PDA

View Full Version : AĂ - Ăn Mày Dĩ Vãng - Chu Lai



Pages : 1 2 3 [4] 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16

Nhím Hoàng Kim
08-18-2007, 10:15 AM
Chương 4

Sau cái đêm chết tiệt đó, con người tôi bỗng trở thành bị ám ảnh. Cái ám ảnh về người đàn bà đã chết bỗng lột xác thành bà giám đốc sở đã làm tôi hụt hẫng và tê liệt. Cám ơn cậu, tôi nói với phó chủ tịch Quân, tớ mệt rồi, chán lang thang rồi, cậu để tớ ở lại đây thôi, về trước đi! Tớ sẽ trở lại sau và… cũng có thể không trở lại. Quân nhìn săm soi vào mắt tôi một lúc theo cái kiểu nhìn của thầy lang băm nhìn vào con bệnh đã tuyệt phương cứu chữa, lắc đầu:

- Tuỳ! Đã biết tính anh từ hồi ở rừng nên không dám cản. Phận đi sau chỉ xin được khuyên lão tiền bối một câu: Đời bây giờ khác nhiều rồi, cái gì đã qua là cho qua! Nếu vẫn không qua được, tốt nhất là đầu hàng và tháo chạy.

- Cái gì tháo chạy?

- Đừng nóng! Khiếp, con mắt lại bạc đi rồi kia kìa. Nói thiệt, anh Hai đừng buồn nghe! Ráo trọi những cái gì còn lại để nhận ra anh Hai ngày trước có lẽ chỉ là đôi mắt. Đôi mắt cứ chuyển màu bạc đi là y như rằng sắp có sấm sét.

- Thế à? - Tôi cười héo hắt - Mắt mình vẫn bạc thế à? Chán nhỉ!

- Nếu anh Hai dứt khoát ở lại thì cầm tạm hai chỉ vàng và năm trăm ngàn tiền mặt của thằng em để phòng thân những lúc cơ nhỡ… Anh cứ yên tâm, đây không phải là đồng tiền tham nhũng đâu. Tiền nuôi tôm mỗi năm trung bình thu vào mười đến mười lăm triệu của vợ chồng em đó. Cũng như tiền nhậu khi đêm là tiền em được hưởng phần trăm theo quy chế khi sáng nay em đã ký một hợp đồng làm lãi cho huyện ít nhất là trên hai trăm triệu. Cầm lấy đi, lòng thành của em mà. Đáng lẽ những người như anh Hai phải có cuộc sống khác kia và mỗi lần trở về phải được tỉnh đón tiếp như những người anh hùng mới phải lẽ.

- Thôi được, đưa mình một trăm, thiếu xin sau.

- Mau trở lại nhen! Anh Ba Thành và mấy anh còn sống sót dạo ấy nhắc đến anh hoài. Một ý kiến nhỏ, anh nghe hay không thì tuỳ: nếu ưng, vợ chồng em mời anh về trông coi giùm cái hồ nuôi tôm ba trăm hecta ở Long Thành. Nơi đó, cảnh đẹp, người hiền, mặc sức cho anh nghĩ ngợi, đọc sách và nghỉ ngơi, mùa nào thức ấy, mỗi tháng cầm lấy một cục tiền lên thành phố hay Biên Hoà đập phá chơi.

- Đi đi! - Tôi đẩy nhanh hắn vào xe để giấu đi mấy giọt nước mắt sắp ứa ra. Khốn khổ! Tuổi tác, bệnh tật, lang thang… Lần đi Biên Hoà thứ hai này sao cứ thấy bơ vơ xa lạ, động lòng một chút là có thể chảy nước mắt ra được ngaỵ Thật đúng là không còn ra cái hồn người nữa!

Đêm lang thang trong thành phố lạ, buồn day dứt! Gần sáng, mệt quá, tôi thuê một chiếc ghế bố ở cái bến cá sát mí sông ngủ tạm. Có trong tay một trăm ngàn của Quân, và cũng chừng ấy nữa nhờ bán chiếc xe đạp tàng tàng ngoài kia, tự dưng thấy vững dạ. Gần năm mươi tuổi đời, đi qua hai, ba cuộc chiến tranh, láng tráng dăm bảy ngành nghề, vinh nhục, lên voi xuống chó đủ cả, đêm nay đây, côi cút giữa xứ lạ quê người, toàn bộ vốn liếng tư trang còn độc hai trăm nghìn, nói đến cùng thế cũng là tươm, cũng còn hơn những thằng bạn không còn nữa, những thằng bạn mà thân thể đã tan rữa chẳng biết ở góc rừng nào!

Mùi cá, mùi mắm, mùi nước đái, mùi xào nấu, mùi sống nước và mùi lưu manh đĩ điếm lảng vảng cả đêm bủa vây lấy tôi, muốn nuốt chửng, hoà tan thể xác tôi vào cảnh đời bụi bặm và trường tồn ấy. Thì tôi chả đã rã rữa trong hàng trăm những cảnh đời đen bạc, uế tạp rồi đó sao? Muỗi bến cá cắn buốt như ong. Trằn trọc mãi không ngủ nổi, đến khi vừa chợp mắt đi được một chút thì trời đã tang tảng sáng, đã thấy thiên hạ nhộn nhạo trở dậy từ bao giờ. Chợt thấy đói bụng… Nhưng trời hỡi! Vừa sờ tay vào túi đã rụng rời vì toàn bộ số tiền hai trăm nghìn đã biến mất! Biến luôn cả đôi dép sứt quai dưới chân. Thế là vô sản. Tuyệt đối vô sản. Vô sản đến tận dái. Tôi cười nhạt trong ráng trời cũng một màu nhạt thếch. Đã quá quen với mọi nỗi đoạn trường mất mát, sự việc này chỉ khiến tôi hẫng hụt đi chút ít mà tuyệt nhiên không thấy buồn phiền phẫn nộ gì. Có khi lại còn nhen lên một chút vui vui. Đã khánh kiệt cho khánh kiệt trắng tay luôn. Hai trăm nghìn cho gần trọn một kiếp người, có cũng thế mà không có cũng vậy thôi. Vẫn là Không! Một số không to tướng.

Và buổi sáng đó, khi cả thành phố đã nhưng nhức cái nắng sánh vàng, tôi, một gã đàn ông 49 tuổi, nặng chưa đầy 45 kg, không vợ, không con, không tương lai, không hiện tại, không cắc bạc dính túi, chỉ có mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực ọp ẹp, đầu trần chân đất, một mình mở cuộc hành quân đơn côi tới trụ sở nông nghiệp trong trạng thái thanh thản đến mênh mang. Tôi là kẻ không còn gì để mất mà lại đang đi tìm cái để còn. Nhẹ tênh lắm chứ! Siêu thoát lắm chứ! Ô hô!…

- Má… Cái ông kia đang khóc má kìa!

Một tiếng trẻ thơ vọng ra từ bên đường. Tôi cười, khẽ vẫy tay lại. Và để tỏ ra mình cũng biết chú ý đến lời con trẻ, đấng thiên thần đích thực của mọi kiếp người, của mọi người, tôi chúi đầu xuống vòi nước kỳ cọ mặt mày cẩn thận. Hãy đến với cố nhân (Nếu đúng cố nhân) trong dáng bộ đừng quá ăn mày ăn nhặt kẻo người ta sợ, người ta tránh. Một yếu nhân chói chang dường ấy, dù trái tim vẫn còn nguyên vẹn màu xanh rừng lá như ngày xưa, họ làm sao có thể dễ dàng nhận mình là chiến hữu, là… một thời lãng mạn và khổ đau được. Tôi đưa tay vuốt cao mái tóc lên, ít nhất cũng để lộ được ra vầng trán trắng xanh mà đã có lần cô ấy hôn rất lâu vào đó, nói rằng ngủ một chút đi, dịu lại một chút đi, ơi vầng trán ngang tàng và kiêu hãnh của em… Tôi lẩn mẩn vuốt kỹ từng sợi bạc trắng như vuốt đi những buồn đau bất hạn của nửa thế kỷ làm người. Dòng nước tinh nguyên cuốn những sợi trắng ấy trôi đi, nhập vào bãi phân chó nằm dập dềnh ở cuối rãnh.

Thưa bạn đọc! Chắc các bạn sẽ bực mình mà hỏi: Ơ hay, cái thằng cha dớ dẩn này! Mi còn định tìm đến đấy làm gì nữa khi đêm qua chính mi đã bị một cú bẽ mặt đáng lẽ phải tởn đến già rồi… Vâng! Điều đó sẽ hoàn toàn chính xác nếu như tôi còn biết bẽ mặt hay còn có mặt để mà bẽ. Tuy nhiên cũng xin thưa rằng tôi chưa đến nỗi vô sỉ như thế, vả lại ở trong những tình huống cá biệt như thế này, càng bị xua đuổi, người ta càng có cảm hứng nhào vào, nhào vào giống một con thiêu thân không hề biết mình là tội tình. Hơn nữa, tôi đã có cách riêng của tôi mà các bạn sẽ được thấy trong cuộc đối thoại rất ư dền dứ dưới đây với ông thường trực sở vào khoảng 9h sáng cùng ngày.

- Chào bác! Chào đồng chí! - Tôi bắn trước với một chất giọng hết sức chững chạc và tươi tỉnh còn sót lại của một thời đã từng nếm qua mùi vị quan chức.

- Dạ!… Chào… Chào đồng chí!

Đồng chí ư? Có vẻ tạm ổn đây. Tôi nghĩ thầm và giấu đôi bàn chân cóc cáy vào gầm bàn.

- Nếu có thể được, vâng, nếu có thể được, xin đồng chí cho hỏi ở sở mình có ai tên là Sương, Ba Sương không ạ? (Im lặng ngột ngạt… Đôi mắt đục lờ sau tròng kính quét qua quét lại trên khắp thân thể tôi như đèn pha đồn địch…) Dạ… Vâng… ấy, chả là tôi vừa từ ngoài kia vào, hồi đêm ngủ ở bến xe, vô ý nên bị móc hết đồ đạc. Dạ… Cả đôi dép chúng cũng không thạ Vâng… (Vuốt tóc, cố tình để lộ vầng trán ra).

- Ai?

- Tôi ấy ạ?

- Là tôi hỏi đồng chí vừa nói muốn gặp ai?

- Sương, Ba Sương, chánh phó giám đốc sở gì đó ạ?

- Đàn bà?

- Vâng! Đàn bà.

- Giám đốc ở đây đúng là đàn bà nhưng không phải tên đó. Chỉ có Tư Sương trưởng phòng kế hoạch thôi.

- Dạ… Có thể là Tư Sương, tôi nhầm. Và cũng có thể kiêm nhiệm một chức vụ gì đó cao hơn? Vâng!

- Ông này nghỉ hưu đã hai năm nay rồi.

- Ông… Sao lại là ông?

- Chả lẽ là ông mà buộc tôi phải là bà ư?

- Vâng… Em hỏi thế này khí không phải, bác đừng giận:

Đồng chí nữ giám đốc ở đây tên là Tư Lan đúng không ạ? Vâng! (Sao vâng lắm thế? Có khi bằng tổng số những tiếng vâng cả đời cộng lại?). Nghe nói hình như đồng chí ấy có một cái tên nào khác ngoài cái tên Tư Lan?

- Này - Ông già quắc thước tháo hẳn kính ra, nhìn thẳng xuống chân tôi mà không cần giữ ý gì cả - Thế đồng chí hỏi có việc gì? Đồng chí là thế nào với cái người có tên Sương ấy?

- Dạ… thân ạ… Rất thân, vừa là chiến… cùng hoạt động, vừa là… bà con. Vâng, bà con bên ngoại ạ!

- Không có! - Ông thả một câu như thả gạch rồi quay đi.

- Thế…

- Tôi chỉ có thể trả lời vậy. Muốn biết thêm, mời đồng chí quá bộ lên tầng năm hỏi phòng tổ chức.

- Vâng… Bác cho em hỏi nốt câu cuối: Đồng chí giám đốc chính quê ở đâu ta?

- Tầng năm. Tất cả ở tầng năm. Quê cũng ở tầng năm. Có gì nữa không?

Tôi cứng họng trước câu hỏi khinh khỉnh quá đỗi khó chịu của ông già, không biết nên bỏ đi hay nán lại nữa?

Tôi cứng họng trước câu hỏi khinh khỉnh quá đỗi khó chịu của ông già, không biết nên bỏ đi hay nán lại nữa? Vừa lúc đó có tiếng đế giày gõ nặng nề từ trên gác đi xuống. Tôi nhìn lên và không còn kịp tránh né: Thằng phản ngực đang hạ càng xuống tôi với bộ dạng của một chiếc trực thăng đầy đạn. Sáng nay trong bộ cánh nhã nhặn, trẻ trung, hắn trông không đến nỗi to tát bặm trợn lắm, thậm chí còn đẹp trai, hùng dũng nhưng đôi mắt lại lãnh lẽo, ghì gầm hơn. Còn cách tôi hai bước, hắn hất cằm, hàng ria mép tỉa gọn cũng bay theo:

- Lại là ông đấy à? Ông bạn thân mến? - Không cần biết phản ứng của tôi thế nào, hắn quay qua ông thường trực, sắc mặt không hề thay đổi - Với những loại khách như thế này, ông không nhất thiết phải mất thời gian trả lời.

- Ông ấy hỏi một người tên Sương! - Ông thường trực nói.

- Sương! - Lông mày hắn chau lại tạo thành một đường rãnh sâu hoắm ở giữa như lông mày sư tử rồi giãn ra rất nhanh, lặng phắc bí hiểm - Sương nào? Sao lại có sương khói ở đây? Muốn tống tiền kiểu ăn mày, chí ít ông bạn cũng phải biết thủ trưởng cơ quan này tên gì, bụng dạ ra sao chớ. Thế nào? Muốn xin bao nhiêu? Một nghìn hay hai nghìn? Này cầm lấy - Hắn đưa ra một nắm tiền lẻ - Phải tới chục nghìn đó. Nhét túi lẹ đi, nhớ là không được quay lại nữa.

- Không… Tôi không - Tôi bật lùi trở lại, thật sự lúng túng.

- Chê ít hả? - Hắn cười lên the thé (Quái lạ! Một thằng to con như thế mà lại có tiếng cười như dể). Vậy thì cút xéo! Đến nơi khác, tỉnh uỷ hay uỷ ban hành chính gì đó mà tống tiền. Nơi đó họ giàu có và phóng khoáng hơn ở đây. Đi đi! Ông thường trực giúp tôi cho thằng ăn mày tập làm sang này ra khỏi đây càng nhanh càng tốt. Đây là cơ quan nhà nước chứ không phải bến tàu bãi chợ.

Bất chợt ông thường trực đứng thẳng dậy, đối diện với cái bộ ngực nở nang như ngực đàn bà của hắn.

- Và tôi cũng không phải là một thằng súc sinh, cứ thấy mùi đồng loại của mình là hậm hẹ phách lối.

- Bác… Bác nói cái gì? Hả? - Hắn trợn tròn mắt lên.

- Tôi nói cậu là cậu vừa phải thôi. Cậu đừng tính làm ông vương ông tướng trong cái cơ quan này.

- Được! - Hắn cười nhạt, con mắt sau cặp kính đổi màu chớp sáng - Rồi bác sẽ được trả giá cho câu nói này.

- Tôi sẽ trả ngay bây giờ đây. Cậu tưởng tôi, một thằng đại tá về hưu được nhận vào đây làm hợp đồng, mỗi tháng vài chục nghìn với đủ các thứ việc linh tinh, với hàng trăm tiếng hự hẹ của thiên hạ, của cậu, là hạnh phúc, sung sướng lắm sao? Cậu nhầm! Nói thiệt! Nếu tôi không nể cái tình của cô Tư đối với tôi, không ái ngại cho hoàn cảnh của cô, muốn góp sức phụ giúp cô phần nào thì tôi đi từ lâu rồi.

Gã phản ngực thoắt trở nên lúng túng:

- Là… là tôi nói thế, cũng vì công việc chung.

- Tôi đã vì công việc chung từ khi cậu còn chưa ra đời kia. Không phải chỉ vì cái chung mà coi rẻ con người. Ngày mai, cậu có thể thưa với bà giám đốc của cậu cho tôi được huỷ hợp đồng. Tôi muốn dặn lại cậu: Ở đời, ở cho nó phải điều, nếu không phụ giúp được một con người lành hiền như thế thì cũng đừng cản phá, đừng làm rầy bả.

- Kìa!… Tôi đã làm gì mà bác lại nói lộn xộn như vậy?

Thấy tình thế không mấy hay ho, tôi lập tức đánh bài chuồn. Phố xá nắng nóng kinh người, hơi cá từ bến sống thổi vào tanh lợm. Mẹ kiếp! Một buổi sáng tanh tưởi. Một cõi sống tanh tưởi!… Lạ lùng! Ngày xưa, suốt chục năm vục mặt vào hơi nước vùng sông Sài Gòn mà sao không một lần tôi cảm nhận thấy cái mùi vị này. Trời tanh, đất tanh, gió tanh, ngay cả cái nắng hanh vàng đẹp thế mà cũng tanh. Một vệt nắng như vậy từ đâu đó phía sau dọi vào gáy tôi nhôn nhốt. Cáu sườn, tôi ngoái đầu nhìn lại và chợt sững sờ khi thoáng thấy khuôn mặt của cô ta từ trên một khuôn cửa sổ tầng năm đang nhìn xuống. Giống như đêm qua, hai ánh mắt va nhau cái rầm nhưng nhẹ hơn, nhẹ hơn rất nhiều, nhẹ đến nỗi khuôn mặt kia bay mất như vừa rồi chỉ là ảo ảnh, là quáng nắng. Tôi rảo bước sang bên kia đường. Dù khuôn mặt kia có là thật đi nữa thì tôi cũng hoàn toàn không muốn mình hiện ra trước mặt cô ta với một bộ dạng thảm hại như thế này.

Mệt mỏi, hôi hám và đói khát, tôi rơi người xuống một vạt cỏ nhơ nhớp ở bìa một công viên tạm gọi là có chút bóng mát. Ngay bên cạnh tôi, một chiếc ca-pốt sun xoăn, lầy nhầy bắt nắng vàng ánh lên. Xa hơn chút nữa, là một bãi phân người, bãi phân rất to, khoanh tròn, chứng tỏ chủ nhân của nó là một gã có cái bụng tiêu hoá tốt. Ruồi nhặng bay è è, tiếng xe máy nổ vỡ choang choác ở đằng sau… Dựa lưng vào gốc cây, hai cẳng chân duỗi thẳng, tôi nhắm mắt lại…

Chắc bạn đọc sẽ hỏi ở tình trạng ấy, tôi lấy gì để sống qua ngày hôm nay, ngày mai, ngày mốt, những ngày sau đó? Cám ơn! Xin đừng lo cho tôi. Nếu gọi là còn lại một chút gì của người lính năm xưa thì đó là khả năng chịu cực ở tôi. Tôi có thể nhịn đói, nhịn khát, nhịn cả ngủ suốt cả ba ngày ba đêm liên tục mà đầu óc, chân tay vẫn hoạt động bình thường. Ngày xưa bị thương thối hai mông đít, lết trong rừng lồ ô cả mười ngày như chó dại vẫn sống được, huống chi là bây giờ. Vả lại, ở đây nắng gió chứa chan, cuộc sống sôi động, thực phẩm ứ đầy, có đâu cỗi cằn hoang phế như trong rừng mà ngại. Tôi có thể ra bến xin bốc vác thuê, đạp xế lô giờ, đạp xe đạp ôm, rửa bát, đánh giày, thậm chí… cả đánh nhau thuê nếu ai đó nhờ (?)… Vẫn được kia mà.

Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi.

- Chú ngồi đây à?

Tôi giật mình nhìn lên: Ông già thường trực:

- Kìa… Bác cũng đi dạo sáng? - Tôi hỏi cho có hỏi.

- Tôi đi tìm chú.

- Bà ấy cho gọi tôi ư? - Tôi buột mồm hỏi?

- Không! Mà dẹp cái đó qua bên đi. Trước hết bây giờ tôi mời chú đi ăn cái gì đã. Tôi biết chú mệt và đói lắm rồi, hả?

Và trong bữa ăn đạm bạc ở một quán cơm bình dân ven sông, có cá trê kho tộ, rau sống, canh chua, cả một chút rượu đế, tôi đã kể lại cho người cựu chiến binh cao cấp na ná cùng một cảnh ngộ như tôi nghe về cái nguyên cớ đã đưa tôi đến đây. Ông ngồi nghe chăm chú, chỉ uống rượu lai rai chứ không đụng đũa, thỉnh thoảng lại lắc đầu ái ngại, có đoạn lại mỉm cười không tin. Nhưng bằng đôi mắt hiền từ, ông vẫn khích lệ tôi kể hết sự tình. Nghe xong, ông im lặng một lát rồi nói:

- Chuyện của chú nói ra, tôi nghe mà biết vậy thôi. Nhưng thấy hoàn cảnh chú hiện thời, lại hiểu chú ngày xưa cũng là dân đánh giặc trong này, tôi thiệt bụng mời chú về nhà tôi nghỉ tạm rồi muốn tìm gì thì tìm. Bà vợ tôi cũng người ngoải, ở Thanh Hoá. Gặp chú có khi lại vui.

Tôi cảm động cám ơn ông và xin được khước từ mặc dù trong lòng rất muốn. Đó là cách ứng xử được coi là cứng rắn đến khó chịu của tôi, rút ra từ sau hàng trăm ngàn lận đận và sau bao nhiêu ngày lang thang vô vọng nhọc nhằn.

Cuối cùng, bằng cái khoát tay khoáng đạt, hơi dữ dằn của một công dân sinh ra từ miệt vườn hoang vu, ông bắt tôi phải nhận tháng lương bảy mươi nghìn mới lĩnh của ông.

- Bậy nào, bác - Tôi giãy nảy - Bác cũng nghèo, tuổi này còn phải lóc cóc đi làm thêm, lấy tiền đâu giúp em?

- Thằng lính nào ra khỏi cuộc chiến chẳng nghèo. Nhưng tôi cũng đỡ. Nhà còn vườn tược, chuồng heo, hầm cá, bà ấy lại đảm, có thể sống tạm đủ. Đi làm cốt cho vui, cách thức tiếp xúc thêm với xã hội.

- Có khi vì em bữa nay mà… bác gặp rầy rà?…

- Bỏ đi! Rầy rà con mẹ gì. Tôi muốn thôi từ lâu rồi. Cái cơ quan nhìn bề ngoài có vẻ khang trang, người xe tấp nập nhưng bên trong ruỗng lắm. Cô Tư là người tốt, biết làm việc nhưng ở dưới chúng nó phá quá! Nhất là thằng Địch, thằng trưởng phòng cung ứng vật tư.

- Nhà riêng của… bà giám đốc ở đâu? Bác có thể…

- Không có nhà riêng, bả ở luôn trong cơ quan, thi thoảng mới thấy bả ra ngoài đường. Nghe nói tỉnh mấy lần định phân nhà, nhà cỡ xịnh đàng hoàng nhưng bả lờ đi. Hơi lạ!

- Thế còn vợ chồng con cái?

- Chồng con gì đâu? Bà độc thân.

Tôi chợt nhớ là lời chúc tụng khi đêm ở nhà hàng về hoàn cảnh của cô ta nhưng vẫn không thể không hỏi thêm.

- Độc thân luôn từ ngày giải phóng hay là đã có…

- Cái đó tôi không biết nhưng nghe người ta bảo bả có số sát chồng nên bả không muốn dính luỵ.

- Sát chồng? - Trời! Ngực tôi bị nén chặt - Bác có thể nói thêm cho em hiểu chút ít về con người này không?

- Tôi cũng mới về, chỉ nghe nói sơ sợ Đại khái là thấy mọi người trong sở đều có vẻ kính trọng bả. Họ khen bả làm việc giỏi, năng động, chịu khó nghe ý kiến quần chúng, tính tình nhã nhặn, thương người...

- Không… Xin lỗi bác - Tôi sốt ruột cắt ngang - Tôi muốn hỏi… Hỏi những cái khác kìa.

- Cái khác là cái gì? Tiểu sử hả? Tôi đâu có biết, à, coi nào! Hình như thời đánh Mỹ bả đi tù, năm 73 trao trả, 75 về đây. Thoạt đầu chỉ là cô nhân viên trồng rừng không ai để ý, sau đó là đội trưởng rồi quản đốc, trưởng phòng, giám đốc lâm trường liên hiệp, phó sở và cuối cùng là giám đốc như hiện naỵ Bả nổi tiếng là người có nghị lực mạnh mẽ trong học tập, làm việc. Lu bù công chuyện vậy làm vẫn giật được mảnh bằng đại học, năm tới sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ, Anh văn, Nga văn đều đã đạt trình độ đọc thông viết thạo. Tuy vậy…

- Tuy vậy sao ạ?

- Từ từ! Tôi biết bên trong đầu chú đang nghĩ gì rồi. Phải bình tĩnh mà suy xét. Chắc không phải đâu. Song có điều này tôi cũng nói để chú haỵ Bả có một nhược điểm là rất ít giao tiếp. Ngoài giờ làm việc, bả không đi đến đâu, không gặp gỡ trò chuyện với một ai cả. Nhiều lần giới báo chí, truyền thanh truyền hình muốn đến làm việc nhưng đều bị bả kiên quyết khước từ. Có đận, một tay ở toà báo trung ương làm cách nào đó chụp trộm được hình bả tính đưa lên báo. Biết được, ngay nửa đêm bà lặn lội đi tìm, thu lại bằng xong mới thôi. Ở đây, người ta gọi Tư Lan là Bà Giám Đốc Cấm Cung…

- Cấm cung ư? - Tôi lẩm bẩm như trước mặt mình không còn ai khác - Độc thân… Không cho trương ảnh… Khép kín… Hầu như không đi ra ngoài… Bác ơi! có khi nào bác thấy cô ta nhắc nhở một chút gì đó về sông Sài gòn, về những cánh rừng ven sông ấy không? Hoặc là…

- Thôi, đầu của chú lại làm sao rồi? Cầm lấy tiền đi!… Cầm lấy! Cứ coi như là lính tráng giúp đõ nhau một chút gặp lúc lỡ độ đàng. Ngày trước khi tập kết ra ngoải, bà con cô bác cho tiền, tôi cũng cầm hoài. Rồi. Còn ba cái áo quần, giày dép, sớm mai chú chờ tôi tại đây, tôi sẽ mang ra chọ Khỏi mua.

- Kìa bác! Nhưng tôi…

- Còn chuyện của chú, nếu phải khuyên, tôi chỉ khuyên chú nên trở về. Biết chú mang nặng kỷ niệm, tôi quý. Càng quý khi giờ đây người ta hầu hết đều bảo nhau quay lưng lại với quá khứ rồi. Nhưng đuổi theo nó lại là điều không nên. Sống từng này tuổi, tôi chưa hề nghe chuyện người chết sống lại bao giờ. Người đã chết, để cho họ được yên, đừng khuấy lục lên nữa. Tuy vậy, nể tình chú, nhân có mấy người quen đang làm việc trong tỉnh uỷ, tôi cũng thử dò hỏi tung tích cổ xem.