PDA

View Full Version : Tây Phương Huyền Bí - Nguyễn Hữu Kiệt



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 [13] 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52

VietLang
05-31-2007, 01:59 PM
Chương 13 - Gặp My Cốt Lần Thứ Hai


Ngày hội kiến với Zanoni, hãy còn bàng hoàng vì những cảm xúc liên tiếp và những phản ứng lạ lùng của chính mình, Linh Đông bèn rảo bước đi đến khu hoa viên thành phố để có thể lặng lẽ suy tư một mình. Vườn hoa hôm ấy rất vắng vẻ. Y ngồi xuống một chiếc ghế dài dưới bóng mát của một cây cổ thụ, và lúc thả hồn theo giấc mơ, y bổng có cái cảm giác ớn lạnh giống như lần trước, mà Zanoni đã giải thích tỉ mỉ rõ ràng, và gán cho nó một cái nguyên nhân thật lạ lùng huyền bí.

Y bèn đứng phắt dậy, và lấy làm rùng mình mà thấy gần bên y một nhân vật có cái hình dáng xấu xa gớm ghiếc, có thể tượng trưng cho những vong hồn hung ác mà Zanoni đã nói chuyện tối hôm đó. Người ấy có cái vóc vạc nhỏ thấp, ăn mặc xốc xếch lôi thôi. Thân hình y, nếu không phải là dị dạng, kỳ quái vì mang một ác tật nào đó, thì ít nhất cũng là xấu xí, khó coi. Y có bộ vai xo, ngực lép, hai bàn tay lớn và xương xẩu. Gương mặt của y biểu lộ những nét đau đớn của những người bị bịnh liệt bại, đôi mắt nhỏ như mắt lương nhưng long lanh một tia sáng ranh mãnh, tinh quái. Cái mũi dài và nhọn, đầu mũi khoằm xuống như chỉ chực dòm vào miệng. Nụ cười của y làm cho cái miệng méo xệch, như cái miệng của người bị đánh đòn đau, để lộ hai hàm răng thô và khấp khểnh, đen và sâu. Nhưng trên cái bộ mặt gớm ghiếc đó, hãy còn phảng phất một nét khôn lanh, giảo hoạt, một vẻ mặt gồm lẫn lộn những nét xảo quyệt, gian trá và hỗn láo.

Sau cái cảm giác đột ngột đầu tiên, Linh Đông mới nhìn lại người ấy, bèn tự lấy làm hổ thẹn về sự sợ sệt vô cớ của mình khi chàng nhận ra đó là My Cốt, một họa sĩ người Pháp mà trước kia chàng có quen biết. Có điều mâu thuẫn đáng ghi nhận là người họa sĩ này, mặc dầu có một hình thù thô kệch xấu xí, lại thích khai thác những đề tài có tính cách lớn lao, hùng vĩ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, thì những tranh vẽ của y chỉ có những nét hào nhoáng bên ngoài mà không có bề sâu, và hoàn toàn thiếu lý tưởng. Cái đẹp mà y cố gắng phát biểu trong tranh vẽ là cái đẹp của hình hài sắc tướng mà con mắt phàm của người thế gian cho là tuyệt hảo, nhưng nó không gợi một cảm xúc sâu xa trong tâm hồn người xem.

Một điểm mâu thuẫn khác nữa là: một mặt thì y là con người dễ bị dục vọng lôi cuốn và xô đẩy vào những trạng huống cực đoang, thái thậm: đam mê trác táng trong tình dục, và bất cộng đái thiên trong hận thù. Một mặt khác, y lại lớn tiếng nêu cao những lý tưởng cao cả về sự thanh bạch, liêm khiết và lòng bác ái, vị tha của con người.

Sau hết, người họa sĩ này còn trao đổi thơ từ thường xuyên với các giới Cộng Hòa ở Ba Lê, và người ta nói rằng y là một trong những sứ giả mà từ lúc bắt đầu cuộc khởi nghĩa, các lãnh tụ Cách Mạng Pháp gởi ra các nước ngoài hãy còn bị kềm hãm trói buộc dưới nền quân chủ chuyên chế. Riêng về nước Ý, thì không có thành phố nào sẵn sàng đón nhận những lý thuyết mới lạ hơn là thành phố Naples, một phần do bởi tánh chất và hào khí bồng bột của dân địa phương, nhưng lý do chính là vì bởi nền phong kiến cổ hủ với tất cả những sự bất công và áp chế đáng ghét của nó vẫn còn tồn tại và gây sự bất mãn ngấm ngầm trong quần chúng. Cái triển vọng rằng xã hội sắp có một sự đổi thay, có tính cách hấp dẫn cụ thể hơn là bất cứ một sự mới lạ nào khác trong đời sống hằng ngày.

Bởi đó, họa sĩ Pháp My Cốt trở thành một người thủ lãnh tiền phong của phong trào giải phóng quốc gia đối với các giới trẻ và các giới tiến bộ ở Naples. Còn Linh Đông thì, trước khi quen biết Zanoni, y cũng đã từng có mặt trong số những người hâm mộ và hoan nghinh những lý thuyết hùng hồn của người sứ giả xấu xí này. Lúc ấy, My Cốt ngồi xích lại gần Linh Đông và nói:

- Đã lâu rồi chúng ta không gặp nhau, hử đồng nghiệp? Chắc anh không ngạc nhiên mà thấy rằng tôi rất vui mừng được gặp anh và lại còn đường đột đến làm gián đoạn sự suy tư của anh nữa.

Linh Đông đáp:

- Không có chi là đường đột cả, và tôi cũng vui mừng mà gặp lại anh nơi đây.

My Cốt bèn móc túi lấy ra mấy phong tư và nói:

- Anh sẽ thích thú mà được biết rằng đại cuộc đang diễn tiến một cách nhanh chóng lạ thường. Mirabeau không còn nữa, đúng vậy, nhưng, mẹ kiếp, dân chúng Pháp bây giờ lại chính họ trở thành những Mirabeau!

Nói xong, My Cốt bèn đọc và bình luận vài đoạn hào hứng trong xấp thơ tín của y. Hăng say vì những triển vọng tốt đẹp mở rộng trước mắt y, y bắt đầu phát ngôn những dự tiên đoán tương lai mà trước đây người ta đã được nghe một phần chính yếu trong những lời tuyên bố của hầu tước Condorcet. Tất cả những đức tánh cũ đều bị loại để nhường chỗ cho một loạt những đức tánh mới. Lòng yêu nước là một đức tính thiển cận, hẹp hòi, và phải được thay thế bằng tình bác ái, tình đồng loại. Chỉ có thứ tình thương bao trùm cả nhân loạitrên năm châu bốn biển chứ không riêng biệt nơi tổ ấm và gia đình, mới xứng đáng với một tâm hồn khoáng đạt và tiến bộ. Những tư tưởng sẽ tự do như không khí, và để đạt tới kết quả đó, cần phải bắt đầu bằng việc thủ tiêu những kẻ nào có những tư tưởng không phù hợp với tư tưởng của My Cốt! Những điều đó làm cho Linh Đông cảm thấy có ý vị trào lộng, tức cười, dẫu rằng y không biểu lộ ngay tức khắc sự bất bình hay phản đối. Nhưng khi người họa sĩ nói tới việc phát minh một thứ khoa học mà ai cũng hiểu được và có ích lợi cho tất cả mọi người, một thứ khoa học phát sinh từ sự bình đẳng xã hội và đem đến cho nhân loại sự giàu có thịnh vượng mà không cần phải làm việc khó nhọc, thì Linh Đông lắng tai nghe với một sự chú ý và ngưỡng mộ hòa lẫn với sự khâm phục, kính nể.

My Cốt nói tiếp:

- Vài loại tình cảm mà ngày nay người ta coi như những đức tính tốt, trong thời đại mới sẽ bị loại bỏ như những điểm kém hèn. Thí dụ như những kẻ áp chế, bóc lột nhân dân thường đề cao tính chất đẹp đẽ của lòng biết ơn. Biết ơn! tức là tự thú nhận sự thấp kém của mình. Đối với một tâm hồn cao thượng, có gì xấu xa nhục nhã cho bằng sự khuất phục hệ lụy người khác? Nhưng trái lại, khi đã có sự bình đẳng, thì không thể nào còn có sự hệ lụy hay khuất phục ai cả. Chừng đó, sẽ không còn có kẻ ban ơn và kẻ chịu ơn, người bảo hộ và kẻ được che chở, và...

Bỗng có tiếng nói thấp giọng của một người đứng gần bên:

- Và trong khi chờ đợi, thì... gì nữa? Hử, My Cốt?

Hai người họa sĩ giật mình nhìn lại, thì Linh Đông mới nhận ra đó là Zanoni.

Zanoni, với một vẻ mặt nghiêm khắc lạ thường, nhìn thẳng vào mắt My Cốt, người này đang ngồi trên ghế dài cùng nhìn lại một cách lấm lét, và một vẻ sợ sệt hiện lên trên những nét mặt xấu xí ghê tởm xủa y, Zanoni nói:

- Đây không phải là lần đầu tiên mà ta chứng kiến những lời nói của mi về sự vong ân bội nghĩa.

My Cốt cố đè nén một tiếng kêu mà y bất giác thốt lên, và sau khi liếc nhìn Zanoni lần nữa bằng đôi mắt gian xảo quỷ quyệt, có hàm xúc một sự hận thù sâu đậm nhưng đành chịu bất lực, y nói:

- Nhưng tôi không biết ông là ai! và ông muốn gì tôi?

- Ta chỉ muốn rằng mi cút đi khỏi nơi đây, và để chúng ta ngồi yên!

My Cốt đứng dậy, hai bàn tay nắm chặt, nghiến hai hàm răng khấp khểnh lộ ra từ lỗ tai bên này đến tận lỗ tai bên kia, như một con mãnh thú trong cơn điên dại, rồi lẳng lặng bước đi. Zanoni đứng yên và nhìn theo sau y với một nụ cười khinh bạc, còn Linh Đông thì lấy làm ngạc nhiên về sự việc vừa xảy ra. Zanoni hỏi:

- Anh quen người này trong trường hợp nào?

- Tôi biết y như một bạn đồng nghiệp, vì y cũng theo đuổi nghệ thuật hội họa như tôi.

- Hừ! Nghệ thuật! Đừng nên lạm dụng danh từ cao cả đó. Cõi thiên nhiên là như thế đó đối với con người: nó phải là một cuộc sáng tạo thiêng liêng tốt đẹp. Thằng khốn nạn đó có thể là một thợ vẽ, nhưng không thể là một nghệ sĩ được.

- Xin lỗi ông, nếu đến lượt tôi muốn hỏi ông về con người mà ông vừa bình phẩm một cách không mấy tốt đẹp đó?

- Dầu sao, tôi biết rằng anh được đặt dưới sự bảo vệ của tôi, nên tôi cần dặn dò anh hãy cẩn thận đề phòng con người như y. Những lời nói của y phản ảnh một tâm hồn xấu xa bỉ ổi. Tôi có cần gì phải kể ra những tội ác của y đã làm. Chỉ những lời nói của y không thôi cũng chứa đầy tội lỗi!

- Tiên sinh Zanoni, ông không có vẻ là một người nhiệt thành hoan nghinh cuộc Cách Mạng đang chớm nở! Có thể rằng ông ghét người ấy bởi vì ông không đồng quan niệm với y chăng?

- Quan niệm gì mới được chớ?

Linh Đông ngừng lại một lúc để suy nghĩ, rồi nói:

- Nhưng không, có lẽ tôi lầm về phần ông, vì chắc là ông không thể nào chê biếm lý thuyết cách mạng chủ trương cải tiến đời sống của con người.

- Anh nói đúng: ở thời nào cũng vậy, chỉ có một thiểu số người ưu tú và tiến bộ tự đứng ra lãnh đạo để cải tiến đa số quần chúng. Có thể rằng quần chúng đời nay cũng khôn ngoan bằng cái thiểu số của thời xưa, nhưng sự tiến bộ của nhân loại sẽ lâm vào ngõ bí nếu anh nói với tôi rằng quần chúng đời nay cũng khôn ngoan bằng cái thiểu số của lúc bây giờ.

- Tôi hiểu lời ông nói: ông không thừa nhận luật bình đẳng đại đồng trong nhân loại!

- Luật đó là một điều láo khoét! Dẫu cho tất cả thế giới đồng loạt nổi dậy để áp đặt sự láo khoét ấy cho mọi người, họ cũng không thể làm cho nó thành luật được. Dẫu cho ngày nay người ta san bằng tất cả mọi sự chênh lệch, người ta cũng chỉ san bằng những chướng ngại nó chống đối lại sự độc tài chuyên chế của ngày mai. Một quốc gia khát vọng sự bình đẳng là không xứng đáng với sự tự do. Trong cõi thiên nhiên, từ vị thiên thần chí đến loài côn trùng, từ ngọn núi Olyme chí đến một hột cát, từ một bầu tinh tú sáng chói chí đến khối tinh vân đông đặc trải qua nhiều thế kỷ dưới dạng thái sương mù và bùn lầy để trở nên một bầu thế giới có thể ở được, cái định luật chính yếu trong vũ trụ càn khôn bao giờ cũng vẫn là sự bất bình đẳng.

- Đó là một lý thuyết rất chán nản nếu đem áp dụng vào chính trị. Những sự chênh lệch bất công trong đời người có bao giờ xóa bỏ được chăng?

- Nếu nói về đời sống vật chất, thì mọi sự chênh lệch bất công đều nên xóa bỏ. Còn những sự chênh lệch về trí tuệ và tinh thần, thì không bao giờ. Làm sao có được sự bình đẳng đại đồng về lý trí, tài năng, đạo đức và về trình độ tiến hóa tâm linh? Nếu như vậy, thì thế gian đâu còn những bậc giáo chủ, những nhà hiền triết, đâu còn những người khôn ngoan minh triết và tốt lành hơn kẻ khác! Dẫu cho điều ấy có thể thực hiện được đi nữa, thì phải chăng đó là cái viễn ảnh tuyệt vọng cho nhân loại? Không! Ngày nào mà trời đất vẫn còn tồn tại, thì Mặt trời bao giờ cũng vẫn phát ánh nắng vàng trên đỉnh núi cao trước khi chiếu xuống đồng bằng.

Ngày hôm nay, nếu ta đem tất cả mọi ngành khoa học kiến thức của thế gian chia sẻ đông đều cho tất cả mọi người, thì ngày mai, cũng sẽ có những người khôn ngoan hơn những người khác. Và điều đó không phải là một định luật gò bó, ép buộc, mà là một định luật bác ái, định luật tiến hóa thực sự. Một thiểu số người càng tỏ ra khôn ngoan bao nhiêu trong một thế hệ, thì đại chúng sẽ khôn ngoan hơn trong cái thế hệ sau đó bấy nhiêu!

Trong khi Zanoni nói chuyện, cả hai người đều đi qua những khu vườn xinh tươi, đàng trước là mặt biển chói chang dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa. Một ngọn gió mát nhẹ thổi phớt qua làm dịu bớt sức nóng mùa hè. Cảnh trời quang mây tạnh sáng sủa và gió biển mát rợi cũng gây cho lòng người một cảm giác nhẹ nhàng thoải mái.

Zanoni nói:

- Để mở màn cho một thế hệ tiến bộ và bình đẳng của họ, thậm chí người ta đã tỏ ra ganh tị đối với đấng Tạo Hóa! Họ muốn phủ nhận sự hiện diện của đấng Hóa Công, hay của một Đấng Toàn Năng Sáng Tạo, một trí thông minh siêu đẳng tuyệt vời. Anh là một nghệ sĩ, khi anh nhìn vào cõi thiên nhiên với cặp mắt nghệ sĩ của anh, có thể nào anh chấp nhận được cái luận thuyết đó không? Giữa Thượng Đế và bậc thiên tài, luôn luôn có sự liên lạc mật thiết, hầu như một sự giao cảm thiêng liêng. Sextus, môn đồ phái Pythagore, nói có lý: một khối óc siêu việt là một phản ảnh của Thượng Đế.

Ngạc nhiên và cảm động vì những lời nói đó, mà y không ngờ lại thốt ra bởi một người mà y vẫn cho rằng có những quyền năng không phải thuộc về bân xhánh đạo, Linh Đông nói:

- Tuy vậy, ông đã nhìn nhận rằng cuộc đời ông, sống bên ngoài lề cuộc đời thế tục, là một cuộc đời khác thường mà người ta nên tránh. Thế thì có một mối liên quan nào giữa khoa Pháp Môn và tôn giáo hay chăng?

- Khoa Pháp Môn! Thế nào gọi là khoa Pháp Môn? Khi người du khách dừng chân để chiêm ngưỡng những Kim Tự Tháp bên Ai Cập hay những ngôi đền cổ hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, thì những kẻ ngu dốt nói cho họ nghe rằng đó là công trình của các vị pháp sư, phù thủy. Điều gì vượt quá tầm hiểu biết của con người, thì người đời không chịu nhìn nhận rằng đó có thể là công trình siêu việt của những người khác khôn ngoan hơn. Nhưng nếu anh hiểu khoa Pháp Môn là sự học hỏi tìm tòi những định luật bí ẩn trong thiên nhiên thì phải, tôi đang thực hành khoa Pháp Môn đó, và sự học hỏi đó làm cho con người ta càng tiến đến gần hơn cái nguồn gốc của mọi tín ngưỡng. Anh có biết chăng, khoa Pháp Môn được truyền dạy trong tất cả các đạo viện thời cổ, dưới sự chỉ đạo của các bậc Đạo Trưởng trong giới Huyền Môn.

Zanoni ngừng một lát rồi nói tiếp:

- Và anh là họa sĩ, anh há không tìm thấy một thứ ma thuật, hay ma lực, trong ngành hội họa đó sao? Sau khi đã trải qua một thời kỳ tìm tòi khảo cứu lâu dài về cái đẹp trong thiên nhiên, anh há lại không tìm cách khám phá ra những nét mỹ lệ và cái đẹp lý tưởng trong tương lai sao? Anh há lại không nhận thấy rằng đối với một thi nhân cũng như một họa sĩ, nghệ thuật tinh vi vẫn luôn luôn tìm kiếm sự chân thật và ghét bỏ cái hiện hữu tầm thường? Và phải coi thiên nhiên như bậc thầy để tìm tòi học hỏi chứ không phải là để làm nô lệ đóng khuôn mọi sự cho giống y như thiên nhiên? Anh muốn khắc phục dĩ vãng, và có quyền năng biết trước việc tương lai chăng? Nghệ thuật chân chính há không đặt lãnh vực trong tương lai và dĩ vãng sao? Anh muốn biết sử dụng thần chú để kêu gọi những nhân vật trong cõi vô hình chăng? Nhưng hội họa là gì, nếu không phải là thể hiện bằng nét vẽ và màu sắc những gì vô hình vô ảnh mà mắt thường không nhìn thấy? Anh bất mãn với vuộc đòi chăng? Thế giới này đâu phải là thế giới của những bậc thiên tài? Những bậc kỳ tài ấy muốn sống thoải mái, phải tự tạo ra cho mình một thế giới khác. Có nhà phù thủy nào làm hơn được như vậy chăng? Thậm chí có khoa học nào có thể làm hơn được như thế chăng? Anh có những khả năng có thể đưa anh đạt tới sự thành công trên đường nghệ thuật. Anh hãy tự bằng lòng với cái định mệnh đó. Anh hãy từ bỏ những ước vọng phiêu lưu hoặc hứng thú nhất thời, nó lôi cuốn anh, khi thì tìm đến tôi, khi thì tìm đến một nhà biện thuyết viễn vông nào đó: Y với tôi đều là những đối tượng trái ngược và cách biệt nhau muôn trùng! Cái sọ sơn la chiếc đũa thần của anh, bức tranh lụa của anh có thể tạo nên những viễn tượng còn đẹp hơn tất cả những viễn ảnh tương lai mà triết gia Condorcet hằng mơ tưởng. Tôi chưa hối thúc anh phải cho tôi biết quyết định ngay đâu. Nhưng có bậc thiên tài nào muốn được sống mãi trong lòng người mà không cần đến tình yêu và danh vọng?

Linh Đông vừa nói vừa nhìn Zanoni bằng cặp mắt đầy vẻ hứng khởi nhiệt thành:

- Nhưng nếu có một quyền năng có thể làm cho người ta thắng đoạt sự chết để trở nên bất tử?

Zanoni sa sầm nét mặt, rồi sau một cơn im lặng, chàng nói:

- Nếu con người có được cái quyền năng đó, thì phải chăng đó sẽ là một điều bất lợi, vì người ta sẽ sống sót trong cô đơn khi những người mà ta thương yêu sẽ chết trước ta? Và bởi đó mà ta sẽ phải do dự khi muốn kết nạp những mối dây liên hệ tình cảm với người khác ở cõi thế gian này. Nếu muốn được trường sinh bất tử, thì tốt hơn là hãy được nổi tiếng và để tên tuổi bất diệt của mình lại cho đời!

- Ông không trả lời ngay câu hỏi của tôi, mà chỉ nói một cách úp mở. Tôi nghe nói rằng vài nhà Luyện Kim có thể kéo dài sự sống rất lâu hơn cái giới hạn thông thường của người đời. Chất Kim Đơn thần dược phải chăng là có thật hay đó chỉ là một huyền thoại?

- Nếu đó không phải là một huyền thoại, và nếu thật sự có người đã luyện được Kim Đơn, thì họ chết bởi vì họ không muốn sống nữa. Biết đâu rằng có thể có một sự cảnh cáo nghiêm trọng nào đó trong những điều mà anh vừa nêu ra. Nhưng tốt hơn anh hãy nên trở về với cái cọ và những hộp sơn dầu của anh!

Nói đến đây, Zanoni vẫy tay từ giã và chậm rãi bước đi về hướng thành phố.

Cuộc nói chuyện vừa qua với Zanoni đã gây cho Linh Đông một ảnh hưởng tốt lành và xoa dịu tâm hồn. Y thả hồn theo những cơn mơ tưởng mông lung, và tưởng tượng trong trí một cảnh gia đình ấm cúng nơi đó y sống hạnh phúc với nghệ thuật và tình yêu thơ mộng của nữ ca sĩ Kiều Dung. Giữa những cơn thơ mộng thần tiên đó, thì giọng nói mạnh mẽ hùng hồn của Mạc Vân, con người khôn ngoan sáng suốt, làm cho y tỉnh mộng và kéo y trở về với cuộc đời thực tại.

Những người bẩm tính mơ màng viển vông, có óc tưởng tượng mạnh hơn ý chí, hay để cuộc đời thả trôi theo những cơn ngẫu hứng nhất thời, thường hay chịu ảnh hưởng của những tâm hồn thực tế, tích cực, hai chân trồng vững trên mặt đất chứ không nhớ gió thương mây. Đó là trường hợp của Linh Đông.

Trong quá khứ, bạn y đã từng kéo y ra khỏi hiểm nguy và giúp y tránh khỏi những hậu quả của sự dại dột hờ hững trong việc tiếp xúc với đời. Trong giọng nói của Mạc Vân, có một cái gì nó làm dịu bớt lòng hứng khới và làm cho Linh Đông hoang mang. Mạc Vân là người bao giờ cũng giữ một mực độ trung dung, hợp lý trong mọi sự. Y theo con đường bằng phẳng, ngay ngắn trong cuộc đời hằng ngày, và khinh bỉ nhạo báng những kẻ nào đi lạc lối, muốn vượt lên những ngọn đồi cheo leo hiểm hóc, dù rằng để hái hoa bắt bướm, hay để có một tầm nhỡn quang rộng lớn nhìn thấu suốt đến tận chân trời.

Mạc Vân vừa cười vừa nói với Linh Đông:

- Tôi biết anh đang nghĩ gì. Với cặp mắt long lanh ướt và cái nụ cười nửa miệng của anh, tôi đoán rằng anh đang mơ tưởng đến con bé đào hát ở hí viện San Carlo.

Linh Đông đỏ mặt đáp:

- Con bé đào hát San Carlo! Anh sẽ gọi nàng như vậy chăng nếu nàng là vợ tôi?

- Không, bởi vì chừng đó thì tất cả lòng khinh bỉ mà tôi có thể có, sẽ trút lên đầu anh. Người ta không ưa những kẻ lừa bịp, nhưng chính kẻ bị lừa mới là đáng khinh!

- Anh có chắc rằng tôi bị lừa trong một cuộc hôn nhân như thế không? Tôi không còn tìm thấy ở đâu nữa một người con gái vừa đẹp vừa hiền và chính chuyên đức hạnh như thế? Từ trước đến nay, có bao giờ một lời đồn đại vu khống nào của thiên hạ đã làm hoen ố thinh danh của nữ nghệ sĩ Kiều Dung hay chưa?

- Tôi không được nghe tất cả những lời bình phẩm khen chê của dân chúng tỉnh Naples, nên tôi không thể trả lời anh về điểm đó. Nhưng tôi biết một điều này, là bên Anh Quốc không ai tin rằng một thanh niên Anh có tài sản và con nhà gia thế, đi cưới một cô đào hát Ý, mà lại không bị lầm lạc một cách đau thương. Tôi muốn tránh cho anh khỏi bị lâm vào một cuộc hôn nhân bất lợi như thế. Anh hãy nghĩ đến những luồng dư luận của người đời, và tất cả những sự thiệt thòi, tổn thương trong vấn đề giao tế xã hội của anh về sau này.

- Tôi có tự do lựa chọn một sự nghiệp tương lai không có liên quan gì đến vấn đề giao tế nhân sự với đời. Người đời sẽ trọng vọng tôi qua tài năng và nghệ thuật, chứ không đặt vấn đề danh vọng căn cứ trên giai cấp hay địa vị và tiền bạc.

- Thế nghĩa là anh vẫn cứ khư khư ôm ấp cái mộng vô lý thứ nhì của anh, là bôi mực lọ trên khung vải! Tôi không bài bác những người vì vấn đề sinh kế phải chọn lấy nghề vẽ làm phương tiện kiếm ăn. Nhưng với những người như anh, có đủ khả năng vật chất và quen biết những bạn bè thân thuộc có thế lực để lấy đà tiến thân lên một địa vị cao sang, tại sao anh lại tự hạ thấp địa vị mình để chỉ trở nên một nghệ sĩ quèn? Vẽ tranh để tiêu khiển chơi trong những lúc nhàn hạ thì rất tốt, nhưng lấy đó làm một hoạt động nghề nghiệp, thì thật là một việc điên rồ!

- Có những nghệ sĩ tài ba từng được cái danh dự gần gũi và giao du thân mật với các bậc đế vương vua chúa!

- Việc đó rất hiếm, theo tôi nghĩ, ở xứ Anh Quốc chúng ta. Ở xứ mình, là cái trung tâm chính trị lớn của giới quý tộc, điều mà người ta kiêng nệ, trọng vọng là tinh thần thực tế chứ không phải là những lý tưởng viễn vông. Để tôi thử phác họa cho anh thấy hai hoạt cảnh về cuộc đời anh mà anh có thể chọn.

Chàng Linh Đông trai trẻ của chúng ta trở về Anh Quốc. Y cưới một người vợ môn đăng hộ đối, có tài sản ngang hàng với y, với gia đình nhà vợ có bề thế thuận lợi cho y lấy đà tiến thân. Y trở nên giàu sang và có thế lực. Y bắt đầu có những hoạt động xã hội, với những khả năng và nghị lực tinh thần dồi dào. Y có một biệt thự riêng để tiếp khách khứa bạn bè, gồm toàn những người có địa vị mà sự giao du thân mật có thể đem đến cho y nhiều lợi lộc và danh vọng. Y có thời giờ nhãn rỗi, mà y có thể dùng vào những sự học hỏi hữu ích. Y có ít nhiều tiếng tăm, danh vọng, vốn căn cứ trên nền tảng vững chắc, và càng được cũng cố trong dư luận quần chúng. Y gia nhập một chánh đảng, bắt đầu tham gia chánh trường, những bạn bè quen thuộc sẽ giúp đỡ y thực hiện những kế hoạch và tham vọng của y. Cuộc đời của y cứ theo cái đà đó mà tiến lên dần. Khỏi nói cũng biết tương lai của y sẽ sáng lạn rực rỡ như thế nào!

Bây giờ ta hãy thử xem hoạt cảnh thứ nhì. Chàng Linh Đông trai trẻ của chúng ta trở về Anh Quốc với một người đàn bà có tài nghệ nhưng không có gia sản. Nàng ấy chỉ có sinh lợi cho y với điều kiện là được tiếp tục cái nghề đào hát của mình. Nàng trình diễn rất xuất sắc, mọi người hoan hô và tìm hiểu xem nàng là ai, rồi mọi người đều biết nàng là ca sĩ Kiều Dung. Chàng Linh Đông thì đóng cửa ở nhà để trộn màu và để vẽ những bức tranh với những đề tài lịch sử mà chẳng có ai mua. Thậm chí người ta còn có thành kiến đối với y: y không hề xuất thân ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, y chỉ là một họa sĩ tài tử! Nói đúng ra, những bức tranh đó cũng có cái giá trị riêng của nó, nhưng người ta sẽ thích tranh của Teniers và của Zatteau hơn vì hai nhà danh họa này đã nổi tiếng từ lâu. Thế là Linh Đông vẫn cứ lận đận không ngóc đầu lên được. Gia sản của y, khi y còn độc thân, có thể đảm bảo cho y một đời sống dễ chịu. Nhưng bây giờ thì y đã có một gia đình đông đúc, con cái đầy đàn, tài sản ấy không được tăng thêm bởi một món tiền hồi môn nào khi cưới vợ, nên càng ngày càng tiêu mòn. Y bèn rút lui về quê cho đỡ tốn và để vẽ tranh. Nhưng năm hậu vận, y sống trong túng thiếu và bất mãn. Y cho rằng thế gian không biết thưởng thức tài nghệ của y và y trốn tránh người thế gian! Thế là xong! Cuộc đời của y kết thúc như thế nào? Tôi để cho anh hãy tự xét lấy để tự tìm ra câu giải đáp!

Linh Đông vừa đứng dậy vừa nói:

- Nếu tất cả mọi người đều thực tế như anh, thì trên đời này sẽ không bao giờ có những thi nhân và nghệ sĩ!

Mạc Vân đáp:

- Có lẽ chúng ta cũng vẫn sống nhăn chứ không sao, nếu không có họ! Nhưng thôi, đã đến giờ nghĩ đến cái ăn rồi chứ? Chúng ta hãy sửa soạn đi ăn trưa.

Trong nghệ thuật hội họa, một họa sư thiếu kinh nghiệm sẽ hạ thấp và làm hư khả năng của người học trò nếu y chủ trương một cách sai lầm rằng: "Hãy vẽ giống y như thiên nhiên", và cái thiên nhiên ấy sự thật chỉ là cái tầm thường. Y không hiểu rằng trong nghệ thuật, cái đẹp phải được quan niệm như một cái gì mà Raphael đã định nghĩa rất đúng, như là: "cái ý niệm về mỹ lệ tự nó xuất hiện trong tâm hồn của người họa sĩ" Theo quan niệm đó, thì trong bất cứ ngành nghệ thuật nào, dù nó biểu lộ qua màu sắc, âm thanh, hay lời nói, hay bằng những nét tạc trên đá, sự bắt chước thiên nhiên một cách nô lệ máy móc, chỉ làviệc làm của những kẻ sơ cơ hay những tay thợ thủ công. Cũng y như thế, sự gần gũi một người quá thực tế làm lụn bại và ngăn chận lòng hứng khởi nhiệt thành của những tâm hồn tế nhị, bằng cách luôn luôn gò bó và ngăn chận những cử chỉ hào phóng, tự tín của họ để bắt buộc họ quay trở về sự thô tục và tầm thường. Một thi hào Đức đã diễn tả rất đúng sự khác nhau giữa tính dè dặt cẩn thận và sự minh triết chân chính. Trong sự minh triết khôn ngoan có một nét hào sảng tự nhiên mà những người cẩn thận mực thước không bao giờ có.

Những nhà phê bình nghệ thuật trứ danh từ Aristore và Pline của thời cổ cho đến thời bây giờ đều dạy cho người họa sĩ biết rằng không nên phụ họa theo thiên nhiênm mà những gì y nhìn thấy trong thiên nhiên phải được lý tưởng hóa. Thật vậy, người nghệ sĩ chân chính, dù là một họa sĩ hay thi nhân, diễn tả những gì là mỹ lệ thanh cao mà con người có thể đạt tới, nhưng nó không phải là thông thường đối với con người.

Cái nguyên tắc "lý tưởng hóa" đó còn khó hiểu hơn trong việc xử thế của con người. Những lời khuyên thực tế về sự lo xa dè dặt làm cho con người ta mất sự hứng khởi trong những hành vi đức hạnh vị tha cũng như trong những việc làm xấu xa tội lỗi. Nhưng trong việc xử thế cũng như trong vấn đề nghệ thuật, có một ý niệm về tính cách hùng vĩ, mỹ lệ mà người ta cần phải có để cải tiến, thăng hoa tất cả những cái xấu xa tầm thường trong đời người.

Linh Đông tuy hiểu sự dè dặt sáng suốt trong việc lý luận của Mạc Vân, nhưng y không màng xem xét những cảnh đời tưởng tượng về tương lai mình mà bạn y vừa trình bày trước mắt y. Thật vậy, sự trung thành với lý tưởng nghệ thuật của y không phải là ít mãnh liệt hơn sự đam mê tình cảm của y đối với Kiều Dung. Sự đam mê này nếu biết xoay cho đúng chiều hướng, có thể hoàn toàn tinh luyện tâm hồn của y cũng như một ngọn gió lớn làm thanh lọc khí trời.

Nhưng nếu y không thể có một quyết định theo ý của Mạc Vân, y cũng không thể đành an phận mà từ bỏ ngay lập tức sự theo đuổi Kiều Dung. Sợ rằng y bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên của Zanoni và những cảm nghĩ ở tự nơi lòng mình, y đã tránh mọi sự gặp gỡ Kiều Dung kể từ hai ngày nay. Nhưng sau cuộc hội kiến cuối cùng với Zanoni và cuộc nói chuyện với Mạc Vân vừa rồi, y bèn quyết định sẽ gặp Kiều Dung lại một lần nữa vào sáng ngày mai, và mặc dầu y không có mục đích hay kế hoạch gì rõ rệt, y cứ tự để thả trôi theo ngẫu hứng tự nhiên của lòng mình.

Kiều Dung ngồi trên chiếc ghế dài ở ngoài sân trước ngưỡng cửa nhà nàng và suy nghĩ vẫn vơ. Phía trước là mặt biển phẳng lặng như gương dưới bầu không khí êm đềm của một buổi trưa hè nóng bức. Nàng ăn mặc đơn sơ, với một cái áo choàng bằng lụa mỏng để lộ phần trên của bộ ngực đẹp, một mái tóc vàng óng nuột lòa xòa phất phơ dưới ngọn gió nhẹ mát từ ngoài biển thổi vào. Nhiệt độ của một ngày hè làm cho đôi má nàng hây hay đỏ và đôi mắt lớn của nàng càng thêm mơ mộng uể oải khác thường. Kiều Dung chưa bao giờ đẹp như thế, dẫu cho trong những bộ y phục lộng lẫy trên sân khấu, và trong những lúc tinh thần phấn khởi dưới ánh đèn màu.

Trong khi nàng còn đang nghĩ đến Zanoni, nàng không nghe có tiếng chân người rón rén bước lại gần, và một bàn tay đặt nhẹ trên cánh tay nàng.

Kiều Dung day đầu lại và nhận ra Linh Đông. Gương mặt cỡi mở của người thanh niên Anh làm trấn tĩnh lòng nàng. Nàng định rời khỏi chỗ ngồi trên chiếc ghế dài thì Linh Đông đã nắm lấy tay nàng kéo nàng ngồi xuống, còn y thì ngồi bên cạnh nàng và nói:

- Hỡi Kiều Dung, cô biết rằng tôi yêu cô! Tôi luôn luôn đến với cô không phải chỉ là do lòng ái mộ tài nghệ của cô mà thôi: từ trước đến giờ có những lý do khiến cho tôi không thể tỏ tình với cô bằng cách nào khác hơn là bằng những cái nhìn câm lặng. Nhưng hôm nay không hiểu tại sao tôi có nhiều can đảm và nghị lực hơn mọi ngày để phơi trải tấm lòng tôi trước mắt cô và để biết số phận tôi ra sao.

Tôi biết rằng tôi có tình địch, những tình địch có thế lực mạnh hơn nhiều một nghệ sĩ quèn như tôi. Họ có được mắt xanh của cô để ý đến nhiều hơn tôi chăng?

Kiều Dung hơi ửng hồng đôi má, nàng có vẻ lúng túng và sau một lúc do dự, nàng nói:

- Những người để mất thời giờ nghĩ đến một đào hát, tất nhiên phải biết trước là họ sẽ có tình địch. Đó là một điều bất hạnh cho cái nghiệp cầm ca của chúng tôi!

- Nhưng cô không thích cái nghiệp dĩ cầm ca đó, dẫu rằng nó rất sáng sủa tốt đẹp. Cô không đặt hết cả tâm hồn vào sự nghiệp mà tài nghệ của cô đã làm cho rạng rỡ!

Kiều Dung nói, với cặp mắt đẫm lệ:

- Không! Có một thời tôi yêu nghệ thuật ca nhạc, nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy rằng đó chỉ là một nghề bạc bẽo nó làm cho tôi trở nên một kẻ nô lệ của thiên hạ.

Chàng họa sĩ thốt lên với một niềm hứng khởi đột ngột:

- Vậy cô hãy bỏ nghề ca hát, hãy đoạn tuyệt với nghiệp dĩ cầm ca nó làm cho quả tim cô bị phân tán, quả tim mà tôi mong ước chiếm lấy trọn cả một mình tôi. Từ nay trở đi, cô hãy cùng chia sẻ cuộc đời với tôi, chia sớt những nỗi vui buồn sướng khổ cùng lý tưởng của tôi. Cô sẽ là nguồn cảm hứng cho những bức họa phẩm và công trình tuyệt tác của tôi. Sắc đẹp của cô sẽ trở nên bất tử với thời gian. Trong những cuộc triển lãm họa phẩm của tôi, thiên hạ sẽ dừng chân trước bức họa một vị nữ thánh, hay một thần Vệ Nữ, và trầm trồ một cách kín đáo: "Đó là Kiều Dung Pisani!" Ôi, Kiều Dung! Tôi yêu cô vô cùng, xin cô hãy nói cho tôi biết là mối tình của tôi không phải là tuyệt vọng!

Kiều Dung vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt gã si tình, vào lúc mà y ngồi xích lại gần và nắm lấy một bàn tay nàng:

- Anh vừa đẹp trai, lại vừa tốt bụng! Nhưng tôi có thể cho anh điều gì để đáp lại lòng tốt ấy?

- Tình yêu, tình yêu, và chỉ có tình yêu thôi!

- Tình của người em gái được không?

- Ôi! Cô đừng nói với tôi một cách lạnh lùng độc ác như thế!

- Đó là tất cả những gì tôi cảm nghĩ về anh. Khi tôi nhìn gương mặt anh, nghe giọng nói của anh, tôi cảm thấy dường như một sự yên tĩnh thư thái và xoa dịu lướt nhẹ qua lòng tôi để trấn an những tư tưởng của tôi. Khi anh khuất dạng, thì tôi cũng cảm thấy buồn đôi chút, như không lâu, và sự buồn ấy cũng tiêu tan ngay sau đó. Tôi không cảm thấy nhớ anh, tôi không nghĩ đến anh nhiều. Không, tôi không yêu anh, và tôi chỉ có thể nghĩ đến người mà tôi yêu.

- Nhưng tôi sẽ tập cho cô biết yêu tôi, cô đừng ngại gì cả. Cái tình yêu mà cô vừa nói đó, dưới bầu trời yên tĩnh của chúng ta, sự trẻ trung và hồn nhiên vô tội không hề biết có thứ tình yêu nào khác.

Kiều Dung nói:

- Sự hồn nhiên, vô tội! Có lẽ như thế chăng! - Đến đây nàng bèn ngừng lại và nói thêm một cách gắng gượng - Như vậy, anh định cưới một cô gái mồ côi chăng? Ít nhất anh cũng có độ lượng rộng rãi.

Linh Đông thụt lùi lại, dường như lương tri của y bị chạm. Kiều Dung đứng dậy, và không hề biết gì về những ý nghĩ hổ thẹn và nghi ngờ nó đang dày vò tâm hồn của người trai trẻ kia, nàng nói:

- Không, không thể có như vậy! Anh hãy để tôi yên, và hãy quên tôi đi! Anh không hiểu tôi, anh không thể hiểu người mà anh tưởng là anh yêu! Từ thuở ấu thơ, tôi đã có một linh cảm rằng sau này tôi sẽ có một cái định mệnh lạ lùng và khó giải thích, dường như nó là một cuộc sống thoát ly ra khỏi sự sốg thường tình của người đời. Cái cảm giác đó đôi khi đi đôi với một niềm hạnh phúc mơ màng, đôi khi lại pha lẫn với một sự sợ sệt tối tăm rùng rợn. Đó dường như một bóng hoàng hôn từ từ bao phủ chung quanh tôi. Giờ khắc của tôi đã gần điểm, chỉ còn ít lâu nữa thôi, là màn đêm tối tăm sẽ rơi xuống.

Linh Đông nghe với một sự xúc cảm và băn khoăn hiện rõ trên nét mặt. Khi nàng đã nói xong, y đáp:

- Kiều Dung, những lời nói của cô lại làm cho tôi thấy gần cô hơn bao giờ hết. Điều mà tôi cảm thấy, thì tôi cũng cảm giác y như vậy. Tôi cũng vậy, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một thứ linh cảm lạ lùng, hầu như huyền diệu. Tuy sống giữa mọi người, tôi vẫn cảm thấy cô đơn. Trong những cuộc vui chơi hưởng lạc, hay trong những khi làm việc, một giọng nói báo điềm luôn luôn thì thầm bên tai tôi những lời này: "Thời gian sẽ dành cho ngươi một định mệnh bí hiểm đầy đen tối". Trong khi cô nói chuyện lúc nãy tôi tưởng chừng như chính tôi nghe tiếng nói của linh hồn tôi.

Kiều Dung nhìn y một cách ngạc nhiên và hỏi:

- À, anh hãy nói cho tôi biết. Anh có nghe nói về một người ngoại quốc vừa đến ở thành phố này chăng? Một người mà người ta phóng ra những lời đồn đãi thật dị kỳ về ông ta?

- Cô muốn nói về Zanoni? Tôi đã thấy y, tôi có quen biết y, còn cô? A! Chính người ấy cũng muốn là tình địch của tôi. Chính y cũng muốn ngăn cách cô với tôi!

Kiều Dung nói trong một tiếng thở dài não ruột:

- Anh lầm rồi. Y đã bênh vực anh, y nói với tôi rằng anh yêu tôi và chính y đã yêu cầu tôi đừng... ruồng bỏ anh.

- Thật là một nhân vật lạ lùng! Một con người bí hiểm, khó hiểu! Nhưng tại sao cô đã nhắc tới y vừa rồi?

- Tại sao?... À! Tôi muốn biết xem khi mà anh gặp y lần đầu tiên, cái linh cảm mà anh vừa nói có đến với anh một cách rõ ràng hơn và đáng sợ hơn trước kia chăng? Anh có cảm thấy chăng là anh vừa bị y lôi cuốn lại vừa bị dội ngược, và anh cảm thấy rằng bí quyết của cuộc đời anh có liên hệ đến y chăng?

Linh Đông nói với một giọng run rẩy:

- Tôi đã cảm thấy tất cả những điều đó lần đầu tiên mà tôi gặp y. Tối hôm đó ở chung quanh tôi đang có một cuộc vui họp mặt bạn bè, có nhạc, có đèn, có chuyện trò vui vẻ giữa một không khí trong lành và dưới một bầu trời quang đãng không có một cụm mây che. Tuy thế, bỗng nhiên tôi cảm thấy hai đầu gối rung lập cập, tóc tôi dựng đứng, máu tôi như ngừng chạy trong huyết quản. Kể từ ngày đó, thì y chiếm một phần lớn những tư tưởng của tôi, cũng như cô vậy.

Kiều Dung nói với một giọng nghẹn ngào trong cổ họng:

- Tất cả những điều đó có mang dấu vết của định mệnh. Tôi không thể nó chuyện với anh nhiều hơn nữa trong lúc này. Xin chào anh!

Nói xong, nàng chạy ngay vào nhà và đóng cửa lại.

Linh Đông không theo nàng vào nhà, và có điều lạ là y cũng không cảm thấy muốn làm như vậy. Cái ý nghĩ và kỷ niệm đêm trăng trong công viên thành phố với những lời nói lạ lùng của Zanoni đêm ấy đã làm tê liệt nơi y mọi sự đam mê của tình người. Chính Kiều Dung cũng vậy, nếu nàng chưa vị quên lãng, thì hình ảnh của nàng cũng đã tạm thời đắm chìm như một cái bóng mờ trong những ngõ ngách bí hiểm nhất của tâm hồn y. Y rùng mình khi y đi dưới ánh nắng mặt trời và trong cơn suy tư trầm lặng, y đi qua những khu phố đông đúc và huyên náo nhất của thành phố.

Zanoni đã đến thăm Kiều Dung tại nhà nhiều lần. Những ngày đó đối với nàng dường như là một thời kỳ đặc biệt, một giai đoạn sáng sủa vui tươi trong đời nàng. Tuy vậy, chàng không hề thốt ra những lời lẽ yêu đương mà nàng đã từng nghe quen tai. Sự lạnh lùng cách biệt đó, dẫu rằng vẫn không kém vẻ lịch sự xã giao bề ngoài, tuy vậy lại càng làm tăng thêm thú vị cho cái giai đoạn mộng mơ hạnh phúc đó.

Zanoni nói rất nhiều về cuộc đời dĩ vãng của mình, và Kiều Dung lấy làm ngạc nhiên mà thấy chàng biết rõ tất cả quá khứ.

Trong những ngày viếng thăm đầu tiên, chàng không nói gì đến Linh Đông. Nhưng một ngày nọ, chàng lại nhắc đến chuyện ấy. Bây giờ thì Kiều Dung đã hoàn toàn tin tưởng và tuân phục nơi chàng đến nỗi, mặc dầu đối với nàng thì vấn đề rất khó nghe, nhưng nàng vẫn đè nén con tim mình và ngồi nghe trong im lặng mà không phản đối.

Sau cùng, chàng nói:

- Cô đã hứa sẽ nghe theo lời khuyên của tôi. Bây giờ nếu tôi yêu cầu cô, nếu tôi van xin cô hãy chấp nhận mối tình của người ấy, hãy chia sẻ định mệnh của y nếu y đề nghị làm hôn phối với cô, thì cô có từ chối hay không?

Kiều Dung cố gắng giữ lại những giọt lệ nó đã đượm trong khóe mắt của nàng, và với một niềm vui lạ lùng giữa cơn đau khổ mà nàng vừa cảm xúc, một niềm vui của người con gái chấp nhận hy sinh chí đến quả tim của mình để làm vừa ý người yêu đã làm chủ quả tim ấy, nàng gượng đáp sau một cơn cố gắng đau khổ:

- Nếu chàng có thể ra lịnh cho em như thế,... thì...

- Cô hãy nói luôn.

- Chàng hãy sử dụng em thế nào tùy ý chàng muốn!

Zanoni ngồi im lặng trong một lúc. Chàng nhận thấy cơn xung đột nội tâm của người yêu mà Kiều Dung tưởng rằng đã khéo dấu được chàng, rồi trong một cử động vô tình, chàng cúi xuống đặt một nụ hôn trên bàn tay nàng. Đó là lần đầu tiên mà chàng từ bỏ, dẫu rằng chỉ đến mức đó, cái thái độ nghiêm trang từ lúc đầu.

Chàng nói:

- Hỡi Kiều Dung, cái nguy cơn mà tôi không thể có thể cứu vãn được nữa nếu cô còn ở lại Naples, nay mỗi lúc càng đến gần. Trong ba ngày nữa, số phận của cô phải được quyết định. Tôi chấp nhậu lời hứa của cô. Trước nửa đêm của ngày thứ ba tới đây, dầu việc gì xảy ra, tôi cũng sẽ đến gặp cô ở tại nhà này. Trong khi chờ đợi, ta hãy tạm biệt và xin chào cô!