PDA

View Full Version : Một, Hai, Ba ... Chúng Ta Cùng Thề - Nguyễn Dư



VietLang
05-15-2007, 03:56 PM
Một, Hai, Ba ... Chúng Ta Cùng Thề
Tác giả: Nguyễn Dư


Trên đời có một việc thật dễ làm. Làm ở chỗ nào cũng xong. Từ đứa bé mới bập bẹ cho tới người gần đất xa trời, ai làm cũng được. Cái việc dễ làm đó là thề thốt, thề nguyền, thề bồi hay nói cho gọn là thề.

Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn.

Đến cả loài cá cũng biết rủ nhau đi thề. Quê hương chúng ta thật là thần tiên! Đầy mơ với mộng!

Thề là cái chi chi vậy? Các cụ dạy rằng: Thề là dùng lời nghiêm trọng mà ước hẹn điều gì, nếu không thực hiện đúng sẽ bị trừng phạt. Thề là nói chắc, hứa chắc một cách trịnh trọng, viện ra vật thiêng liêng hay cái quý báu nhất (như danh dự, tính mạng) để đảm bảo.

Ngày xửa ngày xưa...

Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 1 (1028), mùa xuân, tháng 2, làm đền thờ thần núi Đồng Cổ ở kinh sư, làm lễ minh thệ (...).

Khi làm lễ minh thệ, lập đàn ở trong miếu, đọc lời thề ở trước thần rằng: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần minh giết chết". Các quan từ cửa đông vào uống máu ăn thề. Bắt đầu từ ngày 25 tháng ấy. Về sau lấy làm lệ thường.

Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 3 (1227), (...) quan trung thư kiểm chính đọc tờ thề rằng: "Làm tôi hết lòng trung, làm quan thanh bạch, không giữ lời thề, thần minh tru diệt". Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để kiểm điểm các quan, ai vắng mặt phạt 5 quan tiền. Hôm ấy trai gái đi xem đứng kín như bức tường, ai cũng xem là việc lớn.

Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), mùa xuân, sau ngày rằm tháng giêng, vua ngự ra trường đua xem bọn đại thần Lê Sát và các quan văn võ trong ngoài tế cáo trời đất thần kỳ, thần núi cao sông lớn, giết ngựa trắng uống máu cùng thề.

Từ trung hưng về sau, định lệ hàng năm đến kỳ hội minh để thề thì quan Hình phiên chiếu theo sự lệ chuyển tư cho các nha môn tuân hành. Lập đàn ở bãi sông họp thề. Các quan uống máu cùng thề. Còn các xứ ngoại trấn thì sáu phiên chiếu theo xứ nào thuộc phiên nào thì gửi công văn khiến làm lễ. Lại sai các viên thuộc lại đến tận nơi trông coi việc thề. (Phan huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Lễ nghi chí, Sử học, 1961, tr. 206).

Năm 1399, Trần Khát Chân mưu giết Hồ Quý Ly ngay tại nơi tổ chức lễ thề. Chuyện không thành, Trần Khát Chân và hơn 370 người bị giết. Nhà Hồ bãi bỏ lễ minh thệ. Nhà Nguyễn cũng bỏ lễ thề. Tự Đức chê quy chế hội thề là thói hủ lậu của Lý, Trần.

Xét nội dung mấy câu thề thì chúng ta thấy rằng ban đầu lời thề chỉ ràng buộc giới hạn trong vòng vua tôi, cha con. Về sau lôi thêm cả các ông quan "tiêu cực" vào vòng lễ giáo. Đến thời nhà Lê trung hưng, không biết có phải tại vì số quan lại "tiêu cực" tăng tràn lan khắp nơi không mà triều đình phải phái mấy ông đại diện nho nhỏ tới chứng kiến lễ thề được tổ chức ngay tại các địa phương xa xôi?

Xưa cũng như nay, các nhân vật lịch sử của ta hầu như ai cũng đã từng thề trước thần linh, núi sông trời đất, hay trước bàn thờ tổ quốc, trước cờ hiệu.

Nếu thử lập bảng sắp hạng thi thề thì ông Lê Lợi chắc chắn là người xứng đáng đoạt danh hiệu vô địch. Ông đã từng long trọng thề trước mặt mọi người ít ra cũng là 5 lần: Lần thứ nhất cùng 18 đồng chí họp thề tại Lũng Nhai, cùng đứng lên đánh đuổi quân Minh. Lần thứ nhì thề trước mặt vợ và mấy tướng lĩnh thân tín, trước khi dùng vợ làm "vật tế thần". Lần thứ ba cùng các tướng thề đối xử hòa mục, tuân hiệu lịnh, theo pháp luật. Lần thứ tư cùng các tướng thề nhớ ơn Lê Lai. Lần thứ năm họp thề ở thành Đông Quan, đặt điều kiện cho quân Minh rút lui về nước.

Lễ thề của vua chúa phong kiến ngày nay không còn ai biết đến nữa, không phải vì thiếu người dự thề mà chỉ vì các bậc cha mẹ của dân mất độc quyền tổ chức thề. Tục thề đã đi sâu vào quần chúng mất rồi. Những buổi lễ tuyên thệ, tuyên hứa, giơ tay lên thề trước trời đất, cờ hiệu, hình tượng, ngày nay không còn phiền toái như xưa. Nhưng diễn viên và khán giả đã bị đảo lộn vai trò không biết từ thời nào? Ngày xưa trai gái đi xem các quan thề. Ngày nay các quan chức đi nghe đám trẻ thề.

Mảnh đất văn học mùa nào cũng nở rộ chuyện thề thốt. "Yêu cả một đời", "thù muôn đời muôn kiếp", "hy sinh đến giọt máu cuối cùng"... Đếm không xuể, ghi không hết.

May mà văn chương thường tỏ ra có hậu, cho huề cả làng, không gieo rắc thảm cảnh, chết chóc như chuyện cung đình đế vương.

Nổi tiếng và tiêu biểu nhất thì phải kể cuộc họp mặt tại Vườn Đào của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi đời Tam Quốc, thề kết nghĩa anh em, sống chết có nhau cùng khôi phục nhà Hán. Hơn một nghìn năm sau, ở bên kia trái đất có bốn chàng ngự lâm rút kiếm cùng thề "một người vì mọi người, mọi người vì một người".

Lãng mạn, da diết thì có lời Thề non nước của Tản Đà:

Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
(...)
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa ?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.

Người được chứng kiến nhiều cuộc thề thốt nhất chắc hẳn phải là cô Kiều của Nguyễn Du. Khách mày râu, nhẵn nhụi hay tua tủa, chẳng ai bảo ai mà đấng nào gặp Kiều cũng thề thốt, hứa hẹn vô tội vạ. Người đẹp bấm đốt tay đếm mà giật mình. Sao mà nhiều thế ! Thôi thì đủ mọi kiểu thề, nào là tiên thề (viết lời thề vào giấy), trăng thề (thề dưới bóng trãng), hương thề (cùng thắp hương lên thề), có lúc nhâm nhi chút rượu... chếnh choáng thề... Cô Kiều quả là bạo gan, dám cắt phứt cả mớ tóc đẹp đến cả mây còn phải thua của mình để làm bằng chứng cho lời thề. Hành động táo bạo của Kiều còn để dấu ấn đến tận ngày nay, tuy rằng mớ "tóc thề" dễ thương kia không nhất thiết muốn tỏ rằng các cô đã thề thốt gì với ai... Chàng Kim cũng khoái thề, đến nỗi chính chàng đã phải khiêm tốn tự thú :

Cùng nhau thề thốt đã nhiều
Những điều vàng đá phải điều nói không.

Đằng sau lũy tre làng, những người đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn chả mấy ai bày vẽ được như giới thượng lưu nghệ sĩ. Lễ thề của người dân quê được tổ chức giản dị, cốt sao cho phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của cuộc sống ở nông thôn. Chúng ta còn giữ được dấu vết của vài lối thề dân gian...

Xóm nào mà lại không có dăm ba cây chuối, muốn thề thì đưa nhau tới đấy mà làm lễ chém chuối thề. Hai người sửa soạn, cắt cụt một cây chuối để tượng trưng cho thân người, rồi thắp hương cắm vào thân chuối, khấn lời thề, khấn xong thì cầm dao chém chuối. Cũng có thể vừa cầm dao chém chuối vừa thề. Ai dối trá hay không giữ lời thề thì sẽ bị chết chém như thân chuối.

Lại có người đưa nhau ra giữa chỗ đất trống, giữa thanh thiên bạch nhật, để thề. Cầm dao vạch đất mà thề. Lễ thề được trời đất chứng giám, hình phạt cũng là bị chết chém.

Nơi nào gần sông thì hẹn nhau ra bến sông cùng thề. Ném đất xuống sông mà thề, có trời đất hà bá, thiên địa thủy thần chứng giám. Người bị phạt sẽ bị chết đuối, chết chìm.

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Trẻ con cũng bắt chước người lớn thề. Thề nhiều thành quen miệng. Bạ cái gì cũng thề. Không cần biết ý nghĩa thề là gì. Nhổ nước miếng xuống đất, xòe bàn tay vỗ một cái, gấp ngón tay cốc lên đầu nhau... thế là xong.

Không phải chỉ có đám dân quê mới hay thề bồi lôi thôi. Nơi phồn hoa đô hội, người ta cũng thề như điên. Năm 1939, thời Pháp còn cai trị nước ta, đã diễn ra một lễ thề văn minh bất hủ tại mảnh đất ngàn năm văn vật.

Chuyện rằng :

Bà Lang đầu đơn kiện bà Tơ không chịu trả số tiền vay nợ 2300 đồng (tiền Đông Dương). Ra tòa bà Tơ chối vì không có bằng chứng. Tòa xử bắt bà Tơ phải xách một con gà tới đền Bạch Mã, để chặt cổ mà thề. Buổi lễ thề được cảnh sát giữ trật tự, được luật sư hai bên chứng kiến.

Lần thứ nhất, bà Tơ không đến thề.

Lần thứ nhì, bà Tơ chặt cổ gà thề rằng: "Tôi mà vỗ nợ thì xin chết như con gà này".

Nhưng vẫn chưa xong, toà tổ chức thêm lần thứ ba để chồng bà Tơ tới thề.

Nhà báo Xuân Trào kết luận câu chuyện: Coi đó thì tòa án quỷ thần cũng có nhân đạo, không khi nào vì câu thề độc mà giết một người không đáng chết. Thế thì, những cuộc đi thề, chỉ là những chuyện "cá trê chui ống" (Ngô Tất Tố, tập 1, Văn Học, 1975, tr. 441-444).

Hóa ra thề thì rất dễ, ai thề cũng được. Nhưng giữ được lời thề mới thật là khó. Khó bởi vì cho dù có nuốt lời thề thì thực tế cũng chẳng bị thần linh nào quật chết, chẳng hề bị trời đất tru diệt, tội gì không nuốt. Khó hơn nữa là vì những người ở bậc trên thường nhởn nhơ tự cho rằng chỉ có người dưới mới phải giữ lời thề đối với mình. Tôi phải trung với vua, con phải hiếu với cha mẹ, dân phải sợ quan. Đã có ai phạm thượng dám đặt câu hỏi vua phải đối xử với bề tôi, cha mẹ phải đối xử với con cái, quan phải đối xử với dân như thế nào chưa ? Đối với các bậc trên, nhất là các ông con trời, thì đến bố mình là ông trời còn không làm gì được mình huống hồ là người dưng thiên hạ. Hiển nhiên là như vậy.

Xét cho cùng, dường như chỉ có đám bình dân ngang vai vế nhau mới hay quân tử tàu, nghĩ đến chuyện tôn trọng lời thề. Thậm chí có chàng trai đã cùng thề thốt với người yêu. Nhưng than ôi người yêu không giữ lời thề, bỏ chàng đi lấy chồng. Thế mà chàng còn tự đề nghị đứng ra làm lễ giải oan lời thề để cho nàng về nhà chồng được bình an, hạnh phúc.

Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
Bây giờ nàng lấy chồng đâu?
Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng.
Năm trăm anh đốt cho nàng,
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
Xưa kia nói nói, thề thề,
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai ?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào!

Yêu đến thế là cùng. Bị mang tiếng cù lần cũng cam.

Người Phật tử quy y tam bảo, có bốn lời nguyện lớn:

Chúng sanh không số lượng thề nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận thề nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết thề nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn thề nguyện được trọn thành.

Cao hơn hết, khó hơn hết có lẽ là thề và giữ được lời thề với chính mình.

Ngày nay thề bị biến chứng, đổi dạng. Mối nguy trước mắt là bị... chửi thề cạnh tranh, lấn áp. Chửi thề không cần trang nghiêm, cứ lấy tục tĩu đè người nơi đầu đường xó chợ là xong.

Mặc thế sự đổi thay, mời bạn nâng ly yêu đời, cùng thưởng thức lời thề thâm thúy đáng được tôn là hay nhất: kể từ giờ phút này, tôi mà còn thề nữa thì... trời tru đất diệt tôi!


Nguyễn Dư
1/12/ 2000