VietLang
03-23-2009, 12:13 AM
Văn mướt mồ hôi, đọc đi đọc lại bức thư, lời lẽ quê kệch, vụng về, chữ viết nguệch ngoạc, ngòng ngoèo trên trang giấy học sinh kẻ chì.
Ông Văn,
Thưa ông, em khổ sở lắm, em chỉ muốn chết thôi. Nhưng em chả biết làm thế nào để chết được bây giờ. Từ khi thầy em biết em có tội, thì ngày nào cũng uống rượu say rồi lôi em ra đánh, vừa đánh vừa nhiếc. Còn bu em thời chỉ khóc. Bu em bảo em viết thơ cho ông. Em chả biết ông có còn thương em nữa không mà em viết, nhưng bu em bảo em cứ viết, nên em cũng viết, chứ em chả muốn viết tí nào cả. Em đã bảo ông, em đã lạy van ông rằng ông chả lấy được em đâu, thế mà ông không nghe, ông cứ dỗ dành em, làm khổ thân em thế này, bây giờ em còn mặt mũi nào dám nhìn thầy bu em nữa. Ông có còn thương em tí nào nữa thì ông định liệu cho em phận nào, em được nhờ phận ấy. Thầy em mà bị làng bắt vạ thì thực em làm cho nhà em xấu để đời. Vì vậy bu em bảo viết thơ cho ông để ông cho tiền em với lại đưa em đi đâu cho qua kỳ sinh nở. Em bé dại chả biết gì, nên em tin nhời ông, nhưng bu em chưởi em, bảo em rằng ông lấy sao được em, ông là con quan mà thầy em thì chỉ làm trương tuần, khi nào ông thèm lấy em, khi nào cụ lớn lại để ông lấy em. Bu em nói thế thì em hiểu ra ngay, rồi em chỉ khóc cả ngày cả đêm. Hôm xưa đứng ở bờ ao em đã toan đâm đầu xuống nước tự tử cho xong đời, nhưng em lại thương đứa bé ở trong bụng nó chả làm gì nên tội, nên em lại thôi, nên không sao em chết được. Ông xem thư này xin ông nghĩ lại cho em được nhờ.
Tẹo
ký
--------------------------------------------------------------------------------
* Cùng viết với Trần Tiêu.
--------------------------------------------------------------------------------
Văn hai tay ôm đầu ngồi suy nghĩ. Chàng không ngờ đâu lại xảy ra tai hại đến thế. Ngọn đèn hiện trong chiếc bóng mờ tỏa xuống bàn giấy làn ánh sáng dịu khiến chàng hồi tưởng tới đêm trăng ấy, cái đêm trăng đã làm chàng trở nên điên rồ.
Và chàng như thấy hiện ra cái sân rộng lát gạch bát tràng với hai, ba chục người nhà quê vừa đàn ông, vừa đàn bà, con trai con gái quây quần chung quanh những đống lá thuốc tươi.
*
* *
Dạo ấy, Văn về thăm quê hương sau hơn bốn năm xa vắng. Chàng theo học tại Hà Nội, mà cha mẹ chàng là ngành thứ lại ở luôn chỗ làm quan, nên ít khi chàng có dịp về làng. Lần này, chàng vừa đậu xong bằng tú tài, cha mẹ chàng thưởng chàng trăm bạc và cho phép muốn đi nghỉ mát đâu tùy ý. Chàng tưởng ngay đến nơi đã sống với bà cả một thời kỳ thơ ấu.
Xế chiều, Văn về tới đầu làng. Những cảm tưởng man mác làm rạo rực lòng chàng. Mỗi vật chàng gặp như một người bạn cũ hiện ra: Cái lạch nhỏ nước vẫn đỏ, cái cầu bằng tre vẫn chênh vênh, vẫn lảo đảo mỗi khi có người sang, cái cầu mà ngày còn nhỏ mỗi khi theo bác đi viếng mộ chàng phải để người ta cõng qua. Trên lối tắt rẽ vào làng giữa những bãi tha ma, những thửa ruộng nước, chàng vui mừng nhận ra từng cái khuỷu, từng quãng vòng, từng khóm chuối, từng bụi tre. Nhất cánh đồng thuốc xanh rì, chàng thấy vẫn y nguyên như ngày xưa, với những luống đất vuông vắn, cao ráo, với những cây thuốc bẻ ngọn đầy lá, to bản, với những người con gái mặc áo vải nâu non hay áo lụa, màu cánh kiến đổi vai the thâm, ngoài thắt chặt chiếc dây lưng hoa lý.
Văn đương mê mải ngắm người và vật thì ở một vườn thuốc có ai nói:
- Kìa! Hình như anh Văn?
Văn quay lại vui vẻ đáp:
- Phải, Văn đây!
- ồ! Độ nầy trông anh ấy to nhớn nhỉ?
- Bốn, năm năm không về, làm gì mà chả đổi khác.
Văn vừa trả lời vừa trố mắt nhìn người đàn bà đứng dưới rãnh vườn.
- Nhưng bà là ai mà nhận ra được tôi.
Có tiếng cười trong trẻo ở sau luống thuốc. Văn kiễng chân, rướn cổ, nghiêng đầu nhòm, nhưng chỉ trông thấy cái nón ba tầm, và hai cánh tay áo nâu:
- Ai mà cười ròn thế?
Người đàn bà cũng nhăn nhở cười theo.
- Cái Tẹo đây, anh còn nhớ cái Tẹo không, nhỉ?
Cái Tẹo? Không, chàng không nhớ. Thấy Văn đứng ngây người suy nghĩ, Tẹo bỏ nón, lại gần nói với người đàn bà:
- Đến bu, anh ấy còn chả nhận được nữa là con.
- à phải rồi, cô Tẹo, thế mà suýt nữa tôi quên.
Kỳ thực Văn vẫn chẳng biết Tẹo là ai, nhưng vì thấy cô bé xinh xắn, hay hay, chàng nói liều thế để làm thân. Còn lạ gì cái tuổi ngoài hai mươi đương bồng bột tình yêu!
Tẹo đắc chí lại cười:
- ừ, có thế chứ. Tưởng nay anh đỗ ông phán ông tham anh quên cả em.
Văn lo lắng nghĩ thầm: "Chết chưa! Em kia! Chẳng hiểu họ hàng ra sao đây?" Rồi chàng đứng vơ vẩn nhìn Tẹo.
- Cô hái thuốc đấy à?
- Vâng, hái thuốc. Sáng mai anh sang nhà dì ăn cỗ mừng nắng nhé?
Văn càng kinh hoảng: "Lại dì nữa! Dì mình hẳn là bu Tẹo". Muốn được chắc chắn, chàng hỏi:
- Thưa dì vẫn được mạnh?
Người kia vừa xếp lá thuốc lại thành chồng vừa đáp:
- Cũng khá thôi, anh ạ. Độ đầu năm tôi giã gạo, hụt chân xuống hố, đau mất đến một tháng đã tưởng què, nhưng sau nhờ được bà cử Thuận cho ít rượu... rượu gì, Tẹo nhỉ?
Tẹo cười:
- Rượu chổi!
- ừ, rượu chổi. Tôi bóp có năm sáu hôm đã khỏi hẳn may quá anh ạ.
Văn vẫn chưa rõ người đàn bà, nhất là Tẹo với mình có họ xa hay gần. Liền đánh bạo hỏi:
- Thưa dì, tôi hỏi thế này khí không phải, dì bỏ qua đi cho, dì với tôi có họ thế nào nhỉ?
- ừ phải đấy, hỏi cho biết chẳng cứ gọi là dì mà chẳng hiểu dì ra sao. Thế này này: bà án với tôi là đôi con dì.
- à, đôi con dì!
Thực ra Văn cũng chỉ rõ bà kia với mẹ mình có họ mà hình như lại họ xa.
- Quan lớn bà lớn có về chơi không anh?
Văn đăm đăm ngắm nghía hai bàn tay mềm mại thoăn thoắt tỉa lá thuốc, chẳng để ý vào một sự gì khác, khiến người đàn bà đã nhắc lại câu hỏi một lần nữa mà chàng vẫn không nghe tiếng. Thấy vậy, Tẹo tò mò nhìn chàng, mỉm cười ngây thơ nói:
- Anh Văn điếc đấy, bu ạ.
Văn cũng cười, chẳng hiểu sao Tẹo lại bảo mình điếc. Nhưng xách va li đứng giữa đường nói chuyện. Văn chợt nhận thấy hơi khó coi, nhất những người hái thuốc ở các thửa vườn lân cận lại cứ luôn luôn đưa mắt về phía mình và khúc khích cười.
Chàng liền ngả đầu chào:
- Thôi, dì hái thuốc, tôi xin về.
- Anh về đấy à? Mai mời anh sang ăn cỗ mừng nắng nhé?... Hay lại khinh nhà dì nghèo không thèm đến.
- Dì cứ nói thế!
Văn lững thững trở về nhà. Một lát quay lại nhìn: bọn người hái thuốc đã khuất trong lớp lá to bản.
*
* *
Cha mẹ Văn giao cho một người em họ ở trông nhà. Nghe có tiếng chó sủa người ấy vội chạy ra cổng thì vừa gặp Văn:
- ồ! Cậu đã về. Quí hóa nhỉ. Quan lớn bà lớn có về không?
- Không, chú ạ.
- Cậu đưa va li tôi xách. Sao cậu không bảo anh xe anh ấy mang vào cho.
- Anh ấy gặp khách ngược, nên tôi để anh ấy kéo, chẳng nhỡ mất của anh ấy một chuyến xe. Với lại cái va li của tôi cũng chẳng nặng gì.
Rồi Văn hỏi luôn:
- à này, chú Vinh, cái Tẹo là con cái nhà ai thế nhỉ?
Ông lão cười:
- Sao cậu lại biết cái Tẹo? Nó là con chú trương Mẫn.
- Thế bà trương Mẫn có họ thế nào với nhà ta nhỉ?
- à, họ xa. Bà ấy với bà lớn nhà là đôi cháu dì.
- Sao bà ấy bảo là đôi con dì? Nhưng đôi cháu dì thế nào?
- Là thế này: bà ấy với bà lớn nhà là chị em con chú con bác.
- Thế thì xa thật!
Văn nghĩ đến Tẹo nên thốt ra câu ấy. Rồi sợ ông Vinh ngờ vực, lại hỏi lảng:
- Có chỗ cho tôi ngủ không đấy?
- Có chứ?
Ông Vinh quay ra gọi:
- Bé ơi!
- Cái gì đấy, thầy?
Một người trẻ tuổi, to lớn, lực lưỡng, ở dưới bếp chạy lên.
- Mày mở cửa gác quét dọn, lau chùi rồi lấy màn tây ra mắc nhé. Chìa khóa tao treo ở đầu giường ấy. Để tao đi bảo bu mày vo gạo thổi cơm. Mà kìa, thằng bé lạ chưa! Không chắp tay chào cậu à? Dễ nó quên cậu tú Văn rồi đấy.
Bé vui vẻ:
- ồ! Cậu Văn! Bây giờ cậu nhớn nhỉ?
- Tao hăm mốt tuổi lại chả nhớn!
- Thế thì hơn con hai tuổi.
Văn mơ màng ngước nhìn mấy ngọn cau, trồng bên tường hoa:
- Con gái làng ta đẹp lắm, chú Vinh ạ.
Ông Vinh cười:
- ở xóm ngoài kia, chứ khu ta có quái ai?
- Thế cái Tẹo chả đẹp là gì?
- ờ nhỉ! Cái Tẹo! Nó mới nhớn lên. Trông cũng khá... Tối nay ở nhà chú trương Mẫn rọc thuốc đây.
- Thế à?
Kỳ thực, Văn chả hiểu rọc thuốc nghĩa là gì.
*
* *
Cơm chiều xong, Văn ra sân lững thững đi đi lại lại quanh mấy bồn hoa, tay lẩn mẩn ngắt những quả hồng khô, và những lá hồng bị sâu ăn lỗ chỗ.
Trời dần dần tối. Một lát sau, trên nóc nhà ngang, trăng tròn đã mọc, lấp ló trong những cành trúc đào thưa lá. Dáng cây mềm mại, nhẹ nhàng, Văn ví với dáng một cô gái quê yểu điệu thắt dây lưng ong. Và chàng nhớ ngay đến Tẹo.
Bé qua sân, Văn gọi, định hỏi thăm nhà bà trương Mẫn. Nhưng khi Bé đến bên, chàng ngượng ngùng lại nói lảng sang chuyện khác:
- Bé ạ... cây trúc đào này... giồng từ bao giờ thế nhỉ?
- Thưa cậu, mới giồng được ba năm nay. Cậu coi nó chóng nhớn thế!
- Bé giồng đấy à?
- Thưa cậu không, mợ huyện giồng đấy chứ.
Mợ huyện là chị dâu Văn.
- à chị huyện có hay về không?
- Thưa cậu, mợ ấy về luôn đấy, về để mua thuốc, mỗi năm mợ ấy mua có hàng vạn.
- Hàng vạn bạc?
- Không, hàng vạn bánh thuốc ấy chứ.
- Thế chị ấy không giồng thuốc?
- Không. Giồng làm gì. Bận chết đi ấy. Thường thường chỉ những người nghèo mới giồng, người giàu chỉ việc bỏ tiền ra buôn, còn vườn thì cho thuê.
Văn mỉm cười:
- Thế bà trương Mẫn cũng nghèo? Vì bà ấy cũng làm lấy vườn, chứ không cho thuê.
- Bà ấy cũng chả nghèo. Nhà bà ấy nhiều người làm lấy được thì tội gì mà cho thuê. Làm lấy được lãi lắm cơ, cậu. Có khi giồng một sào được lời đến hơn chục bạc.
- Thế kia?
Văn chỉ cốt gợi chuyện để hỏi thăm Tẹo. Còn trồng một sào vườn thuốc được lãi bao nhiêu, chàng có cần gì biết.
- à này Bé, rọc thuốc thế nào nhỉ?
Bé cười:
- Cậu không biết rọc thuốc thế nào? Rọc thuốc là rọc lấy lá để thái, còn cọng thì bỏ đi.
- Mày nói thế, tao còn hiểu sao được? Giá ở đây có rọc thuốc mày đưa tao đến xem thì hay quá.
Bé ngẫm nghĩ:
- Tối nay nhà bà trương Mẫn rọc thuốc đấy, chắc vui lắm, vì hôm nay bà ấy hái những ba sào.
- Nhà bà ấy có ở gần đây không?
- Gần, cậu muốn xem, con đưa đến. Giá con không phải ở nhà hầu cậu, thì con cũng đã lại làm giúp rồi.
- Việc gì phải hầu tao. Cứ lại mà làm giúp. Đi, tao cũng đi!
Văn cố tránh, không đọc đến tên Tẹo để Bé khỏi ngờ vực, nhưng tâm trí chàng chứa đầy hình ảnh và giọng nói, tiếng cười của cô hái thuốc gặp lúc ban chiều. Đi bên cạnh Bé, chàng mơ mộng lẩm bẩm nói một mình: đôi con dì, đôi cháu dì.
- Thưa cậu bảo gì ạ?
- Không. à, đôi cháu dì thì họ xa lắm, Bé nhỉ?
- Vâng, xa đến mấy cột lô mếch. Cứ kể con với cậu tuy chỉ là đồng tông cũng còn gần hơn đôi cháu dì, vì đồng tông thì cùng họ chứ đôi cháu dì thì khác họ. Đấy nhé, cậu họ Hoàng. Còn bà trương Mẫn thì cùng họ Bùi với bà lớn, nghĩa là đã họ ngoại rồi, đến như cái Tẹo lại họ Lê, còn dính dáng gì đến cậu nữa!
Có lẽ vô tình Bé đem Tẹo ra thí dụ, nhưng Văn cho là hữu ý. Chàng lảng sang chuyện khác và hỏi Bé về công việc trồng hái, cách thức làm và buôn, bán thuốc. Bé đem những tiếng nghề ra nói với Văn, khiến chàng không hiểu một tí gì. Chàng cũng chẳng cần Bé giảng rõ nghĩa. Mắt mơ màng, chàng còn mải nhìn bóng trăng lướt trong cành tre lả ngọn giao nhau trên đỉnh đầu. Đường xóm nhỏ, hẹp, quanh co, cây đèn dầu thấp thoáng qua khe giậu, tiếng khung cửi đều đều một dịp, giọng hát ru em rời rạc buồn tẻ, cái cảnh thôn dã nên thơ ấy gợi trong lòng gã thanh niên một mối tình man mác.
- Đêm trăng đẹp quá. Bé nhỉ?
- Vâng, trăng sáng quá. Mai thế nào cũng nắng to tha hồ mà mừng nắng.
Văn nhớ ngay đến bữa cỗ mừng nắng mà bà trương Mẫn và Tẹo đã ân cần mời chàng đến dự.
- à, cỗ mừng nắng là thế nào. Bé nhỉ?
- Là cỗ mừng nắng. Thái thuốc được nắng thì làm cỗ ăn mừng.
- à, ra thế? Ngày mai nhà bà trương Mẫn có cỗ mừng nắng đấy, Bé có sang ăn cỗ không?
- Có chứ!
Ra tới đường làng và nghe có tiếng mõ, Văn chưa kịp hỏi đó là mõ gì, Bé đã nói:
- Cỗ mai thế nào cũng có cá bể.
- Sao mày biết?
- Mõ bán cá đấy, cậu không nghe thấy à?
Văn cười:
- Mõ bán cá, hay nhỉ? Chẳng khác hàng sực tắc ở Hà Nội!
Mỗi vật trông thấy, mỗi tiếng nghe thấy, Văn đều cho là mới lạ. Chàng có cảm tưởng đương sống trong một thế giới đầy tình yêu, đầy mộng ảo.
- Rẽ vào ngõ này, cậu.
- Tẹo ở xóm này?
- Vâng, bà trương Mẫn ở xóm này?
- ừ, bà trương Mẫn.
*
* *
Bé đưa Văn đi sâu mãi vào trong ngõ hẻm tối.
- Đây rồi, cậu ạ. Khéo cậu bước thụt xuống rãnh nhé.
Rồi đứng gọi:
- Chị Tẹo ơi! Mở cổng cho tôi mấy.
Tiếng ồn ào ở trong sân bỗng ngừng lại.
- Ai?
- Tôi đây mà.
Văn nghe rõ tiếng Tẹo ở phía trong cổng.
- Tôi là ai?
- Tôi là Bé.
- à, anh Bé! Sao không ở nhà hầu cậu Văn?
- Cậu tôi cũng đến đấy.
- ồ, cậu Văn cũng đến!
Cổng mở tung ra. Tẹo chào Văn bằng một dịp cười ròn như tiếng nhạc, rồi quay vào gọi:
- Bu ơi, anh Văn đến chơi đấy, bu ạ!
- Thế à?
Bà trương Mẫn đứng dậy chạy vội ra.
- Anh Văn đến chơi nhà dì đấy à? Quý hóa quá.
Văn nghe tiếng dì chả thuận tai một tý nào nữa. Nhưng chàng cũng đáp:
- Vâng, tôi đến làm giúp dì đây.
- Thế nữa cơ à? Vậy mời anh vào.
Hơn hai chục người, vừa đàn ông, đàn bà, con trai, con gái cùng chào:
- Cậu Văn mới về đấy à?
- Chào cậu lại chơi.
- Không dám, chào các ông, các bà.
- Nghe nói cậu đỗ ông tham, ông tú, ông cử gì, vậy có ăn mừng không?
- Có chứ. Tôi sẽ mừng một tiệc thuốc lào.
Tiếng cười phá lên, đủ các giọng cao thấp.
- Tưởng mừng cỗ bàn, rượu chè cơ, chứ mừng thuốc lào thì chúng tôi say chết.
Tẹo đã vào trong nhà bê ra một cái ghế lim lưng có hàng con tiện, đặt ở bên thềm. Nàng bảo Văn:
- Mời ông tham ngồi chơi.
- Mời ông tú thôi!
Tẹo cười vui sướng:
- Vậy mời ông tú ngồi chơi... Nào ông tú, nào ông cử, nào ông tham, còn ai nhớ được nữa?
- Cô cứ gọi tôi là anh Văn, dễ nhớ hơn...
Chàng ghé vào tai Tẹo thì thầm nói tiếp:
- Mà anh thích hơn.
Không hiểu đó là lời âu yếm, Tẹo lại cười:
- Vậy mời anh Văn ngồi chơi.
- Cám ơn cô nhé. Cô để mặc tôi.
Rồi Văn đi lại gần chỗ mọi người đương ngồi xổm rọc lá thuốc với cái "móc" làm bằng sợi cước buộc vào đầu hai cái đũa tre. Họ làm việc rất mau, hai bàn tay lanh lẹ đưa lên đưa xuống. Khắp sân tiếng rọc nghe xoèn xoẹt như tiếng xé giấy, liền liền không ngớt.
Bà lý Bá tính vui vẻ nói bông đùa luôn miệng, làm cho chốc chốc tiếng cười lại phá lên từng dịp. Bà ta hỏi Văn:
- Ông tú có biết rọc thuốc không?
Văn mải ngắm nghía mái tóc lòa xòa và cái mũi dọc dừa của Tẹo, nên lơ đãng trả lời:
- Biết chứ!
- ừ, thế thì khá. ở làng ta mà không biết rọc thuốc, cuộn thuốc thì giai ế vợ, gái ế chồng!
- Thế kia à? Vậy chắc cô Tẹo thì đắt chồng lắm nhỉ?
Tẹo ngước mắt nhìn Văn, có vẻ giận dỗi. Bà lý nhìn nàng nói:
- Nó sắp sửa có chồng rồi đấy. Bao giờ tao được ăn giầu, hử Tẹo?
Tẹo vênh mặt, hất hàm tỏ hết vẻ đanh đá:
- Bà cứ nói thế, chứ người ta thèm vào.
Văn tò mò hỏi:
- Cô ấy thèm vào ai thế, bà lý?
- Phải, nó thèm vào, chứ nó có thèm ra đâu! Con gái đứa nào chả thế. Nói đến lấy chồng thì thích chết đi nhưng lại cứ...
Tẹo cau có:
- Cháu van bà đi...
- Nhao ôi! Rồi lúc thằng Nghĩa nó xỏ mũi nó lôi về, mới...
Văn như nói một mình:
- Cô Tẹo là vị hôn thê của anh Nghĩa...
Và chàng căm tức đứng nhìn Tẹo...
ánh trăng giải xuống sân gạch bóng cây mít rườm rà đứng bên hồi nhà ngói. Tiếng sáo diều trên không, ngân nga một điệu... Văn lặng lẽ cảm thấy buồn mênh mông.
Rồi trong bọn người làm việc, những mẩu chuyện, những tiếng cười rời rạc, thưa dần, tuy không lúc nào ngớt hẳn. Bà lý Bá bàn:
- Giá ai hát hay, hát nghe cho đỡ buồn ngủ.
Một người:
- Lại còn ai nữa? Chị Tẹo hát hay nhất làng đấy!
- Vậy chị Tẹo hát cho chúng tôi nghe một câu nào?
Không đợi mời đến hai lần. Tẹo đặt que móc trên đống lá thuốc rọc rồi, mắt ngước nhìn trời, cất lời ca theo điệu trống quân:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Em ngồi cành trúc em tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?
Văn đứng phía trước, ngây người đăm đăm nhìn Tẹo. Và chàng ví giọng Tẹo với ánh trăng rằm trong sáng, với mùa lúa chín thơm tho.
Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân,
Bỗng nàng cúi xuống cười ngất!
- Hát cho tử tế! Cớt nhả thế không được!
Tẹo vừa cười vừa trả lời bà lý Bá.
- Khốn nhưng mà... anh Văn anh ấy... cứ nhìn chòng chọc vào mồm... xấu hổ chết đi, ai hát được?
Văn cũng cười, rồi mê mẩn ngây ngất đáp lại.
- Khốn, nhưng mà miệng cô hát xinh lắm cơ, cấm người ta nhìn thế nào được?
Và Văn ao ước rằng Tẹo hiểu thấu ý nghĩa bóng bẩy của câu ấy, vì chàng chỉ muốn nói: "Em đẹp quá, anh yêu em quá, nhìn miệng em hát anh chỉ muốn hôn em một cái".
Chẳng rõ Tẹo có hiểu như thế không, nhưng bà trương Mẫn thì có lẽ hiểu như thế, vì bà bảo Văn:
- Anh cứ chế diễu em làm gì vậy? Nó quê mùa, xấu xí, lại đần độn nữa, chả biết cái gì.
Tẹo nhìn Văn, mỉm cười rất thẳng thắn. Nhưng Văn tưởng như cái mỉm cười ấy thì thầm bên tai chàng. "Em biết cái gì lắm chứ!".
Trăng càng lên cao càng trong. Và sân gạch mỗi lúc một thêm sáng, vì bóng cây, bóng nhà, bóng người dần dần thu ngắn mãi lại. Hơi ở lá thuốc lào nồng nàn bốc lên làm cho Văn nóng bừng mặt như say rượu: dưới ánh trăng chàng ngắm thấy người, vật như đẹp hơn lên bội phần và trong đó, Tẹo như một nàng tiên từ trên cung Nga là là bay xuống.
- Ô hay! Hát đi chứ! Sao lại cứ ngồi mà cười thế kia?
- Tôi chịu thôi.
Rồi Tẹo ngây thơ liếc Văn mỉm cười như có ý bảo:
"Tại anh đấy mà!"
Trong bọn có người nói:
- Cậu Văn làm chị Tẹo không hát nữa thì cậu hát đi!
- Phải đấy! Phải đấy! Cậu Văn hát đi cho chúng tôi nghe với!
Văn đứng mỉm cười mơ màng nhìn Tẹo. Ông trương Mẫn, người ít lời, từ nãy vẫn ngồi im ở một góc sân, mãi bây giờ mới lên tiếng và thủ thỉ như nói một mình:
- Cậu ấy học chữ tây thì biết hát xướng ra làm sao mà bắt cậu ấy hát?
- Thì hát tiếng tây chứ sao?
- ừ phải, hát tiếng tây. Cậu Văn hát đi!
Tẹo cũng nói:
- Anh Văn hát tiếng tây cho em nghe với nào!
Văn như mê mẩn, như điên cuồng, như quên rằng trong sân có bao người đương để mắt vào mình. Dưới đất chàng chỉ trông thấy có một Tẹo và trên trời một mảnh trăng trong.
Tẹo nhắc lại:
- Thế nào? Anh nhất định không hát?
Văn cười:
- ừ hát nhé? Hát cho cô Tẹo nghe nhé?
Tẹo cúi gầm mặt xuống, chẳng hiểu vì thẹn hay vì sung sướng:
- Anh hát thì tất cả mọi người nghe, chứ một mình gì em.
Văn hắng dặng rồi hát một mạch hết bài Serenata, mặc tiếng lao xao, mặc tiếng cười khúc khích chung quanh. Khi Văn ngừng lại thì tiếng cười phá lên rầm rầm như lúc đê vỡ, nước sông réo chảy vào trong ruộng thấp.
- Hát tây buồn cười nhỉ!
- Hát như khóc ấy nhỉ?
Chờ cho tiếng cười im hẳn, Tẹo khen lấy lòng Văn một câu, vì nàng tưởng Văn bị chế diễu thì xấu hổ:
- Anh Văn hát tây hay đấy chứ.
Rồi nàng tò mò hỏi:
- Nghĩa là gì, anh giảng ra tiếng ta cho chúng tôi nghe với.
Văn cười:
- Nghĩa cũng đại khái như bài hát của cô.
Tẹo tưởng thực, kinh ngạc kêu:
- ồ, lạ nhỉ! Tây mà cũng có những câu:
"Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"
Văn càng cười to:
- Có lắm chứ!
Có lẽ Tẹo vờ ngớ ngẩn để được nói chuyện tay đôi nữa với Văn:
- Có cả: "Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?"
Bà lý Bá chừng đã chướng tai về những câu chuyện hình như kéo dài vào chỗ buồn tẻ giữa đám người đã rời rạc, vì buồn ngủ, vì làm việc luôn trong bốn, năm giờ không một phút nghỉ tay.
Trong yên lặng, người ta nghe xoèn xoẹt tiếng rọc lá thuốc và tiếng sáo diều y-ô y-ô một điệu trên không. Thỉnh thoảng một cái ngáp lớn như tiếng kêu cất lên ở một xó, tức thì ai nấy ngáp theo, trong đủ các giọng cao, thấp, ngắn, dài.
Làn không khí chán nản lan rộng mãi ra. Và sự mỏi mệt như đè nặng lên những bàn tay uể oải. Văn chợt hiểu rằng mình ở xem đã khá lâu, liền chào mọi người để về nhà.
Tẹo vội đứng dậy, cuống quít hỏi:
- Anh về à? ồ sao lại về?
Bà trương Mẫn cười bảo con:
- Con này nó ăn nói ngớ ngẩn nhỉ? Sao lại về? Anh ấy chẳng về thì dễ ngủ đỗ lại ở nhà mày à?
Câu nói vô tình, thật thà của bà trương làm cho Văn mỉm cười sung sướng. Chàng thì thầm bảo Tẹo, khi nàng theo chàng ra cổng để cài then:
- Anh ngủ đỗ nhà em một tối có được không nhỉ?
Nhưng Tẹo cũng thật thà như mẹ, đáp lại liền:
- Được chứ! Anh cứ ngủ đỗ, nhà em cũng có màn, anh không sợ muỗi đâu.
Thấy Bé đi theo sau Tẹo, Văn ngượng ngùng nói:
- Sao mày không ở làm giúp bà trương?
- Con phải về hầu cậu.
Văn gắt:
- Tao không cần mày hầu. Cứ ở lại.
Chàng mỉm cười gật chào Tẹo một lần chót, rồi theo ngõ hẻm ra đường.
Về nhà, Văn không sao ngủ được, lòng băn khoăn, rạo rực về những sự êm đềm nơi thôn dã mà chàng như mới được làm quen lần đầu.
Tỳ tay thành cửa sổ thấp trong căn gác nhỏ, Văn ngắm trăng không chán. Chàng tưởng tượng chị Hằng gửi xuống tặng chàng một nụ cười thân mật và khuyến khích. Bất giác, chàng lẩm bẩm hát:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Và mơ màng nghe văng vẳng tiếng cười ròn của Tẹo theo gió biển bay đến bên tai. Lúc ấy, những hình ảnh các cô gái Hà thành, dù có hiện ra trong trí nhớ chàng, chàng cũng chỉ thấy mờ xạm, kém tươi, không đáng chú ý.
*
* *
Sáng hôm sau, Văn thức giấc, thì mặt trời mọc đã cao, chiếu qua những khe cửa sổ ghép vụng và lâu ngày phơi nắng phơi mưa, đã hở mộng. Văn ngơ ngác nhìn trần nhà, nhìn những đôi câu đối treo ở tường, nhìn những đồ đạc sơ sài, một cái bàn và bốn cái ghế lim, một cái gương đứng mờ và mốc loang lổ, một cái tủ gỗ để mộc, một bộ ghế ngựa làm bằng hai tấm gụ đặt ghép lại nhau. Và chàng quên hẳn không biết mình nằm ở đâu. Mãi lúc nhớ tới giấc mộng đương dở dang, chàng mới sực tỉnh. Thì ra hôm qua chàng đã về làng, đã gặp Tẹo, mà cái gác chàng đương ở là nhà chàng.
Văn mỉm cười, mắt nhắm lim dim, ước ao rằng giấc mộng lại nối.
Giữa lúc ấy, chừng nghe có tiếng động, và biết Văn đã dậy, Bé ẩy cửa bưng vào một cái chậu thau vừa đánh vàng bóng, nước đầy quá, sánh cả ra ván gác:
- Mời cậu rửa mặt rồi xuống nhà xơi cơm.
Văn chau mày, gắt:
- Cơm nước gì bây giờ? Mấy giờ rồi?
- Con không biết, nhưng mặt giời lên đã cao lắm.
Văn với áo vắt ở ghế, rút đồng hồ ra xem:
- ồ! Thế mà trưa thực! Gần mười giờ rồi đấy.
- Đấy nhé!
- Vậy sắp cơm mau.
Văn ăn rất vội vàng, rồi rủ Bé cùng đi sang nhà bà trương Mẫn xem thái thuốc.
Tẹo đương bận làm cơm ở nhà dưới, nên Văn không gặp mặt. Chàng ngơ ngác đứng đưa mắt tìm khắp mọi nơi.
- Cậu ạ, hôm nay nắng to thuốc nhà chú trương tha hồ tốt.
Bé nhắc, Văn mới kịp để ý đến cái sân gạch tối hôm trước hôm nay bị che kín dưới những xảo thuốc sợi còn xanh. ánh nắng gay gắt. Hơi thuốc nồng nực bốc lên. Văn, nước mắt ứa ra, đứng hắt hơi liền liền.
- Anh Văn sang mừng nắng nhà dì thực đấy à? Quý hóa quá nhỉ!
Văn chào được một câu rồi lại cúi xuống hắt hơi.
- Thôi, anh không quen thuốc lào rồi. Vậy mời anh lên nhà.
Văn theo bà trương đi vòng qua ba gian nhà ngang. ở đấy, trên hai đống thuốc vừa thái, ba người đàn ông và bốn đứa trẻ con đương đạp cho sợi nhàu ra, những dòng nước thuốc đen chảy xuống sân và gặp sức nóng khô lại từng đám.
Gần đấy và cả ở hiên nhà trên, những giá thái thuốc dài trông như hình những con bồ cạp khổng lồ đứng xếp hàng và rượn cong đuôi lên. Ngồi trước giá, những người thợ thái thuốc tay phải cầm vào giữa sống một con dao dài không chuôi và mềm mại nhịp nhàng đưa lên đưa xuống. Tay trái họ đẩy dần dần cuốn thuốc đặt trên giá và quấn lại như bó giò. Thỉnh thoảng người ta lại dừng tay hoặc để cởi giây lạt, hoặc để liếc lưỡi dao lên viên đá mầu lớn.
Bà trương trỏ một người bảo Văn:
- Chú ánh giỏi nhất khu đấy. Anh trông tay chú ấy thái có nhẹ nhàng không? Mà đây này...
Bà ta cúi xuống bốc một nắm thuốc xanh, nói tiếp:
- Một trăm sợi như cả một trăm, chẳng sợi nào to, sợi nào nhỏ.
Người thợ được khen không chút mừng rỡ hay cảm động mặt vẫn lì lì và đỏ bóng như mặt ông tượng ở ngoài chùa, tay vẫn đều đều như cái máy đưa lên đưa xuống.
- ồ! Anh Văn sang ăn cỗ mừng nắng nhà dì à.
Văn sung sướng quay đầu lại: Tẹo và hai người đàn bà nữa, mỗi người bưng đặt lên ghế ngựa và phản kê ở hai gian bên, một mâm gỗ sơn đầy thức ăn. Rồi lại đon đả chạy vội xuống nhà để bưng mâm khác.
Văn đứng ngây nhìn Tẹo bước đi lượn lại và cười khúc khích mỗi lần đến gần chàng.
- Cỗ to, cô Tẹo nhỉ?
- Gớm! Anh cứ chế nhà em làm gì thế?
- Ô hay, tôi chế đâu? Tôi khen đấy chứ!
- Cỗ nhà quan có gì mà to. Bì thế nào được với nhà quan lớn, bà lớn?
Lúc ấy một ông cụ già chống gậy trúc từ cổng đi vào.
- Kìa chào cụ xã. Cụ sang mừng nắng cho nhà cháu.
Cụ xã trừng mắt nhìn Văn:
- Cậu tú Văn đấy, phải không?
- Vâng thưa cụ, tôi sang mừng nắng.
Ông lão giọng cười yếu đuối xen lẫn tiếng ho sù sụ.
- Thế nào?... Đã xem thuốc chưa?
- Đã, tôi xem rồi.
Bà trương bảo Văn:
- Cụ xã Nhân hỏi anh đã xem thuốc của các ông phó để định thưởng cơ.
Văn ngơ ngác:
- Định thưởng?
- ừ định thưởng. Thế này này: Mỗi ông phó thái xong một cuốn thuốc mình lại bốc lấy một nắm sợi, rồi khi thái xong tất cả, xem người nào thái khéo nhất, mà nhanh nhất thì cho thưởng.
Văn mỉm cười:
- ồ, hay nhỉ! Thì ra tôi cũng được làm một khảo quan kia đấy!
Bà trương chẳng hiểu khảo quan nghĩa là gì, cũng trả lời liều:
- ấy, chính thế.
Rồi bà quay ra bảo bọn thợ:
- Thôi, các ông phó nghỉ tay xơi rượu đã.
Văn được mời lên cỗ cao nhất, cùng mâm với ba ông cụ già, râu bạc lưa thưa. Nhìn sang phản bên kia chàng thấy Tẹo và năm người đàn bà vừa ăn vừa chuyện trò huyên thiên. Chàng chỉ muốn nhập bọn với họ, vì ba ông lão ở mâm chàng như câm như điếc, chỉ nghĩ đến có ba việc gắp, nhai và uống rượu.
Văn vừa ăn cơm ở nhà nên hãy còn no, ngồi đưa đà nhắp chén và nhỏ nhẻ ăn vài sợi miến trong bát thịt lợn ninh.
- Anh tú làm khách quá!
- Không đâu, dì ạ. Tôi ăn khỏe lắm.
Rồi chàng đứng dậy vươn vai, vì mặc tây và ngồi xếp bằng, chàng thấy mỏi chân quá.
- Bà có đôi guốc cho tôi mượn?
- Thế nào? Thôi à! Anh xơi cơm đã chứ.
- Tôi đứng dậy một tí cho dãn xương dãn thịt.
Bà trương cúi xuống gầm bàn thờ kéo ra đôi guốc da trâu của chồng, rồi lấy vạt áo lau bụi cho bóng:
- Anh đi tạm đôi giầy của thầy nó nhé?
- Còn nói gì nữa!
Văn vờ ra đằng sau nhà một lát rồi lúc trở vào, đứng lại gần chỗ Tẹo.
- Cỗ to quá, cô Tẹo nhỉ?
Tẹo cười:
- Thôi đi anh! To đâu?
- Lại chả to? Bốn bát nấu với đầy những đĩa lại có cả cá bể, tôm bể, còn chả to thì thế nào mới to? Các bà không xơi rượu?
Cả bọn cùng phá lên cười. Tẹo nói:
- Chúng tôi đàn bà, con gái, ai lại uống rượu?
Văn vơ vẩn nhìn trời, bảo Tẹo:
- Chẳng biết tối nay trăng có sáng như tối hôm qua không nhỉ?
- Sao lại chả sáng. Tối hôm nay tôi sang làm giúp bên bác khán Thảo.
Văn sung sướng nhìn Tẹo cho đó là một câu hẹn hò. Nhưng Tẹo thẳng thắn hỏi:
- Anh có đến làm giúp bác khán không?
Rồi cười khanh khách nói tiếp:
- Đến, em hát cho mà nghe.
Văn đứng lặng nhìn Tẹo. Bỗng chàng rút đồng hồ ra xem. Tẹo tưởng chàng coi giờ để về nhà.
- Thì anh hãy ở đây chơi đã. Về làm gì vội?
Nhưng Văn thản nhiên nói một mình:
- Mới ba giờ, còn những bốn năm giờ nữa mới có giăng.
*
* *
Luôn mấy tối Văn lần mò đến các nhà trong xóm xem rọc lá thuốc. Sự thực chàng tới đó chỉ cốt để được gặp mặt Tẹo, để được nghe Tẹo hát và cười và âu yếm gọi mình là anh Văn.
Tẹo thì mỗi ngày một xinh đẹp hơn, vui tươi hơn, chăm chú điểm trang hơn: vành khăn vấn rất tròn, mái tóc chải rất mượt, đường ngôi rẽ rất thẳng và chùm hoa mộc tối nào cũng thay mới phảng phất đưa hương thơm mới.
Có tối, hai người gặp nhau ở đầu ngõ hẻm. Văn bảo Tẹo rằng hãy còn sớm và rủ nàng đi dạo mát ngắm trăng. Tẹo chỉ đùa nghịch liến thoắng ở chỗ đông người. Một mình đi bên cạnh Văn, nàng bẽn lẽn, thẹn thùng cười nói nhỏ nhẹ. Sự yên lặng của Tẹo dưới ánh trăng yên lặng càng làm cho Văn say sưa ngây ngất tình yêu.
Thế rồi một đêm, Văn dỗ dành đưa Tẹo về nhà.
*
* *
Đêm hôm ấy, ngồi bên người yêu nằm ngủ thiếp trong giường chàng cảm thấy hết cả cái vô lý của việc chàng làm, của cái cử chỉ, cái hành vi điên cuồng khốn nạn. Buồn rầu, chán nản, chàng ra cửa đứng ngắm trăng: trăng đã khuyết buông xuống cảnh vật một làn ánh sáng lạnh lẽo không linh hồn. Những ngọn cau như hàng phất trần lơ láo ngớ ngẩn đứng im chờ gió. Chung quanh, những nóc nhà lợp cói, lợp rạ, màu xạm, co ro, chen chúc, đứng sát nhau bên những mẩu tường đất cắm mảnh nồi vỡ, hay cành xương rồng bên những ao bèo, ao rau muống bẩn thỉu. Và chàng tự nhủ: "Trời ơi, cảnh này mà mình cho là đẹp được, thì mình thực trẻ con!".
Tiếng dệt vải trong đêm khuya đều đều một dịp mà mấy hôm trước chàng nghe rất cảm động, rất nên thơ, nay chàng chỉ thấy buồn tẻ, khó chịu. Cố nhớ lại những nét mặt các cô gái quê ngồi dệt trên khung cửi chàng như tưởng hiện ra trước mắt một bạn xấu xí, nhem nhuốc luộm thuộm.
Văn rón rén đến bên giường, vén màn đứng ngắm Tẹo. Cái đẹp mơ màng ngây thơ đã biến mất. Chàng chỉ thấy Tẹo giống hệt các cô gái quê khác, thô lỗ, đần độn, ngu ngốc. Cặp mắt mở, trắng dã như nhìn thẳng vào mặt chàng, cái miệng há hốc thở phì phò, một dòng nước bọt chảy từ một bên mép xuống khăn giải giường. Chàng cáu tiết gọi:
- Tẹo?
Tẹo vẫn ngủ thiếp, ngủ mê mệt. Văn cầm đầu lay mạnh, Tẹo ú ớ hỏi:
- Cái gì thế bu?
Văn phì cười.
- Dậy bu bảo.
Tẹo ngồi nhổm dậy bước xuống ván gác.
- Tôi ở đâu thế này nhỉ?
- Tẹo ơi, anh Văn đây mà!
Tẹo mới chợt nhớ ra, mếu máo bảo Văn.
- Thầy bu em mà biết thì em chết mất.
Văn động lòng thương hại:
- Nhưng thầy bu em biết thế nào được? Vậy em về nhé, chẳng nhỡ thầy bu biết.
Vừa nói, Văn vừa dúi vào tay Tẹo một tờ giấy bạc năm đồng:
- Năm đồng đấy chứ không phải một đồng đâu. Cất kỹ chẳng rơi mất nhé.
Tẹo thật thà, ngây thơ buộc tờ giấy bạc vào giải yếm rồi lẳng lặng ra cầu thang gác.
- Thôi em về anh Văn nhé!
- ừ em về.
Và Văn bĩu môi ghê tởm nghĩ thầm: "Nó chỉ thích tiền!"
Sáng hôm sau Văn đi Hà Nội sớm. Chàng vội vàng hấp tấp như đi trốn.
Và ngày hôm sau chàng quên hết, quên hẳn cảnh và người đã làm cho chàng trong mấy đêm có cái ảo mộng của tình yêu.
*
* *
Nhưng hôm nay đọc bức thư quê kệch thực thà của Tẹo, Văn lại thấy hiện rõ ra những cảnh đêm trăng ấy, hiện ra với hết thảy những vẻ đẹp đã mờ. Và chàng mê man, say sưa với những kỷ niệm êm đềm đến nỗi mai sau, nghĩ tới cái tai hại của cuộc ái tình lãng mạn ngắn ngủi chàng mới biết hối hận và cái thái độ cái hành vi không quân tử của mình.
Văn thở dài, đọc lại bức thư không biết lần thứ mấy.
Tâm trí rối loạn chàng đọc buông miệng lại quên hết, những lời trong thư. Nhưng một hình ảnh hiện ra trước mắt chàng: Tẹo với cái bụng chửa. Tẩn mẩn và như làm một việc vô giác, chàng vừa đọc thư vừa cầm bút chì ghi vào mảnh giấy mấy câu tóm tắt: "Tẹo có thai, Tẹo xin tiền. Tẹo toan tự tử".
Một nụ cười ích kỷ... Văn tự nhủ thầm "Tự tử! Tự tử thế quái nào được! "Cái ý nghĩ xúi con xin tiền của người mẹ làm cho Văn đỡ hối hận: "Cho nó dăm chục bạc thế là xong. Việc gì mình phải loay hoay suy tính thêm bận trí? Danh dự, thì làm gì có danh dự. Những việc như thế này xảy ra hàng ngày nào người ta có hối hận bao giờ đâu".
Văn vò nhàu bức thư nhét vào túi quần đứng dậy thản nhiên đánh diêm hút thuốc lá.
- Được! Mai gửi ra cho nó năm chục bạc rồi xếp câu chuyện vào một xó.
Kim đồng hồ nhỏ để trên bàn chỉ mười hai giờ. Văn thay quần áo rồi lên giường tắt đèn ngủ.
Bóng hàng chắn song sắt in lên màu ren, in lên chăn trắng. Bây giờ Văn mới kịp nhớ ra rằng đêm có trăng. Bao sự êm đềm ngây thơ nơi thôn dã nhẹ nhàng thức dậy trong tâm hồn chàng, làm cho chàng rạo rực không nằm yên được. Chàng liền tung chăn, khoác áo tơi dạ đứng tì cửa sổ nhìn ra đường.
Một cái xe cao su buông mái kín mít chạy vụt qua. Văn tưởng tượng đó là xe đưa gái đi ăn sương. Và chàng so sánh ngay Tẹo với một cô gái giang hồ: "Hừ! Nếu Tẹo lảng vảng ra Hà Nội thì tránh thoát sao cái đời làm đĩ. Một cô gái quê nhí nhảnh như thế mà ham tiền như thế, nhất lại có chút nhan sắc như thế! Công tử bột nó chỉ tán qua một câu là mắc".
Nhưng Văn thấy mình là một công tử bột. Chàng ôn lại những câu đường mật chàng đã nói với Tẹo dưới ánh trăng trong. Và chàng nhận rõ những tội ác của mình: "Người ta đương sống với cái đời giản dị bình thường của người ta tự nhiên mình về quyến rũ người ta. Rồi khi mãn nguyện lại bỏ mặc người ta, như thế không gọi là khốn nạn thì gọi là gì?"
Văn cố tìm những cớ, những hoàn cảnh làm giảm tội ác cho mình. Chàng nghĩ: "Nếu không xảy ra việc này thì Tẹo cũng đến lấy thằng Nghĩa. Mà thằng Nghĩa mình đã gặp. Sống trọn đời với một thằng ngu ngốc, bẩn thỉu, như thằng Nghĩa thì Tẹo cũng chẳng sung sướng. Ta chẳng nghe thấy Tẹo chê bai nguyền rủa thằng chồng tương lai của Tẹo là gì! Phải, biết đâu làm tình nhân mình trong mấy ngày, Tẹo lại không thích hơn làm vợ chính thức một thằng đần độn, suốt đời dài dằng dặc sống với nó trong gian nhà tranh tối tăm bên vũng bùn hôi hám. Và Văn nhớ lại câu ca dao mà Tẹo, được chàng âu yếm, đã thì thầm đọc bên tai chàng: "Một đêm quân tử nằm kề." Vế dưới Văn nghĩ mãi không ra, thành thử chàng cứ nhẩm đọc đi, đọc lại mãi vế trên.
Chàng bỗng chợt cảm thấy hết cả cái ý nghĩa mỉa mai đau đớn của chữ quân tử: "Quân tử, mình còn quân tử với ai được nữa?... Mình tiểu nhân, mình tiểu nhân!"
Văn thở dài đóng cửa sổ, lên giường nằm cố ngủ. Bức thư mà chàng đã đọc đến gần chục lần và tưởng không thể nhớ được, bây giờ hiện rõ ra trước mắt, hiện rõ ra với những nét chữ ngoằn ngèo lệch lạc.
*
* *
Sáng hôm sau, mãi hơn chín giờ, Văn mới thức dậy. Thân thể chàng mỏi mệt nhưng tâm trí chàng bình tĩnh hơn. Việc thứ nhất chàng nghĩ đến là bức thư ở phủ Thống sứ mà chàng nhận được cùng với thư của Tẹo. Chàng có đệ đơn xin bổ tham tá nên người ta đã trả lời thiếu bản sao và cái bằng tú tài.
Cả buổi chiều hôm ấy, Văn bận việc đến nha học chánh nên quên nhãng được Tẹo. Nhưng buổi tối khi ngắm trăng lên chàng lại nhớ.
Bực mình chàng ra thuê xe đến chơi nhà một người bạn và cùng bạn đánh luôn bốn năm ván cờ cho mãi tới một giờ khuya mới về ngủ. Song có ngủ được đâu!
Luôn mấy hôm như thế Văn hết đi đánh cờ lại đi đánh tổ tôm, mạt chược. Nếu không thì chàng vào thư viện xem sách, xem tranh, nhất là xem tranh. Thực chàng chẳng khác con đà điểu đứng trước tai nạn chúi đầu xuống cát để khỏi trông thấy.
Cáu tiết, Văn liều: "Thì lỗi gì ở mình? Mà nếu có lỗi ở mình thì cũng ở nó một nửa. Hay chẳng lỗi ở ai cả, thủ phạm chỉ là cái tuổi thanh niên."
Và chàng hiểu rằng muốn tâm hồn được bình tĩnh, chỉ có một cách là quả quyết.
Tình thế này không thể để lơ lửng được. Rồi theo phép khấu trừ trong toán pháp - Văn đem hết các lẽ ra so sánh:
Trước hết lấy Tẹo chăng?
Văn mỉm cười không nghĩ tiếp nữa. Không thể lấy Tẹo được. Văn cho là một sự dĩ nhiên không cần suy tính lôi thôi nữa. Người vị hôn thê của chàng, tuy chàng không yêu nhưng chàng cho là một người vô tương lai rồi, chỉ việc cưới thôi. Mà cho dầu chàng nhất định không bằng lòng lấy người ấy, Tẹo cũng không thể kế chân được. Vì sao? Và một người như chàng không thể lấy một người như Tẹo được.
Vậy dù còn hai đường, một là giấu Tẹo một nơi để nàng đẻ xong rồi cho nàng ít tiền làm vốn, mặc nàng xoay sở lấy mà sống thế nào tùy ý. Hai là gửi ngay cho Tẹo năm chục bạc.
Giấu Tẹo một nơi. Văn thấy điều đó không ổn một tí nào. Con người há phải con mèo, con chó mà dễ giấu như thế. ở làng bưng bít sao cho êm. Vả muốn thuê nhà cho Tẹo ở Hà Nội thì tốn kém lắm, ít ra cũng phải có vài trăm bạc. Tiền ấy đào ở đâu ra? Xin nhà chắc là không được rồi. Đi vay thì vay ở đâu? Sau hết, rồi đời Tẹo sẽ ra sao? Tẹo làm nghề gì để nuôi sống thân mình và đứa bé? Văn chỉ trông thấy một lối ra: làm đĩ.
Chàng cố xua đuổi cái ý tưởng hắc ám ấy đi nhưng nó vẫn bám lấy trí nghĩ. Chàng như trông thấy đứa con chàng nay ở với người tình này của Tẹo, mai ở với người tình kia của Tẹo. Rồi lớn lên, không nghề nghiệp, không nhà cửa, nó sẽ trở nên một thằng ăn cắp, một thằng ăn mày ngồi ăn mày đầu đường xó chợ.
Văn vội nghĩ tiếp xuống cái ý định thứ ba: gởi cho Tẹo năm chục bạc và nói khéo với Tẹo rằng hãy chờ đợi ít lâu khi nào được bổ tham tá sẽ đón lên cùng ở với chàng.
Văn sung sướng đánh diêm hút điếu thuốc lá khác, tự cho rằng công việc xếp đặt được như thế là ổn thỏa lắm rồi, là hoàn toàn lắm rồi. Chàng mỉm cười. "Bà trương Mẫn tha hồ tấp tểnh mừng thầm nay mai con được lên làm bà tham. Nhưng rồi sao?..." Văn đương sung sướng nên cái ý nghĩ về tương lai ấy, chàng có kể vào đâu! "Hãy biết bây giờ gửi tiền về cho Tẹo, để Tẹo qua kỳ sinh nở, rồi sau muốn ra sao thì ra... Cùng lắm lấy nó làm lẽ, rồi bỏ lửng đấy cũng chẳng chết ai!".
Văn lạc quan đến nỗi cái vấn đề làng bắt vạ, chàng cũng giải quyết rất dễ dàng: chàng sẽ về nói với hội đồng hương tộc rằng Tẹo là vợ lẽ của mình. Nếu khó khăn quá thì đưa Tẹo sang làng bên ở trọ nhà một người tá điền của nhà chàng.
Văn thích quá cười thầm: "Có thế mà mình loay hoay bốn năm hôm nay không tìm ra". Rồi chàng cất tiếng hát vang nhà.
Đêm ấy Văn đánh một giấc ngon lành từ bảy giờ tối cho tới bảy giờ sáng hôm sau.
Nhưng số tiền năm chục Văn xoay mãi không sao có. Vả lại cái quả quyết của chàng một ngày một yếu đuối dần. Đến nỗi chàng bao bịa chàng trở nên bình tĩnh hẳn, bình tĩnh thản nhiên vì quá nhẹ dạ chứ không phải cái bình tĩnh giải quyết được ổn thỏa một vấn đề gay go.
Hơn tháng sau được tin bổ tham tá ở một tòa sứ, chàng về xin nhà được mấy trăm bạc để sắm sửa đồ đạc, có tiền trong tay, chàng nhớ đến Tẹo, liền đi về làng
Nhưng vừa tới đầu làng, Văn rụng rời kinh hoàng: người ta bảo cho chàng biết rằng Tẹo bị đòn mãi và sợ làng bắt vạ cha mẹ nên đã đâm đầu xuống ao tự tử rồi.
Bất giác Văn nức lên khóc, khiến một đám đông xúm lại tò mò đứng xem. Rồi chàng đi thẳng đến nhà bà trương Mẫn. Thấy bà ta vẫn vui vẻ như thường. Văn hiểu ngay rằng cái chết của Tẹo chỉ làm cho bà sung sướng được thoát cái nạn bị bắt vạ.
Văn ân cần xin lỗi bà Trương, kể lể các điều dự định để lấy Tẹo rồi đưa bà ta một trăm bạc. Mãi lúc ấy, bà Trương mới rỏ được một giọt nước mắt thương con.
*
* *
Từ đó mỗi năm đến thời rọc thuốc, ở các sân gạch bát tràng, dưới ánh trăng trong người ta thường kể câu chuyện tình của Văn và Tẹo. Và người ta lại hát những câu Tẹo đã hát:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng.
Ông Văn,
Thưa ông, em khổ sở lắm, em chỉ muốn chết thôi. Nhưng em chả biết làm thế nào để chết được bây giờ. Từ khi thầy em biết em có tội, thì ngày nào cũng uống rượu say rồi lôi em ra đánh, vừa đánh vừa nhiếc. Còn bu em thời chỉ khóc. Bu em bảo em viết thơ cho ông. Em chả biết ông có còn thương em nữa không mà em viết, nhưng bu em bảo em cứ viết, nên em cũng viết, chứ em chả muốn viết tí nào cả. Em đã bảo ông, em đã lạy van ông rằng ông chả lấy được em đâu, thế mà ông không nghe, ông cứ dỗ dành em, làm khổ thân em thế này, bây giờ em còn mặt mũi nào dám nhìn thầy bu em nữa. Ông có còn thương em tí nào nữa thì ông định liệu cho em phận nào, em được nhờ phận ấy. Thầy em mà bị làng bắt vạ thì thực em làm cho nhà em xấu để đời. Vì vậy bu em bảo viết thơ cho ông để ông cho tiền em với lại đưa em đi đâu cho qua kỳ sinh nở. Em bé dại chả biết gì, nên em tin nhời ông, nhưng bu em chưởi em, bảo em rằng ông lấy sao được em, ông là con quan mà thầy em thì chỉ làm trương tuần, khi nào ông thèm lấy em, khi nào cụ lớn lại để ông lấy em. Bu em nói thế thì em hiểu ra ngay, rồi em chỉ khóc cả ngày cả đêm. Hôm xưa đứng ở bờ ao em đã toan đâm đầu xuống nước tự tử cho xong đời, nhưng em lại thương đứa bé ở trong bụng nó chả làm gì nên tội, nên em lại thôi, nên không sao em chết được. Ông xem thư này xin ông nghĩ lại cho em được nhờ.
Tẹo
ký
--------------------------------------------------------------------------------
* Cùng viết với Trần Tiêu.
--------------------------------------------------------------------------------
Văn hai tay ôm đầu ngồi suy nghĩ. Chàng không ngờ đâu lại xảy ra tai hại đến thế. Ngọn đèn hiện trong chiếc bóng mờ tỏa xuống bàn giấy làn ánh sáng dịu khiến chàng hồi tưởng tới đêm trăng ấy, cái đêm trăng đã làm chàng trở nên điên rồ.
Và chàng như thấy hiện ra cái sân rộng lát gạch bát tràng với hai, ba chục người nhà quê vừa đàn ông, vừa đàn bà, con trai con gái quây quần chung quanh những đống lá thuốc tươi.
*
* *
Dạo ấy, Văn về thăm quê hương sau hơn bốn năm xa vắng. Chàng theo học tại Hà Nội, mà cha mẹ chàng là ngành thứ lại ở luôn chỗ làm quan, nên ít khi chàng có dịp về làng. Lần này, chàng vừa đậu xong bằng tú tài, cha mẹ chàng thưởng chàng trăm bạc và cho phép muốn đi nghỉ mát đâu tùy ý. Chàng tưởng ngay đến nơi đã sống với bà cả một thời kỳ thơ ấu.
Xế chiều, Văn về tới đầu làng. Những cảm tưởng man mác làm rạo rực lòng chàng. Mỗi vật chàng gặp như một người bạn cũ hiện ra: Cái lạch nhỏ nước vẫn đỏ, cái cầu bằng tre vẫn chênh vênh, vẫn lảo đảo mỗi khi có người sang, cái cầu mà ngày còn nhỏ mỗi khi theo bác đi viếng mộ chàng phải để người ta cõng qua. Trên lối tắt rẽ vào làng giữa những bãi tha ma, những thửa ruộng nước, chàng vui mừng nhận ra từng cái khuỷu, từng quãng vòng, từng khóm chuối, từng bụi tre. Nhất cánh đồng thuốc xanh rì, chàng thấy vẫn y nguyên như ngày xưa, với những luống đất vuông vắn, cao ráo, với những cây thuốc bẻ ngọn đầy lá, to bản, với những người con gái mặc áo vải nâu non hay áo lụa, màu cánh kiến đổi vai the thâm, ngoài thắt chặt chiếc dây lưng hoa lý.
Văn đương mê mải ngắm người và vật thì ở một vườn thuốc có ai nói:
- Kìa! Hình như anh Văn?
Văn quay lại vui vẻ đáp:
- Phải, Văn đây!
- ồ! Độ nầy trông anh ấy to nhớn nhỉ?
- Bốn, năm năm không về, làm gì mà chả đổi khác.
Văn vừa trả lời vừa trố mắt nhìn người đàn bà đứng dưới rãnh vườn.
- Nhưng bà là ai mà nhận ra được tôi.
Có tiếng cười trong trẻo ở sau luống thuốc. Văn kiễng chân, rướn cổ, nghiêng đầu nhòm, nhưng chỉ trông thấy cái nón ba tầm, và hai cánh tay áo nâu:
- Ai mà cười ròn thế?
Người đàn bà cũng nhăn nhở cười theo.
- Cái Tẹo đây, anh còn nhớ cái Tẹo không, nhỉ?
Cái Tẹo? Không, chàng không nhớ. Thấy Văn đứng ngây người suy nghĩ, Tẹo bỏ nón, lại gần nói với người đàn bà:
- Đến bu, anh ấy còn chả nhận được nữa là con.
- à phải rồi, cô Tẹo, thế mà suýt nữa tôi quên.
Kỳ thực Văn vẫn chẳng biết Tẹo là ai, nhưng vì thấy cô bé xinh xắn, hay hay, chàng nói liều thế để làm thân. Còn lạ gì cái tuổi ngoài hai mươi đương bồng bột tình yêu!
Tẹo đắc chí lại cười:
- ừ, có thế chứ. Tưởng nay anh đỗ ông phán ông tham anh quên cả em.
Văn lo lắng nghĩ thầm: "Chết chưa! Em kia! Chẳng hiểu họ hàng ra sao đây?" Rồi chàng đứng vơ vẩn nhìn Tẹo.
- Cô hái thuốc đấy à?
- Vâng, hái thuốc. Sáng mai anh sang nhà dì ăn cỗ mừng nắng nhé?
Văn càng kinh hoảng: "Lại dì nữa! Dì mình hẳn là bu Tẹo". Muốn được chắc chắn, chàng hỏi:
- Thưa dì vẫn được mạnh?
Người kia vừa xếp lá thuốc lại thành chồng vừa đáp:
- Cũng khá thôi, anh ạ. Độ đầu năm tôi giã gạo, hụt chân xuống hố, đau mất đến một tháng đã tưởng què, nhưng sau nhờ được bà cử Thuận cho ít rượu... rượu gì, Tẹo nhỉ?
Tẹo cười:
- Rượu chổi!
- ừ, rượu chổi. Tôi bóp có năm sáu hôm đã khỏi hẳn may quá anh ạ.
Văn vẫn chưa rõ người đàn bà, nhất là Tẹo với mình có họ xa hay gần. Liền đánh bạo hỏi:
- Thưa dì, tôi hỏi thế này khí không phải, dì bỏ qua đi cho, dì với tôi có họ thế nào nhỉ?
- ừ phải đấy, hỏi cho biết chẳng cứ gọi là dì mà chẳng hiểu dì ra sao. Thế này này: bà án với tôi là đôi con dì.
- à, đôi con dì!
Thực ra Văn cũng chỉ rõ bà kia với mẹ mình có họ mà hình như lại họ xa.
- Quan lớn bà lớn có về chơi không anh?
Văn đăm đăm ngắm nghía hai bàn tay mềm mại thoăn thoắt tỉa lá thuốc, chẳng để ý vào một sự gì khác, khiến người đàn bà đã nhắc lại câu hỏi một lần nữa mà chàng vẫn không nghe tiếng. Thấy vậy, Tẹo tò mò nhìn chàng, mỉm cười ngây thơ nói:
- Anh Văn điếc đấy, bu ạ.
Văn cũng cười, chẳng hiểu sao Tẹo lại bảo mình điếc. Nhưng xách va li đứng giữa đường nói chuyện. Văn chợt nhận thấy hơi khó coi, nhất những người hái thuốc ở các thửa vườn lân cận lại cứ luôn luôn đưa mắt về phía mình và khúc khích cười.
Chàng liền ngả đầu chào:
- Thôi, dì hái thuốc, tôi xin về.
- Anh về đấy à? Mai mời anh sang ăn cỗ mừng nắng nhé?... Hay lại khinh nhà dì nghèo không thèm đến.
- Dì cứ nói thế!
Văn lững thững trở về nhà. Một lát quay lại nhìn: bọn người hái thuốc đã khuất trong lớp lá to bản.
*
* *
Cha mẹ Văn giao cho một người em họ ở trông nhà. Nghe có tiếng chó sủa người ấy vội chạy ra cổng thì vừa gặp Văn:
- ồ! Cậu đã về. Quí hóa nhỉ. Quan lớn bà lớn có về không?
- Không, chú ạ.
- Cậu đưa va li tôi xách. Sao cậu không bảo anh xe anh ấy mang vào cho.
- Anh ấy gặp khách ngược, nên tôi để anh ấy kéo, chẳng nhỡ mất của anh ấy một chuyến xe. Với lại cái va li của tôi cũng chẳng nặng gì.
Rồi Văn hỏi luôn:
- à này, chú Vinh, cái Tẹo là con cái nhà ai thế nhỉ?
Ông lão cười:
- Sao cậu lại biết cái Tẹo? Nó là con chú trương Mẫn.
- Thế bà trương Mẫn có họ thế nào với nhà ta nhỉ?
- à, họ xa. Bà ấy với bà lớn nhà là đôi cháu dì.
- Sao bà ấy bảo là đôi con dì? Nhưng đôi cháu dì thế nào?
- Là thế này: bà ấy với bà lớn nhà là chị em con chú con bác.
- Thế thì xa thật!
Văn nghĩ đến Tẹo nên thốt ra câu ấy. Rồi sợ ông Vinh ngờ vực, lại hỏi lảng:
- Có chỗ cho tôi ngủ không đấy?
- Có chứ?
Ông Vinh quay ra gọi:
- Bé ơi!
- Cái gì đấy, thầy?
Một người trẻ tuổi, to lớn, lực lưỡng, ở dưới bếp chạy lên.
- Mày mở cửa gác quét dọn, lau chùi rồi lấy màn tây ra mắc nhé. Chìa khóa tao treo ở đầu giường ấy. Để tao đi bảo bu mày vo gạo thổi cơm. Mà kìa, thằng bé lạ chưa! Không chắp tay chào cậu à? Dễ nó quên cậu tú Văn rồi đấy.
Bé vui vẻ:
- ồ! Cậu Văn! Bây giờ cậu nhớn nhỉ?
- Tao hăm mốt tuổi lại chả nhớn!
- Thế thì hơn con hai tuổi.
Văn mơ màng ngước nhìn mấy ngọn cau, trồng bên tường hoa:
- Con gái làng ta đẹp lắm, chú Vinh ạ.
Ông Vinh cười:
- ở xóm ngoài kia, chứ khu ta có quái ai?
- Thế cái Tẹo chả đẹp là gì?
- ờ nhỉ! Cái Tẹo! Nó mới nhớn lên. Trông cũng khá... Tối nay ở nhà chú trương Mẫn rọc thuốc đây.
- Thế à?
Kỳ thực, Văn chả hiểu rọc thuốc nghĩa là gì.
*
* *
Cơm chiều xong, Văn ra sân lững thững đi đi lại lại quanh mấy bồn hoa, tay lẩn mẩn ngắt những quả hồng khô, và những lá hồng bị sâu ăn lỗ chỗ.
Trời dần dần tối. Một lát sau, trên nóc nhà ngang, trăng tròn đã mọc, lấp ló trong những cành trúc đào thưa lá. Dáng cây mềm mại, nhẹ nhàng, Văn ví với dáng một cô gái quê yểu điệu thắt dây lưng ong. Và chàng nhớ ngay đến Tẹo.
Bé qua sân, Văn gọi, định hỏi thăm nhà bà trương Mẫn. Nhưng khi Bé đến bên, chàng ngượng ngùng lại nói lảng sang chuyện khác:
- Bé ạ... cây trúc đào này... giồng từ bao giờ thế nhỉ?
- Thưa cậu, mới giồng được ba năm nay. Cậu coi nó chóng nhớn thế!
- Bé giồng đấy à?
- Thưa cậu không, mợ huyện giồng đấy chứ.
Mợ huyện là chị dâu Văn.
- à chị huyện có hay về không?
- Thưa cậu, mợ ấy về luôn đấy, về để mua thuốc, mỗi năm mợ ấy mua có hàng vạn.
- Hàng vạn bạc?
- Không, hàng vạn bánh thuốc ấy chứ.
- Thế chị ấy không giồng thuốc?
- Không. Giồng làm gì. Bận chết đi ấy. Thường thường chỉ những người nghèo mới giồng, người giàu chỉ việc bỏ tiền ra buôn, còn vườn thì cho thuê.
Văn mỉm cười:
- Thế bà trương Mẫn cũng nghèo? Vì bà ấy cũng làm lấy vườn, chứ không cho thuê.
- Bà ấy cũng chả nghèo. Nhà bà ấy nhiều người làm lấy được thì tội gì mà cho thuê. Làm lấy được lãi lắm cơ, cậu. Có khi giồng một sào được lời đến hơn chục bạc.
- Thế kia?
Văn chỉ cốt gợi chuyện để hỏi thăm Tẹo. Còn trồng một sào vườn thuốc được lãi bao nhiêu, chàng có cần gì biết.
- à này Bé, rọc thuốc thế nào nhỉ?
Bé cười:
- Cậu không biết rọc thuốc thế nào? Rọc thuốc là rọc lấy lá để thái, còn cọng thì bỏ đi.
- Mày nói thế, tao còn hiểu sao được? Giá ở đây có rọc thuốc mày đưa tao đến xem thì hay quá.
Bé ngẫm nghĩ:
- Tối nay nhà bà trương Mẫn rọc thuốc đấy, chắc vui lắm, vì hôm nay bà ấy hái những ba sào.
- Nhà bà ấy có ở gần đây không?
- Gần, cậu muốn xem, con đưa đến. Giá con không phải ở nhà hầu cậu, thì con cũng đã lại làm giúp rồi.
- Việc gì phải hầu tao. Cứ lại mà làm giúp. Đi, tao cũng đi!
Văn cố tránh, không đọc đến tên Tẹo để Bé khỏi ngờ vực, nhưng tâm trí chàng chứa đầy hình ảnh và giọng nói, tiếng cười của cô hái thuốc gặp lúc ban chiều. Đi bên cạnh Bé, chàng mơ mộng lẩm bẩm nói một mình: đôi con dì, đôi cháu dì.
- Thưa cậu bảo gì ạ?
- Không. à, đôi cháu dì thì họ xa lắm, Bé nhỉ?
- Vâng, xa đến mấy cột lô mếch. Cứ kể con với cậu tuy chỉ là đồng tông cũng còn gần hơn đôi cháu dì, vì đồng tông thì cùng họ chứ đôi cháu dì thì khác họ. Đấy nhé, cậu họ Hoàng. Còn bà trương Mẫn thì cùng họ Bùi với bà lớn, nghĩa là đã họ ngoại rồi, đến như cái Tẹo lại họ Lê, còn dính dáng gì đến cậu nữa!
Có lẽ vô tình Bé đem Tẹo ra thí dụ, nhưng Văn cho là hữu ý. Chàng lảng sang chuyện khác và hỏi Bé về công việc trồng hái, cách thức làm và buôn, bán thuốc. Bé đem những tiếng nghề ra nói với Văn, khiến chàng không hiểu một tí gì. Chàng cũng chẳng cần Bé giảng rõ nghĩa. Mắt mơ màng, chàng còn mải nhìn bóng trăng lướt trong cành tre lả ngọn giao nhau trên đỉnh đầu. Đường xóm nhỏ, hẹp, quanh co, cây đèn dầu thấp thoáng qua khe giậu, tiếng khung cửi đều đều một dịp, giọng hát ru em rời rạc buồn tẻ, cái cảnh thôn dã nên thơ ấy gợi trong lòng gã thanh niên một mối tình man mác.
- Đêm trăng đẹp quá. Bé nhỉ?
- Vâng, trăng sáng quá. Mai thế nào cũng nắng to tha hồ mà mừng nắng.
Văn nhớ ngay đến bữa cỗ mừng nắng mà bà trương Mẫn và Tẹo đã ân cần mời chàng đến dự.
- à, cỗ mừng nắng là thế nào. Bé nhỉ?
- Là cỗ mừng nắng. Thái thuốc được nắng thì làm cỗ ăn mừng.
- à, ra thế? Ngày mai nhà bà trương Mẫn có cỗ mừng nắng đấy, Bé có sang ăn cỗ không?
- Có chứ!
Ra tới đường làng và nghe có tiếng mõ, Văn chưa kịp hỏi đó là mõ gì, Bé đã nói:
- Cỗ mai thế nào cũng có cá bể.
- Sao mày biết?
- Mõ bán cá đấy, cậu không nghe thấy à?
Văn cười:
- Mõ bán cá, hay nhỉ? Chẳng khác hàng sực tắc ở Hà Nội!
Mỗi vật trông thấy, mỗi tiếng nghe thấy, Văn đều cho là mới lạ. Chàng có cảm tưởng đương sống trong một thế giới đầy tình yêu, đầy mộng ảo.
- Rẽ vào ngõ này, cậu.
- Tẹo ở xóm này?
- Vâng, bà trương Mẫn ở xóm này?
- ừ, bà trương Mẫn.
*
* *
Bé đưa Văn đi sâu mãi vào trong ngõ hẻm tối.
- Đây rồi, cậu ạ. Khéo cậu bước thụt xuống rãnh nhé.
Rồi đứng gọi:
- Chị Tẹo ơi! Mở cổng cho tôi mấy.
Tiếng ồn ào ở trong sân bỗng ngừng lại.
- Ai?
- Tôi đây mà.
Văn nghe rõ tiếng Tẹo ở phía trong cổng.
- Tôi là ai?
- Tôi là Bé.
- à, anh Bé! Sao không ở nhà hầu cậu Văn?
- Cậu tôi cũng đến đấy.
- ồ, cậu Văn cũng đến!
Cổng mở tung ra. Tẹo chào Văn bằng một dịp cười ròn như tiếng nhạc, rồi quay vào gọi:
- Bu ơi, anh Văn đến chơi đấy, bu ạ!
- Thế à?
Bà trương Mẫn đứng dậy chạy vội ra.
- Anh Văn đến chơi nhà dì đấy à? Quý hóa quá.
Văn nghe tiếng dì chả thuận tai một tý nào nữa. Nhưng chàng cũng đáp:
- Vâng, tôi đến làm giúp dì đây.
- Thế nữa cơ à? Vậy mời anh vào.
Hơn hai chục người, vừa đàn ông, đàn bà, con trai, con gái cùng chào:
- Cậu Văn mới về đấy à?
- Chào cậu lại chơi.
- Không dám, chào các ông, các bà.
- Nghe nói cậu đỗ ông tham, ông tú, ông cử gì, vậy có ăn mừng không?
- Có chứ. Tôi sẽ mừng một tiệc thuốc lào.
Tiếng cười phá lên, đủ các giọng cao thấp.
- Tưởng mừng cỗ bàn, rượu chè cơ, chứ mừng thuốc lào thì chúng tôi say chết.
Tẹo đã vào trong nhà bê ra một cái ghế lim lưng có hàng con tiện, đặt ở bên thềm. Nàng bảo Văn:
- Mời ông tham ngồi chơi.
- Mời ông tú thôi!
Tẹo cười vui sướng:
- Vậy mời ông tú ngồi chơi... Nào ông tú, nào ông cử, nào ông tham, còn ai nhớ được nữa?
- Cô cứ gọi tôi là anh Văn, dễ nhớ hơn...
Chàng ghé vào tai Tẹo thì thầm nói tiếp:
- Mà anh thích hơn.
Không hiểu đó là lời âu yếm, Tẹo lại cười:
- Vậy mời anh Văn ngồi chơi.
- Cám ơn cô nhé. Cô để mặc tôi.
Rồi Văn đi lại gần chỗ mọi người đương ngồi xổm rọc lá thuốc với cái "móc" làm bằng sợi cước buộc vào đầu hai cái đũa tre. Họ làm việc rất mau, hai bàn tay lanh lẹ đưa lên đưa xuống. Khắp sân tiếng rọc nghe xoèn xoẹt như tiếng xé giấy, liền liền không ngớt.
Bà lý Bá tính vui vẻ nói bông đùa luôn miệng, làm cho chốc chốc tiếng cười lại phá lên từng dịp. Bà ta hỏi Văn:
- Ông tú có biết rọc thuốc không?
Văn mải ngắm nghía mái tóc lòa xòa và cái mũi dọc dừa của Tẹo, nên lơ đãng trả lời:
- Biết chứ!
- ừ, thế thì khá. ở làng ta mà không biết rọc thuốc, cuộn thuốc thì giai ế vợ, gái ế chồng!
- Thế kia à? Vậy chắc cô Tẹo thì đắt chồng lắm nhỉ?
Tẹo ngước mắt nhìn Văn, có vẻ giận dỗi. Bà lý nhìn nàng nói:
- Nó sắp sửa có chồng rồi đấy. Bao giờ tao được ăn giầu, hử Tẹo?
Tẹo vênh mặt, hất hàm tỏ hết vẻ đanh đá:
- Bà cứ nói thế, chứ người ta thèm vào.
Văn tò mò hỏi:
- Cô ấy thèm vào ai thế, bà lý?
- Phải, nó thèm vào, chứ nó có thèm ra đâu! Con gái đứa nào chả thế. Nói đến lấy chồng thì thích chết đi nhưng lại cứ...
Tẹo cau có:
- Cháu van bà đi...
- Nhao ôi! Rồi lúc thằng Nghĩa nó xỏ mũi nó lôi về, mới...
Văn như nói một mình:
- Cô Tẹo là vị hôn thê của anh Nghĩa...
Và chàng căm tức đứng nhìn Tẹo...
ánh trăng giải xuống sân gạch bóng cây mít rườm rà đứng bên hồi nhà ngói. Tiếng sáo diều trên không, ngân nga một điệu... Văn lặng lẽ cảm thấy buồn mênh mông.
Rồi trong bọn người làm việc, những mẩu chuyện, những tiếng cười rời rạc, thưa dần, tuy không lúc nào ngớt hẳn. Bà lý Bá bàn:
- Giá ai hát hay, hát nghe cho đỡ buồn ngủ.
Một người:
- Lại còn ai nữa? Chị Tẹo hát hay nhất làng đấy!
- Vậy chị Tẹo hát cho chúng tôi nghe một câu nào?
Không đợi mời đến hai lần. Tẹo đặt que móc trên đống lá thuốc rọc rồi, mắt ngước nhìn trời, cất lời ca theo điệu trống quân:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Em ngồi cành trúc em tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?
Văn đứng phía trước, ngây người đăm đăm nhìn Tẹo. Và chàng ví giọng Tẹo với ánh trăng rằm trong sáng, với mùa lúa chín thơm tho.
Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân,
Bỗng nàng cúi xuống cười ngất!
- Hát cho tử tế! Cớt nhả thế không được!
Tẹo vừa cười vừa trả lời bà lý Bá.
- Khốn nhưng mà... anh Văn anh ấy... cứ nhìn chòng chọc vào mồm... xấu hổ chết đi, ai hát được?
Văn cũng cười, rồi mê mẩn ngây ngất đáp lại.
- Khốn, nhưng mà miệng cô hát xinh lắm cơ, cấm người ta nhìn thế nào được?
Và Văn ao ước rằng Tẹo hiểu thấu ý nghĩa bóng bẩy của câu ấy, vì chàng chỉ muốn nói: "Em đẹp quá, anh yêu em quá, nhìn miệng em hát anh chỉ muốn hôn em một cái".
Chẳng rõ Tẹo có hiểu như thế không, nhưng bà trương Mẫn thì có lẽ hiểu như thế, vì bà bảo Văn:
- Anh cứ chế diễu em làm gì vậy? Nó quê mùa, xấu xí, lại đần độn nữa, chả biết cái gì.
Tẹo nhìn Văn, mỉm cười rất thẳng thắn. Nhưng Văn tưởng như cái mỉm cười ấy thì thầm bên tai chàng. "Em biết cái gì lắm chứ!".
Trăng càng lên cao càng trong. Và sân gạch mỗi lúc một thêm sáng, vì bóng cây, bóng nhà, bóng người dần dần thu ngắn mãi lại. Hơi ở lá thuốc lào nồng nàn bốc lên làm cho Văn nóng bừng mặt như say rượu: dưới ánh trăng chàng ngắm thấy người, vật như đẹp hơn lên bội phần và trong đó, Tẹo như một nàng tiên từ trên cung Nga là là bay xuống.
- Ô hay! Hát đi chứ! Sao lại cứ ngồi mà cười thế kia?
- Tôi chịu thôi.
Rồi Tẹo ngây thơ liếc Văn mỉm cười như có ý bảo:
"Tại anh đấy mà!"
Trong bọn có người nói:
- Cậu Văn làm chị Tẹo không hát nữa thì cậu hát đi!
- Phải đấy! Phải đấy! Cậu Văn hát đi cho chúng tôi nghe với!
Văn đứng mỉm cười mơ màng nhìn Tẹo. Ông trương Mẫn, người ít lời, từ nãy vẫn ngồi im ở một góc sân, mãi bây giờ mới lên tiếng và thủ thỉ như nói một mình:
- Cậu ấy học chữ tây thì biết hát xướng ra làm sao mà bắt cậu ấy hát?
- Thì hát tiếng tây chứ sao?
- ừ phải, hát tiếng tây. Cậu Văn hát đi!
Tẹo cũng nói:
- Anh Văn hát tiếng tây cho em nghe với nào!
Văn như mê mẩn, như điên cuồng, như quên rằng trong sân có bao người đương để mắt vào mình. Dưới đất chàng chỉ trông thấy có một Tẹo và trên trời một mảnh trăng trong.
Tẹo nhắc lại:
- Thế nào? Anh nhất định không hát?
Văn cười:
- ừ hát nhé? Hát cho cô Tẹo nghe nhé?
Tẹo cúi gầm mặt xuống, chẳng hiểu vì thẹn hay vì sung sướng:
- Anh hát thì tất cả mọi người nghe, chứ một mình gì em.
Văn hắng dặng rồi hát một mạch hết bài Serenata, mặc tiếng lao xao, mặc tiếng cười khúc khích chung quanh. Khi Văn ngừng lại thì tiếng cười phá lên rầm rầm như lúc đê vỡ, nước sông réo chảy vào trong ruộng thấp.
- Hát tây buồn cười nhỉ!
- Hát như khóc ấy nhỉ?
Chờ cho tiếng cười im hẳn, Tẹo khen lấy lòng Văn một câu, vì nàng tưởng Văn bị chế diễu thì xấu hổ:
- Anh Văn hát tây hay đấy chứ.
Rồi nàng tò mò hỏi:
- Nghĩa là gì, anh giảng ra tiếng ta cho chúng tôi nghe với.
Văn cười:
- Nghĩa cũng đại khái như bài hát của cô.
Tẹo tưởng thực, kinh ngạc kêu:
- ồ, lạ nhỉ! Tây mà cũng có những câu:
"Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"
Văn càng cười to:
- Có lắm chứ!
Có lẽ Tẹo vờ ngớ ngẩn để được nói chuyện tay đôi nữa với Văn:
- Có cả: "Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?"
Bà lý Bá chừng đã chướng tai về những câu chuyện hình như kéo dài vào chỗ buồn tẻ giữa đám người đã rời rạc, vì buồn ngủ, vì làm việc luôn trong bốn, năm giờ không một phút nghỉ tay.
Trong yên lặng, người ta nghe xoèn xoẹt tiếng rọc lá thuốc và tiếng sáo diều y-ô y-ô một điệu trên không. Thỉnh thoảng một cái ngáp lớn như tiếng kêu cất lên ở một xó, tức thì ai nấy ngáp theo, trong đủ các giọng cao, thấp, ngắn, dài.
Làn không khí chán nản lan rộng mãi ra. Và sự mỏi mệt như đè nặng lên những bàn tay uể oải. Văn chợt hiểu rằng mình ở xem đã khá lâu, liền chào mọi người để về nhà.
Tẹo vội đứng dậy, cuống quít hỏi:
- Anh về à? ồ sao lại về?
Bà trương Mẫn cười bảo con:
- Con này nó ăn nói ngớ ngẩn nhỉ? Sao lại về? Anh ấy chẳng về thì dễ ngủ đỗ lại ở nhà mày à?
Câu nói vô tình, thật thà của bà trương làm cho Văn mỉm cười sung sướng. Chàng thì thầm bảo Tẹo, khi nàng theo chàng ra cổng để cài then:
- Anh ngủ đỗ nhà em một tối có được không nhỉ?
Nhưng Tẹo cũng thật thà như mẹ, đáp lại liền:
- Được chứ! Anh cứ ngủ đỗ, nhà em cũng có màn, anh không sợ muỗi đâu.
Thấy Bé đi theo sau Tẹo, Văn ngượng ngùng nói:
- Sao mày không ở làm giúp bà trương?
- Con phải về hầu cậu.
Văn gắt:
- Tao không cần mày hầu. Cứ ở lại.
Chàng mỉm cười gật chào Tẹo một lần chót, rồi theo ngõ hẻm ra đường.
Về nhà, Văn không sao ngủ được, lòng băn khoăn, rạo rực về những sự êm đềm nơi thôn dã mà chàng như mới được làm quen lần đầu.
Tỳ tay thành cửa sổ thấp trong căn gác nhỏ, Văn ngắm trăng không chán. Chàng tưởng tượng chị Hằng gửi xuống tặng chàng một nụ cười thân mật và khuyến khích. Bất giác, chàng lẩm bẩm hát:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Và mơ màng nghe văng vẳng tiếng cười ròn của Tẹo theo gió biển bay đến bên tai. Lúc ấy, những hình ảnh các cô gái Hà thành, dù có hiện ra trong trí nhớ chàng, chàng cũng chỉ thấy mờ xạm, kém tươi, không đáng chú ý.
*
* *
Sáng hôm sau, Văn thức giấc, thì mặt trời mọc đã cao, chiếu qua những khe cửa sổ ghép vụng và lâu ngày phơi nắng phơi mưa, đã hở mộng. Văn ngơ ngác nhìn trần nhà, nhìn những đôi câu đối treo ở tường, nhìn những đồ đạc sơ sài, một cái bàn và bốn cái ghế lim, một cái gương đứng mờ và mốc loang lổ, một cái tủ gỗ để mộc, một bộ ghế ngựa làm bằng hai tấm gụ đặt ghép lại nhau. Và chàng quên hẳn không biết mình nằm ở đâu. Mãi lúc nhớ tới giấc mộng đương dở dang, chàng mới sực tỉnh. Thì ra hôm qua chàng đã về làng, đã gặp Tẹo, mà cái gác chàng đương ở là nhà chàng.
Văn mỉm cười, mắt nhắm lim dim, ước ao rằng giấc mộng lại nối.
Giữa lúc ấy, chừng nghe có tiếng động, và biết Văn đã dậy, Bé ẩy cửa bưng vào một cái chậu thau vừa đánh vàng bóng, nước đầy quá, sánh cả ra ván gác:
- Mời cậu rửa mặt rồi xuống nhà xơi cơm.
Văn chau mày, gắt:
- Cơm nước gì bây giờ? Mấy giờ rồi?
- Con không biết, nhưng mặt giời lên đã cao lắm.
Văn với áo vắt ở ghế, rút đồng hồ ra xem:
- ồ! Thế mà trưa thực! Gần mười giờ rồi đấy.
- Đấy nhé!
- Vậy sắp cơm mau.
Văn ăn rất vội vàng, rồi rủ Bé cùng đi sang nhà bà trương Mẫn xem thái thuốc.
Tẹo đương bận làm cơm ở nhà dưới, nên Văn không gặp mặt. Chàng ngơ ngác đứng đưa mắt tìm khắp mọi nơi.
- Cậu ạ, hôm nay nắng to thuốc nhà chú trương tha hồ tốt.
Bé nhắc, Văn mới kịp để ý đến cái sân gạch tối hôm trước hôm nay bị che kín dưới những xảo thuốc sợi còn xanh. ánh nắng gay gắt. Hơi thuốc nồng nực bốc lên. Văn, nước mắt ứa ra, đứng hắt hơi liền liền.
- Anh Văn sang mừng nắng nhà dì thực đấy à? Quý hóa quá nhỉ!
Văn chào được một câu rồi lại cúi xuống hắt hơi.
- Thôi, anh không quen thuốc lào rồi. Vậy mời anh lên nhà.
Văn theo bà trương đi vòng qua ba gian nhà ngang. ở đấy, trên hai đống thuốc vừa thái, ba người đàn ông và bốn đứa trẻ con đương đạp cho sợi nhàu ra, những dòng nước thuốc đen chảy xuống sân và gặp sức nóng khô lại từng đám.
Gần đấy và cả ở hiên nhà trên, những giá thái thuốc dài trông như hình những con bồ cạp khổng lồ đứng xếp hàng và rượn cong đuôi lên. Ngồi trước giá, những người thợ thái thuốc tay phải cầm vào giữa sống một con dao dài không chuôi và mềm mại nhịp nhàng đưa lên đưa xuống. Tay trái họ đẩy dần dần cuốn thuốc đặt trên giá và quấn lại như bó giò. Thỉnh thoảng người ta lại dừng tay hoặc để cởi giây lạt, hoặc để liếc lưỡi dao lên viên đá mầu lớn.
Bà trương trỏ một người bảo Văn:
- Chú ánh giỏi nhất khu đấy. Anh trông tay chú ấy thái có nhẹ nhàng không? Mà đây này...
Bà ta cúi xuống bốc một nắm thuốc xanh, nói tiếp:
- Một trăm sợi như cả một trăm, chẳng sợi nào to, sợi nào nhỏ.
Người thợ được khen không chút mừng rỡ hay cảm động mặt vẫn lì lì và đỏ bóng như mặt ông tượng ở ngoài chùa, tay vẫn đều đều như cái máy đưa lên đưa xuống.
- ồ! Anh Văn sang ăn cỗ mừng nắng nhà dì à.
Văn sung sướng quay đầu lại: Tẹo và hai người đàn bà nữa, mỗi người bưng đặt lên ghế ngựa và phản kê ở hai gian bên, một mâm gỗ sơn đầy thức ăn. Rồi lại đon đả chạy vội xuống nhà để bưng mâm khác.
Văn đứng ngây nhìn Tẹo bước đi lượn lại và cười khúc khích mỗi lần đến gần chàng.
- Cỗ to, cô Tẹo nhỉ?
- Gớm! Anh cứ chế nhà em làm gì thế?
- Ô hay, tôi chế đâu? Tôi khen đấy chứ!
- Cỗ nhà quan có gì mà to. Bì thế nào được với nhà quan lớn, bà lớn?
Lúc ấy một ông cụ già chống gậy trúc từ cổng đi vào.
- Kìa chào cụ xã. Cụ sang mừng nắng cho nhà cháu.
Cụ xã trừng mắt nhìn Văn:
- Cậu tú Văn đấy, phải không?
- Vâng thưa cụ, tôi sang mừng nắng.
Ông lão giọng cười yếu đuối xen lẫn tiếng ho sù sụ.
- Thế nào?... Đã xem thuốc chưa?
- Đã, tôi xem rồi.
Bà trương bảo Văn:
- Cụ xã Nhân hỏi anh đã xem thuốc của các ông phó để định thưởng cơ.
Văn ngơ ngác:
- Định thưởng?
- ừ định thưởng. Thế này này: Mỗi ông phó thái xong một cuốn thuốc mình lại bốc lấy một nắm sợi, rồi khi thái xong tất cả, xem người nào thái khéo nhất, mà nhanh nhất thì cho thưởng.
Văn mỉm cười:
- ồ, hay nhỉ! Thì ra tôi cũng được làm một khảo quan kia đấy!
Bà trương chẳng hiểu khảo quan nghĩa là gì, cũng trả lời liều:
- ấy, chính thế.
Rồi bà quay ra bảo bọn thợ:
- Thôi, các ông phó nghỉ tay xơi rượu đã.
Văn được mời lên cỗ cao nhất, cùng mâm với ba ông cụ già, râu bạc lưa thưa. Nhìn sang phản bên kia chàng thấy Tẹo và năm người đàn bà vừa ăn vừa chuyện trò huyên thiên. Chàng chỉ muốn nhập bọn với họ, vì ba ông lão ở mâm chàng như câm như điếc, chỉ nghĩ đến có ba việc gắp, nhai và uống rượu.
Văn vừa ăn cơm ở nhà nên hãy còn no, ngồi đưa đà nhắp chén và nhỏ nhẻ ăn vài sợi miến trong bát thịt lợn ninh.
- Anh tú làm khách quá!
- Không đâu, dì ạ. Tôi ăn khỏe lắm.
Rồi chàng đứng dậy vươn vai, vì mặc tây và ngồi xếp bằng, chàng thấy mỏi chân quá.
- Bà có đôi guốc cho tôi mượn?
- Thế nào? Thôi à! Anh xơi cơm đã chứ.
- Tôi đứng dậy một tí cho dãn xương dãn thịt.
Bà trương cúi xuống gầm bàn thờ kéo ra đôi guốc da trâu của chồng, rồi lấy vạt áo lau bụi cho bóng:
- Anh đi tạm đôi giầy của thầy nó nhé?
- Còn nói gì nữa!
Văn vờ ra đằng sau nhà một lát rồi lúc trở vào, đứng lại gần chỗ Tẹo.
- Cỗ to quá, cô Tẹo nhỉ?
Tẹo cười:
- Thôi đi anh! To đâu?
- Lại chả to? Bốn bát nấu với đầy những đĩa lại có cả cá bể, tôm bể, còn chả to thì thế nào mới to? Các bà không xơi rượu?
Cả bọn cùng phá lên cười. Tẹo nói:
- Chúng tôi đàn bà, con gái, ai lại uống rượu?
Văn vơ vẩn nhìn trời, bảo Tẹo:
- Chẳng biết tối nay trăng có sáng như tối hôm qua không nhỉ?
- Sao lại chả sáng. Tối hôm nay tôi sang làm giúp bên bác khán Thảo.
Văn sung sướng nhìn Tẹo cho đó là một câu hẹn hò. Nhưng Tẹo thẳng thắn hỏi:
- Anh có đến làm giúp bác khán không?
Rồi cười khanh khách nói tiếp:
- Đến, em hát cho mà nghe.
Văn đứng lặng nhìn Tẹo. Bỗng chàng rút đồng hồ ra xem. Tẹo tưởng chàng coi giờ để về nhà.
- Thì anh hãy ở đây chơi đã. Về làm gì vội?
Nhưng Văn thản nhiên nói một mình:
- Mới ba giờ, còn những bốn năm giờ nữa mới có giăng.
*
* *
Luôn mấy tối Văn lần mò đến các nhà trong xóm xem rọc lá thuốc. Sự thực chàng tới đó chỉ cốt để được gặp mặt Tẹo, để được nghe Tẹo hát và cười và âu yếm gọi mình là anh Văn.
Tẹo thì mỗi ngày một xinh đẹp hơn, vui tươi hơn, chăm chú điểm trang hơn: vành khăn vấn rất tròn, mái tóc chải rất mượt, đường ngôi rẽ rất thẳng và chùm hoa mộc tối nào cũng thay mới phảng phất đưa hương thơm mới.
Có tối, hai người gặp nhau ở đầu ngõ hẻm. Văn bảo Tẹo rằng hãy còn sớm và rủ nàng đi dạo mát ngắm trăng. Tẹo chỉ đùa nghịch liến thoắng ở chỗ đông người. Một mình đi bên cạnh Văn, nàng bẽn lẽn, thẹn thùng cười nói nhỏ nhẹ. Sự yên lặng của Tẹo dưới ánh trăng yên lặng càng làm cho Văn say sưa ngây ngất tình yêu.
Thế rồi một đêm, Văn dỗ dành đưa Tẹo về nhà.
*
* *
Đêm hôm ấy, ngồi bên người yêu nằm ngủ thiếp trong giường chàng cảm thấy hết cả cái vô lý của việc chàng làm, của cái cử chỉ, cái hành vi điên cuồng khốn nạn. Buồn rầu, chán nản, chàng ra cửa đứng ngắm trăng: trăng đã khuyết buông xuống cảnh vật một làn ánh sáng lạnh lẽo không linh hồn. Những ngọn cau như hàng phất trần lơ láo ngớ ngẩn đứng im chờ gió. Chung quanh, những nóc nhà lợp cói, lợp rạ, màu xạm, co ro, chen chúc, đứng sát nhau bên những mẩu tường đất cắm mảnh nồi vỡ, hay cành xương rồng bên những ao bèo, ao rau muống bẩn thỉu. Và chàng tự nhủ: "Trời ơi, cảnh này mà mình cho là đẹp được, thì mình thực trẻ con!".
Tiếng dệt vải trong đêm khuya đều đều một dịp mà mấy hôm trước chàng nghe rất cảm động, rất nên thơ, nay chàng chỉ thấy buồn tẻ, khó chịu. Cố nhớ lại những nét mặt các cô gái quê ngồi dệt trên khung cửi chàng như tưởng hiện ra trước mắt một bạn xấu xí, nhem nhuốc luộm thuộm.
Văn rón rén đến bên giường, vén màn đứng ngắm Tẹo. Cái đẹp mơ màng ngây thơ đã biến mất. Chàng chỉ thấy Tẹo giống hệt các cô gái quê khác, thô lỗ, đần độn, ngu ngốc. Cặp mắt mở, trắng dã như nhìn thẳng vào mặt chàng, cái miệng há hốc thở phì phò, một dòng nước bọt chảy từ một bên mép xuống khăn giải giường. Chàng cáu tiết gọi:
- Tẹo?
Tẹo vẫn ngủ thiếp, ngủ mê mệt. Văn cầm đầu lay mạnh, Tẹo ú ớ hỏi:
- Cái gì thế bu?
Văn phì cười.
- Dậy bu bảo.
Tẹo ngồi nhổm dậy bước xuống ván gác.
- Tôi ở đâu thế này nhỉ?
- Tẹo ơi, anh Văn đây mà!
Tẹo mới chợt nhớ ra, mếu máo bảo Văn.
- Thầy bu em mà biết thì em chết mất.
Văn động lòng thương hại:
- Nhưng thầy bu em biết thế nào được? Vậy em về nhé, chẳng nhỡ thầy bu biết.
Vừa nói, Văn vừa dúi vào tay Tẹo một tờ giấy bạc năm đồng:
- Năm đồng đấy chứ không phải một đồng đâu. Cất kỹ chẳng rơi mất nhé.
Tẹo thật thà, ngây thơ buộc tờ giấy bạc vào giải yếm rồi lẳng lặng ra cầu thang gác.
- Thôi em về anh Văn nhé!
- ừ em về.
Và Văn bĩu môi ghê tởm nghĩ thầm: "Nó chỉ thích tiền!"
Sáng hôm sau Văn đi Hà Nội sớm. Chàng vội vàng hấp tấp như đi trốn.
Và ngày hôm sau chàng quên hết, quên hẳn cảnh và người đã làm cho chàng trong mấy đêm có cái ảo mộng của tình yêu.
*
* *
Nhưng hôm nay đọc bức thư quê kệch thực thà của Tẹo, Văn lại thấy hiện rõ ra những cảnh đêm trăng ấy, hiện ra với hết thảy những vẻ đẹp đã mờ. Và chàng mê man, say sưa với những kỷ niệm êm đềm đến nỗi mai sau, nghĩ tới cái tai hại của cuộc ái tình lãng mạn ngắn ngủi chàng mới biết hối hận và cái thái độ cái hành vi không quân tử của mình.
Văn thở dài, đọc lại bức thư không biết lần thứ mấy.
Tâm trí rối loạn chàng đọc buông miệng lại quên hết, những lời trong thư. Nhưng một hình ảnh hiện ra trước mắt chàng: Tẹo với cái bụng chửa. Tẩn mẩn và như làm một việc vô giác, chàng vừa đọc thư vừa cầm bút chì ghi vào mảnh giấy mấy câu tóm tắt: "Tẹo có thai, Tẹo xin tiền. Tẹo toan tự tử".
Một nụ cười ích kỷ... Văn tự nhủ thầm "Tự tử! Tự tử thế quái nào được! "Cái ý nghĩ xúi con xin tiền của người mẹ làm cho Văn đỡ hối hận: "Cho nó dăm chục bạc thế là xong. Việc gì mình phải loay hoay suy tính thêm bận trí? Danh dự, thì làm gì có danh dự. Những việc như thế này xảy ra hàng ngày nào người ta có hối hận bao giờ đâu".
Văn vò nhàu bức thư nhét vào túi quần đứng dậy thản nhiên đánh diêm hút thuốc lá.
- Được! Mai gửi ra cho nó năm chục bạc rồi xếp câu chuyện vào một xó.
Kim đồng hồ nhỏ để trên bàn chỉ mười hai giờ. Văn thay quần áo rồi lên giường tắt đèn ngủ.
Bóng hàng chắn song sắt in lên màu ren, in lên chăn trắng. Bây giờ Văn mới kịp nhớ ra rằng đêm có trăng. Bao sự êm đềm ngây thơ nơi thôn dã nhẹ nhàng thức dậy trong tâm hồn chàng, làm cho chàng rạo rực không nằm yên được. Chàng liền tung chăn, khoác áo tơi dạ đứng tì cửa sổ nhìn ra đường.
Một cái xe cao su buông mái kín mít chạy vụt qua. Văn tưởng tượng đó là xe đưa gái đi ăn sương. Và chàng so sánh ngay Tẹo với một cô gái giang hồ: "Hừ! Nếu Tẹo lảng vảng ra Hà Nội thì tránh thoát sao cái đời làm đĩ. Một cô gái quê nhí nhảnh như thế mà ham tiền như thế, nhất lại có chút nhan sắc như thế! Công tử bột nó chỉ tán qua một câu là mắc".
Nhưng Văn thấy mình là một công tử bột. Chàng ôn lại những câu đường mật chàng đã nói với Tẹo dưới ánh trăng trong. Và chàng nhận rõ những tội ác của mình: "Người ta đương sống với cái đời giản dị bình thường của người ta tự nhiên mình về quyến rũ người ta. Rồi khi mãn nguyện lại bỏ mặc người ta, như thế không gọi là khốn nạn thì gọi là gì?"
Văn cố tìm những cớ, những hoàn cảnh làm giảm tội ác cho mình. Chàng nghĩ: "Nếu không xảy ra việc này thì Tẹo cũng đến lấy thằng Nghĩa. Mà thằng Nghĩa mình đã gặp. Sống trọn đời với một thằng ngu ngốc, bẩn thỉu, như thằng Nghĩa thì Tẹo cũng chẳng sung sướng. Ta chẳng nghe thấy Tẹo chê bai nguyền rủa thằng chồng tương lai của Tẹo là gì! Phải, biết đâu làm tình nhân mình trong mấy ngày, Tẹo lại không thích hơn làm vợ chính thức một thằng đần độn, suốt đời dài dằng dặc sống với nó trong gian nhà tranh tối tăm bên vũng bùn hôi hám. Và Văn nhớ lại câu ca dao mà Tẹo, được chàng âu yếm, đã thì thầm đọc bên tai chàng: "Một đêm quân tử nằm kề." Vế dưới Văn nghĩ mãi không ra, thành thử chàng cứ nhẩm đọc đi, đọc lại mãi vế trên.
Chàng bỗng chợt cảm thấy hết cả cái ý nghĩa mỉa mai đau đớn của chữ quân tử: "Quân tử, mình còn quân tử với ai được nữa?... Mình tiểu nhân, mình tiểu nhân!"
Văn thở dài đóng cửa sổ, lên giường nằm cố ngủ. Bức thư mà chàng đã đọc đến gần chục lần và tưởng không thể nhớ được, bây giờ hiện rõ ra trước mắt, hiện rõ ra với những nét chữ ngoằn ngèo lệch lạc.
*
* *
Sáng hôm sau, mãi hơn chín giờ, Văn mới thức dậy. Thân thể chàng mỏi mệt nhưng tâm trí chàng bình tĩnh hơn. Việc thứ nhất chàng nghĩ đến là bức thư ở phủ Thống sứ mà chàng nhận được cùng với thư của Tẹo. Chàng có đệ đơn xin bổ tham tá nên người ta đã trả lời thiếu bản sao và cái bằng tú tài.
Cả buổi chiều hôm ấy, Văn bận việc đến nha học chánh nên quên nhãng được Tẹo. Nhưng buổi tối khi ngắm trăng lên chàng lại nhớ.
Bực mình chàng ra thuê xe đến chơi nhà một người bạn và cùng bạn đánh luôn bốn năm ván cờ cho mãi tới một giờ khuya mới về ngủ. Song có ngủ được đâu!
Luôn mấy hôm như thế Văn hết đi đánh cờ lại đi đánh tổ tôm, mạt chược. Nếu không thì chàng vào thư viện xem sách, xem tranh, nhất là xem tranh. Thực chàng chẳng khác con đà điểu đứng trước tai nạn chúi đầu xuống cát để khỏi trông thấy.
Cáu tiết, Văn liều: "Thì lỗi gì ở mình? Mà nếu có lỗi ở mình thì cũng ở nó một nửa. Hay chẳng lỗi ở ai cả, thủ phạm chỉ là cái tuổi thanh niên."
Và chàng hiểu rằng muốn tâm hồn được bình tĩnh, chỉ có một cách là quả quyết.
Tình thế này không thể để lơ lửng được. Rồi theo phép khấu trừ trong toán pháp - Văn đem hết các lẽ ra so sánh:
Trước hết lấy Tẹo chăng?
Văn mỉm cười không nghĩ tiếp nữa. Không thể lấy Tẹo được. Văn cho là một sự dĩ nhiên không cần suy tính lôi thôi nữa. Người vị hôn thê của chàng, tuy chàng không yêu nhưng chàng cho là một người vô tương lai rồi, chỉ việc cưới thôi. Mà cho dầu chàng nhất định không bằng lòng lấy người ấy, Tẹo cũng không thể kế chân được. Vì sao? Và một người như chàng không thể lấy một người như Tẹo được.
Vậy dù còn hai đường, một là giấu Tẹo một nơi để nàng đẻ xong rồi cho nàng ít tiền làm vốn, mặc nàng xoay sở lấy mà sống thế nào tùy ý. Hai là gửi ngay cho Tẹo năm chục bạc.
Giấu Tẹo một nơi. Văn thấy điều đó không ổn một tí nào. Con người há phải con mèo, con chó mà dễ giấu như thế. ở làng bưng bít sao cho êm. Vả muốn thuê nhà cho Tẹo ở Hà Nội thì tốn kém lắm, ít ra cũng phải có vài trăm bạc. Tiền ấy đào ở đâu ra? Xin nhà chắc là không được rồi. Đi vay thì vay ở đâu? Sau hết, rồi đời Tẹo sẽ ra sao? Tẹo làm nghề gì để nuôi sống thân mình và đứa bé? Văn chỉ trông thấy một lối ra: làm đĩ.
Chàng cố xua đuổi cái ý tưởng hắc ám ấy đi nhưng nó vẫn bám lấy trí nghĩ. Chàng như trông thấy đứa con chàng nay ở với người tình này của Tẹo, mai ở với người tình kia của Tẹo. Rồi lớn lên, không nghề nghiệp, không nhà cửa, nó sẽ trở nên một thằng ăn cắp, một thằng ăn mày ngồi ăn mày đầu đường xó chợ.
Văn vội nghĩ tiếp xuống cái ý định thứ ba: gởi cho Tẹo năm chục bạc và nói khéo với Tẹo rằng hãy chờ đợi ít lâu khi nào được bổ tham tá sẽ đón lên cùng ở với chàng.
Văn sung sướng đánh diêm hút điếu thuốc lá khác, tự cho rằng công việc xếp đặt được như thế là ổn thỏa lắm rồi, là hoàn toàn lắm rồi. Chàng mỉm cười. "Bà trương Mẫn tha hồ tấp tểnh mừng thầm nay mai con được lên làm bà tham. Nhưng rồi sao?..." Văn đương sung sướng nên cái ý nghĩ về tương lai ấy, chàng có kể vào đâu! "Hãy biết bây giờ gửi tiền về cho Tẹo, để Tẹo qua kỳ sinh nở, rồi sau muốn ra sao thì ra... Cùng lắm lấy nó làm lẽ, rồi bỏ lửng đấy cũng chẳng chết ai!".
Văn lạc quan đến nỗi cái vấn đề làng bắt vạ, chàng cũng giải quyết rất dễ dàng: chàng sẽ về nói với hội đồng hương tộc rằng Tẹo là vợ lẽ của mình. Nếu khó khăn quá thì đưa Tẹo sang làng bên ở trọ nhà một người tá điền của nhà chàng.
Văn thích quá cười thầm: "Có thế mà mình loay hoay bốn năm hôm nay không tìm ra". Rồi chàng cất tiếng hát vang nhà.
Đêm ấy Văn đánh một giấc ngon lành từ bảy giờ tối cho tới bảy giờ sáng hôm sau.
Nhưng số tiền năm chục Văn xoay mãi không sao có. Vả lại cái quả quyết của chàng một ngày một yếu đuối dần. Đến nỗi chàng bao bịa chàng trở nên bình tĩnh hẳn, bình tĩnh thản nhiên vì quá nhẹ dạ chứ không phải cái bình tĩnh giải quyết được ổn thỏa một vấn đề gay go.
Hơn tháng sau được tin bổ tham tá ở một tòa sứ, chàng về xin nhà được mấy trăm bạc để sắm sửa đồ đạc, có tiền trong tay, chàng nhớ đến Tẹo, liền đi về làng
Nhưng vừa tới đầu làng, Văn rụng rời kinh hoàng: người ta bảo cho chàng biết rằng Tẹo bị đòn mãi và sợ làng bắt vạ cha mẹ nên đã đâm đầu xuống ao tự tử rồi.
Bất giác Văn nức lên khóc, khiến một đám đông xúm lại tò mò đứng xem. Rồi chàng đi thẳng đến nhà bà trương Mẫn. Thấy bà ta vẫn vui vẻ như thường. Văn hiểu ngay rằng cái chết của Tẹo chỉ làm cho bà sung sướng được thoát cái nạn bị bắt vạ.
Văn ân cần xin lỗi bà Trương, kể lể các điều dự định để lấy Tẹo rồi đưa bà ta một trăm bạc. Mãi lúc ấy, bà Trương mới rỏ được một giọt nước mắt thương con.
*
* *
Từ đó mỗi năm đến thời rọc thuốc, ở các sân gạch bát tràng, dưới ánh trăng trong người ta thường kể câu chuyện tình của Văn và Tẹo. Và người ta lại hát những câu Tẹo đã hát:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng.