VietLang
05-12-2007, 11:09 PM
Sự Chiến Tranh
1. Họ Trịnh đánh họ Mạc ở Cao Bằng.
2. Nhà Thanh dấy nghiệp.
3. Tình thế họ Nguyễn ở miền Nam.
4. Đánh nhau lần thứ nhất.
5. Đánh nhau lần thứ hai.
6. Đánh nhau lần thứ ba.
7. Đánh nhau lần thứ tư.
8. Đánh nhau lần thứ năm.
9. Đánh nhau lần thứ sáu.
10. Đánh nhau lần thứ bảy.
1. Họ Trịnh Đánh Họ Mạc ở Cao Bằng.
Năm Kỷ Hợi (1599), vua Thế Tông mất, Trịnh Tùng cùng với các quan triều thần lập hoàng tử là Duy Tân lên làm vua, tức là vua Kính Tông. Qua năm sau (1600) bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm và Bùi Văn Khuê nổi loạn ở cửa Đại An. Trịnh Tùng ở Thăng Long sợ bốn mặt thụ địch, bèn rước vua vào Thanh Hóa.
Đảng họ Mạc thấy thành Thăng Long bỏ không, bèn rước bà thứ mẫu của Mậu Hợp là Bùi Thị về tôn lên làm quốc mẫu, rồi cho người lên đón Mạc Kính Cung ở đất Cao Bằng.
Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê lại nghi ngờ nhau rồi giết lẫn nhau, còn Ngô Đình Hàm thì về giúp nhà Mạc.
Trịnh Tùng đem Kính Tông vào Thanh Hóa rồi thu xếp ra lấy lại Thăng Long, nhưng còn sợ mặt Thuận Hóa có biến chăng, bèn sai quan vào ủy dụ Nguyễn Hoàng; đoạn rồi đem thủy bộ đại quân ra Bắc, đánh bắt được Bùi Thị giết đi, còn Mạc Kính Cung bỏ chạy sang Kim Thành ở Hải Dương, sau thấy đảng của mình thua cả, lại bỏ Kim Thành chạy lên Cao Bằng.
Trịnh Tùng lấy lại Thăng Long rồi sai quan vào rước vua ra, và sai các tướng đi tiễu trừ đảng họ Mạc ở mặt Thái Nguyên, Lạng Sơn và Yên Quang.
Trịnh Tùng càng ngày càng kiêu hãnh quá, vua cũng không chịu được, lại nhân họ Trịnh có con là Trịnh Xuân muốn ganh quyền với người con trưởng là Trịnh Tráng, vua Kính Tông mới mưu với Trịnh Xuân để giết Trịnh Tùng, nhưng chẳng may sự không thành. Trịnh Tùng bức vua phải thắt cổ chết, và bắt Trịnh Xuân giam mấy tháng rồi tha.
Trịnh Tùng giết vua Kính Tông rồi, lập Hoàng Tử là Duy Kỳ lên làm vua, tức là vua Thần Tông.
Năm Quý Hợi (1623) Trịnh Tùng đau, hội các quan lại giao binh quyền cho con là Trịnh Tráng, và cho Trịnh Xuân làm phó.
Trịnh Xuân không bằng lòng, đem binh làm loạn, đốt phá kinh thành, Trịnh Tùng thấy biến, chạy về xã Hoàng Mai, vào nhà Trịnh Đỗ, rồi cho gọi Trịnh Xuân đến bắt giết đi. Được mấy hôm Trịnh Tùng mất ở chùa Thanh Xuân, thuộc huyện Thanh Trì.
Trịnh Tráng lên nối nghiệp làm chúa. Nhưng vì đảng Trịnh Xuân còn làm loạn, cho nên mới đưa vua về Thanh Hóa. Vua phong cho Trịnh Tráng làm Thái Úy Thanh Quốc Công, tiết chế thủy bộ chư quân.
Bấy giờ có Mạc Kính Khoan là cháu Mạc Kính Cung xưng làm Khánh Vương ở đất Thái Nguyên. Trước đã bị quân họ Trịnh đánh phá mấy trận, phải lên ẩn núp ở đất Cao Bằng, nay thâ"y người nhà họ Trịnh làm loạn, lại đem quân vào đóng ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm. Nhưng chẳng bao lâu Trịnh Tráng ở Thanh Hóa ra đánh. Kính Khoan lại phải chạy về Cao Bằng.
Trịnh Tráng dẹp yên đất Đông Đô, lại vào rước vua ra, và tự xưng làm Nguyên Súy, Thống Quốc Chính Thanh Đô Vương, rồi sai con là Trịnh Kiều đem quân lên đánh Cao Bằng (Ất Sửu 1625) bắt được Mạc Kính Cung đem về giết đi. Mạc Kính Khoan thì chạy sang Tàu, rồi cho người về dâng biểu xin hàng.
Triều đình phong cho Kính Khoan làm Thái Úy Thông Quốc Công, và cho giữ đất Cao Bằng theo lệ cống tiến.
2. Nhà Thanh Dấy Nghiệp.
Khi Trịnh Tráng ở An Nam ta mới lên nối nghiệp làm chúa và đang phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao Bằng, thì ở bên Tàu nhà Minh mất nước.
Nguyên ở xứ đông bắc nước Tàu có một xứ gọi là Mãn Châu, có giống người Nữ Chân ở. Về đời nhà Tống người Nữ Chân đã lập nên một nước lớn gọi là Kim, xưng đế được 120 năm, rồi bị nhà Nguyên lấy mất. Nhà Nguyên đặt Vạn Hộ Phủ để cai trị đất Mãn Châu.
Sau nhà Minh dứt được nhà Nguyên, tuy ở Mãn Châu nhà Minh có đặt vệ địa, nhưng mà người xứ ấy vẫn tự cai trị lấy.
Đất Mãn Châu bấy giờ chia làm bốn bộ:
1. Mãn Châu Bộ (thuộc về Kiến Châu Vệ Địa)
2. Trường Bạch Bộ (thuộc về Kiến Châu Vệ Địa)
3. Đông Hải Bộ (thuộc về Dạ Nhân Vệ Địa)
4. Hỗ Luân Bộ (thuộc về Hải Tây Vệ Địa)
Về cuối đời nhà Minh, ở Trường Bạch Bộ có một người tên là Nỗ Nhĩ Cấp Xích, tức là vua Thái Tổ nhà Thanh, đánh lấy tất cả đất bốn bộ, đóng kinh đô ở Thẩm Dương, là Thịnh Kinh bây giờ.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, con lên nối nghiệp tức là Thanh Thái Tông. Sau nhân được cái Truyền Quốc Tỷ của nước Tàu, Thái Tông mới cải quốc hiệu là Đại Thanh.
Con Thái Tông tên là Phúc Lâm lên làm vua, tức là Thanh Thế Tổ, đánh lấy được cả đất Liêu Tây của nhà Minh.
Khi tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế đang chống với quân nhà Thanh ở Sơn Hải Quan thì Lý Tự Thành nổi lên vây đánh Yên Kinh. Vua Trang Liệt nhà Minh gọi Ngô Tam Quế về cứu, nhưng về đến nửa đường, Tam Quế được tin Yên Kinh đã thất thủ, Trang Liệt Đế và Hoàng Hậu đã bị giết, Tam Quế lại trở về Sơn Hải Quan.
Lý Tự Thành cho người gọi Tam Quế về hàng, Tam Quế không về. Tự Thành đem quân đến đánh Sơn Hải Quan. Tam Quế xin hàng nhà Thanh để lấy binh về đánh Tự Thành.
Lý Tự Thành đánh thua, phải bỏ Yên Kinh mà chạy, quân nhà Thanh vào giữ Yên Kinh rồi dời kinh sư về đó.
Các quân cựu thần nhà Minh lập Phúc Vương lên làm vua ở Nam Kinh, nhưng sau vì các tướng không hòa với nhau, Phúc Vương phải ra hàng.
Phúc Vương hàng Thanh rồi, Đường Vương xưng đế ở Phúc Châu, chẳng bao lâu cũng bị bắt, phải nhịn ăn mà chết.
Dòng dõi nhà Minh là Quế Vương xưng đế ở đất Triệu Khánh (thuộc tỉnh Quảng Tây) được mấy năm, bị quân nhà Thanh đến đánh, phải chạy sang Diến Điện. Vua Diến Điện bắt Quế Vương nộp cho Ngô Tam Quế. Tam Quế đem giết đi. Từ đấy nhà Thanh nhất thống nước Tàu.
Khi Quế vương xưng đế ở đất Quảng Tây, có ý muốn nhờ An Nam cứu viện, cho nên mới phong cho vua Thần Tông nhà Lê làm An Nam Quốc Vương và phong Trịnh Tráng làm phó vương.
Khi ấy ở phía bắc nước Tàu đang loạn, họ Mạc thì đã về hàng, Trịnh Tráng mới nhân dịp quyết ý đi đánh họ Nguyễn ở phía nam.
3. Tình Thế Họ Nguyễn ở Miền Nam.
Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, bề ngoài tuy vẫn chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bề trong thì hết sức lo sợ phòng bị. Xem như năm Quý Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: "Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoàng Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời." Xem lời ấy thì biết họ Nguyễn đã có ý muốn độc lập để chống với họ Trịnh.
Khi ở ngoài Bắc, Trịnh Tùng mất, chúa Sãi là ông Nguyễn Phúc Nguyên bảo các quan rằng: "Ta muốn nhân dịp này mà ra đánh họ Trịnh, nhưng hiềm vì công việc chưa xong, vậy thì hãy sai người ra phúng điếu, trước là cho phải cái nghĩa hôn nhân với nhau, sau là nhân thể xem tình ý ngoài Bắc ra thế nào."
Bấy giờ ở miền Nam lại có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn Hữu Dật, ông Đào Duy Từ, và ông Nguyễn Hữu Tiến đều là người có tài trí cả.
Nguyễn Hữu Dật là người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng, tài cao, và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bậc văn võ kiêm toàn.
Đào Duy Từ là người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi, ông phẫn trí mới đi vào miền Nam tìm đường lập công, nhưng chưa gặp được người tiến cử cho, bèn vào ở chăn trâu cho một nhà phú gia ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (nay là Bình Định). Ông làm bài "Ngọa Long Cương" để tự ví mình với ông Gia Cát Lượng. Sau có quan Khâm Lý là Trần Đức Hòa biết Duy Từ là người có tài, đem về nuôi, và gả con gái cho, rồi đưa dâng chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội tán, phong làm Lộc Khê Hầu (1).
Nguyễn Hữu Tiến cũng là người Thanh Hóa, làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật, thật là một người làm tướng có tài vậy.
Những người ấy giúp chúa Nguyễn, bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh (2).
Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đủ rồi, chúa Sãi mới ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa, và sai tướng ra chiếm giữ lấy đất Nam Bố Chính là đất ở phía nam sông Linh Giang để làm chỗ chống giữ. Từ đó họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau tai hại trong khoảng 45 năm ở đất Quảng Bình, Hà Tĩnh bây giờ.
4. Đánh Nhau Lần Thứ Nhất.
Năm Đinh Mão (1627) nhân khi nhà Minh bên Tàu còn đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng thì về hàng, Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế từ ba năm về trước.
Tờ sắc làm bằng chữ nôm như sau này:
"Hoàng thượng sắc dụ cho Thái bảo Thụy quốc công là Nguyễn Phúc Nguyên được biết rằng: Mệnh lệnh triều đình, Đạo làm tôi phải nên tuân thủ; Thuế má phủ huyện, Tướng ngoài cõi không được tư chuyên. Trước đây trẫm có sai Công bộ thượng thư là Nguyễn Duy Thì, Bá Khê Hầu là Phan Văn Trị vào Thuận Hóa, đạo đạt tình ý, chỉ bảo đường họa phúc, để cho tỉnh biết mà phục tùng quyền chính triều đình. Không ngờ nhà ngươi mang lòng dùng dằng, tối đường tới lui, nói thoái thác cho lôi thôi ngày tháng, để đến nỗi thuế má thiếu thốn, không đủ việc chi thu, đạo làm tôi như thế đã phải chưa? Nhà ngươi nay nên đổi lỗi trước, giữ gìn phép tắc. Phàm ngạch thuế trong hai xứ Thuận, Quảng, từ năm Quý Hợi về trước, có phải đã mất mùa thì xá cả cho; còn từ năm Giáp Tý đến nay phải tính cho đủ số theo lệ trước, tải thuyền đem ra nộp cho đủ; và phải chỉnh tề binh mã, hoặt thân đến kinh đô triều hạ, hoặc phải sai con đi thay, để coi xem nghi vệ trong nước, và để tỏ giãi tấm lòng làm tôi. Nếu thế thì triều đình sẽ phong thêm cho chức tước vinh hiển, để rạng tỏ đến tổ tông. Nhược bằng thoái thác không đến, thì tức là phạm tội với triều đình.
Khâm tai dụ sắc!"
Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu, và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi không chịu.
Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5,000 quân đi làm tiên phong vào đóng ở xã Hà Trung (tục gọi là Cầu Doanh), rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh mặt Nam.
Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã ra giữ các nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh đến đánh, chết hại rất nhiều. Bọn Nguyễn Hữu Dật lại đặt ra một kế khiến cho quân Trịnh phải rút về, sai người đi nói phao ra rằng ở ngoài Bắc có Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng nghe tin ấy trong bụng sinh nghi, không biết thực hư thế nào, bèn rước vua và rút quân về Bắc.
5. Đánh Nhau Lần Thứ Hai.
Năm Canh Ngọ (1630) chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ, sai người đem sắc dụ ra trả vua Lê, rồi sai tướng đánh lấy phía nam ngạn sông Linh Giang để chống với quân họ Trịnh. Đến năm Quý Dậu (1633) nhân khi chúa Sãi có người con thứ ba tên là Ánh, trấn thủ ở đất Quảng Nam, có ý muốn tranh quyền, bèn sai người đưa thư ra Thăng Long xin chúa Trịnh đem quân vào đánh bắn súng làm hiệu, thì sẽ làm nội ứng. Ánh lại xin chúa Sãi cho ra Trấn thủ đất Quảng Bình để cho tiện làm mưu gian, nhưng chúa Sãi có lòng ngờ, không cho.
Khi Trịnh Tráng được cái thư của ngươi Ánh gửi ra, liền đem đại binh vào đóng ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới).
Chúa Nguyễn sai Nguyễn Vân Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống giữ. Quân Họ Trịnh đến đợi hơn 10 ngày, không thấy tin tức gì của ngươi Ánh, bèn lui quân ra để chờ. Quân lính đợi lâu thành ra lười biếng, quân họ Nguyễn mới xuất kỳ bất ý, đổ ra đánh đuổi. Trịnh Tráng thấy sự không thành, rút quân về.
6. Đánh Nhau Lần Thứ Ba.
Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp làm chúa, gọi là chúa Thượng.
Lúc ấy ngươi Ánh ở Quảng Nam nghe tin chúa Sãi mất rồi, anh lên nối nghiệp, bèn phát binh làm phản - Bấy giờ có Nguyễn Phúc Khê giúp chúa Thượng, sai quân vào đánh bắt được ngươi Ánh, lấy nghĩa "Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn" đem giết đi.
Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh nhau, sai tướng vào đánh đất Nam Bố Chính, giết được tướng họ Nguyễn là Bùi Công Thắng rồi tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ.
Đến năm Quý Tỵ (1643) Trịnh Tráng đem đại binh và rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính. Nhưng bấy giờ đang tiết tháng tư, khí trời nóng lắm, quân sĩ chết hại rất nhiều, Trịnh Tráng phải rút về Bắc.
7. Đánh Nhau Lần Thứ Tư.
Năm Mậu Tý (1648) Trịnh Tráng sai đô đốc Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu (3) đem quân thủy bộ vào đánh miền Nam; bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính; còn thủy quân thì vào đánh cửa Nhật Lệ. Bấy giờ có hai cha con Trương Phúc Phấn cố sức giữ lũy Trường Dục, quân họ Trịnh đánh mã không tiến lên được.
Chúa Nguyễn sai con là Nguyễn Phúc Tần đem binh ra chống giữ với họ Trịnh, khi ra đến Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội các tướng lại bàn rằng: "Quân kia tuy nhiều, nhưng người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm, ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được". Đoạn rồi, một mặt cho thủy quân đi phục sẳn ở sông Cẩm La để chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi đến canh năm xông vào trại quân Trịnh, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quả nhiên quân Trịnh thua to chạy về Bắc, lại gặp quân thủy của họ Nguyễn đón đường đuổi đánh mãi đến sông Lam Giang mới thôi.
Trận ấy quân họ Nguyễn bắt được mấy người tướng và 3,000 quân của họ Trịnh.
Trịnh Tráng thấy quân mình thua, sai Lê Văn Hiểu cùng với Trần Ngọc Hậu lĩnh một vạn quân đóng ở Hà Trung, Lê Hữu Đức cùng với Vũ Lương đóng ở Hoàng Sơn, Phạm Tất Toàn đóng ở đất Bắc Bố Chính để phòng giữ quân họ Nguyễn.
Lúc bấy giờ ở trong Nam thì chúa Thượng mất, truyền nghiệp chúa lại cho con là Nguyễn Phúc Tần, gọi là chúa Hiền. Ở ngoài Bắc thì vua Chân Tông mất, không có con, Trịnh Tráng lại rước Thần Tông, Thái Thượng Hoàng, về làm vua lần nữa.
Họ Trịnh vào đánh họ Nguyễn đã mấy phen, đánh phen nào thì hao binh tổn tướng phen ấy, thế mà vẫn không chịu thôi việc chiến tranh. Đến năm Ất Tỵ (1655) quân nhà Trịnh lại vào đánh đất Nam Bố Chính. Bấy giờ chúa Hiền mới quyết ý đem quân ra đánh họ Trịnh.
8. Đánh Nhau Lần Thứ Năm.
Tháng tư năm Ất Tỵ (1655) chúa Hiền sai Thuận Nghĩa Hầu là Nguyễn Hữu Tiến, Chiêu Vũ Hầu là Nguyễn Hữu Dật đem quân qua sông Linh Giang ra đánh đất Bắc Bố Chính, tướng họ Trịnh là Phạm Tất Toàn về hàng.
Quân nhà Nguyễn tiến lên đến Hoành Sơn, gặp quân của Lê Hữu Đức, đánh đuổi một trận, rồi thừa thắng đánh đến đồn Hà Trung, Lê Văn Hiểu chống không nổi, phải cùng với Lê Hữu Đức rút quân về giữ An Trường (tức là thành Nghệ An bây giờ).
Nguyễn Hữu Tiến đem binh đến đóng ở huyện Thạch Hà, Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức lại sang đóng ở xã Đại Nại.
Trịnh Tráng thấy bọn Lê Văn Hiểu binh bại ở Hà Trung, bèn cho sứ vào triệu về kinh, và sai Trịnh Trượng vào làm Thống lĩnh, kinh lược đất Nghệ An.
Lê Văn Hiểu bị đạn ở chân, về đến nửa đường thì chết; còn bọn Lê Hữu Đức, Vữ Lương đều phải giáng chức cả.
Trịnh Trượng tiến binh lên đến huyện Kỳ Hoa, cho thủy binh vào đóng ở cửa Kỳ La.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh đã tiến, bèn rút quân về sông Linh Giang để nhử quân nghịch. Nhưng mà Trịnh Trượng thấy tự nhiên quân Nguyễn bỏ về như vậy, sợ có mưu kế gì, không dám đuổi, bèn đóng quân ở lại Lạc Xuyên, rồi cho 500 người vào đóng ở đồn Hà Trung.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh không đuổi, bèn đem quân đến đánh quân Trịnh ở Lạc Xuyên; còn Nguyễn Hữu Dật thì đem thủy binh ra đánh cửa Kỳ La, đuổi chiến thuyền của họ Trịnh về cửa Châu Nhai.
Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật thừa thắng tiến binh lên đánh quân họ Trịnh, rồi chiếm giữ lấy đồn Lạc Xuyên. Binh tướng họ Trịnh phải chạy về An Tràng.
Bấy giờ những huyện ở phía nam sông Lam Giang (tức là sông Cả bây giờ) là huyện Kỳ Hoa, huyện Thạch Hà, huyện Thiên Lộc, huyện Nghi Xuân, huyện La Sơn, huyện Hương Sơn, huyện Thanh Chương, cả thảy là bảy huyện đều thuộc về họ Nguyễn cả.
Tin quân Trịnh thua ở Lạc Xuyên ra đến Thăng Long, Trịnh Tráng giáng Trịnh Trượng xuống làm đô đốc, rồi sai con là Trịnh Tạc vào Nghệ An làm Thống lĩnh để chống giữ với quân họ Nguyễn.
Bọn Nguyễn Hữu Tiến thấy quân Trịnh Tạc lại tiến, liền lui quân về đóng ở Hà Trung để giữ trận thế. Nhưng bây giờ ở ngoài Bắc lắm việc, Trịnh Tráng phải gọi Trịnh Tạc về, để tướng là Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An, đóng ở An Tràng, sai Thân Văn Quang, Mẫn Văn Liên đóng ở làng Tiếp Vũ (thuộc huyện Thiên Lộc), thủy quân đóng ở sông Khu Độc (thuộc huyện Nghi Xuân).
Qua năm Bính Thân (1656) quân họ Nguyễn đến đánh đồn Tiếp Vũ, bọn Thân Văn Quang bỏ chạy, Nguyễn Hữu Tiến đem quân đến đóng ở sông Tam Chế. Còn Nguyễn Hữu Dật tiến binh đến núi Hồng Lĩnh, gặp quân họ Trịnh đánh đuổi đến đất Mẫn Tường, rồi lại gặp thủy binh củaVũ Văn Thiêm, đánh phá một trận, Văn Thiêm thua chạy. Quân họ Nguyễn thừa thắng tiến lên đến làng Minh Lương và lành Bình Lạng gặp quân của Đào Quang Nhiêu, hai bên đánh nhau một trận rất dữ. Đào Quang Nhiêu thua chạy về An Tràng, dâng biểu tạ tội và xin viện binh.
Trịnh Tráng sai người con út là Ninh Quận Công Trịnh Toàn (tục hay gọi là ông Ninh) vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An.
Trịnh Toàn vào đến Nghệ An, đốc chư quân tiến lên đến Thạch Hà, sai Đào Quang Nhiêu và Dương Hồ đem binh đến đóng ở làng Hương Bộc và ở làng Đại Nại, sai Lê Sĩ Hậu, Bùi Sĩ Lương đem thủy quân đến đóng ở Nam Giới, và sai Vũ Văn Thiêm đem thủy quân đến đóng ở Châu Nhau.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh cử động như vậy, bèn sai bọn Dương Trí, Tống Phúc Khang cùng với Nguyễn Hữu Dật đem thủy bộ quân đến đánh quân Trịnh ở Nam giới, lấy được hơn 30 chiếc thuyền, rồi tràn xuống sông Lam Giang đánh Vũ Văn Thiêm ở Châu Nhai, Vũ Văn Thiêm phải bỏ thuyền mà chạy.
Trịnh Toàn thấy các đạo thủy binh của mình đã thua, bèn rút về đóng ở bến Hoạt, bỗng nghe tin toán quân của Đào Quang Nhiêu bị vây ở Hương bộc, lập tức đem quân đến cứu, hai bên đánh nhau ở làng Đại Nại, quân họ Nguyễn chạy về Hà Trung. Trịnh Toàn và Đào Quang Nhiêu đem quân đuổi đến Tam Lộng, bị quân của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đón đường đánh phá. Trịnh Toàn lại thua, phải chạy về An Tràng.
Trịnh Toàn từ khi vào trấn thủ đất Nghệ An, hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, lòng người đều phục; nhưng chẳng được bao lâu, Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, thấy em có nhiều người mến phục, lấy làm nghi kỵ, bèn cho con là Trịnh Căn vào cùng trấn đất Nghệ An, có ý giữ để cho khỏi biến loạn. Đoạn rồi cho người vào đòi Trịnh Toàn về kinh, trách sao không về chịu tang, bắt bỏ ngục giam chết.
Binh quyền ở Nghệ An giao lại cho Trịnh Căn. Đến tháng sáu năm Đinh Sửu (16570 Trịnh Căn chia quân làm 3 đạo, sai Lê Hiến làm tướng trung quân, sai Hoàng Nghĩa Giao làm tướng tả quân, sai Trịnh Thế Công làm tướng hữu quân, sang sông Lam Giang rồi tiến lên đánh tướng nhà Nguyễn là Tống Hữu Đại ở làng Nam Hoa (thuộc huyện Thanh Chương).
Nhưng vì có người báo trước, bọn Nguyễn Hữu Tiến đã phòng bị cả, đến khi quân Trịnh đến, thì mắc kế phải thua, may nhờ có quân Trịnh Căn tiếp ứng, cho nên mới rút về được.
Từ đó quân hai bên cứ giữ nhau ở sông Lam Giang, thỉnh thoảng đánh nhau một trận, như tháng chạp năm Mậu Tuất (1658), đánh ở làng Tuần Lễ (huyện Hương Sơn), quân họ Nguyễn phải lùi; đến tháng tám năm canh tí (1660) đánh ở Nghi Xuân, quân họ Trịnh thua bỏ thuyền mà chạy; qua tháng 9 năm ấy đang khi quân họ Nguyễn còn đóng ở làng Hoa Viên (tức là làng Xuân Viên bây giờ), Trịnh Căn định sang lấy núi Lận Sơn để giữ trận thế, bèn sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kiêm Toàn đem binh sang ssông Lam Giang ở làng Âm Công, và sai Lê Hiến (4) đi xuống phía Hội Thống rồi sang sông, chờ đến nửa đem thì hai đạo cùng tiến cả.
Đạo quân của Đào Nghĩa Giao đi đến Lận Sơn bị quân của Nguyễn Hữu Dật đánh và vây ngặt lắm. Bấy giờ Trịnh Căn đứng thị chiến trên núi Quyết Dũng (ở gần Bến Thủy bây giờ), trông thấy quân mình bị vây nguy cấp lắm, liền sai quân sang cứu, và truyền cho thủy quân đến bờ sông mà bắn lên, quân họ Nguyễn phải lùi.
Còn đạo quân của Lê Hiến và Mẫn Văn Liên sang đến làng Tả Ao gặp quân họ Nguyễn, hai bên đánh nhau, Mẫn Văn Liên tử trận, nhưng quân họ Nguyễn phải bỏ Hoa Viên lui về đóng ở Nghi Xuân.
Lúc ấy đại quân của Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nghi Xuân, còn Nguyễn Hữu Dật thì đóng ở Khu Đốc. Chúa Hiền cũng đem binh đến tiếp ứng, đóng ở làng Phù Lộ (nay là làng Phù An thuộc huyện Bình Chính, Quảng Bình). Nguyễn Hữu Dật lẻn về ra mắt chúa Hiền, kể đầu đuôi mọi việc đánh lấy thế nào, chúa Hiền mừng lắm, cho Hữu Dật một thanh bảo kiếm bằng vàng và lại sai trở lại đánh giặc.
Nguyễn Hữu Tiến biết việc ấy, trong bụng lấy làm không bằng lòng, và bấy giờ lại nhân có những sĩ tốt mới hàng ở đất Nghệ An, thường hay bỏ trốn, Hữu Tiến bèn hội chư tướng lại để bànx em nên đánh hay là nên lui về. Mọi người đều muốn lui về, duy chỉ có Nguyễn Hữu Dật không chịu.
Khi các tướng họ Nguyễn đang bàn bạc, thì có tin rằng Trịnh Căn sai bọn Lê Hiến đi men bờ bể đến làng Cương Gián, bọn Hoàng Nghĩa Giao đến làng Lũng Trâu và làng Mãn Trưởng, rồi tiến lên đánh ở làng An Điền và ở làng Phù Lưu; quân họ Nguyễn thua. Được tin ấy Nguyễn Hữu Tiến quyết ý đem quân về, nhưng bề ngoài giả tảng truyền lện cho các tướng rằng đến tối 28 thì các đạo đều phải tiến sang đánh An Tràng, Nguyễn Hữu Dật đem binh đi hậu tiếp. Đoạn rồi, dặn riêng các tướng đến nữa đêm rút quân về Nam Bố Chính, không cho Nguyễn Hữu Dật biết. Nguyễn Hữu Dật sắm sửa đâu vào đấy, chờ mãi không có tin tức gì, đến khi cho người đi thámvề nói mới biết quân mình đã rút về Nam rồi. Lúc ấy quân họ Trịnh đã sang sông đến đánh đồn Khu Độc. Hữu Dật mới dùng kế nghi binh để cho quân Trịnh không dám tiến lên, rồi đem binh chạy về, đến Hoành sơn mới gặp quân của Nguyễn Hữu Tiến. Bấy giờ quân Trịnh Căn vừa đuổi đến, hai bên đánh nhau một trận chết hại rất nhiều.
Trịnh Căn lui về đóng ở Kỳ Hoa. Còn bên kia Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nhật Lệ. Nguyễn Hữu Dật đóng ở Đông Cao, giữ các chỗ hiểm yếu. Từ bấy giờ 7 huyện ở vùng sông Lam Giang lại thuộc về đất Bắc.
Trịnh Căn thấy quân họ Nguyễn giữ gìn mọi nơi chắc chắn lắm, liệu thế đánh không được, bèn sai Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An và kiêm lĩnh cả đất Bắc Bố Chính để phòng giữ mọi nơi, rồi về Thăng Long.
9. Đánh Nhau Lần Thứ Sáu.
Đến tháng 10 năm Tân Sửu (1661) Trịnh Tạc cử đại binh và đem vua Lê vào đánh chúa Nguyễn: sai Trịnh Căn làm thống lĩnh, Đào Quang Nhiêu làm Tổng suất, Lê Hiếu và Hoàng Nghĩa Giao làm Đốc suất, Lê Sĩ Triệt và Trịnh Tế làm Đốc thị, đem binh sang sông Linh Giang rồi đến đóng ở làng Phúc Tự.
Quan Trấn thủ Nam Bố Chính của họ Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đóng ở làng Phúc Lộc chia quân ra đắp lũy, giữ vững mọi nơi, quân Trịnh đánh mãi mấy tháng không được.
Đến tháng 3 năm Nhâm Dần (1662), quân mệt, lương hết, Trịnh Tạc phải thu quân và rước vua về Bắc. Nguyễn Hữu Dật đem binh đuổi đánh đến sông Linh Giang mới thôi.
Năm ấy Thần Tông về rồi đến tháng 9 thì mất. Trịnh Tạc lập Thái tử là Duy Vũ lên làm vua tức là vua Huyền Tông. Huyền Tông làm vua được 8 năm thì mất. Trịnh Tạc lại lập Hoàng Đệ là Duy Hội lên làm vua, tức là vua Gia Tông.
10. Đánh Nhau Lần Thứ Bảy.
Từ năm Tân Sửu (1661) quân họ Trịnh thua ở đất Bắc Bố Chính rồi, Trịnh Tạc về phải lo việc nước và phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao Bằng, cho nên không dòm ngó đến phía Nam; mãi đế năm Nhâm Tý (1672) Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân và rước vua Gia Tông và đất Bắc Bố Chính để đánh họ Nguyễn, sai Trịnh Căn làm thủy quân Nguyên Súy, Lê Hiến làm bộ quân Thống suất.
Chúa Hiền cũng sai em thứ tư là Hiệp làm Nguyên Súy đem binh ra cùng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức giữ các nơi hiểm yếu để ngự địch, chúa Hiền đem đại binh đi tiếp ứng.
Quân họ Trịnh đến đánh lũy Trấn Ninh rất hăng, đã hai ba phen sắp phá được lũy, nhưng Nguyễn Hữu Dật hết sức chống giữ, quân Trịnh đánh mãi không được, phải lùi về Bắc Bố Chính. Đến tháng chạp, trời mưa rét và lại nghe tin rằng Trịnh Căn đi đến Linh Giang phải bệnh nặng, Trịnh Tạc bèn sai Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An, Lê Sĩ Triệt làm Đô Đốc đóng ở Hà Trung để giữ các nơi yếu lộ, lấy sông Linh Giang, tức là sông Giang bây giờ mà phân giới hạn Nam Bắc, rồi rút quân về Thăng Long.
Từ đó Năm Bắc thôi việc chiến tranh, mãi đến khi Tây Sơn khởi binh, thì họ Trịnh mới nhân dịp vào đánh lấy đất Thuận Hóa.
Kể từ năm Đinh Mão (1627) đời vua Thần Tông lần thứ nhất, đến năm Nhâm Tý (1672) đời vua Gia Tông, vừa 45 năm, họ Trịnh, họ Nguyễn đánh nhau cả thảy 7 lần. Trong bấy nhiêu lần, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có một lần, đã lấy được 7 huyện ở phía nam sông Lam Giang, nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng với nhau, cho nên lại phải bỏ về giữ đất cũ.
Còn như thế lực binh lương thì họ Trịnh mạnh hơn họ Nguyễn, nhưng người Bắc phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, mà người Nam thì đánh ở đất nhà mình, có đồn lũy chắc chắn, tướng sĩ hết lòng, cho nên thành ra hai bên đối địch chứ không làm gì được nhau, chỉ khổ cho những dân sự, phải sưu dịch vất vả, và bị tàn phá thiệt hại rất nhiều.
Ghi chú:
(1) Đào Duy Từ giúp chúa Sãi được 8 năm thì mất, thọ 63 tuổi.
(2) Đào Duy Từ lập đồn Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình). Và xây cái lũy dài ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới) tức là cái Trường thành ở Quảng Bình bây giờ. Người ta thường gọi lũy ấy là lũy Thầy, nghĩa là lũy của Đào Duy Từ đắp ra.
(3) Có nơi chép là Trịnh Đào hay là Hàn Tiến.
(4) Có sách chép là Lê Thời Hiến.
1. Họ Trịnh đánh họ Mạc ở Cao Bằng.
2. Nhà Thanh dấy nghiệp.
3. Tình thế họ Nguyễn ở miền Nam.
4. Đánh nhau lần thứ nhất.
5. Đánh nhau lần thứ hai.
6. Đánh nhau lần thứ ba.
7. Đánh nhau lần thứ tư.
8. Đánh nhau lần thứ năm.
9. Đánh nhau lần thứ sáu.
10. Đánh nhau lần thứ bảy.
1. Họ Trịnh Đánh Họ Mạc ở Cao Bằng.
Năm Kỷ Hợi (1599), vua Thế Tông mất, Trịnh Tùng cùng với các quan triều thần lập hoàng tử là Duy Tân lên làm vua, tức là vua Kính Tông. Qua năm sau (1600) bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm và Bùi Văn Khuê nổi loạn ở cửa Đại An. Trịnh Tùng ở Thăng Long sợ bốn mặt thụ địch, bèn rước vua vào Thanh Hóa.
Đảng họ Mạc thấy thành Thăng Long bỏ không, bèn rước bà thứ mẫu của Mậu Hợp là Bùi Thị về tôn lên làm quốc mẫu, rồi cho người lên đón Mạc Kính Cung ở đất Cao Bằng.
Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê lại nghi ngờ nhau rồi giết lẫn nhau, còn Ngô Đình Hàm thì về giúp nhà Mạc.
Trịnh Tùng đem Kính Tông vào Thanh Hóa rồi thu xếp ra lấy lại Thăng Long, nhưng còn sợ mặt Thuận Hóa có biến chăng, bèn sai quan vào ủy dụ Nguyễn Hoàng; đoạn rồi đem thủy bộ đại quân ra Bắc, đánh bắt được Bùi Thị giết đi, còn Mạc Kính Cung bỏ chạy sang Kim Thành ở Hải Dương, sau thấy đảng của mình thua cả, lại bỏ Kim Thành chạy lên Cao Bằng.
Trịnh Tùng lấy lại Thăng Long rồi sai quan vào rước vua ra, và sai các tướng đi tiễu trừ đảng họ Mạc ở mặt Thái Nguyên, Lạng Sơn và Yên Quang.
Trịnh Tùng càng ngày càng kiêu hãnh quá, vua cũng không chịu được, lại nhân họ Trịnh có con là Trịnh Xuân muốn ganh quyền với người con trưởng là Trịnh Tráng, vua Kính Tông mới mưu với Trịnh Xuân để giết Trịnh Tùng, nhưng chẳng may sự không thành. Trịnh Tùng bức vua phải thắt cổ chết, và bắt Trịnh Xuân giam mấy tháng rồi tha.
Trịnh Tùng giết vua Kính Tông rồi, lập Hoàng Tử là Duy Kỳ lên làm vua, tức là vua Thần Tông.
Năm Quý Hợi (1623) Trịnh Tùng đau, hội các quan lại giao binh quyền cho con là Trịnh Tráng, và cho Trịnh Xuân làm phó.
Trịnh Xuân không bằng lòng, đem binh làm loạn, đốt phá kinh thành, Trịnh Tùng thấy biến, chạy về xã Hoàng Mai, vào nhà Trịnh Đỗ, rồi cho gọi Trịnh Xuân đến bắt giết đi. Được mấy hôm Trịnh Tùng mất ở chùa Thanh Xuân, thuộc huyện Thanh Trì.
Trịnh Tráng lên nối nghiệp làm chúa. Nhưng vì đảng Trịnh Xuân còn làm loạn, cho nên mới đưa vua về Thanh Hóa. Vua phong cho Trịnh Tráng làm Thái Úy Thanh Quốc Công, tiết chế thủy bộ chư quân.
Bấy giờ có Mạc Kính Khoan là cháu Mạc Kính Cung xưng làm Khánh Vương ở đất Thái Nguyên. Trước đã bị quân họ Trịnh đánh phá mấy trận, phải lên ẩn núp ở đất Cao Bằng, nay thâ"y người nhà họ Trịnh làm loạn, lại đem quân vào đóng ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm. Nhưng chẳng bao lâu Trịnh Tráng ở Thanh Hóa ra đánh. Kính Khoan lại phải chạy về Cao Bằng.
Trịnh Tráng dẹp yên đất Đông Đô, lại vào rước vua ra, và tự xưng làm Nguyên Súy, Thống Quốc Chính Thanh Đô Vương, rồi sai con là Trịnh Kiều đem quân lên đánh Cao Bằng (Ất Sửu 1625) bắt được Mạc Kính Cung đem về giết đi. Mạc Kính Khoan thì chạy sang Tàu, rồi cho người về dâng biểu xin hàng.
Triều đình phong cho Kính Khoan làm Thái Úy Thông Quốc Công, và cho giữ đất Cao Bằng theo lệ cống tiến.
2. Nhà Thanh Dấy Nghiệp.
Khi Trịnh Tráng ở An Nam ta mới lên nối nghiệp làm chúa và đang phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao Bằng, thì ở bên Tàu nhà Minh mất nước.
Nguyên ở xứ đông bắc nước Tàu có một xứ gọi là Mãn Châu, có giống người Nữ Chân ở. Về đời nhà Tống người Nữ Chân đã lập nên một nước lớn gọi là Kim, xưng đế được 120 năm, rồi bị nhà Nguyên lấy mất. Nhà Nguyên đặt Vạn Hộ Phủ để cai trị đất Mãn Châu.
Sau nhà Minh dứt được nhà Nguyên, tuy ở Mãn Châu nhà Minh có đặt vệ địa, nhưng mà người xứ ấy vẫn tự cai trị lấy.
Đất Mãn Châu bấy giờ chia làm bốn bộ:
1. Mãn Châu Bộ (thuộc về Kiến Châu Vệ Địa)
2. Trường Bạch Bộ (thuộc về Kiến Châu Vệ Địa)
3. Đông Hải Bộ (thuộc về Dạ Nhân Vệ Địa)
4. Hỗ Luân Bộ (thuộc về Hải Tây Vệ Địa)
Về cuối đời nhà Minh, ở Trường Bạch Bộ có một người tên là Nỗ Nhĩ Cấp Xích, tức là vua Thái Tổ nhà Thanh, đánh lấy tất cả đất bốn bộ, đóng kinh đô ở Thẩm Dương, là Thịnh Kinh bây giờ.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, con lên nối nghiệp tức là Thanh Thái Tông. Sau nhân được cái Truyền Quốc Tỷ của nước Tàu, Thái Tông mới cải quốc hiệu là Đại Thanh.
Con Thái Tông tên là Phúc Lâm lên làm vua, tức là Thanh Thế Tổ, đánh lấy được cả đất Liêu Tây của nhà Minh.
Khi tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế đang chống với quân nhà Thanh ở Sơn Hải Quan thì Lý Tự Thành nổi lên vây đánh Yên Kinh. Vua Trang Liệt nhà Minh gọi Ngô Tam Quế về cứu, nhưng về đến nửa đường, Tam Quế được tin Yên Kinh đã thất thủ, Trang Liệt Đế và Hoàng Hậu đã bị giết, Tam Quế lại trở về Sơn Hải Quan.
Lý Tự Thành cho người gọi Tam Quế về hàng, Tam Quế không về. Tự Thành đem quân đến đánh Sơn Hải Quan. Tam Quế xin hàng nhà Thanh để lấy binh về đánh Tự Thành.
Lý Tự Thành đánh thua, phải bỏ Yên Kinh mà chạy, quân nhà Thanh vào giữ Yên Kinh rồi dời kinh sư về đó.
Các quân cựu thần nhà Minh lập Phúc Vương lên làm vua ở Nam Kinh, nhưng sau vì các tướng không hòa với nhau, Phúc Vương phải ra hàng.
Phúc Vương hàng Thanh rồi, Đường Vương xưng đế ở Phúc Châu, chẳng bao lâu cũng bị bắt, phải nhịn ăn mà chết.
Dòng dõi nhà Minh là Quế Vương xưng đế ở đất Triệu Khánh (thuộc tỉnh Quảng Tây) được mấy năm, bị quân nhà Thanh đến đánh, phải chạy sang Diến Điện. Vua Diến Điện bắt Quế Vương nộp cho Ngô Tam Quế. Tam Quế đem giết đi. Từ đấy nhà Thanh nhất thống nước Tàu.
Khi Quế vương xưng đế ở đất Quảng Tây, có ý muốn nhờ An Nam cứu viện, cho nên mới phong cho vua Thần Tông nhà Lê làm An Nam Quốc Vương và phong Trịnh Tráng làm phó vương.
Khi ấy ở phía bắc nước Tàu đang loạn, họ Mạc thì đã về hàng, Trịnh Tráng mới nhân dịp quyết ý đi đánh họ Nguyễn ở phía nam.
3. Tình Thế Họ Nguyễn ở Miền Nam.
Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, bề ngoài tuy vẫn chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bề trong thì hết sức lo sợ phòng bị. Xem như năm Quý Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: "Đất Thuận, Quảng này bên bắc thì có núi Hoàng Sơn, sông Linh Giang, bên nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời." Xem lời ấy thì biết họ Nguyễn đã có ý muốn độc lập để chống với họ Trịnh.
Khi ở ngoài Bắc, Trịnh Tùng mất, chúa Sãi là ông Nguyễn Phúc Nguyên bảo các quan rằng: "Ta muốn nhân dịp này mà ra đánh họ Trịnh, nhưng hiềm vì công việc chưa xong, vậy thì hãy sai người ra phúng điếu, trước là cho phải cái nghĩa hôn nhân với nhau, sau là nhân thể xem tình ý ngoài Bắc ra thế nào."
Bấy giờ ở miền Nam lại có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn Hữu Dật, ông Đào Duy Từ, và ông Nguyễn Hữu Tiến đều là người có tài trí cả.
Nguyễn Hữu Dật là người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng, tài cao, và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bậc văn võ kiêm toàn.
Đào Duy Từ là người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi, ông phẫn trí mới đi vào miền Nam tìm đường lập công, nhưng chưa gặp được người tiến cử cho, bèn vào ở chăn trâu cho một nhà phú gia ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (nay là Bình Định). Ông làm bài "Ngọa Long Cương" để tự ví mình với ông Gia Cát Lượng. Sau có quan Khâm Lý là Trần Đức Hòa biết Duy Từ là người có tài, đem về nuôi, và gả con gái cho, rồi đưa dâng chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội tán, phong làm Lộc Khê Hầu (1).
Nguyễn Hữu Tiến cũng là người Thanh Hóa, làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật, thật là một người làm tướng có tài vậy.
Những người ấy giúp chúa Nguyễn, bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh (2).
Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đủ rồi, chúa Sãi mới ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa, và sai tướng ra chiếm giữ lấy đất Nam Bố Chính là đất ở phía nam sông Linh Giang để làm chỗ chống giữ. Từ đó họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau tai hại trong khoảng 45 năm ở đất Quảng Bình, Hà Tĩnh bây giờ.
4. Đánh Nhau Lần Thứ Nhất.
Năm Đinh Mão (1627) nhân khi nhà Minh bên Tàu còn đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng thì về hàng, Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế từ ba năm về trước.
Tờ sắc làm bằng chữ nôm như sau này:
"Hoàng thượng sắc dụ cho Thái bảo Thụy quốc công là Nguyễn Phúc Nguyên được biết rằng: Mệnh lệnh triều đình, Đạo làm tôi phải nên tuân thủ; Thuế má phủ huyện, Tướng ngoài cõi không được tư chuyên. Trước đây trẫm có sai Công bộ thượng thư là Nguyễn Duy Thì, Bá Khê Hầu là Phan Văn Trị vào Thuận Hóa, đạo đạt tình ý, chỉ bảo đường họa phúc, để cho tỉnh biết mà phục tùng quyền chính triều đình. Không ngờ nhà ngươi mang lòng dùng dằng, tối đường tới lui, nói thoái thác cho lôi thôi ngày tháng, để đến nỗi thuế má thiếu thốn, không đủ việc chi thu, đạo làm tôi như thế đã phải chưa? Nhà ngươi nay nên đổi lỗi trước, giữ gìn phép tắc. Phàm ngạch thuế trong hai xứ Thuận, Quảng, từ năm Quý Hợi về trước, có phải đã mất mùa thì xá cả cho; còn từ năm Giáp Tý đến nay phải tính cho đủ số theo lệ trước, tải thuyền đem ra nộp cho đủ; và phải chỉnh tề binh mã, hoặt thân đến kinh đô triều hạ, hoặc phải sai con đi thay, để coi xem nghi vệ trong nước, và để tỏ giãi tấm lòng làm tôi. Nếu thế thì triều đình sẽ phong thêm cho chức tước vinh hiển, để rạng tỏ đến tổ tông. Nhược bằng thoái thác không đến, thì tức là phạm tội với triều đình.
Khâm tai dụ sắc!"
Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu, và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi không chịu.
Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5,000 quân đi làm tiên phong vào đóng ở xã Hà Trung (tục gọi là Cầu Doanh), rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh mặt Nam.
Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã ra giữ các nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh đến đánh, chết hại rất nhiều. Bọn Nguyễn Hữu Dật lại đặt ra một kế khiến cho quân Trịnh phải rút về, sai người đi nói phao ra rằng ở ngoài Bắc có Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng nghe tin ấy trong bụng sinh nghi, không biết thực hư thế nào, bèn rước vua và rút quân về Bắc.
5. Đánh Nhau Lần Thứ Hai.
Năm Canh Ngọ (1630) chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ, sai người đem sắc dụ ra trả vua Lê, rồi sai tướng đánh lấy phía nam ngạn sông Linh Giang để chống với quân họ Trịnh. Đến năm Quý Dậu (1633) nhân khi chúa Sãi có người con thứ ba tên là Ánh, trấn thủ ở đất Quảng Nam, có ý muốn tranh quyền, bèn sai người đưa thư ra Thăng Long xin chúa Trịnh đem quân vào đánh bắn súng làm hiệu, thì sẽ làm nội ứng. Ánh lại xin chúa Sãi cho ra Trấn thủ đất Quảng Bình để cho tiện làm mưu gian, nhưng chúa Sãi có lòng ngờ, không cho.
Khi Trịnh Tráng được cái thư của ngươi Ánh gửi ra, liền đem đại binh vào đóng ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới).
Chúa Nguyễn sai Nguyễn Vân Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống giữ. Quân Họ Trịnh đến đợi hơn 10 ngày, không thấy tin tức gì của ngươi Ánh, bèn lui quân ra để chờ. Quân lính đợi lâu thành ra lười biếng, quân họ Nguyễn mới xuất kỳ bất ý, đổ ra đánh đuổi. Trịnh Tráng thấy sự không thành, rút quân về.
6. Đánh Nhau Lần Thứ Ba.
Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp làm chúa, gọi là chúa Thượng.
Lúc ấy ngươi Ánh ở Quảng Nam nghe tin chúa Sãi mất rồi, anh lên nối nghiệp, bèn phát binh làm phản - Bấy giờ có Nguyễn Phúc Khê giúp chúa Thượng, sai quân vào đánh bắt được ngươi Ánh, lấy nghĩa "Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn" đem giết đi.
Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh nhau, sai tướng vào đánh đất Nam Bố Chính, giết được tướng họ Nguyễn là Bùi Công Thắng rồi tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ.
Đến năm Quý Tỵ (1643) Trịnh Tráng đem đại binh và rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính. Nhưng bấy giờ đang tiết tháng tư, khí trời nóng lắm, quân sĩ chết hại rất nhiều, Trịnh Tráng phải rút về Bắc.
7. Đánh Nhau Lần Thứ Tư.
Năm Mậu Tý (1648) Trịnh Tráng sai đô đốc Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu (3) đem quân thủy bộ vào đánh miền Nam; bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính; còn thủy quân thì vào đánh cửa Nhật Lệ. Bấy giờ có hai cha con Trương Phúc Phấn cố sức giữ lũy Trường Dục, quân họ Trịnh đánh mã không tiến lên được.
Chúa Nguyễn sai con là Nguyễn Phúc Tần đem binh ra chống giữ với họ Trịnh, khi ra đến Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội các tướng lại bàn rằng: "Quân kia tuy nhiều, nhưng người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm, ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được". Đoạn rồi, một mặt cho thủy quân đi phục sẳn ở sông Cẩm La để chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi đến canh năm xông vào trại quân Trịnh, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quả nhiên quân Trịnh thua to chạy về Bắc, lại gặp quân thủy của họ Nguyễn đón đường đuổi đánh mãi đến sông Lam Giang mới thôi.
Trận ấy quân họ Nguyễn bắt được mấy người tướng và 3,000 quân của họ Trịnh.
Trịnh Tráng thấy quân mình thua, sai Lê Văn Hiểu cùng với Trần Ngọc Hậu lĩnh một vạn quân đóng ở Hà Trung, Lê Hữu Đức cùng với Vũ Lương đóng ở Hoàng Sơn, Phạm Tất Toàn đóng ở đất Bắc Bố Chính để phòng giữ quân họ Nguyễn.
Lúc bấy giờ ở trong Nam thì chúa Thượng mất, truyền nghiệp chúa lại cho con là Nguyễn Phúc Tần, gọi là chúa Hiền. Ở ngoài Bắc thì vua Chân Tông mất, không có con, Trịnh Tráng lại rước Thần Tông, Thái Thượng Hoàng, về làm vua lần nữa.
Họ Trịnh vào đánh họ Nguyễn đã mấy phen, đánh phen nào thì hao binh tổn tướng phen ấy, thế mà vẫn không chịu thôi việc chiến tranh. Đến năm Ất Tỵ (1655) quân nhà Trịnh lại vào đánh đất Nam Bố Chính. Bấy giờ chúa Hiền mới quyết ý đem quân ra đánh họ Trịnh.
8. Đánh Nhau Lần Thứ Năm.
Tháng tư năm Ất Tỵ (1655) chúa Hiền sai Thuận Nghĩa Hầu là Nguyễn Hữu Tiến, Chiêu Vũ Hầu là Nguyễn Hữu Dật đem quân qua sông Linh Giang ra đánh đất Bắc Bố Chính, tướng họ Trịnh là Phạm Tất Toàn về hàng.
Quân nhà Nguyễn tiến lên đến Hoành Sơn, gặp quân của Lê Hữu Đức, đánh đuổi một trận, rồi thừa thắng đánh đến đồn Hà Trung, Lê Văn Hiểu chống không nổi, phải cùng với Lê Hữu Đức rút quân về giữ An Trường (tức là thành Nghệ An bây giờ).
Nguyễn Hữu Tiến đem binh đến đóng ở huyện Thạch Hà, Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức lại sang đóng ở xã Đại Nại.
Trịnh Tráng thấy bọn Lê Văn Hiểu binh bại ở Hà Trung, bèn cho sứ vào triệu về kinh, và sai Trịnh Trượng vào làm Thống lĩnh, kinh lược đất Nghệ An.
Lê Văn Hiểu bị đạn ở chân, về đến nửa đường thì chết; còn bọn Lê Hữu Đức, Vữ Lương đều phải giáng chức cả.
Trịnh Trượng tiến binh lên đến huyện Kỳ Hoa, cho thủy binh vào đóng ở cửa Kỳ La.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh đã tiến, bèn rút quân về sông Linh Giang để nhử quân nghịch. Nhưng mà Trịnh Trượng thấy tự nhiên quân Nguyễn bỏ về như vậy, sợ có mưu kế gì, không dám đuổi, bèn đóng quân ở lại Lạc Xuyên, rồi cho 500 người vào đóng ở đồn Hà Trung.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh không đuổi, bèn đem quân đến đánh quân Trịnh ở Lạc Xuyên; còn Nguyễn Hữu Dật thì đem thủy binh ra đánh cửa Kỳ La, đuổi chiến thuyền của họ Trịnh về cửa Châu Nhai.
Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật thừa thắng tiến binh lên đánh quân họ Trịnh, rồi chiếm giữ lấy đồn Lạc Xuyên. Binh tướng họ Trịnh phải chạy về An Tràng.
Bấy giờ những huyện ở phía nam sông Lam Giang (tức là sông Cả bây giờ) là huyện Kỳ Hoa, huyện Thạch Hà, huyện Thiên Lộc, huyện Nghi Xuân, huyện La Sơn, huyện Hương Sơn, huyện Thanh Chương, cả thảy là bảy huyện đều thuộc về họ Nguyễn cả.
Tin quân Trịnh thua ở Lạc Xuyên ra đến Thăng Long, Trịnh Tráng giáng Trịnh Trượng xuống làm đô đốc, rồi sai con là Trịnh Tạc vào Nghệ An làm Thống lĩnh để chống giữ với quân họ Nguyễn.
Bọn Nguyễn Hữu Tiến thấy quân Trịnh Tạc lại tiến, liền lui quân về đóng ở Hà Trung để giữ trận thế. Nhưng bây giờ ở ngoài Bắc lắm việc, Trịnh Tráng phải gọi Trịnh Tạc về, để tướng là Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An, đóng ở An Tràng, sai Thân Văn Quang, Mẫn Văn Liên đóng ở làng Tiếp Vũ (thuộc huyện Thiên Lộc), thủy quân đóng ở sông Khu Độc (thuộc huyện Nghi Xuân).
Qua năm Bính Thân (1656) quân họ Nguyễn đến đánh đồn Tiếp Vũ, bọn Thân Văn Quang bỏ chạy, Nguyễn Hữu Tiến đem quân đến đóng ở sông Tam Chế. Còn Nguyễn Hữu Dật tiến binh đến núi Hồng Lĩnh, gặp quân họ Trịnh đánh đuổi đến đất Mẫn Tường, rồi lại gặp thủy binh củaVũ Văn Thiêm, đánh phá một trận, Văn Thiêm thua chạy. Quân họ Nguyễn thừa thắng tiến lên đến làng Minh Lương và lành Bình Lạng gặp quân của Đào Quang Nhiêu, hai bên đánh nhau một trận rất dữ. Đào Quang Nhiêu thua chạy về An Tràng, dâng biểu tạ tội và xin viện binh.
Trịnh Tráng sai người con út là Ninh Quận Công Trịnh Toàn (tục hay gọi là ông Ninh) vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An.
Trịnh Toàn vào đến Nghệ An, đốc chư quân tiến lên đến Thạch Hà, sai Đào Quang Nhiêu và Dương Hồ đem binh đến đóng ở làng Hương Bộc và ở làng Đại Nại, sai Lê Sĩ Hậu, Bùi Sĩ Lương đem thủy quân đến đóng ở Nam Giới, và sai Vũ Văn Thiêm đem thủy quân đến đóng ở Châu Nhau.
Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh cử động như vậy, bèn sai bọn Dương Trí, Tống Phúc Khang cùng với Nguyễn Hữu Dật đem thủy bộ quân đến đánh quân Trịnh ở Nam giới, lấy được hơn 30 chiếc thuyền, rồi tràn xuống sông Lam Giang đánh Vũ Văn Thiêm ở Châu Nhai, Vũ Văn Thiêm phải bỏ thuyền mà chạy.
Trịnh Toàn thấy các đạo thủy binh của mình đã thua, bèn rút về đóng ở bến Hoạt, bỗng nghe tin toán quân của Đào Quang Nhiêu bị vây ở Hương bộc, lập tức đem quân đến cứu, hai bên đánh nhau ở làng Đại Nại, quân họ Nguyễn chạy về Hà Trung. Trịnh Toàn và Đào Quang Nhiêu đem quân đuổi đến Tam Lộng, bị quân của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đón đường đánh phá. Trịnh Toàn lại thua, phải chạy về An Tràng.
Trịnh Toàn từ khi vào trấn thủ đất Nghệ An, hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, lòng người đều phục; nhưng chẳng được bao lâu, Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, thấy em có nhiều người mến phục, lấy làm nghi kỵ, bèn cho con là Trịnh Căn vào cùng trấn đất Nghệ An, có ý giữ để cho khỏi biến loạn. Đoạn rồi cho người vào đòi Trịnh Toàn về kinh, trách sao không về chịu tang, bắt bỏ ngục giam chết.
Binh quyền ở Nghệ An giao lại cho Trịnh Căn. Đến tháng sáu năm Đinh Sửu (16570 Trịnh Căn chia quân làm 3 đạo, sai Lê Hiến làm tướng trung quân, sai Hoàng Nghĩa Giao làm tướng tả quân, sai Trịnh Thế Công làm tướng hữu quân, sang sông Lam Giang rồi tiến lên đánh tướng nhà Nguyễn là Tống Hữu Đại ở làng Nam Hoa (thuộc huyện Thanh Chương).
Nhưng vì có người báo trước, bọn Nguyễn Hữu Tiến đã phòng bị cả, đến khi quân Trịnh đến, thì mắc kế phải thua, may nhờ có quân Trịnh Căn tiếp ứng, cho nên mới rút về được.
Từ đó quân hai bên cứ giữ nhau ở sông Lam Giang, thỉnh thoảng đánh nhau một trận, như tháng chạp năm Mậu Tuất (1658), đánh ở làng Tuần Lễ (huyện Hương Sơn), quân họ Nguyễn phải lùi; đến tháng tám năm canh tí (1660) đánh ở Nghi Xuân, quân họ Trịnh thua bỏ thuyền mà chạy; qua tháng 9 năm ấy đang khi quân họ Nguyễn còn đóng ở làng Hoa Viên (tức là làng Xuân Viên bây giờ), Trịnh Căn định sang lấy núi Lận Sơn để giữ trận thế, bèn sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kiêm Toàn đem binh sang ssông Lam Giang ở làng Âm Công, và sai Lê Hiến (4) đi xuống phía Hội Thống rồi sang sông, chờ đến nửa đem thì hai đạo cùng tiến cả.
Đạo quân của Đào Nghĩa Giao đi đến Lận Sơn bị quân của Nguyễn Hữu Dật đánh và vây ngặt lắm. Bấy giờ Trịnh Căn đứng thị chiến trên núi Quyết Dũng (ở gần Bến Thủy bây giờ), trông thấy quân mình bị vây nguy cấp lắm, liền sai quân sang cứu, và truyền cho thủy quân đến bờ sông mà bắn lên, quân họ Nguyễn phải lùi.
Còn đạo quân của Lê Hiến và Mẫn Văn Liên sang đến làng Tả Ao gặp quân họ Nguyễn, hai bên đánh nhau, Mẫn Văn Liên tử trận, nhưng quân họ Nguyễn phải bỏ Hoa Viên lui về đóng ở Nghi Xuân.
Lúc ấy đại quân của Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nghi Xuân, còn Nguyễn Hữu Dật thì đóng ở Khu Đốc. Chúa Hiền cũng đem binh đến tiếp ứng, đóng ở làng Phù Lộ (nay là làng Phù An thuộc huyện Bình Chính, Quảng Bình). Nguyễn Hữu Dật lẻn về ra mắt chúa Hiền, kể đầu đuôi mọi việc đánh lấy thế nào, chúa Hiền mừng lắm, cho Hữu Dật một thanh bảo kiếm bằng vàng và lại sai trở lại đánh giặc.
Nguyễn Hữu Tiến biết việc ấy, trong bụng lấy làm không bằng lòng, và bấy giờ lại nhân có những sĩ tốt mới hàng ở đất Nghệ An, thường hay bỏ trốn, Hữu Tiến bèn hội chư tướng lại để bànx em nên đánh hay là nên lui về. Mọi người đều muốn lui về, duy chỉ có Nguyễn Hữu Dật không chịu.
Khi các tướng họ Nguyễn đang bàn bạc, thì có tin rằng Trịnh Căn sai bọn Lê Hiến đi men bờ bể đến làng Cương Gián, bọn Hoàng Nghĩa Giao đến làng Lũng Trâu và làng Mãn Trưởng, rồi tiến lên đánh ở làng An Điền và ở làng Phù Lưu; quân họ Nguyễn thua. Được tin ấy Nguyễn Hữu Tiến quyết ý đem quân về, nhưng bề ngoài giả tảng truyền lện cho các tướng rằng đến tối 28 thì các đạo đều phải tiến sang đánh An Tràng, Nguyễn Hữu Dật đem binh đi hậu tiếp. Đoạn rồi, dặn riêng các tướng đến nữa đêm rút quân về Nam Bố Chính, không cho Nguyễn Hữu Dật biết. Nguyễn Hữu Dật sắm sửa đâu vào đấy, chờ mãi không có tin tức gì, đến khi cho người đi thámvề nói mới biết quân mình đã rút về Nam rồi. Lúc ấy quân họ Trịnh đã sang sông đến đánh đồn Khu Độc. Hữu Dật mới dùng kế nghi binh để cho quân Trịnh không dám tiến lên, rồi đem binh chạy về, đến Hoành sơn mới gặp quân của Nguyễn Hữu Tiến. Bấy giờ quân Trịnh Căn vừa đuổi đến, hai bên đánh nhau một trận chết hại rất nhiều.
Trịnh Căn lui về đóng ở Kỳ Hoa. Còn bên kia Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nhật Lệ. Nguyễn Hữu Dật đóng ở Đông Cao, giữ các chỗ hiểm yếu. Từ bấy giờ 7 huyện ở vùng sông Lam Giang lại thuộc về đất Bắc.
Trịnh Căn thấy quân họ Nguyễn giữ gìn mọi nơi chắc chắn lắm, liệu thế đánh không được, bèn sai Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An và kiêm lĩnh cả đất Bắc Bố Chính để phòng giữ mọi nơi, rồi về Thăng Long.
9. Đánh Nhau Lần Thứ Sáu.
Đến tháng 10 năm Tân Sửu (1661) Trịnh Tạc cử đại binh và đem vua Lê vào đánh chúa Nguyễn: sai Trịnh Căn làm thống lĩnh, Đào Quang Nhiêu làm Tổng suất, Lê Hiếu và Hoàng Nghĩa Giao làm Đốc suất, Lê Sĩ Triệt và Trịnh Tế làm Đốc thị, đem binh sang sông Linh Giang rồi đến đóng ở làng Phúc Tự.
Quan Trấn thủ Nam Bố Chính của họ Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đóng ở làng Phúc Lộc chia quân ra đắp lũy, giữ vững mọi nơi, quân Trịnh đánh mãi mấy tháng không được.
Đến tháng 3 năm Nhâm Dần (1662), quân mệt, lương hết, Trịnh Tạc phải thu quân và rước vua về Bắc. Nguyễn Hữu Dật đem binh đuổi đánh đến sông Linh Giang mới thôi.
Năm ấy Thần Tông về rồi đến tháng 9 thì mất. Trịnh Tạc lập Thái tử là Duy Vũ lên làm vua tức là vua Huyền Tông. Huyền Tông làm vua được 8 năm thì mất. Trịnh Tạc lại lập Hoàng Đệ là Duy Hội lên làm vua, tức là vua Gia Tông.
10. Đánh Nhau Lần Thứ Bảy.
Từ năm Tân Sửu (1661) quân họ Trịnh thua ở đất Bắc Bố Chính rồi, Trịnh Tạc về phải lo việc nước và phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao Bằng, cho nên không dòm ngó đến phía Nam; mãi đế năm Nhâm Tý (1672) Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân và rước vua Gia Tông và đất Bắc Bố Chính để đánh họ Nguyễn, sai Trịnh Căn làm thủy quân Nguyên Súy, Lê Hiến làm bộ quân Thống suất.
Chúa Hiền cũng sai em thứ tư là Hiệp làm Nguyên Súy đem binh ra cùng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức giữ các nơi hiểm yếu để ngự địch, chúa Hiền đem đại binh đi tiếp ứng.
Quân họ Trịnh đến đánh lũy Trấn Ninh rất hăng, đã hai ba phen sắp phá được lũy, nhưng Nguyễn Hữu Dật hết sức chống giữ, quân Trịnh đánh mãi không được, phải lùi về Bắc Bố Chính. Đến tháng chạp, trời mưa rét và lại nghe tin rằng Trịnh Căn đi đến Linh Giang phải bệnh nặng, Trịnh Tạc bèn sai Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An, Lê Sĩ Triệt làm Đô Đốc đóng ở Hà Trung để giữ các nơi yếu lộ, lấy sông Linh Giang, tức là sông Giang bây giờ mà phân giới hạn Nam Bắc, rồi rút quân về Thăng Long.
Từ đó Năm Bắc thôi việc chiến tranh, mãi đến khi Tây Sơn khởi binh, thì họ Trịnh mới nhân dịp vào đánh lấy đất Thuận Hóa.
Kể từ năm Đinh Mão (1627) đời vua Thần Tông lần thứ nhất, đến năm Nhâm Tý (1672) đời vua Gia Tông, vừa 45 năm, họ Trịnh, họ Nguyễn đánh nhau cả thảy 7 lần. Trong bấy nhiêu lần, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có một lần, đã lấy được 7 huyện ở phía nam sông Lam Giang, nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng với nhau, cho nên lại phải bỏ về giữ đất cũ.
Còn như thế lực binh lương thì họ Trịnh mạnh hơn họ Nguyễn, nhưng người Bắc phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, mà người Nam thì đánh ở đất nhà mình, có đồn lũy chắc chắn, tướng sĩ hết lòng, cho nên thành ra hai bên đối địch chứ không làm gì được nhau, chỉ khổ cho những dân sự, phải sưu dịch vất vả, và bị tàn phá thiệt hại rất nhiều.
Ghi chú:
(1) Đào Duy Từ giúp chúa Sãi được 8 năm thì mất, thọ 63 tuổi.
(2) Đào Duy Từ lập đồn Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình). Và xây cái lũy dài ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới) tức là cái Trường thành ở Quảng Bình bây giờ. Người ta thường gọi lũy ấy là lũy Thầy, nghĩa là lũy của Đào Duy Từ đắp ra.
(3) Có nơi chép là Trịnh Đào hay là Hàn Tiến.
(4) Có sách chép là Lê Thời Hiến.