PDA

View Full Version : Tháng Tư Nghiệt Ngã - Olivier Todd



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 [22] 23

Nhím Hoàng Kim
08-18-2007, 09:28 PM
Chương 22 - 30 tháng tư : Hoa Sen Cuối Cùng

Ở Ngũ Giác Đài, ở Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Lan, cũng như ở Bộ Tư Lệnh Lực lượng Đặc Nhiệm ngoài biển, người ta đang sốt ruột. Có bao nhiêu người phải di tản còn sót lại ở tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn ? Đã có quá nhiều trò chơi cút bắt và có những con số đã hứa với ông Martin !



2 giờ 30 , giờ Sài Gòn:

Ông Đại sứ cho biết là có 726 người ở tòa đại sứ gồm có 500 người Việt Nam, 53 người Mỹ dân sự và 173 Thủy Quân Lục Chiến . Bên phía quân nhân , họ làm một bài toán . Chỉ cần có 9 chuyến bay loại CH.53 nữa là bốc sạch hết số người ở tòa đại sứ .

Sau đó, ông Martin gọi Nhà Trắng để nói lại con số chính xác hơn:

- " Có con số gấp đôi người tỵ nạn Việt Nam đã được dự trù.

Trên thật tế, có 1100 người đang chờ, hầu hết là người Việt Nam , một linh mục người Đức, khoảng 12 nhân viên ngoại giao người Đại Hàn trong đó có tướng Lee Đai Yong, cựu Tư Lệnh Phó của 40.000 quân nhân Đại Hàn đã phục vụ ở Việt Nam . Tại Hoa Thạnh Đốn và ở Honolulu, người ta cáu lên:

- Ông Martin đã cho di tản quá trễ rồi và bây giờ ông còn không muốn chấm dứt nữa! Người ta đã chơi chúng tôi một vố ở phi trường rồi. Tại Tân Sơn Nhất , trước hết người ta nói có 500 người tỵ nạn, rồi 1000, rồi 2.000 .

Đã có nhiều sự cân nhắc chánh trị được xen vào. Ở Hoa Thạnh Đốn , người ta muốn nói là tất cả những người Mỹ phải được di tản càng nhanh càng tốt. Ông Kissinger đã có hứa sẽ họp báo vào lúc 14 giờ, giờ Hoa Thạnh Đốn tức là 2 giờ, giờ Sài Gòn . Bây giờ ông ta phải dời cuộc họp báo lại 16 giờ, giờ Hoa Thạnh Đốn .

Nhất định phải chấm dứt. Lúc 3 giờ 15, giờ Sài Gòn một chiếc CH.46 đáp xuống sân thượng tòa đại sứ . Người phi công trao một công điện viết tay của vị Tổng Tư Lệnh Thái Bình Dương :

- " Căn cứ trên một phúc trình di tản, tổng số còn phải di tản là 726 người, Tổng Tư Lệnh Thái Bình Dương đã cho phép gởi đi 9 trực thăng, nhưng không thể hơn nữa được . Các chữ "không thể hơn nữa được" được gạch đích 2 lần. Tổng Thống muốn thấy Đại sứ Martin phải có mặt trên chiếc trực thăng cuối cùng. Thân mến ."

Ông Tổng Trưởng Ngoại Giao mong rằng chiếc trực thăng cuối cùng đó sẽ cất cánh vào lúc 3 gờ 45. Ông Martin được yêu cầu là phải "đáp nhận" bức điện tín nầy của Tổng Thống Ford.

Người ta cố gắng làm yên lòng những người tỵ nạn Việt Nam đang ở trong sân của tòa đại sứ . Ông Polgar dự trù là ông ta sẽ chấm dứt mọi liên lạc vào lúc 3 giờ 20. Lạ lùng là ngay lúc nầy và vào giờ nầy, người trưởng cơ quan CIA lại bị lôi cuốn vào những nhận xét tổng quát . Ông gởi bức điện tín :

- "Kinh nghiệm duy nhất nầy trong lịch sử Hoa Kỳ không có nghĩa là Hoa Kỳ không còn là một cường quốc trên thế giới nữa. Tuy nhiên, với sự thất bại nghiêm trọng nầy và những điều kiện mà Hoa Kỳ đã vướng phải, bắt buộc Hoa Kỳ phải tái xét lại đường lối chánh trị của mình."

Để đánh dấu thời điểm nầy, ông Polgar qui trách cho tánh bần tiện của Quốc Hội :

- " Những người không chịu rút ra được từ những bài học lịch sử nầy bắt buộc phải xét lại. Hy vọng là chúng ta không còn một kinh nghiệm kiểu Việt Nam nào khác và chúng ta phải học được bài học nầy của chúng ta .... "



3 giờ 30 phút:

Chiếc phi cơ được dùng như Bộ Chỉ Huy nhẹ trên Không phận Sài Gòn là một chiếc C.130, chiếc nầy đã truyền đi một điện tín được mã hóa. Kể từ giờ nầy, người ta chỉ có di tản người Mỹ mà thôi, ông đại sứ Martin phải lên chiếc trực thăng đầu tiên được xử dụng. Khi đã cất cánh rồi thì chiếc phi cơ nầy phải đánh đi một mật hiệu rất đơn giản :cọp, cọp, cọp (nguyên tác :tigre)

Ông Kissinger nói với ông Martin qua điện thoại :

- "Ông và các vị anh hùng của ông bây giờ là phải trở về nhà."

Ông Kissinger đã phải dời giờ họp báo của ông lại thêm một giờ nữa.



3 giờ 45

Sau khi nhìn qua một vòng đám đông người tỵ nạn trong sân của tòa đại sứ, Ông Martin mới nói :

- " Kể từ giờ nầy các trực thăng trên sân thượng chỉ dành cho người Mỹ."

Tất cả những người Việt Nam trong các dãy nhà của tòa đại sứ phải xuống sân hết . Ở đó, ông Martin tuyên bố là họ sẽ được các CH53 bốc đi.

Ở Nhà Trắng, tướng Brent Scowcroft nhận được một công điện tối khẩn của ông Martin.

- "Chúng tôi đề nghị đóng cửa tòa đại sứ lúc 4 giờ 30 ngày 30 tháng 4 , giờ địa phương.Vì có nhu cầu phải phá hủy hết máy móc truyền thông. Đây là công điện cuối cùng của tòa đại sứ Sài Gòn"



4 giờ 42 phút

Một chiếc CH.46 có tên là "Lady Ace 09" viết bằng sơn hai bên hông, đáp xuống sân thượng của tòa đại sứ . Phi công trình lệnh viết tay của Tổng Thống :

- " Chỉ có những người Mỹ mới được lên trực thăng nầy với phi hành đoàn. Ông đại sứ phải lên chiếc Lady Ace 09 nầy"

Ông Martin bước lên trực thăng với tùy viên báo chí của mình, ông John Hogan, ông Polgar và đại tá Jacobson. Trên trực thăng, ông gặp lại các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đến từ phi trường. Nếu đại sứ từ chối không chịu đi trong lúc nầy thì đã có một lịnh được dự trù : Đó là Lệnh bắt giữ ông Martin do Tổng Tư Lệnh Lực lượng Thái bình Dương, Đô Đốc Gayler ký tên. Ở tòa đại sứ vẫn còn nhiều người Mỹ trong số đó có ông Wolfgang Lehmann. Hai sĩ quan đang cãi nhau. Đại tá John Madison tưởng rằng tất cả người Việt Nam sẽ được di tản. Thiếu tá Jim Kean, trưởng toán Thủy Quân Lục Chiến trả lời là ông ta đã nhận được lệnh phải đi. Ông sẽ ra lệnh binh sĩ của ông phải rút lên sân thượng.

Ngoài bức tường của tòa đại sứ , người Việt Nam xô đẩy nhau, dẫm chân lên nhau la ó om sòm :

- Làm ơn cho tôi đi .

- Cho con tôi đi với tôi giùm

- Tôi có vàng và mỹ kim ...

- Vợ con tôi đã đi rồi, Xin cho tôi đi luôn theo.

Họ kêu van, họ khóc lóc. Đối với một số người Mỹ sự chia ly nầy thật là não ruột. Nếu người ta cho những người Việt Nam đó vào tòa đại sứ thì những người còn ở lại đây không khi nào rời khỏi đây được đâu. Các anh Thủy Quân Lục Chiến dùng tới báng súng mà cũng khó khăn lắm mới giữ được một chu vi luôn bị thu hẹp, không xa bức tường được bao nhiêu. Có nhiều người leo qua tường. Có một số muốn dùng xe vận tải để ủi sập cửa tòa đại sứ . Đại tá Madison lấy làm rụng rời. Bây giờ vẫn còn khoảng bốn năm trăm người, nhất là người Việt Nam và phần đông là nhân viên của tòa đại sứ trong đó có nhân viên cứu hỏa, một linh mục người Đức và người Đại Hàn. Tất cả đều bỏ hết hành lý của họ, những nhân viên cứu hỏa đều là những người tình nguyện. Các người tỵ nạn được chia ra làm 6 nhóm, Hai sĩ quan là đại tá Madison và đại tá Harry Summers , thành viên của Ủy Ban quân sự 4 Bên và 2 Bên của Hiệp Định Ba Lê, đều cảm thấy bất lực.Những người Việt Nam biết là họ sẽ bị bỏ rơi. Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến rút lên lầu của tòa đại sứ.

Sau đó khi đáp được xuống mẫu hạm Okinawa, đại tá Madison yêu cầu người ta gởi cho 6 chiếc trực thăng đến bốc giùm 6 toán tỵ nạn trong khuôn viên tòa đại sứ . Người ta từ chối. Những nhân viên ngoại giao đầu tiên đã đến mẫu hạm trước đó đã quên nói là vẫn còn 420 người tỵ nạn trong sân của tòa đại sứ trước khi nơi nầy bị đám đông người Việt Nam ở ngoài tràn vào.



5 giờ 10 phút:

Hai trăm người Mỹ, trong số nầy có 170 lính Thủy Quân Lục Chiến đang chờ ở tòa đại sứ . Thời gian sao mà quá dài ! Các binh sĩ cuối cùng dưới quyền thiếu tá Kean, đã leo lên cầu thang. Họ đã không quên khóa hết các cửa sau lưng họ bằng các thanh thép.Trong các cầu thang và cả trong thang máy họ vất đầy hết nào là tủ, bàn ghế, và tất cả những gì họ túm được. Các binh sĩ nầy phải mất 2 tiếng đồng hồ mới đi được từ tầng trệt lên đến tầng chót. Họ ném lựu đạn cay. Và có một người còn ném một trái lựu đạn miểng nữa. Và người Việt Nam không còn cách nào để lên đến sân thượng được nữa.

Chung quanh tòa đại sứ là các binh sĩ Việt Nam đi lang thang với vũ khí của họ. Trên sân thượng có bố trí một khẩu đại liên để canh chừng chung quanh. Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến tuân hành "lệnh D" tức là : cấm bắn bừa bải, chỉ được bắn theo lệnh của một sĩ quan hay một hạ sĩ quan thượng cấp nào đó mà thôi.



5 giờ 47 phút:

Trên chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 09, ông Martin quá mệt mỏi, có một cảm tưởng nhẹ nhõm. Sau cùng mọi việc cũng đều tốt...nếu không có thể là quá tốt.... Một số cộng sự viên của ông nghĩ là ông đã có nhiều quyết định hơi trể. Ông Martin ước tính là ông đã tránh được một sự hoãng loạn và rằng ông đã bịp được Bắc Việt . Tất cả những người Mỹ đều đã được di tản, các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến không cần phải đánh nhau. Ông Martin cũng có thể ở lại tại chỗ lâu hơn nữa được nhưng ông tỏ ra là một người có kỷ luật trong vòng 45 năm nay.

Đối với ông, lệnh của Tổng Thống rất là khắc nghiệt. Ông tự nghĩ là Tổng Thống đã bị Tổng Trưởng Quốc Phòng gạt. Ở các Bộ Tư Lệnh quân sự người ta đã nhận thấy là ông Martin đã tìm cách gạt gẩm tất cả những người đối thoại với ông. Còn ông Martin thì lại nhận thấy là người ta đã gạt ông ta.

Như vậy là cuộc chiến đã qua, và tất cả sự tan vỡ cũng đã qua !

Ông Martin nghĩ rằng ở Hoa Thạnh Đốn người ta không có chuẩn bị gì hết. Người ta chỉ sống với ý nghĩ của một sự di tản thành công ở Phnom Penh. Nhưng hãy xem lại coi. Ở đó người ta chỉ di tản có ba trăm người, hầu hết là người Mỹ. Còn tại Việt Nam , ở Sài Gòn với tất cả các chiến hạm, phi cơ, trực thăng, người ta đã di tản được 130 ngàn người Việt Nam , còn hơn thế nữa là khác, nhờ vào các chuyến bay không chánh thức.

Trên sân thượng của tòa đại sứ, hạ sĩ Stephen Bauer tự hỏi là ông ta và các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến khác có phải sẽ đến xin tỵ nạn ở tòa đại sứ Pháp hay không ? Các tiếng nổ của đạn bách kích pháo càng ngày càng đến gần hơn. Trời đã bắt đầu sáng dần, và không có sương mù. Cuối cùng chiếc trực thăng rồi cũng đến. Nó đáp xuống, các cánh quạt vẫn chạy đều làm sạch phần nào không khí nhất là làm tan bớt khói của lựu đạn cay mà binh sĩ đã ném trong cầu thang đang làm họ không thấy đường và muốn nghẹt thở. Còn 10 binh sĩ nữa đang bước lên trực thăng. Người cuối cùng là trung sĩ nhất Juan Valdez đang đẩy binh sĩ của ông lên, với cảm tưởng là binh sĩ của mình chỉ muốn bước lên trực thăng sau ông để có thể nói "Tôi là người cuối cùng " điều mà chính ông ta mới là người có thể làm được . .



7 giờ 53 phút:

Chiếc trực thăng cuối cùng nầy cất cánh, có mấy chiếc trực thăng võ trang Cobra hộ tống. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm nay, không còn người lính Mỹ nào ở Việt Nam . Có vài chú đào ngũ thì họ đã nằm kín trong vùng ngoại ô.

Khi đến được bờ biển, các Thủy Quân Lục Chiến trên trực thăng vỗ tay reo hò, và chụp một bức ảnh.

Trong sân của tòa đại sứ những người Việt Nam và ông tướng Đại Hàn chạy vòng tròn. Các bản báo cáo chánh thức của Mỹ nói là " khoảng 420 người "

Đám đông tràn vào tòa đại sứ la hét om sòm.

Những tay tuyên truyền cho cộng sản hô to những khẩu hiệu :

- " Mỹ đã đi hết rồi, đất nước ta được tự do, độc lập, dân chủ rồi....

Người ta bắt đầu cướp bóc trong các tấng lầu. Thình lình đám đông lui ra hết, có người la lên :

-"Chạy ra chạy ra , tòa đại sứ sắp nổ rồi !



Khi ông Martin đã đến được trên soái hạm Blue Ridge rồi, thì ông đi qua thật nhanh phòng báo chí, nơi đó ông Polgar đang nói chuyện với các nhà báo. Ông Martin nói nhanh:

- "Nếu chúng ta giữ được những cam kết của quốc gia Hoa Kỳ xứng đáng với danh xưng của nó, thì không có xảy ra chuyện ngày hôm nay."

Câu nói nầy đã chạy khắp nơi trên các máy điện báo của các cơ quan báo chí quốc tế. Ông đại sứ nhận một công điện của ông Kussinger, cứng rắn khuyên ông nên giữ cảm nghĩ riêng của mình cho Tổng Thống Hoa Kỳ . Sau khi dùng một bữa điểm tâm nhẹ với trứng và xúc xích. Ông Martin đi khám sức khỏe. Qua chiếu điện, người ta khám phá ra nhiều sung huyết trong cả hai buồng phổi của ông. Khi ông nhìn lại kỹ cuộc di tản, đại sứ Graham Martin nói rằng :

- "Tôi không thấy việc đó là một niềm danh dự của Hoa Kỳ"

Trên soái hạm Blue Ridge, người ta trao cho ông một lượt cả ba công điện. Những người gởi các công điện nầy đã nói với ông với một giọng điệu khác nhau hết :



(1)- của Tổng Thống Ford gởi cho ông Martin :

- " Tôi bày tỏ một sự hài lòng sâu xa của tôi., đối với ông và đối với tất cả các cộng sự viên của ông,

về sự thành công trong cuộc di tản người Mỹ và người Việt Nam ở Sài Gòn . Sự tận tâm không mệt mỏi trong nhiệm vụ của ông và việc thực hiện trong những điều kiện cực kỳ khó khăn là tối cần thiết cho sự hoàn chỉnh của cuộc hành quân rất khó khăn và tế nhị nầy. Xin ông vui lòng nhận những lời khen

thành thật và cá nhân của chính tôi. Lòng can đảm và sự bình tĩnh của ông trong thời điểm khó khăn nầy đã giúp di tản được chính những công dân của chúng ta và một số lớn người Việt Nam trong cơn nguy khổn. Tôi ước mong là ông sẽ chuyển đến tất cả các cộng sự viên của ông lòng biết ơn sâu xa của tôi và của dân chúng Hoa Kỳ về một công việc đã được hoàn tất tốt đẹp. Thành thực,"



(2)- của ông Tổng Trưởng Ngoại Giao, thân mật hơn :

- " Gởi ông Graham Martin,

của Henry Kissinger,

Tôi chắc chắn là ông biết những cảm nghĩ sâu xa của tôi về thành tích của ông trong những điều kiện

thật không gì khó khăn hơn. Hãy nhận những lời cám ơn nồng nhiệt nhất của tôi. Nghĩ về ông .

Tái bút : Sẽ chấp nhận mọi tin tức về các dự tính du lịch tức thời của ông để chuyển cho gia đình ông"



(3)- của tướng Brent Scowcroft từ Nhà Trắng, một công điện rất giản dị :

- " Graham, ông thật là tuyệt diệu."



Các trực thăng, với những Thủy Quân Lục Chiến của thiếu tá Melton bị phân tán ra hết. Trực thăng của thiếu tá thì đáp ở mẫu hạm Midway, còn trực thăng của người phó của ông thì đáp trên chiếc Vancouver.

Các trực thăng Việt Nam, hết nửa còn trống hay chở đầy binh sĩ và dân sự gồm đàn bà, bô lão, trẻ con, thúng rổ đựng trái cây, đạn dược súng ống lẫn lộn bay đến. Thiếu tá Melton còn thấy cả những hành khách ra khỏi trực thăng với những con gà chân cột lại.

Thật là rất đúng, có thể là tượng trưng, là chiến tranh của người Mỹ, quá cơ giới hóa, đã kết thúc với những chiếc trực thăng. Từ năm 1965, đối với các Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ, trực thăng được xem như là một vũ khí tấn công quyết định. Bây giờ thì trực thăng là phương tiện triệt thoái.

Di động, dễ điều động, trực thăng được ghi nhận là đã tiến xa trên bốn điểm - mà cũng là bốn nhược điểm ? về đặc tính của Hoa Kỳ : sự lạc quan, sự háo chiến, sự mất kiên nhẫn và lòng tin ở cơ giới tối tân. Ngày 30 tháng 4 nầy, trong lúc hình ảnh cuối cùng của các vũ điệu trên không đang diễn ra trên các chiến hạm thì người ta bỗng ghi nhận là trực thăng đã trở thành phương tiện tiêu biểu của một sự triệt thối.

Chiếc Midway đang di chuyển. Các sĩ quan đã cho ông thiếu tá Melton biết là chiếc mẫu hạm nầy sẽ đến bờ biển Thái Lan để chở các phi cơ tiềm kích của Miền Nam Việt Nam . Có một chiếc phi cơ nhỏ xuất hiện trên vùng trời và qua truyền tin gởi một công điện:

- " Tôi là một thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa , tôi có chở theo vợ và mấy đứa con của tôi.Tôi xin phép được đáp xuống.

Trả lời :

- "Không thể được . Chúng tôi không có sẵn sàng. Chúng tôi không có lưới an toàn để chận phi cơ loại nầy của anh.

- "Tôi đáp xuống đây"

Chiếc phi cơ được phi công Việt Nam đặt trên trục tiến của mẫu hạm, đáp xuống, thắng lại, và thành công. Cà binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân trên mẫu hạm đều nhiệt liệt hoan hô phi công, cả ông thiếu tá Melton cũng vậy.



Thiếu tá Melton rất bằng lòng. Không có một người nào của ông bị thương hay tử thương. Thủy Quân Lục Chiến được thành lập để tấn công, đổ bộ, và chiếm vị trí. Trong những ngày sau cùng nầy, họ đã bảo vệ cho một cuộc triệt thối. Thiếu tá Melton là một quân nhân hiện dịch, đã làm đúng theo lệnh. Đứng tựa vào lan can, ông ngắm nhìn các chiếc thuyền nhỏ chung quanh mẫu hạm, quan sát các binh sĩ Hải Quân dưa những người tỵ nạn lên mẫu hạm.

Tướng Richard Carey tổng kết 3 ngày làm việc của mình, ngày 28, 29 và 30 tháng 4. Kết quả tốt cho cuộc di tản bằng đường biển : 8 chiếc tàu đã chở được 29. 783 người tỵ nạn, hầu hết từ Vũng Tàu; 2500 người được bốc đi từ hai đảo Phú Quốc và Côn Sơn.. Chiếc Pionner Commander đã cứu được 4669 người ở vàm sông Sài Gòn

Các phi công Hải Quân đã bay đổ đồng 13 giờ một ngày. Có nhiều anh đã bay trực thăng của mình suốt 18 giờ liên tục. Riêng cho những trực thăng di tản đã có 689 chuyến bay trong đó có 160 chuyến bay đêm . Có hai Thủy Quân Lục Chiến bị tử thương ở phi trường. Và hai phi công, một của chiếc CH46 cố đáp xuống mẫu hạm Hancock đã bị lật úp xuống biển, không có hành khách, hai phi công chánh và phụ bị chết chìm, người ta đã cứu được hai xạ thủ đại liên. Một chiếc AH.1J, trực thăng võ trang, bị khó khăn về nhiên liệu, đã bị phi công cho xuống biển cách chiếc Okinawa bốn dậm. Phi hành đoàn bình yên. Như vậy có tất cả là 4 quân nhân bị tử thương.

Từ các bãi đáp gần các dãy nhà của Phòng Tùy Viên quân sự ở phi trường Tân Sơn Nhất , Thủy Quân Lục Chiến đã bốc đi được 5.600 người . Không có một người nào nghĩ rằng mình đã di tản được 2206 người trong đó có 1375 công dân Hoa Kỳ, từ trong sân và trên sân thượng của tòa đại sứ .

Có đôi lúc trên tàu, binh sĩ Hải Quân nhất là trong lúc họ phát lương thực, đã bị chửi, đôi khi còn bị người tỵ nạn xô đẩy nữa. Những mầm nổi loạn.? Không ... Có vài người tỵ nạn bị đè bẹp. Trên một số chiến hạm, các binh sĩ Miền Nam mặc quân phục có, mặc thường phục có, có võ trang đã tạo ra tình hình căng thẳng, nhưng binh sĩ Hải Quân đã giải giới được họ và lập lại trật tự có qui củ bình thường

Cũng có vấn đề khó khăn về vệ sinh . Đôi khi người ta thiếu nước , Dưới hầm tàu thì có mùi nôn mữa và phân người . Đúng ra đây là một vấn đề quá khó vì người Việt Nam được chở trên tàu quá đông.

Điều ngạc nhiên, là không phải không có điều gì xảy ra, mà đã không có có xảy ra nhiều .



Đại tá Lê vĩnh Hòa không muốn rời khỏi Sài Gòn . Vào lúc 6 giờ, ông ta còn ở trong văn phòng giám đốc đài truyền hình. Ông định lái xe đi ra . Cảnh sát đã ngăn ông lại:

- " Ông bị bắt.

- Ai bắt tôi ?

- Theo lệnh của Tổng Thống Dương văn Minh.

Ra đi, là trốn chạy, là đào ngũ. Tổng Thống đã ngăn cấm các sĩ quan không được rời khỏi Sài Gòn .

Ở căn cứ Tân Sơn Nhất, nơi mà tất cả binh sĩ đều ôm chặt máy thu thanh, trung sĩ Thương, đang chờ đợi tin tức của Chánh Phủ mới

Đang có một buổi họp ở văn phòng của Thủ Tướng, ở một ngôi nhà cổ của người Pháp trên đại lộ Thống Nhất. Chung quanh Tổng Thống có Thủ Tướng Vũ văn Mẫu, một vài quân nhân và công chức cao cấp.. Một cố vấn của Tổng Thống, ông Lý quý Chung, từ trại Davis trở về. Người của CPLTCHMN không chấp nhận thương thuyết với tân Tổng Thống . Họ không sẵn sàng cho bất cứ một sự nhượng bộ nào, quân sự cũng như chánh trị .

- "Họ đòi hỏi "phải giải tán Quân đội và cảnh sát bù nhìn" Họ sẵn sàng cung cấp giấy thông hành cho Tổng Thống và người của ông .

Các cố vấn của ông Minh chia thành phe phái. Có nên lấy một vị thế cứng rắn hay không ? Nhưng muốn vậy thì phải dựa vào ai ? Các sư đoàn ở mặt trận, các sư đoàn 5, 18, 22 và 25 cũng như thành phần còn lại của các lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến hay Dù, theo tin tức quân sự giờ chót đều tan rã hết. Vài vị khuyên nên đầu hàng. Ông Minh còn lưỡng lự. Người ta gởi một đại diện mới nữa vào trại Davis.Người ta điện thoại. Các ông Phật Giáo, các vị Công Giáo, và các nhà ngoại giao Pháp họ đều thú thật là họ không biết cộng sản muốn gì nữa . Đùng một cái, tướng người Pháp, ông Francois Vanuxem xuất hiện, mặc thường phục.. Ông nầy là người chủ trương đánh tới cùng ở chiến trường Algérie thuộc Pháp, thạc sĩ triết học. Ông đã cho khá nhiều dự án. Ông đề nghị một đề án khác : mình phải yêu cầu Trung Quốc tấn chiếm Miền Bắc Việt Nam . Lúc bấy giờ nước Pháp sẽ làm trung gian hòa giải. Ta có thể nhờ đó giữ được một Miền Nam trung lập hay được trung lập hóa .

Ông Minh soạn một văn bản và trao cho Thủ Tướng của ông, sau đó ông trở về Phủ Tổng Thống để thu băng. Đài phát thanh sẽ cho phổ biến văn bản nầy vào lúc 10 giờ 24 phút:

- " Đường lối chánh trị của chúng tôi là hòa giải. Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự hòa giải của người Việt Nam để tránh khỏi đổ máu thêm một cách vô ích. Tôi yêu cầu binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa hãy chấm dứt chiến sự và nằm yên tại chỗ. Tôi yêu cầu binh sĩ anh em của CPLTCHMN cũng nên chấm dứt chiến sự. Chúng tôi đợi ở đây để gặp CPLTCHMN để cùng nhau bàn thảo về một buổi lễ bàn giao quyền bính và tránh đổ máu của dân chúng vô ích. "

Trong bản tuyên bố nầy, tướng Minh không bao giờ nhắc tới quân đội Bắc Việt . Ông chấp nhận tổ chức hư cấu thường được gọi là CPLTCHMN , ông cũng cho thấy rõ ràng là ông không nghĩ tới chuyện nắm giữ lại một phần nào dù là bề ngoài của chánh quyền .Ông ta sẽ "chuyển giao". Ngay sau đó, đài phát thanh cũng phát đi một thông cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa :

- " Binh sĩ, trung đoàn trưởng, lực lượng bảo an, dân vệ..Tôi, tướng Nguyễn hữu Hạnh, Tổng Tham

Mưu Phó thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc Tổng Tham Mưu Trưởng , tôi yêu cầu các tướng lãnh và binh

sĩ các cấp, phải triệt để tuân lệnh Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa liên quan đến chuyện ngừng bắn.

Bộ Chỉ Huy Quân sự của chúng ta đã sẵn sàng liên lạc với Bộ Chỉ Huy Quân sự của CPLTCHMN để thực hiện một cuộc ngưng bắn mà không đổ máu "

Thủ Tướng cũng có một bản tuyên bố ngắn:

- " Trong một tinh thần hòa giải và hòa hợp, tôi, giáo sư Vũ văn Mẫu, Thủ Tướng, xin kêu gọi tất cả các tầng lớp dân chúng hãy hân hoan chào mừng ngày hòa bình cho dân tộc Việt Nam . Tôi kêu gọi tất cả công viên chức của Chánh Phủ hãy trở về nhiệm sở và hoạt động lại như cũ ."

Tại phi trường trung sĩ Thương khóc

Ngay tại nhà mình, ông kỹ sư Văn kết luận là những cuộc thương thuyết của ông Minh đã không đi đến đâu hết. Ông nghĩ rằng người cộng sản không bao giờ chấp nhận một chế độ trung lập. Nhưng rồi ông nghĩ lại. Dù sao ông cũng muốn tin ở sự khoan hồng của kẻ thắng trận. Ông đi vào văn phòng của ông. Phần đông các bạn đồng nghiệp của ông đều nghe theo lời kêu gọi của Thủ Tướng, nhưng họ vẫn sợ.

Hầu hết các Phật Tử ở trong chùa của hòa thượng Thiện Hoa đều nói :

- "Hết rồi, chúng ta có thể đi về nhà rồi.



Tại Hoa Thạnh Đốn Tổng Thống Gerald Ford vừa ăn tối xong với quốc vương Hussein của nước Jordanie. Người ta cho ông biết về tuyên bố của ông Dương văn Minh. Không có người nào gợi lên chuyện đầu hàng nầy và cả nước Việt Nam nữa.

Bộ Tổng Tư Lệnh Quân đội Bắc Việt đã nghe lời tuyên bố của ông Dương văn Minh trên đài phát thanh. Tướng Dũng nói :

- "Làm gì có vấn đề tước đoạt chiến thắng của mình bằng "trò chơi cút bắt" nầy được ?

Bộ Chánh trị cho lệnh:

- "Tiếp tục tấn công vào Sài Gòn theo kế hoạch đã dự trù" Tăng tốc độ và tăng cường tối đa sự tiến quân của chúng ta . Phải giải phóng cả thành phố, giải giới địch quân. Phá vỡ bộ máy hành chánh của địch trên tất cả mọi cấp. Đập tan hết mọi mưu toan kháng cự. "

Ngay tức khắc tướng Dũng phổ biến lệnh cho tất cả các đơn vị:

- " Gởi tất cả các quân đoàn, các khu quân sự , tất cả các đơn vị: thứ nhất,tiếp tục tiến càng nhanh càng tốt đến các mục tiêu đã được chỉ định ở trung tâm thành phố và ở các tỉnh. Thứ hai, kêu gọi địch quân phải đầu hàng và giao nộp tất cả vũ khí. Bắt giữ và tập trung tất cả các sĩ quan địch từ cấp tá trở lên. Thứ ba: Đập tan ngay tại chỗ tất cả mọi mầm móng kháng cự."



Một vài nơi ở Sài Gòn nhất là trong các văn phòng và các biệt thư bỏ trống của người Mỹ, đã thấy người ta cướp bóc. Đàn ông, đàn bà, con nít gỡ và khiêng đi nào là đèn, máy thu thanh, vòi nước trong bồn rửa mặt, máy đánh chữ, bàn ghế đủ loại, đi văn, nệm, giường. Trong các sân và cầu thang của tòa đại sứ rải rác đầy những giấy tờ, sách báo, và hồ sơ báo cáo.... Trong các tầng lầu, người ta đua nhau gỡ các máy điều hòa không khí, các tủ lạnh được mở tung tóe. Có nhiều người cố thử mở các tủ sắt . Chỗ nào cũng có các ghế phô tơi bị tháo tung ra, các khuôn hình và các bức tranh bị đập nát. Có nhiều người Việt Nam còn trẻ, mặc sọt, ở trần trùng trục, đang di tản mấy chiếc ghế tràng kỷ dài. Từ 30 năm qua, người Việt Nam với tánh kiên nhẫn và khéo tay, đã thu nhặt và sửa chữa, đóng hay dán lại mọi loại vật dụng. Bây giờ thì họ lại tiếp tục. Các ông chủ củ đã ra đi, các ông chủ mới còn chưa thấy có mặt.

Tại dinh Tổng Thống , điện thoại reo tới tấp và liên tục. Ông Nguyễn văn Hảo, cựu Tổng Trưởng Kinh Tế nói to lên:

- "Những người nào đã có một trách nhiệm nào đó đối với đất nước không thể ra đi được . Dù có gì xảy ra cũng phải ở lại. Bắc Việt biết rõ họ muốn gì. Họ đã tranh đấu từ ba chục năm rồi, họ xứng đáng để lãnh đạo Việt Nam ... một đất nước thống nhất và độc lập, tương lai được bảo đảm. Miền Nam giàu về nông nghiệp và dầu hỏa, Miền Nam có thể giúp đỡ cho Miền Bắc .

Vị tân Thủ Tướng đã chỉ định ông Lý quý Chung trong chức vụ Tổng Trưởng Thông Tin, ông nầy tuyên bố:

- "Chúng ta không có một mặc cảm nào về sự đầu hàng... Đừng bao giờ nói tới lực lượng thứ ba nữa. Lực lượng nầy không có chỗ đứng chánh trị của nó. Nhất là nó chỉ đại diện cho một dân tộc thống nhất và không đánh nhau.

Ngoài thành phố, cờ xí treo rộp trời. Dân chúng treo cờ xanh và đỏ của CPLTCHMN ở cửa sổ. Trên các công sở thường thường người ta chỉ treo môt miếng vải trắng hay một tấm vải trải giường trắng. Có nhiều người treo cờ Pháp, nghĩ rằng để thay thế cho một loại đặc miển ngoại giao. Trời rất tốt.

Ông Patrick Hays đi một vòng Sài Gòn . Có nhiều đường vắng teo, có đường cũng đông nghẹt. Ông gặp những người lính Dù, có võ trang, rất có kỹ luật ở đường Công Lý và Pasteur. Ông đến bệnh viện Grall. Ờ đây chung quanh các dãy nhà có nhiều người dân sự và rất nhiều quân nhân mặc thường phục.

Đại úy Phạm Thình làm việc ở Bộ Tư Lệnh Cảnh sát . Thượng cấp của ông, trong đó có tướng Nguyễn khắc Bình Tư Lệnh cảnh sát và Giám Đốc Trung Ương Tình Báo, cùng với 3 tướng lãnh khác và 4 đại tá và một số sĩ quan khác đã ra đi. Phạm Thình ở lại với nhiệm vụ "giữ gìn trật tự và danh dự". Hai ngày trước ông Thình đã gởi vợ con đi Pháp. Ông đã từng giúp hãng hàng không Air France ở văn phòng nên người ta đã giảm giá vé cho ông đến 50 %. Ông Thình đã yêu cầu người ta đốt hết tất cả hồ sơ. không một ai đả đụng tới. Ông quyết định đến tỵ nạn ở tòa đại sứ Anh, đang được người gát cổng. ông Sam, dân Ân độ, coi sóc. Nơi đây ông thấy có một đại tá và khoảng 12 sĩ quan cảnh sát . Họ lên xe đi đến bệnh viện Grall. Họ tin tưởng rằng ở đây có treo một lá quốc kỳ Pháp và họ sẽ được bảo vệ. Đại úy bỏ khẩu súng của ông. Ông nghĩ nhiều tới những hồ sơ vẫn còn ở Bộ Tư Lệnh , từ những tờ giấy đã ngả vàng và bụi bậm với những lời phê bằng mực tím, từ hồi còn người Pháp... cho đến những tờ giấy đánh máy, các bản sao của cơ quan CIA. Đại úy nầy thù ghét cộng sản nhưng ông tự nhủ là có thể họ sẽ tỏ ra hiểu biết. Họ sẽ nói về hòa hợp và hòa giải. Tất cả mọi chế độ đều cần cảnh sát Có thể người ta sẽ hạ cấp bậc ông xuống một ít. Và ông sẽ lấy lại cấp bậc cũ của ông trong tương lai.

Nhiều toán quân nhân Miền Nam Việt Nam đi lang thang trong thành phố. Có một số lớn đã vứt hết vũ khí và cả quân phục của họ. Trên lề đường vương vãi đầy quần áo trận, giày cao cổ đi rừng, nón sắt, mũ nhựa, băng đạn v.v.. Có những lời đồn đoán được loan đi một lần nữa. Một vài người dân Sài Gòn quả quyết là cộng sản sẽ trừng phạt thành phố bằng bom đạn. Người khác thì tin chắc và xác nhận là chiến xa Bắc Việt sẽ không vào thành phố. Sài Gòn sẽ là một thành phố tự do như Hong Kong vậy, vì Hà Nội cũng cần có một cửa mở ra cho vùng Á Đông.

Ở công trường Lam Sơn, dưới chân tượng đài "chiến sĩ Việt Nam" có một tử thi nằm dài giữa hai chậu bông. Một ông trung tá cảnh sát, sau khi nghe lời tuyên bố của ông Dương văn Minh, đã đến đây. Ông đứng nghiêm chào tượng đài, đứng nguyên vị thế nghiêm một lúc lâu rồi ông ta tự bắn vào đầu một phát sùng lục. Có một số lớn sĩ quan đã tự tử trong ngày 30 tháng 4, trong đó có tướng Trần văn Phú, cựu Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật. Hồi xưa những người có trách nhiệm mà không làm tròn nhiệm vụ quan trọng thì phải tự sát.

Người ta ghi nhận có nhiều đơn vị Bắc Việt trong vùng ngoại ô. Có một số thành phần của quân đoàn 3 Bắc Việt đã tiến đến gần phi trường. Tướng Văn tiến Dũng đã cho 150.000 người tiến sát vào Sài Gòn . Một vài đơn vị của Miền Nam Việt Nam vẫn còn kháng cự ở vùng cầu Tân Cảng trên sông Sài Gòn . Người ta thấy cả bộ binh và chiến xa Bắc Việt đi qua cầu. Bộ binh thì được xe Quân đội chở, theo sau là các khẩu đại bác của Pháo Binh có xe kéo, và các khẩu đại bác cao xạ phòng không . Các xa đoàn trên chiến xa thì khó thấy được. Đôi khi, họ hòi thăm đường giống như khách du lịch đi lạc vậy.



11 giờ :

Ở phi trường, trung sĩ Thương và hai chục binh sĩ nhận lệnh của cấp trên, ông Lê xuân Huyến :

- " Hết rồi, các anh hãy bỏ súng xuống và về nhà hết đi, còn tôi , tôi phải ở lại để bàn giao...

Không có một người nào chịu đi

Tại dinh Tổng Thống , ông Dương văn Minh mệt mỏi, đang có mặt với Thủ Tướng của ông và một vài nhà báo. Ông nói:

- " Tôi đợi anh em ở "phía bên kia"

Ông cũng tâm sự với anh Jean Louis, trưởng phòng của cơ quan truyền thông AFP:

- " Tôi không biết là phải đợi họ hôm nay hay ngày mai... Phải có người nào đó....

Khi các bộ đội Bắc Việt xuất hiện, các nhân viên người Việt đã bị CIA bỏ quên ở khách sạn Duc, bắn mấy tiếng súng lục và liên thanh. Mấy tràng liên thanh nặng và hỏa tiển đã làm cho họ im ngay. Phía sau lưng nhà thờ Chánh Tòa, một trung đội Dù cố ngăn các chiến xa địch. Tất cả đều bị thương hay tử thương.

Người dân Sài Gòn quan sát đoàn quân chiến thắng Bắc Việt với một sự nhẹ nhõm, sợ hãi và ngạc nhiên lẫn lộn. Hầu hết các bộ đội hình như còn quá trẻ hơn là có kỹ luật. Sĩ quan thì hình như đã quá tuổi 40. Các pháo tháp của chiến xa thường được mở toang, chiến xa thì được nghi trang bằng lá dừa nước .



11 giờ 45:

Trung sĩ Thương của Việt Nam thấy bộ đội Bắc Việt trang bị súng AK. Họ nói lớn tiếng và mạnh dạn, toàn nói tiếng Bắc:

- "Ai chỉ huy ở đây ?

Thiếu tá Lê xuân Huyến tiến tới và nói :

- "Tôi"

Bộ đội Bắc Việt ra lệnh cho tất cả đều phải cởi bỏ hết quân phục. Các binh sĩ nghe theo lệnh, và mặc quần cụt đứng chờ. Người ta nói là tất cả, người thắng trận cũng như người thua trận đều có vẻ sợ. Người thắng trận thì sợ mắc bẩy, người thua thì sợ bị hành quyết. Bộ đội Bắc Việt cho lệnh họ trở về nhà, trừ thiếu tá Huyến. Trung sĩ Thương cùng ra về với các đồng đội.

Có nhiều xe jeep chạy quanh trong thành phố, chở đầy sinh viên mang súng M.16 nhưng đeo băng đỏ.

Anh Tiên, một người trẻ thích xi nê, đã từ Hà Nội vào, đi trên 6 chiến xa Bắc Việt đến trước Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hòa . Chiến xa xếp thành hàng trong sân , súng chĩa thẳng vào Bộ Tổng Tham Mưu . Vào giờ chót toán chiến xa nầy được lệnh đến khám Chí Hòa, rồi lại được lệnh trở về Bộ Tổng Tham Mưu vì các tù nhân đã được thả hết rồi.

Anh Tiến nầy thấy bằng lòng, chiến tranh đã chấm dứt, anh ta sẽ về gặp mẹ anh và ông anh.

Chiến xa mang số 879, thuộc lữ đoàn 203, do Bùi đức Mai chỉ huy, đã vào đại lộ Thống Nhứt, qua khỏi tòa đại sứ Hoa Kỳ để tiến tới. Người trưởng xa nhận thấy mình đã đi quá xa, nên lui lại và hướng về Dinh Độc Lập tiến tới . Chiến xa nầy chạy tới trước hàng rào và những bồn cỏ. và với một hành động cố ý hay tượng trưng, vì không có một ai ngăn cản và lính gát đã chờ để mở cổng dễ dàng, chiến xa mang số 879 ủi sập hàng rào sắt và tiến tới tòa nhà lớn. Chi đoàn trưởng Bùi quang Thuận bước xuống chiến xa , bước lên cầu thang, lên đứng tại bao lơn. Một anh bộ đội đi lại lan can để hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa xuống và kéo cờ xanh đỏ của CPLTCHMN lên. Bây giờ là đúng 12 giờ 15 phút, giờ Sài Gòn , 11 giờ 15 phút giờ Hà Nội, lá cờ của CPLTCHMN đã phất phơ trên dinh Độc Lập. Các chiến xa khác cày nát bải cỏ vào bố trí thành hàng...Các bộ đội cũng chia ra nằm rải rác trên bãi cỏ. Xa xa, về hướng tòa đô chính, người ta nghe được một vài tiếng súng nỗ lẻ tẻ và cũng có một vài tiếng lựu đạn nỗ. Dân chúng, trong đó rất nhiều trẻ con và nhà báo bu quanh các chiến xa và các bộ đội Bắc Việt. Sĩ quan và bộ đội Bắc Việt phân tán ở tầng trệt nhưng sau đó tràn lên lầu một, và ở đó họ gặp Tổng Thống Dương văn Minh và những người trong chính phủ của ông. Ông Tô văn Quang, một nhân viên Điện Lực hình như cũng có mặt để làm trung gian. Một anh Bắc Việt có lẽ quá sốt ruột đã hỏi xem có ai có vũ khí gì không :

-" Nếu có vũ khí thì vất xuống đất hết đi.

Có hai người nói với ông Dương văn Minh, với 2 cách đối xử hoàn toàn khác nhau . Một người thì có vẻ ôn hòa hơn, là đại tá Bùi Tín, một nhà báo, từng là sĩ quan báo chí thuộc phái đoàn quân sự Bắc Việt trong Ban Liên Hợp Quân sự 4 Bên Trung ương ở trại Davis, là sĩ quan cao cấp nhất lúc bấy giờ , đến để chấp nhận sự đầu hàng :

- " Các ông không có gì để phải sợ sệt, Giữa người Việt Nam với nhau, không có người thắng không có người thua. Chỉ có người Mỹ mới là kẻ bại trận. Nếu các ông là những người yêu nước thì hãy xem đây là phút giây vui sướng. Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc rồi.

Ông Dương văn Minh trả lời :

- " Chúng tôi chờ các ông để giao quyền bính.

Một sĩ quan cấp úy khác có lẽ tên Tùng, thẳng thừng nạt lại:

- " Các ông không có gì để mà giao nộp. Các ông chỉ có đầu hàng vô điều kiện thôi. Các ông hãy đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ông Minh cúi mặt xuống, ríu ríu bước xuống cầu thang của dinh Độc Lập và đi đến đài phát thanh đọc một văn bản do một sĩ quan Bắc Việt thảo ra:

- " Tôi tuyên bố là nền hành chánh của Sài Gòn hoàn toàn được giải tán từ trung ương đến địa phương. Từ cấp trung ương đến địa phương, đâu đâu cũng đều đầu hàng CPLTCHMN .

Ông Dương văn Minh trở về dinh, nơi đây đã có gần 40 chiến xa Bắc Việt đại bác và liên thanh chỉa ra ngoài như để phòng thủ nơi nầy vậy. Một vài tù binh đang ngồi dưới đất, đứng dậy và được mấy bộ đội Bắc Việt dẫn đi gia nhập vào các hàng tù binh khác trong thành phố.

Còn bộ đội Bắc Việt thì lớp đứng, lớp ngồi chồm hổm, người thì đội nón cối người để đầu trần, đang ba hoa với dân chúng

Ông Minh và những người của ông ăn trưa. Bữa cơm của một Tổng Thống , cua biển chiên và mì ống đã sẳn sàng. Người ta cho Tổng Thống một khẩu phần của bộ đội gồm có cơm và thịt hộp.

Có nhiều thanh niên -được gọi là "cọp 30/4", mới nhảy ra tham chiến vào giờ chót - một số có võ trang, chạy khắp thành phố trên những chiếc xe sung công.

Trung sĩ Thương, mặc thường phục, trở về nhà ở đường Lăng Cha Cả. Nhà anh trống vắng. Anh lấy một chiếc xe đạp và đạp đi. Trên đường Trương minh Giản, anh thấy một số binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chết nằm dài dưới đất. Anh đi đến gần chợ, thấy toàn là chiến xa và xe vận tải Molotova. Các "cọp 30" mang băng đỏ, ồn ào cho lệnh đám đông :

- Vỗ tay đi "

Đàn bà và trẻ con chạy vào tiệm mang đi các băng ghi âm, đèn, máy thu thanh. Mấy ông "cọp 30" vội la lên :

- Đừng có cướp phá, đó là tài sản của nhân dân !"

Một vài anh Việt Cộng , mặc bà ba đen đội nón vải đi rừng, với khăn rằn choàng cổ mang súng AK.47 và súng phóng hỏa tiển, được thấy lẫn lộn trong đám bộ đội Bắc Việt .

Tại Bộ Tổng Tư Lệnh, tướng Dũng hớn hở :

-" Trên bản đồ của chúng ta, 5 cánh quân của chúng ta vừa nở ra như những tai của một hoa sen. Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng Tham Mưu và các Bộ Chỉ Huy của các binh chủng. Quân đoàn 3 chiếm phi trường Tân Sơn Nhất , ở đó họ bắt tay với phái đoàn quân sự của ta ở trại Davis. Nhiều pha gặp lại nhau cũng cảm động và nên thơ lắm. Quân đoàn 4 đã đóng quân ở bộ Quốc Phòng , bến Bạch Đằng và đài phát thanh. Toán đặc nhiệm 232 kiểm soát Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô và Bộ Tư Lệnh Cảnh sát ."

Nơi đây các đơn vị đặc biệt đã khám phá được hằng ngàn hồ sơ và các máy điện toán, làm cho họ phải suy nghĩ. Tướng Dũng tiếp tục:

- "Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập, chỗ mà những người Mỹ làm đủ mọi trò để bán đấu giá nền độc

lập của chúng ta . "

Ở Bộ Tư Lệnh Bắc Việt , có cuộc họp của những người chỉ huy. Họ ôm nhau và khen lẫn nhau. Ông Lê đức Thọ, Phạm Hùng và tướng Văn tiến Dũng đã ôm hôn nhau. Trong phút giây sung sướng đó, tướng Tổng Tư Lệnh Bắc Việt đốt một điếu xi gà và kéo vài hơi thích thú.

- "Một mùa xuân lạ thường vừa mới nở ra thình lình trong một khúc nhạc vui không thể tả được " tướng Dũng viết . Tướng Dũng nầy, một quân nhân có tuổi, luôn chiến đấu, 36 năm trước vốn đã có lúc phải tỵ nạn trong một ngôi chùa Phật Giáo , ám chỉ cho một công thức lạ lùng trong chu kỳ sanh và tái sanh trong Phật Giáo :"Giây phút nầy, người ta chỉ sống được có một lần trong cả cuộc đời , hay có thể trong nhiều cuộc đời. Dù sao thì cũng chắc chắn là không có hai lần như vầy trong một đời người ."

Một trong số sĩ quan của ông nói :

" Kể từ giờ nầy người ta có thể đưa vũ khí qua bên trái, lòng thấy đã thỏa mản ."

Tướng Dũng đã tìm thấy lại được hình ảnh cũ của hoa sen, cái hoa đầu tiên, mới xuất hiện lần đầu tiên của cuộc đời trên dòng nước đục, cái hoa đẹp và trong trắng. Tướng Dũng đã từ những dòng nước bẩn đó của chiến tranh đi ra, từ các chiến khu, từ những cuộc tấn công thất bại và sau đó thành công. Một trong những người cận vệ của ông ta, anh Võ xuân Sang đã chụp được những giây phút hoan hỷ nầy. Dĩ nhiên là các hệ thống dân sự và quân sự của người cộng sản đều tỏ vẻ hân hoan. Tướng Dũng trong hồi ký của mình, đã rơi nhanh vào giòng thơ trử tình lẫn lộn với các hình ảnh loại tình cảm chánh trị mà Hà Nội cho phép:

- " Phải, chúng tôi đã khóc vì mừng trong ngày chiến thắng nầy... Ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi là dành cho Bác Hồ, sau giây phút loan báo chiến thắng hoàn toàn đó . Chúng tôi hình như nghe được tiếng chuông reo ở nhà sàn của Người , để báo cho Người chiến thắng mới. Chúng tôi hình dung được Người đang đứng sau các bức màng, đang viết một bài thơ để mầng chiến thắng.."

Bác Hồ đã nói rằng Người chờ 10 , hai chục hay ba chục năm nếu cần. Quân đội là Đảng, và đảng như một hoa sen, với bốn, sáu, hai mươi và ngàn tai. Hoa sen với một ngàn tai, đó là cả một sự phát hiện và đảng là sự thật. Chỉ còn có việc làm cho người dân Miền Nam vốn thường hay lãnh đạm hay cười và hay bị mua chuộc, để cho họ hiểu và chấp nhận . Tướng Dũng nghĩ rằng Sài Gòn và Miền Nam cũng như Hà Nội và Miền Bắc xứng đáng được biết "cuối cùng là hòa bình và hạnh phúc ". Rất giản dị là họ không được biết loại hạnh phhúc nào mà họ rất cần . Còn người dân ở Hà Nội thì họ đã biết rồi. Hạnh phúc rất xứng đáng phải được tổ chức.Trong thành phố loạn ly và đầy nghi ngờ nầy, có nhiều người dân và quân nhân cần phải đền tội trước hết. Ngoài một vài quyền lợi hay nhiều đau khổ cá nhân, mới có nẩy ra được hạnh phúc tập thể trên tất cả những khát vọng nhỏ nhoi cá nhân, ích kỷ và tư sản đáng khinh.

Tại Sài Gòn trên bãi cỏ có bóng mát trong dinh Độc Lập hiện có gần 2000 bộ đội Bắc Việt cười nói vui vẻ. Lúc họ tới họ không nhận thấy được những biểu hiện vui mừng ồ ạt như họ đã dự kiến . Có nhiều khẩu súng được cài hoa trên đó, Các bộ đội ăn cơm nếp với đồ hộp.

Bệnh viện Grall đầy ấp người dân tỵ nạn, trong đó có những người Đại Hàn, người Đài Loan, Cả đàn ông đàn bà và trẻ nít đã chiếm hết các bãi cỏ và họ cấm lều giữa các dãy nhà tiền chế. Có nhiều người thấy xa hơn nên đã xin nhập viện từ mấy tuần trước . Một ông già buôn bán đồ cổ, nghiện thuốc phiện, ông Thanh An, đã thuê một căn gác xép của bệnh viện, được gọi nôm na là "chuồng bồ câu" gồm có một phòng ở đầu dãy nhà có nhiều hành lang. Ở đây hồi xưa, các đô đốc toàn quyền Pháp đã từng được săn sóc ở "chuồng bồ câu " nầy. Nằm dài trên chiếu rơm, ông lão thong dong đưa ống tẩu lên hút thuốc phiện ...

Ông Patrick Hays không bao giờ dùng đến vũ khí của mình.Người phụ tá của ông , ông Hamieux, chở vũ khí của họ trên một chiếc xe Jeep mui trần để đến bệnh viện Grall xuyên qua thành phố đầy bộ đội Bắc Việt . Ở bệnh viện, các vũ khí nầy sẽ nhập vào với đống vũ khí mà những ai muốn vào tỵ nạn ở đây dưới lá quốc kỳ Pháp đều bắt buộc phải vứt bỏ hết. Ông Hays đã nghe được những tiêu lệnh đầu tiên đã được đài phát thanh Giải Phóng phổ biến. Kể từ giờ nầy thành phố Sài Gòn sẽ được gọi là hành phố Hồ chí Minh. Các bà các cô phải ăn mặc chỉnh tề, mặc quần áo khiêm tốn của người nông dân, màu đen hay màu nâu. Màu xám là màu hạnh phúc của người cộng sản . Đài phát thanh của thành phố Hồ chí Minh đã loan báo là đã có một cuộc nổi dậy của dân chúng để vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng.

. Sự thật là cũng có một vài người dân phần lớn là trẻ con ở Sài Gòn đã có vỗ tay, và những người khác thì im lặng. Các xe vận tải chạy khắp các đường phố phóng loa kêu gọi :

- " Lực lượng của MTGPMN đã làm chủ Sài Gòn . Hãy yên tâm đừng có lo sợ. Bà con sẽ được đối xử đàng hoàng nếu biết tôn trọng trật tự và kỷ luật."

Đài phát thanh Gải phóng được đài phát thanh Sài Gòn lập lại ngay sau đó, đã phổ biến 10 điểm trong chương trình của CPLTCHMN :

Lần lần , các bộ đội Bắc Việt điều hành sự lưu thông. Xa xa, các kho đạn vẫn tiếp tục nổ. Có nhiều cột khói đen lên cao ngất trời ở về hướng Chợ Lớn.



Linh mục Jean Mais đã nghe được tin Sài Gòn bị thất thủ do những người giữ ông cho biết: Họ còn nói:

- " Trường hợp của Anh nặng lắm, Anh là một gián điệp quốc tế. Anh sẽ bị giữ lâu lắm.

Linh mục mua một tập vở học trò, một cây bút máy và bao thuốc lá Bastos, loại thượng hạng. Ông giết thì giờ bằng cách soạn một bài mới cho lớp của ông về phép ẩn dụ hay chế ra cách nói lái.

- "Tôi có tội gì ? đôi khi ông thường hỏi

- Anh không biết thiệt sao ?

- Không biết.

- Sao ? Anh dám nói là anh không có tội gì, trong khi cách mạng đã bỏ tù ông ?

Linh mục chờ đợi, chỗ nhốt ông bị dời đổi luôn, từ nhà nầy đến lều khác. Ở đây người ta trao cho ông áo choàng, ở chỗ khác người ta cùm chân ông lại. Một ngày kia, một người giữ ông đọc cho ông nghe một số điều lệ:

- Anh , từ giờ nầy anh được gọi là "số 32". Anh không được nói tên anh ra cho ai biết hết, Cấm không được nói anh là ai. Cấm không được nói về dĩ vãng của anh. Cấm không được nói gì về vấn đề chánh trị . Cấm không được nói chuyệc về đạo giáo.



Hà Nội nhanh chóng đặt chánh quyền của họ lên Sài Gòn nhưng rất kín đáo, và chậm hơn ở các tỉnh của vùng đồng bằng vì ở đó có ít lực lượng cộng sản , chỉ có vài trung đoàn Việt Cộng và một ít bộ đội Bắc Việt về phía Nam của Vùng 4 Chiến Thuật. Cho đến đầu tháng 3, các lực lượng nầy bị phân tán nhỏ ra để mang "tên ma" cấp đại đội và trung đội. Tướng Trần văn Trà đã cho lệnh tập trung lại thành "sư đoàn" của CPLTCHMN nhưng thật sự chỉ có tên trên giấy tờ. Phải "hù dọa"Chánh Phủ Sài Gòn , cho họ tin là CPLTCHMN có nhiều quân.

Trong vùng Đồng Bằng, chiến trận thường chỉ là chiến tranh du kích, bên nào cũng có thiệt hại., có đổ máu. Tướng Trà gậm nhấm hạ tầng cơ sở của chính phủ Miền Nam Việt Nam . Việt Cộng đột kích vào các vụ mùa lúa gạo. Trong Vùng 4 nầy, chiến trận mạnh nhất thường diễn ra ở về phía Bắc, nơi đó Việt Cộng và bộ đội Bắc Việt có thể tựa lưng vào hậu cứ ở Cam Bốt. Các tướng cộng sản Bắc Việt dự định chiếm Cần Thơ vào cuối tháng 3 năm 75. Nhưng với sư đoàn 21 bộ binh có Thiết Giáp yểm trợ, thành phố nầy khó mà chiếm được .. Các nhánh sông Cửu Long lại còn có thể được xử dụng như tuyến phòng thủ thiên nhiên của Miền Nam .

Chánh quyền cách mạng vào Cần Thơ trưa ngày 30 tháng 4, vì sự tự tan hàng của bên hành chánh và của Quân đội Miền Nam hơn là sự tiến quân ồ ạt của Việt Cộng và Bắc Việt .

MTGPMN và CPLTCHMN không bao giờ đủ mạnh trong Vùng 4 nầy. Anh Wilfrid Burchett, một nhà báo người Úc, thân cộng sản, đã vô tình tiết lộ như thế. Bà Nguyễn thị Mười Bé, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân An Nghiệp, một trong 12 khu của thành phố, đã mô tả cho anh Burchett về sự gải phóng của Cần Thơ. Trong khu của bà có 19.000 dân , bà ngây thơ thú thật là vào ngày 28 tháng tư, "hạt nhân cách mạng" chỉ có khoảng 15 người yêu nước . Bà có thêm 4 người dân quân bí mật và 40 lính dân vệ của Miền Nam "sẳn sàng ngả về phe ta, khi có lệnh" . Người ta có thể suy diễn là ở Cần Thơ chỉ có nhiều lắm là vài trăm người cốt cán đã làm việc cho CPLTCHMN . Ngày 30 tháng 4 đến 9 giờ sáng rồi mà họ còn đi phát truyền đơn, còn đi dán biểu ngữ trên tường và trên các gốc cây. Sau đó một lúc, họ phát truyền đơn của họ cho binh sĩ Miền Nam Việt Nam ở nhà kho tiếp vận số 4, trong khu An Nghiệp. Hầu hết binh sĩ đều cởi bỏ quân phục của họ và mặc thường phục đi về nhà.

Cộng sản chiếm đài phát thanh. Lúc 15 giờ, tướng Nguyễn khoa Nam nhận thấy là binh sĩ của CPLTCHMN gần như không có võ trang, nên ông cho một số binh sĩ đến chiếm lại đài phát thanh. Ông xin thêm lực lượng tiếp viện nhưng không có. Sau đó ông với tướng Tư Lệnh Phó Nguyễn văn Hưng của ông mới tự tử.

Ông Nguyễn hà Văn, một thành viên của Ủy Ban cộng sản địa phương, một người tóc đã hoa râm và mặt nhăn nheo, đã giải thích cho ông Burchett như sau :

- "Về sau, trong đêm, lực lượng chánh quy của chúng tôi mới đến. Họ đến trễ vì bị đụng độ dài dài trên quốc lộ số 4."

Chuyện chiếm giữ đài phát thanh là hành động quyết định. Trong các làng và các ấp ở chung quanh, người dân và binh sĩ nhận thấy là đài phát thanh đã ở trong tay cộng sản , nên họ cho rằng kháng cự nữa cũng vô ích. Từng toán hai ba chục người, cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của Miền Nam Việt Nam kéo nhau đi về phía Nam. Nhiều người hy vọng nhập vào các ổ kháng chiến. Nhiều người khác thì nghĩ rằng có thể đến được vùng sình lầy của mũi Cà Mau . Những người khác nữa thì tìm thuyền, tàu, ghe chài để ra khơi tìm hạm đội Mỹ hay của Việt Nam .Có một số toán nầy đi vòng qua các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long , Bến Tre hay Mỹ Tho để ra biển.

Tại Mỹ Tho, quân lính thuộc tiểu khu nầy buông súng xuống lúc 18 giờ.

Các đơn vị Hải Quân quốc gia bắn nhiều tràng súng rồi kéo nhau theo sông Cửu Long chạy ra biển. Binh sĩ Miền Nam kháng cự lại ở một số điểm tựa, ở Bộ Chỉ Huy Bình Định Nông Thôn. Ở đây một đại đội cán bộ bình định không chịu đầu hàng. Cửa ra vào được khóa chặt bằng 2 hàng rào kẽm gai. Theo ông Burchett thì lực lượng cách mạng phải dùng mẹo. Họ nghi trang với quân phục binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa để đến gần trại rồi hạ sát người lính gác để vào trại.



Cũng vào giờ nầy, trên đảo Côn Sơn, có 75 tù nhân nổi loạn. Từ thời Pháp, Côn Sơn và nhà tù ở đây đã là hiện thân của cả một lịch sử và một biểu tượng. Những phòng giam kiểu song sắt như chuồng cọp vẫn còn đó. Đại sứ Graham Martin đã nói rằng các phòng giam nầy cũng sạch sẽ. Các phòng giam được gọi là chuồng cọp nầy là những phòng ở dưới tầng hầm mà người kiểm soát đi lại ở trên. Không có nóc, chỉ có một tấm vỉ song sắt để người ta dở lên cho người tù xuống và để phát thức ăn nước uống cho tù nhân. Có rất nhiều người cộng sản đã đi qua Côn dảo. Hầu hết là tù chánh trị . Các cai tù đã bỏ đi hay đã được vô hiệu hóa. Chiều hôm đó, đài phát thanh Gải phóng loan báo là các tù nhân ở Côn đảo đã thành lập một Ủy Ban gồm 11 thành viên "dưới quyền lãnh đạo của đồng chí Lê Cầu".

Đài phát thanh Gải phóng cũng tuyên bố là "27 tàu chiến của Hải Quân bù nhìn" đã bị khám xét ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam . Họ bị các đơn vị của Hải Quân Bắc Việt bao vây ở hải phận Đà Nẵng , nơi đây không còn có tàu chiến Hoa Kỳ nữa.

Sự thật là Hải Quân Bắc Việt không bao giờ có mặt trong vùng biển dù là hạm đội Hoa Kỳ đang có mặt hay không có mặt.....

Dọc theo tất cả bờ biển thuộc Miền Nam Việt Nam, có quá nhiều dân tỵ nạn đã dùng đủ loại tàu thuyền lớn nhỏ để "vượt biển" , đó là những người vượt biển đầu tiên ! (nguyên tác : "boat people")



Tại Sài Gòn, tòa đại sứ Pháp thảo một điện tín cho Chánh Phủ Pháp . Ông Mérillon giải thích là " buổi trưa ở đây rất nóng bức. Việt Cộng đã chế ngự hết các hệ thống phòng thủ cuối cùng"

Để mô tả cảnh các dơn vị Bắc Việt tảo thanh thành phố, đại sứ dùng danh từ "Việt Cộng" để xác nhận dù gì thì hành động tiến chiếm Sài Gòn cũng chỉ là một hư cấu về phía CPLTCHMN . Ông Mérillon viết tiếp :

- "Bọn Việt Cộng vào Sài Gòn vào giữa trưa, nghĩa là đúng 2 giờ sau lời kêu gọi đầu hàng của ông Dương văn Minh. Thật là vô phước cho ông Dương văn Minh vì tên ông cũng không được ghi chú như là một Tổng Thống ngay trong các công hàm chánh thức cũng vậy. Thật ra không thấy có đánh đấm một trận nào. Trở ngại duy nhất là những tay bắn tỉa lẻ loi, nhưng nhanh chóng bị triệt hạ.... Thường thường vì thiếu tin tức, các binh sĩ Dù và Biệt động Quân đang đánh nhau không chấp nhận tư cách của các công hàm ngoại giao... Về phía bên kia của khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ súng liên thanh vẫn không ngừng tác xạ."

Có ít nhất một mục tiêu mà tòa đại sứ Pháp và Đại sứ Mérillon đã đạt được Ông Mérillon viết.:

- "người ta không có chứng kiến tại Sài Gòn những cảnh giết chóc não lòng như đã diễn ra ở Đà

Nẵng . Trong vòng gần 48 tiếng đồng hồ, Sài Gòn đã biết được sự hỗn độn, một sự hỗn độn tương đối thôi, nếu người ta không muốn nói đến những pha cướp bóc... ".

Có trách nhiệm về an ninh, ông đại sứ lúc nào cũng phải nghĩ tới các công dân của mình :

- "Tôi tin tưởng là có thể nói cộng đồng người Pháp của chúng ta không có bị thiệt hại gì.... Hình như

họ còn nguyên vẹn."

Ông Mérillon cầm điện thoại trực tiếp nối liền với tòa đại sứ Hoa Kỳ lên. Đường dây đã chết rồi.

Thượng úy Bắc Việt Trần bá Đoài đang ở Bộ Tư Lệnh Vùng 4 cộng sản , ở Quảng Bình khi ông nghe được ông Dương văn Minh đã đầu hàng qua đài phát thanh. Thượng úy nầy thuộc thành phần tiểu đoàn 28 của đơn vị vận tải số 559. Ông chỉ huy một đoàn xe 70 chiếc chở đạn dược, cá khô và gạo. Như vậy là chiến tranh đã chấm dứt, sự thống nhất đã bắt đầu...

Cuộc chiến nầy đã quá dài.. .Ông Đoài đã vào bộ đội mười sáu năm nay. Ông từng mong muốn trở thành bác sĩ. Trước khi được chuyển sang ngành vận tải, ông thuộc lữ đoàn 305 Nhảy Dù và đã nhảy được 25 lần, do Trung quốc và Liên Xô huấn luyện. Lúc bấy giờ ông hết lòng phục vụ , để giải phóng và thống nhất đất nước . Đầu óc của ông bị nhét đầy biểu ngữ : "Việt Nam là đất nước của chúng ta" , " Người Việt Nam là một dân tộc thống nhất", "Không có gì quí hơn Độc Lập, Tự Do"... Các khẩu hiệu nầy được gắn liền với ông ta như vết mực xâm trên tay ông ta vậy. Ông ta đã ngày đêm chạy trên đường số 1 , nối liền Hải Phòng đến Hà Nội , sau đó đi vào trong Nam. Ngồi trong buồng lái của chiếc Molotowa, ông dẫn đầu đoàn xe từ 50 đến 80 chiếc xe vận tải . Khi mà mọi việc đều tốt thì ông đi suốt 700 cây số trong hai ngày và một đêm. Nhiều khi một phần ba người của ông bị thương hay tử thương.

Đã từ lâu rồi, ông tự hỏi rồi chiến tranh sẽ đi về đâu ? Vào tháng 12 năm 1974, cấp trên của ông đã nói là chiến tranh còn dài lắm, rằng người ta không thể giải phóng nhanh chóng cho cả nước Việt Nam được . Phải có những "viễn ảnh đúng đắn", người ta không thể tấn công mạnh bạo vào Sài Gòn được , sẽ có nhiều tổn thất cho cả 2 bên. Sài Gòn là một hòn ngọc, Không thể phá hủy nó được bằng một cuộc tấn chiếm. Vào tháng giêng, thượng úy đã dự một buổi họp với 700 sĩ quan đủ mọi binh chủng. tại Hà Nội, gần Ba Đình. Anh ta đã sửng sờ. Người ta loan báo cho hội nghị là có một cơ may đã đến, cơ may nầy ngàn năm mới có một lần.

Cơ may đó đã nắm được . Chiến tranh đã chấm dứt....



Ở Hà Nội, dân chúng cũng như Lãnh đạo đảng đã nghe ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng qua đài phát thanh. Có nhiều cơ quan của chính phủ đã điện thoại đến cho ông Jean Thoraval, phóng viên của cơ quan truyền thông AFP, để có được bản văn chính xác, đầy đủ về lời tuyên bố của ông Minh. Người ta đang sửa soạn ăn lễ 1 tháng 5 . Đối với công đoàn lao động, đề tài của buỗi lễ Lao Động sẽ phải là : "viễn ảnh vô địch và sáng chói của cách mạng Việt Nam". Ngày lễ Lao Động 1 tháng 5 đã trở thành ngày của chiến thắng.



15 giờ chiều:

Đến khoảng 15 giờ , giờ địa phương, người ta được biết chánh thức là thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Việt Nam đã thất thủ. Mọi việc làm được tiếp tục nhưng sau đó được ngưng lại. Tất cả đều ra đường. Buổi chiều hôm đó là cả một niềm vui được nổ bùng. Nhiều người ngoại quốc cũng ăn mừng sự kiện to lớn nầy với số đông dân chúng Bắc Việt . Các nhân viên hợp tác xã và nhân viên ngoại giao người Cuba đi dạo với một dàn kèn ở phố hàng Lụa, trong cổ thành Hà Nội. Đại sứ Thụy Điển mở một cuộc tiếp tân, ăn mừng ngày sinh nhật của Hoàng Đế Thụy Điển, cũng là một buổi lễ quốc gia của nước nầy. Tất cả các tòa đại sứ của các nước Đông Âu đều treo cờ ăn mừng. Một viên chức của Bộ Ngoại Giao Bắc Việt trách tòa đại sứ Pháp là tại sao không làm như các tòa đại sứ khác. Ông Philippe Richer trả lời :

- " Đúng theo phong tục, tôi chỉ treo cờ cho các ngày lễ quốc gia của nước tôi mà thôi."



Tại trại tù Phong Quang, các tù hình sự cũng như tù chánh trị đều ngưng làm việc. Trời quá nóng bức. Cũng như mọi người tù khác, anh Nguyễn Ky đinh ninh rằng một ngày nào đó quân lực Miền Nam Việt Nam sẽ đến giải phóng cho họ. Ông không bao giờ tin là Ban Mê Thuột, rồi Đà Nẵng, rồi Huế đã bị thất thủ. Các loa truyền thanh của trại tù đã loan báo Sài Gòn đã thất thủ. Toàn là chuyện tuyên truyền ! Láo khoét ! Toàn là tin thất thiệt ! Người ta muốn làm cho tù nhân mất tinh thần, đập tan hết mọi hy vọng của người tù. Một binh sĩ của Miền Nam Việt Nam , môt anh Biệt động Quân không thua gì các anh tù khác, cũng không chấp nhận "tin tức" nầy.

Còn nhà thơ Nguyễn chí Thiện trong trại nầy có phản ứng gì ? Người ta chỉ biết là ông tiếp tục nghiền ngẩm lại bài thơ mà ông đã sáng tác :

ĐAU ĐỚN LẮM (xin xem nguyên tác của tác giả Todd Olivier ở dưới )

Đau đớn lắm, cái lầm to của thế kỷ

Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi !

Mấy chục năm trời xương máu đổ đi

Thử hỏi dân đen thu được những gì

Ngoài một số từ lừa mị kẻ ngu si ?

Người "Công Nhân" trước gọi "Cu Li"

"Người Lính" cũ, nay gọi là "Chiến Sĩ"

Song vẫn "Vác" vẫn"Khuân", vẫn đói nghèo, vẫn bị

Đẩy ra chiến trường, chết hoài, chết phí

Cho một lũ Trung Ương lợn ĩ !

Còn cuộc sống ngày xưa thì tắc tị

Nay vạn lần thêm tắc tị, đen sì !

Đau đớn lắm cái lầm to thế kỹ

Sữ sách ngàn đời còn mãi khắc ghi !

1970

( nguyên văn dịch giả trích từ tập thơ : Tiếng Vọng Từ Đáy Vực" của nhà thơ Nguyễn chí Thiện )



(nguyên tác bằng tiếng Pháp của tác giả Olivier Todd)

Douloureuse, la grande erreur du siècle

Dans mille ans

L'Histoire n'en finira pas d'en parler

De multiple décennies de sang et de larmes

Qu'as obtenu le peuple ?

- Rien qu'un vocabulaire leurre à idiots

Douloureuse, la grande erreur du siècle

Dans mille ans

L'Histoire n'en finira d'en parler

"Coolie" promu "Travailleur"

"Bidasse" promu "Combattant"

Porteur ou débardeur

Ils restent sous la même faix

À jamais famétiques

À jamais misérables

Toujours prêts aux sacrifices dur le champ de bataille



Tù binh Nguyễn Ky sáu tháng về sau mới công nhận là Sài Gòn đã trở thành "thành phố Hồ chí Minh". Tin nầy được các tù binh Miền Nam xác nhận , trong đó có một trung tá, cùng làng với anh ta.



Tại Hoa Thạnh Đốn, các cơ quan trực thuộc đại sứ Bill Brouwn, người giám sát toán đặc nhiệm phụ trách về tất cả các vấn đề của những người tỵ nạn, đã cho gắn một tổng đài điện thoại để ai cũng có thể gọi được không mất tiền : số (800) 368- 1180 . Điện thoại reo liên tục không ngớt .

Tại Bộ Ngoại Giao, có một trung tâm đặc biệt được mở ra trong nhiều ngày qua. Các viên chức ngủ qua đêm trên các giường bố được cấp tốc dựng lên. Giống như các đồng nghiệp của mình, ông Douglas Pike rất bực mình, theo nghĩa hẹp của danh từ nầy. Tất cả việc nầy đã đi ra ngoài lý trí hết.

Tại Ngũ Giác Đài, các quân nhân hiện dịch đều im lặng hay đưa các nhà báo qua cho phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng tiếp, hay thường thì của Bộ Ngoại Giao. Hầu hết các sĩ quan nghĩ rằng những người có trách nhiệm quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh là các nhà chánh trị , không phải các quân nhân . Các chánh trị gia thường thường hay gán trách nhiệm của sự đổ vỡ lại cho báo chí .

Sở báo chí của Nhà Trắng xác nhận là trong khi đợt trực thăng chót di tản những người Mỹ cuối cùng thì Tổng Thống Ford lại nói chuyện với các đại diện của những nhà nuôi trừu và gà lôi. Những con chó sói đã đặt cho họ rất nhiều vấn đề .

- "Đề tài nầy có vẻ như đã làm cho ông Tổng Thống được thư giãn rất nhiều "

các cộng sự viên của Tổng Thống đã nói như vậy khi thấy Tổng Thống đã trò chuyện với những nhà chăn nuôi đến gần 70 phút

Tổng Thống Ford đã trao cho các nhà báo một bản văn vô thưởng vô phạt :

- " Cuộc di tản đã chấm dứt, Hải Quân Hoa Kỳ và đại sứ Martin đã làm xong phận sự của họ, và rất hoàn hảo, trong những điền kiện thật khó khăn. "Tôi yêu cầu tất cả dân chúng Hoa Kỳ hãy siết chặt

hàng ngũ, và tránh những lời đả kích về quá khứ...."

Qua đài truyền hình, ông Henry Kissinger họp báo trong văn phòng của tòa nhà Hành Pháp., ở cạnh Nhà Trắng. Trong 4 tháng sau cùng nầy và nhất là trong 48 giờ cuối cùng, bộ mặt chánh trị của ông về Việt Nam đã sụp đổ hoàn toàn. Ông nói:

- "Cho tới chiều chúa nhật 27 tháng 4 ,tôi nghĩ là một giải pháp thương thuyết có khả năng cao. Nhưng đến một lúc nào đó, chiều chúa nhật, Bắc Việt rõ ràng đã thay đổi tín hiệu của họ. Lúc bấy giờ họ tìm

một giải pháp quân sự nhanh chóng....Chúng ta đã thành công trong việc di tản 55.000 người Việt

Nam "

Ông Tổng Trưởng Ngoại Giao cho thấy là Bắc Việt đã liên tiếp thay đổi vị trí của họ trên địa bàn ngoại giao :

- "Những sự đòi hỏi của cộng sản cứ mỗi ngày mỗi leo thang hoàn toàn.

Thoạt tiên, theo cộng sản thì người ta không thể thương thuyết nếu ông Thiệu chưa ra đi. Sau đó họ lại đòi hỏi ông Hương cũng phải ra đi. Về sau thì ông Dương văn Minh có vẻ như được họ nhận, nhưng cuối cùng ông Minh cũng bị từ chối nốt....

"Chi bộ tấn công ngoại giao" của Hà Nội làm việc rất đắc lực."

Một nhà báo nêu câu hỏi với ông Kissinger:

- "Ông có chủ trương về một sự giúp đở của Hoa Kỳ trong vấn đề tái thiết nước Việt Nam hay không ?

Ông Kissinger không thích câu hỏi nầy nên ông trả lời vòng vo.

- Còn về Miền Nam Việt Nam?

- Còn phải xem lại coi chính phủ mới đó thuộc loại nào ? nếu thực tế sẽ có một quốc gia Việt Nam ở Miền Nam".

Cũng trong ngày 30 tháng 4 nầy, ông Kissinger viết thư cho bà Lionnaes, thơ ký của Giải Nobel về Hòa Bình. Ông mong muốn được trả lại cả giải thưởng và số tiền. Nhưng Ủy Ban ở Na Uy từ khước. Những biến cố đã xảy ra "không làm giảm sự quý trọng của ông chút nào hết, về những cố gắng thành khẩn mà ông Kissinger đã dàn xếp để tái lập một cuộc ngừng bắn hồi năm1973 "

Đối với ông Kissinger, với tư cách là con người, và một người của chánh quyền, sự kiện Sài Gòn bị thất thủ đã thể hiện một sự thất bại thật to lớn, thật rõ ràng và thật là nặng nề cho sự nghiệp của ông ta.



Từ tháng 5 năm 1968, CPLTCHMN đã có một biệt thự ở vùng Verrière-le-Buisson, gần Ba Lê. Nơi đây, bà Nguyễn thị Bình, trong cương vị của những người kháng chiến, đã gây được xúc cảm hay quyến rũ các nhà báo thuộc giới truyền thông quốc tế. Với tư cách là Bộ Trưởng Ngoại Giao của CPLTCHMN, bà thường tiếp báo chí. Một người Pháp đã nêu lên vấn đề thanh toán ở Miền Nam Việt Nam . Bà Bình đã trả lời:

- " Không có chuyện đó. Chúng tôi biết là ở Pháp và trong các quốc gia Âu Châu khác, đã có những chuyện thanh toán các cộng sự viên của Đức Quốc xã . Đó là phản ứng tự nhiên, của con người . Kẻ địch của chúng tôi đã phạm nhiều tội ác đẫm máu. Họ đã tra tấn, giết chóc và đã cướp gia đình của các nạn nhân của họ.Những người có nợ máu cần thanh toán với họ sẽ là những người cách mạng . Chúng tôi đã dạy dân tộc chúng tôi là không nên trả thù.."

Đối với những người còn hoài nghi, bà nói tiếp :

- " Trong 30 năm qua, chúng tôi đã chịu nhiều hy sinh hơn, nếu đem so sánh thì chuyện không trả thù chỉ là một chuyện nhỏ thôi, nhất là chuyên hòa hợp quốc gia mới là có giá trị. Chúng tôi gạch bỏ quá khứ."



Anh Trần văn Bá, với các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam ở Ba Lê, đến tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa cũ ở đường Villiers

Đại sứ Nguyễn duy Quang sắp từ chúc ra đi. anh Bá nói :

- Chúng tôi tiếp tục cuộc chiến đấu với các bạn sinh viên. Ông hãy giúp chúng tôi .

Đại sứ trao cho anh một ngân phiếu- của một chương mục không còn được tiếp tế- Anh Bá biết là tòa đại sứ sớm muộn gì cũng phải được giao lại cho chánh quyền Hà Nội . Anh đi khắp nơi trong tòa đại sứ với các sinh viên, lấy hết hồ sơ lưu trữ ra đốt hết. Anh nói là phải tranh đấu, không chấp nhận sự thất trận.

Đó là cử chỉ đầu tiên của một người tranh đấu. Mẹ anh còn ở Sài Gòn , em của anh là Trần văn Tòng, khuyên anh em nên cẩn thận, ở Ba Lê nầy:

- Bọn cộng sản sẽ hành hạ bà mẹ chúng ta .

Từ ngày đó trở đi, giữa căn phòng rách nát ở Bourg-la-Reine là nơi anh đang ở, và trụ sở của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở đường Monge tại Ba Lê, anh Bá bắt liên lạc, viết thư, hy vọng, suy nghĩ, rồi thất vọng...

Anh Bá muốn thúc đẩy người Việt Nam ở Pháp và tất cả các cộng đồng trên thế giới chống lại cộng sản . Một anh bạn học cũ của anh ở trường trung học Yersin đã mạnh mẽ khuyên anh:

- "Làm sao anh có thể chống lại cả một bộ máy của một chế độ quân sự - công an đã có 50 năm kinh nghiệm ?

Người anh em của Bá cải ráo nước miếng:

- Có phải đây là thời điểm để chống như vậy hay sao ? Coi như Anh sẽ lội qua cả một đại dương đó !

Bá cười:

-" Đó không phải là con đường khó đi. Lúc Hồ, Giáp và Đồng bắt đầu tranh đấu, họ chỉ có bốn năm người . Lúc đó đảng cộng sản còn quá yếu. Dân tộc đã khuyến khích họ.

Anh Bá không chấp nhận mất Sài Gòn . Anh không muốn tương lai của anh bị tước đoạt. Nếu người Việt Nam không tự lo cho mình thì ai sẽ giúp cho họ đây ? Ở hải ngoại trong hiện tại, cũng như ở Việt Nam trong quá khứ, người Việt Nam sống chia rẽ. Thường thì họ không chịu đoàn kết với nhau. Tranh đấu là một chuyện hay đó, nhưng làm sao đây ? Phải cầm súng trở lại chăng ? và bắt dân tộc Việt Nam phải chịu đau khổ nữa hay sao ? anh Bá tự hỏi như vậy .....