PDA

View Full Version : DĐ - Đồi Fanta - Duyên Anh



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 [10] 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24

VietLang
03-28-2009, 09:13 AM
Chương 9


Chúng tôi xếp hàng đôi ngồi cách chòi cạnh ở cổng mười thước. Mỗi đội cách xa nhau hai thước. Tất cả tám đội ngồi cách vị trí có cắm biển viết số đội mình. Đội cấp dưỡng lo cơm nước cho trại viên, không ra ngoài trại nên không bị xếp hàng. Thằng trật tự Cung củ đậu đang vênh vang đứng chỗ mở cổng trại. Nhiệm vụ của nó là mở cổng, đóng cổng trại và dò dẫm anh em. Hơn bốn trăm tù nhãi ranh ngồi xổm, ngồi bệt nói chuyện ồn ào. Cán bộ trại đang dự lễ chào cờ sáng thứ hai. Chòi canh còn vắng bóng “ông trực trại”.
Năm giờ sáng, trời lạnh lắm, kẻng trại đổ dồn ba hồi. Các nhà thức giấc một loạt, gấp chăn màn phẳng phiu, gọn ghẽ, đặt giữa chiếu, đầu chỗ nằm. Chiếu gấp tư không được phủ lên chăn màn. Nếp sống mới văn hóa dạy thế, tù nhân phải chấp hành. Bọn trật tự gian ác sẽ không nương tay với những chỗ nằm luộm thuộm. Chúng đạp tung hết hoặc tịch thu. Muốn xin lại phải làm tờ kiểm điểm. Không biết làm tờ kiểm điểm thì lạy lục rã họng. Xong công việc xếp chăn màn, tù nhân đăng ký đi ỉa. Nhà hơn trăm thằng tù mà có một cái cầu tiêu nên một thằng tù ỉa, mười thằng tù chờ. Thằng nào bị táo bón, anh em giục giã nó ỉa khẩn trương và chửi bới nó thậm tệ. Nó bèn rời cầu. Thằng khác vô. Cứ thế, hàng sáng sớm, màn đăng ký đi ỉa và ỉa khẩn trương là sinh hoạt hàng đầu. Mỗi thằng ỉa một kiểu, một lối. Do đó mới sinh ra những biệt danh Năm ra phan, Tư pạc cú… Những thằng đăng ký muộn thường phải lắc thùng phân cho vơi xuống, chứ nó đầy có ngọn, ngồi ỉa cứt chấm vào đít. Những thằng sợ hãi cầu tiêu đành nhịn ỉa, chờ ra bãi lao động làm quân công. Thằng nào có bình chứa nước, rửa đít bằng nước. Thằng nào vô sản… bình, hái lá về chùi đít thay giấy. Cầu tiêu, luôn luôn, thấm ướt nước đái và nước rửa. Ruồi nhặng vo ve suốt ngày. Mùi khai thối, hôi hám thường xuyên. Chừng cả nhà ra sân xếp hàng đi lao động buổi sáng, tổ vệ sinh mới vô khuân cứt và nước tiểu đổ ngoài trại, gần các đội rau xanh để có phân tưới bón rau.
Màn ỉa đái chấm dứt, tù nhân ngồi hút thuốc lào, sấy thuốc chờ kẻng báo hiệu điểm số. Cả nhà ra cửa xếp hàng năm thẳng tắp. Cán bộ trực trại tới. Nhà trưởng hô “nghiêm”. Tất cả đứng dậy. “Báo cáo cán bộ: nhà 2 tổng số 156, hiện diện đủ 156, chờ lệnh cán bộ.” Nhà trưởng thuộc lòng câu này. Cán bộ đếm hàng, nhân nhẩm. “Cho tập thể dục,” lệnh cán bộ. Nhà trưởng điều khiển tù nhân một hai ba bốn chạy tại chỗ, vài động tác tay chân, bụng rồi giải tán. Tù nhân đi rửa mặt, xúc miệng ở sàn nước sau nhà. Rồi các tổ trực xuống bếp lãnh cơm điểm tâm, nước sôi lao động. Ăn khẩn trương như ỉa khẩn trương đợi kẻng lao động là có mặt tại sân tập họp ngay. Nếp sống quân sự hóa thế đó.
Tôi đang ngồi ở sân tập họp. Lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai đều lâu. Lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ trên vùng trời cải tạo. Tôi nhìn ngang, nhìn dọc. Xã hội tù của tôi có nhiều nét quái đản, chỉ thiếu màu sắc. Nói về mũ thôi, đủ kiểu nón, mũ. Kiểu mũ lính ngụy chưa rách và kiểu mũ lính ngụy rách bươm được bồi vá các thứ vải, các hình thù vuông, méo, tròn, bầu dục. Kiểu mũ biệt kích dù. Kiểu mũ Tân Tây Lan (New Zealand). Kiểu mũ tai bèo. Kiểu mũ cối bung vải, đứt quai. Kiểu mũ tự chế bằng bị cói, túi cát. Kiểu nón lá trại phát. Kiểu nón lá được cắt nhỏ vành giống nón của lính thủ trấn thủ lưu đồn… Tôi không hiểu bọn tù nhãi đã xoay đâu ra nhiều kiểu nón vậy. Chứ, ở các nhà giam ở thành phố phát văng, toàn đầu trần, chân đất. Nói về quần áo, cũng đủ mốt. Mốt bộ đội sa thải. Mốt trây i lượm đâu đó. Mốt trại phát sửa sang. Mốt xà lỏn bươm, áo thun nát. Mốt cởi trần. Tất cả đều đóng dấu của thời đại: CTPV. Giày dép coi bộ khan hiếm. Bọn lâm sản phát hoang đủ dép râu, chắc trại cho. Còn các đội khác đi chân đất. Thằng nào ngon nhất, vớ được đôi giày nhà binh vất đi.
Chẳng có ai tiếp tế nhưng các nhà tù nhãi đều mỗi ông xách một cái cóng nấu nướng. Thằng phụ trách đun nước sôi cho đội uống ngồi sau cùng với đôi xô thiếc đen ngòm. Ở trại cải tạo, người ta không cấm đồ dùng kim khí, trừ dao nhọn, búa kìm, kéo. Đội trưởng ngồi trên, xa hàng đầu một thước. Cán bộ trực trại đã vào, bước lên chòi gác. Vệ binh cũng đã túc trực phía ngoài cổng. Tên trật tự Cung củ đậu mở một cánh cổng. Đôi mắt ốc nhồi và mái tóc “quăn” của nó trông dễ nực. Nó bắt chúng tôi im lặng. Một thằng trật tự khác là Phú mù - nó bị cận thị nhưng không có kính - mò mẫm khắp các đội xem có áo quần tên tù nào chưa đóng dấu, hoặc dấu bị mờ. Nó mang hộp đạn đại liên đựng con dấu to tướng. Phú mù chụp dấu vào lưng như nó đấm người ta. Nó gian ác lắm. Chúng tôi hoàn toàn im lặng. Cán bộ trại dở sổ.
- Đội 8.
Đội trưởng đội tám đứng dậy. Cả đội đứng theo. Ca cóng cầm tay trái. Mũ cầm tay phải lật ngửa khi ngang qua chòi canh.
- Chú ý. Hai hàng dọc nhìn đằng trước… thẳng. Thôi. Nghiêm.
Đội trưởng xoay lưng về phía đội, mặt nhìn thẳng cán bộ trực trại:
- Báo cáo cán bộ. Đội 8 tổng số 50, tham gia lao động 48, 2 ốm nghỉ tại nhà. Chờ lệnh cán bộ.
- Cho đi.
- Rõ.
Bốn mươi tám tù nhãi ra khỏi cổng. Cán bộ trực trại đếm số. Trực ban vệ binh bên ngoài hô:
- Đội 8, 48.
Hai vệ binh nhận quân số dẫn đầu đi lao động. Quản giáo không có trách nhiệm bảo vệ tù. Đội trưởng, bây giờ, ở sau đội. Cán bộ trực trại tiếp tục công việc.
- Đội 4.
- Chú ý… Nghiêm… Báo cáo…
- Cho đi.
- Rõ.
- Đội 7.
- Chú ý… Báo cáo…
- Cho đi.
Đội 7 đang bước. Cán bộ trực trại quát:
- Đứng lại. Đội trưởng gì ngu thế, học tập mấy tháng mà vẫn ngu. Nhận lệnh xong phải “rõ” nhớ chưa?
Đội trưởng đội 7 “rõ” một tiếng lớn. Cán bộ xua tay.
- Cho đi.
- Rõ.
- Đội 1.
- Chú ý… Nghiêm… Báo cáo…
- Cho đi.
- Rõ.
Đội tôi ra khỏi cổng. Mũ nón được phép đội. Rẽ bên phải, chúng tôi đến hiện trường lao động. Theo con đường mòn, chúng tôi vào một khu rừng đang phát dở dang. Tính ra mất nửa giờ cuốc bộ. Khi đội trưởng Đồng thổi hô dừng lại, cả đội dừng bước. Nó lăng xăng hô hoán:
- Bên phải quay!
Chúng tôi quay bên phải, đối diện ba cán bộ. Đồng thổi bảo lột nón mũ. Đội tuân lệnh răm rắp.
- Nghiêm. Báo cáo cán bộ, đội 1 tham gia lao động 56, hiện diện đủ.
Vệ binh gật đầu:
- Cho lấy dụng cụ lao động.
Đội tan hàng. Các tổ theo tổ trưởng của mình nhận dụng cụ. Đội phát hoang có tổ phát những bụi cây rậm rạp, mở lối cho tổ hạ cây lớn, tổ chất đốt gom cây cành lá thành đống rồi đốt, tổ bứng gốc cây nhỏ, đào những gốc mà tổ phát bụi chặt ngã thân. Tôi nằm trong tổ hạ cây lớn. Tổ trưởng giao công tác hạ một cây bằng lăng hai người ôm cho Mai bím và tôi. Nó đưa hai con dao cùn, một cái cuốc và một cái xẻng. Vì làm đội trưởng, Đồng thổi không phải làm gì. Nó đi đi lại lại kiểm soát lao động. Đội phó Tí ngầu kiểm soát quân số, thỉnh thoảng báo cáo với vệ binh. Đồng thổi chỉ dẫn Mai bím và tôi cách hạ một cây bứng luôn gốc. Nó lấy cuốc, cuốc nhẹ chung quanh gốc bằng lăng một vòng tròn khá lớn.
- Trước hết, chúng mày cuốc sâu độ hơn gang tay hết cái vòng này, xúc đất đổ ngoài vòng, chúng mày sẽ gặp lớp rễ thứ nhất. Chặt từng cái, sát gốc, moi đất xem nó chìa ra chỗ nào phía ngoài thì chặt chỗ ấy. Thế là đứt một cái rễ. Hết lớp rễ thứ nhất, lại cuốc đất moi lớp rễ thứ hai, lại chặt từng rễ. Bằng lăng hạ ngon ơ. Nó không có rễ chuột cắm sâu. Vài lớp rễ là nó ngã. Bao giờ chặt rễ sao mới châm. Chúng mày dân tò te, lao động tà tà.
Mai bím đỡ cái cuốc từ tay Đồng thổi. Nó bổ lia lịa. Những nhát cuốc đầu đời lao động của Mai bím đầy phấn khởi. Tôi xúc đất đổ quanh mép vòng tròn. Mặt trời chưa chịu mọc. Cái lạnh tiêu tan. Mồ hôi bắt đầu chảy. Hai đứa tôi vội cởi áo và quần dài. Mai bím say sưa cuốc. Tôi say sưa xúc đất. Làm việc quên được nhiều ưu phiền. Chúng tôi cuốc xúc liên tục, chẳng mấy đỗi, lớp rễ thứ nhất hiện ra. Theo đúng phương pháp chỉ dẫn của Đồng thổi, chúng tôi ngưng cuốc, cầm dao chặt rễ. Mai bím chặt đầu rễ, tôi chặt đuôi rễ, giới hạn tới mép vòng tròn. Con dao cùn, chặt mạnh xuống rễ nó cứ tâng lên làm nhức cổ tay. Hãy tưởng tượng một thân cây hai người ôm xem rễ nó to nhường nào. Lớp rễ thứ nhất chằng chịt, gay go. Cây hàng mấy chục tuổi mà người hạ nó mười mấy tuổi. Dao thì cùn, rễ thì dai, rắn, sức thì yếu, vẫn phải “khắc phục trong lao động”.
- Mai, cán bộ kêu mày làm việc. - Đồng thổi đứng xa gọi.
- Tao đang làm việc đây thôi. - Mai bím đáp.
- Tới gặp cán bộ cơ.
Mai bím buông dao, phủi tay, bước tới chỗ cán bộ quản giáo ngồi. Tôi theo dõi Mai bím, thấy nó đứng nghiêm, hai tay buông thõng bám sát hai đùi, cách xa cán bộ năm thước. Cán bộ hỏi, Mai bím trả lời. Tí ngầu xà đến dạy tôi cách mở miệng một vết chặt. “Tùy theo rễ to nhỏ mà mở miệng lớn bé thì mới dễ đứt và không mỏi tay. Nếu không mở miệng, dao sẽ bị dính khó chặt đứt.” Tôi ít chú ý lời chỉ dẫn chặt rễ cây của Tí ngầu vì đang lo chuyện gì đang xảy ra cho Mai bím.
- Này Tí, mày biết thằng Mai bím phạm kỷ luật gì không?
- Nó làm việc với cán bộ. Mấy thằng mới đều bị làm việc hết.
- Làm việc có sợ không?
- Sợ gì, hỏi han vớ vẩn, dạy bảo vài điều, đe dọa lung tung beng. Nó dằn mặt mình đó. Nó dọa kệ nó, cứ vâng dạ là êm, cãi là bỏ mẹ.
Mai bím đã về. Nó nhe răng cười toe. Tôi yên tâm rồi. Đến lượt Đồng thổi kêu tôi đi làm việc. Tôi mặc quần áo đàng hoàng, tới trình diện ông thầy của tôi, người sẽ giáo dục tôi đến khi tôi tiến bộ.
- Báo cáo cán bộ tôi đã tới.
- Tên?
- Thưa cán bộ, tôi là Vũ.
- Gì Vũ?
- Nguyễn Hữu Vũ ạ!
- Cướp giật hay móc túi?
- Dạ, tôi móc túi.
- Có thành khẩn nhận tội lỗi không?
- Dạ có.
- Quá trình móc túi của mày ra sao?
- Dạ tôi không biết quá trình.
- Móc bao nhiêu lần?
- Mới một lần bị bắt ngay.
- Viện mồ côi ra, hả?
- Dạ, ra ngày 1-5-1975.
- Chúng mày là sản phẩm của Mỹ, ngụy, hiểu chưa?
- …
- Đế quốc Mỹ gian ác và bù nhìn ngụy đã tạo ra một bầy ăn cắp, móc túi. Mày là nạn nhân của văn hóa đồi trụy, phản động. Văn hóa ấy đã hằn sâu vào tư tưởng mày, biến mày thành thằng móc túi, phá hoại xã hội. May nhờ Đảng và Nhà nước ta khoan hồng, kịp thời đưa chúng mày đi cải tạo tư tưởng, lao động học tập nên mày sẽ trở thành người công dân tiến bộ, người lao động lương thiện của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mày phải biết ơn Đảng.
- Dạ.
- Tao có bổn phận giáo dục mày. Tao theo dõi mày từng ngày xem mày có thành khẩn cải tạo tư tưởng không. Mày biết người cải tạo tốt là người thế nào chứ?
- Dạ chưa biết.
- Cải tạo tốt là phải tố cáo bè bạn mình với cán bộ nếu bạn bè mình nói xấu cán bộ hay âm mưu trốn trại.
- Dạ.
- Thôi, về lao động. Nhớ lời tao dạy nhé!
- Dạ.
Tôi thẫn thờ về gốc cây bằng lăng, cởi quần áo và tiếp tục chặt rễ bằng con dao cùn. Mai bím biết tôi buồn, không hỏi han gì cả. Hai đứa lặng lẽ đưa dao lên rồi thả dao xuống. Tôi mỏi rã rời. Cán dao làm bàn tay tôi nhiều chỗ sưng phồng mọng nước. Cái hăng say ban đầu biến mất, nhường chỗ cho mệt mỏi, chán nản. Bọn sáu thằng mới biên chế qua đội phát hoang lần lượt làm việc với cán bộ quản giáo. Tôi tin chắc chúng cũng được học bài học giống tôi. Tự nhiên, tôi thấy ngày về của tôi xa lơ xa lắc. Tôi không muốn nắm cán dao nữa. Tôi nhìn sang phía thằng nhãi bảy tuổi, một mình hạ một cây vừa vừa. Nó cũng dơ con dao cùn qua tầm đầu và để con dao rơi chẳng muốn tốn sức. Tôi nhìn thằng nhãi thật kỹ. Nó nhỏ thó dưới gốc cây. Tôi nhìn từ gốc cây nó ngồi chặt rễ tới ngọn cây. Ôi cây cao vút mà thằng nhãi bé chút xíu, thấp tè!
- Mày đau tay hả, Vũ?
- Ừ.
- Nghỉ đi, tao chặt một mình.
- Nó dũa thê thảm.
Đồng thổi báo giờ giải lao. Chúng tôi liệng dụng cụ, kiếm chỗ nằm nghỉ. Tí ngầu báo cáo quân số với vệ binh xong, nó mang điếu cày đến. Mai bím hất hàm phê. Nó thấm mùi… lao cải.
- Châm hả, Mai?
- Châm.
- Sẽ quen. Tuần lễ là quen, là đâu vào đấy. Buổi đầu, thằng nào cũng phồng tay, mỏi cánh hết.
Tí ngầu động viên chúng tôi. Nó bảo tôi không cần phải làm nhiều, tuần lễ đầu chỉ cốt quen tay, quen việc, cán bộ cho phép tà tà. Tèo tép xem chừng bết bát lắm. Nó cứ ngó tôi lắc đầu lia lịa. Lao cải là lao động cải tạo, là cải tạo bằng lao động, là biện pháp khoan hồng nhân đạo nhất của cách mạng. Hẳn, Mai bím, Tèo tép đang hoài tưởng thời vàng son Chí Hòa. Thà tăm tối hơn ánh sáng! Mười lăm phút giải lao qua thật nhanh, Tí ngầu báo cáo quân số, Đồng thổi thúc chúng tôi vô lao. Bọn cũ lao động rất khá. Chúng bứng gốc cây dễ ợt, hạ cây lớn đổ rầm rầm. “Sẽ quen, tuần lễ là quen,” Tí ngầu khích lệ tôi. Hy vọng, tuần lễ đủ làm những chỗ da lòng bàn tay tôi sưng phồng, mọng nước sẽ xẹp đi, chai lại.
Hai đứa tôi lại chơi trò dao cùn chém rễ. Từ sáng tới giờ, hai đứa chưa chặt đứt cái rễ nào. Mà cánh tay đã quá mỏi, bàn tay quá đau. Tôi muốn chết dù tôi chẳng hiểu chết có dễ dàng không. Nó bắn trúng đầu tôi đi, tôi chết ngay, tôi không còn bận tâm chuyện nhớ mẹ, nhớ em nữa. Thế là dễ đấy. Mọi cách khác đều khó. Nhưng chết khó đau đớn hơn sống khổ nhục, tôi đâm ra sợ chết. Thằng nhóc bảy tuổi đang ngẩng mặt nhìn ngọn cây mà nó cầm dao ngồi dưới gốc. Nghĩ gì thế, nhóc con? Nó ngó tôi, toét miệng cười. Tôi nháy mắt, cười theo. Và chúng tôi chặt rễ. Cái rễ đầu tiên đã đứt. Mai bím đặt tác phẩm lao động của mình lên vai. Trông cái rễ giống cái ngà voi. Đó, thành quả lao động sáng nay của chúng tôi.
- Thu cất dụng cụ!
Đồng thổi truyền lệnh. Tôi nộp dao, cuốc, xẻng cho tổ trưởng dấu cất, tóm quần áo máng gần chỗ làm, khẩn trương vào hàng. Đồng thổi báo cáo:
- Báo cáo cán bộ. Đội 1 lao động 56 về đủ.
Vệ binh đếm quân số kỹ lưỡng, hất đầu:
- Về khẩn trương tắm.
Chúng tôi được dẫn tới dòng nước suối gần trại. Các đội khác cũng lục tục kéo đến đây. Cả làng ào xuống tắm. Tôi ngụp lặn thích thú. Nước suối làm tươi mát da thịt tôi, làm tươi mát tâm hồn tôi. Bàn tay tôi bớt đau, cánh tay tôi bớt rã rời. Tôi biết thêm niềm bí ẩn của nước suối. Chúng tôi tắm truồng. Vài thằng nhóc để nguyên quần xà lỏn tắm. Nhưng chúng không tắm. Chúng mò ốc, lận nghêu, sò bên bờ suối. Thỉnh thoảng, được một con ốc hay con sò, chúng dắt vô cạp quần. Tôi mới hiểu tại sao chúng không cởi quần. Mà chúng mò ốc, lận nghêu, sò làm gì?
Vệ binh bảo chúng tôi lên. Đồng thổi tắm lẹ, lên trước hối thúc. Chúng tôi lại xếp hàng đôi. Đồng thổi báo cáo sau khi đếm đủ người.
- Báo cáo cán bộ, đội 1 lao động 56 tắm xong lên đủ.
- Về.
Chúng tôi về, xếp hàng, ngồi chờ ngoài cổng trại. Vệ binh hết nhiệm vụ. Họ đợi cán bộ trực trại nhận tù nhập trại. Kẻng tan lao động trỗi dậy. Cán bộ trực trại vô chòi gác. Lúc này, đội nào xếp hàng trước, tự do báo cáo xin vào trước. Cung củ đậu xuất hiện với mái tóc quăn mở cổng.
- Báo cáo cán bộ, đội 1 tham gia lao động 56 về đủ, chờ lệnh cán bộ.
- Cho vào.
- Rõ.
Chúng tôi về thẳng nhà mình, chuẩn bị cơm trưa. Tổ trực cơm nhanh nhẹn xuống bếp lĩnh cơm, canh, nước sôi. “Bốn mùa khẩn trương”, cần khẩn trương ăn còn ngủ một giấc chứ. Cơm ở đây ít hơn ở Chí Hòa. Canh càng tệ mạt. Rau luộc lõng bõng nước bỏ muối vô gọi là canh. Hiện nay chúng tôi ăn canh lá cải củ vì đang mùa rau cải củ. Ở Chí Hòa, phần cơm một ca đầy có ngọn. Ở đây phần cơm lưng lưng nửa ca. Tôi ăn đủ. Mai bím thì đói. Tất cả đều đói. Tôi ăn thật vội vàng, rửa chén muỗng xong là leo lên chỗ ngủ. Vừa đặt mình xuống đã ngủ rồi. Mọi đắng cay, u uẩn chìm vào giấc ngủ trưa nay là thuốc an thần tuyệt diệu, thứ linh dược xứng đáng đặt tên thuốc lao cải, là sự làm việc quá sức mình.
Đúng một giờ, kẻng báo thức điểm ba hồi. Tôi giật mình, mở bừng mắt một cách khiếp sợ. Tim tôi đập mạnh, nhức nhối. Tiếng kẻng ở trại tập trung nghe nó gớm ghiếc gấp mấy lần tiếng kẻng ở nhà tù. Như thể trong tiếng kẻng, nhập hờn ma quỷ hối thúc, dọa nạt. Mỗi tiếng kẻng cơ hồ một mũi kim đâm vào tim nhức nhối, rướm máu. Ở nhà tù, nghe kẻng báo thức cứ việc nằm ỳ, khi nào điểm số ngồi dậy là vụt thức, mở mắt đỏ ngầu, vươn vai ngáp dài và lầm bầm chửi rủa. Tiếng kẻng báo thức ở trại tập trung đúng là tiếng chó dại gầm gừ muốn lăn xả tới cắn nhầu da thịt chúng tôi. Không thể nào làm quen với tiếng kẻng quái ác này. Mỗi lần nghe là mỗi lần rụng rời, đứng tim. Nó răn đe đời sống và nghiền nát ý chí con người.
Ba hồi chín tiếng kẻng báo thức chưa kịp tan lỗng trong hồn tôi lạc loài và trong không gian ngơ ngác đã một hồi ba tiếng kẻng tập trung đi lao động. Một giờ mười lăm phút không dư, thiếu giây nào, chúng tôi ngồi giữa sân nắng trưa chờ báo số. Thằng tù nào chậm chạp khi cán bộ trực trại đã túc trực ở chòi gác, sẽ bị Cung củ đậu, Phú mù đấm đá, chửi bới. Thường là bị đạp ngã chúi mặt. Hoạt cảnh diễn ra như buổi sáng, như hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng chục năm, có thể, suốt đời, một kiếp sống nhạt nhẽo cay đắng, náo nhiệt mà câm chết, vui vẻ mà buồn tênh. Một vở kịch triền miên không tác giả, mà ở đó, diễn viên chính chơi trò với diễn viên phụ quanh năm suốt tháng. Y phục đã rách bươm tơi tả, phông cảnh đã phai nhạt theo thời gian nhưng nội dung trường kịch vẫn mới toanh hoặc đã thành chân lý, thứ chân lý già nua, bệnh hoạn, úa héo.
- Đội 1.
- Hai hàng dọc… Nghiêm… Báo cáo… Chờ lệnh…
- Cho đi.
- Rõ.
- Đội 8.
- Nghiêm… Chờ lệnh…
- Cho đi.
- Rõ.
Tôi lại tới bãi khổ sai hoặc hiện trường lao động cho đúng ngôn từ trường kịch. Lại hoạt cảnh nhỏ diễn ra như buổi sáng, như hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng chục năm, có thể, suốt đời.
- Báo cáo cán bộ đội 1 lao động…
- Cho lấy dụng cụ lao động.
Ở hiện trường lao động có nội quy riêng, đồng thời, có kỷ luật riêng. Muốn đi ỉa phải hỏi đội trưởng, rồi tới đứng cách vệ binh năm thước. “Báo cáo cán bộ tôi đi ỉa.” Vệ binh sẽ chỉ định chỗ cho mà ngồi ỉa, không được tự do chọn chỗ ỉa, vì vệ binh canh chừng tù nhân cả khi tù nhân đi ỉa. Ỉa xong lại đứng cách vệ binh năm thước: “Báo cáo cán bộ tôi đi ỉa về.” Quên báo cáo đi hay về đều bị xử lý tại chỗ. Mà với tù trộm cướp, biện pháp xử lý chỉ là đấm đá và roi dây điện. Mỗi vệ binh ngoài súng dài còn thêm một sợi dây roi điện dài cả thước. Để quất tù vi phạm kỷ luật và trói tù khi nó trốn trại bị thộp cổ. Chú Tường nói không sai, nhà tù là lò luyện thép. Tôi rất cần thiết là thanh thép non. Trước hết, thanh thép non thử lửa cho bàn tay nó chai rắn.
Tí ngầu dặn tôi đừng khều nước ở những chỗ sưng mọng. Nó bảo ráng giữ kỹ, tự nó sẽ mất nước và xẹp đi, chai cứng. Tôi bỗng ước ao giá mình có đôi găng da thì hạnh phúc bao nhiêu. Chiều nay, tôi nắm chuôi dao một cách khó khăn nhưng phải “khắc phục”. Tự mình làm mình đau đỡ đau hơn khi bị vệ binh quất roi dây điện cái tội trây lười. Buổi sáng tôi đã thấy vệ binh quất túi bụi mấy thằng cũ. Thôi, mình cứ tà tà chặt rễ. Chứ ngồi ôm vết đau, nó chẳng tha thứ mình. Thời gian lao động chiều ngắn hơn thời gian lao động sáng. Mới chặt quá nửa cái rễ đã được giải lao. Quanh cái bếp của Năm ra phan, bọn nhãi bu kín ca cóng. Ca, cóng là danh từ. Hai chữ gộp lại biến thành động từ. Ca cóng, tự điển lao cải định nghĩa: Đun nước, chùm bao, hà thủ ô, rễ tranh, sâm đất hay nấu canh tầu bay, cải trời. Tù lao cải có thể kéo dài định nghĩa nếu được gia đình tiếp tế mì, nui, hủ tiếu, tôm khô, bột ngọt, gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, đậu đen, đường vân vân… Với chúng tôi, ca cóng định nghĩa cụt ngủn và gớm ghiếc: vài con ốc, con nghêu, con sò; một con cua, con cá, con tôm mò bắt dưới suối hồi sáng; một con nhái, ít rau cải trời, rau tầu bay lượm lặt, thêm hồi chiều, dùng khúc cây đập vỡ vỏ ốc, nghêu, sò ra, bỏ vô ca hay cóng với con tôm, cái tép, chú nhái lột da trắng hếu, nắm rau rừng rửa sơ sơ, xin chút nước của Năm ra phan đổ vào, đặt cạnh bếp cho sôi chín, thảy tí muối bọt. Là có cóng canh rau cải ăn độn nửa ca cơm để cầm cự hết đêm tù dài dằng dặc. Tôi vừa hiểu tại sao sáng nay nhiều đứa không chịu tắm kỹ mà cứ lúi húi mò ốc, lận sò.
Mai bím theo dõi những thằng ca cóng một cách thích thú. Tôi biết nó đang vẽ vời các món ăn “cải thiện” trong cái cóng sẽ gò của nó. Chúng tôi lại vô lao tức là vào lao động. Chiều nay hai đứa chặt đứt một rễ lớn, một rễ nhỏ. Chúng tôi có chút tiến bộ. Tôi quên được cái ý nghĩ muốn chết, tuy rằng tay vẫn đau, mình mẩy vẫn nhức. Bốn giờ, Đồng thổi truyền lệnh “thu cất dụng cụ”. Thu cất dụng cụ, bốn tiếng thật ngắn ngủi nhưng lại là bốn tiếng hạnh phúc tính từ buổi của dân tù lao cải. Chúng tôi tập họp, báo số, điểm số trước khi về tắm. Sinh hoạt y boong buổi sáng, y boong hàng ngày, hàng năm, hàng chục năm, có thể suốt đời.
- Báo cáo cán bộ, đội 1 lao động 56, về đủ.
- Về khẩn trương tắm.
Dòng suối lại lúc nhúc tù nhãi ranh tắm gội, giặt giũ. Lại có số thằng ham mò ốc bắt cua để dành trưa mai nấu canh ăn độn cơm cho no bụng. Vệ binh lại giục lên bờ khẩn trương. Đồng thổi lại đếm người, lại điệu vẹt đơn độc:
- Báo cáo cán bộ, đội 1 lao động 56, tắm xong lên đủ.
- Về.
Chúng tôi lại xếp hàng ngồi chờ ngoài cổng trại. Kẻng lao động lại trỗi. Cán bộ trực trại lại về chòi gác. Thằng trật tự lại xuất hiện với cặp mắt cú vọ nhòm giỏ, nhòm túi tù nhân xem đứa nào có ăn cắp hoa màu của trại. Như buổi trưa, như hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng chục năm, có thể, suốt đời.
- Báo cáo cán bộ, đội 1 tham gia lao động 56, về 56 đủ, chờ lệnh cán bộ.
- Cho vào.
- Rõ.
Chúng tôi lại về thẳng nhà mình, phơi quần áo ướt, thay quần áo mới, chuẩn bị cơm nước buổi chiều. Từ giờ phút này, thằng tù lao cải được quên khẩn trương, tích cực. Nó muốn ăn lúc nào tùy ý nó. Còn một đêm dài mới sáng mai khẩn trương, tích cực. Nhiều đứa nhận phần cơm canh của mình, đem vào nhà cất cẩn thận đợi kẻng báo ngủ sẽ ăn. Như thế, đêm thức dậy không bị cơn đói hành hạ. Mai bím và tôi ăn cơm ngay ngoài sân. Chúng tôi rửa chén muỗng xong, đi dạo quanh sân. Mai bím nói, vài hôm nữa quen đất quen cát, nó sẽ sục sạo khu bếp xem có gặp bạn cũ. Nếu gặp bạn, “tao sẽ chĩa muối, nước mắm, cơm cháy, có gì chĩa nấy.” Mai bím bảo vậy. “Mình sẽ ca cóng linh đình, tao đang rình khúc dây kẽm nhỏ để uốn lưỡi câu. Mình đớp cá. Ốc tép là chê nghe mày,” Mai bím quả quyết với tôi nó sẽ thực hiện những gì nó nói.
Năm giờ rưỡi, kẻng báo điểm số chiều. Chúng tôi ngồi tập họp trước sân của nhà mình. Cán bộ trực trại điểm số giao nhiệm vụ canh giữ tù ban đêm cho vệ binh. Nhà trưởng Hòa đen đứng đợi làm nhiệm vụ. Trực trại và vệ binh cầm sổ tới. Thằng trật tự lon ton theo sau. Hòa đen hô:
- Tất cả đứng dậy, nón mũ bỏ xuống, ai chưa cài nút áo cài lại, cấm vắt khăn lên vai.
Cả nhà đứng lên, sửa nút áo, cổ áo.
- Chú ý, nghiêm! Báo cáo cán bộ trực trại, nhà 2 tổng số 156, hiện diện 154, hai trúng gió nằm trong nhà. Chờ lệnh cán bộ.
Thằng trật tự chạy tút vào nhà, la lối: “Thằng nào ốm lên tiếng lớn đi.” Hai thằng ốm xưng tên, đội. Thằng trật tự rút ra.
- Báo cáo cán bộ có 2 ốm.
Cán bộ trực trại và vệ binh cùng đếm. Kẻ giao tù, người nhận tù.
- Được.
Cán bộ sang nhà khác. Chúng tôi giải tán, muốn đi đâu tùy ý, miễn đừng xớ rớ gần hàng rào. Khi nghe kẻng báo ngủ phải về nhà mình. Kẻng báo ngủ đánh rồi mà còn ở ngoài nhà, vệ binh bắt được ráng lãnh đòn. Tối nay thứ hai, có thêm mục sinh hoạt nhà nên chúng tôi sẽ nghe thêm một hồi kẻng báo họp. Một ngày lao động của tôi đã qua. Tôi chưa thấy trong đó có chút bí ẩn nào ngoài bàn tay cầm dao sưng mọc nước.