PDA

View Full Version : Lãng Tử Quay Trở Về



Nhím Hoàng Kim
07-09-2007, 02:53 PM
Lãng Tử Quay Trở Về

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa
Ngày 23 tháng 7, 1990 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)



Phải Trở Thành Trẻ Con Mới Có Thể Vào Được Thiên Quốc

Sau khi trưởng thành, Chúa Giê Su đã đi hoằng pháp, vinh danh Thượng Đế. Ngài du hành qua rất nhiều nơi để rao giảng đạo lý cho mọi người nghe. Đây là một câu chuyện trong khi Ngài hoằng pháp đó đây. Chuyện này có liên quan đến hai người con trai trong một gia đình nọ.

Chúa Giê Su không có tâm phân biệt và Ngài đối đãi với bất cứ ai cũng tốt, bất luận đối phương là ai! Ngài thường hòa với đủ mọi loại người, kể cả những người nghèo khổ, bệnh tật, già nua, xấu xí, đẹp đẽ, hoặc trẻ nhỏ, Ngài đều thương họ. Ngài rất thương yêu họ và giao hảo với họ rất tốt đẹp. Họ cũng rất kính trọng Ngài. Chúa Giê Su cũng rất chìu họ, đặc biệt là các trẻ em.

Có nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội đã đem con của họ đến chỗ Chúa Giê Su, xin Ngài rờ đầu, gia trì cho các em nhỏ. Có nhiều đại đệ tử hoặc bạn thân của Chúa Giê Su, mỗi lần thấy trẻ em đến quá nhiều, đều muốn ngăn cản: "Ôi! Đừng đến làm phiền Ngài! Tại sao lại đến làm phiền Ngài như vậy?" Chúa Giê Su liền nói: "Không, không, không phải như vậy! Hãy để các em đến, để các trẻ nhỏ đến gần Ta, không nên ngăn cản các em. Thiên Quốc thuộc về những trẻ nhỏ, thuộc về những người có tấm lòng đơn thuần như trẻ con. Nếu chúng ta muốn trở về Thiên Quốc thì phải ngây thơ như một đứa nhỏ." Nhân cơ hội này, Chúa Giê Su mới giải thích với họ rằng chúng ta phải giống như trẻ em thì mới có thể trở về Thiên Quốc, không nên phức tạp quá. Ngay cả sau khi đã trưởng thành, chúng ta vẫn nên duy trì tâm trẻ thơ. Chúng ta sống trong xã hội là cần phải có trách nhiệm, trưởng thành rồi thì đương nhiên là phải đi làm, kết hôn hoặc trau giồi nghề nghiệp. Nhưng cũng phải giữ tâm đơn thuần như khi chúng ta còn nhỏ. Không nên tranh đua với người khác, không ham danh lợi, không so đo tính toán với người khác mà trái lại phải tha thứ. Người ta có thể xử tệ với mình, nhưng mình vẫn phải đối với họ tử tế, thương yêu họ, như vậy mới là tâm của trẻ thơ. Nếu chúng ta bảo vệ cái tâm trẻ thơ này, thì dù chúng ta trưởng thành bao nhiêu, chúng ta vẫn là con cái của Thượng Đế. Chúng ta sẽ không phải xuống địa ngục, không bị đọa xuống những cảnh giới tối tăm. Cuộc sống của chúng ta sẽ thuận lợi, ít nhất tâm của chúng ta sẽ vĩnh viễn vui vẻ. Chúng ta sẽ vui vẻ trực diện với mọi khó khăn. Không trở ngại nào khiến chúng ta bực bội và lo âu vì chúng ta sẽ vượt qua. Chúng ta dễ tha thứ cho người khác thì chúng ta cũng được tự tại. Chúng ta có thể nghèo hay giàu, địa vị cao sang hoặc thấp kém, và bất luận chúng ta ở nơi nào, sống với ai, chúng ta đều không bận tâm. Như vậy gọi là tâm của trẻ thơ. Không phải trưởng thành rồi thì không thể coi như trẻ nhỏ, không nhất định là như vậy.


Trẻ Em Dễ Tha Thứ Cho Người Khác


Chúa Giê Su là một em bé lớn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy. Các Ngài đều có lòng thương yêu, đơn thuần phi thường, không phức tạp. Cho nên người khác đối với các ngài ra sao, các Ngài cũng không so đo, không oán hận và không báo thù. Cả cuộc đời Chúa Giê Su đều làm việc thiện, sùng bái Thượng Đế, không làm bất cứ điều gì thương tổn đến người khác, không tranh chấp quyền thế, danh lợi với người khác. Ngài dạy người ta phải làm việc thiện, phổ biến tình thương của Thượng Đế tới khắp nơi trên thế giới này, cứu rỗi rất nhiều tâm linh. Vậy mà vẫn có người ganh tyï với Ngài, bởi Ngài quá nổi tiếng, quá được nhiều người thương yêu. Ngoài sự thương yêu của họ đối với Ngài, người ta còn gọi Ngài là quốc vương, là đại vương. Người đời chúng ta cho rằng vua là địa vị cao nhất tại thế, cho nên thương yêu người nào thì gọi người đó là vua. Kết quả những ông vua thật ngoài đời đã ganh ghét với Ngài, sợ rằng Chúa Giê Su sẽ tranh giành với họ, rồi sẽ cướp ngôi vua của họ. Chúa Giê Su đã bị đóng đinh chỉ vì sự ganh tyï này. Nhưng khi Chúa Giê Su bị đóng đinh, Ngài vẫn giữ tâm của trẻ thơ, Ngài cầu Thượng Đế tha thứ cho những người vô minh, không hiểu đạo lý. Trẻ em rất dễ tha thứ cho người khác, không ghi hận thù trong lòng.

Vì Chúa Giê Su luôn luôn hòa đồng với tất cả mọi loại người, nên có một số gọi là giáo sĩ trước kia, hoặc là người xuất gia đã phê bình Ngài. Bất cứ tôn giáo nào cũng có người xuất gia, thí dụ như Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo thì có mục sư, tu sĩ là người xuất gia, họ được mọi người kính trọng. Phật giáo cũng có hòa thượng xuất gia, tỳ kheo, tỳ kheo ni. Ấn Độ giáo có hòa thượng Ấn, gọi là Swami. Những tôn giáo khác đều có người xuất gia. Mỗi phái đều có trang phục khác nhau, lối sống khác nhau, nhưng họ đều là người xuất gia. Người xuất gia nghĩa là những người đã bỏ xả mọi thứ vì Thượng Đế, vì muốn phụng sự Thượng Đế, muốn đem giáo lý của Thượng Đế rao truyền cho mọi người biết, nói cho mọi người nghe. Họ gác bỏ những tình cảm cá nhân như tình gia đình, sang một bên và họ coi thế giới là nhà của họ, coi mọi người như anh em của họ. Những người đó có lý tưởng rất lớn, cho nên mới đáng cho chúng ta tán thán. Chúng ta không nên chỉ tán dương những người xuất gia của tôn giáo mình mà không ca tụng những người của giáo phái khác. Như vậy là sai. Đương nhiên bất cứ tôn giáo nào cũng đều có một số người xuất gia không hiểu lý tưởng này, lại còn lợi dụng danh nghĩa của tôn giáo để kiếm tiền, kiếm danh kiếm lợi. Những người này không thể gọi là xuất gia thực sự, đó chỉ là mặc y phục xuất gia mà thôi, tâm không phải là người xuất gia. Nhưng đó chỉ là một số ít người mà thôi.


Người Xuất Gia Chân Chính


Người xuất gia thật sự đáng để cho chúng ta tán thán, không vì dáng vẻ bề ngoài của họ mà vì lý tưởng bên trong của họ. Họ thật sốt sắng trong việc phục vụ mọi tầng lớp, và tâm họ rộng mở đến toàn thế giới. Cho nên chúng ta khâm phục họ và tôn trọng họ, không phải do quần áo họ mặc. Mặc quần áo gì cũng không thành vấn đề, bởi lý tưởng của họ rất cao thượng, đầu óc rộng rãi. Tình cảm cá nhân họ không cho là trọng, họ thấy thế giới đều là một sự hoán tưởng, mọi người đều đồng nhất thể; đối với họ, chỉ có Thượng Đế là duy nhất, lý tưởng duy nhất và là Đạo duy nhất. Chúng ta nên tìm kiếm Đạo. Những người đó có thể cắt bỏ tình cảm cá nhân, nên chúng ta gọi họ là người xuất gia. Xuất gia là buông bỏ sự ràng buộc của tình cảm gia đình, gọi là xuất gia. Bất luận tôn giáo nào cũng đều có lý tưởng giống nhau, tâm rộng mở, nhìn thấy rõ sự sống chết của thế nhân.

Khi Chúa Giê Su còn tại thế, có một số người xuất gia thuộc đạo Do Thái đã chỉ trích Ngài, phê bình Ngài, rằng tại sao Ngài tiếp xúc với tất cả mọi người. Có một số là gái điếm, có một số là kẻ ăn mày, có một số người rất nghèo khổ, địa vị thấp hèn nhất trong xã hội, Ngài cũng giao tiếp với họ, đối đãi với họ như bạn bè và rao giảng giáo lý cho những người này nghe. Họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ mất mặt, và là điều không nên làm. Họ cho rằng người Do Thái là hay nhất, muốn truyền bá giáo lý thì nên truyền cho người Do Thái, hoặc người có địa vị cao, không nên truyền cho những người thấp kém và bị khinh thường trong xã hội. Họ cho rằng những cô gái điếm là những người quá hư hỏng, không nên giao tiếp, vì thế cuộc sống của các cô này không có cách nào sửa đổi được. Nhưng Chúa Giê Su có khả năng cải biến, Ngài sẽ làm, và Ngài có lực lượng để làm. Người hư xấu nào đến với Ngài và theo Ngài, không bao lâu đều trở thành thiện nhân, hoặc nếu nhìn vào mắt Ngài một lần thì có thể trở thành người lương thiện.


Không Có Người Tốt , Chẳng Có Kẻ Xấu


Người tốt, kẻ xấu là do hoàn cảnh xã hội tạo ra. Có khi người đó đời đời kiếp kiếp đã là thiện nhân, bỗng dưng trong kiếp này họ bị lừa gạt, hoặc trong quốc gia của họ xảy ra chiến tranh khiến gia đình bị phá sản, hoặc đột nhiên cha mẹ họ lìa đời sớm, không nơi nương tựa, không biết phải làm sao, khiến họ trở thành trộm cắp, gái điếm, lưu manh, hoặc giặc cướp. Cho nên không thể nói họ là người xấu được. Trong lòng chúng ta nếu đơn thuần, thì lau một lần là sáng chói. Như vàng, bất luận thêm vào mấy cân cát, vẫn là vàng. Hoặc từ trong lòng đất chúng ta đào ra kim cương, bề ngoài thì đầy đất, dầy nặng đến chục cân, nhưng nếu đem đi rửa, lau chùi thì nó vẫn là kim cương. Giá trị của nó không bị giảm sút vì lớp đất bọc bên ngoài. Cũng vậy, Thiên Quốc bên trong của chúng ta hoặc Phật tính hồn nhiên của chúng ta, chưa bao giờ bị bợn nhơ, nghiệp chướng ô nhiễm, chỉ tại chúng ta hiểu lầm mà thôi!

Cho nên tôi cũng thường nói với quý vị là đối với tôi, không có ai là kẻ phạm tội. Chỉ vì đầu óc chúng ta không sao hiểu được nên mới không tha thứ cho chính mình, càng ngày càng làm loạn hơn. Nếu như có người nhắc nhở chúng ta, có người giảng những đạo lý cho chúng ta, chúng ta sẽ biết cách giải quyết những nghiệp chướng này, để quên đi, hoặc để thay đổi tập quán của chính chúng ta, chúng ta sẽ giống như Phật Bồ Tát hoặc Thánh Nhân vậy. Cho nên Chúa Giê Su mới nói: "Ai cũng cũng đều là con cái của Thượng Đế." Thế nhưng chúng ta vẫn cần phải sửa đổi tâm của mình, và chúng ta không còn lập lại những thói hư tật xấu nữa.


Hai Người Con Trai


Vào thời đó những người gọi là xuất gia phê bình Chúa Giê Su, nói rằng Ngài không có phong cách vì Ngài hòa đồng với đủ mọi hạng người. Cho nên có một ngày, Chúa Giê Su kể một câu chuyện cho họ nghe, liên quan đến vấn đề trên. Câu chuyện như sau: Có một ông có hai người con trai; người con trai nhỏ của ông đòi chia gia tài. Ông bằng lòng và chia gia tài cho người này. Sau khi được người cha chia cho tài sản, người con trai nhỏ này ra ngoài vui hưởng, đi du lịch vòng quanh thế giới, và tiêu phá hết tài sản, cho nên sau đó đã hết tiền. Vừa lúc đó quốc gia xảy ra thiên tai, không có thức ăn, mọi người đều đói khổ. Người con này đã chạy đến một nông trại để kiếm việc làm. Nông trại này nuôi rất nhiều heo con. Khi người con này đang đói, rất đói, nhìn thấy mấy chú heo con trong chuồng đang ăn một thứ đậu, anh rất muốn giành lấy thức ăn của các chú heo để ăn. Lúc bấy giờ, người con này cảm thấy vừa đói và vừa nhớ nhà!

Một ngày nọ, người này mới tự nói với mình: "Ồ, cuộc sống của tôi ở đây thật không hợp lý. Những người làm công cho cha tôi còn được ăn những món ăn ngon hơn là những thứ tôi đang ăn, họ ăn không hết. Còn tôi ở đây chịu đựng đói khổ, thật không hợp lý! Tôi nên quay về nhà. Sau khi về nhà, tôi sẽ xin lỗi cha tôi, tôi sẽ nói rằng con đã làm nhiều lỗi lầm với cha, con rất hối hận về những hành động vô minh trong quá khứ, bởi vì lúc đó con còn nhỏ nên không hiểu sự tình. Tôi sẽ nói với cha tôi rằng tôi không đủ tư cách làm con của người, có thể cha sẽ chịu cho tôi ở lại để làm người làm công. Như vậy cũng tốt!" Nghĩ như thế nên người này chạy về nhà.

Người cha khi nhìn thấy người con trở về, liền bước vội đến ôm chầm hôn con mình. Ông rất vui mừng khi thấy đứa con của mình đã quay trở về. Ông gọi người làm mau mau đem quần áo mới ra cho con của ông mặc, đem những thức ăn ngon ra cho con của ông ăn, mau kiếm thức uống cho con của ông uống. Sau đó ông còn nói: "Chúng ta nên chúc mừng và tổ chức tiệc mừng ngày con ta trở về, con ta đã trở về!" Ông vui mừng sai người làm sửa soạn yến tiệc và mời mọi người đến ăn uống.

Người anh cả về nhà sau đó, vừa bực tức vừa ganh với em nên trách cha: "Con làm việc cho cha đã bao nhiêu năm, cha chưa bao giờ vì con mà đãi tiệc, chưa bao giờ cho con những thứ gì đặc biệt, thế mà hôm nay cha đem những thứ tốt nhất ra để tặng cho đứa con hư hỏng, có những bộ y phục tốt nhất thì cha cho nó mặc, đem những thức ăn ngon nhất ra cho nó ăn uống, lại còn mở yến tiệc rất lớn để chúc mừng nó, như vậy là sao?" Người anh cả vì tức tối ép cha mình phải giải thích rõ. Người cha liền trả lời: "Con không nên bực tức như vậy, con biết rất rõ ràng là những tài sản này đều là của con. Cha không cần phải mở yến tiệc gì cho con, vì mọi thứ đều là của con cả! Tại sao hôm nay chúng ta mở tiệc chúc mừng như vậy? Bởi vì cha vốn cho rằng đã mất em của con, hôm này tìm thấy nó, thấy nó trở về nên chúng ta có lý do để vui mừng đón tiếp." Vì người cha không có lòng phân biệt, đối với ông tài sản không có giá trị bằng con của ông. Tài sản có hao tốn bao nhiêu ông cũng mặc. Quá khứ đã là quá khứ, chỉ cần con của ông được an toàn, bình an quay trở về là ông vui.

Thượng Đế cũng vậy, dù chúng ta phạm bao nhiêu lỗi lầm cũng không thành vấn đề, những thứ này là chuyện của quá khứ. Chỉ cần chúng ta hiện nay có lòng sám hối, muốn làm một người con ngoan, thì Ngài sẽ đón nhận chúng ta trở về. Ngày đêm tôi đều nhắc nhở mọi người về vấn đề này mà thôi. Cho nên quý vị có thể yên tâm, không nên vội vã. Chúng ta tu hành, có khi tốt, có lúc dở; khi nhìn thấy hào quang rất sáng, nghe âm thanh lớn như Thượng Đế, có khi dường như là không có thể nghiệm gì cả, vì chúng ta có khi bị ô nhiễm, bị những thành kiến của chúng ta bao bọc, hoặc bị thành kiến của xã hội ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của chúng ta, khiến cảm giác tội lỗi của chúng ta lại xuất hiện, cho rằng trong quá khứ chúng ta đã làm quá nhiều điều lầm lẫn, không xứng đáng được ân huệ này, không đáng để được Thượng Đế yêu thương.


Chúng Ta Luôn Xứng Đáng Được Hồng Ân Và Tình Thương Của Thượng Đế


Sự thực là chúng ta lúc nào cũng xứng đáng được Thượng Đế yêu thương. Ngài đâu có màng đến việc quý vị phá hoại bao nhiêu tài sản của Ngài. Phải vậy không? Ngài là Đấng Tạo Hóa, bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể tạo ra thế giới và vũ trụ rất đẹp, rất lớn. Ngài không bao giờ tính toán. Chúng ta phá hoại, Ngài lại tạo ra lại, không thành vấn đề. Thí dụ, trong quá khứ chúng ta giết người hoặc giết động vật, hoặc vi phạm giới luật của thế giới, hiện nay chúng ta đã sám hối, cầu Thượng Đế tha thứ cho chúng ta, chúng ta khiêm nhường làm nô lệ, làm tôi tớ cho Ngài, chúng ta mỗi ngày ngồi thiền. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta xứng đáng thì chúng ta sẽ kiêu ngạo, rồi chúng ta sẽ không cần sám hối gì nữa, không cần ngồi thiền, không cần viết nhật ký nữa. Nhưng vì chúng ta còn có lòng khiêm nhường, sám hối những nghiệp chướng quá khứ của chúng ta, cho nên Thượng Đế sẽ tha thứ cho chúng ta.

Chúng ta sẽ có mọi thứ, có địa vị như những người con không phạm giới, những người con ở trên thiên đàng vậy, không thua một chút nào. Chỉ vì chúng ta vẫn còn chưa về đến quê hương, cho nên chúng ta hiện giờ vẫn còn ở nơi đây sám hối. Khi chúng ta về tới nhà và gặp được Đấng Cha Lành, chúng ta sẽ như nhau. Ngài sẽ cho chúng ta quần áo đẹp, cho chúng ta nơi ở đẹp đẽ trên thiên đàng, cho những thứ quý giá để chúng ta hưởng thụ, hưởng thụ cuộc sống vĩnh viễn như Ngài vậy. Cho nên mọi người không cần vội vã. Khi còn ở đây hãy sửa soạn sẵn sàng; về đến nhà rồi là quý vị có thể vui hưởng.