PDA

View Full Version : Thuật Xử Thế Của Người Xưa - Ngô Nguyên Phi



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 [58] 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

VietLang
05-30-2007, 04:32 PM
Chương 58 - Cây Vô Dụng


Có một mộc sư tên Thạch đi qua vùng Khúc Viên của Tề thấy một cây lịch to lớn trước miếu thổ thần. Bóng râm của nó có thể che hết ngàn con bò, cây cao đến đỉnh núi, cành no có thể khoét thành thuyền độc mộc, thân lớn trăm ôm, người ta bu lại coi đông như chợ, thế mà Thạch vẫn cắm đầu đi thẳng.

Bọn đệ tử nhìn chán rồi mới đuổi theo Thạch. Một đứa nói:

- Từ khi con vác búa theo thầy đến nay chưa hề thấy cây nào lớn đẹp như vậy, thế mà thầy không thèm nhìn là sao?

Mộc sư nói:

- Thôi, thôi! Đó là cây vô dụng, ta còn lạ gì? Dùng nó làm thuyền thì đắm, làm quan tài thì mau mục, làm khí cụ thì mau hỏng, làm cửa thì nó hay tiết ra chất dầu rất nhớp, làm cột kèo rui mè thì lắm mối mọt. Vì vậy nó mới sống lâu và cao như thế!

Học trò hỏi:

- Nhưng sao nó lại mọc ở chỗ tế tự?

Mộc sư nói:

- Cây ấy bất quá chỉ gởi mình ở nơi cúng tế để những kẻ ngu dốt khỏi chửi nó vô dụng. Không mọc ở chỗ miếu thì dễ bị những kẻ phá đi, nhưng cách bảo toàn nó có khác gì con người? Lấy sự lý đời này ra để chứng minh có lẽ là khác xa lắm!...

Lời Bàn:

Đoạn văn này cổ nhân muốn nêu lên sự khác biệt giữa cái hữu dụng và vô dụng. Không phải vô dụng là... vô dụng, mà có cái đại dụng trong cái vô dụng đó. Trang Tử nói: "Những cây táo, lê, quýt, cam, bưởi... , khi quả chín đều bị bẻ hái đi cho đến khi tàn lụi. Đó chính là tài năng mà tự làm khổ cả đời, sống không hết tuổi, mà chết yểu. Ta chẳng có chỗ nào hữu dụng nên mới sống lâu". Xét lại câu: "Cây ấy bất quá chỉ gởi mình nơi cúng tế để những kẻ ngu dốt khỏi chửi nó vô dụng", tác giả ngầm nói những kẻ bất tài, có thân thế với quan cũng chen chân lấn bước vào chốn miếu đường, để qua mắt mọi người, giống như Lỗ Trọng Liên đã chửi Bình Nguyên Quân Triệu Thắng trước đây. Tác giả phân biệt ba loại cây vô dụng:

a) Cây vô dụng sống ngoài thiên nhiên thì sống lâu. Sự sống lâu đó là đáng quý vì nó hợp lẽ tự nhiên.

b) Cây vô dụng mà sống gần làng xóm thì dễ bị người ta quấy phá, đốn bỏ để phong cảnh quanh nhã. Theo ý tưởng này thì Dương Vương Minh (triết gia thời Minh) nói:

"Cây kia trổ lá xanh xanh,

Thân ta biết thế đừng sinh ra đời".

c) Cây vô dụng mọc nơi đền miếu, là có ý lợi dụng lòng mê tín của người ngu (không dám đốn vì sợ quỷ thần quở), kiếp của nó là sống gởi (chỉ cho những kẻ bất tài mà bu bám).

Rốt cuộc, ý cả bài quy lại, làm người không nên tranh danh đoạt lợi, muốn khỏe thân thì phải an tĩnh và sống vào vị trí thích hợp của mình, mới có thể thọ mà không bị tai tiếng.