PDA

View Full Version : Mưa Ngâu Tháng Bẩy - Phan Thị Thu Loan



quachtinhdaica
05-22-2007, 12:05 AM
Mưa Ngâu Tháng Bẩy
Phan Thị Thu Loan


1.
Thi đến Đà Lạt vào một chiều tháng bẩy. Trời trở lạnh. Chiếc Hon đa ôm chạy khá nhanh, hơi lạnh của cao nguyên thấm dần vào người cô qua lần áo thun mỏng. Khách sạn nhỏ Thi chọn nằm trên một ngọn đồi, gần biệt điện vua Bảo Đại. Những cây thông cao vút, thân thẳng tắp bao quanh khu nhà. Dưới cửa sổ phòng Thi là một cây Mimoda xum xuê, tràn trề nhựa sống. Tán lá xanh non phủ lớp phấn bàng bạc đỡ lấy những chùm nụ dài phơ phất. Phải đến tháng mười, Mimosa mới nở rộ. Thi thấy lòng phấp phỏng một mong muốn. Ước gì lại được chiêm ngưỡng những chùm hoa Mimoda vàng mơ, nở bung trong không gian mát lạnh và bao la của ngọn đồi yên tĩnh này!
Đêm cao nguyên xuống thật nhanh, mưa bụi bay lất phất. Thi khoác chiếc áo thể thao lên người và chậm rãi thả bộ xuống phố. Gọi là phố nhưng dưới chân đồi chỉ có một dãy quán nhỏ bán cháo bò nóng và hoa quả miền ôn đới. Thi chọn mua một giỏ dâu tây xinh xắn. Cầm lên một trái đỏ lấm tấm những chấm mắt nhỏ như hạt mè, Thi nhấm nháp vị ngọt thơm nức lan tỏa nơi đầu lưỡi. Về đến tận phòng mà cái mùi thơm thật đặc biệt ấy vẫn còn lưu lại trong miệng cô. Đặt giỏ dâu lên bàn, Thi cầm điện thoại di động lên bấm số. Những con số quá đỗi thân thương. Hàng phím nhỏ xíu nảy lên dưới ngón tay Thi như nhịp tim bồi hồi của cô gái. Thi mỉm cười nhắn một dòng tin và ngả người xuống giường, phấp phỏng chờ đợi.
Ánh mắt mơ màng của Thi hướng ra khung cửa sổ, những đám mây bay lơ lửng trên nền trời như được nhuộm gam mầu hồng tím. Thi ngắm nhìn và ngạc nhiên thấy mây bay thật nhanh, và rất gần. Tưởng chừng như giơ tay lên Thi có thể với tới chúng. Nghĩ đến lúc được chia sẻ ý nghĩ này với Bảo, Thi chợt mỉm cười. Cô sẽ dành cho Bảo một bất ngờ thú vị khi gặp cô ở đây, không hề hẹn trước. Đã lâu rồi hai người chưa hẹn hò với nhau từ khi Bảo vào làm việc tại một công ty liên doanh với nước ngoài. “Anh bận lắm, thông cảm cho anh nhé”. Câu nói cửa miệng của Bảo qua điện thoại không làm Thi buồn lòng. Ngay từ khi còn là sinh viên Thi vẫn thường nghe câu nói quen thuộc ấy những lúc Bảo phải học thi hay làm đề án tốt nghiệp. Chỉ cần thấy lại khuôn mặt chân thành của anh với nụ cười hồn hậu là Thi quên hết những đêm thao thức, trằn trọc vì thương nhớ. Thi nghèo, bản tính rụt rè lại không biết ăn mặc, được Bảo để mắt đến đã là may mắn. Thi không ngờ cái duyên thầm của mình đã cuốn hút anh. Ngay hôm đầu tiên Thi xuất hiện trong lớp, Bảo đã nhìn thấy một nàng công chúa trong lớp vỏ Lọ Lem. Khuôn mặt trái xoan với đôi môi đầy đặn, nhạy cảm của Thi đã hút hồn Bảo. Phải công nhận Thi ăn mặc quá đỗi xuềnh xoàng. Nhưng trong con mắt Bảo, cái áo thun cũ kỹ của Thi vẫn không giấu nổi một khuôn ngực mới nhú đầy xuân sắc. Với đôi chân dài đầy đặn trong chiếc quần lỗi mốt, Thi vẫn lôi cuốn Bảo hơn những cô gái thị thành có cặp đùi trắng nhễ nhại phơi ra dưới những tấm váy siêu ngắn. Cả khoa văn ngạc nhiên khi biết Bảo, một chàng đẹp trai - con nhà giàu - học giỏi lại mê Thi - cô bé nhà quê cóc cáy. Bọn con gái “quý tộc” trong giờ chơi đã xúm lại chế giễu Thi từ đầu tóc đến áo quần, cố gắng nói to để lọt vào tai Bảo, không ngờ Bảo lại tươi cười giải vây cho Thi: ”Này, ma cũ bắt nạt ma mới đấy à?”. Câu nói đầy uy lực từ cái miệng “có duyên chết người” của anh lập tức phát huy tác dụng. Các cô gái nhanh chóng tản ra với những nụ cười hối lỗi. Thi tặng Bảo một ánh nhìn hàm ơn và nhận lại cái nháy mắt thân tình. Thế là bắt đầu một tình yêu đẹp như cổ tích của chàng hoàng tử xứ sở ngàn hoa với cô gái Huế có giọng nói ngọt ngào như mật...
Đêm dường đã về khuya. Thi trằn trọc mãi trên giường, không sao chợp mắt. Nỗi phấp phỏng hồi hộp từ ban chiều dần chuyển sang niềm lo lắng. Vì sao Bảo không gọi lại? Anh đã nhận được tin nhắn của mình chưa? Suy nghĩ hồi lâu, Thi đánh bạo nhấc điện thoại bàn gọi đến nhà anh. Một giọng phụ nữ đài các cất lên làm cô hoảng hốt. Bao giờ cô cũng mất tự chủ khi phải đối mặt với giọng nói sang cả đó. Bảo đi đâu từ chiều chưa về. Thi chỉ hiểu được có thế khi hơi thở đã điều hoà và trống ngực bớt dồn dập. Đặt ống nghe xuống, Thi thầm trách thói nhát gan của mình. Mà không nhát gan sao được khi đó là mẹ Bảo, xuất thân từ dòng dõi hoàng gia, chủ nhân ngôi biệt thự lộng lẫy nhất nhì Đà Lạt? Bà nổi danh khó tính, nhất là trong khâu lựa chọn nàng dâu. Anh trai Bảo đã phải trải qua ba mối tình mới tìm được người tạm gọi vừa lòng mẹ! Mà Thi lại vừa nghèo, vừa quê nữa. Làm sao cô có thể xứng đôi vừa lứa với con trai yêu quý của bà! Mỗi khi nghe Thi nói thế, Bảo liền trách cứ: “Em nghĩ thế làm gì cho mau già! Anh không dễ bảo như anh hai đâu”. Cứ tếu táo như thế và cười trừ. Thế là Thi lại gạt mối lo ngại sang một bên để hẹn hò với Bảo.
Những ngày mưa dầm rả rích buồn thấu ruột cũng không làm họ thôi gặp gỡ nhau. Mưa xứ Huế rơi xiên, dai dẳng lạ lùng. Chẳng có thứ ô nào chịu được một mùa mưa gió. Thi và Bảo khoác hai tấm áo ny lông thật dày nắm tay nhau đi dọc đường Lê Lợi, ngắm dòng Hương Giang lặng lờ trôi dưới làn mưa tầm tã. Những vệt đèn màu hắt xuống từ thân cầu Tràng Tiền lấp loáng trên mặt nước mênh mang. Cứ mỗi lần đi dạo về Thi lại làm thơ, những vần thơ dường cũng như thấm đẫm nước mưa. Bảo say thơ Thi lắm, thường khen cha mẹ cô sao khéo đặt tên con. Những lúc ấy Thi chỉ cười, khoe hai lúm đồng tiền xinh xắn.
Tốt nghiệp đại học xong, Bảo đã một lần mời Thi về quê anh Đà Lạt. Trước hôm đến thăm nhà Bảo, Thi được cùng anh hưởng trọn một buổi tối không thể quên với những người bạn mới quen trên cao nguyên Lang Bian lộng gió. Một tối lửa trại đầy quyến rũ trên núi cao có thể khiến khiến đôi lứa yêu nhau gắn bó suốt một đời.
Buổi sáng cao nguyên tinh khiết và yên tĩnh. Những đám mây trắng xốp bay ngang cửa sổ. Thi mở mắt, mỉm cười dịu dàng. Ngày hôm nay anh sẽ đưa cô về thăm mẹ và thưa chuyện với bà. Thi không vội thức Bảo dậy ngay, cô quay sang ngắm anh đang say ngủ, cảm giác hạnh phúc và tin cậy tràn ngập tâm can...
Thi trở mình thở dài, cố gắng gạt khỏi tâm trí mình cái ngày bất hạnh, khi lần đâu tiên phải đối mặt với mẹ Bảo. Người đàn bà sang trọng đó đã nhìn Thi với ánh mắt ghẻ lạnh, tưởng chừng làm đông cả máu trong từng huyết mạch của cô. Bảo đau đớn hiểu rằng mẹ anh không chấp nhận một đứa con dâu dân dã như Thi. Hỏi cưới Thi cho Bảo ư? Không đời nào! Mẹ anh đã nhiều lần đay nghiến, mỉa mai những cô gái xuất thân nghèo khó, cứ một mực trèo cao. Trước ánh nhìn nhọn sắc như mũi khoan của mẹ Bảo, Thi càng co rúm lại. Cô muốn chạy thật nhanh khỏi nơi ấy, trốn khỏi sự soi mói không chút khoan nhượng của bà.
Gió thổi mạnh dần, mưa tí tách rơi trên mái ngói. Thi cảm nhận được nỗi cô đơn đang nhấn chìm mình. Cô thèm được ở bên Bảo và lắng tiếng mưa rơi. Có Bảo, mưa không bao giờ buồn, không bao giờ lạnh. Trái lại mưa còn làm Thi thấy ấm lòng, thấy mình được che chở trong vòng tay âu yếm của anh. Giá như mẹ Bảo yêu thương Thi, cô sẽ là một người hạnh phúc. Thi chợt nhớ đến cuộc gọi ban nãy. Mong sao bà không nhận ra giọng nói của Thi! Nhưng đã có mấy cô gái Huế quen được Bảo cơ chứ? Chắc chắn bà đã đoán ra và chọn giải pháp im lặng! Tia hy vọng gặp lại Bảo đêm nay tắt ngấm. Thi chỉ còn biết trông đợi ở ngày mai. Cô với tay tắt phụt ngọn đèn, cố dỗ dành giấc ngủ.

2.Bảo vừa ra khỏi cuộc nhậu ồn ào, anh bật điện thoại di động lên, bất ngờ thấy tin nhắn của Thi. Bảo bối rối vô cùng. Vì sao Thi đường đột lên đây mà không hề báo trước? Có nên đi gặp Thi lúc này không? Hay là để sáng mai? Bảo nhìn đồng hồ, thấy đã gần nửa đêm. Thôi, hẹn Thi sớm mai gặp nhau vậy. Đến khách sạn Đồi Thông giờ này quả là bất tiện, có khi còn rắc rối phiền hà. Thi không biết cô đã vô tình chọn đúng nhà nghỉ của mẹ anh hùn vốn cùng em gái. Nếu Bảo xuất hiện ở đó thì mọi thứ đều sẽ rối tung lên. Anh định gọi di động cho Thi, nghĩ thế nào lại đổi ý, chỉ nhắn đi một dòng tin. Sau đó Bảo tắt điện thoại, trèo lên chiếc @ to kềnh càng, mở máy phóng thẳng về nhà.
Bà Son đích thân ra mở cửa. Bảo hơi giật mình. Mẹ còn thức, thật trái với lệ thường. Bảo chào mẹ và đưa mắt quan sát khuôn mặt của bà dưới mái tóc bạc như cước. Mỉm cười nhìn con trai, bà hỏi: “Sao giờ này con mới về?”, “Mẹ còn chưa ngủ à?”, Bảo hỏi thay cho câu trả lời. “Mẹ sốt ruột quá. Hôm nay mà con còn đàn đúm, nhậu nhẹt. Ngày mai thì thế nào đây?”, “Mẹ đừng lo, con chuẩn bị kỹ lắm rồi. Mai con đi Thành phố, hôm nay bạn bè bắt khao, con không trốn được đâu”. “Ừa, là nhắc vậy thôi, mai mốt có vợ rồi, sẽ có người thay mẹ khuyên nhủ con”. Bảo cố gượng cười, nhìn mẹ đi lên lầu rồi quay lại đóng then cửa.
Nước nóng từ vòi sen từ từ xối trôi bớt nỗi bối rối trong lòng Bảo. Thi lên đây, chắc chắn đã biết được điều gì đó về Thoa, cho dù anh cố giấu. Biết làm sao được, số phận đã sắp đặt cả rồi. Thi có người đi hỏi, lại là Việt kiều Mỹ, thật danh giá đối với gia đình cô. Thi có đổi dạ thay lòng cũng không nỡ trách cô ấy được. Mẹ mình đã chẳng nói rằng thà từ bỏ đứa con yêu quý nhất còn hơn phải chấp nhận Thi là con dâu đấy ư! Thôi thì trời chẳng chịu đất, ắt đất phải chịu trời. Còn hơn đổ cửa đổ nhà, gia đình tứ tán. Bây giờ Bảo hiểu vì sao anh hai phải hơn một lần đành đoạn xa lìa người mình yêu. Nhưng oán hận mẹ thì Bảo không làm nổi. Mẹ có lý do, quá đủ lý do để trở nên khắc nghiệt như thế.
Bảo lau người, mở tủ áo lấy bộ pigiama màu đồng sẫm mặc vào. Đôi mắt anh chợt dừng lại ở chiếc váy cưới bằng voan trắng muốt. Mẹ đã cho người đi nhận về từ lúc nào? Anh thận trọng đưa tay chạm khẽ vào vòng hoa cam được gắn rất tinh tế với những hạt trân châu sáng bóng. Tất cả đều được đặt ở Pháp, được chuyển về bằng đường hàng không. Tất cả toát lên vẻ xa hoa đài các. Mọi thứ đã được mẹ chuẩn bị kỹ càng cho đám cưới của anh và Thoa, con gái một người bạn của mẹ ở Thành phố. Anh chỉ mới gặp cô ấy hai lần. Thoa đẹp một cách nhạt nhẽo, vô cảm, thật tương phản với vẻ thuỳ mị, duyên thầm của Thi. Nghe Thi có người giàu sang đi hỏi, Bảo đau xé ruột, nhưng không ngăn cản. Anh biết Thi đã khổ tâm vì mẹ anh nhiều năm rồi. Thi đã gần 30, tuổi toan về già của người con gái. Bảo không thể trái ý mẹ để cưới Thi. Một đời mẹ đã chịu bao muộn phiền, cay đắng. Chưa đến 60 mà mẹ anh đã tiều tuỵ lắm, tóc bạc da mồi. Bảo đành xót xa gật đầu. Ngày mai anh sẽ đón Thoa về đây gặp mẹ để tháng tám chính thức hỏi cưới cô. Còn lâu thế mà mẹ đã nhắm vóc người Thoa để tự đặt mua bộ váy cưới này. Bảo thở dài, cố nén nỗi buồn xưa nay câm lặng đang dâng lên, đòi gào thét trong anh.
3.
Bà Son đã từng tuyên bố không bao giờ cho Bảo lấy Thi, cháu gái người lái xe hơi cho gia đình bà khi còn ở đất kinh thành. Ngày đầu gặp Thi, biết lai lịch gia đình cô, bà đã nhận ra cô qua hình ảnh người mẹ. Con bé Phúc tóc đỏ cháy, áo nâu vá chằng vá đụp ngày xưa thường đem cơm đến cho anh nó là Thuyên. Tuy bây giờ con gái của Phúc đã là cử nhân thật đấy nhưng làm sao xoá được gốc gác nghèo hèn!? Đũa mốc lại dám chòi mâm son ư? Nếu chuyện ấy mà nên được thì tóc bà đã chẳng bạc trắng như bông thế này!
Ngày ấy, anh Thuyên - tài xế xe hơi cho gia đình cô Son là một thanh niên đẹp mã. Tuy nghèo nhưng vốn là cựu sinh viên, có chút chữ nghĩa nên anh rất được cô Son, con gái ngài quận trưởng quý mến. Cha anh sớm mất vì bạo bệnh. Bí thế anh đành bỏ học, làm nghề lái xe thuê. Thấy anh ăn nói lưu loát, xử sự lịch thiệp, ngài quận trưởng tuyển anh về giúp việc cho gia đình. Khi cô Son cần ra ngoại thành vãn cảnh, anh vừa là tài xế vừa là hiệp sĩ bảo vệ cho cô, nên cha mẹ cô yên lòng lắm.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nữa là cô tiểu thư mơ mộng với chàng sinh viên thất thế ngày lại ngày kề cận, bên cảnh sắc sông Hương núi Ngự hữu tình. Họ đã thề non hẹn biển, trao thân gởi phận cho nhau.
Cho đến một ngày, cô Son bỗng chán cơm, thèm ăn khế và nôn khan. Thoáng nhìn qua, quan quận đã biết rõ nội tình. Mặc cô Son van lạy cách mấy, ông cũng bắt phu nhân dằn ngửa mặt cô ra, bóp miệng dốc vào mấy thang thuốc trục thai. Cô Son tìm cách móc họng, nôn bằng hết, hy vọng giữ được đứa con đầu. Trước đó cô và Thuyên đã bí mật toan tính ngày khăn gói ra đi.
Anh Thuyên về quê chào mẹ. Dọc đường vào làng, anh bị một toán người hành hung suýt chết. Mọi việc xảy ra trong đêm đen câm lặng. Khi bị đưa lên thuyền đi mạn ngược làm phu lục lộ, anh Thuyên mới được một người lính cùng quê thương tình cho biết thảm cảnh của cô Son. Anh nhảy xuống sông, quyết bơi về cứu cô cùng đứa con. Lính trên thuyền phát hiện, bắn như vãi đạn xuống sông, phút chốc anh chìm lỉm. Trời thì tối, nước lại sâu, mọi người đành thúc thủ, không vớt được xác anh. Toàn bộ đám lính ấy bị đưa ngay ra chiến tuyến làm bia đỡ đạn, bịt mọi lời đồn thổi lôi thôi.
Chờ mãi không thấy Thuyên quay về, cô Son cứ ngỡ anh thay lòng đổi dạ. Sự tuyệt vọng của cô biến thành nỗi căm hận. Cô không từ chối những bát thuốc nữa. Cô muốn cắt đứt sợi dây duy nhất nối với anh, sợi dây cứu tinh mà một tuần trước đây cô còn muốn đem cả tính mạng mình ra đánh đổi.
Một buổi sáng sau đó ít ngày, dân chài trên sông Hương vớt được xác anh Thuyên vướng vào chân cầu Mới.
Tin dữ bay về đến nhà. Cô Son vừa nghe được, lập tức ngã lăn ra. Máu tuôn xối xả, đỏ cả chỗ cô nằm. Sáng hôm sau, cái thai vừa xổ xong, toàn gia kinh hoàng thấy chân tóc cô bạc trắng.
Để tránh mọi tai tiếng và để vẹn tròn danh tiết cho tiểu thư, quận trưởng tức tốc gả cô Son cho một người cháu họ xa với món của hồi môn thật lớn cùng một biệt thự sang trọng tận trong Đà Lạt. Từ đấy, ở chốn kinh thành, không ai còn nghe nói gì về cô Son, một giai nhân tuyệt sắc của đất Huế xưa.
Lấy chồng xa nhưng vận rủi với cô Son nào đã dứt. Cô không bao giờ bước chân về Huế, nhưng sau vài lần một mình trở lại quê nhà, chồng cô dần biết được mọi chuyện, đã đem tài sản nướng hết vào vận đỏ đen. Duy chỉ có căn biệt thự là cô liều chết giữ bằng được, không cho ông đem cầm cố. Sau năm 75, ông ấy đã sang định cư tại Mỹ. Từ đó cô ở vậy nuôi con. Cô cũng không cần nhuộm tóc nữa. Mái tóc bạc như cước trên đầu đảm bảo cho cô và các con một cuộc sống yên ổn, cam phận, không bị đàn ông quấy rầy ngay từ tuổi 30.
4.
Thức giấc trong tiếng rơi đều đều của mưa ngâu. Thi thấy lòng chùng xuống buồn bã quá. Cầm điện thoại di động lên, cô giật mình thấy có tin nhắn. “7 giờ sáng mai gặp em ở Cà phê Phố Núi nhé”. Thi vội vã chồm dậy. Đôi mắt chợt dừng lại ở con số 8 trên đồng hồ, Thi hoảng hốt rủa thầm mình. Trời mưa lạnh, lại thức khuya, cô đã ngủ thiếp đến tận bây giờ. Đang cuống quýt chưa biết làm gì, lại thấy máy báo hiệu một tin nhắn nữa. “Đợi mãi không thấy em. Anh có việc phải đi. Chào em!”. Không hẹn gặp lại, thế là sao? Thi bấm vội số máy của anh, chỉ nghe thông báo không liên lạc được. Mắt Thi mờ đi, lấp loáng nước. Trong phút chốc, Thi thấy choáng váng. Cô đổ vật xuống giường, nức nở khóc.
“Ở tận nơi nào xa ngái , anh ơi có nhớ ngày xưa? Nhớ một chiều thu ướt mưa. Mây xám lặng buồn khôn tả. Con đường trơn tơi bời lá. Gió xao động cả dàn hoa. Anh bảo dù có cách xa, đến tận cùng trời cuối đất. Vẫn chỉ yêu em thành thật. Anh là riêng của em mà. Rồi đã bao ngày trôi qua... Em ngỡ còn đang nhìn thấy, bóng anh mưa gội nhạt nhoà”...
Tiếng mưa buồn như vần thơ Thi viết tặng Bảo trong mấy năm xa cách. Thi vừa đem trả lễ hỏi cho vị Việt kiều nọ và đã lặn lội lên đây. Thế mà anh... Bảo không còn yêu Thi nữa ? Hay Bảo đã biết về đám hỏi kia? Nỗi đau nhói lên sắc lạnh trong lòng Thi. Đến gần trưa, cô mới gượng ngồi dậy, đôi mắt nhìn vẩn vơ vô hồn... Dẫu sao cô cũng phải gặp anh một lần trước khi thật sự chia tay.
Thi đã nghe bạn bè truyền tai nhau về đám cưới nay mai của anh với cô gái đẹp ở thành phố. Cô gần như chẳng hy vọng gì ở sự đổi ý của mẹ anh. Nhưng Thi không muốn Bảo đau lòng. Cô sẽ nói với Bảo mình không hề oán hận anh. Thi chỉ muốn gặp anh lần cuối, sẽ cầu phúc cho hai người và cố quên tất cả.
Nhìn làn dâu tươi đỏ trên bàn, nhớ lại vị ngọt thơm nức chiều qua, Thi thấy lòng bình tĩnh lại. Có thể Bảo quá bận rộn, phải đi công chuyện cả vào cuối tuần. Có thể anh đang ở nơi không có sóng! Thi cầm điện thoại nhắn sẵn một dòng tin ”Em đợi anh. Về đến Đà Lạt, nhớ gọi cho em nghe!”. Bảo sẽ nhận được ngay khi vừa mở máy, và Thi sẽ cố bình thản nói lời chia tay...
Thi vào nhà tắm, thong thả cởi chiếc áo ngủ. Thân hình thon thả nhưng đầy đặn của Thi phản chiếu từ trong gương, lung linh dưới làn nước ấm. Tắm xong, Thi chọn mặc chiếc quần màu cà phê sữa, áo sơ mi trắng, những gam màu trang nhã mà Bảo vẫn thích. Mái tóc cô óng ả màu hạt dẻ, chẳng cần phải nhuộm như con gái thời nay. Thi thấy hài lòng với mình. Cô với lấy chiếc túi xách tay, định xuống nhà ăn. Nghĩ thế nào lại bước đến gần cửa sổ, nhìn ra ngoài. Mưa rơi nặng hạt. Những chùm nụ Mimôda vàng run rẩy trong làn nước không ngừng trút xuống.
Một người mặc áo mưa trùm kín thân đang bước trên con đường nhỏ dẫn vào khách sạn. Ai thế nhỉ? Sao giống Bảo lạ lùng! Thi tưởng mình hoa mắt. Cô nheo lại nhìn kỹ hơn. Đúng Bảo thật! Anh dừng lại trước cửa sổ phòng Thi và nhận ra cô đang dán mặt vào tấm kính. Trái với lời hứa với chính mình là sẽ bình tĩnh, Thi cuống quýt vơ vội tấm áo mưa, chạy ào xuống đường.
Họ đi bên nhau trên phố núi, trong cơn mưa dai dẳng. Vẫn là mưa ngâu tháng bẩy như ở Huế xưa. Lời chia tay Thi định nói bỗng đông cứng lại trong miệng cô. Bảo vừa nói gì thế? “Anh không đi Thành phố nữa. Anh sẽ đón em về nhà, em sẽ sống cùng với anh và mẹ”. “Mẹ anh sẽ không bao giờ chấp nhận…”. “Tin anh đi. Bây giờ anh đưa em về nhà, em chịu không?”
Thi không tin vào tai mình. Nhưng Bảo đưa cô về nhà thật. Ngay trong buổi chiều hôm ấy. Thi đâu ngờ việc Bảo quyết định như vậy lại liên quan đến chuyến đi Đà Lạt của bà Phúc, mẹ của Thi.

5.
Bà Phúc dò dẫm mãi mới tìm được ngôi biệt thự của mẹ Bảo. Mưa như chan trên gương mặt lam lũ của bà. Chiếc nón bài thơ Thi mua tặng mẹ đã bẹp rúm, ướt sũng nước. Gió cao nguyên ào đến cuốn nó rơi xuống dốc. Chiếc xe ôm chạy nhanh lên đồi. Chiếc áo mưa tiện lợi chỉ che được nửa thân trên, bà Phúc run lập cập. “Trên ni mưa sớm quá. Dưới Huế mình chừ còn nóng như rang”. Bà lẩm bẩm rồi chào anh xe ôm, mò mẫm bấm chuông cổng.
Cô gái già giúp việc định cầm ô chạy ra nhưng bất giác khựng lại. Bà già quê mùa kia chắc là muốn hỏi đường. Mưa gió thế này ngại quá. Tính làm lơ nhưng tiếng chuông vẫn cất lên bền bỉ. Đành phải ra thôi. Cô gái già nhẩm sẵn trong miệng một câu gắt gỏng, nhưng kịp nuốt xuống khi nghe khách hỏi ”Xin lỗi chị, bà Son có ở nhà không?”. “Có”. Cô đáp cộc lốc. “Hỏi có chuyện gì?” “Tôi ở Huế, vô đây tìm bà Son có chút việc.” Không chừng là bà con của bà chủ. Cô nhanh nhảu mở cổng, quày quả đi trước dẫn đường. Bà Phúc cởi tấm áo mưa bỏ ngoài hiên, lục giỏ xách lấy chiếc khăn lau mặt thật kỹ rồi mới vào nhà.
Bà Son bước xuống lầu, nhìn mãi vẫn không nhận ra mặt khách. Bà Phúc trái lại, vừa thấy mái tóc bạc như cước của bà Son đã ứa nước mắt. Nhớ ngày đón dâu từ Huế về Đà Lạt, thập thò bên bụi chè Tàu, con bé Phúc đã kinh ngạc nhận thấy mái tóc chị Son bạc hẳn mấy phân ngay nơi chân tóc, chẳng khác gì vành khăn tang trắng con bé đang chít trên đầu. Anh Thuyên vừa mất được ít ngày, chị Son đã phải đi lấy chồng. Đôi mắt chị lạnh tanh như mất hồn. Xung quanh chị người ra vào tấp nập. Phúc không dám đến gần để đưa cho chị bức thư anh Thuyên gởi người canh ngục trao lại cho nó trước ngày lên thuyền đi mạn ngược. Anh còn chưa biết chị Son đã mang thai... Ôi chao, mới thoáng đó đà mấy chục năm trời.
“Chị Son ơi, em là Phúc, em gái anh Thuyên đây mà”. Bà Son sững người, bước chân bỗng dưng loạng choạng. Bà phải vịn vào tay ghế, nhìn như nuốt lấy người kia. Phải rồi, đúng là con bé Phúc ngày ấy. Nó là em gái của Thuyên, là mẹ của con Thi. Nét mặt bà chợt nghiêm phăng phắc, rắn như đá tảng. Em gái người đàn ông đã rời bỏ bà lúc bụng mang dạ chửa, bước vội lên thuyền tìm đường trốn chạy, trời bắt tội hụt chân mà chết đuối đây ư? Bà đã khóc anh ta suốt đêm, giữa những cơn đau thốn ruột đến nỗi bạc trắng cả mái đầu. Sau cơn đau là nỗi hận. Sau nỗi hận là mối nhục tha hương. Cuối cùng là niềm cô quạnh gần cả một kiếp người! Còn gì mà bà không phải trải qua để trả giá cho mối tình không môn đăng hộ đối ấy? Bà lên giọng mắng nhiếc, kể lể cho nguôi nỗi đau nhân thế chất chứa trong lòng.
Bà Phúc im lặng nghe và lén lau nước mắt. Chị Son thật đáng thương. Không ngờ bao nhiêu năm qua, chị ấy vẫn chưa hề biết sự thật. Anh Thuyên chết thảm thế mà vẫn bị hàm oan. Chỉ vì mình không dám đưa bức thư này cho chị ấy. Xưa nay, bức thư vẫn nằm yên trên bàn thờ, dưới bát nhang của anh Thuyên. Bà Phúc không cất nổi lời, lập cập moi tờ giấy ố vàng từ trong túi ny lông ra, hai tay kính cẩn đưa cho bà Son. Nhận ra nét chữ của Thuyên, bà Son ngạc nhiên tột độ. Bà lập bập đọc những dòng chữ nghiêng nghiêng, gần phai mực qua ngần ấy tháng năm “ ... Cha em đã sai người bắt trói rồi đánh anh gần chết. Anh sắp bị áp tải lên mạn ngược làm phu lục lộ. Nếu còn giữ được mạng, anh nhất định sẽ về cưới em. Chờ anh nghe Son... “
Mắt bà Son nhoè đi. Lá thư rơi xuống vạt áo. Bà bưng mặt nức lên khóc. Chao ôi! Lầm lẫn của cả một đời người! Kiếp trước vụng tu thế nào mà ngày nay phải gặt toàn trái đắng? Bà đứng dậy, nắm lấy cánh tay gầy guộc của bà Phúc kéo lại gần. Họ ngồi thổn thức bên nhau trước con mắt tò mò của cô giúp việc. Hai người thổ lộ mãi cho đến lúc bà Son chợt bừng tỉnh, vội vã đến bên điện thoại, hối hả gọi cho Bảo. Lúc ấy là khoảng mười giờ sáng.
Nghe tin mẹ Thi lên Đà Lạt, Bảo đang ngồi trên chuyến xe du lịch đi Thành phố vội vàng lao xuống gọi tắc xi trở về nhà. Anh lo đến buốt ruột buốt gan. Chuyện này là thế nào đây? Chẳng phải mẹ Thi vừa nhận lễ hỏi của người ta hay sao? Bà lên đây làm gì chứ? Thôi phải rồi! Bà đi tìm bắt Thi về! Thi muốn gặp anh lần cuối trước khi lấy chồng và mẹ cô lo lắng quá nên vội vã đuổi theo. Mẹ anh và mẹ Thi, hai người ấy mà gặp nhau thì trời sập mất! Bảo hối hả rời tắc xi và mở cổng chạy ào vào nhà.
Quá bất ngờ nên Bảo đứng sững như trời trồng. Mẹ anh đang ngồi cạnh bà Phúc, thái độ thân mật đến khó tin. “Con đi tìm Thi về đây. Mẹ muốn gặp nó”. Bà Son tươi cười nói. Bảo vâng lời nhưng vẫn không hết thắc mắc cho đến khi cô gái già vẫy anh lại nói nhỏ đầu đuôi...
Vừa thoáng thấy bóng Thi cùng Bảo bước vào, bà Son đã niềm nở ra cửa đón. Thi ngạc nhiên đến độ bối rối. Cô khép nép chào bà. Lạ lùng hơn nữa là mẹ cô cũng có mặt trong ngôi nhà này. Vừa giáp mặt mẹ, Thi đột nhiên sợ hãi. Mình là đứa con gái mất nết. Mẹ phải đến tận đây mà tìm . Biết con gái mang lễ đi trả, mẹ đã khóc rất nhiều. Chắc mẹ đến để đưa mình về, giao tận tay nhà người ta! Thi muốn trốn chạy nhưng đôi chân cô như hoá đá.
Thi hoảng hốt đưa mắt cầu cứu Bảo. Lạ chưa? Anh đang mỉm cười. Vẫn nụ cười hồn hậu ấy. Cả bà Son và mẹ cô cũng cười! Thi tròn mắt lạ lẫm cho đến khi bà Son thân mật nắm tay, kéo Thi ngồi xuống cạnh bà.
Ngoài trời, mưa ngâu tháng bẩy vừa chợt ngừng rơi...


Phan Thị Thu Loan