PDA

View Full Version : 40 Gương Thành Công - Nguyễn Hiến Lê



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 [15] 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40

VietLang
06-01-2007, 11:20 PM
Chương 15 - Mark Twain


Hollywood đã tiêu 400.000 Anh kim để quay một phim kể đời một trong những người tài giỏi nhất cổ kim của Hoa Kỳ. Ông là văn hào nổi danh nhất thời này và là một cây bút hài hước có nhiều độc giả nhất từ trước đến nay.

Ông học trong một trường làng cất bằng cây cho tới 12 tuổi. Sự học của ông chỉ tới mức đó, vậy mà hai trường đại học Oxford và Yale đã tặng ông những học vị danh dự và những học giả bậc nhất thế giới cầu được vào hàng bạn hữu của ông. Ông viết sách kiếm được hàng triệu Anh kim, có lẽ hơn hết thảy những văn hào mọi thời. Mặc dầu ông đã mất ba mươi bốn năm rồi, mà tiền tác giả của ông về sách, phim và phát thanh vẫn chảy như suối vào tủ sắt người thừa kế ông.

Văn hào đó tên thật là Samuel Langhorne Clemens, nhưng ký bút hiệu là Mark Twain.

Đời Mark Twain là một cuộc phiêu lưu. Ông sống trong một thời đại ly kỳ, đẹp đẽ nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Ông sanh một trăm lẻ mười năm trước trong một làng nhỏ ở Missouri, một làng thiêm thiếp ngủ gần bờ sông Mississipi. Hồi đó đường xe lửa ở Mỹ mới cất xong được bảy năm, và Abraham Lincoln còn làm một anh cày ruộng, đi chân không, đẩy một cái cày lưỡi bằng gỗ do một cặp bò kéo.

Mark Twain sống bảy mươi lăm năm sung sướng và mất năm 1910 ở Connecticut. Ông viết hai mươi ba cuốn sách: nhiều cuốn ngày nay đã quên tên, nhưng có hai cuốn: Huckleberry Finn và Tom Swayer sẽ bất hủ và được trân tàng hàng thế kỷ nữa. Hễ trên đời còn thanh niên thì người ta còn đọc hai cuốn đó mà ông đã viết do kinh nghiệm của bản thân ông. Ông viết nó ư? Không? Nó phát từ đáy lòng ông ra.

Mark Twain sanh tại một căn nhà có hai phòng nhỏ ở Floride, xứ Missouri. Phòng ông ở tồi tàn đến nỗi một chủ trại tân thời ngày nay cũng không chịu nuôi bò hoặc gà trong đó. Tám người sống trong hai phòng tối: bảy người trong gia đình và một người tớ gái. Mới sinh ra ông rất yếu ớt. Rồi khi ông lớn lên lần lần, thân mẫu ông phải lo lắng cho ông nhiều hơn hết thảy những người khác trong gia đình họp lại. Ông rất ưa khôi hài, ghét học, chỉ thích ra bờ sông Mississipi nhìn những cù lao bí mật, những bè mảng từ từ trôi và dòng nước cuồn cuộn chảy ra biển. Có khi ông ngồi trên bờ sông mơ mộng hàng giờ.

Ông suýt chết đuối chín lần. Trong khi chơi với bạn, giả làm mọi, làm ăn cướp, trong khi vô coi những cái hang, ăn trứng rùa, ngồi trên mảng trôi theo dòng sông, ông đã thu thập được những kinh nghiệm vô giá về cảnh vật và tính tình để sau này trứ tác.

Ông được di truyền tài hài hước của thân mẫu (...) Năm ông mười hai tuổi, thân phụ ông mất. Ông hối hận vì đã không nghe lời cha, lêu lổng chứ không chịu học, rồi ông khóc, tự trách mình.

Thân mẫu ông rán an ủi ông. Ít hôm sau ông tập sự trong một nhà in để vừa kiếm tiền vừa học thêm.

Hai năm sau, ông thành một ấn công. Một buổi chiều, đi ngoài phố ở châu thành Hannibal, ông lượm được một trang xé trong cuốn sách và bay trên đường.

Việc tầm thường đó đã thay đổi hẳn đời ông. Trang giấy đó kể chuyện Jeanne d'Arc bị quân Anh giam trong ngục ở Rouen. Đọc xong, lòng ông rung động vì sự tàn nhẫn của quân Anh. Ông không hề biết Jeanne d'Arc là ai, chưa hề được nghe tên đó. Nhưng từ hôm ấy, ông đọc bất kỳ sách báo nào nói về vị nữ anh hùng ấy. Trong già nữa đời, ông nghiên cứu về Jeanne d'Arc, rồi viết một cuốn nhan đề là Hồi tưởng Jeanne d'Arc. Các nhà phê bình cho cuốn đó kém xa những cuốn khác của ông, nhưng ông coi nó là một tác phẩm hay nhất ông đã viết. Ông biết rằng nếu ký tên thật, độc giả sẽ tưởng lầm là một tác phẩm hài hước, nên ông phải ký tên khác.

Ông rất vụng về trong việc hùn vốn làm ăn, bỏ tiền vào đâu thì lỗ đó, cho nên năm năm mươi tám tuổi nợ đìa ra. Mà ông lại đương đau nữa, sức đã suy. Ông có thể tuyên bố là phá sản rồi khỏi phải trả nợ, vì hồi đó khắp xứ bị nạn kinh tế khủng hoảng, nhưng không, ông nhất định trả hết nợ bằng cách viết sách và đi khắp thế giới diễn thuyết trong năm năm. Tới đâu công chúng cũng hoan nghênh ông nhiệt liệt, phòng diễn thuyết ông rộng tới mấy cũng không đủ chứa hết thính giả. Khi đã trả hết nợ, ông viết: "Bây giờ tinh thần tôi mới được yên lại không bị như có vật nặng đè lên nó nữa. Bây giờ làm việc mới thích, chứ không thấy là một cực hình nữa".

Ông cưới được một thiếu nữ mà ông yêu ngay từ lúc mới trông thấy tấm hình của cô. Hai ông bà thương nhau lắm. Sách ông viết đều do bà xuất bản. Ban ngày viết được trang nào thì tối đến, ông đặt trên một cái kệ gần đầu giường bà để bà đọc trước khi đi ngủ. Bà sửa cho văn nhã hơn và hoàn toàn tinh xác, ông luôn luôn theo ý bà.

Ông rất sợ làm thất lạc bản thảo nên cấm người ở gái lau bàn viết của ông. Ông thường lấy phấn vạch một đường trên sàn để ngăn một khu vực không cho chị ở bước vào.

Đây là bốn hàng chữ ông khắc lên mộ chí cô Susy con gái ông, mà nếu đem khắc lên mộ chí ông thì cũng rất hợp.

Một trời ấm áp mùa hè, chiếu dìu dịu ở đây nhé.

Gió ấm áp phương Bắc, thổi nhè nhẹ ở đây nhé.

Cỏ xanh phủ lên, êm ái ngủ đi, êm ái ngủ đi!

Xin chúc ai an giấc, an giấc, an giấc. (1)