PDA

View Full Version : DĐ - Đồi Fanta - Duyên Anh



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 [9] 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24

VietLang
03-28-2009, 09:12 AM
Chương 8


Trại xây dựng trên một khu đất thật rộng, chung quanh là hàng rào tre lồ ô cao hai thước, đầy khít. Cứ cách một khoảng ngắn lại có hai thân cây to bằng bắp đùi của tôi, đóng sát ngoài và trong hàng rào, buộc siết dây thép gai. Thành thử, hàng rào vững chắc như bức tường. Để hàng rào khỏi sụp đổ, người ta còn chôn sâu những thân cây lớn hơn, chèn gạch đá, ghì sát. Bên trong bức rào lồ ô còn một hàng rào kẽm gai, cột gỗ. Bất cứ lúc nào, chúng tôi cũng phải đứng xa hàng rào mười mét. Đứng gần hàng rào là có âm mưu trốn trại và sẽ bị xử lý tùy theo sự vui buồn của cán bộ. Nếu cán bộ vui, trại viên vi phạm kỷ luật xớ rớ sát hàng rào chỉ ăn một cái đá, một cái bợp tai hay một cú đấm. Nếu cán bộ buồn, trại viên sẽ lãnh đủ vài roi dây điện quất chí tình.
Hòa đen, thằng bạn vỉa của Mai bím, một trong số hai trăm tù nhân nhãi ranh lên đây đầu tiên, kể rằng, khi người ta đổ nó xuống, khu đất trại chỉ là cánh rừng chi chít cây lớn, nhỏ và lồ ô. Bằng những chiếc cuốc long cán, bằng những con dao cùn, chúng nó đã cùng bộ đội phát hoang khu rừng, đắp nền nhà, san phẳng mặt đất và dựng nhà ở với khẩu hiệu: “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Nhờ cái “thế hệ tiên phong” này mà chúng tôi tới là có nhà tránh mưa nắng ngay. Chứ, năm tháng trước, chúng nó ngủ ngoài trời giữa rừng đầy rắn, rết, muỗi, vắt, cọp, beo. Nhiều đứa đã chết vì bệnh sốt rét hoặc bị cây đè nát thân, hoặc bị rắn độc cắn. Xác chúng chôn ở ngọn đồi cách trại hơn năm trăm thước. “Chúng tao như bầy kiến tha mồi,” Hòa đen nói, “rốt cuộc cũng kham nổi cái trò chơi lao cải.” Nó nhún vai rất kiêu hãnh.
- Đòn mềm xương và lao động, chả đứa nào ngu chọn đòn tù. Lười biếng đã bỏ mẹ rồi, nói chi ì xác chống đối.
Theo Hòa đen, bộ đội tốn công sức nhiều hơn. Nó khen bộ đội làm giỏi, làm không biết mệt, làm tích cực, khẩn trương.
Trại chia thành hai khu: khu cán bộ và khu trại viên cải tạo. Chúng tôi gọi bộ đội là cán bộ. Mỗi đội có ba cán bộ. Cán bộ theo dõi việc lao động và trực tiếp giáo dục chúng tôi là cán bộ quản giáo. Hai cán bộ canh giữ chúng tôi ngoài hiện trường lao động là cán bộ bảo vệ hay vệ binh. Quản giáo đeo súng ngắn. Vệ binh đeo súng dài. Chúng tôi không phải là tù nhân. Chế độ ngụy mới hạ nhân phẩm chúng tôi nên bảo chúng tôi là tù nhân. Chế độ cách mạng xếp chúng tôi vào loại trại viên cải tạo. “Không có nhà tù, người tù ở xã hội chúng ta, chỉ có trường học và những người trại viên cải tạo”, cán bộ đã lên lớp thế. Đứa nào quen nhận mình là tù, đi ở tù sẽ bị dũa thê thảm. Thoạt đầu, Hòa đen kể, cán bộ và trại viên phát hoang, bứng gốc cây, san đất dựng nhà khu cán bộ thì cả cán bộ lẫn trại viên ngủ ngoài trời. Dựng được căn nhà nào, cán bộ ngủ trong nhà, trại viên ngủ ngoài trời thật gần gũi, thân mật. Khi xây dựng xong khu cán bộ, trại viên bị đẩy vô phía trong, xây dựng khu của mình. Hai khu cách biệt bởi một con đường tám thước và hàng rào tre phụ thêm hàng rào kẽm gai. Từ đó, sự gần gũi, thân mật biến mất. Trại viên ở trong khu rào tre, rào thép vây quanh khó trốn thoát. Cán bộ ở khu ngoài thênh thang, không rào rụng chi cả.
Khu cán bộ, hai dẫy nhà đối diện nhau, giữa là sân bóng chuyền, sân tập thể dục. Một dẫy thuộc cán bộ quản giáo, một dẫy thuộc vệ binh, nối liền hai dẫy phía cuối, tạo thành chữ U là dẫy của cấp lãnh đạo trại, tức là Ban giám thị. Cột cờ cao lêu nghêu trồng ở chính tâm chữ U. Mỗi sáng thứ hai, cán bộ các cấp chào cờ, nhận mệnh lệnh thi hành công tác. Khu trại viên cũng gồm hai dẫy, mỗi dẫy ba nhà, mỗi nhà chứa khoảng một trăm năm chục trại viên tức là ba đội. Cái bếp của trại viên tạo thành chữ U cho khu vực trại viên. Gần bếp, người ta đào một cái giếng lấy nước nấu cơm, rửa chảo… Nếu không có hàng rào và con đường, hai khu nối sát nhau thì thành hình chữ nhật. Cắt đôi hình chữ nhật là cái cổng lớn để trại viên ra ngoài lao động. Một cái chòi gỗ, lợp tôn bên phải cổng từ khu trại viên nhìn ra để cán bộ trực trại sáng, trưa, chiều ngồi gọi trại viên đi lao động và đếm trại viên về có đủ hay thiếu. Cán bộ săn sóc trại viên ngoài giờ lao động gọi là cán bộ trực trại. Mỗi đội gồm một đội trưởng, một đội phó, một thư ký và các trại viên. Xuất trại và nhập trại, đội trưởng phải báo cáo quân số lao động với cán bộ trực trại. Đội chia làm nhiều tổ, từ mười trại viên trở lên, có tổ trưởng, tổ phó. Cán bộ trực trại chọn sáu trại viên lớn nhất, xiện nhất làm trật tự để giúp cán bộ giữ gìn an ninh trại những lúc cán bộ vắng mặt và để thêm mắt phụ với bốn cái chòi coi ở bốn góc trại phát hiện những thằng trốn trại.
Tôi không biết nhà của cán bộ giường ghế bày biện ra sao. Nhưng nhà của chúng tôi có hai tầng. Tầng dưới cách sàn đất bốn mươi phân. Tầng trên cách tầng dưới một thước. Cả hai tầng đều toàn lồ ô nhỏ ghép sát thay gỗ miếng. Chúng tôi ngủ trên cái sàn khấp khểnh ấy. Nhà chia thành nhiều khoang, mỗi đội chiếm vài khoang trên dưới, tùy theo quân số nhiều ít. Một lối nhỏ dọc giữa nhà để đi lại. Cầu tiêu ngay trong nhà được ngăn một khúc nhỏ trống tung. Có cái máng gỗ đóng thành hình chữ nhật làm thùng chứa phân. Bên cạnh máng gỗ có hai ba cái thùng đạn đại liên đựng nước tiểu. Đội nào nằm sát cầu tiêu tha hồ ngửi cứt, nước đái. Công tác mang phân nước tiểu ra khỏi trại do tổ vệ sinh thuộc đội linh tinh đảm nhận. Tổ này lo vệ sinh, nhặt cỏ, quét sân trại, buộc lại hàng rào và sẵn sàng chờ sai vặt…
Trên cổng trại treo một tấm bảng gỗ. Mặt ngoài ghi danh ngôn của bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, mặt trong ghi khẩu hiệu: “Lao động là vinh quang”. Thân những cây nhỏ trong sân trại giữ lại cho có bóng mát, đóng những cái biển nhỏ viết toàn bằng mực đen các khẩu hiệu khuyến lao động đầy ý nghĩa: “Lao động là thước đo giá trị của con người”, “Vượt nắng, thắng mưa giành thời gian trong cải tạo”, “Quyết lập thành tích khi đưa lao động sản xuất dâng lên Ban giám thị”, “Khắc phục mọi khó khăn cải tạo tốt”, “Quanh năm khắc phục, bốn mùa khẩn trương”, “Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Triệt để chấp hành mệnh lệnh của cán bộ”, “Tố giác bọn trốn trại, bọn chây lười lao động là nhiệm vụ của mỗi trại viên”… Những khẩu hiệu này cũng là những bài học tập mà trại viên phải thuộc lòng.
Trại không có điện. Mỗi nhà được cấp một đèn bão thắp ban đêm. Nhà trưởng bảo quản đèn. Nhà trưởng do cán bộ chỉ định, chọn từ những đội trưởng trong nhà. Nhà trưởng báo cáo quân số buổi sáng, buổi chiều khi cán bộ trực trại điểm số trao và nhận với vệ binh. Điều tôi khoái nhất là ở trại cải tạo không khóa cửa. Chúng tôi tự do qua lại các nhà đánh cờ, hút thuốc. Vệ binh không nói gì cả. Tường nhà chỉ là lồ ô dựng dính ghép sát, không hãi hùng như tường xi măng cốt sắt Chí Hòa. Ban đêm nấu nướng líu lo. Tiếc là chẳng có mì, hủ tiếu, bột, trà hay cà phê. “Thế hệ tiên phong” thằng nào cũng sắm được cái ca sắt, cái cóng nhôm, máng quai dây thép làm đồ đun nấu. “Tao sẽ xoay một cái cho ra vẻ lao cải,” Mai bím nói. Nó thèm ca cóng lắm. Và càng thèm chóng được biên chế để đi lao động. “Ra ngoài để xoay sở món ăn,” Mai bím vẽ vời cái hạnh phúc bé nhỏ của nó.
Hòa đen hứa hẹn với Mai bím nhiều thứ. Nó tỏ ra thông thạo miền này. Nó kể với tôi rằng, quanh trại của chúng tôi, hàng tỷ trại khác nữa - lối nói của Hòa đen - “Chúng mình cách biên giới Miên cỡ trăm ký lô mét. Mày biết sóc Bambo chứ? Sóc Bambo dậy tiếng chày khuya ấy mà, nó cách đây sáu chục ký lô mét. Vô đó, tha hồ gặp mọi Bambo. Tụi này nó yêu cách mạng lắm, mày trốn trại vào đó là nó trói nghiến đem nộp cách mạng à. Sĩ quan ngụy cải tạo sát biên giới cả chục trại. Mẹ ơi, Bù Gia Mập là cái trại hãi hùng, xa nhất đấy, cách Miên có hai cây số còm. Rồi Bù Gia Phúc, Bù Loi, Bù Nho, Bà Na, Bù Đăng, Bù Đốp rặt bù với bù. Đông bù quá xá cỡ. Mình chơi bài cào mà… cứ bù hoài thì sạt nghiệp. Láng giềng mình gần gũi có Trại cải tạo đĩ, gái nhảy, gái bán ba, Trại thương phế binh ngụy, Trại mù, Trại xì ke, ma túy.” Hòa đen đọc tên các trại nghe phát khiếp. Tôi không hiểu người mù, người què can tội gì mà cũng cải tạo. Vùng đất tôi có mặt, nhà tù, trại tập trung trồi lên như hòn đảo. Quê hương tôi, nhà tù, trại tập trung là quần đảo nghìn vạn hòn. Tôi sẽ còn phải đứng giữa bao nhiêu hòn đảo nữa để suy nghĩ về tội trạng và hình phạt mà mình chịu đựng.
Sáng nay, thứ bảy, chúng tôi còn được nghỉ. Chúng tôi mong đi lao động. Đi lao động mới được tắm giặt. Nằm trong trại mất quyền lợi này. Cũng may, nửa ngày di chuyển của chúng tôi cũng dễ chịu, thời tiết cuối năm ở Phước Long lạnh lẽo và chúng tôi tự do đi lại nên không cảm thấy ngứa ngáy, bứt rứt. Nghe nói, chiều nay chúng tôi học tập nội quy trại và ngày mai người ta sẽ biên chế đội cho chúng tôi. Hòa đen kể, hiện thời trại của chúng tôi có mười đội. Đội 1: phát hoang. Đội 2: lâm sản. Đội 3: lâm nghiệp. Đội 4: nông nghiệp. Đội 5: nông nghiệp. Đội 6: rau xanh. Đội 7: rau xanh. Đội 8: lâm sản. Đội 9: cấp dưỡng. Đội 10: linh tinh. Dạo mới lên tất cả đều lâm sản, phát hoang, xây dựng. Đất đai, tạm đủ canh tác, phát hoang chỉ còn một đội, lâm sản hai đội chuyên chặt cây rừng về nấu bếp. Hòa đen là đội trưởng đội 2 lâm sản kiêm nhà trưởng nhà 1. Nó mong Mai bím và tôi được biên chế vào đội của nó.
Buổi chiều, các đội đi lao động hết, người ta tập trung bọn tù mới giữa sân trại, giáo dục chúng tôi những điều phải làm và những điều không được phép làm. Những lần cán bộ giáo dục tập thể gọi là lên lớp. Chúng tôi được lên lớp về “Bốn tiêu chuẩn cải tạo. Hai mươi tám điều nội quy. Hai mươi điều nếp sống văn hóa mới”. Cán bộ nói sẽ phát giấy đánh máy tiêu chuẩn cải tạo, nội quy, nếp sống văn hóa mới cho chúng tôi học thuộc dần. Giấy này, cũng đã hứa phát cho “thế hệ tiên phong” nhưng tới nay, chúng nó vẫn chưa nhận tờ nào. Chúng nó chẳng thích nhận làm gì, vì phần đông chúng nó mù chữ. Giai đoạn đầu, cán bộ nói, chỉ yêu cầu chúng tôi yên tâm học tập cải tạo, tích cực lao động và chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cán bộ ngoài hiện trường lao động cũng như về trại. Tuyệt đối cấm trốn trại, cấm “Lười biếng, cấm ốm đau giả vờ, cấm nói xấu cách mạng, cấm tụ tập phản tuyên truyền, cấm hát nhạc vàng đồi trụy, cấm đánh nhau, cấm ăn cắp của nhau, cấm chửi thề.” Chúng tôi phải quân sự hóa nếp sống. Luôn luôn đặt mình trong tình trạng khẩn trương. Thứ hai họp nhà, thứ sáu họp đội. Trong những buổi sinh hoạt đội phải đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, tố giác hành vi ăn cắp của trại, trốn trại và bao che kẻ vi phạm kỷ luật; phải ráo riết phê bình và thành khẩn tự phê bình để tiến bộ hầu sớm được cách mạng khoan hồng về sum họp gia đình.
Cán bộ lên lớp cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi im lặng nghe nhưng rất ít đứa nhớ và hiểu cán bộ nói cái gì. Ai sao ta vậy, đó là triết lý của bọn nhãi. Buổi lên lớp xong, chúng tôi về nhà. Người ta phát cho chúng tôi mỗi đứa hai cái chén, một cái muỗng, hai bộ quần áo, một cái chăn, một cái màn và một cái chiếu. Dép và nón sẽ phát sau, khi trại đủ khả năng, người ta nói vậy. Bộ quần áo lụng thụng ở Chí Hòa thì bị Chí Hòa lột lại rồi. Nguyên tắc nhà tù là thế. Rời trại phải trả hết những gì trại cấp phát, bất kể cũ mới hư hỏng. Quần áo trại Phú Văn phát vừa vặn khổ người chúng tôi, có đóng dấu CTPV bằng sơn đen giữa lưng áo và hai ống quần. Cán bộ dặn phải bảo quản tốt, mất áo, rách rưới ráng chịu. Tiêu chuẩn một trại viên cải tạo mỗi năm hai bộ quần áo, một cái chiếu. Chăn và màn thì trọn mùa cải tạo. Tôi mặc thử bộ quần áo in dấu tù. Tôi muốn khóc nhưng kìm ngay lại vì nhớ lời chú Tường dạy. Người ta khoác lên đời tôi cái số tù ngớ ngẩn và nhồi vào đầu óc tôi hàng loạt danh từ chán nản. Còn những gì nữa đây?
Sáng hôm sau, chủ nhật toàn trại nghỉ. Các trại viên nổi lửa ca cóng. Chúng nấu nước chùm bao, nước hà thủ ô uống cho bớt nhớ nước trà, cà phê. Bọn tôi lại bị gọi ra tập trung, giữa sân để biên chế đội. Cán bộ trại cầm bản danh sách do tôi lập ở trại Chí Hòa, gọi tên từng đứa và bảo về đội nào. Mai bím, Tèo tép, tôi và ba thằng nhóc tì sáu tuổi về đội 1 phát hoang. Đám khác về các đội rau xanh, nông nghiệp. Ba đội phát hoang, lâm sản ở chung Nhà 2. Tôi được sống với Hòa đen, khỏi dọn nhà. Những đứa kia chuyển qua Nhà 4, Nhà 5… Sáu đứa chúng tôi tìm đội trưởng đội 1 trình diện và để nó sắp xếp chỗ nằm. Đội trưởng đội 1 cũng quen biết Mai bím ngoài đời nên nó cho chúng tôi nằm cạnh nhau. Tên nó là Đồng, vỉa danh là Đồng thổi. Hòa đen mừng lắm, nó bảo chúng tôi rất hên. Đội 1 phát hoang cán bộ dễ chịu, cứ tà tà mà lao động. Nếu chúng tôi qua rau xanh thì thê thảm, ngào phân quanh năm, cán bộ bắt bón phân vào gốc rau bằng tay.
Chúng tôi, tạm thời, biết mình thuộc quân số đội phát hoang. “Còn biến chế lung tung beng.” Hòa đen nói. Mai bím yên tâm rồi, ổn định chỗ nằm xong xuôi rồi, nó đem bình điếu, thuốc lào chiêu đãi “Hòa đen nhà trưởng, Đồng thổi đội trưởng và Tí ngầu đội phó kiêm thư ký.” Hòa đen chê bình điếu của Mai bím. Nó vác cái điếu cày thửa tới. Mai bím mê mệt luôn. Nó nạp đạn vô khẩu ba dô ca, bắn một phát đã đời. Mai bím ngã bổ ngửa trên sàn tre. Nó đã phê một cú sảng khoát nhất tự thuở vào đời. Dân vỉa hè thay phiên nhau bắn ba dô ca. Chúng khen thuốc ngon. Đồng thổi khao chúng tôi chầu nước chùm bao. Chúng tôi quây quần quanh cái điếu cày nói chuyện. Mai bím thuật lại cái đêm Hoa Lư hãi hùng, cả bọn lắc đầu, lè lưỡi. Tèo tép thuật lại chuyện đi Đà Nẵng thập tử nhất sinh, anh em xanh mét mặt mày. Đồng thổi hỏi tôi trước “hoạt động” miền nào, Mai bím nhanh nhẩu đáp tôi “làm ăn” ở xa cảng miền Tây.
Hòa đen dặn chúng tôi nên tránh né bọn sáu thằng trật tự, chớ có gây sự với chúng nó, mọi công việc để ra ngoài đời tính. Theo Hòa đen, bọn trật tự là chó săn của cán bộ, nó tâu gì cán bộ cũng nghe. Cán bộ cho phép bọn trật tự đánh đập anh em. Hễ trật tự nó ghét mình, nó báo cáo cán bộ là mình chỉ có nước nhừ đòn. Mai bím nghiến răng ken két. Hòa đen nói chúng tôi phải nịnh bọn trật tự, giả đò thân thiện với chúng nó thì mới yên thân. “Tao đã có hình phạt cho mấy thằng vỉa chó đẻ ấy,” Đồng thổi nói, “nhưng ở đây tao xuống nước.” Hòa đen khuyên chúng tôi đừng tâm sự vớ vẩn với đứa nào. “Thằng nhãi tép cũng hại nổi mình,” Hòa đen nói, “mà mình không dám đục nó.” Tôi ngồi nghe và suy nghĩ về cái thiên đường mà Mai bím đã tưởng tượng sẽ gặp gỡ. Trại cải tạo không giống phòng giam Chí Hòa, tôi lại phải đối phố quyết liệt. Nhưng Mai bím vẫn nghĩ trại cải tạo không có gì ghê gớm. “Cứ từ từ, tao sẽ tính từng thằng chó đẻ ấy,” nó nắm chặt tay. “Chết là cùng chứ sợ chó gì.” Hòa đen vỗ vai Mai bím: “Chết chi lãng xẹt, để về chết ở vỉa. Tao nói cho mày đề phòng thôi, bọn nó chưa đụng tới bọn tao.”
Chúng tôi ra khỏi nhà, đi thăm anh em các nhà khác và tha thẩn sân trại. Tôi mơ hồ thấy cái gì bất ổn quanh đời sống tôi. Trại tập trung cải tạo, hàng rào, cán bộ, vệ binh, trật tự, nhà trưởng, đội trưởng, lao động… Những thứ này sẽ nghiền nát tôi, những thứ này đã dư nghiến nát tôi rồi, nói chi đến kỷ luật và đủ thứ hình phạt tự biên tự diễn. “Mỗi nhà tù là một lò luyện thép và cháu phải là một thanh thép non,” chú Tường bảo vậy. Chú không ví nhà tù giống ngôi trường như cán bộ đã ví. Tại sao chú lại khẳng định nhà tù là lò luyện thép? Câu trả lời đã có khi tôi trải hết đời niên thiếu của tôi ở nhà tù và trại tập trung cải tạo tư tưởng. Quả thật, tôi phải là thanh thép non. Nếu tôi là chì, là bạc, là thiếc, tôi đã bị lò lửa cực nóng, đã bị những tia hồ quang làm chảy rã. Nhưng là thép non, tôi được tôi già, rắn chắc hơn, bền bỉ hơn. Và khỏi bị hủy diệt. Để tồn tại. Hồi tưởng, tôi phát rùng mình và, không những tôi khâm phục niềm bí ẩn của đời sống, mà còn khâm phục luôn cả sự chịu đựng của con người. Lúc này, thanh sắt non đang kề miệng lò lửa. Chắc chắn, tôi sắp bị liệng vào lò. Tôi hồi hộp đợi chờ giây phút khốn nạn đó. Có thể? Nó sẽ xảy ra sáng mai.
Chúng tôi lại trở về “nhà của chúng tôi”, căn nhà số 2 của trại tập trung. Đồng thổi xếp Mai bím chung tổ với tôi. Từ hôm lên đây tôi chưa hề hé răng, chỉ ngồi nghe Hòa đen, Mai bím, Đồng thổi nói chuyện này, chuyện nọ. Mai bím đã giới thiệu tôi như một dân chạy bến xe miền Tây. Tôi hơi đau lòng nhưng phải nghiến răng chịu đựng. Buổi tối, Mai bím xin lỗi tôi. Nó thổ lộ rằng, nó muốn tôi giống mọi thằng khác. “Đi tù mà tách mình ra riêng là chết, nghe mày,” Mai bím truyền kinh nghiệm cho tôi. Nó bảo nếu giới thiệu tôi là con sĩ quan ngụy bị bắt lầm, trại nó sẽ chú ý một mình tôi, và tôi phải lãnh mọi cực hình. Mai bím có lý. Tôi đành dấu diếm lý lịch của tôi, gia đình của tôi, kỷ niệm của tôi, và ước vọng của tôi nữa. Từ nay tôi sẽ là dân vỉa chính tông. Coi như cái quá khứ của tôi bị tước đoạt, tôi cần quên nó. Cải tạo tư tưởng có làm cho mình dứt bỏ quá khứ của mình được không? Và dứt bỏ nó thì mình sẽ ra sao?
Hòa đen lại nói chuyện cảnh giác. Nó kể rằng, hai tháng trước, mấy thằng nhãi thèm khoai lang, đêm tối mò ra rẫy đào trộm. Hồi ấy hàng rào chưa xong. Bộ đội biết chúng nó từ lúc vừa đến hàng rào, nhưng mặc kệ. Mấy thằng tưởng bở, ngon trớn bò nhanh. Chứng tới rẫy, tay móc luống khoai, vừa moi được một củ, liền bị ăn một băng AK gẫy văng cánh tay. Chúng bị điệu về trại. Thằng trúng đạn tên là Tới lác bị bỏ nằm chình ình cả đêm, sáng sau thì chết. Những đứa kia hứng roi dây điện tóe máu. Bộ đội gom tù tập họp giữa sân, chỉ vô xác thằng Tới lác mà lên lớp. Hòa đen bảo chính nó lãnh nhiệm vụ chôn thằng Tới lác trên một quả đồi. “Chết ở đây dễ ợt, muốn chết chỉ cần chọc bộ đội, nó nổi sùng là nó đưa mình lên chầu trời.” Hòa đen nhắm mắt, kết luận, “Ngu mới để nó bắn chết, ngu mới để nó hành hạ mình.” Tôi nghe Hòa đen kể, không dám tin rằng mình đang sống nơi đây. Mai bím chắc cũng không ngờ mình xa địa ngục để về thiên đường.
Thôi, đành phế thác đời mình vào trong tay Chúa.