PDA

View Full Version : Một Vài Tiếng Gọi Trẻ Con - Nguyễn Dư



VietLang
05-15-2007, 03:56 PM
Một Vài Tiếng Gọi Trẻ Con
Tác giả: Nguyễn Dư


Bài "Bình Ngô đại cáo" có câu:
"Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức, nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy" (1).

Trong nguyên bản chữ Hán, Nguyễn Trãi gọi vua Tuyên Tông nhà Minh, niên hiệu Tuyên Đức (1426-1435), là "giảo đồng" (đứa bé con gian hoạt, xảo trá). "Giảo đồng" được dịch là "trẻ ranh". Ai cũng hiểu trẻ ranh là trẻ con. Nhưng ngoài nghĩa thông thường là trẻ con, trẻ ranh còn có một ý nghĩa khác nữa.

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người ta cho rằng trẻ con đến lúc "đầy tuổi tôi" (đầy năm) mới thành người, chưa "đầy tuổi tôi" thì chưa thành nhân cách. Vì vậy trẻ con chưa đầy năm mà chết thì thành "ranh", chứ không thành ma.

Người đàn bà nào đẻ nhiều mà không nuôi được là mắc "con ranh con lộn", nghĩa là con ranh đầu thai sinh ra rồi chết đi, sau lại đầu thai lần nữa rồi chết, cứ thế mãi mãi. Muốn trừ nạn con ranh thì phải lấy xác đứa trẻ mới chết, chặt ra nhiều đoạn rồi mới chôn, cốt để làm cho con ranh sợ mà
không dám đầu thai lộn lại.

Loài ranh không phải là loài người, cho nên không được chôn lẫn lộn với người lớn. Cha mẹ không khóc, không thờ tự gì cả, hoặc chỉ thờ riêng chớ không thờ chung với tổ tiên (2).

Gọi Tuyên Đức là "trẻ ranh" là có ý khinh Tuyên Đức chưa đáng được làm người !

Ngày nay mấy tiếng "thằng ranh con" hay "con ranh con" thường được dùng để mắng chửi, miệt thị người khác. Ngày xưa, "đờn bà ranh con" có nghĩa là người đàn bà đẻ con hay chết (3), chứ không phải là tiếng mắng chửi. Bên cạnh "ranh con", ngôn ngữ Việt Nam còn nhiều tiếng khác để gọi trẻ con: ôn con, oắt con, nhãi con, lỏi con (hay lỏi tì), tí nhau... Những tiếng này được coi là những tiếng lóng của "văn chương bình dân" nên chưa được các từ điển giải thích và nêu rõ nguồn gốc.

Mời các bạn cùng thử tìm hiểu các kiểu gọi trẻ con này.

Ôn con

Ôn là gọi tắt của quan ôn. Quan ôn là ác thần gây ra bệnh dịch. Ôn con là trẻ con hay phá phách, làm người lớn khó chịu.

Oắt con

Oắt do chữ choắt đọc trại. Choắt nghĩa là bị khô teo lại. Oắt con là trẻ con gầy còm.

Nhãi con

Nhãi do chữ nhái mà ra. Nhái là con ếch nhỏ. Nhãi con là tiếng chỉ chung trẻ con bé nhỏ.

Lỏi con hoặc lỏi tì

Lỏi nghĩa là không đồng đều, khập khiễng. Tục ngữ có câu "Xấu đều hơn tốt lỏi". Lỏi con là đứa bé có thói khôn vặt.

Cũng có thể lỏi là do chữ lõi mà ra. Lõi là phần gỗ bên trong của thân cây cứng hơn phần vỏ bên ngoài. Lõi còn có nghĩa là sành sỏi, nhiều kinh nghiệm sống (lõi đời). Lỏi con là đứa bé cứng đầu, rắn mắt, tinh khôn.

Tí nhau

Tí nghĩa là rất nhỏ (bé tí), rất ít (một tí). Nhau (lau nhau, lúc nhúc) chỉ đám đông. Người ta thường nói lũ tí nhau hay đám tí nhau để chỉ đám đông trẻ con.

Trên đây là mấy tiếng tôi hay bị người lớn mắng...yêu thuở còn là "học trò thò lò mũi xanh". Chắc chắn còn nhiều tiếng địa phương khác được dùng để gọi trẻ con. Mời các bạn bổ sung...


Nguyễn Dư


Ghi chú:

(1) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Miền Nam, Hoa Kỳ (in lại)
(2) Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Sudestasie, Paris, 1985 (in lại)
(3) Huỳnh Tịnh Của: Đại Nam quốc âm tự vị, NXB Rcy, Saigon, 1895.