PDA

View Full Version : Thử Thách Ở Đời Làm Cho Chúng Ta Mạnh Hơn



Nhím Hoàng Kim
05-27-2007, 10:28 AM
Thử Thách Ở Đời Làm Cho Chúng Ta Mạnh Hơn

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Đài Bắc, Formosa. Ngày 28 tháng 2, 1989

(Nguyên văn tiếng Trung Hoa) Băng thâu hình số 50



Quý vị đã lớn thêm chút nào chưa? (Mọi người: Dạ.) ừ, bên trong quý vị đã lớn thêm, phồng thêm. (Mọi người cười). Càng tu hành tốt bao nhiêu, chúng ta càng "lớn hơn". Đó là sức mạnh thật sự. Sức mạnh về thể xác là vô dụng. Sức mạnh thật sự này đến khi ánh Sáng bên trong chúng ta lớn hơn và sáng hơn. Mặc dù tôi không thể nuôi quý vị về phương diện thể xác, tôi nuôi ánh Sáng bên trong quý vị để quý vị sẽ mỗi ngày mỗi "lớn" thêm, "lớn" thêm. (Khán giả cười và vỗ tay)

Tuy nhiên, khi lên tới đẳng cấp cao, chúng ta trở thành nhỏ hơn thay vì lớn hơn. Chỉ còn một biển ánh Sáng là hiện hữu. Càng lên cao, chúng ta càng nhỏ lại và trở nên đơn thuần, trong sạch. Lúc đó chúng ta nhỏ nhưng không cảm thấy sự nhỏ bé ấy. Chúng ta có thể lớn lên thật nhanh hoặc trở thành nhỏ đi, thậm chí không còn nữa, theo như mình muốn.

Khi đến cảnh giới cao, chúng ta không thấy liền Thượng Đế của cảnh giới đó theo như ý muốn, mà phải có duyên với Thượng Đế đó mới được; lúc đó Ngài có thể sẽ hiện đến với chúng ta. Nếu không, Ngài là vô tướng mặc dầu pháp thân khắp tại chỗ. Ngài không phải là một cái thân thể thô thiển mà chúng ta có thể nhìn thấy khi tới đó. Nó không xảy ra như vậy. Nếu Vị đó vui lòng cho chúng ta thấy, Ngài sẽ chỉnh lại từ trường của Ngài -- chỉnh cường độ và cô đọng Hào Quang lại để chúng ta có thể nhìn thấy. Ngài sẽ cho chúng ta thấy một hoặc hai hóa thân, dù chỉ dưới hình thức ánh Sáng hay một pháp thân trong suốt. Nếu không, chúng ta không thể nào nhìn thấy.

Tình Thương Đem Ta Tới Gần Thượng Đế

Nhưng cảnh giới đó không phải là cao nhất. Trên cảnh giới cao, không có gì cả ngoài lực lượng thương yêu và an lành. Chúng ta không biết cách nào để hỏi chuyện Ngài. Chúng ta không thể ôm Ngài nhưng lại cảm thấy đang ở trong vòng tay Ngài và được thương yêu. Chúng ta không biết Ngài là ai mà chỉ biết rằng có một người nào đó hay một cái gì đó. Chúng ta cảm thấy một năng lực vô cùng thương yêu và từ bi. Đó là Thượng Đế, là Phật hoặc Đức Hóa Công.

Trong thế giới vô thường này, chúng ta cũng là Thượng Đế. Khi thương con cái, láng giềng, đồng bào, chúng ta biểu hiện đức tính Thượng Đế. Chúng ta phát triển tình thương trong tâm và biểu lộ ra ngoài qua hành động. Càng phát triển tình thương đó bao nhiêu, chúng ta càng gần Thượng Đế, càng gần Phật, Đạo, và Tạo Hóa bấy nhiêu, bởi vì họ là tình thương.

Do đó, khi những vị sáng lập ra các tôn giáo xuống tinh cầu này vì Thượng Đế hay Phật, họ chỉ dạy tình thương và lòng từ bi mà thôi. Họ gần với Thượng Đế hơn, với Phật hơn và với tình thương tối thượng hơn, cho nên họ có tình thương vĩ đại nhất. Do đó chúng ta cảm thấy rằng Thượng Đế thương chúng ta và sẽ săn sóc tất cả những ai đến với Ngài. Dù có hàng ngàn, hàng triệu người đến với Ngài, thấy cũng giống như Ngài đang săn sóc một mình chúng ta mà thôi. Quý vị có cảm thấy như vậy bao giờ không? (Nhiều người: Dạ có. Khán giả vỗ tay) Thượng Đế là vậy đó.

Nghỉ Ngơi Để Tăng Cường Sức Mạnh

Thấy như là không có ai chăm sóc cho vũ trụ này; giống như không có một hệ thống hay một tổ chức nào hiện hữu; nhưng Thượng Đế không bỏ mặc bất kỳ một cái gì. Thậm chí một con trùng, một cọng cỏ, một cái trái hay một cái bông cũng không bị bỏ quên; trái lại chúng còn được chăm sóc cẩn thận. Cho nên, khi tới thời điểm là hoa nở, mặt trời mọc; thời tiết thành ấm áp khi mùa Xuân đến, hoặc lạnh khi mùa Đông đến. Cái lạnh đó không có nghĩa là Thượng Đế quên chúng ta, mà nó có nghĩa là đang cần một sự nghỉ ngơi, hoặc vũ trụ cần một sự nghỉ ngơi, giống như chúng ta cần ngủ ban đêm vậy.

Vì lý do đó mà chúng ta dễ mệt vào mùa Đông, cần phải ăn vào cái gì bổ ích để có đủ sức. Mùa Đông, lá rơi, cây cối trông có vẻ khô héo úa tàn. Nó phải như vậy để sau này cây có thể trổ lá non. Tất cả sự sinh ra đời và sự chết đều có cái nghĩa của nó. Chỗ tôi dựng lều hồi đó, bây giờ bắt đầu xanh tươi, thật là đẹp! Quý vị có nhớ lúc đi hái trái hồng không? Lúc ấy mấy cây đó chưa xanh tươi. Bây giờ tất cả đều xanh, rất đẹp! Nó là như vậy. Phải có mùa Đông cho cây khô héo, cho lá già, lá úa rơi; cho cây được nghỉ, được rung, được lắc trong ba tháng. (Mọi người cười) Sau đó lá lại mọc ra nữa rồi đơm bông kết trái.

Có những loại hoa không nở nếu tưới nhiều quá. Giống như những cây ngoài sa mạc, cây xương rồng chẳng hạn. Nếu quý vị săn sóc trong phòng "tốt" quá, nó sẽ không sống. Ngược lại, nó phải sống trong một môi trường khô cằn, và khi thấy như nó sắp sửa chết, nhưng lại có thể ra bông rất đẹp.

Thử Thách Trên Con Đường Tu Học

Cũng giống vậy, không phải bao giờ công việc cũng xảy ra trôi chảy cho những người tu hành như chúng ta. Đôi khi mình tưởng rằng công việc êm đẹp nhưng thật ra không phải. Chưa chắc chuyện đó đã tốt cho sự tu hành hoặc cho trí huệ chúng ta. Cũng không hẳn lúc nào cũng tốt cho chúng ta về thể xác. Không nhất thiết là nó sẽ lợi ích cho sự tiến bộ của chúng ta trong một khía cạnh nào đó. Lúc đó, có thể tự mình sẽ làm hư hỏng chính mình, quá lỏng lẻo, chìm đắm trong những thú vui vật chất, chơi bời, làm uổng phí thời giờ quý giá, chỉ biết nghe đầu óc của mình thôi, lo quá ít về vấn đề tâm linh. Đôi khi quý vị gặp phải những bài khảo từ Sư Phụ hay từ đồng tu, hay từ hoàn cảnh bên ngoài, lúc đó chúng ta tưởng rằng công việc không suông sẻ, có nhiều chuyện phải chịu đựng để tiếp tục cuộc sống. Nhưng sau đó, chúng ta lại tiến bộ nhanh.

Thành thử, nhiều khi chúng ta tưởng sự việc không thành trong tiến trình tu học của mình, trong công việc làm ăn, trong đời sống, nhưng thật ra cái đó là hoàn cảnh thuận lợi, có ích nhất cho chúng ta, bởi vì sau đó sự tu hành sẽ phát triển, nẩy mầm, đơm bông. Cũng giống như sinh con là lúc quý vị chịu đau nhiều nhất, đúng không? (Các đồng tu nữ: Dạ.) Cho nên chúng ta phải hy sinh dưới một hình thức nào đó để được một cái gì đó trả về. Đôi khi mình cũng phải trả bằng một chút gắng sức, và tự lập hơn, ngõ hầu qua khỏi khúc mắc đó. Không có gì là đến dễ dàng.

Tôi có rất nhiều đệ tử nhưng không phải là họ đến cùng một lúc. Tôi tìm kiếm cực khổ và khao khát vô cùng một vị Minh Sư Khai Ngộ, và trải qua rất nhiều khảo nghiệm. Quý vị thấy khổ khi bị tôi la, nhưng thật ra cái đó đâu có thấm tháp gì. Những bài khảo tôi phải trải qua còn đau đớn gấp triệu lần quý vị. Bài khảo của quý vị không có bao nhiêu. Quý vị thấy tức khi bị tôi khảo hay đồng tu khảo, nhưng lại không dám làm gì nếu bị người ngoài khảo. Thí dụ như, nếu bị ông chủ la rầy, quý vị không thể làm gì được, không dám bộc lộ sự tức giận của mình vì sợ mất cơ hội kiếm tiền. Khi đi làm việc ngoài kia, quý vị kiên nhẫn chịu đựng những khách hàng thô lỗ, bất bình. Nhưng tôi không thể la quý vị vì tôi không trả lương cho quý vị. (Mọi người cười)

Chúng ta nên so sánh hai trường hợp này để đậu những bài khảo trong sự tu hành. Khi bị người khác la rầy hay phỉ báng, mình vẫn không hề hấn gì nếu coi đó như là một bài khảo từ thánh nhân hay từ Thượng Đế; nếu không chúng ta sẽ không tiến bộ.

Bài Khảo Khó Khăn Đào Tạo Người Tu Hành Tốt

Quần áo, mắt kiếng, và những thứ khác quý vị mang vô được sản xuất qua một tiến trình khó khăn, cực nhọc. Lấy ví dụ cái áo vải cô tông, nguyên thủy nó đâu có như vầy. Nó được làm từ hoa bông gòn lấy từ cây bông gòn mọc dưới mặt trời; người ta góp nhặt những cái hoa đó lại với nhau, lọc, tước, ép bằng máy hoặc bằng tay, rồi kéo căng ra, nấu lên, dùng máy chế biến một lần nữa, rồi đem phơi ngoài nắng. Nó đòi hỏi rất nhiều công sức và tiến trình đau xót. Nếu bông gòn biết nói chắc nó sẽ khóc lóc cho quý vị biết rằng nó đã và đang "tu hành" cực khổ như thế nào!

Nhìn vào quần áo của quý vị thì biết. Không cần phải nghe tôi thuyết giảng gì nhiều. Mắt kiếng là một thí dụ khác nữa. Thử nghĩ nó từ đâu tới. Kính cần bị đốt nóng để làm thành mắt kiếng. Nguyên liệu này phải được đốt lên một nhiệt độ cao, làm cho chảy ra, rồi để nguội trong một cái khuôn trước khi trở thành mắt kính hình dạng khác nhau, cỡ khác nhau. Tiến trình này rất khó khăn, gian khổ, giống như là bị ép buộc. Rồi lại phải làm cho nó láng, rồi quý vị phải đi khám mắt trước khi nó thành cặp mắt kiếng theo ý mình! ồ, chúng sanh vất vả khó lường!

Một vật nhỏ như cặp kiếng mà cũng phải mất nhiều công sức như vậy, nói chi tới việc thành thánh nhân! Nếu nói như vậy là quý vị giỡn chơi. Bài khảo nhỏ nhất mà còn không qua nổi. Tôi mới la một chút thôi mà quý vị đã giận rồi! Chúng ta nên tập nhẫn nhục. Nếu chúng ta không chịu nổi những lời la mắng của đồng tu, người trong gia đình, Sư Phụ, thầy cô, bạn bè thì làm sao nhẫn được khi chúng ta phải độ cho hàng ngàn, hàng triệu chúng sinh! Họ gồm đủ mọi tính tình, có những người rất hung bạo. Đến lúc đó chúng ta mới thấy rằng mình còn thiếu kiên nhẫn, rồi lại tiếc là đã không học hỏi nhiều hơn từ Sư Phụ.

Để Lại Di Sản

Đây là lý do vị thánh Tây Tạng Milarepa ngày nay vẫn còn nổi tiếng. Ông theo học Sư Phụ của ông 7 năm, mỗi ngày chịu thống khổ mà không một lời than trách. Ngày nào ông cũng năn nỉ Thầy truyền pháp cho ông, nhưng không dám than thở, sợ Thầy không chỉ giáo. Thành thử, ông không trách móc gì cả khi bị Thầy đánh đập, chửi mắng, đối đãi "bất công". Đây là một tấm gương sáng của một đệ tử tốt. Bởi vậy Milarepa mới nổi tiếng trong suốt lịch sử Phật giáo. Đây mới thật là để lại di sản cho thế hệ tương lai. Chúng ta vẫn còn nhớ danh ông và mong muốn có được tính nhẫn nại giống như ông. Chúng ta kêu ông là "con người siêu việt".

Ngoài Milarepa ra, cũng có nhiều người trần gian như những chính trị gia, những vị anh hùng quá khứ hay hiện đại, họ phải trải qua nhiều gian nan, thử thách trước khi trở thành nổi tiếng. Thí dụ như quốc vương Anh phải được huấn luyện trong trường võ bị trước khi lên ngôi (truyền thống Hoàng Gia Anh là phải huấn luyện vua tương lai trong trường võ bị). Trong trường võ bị, người ta không cần biết quý vị là ai; cứ đánh đập, la mắng quý vị như tất cả mọi người. Họ có thể sai quý vị làm những việc dơ dáy hay khổ hạnh. Họ có thể ra lệnh quý vị cởi quần áo đi ra ngoài lúc trời mưa tuyết. Quý vị phải chấp nhận mệnh lệnh, không thể nói rằng: "Tôi là hoàng tử Anh." Họ sẽ nói: "Tôi biết. Nhưng mẹ ông bảo tôi phải dạy ông thêm bài học."

Trẻ em, kể cả hoàng tử và con cái của những công chức quan trọng đều được cố tình gửi tới các trường võ bị, bởi vì ở nhà cha mẹ dạy rất khó. Gửi chúng đi huấn luyện bên ngoài thì tiện hơn, ở đó kỷ luật chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nếu không, chúng sẽ không có cơ hội trải qua những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi; khi lên ngôi, chúng chỉ tự làm cho chúng hư hỏng, chỉ ham vui chơi, không tốt cho dân và đất nước. Chúng sẽ không đủ nhẫn nại để đối phó với những quốc gia khác; chắc chắn là như vậy.

Người Tu Hành Nên Can Đảm Chịu Đựng Bài Khảo

Những người tu hành như chúng ta không nên thắc mắc tại sao mình đau khổ nhiều quá vậy. Chúng ta nên đọc nhiều sách vở nói về những tấm gương này, ngõ hầu trở nên quảng đại, kiên nhẫn, khiêm tốn. Chúng ta nên kiểm xem mình đã đạt được những cái mà những vĩ nhân kia đạt được hay không. Do đó mà chúng ta cần phải tự huấn luyện mình nhiều hơn, học hỏi thêm. Khi bị la, chúng ta nên niệm Hồng Danh và cám ơn người đã la mình. (Mọi người cười) Thật đó! Nên làm như vậy, rồi chúng ta sẽ cảm thấy một sự thay đổi. Sau này chúng ta thắc mắc không biết tại sao người la mình hồi đó bây giờ coi trọng mình quá vậy!

Chúng ta nên tự huấn luyện thay vì nâng niu chính mình, bởi vì không biết bao giờ Thượng Đế sẽ chọn chúng ta đi làm lợi ích chúng sinh. Cái đó không phải là cuộc bầu cử chọn Minh Sư Khai Ngộ để làm lợi ích chúng sinh. Cái đó không phải là tự quảng cáo chính mình, lừa phỉnh người khác để họ bầu cho mình. Cái đó không phải là người khác sẽ quảng cáo giùm mình, làm cho mình nổi tiếng để được người ta bầu. Đâu phải như vậy! Quảng cáo không làm gì được với Thượng Đế. Ngài chỉ chọn quý vị sau khi dùng kính viễn vọng nhìn xuống quý vị dưới này và nói rằng: "Được, anh này tốt! Rất giỏi!" Thế là quý vị bị chọn. Có thể quý vị được chọn để độ một hay hai người, đó cũng đủ gia trì cho quý vị rồi; đủ "mua vé" bay lên kia rồi! (Mọi người cười) Có thể quý vị được chọn để độ hàng trăm, hàng ngàn người, hay nhiều hơn nữa, lúc đó sứ mệnh của quý vị trở thành vô cùng quan trọng, bởi vì độ một người thôi cũng đủ khó rồi, kể cả cứu năm đời gia đình của người đó! Phần thưởng cao.

Thành ra, chúng ta nhớ đậu bài thi mỗi lần sống trong nghịch cảnh. Chúng ta phải là con người trưởng thành. Không phải chỉ làm năng lực sống dậy, mà đầu óc chúng ta cũng phải thông minh, quảng đại. Phải biết rằng thế giới này chỉ là một ảo tưởng, một ảo ảnh to lớn; vậy chúng ta mất công bám víu, ràng buộc vào bất cứ gì trong đó để làm chi? Tranh đua cuộc chơi mộng ảo này để làm gì? Giải thích tình cảnh "bất công" của mình để làm gì? Trước sau gì chúng ta ai cũng phải ra đi. Vua ra đi, người lượm rác cũng ra đi. Không ai ở đây mãi được. Cho nên, dầu phải đối diện với hoàn cảnh bất lợi, chúng ta phải tiếp tục sống và khảo chính mình. Càng chịu đựng nhiều, chúng ta càng thấy rằng mình "chịu đựng" không là bao, rồi sau đó sẽ thấy mình ở một đẳng cấp cao hơn. Trình độ tu hành của chúng ta không phải chỉ có đo lường bằng cách nhìn thể nghiệm hay nghe âm thanh của Đấng Thiêng Liêng. (Mọi người vỗ tay.)