PDA

View Full Version : Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 [23] 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55

VietLang
05-12-2007, 11:01 PM
Nhà Hậu Trần (1407 - 1413)


1. Nhà Minh chiếm giữ đất An Nam
2. Giản Định Đế
3. Trận Bồ Cô
4. Trần Quý Khoách
5. Trương Phụ trở sang An Nam
6. Hóa Châu thất thủ


1. Nhà Minh Chiếm Giữ Đất An Nam.

Nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh sang lấy nước Nam. Lại nhân vì người An Nam ta hay có tính ỷ lại, có việc gì thì chỉ muốn nhờ người, chứ tự mình không biết kiên nhẫn, không có cố gắng mà làm lấy. Một ngày gì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy.

Dẫu người Tàu có lòng vị nghĩa mà sang giúp mình nữa thì nghĩ cũng chẳng vẻ vang gì cái việc đi nhờ người ta, huống chi kỳ thực thì lúc nào chúng cũng chực đánh lừa mình, như đánh lừa trẻ con, để bóp cổ mình, thế mà người mình vẫn không biết cái dại, là tại làm sao?

Tại là cái nghĩa dân với nước ta không có mấy người hiểu rõ. Nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai lấy mất thì đi tìm cách lấy lại, lấy không được thì lại đi nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà, thế cho nên mình cứ dại mãi, mà vẫn không biết là dại.

Xem như lúc còn nhà Trần, nhà Minh đã có ý lấy đất An Nam, sau nhà Trần mất rồi lại dùng lời nói khéo, và lấy tiếng điếu phạt đem binh sang đánh họ Hồ. Đến khi bắt được cha con Hồ Quý Ly rồi, lại bày kế để chiếm giữ đất An Nam: giả treo bảng gọi con cháu họ Trần, rồi bắt quan lại và kỳ lão làm tờ khai rằng: Họ Trần không còn ai nữa và đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ.

Nhà Minh lấy cái cớ giả dối ấy để chiếm giữ lấy nước Nam, rồi chia đất ra làm 17 phủ là: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn, Tân An, Kiến Xương, Phong Hóa, Kiến Bình, Trấn Man, Tam Giang, Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, Thăng Hoa, và 5 châu là: Quảng Oai, Tuyên Hóa, Qui Hóa, Gia Bình, Diễm Châu.

Còn những nơi yếu hại thì đặt ra 12 vệ để phòng giữ. Lại đặt ra 3 ty là: Bố Chính Ty, Án Sát Ty, Chưởng Đô Ty, và cả thảy ở trong nước lập ra 472 nha môn để cai trị, sai quan thượng thư là Hoàng Phúc coi cả Bố Chính và Án Sát Ty; Lữ Nghị chi Chưởng Đô Ty Hoàng Trung làm phó.

Vua quan nhà Hồ thì đều phải đem cả về Kim Lăng. Quý Ly về bên Tàu phải giam, rồi sau đày ra làm lính ở Quảng Tây, còn con cháu và các tướng sĩ thì được tha cả không phải tội.

Vua nhà Minh lại truyền cho Trương Phụ tìm kiếm những người ẩn dật ở sơn lâm, những kẻ có tài có đức, hay văn học rộng, quen việc, hiểu toán pháp, nói năng hoạt bát cùng những người hiếu đễ, những người lực điền mà mặt mũi khôi ngô, hoặc có gân sức khoẻ mạnh, những người thầy đồ, thầy bói, thầy thuốc, v.v.... để đưa sang Kim Lăng, ban thưởng cho phẩm hàm, rồi cho về làm quan phủ, quan châu, hay là quan huyện. Bấy giờ những đồ bôn cạnh tranh nhau mà ra, duy chỉ có vài người như ông Bùi Ứng Đẩu, ông Lý Tử Cấu biết liêm sĩ, không chịu ra làm quan với nhà Minh.

Công việc xếp đặt đâu vào đấy rồi. Lữ Nghị và Hoàng Phúc ở lại trấn đất Giao Chỉ, còn Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân về Tàu, đưa địa đồ An Nam về dâng vua nhà Minh.

Bấy giờ tuy rằng nhà Minh đã chiếm giữ đất An Nam, nhưng con cháu nhà Trần còn có người muốn khôi phục nghiệp cũ, vả nước ta còn có nhiều người không muốn làm nô lệ nước Tàu, cho nên nhà Hậu Trần lại hưng khởi lên được mấy năm nữa.



2. Giản Định Đế (1407-1409).

Khi trước Trương Phụ treo bảng gọi con cháu nhà Trần là ý giả dối để chực giết hại, cho nên không ai dám ra. Bấy giờ có Giản Định Vương tên là Quỹ, con thứ vua Nghệ Tông chạy đến Mô Độ (thuộc làng Yên Mô, huyện Yên Mô, Ninh Bình) gặp Trần Triệu Cơ đem chúng đi theo, bèn xưng là Giản Định Hoàng Đế, để nối nghiệp nhà Trần, đặt niên hiệu là Hưng Khánh.

Giảng Định khởi nghĩa chống với quân Minh, nhưng vì quân mình là quân mới góp nhặt được, đánh không nổi, phải thua chạy vào Nghệ An; bấy giờ có Đặng Tất là quan nhà Trần, trước đã ra hàng nhà Minh được làm đại tri châu ở Hóa Châu, nay thấy Giản Định Đế khởi nghĩa, liền giết quan nhà Minh đi, rồi đem quân ra Nghệ An để giúp việc khôi phục. Lại ở đất Đông Triều có Trần Nguyệt Hồ cũng khởi binh đánh quân nhà Minh, nhưng chẳng được bao lâu mà phải bắt, còn dư đảng chạy vào Nghệ An theo vua Giản Định. Vì vậy cho nên quân thế của Giản Định mới mạnh lên. Ông Đặng Tất lại giết được hàng tướng nhà Minh là Phạm Thế Căng ở cửa Nhật Lệ. Lúc bấy giờ đất An Nam từ Nghệ An trở vào lại thuộc về nhà Trần.



3. Trận Bô Cô.

Tháng chạp năm Mậu Tý (1408) Giản Định Đế hội tất cả quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, rồi tiến ra đánh Đông Đô. Quân ra đến Trường Sơn (Ninh Bình) thì các quan thuộc và những kẻ hào kiệt ở các nơi ra theo nhiều lắm.

Quan nhà Minh đem tin ấy về báo cho Minh Đế biết. Minh Đế sai Mộc Thạnh đem 4 vạn quân ở Vân Nam sang đánh dẹp. Mộc Thạnh cùng với các quan đô chưởng là Lữ Nghị vào đến bến Bô Cô (thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Phong Doanh) thì gặp quân Trần. Hai bên giao chiến, vua Giản Định tự cầm trống thúc quân, tướng sĩ ai nấy hết sức xung đột, phá tan được quân nhà Minh, chém được Lữ Nghị ở trận tiền và đuổi Mộc Thạnh về đến thành Cổ Lộng (thành nhà Minh xây, bấy giờ ở làng Bình Cách, huyện Ý Yên).

Bấy giờ vua Giản Định muốn thừa thắng đánh tràn ra để lấy lại Đông Quan (tức Đông Đô). Nhưng ông Đặng Tất ngăn lại muốn để đợi quân các lộ về đã, rồi sẽ ra đánh. Từ đó vua tôi không được hòa thuận, vua Giản Định lại nghe người nói gièm, bắt Đặng Tất và quan tham mưu là Nguyễn Cảnh Chân đem giết đi, thành ra lòng người ai cũng chán ngán cả, không có lòng giúp rập nữa.



4. Trần Quý Khoách (1403-1413).

Giặc nước hãy còn, mà vua tôi đã nghi hoặc nhau, rồi đem giết hại những người có lòng vì nước, thật là tự mình gây nên cái vạ cho mình.

Bấy giờ con ông Đặng Tất là Đặng Dung và con ông Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị thấy thân phụ bị giết, đều bỏ vua Giản Định, đem quân bản bộ về Thanh Hóa rước vua Quý Khoách vào huyện Chi La (tức là huyện La Sơn, Hà Tĩnh) rồi tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang.

Lúc ấy vua Giản Định đương chống nhau với quân nhà Minh ở thành Ngự Thiên (thuộc huyện Hưng Nhân). Quý Khoách sai tướng là Nguyễn Súy ra đánh lẻn bắt đem về Nghệ An. Quý Khoách tôn Giản Định lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng lo việc khôi phục.



5. Trương Phụ Trở Sang An Nam.

Vua nhà Minh thấy Mộc Thạnh bại binh, lại sai Trương Phụ làm thống binh, Vương Hữu làm phó đem binh sang cứu viện.

Quân nhà Trần bấy giờ chia ra là mấy đạo đi đánh dẹp các châu huyện ở mạn Hải Dương. Giản Định đóng quân ở Hạ Hồng (Ninh Giang), Quý Khoách đóng ở Bình Than.

Khi Trương Phụ sang đến nơi, tiến binh đánh đuổi, Giản Định đem binh thuyền chạy về đến huyện Mỹ Lương (giáp Sơn Tây và phủ Nho Quan) gặp quân Trương Phụ đuổi đến bắt được giải về Kim Lăng.

Giản Định bị bắt rồi, Quý Khoách ở Bình Than sai Đặng Dung đến giữ Hàm Tử Quan (huyện Đông An, Hưng Yên). Nhưng quân của Đặng Dung thiếu lương, phải bỏ chạy. Quý Khoách thấy quân của Đặng Dung đã thua, liệu thế giữ không nổi, bèn bỏ Bình Than chạy về Nghệ An.

Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu giết hại quân dân, và làm những điều tàn bạo gớm ghê như là: xếp người thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây, hoặc nấu thịt người để lấy đầu. Còn những người An Nam ai tòng phục nhà Minh mà giết được nhiều người bản quốc thì được thưởng cho làm quan. Thật bấy giờ tha hồ cho bọn hung ác đắc chí!

Năm Canh Dần (1410) Trần Quý Khoách cùng với bọn Nguyễn Cảnh Dị lại đem quân ra đánh quân Minh ở Hồng Châu, được thắng trận, rồi lại ra đóng ở Bình Than. Ở các nơi lại nổi lên đánh giết quân nhà Minh; nhưng chỉ vì quân không có thống nhiếp, hiệu lệnh bất nhất, cho nên đến khi quân giặc đến đánh, quân nhà Trần lại thua, phải chạy về Nghệ An.

Trương Phụ một mặt đưa chiếu của vua Minh lấy lời giả nhân nghĩa mà dụ quan lại nhân dân, một mặt thì tiến quân vào đánh Trần Quý Khoách.

Tháng tư năm Quý Tỵ (1413) Trương Phụ đưa quân đánh Nghệ An, quân Quý Khoách bấy giờ mười phần chỉ còn ba bốn, lương thực lại không có, phải bỏ chạy và Hóa Châu.

Trước Quý Khoách đã mấy lần cho người sang Tàu cầu phong, Minh Đế không cho, đem giết sứ thần đi. Nay Quý Khoách lại sang Nguyễn Biểu ra cầu phong với Trương Phụ. Trương Phụ bắt giữ không cho về. Nguyễn Biểu giận mắng Trương Phụ rằng: "Chúng bay trong bụng thì chỉ lo đường chiếm giữ, ngoài mặt lại giương tiếng đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp; trước thì nói sang lập họ Trần, sau lại đặt quận huyện để cai trị, rồi tìm kế để vơ vét của cải, ức hiếp sinh dân; chúng bay thật đồ ăn cướp hung ngược!" Trương Phụ tức giận đem giết đi.



6. Hóa Châu Thất Thủ.

Đến tháng sáu năm Quý Tỵ (1413) quân Trương Phụ vào đến Nghệ An, quan Thái Phó nhà Hậu Trần là Phan Quý Hữu ra hàng, nhưng được mấy hôm thì mất. Trương Phụ cho con là Quý Hữu là Liêu làm tri phủ Nghệ An. Phan Liêu muốn tâng công, Quý Khoách có bao nhiêu tướng tá người nào giỏi, người nào dở, quân số nhiều ít, sơn xuyên chổ hiểm, chỗ không thế nào, khai cả cho Trương Phụ biết. Trương Phụ bèn quyết ý vào Hóa Châu, và hội chư tướng lại để bàn kế tiến binh.

Mộc Thạnh nói rằng: "Hóa Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm".

Trương Phụ nhất định vào đánh cho được, nói rằng: "Ta sống cũng ở đất Hóa Châu này, mà chết cũng ở đất Hóa Châu này. Hóa Châu mà không lấy được thì không mặt mũi nào về trông thấy chúa thượng!" Lập tức truyền cho quân thủy bộ tiến vào đánh Hóa Châu.

Đến tháng chín, quân Trương Phụ vào đến Thuận Hóa, Nguyễn Súy và Đặng Dung nửa đêm đem quân đến đánh trại Trương Phụ. Đặng Dung đã vào được thuyền của Trương Phụ định để bắt sống lấy nhưng không biết mặt, vì thế Trương Phụ mới nhảy xuống xông lấy cái thuyền con mà chạy thoát được.

Bấy giờ quân nhà Trần ít lắm. Trương Phụ thấy vậy đem binh đánh úp lại, bọn Đặng Dung địch không nổi phải bỏ chạy.

Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả.

Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Đặng Dung có làm bài thơ thuật hoài như sau này, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng:

Thế sự du du nại lão hà !
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!

Dịch

Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Nhà Hậu Trần nổi lên toan đường khôi phục, nhưng hiềm vì nỗi lòng người còn ly tán, thế lực lại hèn yếu, cho nên chỉ được 7 năm thì mất.