PDA

View Full Version : Cái Cười Của Thánh Nhân - Nguyễn Duy Cần



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 [17] 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68

VietLang
05-29-2007, 11:52 PM
Chương 17 - Ngũ Liễu Tiên Sinh


Ông không rõ người ở đâu, tên họ gì, bên nhà có trồng năm cây liễu, nhân đó mà đặt tên.

Ông nhàn tĩnh, ít nói, không ham danh lợi. Tính ham đọc sách, lại không cần thâm cứu chi tiết, mỗi lần hội ý điều gì thì vui vẻ quên ăn. Tính thích rượu, nhưng nhà nghèo, không có được thường. Người thân cận cố cựu biết vậy, có khi bày rượu mời, ông lại uống hết, đến say mới thôi. Say rồi thì về, không lưu luyến gì cả.

Tường vách tiêu điều, không đủ che mưa nắng, bận áo vải thô vá, bầu giỏ thường trống không mà vẫn vui.

Ông thường làm ăn để tiêu khiển và tỏ chí mình. Đắc thất không màng, cứ vậy trọn đời.

Khen rằng: "Kiềm Lâu nói: Không đau đáu lo cảnh nghèo hèn, không vội vàng mưu cảnh giàu sang".

Lời nói ấy trỏ vào hạng người như này chăng?

Lời bàn

Lối văn u mặc của Đào Tiềm nhẹ nhàng hơn của Lưu Linh, nhưng đều cùng một mùi vị hư vô siêu thoát

Bài văn của Đào Tiềm có nhiều đoạn rất hay... "Ông, không rõ là người ở đâu, tên họ gì..." Những ai đã hiểu Thiền, đọc lên sẽ thấy thú vị vô cùng. Trong khi thiên hạ đua nhau tìm cách "lưu danh hậu thế" đánh trống thổi kèn để cho khắp thiên hạ được biết đến cái tên nhỏ bé của mình thì Đào Tiềm cũng như Bạch Cư Di khởi đầu nói đến một thứ con người "vô danh": Túy Ngâm tiên sinh và Ngũ Liễu tiên sinh

Đào Tiềm hiểu rất rõ những tâm sự của những con người háo danh trục lợi, họ nói rất hăng, họ nói rất nhiều... nếu không phải vì háo danh thì chắc chắn không còn cái gì thúc đẩy con người ham nói cả. Cho nên Ngũ Liễu tiên sinh là người "ít nói", và dĩ nhiên bởi ông là người "không ham danh lợi". Chỉ có một câu mà nói lên được tất cả nhân quả của cái trò hề bản gã (comédie du moi)

Lối đọc sách của Ngũ Liễu tiên sinh cũng khác đời. Người đời đọc sách thì đi moi móc từng chữ một, chết trong văn từ chi tiết, lặn hụp trong hình thức, chi ly phân tích. Ngũ Liễu tiên sinh đọc sách "không cần thâm cứu chi tiết, mỗi khi hội ý điều gì thì vui vẻ quên ăn". Đọc sách mà được như thế là nhập thầnÔng

Giàu nghèo bất kể, đắc thất không màng. Ngụ Liễu tiên sinh quả là người cách xa thiên hạ: Một con người Tự Do

Nếu trong hàng đệ tử Khổng Tử hỏi Ngài về cái con người quái dị này là hạng người thế nào, chắc chắn Khổng Tử sẽ bảo: "Người mà làm gì hiểu nổi. Hỏi Hồi, may ra nó mới có thể nói cho mà nghe!