PDA

View Full Version : Giấc mơ của một người tị nạn - Chu Sa Lan



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 [10] 11 12 13 14 15 16 17 18 19

tintin27
05-01-2009, 02:23 AM
Chương 10


00h00.
Bãi biển Thuận An đầy đặc người. ngồi hay đứng trong im lặng. Trên biển đen lặng sóng chợt xuất hiện vô số chiến hạm. Nhờ thủy triều lên cao nên các chiến hạm có thể vào sâu trong bờ. Pháo binh và thiết giáp xuống tàu trước trong lúc quân bộ nằm lại giữ an ninh bờ biển. Trong im lặng và trật tự các đơn vị của sư đoàn 1, biệt động quân, thủy quân lục chiến, thiết giáp và pháo binh lặng lẻ lên tàu. Khi mặt trời lên bãi biển vắng lặng trừ những dấu xe và dấu giày đinh còn in trên cát.
- Thưa trung tướng các liên đoàn 21, 22, 23, 25 biệt động quân đang trên đường về Phú Quốc...

Tướng Trưởng im lặng nghe Đào trình bày tin tức về các liên đoàn biệt động quân vừa triệt thoái khỏi cao nguyên. Đốt điếu thuốc ông ta lên tiếng:
- Còn số phận của sư đoàn 23?

Đào nhìn Vinh và thấy bạn cũng đang nhìn mình rồi Vinh tằng hắng tiếng nhỏ trả lời câu hỏi của cấp chỉ huy.
- Tôi cố gắng liên lạc với bộ tư lệnh quân khu 2 ở Nha Trang nhưng vì tình hình rối rắm cho nên họ bảo không có một ước tính chính xác nào về sự tổn thất của sư đoàn 23. Một vị sĩ quan cấp tá thuộc bộ tham mưu của tướng Phú nói với tôi là có thể quân số của sư đoàn 23 chỉ còn lại phân nửa hoặc có thể ít hơn...

Tướng Trưởng khẽ thở dài. Trầm ngâm giây lát ông ta nói bằng giọng gượng gạo.
- Thôi cũng được... Việc gì đến phải đến... Chúng ta đã làm hết sức của mình để cứu vãn quân khu 2. Ít ra các liên đoàn biệt động quân không bị tan hàng...
Hít hơi thuốc tướng Trưởng quay sang đại tá Hùng.
- Thưa tư lệnh... Tôi đã nói chuyện với thiếu tướng Hinh. Ông ta cho biết là mặc dù gặp khó khăn và bị tổn thất nhưng các đơn vị của sư đoàn 3 cũng đã rút về bờ biển để chờ tàu hải quân đón...

Vị tham mưu trưởng của quân khu 1 ngừng lại uống ngụm nước.
- Phần sư đoàn 2 của chuẩn tướng Nhựt từ Chu Lai đã rút về cù lao Ré, một vị trí quan trọng vì kiểm soát được thủy lộ từ Đà Nẳng vào Quy Nhơn hoặc Nha Trang... Riêng tướng Điềm phải gặp nhiều khó khăn nhất. Cộng quân đã cắt quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẳng thành từng nút chặn cho nên ông ta không thể rút về Đà Nẳng bằng đường bộ. Phi cơ thời có lại không có bãi đáp thành ra chỉ còn có hải quân. Thiếu tá Đào đã làm việc 24/24 mới có đủ tàu hải quân...

Hùng quay nhìn người sĩ quan hải quân đang ngồi lim dim trên ghế.
- Thưa trung tướng... Tư lệnh của tôi đã có mặt trên HQ 11 để trực tiếp chỉ huy cuộc di tản. Tôi chỉ làm nhiệm vụ liên lạc mà thôi...
Dù lim dim mắt như ngủ nhưng Đào cũng nghe được câu nói của đại tá Hùng. Tướng
Trưởng hơi mỉm cười rồi ra dấu cho vị tham mưu trưởng của mình nói tiếp.
- Cuộc triệt thoái trong vòng bí mật của quân khu 1 sẽ kéo dài bảy ngày. Sau đó tin triệt thoái sẽ được chính thức thông báo cho dân chúng...

Ngừng lại đốt điếu thuốc hít hơi dài đại tá Hùng cất giọng trầm khàn và buồn.
- Đây chính là lúc hổn loạn mới thực sự bắt đầu. Lính với dân sẽ chạy... Người sẽ chết nhiều lắm...

Liếc nhanh tướng Trưởng Đào thấy ông ta cúi đầu nhìn xuống như không để cho ai thấy mình ứa nước mắt. Giọng nói của Hùng vang lên chầm chậm.
- Toàn gia đình tôi đều ở lại Huế. Ba tôi không muốn di tản. Ông nói ông sẽ ở lại để chấp nhận số phận của mình. Ông muốn được chết nơi chính ông sinh ra và lớn lên...
Không khí trong phòng hành quân dường như đặc lại khiến cho người ta cảm thấy khó thở.
- Các sư đoàn 1, 2 và 3; mỗi sư đoàn sẽ bị thiệt hại chừng một trung đoàn. Ngay cả biệt động quân và thủy quân lục chiến cũng vậy...

Tướng Trưởng hắng giọng.
- Hùng làm như thế là giỏi quá rồi. Triệt thoái được một quân đoàn dưới áp lực nặng nề của địch và chỉ trong thời gian mười ngày thời không ai làm hơn được. Ta phải chấp nhận sự thiệt hại để địch không nghi ngờ về kế hoạch Giải Phóng Miền Bắc của ta...

Tin nổ ra lớn hơn sấm. Tin lan ra nhanh hơn điện. Huế sẽ bị bỏ. Triệt thoái. Di tản chiến thuật. Đó là những danh từ mà quân và dân vùng hỏa tuyến được nghe từ một người đáng tin cậy nhất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân khu 1 và vùng 1 chiến thuật. Dân chúng cố đô xôn xao. Binh sĩ ngơ ngác. Tướng tá băn khoăn và thắc mắc. Tại sao lại bỏ Quảng Trị và Thừa Thiên cho cộng quân? Chính tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh phó vùng 1 đã phát biểu là xã ấp tốt quá mà tại sao Sài Gòn lại ra lệnh bỏ. Dù thế nào đi chăng nữa thời mọi người cũng chuẩn bị di tản. Cùng lúc đó các đơn vị chủ lực của cộng sản Bắc Việt cũng chuẩn bị để tấn công quân lực Việt Nam Cộng Hoà còn đồn trú ở vùng 1 khi cuộc triệt thoái bắt đầu.

Huế bị bỏ thời Đà Nẳng cũng chịu chung số phận. Cũng giống như quân khu 2, các tỉnh của miền trung rơi vào tay cộng sản. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đại đơn vị từng hiên ngang chống trả những cuộc tấn công khốc liệt của Bắc Việt bỗng tan rã nhanh chóng. Từ Ban Mê Thuột cộng quân tràn xuống Tuyên Đức, Đà Lạt, Lâm Đồng rồi Xuân Lộc. Từ Ban Mê Thuột bắc quân chiếm Ninh Hoà, Khánh Hòa, Ninh Thuận rồi Bình Thuận. Dù can trường, dù tinh thần chiến đấu vẫn còn nhưng không hiểu tại sao, do ở động lực nào mà các đơn vị như nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến và các sư đoàn bộ binh rã ra như giấy mỏng bị thấm nước. Địch tiến tới đâu họ lùi tới đó. Cuối cùng họ lùi tới độ không lùi được nữa vì sau lưng họ là Sài Gòn. Biểu tượng của tự do, của niềm kiêu hãnh cuối cùng của toàn thể quân dân Việt Nam Cộng Hoà. Sống hay chết. Chiến thắng hay thất bại chỉ còn là thời gian. Thứ thời gian nghiệt ngã không được tính bằng năm, tháng, tuần lễ mà được đếm từng giờ.

Mấy ngày nay, bắt đầu từ ngày 26- 4- 1975 không biết do lệnh của ai mà hàng chục chiếc GMC đậu dọc theo xa lộ Biên Hoà khoảng từ Long Bình về tới cầu xa lộ. Trên một chiếc quân xa không có mui là năm bảy người lính đang chúi đầu vào máy truyền tin. Đầu đoàn công voa là một chiếc xe jeep có bốn người ngồi. Họ đều là sĩ quan mang cấp bậc thấp nhất là trung tá. Họ mặc quân phục bộ binh, thủy quân lục chiến, nhảy dù và biệt động quân. Khi thấy những người lính bị thất lạc đơn vị họ hỏi thăm, an ủi mấy lời rồi bảo lên xe ngồi. Trông thấy một toán lính Biệt Động Quân chừng mấy chục người không có cấp chỉ huy vị trung tá biệt động quân lớn tiếng hỏi.
- Mấy em ở tiểu đoàn nào?
- Thưa trung tá tiểu đoàn 33...
- Ai là người có cấp bậc cao nhất của mấy em?
- Thưa trung tá em là trung sĩ nhất Lân, trung đội phó trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 33
- Em dìu dắt anh em về được tới đây là giỏi lắm. Bây giờ em đưa anh em lên xe ngồi chờ rồi sẽ có người lãnh em về chỗ tạm trú...

Lính thủy quân lục chiến thời có sĩ quan cùng binh chủng đón tiếp. Cứ như thế tới chiều lính ngồi đầy trên xe. Đoàn công voa trở đầu chạy về hướng nam xuyên qua thành phố rồi chạy xuống căn cứ Hải Quân Nhà Bè. Tại đây những người lính sẽ gặp lại cấp chỉ huy của mình. Đơn vị nào không có cấp chỉ huy cũ thời sẽ có cấp chỉ huy mới. Sau khi được phát đầy đủ súng đạn và lương khô họ được tàu của hải quân đón ra biển.

18h00.
30- 4- 1975.
HQ 10 đang hải hành nơi vùng biển Qui Nhơn. Trên bong tàu có nhiều người ngồi đứng. Phòng chỉ huy cũng vậy. Dưới hầm tàu đầy đặc người ngồi. Quanh chiếc bàn dài có bảy người ngồi im lặng. Người nào cũng đều có thái độ buồn rầu và u uất.
- Thôi thế cũng xong... Quân lực của chúng ta đã tan rã... Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đã bị xóa tên... Bây giờ tới phiên của chúng ta phải làm để giải phóng đất nước ra khỏi tay cộng sản...

Người vừa nói chính là tướng Trưởng. Ngồi đối diện với ông ta là tướng Minh, tư lệnh không quân. Ngồi đầu bàn là phó đô đốc Cang. Đó là ba vị tư lệnh của ba quân chủng hải lục và không quân. Riêng các vị tư lệnh của nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp và pháo binh đi theo với lính của họ.

Hướng về người sĩ quan phụ tá của mình vị tư lệnh quân khu 1 lên tiếng.
- Vinh hãy báo cáo tình hình lần cuối cho mọi người biết...
- Thưa tư lệnh... Thưa trung tướng và phó đô đốc... Đây là báo cáo mới nhất mà tôi nhận được từ tư lệnh của các binh chủng như biệt động quân, thủy quân lục chiến, pháo binh, thiết giáp và tư lệnh các sư đoàn bộ chiến. Theo như báo cáo của tướng Giai thời 45 tiểu đoàn của ông ta chỉ còn được 32 tiểu đoàn. Mười ba tiểu đoàn kia đã bị tan hàng hoặc thiệt hại nhiều quá nên phải giải tán để bổ xung vào các tiểu đoàn khác. Ông Giai cũng cho biết là để tiện việc chỉ huy và điều động nên lực lượng của biệt động quân sẽ thu lại thành bốn liên đoàn là 1, 2, 3 và 4. Mỗi liên đoàn có bốn tiểu đoàn thành ra mười sáu tiểu đoàn. Tính ra biệt động quân là đơn vị có quân số đông nhất, gần mười hai ngàn binh sĩ. Phần thủy quân lục chiến thời có bốn tiểu đoàn bị thiệt hại mà quân số còn lại khoảng hai trăm. Sư đoàn 22, 1, 2 và 3 thời mỗi sư đoàn cũng bị mất ít nhất một trung đoàn...

Vinh ngừng lại khi thấy tướng Trưởng lắc đầu.
- Để bù vào sự hao hụt quân số này ta được quân khu 4 cung cấp một sư đoàn tân lập mà tướng Nam đặt tên là sư đoàn Giải Phóng Hà Nội. Đại đơn vị này gồm có ba trung đoàn được rút từ những đơn vị thiện chiến của các sư đoàn 7, 9 và 21. Ngoài ra ta còn thu nhặt được một ít đơn vị của sư đoàn 5, 18, 23 và 25. Các đơn vị này được tập họp thành một sư đoàn mang tên Sài Gòn. Phần liên đoàn 81 biệt kích dù cũng bị hao hụt quân số chút ít và nằm dưới quyền điều động của sư đoàn 22. Gom lại tất cả các đơn vị ta có khoảng bốn mươi lăm ngàn binh sĩ được vũ trang đầy đủ. Riêng về thiết giáp thời ta có ba mươi chiến xa M48 và hai mươi lăm M41. Pháo binh ta có năm pháo đội 155 ly và bốn pháo đội 105 chưa kể các pháo đội của thủy quân lục chiến và dù...

Ba vị tư lệnh gật gù tỏ vẻ hài lòng khi nghe báo cáo của Vinh. Thật ra họ không hài lòng cũng không được vì không ai có thể làm hơn được trong tình thế cực kỳ rối loạn và nghiệt ngã của đất nước.
- Với bao nhiêu quân đó anh nghĩ mình có thể giải phóng được miền bắc không?

Tướng Trưởng trầm ngâm trước câu hỏi của tướng Minh. Lát sau ông ta mới thong thả trả lời.
- Tôi nghĩ mình có thể làm được. Quân số nhiều hay ít không phải là yếu tố tất thắng trong chiến tranh. Cách đây gần hai trăm năm vua Quang Trung có quân số bằng phân nửa nhưng với lối hành binh thần tốc, lối tấn công sấm sét, vị thiên tài quân sự này đã đánh tan tành hai trăm ngàn quân Mãn Thanh trong thời gian năm ngày. Muốn đạt được chiến thắng trong cuộc hành quân Sinh Nam Tử Bắc này ta phải triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ giáng những đòn sấm sét vào các đơn vị của địch. Biệt động quân, thủy quân lục chiến, nhảy dù hay bất cứ đơn vị bộ binh nào cũng phải chấp nhận chết để thanh toán chiến trường càng nhanh càng tốt. Chúng ta có năm ngày để cô lập Hà Nội, bắt sống hay giết chết đám lãnh tụ cộng sản đồng thời cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lên kỳ đài của Hà Nội. Khi ta làm được chuyện đó thời các sư đoàn của địch ở miền bắc sẽ tan rã kéo theo sự đầu hàng của các sư đoàn ở miền nam...

Bước tới tấm bản đồ treo trên tường tướng Trưởng hỏi phó đô đốc Cang.
- Mình đang ở đâu vậy anh Cang?
- Mình đang ở Qui Nhơn...
- Chừng nào mình mới tới Hải Phòng?
- Từ Qui Nhơn tới Hải Phòng khoảng 800 cây số tức vào khoảng hơn 400 hải lý. Vận tốc trung bình của tàu khoảng 15 hải lý một giờ. Như vậy phải mất hơn một ngày chúng ta mới tới Hải Phòng. Bây giờ là 9 giờ đêm ngày 30 tháng 4. Như vậy mình sẽ tới Hải Phòng vào khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng ngày 2 tháng 5...

Quay sang Đào đang ngồi cạnh Vinh tướng Trưởng hỏi.
- Em biết các chiến hạm chở sư đoàn 22 hiện đang ở đâu?
- Thưa trung tướng... Hai chiếc HQ 500 và 501 đang ở trong vùng biển thuộc tỉnh
Quảng Trị. Họ đi trước ta gần một ngày... Hai chiếc này còn được hộ tống bởi hai tuần duyên hạm...

Chỉ vào thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An tướng Trưởng nói.
- Sư đoàn 22 sẽ đổ bộ lên Vinh vào sáng sớm ngày 2 tháng 5 để chiếm đóng phi trường cho các phi cơ của ta đáp xuống lấy nhiên liệu. Ngoài ra đơn vị này còn đóng chốt tử thủ không cho các sư đoàn ở miền nam về giải vây Hà Nội... Mình đủ phi cơ chở lính dù hả anh Minh?

Trung tướng Minh cười nhẹ.
- Mình có thừa phi cơ chở nguyên sư đoàn dù. Ngoài ra tôi còn ra lệnh cho các phi đoàn phản lực và khu trục sẽ hộ tống các C47 và C130 ra tận Hà Nội. Họ cũng sẽ tham chiến như lính bộ binh vậy... Chuyến này mình chơi xả láng tụi nó mà anh...
Mọi người đều bật cười vì câu nói đùa của vị tư lệnh không quân.
- Ngoài yếu tố bất ngờ ta còn cần phải điều binh làm sao cho mỗi đơn vị đúng vào vị thế và ngày giờ. Ta phải đặt lính vào cái thế đánh là phải thắng bởi vì không thắng là chết. Thí dụ ngay lúc biệt kích dù nhảy xuống Hà Nội thời đó cũng là lúc dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn Giải Phóng Hà Nội cũng đồng lúc mở cuộc tấn công...

Dù cho cuộc chiến chưa xảy ra nhưng Đào cảm thấy lòng mình xôn xao khi nghĩ tới cảnh hàng ngàn hoa dù nở trên nền trời Hà Nội cùng với hàng trăm chiến xa cắm ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chạy trên đường phố đầy người đứng xem. Tiếng đạn bom bị át bởi tiếng reo hò của người dân Hà Nội khi thấy lính miền nam ra giải phóng họ khỏi gông cùm cộng sản.
- Tư lệnh có lên bờ không?

Đào hỏi phó đô đốc Cang.
- Không... Tôi không theo ông Trưởng mà tôi sẽ đích thân chỉ huy tàu của mình ngược dòng sông Hồng lên Hà Nội... Ba mặt trận sẽ được mở ra cùng một lúc. Không chiến trên trời, bộ chiến trên đường phố Hà Nội và thủy chiến trên sông Hồng...

Vinh hít hà.
- Tôi ước ao được đi với đô đốc để làm lại lịch sử. Chín trăm mấy chục năm trước vị danh tướng Ngô Quyền đã mở cuộc thủy chiến lừng danh kim cổ thời hôm nay chúng ta cũng noi gương tiền nhân mở cuộc thủy chiến trên sông Hồng để giải phóng dân chúng miền bắc ra khỏi gông cùm cộng sản...

Hiền, sĩ quan phụ tá của tướng Minh phụ họa.
- Vậy ba đứa mình hoán đổi đi. Tôi theo bộ binh, Đào theo không quân còn Vinh theo hải quân...

Nghe ba người sĩ quan đùa tướng Minh cười thốt.
- Thôi đi... Ba em ai lo nhiệm vụ người đó... Không quân, hải quân hay bộ binh thời cũng đánh giặc mà...

Giọng nói của tướng Trưởng vang lên khiến cho mọi người im lặng.
- Giờ này đám lãnh tụ Hà Nội đang nhậu nhẹt ăn mừng chiến thắng. Tiếc thay tình thế không cho phép ta tấn công ngay đêm nay... Thôi chúng ta giải tán để chờ đợi ngày đặt chân lên miền bắc...