PDA

View Full Version : Cái Cười Của Thánh Nhân - Nguyễn Duy Cần



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 [16] 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68

VietLang
05-29-2007, 11:52 PM
Chương 16 - Đức Uống Rượu


Có một đại nhân lấy trời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt trời, mặt trăng làm cửa ra vào, lấy thiên hạ làm sân, làm đường, đi, không thấy vết xe, ở, không có nhà, cửa, trời, tức là màn, đất, tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế. Lúc ở nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai, xách mâm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến gì nữa.

Có một vị công tử và một ông quan, sang qua nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nhà, xăn tay, vén áo, trừng mắt, nghiến răng, kẻ thì giãi bày lễ nghĩa, người thì giảng giải thị phi, ầm ĩ như đàn ong.

Lúc đó tiên sinh ôm vò rượu, ghé vào thùng rượu, tợp cả chén, vểnh râu, ngồi dang hai chân, không nghĩ, không lo, hớn hở, say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai, cũng không nghe thấy tiếng sấm sét, nhìn kỹ cũng không trông thấy hình Thái sơn, nóng lạnh đến thấu cả thân, cũng không biết, tiền của dục vọng cảm đến tình, cũng không hay, cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào bèo nổi bồng bềnh trên sông Giang, sông Hán.

Hai vị kia đứng bên cạnh, tiên sinh thấy như con tò vò, như con sâu rọm mà thôi.

Lời bàn:

Bài văn này của Lưu Linh "mắng" nặng hạng người thích tách bạch thị phi, thiện ác...

Đối với người đã xem thời gian vô cùng của trời đất như một buổi, muôn năm là một chốc... thì cái bọn người câu chấp hẹp hòi trong những cái gọi là lễ nghĩa thị phi... còn có nghĩa lý gì...

Cái say của Lưu Linh là cái say Đạo, vượt khỏi nhị nguyên, cho nên tiếng sấm sét không làm kinh động con người, tiên sinh lắng tai cũng không nghe. Hình núi Thái cao to lớn là bao, vậy mà dưới con mắt tiên sinh dù đã hết sức nhìn kỹ cũng không thấy. Tả cái tâm cảm của người đắc Đạo như thế quả là tài tình và hài hước.

Còn gì hài hước nữa bằng cách tả hạng Nho gia hăng hái truyền cái đạo nhị nguyên của họ như một đàn ong vỡ ổ: "Có một vị công tử, và một ông quan sang qua, nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nhà, xăn tay, vén áo, trừng mắt, nghiến răng, kẻ thì giãi bày lễ nghĩa, người thì giảng giải thị phi, ầm ĩ như đàn ong". Quả là cái cười tàn nhẫn! Tàn nhẫn mà hài hước đến cực độ là câu chót: Hai vị kia đứng bên cạnh, tiên sinh thấy như con tò vò, như con sâu rọm mà thôi!".