờ theo, Sơn chẳng hề gì thì đem về làm chi, Hiền cứ cất mà dùng.
Thằng Tứ nãy giờ cứ đứng xớ rớ bên cạnh, nói xen vào:
- Coi bộ mày cũng có nghề à, mai mốt làm bác sĩ được đó.
Thằng Sơn cười bẽn lẽn:
- Tại Sơn thấy má làm rồi bắt chước, dễ ợt hà.
- Mày ngồi đây chơi nghen, tao phải dông về nhà một lát.
Không đợi Sơn đồng ý, thằng Tứ ba chân bốn cẳng phóng ra đường. Nó đụng đầu con Chi vừa ở trong nhà đi ra:
- Mày chạy đi đâu như đi ăn cướp cạn vậy?
Thằng Tứ đứng lại phồng má thở phì phì:
- Tránh chỗ cho người ta đi, lộn xộn.
Con Chi cũng không vừa, lên giọng xỉa xói:
- Xí! Mày tưởng mày ngon lắm hả? Hổng cho mày đi ngang nhà tao đó.
- Ðường tao đi mắc mớ gì mày?
- Tại thấy ghét quá hổng cho đi. Ngang nhà tao mà cái mặt cứ bét bét, nhà tao hổng đáng cho mày dòm hả?
Thằng Tứ trợn mắt sửng cồ:
- Nhà mày có gì mà bắt tao dòm? Dòm vô để cho thằng Ðê đi bêu riếu tùm lum hả? Cái bữa tao chổng mông nhốt gà dùm mày, nó chọc quê tao đó.
Con Chi đứng chống nạnh trề môi:
- Sao mày tới nhà con Hiền hoài mà nó hổng giỏi chọc đi?
- Thì mày đi mà hỏi nó á, làm sao tao biết được.
Con Chi chợt xuống giọng hỏi nhỏ:
- Mày đi đâu về vậy?
- Tới thăm con Hiền, tao sợ nước cạn phải dông về tưới cải. Gặp mày cù... nhây quá.
Con Chi hờn mát:
- Phải rồi, tao cù nhây, còn mày là... đồ cù là.
Thằng Tứ cười tủm tỉm:
- Hổng sao! Cù là để mày bôi vô lỗ mũi... hửi.
Con Chi ễnh bụng đốp lại liền:
- Còn lâu á! Tao bôi vô cái... rún của tao nè.
Thằng Tứ le lưỡi, con Chi này dữ thiệt, nói chuyện giỡn với nó một hồi là y như gây lộn. Thằng Tứ giả vờ chắp tay lại xá một cái rồi quay lưng đi te te một nước, bỏ mặt con Chi đứng đó, mặt đầy ấm ức.