VietLang
05-15-2007, 04:04 PM
Phong Tục Về Cưới Xin
Tác giả: Nguyễn Dư
Luân lý Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một bổn phận thiêng liêng của con cháu. Thờ phụng phải được tiếp nối liên tục qua các đời. Vì vậy mỗi người đàn ông phải sớm lập gia đình để mau có con trai nối dõi, lo việc đèn nhang.
Sớm là bắt đầu từ mấy tuổi ?
Luật lệ ngày xưa không ấn định tuổi được phép lấy vợ lấy chồng. Chúng ta được biết vài trường hợp trai gái lấy nhau khá sớm :
- Gái thập tam, nam thập lục (gái 13, trai 16),
- Em lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con...
- Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng...
Năm 1888, nhà nước bảo hộ Pháp ấn định con gái 14 tuổi, con trai 16 tuổi mới được làm đám cưới. Tuy không thay đổi là bao so với 13 và 16 tuổi, nhưng ít ra luật pháp cũng chính thức cấm tục tảo hôn(lấy vợ sớm), không cho phép con trai dưới 16 tuổi lấy vợ. Tuy bị cấm, nhưng ở nông thôn miền Bắc, hủ tục này còn rơi rớt đến tận những năm 1940. Một vài cậu bé con nhà giàu, mới lên tám, lên mười đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ lớn gấp hai, ba lần tuổi mình. Thật ra mục đích của cha mẹ cậu bé là kiếm một người giúp việc không công, chứ chẳng phải là lo cho con, hay cho ông bà tổ tiên.
Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Con gái không có quyền quyết định. Duyên phận phó mặc cho may rủi, chọn lựa của cha mẹ.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Ý muốn của chàng trai cũng phải được cha mẹ chấp nhận thì mọi chuyện mới trôi chảy êm đẹp.
Ngày xưa, lễ nghi cưới xin của ta bắt chước Tàu. Rất rườm rà, phức tạp.
Theo sách Văn công gia lễ thì cưới xin có 6 lễ chính:
1- Nạp thái : nhà trai đến nhà gái ngỏ ý
2- Vấn danh : nhà trai hỏi tên tuổi cô gái để tính ngày giờ, xem có bị xung khắc không ?
3- Nạp cát : chọn được ngày tốt, xác nhận với nhà gái
4- Nạp tệ : đưa đồ thách cưới do nhà gái ấn định
5- Thỉnh kỳ : định ngày làm lễ cưới, nộp nữ trang, vải vóc cho nhà gái
6- Nghinh hôn (thân nghinh): lễ rước dâu
Năm 1477 nhà Lê quy định rằng :
Phàm người lấy vợ, trước hết phải mượn người mối đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân. Lễ cầu thân xong rồi mới định lễ dẫn cưới. Dẫn cưới xong rồi mới định ngày đón dâu. Ngày hôm sau chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến lễ nhà thờ. Nghi thức tiết mục, phải theo đúng như điều đã ban xuống mà làm. Không được như trước, nhà trai dẫn lễ cưới rồi để đến 3, 4 năm mới cho đón dâu.
Bắt đầu, nhà trai bắn tin thăm dò. Các nhà quyền quý thường tìm nơi môn đăng hộ đối (gia đình tương xứng). Sau khi đã được nhà gái đồng ý, nhà trai mới nhờ ông mai hoặc bà mối mang trầu cau và trà tới xin dạm.
Đẹp như rối, không mối không xong
Vai trò trung gian của ông mai bà mối rất quan trọng.
Lễ dạm tương đương với ba lễ đầu của ngày xưa.
Trầu cau luôn luôn có mặt trong các lễ cưới hỏi của người Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng :
Ngày xưa có hai anh em nhà kia, hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc(có người kể là hai anh em sinh đôi). Cha mẹ mất sớm. Được 17, 18 tuổi, hai anh em đến xin trọ học tại nhà một đạo sĩ. Học hành chăm chỉ, tính tình đứng đắn, cả hai được thầy yêu quý. Thầy có người con gái tuổi trăng tròn, xinh đẹp dịu hiền. Cô gái đem lòng yêu mến hai anh em.
Ít lâu sau cô xin phép cha lấy người anh làm chồng. Từ ngày lập gia đình, người anh quấn quýt bên cô vợ trẻ, lơ là với em. Người em cảm thấy lẻ loi. Một hôm hai anh em cùng lên nương làm việc đồng áng, tối trời mới về. Người em vào nhà trước. Chị dâu trong buồng chạy ra, tưởng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em lúng túng kêu lên. Hai người cùng ngượng ngùng xấu hổ. Được chứng kiến cảnh vợ và em ôm nhau, người anh đem lòng nghi ngờ. Từ đó tình anh em lại càng lạnh nhạt.
Một buổi chiều kia, anh chị đi vắng, người em cảm thấy cô đơn, buồn tủi, quyết định bỏ nhà ra đi. Chàng đi, đi mãi đến một khu rừng, có con suối chắn ngang. Màn đêm xuống dần... Mỏi mệt, đói khát, buồn chán, chàng lịm thiếp đi rồi chết. Xác chàng biến thành một tảng đá.
Vợ chồng người anh về nhà không thấy em. Qua ngày hôm sau vẫn vắng bóng. Người anh lẳng lặng bỏ nhà đi tìm. Đến khu rừng, cạnh con suối, ngồi tựa lưng vào tảng đá nghỉ mệt. Thương nhớ em... Chàng thiếp đi, chết giữa đêm khuya, hóa thành một cây mọc thẳng bên cạnh tảng đá.
Đến lượt người vợ trông chờ mãi không thấy chồng về, cũng lần theo con đường mòn đến cạnh bờ suối. Đêm đó nàng chết, hóa thành một cây leo, quấn chặt thân cây cao.
Một hôm vua Hùng Vương đi qua chốn ấy. Nghe dân làng kể chuyện, vua sai người lấy lá cây leo, hái quả cây cao. Nghiền lá với quả thì thấy một mùi thơm nhẹ nhàng toát ra. Nhai thử thì thấy vị cay, tê tê đầu lưỡi. Nước tiết ra, nhổ lên tảng đá thì thấy một màu đỏ thắm hiện lên.
Dân làng đặt tên cây cao là cau, cây leo là trầu, tảng đá là vôi.
Nước ta có tục ăn trầu từ đó.
Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thủy chung, thắm thiết. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp gỡ nhau người ta cũng thường mời nhau miếng trầu. Ngày nay miếng trầu có thêm tí vỏ, ít thuốc lào, càng làm tăng thêm hương vị.
Sau lễ dạm đến lễ nạp tệ, hay thách cưới.
Nhà gái đưa ra một danh sách những đồ vật và tiền bạc bắt nhà trai phải nộp.Thông thường thì cũng phải:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau
Chàng trai nói giúp cho lịch sự chứ thật ra là bị bắt buộc. Có khi nhà gái thách cao, đòi bò, đòi trâu, vòng vàng, xà tích bạc...
Năm 1663 vua Lê Huyền Tông ban điều giáo hóa :
Vợ chồng là gốc luân thường, lấy vợ, gả chồng phải theo lễ nghĩa, không được suy bì giàu nghèo, đòi nhiều tiền của. Lấy nhau phải phân biệt họ hàng, nòi giống, không được tham giàu sang mà phối hợp loạn luân thường, không được cẩu hợp không có sính lễ để đến nỗi gần như giống cầm thú...
Năm 1804 vua Gia Long định lệ :
Trai lấy vợ, gái lấy chồng thì sính lễ phải châm chước. Trong 6 lễ phải tùy sức nhà trai giàu nghèo, không được bắt ép viết văn khế cầm ruộng...
Bên cạnh thách cưới, nhà trai còn phải nộp cheo cho làng cô gái. Có nộp cheo mới được làng công nhận chuyện cưới xin.
Xưa kia nước ta không có sổ sách hộ tịch. Khi nhận tiền nộp cheo, làng viết giấy chứng nhận. Giấy này có giá trị như giấy giá thú ngày nay. Đám cưới nào không nộp cheo thì cặp vợ chồng đó sẽ bị làng coi như sống lén lút :
Có cưới mà chẳng có cheo
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài
Nộp cheo bằng đồ vật hay tiền bạc. Có làng bắt nộp chiếc mâm đồng, ít chén bát để dùng cho hội hè đình đám. Có nơi đòi ít gạch để lót lại quãng đường hư hỏng, hay một ít vật liệu để sửa cái cầu, giếng nước...
Luật xưa quy định :
Bất cứ ở cùng một làng hay làng khác đều cho phép thu cheo một quan tiền cổ và một vò rượu. Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm (1663).
Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp 1 quan 5 tiền, nhà bậc trung nộp 6 tiền, nhà nghèo nộp 3 tiền (1804).
Tuy luật quy định như vậy nhưng trong thực tế vẫn có sự phân biệt người cùng làng hay khác làng. Và tiền cheo thường bắt nộp quá mức luật định.
Nhà trai sắm sửa đủ đồ thách cưới thì lảm lễ hỏi , mang tới nộp nhà gái.
Sau lễ hỏi, nhà trai phải năng lui tới thăm hỏi, sêu tết nhà gái. Mùa nào thức ấy: nhãn, vải, hồng, cốm...trong khi chờ đợi lễ cưới.
Lễ cưới, còn gọi là rước dâu, đón dâu, tên chữ là nghinh hôn, là lễ quan trọng nhất.
Lễ cưới phải chọn ngày tốt, đón dâu phải lựa giờ tốt. Ngày xưa có tục đón dâu vào buổi tối. Nhà trai mang trầu cau, rượu, xôi, gà, lợn...đến nhà gái. Dẫn đầu là một cụ già, không có tang, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu. Cụ già mặc áo thụng xanh, cầm bó hương hay ôm lư trầm. Theo sau là những người đội lễ vật, tiếp đến chú rể, họ hàng. Ngày xưa chú rể đội nón. Đến đầu thế kỷ 20, chú rể tân thời bỏ chiếc nón, thay bằng cái ô tây, miệng phì phèo thuốc lá. Ngoài Bắc, chỉ có cha chú rể đi đón dâu. Trong Nam, cha mẹ chú rể cùng đi.
Trên đường đến nhà gái, nhà trai thường bị những người nghèo và trẻ con tổ chức bày hương án, chăng giây ngăn cản. Mục đích của đám này là đòi ăn uống, tiền bạc, họa hoằn mới để mua vui. Muốn cho mọi chuyện được êm đẹp, khỏi bị quấy phá, chửi rủa tục tằn, làm chậm trễ buổi lễ, nhà trai thường phải chiều ý chúng.
Khi nhà trai tới đầu ngõ, nhà gái đốt pháo đón mừng. Người chủ hôn hoặc cha chú rể đứng ra tuyên bố xin đón dâu. Đại diện mẹ chú rể bưng trầu cau đặt trước mặt nhà gái để xin con dâu.
Nhà gái mời đại diện nhà trai cùng cô dâu chú rể làm lễ cáo gia tiên. Đây cũng là một dịp để trẻ con bên nhà gái đóng cửa nhà thờ nhõng nhẽo vòi tiền nhà trai.
Sau đó, nhà trai xin rước dâu. Ngoài Bắc, cha mẹ cô dâu không đưa tiễn con gái về nhà chồng. Trong Nam, nhà gái cũng kén một cụ già cầm bó hương đi trước, theo sau là cô dâu và cha mẹ họ hàng, bạn bè đưa tiễn.
Đám rước dâu vẫn do cụ già của nhà trai cầm bó hương dẫn đầu, đằng sau là hai họ. Đoàn người về tới đầu ngõ thì nhà trai đốt pháo chào mừng.
Trong lúc đi đường, cô dâu ăn mặc đẹp sợ bị thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo để trấn áp những câu nói độc mồm độc miệng.
Giữa bậc cửa vào nhà chú rể đặt một hỏa lò than hồng để cô dâu bước qua. Than hồng sẽ đốt hết những vía xấu đi theo quấy phá cô trên đường về nhà chồng.
Trước khi cô dâu bước vào nhà, mẹ chú rể xách bình vôi lánh mặt một lúc lâu rồi mới về chào mừng hai họ.
Có ngườì cho rằng bình vôi tượng trưng cho của cải trong nhà. Lại có người cho rằng bình vôi là một tục bái vật cổ truyền xa xưa của dân ta. Bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế.
Tại sao bình vôi lại là uy quyền, của cải ?
Chữ vôi (nôm) được viết bằng chữ khôi (hán việt). Khôi chính nghĩa là tro, là màu xám. Chữ khôi có nhiều từ đồng âm. Trong đó có chữ khôi (bộ quỷ) nghĩa là đứng đầu và chữ khôi (bộ ngọc) nghĩa là quý báu.
Do đó cái bình vôi của ta được dùng để tượng trưng cho người đứng đầu và của cải. Bà mẹ chồng giữ bình vôi để bảo vệ uy quyền của mình và của cải của gia đình. Chiếc bình vôi chỉ là một suy diễn chữ nghĩa của giới bình dân chứ không mang nội dung thần thánh. Ý kiến cho rằng bình vôi là bà chúa chưa ai định danh là bà chúa gì và bình vôi là tục bái vật có lẽ đã vượt quá xa khả năng suy diễn hán nôm của giới bình dân !
Có nơi chờ đám rước dâu về tới đầu ngõ, một người lấy chày giã vào cối đá, đôi khi giã mạnh đến vỡ cả cối. Tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao (Phan Kế Bính).
Giã cối là một tục cổ, có từ thời đại Hùng Vương.
Giã cối cũng là một tục lệ ngày hội.Từng đôi nam nữ cầm chày dài đứng giã cối tròn.Đó là những chiếc cối rỗng, là một thứ dụng cụ nông nghiệp, đồng thời là nhạc cụ, và cũng là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trở thành một tiết mục trong ngày hội lễ, giã cối(và hát) vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi và hình thức giao duyên nam nữ, vừa mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng.
Chày cối, theo quan niệm dân gian, là hình giống của nam và nữ. Giã cối, ở một số nơi, còn có ý nghĩa tượng trưng cho hành động tính giao.
Cô dâu, chú rể cùng lễ tổ ở nhà thờ họ nhà trai, rồi trở về nhà chú rể lễ gia tiên, chào mừng cha mẹ, họ hàng bên chồng.
Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về
Từ giờ phút này, cô dâu trở thành một người của gia đình bên chồng.
Có nơi còn làm lễ tơ hồng, cám ơn Nguyệt Lão đã xe duyên cho đôi trẻ.
Tích Nguyệt Lão kể rằng :
Đêm trăng, Vi Cố đi chơi gặp một ông già ngồi đọc sách, tay cầm nắm dây tơ màu đỏ. Vi Cố chào hỏi, ông già tự xưng là Nguyệt Lão chuyên việc xe duyên cho nhân gian. Dây tơ đỏ để buộc chân những cặp vợ chồng có tên trong sách. Vi Cố tò mò muốn biết ai sẽ là vợ tương lai của mình. Nguyệt Lão tra sách, trả lời là đứa bé gái, con người ăn mày ngoài chợ. Vi Cố tức giận. Hôm sau ra chợ tìm giết đứa bé. Đứa bé bị Vi Cố chém một nhát trúng đầu, ngất đi. Về sau Vi Cố kết duyên cùng con gái một vị quan to. Một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết rằng thuở nhỏ nàng bị một người chém giữa chợ, được quan cứu sống, đem về nuôi.
Tối hôm cưới, gọi là tối động phòng, làm lễ hợp cẩn. Hai vợ chồng cùng uống chung một chén rượu.
Cưới được ba ngày, đến ngày thứ tư thì hai vợ chồng mang xôi chè, trầu rượu về nhà bố mẹ vợ lễ gia tiên, gọi là lễ lại mặt hay tứ hỉ.
Luật xưa nghiêm cấm cử hành lễ cưới trong lúc gia đình có tang từ một năm trở lên (tang ông bà, chú bác, cha mẹ). Nhà trai hoặc nhà gái gặp lúc gia đình có cha mẹ, ông bà hay chú bác đau ốm nặng, thường cho cử hành gấp lễ cưới. Nếu có người chết, phải làm đám cưới trước khi phát tang.
Cưới vội vã như vậy gọi là cưới chạy tang.
Xã hội Việt Nam đã thay đổi sâu xa. Phần đông trai gái ngày nay lấy nhau ở độ tuổi từ 20 đến 30. Họ có nhiều dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước khi quyết định làm đám cưới. Cha mẹ được hỏi ý kiến nhưng không còn nắm vai trò quyết định nữa. Nhờ đó mà hủ tục môn đăng hộ đối không còn nữa. Nghi lễ được tổ chức đơn giản để đỡ tốn thời gian. Lễ hỏi, lễ cưới chỉ có trầu cau, trà bánh và rượu. Lễ gia tiên còn được giữ, các lễ khác thường bỏ qua.
Nhiều nơi rước dâu bằng xe hơi.
Ở nước ngoài, các cô dâu Việt Nam thường mặc áo dài thêu rồng vẽ phượng, đầu đội khăn vành, màu đỏ màu vàng, trong khi ở trong nước các cô lại chuộng chiếc áo cưới cồng kềnh lết đất của Âu Mỹ.
Chiều tối hai họ cùng tổ chức mời bạn bè ăn uống. Cô dâu thay ba bốn bộ quần áo, giống như một cuộc trình diễn thời trang.
Sách báo tham khảo:
- Phan Kế Bính,Việt Nam Phong Tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990.
- Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, Khai Trí, 1968.
- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất Lề Quê Thói, Saigon, 1968.
- Nhiều tác giả, Thời đại Hùng Vương, Khoa Học Xã Hội, 1976.
- http://www.vnn.vn/vnn3/phongtuc/gio_tet/bai_vat.htm
- Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Trường Thi, 1957.
Nguyễn Dư
(20/9/2000)
Tác giả: Nguyễn Dư
Luân lý Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một bổn phận thiêng liêng của con cháu. Thờ phụng phải được tiếp nối liên tục qua các đời. Vì vậy mỗi người đàn ông phải sớm lập gia đình để mau có con trai nối dõi, lo việc đèn nhang.
Sớm là bắt đầu từ mấy tuổi ?
Luật lệ ngày xưa không ấn định tuổi được phép lấy vợ lấy chồng. Chúng ta được biết vài trường hợp trai gái lấy nhau khá sớm :
- Gái thập tam, nam thập lục (gái 13, trai 16),
- Em lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con...
- Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng...
Năm 1888, nhà nước bảo hộ Pháp ấn định con gái 14 tuổi, con trai 16 tuổi mới được làm đám cưới. Tuy không thay đổi là bao so với 13 và 16 tuổi, nhưng ít ra luật pháp cũng chính thức cấm tục tảo hôn(lấy vợ sớm), không cho phép con trai dưới 16 tuổi lấy vợ. Tuy bị cấm, nhưng ở nông thôn miền Bắc, hủ tục này còn rơi rớt đến tận những năm 1940. Một vài cậu bé con nhà giàu, mới lên tám, lên mười đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ lớn gấp hai, ba lần tuổi mình. Thật ra mục đích của cha mẹ cậu bé là kiếm một người giúp việc không công, chứ chẳng phải là lo cho con, hay cho ông bà tổ tiên.
Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Con gái không có quyền quyết định. Duyên phận phó mặc cho may rủi, chọn lựa của cha mẹ.
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Ý muốn của chàng trai cũng phải được cha mẹ chấp nhận thì mọi chuyện mới trôi chảy êm đẹp.
Ngày xưa, lễ nghi cưới xin của ta bắt chước Tàu. Rất rườm rà, phức tạp.
Theo sách Văn công gia lễ thì cưới xin có 6 lễ chính:
1- Nạp thái : nhà trai đến nhà gái ngỏ ý
2- Vấn danh : nhà trai hỏi tên tuổi cô gái để tính ngày giờ, xem có bị xung khắc không ?
3- Nạp cát : chọn được ngày tốt, xác nhận với nhà gái
4- Nạp tệ : đưa đồ thách cưới do nhà gái ấn định
5- Thỉnh kỳ : định ngày làm lễ cưới, nộp nữ trang, vải vóc cho nhà gái
6- Nghinh hôn (thân nghinh): lễ rước dâu
Năm 1477 nhà Lê quy định rằng :
Phàm người lấy vợ, trước hết phải mượn người mối đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân. Lễ cầu thân xong rồi mới định lễ dẫn cưới. Dẫn cưới xong rồi mới định ngày đón dâu. Ngày hôm sau chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến lễ nhà thờ. Nghi thức tiết mục, phải theo đúng như điều đã ban xuống mà làm. Không được như trước, nhà trai dẫn lễ cưới rồi để đến 3, 4 năm mới cho đón dâu.
Bắt đầu, nhà trai bắn tin thăm dò. Các nhà quyền quý thường tìm nơi môn đăng hộ đối (gia đình tương xứng). Sau khi đã được nhà gái đồng ý, nhà trai mới nhờ ông mai hoặc bà mối mang trầu cau và trà tới xin dạm.
Đẹp như rối, không mối không xong
Vai trò trung gian của ông mai bà mối rất quan trọng.
Lễ dạm tương đương với ba lễ đầu của ngày xưa.
Trầu cau luôn luôn có mặt trong các lễ cưới hỏi của người Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng :
Ngày xưa có hai anh em nhà kia, hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc(có người kể là hai anh em sinh đôi). Cha mẹ mất sớm. Được 17, 18 tuổi, hai anh em đến xin trọ học tại nhà một đạo sĩ. Học hành chăm chỉ, tính tình đứng đắn, cả hai được thầy yêu quý. Thầy có người con gái tuổi trăng tròn, xinh đẹp dịu hiền. Cô gái đem lòng yêu mến hai anh em.
Ít lâu sau cô xin phép cha lấy người anh làm chồng. Từ ngày lập gia đình, người anh quấn quýt bên cô vợ trẻ, lơ là với em. Người em cảm thấy lẻ loi. Một hôm hai anh em cùng lên nương làm việc đồng áng, tối trời mới về. Người em vào nhà trước. Chị dâu trong buồng chạy ra, tưởng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em lúng túng kêu lên. Hai người cùng ngượng ngùng xấu hổ. Được chứng kiến cảnh vợ và em ôm nhau, người anh đem lòng nghi ngờ. Từ đó tình anh em lại càng lạnh nhạt.
Một buổi chiều kia, anh chị đi vắng, người em cảm thấy cô đơn, buồn tủi, quyết định bỏ nhà ra đi. Chàng đi, đi mãi đến một khu rừng, có con suối chắn ngang. Màn đêm xuống dần... Mỏi mệt, đói khát, buồn chán, chàng lịm thiếp đi rồi chết. Xác chàng biến thành một tảng đá.
Vợ chồng người anh về nhà không thấy em. Qua ngày hôm sau vẫn vắng bóng. Người anh lẳng lặng bỏ nhà đi tìm. Đến khu rừng, cạnh con suối, ngồi tựa lưng vào tảng đá nghỉ mệt. Thương nhớ em... Chàng thiếp đi, chết giữa đêm khuya, hóa thành một cây mọc thẳng bên cạnh tảng đá.
Đến lượt người vợ trông chờ mãi không thấy chồng về, cũng lần theo con đường mòn đến cạnh bờ suối. Đêm đó nàng chết, hóa thành một cây leo, quấn chặt thân cây cao.
Một hôm vua Hùng Vương đi qua chốn ấy. Nghe dân làng kể chuyện, vua sai người lấy lá cây leo, hái quả cây cao. Nghiền lá với quả thì thấy một mùi thơm nhẹ nhàng toát ra. Nhai thử thì thấy vị cay, tê tê đầu lưỡi. Nước tiết ra, nhổ lên tảng đá thì thấy một màu đỏ thắm hiện lên.
Dân làng đặt tên cây cao là cau, cây leo là trầu, tảng đá là vôi.
Nước ta có tục ăn trầu từ đó.
Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa thủy chung, thắm thiết. Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp gỡ nhau người ta cũng thường mời nhau miếng trầu. Ngày nay miếng trầu có thêm tí vỏ, ít thuốc lào, càng làm tăng thêm hương vị.
Sau lễ dạm đến lễ nạp tệ, hay thách cưới.
Nhà gái đưa ra một danh sách những đồ vật và tiền bạc bắt nhà trai phải nộp.Thông thường thì cũng phải:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau
Chàng trai nói giúp cho lịch sự chứ thật ra là bị bắt buộc. Có khi nhà gái thách cao, đòi bò, đòi trâu, vòng vàng, xà tích bạc...
Năm 1663 vua Lê Huyền Tông ban điều giáo hóa :
Vợ chồng là gốc luân thường, lấy vợ, gả chồng phải theo lễ nghĩa, không được suy bì giàu nghèo, đòi nhiều tiền của. Lấy nhau phải phân biệt họ hàng, nòi giống, không được tham giàu sang mà phối hợp loạn luân thường, không được cẩu hợp không có sính lễ để đến nỗi gần như giống cầm thú...
Năm 1804 vua Gia Long định lệ :
Trai lấy vợ, gái lấy chồng thì sính lễ phải châm chước. Trong 6 lễ phải tùy sức nhà trai giàu nghèo, không được bắt ép viết văn khế cầm ruộng...
Bên cạnh thách cưới, nhà trai còn phải nộp cheo cho làng cô gái. Có nộp cheo mới được làng công nhận chuyện cưới xin.
Xưa kia nước ta không có sổ sách hộ tịch. Khi nhận tiền nộp cheo, làng viết giấy chứng nhận. Giấy này có giá trị như giấy giá thú ngày nay. Đám cưới nào không nộp cheo thì cặp vợ chồng đó sẽ bị làng coi như sống lén lút :
Có cưới mà chẳng có cheo
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài
Nộp cheo bằng đồ vật hay tiền bạc. Có làng bắt nộp chiếc mâm đồng, ít chén bát để dùng cho hội hè đình đám. Có nơi đòi ít gạch để lót lại quãng đường hư hỏng, hay một ít vật liệu để sửa cái cầu, giếng nước...
Luật xưa quy định :
Bất cứ ở cùng một làng hay làng khác đều cho phép thu cheo một quan tiền cổ và một vò rượu. Quan viên và binh lính ở xã thôn nhà gái không được viện cớ người ta lấy chồng làng khác mà đòi tiền cheo quá lạm (1663).
Về tiền cheo thì nhà giàu phải nộp 1 quan 5 tiền, nhà bậc trung nộp 6 tiền, nhà nghèo nộp 3 tiền (1804).
Tuy luật quy định như vậy nhưng trong thực tế vẫn có sự phân biệt người cùng làng hay khác làng. Và tiền cheo thường bắt nộp quá mức luật định.
Nhà trai sắm sửa đủ đồ thách cưới thì lảm lễ hỏi , mang tới nộp nhà gái.
Sau lễ hỏi, nhà trai phải năng lui tới thăm hỏi, sêu tết nhà gái. Mùa nào thức ấy: nhãn, vải, hồng, cốm...trong khi chờ đợi lễ cưới.
Lễ cưới, còn gọi là rước dâu, đón dâu, tên chữ là nghinh hôn, là lễ quan trọng nhất.
Lễ cưới phải chọn ngày tốt, đón dâu phải lựa giờ tốt. Ngày xưa có tục đón dâu vào buổi tối. Nhà trai mang trầu cau, rượu, xôi, gà, lợn...đến nhà gái. Dẫn đầu là một cụ già, không có tang, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu. Cụ già mặc áo thụng xanh, cầm bó hương hay ôm lư trầm. Theo sau là những người đội lễ vật, tiếp đến chú rể, họ hàng. Ngày xưa chú rể đội nón. Đến đầu thế kỷ 20, chú rể tân thời bỏ chiếc nón, thay bằng cái ô tây, miệng phì phèo thuốc lá. Ngoài Bắc, chỉ có cha chú rể đi đón dâu. Trong Nam, cha mẹ chú rể cùng đi.
Trên đường đến nhà gái, nhà trai thường bị những người nghèo và trẻ con tổ chức bày hương án, chăng giây ngăn cản. Mục đích của đám này là đòi ăn uống, tiền bạc, họa hoằn mới để mua vui. Muốn cho mọi chuyện được êm đẹp, khỏi bị quấy phá, chửi rủa tục tằn, làm chậm trễ buổi lễ, nhà trai thường phải chiều ý chúng.
Khi nhà trai tới đầu ngõ, nhà gái đốt pháo đón mừng. Người chủ hôn hoặc cha chú rể đứng ra tuyên bố xin đón dâu. Đại diện mẹ chú rể bưng trầu cau đặt trước mặt nhà gái để xin con dâu.
Nhà gái mời đại diện nhà trai cùng cô dâu chú rể làm lễ cáo gia tiên. Đây cũng là một dịp để trẻ con bên nhà gái đóng cửa nhà thờ nhõng nhẽo vòi tiền nhà trai.
Sau đó, nhà trai xin rước dâu. Ngoài Bắc, cha mẹ cô dâu không đưa tiễn con gái về nhà chồng. Trong Nam, nhà gái cũng kén một cụ già cầm bó hương đi trước, theo sau là cô dâu và cha mẹ họ hàng, bạn bè đưa tiễn.
Đám rước dâu vẫn do cụ già của nhà trai cầm bó hương dẫn đầu, đằng sau là hai họ. Đoàn người về tới đầu ngõ thì nhà trai đốt pháo chào mừng.
Trong lúc đi đường, cô dâu ăn mặc đẹp sợ bị thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo để trấn áp những câu nói độc mồm độc miệng.
Giữa bậc cửa vào nhà chú rể đặt một hỏa lò than hồng để cô dâu bước qua. Than hồng sẽ đốt hết những vía xấu đi theo quấy phá cô trên đường về nhà chồng.
Trước khi cô dâu bước vào nhà, mẹ chú rể xách bình vôi lánh mặt một lúc lâu rồi mới về chào mừng hai họ.
Có ngườì cho rằng bình vôi tượng trưng cho của cải trong nhà. Lại có người cho rằng bình vôi là một tục bái vật cổ truyền xa xưa của dân ta. Bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế.
Tại sao bình vôi lại là uy quyền, của cải ?
Chữ vôi (nôm) được viết bằng chữ khôi (hán việt). Khôi chính nghĩa là tro, là màu xám. Chữ khôi có nhiều từ đồng âm. Trong đó có chữ khôi (bộ quỷ) nghĩa là đứng đầu và chữ khôi (bộ ngọc) nghĩa là quý báu.
Do đó cái bình vôi của ta được dùng để tượng trưng cho người đứng đầu và của cải. Bà mẹ chồng giữ bình vôi để bảo vệ uy quyền của mình và của cải của gia đình. Chiếc bình vôi chỉ là một suy diễn chữ nghĩa của giới bình dân chứ không mang nội dung thần thánh. Ý kiến cho rằng bình vôi là bà chúa chưa ai định danh là bà chúa gì và bình vôi là tục bái vật có lẽ đã vượt quá xa khả năng suy diễn hán nôm của giới bình dân !
Có nơi chờ đám rước dâu về tới đầu ngõ, một người lấy chày giã vào cối đá, đôi khi giã mạnh đến vỡ cả cối. Tục ấy thì ngộ quá, không hiểu ý làm sao (Phan Kế Bính).
Giã cối là một tục cổ, có từ thời đại Hùng Vương.
Giã cối cũng là một tục lệ ngày hội.Từng đôi nam nữ cầm chày dài đứng giã cối tròn.Đó là những chiếc cối rỗng, là một thứ dụng cụ nông nghiệp, đồng thời là nhạc cụ, và cũng là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trở thành một tiết mục trong ngày hội lễ, giã cối(và hát) vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi và hình thức giao duyên nam nữ, vừa mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng.
Chày cối, theo quan niệm dân gian, là hình giống của nam và nữ. Giã cối, ở một số nơi, còn có ý nghĩa tượng trưng cho hành động tính giao.
Cô dâu, chú rể cùng lễ tổ ở nhà thờ họ nhà trai, rồi trở về nhà chú rể lễ gia tiên, chào mừng cha mẹ, họ hàng bên chồng.
Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về
Từ giờ phút này, cô dâu trở thành một người của gia đình bên chồng.
Có nơi còn làm lễ tơ hồng, cám ơn Nguyệt Lão đã xe duyên cho đôi trẻ.
Tích Nguyệt Lão kể rằng :
Đêm trăng, Vi Cố đi chơi gặp một ông già ngồi đọc sách, tay cầm nắm dây tơ màu đỏ. Vi Cố chào hỏi, ông già tự xưng là Nguyệt Lão chuyên việc xe duyên cho nhân gian. Dây tơ đỏ để buộc chân những cặp vợ chồng có tên trong sách. Vi Cố tò mò muốn biết ai sẽ là vợ tương lai của mình. Nguyệt Lão tra sách, trả lời là đứa bé gái, con người ăn mày ngoài chợ. Vi Cố tức giận. Hôm sau ra chợ tìm giết đứa bé. Đứa bé bị Vi Cố chém một nhát trúng đầu, ngất đi. Về sau Vi Cố kết duyên cùng con gái một vị quan to. Một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết rằng thuở nhỏ nàng bị một người chém giữa chợ, được quan cứu sống, đem về nuôi.
Tối hôm cưới, gọi là tối động phòng, làm lễ hợp cẩn. Hai vợ chồng cùng uống chung một chén rượu.
Cưới được ba ngày, đến ngày thứ tư thì hai vợ chồng mang xôi chè, trầu rượu về nhà bố mẹ vợ lễ gia tiên, gọi là lễ lại mặt hay tứ hỉ.
Luật xưa nghiêm cấm cử hành lễ cưới trong lúc gia đình có tang từ một năm trở lên (tang ông bà, chú bác, cha mẹ). Nhà trai hoặc nhà gái gặp lúc gia đình có cha mẹ, ông bà hay chú bác đau ốm nặng, thường cho cử hành gấp lễ cưới. Nếu có người chết, phải làm đám cưới trước khi phát tang.
Cưới vội vã như vậy gọi là cưới chạy tang.
Xã hội Việt Nam đã thay đổi sâu xa. Phần đông trai gái ngày nay lấy nhau ở độ tuổi từ 20 đến 30. Họ có nhiều dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước khi quyết định làm đám cưới. Cha mẹ được hỏi ý kiến nhưng không còn nắm vai trò quyết định nữa. Nhờ đó mà hủ tục môn đăng hộ đối không còn nữa. Nghi lễ được tổ chức đơn giản để đỡ tốn thời gian. Lễ hỏi, lễ cưới chỉ có trầu cau, trà bánh và rượu. Lễ gia tiên còn được giữ, các lễ khác thường bỏ qua.
Nhiều nơi rước dâu bằng xe hơi.
Ở nước ngoài, các cô dâu Việt Nam thường mặc áo dài thêu rồng vẽ phượng, đầu đội khăn vành, màu đỏ màu vàng, trong khi ở trong nước các cô lại chuộng chiếc áo cưới cồng kềnh lết đất của Âu Mỹ.
Chiều tối hai họ cùng tổ chức mời bạn bè ăn uống. Cô dâu thay ba bốn bộ quần áo, giống như một cuộc trình diễn thời trang.
Sách báo tham khảo:
- Phan Kế Bính,Việt Nam Phong Tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990.
- Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam, Khai Trí, 1968.
- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất Lề Quê Thói, Saigon, 1968.
- Nhiều tác giả, Thời đại Hùng Vương, Khoa Học Xã Hội, 1976.
- http://www.vnn.vn/vnn3/phongtuc/gio_tet/bai_vat.htm
- Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Trường Thi, 1957.
Nguyễn Dư
(20/9/2000)