PDA

View Full Version : Thuật Nói Chuyện Hàng Ngày - Hoàng Xuân Việt



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 [16] 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35

VietLang
05-29-2007, 04:27 PM
Chương 16 - Đừng Ngốc Bậy


Người ngốc, mà hôm nay chúng tôi hầu chuyện với bạn, không phải là thứ người thất học vì hoàn cảnh. Họ không biết viết, biết đọc, không có đủ phương thế gần gũi những người giàu kiến văn, để được nghe những điều bổ ích cho đời sống tinh thần của mình. Chúng tôi không muốn bàn đến những người đáng thương hại và đáng kính ấy. Chúng tôi muốn nói, những người đã có vốn học, nhưng vì lười biếng, vì không biết cách trong việc tự học nên ngu dốt đến nỗi, nói những lời ngông dại đến nỗi thiên hạ khinh rẽ mình.

Phải công nhận rằng, ở thời đại chúng ta, một thời đại mà cõi học là trời biển, không mấy người quán thông được mọi kiến thức. Cách nay mấy thế kỷ, một người thông thái, có thể là người thông gần hết kho hiểu biết của loài người. Ngày nay, một người thông thái, thường chỉ am tường một nghành học nào đó. Họ không thể là người "biết hết" như Aristote hay một Rabelais. Ngoài "môn bỏ túi" của mình, người ta học chu đáo đã đành, đồng thời người ta cũng tìm cách chuẩn bị cho mình một vốn học phổ thông, nó vừa giúp cho chuyên môn khỏi bị lu mờ mà còn giúp cho mình giao tế dễ dàng với nhiều hạng người trong xã hội.

Là một luật sư, người ta thông luật: Hay lắm. Nhưng nếu chỉ biết có luật và gặp ai cũng bàn hết luật La Mã đến luật Nã Phá Luân rồi đến luật Gia Long, Hồng Đức thì thiết tưởng nhàm chán. Bạn là một nhà triết học. Bạn quán thông hết những hệ thống triết lý Đông Tây. Quả bạn là một bậc tri thức đáng quí trọng.

Nhưng nếu bạn có kkiến thức triết học, và gặp người xung quanh, gặp chúng tôi và bất cứ ai khác bạn lôi ra nói hết Epictète đến Khổng Tử, Bergson, thì câu chuyện của bạn khó bề hấp dẫn. Có người không những chỉ nói chuyên môn, mà còn nói những điều mình không biết gì ráo. Họ nói bằng một giọng huênh hoang nữa mới kỳ chứ. Họ rất sành văn Phần Pháp, nghĩ là mình thông thái và bàn chuyện gì cũng được. Gặp bạn, là nhà chuyên về hóa học họ đem nguyên tử ra thuyết với bạn.

Mới đầu thấy họ có thái độ quân sư, bạn tưởng mình được duyên may, gặp một bực thầy có thể giúp kiến văn cho mình thêm rộng rãi. ai ngờ bàn chuyện với họ một hồi, bạn mới thấy tất cả sự ngu ngốc đáng tội của họ. Trong xã hội, thưa bạn, có biết bao người như" bậc thông thái này"nầy. Họ đọc đâu vài tạp chí, vài quyển sách bàn về một nghành nào đó, rồi cho mình là bậc chuyên môn, gặp ai cũng đem khoe.

Có kẻ không từng bước vào ngưỡng cửa của một trường học nào, nhưng nhờ thời vận có chức quyền cao, tiền bạc nhiều thường tỏ ra mình thông thái. Trong bữa tiệc nọ, có một người to tiếng nói: "Thiệt ông Jésus Christ là bậc quân tử. Ông bị kẻ thù đâm vào nương long mà còn cất lời nhân đạo:Xin cha tha cho nó vì nó lầm chẳng biết". Lúc ấy, chúng tôi cũng gật đầu vì lịch sự. Nhưng bạn dư biết, khi mà Giêsu bị quân thù đâm vào nương long bằng lưỡi đồng, đó là lúc Ngài đã chết. Làm sao ngài thốt ra câu ấy được. Câu ấy Ngài nói, khi Ngài còn sống, lúc sắp bị quân thù hành ác. Nghe lời bậc chức quyền trên, có một bạn chúng tôi tự hỏi"Tại sao họ không làm thinh, có hay hơn không. Đâu phải có uy quyền là quán thông kinh sử và nói gì cũng trúng". Có thứ người đáng thương hại hơn nữa, là thứ người nghe lén vài ba điều hiểu biết về một nghành học nào đó, rồi cũng vênh vênh tự đắc thuyết cho thiên hạ như một bậc chuyên cứu lão thành. Người nghe họ phải bực mình và hỗ thẹn giùm, khi nghe họ nói bậy mà vẫn hãnh diện.

Trong cuộc giao tế, có nhiều hiểu biết tất yếu, mà tùy tuổi tác, tùy địa vị, tùy hoàn cảnh có thể, người ta phải lo cho có, để khỏi phật lòng kẻ khác, hay để cuộc nói chuyện của mình khỏi vô vị. Có nhiều người không kể gì đến hiểu biết này. Bạn ở xa đến thăm họ, họ chào hỏi bạn, rồi bắt chuyện con cà con kê, thao thao bất tuyệt. Họ không có chút xã giao, hỏi bạn dùng bữa ở đâu chưa,để mời bạn thay giầy, để chỉ cho bạn nhà tắm v.v... Là một người cha trong gia đình, họ không biết nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Không ai buộc họ thuyết về giáo dục rành như một Dupanloup hay một Bosco nhưng ít ra, những điều sơ đẳng mà địa vị làm cha buộc họ phải biết. Làm giáo sư dạy từ năm này qua năm nọ, mà khi bàn về Phần trình giáo dục hiện hành, họ ù ù cạc cạc. Có tật hay nói, mà họ không lo chuẩn bị cho mình một mớ kiến thức cần thiết để khi đàm thoại, khỏi làm người ta khinh chê.

Không cần kể thêm hạng người ngốc bậy. Vài gương trên để cho bạn thấy, trong khi trò chuyện ngốc bậy là tật xấu làm cho người ta mất uy tín rất nhiều. Chúng tôi tin bạn, lúc nào cũng lo tránh xa nó bằng cách chuẩn bị cho mình, vừa có sở học chuyên môn, vừa có kiến thức phổ thông, để khi giao tiếp được nhiều hạng người trong xã hội. Khi bàn chuyện cùng ai đừng chỉ đem chuyên môn của mình ra nói. Những vấn đề nào mình không được thông lắm, thì chúng ta nên hỏi, nên nghe hơn là ngông nghênh, biến mình thành "quân sư" hề. Nên nhớ rằng, thông thạo một môn, không phải chỉ đọc vài ba quyển sách, hay đôi tờ tạp chí. Núi nầy cao, có núi nọ cao hơn. Cái học của ta, đối với ta có lẽ sâu rộng, nhưng coi chừng kẻ khác có cái học gấp trăm nghìn lần tạ Khôn ngoan nhất là "múa rìu qua mắt thợ". Dù khi đóng vai trò hệ trọng trong việc lãnh đạo, ta đừng ỷ chức quyền, tỏ ra mình"biết hết". Coi chừng sơ xảy một hai lời nói, mà uy tín, uuy quyền tan đổ. Rồi có những hiểu biết sơ đẳng, tất yếu mà tuổi tác, chức vị, nghề nghiệpv.v... buộc ta phải biết. Nghèo nàn những hiểu biết ấy, có thể ta bị kẻ khác coi rẻ.

Tóm lại, nghệ thuật nói chuyện, buộc ta đừng ngốc bậy. Không ai buộc chúng ta là quyển "tự điển sống", nhưng có nhiều điều, chúng ta không có quyền không biết. Trong những nghành mình ít học phải biết im lặng, đừng tỏ ra khôn bậy mà thành ngu thật.

Sau hết chúng tôi muốn bạn đối xử quân tử cùng người nói chuyện mà hay ngốc bậy. Những khi họ trả lời không thông những câu hỏi của bạn, xin bạn đừng"sửa lưng" họ. Lúc họ ấp ứ, nếu có thể được, bạn gật đầu hiểu ý họ, rồi nói tiếp giùm họ. Khi bạn nói vớt xong, bạn đổi vấn đề, lựa câu chuyện nào họ rành và thích để họ có dịp nói cho bạn nghe. Trước những người hay làm "quân sư", bạn vẫn nhã nhặn. Nếu không có hại gì, thì bạn cứ chịu khó nghe họ, nghe thật tình. Thái độ này làm cho bạn được họ mến và luôn muốn gặp bạn.