PDA

View Full Version : Hồn Bướm Mơ Tiên - Khái Hưng



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 [8] 9 10 11

VietLang
03-23-2009, 11:43 AM
Chương 8


Trưa hôm ấy sư cụ gọi chú Lan bảo:

- Thôi, chú đừng đi hái chè nữa, ta nhờ mang bánh vớt chè sang tạ sư ông bên chùa Long Vân.

Ngọc tiến lên nói:

- Bạch cụ, cho phép cháu cùng đi với chú Lan sang Long Vân. Cháu nghe nói chùa Long Vân có cái giếng thờ, nước uống mát lắm.

Sư cụ ngần ngại: đường nhiều dốc, sợ cháu đi mệt nhọc.

Ngọc cười:

- Bạch cụ, cháu học ở trường Canh nông, cày ruộng còn được nữa là trèo dốc, đã lấy gì làm khó nhọc.

- Cái đó tùy cháu.

Khi xuống nhà trai, Ngọc vui sướng chạy lại hỏi chú Lan:

- Chú có bằng lòng để tôi cùng đi không?

Lan cười gượng:

- Càng hay cho tôi, đi đường xa đỡ buồn chứ sao?

Rồi chú lẳng lặng xếp các thức vào trong chiếc tay nải nâu, thắt miệng lại. Ngọc đứng sát gần khiến Lan né người xích ra. Ngọc nhắc cái tay nải vắt lên vai một cách gọn gàng.

Lan cười nói:

- Ông vác nhẹn, nhỉ!

Ngọc nói đùa: đi làm phu gạo mãi lại chẳng vác nhẹn.

Lan cố giữ nét mặt lãnh đạm, cắn môi, chau mày, ngỏanh nhìn ra ngoài sân. Nhưng lần nào chỉ giữ nghiêm klhắc được một lúc, rồi thấy Ngọc vui vẻ nói bông đùa, chú lại quên baÜng đi mà cùng cười, cũng nói bông đùa với bạn:

- Ông phu gạo này, nghe chừng yếu ớt lắm. Hôm mới đến chùa xách có cái va li còn thở hồng hộc, leo lên dốc khó khăn nặng nhọc là thế, nữa là vai vác bao gạo.

- Chú nhớ lâu nhỉ? Ngọc, nét mặt tươi cười sung sướng, hồi tưởng lại hôm mới tới chùa. Chàng nghĩ thầm: "Hắn không có cảm tình với ta thì sao hắn nhớ kỹ càng cái buổi mới gặp nhau như thế? "

Chàng chợt nhớ đến hai cây ngọc lan, liền quay lại hỏi:

- Hai cây ngọc lan, ở bên cửa sổ buồng tôi, chú giồng đấy, phải không?

Lan luống cuống, không trả lời. Ngọc lại nói:

- Cảm ơn chú nhé! Tên cái cây ấy hay nhỉ, chú nhỉ? Mà có ý nghĩa lắm.

Lan đáp:

- Vâng, rất có ý nghĩa: sắc trắng như Ngọc, hương thơm như Lan.

Ngọc cười:

- Còn ý nghĩa khác nữa kia. Chắc chú cũng biết chuyện Nhị Độ Mai?

Lan quay nhìn ra sân đáp:

- Không.

- Chú ạ, đối với hai cây ngọc lan của chú, tôi sẽ là chàng Mai Sinh trong truyện Nhị Độ Mai, sáng chiều nào cũng xin chăm nom vun tưới, cho chóng nẩy nở hoa thơm.

Lan hai má hồng hồng, ngượng nghịu vắt tay nải lên vai giục bạn:

- Thưa ông, ta đi thôi.

Hai người lẳng lặng cùng đi, không ai nói năng chi nữa...

Ở một ngọn đồi xuống phía bên kia, phong cảnh khác hẳn, không còn thấy cánh đồng chân rạ, mà chỉ nhan nhản thấy nương khoai, cùng vườn mía. Hai người không bảo nhau mà cùng đứng lại ngắm cảnh, vì gặp chỗ có bóng mát.

Đi một quãng nữa, bỗng phải dừng lại ở trước một cái suối, dưới có vạch nước chảy róc rách trong veo, giữa lòng cát trắng. Bên bờ suối mấy gốc cây thông già gió chiều hiu hắt, lá thông khô lác đác rơi xuống suối rồi theo giòng nước trong trôi đi.

Lan bảo bạn:

- Thôi nguy rồi. Ta đi nhầm đường rồi.

Ngọc ngơ ngác hỏi:

- Bây giờ làm thế nào?

-Chỉ có một cách là đi vòng lại, chứ qua sao được cái suối này?

Ngọc vừa nói, vừa nhảy sang bờ bên kia, rất nhẹ nhàng. Lan cười:

- Ông nhảy giỏi quá!

Nói chưa dứt lời thì Ngọc lại đã nhảy sang bờ bên này. Ngọc bảo Lan:

- Chú đưa tay nải cho tôi.

- Đưa làm gì?

- Chú cứ đưa đây.

- Thì đây.

Ngọc đỡ tay nải nhảy ngoắt sang bên kia đặt xuống, đứng nhìn Lan, cười. Lan ngạc nhiên hỏi:

- Thế còn tôi?

Ngọc cố nhịn cười:

- Hay chú để tôi cõng.

Lan giẫy nẩy:

- Ấy chết, sao lại thế?

Ngọc nghiễm nhiên:

- Được mà, không hề gì mà.

Lan làm mặt điềm tĩnh:

- Thôi ông đợi đấy, nghỉ chân, để tôi đi vòng sang đồi kia.

Lan miệng nói, chân bước. Ngọc vội nhảy sang, giữ lại:

- Tôi nghĩ ra cách này rồi.

- Cách gì?

- Tôi sang bên kia đưa tay cho chú nắm, để kéo chú sang.

Lan ngẫm nghĩ một lát rồi tắc lưỡi:

- Thôi cũng liều, ngã chết thôi.

- Không hề gì đâu chú đừng sợ.

Ngọc nhảy sang bên kia, nghiêng mình trên dòng nước. Lan ngần ngừ một lúc mới nắm tay chàng. Ngọc nói:

- Chú giữ chặt... Nào, ...hấp!...

Lan nhắm mắt nhảy liều. Ngọc kéo mạnh quá khiến chú tiểu mất thăng bằng ôm lấy chàng, Lan bẽn lẽn vội cuối xuống cầm tay nải đặt lên vai đi liền. Ngọc cười mủm mỉm, như nói một mình:

- Tay chú xinh quá, nhỏ và mát như tay con gái.

Lan không trả lời, giơ tay trỏ về phía trái bảo Ngọc:

- Chùa Long Vân kia rồi.

Hai người đi quanh co, vòng hai đồi cỏ nữa và nửa giờ sau trèo tới chùa. Lan thuộc lối đưa Ngọc đi thẳng vào nhà trai, mời chàng ngồi ở trường kỷ, bày các phẩm vật lên bàn, rồi vội vàng xuống nhà tổ. Một lát, Lan theo sư ông đi lên. Sư ông đã gặp Ngọc ở Long Giáng hôm đàn chay nên vui mừng chào hỏi:

- Nam mô A di đà Phật! Quý hóa quá. Xa xôi thế mà quan tham cũng chịu khó sang thăm.

Nói chuyện một lát, sư ông quay lại hỏi Lan:

- Chú xuống nhà xem cơm nước chú Quì chú ấy làm có ăn được không.

Ngọc đỡ lời:

- Thôi, sư cho chúng tôi về kẻo tối.

- Không được. Chả mấy khi quan đến văn cảnh bản am, thế nào cũng phải mời quan xơi bữa cơm chay. Lúc khác thì thực không dám giữ quan ở lại vì cơm nhà chùa muối dưa thanh đạm chả có gì. Nhưng hôm nay vừa có bà Cửu biếu mâm cổ chay, nên mới dám mời quan...

Ngọc nhìn Lan, hỏi:

- Sư ông cho ăn cơm, chú nghĩ sao?

Lan ngượng nghịu mãi mới ấp úng trả lời:

- Thưa quan, sư ông tôi đã có lòng quý mến giữ quan xơi cơm thì quan nên nhận lời, giời hãy còn sớm.

Ngọc thấy Lan gọi mình là quan thì không nhịn cười được, khiến sư ông ngơ ngác nhìn không hiểu. Rồi sư ông cũng cười, cho rằng cánh tây học họ vẫn trẻ con như thế.

Một lúc lâu chú Quì bưng lên một mâm gỗ vuông sơn son, trong có hai cái bát nấu có giò, nem chay, trông rất long trọng.

Ngọc và sư ông ngồi xuống ghế ngựa sắp sửa cầm đũa thì bỗng trời tối sập lại, gió thổi dữ dội, mây đen kéo đến rất mau, cát sỏi bay tứ tung, ầm ầm như phá phách. Sư ông vội vàng đứng dậy cùng hai chú tiểu đóng hết các cửa lại, rồi thắp đèn lên: Nhà trai như đương ở vào trong cảnh ban đêm vậy.

Bên ngoài gió thổi càng mạnh, rồi mưa đổ xuống như trút nước, sấm sét vang động tựa hồ trời long đất lở, làm át hẳn câu chuyện của Ngọc, và sư ông. Chú Lan đứng hầu cơm, ngắm hai người chuyện trò, tưởng tượng họ nói thầm với nhau.

Cơm nước xong, thì trời đã nhá nhem tối. Mưa vẫn không ngớt. Lúc bấy giờ sư ông ở nhà tổ đi vòng hiên, đem lên một cây đèn dầu hỏa, và nói với Ngọc:

- Chả mấy khi quan tham đến chơi trời lại đổ mưa xuống để giữ hộ, thực là may mắn cho bần tăng quá. Thôi, xin mời quan đi nghỉ để mai dậy sớm về Long Giáng cho mát.

Rồi quay lại bảo Lan:

- Chú Lan làm ơn sang phòng khách bên cạnh giải chiếu, buông màn để quan tham đi nghỉ.

Lan vâng lời vào buồng sửa soạn, trong khi Ngọc thở dài, đứng nhìn trời.

Mãi khuya mưa mới tạnh.

Cả chùa đã yên giấc, mà Ngọc và Lan vẫn ngồi thơ thẩn ở hiên trai, buồn rầu nghĩ ngợi.

Da trời như giội lượt nước, trong vắt một màu. Trăng thượng tuần tươi sáng trên đỉnh đồi. Những vũng nước đọng ở sân phản chiếu ánh trăng lấp lánh như những mảnh gương lớn vỡ vứt rải rác.

Thốt nhiên, Ngọc hỏi Lan: Chú có buồn không?

- Thưa ông, không.

- Còn tôi thì tôi buồn lắm, buồn vơ buồn vẫn như nhớ ai. Cũng nhớ vơ nhớ vẫn. Có lẽ vì tôi xa cách chùa của chúng ta chăng?

Dưới ánh trăng, hai người ngồi cạnh nhau... Lan rùng mình. Ngọc lại nói:

- Chú ạ, cái cảnh xa lạ gợi trong tâm trí tới những tư tưởng từ biệt, chia rẽ... khiến tôi nghĩ tới ngày tôi rời chân, phải xa chú.

Lan im lặng, hé cặp môi cười với bóng trăng trong. Một con cóc nhảy vào vũng nước, Lan giật mình đứng dậy bảo Ngọc:

- Thôi, mời ông đi nghỉ.

Ngọc cũng đứng dậy. Nhìn quanh mình cũng không thấy ai, từ nhà trai đến nhà tổ im phắc. Chàng liền như điên cuồng, nắm lấy tay Lan: Ừ, phải đấy. Chúng ta đi ngủ, mai dậy sớm chắc hết buồn.

Lan tuy sợ hãi, nhưng cố làm ra bình tĩnh, thong thả nói:

- Vâng mời ông vào buồng, an nghỉ. Tôi xin ngủ ở ngoài nhà trai này.

- Vẽ! đi có hai người, ở nơi xa lạ, nằm cả một giường nói chuyện cho vui, ngủ ở ngoài muỗi nó tha đi.

- Thưa ông, không tiện, sư ông biết, ngài quở chết.

Lúc ấy hai người tới chỗ có ánh trăng. Liếc nhìn nét mặt Ngọc thấy dữ tợn, Lan kinh hỏang giật tay toan chạy. Chẳng may Ngọc nắm chặt quá, vì thế người lôi đi kẻ lôi lại, áo dài, áo ngắn của Lan đều tuột cúc, trễ vạt ra. Ngọc bỗng kêu rú lên một tiếng, buông tay Lan ra. Chàng thoáng trông thấy ngực Lan quấn vải nâu.

Lan đứng lại thở, cười gượng:

- Gớm quan trẻ con quá. Làm gì mà lôi kéo kẻ tu hành này thế?

Ngọc hối hận cố trấn tĩnh. Chàng vờ như không biết gì, trả lời:

- Chú cũng trẻ con quá. Cứ gọi mãi người ta là quan. Nhưng thôi, đừng đùa nữa, ta đi ngủ chẳng khuya quá rồi.

- Vâng, xin mời ông đi ngủ trước, tôi xuống dưới nhà dặn chú Quì điều này đã.

Miệng nói, chân đi, Lan vùn vụt qua sân.

Ngọc ngồi chờ Lan, băn khoăn mong ngóng. Vào khỏang mười lăm phút sau, vẫn không thấy Lan trở lại, Ngọc liền cũng xuống sân theo lối Lan đi ban nãy, lang thang tới một cái cổng chống. Nghĩ ngợi thế nào, chàng cúi xuống nhìn, thì cái chốt có dây buột rời ra ngoài mà cả cây tre dùng để chống cũng không đặt vào cọc. Ngắm kỹ cánh cổng rào khô thì quả ai vừa lách để ra ngoài.

Ngọc không còn ngờ gì nữa: Lan sợ hãi vừa đi trốn. Lúc bấy giờ chàng hối hận vô cùng, nói một mình: "Đó, cố tìm cho biết hắn là gái, phỏng có ích lợi gì? Để vậy còn thú, chứ thế này thì không biết chừng.... Không biết sao lúc ấy mình lại hung tợn đến thế? Thôi mỗi cái ta theo giữ hắn ở lại, thề với hắn rằng giữ bí mật cho hắn rồi mai về Hà Nội, cố quên câu chuyện, câu chuyện cảm động...đau đớn."

Bóng trăng đã xế về tây, chiếu ánh lờ mờ.

Các cây cỏ hãy còn đầm đìa nước mưa ban chiều. Những đồi xa, trông như đàn rùa khổng lồ nằm vọng nguyệt. Nhưng Ngọc chẳng nghĩ gì tới phong cảnh, cứ cắm cổ bước mau như một tên ăn trộm sợ có người đuổi chạy trốn.

Đi một quãng dài, Ngọc nhìn đằng trước mặt ngay trên đỉnh một trái đồi, thấp thoáng có bóng người in lên nền trời. Chàng chắc chắn lắm rồi, cắm đầu chạy một mạch tới nơi. Quả cái bóng ấy là Lan. Nghe có tiếng người chạy thình thịch sau lưng. Lan ngoái cổ lại. Gặp Ngọc chú kêu rú lên một tiếng, rồi ngất nguời ngã gục xuống gốc cây thông bên đường. Ngọc vội quì xuống nâng dậy và ngọt ngào nói:

- Lan không sợ, tôi xin viện lòng từ bi của đức Quan Âm, tôi thề với Lan rằng tôi không phải là hạng gió trăng bậy bạ. Lan tỉnh dậy, tôi nói câu chuyện, rồi mai tôi xin từ biệt Lan, tôi về Hà Nội.

Lan mở bừng mắt nhìn, rơm rớm hai giọt lệ lấp lánh dưới ánh trăng. Ngọc lại nói đùa:

- Thôi, xin ni cô tha cho.

Lan lúc ấy đã tỉnh hẳn, ngồi dậy lau nước mắt nói:

- Vâng, tôi là gái. Tôi biết thế nào chẳng giấu nổi ông. Nhưng còn câu chuyện vì sao tôi phải cải trang, thì tôi chưa thể thổ lộ cùng ông được. Chỉ xin ông buông tha kẻ tu hành này, kẻ tu hành khốn khổ này ra mà thôi.

Ngọc thở dài:

- Thưa ni cô, ni cô không ngại. Tôi xin thú thật với ni cô rằng tôi yêu ni cô, tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai. Ni cô là một người thông minh đĩnh ngộ, xinh đẹp như thế thì ai lại không yêu được... Mà lạy Phật tha tội cho, có lẽ ni cô cũng đôi lần cảm động.

Ngọc vừa nói vừa nhìn Lan. Lan nức nở:

- Tôi chỉ còn... có một cái chết. Nếu tôi có thể thổ lộ can trường cho ông biết vì sao tôi phải cải trang, vì sao tôi phải quy y đầu Phật... Nhưng sự bí mật ấy, tôi nhất định sống để dạ, chết mang theo.

- Ni cô chả nên nghĩ ngợi, ni cô nên coi tôi như một người bạn thành thực có thể vì ni cô hy sinh hết mọi sự, cho đến cả hạnh phúc của tôi, cho đến cả ái tình của tôi, ái tình có lẽ tuyệt vọng của tôi.

- Vâng, nếu ông có lòng quân tử như thế thì còn gì sung sướng cho tôi hơn nữa. Phải biết hy sinh thì đời ta mới có ý nghĩa cao thượng.

- Thưa, ni cô...

- Thưa ông, xin ông cứ gọi tôi là chú như trước, vì tôi đã thưa cùng ông nhiều lần rằng người xuất gia đầu Phật chỉ là một kẻ tu hành, dù là gái hay trai cũng vậy. Vả nếu ông cứ gọi đùa tôi là ni cô như thế, sợ khi trở về Long Giáng ông quen mồm đi... Ông đã hứarằng đối với kẻ tu hành này, ông chỉ là một người bạn từ bi, thì xin ông giữ lời cho, đừng để xảy ra sự không may cho....

Ngọc nói luôn:

- Cho đôi ta.

Lan trau mày, trách:

- Ấy đấy, ông lại cợt nhả rồi, thưa ông bạn từ bi.

- Thưa ni cô, thưa chú... Xin chú tha thứ cho, tôi sung sướng quá, nên tôi lỡ lời. Hạnh phúc của tôi....Nếu mục đích đời người là tìm hạnh phúc thì tôi đã tới mục đích rồi.

- Nhưng đã tới rồi thì nên dừng lại, chờ bước thêm một bước nữa.

- Mà nếu đức Thích Ca xuất thế để tìm hạnh phúc cho nhân loại và đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Nát bàn, thì tôi cũng xin dừng chân ở gốc cây thông này, chứ chẳng muốn đi đến Nát bàn làm gì.

Lan đứng phắt dậy, nghiêm trang đáp lại:

- Người quân tử phải giữ lời hứa, nhất khi lời hứa ấy lại là một lời thề.

Ngọc cũng đứng dậy. Hai người nhìn nhau. Bóng trăng khuyết rọi đầu cành, lá không thưa nhặt, cỏ xơ xác mặt đồi lấp lánh giọt sương. Hai người nhìn nhau....

Dưới chân đồi làng mạc ngủ yên. Cây cối lờ mờ đen, giòng sông con thấp thoáng dưới bóng trăng như một vải lụa trắng, rồi ra xa lẩn trong sương mù. Bỗng có tiếng gà gáy nửa đêm dưới xóm. Lan giật mình lẩm bẩm:

- Giá gặp nhau hai năm trước...

- Vậy bây giờ muộn quá rồi hay sao?

- Muộn quá rồi. Vì tôi thề trước Phật tổ thì đến chết tôi cũng phải giữ lới thề. Đời còn chả tiếc, tiếc gì một sự cỏn con... nhỏ nhen.

- Nhỏ nhen, nếu đem lòng ví với lòng bác ái. Vì lòng bác ái mà Phật tổ xa vợ, xa con, xa cha, xa mẹ, lang thang khắp bốn phương giời đã tìm phương giải thoát cho chúng sinh. Vậy xin ông cũng vì bác ái mà xóa bỏ trong lòng những tên chú Lan, cô Thi, như thế, ông sẽ cứu sống một nhân mạng, cứu vớt được một linh hồn. Trên đời chỉ có lòng bác ái là đáng kể.

Ngọc ngẫm nghĩ rồi quả quyết nói:

- Vâng, tôi xin thuận theo những lời vàng ngọc của chú. Vậy bây giờ muốn tránh khỏi sự ngờ vực thì ta trở lại Long Vân. Tôi xin cam đoan rằng ngoài tôi ra không ai biết rõ được sự bí mật của chú.

Hai người yên lặng cùng trở lại chùa. Đêm khuya trăng lặn, gió réo cành thông, vạn vật chìm đắm trong cõi hư vô tịch mịch.

Tiếng côn trùng rì rì dưới cỏ liên miên không dứt càng làm rõ rệt sự yên lặng của một cảnh đồi hoang vắng.

Ngọc bỗng giật mình quay lại. Chàng vừa nghe thấy một tiếng thở dài, mà trong lúc mơ màng, chàng tưởng tượng ra một làn hơi nhẹ ở sườn đồi sương ướt bốc lên. Nhưng sau lưng chàng Lan vẫn dịu dàng đều đều đặt bước, như bộ máy êm lặng nhẹ nhàng.

Về tới chùa, Ngọc rón rén vào buồng, còn Lan thì ngồi tựa án phòng trai, băn khoăn suốt đêm không ngủ.