PDA

View Full Version : Ai Giết Lê Lai - Nguyễn Dư



Pages : 1 2 3 [4]

VietLang
05-15-2007, 11:03 PM
Nghe bàn chuyện Lê Lai ...
Tác giả: Nguyên Đạo


Cũng như Nguyễn Dư, hồi nhỏ học sử, ai cũng biết "kịch bản chính thống" là Lê Lai liều mình cứu chúa, giặc bắt được giết đi.
Đùng một cái, tin được bắn ra "Có một Lê Lai mặc áo hoàng bào thế mạng Lê Lợi, bị quân Minh bắt; sau đó vài năm có một Lê Lai bị Lê Lợi giết vì ngạo mạn cậy công ". Người thấy lạ, kẻ bảo chẳng có gì đáng chú tâm, người xưa đã lý giải cả rồi. Muốn biết rõ, có lẽ chỉ còn trông mong vào những nhà nghiên cứu sử, bình tâm bàn bạc với nhau, xét dữ kiện, phê bình sách, nghiêm túc, khiêm tốn...

Nhưng muốn có thảo luận trước hết phải có người nêu vấn đề ! Phải chăng, xưa nay, những tiến bộ của khoa học, rất nhiều khi xuất phát từ những thái độ "xét lại lập trường chính thống" của xã hội? Tại sao mâu thuẫn trong chuyện Lê Lai, được viết trong sách từ mấy trăm năm nay, đến bây giờ mới được nêu ra?

Giá trị bài của Nguyễn Dư chính là dám đưa ra nghi vấn lịch sử này, cho mọi người góp ý.

Người đầu tiên đáp lời là Nguyên Thắng !

Trước lập luận của đôi bên, Nguyễn Dư và Nguyên Thắng, dốt sử như tôi, quả thực điên đầu.

1 - "Kịch bản chính thống"

Có một kịch bản: "Lê Lai bị người Minh bắt được, đem giết đi !".

Đây là "kịch bản chính thống", theo sách vở nhà trường. Điều đáng tiếc là những người viết ra kịch bản này, dĩ nhiên phải là những nhà thông thái, những sử gia nghiêm túc, biết "cân nhắc từng chữ", đã quên đi chuyện sau đó có một Lê Lai bị Lê Lợi giết.

Quên hay không biết ? Quả thật thông thái đến đâu, cẩn thận đến đâu đi nữa chắc cũng có chỗ sơ hở, đọc sách, luận bàn "chưa rốt ráo", "chưa tới nơi tới chốn".

a - Ông Ngô Sĩ Liên cắc cớ, nói Lê Lai bị giết mà không nói rõ Lê Lai nào, trong khi trong triều, theo "kịch bản Nguyên Thắng ", nhan nhản đầy quan đại thần tên Lê Lai, "đó là chỗ kém" của Ngô Sĩ Liên (???!)

b - Ông Nguyễn Trãi, văn chương, mưu lược như thần, vậy mà chỉ nói Lê Lai bị "xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng", sao không thêm câu "cho đến chết" ? Đã cân nhắc từng chữ, sao không nói toạc móng heo ra mà còn mập mờ: Lê Lai chết hay không chết? nói ra có gì đáng ngại?

b - Người sau viết sử, không biết có đọc sách của Ngô Sĩ Liên không, mà cứ lướt qua nghi vấn: Lê Lai bị giết một hay hai lần ?... như vậy có nghiêm túc không? Đúng hay sai, phải giải quyết chứ? Phan Huy chú đã không nói tới việc có một Lê Lai bị Lê Lợi giết, chắc có lẽ ông không biết chuyện đó, nên nghĩ rằng ông Lê Lai "liều mình cứu chúa" đã bị quân Minh giết.

Ngoài ra, ngôn từ xưa và nay chắc cũng có nhiều chữ đã đổi nghĩa. Ngày nay, chữ "bỏ mình vì nước" thông thường được hiểu là đã "chết vì nước", nhưng chữ "xả thân vì nước" không hoàn toàn cùng nghĩa. Vốn dốt chữ nho, tôi không biết chữ "bỏ mình" trong bài chế văn của Lê Thánh Tông (theo Nguyên Thắng) được viết nguyên văn bằng chữ Việt hay được dịch từ "chữ hán" nào? Và ngày xưa, phải được hiểu ra sao?

Như vậy "kịch bản chính thống" quả có nhiều sơ hở, vì nó không lý giải rõ ràng dữ kiện "có một Lê Lai bị Lê Lợi giết"! Lẽ ra đâu đó cũng phải nói, dù cho khẳng định: "Có một Lê Lai bị Lê Lợi giết, nhưng người đó không phải là kẻ đã cứu sống Lê Lợi" !

2 - Một hay nhiều Lê Lai? Bàn luận về sử phải chăng không cần xét đến giá trị các tài liệu có trong tay?

Với tất cả những nghi vấn đó, "kịch bản Nguyễn Dư": một Lê Lai bị bắt nhưng không bị Minh giết, dù giải thích chưa được thỏa đáng, theo ý tôi vẫn là ít gượng ép nhất, ít vặn vẹo nhất, so với kịch bản: "cho xuất hiện cùng một thời gian dăm quan đại thần Lê Lai khác". Rất có thể, cùng thời đó, có nhiều người trùng tên Lê Lai. Nhưng khó tưởng tượng nổi trong một triều đình có ba bốn quan đại thần, cùng mang một tên, cùng có công trạng lớn đến mức độ được mang quốc tính, dám ngạo mạn với vua, công trạng đó lại không được nhắc nhở trong sử sách. Trong các trận đánh, lớn nhỏ, sao không thấy nói đến tên Lê Lai? Ngoài công "liều mình cứu chúa", có Lê Lai nào còn công trạng khác?

Còn gì bình thường hơn khi ta hiểu rằng: Lê Lai trước, chịu hy sinh thế mạng cho Lê Lợi, với Lê Lai sau, bị Lê Lợi giết, chỉ là một Lê Lai? Cùng một tác phẩm ! cùng một tác giả ! Tại sao tác giả không nói là hai, mà mình cứ quả quyết là hai ? Nói ngược lại là không bình thường. Dĩ nhiên ta có quyền nói ngược Ngô Sĩ Liên, nhưng phải chưng bằng cớ ! Một bên là sử sách giấy trắng mực đen: "Giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết" , một bên là phân tách ngữ nghĩa : sách đời sau nói Lê Lai "bỏ mình" hay "xả thân", và "bỏ mình" có nghĩa là đã chết.

Nhiều tài liệu được Nguyên Thắng nhắc tới, dẫn chứng sự hiện diện của nhiều Lê Lai, nhưng chưa thấy luận bàn xem những tài liệu đó đáng tin cậy đến mức độ nào? Nhất là những tài liệu được viết rất lâu về sau, có cả một bản tục biên được sao lại năm 1942... Hiện tượng "tam sao thất bổn" hay "râu ông nọ cắm cằm bà kia" có thể xẩy ra? Con cháu chép chuyện ông Tổ mình trong gia phả, hay đúc bia (vào giữa thế kỷ thứ 19 ! ) liệu có thể thêm bớt hoa hoè gì không? Thời xưa, có hay không chuyện thay tên đổi họ, hay thay đổi năm sinh, năm chết, nhất là khi ông tổ mắc tội với triều đình, hay mắc tội chết chém (vì dám ngạo mạn!)

Với Lô Gích của Nguyên Thắng, dù không nói ra, hễ đã viết ra văn bản là đúng ! Này nhé, theo sách Ngô Sĩ Liên, đã có 2 Lê Lai, một "cứu mạng vua", một bị Lê Lợi giết). Năm 1942, có một bản sao của Lam Sơn Thực Lục tục biên, ghi có người tên Nguyễn Thận ở Mục Sơn, được ban tên là Lê Lai, vậy là ba Lê Lai. Sau đó, có bia tìm thấy ở Mục Sơn (cũng lại Mục Sơn!), có người húy là Lai được mang quốc tính vì "đem thân cứu chúa" (cũng lại "liều mình cứu chúa")... vậy là bốn Lê Lai... Có chuyện ông Lê Lai - Lê Văn An liều mình cứu chúa nhưng không bị Minh giết ! lại chết năm 1437... , "lấy thân thay Thái Tổ" (nhưng thay làm sao? có bị quân Minh bắt không? nếu có, làm sao thoát về được để sống cho đến năm 1437? Đúng là "kịch bản Nguyễn Dư" nhé !). Còn kịch bản "Lê Lợi bị "gặp nguy hai lần", được "hai ông Lê Lai" khác nhau "lấy thân thế mạng", Nguyên Thắng có cho là gượng ép không? Dù có thể có nhiều người tên "Lai ".

Cùng thời với Lê Lợi và Lê Lai, Nguyễn Trãi không nói rõ là Lê Lai bị quân Minh giết. Thời sau, triều thần nhà Lê mới nói là Lê Lai bị quân Minh giết. Có ai nhớ câu chuyện "Thị Lộ và rắn báo oán " không nhỉ ? Phải chăng vì những chuyện "bóp méo lịch sử " thời Lê để giữ thể diện cho "Triều Đình sùng Nho giáo" này mà nảy sinh những chuyện "tiền hậu bất nhất " trong sách sử như chuyện Lê Lai ?

3 - Có thể nào đặt giả thuyết một cuộc giải cứu Lê Lai tại trận Tây Đô hay sau đó?

Khi tài liệu sử đã không rõ ràng, dĩ nhiên chỉ có cách bàn luận xét đoán thực hư, đưa ra giả thuyết này nọ. Và đã bàn luận thế nào chẳng phải dựng lên kịch bản, lớp lang, chuyện trước chuyện sau? Dù nói ra hay không, trong mỗi bài viết đều tiềm ẩn "một kịch bản".

"Kịch bản Nguyễn Dư" có ba điểm: 1-Lê Lai cứu chúa bị bắt. /2-Lê Lai thoát ngục trở về./3-Lê Lai bị Lê Lợi giết.

"Kịch bản Nguyên Thắng" quả quyết: 1- Lê Lai cứu chúa bị bắt./2-Lê Lai không thoát ngục được, bị quân Minh giết./3-Có nhiều Lê Lai, một trong những Lê Lai đó bị Lê Lợi giết sau này.

Điểm thứ nhất đôi bên cùng đồng ý. Điểm thứ ba chỉ là hệ luận của điểm thứ hai.

Điểm thứ hai được đặt ra: Lê Lai có bị quân Minh giết hay không?

Nếu không, bằng cách nào thoát ngục trở về? Lê Lai được giải thoát trong trận đánh úp Tây Đô, hay sau này, sau trận Tây Đô, trong điều kiện khác? Thực ra, được giải thoát trong trận Tây Đô hay không, tự nó, dữ kiện này cũng không quan trọng. Điều chính là Lê Lai có còn sống đến năm 1427 hay không?

Trở lại giả thuyết Lê Lai được giải cứu trong trận Tây Đô. Một số câu hỏi lẩn thẩn có thể được đặt ra : Tây Đô được chiếm toàn bộ hay không trong một thời gian ngắn ? Lê Lai bị giam chỗ nào? Quân ta tấn công đến đâu? Có thể nào tưởng tượng có người giải cứu tù nhân để lập công trong lúc hỗn loạn?

(...)Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây Đô thu nhanh về tay
Gạo nước đón rước
Người theo đầy đường...
(Phú Núi Chí Linh)

Nếu không coi bài này là tài liệu lịch sử chính xác, ít nhất nó cũng nói lên khí thế trận Tây Đô.

Dĩ nhiên, nói chuyện "vượt ngục", "giải cứu tù nhân", có người sẽ cười nói là "chuyện tiểu thuyểt !

Lấy chuyện khác để so sánh: Lê Xí bị Minh bắt, "nhân ban đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa kẻ canh giữ, thoát về được, vào ra mắt vua ở dinh Bồ Đề". Đấy ! Không cần ngoại công nội ứng, chỉ một đêm mưa gió mà vượt ngục được.

Thế lúc quân ta tràn vào (đến đâu, chưa biết), trống trận ầm ầm, thành lũy tan vỡ, quân Minh nhốn nháo, tứ phía bủa vây, 500 lính Minh bị giết, bao nhiêu lính bị bắt, không biết có thể tưởng tượng một cuộc giải thoát tù trong điều kiện này không nhỉ?

Hay là Lê Lai được giải cứu sau này, trong điều kiện khác? Dĩ nhiên, kịch bản "Lê Lai được giải cứu" có nghĩa là trước sau, ít ra cho đến năm 1427, chỉ có một Lê Lai cứu Lê Lợi sau bị Lê Lợi giết.

Còn nếu tin theo Nguyên Thắng: Lê Lai không hề được giải cứu, đã bị Minh giết, thì chỉ còn cách dựa vào sách vở, ngôn từ, phân tách ngữ nghĩa, trưng bằng cớ, chứng minh có nhiều Lê Lai được ban quốc tính, chung sống cạnh Lê Lợi trước năm 1427.
Như vậy cứ chứng minh là có nhiều Lê Lai vây quanh Lê Lợi, và tưởng tượng Lê Lợi ra lệnh: " Lê Lai 1 cưỡi voi ra thế mạng ta, Lê Lai 2 theo ta hộ giá, Lê Lai 3 đem quân ra đối đầu giặc...".

Nghe những người trong "nghề đọc sách" luận bàn không hẳn là dễ, cũng lắm công phu đấy chứ nhỉ !...


Nguyên Đạo