PDA

View Full Version : Tình Thương Thật Sự



Nhím Hoàng Kim
05-21-2007, 06:03 PM
Tình Thương Thật Sự

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị


Tôi nóng giận hay không quý vị cũng không nên phiền lòng. Giận dữ phát sinh từ sự phân biệt của con người. Cái "giận" của tôi không phải là giận thật. Sự "thương" của tôi cũng không phải là thương bình thường. Đó chỉ là cái mà quý vị tạo ra bởi đầu óc phân biệt của quý vị. Tâm trí quý vị có sự chấp nhứt, nên mới nói rằng có xấu và có tốt, người hiền lành, dịu dàng. Thật ra trong vũ trụ không có gì nghiêm trọng cả. Nếu tôi thật sự nóng giận thì tại sao quý vị có thể nghiệm tốt khi bị tôi rầy?

Khi một người thật tình giận dữ, người đó sẽ làm cho kẻ khác thấy sợ, tức, và lo lắng, bất an cả ngày. Khi quý vị cãi nhau với người chồng hay vợ, hoặc khi họ tức giận, quý vị không thấy bất an, khó chịu sao? (Khán giả: Dạ) Khi tôi giận quý vị thì sự việc không như vậy, quý vị được thể nghiệm tốt. Thế có nghĩa đó không phải là giận thật sự. Sau khi tôi giận, nhiều quý vị được thể nghiệm tốt. Cho nên "tức giận" chắc là có trong tám vạn bốn ngàn pháp môn. (Khán giả cười.)

Thành ra, quý vị đừng quan tâm tới sự tức giận của tôi. Khi nào phải giận thì tôi giận. Đó là một phương pháp đúng được sử dụng trong thời điểm đúng. Nếu không, quý vị lệ thuộc vào "tấm lòng yêu thương" của tôi rồi bị ràng buộc vào đấy, khi tọa thiền, ngồi mà đầu óc ngổn ngang, tu hành biếng nhác, như vậy tu cái gì? Nhưng ngay sau khi tôi la, tâm trí quý vị lắng xuống, âm thầm sám hối, trong lòng xin tôi giúp đỡ. Lúc đó tâm quý vị mới ổn. Thành ra, không nên buồn mỗi khi tôi rầy la quý vị. Đó là một trong những pháp môn mà tôi phải dùng thôi.

Nhiều khi tôi không muốn tức giận bởi vì tôi sợ quý vị không chịu nổi. Cho nên mỗi lần tôi đều cầu Thượng Đế, Bồ Tát, cầu Sư Phụ bên trong: "Nếu họ không tu hành tốt, hãy để tất cả nghiệp chướng lên người con. Đừng để họ bị khiển trách, dù chỉ một lời la mắng. Xin đừng để họ chịu khổ đau." Nhưng vẫn không hiệu nghiệm. Thượng Đế muốn tôi dùng "pháp môn giận dữ". Tôi không thể làm gì khác hơn.

Tôi không muốn quý vị nghe một lời quở trách nào, cho quý vị tu hành với tâm hồn bình thản, hưởng thụ thể nghiệm bên trong mà không bị la rầy hay đánh đập. Đó là kỳ vọng của tôi, nhưng không được. Ngày nào tôi cũng cầu. Chỉ cầu chuyện này thôi. Mỗi khi thấy quý vị khổ là tôi cầu: "Hãy đem tất cả nghiệp chướng của họ cho con và để họ thanh thản tâm hồn. Cho họ những thể nghiệm tốt dù con phải chịu đau đớn nhiều thế nào đi nữa." Tuy nhiên, lời ước đó không bao giờ trở thành sự thật bởi vì chúng ta vẫn sống trong thế giới này, và sự việc không xảy ra như vậy. Một người không thể chịu tất cả nghiệp chướng của người khác ở trần gian.

Tôi không muốn quý vị đau khổ. Nhưng quý vị nên hiểu rằng theo đuổi việc tu hành ở thế giới ta bà này tốt hơn cho chúng ta. Nơi đây có hỷ, nộ, ái, ố làm cho chúng ta hăng say, hứng thú. Chúng tôi nghe nói trên một số Thiên Đàng chúng ta không thể tiến bộ nhanh chóng, nơi đó chỉ có hạnh phúc mà thôi. Khi tôi không la quý vị hoặc không tức giận, quý vị thấy như Thiên Đàng, sự tu hành của quý vị trở nên hời hợt. Nó trở thành không đáng chú ý, một chuyện thường nhật, không lý thú. Do đó quý vị không tu giỏi. Nhưng nó sẽ khác nếu quý vị bị thả vào thế giới A-tu-la hay thế giới ta bà, và bị la rầy. Lúc đó quý vị sẽ tiến bộ lẹ hơn.

Trên Thiên Đàng không có sự la mắng, đánh đập, trong khi thế giới này có hỷ, nộ, ái, ố. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ được thể nghiệm thế giới ta bà vì đang sống ở đây. Không! Đôi khi quý vị thấy những cảnh giới khác hoặc Thiên Đàng, hoặc thấy Tịnh Thổ ở hội trường thuyết pháp. Đó là sự nhận thức bên trong, thể nghiệm bên trong. Không phải là quý vị đi bằng thể xác tới một nơi nào đó cao hơn. Cảnh giới Thiên Đàng ở trong tâm, khi quý vị vui sướng và không bị ai la mắng, cấm đoán hay phản đối. Đó là Thiên Đàng. Cho nên, không thể tu hành tốt ở Thiên Đàng được. Tôi phải tạo nên một cảnh giới vật chất cho quý vị. Sau khi sự nóng giận của tôi không còn nữa, tất cả quý vị được thể nghiệm tốt. Tôi là người duy nhất mệt mỏi. Khi la quý vị, tôi phải rơi xuống cùng một cảnh giới như quý vị -thế giới vật chất, để có thể nâng quý vị lên.

Cho nên không phải lúc quý vị chết tôi mới đến nâng quý vị lên. Không! Bất cứ giờ phút nào cũng có mọi cảnh giới: Địa Cầu, Tịnh Thổ và Thiên Đàng. Tùy bên trong chúng ta cảm thấy thế nào. Khi thấy ánh sáng tức là quý vị đang ở Tịnh Thổ. Nhưng khi đẳng cấp quý vị rơi xuống, hoặc bị tôi la, quý vị trở về cảnh giới vật chất. Khi quý vị ra khỏi thân thể đi Tịnh Thổ vĩnh hằng thì không cần phải la rầy quý vị; nhưng quý vị nên tu hành đàng hoàng bây giờ thì mới được đến Tịnh Thổ vĩnh hằng.

Giả sử tôi chết được vì quý vị, xuống địa ngục vì quý vị, tôi sẽ sẵn sàng. Nhưng không làm được. Tôi chỉ có thể làm một nửa hoặc hai phần ba, không thể lấy tất cả giùm quý vị. Không phải là tôi muốn la rầy quý vị. Không, tôi không muốn. Nếu chịu đau khổ cho quý vị được để quý vị hạnh phúc và tu hành giỏi, tôi rất muốn. Tôi luôn luôn ao ước được làm điều đó. Khi khổ, tôi cầu nguyện khổ thêm nữa. Một mình tôi chịu bao nhiêu cũng không sao, miễn là có lợi cho chúng sinh và quý vị cảm thấy tâm hồn thoải mái hơn và tu hành tốt.

Cho nên, đừng cảm thấy phiền lòng trước sự nóng giận của tôi. Một mình tôi chịu được. Nếu trong cuộc bế quan này quý vị tiến bộ thì sự chịu đựng của tôi rất đáng. Nếu phải khóc trong đau đớn tôi cũng không màng. Tôi chịu được dù cái khổ ấy có tăng lên gấp bội. Quý vị sẽ không thấy quý nếu tôi cư xử với quý vị bình thường hoặc để cho quý vị thảnh thơi quá mức. Tôi phải dùng nhiều phương pháp khác nhau để mà dạy quý vị.

Quý vị ai cũng biết câu nói: Thầy nghiêm túc thì học trò giỏi. Tôi quan tâm tới sự tiến bộ của quý vị, cho nên tôi nghiêm khắc. Bây giờ quý vị đã hiểu câu này. Đa số hoàn cảnh ở đời làm cho quý vị hư hỏng, làm quý vị thoái hóa rồi luân hồi. Quý vị muốn tôi nuông chiều sao? Quý vị đã được chiều chuộng bởi những lời khen tặng ngoài kia, bị lừa dối bởi những câu nói ngọt ngào của kẻ khác và bị ràng buộc bởi tình cảm con người. Quý vị muốn tôi đối xử quý vị kiểu đó nữa hay sao?

Quý vị nên hiểu thương thật sự là như thế nào. Không phải dùng lời ngon tiếng ngọt hay tình cảm con người để ràng buộc người khác, mà cho quý vị thật sự tập luyện, rửa quý vị khỏi những nghiệp chướng tối đen, và giúp quý vị khôn lớn trở thành một người đáng yêu, có tinh thần trách nhiệm. Những người ngày nào cũng chỉ trách móc, than thở, là họ chỉ nghĩ tới bản ngã của họ mà quên đi lực lượng vạn năng ở bên trong. Thật sự chúng ta không cần gì cả. Có thể bây giờ quý vị còn cần một chút vì chưa đủ lớn khôn. Nhưng phải biết rằng những cái đó không quan trọng. Chúng ta không cần những lời ngon ngọt. Sao trưởng thành được nếu lúc nào cũng lệ thuộc vào những thứ ngọt ngào bên ngoài nhìn thì có vẻ thân thiện lắm? Nếu không thể chịu được những lời la mắng tức là chúng ta vẫn còn bị trở ngại và ràng buộc vào những lời ngon ngọt.

Thỉnh thoảng tham gia bế quan chắc chắn là có lợi cho quý vị. Mỗi Trung Tâm nên có một nơi yên lặng cho đồng tu có thể đến cộng tu hoặc tổ chức thiền nhất hay thiền nhị mỗi tuần. Quý vị tọa thiền cả ngày ở chỗ này, xem băng hay nghe băng của tôi. Quý vị sẽ thật sự tiến bộ và sẽ thấy mình khác ra trong vài tháng. Nếu quý vị thật tình tuân theo luật lệ hành thiền và tổ chức thiền nhất hay thiền nhị ở Trung Tâm địa phương mỗi tuần, cũng rất có lợi. Tôi không cần phải có mặt. Thật ra tôi có mặt mỗi khi quý vị nghĩ đến tôi.

Quý vị sẽ thấy mình khác như thế nào sau khi tu nhiều. Lúc đó quý vị sẽ sung sướng, cảm thấy phấn khởi, biết rằng tu hành quả là lợi ích. Tuy nhiên, nếu quý vị tu hành cẩu thả, lười biếng sẽ không có lợi, rồi một ngày nào đó quý vị sẽ bỏ cuộc bởi không thấy kết quả tốt để làm cho mình hứng khởi. Cũng như một anh học trò sau khi học một năm ở trường không được lên lớp, rồi nghĩ rằng: "À, học hành vô ích. Học một năm rồi mà chẳng được gì cả!" Những học trò kia lên lớp cao, họ sẽ trở thành người có học vấn, sau khi tốt nghiệp có thể làm luật sư, bác sĩ. Họ có thể giúp người và giúp chính họ. Họ sẽ cảm thấy tự tin, sung sướng bởi họ đã gặt hái được một cái gì đó trong khi học. Nếu chúng ta tu hành biếng nhác thì cũng giống như những người học trò lười kia không tốt nghiệp được, rồi chúng ta sẽ cảm thấy tu hành không có lợi.