PDA

View Full Version : Cô Gái Đồ Long - Kim Dung



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 [11] 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100

tintin27
04-17-2009, 07:12 AM
Hồi thứ 11 - Ðộc Mai Hoa Tiên


Thúy Sơn thấy nàng nọĩ không hề trả lời câu hỏi của mình mà chỉ nói đến bốn chữ 'anh phong lẫm liệt' hiển nhiên là nàng khen ngay phong thái của mình,trong lòng khoan khoái,mặt đỏ bừng,nhưng chàng không hiểu nàng nói mấy câu đó có ý nghĩa gì?

Thiếu nữ nọ thở dài một tiếng và đột nhiên vén tay áo lên để lộ cánh tay trái nõn nà.Chàng vội cúi đầu xuống không dám nhìn.

Thiếu nữ lại lên tiếng:

-Trương tiên sinh có nhận ra thứ ám khí này không?

Thúy Sơn thấy nàng nói đến ám khí mới ngửng đầu lên xem,thấy trên cánh tay trái của nàng có ba mũi phi tiêu nhỏ bằng gang đen cắm sâu vào da thịt trắng như tuyết của nàng. Những phi tiêu đó đen như mực,hình mai hoa. Phi tiêu dài độ tấc rưỡi mà đã cắm sâu vào thịt nàng đến một tấc.

Thúy Sơn thấy vậy kinh hãi vô cùng,vội đứng dậy la lớn:

-Ðây là Mai hoa tiêu của phái Thiếu Lâm, tại sao lại đen đến thế?
Thiếu nữ đáp:

-Phải, đây là mai hoa tiêu của phái Thiếu Lâm có chất độc rất mạnh.

Dưới ánh sáng ngọn nến,ba mũi phi tiêu đen cắm trên da nõn nà trông càng diễm lệ và huyền bí.

Thúy Sơn lại hỏi:

-Thiếu Lâm là danh môn chánh phái, ám khí của họ quyết không bôi chất độc đâu,nhưng những Mai hoa tiên này chỉ có phái Thiếu Lâm mới biết xử dụng.
Thiếu nữ nọ lại nói:

-Việc này tôi cũng cảm thấy lạ lắm,cũng như tôn sư đã nói kẻ huỷ tứ chi của lệnh sư huynh cũng xử dụng Kim Cương chỉ,một môn thủ pháp tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm.

Thúy Sơn nghe nàng nói vậy lấy làm lạ và nghĩ thầm:

-Sư phụ ta nói trên núi Võ đang chỉ có anh em sư đệ ta ở thôi, sao nàng lại biết rõ?.

Chàng vội hỏi:

-Chẳng hay cô nương có gặp nhị sư ca và thất đệ của tôi không?

Thiếu nữ nọ lắc đầu đáp:

-Tôi chỉ gặp hai người ấy trên núi Võ Ðang một lần, từ đó đến nay chưa gặp lại lần nào nữa.

Thúy Sơn càng lấy ngạc nhiên liền hỏi tiếp:

-Cô nương đã đến núi Võ Ðang chúng tôi ? Tại sao tôi không hay biết? Ủa, cô nương bị phi tiêu ném trúng bao lâu rồi,mau nghĩ cách giải độc đi chứ?

Nói xong chàng lộ vẻ rất quan tâm, thiếu nữ nọ trong lòng cũng cảm động nên liền đáp:

-Tôi bị trúng phải phi tiêu này đã hơn hai mươi ngày rồi,nhưng chất độc trong phi tiêu này bị thuốc độc của tôi chặn lại,nhất thời không thể lan ra được.Nhưng tôi không dám rút ba mũi phi tiêu này ra,vì nếu rút nó chất độc sẽ theo máu chạy khắp người ngay.

Thúy Sơn cũng biết muốn giữ cho chất độc khỏi lan đi khắp nơi thì phải uống linh đơn và có một nội công tinh thâm.

Nhưng thiếu nữ này mới mười tám mười chín tuổi mà nội công cao thâm như thế,chàng cũng phải phục thầm.

Ðoạn lên tiếng nói:

-Trúng phải phi tiêu độc mà đã hơn hai mươi ngày không rút ra,chỉ sợ . . .chỉ sợ . . sau này có chữa ở ngoài da sẽ có vết thẹo lớn chăng?

Sự thật chàng muốn nói,vì chất độc đọng trong người quá lâu,cánh tay phải phế đi mới khỏi bị nguy hiểm. Chàng lại tiếp:

-Cánh tay nõn nà đẹp như ngọc này mà có ba vết thẹo.

Nghe chàng nói vậy,hai mắt thiếu nữ ướt lệ,nàng đáp:

-Tôi đã hết sức,mà tối hôm qua tôi cũng đã khám xét mười mấy tên sư kia mà không tìm thấy thuốc giải. . .Cánh tay này có lẽ phải phế đi thôi.

Nói xong nàng liền buông tay áo xuống.

Thúy Sơn lại nói:

-Hân cô nương,chẳng hay cô nương có tin tôi không? Nội công của tôi tuy còn non nớt, nhưng tôi tin có thể giúp cô nương đẩy những độc khí ở cánh tay ra ngoài.

Thiếu nữ nọ mỉm cười ,hai má lúm đồng tiền. Hình như nàng rất mừng rỡ nên vội vã trả lời ngay.
-Trương ngũ hiệp, sao ngũ hiệp đa nghi như thế? Trước hết tôi phải nói với ngũ hiệp câu này để khi ngũ hiệp giúp rồi khỏi phải ân hận.

Thúy Sơn nhanh nhẩu đáp:

-Trị bịnh của người, đó là nhiệm vụ của chúng tôi, sao lại ân hận chứ?

Thiếu nữ nọ tiếp:

-Hai mươi ngày mà tôi còn chịu đựng được thì chẳng cần phải vội vã trong lúc này.Tôi hãy nói cho ngũ hiệp rõ là sau khi tôi trao Dư tam hiệp cho Long Môn tiêu cuộc rồi,tôi vẫn theo sau tiêu đội. Quả thật dọc đường có mấy bóng người muốn hại Dư tam hiệp, nhưng đều bị tôi ngấm ngầm đánh đuổi đi cả. Thật tức cười,Ðại Cẩm như nằm trong giấc mơ, chẳng hay biết gì cả.

Thúy Sơn chắp tay thi lễ nói:

-Ðại ơn đại đức của cô nương, các đệ tử phái Võ Ðang chúng tôi cảm khái vô cùng.

Thiếu nữ nọ lạnh lùng đáp:

-Tôi không cần ngũ hiệp cám ơn tôi, lát nữa đây ngũ hiệp còn oán hận tôi nữa là khác.

Thúy Sơn ngẩn người, không hiểu nàng nọ có ý gì.

Thiếu nữ lại tiếp:

-Suốt dọc đường tôi thường thay hình đổi dạng,có lúc giả làm nông phu, có khi giả làm lái buôn cứ xa xa theo bọn tiêu cuộc,ngờ đâu lúc đến chân núi Võ Ðang thì xảy ra chuyện không may đó.

Thúy Sơn nghiến răng mím môi nói:

-Cô nương có trông thấy rõ mặt mấy tên ác tăng đấy không? Ðáng hận thay Ðỗ Ðại Cẩm là người rất ngu xuẩn, nên khi chúng tôi hỏi tới y cũng không sao nói rõ được lai lịch sáu tên giặc kia như thế nào.

Thiếu nữ nọ thở dài một tiếng rồi tiếp lời:

-Không những tôi thấy chúng mà còn đấu với chúng một trận, nhưng tôi cũng ngu xuẩn như Ðại Cẩm vậy, cũng không sao rõ lai lịch của chúng được.

Nói tới đây nàng cầm chén nước lên thấm giọng rồi nói tiếp:
-Sáu người đó trên núi Võ Ðang xuống nghênh đón, bọn Ðại Cẩm lại gọi chúng là Võ Ðang lục hiệp chúng không phủ nhận gì.Tôi ở xa thấy chúng tiếp nhận cái xe Tam hiệp nằm,tôi nghĩ công việc đã xong liền lẩn sang một bên để bọn Ðại Cẩm đi qua.

Nhưng tôi thoáng trông đã nhận ra có sự giả dối bên trong,liền nghĩ:
-Sư huynh đệ đồng môn của Võ Ðang thất hiệp tình như cốt nhục. Dư tam hiệp bị thương như vậy,lẽ ra sáu người cùng đổ xô lại xem vết thương của chàng mới phải, nhưng lúc ấy chỉ có một người tới xem qua một cái, còn những ngời kia không để ý gì đến cả. Trái lại chúng còn tỏ vẻ mừng là khác và còn lớn tiếng bảo nhau cho xe chạy nhanh. Hành vi và thái độ của chúng thật là trái nhân tính thế thái.

Thúy Sơn gật đầu đáp:

-Cô nương nói rất phải.

-Tiểu muội liền lên ngựa đuổi theo và quát hỏi tên họ chúng? Sáu tên đó cũng sành lắm,vừa thoáng trông đã biết tiểu muội là con gái rồi. Tiểu muội mắng sao chúng mạo nhận là môn đồ của Võ Ðang để cướp Dư tam hiệp, lập tâm bất lương như vậy làm gì. Thế rồi nói đi nói lại vài câu, tiểu muội liền xông lên đánh. Chỉ có một người gầy gò tuổi trạc hai mươi lên đấu với tiểu muội thôi. Một tên đạo sĩ đứng cạnh đó áp trận, còn bốn tên kia tiếp tục cho xe đi.

Không ngờ tên gầy gò đấu với tiểu muội võ công khá lắm. Ðấu đến ba mươi hiệp mà tiểu muội cảm thấy cánh tay tê tái. Thì ra tay trái đã trúng ba mũi phi tiêu độc. Tên gầy gò còn thốt những lời vô lễ với tiểu muội và còn định bắt sống nữa. Sau tiểu muội ban cho y ba mũi kim châm mới thoát thân được.

Nói tới đây hai má nàng đỏ hồng. Chắc tên đó thấy nàng đẹp và cô thân nên có ý định phi lễ chăng?
Thúy Sơn ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

-Dùng tay trái mà ném Mai Hoa tiêu khó hơn dùng tay phải nhiều? Sao môn hạ của phái Thiếu Lâm lại có đạo sĩ? Chẳng nhẽ y cải trang?

Thiếu nữ nọ mỉm cười đáp:

-Ðạo sĩ cải trang hoà thượng thì phải cạo trọc đầu mới được, trái lại hoà thượng giả dạng đạo sĩ thì dễ lắm, chỉ cần đội cái mũ lên đầu là xong.

Thúy Sơn mỉm cười, thiếu nữ nọ lại tiếp:

-Tôi biết có việc không lành, nhưng tôi không địch nổi tên gầy gò kia và đạo sĩ đứng áp trận hình như còn lợi hại hơn, vả lại bên chúng có tất cả sáu người thì làm sao tôi địch lại?

Thúy Sơn mở mồm định nói, nhưng lại thôi. Thiếu nữ lại nói:

-Tôi đoán tiên sinh muốn nói tại sao tôi không lên núi nói rõ với quí vị phải không? Nhưng tôi không thể lên núi Võ Ðang được, nếu tôi có thể ra mặt giúp quí vị thì hà tất tôi phải nhờ Ðại Cẩm họ Tống làm gì. Tôi đang bàng hoàng vô kế khả thi, buồn bực,nên đi trên đường một mình. Bỗng gặp tiên sinh nói chuyện với bọn Ðại Cẩm. Sau tiên sinh đi kiếm Dư tam hiệp tôi liền trà trộn vào đám đông người tiêu cuộc để lên núi Võ Ðang, trong lúc quí vị đang đau lòng kinh hãi nên không ai để ý đến tôi cả, chỉ tưởng tôi là người trong tiêu cuộc mà thôi. Còn bọn Ðại Cẩm cũng tưởng tôi là người Võ Ðang.

Thúy Sơn sực nghĩ ra một việc liền hỏi:

-Hôm đó cô nương giả dạng một phu xa đội cái nón thất thập phải không?

Thiếu nữ nọ vừa cười vừa đáp:

-Mắt của ngũ hiệp lợi hại thật, nếu hôm đó ngũ hiệp không bối rối việc Tam đại hiệp chắc đã phát giác ra tôi rồi. Nhưng sau tôi cũng bị Tống đại hiệp nhận ra.

Thúy Sơn ngạc nhiên hỏi tiếp:

-Ðại sư ca nhận ra cô nương sao không nói cho mọi người biết?

Thiếu nữ liền đáp:

-Tống đại ca là người rất trung hậu,nên không nói gì cả.

Thúy Sơn liền nói:

-Ðại sư ca tôi xa nay vẫn trung hậu như thế.

Thiếu nữ lại nói:

-Sau tôi theo bọn Ðại Cẩm xuống núi, thấy tiên sinh bắt chúng đưa ra hai ngàn lạng vàng ra để cứu tế nạn nhân. Hai nghìn lạng vàng đó là của tôi đấy.

Thúy Sơn vừa cười vừa đáp:

-Nếu vậy tôi thay mặt nạn nhân cám ơn cô nương.

Thiếu nữ lại tiếp:

-Nhưng, tiền vào tay bọn côn đồ, khi nào chúng chịu nói thực. Cũng may oai danh của ngũ hiệp quá lớn, nên y mới thú thực, giữ lại ba trăm lạng thôi. Khi về tới đây, tôi bảo người ta xem cái Mai Hoa tiên này thì có người nhận ra là ám khí độc của Thiếu Lâm. Nhưng phải có thuốc giải của người ném ám khí mới giải độc được. ở phủ Lâm An này chỉ có Long Môn tiêu cuộc là đệ tử của phái Thiếu Lâm nên tôi chờ đến đêm khuya mới tới Long Môn tiêu cuộc bắt chúng đưa thuốc giải, nào ngờ chúng không cho mà còn mai phục nhân mã để giết tôi.
Thúy Sơn ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi:

-Cô vừa bảo cô có ý sắp đặt để chúng nhận lầm tôi phải không?
Thiếu nữ tỏ vẻ bẽn lẽn và tươi cười đáp:

-Tôi thấy ngũ hiệp đi mua khăn áo, lúc ngũ hiệp mặc vào trông đẹp mắt lắm, thế rồi tôi cũng bắt chước thiếu hiệp mua một bộ để mặc.

Thúy Sơn nói:

-Thế thì đúng rồi nhưng tại sao cô nương ra tay giết mấy chục mạng người như vậy? Làm thế là quá ác độc vì người trong tiêu cuộc có thù oán gì với cô nương đâu?

Thiếu nữ sầm nét mặt lại và tiếp:

-Ngũ hiệp dạy tôi đấy à? Năm nay tôi đã mười chín tuổi đầu, chưa có ai dậy bảo tôi cả.Trương ngũ hiệp đại nhân nghĩ tôi là kẻ ác độc. Như vậy đâu có dám kết bạn với Ðại hiệp.
Thúy Sơn bị nàng nói như vậy mặt đỏ bừng đứng dậy định ra ngoài khoang nhưng sực nhớ mình đã nhận lời cứu nàng, nên liều mạng dừng bước nói:

-Cô làm ơn vén cánh tay áo lên.

Thiếu nữ cau mày nói:

-Ngũ hiệp thích mắng chửi người, tôi không cần ngũ hiệp chữa cho.
Thúy Sơn lại nói:

-Vết thương ở cánh tay cô nương đã trì hoãn lâu rồi, nếu không chữa chỉ sợ . . . .mất mạng cũng nên . . .

Thiếu nữ hậm hực đáp:

-Chết càng hay, dù sao cũng là ngũ hiệp hại tôi.

Thúy Sơn ngạc nhiên hỏi:

-Ủa,phi tiêu độc đó là do ác nhân của phái Thiếu Lâm ném, chớ tôi có liên can gì đâu?

Thiếu nữ tiếp:

-Nếu tôi không hộ tống Tam sư ca của ngũ hiệp ngàn dặm xa xôi lên núi Võ Ðang thì làm sao gặp sáu tên ác tăng đó được. Sáu người đó cướp sư ca của ngũ hiệp đi,nếu tôi khoanh tay đứng xem thì làm gì cánh tay của tôi trúng tiêu độc như vậy. Nếu ngũ hiệp đến sớm một bước giúp tôi đấu với kẻ thù thì tôi cũng không bị chúng ném phi tiêu như thế này.

Lời nói của nàng có vài câu không khỏi vô lý, còn những câu khác đều hợp lý cả. Thúy Sơn chắp tay vái chào và nói:

-Cô nương nói phải, thì bây giờ tại hạ giúp cô nương chữa vết thương đó gọi là báo đền đại đức của cô nương.

Thiếu nữ nghiêng đầu đáp:

-Ngũ hiệp đã nhận lầm rồi.

Thúy Sơn hỏi:

-Tôi nhận lầm cái gì?

Thiếu nữ đáp:

-Ngũ hiệp bảo tôi quá ác độc như vậy, ngũ hiệp đã lầm. Bọn hoà thượng Thiếu Lâm đó với tất cả người nhà cũng bọn Ðại Cẩm đều đáng ghét hết.

Thúy Sơn lắc đầu nói tiếp:

-Cánh tay của cô nương bị trúng độc nhưng còn có thể cứu chữa được,tam sư ca của tôi bị thương nặng nhưng chưa đến nỗi chết. Dù chữa không khỏi sư ca chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ kiếm tên đầu đảng mà thanh toán thôi, chớ một lúc giết mấy chục người như thế này thì với đạo lý không hợp chút nào.

Thiếu nữ trợn ngược lông mày đáp:

-Ngũ hiệp bảo tôi giết lầm người hay sao? Chẳng phải người dùng Mai Hoa trâm ném tôi không phải là người trong phải Thiếu Lâm sáng lập ra Long Môn tiêu cuộc hay sao?

Thúy Sơn vội trả lời:

-Môn đồ của phái Thiếu Lâm đâu đâu cũng có, có thể nói là hàng nghìn hàng vạn người, cô nương chỉ bị ném ba mũi phi tiêu chẳng nhẽ cô nương muốn giết hết các đệ tử của phái Thiếu Lâm hay sao?

Thiếu nữ nọ không cãi lại chàng, bỗng giơ tay phải lên đập mạnh vào tay trái, ba mũi Hoa tiêu cắm sâu vào thịt, vết thương càng nặng thêm.

Thúy Sơn không ngờ tính nết của thiếu nữ nọ lại quái dị như vậy chỉ vì một lời không phải mà ra tay tiêu huỷ thân thể.

Ðối với bản thân mà nàng còn làm như vậy thì nàng ra tay giết người không có gì lạ. Chàng định ra tay ngăn cản nhưng đã muộn rồi bèn vội nói:

-Cô . . . cô hà tất phải làm như vậy.

Lại thấy cánh tay của nàng rỉ ra những máu đen. Thúy Sơn biết vết thương đó quá nặng, nội lực của nàng không thể ngăn cản nổi chất độc đó chạy vào người,nếu không cứu gấp thì sẽ nguy đến tính mạng ngay. Chàng liền nắm luôn tay trái nàng và xé luôn tay áo ra, bỗng sau lưng có tiếng quát:

-Cuồng đồ không được vô lễ như thế.

Và nghe có tiếng vù vù, thì ra có người đang múa đao chém xuống sau lưng chàng.

Thúy Sơn biết đó là người lái đò,nhưng việc khẩn cấp không kịp giảng giải, chàng vội đưa chân trái đá một cái người lái đò bắn ra ngoài khoang.

Thiếu nữ vội nói:

-Tôi không cần ngũ hiệp cứu cho, tôi thích chết thì chết đấy.

Nói xong nàng giơ tay đánh chàng một bạt tay kêu bốp. Nàng ra tay nhanh vô cùng, thủ pháp lại quái dị khiến Thúy Sơn không sao tránh kịp, chàng ngẩn người và buông ngay tay nàng ra. Thiếu nữ sầm nét mặt lại nói:

-Ngũ hiệp lên bờ đi,tôi không muốn thấy mặt ngũ hiệp nữa.

-Ðời tôi chưa hề thấy cô nương nào ương ngạnh và vô lễ như vậy?
Chàng vừa bước đến đầu thuyền thì nghe thiếu nữ cười nhạt nói:

-Chưa thấy phải không? Ngày hôm nay thấy cũng chưa muộn?

Thúy Sơn cầm tấm ván định vứt xuống sông để nhảy lên bờ,nhưng sực nghĩ:

-Ta bỏ đi thì thế nào nàng cũng toi mạng.

Ðoạn chàng cố nén tức giận trở vào khoang thuyền và nói:

-Cô nương đánh tôi một chưởng tôi cũng không đếm xỉa tới làm gì. Thôi vén tay áo lên, cần nhất là cứu tính mạng cô trước.

Thiếu nữ nọ hờn giận đáp:

- Tôi sống hay chết có liên quan gì đến ngũ hiệp đâu?

Thúy Sơn lại nói:

-Cô nương không quản ngàn dặm xa xôi tống tiễn Tam ca tôi nên dù sao tôi cũng phải đền ơn đó.

Thiếu nữ nọ cười nhạt đáp:

-Ðược lắm, thì ra ngũ hiệp đến đây để trả nợ cho tam ca đấy à? Nếu tôi không hộ tống Tam ca của Ngũ hiệp thì dù tôi có bị thương nặng chút nữa chắc ngũ hiệp thấ tôi chết cũng không cứu phải không?

Thúy Sơn ngẩn người ra, trả lời:

-Cô nương nói thế cũng chưa đúng.

Thiếu nữ bỗng hắt hơi mấy cái, người hơi run run, hiển nhiên là chất độc đang chạy vào trong cơ thể.

Thấy vậy Thúy Sơn vội nói:

-Mau vén tay áo lên,cô nương chớ đem tánh mạng ra làm trò đùa như thế.
Thiếu nữ nghiến răng mím môi đáp:

-Ngũ hiệp chớ có hiểu lầm, tôi không thích ngũ hiệp cứu chữa cho đâu.

Sắc mặt của nàng lúc này trở nên xanh xao, thấy càng tội nghiệp thêm.

Thúy Sơn thở dài nói:
-Thôi được, coi như tôi đã nói lầm. Việc cô nương giết người như vậy là hợp lý.

Thiếu nữ lại đáp:

-Không được, lầm tức là lầm, tại sao lại coi như với không coi như? Tại sao ngũ hiệp thở dài một tiếng rồi mới nhận lời,hiển nhiên ngũ hiệp không thành tâm tán thành gì cả.

Thúy Sơn thấy việc cứu mạng vẫn hơn hết nên không muốn cái nhau với nàng nữa, liền lên tiếng nói:

-Hoàng thiên ở trên, thần sông ở dưới, tôi Trương Thúy Sơn đấy thành tâm thành ý xin nhận lỗi với Hân . .

Nói đến đây chàng ngừng lại, thiếu nữ tiếp:

-Hân Tố Tố.

Thúy Sơn tiếp lời:

-Phải, xin nhận lỗi với Hân Tố Tố cô nương.

Hân Tố Tố thấy chàng thề như vậy trong lòng cả mừng liền tủm tỉm cười, bỗng hai chân nàng mềm nhũn ngã ngồi phịch xuống ghế.

Thúy Sơn vội móc túi lấy ra một viên Bách Thảo hộ tâm đơn cho nàng uống.

Chàng vén cánh tay áo nàng lên thấy nửa cánh tay đã biến thành màu tím đen, hơi đen bốc lên rất nhanh,

Thúy Sơn dùng tay trái nắm lấy cánh tay của nàng và hỏi:
-Cô cảm thấy thế nào?

Tố Tố đáp:

-Ngực tôi cảm thấy buồn bực khó chịu. Ai bảo ngũ hiệp không nhận lỗi sớm hơn tí nữa, nếu tôi có chết cũng tại ngũ hiệp đấy nhé.

Trước tình cảnh này Thúy Sơn chỉ biết nhẹ lời đáp:

-Không sao đâu,cô cứ yên lòng, buông thỏng chân và tay, cũng đừng dùng hơi sức, cứ coi như đang ngủ vậy.

Tố Tố lườm chàng một cái nói:

-Thì cứ coi như tôi chết vậy.

Thúy Sơn nghĩ thầm:

-Tới lúc này mà cô bé vẫn còn điêu ngoa bướng bỉnh, sau này ai làm chồng nàng thì suốt đời khổ sở.

Nghĩ tới đây tim chàng bỗng đập mạnh,hai má nóng bừng, chàng sợ Tố Tố biết ý nghĩ mình nên mới ngước mặt lên nhìn mặt nàng.Thấy hai má nàng cũng đỏ bừng tỏ vẻ bẽn lẽn, chàng không biết nàng đang nghĩ gì.

Không hẹn mà nên, bốn mắt vừa chạm nhau họ đều quay đi liền.Tố Tố bỗng khẽ nói:

-Trương ngũ ca, em còn nhỏ tuổi không biết ăn nói, Ngũ ca đừng có trách nhé.

Thúy Sơn thấy nàng vẫn còn gọi mình là ngũ đại hiệp, bây giờ là ngũ ca, tim chàng lại càng đập mạnh thêm, nên vội hít hơi thật mạnh, cố ý làm tâm thần được trấn tĩnh, một luồng hơi nóng từ đan điền bốc lên lan ra hai cánh tay.

Tố Tố thấy trong mình cảm động vô cùng. Thấy chàng chăm chú chữa bịnh cho mình,nên nàng chỉ nhắm mắt không nói nửa lời, để khỏi phân tán tâm thần chàng.

Bỗng nghe kêu 'bốp' một tiếng thì ra một mũi Mai Hoa tiêu ở cánh tay của nàng đã được nhổ ra tiếp theo một tia máu đen ở vết thương cũng vọt theo.

Máu đen ấy dần biến thành máu đỏ. Mũi tiêu thứ hai lại đẩy ra.
Lúc ấy bỗng trên bờ sông có tiếng hỏi:

-Hân cô nương có ở dưới đò không? Chu tước Ðàn chủ muốn gặp cô đấy.

Thúy Sơn nghe, trong lòng hơi ngạc nhiên, nhưng vì đang bận vận sức chữa bệnh cho Tố Tố nên không để ý đến.

Một lát sau người nọ lại gọi lần nữa. Sau đó chàng mới nghe người lái đò lên tiếng trả lời:

-Có cường đồ ở đây định hại Hân cô nương.Thường đàn chủ mau tới đi.

Người đứng thuyền bên kia lớn tiếng quát tháo:

-Cuồng đồ không được vô lễ, nếu mi đụng tới một sợi tóc của Hân cô nương, mi sẽ chết vì hàng vạn lát dao.

Tiếng người nọ kêu như chuông, trên sông quát tháo lại càng oai dũng.
Hân Tố Tố mở mắt ra nhìn Thúy Sơn mỉm cười,như tỏ vẻ xin lỗi sự hiểu lầm đó.

Mũi phi tiêu thứ ba vì bị Tố Tố đập mạnh quá nên cắm vào da thịt rất sâu. Thúy Sơn đã vận sức ba lần mà không đẩy được phi tiêu ra, chàng lại nghe tiếng chèo rất gấp và thuyền nọ như bay tới gần.

Thúy Sơn chỉ thấy thân thuyền rung động, biết là có người nhảy sang rồi, nhưng vì bận dùng sức, nên cũng không để ý.

Người nọ vừa nhảy sang liền chui ngay vào khoang,thấy hai tay Thúy Sơn đang nắm chặt tay Tố Tố, nhất thời người đó không nghĩ Thúy Sơn đang chữa bịnh cho Tố Tố.

Ðang giận dữ,người nọ vội múa chưởng từ sau lưng Thúy Sơn đánh tới, đồng thời quát:

-Ác tặc còn không chịu buông tay cô nương ra sao?

Thúy Sơn không còn tay đâu mà chống đỡ, chỉ nín hơi cố hết sức chịu đựng một chưởng của người nọ, chỉ nghe 'bùng' một tiếng, chưởng lực đó mạnh vô cùng đã đánh trúng ngay lưng Thúy Sơn.

Thúy Sơn đã hiểu thấu tinh yếu về môn nội công của Võ Ðang, nên toàn thân không cử động đẩy sức tấn sức, dồn chưởng rất mạnh của người nọ xuống gan bàn tay mình để đẩy phi tiêu thứ ba.

Chỉ nghe 'bốp' một tiếng, mũi phi tiêu ở cánh tay cũng được lấy ra để ở ván thuyền.

Người nọ vừa đánh xong chưởng thứ nhất liền đánh tiếp chưởng thứ hai nhưng y đã thoạt thấy sự thật liền thu chưởng lại và hỏi:

-Hân cô nương,cô cũng bị thương đấy chứ?

Nhưng y đã thấy vết thương ở tay Tố Tố phun ra máu độc.Người đó cũng là một tay lão luyền giang hồ,nên đã biết mình đánh nhầm người,đồng thời y lại suy tính:

-Chưởng lực của ta có thể đánh tan một tảng bia đá,như vậy nội tạng của chàng kia có lẽ bị thương nặng rồi, đến tính mạng của y cũng không bảo tồn được nốt.
Nghĩ đoạn y vội móc túi lấy thuốc cứu thương đưa cho Thúy Sơn uống nhưng Thúy Sơn lắc đầu.
Thúy Sơn thấy vết thương của Tố Tố đã có máu tươi liền buông ra, quay đầu lại vừa cười vừa nói với người nọ:

-Chưởng lực của bạn mạnh lắm.

Người nọ cả kinh nghĩ thầm:

-Bàn tay của ta đánh chết không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm tên tuổi, tại sao thiếu niên này không tránh né gì cả và chịu được một chưởng mà không việc gì cả?

Ðoạn y liền đáp:

-Bạn . . .bạn . . .

Y vừa nói vừa nhìn sắc mặt của Thúy Sơn lại còn đưa ngón tay bắt mạch Thúy Sơn thử xem.

Thúy Sơn nghĩ thầm:

-Ðã vậy ta đùa y một phen thử chơi.

Chàng liền vận nội công làm cho tim ngừng đập,người nọ bắt mạch đã huyệt càng kinh hãi hơn nữa.

Thúy Sơn vừa cười vừa nói:

-Hân cô nương vị này là bạn của cô nương phải không? Sao cô nương không giới thiệu cho chúng tôi quen nhau.

Chàng vừa nói vừa đưa cái khăn của Tố Tố để băng vết thương cho nàng.

Người nọ thấy Thúy Sơn nói và cử động như thường nhưng tim thì ngừng đập, y liền đưa tay để lên ngực chàng thử một lần nữa vẫn thấy tim ngừng đập như thường.Y kinh ngạc đến nỗi không rút tay lại được.

Tố Tố sầm nét mặt lại nói:

-Thường Ðàn chủ không được vô lễ như vậy. Mau chào Trương ngũ hiệp của phái Võ Ðang đi.
Người nọ rút tay lại,lùi về một bên và chắp tay vái chào:

-Thì ra Trương ngũ hiệp trong Võ Ðang thất hiệp! Thảo nào nội công thâm hậu như vậy.Tiểu nhân Thường Kim Bàng vừa rồi đã thất lễ, xin ngũ hiệp tha thứ.
Người nọ tuổi độ năm mươi mặt dài như mặt ngựa, hai bàn tay rất to tựa như hai cái nan quạt, những bắp thịt và tay nổi vồng lên, chứng tỏ y có ngoại môn công phu rất cao.

Nếu nội công mà Thúy Sơn luyện được không phải là khắc tinh của môn ngạch công của chàng nọ thì Thúy Sơn đã mất mạng vì chưởng rồi.

Thường Kim Bàng chào Thúy Sơn xong lại cung kính chào Tố Tố.

Thái độ của Tố Tố rất kiêu ngạo,nàng chỉ gật đầu một cái đáp lễ thôi.

Thúy Sơn ngạc nhiên vô cùng, vì chàng thấy người nọ võ công cao siêu như thế, tại sao Tố Tố đối với y lại có vẻ vô lễ như vậy.

Nhưng người nọ vẫn như thường và cung kính nói với Tố Tố:

-Quyền Võ Ðài, Bạch Ðàn chủ đã hẹn với phái Hải Sa, Bang Cự Kình và nhân vật của Thần Quyền Môn tỉnh Phúc Kiến sáng sớm ngày mai gặp nhau ở Vương Bàn Sơn đảo đại giang khẩu tìm đường để Dương đao lập oai. Nếu Hân cô nương thấy khó chịu để tiểu nhân hộ tống cô nương về Lâm An phủ trước còn việc trên Vương Bàn Sơn đảo chắc một mình Ðàn chủ cũng đủ đối phó.

Tố Tố dùng giọng mũi hừ một tiếng rồi đáp:

-Phái Hải Sa,Bang Cự Kình,Thần Quyền Môn,.. .Quá Tam Quyền, người chưởng môn của Thần Quyền Môn có tới không?

Kim Bàng liền đáp:

-Nghe nói chính y dẫn mười hai người đệ tử có tiếng của Thần Quyền Môn tới Vương Bàn Sơn phó hội.

Tố Tố cười nhạt:

-Tên tuổi của Thần Quyền Môn tuy lớn thật nhưng y không chịu nổi một cái đánh của Bạch đàn chủ. Còn có tay hảo thủ nào nữa không?

Thường Kim Bàng nghĩ ngợi giây lát rồi nói:

-Thưa cô nương,nghe nói có hai kiếm khách trẻ tuổi của phái Côn Luân cũng tới đây phó hội. Nghe nói họ muốn kiếm thức đồ . . .đồ . . .

Nói tới đây y liếc nhìn Thúy Sơn ,không dám nói tiếp. Tố Tố lạnh lùng đáp:

-Bọn chúng muốn xem Ðồ Long Ðao phải không? Chỉ sợ bọn chúng thấy lại nổi lòng . . .

Nghe ba chữ Ðồ Long Ðao, Thúy Sơn hơi rùng mình. Chàng lại nghe Tố Tố tiếp:

-Ừ, trong mấy năm nay trên võ lâm xuất hiện rất nhiều tài năng. Nhân vật của phái Côn Luân cũng lợi hại lắm, ta không thể coi thường được. Vết thương nhẹ ở cánh tay ta không sao cả, như vậy chúng ta ra tay giúp sức cho Bạch Ðàn chăng?

Tới đây nàng quay đầu lại nói với Thúy Sơn:

-Trương ngũ hiệp, chúng ta từ biệt nơi đây nhé? Ngũ hiệp đi chiếc thuyền của tôi trở về Lâm An, còn tôi sang chiếc thuyền của Bạch Ðàn chủ. Vụ này phái Võ Ðang không nên nhúng tay vào.
Thúy Sơn liền hỏi:

-Vết thương của Tam sư ca tôi hình như có liên quan đến Ðồ Long đao, chẳng hay nội tình ra sao,xin Hân cô nương cho biết rõ.

Tố Tố đáp:

-Việc này rất phức tạp, tôi cũng không được rõ lắm. Ngũ hiệp hãy về núi Võ đang chờ Tam sư ca của ngũ hiệp lành mạnh mà hỏi thì rõ hơn.

Thúy Sơn thấy nàng không chịu nói dầu hỏi thêm nữa cũng vô ích, liền nghĩ thầm:

-Người đả thương Tam ca với mục đích cướp Ðồ Long đao. Những bọn ác tặc hay tin con đao đó thế nào cũng tới tới ngay.

Ðoạn chàng liền lên tiếng:

-Ðạo sĩ ném ba mũi hoa tiêu này, theo ý cô nương liệu sẽ đến Vương Bàn Sơn không?

Tố Tố nhếch mép cươi không trả lời mà hỏi lại:

-Nếu ngũ hiệp muốn đi xem cuộc vui này thì chúng ta đi một thể?
Rồi nàng quay lại nói với Kim Bàng:

-Thương đàn chủ làm ơn dẫn đường đi trước.

Kim Bàng vâng lời ngay rồi cúi mình vái chào lui ra, thái độ đối với Tố Tố không khác gì người đầy tớ đối với chủ nhân vậy.

Tố Tố chỉ gật đầu thôi, chớ không nói gì cả.

Trọng võ công của Kim Bàng, Thúy Sơn đứng tiễn y ra khỏi khoang.

Tố Tố quát người lái đò:

-Lại đây.

Người lái đò sợ hãi đến mặt tái mét, tay chân run lẩy bẩy và đáp:
-Tiểu . . .Lỗi đó tiểu nhân quả thật vô tâm,mong cô nương tha chết cho.

Y thấy Tố Tố không nói gì cả, lại càng sợ hãi thêm, bèn đưa mắt nhìn Thúy Sơn tỏ vẻ cầu cứu, Thúy Sơn thấy vậy nghĩ thầm:

-Tên thuyền chài này hiểu lầm ta xâm phạm Tố Tố nên kêu gọi Thường Kim Bàng tới cứu, ấy là vì lòng trung thành, hà tất phải sợ hãi như vậy?
Nghĩ tới đó chàng lại nghe Tố Tố nói tiếp:

-Ngươi có mắt mà không có con ngươi, có tai mà cũng như điếc, vậy để tai mắt đó làm gì?

Tên lái đò tỏ vẻ mừng rỡ, vì biết Tố Tố nói như vậy là có ý tha chết cho mình. Y liền quì ngay xuống thưa:

-Ða tạ ân trên của cô nương.

Nói xong y rút một con dao găm ở đùi ra, nhanh tay đưa hai bên má một cái, liền cắt hai tai tức thì. Rồi y lộn ngược mũi dao lại định đâm vào mắt trái.

Thúy Sơn thấy vậy kinh sợ, vội giơ tay cướp lấy con dao đó và nói:
-Hân cô nương, tôi táo gan xin phép cô nương một phen.

Tố Tố đáp:

-Thôi được,ngũ hiệp muốn thế cũng được.

Nói xong nàng quay lại bảo người lái đò:

-Còn không mau cám ơn ngũ hiệp đi?

Tên lái đò được bảo tồn đôi mắt đã quên hết đau đớn ở tai, quay lại và vẫn quì trên ván thuyền, cúi đầu rạp xuống dưới ván mấy cái,vái lạy Thúy Sơn. Rồi vái lạy Tố Tố xong,mới rút ra phía sau. Chỉ thấy y hớn hở uống nước rồi kéo buồm quay lại mừng như mới được thoát chết.

Thúy Sơn liếc nhìn Tố Tố nghĩ thầm:

-Cô nương này mặt đẹp như hoa mà hành sự việc độc ác vô cùng! Thủ hạ của nàng sợ nàng như thế chắc lúc bình thường nàng phải hung ác lắm. Ta lăn lộn trên giang hồ đã gặp khá nhiều kẻ độc ác, nhưng chưa thấy ai lại độc ác như thế này.

Tố Tố thấy chàng liếc nhìn mình mà yên lặng không nói gì cả, kế nàng thấy vạt áo của chàng bị Kim Bàng đánh rách, liền lên tiếng nói:

-Ngũ hiệp hãy cởi áo dài ra để tôi vá cho?

Thúy Sơn đáp:

-Khỏi cần.

Tố Tố lại tiếp:

-Có phải ngũ hiệp cho rằng tôi khâu vá không được khéo chăng?

Thúy Sơn đáp:

-Không dám.

Chàng lẳng lặng không nói thêm tiếng nào nữa và nghĩ thầm:

-Ðêm hôm qua, nàng đã giết mấy chục nhân mạng của Long Môn tiêu cuộc, hung thủ đại gian đại ác như thế này đáng lẽ ta phải ra tay tru diệt mới phải, nhưng lúc này không những ta đi cùng thuyền với nàng mà còn chữa thương cho nàng nữa.Tuy ta làm thế là để đền ơn đức nàng hộ tống sư ca ta,nhưng dầu sao thiện ác vẫn không phân minh,việc trên Vương Bàn Sơn xong thì ta mau mau chia tay nàng ngay.

Thấy mặt của Thúy Sơn thay đổi luôn luôn,Tố Tố đã đoán ra chàng đang nghĩ ngợi gì,liền lạnh lùng nói:

-Không những Ðỗ Ðại Cẩm,Sử,Trúc hai tiêu đầu,không những cả nhà Long Môn tiêu cuộc và hai tên hoà thượng Thiếu Lâm, mà Tuệ Phong cũng do tôi giết cả.
Thúy Sơn liền nói:

-Tôi đã nghĩ là do cô nương cả, nhưng không nghĩ ra cô nương dùng thủ đoạn gì thôi?

Tố Tố đáp:

-Có gì lạ,tôi núp ở dưới nước,cạnh bờ hồ nghe các người nói chuyện, sau Tuệ Phong phát hiện tướng mạo của chúng ta khác nhau, y định lên tiếng nói thì tôi ném luôn một mũi trâm vào miệng y. Ngũ hiệp ở trên cây, tôi trong bụi cỏ làm sao mà tìm ra tung tích của tôi.

Thúy Sơn lại nói:

-Như vậy phái Thiếu Lâm đã nhận định là chính tôi hạ độc thủ. Hân cô nương thông minh thật và thủ đoạn cũng cao cường lắm.

Mấy lời nói đó của Thúy Sơn chứa đầy phẫn uất,Tố Tố giả vờ không hiểu từ từ đứng lên và nói:
-Không dám,Trương ngũ hiệp quá khen thôi.

Thúy Sơn không sao quên nén được tức giận, lớn tiếng quát tháo:

-Họ Trương với cô nương không thù không oán, tại sao cô nương lại hãm hại tôi như vậy?

Tố Tố mỉm cười nói:

-Tôi có muốn làm hại ngũ hiệp đâu. Chỉ vì Thiếu Lâm và Võ Ðang hai phái xưa nay vẫn được coi là hai đại tôn phái võ lâm, tôi muốn cho hai phái đấu với nhau coi ai thắng ai bại.

Thúy Sơn giật mình bao nhiêu tức giận đều tiêu tan hết, mà còn có vẻ hãi sợ, liền nghĩ thầm:

-Thì ra nàng lại còn gian mưu trọng đại,không những định hãm hại một mình ta mà thôi, nếu Võ Ðang chúng ta và Thiếu Lâm vì chuyện này mà sinh ra ẩu đả, thế nào hai bên cũng bị tổn thương rất lớn. Ðó sẽ là một nghiệp chướng rất lớn của thiên hạ võ lâm nữa.

Tố Tố cầm quạt phe phẩy, thái độ rất ung dung rồi nói:

-Trương ngũ hiệp làm ơn cho tôi mượn cái quạt của ngũ hiệp để thưởng thức những tranh vẽ trên đó?

Thúy Sơn chưa kịp trả lời, bỗng nghe trước thuyền Kim Bàng có tiếng quát:

-Có phải thuyền của bang Cự Kình không? Vị nào trên thuyền đó?

Bên phải trên mặt sông có người lớn tiếng đáp:

-Thiếu Bang chủ của Bang Cự Kình đi Vương Bàn Sơn phó hội.

Người trên thuyền của Kim Bàng lại lớn tiếng nói:

-Có Hân cô nương với Chu Tước Ðàn Thường chủ ở đây, quí thuyền lui về phía sau đi.

Người ở trên thuyền phía phải có vẻ hậm hực đáp:

-Nếu là Hân giáo chủ của Bạch Mi giáo giá lâm thì chúng tôi phải lui lại nhường bước ngay, nếu là người khác thì chúng tôi không bao giờ nhường bước.

Thúy Sơn nghe nói đến Bạch Mi Hân giáo chủ , sáu chữ,liền nghĩ thầm:
-Bạch Mi giáo chủ gì thế? Tại sao ta không nghe sư phụ nói tới? Cứ xem thanh thế của chúng đủ biết lực lượng chúng không phải tầm thuờng. Có lẽ giáo phái này nổi lên chưa được lâu lắm, mà gần đây sư phụ của ta ở trên núi Thanh Tu ít đi xuống miền Giang Nam nên không biết chăng?

Ðoạn chàng mở cửa nhìn ra bên ngoài, thấy chiếc thuyền ở phía bên phải đằng mũi có khắc hình một con cá kình lớn,với mấy chục con dao nhọn bóng nhoáng cắm ở mồm ca thay cho răng.
Chiếc thuyền đó buồm lớn thân lại nhẹ nên đi nhanh hơn thuyền của Kim Bàng nhiều.

Thì ra bang Cự Kình là một ban hải tặc ở miền duyên hải của ba tỉnh Tô Châu, Triết Giang và Phúc Kiến, chuyên giết người cướp của.

Thuyền của chúng chế tạo rất đặc biệt nên đi rất nhanh, ngay như những hải thuyền của quan quân cũng không đuổi kịp. Nên chúng cướp thương thuyền rất dễ dàng, hoành hành ở Ðông Hải mấy chục năm nay.

Thường Kim Bàng thân hành ra đứng trước mũi thuyền lớn tiếng nói:
-Mạnh thiếu Bang chủ, có Hân cô nương mà thiếu bang chủ không nể mặt chút nào sao?

Từ khoang thuyền Cự Kình, một thiếu niên áo vàng chui ra vừa cười vừa đáp:

-Trên lục địa thì Bạch Mi giáo của các ngươi xưng hùng xưng bá, nhưng trên mặt bể thì bang Cự Kình của chúng tôi có quyền hơn, tại sao chúng tôi phải nhường các người chớ?

Thúy Sơn nghĩ thầm:

-Mặt sông rộng lớn thế này, mấy chục thuyền đi cũng được hà tất phải bắt người ta nhường mình? Bạch Mi giáo này cũng hoành hành quá.

Lúc ấy thuyền của bang Cự Kình lại kéo thêm một chiếc buồm nữa, càng đi nhanh hơn trước.
Hai thuyền càng lúc càng cách xa, không sao đuổi kịp nữa.

Thường Kim Bàng hừ một tiếng rồi nói:

-Cự Kình Bang, Ðồ Long đao. . . cũng Ðồ Long đao!

Trên mặt sông vì gió to sóng cao, hai thuyền cách nhau lại xa, nên Thúy Sơn không nghe rõ Kim Bàng nói gì, còn Mạch Thiếu Bang chủ nghe Kim Bàng nói tới Ðồ Long đao liền bảo thuỷ thủ hãm tốc lực thuyền lại lái sát gần Kim Bàng rồi lớn tiếng hỏi:

-Thường Ðàn chủ vừa nói gì thế?

Thường Kim Bàng đáp:

-Mạch thiếu bang chủ, chúng tôi, Huyền Võ Ðàn Bạch đàn chủ . . . con đao Ðồ Long . . .

Thúy Sơn ngạc nhiên vô cùng, liền nghĩ:

-Tại sao lời nói của y lại đứt đoạn như vậy? Chàng thấy chiếc thuyền của Cự Kình Bang càng lại càng gần, bỗng nghe 'vù' một tiếng, thì ra Kim Bàng đã tung cái neo lớn sang thuyền Cự Kình. Ðồng thời hai tên thuỷ thủ trên chiếc thuyền trước kêu la thảm khốc và cái neo sắt lớn ấy đã móc luôn vào thân thuyền Cự Kình.

Mạch thiếu bang chủ quát:

-Ngươi làm gì thế?

Thường Kim Bàng đã nhanh tay vứt luôn cái neo lớn ở phái trái sang hai cái néo sắt đó, đánh chết ba tên thuỷ thủ thuyền Cự Kình.

Hai thuyền đi giáp vào nhau, Mạch Thiếu bang chủ chạy ra mũi thuyền nhổ hai cái neo của đối phương ném sang.

Thường Kim Bàng không thèm đếm xỉa đến việc đó, tay phải phẩy một cái tung trái dưa hấu xanh biếc sang thuyền bên cạnh chỉ nghe 'bùng' một tiếng thật lớn đã trúng ngay chính giữa cột buồm của thuyền Cự Kình.

Trái dưa hấu lớn ấy,mà Kim Bàng vẫn hay sử dụng chế tạo bằng gang,bên ngoài dùng sơn sơn như màu trái dưa hấu thiệt và rất nặng.

Y có một đôi, đằng đuôi có buộc một sợi dây xích, lúc sử dụng không khác gì một đôi Lưu tinh chuỳ.

Trái bên trái nặng chín mươi lăm cân, trái bên phải nặng một trăm linh năm cân. Nếu hai cánh tay không có sức mạnh ngàn cân thì không sao ném nổi.

Kim Bàng thấy trái dưa hấu bên tay phải đã ném gẫy cột buồm của kẻ địch, tiếp theo y ném luôn trái dưa hấu bên trái sang, cột buồm ngã gẫy gục luôn. Bọn hải tặc trên chiếc thuyền kinh hãi la om sòm.

Tiếp theo Kim Bàng lại ném hai trái dưa hấu sang cột buồm ở phía sau thuyền của địch. Cột buồm này bé hơn, nên chỉ đụng một cái đã gẫy liền.

Mạch thiếu bang chủ không phải tay tầm thường, bình thường y vẫn quen sử dụng một đôi Nga Mi trích, dài hơn thước rất tiện lợi khi tấn công kẻ địch ở dưới nước.

Lúc bấy giờ, hai chiếc thuyền cách nhau khá xa, mà Thiếu bang chủ thấy hai cột buồm của mình đã gẫy, nên không thể nào chạy nhanh hơn được, đành lớn tiếng chửi mắng mà thôi.

Kim Bàng cả giận đáp:

-Có Bạch Mi ở đây thì trên mặt nước này, không đến lượt Bang Cự Kình xưng hùng xưng bá đâu.
Nói xong y lại tung trái dưa hấu bằng gang ở tay phải ra, lần này y nhắm thân thuyền mà tấn công, chỉ nghe 'bùng' một tiếng , thân thuyền Cự Kình bị thủng một lỗ khá lớn,nước sông cuồn cuộn chảy vào, bọn thuỷ thủ càng lớn tiếng kêu la.

Mạch thiếu bang chủ rút cây Nga Mi trích ra, tung mình nhảy tới phía đầu thuyền của Kim Bàng, Kim Bàng chờ cho đối phương nhảy lên cao liền ném trái dưa hấu bên trái ra tấn công.
Thế công này rất ác độc, lúc trái dưa hấu phi tới thì Thiếu bang chủ đang ở trên không, y hãi sợ la lớn:

-Ối chà!

Vừa kêu y vừa giơ Nga Mi trích ra cản trái dưa hấu, định mượn sức nhảy về thuyền mình. Nếu là Thúy Sơn với khinh công cao siêu chỉ cần giở tuyệt kỹ Thế Vân Tung ra không những có thế tránh được trái dưa hấu ấy mà còn có thể thuận thế tấn công lại là khác, nhưng khinh công của Mạch thiếu bang chủ tuy không phải là kém lắm nhưng bì sao được đệ tử của phái Võ Ðang.


Nguồn: evietonline.com