PDA

View Full Version : Cuộc Sống Không Có Tiếng Nói - Đông Tây



Pages : 1 2 3 4 5 [6]

Nhím Hoàng Kim
08-20-2007, 09:18 PM
Phần 5

Bất kể ban ngày hay đêm tối, Gia Khoan đều để ý kẻ qua người lại. Tay anh cầm một cây gậy gỗ, khua trước mặt những ai muốn dòm ngó nhà anh. Anh nghi ngờ tất cả đàn ông, thậm chí nghi ngờ cả thầy lang Lưu Thuận Xương ngày nào cũng ra sông rửa lá thuốc. Ai từ bờ sông nhìn lâu vào nhà, anh cũng bực bội hoài nghi.

Ông già Vương bảo con dâu dỡ ván gỗ ở cây cầu bắc qua sông nhưng Gia Khoan không chịu. Anh khua gậy về phía Ngọc Trân đang chuẩn bị dỡ ván, anh tin chắc “con mèo hám mỡ” kia sẽ còn qua cầu. Anh bảo Ngọc Trân, anh sẽ đợi.

Gia Khoan kiên nhẫn đợi chừng nửa tháng, cuối cùng anh đã đợi được đến ngày báo thù. Anh nhìn thấy một người chạy qua cầu, lần mò về phía nhà mình. Tạm thời anh chưa nhìn được rõ mặt kẻ ấy, nhưng trăng đã soi tỏ chiếc áo trắng kẻ đó mặc trên người. Anh gõ gậy ba lần vào cửa sổ, đó là ám hiệu báo cho Ngọc Trân biết.

Người mặc áo trắng tới trước cửa nhà thì nhìn xung quanh rồi nhìn vào nhà qua khe cửa. Có lẽ hắn không nhìn thấy gì nên từ từ tiến đến cửa sổ phòng anh, nhón chân, thò cổ nhìn vào bên trong. Từ chỗ tối, Gia Khoan nhào tới, vụt ngang một gậy vào bắp chân người kia. Hắn như con châu chấu mùa thu nhảy khỏi cửa sổ nhưng chưa kịp đứng vững đã quỵ xuống đất. Kẻ đó toan bỏ chạy, nhưng vừa chạy đến, Gia Khoan đã gọi to:

- Bố, đánh nhanh tay vào!

Từ góc nhà thò ra một cái gậy gỗ, vừa hay nện một cú vào đầu kẻ kia. Hắn ôm đầu lăn lộn trên đất mấy vòng rồi đứng lên. Hắn nắm chặt một hòn đá trong tay, giơ lên định ném Gia Khoan, Ngọc Trân từ sau đống củi xông ra, cầm cây gậy đánh vào tay cầm đá, tay hắn lập tức rụt lại, đá rơi xuống đất.

Kẻ ấy bị họ đánh bò lê bò càng, không còn động cựa được nữa. Họ cầm đèn pin soi vào mặt hắn, Gia Khoan kêu lên:

- Thì ra là mày, Tạ Tây Chúc! Mày không đánh mạt chược nữa à? Mày chạy sang đây làm gì?

Tạ Tây Chúc mấp máy môi nói gì đó nghe không rõ. Ông già và Ngọc Trân không hiểu hắn nói gì. Ngọc Trân nhìn cằm hắn thấy có râu nhưng râu mềm và thưa, mặt hắn hầu như cũng không có vết cào. Cô nghĩ hay là vết cào trên mặt hắn đã lành lặn cả rồi? Gia Khoan hỏi cô:

- Có đúng là tên này hay không?

Cô lắc đầu, ý muốn nói, cả cô cũng không lấy làm chắc. Gia Khoan đột nhiên trừng mắt, cô như thấy mắt anh lồi ra, bèn lại gật đầu. Hai người kéo hắn qua sông, bỏ trên bãi bên kia. Họ nhìn Tạ Tây Chúc rồi đi giật lùi, lùi đến đâu dỡ ván cầu đến đó, rồi vứt hết ván lẫn xà xuống sông. Tiếng ván gỗ ùng ục chìm dần xuống đáy sông như người chết đuối.

Từ sau đêm Ngọc Trân suýt bị cưỡng gian, Vương Lão Bính cảm thấy ông và vợ chồng con trai hầu như trở thành một người. Cuộc hỏi đáp trước giường ông đêm hôm ấy đặc biệt để lại cho ông ấn tượng khó quên. Ông nghĩ, mình hỏi, Ngọc Trân gật hay lắc đầu, còn con trai thì nói lại những gì trông thấy cho ông nghe. Ba người giao lưu để hiểu nhau như thế đó. Tối hôm qua, ba cha con lại cùng nhau đối phó với Tạ Tây Chúc. Mặc dù ông không trông thấy, con trai không nghe thấy, Ngọc Trân không nói được nhưng cả nhà vẫn đánh gục được hắn. Ba cha con khác nào một người lành lặn. Nếu cả ba đã là một thì ông đánh con trai cũng là đánh ông, có mắng Ngọc Trân cũng là mắng ông. Bây giờ, ván cầu đã bị hai đứa dỡ hết rồi, nhà ta không cần phải qua lại với người bên làng nữa.

Trong những ngày nhàn rỗi, ông già Vương chỉ còn cách ngồi ở cửa nhà mình mà nghĩ miên man. Ông có rất nhiều ý tưởng nhưng không sao thực hiện được. Có lẽ ông phải ngồi nghĩ ngợi cho đến hết đời. Ông bảo Ngọc Trân:

- Nếu không có ai đến quấy rầy, được bình yên ngồi ở cửa nhà mình như thế này thì bố thấy cũng đủ lắm rồi.

Người trong thôn cũng không qua lại nhà họ. Gia Khoan và Ngọc Trân không muốn qua bờ bên kia. Cô cảm thấy tuy họ chỉ cách làng có một con sông nhưng tâm tưởng thì cách nhau xa lắm. Cô nghĩ thế là nhà mình thoát khỏi họ triệt để rồi.

Khoảng một năm sau, Ngọc Trân sinh được một thằng con trai rất hiếu động. Tiếng khóc to của nó khiến ông già Vương đứng ngồi không yên. Ông hỏi Ngọc Trân, con trai hay con gái? Ngọc Trân cầm bàn tay phải đầy chai của ông cẩn thận đặt lên trên chim thằng bé. Ông già mân mê chỗ thịt non nớt, mềm mại đó như mân mê cái tẩu mà ông yêu quý không rời. Ông nói:

- Bố phải đặt cho nó cái tên kêu nhất thiên hạ mới được!

Ông già nghĩ liền trong ba ngày để đặt tên cho cháu. Ba ngày ấy ông hầu như cơm không lên miệng, nước chẳng tới mồm, như đã trở thành một người khác hẳn. Thoạt đầu ông định đặt cho cháu cái tên Vương Chấn Quốc hoặc Vương Quốc Khánh, rồi ông lại định đặt tên là Vương Thiên Hạ! Nghĩ đi nghĩ lại, tính tới tính lui, cuối cùng ông bảo đặt tên Vương Thắng Lợi thế mà haỵ Ông và vợ chồng con trai cuối cùng đã có người nối dõi khoẻ mạnh, tai thính, mắt tinh, mồm miệng nhanh nhảu, sau này lớn lên, nó không còn gặp khó khăn nữa, nó có thể chiến thắng tất cả những gì mà nó cần đánh bại.

Cả buổi sáng, buổi trưa hay xế chiều những ngày thời tiết tốt, người ta thường thấy ông già Vương giơ cao thằng cháu Vương Thắng Lợi lên quá đầu, hướng về bên kia sông mà gọi “Vương Thắng Lợi!”. Có lúc thằng bé tè cả xuống đầu nhưng ông chẳng thèm để ý, ông chỉ mải đùa với cháu, gọi tên cháu. Nhà họ Vương bắt đầu có ít nhiều tiếng cười tự cấp tự túc của mình.

Nhưng Gia Khoan vẫn chưa biết cha mình đã đặt cho con anh một cái tên kêu đến thế. Anh chỉ biết dùng mắt để giao lưu với đứa trẻ. Đối với anh, tiếng cười là thứ xa xỉ phẩm mà anh không bao giờ với tới. Khi nhìn thấy đứa trẻ nhoẻn miệng tươi cười, sung sướng, anh nghĩ trong miệng ấy phải phát ra thành tiếng. Nếu nghe được những tiếng ấy, anh sẽ vui sướng như người có hàng nắm tiền trong túi. Thế là Vương Gia Khoan tự đặt tên là cho con là Vương Hữu Tiền. Cha anh nhiều lần ngăn cản, không cho gọi bằng tên đó, nhưng anh lại không biết nên gọi tên con thế nào. Anh không nghe được ba chữ Vương Thắng Lợi, thế là vẫn gọi con bằng Vương Hữu Tiền.

Vương Thắng Lợi lớn dần, mỗi ngày nó phải tiếp nhận hai cách gọi khác nhau. Ông nội gọi Vương Thắng Lợi, nó lập tức dạ ngay, bố gọi Vương Hữu Tiền, nó cũng phải thưa. Một hôm Vương Thắng Lợi hỏi ông:

- Ông ơi, vì sao ông gọi cháu là Vương Thắng Lợi, còn bố cháu lại gọi bằng Vương Hữu Tiền? Gọi như thế thì cháu là hai người à?

Vương Lão Bính giải thích:

- Cháu có hai tên, Vương Thắng Lợi và Vương Hữu Tiền cũng chỉ là một.

Thằng bé nói:

- Cháu không cần hai tên. Ông bảo bố cháu đừng gọi cháu là Hữu Tiền nữa, cháu không thích cái tên này.

Nói xong, thằng bé vung hai nắm đấm nhỏ xíu về phía Gia Khoan, nói:

- Bố đừng gọi con là Vương Hữu Tiền nữa! Con không thích bố gọi con như thế.

Gia Khoan ngơ ngác, không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Anh gọi:

- Hữu Tiền, sao con lại vung nắm đấm với bố? Con định đánh bố đấy à?

Thằng bé chồm luôn lên người bố, dùng răng cắn vào tay bố, vừa cắn vừa nói:

- Con bảo không được gọi là Hữu Tiền cơ mà! Bố còn gọi nữa, con cắn chết đấy!

Vương Lão Bính nghe đánh bốp một cái, ông biết đó là tiếng Gia Khoan đánh con. Ông gọi:

- Thắng Lợi, bố cháu bị điếc đấy!

- Điếc là thế nào ạ? - Thằng bé hỏi.

- Điếc là không nghe được lời cháu nói!

- Thế mẹ cháu thì sao? Vì sao mẹ cũng không gọi tên cháu?

- Mẹ cháu bị câm!

- Câm là thế nào hả ông?

- Câm là không nói ra được, muốn nói cũng chẳng nên lời. Mẹ cháu muốn nói chuyện với cháu lắm nhưng không nói được đó thôi.

Lúc ấy Thắng Lợi nhìn thấy mẹ nó hươ tay trước mặt cha nó mấy cái, cha nó gật đầu, nói với ông già Vương:

- Bố ạ, Hữu Tiền cũng sắp đến tuổi đi học rồi.

Ông già mím miệng thở dài, bảo con dâu:

- Ngọc Trân, con khâu cho Thắng Lợi cái túi đựng sách vở. Qua hè thì cho con đi học.

Thấy mình bị bao vây giữa ông, cha và mẹ, Thắng Lợi lần đầu tiên thấy sợ vì những thanh âm và động tác kỳ quặc của ba người, người nó run bắn lên như con chim hoảng sợ, sau đó khóc nức nở.

Qua hè, Ngọc Trân hớn hở đưa con đến lớp học. Ngày đầu tan học về, ông già Vương và Ngọc Trân nghe thấy Thắng Lợi hát:

Thái Ngọc Trân là cô câm,

Cùng anh chàng điếc vui sắt cầm,

Đẻ ra thằng con vừa điếc lại vừa câm!

Nghe con hát, Ngọc Trân thấy ngực đau đớn như bị chiếc kim thép đâm đến hàng trăm nhát, cô thất vọng ngoảnh mặt đi, đau lòng kêu a a như con ngựa già. Cô không ngờ điều đầu tiên con mình học được lại là mấy câu vè ác độc đó. Đi học thế này chẳng thà không học còn hơn. Cô nghĩ miên man: “Mình cứ tưởng đã thoát được bọn họ, hoá ra vẫn y nguyên như trước!”.

Vương Lão Bính cầm ống điếu trên tay vụt về phía thằng cháu, vụt đến năm cái mới trúng vào Vương Thắng Lợi. Thằng bé nói:

- Sao ông lại đánh cháu?

Ông già mắng:

- Mày không bằng một thằng mù, điếc, câm! Không nên gọi mày là Vương Thắng Lợi, phải gọi mày là thằng Vương Bát Đản, là đồ con rùa hiểu chưa?

Thằng cháu đáp:

- Ông mới là Vương Bát Đản ấy!

Ông già hỏi:

- Mày có biết Thái Ngọc Trân là ai không?

- Cháu không biết!

- Chính là mẹ cháu đấy, còn anh điếc Vương Gia Khoan là bố cháu.

Thằng bé hiểu ra:

- Thế thì bài vè ấy chửi cháu, chửi cả nhà tạ Ông ơi, cháu phải làm thế nào?

Vương Lão Bính bỏ ống điếu vào miệng, nói:

- Cháu nghĩ xem nên làm thế nào thì làm.

Từ đó trở đi, Vương Thắng Lợi trở nên rầu rĩ trầm lặng, chẳng khác gì một thằng bé vừa mù, vừa điếc, vừa câm.


Hết