PDA

View Full Version : Thuật Xử Thế Của Người Xưa - Ngô Nguyên Phi



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 [30] 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

VietLang
05-30-2007, 04:07 PM
Chương 30 - Lo Trong Và Lo Ngoài
(Tử Cống Thuyết Khách)


Họ Trần ở nước Tề muốn đoạt nước, nhưng thấy họ Cao, họ Quốc, họ Tôn còn mạnh, nên chưa dám. Trần Hằng trù tính kế hoạch xong, vào tâu với Tề Giản Công:

- Nước Lỗ dựa vào Ngô đem binh làm nhục ta, thù ấy nay phải trả.

Tề Giản Công nghe lời, phong Quốc Thư làm đại tướng, Cao Vô Bình, Tôn Lâu làm phó, rầm rộ kéo đại binh đi đến biên giới nước Lỗ.

Bấy giờ Khổng Tử đang ở Lỗ san định các kinh Thi, Thư, nghe nước Tề kéo quân đánh Lỗ, than:

- Lỗ là tổ quốc của ta, phải cứu!

Than rồi hỏi học trò:

- Có trò nào đi ngăn quân Tề đừng đánh Lỗ, được không?

Hai đệ tử Công Tôn Long và Chuyên tôn Sư xin đi, ông kêu không được.

Tử Cống nói:

- Tứ con đi được không?

Khổng Tử đáp:

- Được.

Tử Cống đến Vấn Thủy, xin vào yết kiến Trần Hằng. Hằng biết Tử Cống tên thật là Đoan Mộc Tứ là cao đồ của Khổng Tử đến đâythuyết khách cho Lỗ bèn mời vào, hỏi:

- Tiên sinh đến đây thuyết khách cho Lỗ đó chăng?

Tử Cống nói:

- Tôi đến đây vì Tề chứ không phải vì Lỗ! Lỗ là nước khó đánh sao ngài lại cho đánh?

- Nước Lỗ khó đánh ở chỗ nào?

- Lỗ thành thấp, hào nông, vua yếu, quan hèn, sĩ tốt không luyện tập, vì vậy mới là khó đánh. Còn Ngô, thành cao,, hào sâu, binh hùng tướng mạnh, mà lại dễ đánh!

Trần Hằng lấy làm khó chịu nói, nói:

- Khó và dễ tiên sinh nói đảo điên mất!

Tử Cống mỉm cười nói:

- Cho lui kẻ tả hữu, tôi sẽ trình bày.

Trần Hằng cho tả hữu lui ra ngoài, Tử Cống nói:

- Nay tướng quốc cử binh đánh Lỗ là cốt lo "mặt trong" chứ không phải lo "mặt ngoài". Người ta thường nói: "Nước, nếu lo Mặt ngoài thì đánh nước yếu, còn lo Mặt trong thì đánh nước mạnh". Thế của ngài hôm nay không thể đồng sự với các đại thần kia được. Các vị ấy nay mà đánh Lỗ, tất phải có công. Công của họ mỗi ngày mỗi to, thì thế lực của họ mỗi ngày mỗi mạnh, còn quan Tướng quốc thì không có công gì, không nguy sao được? Còn nay quan Tướng quốc quay sang đánh Ngô, các vị đại thần ắt khổ, quyền chính trong nước thuộc về ngài.

Trần Hằng tươi ngay nét mặt nói:

- Tiên sinh hiểu ruột gan tôi lắm! Nhưng Tề lỡ đóng quân đây rồi, giờ quay sang đánh Ngô sao tiện?

Tử Cống nói:

- Tôi sẽ thuyết phục Ngô đem quân đánh Tề, ngài có cớ đánh Ngô.

Nói rồi liền sang Ngô, vào yết kiến Phù Sai nói:

- Trước đây Ngô và Lỗ hợp binh đánh Tề, Tề rất căm thù Ngộ Nay Tề không dám đánh Ngô mà lại đánh Lỗ, rồi thừa thắng kéo xuống đánh Ngô, đó là chắc. Đại vương nên đánh Tề để cứu Lỗ. Lỗ là chư hầu sẽ phục ngài!

Phù Sai nói:

- Tề là nước phản phúc sớm đầu tối đánh. Quả nhân muốn đem binh phạt Tề nhưng sợ Việt đánh úp. Giờ đánh Việt trước rồi mới đánh Tề sau.

Tử Cống nói:

- Không nên! Nước Việt yếu, nước Tề mạnh. Đánh nước Việt mà tha nước Tề sao gọi là trí dũng? Nếu đại vương có ngại vua Việt, tôi sẽ bảo vua Việt đem quân theo hầu đại vương.

Trận ấy Câu Tiễn có gởi quân tham chiến, và quân Ngô đại thắng quân Tề ở Ngãi Lăng.

Lời Bàn:

Đoạn này nói tài hùng biện của Tử Cống. Thầy của Tử Cống là Khổng Tử người nước Lỗ, mà nước Tề xâm lăng nước Lỗ nên các đệ tử vì thầy mà ra sức cứu nước Lỗ. Tử Cống không dùng binh đao mà chỉ uốn ba tấc lưỡi đẩy lui quân Tề đi chỗ khác.

Tử Cống hiểu được tâm lý của Trần Hằng, muốn mượn tay nước ngoài trừ họ Cao, họ Quốc, họ Tôn. Ý Trần Hằng là như vậy mà khởi binh đánh nước Lỗ là quá vụng, vì đánh nước Lỗ, tất nhiên Tề phải thắng. Tề thắng thì các quan họ ấy có công, do đó Trần Hằng nghe lời Tử Cống đình binh lại và không đánh nước Lỗ.

Có điều, Tử Cống nói: "Lo trong thì đánh nước mạnh, lo ngoài thì đánh nước yếu". Nhưng ta nhận thấy, như nước Ngô hiện tại, không phải tình trạng lo trong mà là lo ngoài, vì Ngô muốn làm bá chủ, như thế Tử Cống có mâu thuẫn không? Ta biết, Bá Phỉ là tên bạo ngược, xiểm thần. Phù Sai một mực tín dụng hắn, nên không độc ác cũng trở thành độc ác. Tử Cống ghét thói bạo ngược. Tề lại càng bạo ngược hơn nữa. Tử Cống cố gài hai nước bạo ngược đánh nhau, để chúng không đủ lực hiếp đáp các nước nhỏ nữa.