PDA

View Full Version : Tháng Tư Nghiệt Ngã - Olivier Todd



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 [18] 19 20 21 22 23

Nhím Hoàng Kim
08-18-2007, 09:23 PM
Chương 18 - Giờ của Dương Văn Minh


Sau khi Tổng ThốngThiệu tuyên bố từ chức, thì nước Pháp đưa ra đề nghị giúp đỡ của họ. Tổng Thống Valéry Giscard s'Estaing ngả mũ chào "tinh thần trách nhiệm" của vị cựu Tổng Thống VNCH. Đối với tòa đại sứ Pháp ở Sài Gòn công tác cũng giản dị thôi : chỉ cần giới thiệu tướng Dương văn Minh vào vòng đua chánh trị để có thể tiến tới những cuộc thương thảo.

Theo Thượng Nghị Sĩ Sam Nunn thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Georgia thì sự ra đi của Tổng Thống Thiệu chưa phải là đạt được ngay việc thương thảo, mà chỉ mới là một khả năng có thể đưa đến những sự thương thảo mà thôi. Còn Nhà Trắng thì bình tĩnh xác nhận là người ta (Hoa Kỳ) không có đòi hỏi Tổng ThốngThiệu phải ra đi. Dĩ nhiên là có thể một người nào đó ở Sài Gòn đã đề nghị với Tổng ThốngThiệu.... Trong khi tiếp xúc với dân chúng, ông Tổng Thống Ford vẫn cố đổ hết trách nhiệm về mọi biến cố ở Việt Nam cho Quốc Hội.

Ngày 21 tháng 4, ông nói chuyện với các ông Walter Cronkite, Bob Schieffer và Eric Sevareid ở trên đài truyền hình. Luận cứ của Tổng Thống Ford rất là đơn giản: Quân Lực VNCH vừa đánh vừa triệt thối là vì Quốc Hội không chấp thuận viện trở quân sự đầy đủ cho Miền Nam Việt Nam . Nếu không có những sự triệt thối đó thì làm sao có hiểm họa như ngày nay ?

Ông Ford còn đi xa hơn nữa, ông còn lo lắng về hiểm họa chiến tranh ở Trung Đông . Và sợ còn có một cuộc phong tỏa dầu hỏa nữa. Trên bình diện kinh tế trong nước có nhiều yếu tố phấn khởi như vấn đề lạm phát đã ổn định, chỉ số bán lẻ đang tăng. Nhưng Sài Gòn thì quá xa xôi....

Tuy nhiên vẫn còn vấn đề di tản. Hiển nhiên vẫn còn sự bất đồng giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng . Người ta chống nhau vì có quá nhiều tiết lộ qua báo chí. Ông Bộ Trưởng Quốc Phòng cho biết là giờ nầy khó có thể xử dụng các phi cơ dân sự hay quân sự, mà bắt buộc phải dự trù một cuộc di tản bằng trực thăng, một cuộc hành quân rất là tế nhị. Vấn đề di tản người Việt Nam chưa được giải quyết. Ngoài ra ở Sài Gòn chánh thức thì các đơn xin di tản được tạm thời đình hoãn. Những người Việt Nam nào đến tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng đọc được một thông cáo :

- " Những yêu cầu có liên quan đến Cha Mẹ.

Vì có quá nhiều việc quan trọng phải giải quyết, nên tạm thời chúng tôi xin ngưng nhận đơn từ liên quan đến Cha Mẹ, Anh , Chị. Xin đừng xếp hàng ở đây nếu quý vị có nhu cầu về vấn đề nầy.

Hy vọng gần đây chúng tôi có thể nhận đơn xin liên quan đến Cha Mẹ, Anh Chi em..."

Ông Kissinger gởi điện thư qua cho ông Martin:

- " Khi nào sân bay Tân sơn Nhứt nằm trong tầm hỏa lực của địch quân, thì các cơ sở thuộc Phòng Tùy Viên Quân Lực phải được di tản bằng phi cơ... Không nên, tôi nhắc lại , không nên ỷ lại vào sự di tản bằng trực thăng....."

Ông Kissinger nhấn mạnh là không nên can dự vào những hoạt động ngoại giao mà người Pháp đang tiến hành. Còn về vấn đề can thiệp của Liên Xô ?

- " Chúng tôi có đề nghị một cuộc ngưng bắn tạm thời chừng hai tuần lễ ... để di tản người Mỹ và vài người Việt Nam ... "Đối diện , người ta hình như ngỏ ý " đó là một quyền lợi nghiêm trọng....nhưng cho đến giờ nầy vẫn chưa có trả lời".

Tại Honolulu, Đô Đốc Noel Gayler, Tư Lệnh Chiến trường Thái bình Dương, đã quyết định lập một cầu không vận tới Sài Gòn . Các phi cơ vận tải C.141 làm con thoi ban ngày và các phi cơ vận tải C 130 vào ban đêm. Tại Quốc Hội , một cuộc tranh đấu mới về ngân khoản đã được tiến hành và Chánh Phủ cuối cùng đã được chấp thuận 160 triệu mỹ kim viện trợ kinh tế và nhân đạo. Ông Ron Nessen ở Nhà Trắng xác nhận là Tổng Thống tin tưởng rằng còn có khả năng và nhất thiết cần phải có được một tỷ mỹ kim cho Miền Nam Việt Nam

Ngày 22 tháng 4:

Tổng bí thư Lê Duẫn nhân danh Chánh trị Bộ đã diện cho Văn tiến Dũng và Lê đứcThọ như sau :

- "Chúng ta phải tranh thủ, tính từng ngày.... Phải tấn công đúng lúc trên tất cả mọi hướng. Mọi chậm trễ sẽ có nguy cơ kéo theo nhiều hậu quả tai hại, trên cả phương diện chánh trị cũng như trên kế hoạch quân sự. "

Tổng bí thư đảng sợ rằng giải pháp chánh trị sẽ làm Bắc Việt mất đi một chiến thắng hoàn toàn quân sự. Không có người lãnh tụ nào quên được lịch sử của năn 1954, với một biên giới được áp đặt ở vĩ tuyến 17 cho hai nước Việt Nam

Để tấn công vào Sài Gòn, tướng Trần văn Trà cho tập trung quân đội Bắc Việt trong những vùng tạm chiếm cho đến giờ nầy vẫn còn được bảo đảm an toàn: Chiến khu C ở Tây Bắc Sài Gòn, chiến khu D ở Đông Bắc, Khu Tam Giác Sắt ở phía Bắc, khu rừng U minh ở phía Nam, và các đơn vị thuộc CPLTCHMN ở trong bán đảo Cà Mau.

Ngày 22 tháng 4 :

Tại Lộc Ninh, Lê đức Thọ, Văn tiến Dũng với tư cách là Tổng Tư Lệnh, và Phạm Hùng như người chánh thức có trách nhiệm về chánh trị ở Miền Nam long trọng ký tên vào tấm bản đồ, trên đó đường tiến quân tới Sài Gòn của các Quân Đoàn Bắc Việt được vẽ màu đỏ. Hai ông Lê đức Thọ và Phạm Hùng là chánh trị viên, thì ở lại Lộc Ninh, Văn tiến Dũng và Trần văn Trà, là quân nhân, thì đóng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại Bến Cát, ở phía Bắc Sài Gòn .

Tại Lộc Ninh, một anh chàng say mê chiếu bóng tên là Tiến còn nhìn thấy Lê đức Thọ. Anh biết nhân vật nầy lắm, anh rất bằng lòng. Anh nhận thấy là chung quanh Lê đức Thọ co rất nhiều nhân vật quan trọng. Nhìn thấy cách họ nói chuyện là biết ngay. Một sĩ quan đã nói cho anh ta biết nhiệm vụ của mình:

- "Tôi phải điều khiển một toán chiến xa, phải dắt dẫn họ, nhất là khi chúng ta vào Sài Gòn ."



Tại Sài Gòn, ông Hương đang là Tổng Thống .... chậm chạp. Ông chỉ còn thấy lờ mờ. Ông bị chứng cao huyết áp và rối loạn nhịp tim. Ông quá lừng khừng trong nhiệm vụ Phó Tổng Thống, một nhiệm vụ rất là danh dự, thường ít lộ diện. Là một cựu giáo viên, ông đã từng là Thị trưởng Sài Gòn, Thủ Tướng trong một thời gian ngắn, và ứng cử viên Tổng Thống năm 1967. Năm 1968 ông Thiệu đã chỉ định ông làm Phó Tổng Thống để rồi một năm sau đó cho ông nghĩ việc và hai năm sau lại đưa ông trở lại đứng chung một liên danh.. Nặng về nghi thức, theo đúng Hiến Pháp, khi đã trở thành Tổng Thống rồi thì việc đầu tiên ông chú trọng đến là chỉ định và bầu bán trong Quốc Hội Lưỡng Viện. Tất cả đâu đó phải được an bài xong rồi ông mới chọn một vị Thủ Tướng. Ông Hương lộ vẻ bằng lòng vì một ngày ngay sau khi ông nhận chức Tổng Thống thì dân biểu Phạm văn Út, thủ lãnh khối Cộng Hòa, được bầu lên làm Chủ tịch Hạ Viện. Hạ Viện đã không có đầu từ khi ông cựu Chủ Tịch đã trở thành Thủ Tướng. Tổng Thống Hương lo lắng: tại sao người ta không đưa ra được một ứng cử viên vào chức vụ Tổng Thư Ký của Hạ Viện ? Thật là phiền hà, ứng cử viên duy nhất đứng đắn lại ở tận Cần Thơ. Ồ ! mà vị tân Tổng Thống lại rất chú trọng đến việc Vương quốc Ô Man đã chấp thuận gởi một đại sứ đến Sài Gòn kể từ ngày 26 tháng 4. Mình phải gởi người nào đến Ô Man đây ? Dường như ông Hương quan tâm về vấn đề hình thức của chính phủ của ông hơn là bản thân ông, cũng như chương trình tương lai của ông hơn là những viễn ảnh của đời ông.



Pháo Binh cộng sản đang bắn vào Long Bình. Cho tới giờ nầy, chưa bao giờ những khẩu đại bác 130 ly Bắc Việt được bắn vào căn cứ nầy, một trong những căn cứ quan trọng nhất vào thời của người Mỹ còn ở đây.

Một buỗi lễ cầu nguyện đã quy tụ những đại diện của bốn Tôn Giáo lớn là Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài ở tại nhà thờ Chánh Tòa. Thật là một cảnh tượng đẹp mắt, vì các vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo mặc toàn đen đứng chung quanh Giám mục mặc toàn trắng và các nhà Sư Phật Giáo đắp toàn y vàng. Vị Đại diện chánh thức của Cao Đài không thể đi đến thủ đô được vì đường 22 nối liền Tây Ninh và Sài Gòn đã bị cắt đứt .Ở tỉnh Tây Ninh, các đơn vị của Miền Nam đã đẩy lui nhiều trận tấn công của Bắc Việt, điều nầy chứng tỏ rằng sự ra đi của Tổng ThốngThiệu không có ảnh hưởng gì đến binh sĩ của Miền Nam Việt Nam .

Về sự từ chức của Tổng Thống Thiệu, người ta ghi nhận là có nhiều bình luận mâu thuẫn kỳ lạ. Có nhiều người từng không ưa ông Thiệu, giờ đây lại khâm phục ông sau khi ông chửi Mỹ. Có những người khác thù ghét chế độ chuyên chế của ông Thiệu, tự hỏi rằng ông Hương sẽ có quyền hành tối thiểu nào ? ông Thiệu vẫn ở trong Dinh Độc Lập, sẽ cố vấn giúp cho ông tân Tổng Thống , vị nầy sẽ có thái độ ra sao?

Quen nghề dạy học, ông Hương dường như hay lẫn lộn lời nói và hành động. Đọc một bài diễn văn trên đài truyền hình, ông Tân Tổng Thống chỉ cho phép phụ nữ và trẻ em được phép rời khỏi đất nước nếu họ muốn. Còn đàn ông thì họ phải ở lại Việt Nam và chiến đấu.

Tại phi trường Tân Sơn Nhất các phi cơ vận tải nối đuôi nhau. Các viên chức Hoa Kỳ lo về di tản làm việc ngay tại phòng thể dục để kiểm soát người tỵ nạn. Ngày 22 tháng 4, chánh thức có ba ngàn ba trăm người đã ra đi từ Sài Gòn trên các phi cơ quân sự Hoa Kỳ.

Ở Hoa Thạnh Đốn ông Kissinger đã đạt được một đạo luật giải tỏa hết chướng ngại cho vấn đề nhập cư áp dụng cho hơn 300 ngàn người Đông Dương , trong đó có 50 ngàn người Việt Nam xét thấy "có bị nguy hiểm đến tánh mạng" . Đây là một sự nhượng bộ quá tốt : vì theo chánh sách cô-ta, không một nước nào được quyền có trên 20 ngàn chiếu khán nhập cư trong một năm. Chỉ sau thời điểm của Vịnh Con Heo, đặt biệt các cơ quan di trú Hoa Kỳ mới chấp thuận 60 ngàn chiếu khán cho người Cuba.

Bây giờ thì ông Kissinger thấy rằng ông đại sứ Martin đã quá trì hoãn trong vấn đề di tản. Liệu có thể tin được một con số quá lớn người Miền Nam sẽ có thể thoát thân hay được di tản chăng ? Liên quan đến những vấn đề được đặt ra theo đó gia đình người Việt Nam quá đông, ông Tổng Thống Ford đã thuật lại một câu chuyện vui trong một cuộc thảo luận ở Nhà Trắng :

- "Một người Việt Nam đến trình diện ở tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn với 4 bà vợ. Người ta hỏi " ông muốn bà nào đi với ông ?" - Trả lời : - "Bà trẻ nhất " .

Ở Sài Gòn người ta không tìm kiếm gì hơn ngoài một tờ chiếu khán của Hoa Kỳ

Thông báo trong tờ Saigon Post:

" Tìm cha mẹ nuôi. Sinh viên nghèo, biết lao động:

- Chu thị Mỹ Hồ, sanh ngày 2 tháng 10 năm 1954 ở Nam Định, căn cước số 00113070

-Chu thị Tuấn Hòa, sanh ngày 12 tháng 10 năm 1958 ở Khánh Hòa, căn cước số 10796374 "

Báo chí đăng thông báo tìm người đầy rẫy. Những người Việt Nam cố gắng tìm người Mỹ dân sự cũng như binh sĩ mà họ có quen biết. Vì những người nầy có thể bảo đảm, hay có thể đưa thoát họ ra khỏi Sài Gòn :

- Muốn tìm lại J.T. Slotberg ...."

- Ông Tom Westerling, ông hiện ở đâu ?



Bất thình lình, người ta tưởng rằng có một sự ngừng tiếng súng. Điều kiện ông Thiệu phải ra đi đã được thực hiện, một điều kiện mà phía cộng sản đã từng đòi hỏi, như vậy là họ phải có một sự ngưng hoạt động về quân sự .

Ông Kisinger gởi cho ông Martin công hàm trả lời của Liên Xô, (có phần lưu ý qua cho vị đại sứ của mình rằng đây thật sự là lần đầu tiên mà ông ta thông báo chi tiết về các cuộc thương thảo cho một trong các thuộc cấp của mình):

- "Sau khi nhận được công điện của Tổng Thống Hoa Kỳ đề ngày 19 tháng 4, gởi cho ông Leonid I Brejnev, Liên Xô đã có "những biện pháp cần thiết để liên lạc với phía Bắc Việt . Lập trường của phía Bắc Việt đối với sự di tản các công dân Hoa Kỳ ở Miền Nam Việt Nam được coi như hoàn toàn thuận lợi. Trong khi mở cuộc hành quân, phía Bắc Việt không có ý định làm trở ngại cho sự di tản đó."

Bây giờ là các điều kiện thuận lợi đã có cho một cuộc di tản như thế rồi "Liên Xô đã nói rõ là phía Bắc Việt sẽ căn cứ trên Hiệp Định Ba Lê cho mọi dàn xếp chánh trị . Hà Nội không có ý định làm nhục Hoa Kỳ" .

Người ta tin tưởng là ông Ford không làm cho tình hình ở Đông Dương thêm quá căng thẳng. Hình như ông Kissinger đang bối rối. Ông ta đòi ông Martin phải cho ông biết xem ông Martin "nghĩ thế nào về sự trà lời của Liên Xô." Ông Tổng trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ ước tính rằng người Mỹ có thể tiến hành cuộc di tản của họ và cả "cuộc di tản người Việt Nam " mà không gặp một trở ngại nào.

Ông Kissinger còn nói thêm là : Thư trả lời chỉ rõ là "CPLTCHMN sẵn sàng tiến tới các cuộc thương thảo theo công thức ba Bên"

Liệu ông Kissinger cũng bị đầu độc chăng ? Những tin tức đến từ Mạc tư Khoa xuyên qua ông Kissinger, và từ Hà Nội xuyên qua đại tá Hung gia Lợi đã trùng hợp nhau. Ông Kissinger yêu cầu ông đại sứ phải giảm thiểu con số người Mỹ ở Miền Nam Việt Nam đến con số 800 người trong vòng 4 ngày tới.

Chung quanh Tổng Thống Hương và đại sứ Martin. người ta bàn tán về hoạt động chánh trị của Chánh Phủ Pháp. Ông Jean-Marie Mérillon là thành viên duy nhất thuộc ngoại giao đoàn ở Sài Gòn đi dự buổi lễ cầu nguyện ở Nhà Thờ Chánh Tòa. Ở Ba Lê, Tổng Thống Valéry Giscard d'Estaing đã tiếp ông Jean Sauvagnargues, Tổng Trưởng Ngoại Giao, để bàn về tình hình ở Đông Dương . Rồi đến lượt ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Pháp tiếp kiến ông Võ văn Sung, đại sứ của Hà Nội , và Phan văn Ba, đại diện cho CPLTCHMN . Và tất cả những chuyện nầy đã diễn ra thật là ồn ào.

Ở Tổng Thống Phủ Pháp, có nhiều người muốn nhìn nhận ngay CPLTCHMN nhằm bảo đảm sự hiện hữu của một Chánh Phủ. Thật là tế nhị. Thủ Tướng Jacques Chirac là một trong những người chống lại việc nầy, vì muốn tránh những phản ứng của Việt Nam Cộng Hòa đối với người Pháp còn ở Miền Nam Việt Nam. Đó là điều khôn ngoan. Trong tất cả thủ đô của các quốc gia ở Tây Phương các nhà ngoại giao Miền Nam Việt Nam cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Các phái đoàn cộng sản không muốn gặp họ ở La Celle-Saint Cloud. Họ và các nhà báo giải thích là :"Ông Hương cũng vẫn là Thiệu mà không có Thiệu".



Tại nhà riêng của mình ở tòa đại sứ Mỹ, vào buổi tối, ông Martin thảo một bức công điện cho ông Kissinger :

- " 1.- Tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng quốc phòng , đã đến gặp tôi hôm qua.Ông ta nổi tiếng là một tay chuyên môn nhảy đầm...nên khi ông ta kết thúc một bản nào rồi thì không ai còn biết được ông đang ở đâu hết, nhưng người ta cũng thấy vui vui....

Mấy ngày trước ông Đôn đã giải thích ở tòa đại sứ rằng một khi mà Tổng Thống Thiệu ra đi và được ông Hương thay thế rồi, thì ông ta, Trần văn Đôn, sẽ là một Thủ Tướng xuất sắc !

2.- Chiiều hôm qua, ông Đôn lại đã đề nghị một kịch bản khác:Tướng Dương văn Minh, người mà Hà Nội mong muốn, dĩ nhiên với tướng Đôn là cố vấn. Xuất xứ : từ tướng Minh và Đại sứ Pháp. Ông Đôn đã thừa hưởng cái áo khoác đẹp đẽ đó của ai vậy ? Làm sao người ta có thể dàn xếp một chuyện giao quyền hành như thế được ? Ông Minh có thể được chỉ định làm Thủ Tướng... với toàn quyền hành động về quân sự và chánh trị do ông Hương trao cho ông ta... Hoặc một giải pháp khác : ông Hương có thể giao hết chánh quyền lại cho ông Dương văn Minh để ông nầy bắt đầu ngay việc thương lượng để thành lập một Hội Đồng Hòa Giải... Theo tướng Đôn thì những người Công Giáo, Phật Giáo và các Giáo Phái khác đều sẵn sàng yểm trợ cho giải pháp nầy. Câu hỏi chủ yếu được đạt ra là : tướng Đôn đã chắc chắn là Hà Nội đã chấp nhận Dương văn Minh rồi .... nhưng ông ta không thể đưa ra được một bằng chứng nào. " Người Mỹ sẽ nghĩ thế nào đây ? Ông Martin viết tiếp : "Tôi đã trả lời rằng Quốc Hội Hoa Kỳ đã cho thấy là họ không quan tâm lắm về nhân vật nào sẽ ở chánh quyền ... và tôi không có một quyền nào để chấp thuận hay không chấp thuận những gì được cọi là thỏa thuận chủ yếu giữa người Việt Nam ." Ông Martin đã giải thích cho ông Tổng Trưởng quốc phòng Việt Nam rằng đây không phải là một bài toán của Hoa Kỳ nữa. Có thể ông Đôn sẽ gặp người Pháp vì họ khẳng định là họ có một ảnh hưởng nào đó đối với Hà Nội.

3.- Tôi đã gặp ông Mérillon hồi trưa nầy, sau khi ông ta đến gặp Tổng Thống Hương, ông Martin viết tiếp. Đại sứ Pháp nói rằng ông ta đã có lưu ý ông Hương là phải hành động nhanh. Tổng Thống Hương có vẻ hơi chậm chạp, bệnh hoạn và quá già. Ông ta không có phản ứng gì đặc biệt. Ông Mérillon xác nhận là Tổng Thống Pháp có thúc đẩy ông đưa ông Minh lên. Tôi có hỏi ông ta có nhận được tín hiệu chính xác của Hà Nội chứng nhận rằng Hà Nội sẽ chấp thuận ông Minh chưa? Tôi đã không nhận được câu trả lời trực tiếp nào.

Tôi có cảm tưởng rằng người Pháp đã đề nghị tên của ông Minh cho Hà Nội mà không nhận được một câu trả lời chính xác nào, nhưng họ giải đoán sự im lặng nầy đương nhiên là một sự thỏa thuận ngầm. Người Pháp cũng có nói là họ đã yêu cầu một sự ngừng bắn sau khi ông Thiệu đã ra đi, để có thể đặt những thể thức chánh trị mới , và chuyện Bắc Việt tạm ngưng các hoạt động quân sự bây giờ là một trong những kết quả của những sáng kiến của họ. Tin tưởng rằng họ có thể ảnh hưởng được ông Dương văn Minh nên họ hấp tấp tìm cách đưa ông ra nắm chánh quyền, hy vọng là một khi đã ngồi được ở ghế Tổng Thống rồi thì Hà Nội khó mà không thừa nhận được ... Về phần tôi, "tôi nghĩ rằng Hà Nội khuyến khích những áp lực của người Pháp cốt để triệt tiêu tính cách hợp pháp của chế độ, bằng cách tạo ra một cuộc chuyển giao quyền hành một cách bất hợp hiến, có thể họ sẽ chấp nhận ông Dương văn Minh trong một thời gian nào đó như kiểu một chánh quyền thiên tả, và sau đó họ sẽ hành động thật nhanh để giành lấy thắng lợi không thể lật ngược được cho phía cách mạng ."

Ông Dương văn Minh đã có tiếp xúc với tướng Timmes. Ông Kỳ có vẻ muốn động thủ trở lại.

4.- Ông Dương văn Minh đã cho Tướng Timmes biết là có một số tướng lãnh người Bắc (những người ở chung quanh tướng Kỳ) đang chuẩn bị có hành động chống lại ông ta. Như tôi đã từng mong muốn là Sài Gòn phải được yên tịnh từ ngày mai cho đến cuối tuần, nên tôi đã có gởi một đặc phái viên đến gặp tướng Kỳ để cho ông biết rằng, nếu nguồn tin đó đúng thì chúng tôi thấy rằng chuyện đó chẳng đi đến đâu. "Ông Martin còn lắt léo : "giả sử như ông Kỳ chối, thì tôi cũng cho ông biết là chúng tôi chấp nhận lời nói danh dự của ông, nhưng mà không một người nào khác tin ông đâu . Do vậy, điều tốt hơn hết cho ông là sẽ không có gì xảy ra". Thật ông Martin biết mình quá là Việt Nam hơn là một người Việt Nam

Ông Hương đã yêu cầu vị Tân Thủ Tướng vừa được Tổng Thống Thiệu chỉ định hãy tạm thời giữ chức vụ đó. Vì ông Nguyễn bá Cẩn muốn rời khỏi đây. Ông Hương đã nói với ông Martin : "Tôi đã nói là tôi vẫn giữ nguyên trạng không có một thay đổi nào cho đến cuối tuần". Ông Martin viết rõ như vậy. Cần phải tránh sao cho tình trạng chánh trị ở Sài Gòn đừng bị xáo trộn.

Ông Mérillon đã thúc ông Tổng Thống Hương. Ông hấp tấp cho biết là ông Hương đã cho gọi ông. Trong lúc văn phòng của Tổng Thống thì nói rằng ông Mérillon đã xin được tiếp kiến. Ông Martin biết rất rõ những chuyện vận động kiểu nầy:

"6.- Ông Mérillon đã trở lại gặp Tổng Thống lúc 16 giờ chiều. Sau đó, qua điện thoại, ông ta nói với tôi là vẫn không có gì mới mẻ hết. Tổng Thống Hương đã mời tôi lúc 17 giờ chiều. Mặc dù có một sự ngơi nghỉ trong hoạt động quân sự... nhưng ông không biết được chuyện đó sẽ kéo dài bao lâu."

Ông Mérillon yêu cầu ông Martin thúc dục ông Hương từ nhiệm.

Ông Hương né tránh. Lúc ông tiếp đại sứ Mỹ, ông nói chuyện với ông nầy như một người bạn. Ông Martin giải thích rằng theo ông thì cộng sản cho ông Hương là hình bóng của ông Thiệu. "một ông Thiệu mà không có Thiệu"? Ông Hương nói :

- Nếu tôi phải làm một ông Pétain của Việt Nam, thì ít nhất tôi cũng sẽ làm được trong danh dự và trong nhân cách đó.

Ông Tổng Thống mong muốn biết ông Martin nghĩ gì về ông Dương văn Minh. Đại sứ Mỹ chưa bao giờ gặp ông Minh. Có quá nhiều tin đồn về những tham vọng của ông ta. Có nhiều người khẳng định rằng nếu ông Minh được chỉ định làm Thủ Tuớng theo một thể thức thông thường thì đó là một điều rất tốt.. Có nhiều người khác thì nói rằng ông ta muốn được Quốc Hội và dân chúng lựa chọn, Có nhiều người lại nói ông ta đòi hỏi phải có toàn quyền hành động. Ông Hương thì nhắc lại tình bạn cũ với ông Minh. Tướng Dương văn Minh luôn gọi ông Hương bằng "Thầy". Hồi xưa ông Hương đã từng khuyên ông Minh nên đi ra ngoại quốc. Ông Hương cũng đã cho gọi ông Minh trở về từ Băng Cốc (Thái Lan) vào năm 1968. "Có nhiều mối liên quan giữa chúng tôi . "

Ông Martin gợi ý là các nhóm thuộc lực lượng thứ ba và một số tướng lãnh đã thấy có thể chấp nhận ông Minh. Cảm tưởng của ông Martin về ông Hương dường như có phần đúng. Câu hỏi chủ yếu là liệu Hà Nội có chấp nhận ông Minh hay không ? Ông Hương không biết gì hết. Ông yêu cầu ông Martin hỏi đại sứ Ba Lan thuộc phái đoàn quốc tế kiểm soát ngừng bắn về vấn đề nầy.

Ông Hương thấy không có gì mà phải gấp. Trong buổi tiếp kiến, thình lình ông Tổng Thống già nua nói chuyện thơ phú với ông Bruson McKinlet, người đi theo ông Martin. Ông Martin tận hưởng được phút thoải mái nầy.

Ông Martin viết tiếp :

" 8. - Ông đại sứ Ba Lan đã đến gặp tôi lúc 20 giờ tối. Đó là một người cộng sản cứng rắn và là một nhà ngoại giao loại "nhà nghề". Chúng tôi hiểu nhau. Tôi cho ông ta biết cảm tưởng của tôi, khi biết rằng vị tân nguyên thủ quốc gia phải đối đầu với những sự thật, và nghĩ rằng định mệnh bắt ông ta phải chịu lãnh vai trò của một ông Pétain.... Không có cách nào để biết được liệu Hà Nội có chấp nhận ông Dương văn Minh trong vai trò tạm thời của một ông Laval hay không... ? Ông đại sứ Ba Lan sẽ thử tìm hiểu tin tức nầy. Ông ta là một người rất thận trọng và Varsovie phải cho phép ông hành động. Tôi nghi rằng rồi sẽ có một câu trả lời đúng lúc. Tôi tin chắc rằng vào sáng ngày mai thế nào ông ta cũng sẽ cho tôi biết là ông ta không nhận được câu trả lời. Tôi có thể cho Tổng Thống Hương câu trả lời đó và sẽ chấm dứt tại đây..."Ông Martin nghĩ rằng "vào ngay lúc nầy ông Dương văn Minh có giá trị của một người khác rồi", nhưng người Mỹ không nên có một vai trò nào trong câu chuyện nầy. "Tại Hoa Thạnh Đốn, liệu chúng ta có một chỉ dấu tối thiểu nào cho thấy là ông Dương văn Minh được Hà Nội chấp nhận ?"

Trong trò chơi lớn đầy kiên nhẫn đang diễn ra , vẫn còn thiếu một quân cờ. Người ta biết là ông Dương văn Minh sẽ đóng được vai tuồng gì, nhưng người ta không biết được Bắc Việt có chấp nhận dàn dựng vở tuồng nầy hay không ?



Tại Ba Lê, Tổng Thống Giscard d'Estaing cho gọi ông Paul d'Ornano, nghị sĩ của những người Pháp ở ngoại quốc, từng là một nhà trồng tỉa ở Đông Dương, vì ông nầy sấp sửa đi qua Sài Gòn. Ông Tổng Thống Pháp nghĩ rằng CPLTCHMN có nhiều may mắn. Dù thế nào đi nữa thì cũng phải giữ sự có mặt của người Pháp. Ông d'Ornano nhất định phải bảo người Pháp phải ở lại tại chỗ.

Tổng Thống Pháp có thể sẽ có lệnh cho các viên chức, và lời khuyên cho những công dân Pháp.

Hai ông Kissinger và Martin thường xuyên liên lạc với nhau.. Ngày 23 tháng 4, ông Kissinger giải thích cho ông Martin là " đối với tình hình chánh trị ở Sài Gòn , có hai cách giải quyết:

- Chúng ta có thể thử cố giữ một cấu trúc vững chắc của Chánh Phủ, có nghĩa là người ta không để cho Chánh Phủ hiện hữu bị sứt mẻ thêm nữa..

- Chúng ta có thể tìm để đạt những gì cụ thể chính yếu mà người Pháp đang mò mẫm tiến hành : thử thực hiện một vài thay đổi cho đến khi nào chúng ta tìm ra được một cơ cấu cho một Chánh Phủ khả dĩ được Bắc Việt chấp nhận ...

Trên thực tế , hy vọng duy nhất cho một sự cải thiện không thể tránh được, là phải đi qua đường dây Liên Xô.". Phải chờ câu trả lời từ Mạc tư Khoa , và từ đây đến đó phải giữ nguyên trạng cơ cấu chánh trị hiện thời. "Nếu trong hai ngày mà chúng ta không nhận được câu trả lời, hoặc có nhận được câu trả lời phủ định, thì chúng ta có thể xem lại vị thế của chúng ta . Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị là ông có thể làm tất cả những gì ông có thể làm được để yểm trợ cho Tổng Thống Hương và Chánh Phủ của ông ta mà không cần nói gì cho ông biết về sáng kiến của chúng ta liên quan đến Liên Xô.

Bây giờ lại đến lượt ông Hương sẽ trở thành một món tiền để trao đổi ! Liên quan đến vấn đề di tản, ông Martin cũng như ông Kissinger vẫn đứng trước một ngã ba đường : Ngũ Giác Đài thì tỏ vẽ hối thúc. Trong trường hợp Sài Gòn bị tấn công, người ta không muốn thấy quân chiến cụ và đạn dược bị rơi vào tay cộng sản . Nhưng nếu người ta đưa quân chiến cụ đi thì Miền Nam Việt Nam sẽ hốt hoảng ngay.

Những người của ông Thiệu sửa soạn ra đi. Cựu Thủ Tướng Trần thiện Khiêm gởi nhiều tấn hành lý ra ngoại quốc. Tân Tổng Thống Hương tiếp tướng Đặng văn Quang, Phụ tá đặc biệt về an ninh của ông Thiệu và nói với ông nầy rằng ông phải từ chức vì ông liên hệ quá chặt chẻ với ông Thiệu. Ông Quang tuân hành ngay và sau đó yêu cầu ông Hương coi sóc giùm mấy người đệ tử của ông Thiệu. Ông Hương sẽ coi lại..., ông ta nói với ông Thiệu trong những ngày tới. Chuyện quan trọng bây giờ phải là vấn đề thương thuyết với kẻ địch :

- " Vấn đề an toàn của đất nước phải được ưu tiên hơn là an toàn của cá nhân"

Vài giờ sau đó, khoảng giữa trưa ngày 23 tháng 4, tướng Kỳ đáp trực thăng xuống nóc Dinh Độc Lập, ở đó có Tổng Thống Hương đón ông ta. Ông Kỳ nói :

- " Quân cộng sản Bắc Việt có thể tiến đến Sài Gòn trong vài ngày, hay trong vài giờ sấp tới...

Ông Hương đáp:

- "Phải thương thuyết thôi. Ông Mérillon và nhiều người khác thúc giục tôi trao quyền cho tướng Dương văn Minh. Quân đội không thể kháng cự được . Có phải thật sự là họ đã hết đạn rồi phải không ?

Tướng Kỳ nghĩ rằng Quân đội cần phải có một lãnh đạo có nghị lực:

- Với những gì chúng ta đang có, chúng ta có thể cầm cự được một hai năm. Ông hãy bổ nhiệm tôi làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân đi.

Ông Hương thoái thác:

- " Một người như ông, đã từng là Thủ Tướng và Phó Tổng Thống , không thể chỉ trở thành một Tham mưu trưởng thường được . Ít lâu nữa đây tôi sẽ chỉ định ông làm cố vấn quân sự đặc biệt cho Chánh Phủ .

- Nhưng thưa Tổng Thống , thời gian còn quá ít .

Ông Kỳ ra đi. Toàn là những người yếu đuối, toàn là những người chần chờ ! Người Mỹ và người Pháp đang dùng con bài Dương văn Minh là một người yếu đuối khác nữa. Nếu ông ta lấy được quyền hành hay được người ta giao cho quyền hành (vì Minh không tự mình chiếm lấy quyền hành bao giờ) thì tất cả sẽ còn yếu nữa. Tướng Kỳ tiếc là mình không chịu tiến hành một cuộc đảo chánh.. Chỉ vài ngày trước khi Tổng ThốngThiệu ra đi, một phi đội trưởng đã đề nghị ném một trái bom "gặt hết bông" (bom hút hết dưỡng khí) xuống Dinh Độc Lập.

Người Pháp khuyến khích ông Dương văn Minh hãy nhận ghế Thủ Tướng, ít nhất trong thời gian đầu. Chiều lại ông Minh họp các cố vấn của ông lại. Ông nói:

- "Nếu được chỉ định là Thủ Tướng một cách "hợp hiến" như vậy, thì quá yếu: Tôi muốn nhận ghế đó trực tiếp từ dân chúng. Thí dụ như qua sự tán thành của những nhóm Tôn Giáo chánh hay các nhóm khác.

Ông Minh tưởng tượng là nhiều nhóm khác nhau đồng thỏa thuận cho ông một loại ủy nhiệm của dân chúng. Ông yêu cầu dân biểu Nguyễn văn Binh liên lạc giùm với các hội chuyên viên như luật sư, giáo sư, các doanh gia, và nhà báo. Về phía Quân đội Ông Minh rất tự tin. Vài giờ trước đó, các tướng lãnh đã họp ở Bộ Tổng Tham Mưu, có mặt cả tướng Cao văn Viên. Ông nầy ước tính rằng phải bỏ qua Hiến Pháp để tướng Minh được chỉ định là nguyên thủ quốc gia. Ai sẽ chỉ định ông ? Ông Minh trả lời là dân chúng. Ủy nhiệm của dân chúng, của các vị lãnh đạo Tôn Giáo, của các Hội đoàn chuyên nghiệp, của Thượng Đế. Ông Minh biết ít nhất là Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, đã sẵn sàng đi với ông ta.. Nếu người ta trao cho ông toàn quyền, thì sẽ có nhiều tướng lãnh và sĩ quan cao cấp sẽ ở lại tại chỗ và nghe lệnh ông ta thay vì sửa soạn chạy ra ngoại quốc. Ông nói :

- " Muốn thương thuyết, thì cũng phải có một vài đơn vị có kỷ luật.



Ở Đà Lạt, linh mục Mais đã có được một giấy phép đi lại của Ủy ban hành chánh Phường cấp cho. Ông và một người đệ tử của ông dùng một chiếc Honda đỏ chạy theo Quốc lộ 1 theo dòng người tản cư và theo các đoàn xe của Bắc Việt. Vào giữa trưa tại một làng cách Xuân Lộc khoảng 20 cây số, xe ông bị một toán dân chính mang ba sao đỏ chận lại.

- "Ông đi đâu ?

- Tôi đi Gia Kiệm thăm một linh mục bị thương, cha Mais trả lời bằng tiếng Việt Nam.

Dưới con mắt lưu tâm của một vài người có mang súng lục, và hai anh bộ đội Bắc Việt , người ta xem kỹ giấy căn cước Pháp và thẻ cư trú của linh mục... Một người mời cả hai vào một căn nhà gần đó. Người ta mời ông dùng trà và ăn chuối. Một giờ trôi qua... Người ta dẫn hai người đến một căn nhà khác và người ta để cho họ đứng đó. Một người dân sự khoảng 50 tuổi tự giới thiệu là người có trách nhiệm an ninh xẵng giọng hạch hỏi hai người. Anh ta giữ một khoảng cách với linh mục và gọi linh mục bằng "ông" :

- "Ông là ai ? Từ đâu đi đến đây ? Và ông đi đâu ? Ông không cần phải đi như vậy. Tôi không thể bảo đảm an ninh cho ông đâu.

Một người nữa tới. Ông nầy hướng về linh mục và gọi bằng "giáo sư". Cả linh mục và người đệ tử của ông đều chờ đợi. Họ ngồi trên ghế đẩu. Một người thứ ba lại đến, người nầy lễ độ và có vẻ cung kính hơn, Anh ta gọi Linh mục là "cha"

Người ta tịch thu hết giấy căn cước của hai người . Người ta cho hai người lên lầu của căn nhà nầy, ở đó họ gặp một ông cựu xã trưởng, một người nông dân và một người dạy giáo lý. Trời đã tối. Người ta đem cho họ cơm nguội, canh rau, và chiếu. Có những người còn trẻ, khoảng 15 tuổi, mặc ka ki hay đồ đen đến gát căn nhà nầy. Nghe giọng nói linh mục Mais biết là họ đến từ miền Trung. Người ta thả một vài người , rồi nhanh chóng lại có những người khác vào. Linh mục Jean Main hỏi về chuyện của mình. Người ta đáp:

-" Trường hợp của ông chưa được giải quyết .



Ngày 24 tháng 4.

Từ căn cứ Plessetsk, Liên Xô phóng một vệ tinh có độ chụp ảnh cao, có thể dò thấy các đơn vị đến cấp trung đội, và phân biệt được rõ ràng loại chiến xa. Độ nghiêng của vệ tinh nầy là 81 độ. Tám ngày trước đó, Liên Xô cũng đã có phóng lên một vệ tinh ở độ nghiêng là 65 độ. Hai vệ tinh nầy phối hợp lại thì sẽ giúp cho Liên Xô thấy được một hình ảnh rất rõ ràng của nước Việt Nam trong 6 ngày, tức là cho đến ngày 30 tháng 4. Các vệ tinh thuộc thế hệ 2 nầy gởi hình ảnh có thể rửa thật nhanh được. Và kết quả sẽ được chuyển tiếp đến Hà Nội trong vài giờ. Và từ thủ đô Bắc Việt đên tổng hành dinh của Văn tiến Dũng ngay tức khắc. Do đó, vị Tổng tư Lệnh Bắc Việt sẽ biết ngay được trước mặt quân mình có những đơn vị cấp nào của Miền Nam Việt Nam .



Ở Sài Gòn, dân chúng hy vọng sẽ có một cuộc ngừng bắn sắp tới. Một hình ảnh , đúng hơn là một ảo ảnh .. đang bàng bạc trong không khí : 3 người Việt Nam , một Bắc Việt cộng sản , một Trung Việt với một chế độ hòa giải, một Nam Việt với một Chánh Phủ mở rộng để thương thuyết với Hà Nội ....

Sáng sớm ngày 24 nầy, Tổng Thống Hương và ông Dương văn Minh kín đáo gặp nhau ở nhà riêng của cựu Thủ Tướng Khiêm trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất . Bí mật ? Rồi đây trong vài giờ nữa, tất cả Sài Gòn cũng sẽ biết rõ việc nầy.

Vị Tân Tổng Thống muốn mặt đối mặt bàn cãi với ông Dương văn Minh, nhưng ông nầy chỉ muốn cuộc nói chuyện kéo dài trong hai giờ nầy phải có sự hiện diện của ông cựu Chủ Tịch Thượng Viện Nguyễn văn Huyền.

Ông Hương vẽ lên một bức tranh đen tối của tình hình quân sự . Nhiều lắm là Chánh Phủ chỉ còn có 5 sư đoàn để chống lại 5 Quân đoàn Bắc Việt. Giỏi lắm ta chỉ còn đủ đánh một trận danh dự ! Ông Hương cố thuyết phục ông Minh hãy nhận ghế Thủ Tướng, điều nầy hoàn toàn hợp hiến. Rất bình tĩnh ông Minh từ chối. Vì việc nầy sẽ tự mình làm hại thanh danh của mình. Cộng sản Bắc Việt sẽ cáo buộc ông là người nắm giữ chánh quyền hợp pháp từ một thành viên của "tập đoàn Nguyễn văn Thiệu" . Như vậy ông Minh sẽ ở trong thế quá yếu, khó mà thương thuyết được. Ông Minh đề nghị ông Hương cho ông một ân huệ là hãy từ chức đi . Thật là kỳ lạ cho ông nầy! Thường thường, trong những cuộc khủng khoảng nghiêm trọng thì những kẻ huênh hoang thì nín lặng, những kẻ ẩn dật mới lên tiếng tự xác nhận, và những người khiêm nhường có thể sẽ trở thành khó tính. Ông Minh biết là những người Công giáo, Phật Giáo đang sửa soạn ra thông cáo, riêng lẻ hay chung nhau nhưng cùng có một nội dung : ông Dương văn Minh cần có được quyền tối thượng. Ngay hôm nay, thượng tọa Thích trí Quang , vị sư hoạt động hăng say nhất của chùa Ấn Quang, sẽ họp báo để xác định vị trí của mình trong chiều hướng nầy.

Vị nguyên thủ già ngồi nghe ông Minh nói mà không hề chấp nhận.. Vị cựu Chủ tịch Thượng Viện ủng hộ ông Minh. Ông Hương nhất định không nhượng bộ. Ông còn nói đùa:

- " Đơn giản nhất để loại tôi ra, là chỉ cần làm một cuộc đảo chánh thôi.. Như vậy nó tự nhiên hơn!

Người ta dự tính một số biện pháp để làm dịu những người cộng sản , nhất là việc thả các tù chánh trị . Ngày hôm qua, tướng Minh có nói với tướng Nguyễn khắc Bình, Tổng Giám Đốc Nha Cảnh sát. Cả ông Bình và ông Hương dường như tuần tự vừa khó chịu vừa nhẹ lo vì những sự liên lạc của tướng Minh. Thật khó mà nghi ngờ được ai ai và đâu đâu cũng chấp nhận ông Minh, kể cả Cảnh sát . Ông Dương văn Minh trước kia đã cứu tướng Bình, sau khi ông Diệm bị lật đổ. Vì tướng Bình là người trung thành với ông Diệm, sau nầy ông mới theo ông Thiệu. Mà nếu cần thì ông ta lại theo ông Dương văn Minh.

Khi di chuyển thì ông Hương thường chống gậy, và ông hơi run rẩy, nhưng ông không có chọn một quyết định nào hết.

Các nhà chánh trị và quân sự vô ra nhà ông Dương văn Minh bao nhiêu thì vô ra Dinh Độc Lập bấy nhiêu. Hoặc là ông Minh quá tự tin rằng chỉ có một mình ông là có thể gặp được CPLTCHMN hay Hà Nội , hoặc là ông quá tự kiêu không đúng chỗ, ông Minh điềm tĩnh đó nhưng không có vẻ gì là một nhà hòa giải. Ông không chịu hiểu câu châm ngôn Việt Nam :" Nếu có người nào đó đến trước, thì tôi sẽ là người thứ nhì, nếu đã có người thứ nhì rồi thì tôi vui vẻ chấp nhận chỗ thứ ba vậy "

Ông Minh phác thảo một Hiến Pháp tạm thời hoặc một Hiến Chương mà ông đề nghị công bố ngay khi Hiến Pháp hiện thời sẽ được bãi bỏ khi ông Hương từ nhiệm, không còn là Tổng Thống nữa. Ông Minh lên danh sách một Chánh Phủ lâm thời. Tổng Thống: Dương văn Minh, ông cũng coi luôn những vấn đề quân sự. Phó Tổng Thống của ông sẽ là nghị sĩ Nguyễn văn Huyền, người đã giúp ông ta trong cuộc gặp gỡ với ông Hương. Trước hết, ông sẽ lo việc thương thuyết với địch. Ông sấp xếp người trong Chánh Phủ rất là khôn khéo. Ông Huyền, người Miền Nam là Công Giáo, ôn hòa, sẽ làm yên lòng phe quốc gia . Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Ngoại Giao: nghị sĩ Vũ văn Mẫu với một phó Thủ Tướng: dân biểu Hồ văn Minh. Hai người nầy sẽ tập hợp được các thành viên của Lưỡng Viện Quốc Hội . Một chủ ngân hàng, ông Nguyễn võ Điểu sẽ là Tổng Trưởng Tài Chánh. Ông Minh cũng đưa những nhân vật mà cộng sản chắc chắn sẽ chấp nhận : Bà Ngô bá Thành, Tổng Trưởng Tư Pháp, người mà ông Thiệu đã biết là trung lập và quản chế tại gia.; dân biểu Hồ ngọc Nhuận, một người công giáo thuộc cánh tả sẽ là Tổng Trưởng xã hội và Tỵ nạn. Dĩ nhiên, danh sách nầy có thể còn thay đổi, nhưng đầy hứa hẹn, đã chứng minh được thiện ý của ông Minh. Sự phối hợp nầy còn quá khéo léo hơn một Chánh Phủ dưới thời đệ tứ Cộng Hòa Pháp nữa ! Nhưng vấn đề là làm sao thuyết phục được cộng sản Bắc Việt đây ?

Cả Tổng Thống Hương và ông Dương văn Minh đều có gởi sứ giả riêng rẽ đến trại Davis. Những người nầy được đại diện của CPLTCHMN tiếp đón rất là lịch sự, nhưng họ không chịu hứa hẹn gì cả. Cùng ngày nay ở Ba Lê và Hà Nội CPLTCHMN cho đăng một bản tuyên bố :

- ".... Phải thành lập một nền hành chánh mới ở Sài Gòn (và) trong đó không được có một bộ mặt nào đã ở trong tập đoàn Nguyễn văn Thiệu...."

Như thế là thông cáo nầy nhắm thẳng vào ông Hương và cũng nhằm vào một số đông nhân vật dân sự hay quân sự của Miền Nam Việt Nam .

Ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Trần văn Đôn rất khôn khéo đã làm trung gian để Tổng Thống Hương và tướng Minh đạt được một thỏa hiệp. Và nếu ông Tổng Thống đề nghị với tướng Minh chiếc ghế Thủ Tướng với đầy đủ quyền hành, cả hành chánh lẫn quân sự thì sao ? Khi mà có những sự kiện chống lại ông thì mỗi chữ nói ra đều nặng ký. Khi một người Việt Nam càng là công dân Pháp bao nhiêu (ông Đôn là một công dân Pháp cực đoan) thì ông ta càng đầu tư từng chữ một về pháp lý bấy nhiêu. Theo sơ đồ của ông Đôn, thì vị tân Tổng Thống Trần văn Hương chỉ có một vai trò mới , một chức vụ danh dự, như một quốc vương ở vùng Bắc Âu vậy thôi. Ông ta không được can thiệp vào công việc của Chánh Phủ . Ông sẽ có một nhiệm vụ như Hoàng Đế Bảo Đại khi ông trao hết quyền hành lại cho Tổng Thống Diêm. Danh dự của ông Hương vẫn còn và người ta có thể bắt đầu thương thuyết. Tướng Đôn đã cố thử thời vận của mình khi ông tuyên bố với đại sứ Mérillon là ông ta có thể là "người số một" trong cuộc vận động chánh trị nầy và ngoài ra ông ta cũng còn được người Mỹ ủng hộ nữa. Ông ta cũng đã đưa đề nghị nầy cho ông Martin và xác nhận rằng ông ta đã được người Pháp khuyến khích. Hai ông đại sứ trao đổi tin tức với nhau, và họ chỉ có cười thôi !

Bây giờ thì ông Đôn sẵn sàng chiếu cố đến lá bài Dương văn Minh, nhưng ông ta nghĩ rằng ông Minh có nhiều ảo vọng khi ông tưởng rằng ông sẽ được dân chúng hoan hô và đẩy ông vào Tổng Thống Phủ.

Những lời tuyên bố của một vài nhân vật lãnh đạo Tôn Giáo dù có lỗi lạc, cũng chưa đủ để đánh bóng tính cách hợp pháp được. Hơn nữa, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Trần văn Đôn có cảm giác là các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp còn ở vị trí chỉ huy, không dễ dàng chấp nhận Dương văn Minh lắm đâu. Họ nghĩ rằng ông Minh chỉ muốn nắm được quyền hành trong tay để đưa lá cờ trắng lên mà thôi. Dưới nhãn quan của một số quân nhân, chuyện thương thuyết mà ông Minh đang nói đến sẽ giống như một chuyện đầu hàng.

Làm sao mà những chánh trị gia và những quân nhân ở Sài Gòn có thể thỏa mãn những đòi hỏi quá mức của CPLTCHMN được ? Tất cả các tướng lãnh, các đại tá, trung tá thiếu tá, các nghị sĩ , dân biểu đều nằm trong guồng máy hành chánh của Sài Gòn . Thật ra, cái gọi là CPLTCHMN nầy trước hết tìm cách phá tan quyền lực của nền hành chánh và của Quân đội mà thôi

Vào hồi 16 giờ chiều, nội các Nguyễn bá Cẩn chánh thức từ nhiệm. Như thế, Chánh thể Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chỉ còn có một ông Tổng Thống và một vài vị Tổng Trưởng xử lý thường vụ và vỏn vẹn chỉ còn có Vùng Sài Gòn và một phần lớn của Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo yêu cầu của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng , tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cho lệnh các đơn vị chiếm các vị trí phòng thủ.. Họ được lệnh phải tránh không được tấn công bộ đội Bắc Việt và Việt Cộng . Còn một bằng chứng để tỏ thiện chí nữa là tiêu lệnh được truyền đi đến nhân viên của đài phát thanh :" Trong tất cả các bản tin tức, phải có một chiều hướng hòa giải hơn." Các nhân viên thuộc Bộ Thông Tin phải tháo gỡ hết các bản thông cáo, các biểu ngữ chống cộng khắp nơi trong thủ đô và vùng ngoại ô. Tổng Thống Hương đang xét duyệt các danh sách tù nhân chánh trị để nhanh chóng được thả ra.

Vào hồi 17 giờ , ông Dương văn Minh họp vài nhà báo :

- "Tôi đã từ chối không nhận ghế Thủ Tướng mà Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã đề nghị . Nếu tôi nhận thì tôi không thể nào thương thuyết được với phía bên kia, vì họ đòi ông Hương cũng phải ra đi.

Những cộng sự viên của ông Minh phụ nhĩ với các nhà báo:

- " Ông già Hương sẽ từ chức, đó là giải pháp duy nhất.



Tại tòa đại sứ Mỹ, ông Martin và ông Polgar quan sát từng giờ một con đường ngoằn ngoèo của các cuộc vận động nầy. Khác hơn ông Martin, ông Polgar thì nhắm vào ông Dương văn Minh.

Ngày 24 tháng 4:

Cuối cùng, ngày hôm nay ông Martin chánh thức cho lệnh di tản nhân viên Việt Nam thuộc tòa đại sứ Mỹ. Người ta cũng dự trù di tản một số lớn người Việt Nam từ Vũng Tàu. Ông Polgar giữ liên lạc thường trực với đề đốc Bùi thế Lân ở Bộ Chỉ Huy Hải Quân Việt Nam. Ông nầy hứa sẽ lo cho một cuộc di tản khoảng từ 40 ngàn đến 250 người dân tỵ nạn. Ông Polgar thông báo cho Hoa Thạnh Đốn :

- "Nếu Sài Gòn thất thủ, Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam sẽ cho nổ sập hết các cầu để cắt đứt quốc lộ dẫn đến Vũng Tàu . Người ta sẽ ngăn chận bớt làn sóng người tỵ nạn có thể tràn ngập cả Vũng Tàu. Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam sẽ hợp tác với người Mỹ. Để duy trì trật tự, quân lực Việt Nam Cộng Hòa có thể sẽ động thủ, nếu cần. Ông Polgar kín đáo điện cho Hoa Thạnh Đốn :

- "Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ không thể nào có biện pháp cần thiết được .Thủy Quân Lục Chiến của đề đốc Bùi thế Lân được rộng đường hành động." Tóm lại, nếu cần phải giải quyết những người dân tỵ nạn thì tốt hơn là phải do Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam . Đề đốc Bùi thế Lân không có yêu cầu phải di tản người của ông ta, nhưng đương nhiên là những người nầy cũng thích được di tản."



Ông Jim Eckes được tự do vô ra phi trường Tân Sơn Nhất rất thong thả. Đã từ lâu cả quân nhân và cảnh sát giữ an ninh ở đây đều biết chiếc xe Volkswagen trắng của ông Giám Đốc hãng Continental Air Services.

Các phi cơ cứ là tiếp tục cất cánh từng nửa giờ một, chở người dân tỵ nạn có đầy đủ hay không có giấy tờ hợp pháp. Trên một đường bay, một chuyến chót của hãng Pan Am phải chở 600 người, toàn là nhân viên của công ty hàng không và gia đình họ. Ông Eckes thấy một nhóm người Việt Nam , tất cả đều mặc đồng phục tiếp viên hàng không của hãng Pan Am. Có nhiều người mặc cũn, đi giầy cao gót muốn trẹo chân. Họ có vẻ sợ sệt, nhất là khi họ đi qua hàng rào cảnh sát. Thình lình, ở chân cầu thang có một bà lột giầy ra và ba chân bốn cẳng bò lên phi cơ. Ông Eckes hiểu ngay: một tiếp viên người Việt Nam của hãng Pan Am đã phát đồng phục tiếp viên ít nhất cho chị em, bạn bè của mình để họ được rời khỏi Sài Gòn. Sáu trăm hành khách trên một phi cơ chỉ có ba trăm năm chục ghế ngồi : trên phi cơ, một thanh tra người Mỹ thuộc Hàng Không Liên Bang không nói gì hết. Người ta đóng cửa lại. Ông Al Topping, giám đốc Pan Am ở Sài Gòn thấy là còn hai tiếp viên người Mỹ còn bị bỏ quên trong phi cảng. Người ta chạy đi tìm họ.

Chiếc phi cơ phải chờ ở phi đạo. Đài kiểm soát không lưu không cho chiếc phi cơ nầy cất cánh. Ông Jim Eckes chợt thấy một sĩ quan Việt Nam chiếc máy ra diô liên lạc cầm ở tay. Ông Jim chìa ra hai trăm mỹ kim:

- Ông hãy bảo đài không lưu cho chiếc phi cơ đó cất cánh đi. Ông trao cho họ số tiền nầy để họ nhậu với nhau . Hay họ muốn làm gì đó thì làm."

Vị sĩ quan kia nói với đài kiểm soát không lưu, và chiếc phi cơ nhận được phép cất cánh.

"Bây giờ thì tất cả các bè bạn của tôi đều đã được đi rồi "

Ông Eckes vừa lẩm bẩm...., vừa cảm động rơi nước mắt .....