PDA

View Full Version : Tu Nhẫn Nhục Trong Nghịch Cảnh



Nhím Hoàng Kim
07-30-2007, 03:21 PM
Sư Phụ tại trại Palawan, 1991. Ngồi kế Sư Phụ là dân biểu Phi Luật Tân, ban quản trị và đại đức người Âu Lạc trụ trì trong trại.


Tu Nhẫn Nhục Trong Nghịch Cảnh

Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân ngày 5 tháng 4 năm 1991 (nguyên văn tiếng Âu Lạc)


Người Âu Lạc Ra Đi Để Tìm Tự Do

Dân tộc Âu Lạc có bốn ngàn năm văn hiến, chưa hề có ai bỏ nước đi ăn xin tình thương và cơm áo xứ người. Lần này là lần đầu tiên, chứng tỏ sự ra đi tìm tự do của quý vị rõ ràng minh bạch quá. Chỉ có những người nào không có trí huệ, không có tình thương mới không nhận ra mà thôi. Khỏi cần phải biện bạch gì cả. Quý vị liều thân, liều mạng trên một chiếc thuyền nhỏ mong manh, không gạo, không nước, không củi, không tiền, không bảo đảm an ninh, để đi tìm tự do, đã nói lên sự đè nén đến độ không thể chịu đựng được chế độ cộng sản nữa. Chỉ những người nào mù, điếc mới không hiểu được chuyện này mà thôi. Suốt bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta, không hề có ai bỏ nước ra đi cả. Nước chúng ta cũng có lúc nghèo, cũng có lúc khổ, cũng có lúc chiến tranh, có lúc gặp hôn quân, bạo chúa, không phải lúc nào cũng thanh bình, thịnh vượng, phải không? Nhưng có ai bỏ nước đi đâu? Chiến tranh liên tục, mấy ngàn năm bị đô hộ, một ngàn năm bởi giặc Tàu, một trăm năm bởi giặc Tây, rồi hai ba chục năm nội chiến, nhưng không ai bỏ nước cả. Tại sao thanh bình rồi, lại bỏ nước mà đi? Điều đó thế giới phải tự hỏi, tự trả lời. Nếu họ không tự hỏi, tự trả lời, thì mình phải trả lời cho họ biết.

Những người Âu Lạc rất dũng cảm, đã liều mạng đi trên biển cả, và tự sát để vinh danh tự do. Nhưng Sư Phụ không khuyến khích tự sát, nghe không? Rất uổng phí. Mình đã đem hết tất cả tiền bạc, tài lực mình có, liều thân ra tới nước này, mà chết thì uổng quá! Để từ từ kiếm cách giải quyết chớ! Nhiều khi mình phải cầu nguyện cho thời thế thay đổi. Quý vị chuyển giùm đến đồng bào, đến anh em bà con những lời khuyên của Sư Phụ. Ngày mai trời lại sáng, không có đêm nào dài vô tận, không ngày nào sáng vô biên. Có âm, có dương chuyển biến hoài hoài. Nếu mình chết rồi , sẽ không có hy vọng mới sống được. Mình chết rồi, không biết sau này sẽ ra sao?

Tinh Tấn Tu Hành Sửa Đổi Được Số Mạng

Cho nên sự thành tâm tu hành của một người có thể chuyển đổi rất nhiều định mệnh của toàn thế giới, của vũ trụ và bản thân mình. Bằng chứng là trong những năm gần đây, có rất nhiều người trên thế giới, từ những pháp môn thiền quán của nhiều tông phái khác nhau, bắt đầu ăn chay. Những người Anh, người Mỹ cũng ăn chay và cũng ngồi thiền. Từ khi Sư Phụ bắt đầu ra hoằng pháp, người Âu Lạc gần đây ăn chay ngồi thiền rất nhiều. Những người đã đến được những nước tự do cũng tu hành, những người còn kẹt trong trại tỵ nạn cũng tu, cũng ráng ăn chay trong những hoàn cảnh vô cùng chật vật, vô cùng khó khăn, thiếu thốn, mà muốn ăn chay không phải là chuyện dễ dàng. Vậy mà biết bao nhiêu người ở trại Hồng Kông đã ăn chay và tu theo pháp thiền của Sư Phụ; có mười mấy người ở trong trại đã cạo đầu xuất gia. Vì sự tu hành khắp nơi trên thế giới mà bây giờ những nước cộng sản Đông Âu đã bị dẹp rồi. Mai mốt đây, lần lượt cũng sẽ tới Âu Lạc và Trung Cộng. Vì vậy chúng ta không nên mất niềm tin. Chúng ta phải cố gắng tu hành trong khả năng sẵn có của mình. Mình không thể nào tránh được nghiệp chướng của mình, trừ khi mình tu hành viên mãn, nó mới chuyển biến mà thôi.

Cho nên Đức Phật không khuyên con cái của Ngài làm điều gì khác hơn là phải tu, không cho phép vợ con Ngài làm gì khác hơn là phải tu. Con mới 9 tuổi cũng cho cạo đầu; vợ đẹp như vậy cũng làm ni cô. Tại sao Ngài lại khuyên con của Ngài đi tu, mà không để cho La Hầu La làm hoàng đế, có sướng hơn không? Vì Ngài biết rằng những sự giàu sang sung sướng, những địa vị, những hư danh trong xã hội đều là ảo ảnh mà thôi, như bóng câu qua cửa sổ, như giọt nước đầu cành. Ngài đã ngộ rằng chỉ có con đường tu hành, thành Phật mới là vĩnh viễn trường tồn. Bây giờ, có người hỏi rằng: "Tui tu làm sao thành Phật được mà bắt tui tu. Tui tu không có hy vọng thì dẹp luôn cho rồi!" Nói vậy là mình tự bào chữa cho mình. Không phải cạo đầu mới đi tu được. Ở nhà cũng tu được như thường. Lúc Đức Phật còn tại thế, người tu có bốn giai cấp: Người xuất gia nam là Tỳ Kheo, người xuất gia nữ là Tỳ Kheo Ni, người tại gia nam kêu là Ưu Bà Tắc, người tại gia nữ kêu là Ưu Bà Di, tức là tu chung đó, lúc nào cũng vậy, có xuất gia nam, xuất gia nữ, và có những Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

Không Tái Sanh Làm Kiếp Tỵ Nạn

Quý vị đã tin theo một pháp môn nào, quý vị phải ráng tu hành cho tròn, cho đến khi mình nhập tam muội mới đúng là cứu cánh của pháp môn đó. Bây giờ quý vị cứ đứng đó nói pháp này, pháp kia hay thì chưa chắc pháp nào hay cả. Mình nói hoài mà không tu thì không có pháp nào hay hết. Có nhiều người niệm Phật, kêu bằng niệm Phật tam muội, tức là nhập định, nhập vô trong cõi Phật, thấy được Phật Di Đà. Bây giờ mình muốn tu tới mức độ này, thứ nhất là mình cũng phải có sự hướng dẫn của một vị thầy có đạo đức, thứ hai là mình phải tu cho đúng đường lối, phải ăn chay, niệm Phật cho rõ ràng. Chứ không phải bữa nay ăn chay, mai ăn mặn, như vậy khó tu lắm. Ăn chay không hoàn toàn tu khó thành Phật quả lắm, chỉ thành một chút thôi. Có người một tháng ăn chay bốn ngày thì thành Phật bốn ngày, rồi 26 ngày kia chạy xuống đây. Chắc quý vị làm giống như đi chơi đó phải không? Thí dụ mình ở Formosa, rồi lâu lâu một năm mình đi nghỉ mát một tháng, mình đi qua Mỹ chơi. Chắc quý vị tu cũng tưởng muốn như vậy, 26 ngày ở cõi trần rồi bốn ngày lên cõi Phật. Ăn chay một tháng bốn ngày chưa đủ. Nếu muốn làm công dân của nước Phật thì phải trường chay, phải niệm Phật cho chí thành, chí khẩn, cho đến khi nào mình thấy được Phật, mới biết rằng mình tu đã chứng. Nhưng thấy được Phật cũng chưa phải là chứng quả cao nhứt. Lúc đó còn có "tôi" thấy Phật. Khi nào mình là Phật luôn, chừng đó mới là cao đẳng. Nhưng thôi, nói mấy chuyện này, quý vị lại nói: "Rồi, bả lại truyền đạo nữa, bả lại muốn mình làm Phật, tử nữa." Không phải vậy đâu, không phải vậy đâu! Ý Sư Phụ muốn nói rằng nếu quý vị muốn có một cuộc sống sung túc hơn, mai mốt sanh trở lại không muốn làm dân tỵ nạn nữa, thì phải ráng từ ngay bây giờ, chớ đừng để khi mình thác rồi, mất thân thể này rồi, có muốn tu cũng không kịp.

Thân Người Quý Báu

Sư Phụ đã tu bao nhiêu pháp rồi, đã đi từ trên trời xuống địa ngục coi rồi, biết rằng chỉ có loài người mới dễ tu mà thôi, đúng y như lời Phật dạy. Những người ở kiếp người đã tu rồi, chưa thành quả vị Phật mà đã mất đi thân người, rồi kế sanh qua những cõi khác, sẽ được vị thầy của mình tiếp tục dạy cho mình từ cõi đó, cũng có thể lên làm Phật được. Nhưng nếu ở cõi này chưa tu, không gặp minh sư thì lên cõi kia cũng mù mịt luôn, không thể nào tu được, phải tu từ cõi này tu lên. Thành ra làm người là một điều rất là quý báu, rất là khó khăn, nếu mình không tu thì uổng quá, mai mốt bị ở lại lớp. Từ con người có thể lên cõi Phật được, lên quả vị Phật được. Những đẳng cấp khác không thể vượt lên như vậy được. Từ con người tu lên làm Phật cũng như từ trung học lên đại học vậy. Còn từ tiểu học thì không lên đại học liền được.

Âu Lạc Là Thánh Địa

Quý vị nên nhớ rằng Âu Lạc là một linh địa. Nói về địa lý thôi, chưa nói đến những chuyện tu hành làm chi. Quý vị thấy hình bản đồ Âu Lạc không? Giống như gì? Giống chữ S không? Quý vị có thấy hình bản đồ của đạo không? Có vòng tròn, chính giữa có chữ S, hai bên có bên trắng, bên đen, thấy không? Nước gì mà kỳ vậy, giống y như cái đạo vậy, quý vị có biết hình đó không? Hình tròn mà người ta vẽ hình đạo viên mãn đó. Vòng tròn, chính giữa có chữ S cong cong, phải không? Bên này trắng, bên này đen, bên trắng có chấm đen, bên đen thì có chấm trắng, hình gì đó? À, thái cực lưỡng nghi. Nước Âu Lạc cũng giống như vậy, phải không? Quý vị thấy địa lý hay không? Chỉ coi địa lý không thôi cũng biết Âu Lạc là nước có địa linh nhân kiệt. Cho nên bị nhồi quả rất nhiều, bị thử thách rất nhiều để huấn luyện, tu luyện tinh thần dũng cảm chịu đựng, tinh thần nhẫn nại của con cháu Tiên Rồng. Quý vị phải biết trong cái khổ có cái tốt, trong sự kém may mắn có sự an bài tốt đẹp của Trời Đất, vậy bây giờ mình hãy tạm chấp nhận cuộc sống tha hương của mình.

Nhưng những người ở trại này là những người vô cùng may mắn. Trại này đẹp đẽ, khang trang, gì cũng có cả. Chùa cũng lớn, Phật cũng cao, còn nhà thờ cũng vô cùng đẹp đẽ, lại có sân banh nữa, cái chi cũng có cả. Sư Phụ vào đây cảm thấy như một ngôi làng gương mẫu trên trời Địa Tiên vậy, chớ không phải là làng tỵ nạn. Sư Phụ chưa thấy trại tỵ nạn nào đẹp như vậy cả. Trại này đẹp nhất. Chính phủ Phi và dân tộc Phi vô cùng nhân hậu. Sư Phụ lên đài truyền thanh của Phi nói cám ơn dân tộc và chính phủ Phi mà Sư Phụ rơi nước mắt, vì lòng thương của họ, sự đối đãi của họ tốt với những người Âu Lạc. Dĩ nhiên cũng có chút ít hiểu lầm gì đó trong lúc làm việc với nhau, hoặc số đông người cũng tạo nên thiếu thốn, hoặc nhiều khi không được vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng nhìn tổng quát, dân tộc Phi và chính phủ Phi vô cùng nhân hậu, thưa có phải không? Không bao giờ đối đãi tệ với người Âu Lạc, còn những trại khác nhiều khi bẩn thỉu, xấu xa, không cần biết ai là ai, đàn áp, hãm hiếp, đủ thứ tệ đoan. Sư Phụ không dám nói những chuyện này công khai cho báo chí thế giới, sợ rằng những trại đó sẽ bóp chết dân Âu Lạc, đàn áp những người tỵ nạn. Sư Phụ cảm ơn những chính phủ đó đã dung nạp dân Âu Lạc, nhưng Sư Phụ cũng không thể tha thứ những hành động vô trách nhiệm của những người làm việc trong trại đó. Việc nào tốt thì mình phải cám ơn, việc nào xấu mình phải nói là xấu. Nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng, lúc khẩn cấp này, nếu nói ra nhiều càng thiệt hại cho người tỵ nạn, nên Sư Phụ tạm thời bỏ qua những trường hợp bị đàn áp để tìm phương pháp bảo vệ cho những người bị loại, coi có cách gì cho họ được ở lại nơi đó, hoặc có cách gì cho nước khác nhận họ đến. Cho nên mình tạm thời hy sinh những cá nhân bị đàn áp đó để mà cứu đại đa số. Những bằng chứng tự sát, đàn áp đó, Sư Phụ có hết. Trong trường hợp khẩn cấp mình làm mới đúng, lá bài cuối cùng mình nên để đó, hiểu chưa?

Liên Hiệp Quốc Và Người Tỵ Nạn

Sư Phụ cũng nói thẳng với Liên Hiệp Quốc: Chúng tôi có đầy đủ những dữ kiện không tốt, tàn nhẫn như vậy, nhưng chúng tôi chưa công bố vì muốn bảo vệ thanh danh quý vị, và chúng tôi cũng tri ân quý vị đã giúp đỡ đồng bào chúng tôi từ mười mấy năm nay. Những việc này là những việc đáng tiếc ngoài ý muốn của quý vị, nhưng cũng vì đó mà sinh ra chính sách thanh lọc. Và hệ thống hành chánh quá khắt khe và quá chậm chạp, nhốt người tỵ nạn trong trại lâu quá, khiến họ sinh ra đủ thứ tệ đoan, bực bội, nhàn cư vi bất thiện. Sư Phụ đề nghị họ dùng tiền đó để mở cơ xưởng gì đó ngay tại các nước có người tỵ nạn để người Âu Lạc có công ăn việc làm, tự nuôi sống lấy thân mình, bảo vệ thanh danh của con người, chớ không phải đi ăn bám hoài vậy, không ai chịu nổi, ai cũng bực hết. Mình đâu phải sinh ra để ăn bám, nhân phẩm của con người bị tổn thương, nên sinh ra bao nhiêu tệ đoan.

Sư Phụ nói thẳng với Liên Hiệp Quốc: "Chúng tôi biết nhiều chuyện, nhưng chúng tôi không muốn thưa gửi, mà cũng không muốn nói ra. Thứ nhất vì cảm ơn Liên Hiệp Quốc và những quốc gia bạn đã cứu trợ cho đại đa số đồng bào tỵ nạn chúng tôi trong bao nhiêu năm nay. Chúng tôi vô cùng tri ân, không bao giờ quên. Thứ hai là vì chuyện này ngoài ý muốn của quý vị. Thứ ba, vì không muốn những nhân viên trong trại đó càng đàn áp đồng bào chúng tôi nữa, nên chúng tôi phải tạm thời im lặng. Nhưng nếu quý vị không chấp nhận những lời yêu cầu của chúng tôi, hoặc tiếp tục làm những việc không nhân đạo, thì chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng phơi bày tất cả sự thật.

Nhưng Sư Phụ cũng nói để quý vị biết Sư Phụ là người vô cùng cảm ơn Liên Hiệp Quốc. Ngoại trừ những khi Sư Phụ cãi cọ với họ, hoặc tranh biện với họ về vấn đề người tỵ nạn như hiện thời, Sư Phụ vô cùng cảm kích về sự rộng lượng của Liên Hiệp Quốc, đã chiếu cố đến dân tộc Âu Lạc, đến những người tỵ nạn trong bước đầu kham khổ. Sư Phụ vô cùng cảm kích những quốc gia trên thế giới đã không quản ngại tốn kém tiến bạc để nuôi dưỡng, giúp đỡ người Âu Lạc trong những lúc khốn cùng. Tuy rằng có những trại giúp đỡ không được đầy đủ, cuộc sống kham khổ, nhưng "một miếng khi đói, bằng một gói khi no". Sư Phụ đại diện cho người Âu Lạc, luôn luôn cảm kích hoàn cảnh đó, chớ không phải Sư Phụ cãi với họ rồi quên ân nghĩa của họ. Nhưng cái nào tốt thì nói tốt, cái nào xấu thì nói xấu, như một người đẹp mà bị ung thư thì cái ung thư đó không đẹp được, hiểu chưa? Không phải ung thư mọc trên thân người đẹp thì cái ung thư đó cũng thành đẹp luôn. Người đẹp là người đẹp, ung thư phải được lấy đi chớ! Đâu phải ung thư mọc trên mình người đẹp là thành đẹp được, đại khái là như vậy.

Khai Sáng Một Đời Sống Mới

Không phải Sư Phụ quên ơn hoặc khuyến khích quý vị quên ơn Liên Hiệp Quốc và những quốc gia bạn. Mình phải bảo vệ truyền thống của người Âu Lạc là hiếu khách, tri ân và luôn luôn tìm cách báo đáp ân nghĩa đó. Cho nên quý vị là những người may mắn sắp được ra ngoại quốc, Sư Phụ không còn gì hơn là chia vui với quý vị. Không còn gì để nói, không có những giọt lệ để khóc cho quý vị, mà chỉ còn một niềm vui sướng vô cùng. (Chú thích: Trại Bataan là một trung tâm chuyển tiếp, là nơi người tỵ nạn chờ đi định cư nước thứ ba. Chỉ biết nhắn nhủ, nếu quý vị muốn nghe, rằng quý vị ra ngoại quốc hãy ráng đem hết tài năng và thời giờ, cũng như tâm thân của mình để mà thu thập, học hỏi, gia nhập vào đời sống mới, làm những công dân tốt của xứ đó, để báo đáp tấm thạnh tình của quê hương thứ hai, và để thu thập những điều hay lẽ phải có lợi cho mình, có lợi cho quốc gia đó, và dạy dỗ con cái cho nên người. Mai sau, nếu đất nước chúng ta thanh bình, chúng ta trở về sẽ là những người tiền phong kiến tạo đất nước địa linh nhân kiệt của chúng ta. Đất nước của chúng ta vô cùng giàu có, từ xưa tới nay chưa có thiếu thốn về vấn đề ăn uống. Cây cỏ rất nhiều, đất đai vô cùng mầu mỡ, có bao nhiêu mỏ kim loại, khoáng chất rất nhiều, chỉ đợi tài năng của quý vị trở về khai thác, đợi tiền bạc tài sản của quý vị đem về củng cố quê hương.

Quý vị đừng bao giờ quên rằng mình là người Âu Lạc. Mặc dầu mình không phân biệt màu da chủng tộc, nhưng dân tộc nào có cá tính, có bổn phận của dân tộc đó và phải kiến thiết quê hương của mình. Một quốc gia được mở mang lên sẽ ảnh hưởng toàn thế giới. Nếu tất cả mọi quốc gia đều tự mình kiến thiết, tự mình củng cố, và liên hệ mật thiết với những quốc gia khác thì thế giới sẽ giàu mạnh, thế giới sẽ hòa bình, không có nước này lấn nước kia, không có nước nào thiếu thốn mà phải đi đánh phá, chiến tranh với nước khác hoặc lợi dụng sự yếu kém, sự ngây thơ của những nước khác. Cho nên bảo vệ gia đình mình tức là bảo vệ quê hương. Bảo vệ quê hương tức là bảo vệ thế giới. Quý vị có hiểu không? Không phải quý vị thoát ra khỏi chế độ cộng sản là đủ đâu. Nhiệm vụ còn nhiều lắm.

Làm Một Người Công Dân Gương Mẫu

Quý vị là những người mà Trời Phật, tổ tiên đã xui khiến được ra nước ngoài để học hỏi những điều hay lẽ phải, trau dồi thêm tài năng và trí huệ, mai mốt về sẽ phụng sự quốc gia đẹp đẽ, một quốc gia vô cùng kỳ diệu, một quốc gia không giống một quốc gia nào là quốc gia Âu Lạc của mình. Quý vị phải làm những việc mà những người khác không làm được. Quý vị phải làm một dân tộc để cho những dân tộc khác ngưỡng mộ theo gương, chớ không thể cúi đầu nhu nhược hoài được. Không phải làm một dân nhược tiểu hoài như vậy được. Nếu nói rằng mình yêu quê hương thì phải làm cho quê hương rạng rỡ, thưa có phải vậy không? Điều quan trọng không phải chỉ là đánh cộng sản, không phải chỉ là tiêu diệt cộng sản, mà điều quan trọng thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, là cộng sản đi rồi thì mình làm gì? Ai lãnh đạo quốc gia? Làm gì để hơn cộng sản? Đuổi người ta đi rồi, đất trống, không ai làm gì hết, thì cũng không ăn nhằm gì! Cộng sản sẽ trở lại vì sự nghèo đói còn đó, vì sự tranh giành nhỏ nhen còn đó. Sự lạc hậu còn tồn tại thì cộng sản sẽ còn có đất dụng võ. Quý vị hiểu không?

Sư Phụ không nói chuyện đạo gì cả, Ta nói chuyện đời. Trong quý vị có ai muốn đi theo Sư Phụ đâu mà Sư Phụ phải nói chuyện đạo. Bây giờ Sư Phụ nói bổn phận làm công dân của quý vị là như vậy đó. Mình là những người hiền hậu, mình không biết đánh giặc, mình không biết chém giết người ta, cho nên mình phải thua những mưu mẹo quỷ quyệt, những phương pháp tàn nhẫn của người cộng sản, chớ không phải mình hèn nhát. Quý vị hiểu không? Quý vị lương thuần, quá hiền hậu, cho nên thua. Bây giờ mình đánh giặc bằng đầu óc, bằng tâm huyết của mình, bằng lòng yêu quê hương nồng nhiệt của mình. Mình dùng hết tài năng, thời giờ của mình để học hỏi những điều hay lẽ phải, mình không xa hoa, mình không rượu chè bê bết, mình không làm những chuyện có hại cho thân thể và tinh thần của mình để làm giảm giá trị của quê hương của mình. Nước non mình điêu linh, dân tộc mình đau khổ, vui vẻ gì mà ngồi nhậu nhẹt, chén chú chén anh, có phải không? Vui vẻ gì mà hưởng thụ những vật chất trên đời này, phải nghĩ như vậy mới được. Không phải Sư Phụ cấm quý vị nhậu nhẹt. Nhưng quý vị nghĩ thử coi, vui vẻ gì mà làm những chuyện đó, vui vẻ gì mà ngồi đó đánh bài, hưởng thụ những thứ đó. Phải để dành đầu óc, tim gan, thân thể, sức lực của mình mà làm những chuyện tốt, mà tu hành, mai mốt về nhà làm gương cho những người không có đủ điều kiện đi ra nước ngoài học hỏi, dạy dỗ cho dân tộc của chúng ta tiến triển thêm lên. Đó là bổn phận của những người xuất ngoại. Cũng may là có chiến tranh, nên đại đa số những người có tài được ra nước ngoài. Hồi xưa, lúc còn chiến tranh, mình muốn ra nước ngoài trau dồi trí huệ cũng khó khăn, phải không?

Người Tu Hành Là Người Chiến Sĩ Chân Chánh Nhất

Trong cái rủi có cái may, cũng như trong bụi gai có bông hồng, mình không nên nhìn cái gai hoài, mà mình phải nhìn cái bông hồng. Mình chăm bón gốc cây, không phải vì mình thương mấy cái gai, nhưng mình biết cây sẽ cho mình những bông hồng, nên mình làm lơ những cái gai đó. Cây gai đó mình cắt được, còn bông hồng mình để lại. Mặc dầu mình bón phân bụi hoa hồng, nhưng cây gai cũng mọc lớn lên; đâu phải vì mình muốn cho những cây gai đó ốm yếu, mất đi mà mình không tưới bón đâu? Không tưới bón thì bông hồng cũng không lên được. Cho nên trong cái rủi có cái may là vậy.

Bây giờ không phải là lúc mình ngồi đây thù ghét cộng sản hoặc hô hào về nước đánh chết họ, mà mình phải làm điều gì để mai này cộng sản không còn chỗ đứng, tự họ phải biến mất. Chớ hận thù mà trả bằng hận thù thì không bao giờ hết cả. Cho nên Sư Phụ cũng là một chiến sĩ chống cộng, nhưng Sư Phụ chống mềm dịu lắm, chống một cách hòa thuận, an toàn; những người theo Sư Phụ rồi là cộng sản không thể nào dụ dỗ hay nói năng gì với họ được cả. Tức là cộng sản đã mất đi bao nhiêu đồng chí rồi. Ở bên Mỹ thiếu gì người theo cộng sản đã theo Sư Phụ truyền tâm ấn hết, ăn chay hết rồi, còn một vài người ngoan cố thôi. Sư Phụ đánh cộng sản nhưng không đánh, tiêu diệt cộng sản nhưng không giết người, chỉ hoán cải họ thôi. Những người tu hành là những chiến sĩ, không phải những người tu hành là những người không biết đánh giặc. Nhưng đánh cách khác, đánh có công dụng hơn, lâu dài hơn, vừa đánh mà vừa cứu họ luôn.

Chuẩn Bị Tinh Thần Khôi Phục Giang Sơn

Cho nên quý vị cũng có thể làm giống như vậy. Trau dồi trí huệ, trau dồi tài năng của mình, và trau dồi kiến thức, mở mang sự hiểu biết của mình về thế giới tự do để mai mốt về Âu Lạc truyền bá những tư tưởng hùng mạnh, những tư tưởng tiến bộ cho dân tộc mình. Như vậy những người cộng sản đâu còn chỗ nào mà đứng nữa, phải không? Khi nào dân tộc mềm yếu, lạc hậu, không có lập trường tự do vững chắc, mới bị cộng sản lung lạc, dụ dỗ mà thôi. Khi lỡ vô rồi, ra không được. Bây giờ, quý vị có trách nhiệm nặng nề là ra ngoại quốc phải học hỏi đàng hoàng, dạy dỗ con cái những điều hay lẽ phải, những điều tiến bộ của những quốc gia văn minh, để mai mốt về có chỗ dụng, chớ không phải Âu Lạc có cộng sản hoài đâu. Quý vị phải chuẩn bị tinh thần đặng mà về kiến thiết quốc gia, hiểu không? Thôi, cám ơn!