PDA

View Full Version : Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim



Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 [42] 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55

VietLang
05-12-2007, 11:21 PM
Hiến Tổ (1841 - 1847)

Niên hiệu: Thiệu Trị


1. Đức độ vua Hiến Tổ
2. Việc Chân Lạp
3. Việc Tiêm La
4. Việc giao thiệp với nước Pháp
1. Đức Độ Vua Hiến Tổ.


Tháng giêng năm Tân Sửu (1841) Hoàng Thái Tử húy là Miên Tông lên ngôi ở điện Thái Hòa đặt niên hiệu là Thiệu Trị.

Tính vua Hiến Tổ thuần hòa, không hay bày ra nhiều việc và cũng không được quả cảm như Thánh Tổ. Trong đời Ngài làm vua, học hiệu, chế độ, thuế mà, điều gì cũng theo như triều vua Thánh Tổ cả. Bầy tôi lúc bấy giờ có Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Tiếp trong ngoài ra sức giúp rập. Nhưng mà đất Nam Kỳ có giặc giã, dân Chân Lạp nổi loạn, quân Tiêm La sang đánh phá, nhà vua phải dùng binh đánh dẹp mãi mới xong.


2. Việc Chân Lạp.

Nguyên từ cuối đời đức Thánh Tổ, đất Nam Kỳ và đất Chân Lạp đã có giặc giã, các ông Trương Minh Giảng, Nguyễn Tiến Lâm, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ cứ phải đem quân đi tiễu trừ mãi, đánh được chỗ này thì chỗ kia nổi lên. Sau ở Nam Kỳ lại có Lâm Sâm cùng với bọn thầy chùa làm loạn ở Trà Vinh; ở Chân Lạp thì những người bản xứ cùng với người Tiêm La đánh phá. Quan quân chống không nổi. Triều đình lấy việc ấy làm lo phiền. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), ở trong Triều, ông Tạ Quang Cự tâu xin bỏ đất Chân Lạp, rút quân về giữ An Giang. Vua nghe lời ấy, xuống chiếu truyền cho tướng quân là Trương Minh Giảng rút quân về. Trương Minh Giảng về đến An Giang thì mất. Bởi vì việc kinh lý đất Chân Lạp là ở tay ông cả, nay vì có biến loạn, quan quân phải bỏ thành Trấn Tây mà, ông nghĩ xấu hổ và buồn bực đến nỗi thành bệnh mà chết.


3. Việc Tiêm La.

Khi quân của Nguyễn Tiến Lâm và Nguyễn Công Trứ dẹp xong giặc Lâm Sâm ở Nam Kỳ, thì quân Tiêm La lại đem binh thuyền sang cùng với quân giặc để đánh phá. Vua bèn sai Lê Văn Đức làm tổng thống đem binh tướng đi tiễu trừ. Sai Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhân giữ mặt Vĩnh Tế, Phạm Văn Điển và Nguyễn Văn Nhân giữ mặt Hậu Giang. Ba mặt cùng tiến binh lên đánh, quân Tiêm và quân giặc thua to, phải rút về giữ Trấn Tây. Quan quân đuổi được quân Tiêm La ra ngoài bờ cõi rồi, đặt quân giữ các nơi hiểm yếu để đợi ngày tiến tiễu.

Nguyên là Nặc Ông Đôn (1) đem quân Tiêm La về cứu viện để đánh lấy lại nước. Nhưng khi đến Việt Nam rút về rồi, quân Tiêm La tàn bạo, người Chân Lạp lại không phục, có người sang cầu cứu ở Nam Kỳ, vua bèn sai Võ Văn Giải sang kinh lý việc Chân Lạp.

Tháng sáu năm Ất Tỵ (1845), là năm Thiệu Trị thứ năm, Võ Văn Giải vào đến Gia Định, cùng với Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị, tiến binh sang đánh Chân Lạp, phá được đồn Dây Sắt, lấy lại thành Nam Vang, người Chân Lạp về hàng kể hơn 23,000 người.

Đoạn rồi, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudon).


Tháng chín năm ấy, Chất Tri sai người sang xin hòa. Qua tháng mười thì Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn và Chất Tri ký tờ hòa ước ở nhà hội quán, hai nước đều giải binh. Nguyễn Tri Phương rút quân về đóng ở Trấn Tây, đợi quân Tiêm thi hành những điều ước đã định.

Tháng chạp năm Bính Ngọ (1846), Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem đồ phẩm vật sang triều cống.

Tháng hai năm Đinh Mùi (1847) là năm Thiệu Trị thứ bảy, Triều đình phong cho Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc Vương và phong cho Mỹ Lâm Quận Chúa làm Cao Miên Quận Chúa. Lại xuống chiếu truyền cho quân thứ ở Trấn Tây rút về An Giang. Từ đó nước Chân Lạp lại có vua, và việc ở phía nam mới được yên vậy.


4. Việc Giao Thiệp với nước Pháp.

Từ khi vua Hiến Tổ lên trị vì, thì sự cấm đạo hơi nguôi đi được một ít. Nhưng mà triều đình vẫn ghét đạo, mà những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn giam cả ở Huế. Có người đưa tin ấy cho trung tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroine. Ông Favin Lévêque đem tàu vào Đà Nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha.

Qua năm Ất Tỵ (1845) là năm Thiệu Trị thứ năm có một giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bấy giờ có người quản tàu Mỹ Lợi Kiên ở Đà Nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu tướng sai quân đem chiếc tàu Alemène vào Đà Nẵng lĩnh giám mục ra.

Năm Đinh Mùi (1847) quan nước Pháp được tin rằng ở Huế không còn giáo sĩ phải giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.

Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng ở gần tàu của Pháp và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồn lũy, mới nghi có sự phản trắc gì chăng, bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ neo kéo buồm ra bể.

Vua Hiến Tổ thấy sự trạng như thế, tức giận vô cùng, lại có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo, và trị tội những người trong nước đi theo đạo.

Việc tàu nước Pháp vào bắn ở Đà nẵng xong được mấy ngày tháng, thì vua Hiến Tổ phải bệnh mất. Bấy giờ là tháng chín năm đinh mùi (1847), năm Thiệu Trị thứ bảy. Ngài làm vua được bảy năm, thọ 37 tuổi, miếu hiệu là Hiến tổ Chương Hoàng Đế.


Ghi chú:

(1) Nặc Ông Đôn là em Nặc Ông Chân, cháu nàng Ang-mey là Ngọc Vân quận chúa.